Cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp: một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển

- Cần kiện toàn các tổ chức của nông dân (nhóm sở thích, nhóm liên kết, câu lạc bộ, nhóm liên gia) để liên kết nông dân lại thành các tổ hợp tác, hỗ trợ nhau, sử dụng đầy đủ và hợp lý các máy móc và thiết bị, thực hiện hiệp tác trong sản xuất., tăng sức mặc cả của nông dân khi đàm phán với doanh nghiệp. Sự liên kết nông dân là cần thiết và tất yếu bởi vì sự phân tán, manh mún ruông đất như hiên nay, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đẩt diễn ra chậm chạp vì ruộng đất vẫn là tài sản “an ning hơn”, nông nghiệp vẫn được coi là nguồn kiếm sống cơ bản. Do đó, sự manh mún ruộng đất sẽ vẫn còn, không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Vì thế, nông dân cần liên kết nhau lại là cần thiết để tạo ra cánh đồng mẫu lớn. Mặt khác, chỉ có liên kết lại nông dân mới có điều kiện hợp tác trong sử dụng máy mọc, thiết bị và tăng cao sức mặc cả của nông dân với doanh nghiệp.

doc9 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 7472 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp: một số vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN TRONG NÔNG NGHIỆP: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN GS. TS. Đỗ Kim Chung PGS. TS. Kim Thị Dung Đại học nông nghiệp Hà Nôi MỞ ĐẦU Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” lần đầu tiên xuất hiện ở Đòng bằng sông Cửu Long và được nhân rộng ở 12 tỉnh khu vực đông bằng sông Cửu Long và tỉnh Tây Ninh từ vụ hè thu năm 2011 với diện tích 7.803ha và 6.400 nông hộ tham gia. Tháng 1 năm 2012, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa cho một số tỉnh phía Bắc. Ngày 18 tháng 7 năm 2012, Bộ kê hoạch và đầu tư Phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “cánh đồng mẫu lớn” để đánh giá và nhân rộng mô hình trong phạm vi cả nước. Liên quan đến “cánh đồng mẫu lớn”, có hàng loạt các câu hỏi đặt ra cho các nhà chỉ đạo nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân: cánh đồng mẫu lớn là gì? Tác dụng của cánh đồng mẫu lớn như thế nào? Điều kiện nào để xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”? Cánh đồng mẫu lớn đã phát triển ở Việt Nam như thế nào? và làm thế nào phát triển được “cánh đồng mẫu lớn” trong nông nghiệp? Đi tìm câu trả lời cho các vấn đề ở trên, bài viết này thảo luận một số vấn đề lý luận về cánh đồng mẫu lớn và đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp để phát triển cánh đồng mẫu lớn cho nông nghiệp Việt nam. 1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về “cánh đồng mẫu lớn” 1.1 Khái niệm “cánh đồng mẫu lớn” Cụm từ “Cánh đồng mẫu lớn” lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh An Giang, là tên gọi của cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống xác nhận. Nông dân được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển sản phẩm đến nhà máy, sấy khô và bao tiêu. Quy trình sản xuất này đã cho năng suất và lợi nhuận cao hơn so với canh tác trên cánh đồng nhỏ (Tăng Minh Lộc, 2012). Từ mô hình ở An Giang, “cánh đồng mẫu lớn” đã được nhân rộng ra ở hàng chục tỉnh thành trong cả nước, từ cây lúa, phong trào này đã được nhân rộng sang các cây trồng khác. Vậy cánh đồng mẫu lớn là gì? “Cánh đồng mẫu lớn” là tên gọi của nông dân Nam Bộ, thể hiện rằng đó là một cánh đồng trồng một hay vài loại giống cây trồng với diện tích lớn, có cùng thời vụ và quy trình sản xuất, gắn sản xuất với đảm bảo cung ứng về số lượng và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Về bản chất, cánh đồng mẫu lớn thể hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Vì vậy, có thể xem cánh đồng mẫu lớn có những đặc trưng cơ bản sau đây: Là cánh đồng trồng cây hàng năm như lúa, rau, màu. Đặc điểm này giúp phân biệt với các vườn cây cao su, cà phê hay chè. Diện tích trồng cây trồng đó trên cánh đồng phải “lớn”. “Mẫu lớn” là cụm từ nông dân Nam bộ dùng để chỉ diện tích cánh đồng có thể từ vài ba chục đến hàng trăm hécta. Không có một quy định cụ thể về diện tích cho một cánh đồng mẫu lớn. Quy mô diện tích của cánh đồng khác nhau theo đặc điểm kinh tế-tự nhiên và xã hội của mỗi địa phương, nhưng phải đủ lớn để sử dụng hợp lý và hiệu quả công trình thủy lợi, máy làm đất, máy xạ, hệ thống sấy phơi và cung cấp hàng hóa cho thị trường. Có một số người quan niệm rằng, “mẫu lớn” là “làm mẫu” trên quy mô “lớn”. Cách giải thích này thiên về quan điểm của những người chỉ đạo và nhân rộng mô hình hơn là từ phía nông dân. Theo quan điểm này, từ “mẫu” ở đây được hiểu là hình mẫu trên các phương diện tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, cùng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, cùng thời vụ sinh trưởng và phát triển, gắn sản xuất với thị trường. Cánh đồng có thể có một hay nhiều hộ canh tác. Đặc điểm này nói lên rằng, cánh đồng có thể do một chủ (do kết quả của tích tụ và tập trung ruộng đất) nhưng cũng có thể do nhiều hộ canh tác trên cánh đồng đó. Bình quân một hộ có từ 1-2 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long và 0,4-0,5 ha ở đồng bằng sông Hồng. Vì thế, một cánh đồng mẫu lớn có thể là sự tập hợp từ 30 đến 50 hộ sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và hàng trăm hộ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng trở lên. Cánh đồng sản xuất cùng một (hoặc hai) loại giống cây trồng để phù hợp với nhu cầu thị trường thường là giống xác nhận cấp 1 hoặc cấp 2. Đặc điểm này đòi hỏi, để có cánh đồng mẫu lớn thì cánh đồng đó phải là sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt. Để có sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt phải đồng nhất về giống và chất lượng giống, tạo ra sự sinh trưởng đồng đều về thời vụ, tiện cho áp dụng một quy trình kỹ thuật tiên tiến trong các khâu làm đất, tưới nước, gieo xạ, bảo vệ thực vật, thu hoạch, phơi, sấy, chế biến và tiêu thụ. Có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp nắm vững nhu cầu thị trường, đặt hàng cho nông dân, cung cấp đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Nông dân thực hiện các khâu theo quy trình hướng dẫn và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Đặc điểm này được kể ra cuối cùng nhưng lại là quan trọng nhất. Chỉ có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân tring chuổi giá trị rõ ràng và minh bạch thì mới có thể tạo ra cánh đồng mẫu lớn. Có hiệu quả sản xuất và tiêu thụ cao. Đặc trưng này là cuối cùng nhưng lại là quan trọng nhất. Cánh đồng mẫu lớn phải có đảm bảo đồng đều về năng suấ, năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Do đó, thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng vốn đầu tư phải cao. Lợi ích của nông dân, của nhà daonh nghiệp được đảm bảo. Với nghĩa đó, cụm từ ”mẫu lớn” còn thể hiện làm mẫu về hiệu quả sản xuất. 1.2 Tính tất yếu Việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là đòi hỏi tất yếu của phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hiện nay, ruộng đất trong nông nghiệp Việt Nam phân tán và manh mún. Cả nước hiện có 12,6 triệu hộ nông dân. Bình quân mỗi hộ có 2,2 lao động, canh tác trên 0,4-1,2 ha. Số hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm tới 61,2%. Nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng và miền Trung chỉ dưới 0,3 ha/hộ, cá biệt có xã quy mô đất sản xuất dưới 0,1 ha/hộ (Đỗ Kim Chung, 2010). Sự phân tán và manh mún như vậy sẽ cản trở sự phát triển nông nghiệp hiện đại và hiệu quả. Để phát triển được nông nghiệp hàng hóa cần thiết phải có sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Vì vậy, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là tất yếu và là cụ thể hóa của chủ trương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp đồng với quy mô sản xuất lớn. Hơn nữa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thực hiện nội dung cơ bản của xây dựng nông thôn mới là đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần thực hiện nghị quyết 26 của Trung ương về Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 1.3 Vai trò của cánh đồng mẫu lớn Về lý luận, cánh đồng mẫu lớn tuân theo nguyên lý ”kinh tế của quy mô” (Economize of scale) của sản xuất nông nghiệp. Cánh đồng mẫu lớn có vai trò quan trọng cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa: Gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, gắn sản xuất với thị trường. Sản xuất trên quy mô thể hiện sự liên kết giữa người chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn để đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thị trường về nông phẩm. Do sản xuất trên quy mô lớn, nên tạo điều kiện ứng dụng được quy trình sản xuất tiên tiến để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Chỉ trên cơ sở quy mô lớn mới phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy, áp dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến Tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất. Do ưu thế kinh tế của quy mô, sản xuất trên quy mô lớn, với sự ứng dụng của công nghệ tiên tiến, nông dân có cơ hội tiết kiệm được chi phí (giống, nhiên liệu, chi phí làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, gặt đập và phơi sấy), trên cơ sở đó, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất Giúp nông dân sản xuất nhỏ liên kết nhau lại, hình thành kinh tế hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ. Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn góp phần thúc đẩy liên kết của nông dân với nông dân, liên kết của nông dân với doanh nghiệp, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Góp phần làm cho nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững 1.4 Điều kiện để phát triển cánh đồng mẫu lớn Để phát triển được cánh đồng mẫu lớn, cần phải có các điều kiện sau đây: Phải có quy hoạch sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là điều kiện cơ bản đảm bảo cho cánh đồng mẫu lớn thành công. Chỉ trên cơ sở chủ động về thủy lợi, tưới tiêu, ngăn lũ thì sản xuất lúa trên quy mô lớn mới được đảm bảo và ổn định. Phải có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp mua đầu ra và cung cấp đầu vào. Điều kiện này là cơ bản và quyết định. Chỉ có trên cơ sở liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu, với nông dân mới có thể hình thành nên cánh đồng mẫu lớn. Dựa theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp hợp đồng với nông dân về loại giống lúa cần sản xuất, lượng lúa cần mua, thời gian cần thu mua. Trên cơ sở đó, nông dân tổ chức sản xuất theo một quy trình thống nhất, để tạo ra sản lượng lúa với chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Sự liên kết này còn thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân trong chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo sản xuất lúa đạt chất lượng. Cánh đồng mẫu lớn là khởi điểm của chuỗi giá trị nông nghiệp mà trong đó có sự tham hữu hiệu của danh nghiệp cung cấp đầu vào, nông dân sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra.. Diện tích đủ lớn cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tương đối đồng nhất về chất đất, đặc điểm địa hình cho canh tác. Điều kiện này là tương đối dễ với các vùng đồng bằng, nhất là Nam bộ và sẽ là khó khăn với các vùng canh tác trên đất dốc, vùng đồng bằng địa hình không bằng phảng, không đồng nhất về chất đất. Thống nhất về quy trình sản xuất và hình thức liên kết. Được đầu tư về cơ sở hạ tầng hệ thống kênh mương, máy móc, sấy, phơi phục vụ cho sản xuất tập trung Có sự liên kết giữa nông dân với nông dân. Để hình thành cánh đồng mẫu lớn, các nông dân cần phải có sự liên kết với nhau hình thành nên “nhóm liên gia”, “tổ hợp tác”, “nhóm nông dân cùng sở thích” để hợp tác trong các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bảo vệ thực vật và thu hoạch. Sự liên kết giữa nông dân với nông dân sẽ làm tăng “sức mặc cả” của nông dân khi đàm phán hợp đồng với doanh nghiệp và đảm bảo cho nông dân làm đúng quy trình sản xuất, tăng cao chất lượng và giảm chi phí Có hoạt động hiệu quả của cơ quan quản lý chuyên ngành trong cung cấp các dịch vụ công (thủy lợi, bảo vệ thực vật và khuyến nông, khuyến thương) để giúp cho doanh nghiệp và nông dân triển khai thực hiện tốt hợp đồng 2. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong phát triển cánh đồng mẫu lớn ở Việt Nam 2.1 Thực trạng phát triển “Cánh đồng mẫu lớn” không phải là mới ở Việt Nam, càng không mới với các nước đã có nền nông nghiệp phát triển. Ở các nước phát triển và đang phát triển, với sự phát triển của thị trường, nhiều nơi, sản xuất nông nghiệp đã được diễn ra theo hướng chuyên canh và hàng hóa, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất và chế biến. Vì thế, nhiều cánh đồng quy mô lớn đã hình thành và phát triển, gắn sản xuất với thị trường. Ở Việt Nam, trước thời kỳ đổi mới đã có các cánh đồng quy mô lớn do hợp tác xã và nông trường quốc doanh quản lý. Có nhiều cánh đồng đã tới hàng trăm hécta. Cánh đồng mẫu lớn thời đó thể hiện ở kết quả của nền sản xuất nông nghiệp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Mọi quyết đinh sản xuất không theo tín hiệu thị trường mà theo kế hoạch của “nhà nước”, dưới điều hành của nền kinh tế tập trung dưới hai hình thức sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước. Cánh đồng mẫu lón lúc đó thể hiện tư tưởng phát triển nông nghiệp hướng cung. “Cánh đồng mẫu lớn” thời đó không phát huy tính chủ động sáng tạo của nông dân, không gắn với tín hiệu thị trường nên kết quả và hiệu quả thấp. Khi chuyển đổi nền nông nghiệp sang kinh tế thị trường, ruộng dất được giao cho hộ nông dân với sự chấp nhận của thị trường đất đai, lao động và các đầu vào khác, sự mở cửa của thị trường đầu ra theo xu hướng hội nhập. Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiêp lại trở về manh mún, phân tán do đất đai được chia bình quân cho hộ nông dân và thị trường đất đai chưa thật sự phát triển. Cả nước hiện nay có 12,6 triệu hộ nông dân. Bình quân mỗi hộ có 2,2 lao động, canh tác trên 0,4-1,2 ha. Số hộ có diện tích dưới 0,5 ha chiếm tới 61,2%. Nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng và miền Trung chỉ dưới 0,3 ha/hộ, cá biệt có xã quy mô đất sản xuất dưới 0,1 ha/hộ. Trong nông thôn, tỷ lệ số hộ chia đất của mình cho con cái theo truyền thống kế thừa tài sản chiếm tới 90%, trong số đó, số hộ tập trung ruộng đất để phát triển trang trại chưa đầy 3% (Đỗ Kim chung, 2010). Do vậy, nông nghiệp nước ta có đặc trưng chủ yếu là sản xuất nhỏ và manh mún. Với đặc điểm này, sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, hình thành được “cánh đồng mẫu lớn” được coi là một trong những tiêu chí của phát triển nông nghiệp. Cánh đồng mẫu lớn” lần đầu tiên xuất hiện ở An Giang. Vụ hè thu năm 2007, trên 200 ha, nông dân đã trồng 1 loại giống xác nhận cấp I. Nông dân thu được năng suất từ 7,5 đến 8,0 tấn/ ha, nông dân có lãi trên 150% so với canh tác trên cánh đồng nhỏ (Tăng Minh Lộc, 2012). Khởi xướng từ An Giang, Với những tên gọi khác nhau như Lúa chất lượng cao (Long AN, Cánh đồng hiện đại (Đồng Tháp), Mô hình vùng nguyên liệu (An Giang), Sản xuất theo hướng GAP (Cần Thơ), cánh đồng mẫu lớn sau đó lan rộng ra 12/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh với tổng diện tích 7.803 ha vụ hè thu năm 2011 và 19.724ha vụ đồng xuân năm 2011-2012. Phong trào “Cánh đồng mẫu lớn” còn được lan rộng ra 6 tỉnh thành phía Bắc với khoảng 7.000ha (Nguyễn Trí Ngọc, 2012). Thực tiễn phát triển cánh đồng mẫu lớn ở Việt nam đã chỉ ra ưu việt sau: Tạo cho nông dân thực hiện tốt việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiến bộ và áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt ( VietGAP) vào sản xuất, nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm Tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất. Cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm chi phí làm đất, chi phí thủy lợi, bảo vệ thực vật, gặt đập và phơi sấy. Kết quả khảo sát ở 12 tỉnh Nam Bộ cho thấy, chi phí làm đất giảm 250.000 đồng/ ha, lượng giống giảm (10 kg/ha), phân bón giảm 480.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 110.000 đồng/ha, hạ giá thành lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất trên cánh đồng quy mô nhỏ (Bảng 1) Bảng 1. Hiệu quả kinh tế của các mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ hè thu năm 2011 ở các tỉnh Tỉnh Năng suất (tấn/ha) Thu nhập (triệu đ/ha) Giá thành 1 kg lúa (đ/kg) Giảm số lần phun so với ngoài mô hình (lần) Trong mô hình Tăng so với ngoài mô hình Trong mô hình Giảm so với ngoài mô hình Đồng Tháp 6,00 17,0 2,5 2.493 300 2,1 Long An 7,00 17,5 3,0 2.860 250 2,3 Bạc Liêu 6,00 19,5 3,0 2.763 360 1,9 Tây Ninh 5,00 15,5 2,4 3.100 200 2,0 Trà Vinh 7,23 26,5 7,5 2.300 600 1,7 Nguồn: Tính từ số liệu của Nguyễn Trí Ngọc, 2012 Tạo ra sản lượng lúa hàng hóa tập trung, tiện cho tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu. Một số nơi, do chủ động được sản lượng lúa xuất khẩu, nên đã thu mua lúa của nông dân cao hơn từ 100-200 đồng kg so với các hộ không tham gia cánh đồng mẫu lớn (Cục trồng trọt, 2012). Bước đầu thu hút sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với nông dân để phát triển nông sản hàng hóa. Cánh đồng mẫu lớn ở Nam bộ đã huy động được các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp như Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Gentraco, Công ty CP thuốc bảo vệ thực vật An Giang liên kết với nông dân. Tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đã bước đầu khảng định được mô hình thích hợp về tổ chức sản xuất có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bước đầu đã hình thành mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trong chuỗi giá trị của sản xuất lúa như hợp tác của công ty GenTraco, công ty cổ phần thuốc BVTV An Giang, Công ty Agimex-Ktoku...Nông dân đã bước đầu được tổ chức lại thành nhóm theo khu vực sản xuất. 2.2 Một số vấn đề khó khăn khi xây dựng cánh đồng mẫu lớn Tuy đã đạt được một số kết quả như đã trình bày ở trên, nhưng các địa phương đang gặp một số khó khăn trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các khó khăn đó là: Một số nơi, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông nghiệp chưa được tốt. Ở nhiều địa phương, vùng sản xuất hàng hóa thiếu quy hoạch, chắp vá. Các công trình hạ tầng cho sản xuất tập trung như thủy lợi, kênh mương chưa được tốt, khó khăn cho áp dụng cơ giới hóa ở các khâu canh tác Một số nơi đã chạy theo phong trào trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nghĩa là địa phương tổ chức, vận động các hộ nông dân sản xuất nhất là trồng một loại giống lúa theo quy mô lớn, nhưng không tính đến viêc bao tiêu sản phẩm. Kết quả khảo sát các mô hình đã có liên kết của nông dân với doanh nghiệp cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Có rất ít các doanh nghiệp tham gia liên kết để tiêu thụ sản phẩm (Nguyễn Trí Ngoc, 2012). Kết quả khảo sát tháng 7 năm 2012 tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình và Thanh Hóa cho thấy: mặc dù đã có cánh đồng rộng khoảng 50 ha đã đuợc phát triển nhưng chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Nông dân lo lắng nhất là không có người tiêu thụ sản phẩm cho họ khi được thu hoạch. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các cánh đồng mẫu lớn không được phát triển mạnh, chưa bền vững. Ngay cả ở những nơi đã có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã xảy ra tình trạng Doanh nghiệp hay phá vỡ hợp đồng. Sự phá vỡ hợp đồng của doanh nghiệp thể hiện ở tình trạng: doanh nghiệp không thu mua hoặc không mua đúng hạn nông sản (Hộp 1). Hộp 1. Nông dân và chính quyền đều rất sợ... Nông dân và chính quyền địa phương đều rất sợ và không tin tưởng ở hợp đồng đã ký. Bởi vì chỉ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu thật sự mới mua. Còn không thì đưa ra rất nhiều lý do như lúa ướt, độ ẩm cao, gãy… để không mua lúa của nông dân”. Một lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh A. Đồng bằng sông Cửu Long Hải Hà, 2012 Việc không thực hiện đúng hợp đồng bao tiêu sản phẩm chủ yếu do năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu thấp. Rất nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực trong khâu vận chuyển, phơi sấy, kho trữ đã ký hợp đồng với nông dân. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân thu hoạch đồng loạt dẫn đến dồn ứ, doanh nghiệp không mua hết lúa của nông dân. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần xây dựng đủ kho tàng, phương tiện để đủ khả năng, điều kiện thực hiện hợp đồng. Cần lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn sản xuất. Mặt khác, có những doanh nghiệp cung cấp đầu vào cao hơn giá đã cam kết ở trong hợp đồng, làm cho nông dân kém tin tưởng (Hộp 2). Hơn nữa, Mặc dù quyết định 80CP của Chính phủ đã được thực hiện 10 năm nay, những vẫn chưa có chế tài xử lý những doanh nghiệp "phá vỡ" hợp đồng. Hộp 2. Nông dân không chấp nhận.... HTX Nông nghiệp P. C. với 508 hộ đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 600ha, trong đó 250ha lúa Jasmine được ký hợp đồng bao tiêu với Docimexco, nhưng thực tế không như cam kết. Khi đến vụ sản xuất, Docimexco vẫn cung ứng phân bón, thuốcbảo vệ thực vật cao hơn giá thị trường từ 3 - 5%, tương đương như giá của đại lý cấp III. Vì vậy, nông dân không chấp nhận và đã mua ở đại lý bên ngoài với giá thấp hơn giá Công ty Docimexco cung ứng Chủ nhiệm HTX P. C., Đồng Tháp Một số doanh nghiệp khi tham gia liên kết chưa công bố rõ ràng về tiêu chí về nông phẩm cần thu mua và chưa phổ biến một cách kỹ càng các cam kết của hai bên tới nông dân Một số nơi, việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa lồng ghép với nội dung xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo theo hướng VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt). Một số nơi, nông dân thiếu vốn để mua máy để thực hiện cơ giới hóa (máy sạ hàng, lò sấy, thùng pha thuốc tập trung). Nông dân còn khó khăn khi tiếp cận tới giống được xác nhận. Dịch vụ công như thủy lợi, bảo vệ thực vật và khuyến nông ở một số nơi chưa thật tốt. Công tác dồn điền đổi thửa, nhất là ở các tỉnh Phía bắc diễn ra chậm, đồng ruộng vẫn còn manh mún, hạn chế việc sản xuất nông sản hàng hóa tập trung Sự liên kết của nông dân đã được hình thành, tuy nhiên ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, không thiết thực. 3. Một số giải pháp và chính sách nhằm phát triển cánh đồng mẫu lớn Để phát triển được nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, để hình thành được cánh đồng mẫu lớn, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau: Phải thực hiện tốt công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề cơ bản cho xây dựng cánh đồng mẫu lớn thành công. Trên cơ sở quy hoạch, thực hiện đầu tư công để thực hiện quy hoạch đảm bảo cho các địa phương có cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tốt Không nên “chính trị hóa” quá mức và “chạy theo phong trào cánh đồng mẫu lớn”. Như trên đã thảo luận cánh đồng mẫu lớn là một mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị nông sản. Trong đó có sự kết gắn hữu cơ giữa người bao tiêu sản phẩm, phục vụ thị trường, người sản xuất và người cung cấp đầu vào là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành cánh đồng mẫu lớn. Vì thế, cần có cơ chế và chính sách phù hợp, nhất là chính sách bao tiêu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị nông sản. Chỉ khi nào có sự liên kết về chuỗi giá trị thì mới có điều kiện để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Cần đổi mới quyết định 80CP của Chính phủ theo hướng quy định rõ hành lang pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra và nông dân liên kết với nông dân. Có chính sách khuyến khích và ràng buộc các doanh nghiệp tham gia vào liên kết. Cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp "phá vỡ" hợp đồng với nông dân. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân, tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để xây dựng đủ kho tàng, phương tiện để đủ năng lực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn sản xuất, vận chuyển, phơi sấy sản phẩm để tạo điều kiện thực hiện hợp đồng. Mặt khác, doanh nghiệp cần công bố các tiêu chí về nông phẩm cần thu mua và phổ biến tới người dân một cách kỹ càng để hình thành liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân Cần kiện toàn các tổ chức của nông dân (nhóm sở thích, nhóm liên kết, câu lạc bộ, nhóm liên gia) để liên kết nông dân lại thành các tổ hợp tác, hỗ trợ nhau, sử dụng đầy đủ và hợp lý các máy móc và thiết bị, thực hiện hiệp tác trong sản xuất., tăng sức mặc cả của nông dân khi đàm phán với doanh nghiệp. Sự liên kết nông dân là cần thiết và tất yếu bởi vì sự phân tán, manh mún ruông đất như hiên nay, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đẩt diễn ra chậm chạp vì ruộng đất vẫn là tài sản “an ning hơn”, nông nghiệp vẫn được coi là nguồn kiếm sống cơ bản. Do đó, sự manh mún ruộng đất sẽ vẫn còn, không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Vì thế, nông dân cần liên kết nhau lại là cần thiết để tạo ra cánh đồng mẫu lớn. Mặt khác, chỉ có liên kết lại nông dân mới có điều kiện hợp tác trong sử dụng máy mọc, thiết bị và tăng cao sức mặc cả của nông dân với doanh nghiệp. Cần triển khai lồng ghép việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn với chương trình xây dựng nông thôn mới đang triển khai ở các địa phương, phát triển sản xuất theo hướng áp dụng tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt -VietGAP. Chỉ trên cơ sở áp dụng tốt VietGAP, nông nghiệp mới đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, đáp dứng nhu cầu thị trường, phù hợp với yêu cầu hội nhập. Cần triển khai thực hiện tốt hơn Nghị định 41CP của Chính phủ- cho vay vốn để nông dân có đủ vốn mua máy móc thực hiện cơ giới hóa (mua máy sạ hàng, lò sấy, thùng pha thuốc tập trung) sản xuất nông nghiệp. Nên tăng mức vay tín chấp từ 50 triệu đồng tới 100 triệu đômg/ hộ để nông dân có vốn mua máy móc, thiết bị áp dụng vào sản xuất Cần làm tốt việc cung cấp dịch vụ công như thủy lợi, bảo vệ thực vật và khuyến nông. Cần có hỗ trợ nông dân ở giai đoạn đầu trong tiếp cận tới giống được xác nhận. Đổi mới công tác khuyến nông, gắn khuyến nông với các nhóm nông dân và chỉ đạo từng cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương Cần làm tốt công tác dồn điền đổi thửa và khẩn trương cấp và gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho hộ nông dân và các trang trại để nông dân yên tâm tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất TÀI LIỆU THAM KHẢO Cục trồng trọt, 2012, Báo cáo tổng kết cánh đồng mẫu lớn: Kết quả và những giải pháp, Hà Nội Đỗ Kim Chung, 2010, Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa: Quan điểm và những định hướng chính sách, Nghiên cứu kinh tế số 1 (380) tháng 1 năm 2010, Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội, trang 52-58 Hải Hà, 2012, Cánh đồng mẫu lớn: Khó tìm đầu ra, Dân Việt, 30/3/2012, daong mau lơn kho tim dau ra.htm Tăng Minh Lộc, 2012, Phát triển cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo trình bày tại hội thảo Cánh đồng mẫu lớn, tổ chức tại Hà Nội ngày 18 tháng 7 năm 2012. Nguyễn Trí Ngọc, 2012, Kết quả triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa của cả nước trong vụ hè thu 2011, Dong xuan 2011-2012 và định hướng phát triển trong thời gian tiếp theo, Báo cáo trình bày tại hội thảo Cánh đồng mẫu lớn, tổ chức tại Hà Nội ngày 18 tháng 7 năm 2012 Dân việt, 2012, Doanh nghiệp “bỏ rơi” cánh đồng mẫu lớn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doccanh_dong_mau_lon_gs_chung_9_august_9639.doc
Luận văn liên quan