Chế độ tỷ giá cố định

Mục lục: I.Khái quát về tỷ giá hối đoái. 1.Khái niệm chế độ tỷ giá. 2.Các chế độ tỷ giá 3.Căn cứ xác định chế độ tỷ giá trong lịch sử II.Chế độ tỷ giá cố định 1.Khái niệm 2.Quá trình hình thành và phát triển 2.1.Chế độ tỷ giá cố định lấy vàng làm đơn vị ( chế độ bản vị vàng) 2.2. Chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods ( chế độ cố định theo định danh) 2.3. Chế độ tỷ giá cố định được áp dụng ở một số nước hịên nay 3.Ưu và nhược điểm 4.Sự can thiệp của ngân hàng TW trong việc điều tiết chế độ tỷ giá cố định III.Diễn biến quá trình sử dụng chế độ tỷ giá cố định ở Việt Nam

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6954 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chế độ tỷ giá cố định, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh Khoa Kinh Tế -Luật Môn: TÀI CHÍNH QUỐC TẾ Đề tài : Chế độ tỷ giá cố định Danh sách nhóm thực hiện (Lớp K07402A): 1.Vương Kim Liên 2.Hồ Ngọc Hân 3.Lưu Thị Tú Trinh 4.Trần Hà Minh Hường 5.Nguyễn Thị Tuấn Anh 6.Trần Thị Thanh Thảo Tp.HCM, tháng 9/2009 Mục lục: I.Khái quát về tỷ giá hối đoái. 1.Khái niệm chế độ tỷ giá. 2.Các chế độ tỷ giá 3.Căn cứ xác định chế độ tỷ giá trong lịch sử II.Chế độ tỷ giá cố định 1.Khái niệm 2.Quá trình hình thành và phát triển 2.1.Chế độ tỷ giá cố định lấy vàng làm đơn vị ( chế độ bản vị vàng) 2.2. Chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods ( chế độ cố định theo định danh) 2.3. Chế độ tỷ giá cố định được áp dụng ở một số nước hịên nay 3.Ưu và nhược điểm 4.Sự can thiệp của ngân hàng TW trong việc điều tiết chế độ tỷ giá cố định III.Diễn biến quá trình sử dụng chế độ tỷ giá cố định ở Việt Nam I.Khái quát về chế độ tỷ giá hối đoái: *Khái niệm tỷ giá : Tỷ giá nói chung là số đơn vị đồng tiền định giá trên một đơn vị đồng tiền yết giá. Đối với một quốc gia cụ thể thì tỷ giá là số đơn vị nội tệ trên một đơn vị ngoại tệ, nghĩa là đồng ngoại tệ đóng vai trò là đồng tiền yết giá, còn đồng nội tệ đóng vai trò là đồng tiền định giá. 1.Khái niệm chế độ tỷ giá: Về mặt thuật ngữ, chế độ tỷ giá (Exchange rate regime) còn có các tên gọi khác nhau như cơ chế tỷ giá (exchange rate mechanism) hay cấu trúc tỷ giá (exchange rate arrangement). Tỷ giá vừa là một phạm trù kinh tế vừa là một công cụ của chính sách kinh tế của chính phủ.Vì là công cụ của chính sách kinh tế nên tỷ giá chứa đựng những yếu tố chủ quan, chính vì vậy, các quốc gia luôn xây dựng những quy tắc, cơ chế xác định và điều tiết tỷ giá của riêng mình. Tập hợp các quy tắc, cơ chế xác định và điều tiết tỷ giá của một quốc gia tạo nên chế độ tỷ giá của quốc gia này. Chế độ tỷ giá hối đoái ở mỗi nước và mỗi thời kỳ có thể khác nhau, song về cơ bản là chế độ tỷ giá "thả nổi" theo đó thị trường quy định những biến động của tỷ giá hối đoái, hoặc ngược lại hoàn toàn là chế độ tỷ giá hối đoái "cố định" theo đó nhà nước sẽ can thiệp để tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của nước mình với đồng tiền (các) nước khác không đổi, hoặc là một chế độ nằm giữa hai giải pháp góc đó. 2.Các chế độ tỷ giá Tính chất đa dạng của các chế độ tỷ giá phụ thuộc vào vai trò của chính phủ và vai trò của thị trường trong việc hình thành tỷ giá. Theo mức độ can thiệp tăng dần của chính phủ, có thể nêu ra 3 chế độ tỷ giá đặc trưng : Chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn , chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết, chế độ tỷ giá cố định. 3.Căn cứ xác định tỷ giá trong lịch sử - Căn cứ giá ngang giá vàng - chế độ bản vị vàng - Căn cứ vào giá trị đồng Bảng Anh - Chế độ bản bị đồng Bảng Anh - Căn cứ vào giá trị đồng Đô-la Mỹ - Chế độ tỷ giá đồng Đô-la Mỹ - Căn cứ vào quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường - Kết hợp giữa cung cầu ngoại tệ trên thị trường và sự điều tiết của chính phủ. II.Chế độ tỷ giá cố định. Các hệ thống tỷ giá khác nhau đã và đang được các nước sử dụng trong khi đang hội nhập với phần còn lại của thế giới - cụ thể là chế độ tỷ giá thả nổi thuần túy, thả nổi có quản lý, tỷ giá cố định, hay một chuẩn tiền tệ (currency board) giống như Argentina. Mỗi hệ thống đều có ảnh hưởng đối với tính hiệu quả của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá 1.Khái niệm chế độ tỷ giá cố định Tỷ giá được quyết định bởi NHTW. NHTW công bố mức tỷ giá chính thức và cam kết can thiệp để duy trì một mức tỷ giá cố định, gọi là tỷ giá trung tâm trong một biên độ hẹp đã được định trước và để duy trì khả năng chuyển đổi đồng tiền trong nước với đồng tiền nước ngoài theo giá công bố giá đã ấn định thì NHTW phải điều hòa lượng ngoại tệ trên thị trường ngoại hối để đảm bảo cân bằng cung cầu ngoại tệ. Một ví dụ điển hình là hiệp định Bretton Woods, khi mỗi đồng tiền đều được định giá theo vàng nên giá trị của chúng đối với nhau cố định, và các chính phủ can thiệp vào thị trường ngoại hối để đảm bảo tỷ giá hối đoái không dao động quá ±1% tỷ giá ban đầu. Với môi trường tỷ giá hối đoái cố định, nhiệm vụ quản lý các rủi ro phát sinh do dao động tỷ giá trong một công ty đa quốc gia ít khó khăn hơn. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro là chính phủ sẽ thay đổi giá trị của đồng tiền. 2.Quá trình hình thành và phát triển Lịch sử phát triển thế giới trải qua nhiều thăng trầm, từ những thời kỳ phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh đến những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng. Cùng với đó là sự phát triển của thị trường tài chính thế giới và sự thay dổi chế độ tỉ giá. Căn cứ trên tiêu thức là sự phát triển của cả hệ thống tài chính thế giới thì chế độ tỷ giá đã trải qua các thời kỳ cơ bản : chế độ tỷ giá hối đoái cố định một cách tự nhiên theo bản vị vàng, chế dộ tỷ giá hối đoái cố định theo danh định Bretton Woods, Chế độ tỷ giá hối đoái Giamaica, Chế độ tỷ giá hối đoái bán thả nổi đặc trưng hiện nay , … Với mục đích tìm hiểu về chế độ tỷ giá cố định bài viết sẽ chỉ tập trung vào chế độ bản vị vàng, chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods và chế độ tỷ giá cố định hiện hành trên thế giới. 2.1.Chế độ tỷ giá cố định lấy vàng làm đơn vị ( chế độ bản vị vàng) Cho đến thời kỳ cận đại thương mại quốc tế vẫn hoạt động trên cơ sở “Bản vị hàng hóa”, kim loại là hàng hóa ( chủ yếu là vàng, bạc) được đúc thành từng khối với chức năng làm phương tiện trao đổi và lưu thông trong nền kinh tế. Thời kỳ đầu kim loại được đúc chủ yếu ở dạng tùy ý , thành những thỏi hay những chiếc vòng về sau để phù hợp với giao thương quốc tế những phát kiến đã tiêu chuẩn hóa tiền tệ về trọng lượng, chất lượng và nhãn mác. Ở dạng tinh khiết , bản vị hàng hóa kim loại hoạt động trên cơ sở giá trị đầy đủ của các đồng xu, tức giá trị tiền tệ của chúng cũng là giá trị kim loại của đồng xu. Mặc dù nước Anh hoạt động dưới chế độ bản vị vàng trong hầu hết thế kỷ XIX nhưng chế độ này vẫn chưa được áp dụng phổ biến cho đến những năm 1870. Thập niên 1870 đánh dấu việc chuyển sang chế độ bản vị vàng của hầu hết các nước châu Âu mà dẫn đầu là Đức, Mỹ cũng chuyển sang chế độ này vào 1879. Đến 1880 bản vị vàng đã phát triển thành Hệ thống tiền tệ quốc tế với hầu hết các nước áp dụng.Giai đoạn 1880 – 1914 được xem là thời kỳ hoàng kim của bản vị vàng. Trong chế độ bản vị vàng tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền được xác định trên cơ sở so sánh hàm lượng vàng giữa hai đồng tiền với nhau, so sánh đó gọi là ngang giá vàng hay đồng giá vàng. Tỷ giá hối đoái tách khỏi ngang giá vàng rất ít, nó giao động xung quanh đồng giá vàng và trong giới hạn của điểm vàng (Điểm vàng là điểm mà ở đó nếu tỷ giá vượt qua hoặc nhỏ hơn thì sẽ xảy ra hiện tượng nhập vàng hoặc xuất vàng để thanh toán hợp đồng mua bán ngoại thương). Giới hạn lên xuống của tỷ giá hối đoái là ngang giá vàng cộng hoặc trừ chi phí vận chuyển vàng giữa các nước hữu quan. Chế độ bản vị vàng cũng đã trải qua nhiều biến đổi, lúc mới hình thành là chế độ bản vị tiền vàng ( chế độ cố định theo vàng) sau đó chuyển dần sang chế độ bản vị vàng thoi và cuối cùng là chế độ bản vị vàng hối đoái. Hoạt động của chế độ bản vị vàng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản sau. Thứ nhất, các quốc gia ấn định cố định giá trị đồng tiền của mình với vàng. Thứ hai, xuất khẩu và nhập khẩu vàng giữa các quốc gia được tự do hoạt động.Do vàng được chu chuyển tự do giữa các quốc gia nên tỷ giá trao đổi thực tế trên thị trường tự do không biến động đáng kể so với bản vị vàng. Thứ ba, ngân hàng trung ương luôn phải duy trì một lượng vàng dự trữ trong mối quan hệ trực tiếp với số tiền phát hành để đảm bảo việc chuyển đổi từ tiền ra vàng không gặp trở ngại. Hoạt động kinh tế vĩ mô dưới chế độ bản vị vàng có những đặc trưng. Tồn tại luồng vàng ròng chảy từ quốc gia có thâm hụt đế quốc gia có thặng dư cán cân thanh toán. Cung ứng tiền tăng ở quốc gia có thặng dư cán cân thanh toán sẽ tạo ra các hiệu ứng : tạo áp lực tăng giá, lãi suất có xu hướng giảm, tăng nhập khẩu từ quốc gia có thâm hụt cán cân thanh toán. Cung ứng tiền giẩm ở các quốc gia thâm hụt cán cân thanh toán sẽ tạo ra các hiệu ứng : tạo áp lực giảm giá, lãi suất có xu hướng tăng, giảm nhập khẩu từ quốc gia có thặng dư cán cân thanh toán. Quá trình này diễn ra thường xuyên, liên tục chùng nào cán cân thanh toán của các nước chưa đạt đến trạng thái cân bằng. 2.2. Chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods ( chế độ cố định theo định danh) Cuộc đại suy thoái kinh tế vào năm 1929 -1933 đã làm sụp đổ hệ thống ngân hàng trên thế giới. Cùng với nó là sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng, hệ thống tiền tệ quốc tế trở nên rệu rã, mất liên kết. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II những cuộc thương thuyết về tái thiết IMS đã diễn ra giữa Mỹ và Anh. Cuối cùng Hội nghị tiền tệ quốc tế bao gồm 44 nước diễn ra ở Bretton Woods, New Hampshire (từ ngày 1/7 đến 20/7 năm 1944) đã phê chuẩn BWS. BWS có hai điểm cơ bản đó là hệ thống chế độ tỷ giá là cố định nhưng có thể điều chính và hình thành hai tổ chức quốc tế mới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF – International Monetary Fund) và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế còn được gọi tắt là Ngân hàng thế giới (WB – World Bank). BWS hình thành hệ thống chế độ tỷ giá cố định nhưng có thể điều chỉnh. Mỗi quốc gia được ấn định một tỷ giá trung tâm với USD và được phép dao động trong biên độ ± 1% . Tỷ giá đồng USD tự nó được cố định với giá vàng là $35/ounce. Việc cố định tỷ giá USD vào giá vàng là đảm bảo cho BWS có được sự tin tưởng vì năm 1945 dự trữ vàng của Mỹ chiếm 70% dự trữ vàng của thế giới, mặt khác chính phủ Mỹ cam kết duy trì chuyển đổi USD ra vàng không hạn chế tại mức giá cố định $35/ounce. Do đó USD là một công cụ dự trữ đáng tin cậy cho ngân hàng các nước. USD đã trở thành cầu nối cho toàn bộ hệ thống tiền tệ thế giới đến với vàng. Có thể nói USD đã trở thành bản vị của chế độ Bretton Woods hay còn gọi là đồng đô la vàng. Mỗi quốc gia được yêu cầu duy trì tỷ giá trung tâm của đồng bản tệ với USD nhưng trong trường hợp cán cân thanh toán quốc tế bị mất cân đối cơ bản thì có thể tiến hành phá giá hay nâng giá đồng tiền không quá 10% nếu không được IMF cho phép. Chế độ Bretton Woods đã đạt được những thành công và kết quả đáng ghi nhận trong hơn 20 năm (1947-1971) nhưng bản thân nó cũng chứa đựng nhiều bất ổn. Đến năm 1971 tổng thống Mỹ Nixon chính thức bãi bỏ việc đổi ra vàng của USD và tuyên bố phá giá đồng USD 7,89% ( 1 USD = 0,8185 gam vàng), tháng 3/1971 Mỹ phá giá lần thứ 2 (-10%). Một loạt sự kiện quan trọng liên tiếp xảy ra sau khi Mỹ phá giá USD, tháng 6 năm 1972 nước Anh thả nổi đồng Pound, tháng 1 năm 1973 Thụy Sĩ cho phép đồng franc thả nổi đối với USD, tháng 2/1973 Nhật cũng tiếp bước các nước trên. Nạn đầu cơ vào USD vào đầu tháng 3/1973 ngày càng tăng buộc thị trường ngoại hối phải đóng cửa và khi mở cửa lại vào ngày 19 tháng 3 năm 1973 thì các đồng tiền của Châu Âu đã liên kết cùng thả nổi với USD. Như vậy BWS hoàn toàn sụp đổ. Các nhà kinh tế học, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phân tích, lý giải về sự sụp đổ của Bretton Woods , chúng ta có thể tìm hiểu một số nguyên nhân cơ bản. Đầu tiên hãy xét đến vấn đề thanh khoản.Theo Robert Triffin, quan hệ bản vị giữa USD và vàng luôn tồn tại một sự không nhất quán.BWS chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi các ngân hang trung ương các nước thành viên còn long tin để nắm giữ USD làm dự trữ, và long tin vào USD chỉ tồn tại chừng nào ngân hang trung ương Mỹ còn tiếp tục đổi USD ra vàng với giá $35/ounce. Trong khi đó, thương mại quốc tế phát triển sẽ làm tăng dự trữ ngoại hối quốc tế mà chủ yếu là USD. Dự trữ ngoại hối quốc tế tăng chỉ có thể xảy ra khi BP( The Balance of Payments – Cán cân thanh toán quốc tế) của Mỹ phải thâm hụt và BP của các nước khác là thặng dư., hơn nữa do BP là thặng dư nên để duy trì sức cạnh tranh thương mại quốc tế buộc các nước phải tiếp tục mua USD vào để ngăn ngừa đồng bản tệ lên giá . Sau một thời gian nhất định thì tài sản nợ của Mỹ đối với phần thế giới còn lại tăng lên nhanh chóng.Kết quả là tài sản nợ của Mỹ tăng nhanh hơn lượng vàng Mỹ khai thác được bổ sung vào dự trữ. Điều này có nghĩa là khả năng chuyển đổi Toàn bộ tài sản nợ bằng USD ra vàng tại mức giá $35/ounce là không thể thực hiện. Triffin đã tiên đoán rằng : một khi chính phủ Mỹ mất khả năng thanh toán ( USD được dự tính là sẽ phá giá đối với vàng ) thì các ngân hang trung ương nước ngoài sẽ chuyển đổi USD dự trữ của mình ra vàng , do lượng vàng không đủ nên cuối cùng chính phủ MỸ sẽ buộc phải từ chối việc chuyển đổi từ USD ra vàng , nghĩa là chấm dứt duy trì tỷ giá cố định với USD, làm cho BWS sụp đổ. Triffin chỉ ra một thế tiến thoái lưỡng nan rằng : một mặt, nếu BP của Mỹ tiếp tục thâm hụt thì sẽ làm xói mòn hiệu lực của BWS ; mặt khác nếu Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thâm hụt BP sẽ dẫn đến thiếu hụt dự trữ quốc tế, điều này làm hạn chế thương mại quốc tê,tạo áp lực thiểu phát cho nền kinh tế thế giới. Nếu giải thích theo Định luật Gresham ta có thể nhìn nhận thấu đáo nội dung bên trong sự sụp đổ của BWS. Thomas Gresham đưa ra định luât : khi tỉ lệ trao đổi giữa hai tài sản là không nhất quán trên thị trường chính thức và trên thị trường tự do, thì tài sản được định giá thấp trên thị trường chính thức sẽ bị loại ra khỏi lưu thông, trong khi đó tài sản được định giá cao sẽ tiếp tục được ở lại trong lưu thông. Áp dụng định luật cho trường hợp BWS, tỷ lệ trao đổi chính thức giữa USD và vàng là $35/ounce , trong giai đoạn 1959-1969 chỉ số giá cả chung ở Mỹ tăng 40% như vậy nếu các nhân tố khác không đổi thì giá vàng cũng tăng với mức 40%. Giá vàng trên thị trường tự do luôn chịu áp lực gia tăng dẫn đến hình thành một thị trường vàng tự do với mức giá cả do cung cầu trên thị trường quyết định ; sự biến động của giá vàng trên thị trường tự do dần có sự độc lập tương đối với giá vàng chính thức và giữa chúng có khoảng cách ngày càng lớn.Như vậy khi giá vàng chính thức bị định giá thấp hơn giá vàng trên thị trường tự đã kích thích các NHTW nước ngoài ồ ạt đổi dự trữ USD ra vàng tại tỷ giá chính thức sau đó bán lại số vàng này trên thị trường tự do với giá cao và thu được lợi nhuận. Khi Mỹ tuyên bố chấm dứt chuyển đổi USD ra vàng theo định luật Gresham có thể nói USD đã đẩy vàng ra khỏi lưu thông. Một nguyên nhân rất quan trọng nữa đó là việc BWS thiếu vắng một cơ chế điều chỉnh có hệ thống và nhất quán.BWS cho phép điều chỉnh tỷ giá chính thức như một biện pháp cuối cùng để điều chỉnh sự mất cân đối cơ bản trong BP của các nước thành viên. Tuy nhiên thế nào là mất cân đối cơ bản không được xác định rõ ràng, không có những thống nhất cụ thể trong cơ chế điều chỉnh đã làm giảm khả năng ứng phó của BWS cũng như không có khả năng buộc các quốc gia phải phải điều chỉnh tỷ giá khi BP mất cân đối. Vậy nên BWS đi đến vực thẳm là tất yếu. 2.3. Chế độ tỷ giá cố định được áp dụng ở một số nước hịên nay Sau khi BWS sụp đổ, thị trường tài chính thế giới đã trải qua nhiều biến động với sự thay đổi chế độ tỷ giá hối đoái. Các quốc gia không chỉ áp dụng một chế độ tỷ giá trong suốt một thời gian dài mà có sự thay đổi chế độ tỷ giá để phù hợp với tình hình kinh tế quốc tế và chính sách phát triển vĩ mô của quốc gia. Hiện nay có một số chế độ tỷ giá cố định vẫn đang được sử dụng như : chế độ bản vị tiiền tệ, chế độ tỷ giá cố định thông thường, chế độ tỷ giá cố định với biên độ giao động rộng, chế độ tỷ giá cố định trượt, chế độ tỷ giá cố định trượt có biên độ. Chế độ bản vị tiền tệ là chế độ tỷ giá có sự cam kết chính thức của chính phủ chuyển đổi nội tệ sang ngoại tệ là đồng tiền bản vị tại một mức tỷ giá cố định. Như Hong Kong chuyển đổi đô la Hong Kong ra USD với tỷ giá 1HKD = 0,129031USD hay Đô la Brunei có mức tỷ giá 1BND = 0,706165 USD.Nền kinh tế theo chế độ này sẽ có lãi suất thấp, từ đó có thể kích thích đầu tư phát triển kinh tế.Tuy vậy cơ chế này lại hạn chế khả năng hấp thụ các thay đổi của nền kinh tế vì vậy sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng, thất nghiệp. Mục tiêu của chế độ bản vị tiền tệ là cố định tỷ giá cho nên các quốc gia theo đuổi chế độ này có thể phải trả giá đối với các mục tiêu kinh tế khác. Chế độ tỷ giá cố định thông thường hiện nay được khá nhiều nước áp dụng.Theo chế độ tỷ giá này, chính phủ sẽ neo đồng tiền của mình với một hay một rổ các đồng tiền tại một mức tỷ giá cố định, đồng thời cho phép tỷ giá giao động trong biên độ hẹp tối đa là ± 1% xung quanh tỷ giá trung tâm. Theo báo cáo của IMF năm 2008 thì Việt Nam cũng đang sử dụng chế độ tỷ giá này. Chế độ tỷ giá cố định với biên độ giao động rộng hiện nay có khá ít nước áp dụng. Nếu như chế độ tỷ giá cố định thông thường biên độ giao động tỷ giá dưới 1% thì biên độ giao động rộng cho phép tỷ giá giao động rộng hơn mức 1% so với tỷ giá trung tâm. Chế độ tỷ giá cố định trượt là chính sách tỷ giá hối đoái được xem là giải pháp để phá giá từng bước đồng tiền của một quốc gia. Ngân hàng TW ấn định một mức tỷ giá cố định, định kỳ tỷ giá trung tâm sẽ được điều chỉnh theo một tỷ lệ nhất định đã thông báo trước hoặc để phản ánh những thay đổi trong một số chỉ tiêu nhất định đã được lựa chọn ( lạm phát, cán cân thương mại). Chế độ này giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả, tạo ra tâm lý an toàn và tin tưởng của thị trường nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm : Nếu dự trữ ngoại tệ không thuyết phục, tỷ giá hối đoái cố định này có thể sụp đổ nếu không đủ khả năng bảo vệ được mức điều chỉnh mà Ngân hàng nhà nước xác định trước; Rất dễ tiêu hao ngoại tệ để bảo vệ được mục tiêu điều chỉnh; Và đường đi của tỷ giá được xác định trước thường là theo kỳ vọng cho nên tạo ra tâm lý giữ ngoại tệ, luôn tạo áp lực thiếu hụt ngoại tệ trên thị trường. Trung Quốc cũng được xếp vào nhóm nước sử dụng chế độ này. Chế độ tỷ giá cố định trượt có biên độ gần giống với chế độ cố định trượt chỉ thêm vào một nội dung đó là Ngân hàng nhà nước cho phép thị trường giao dịch với một biên độ nhất định xung quanh tỷ giá trung tâm tùy theo mức độ phá giá đồng tiền. Hiện nay chỉ có Costa Rica, và Azerbaijan là đang thực hiện chế độ này. BẢNG CHẾ ĐỘ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI PHÂN THEO NHÓM (2008) Chế độ tỷ giá hối đoái Tên quốc gia 1. Chế độ tỷ gía không có đồng tiền pháp định riêng Ecuador, El Salvador, Marshall Islands, Micronesia Fed, States of Palau, Panama, Timor-Leste, Montenegro, SanMarino, Kiribati 2.Chế độ bản vị tiền tệ Antiguaand, Barbuda2, Djibouti, Dominica2,Grenada2, Hong Kong SAR, St. Kitts and Nevis2, St. Lucia2, St. Vincent and the Grenadines2, Bosnia and Herzegovina Bulgaria, Estonia3, Lithuania3, Brunei, Darussalam 3.Chế độ tỷ giá cố định thông thường Angola, Argentina, Aruba,Bahamas, The Bahrain, Bangladesh, Barbados, Belarus, Belize, Eritrea, Guyana, Honduras, Jordan, Kazakhstan, Lebanon, Malawi, Maldives,Mongolia, Netherlands, Antilles, Oman, Qatar, Rwanda, Saudi Arabia, Seychelles, Sierra Leone, Solomon Islands,Sri Lanka, Suriname, Tajikistan, Trinidad and Tobago, Turkmenistan, United Arab Emirates,Venezuela, Rep. Bolivariana de, Vietnam, Yemen, Rep. of Zimbabwe, Benin4, Burkina Faso4, Cameroon5, Cape Verde, Central African Rep. 5,Chad5, Comoros, Congo Rep. of5 ,Côte d'Ivoire4, Croatia, Denmark3, Equatorial Guinea 5,Gabon 5,Guinea-Bissau4, Latvia3,Macedonia, FYR; Mali4, Niger4, Senegal4,Togo4, Fiji, Kuwait, Libya, Morocco, Russian Federation, Samoa, Tunisia, Bhutan, Lesotho, Namibia, Nepal, Swaziland, Argentina, Malawi,Rwanda, Sierra , Leone 4.Chế độ tỷ giá cố định với biên độ giao động rộng Slovak Rep.3, Syria, Tonga 5.Chế độ tỷ giá cố định trượt Bolivia, China, Ethiopia, Iraq, Nicaragua, Uzbekistan, Botswana, Iran, I.R. of 6.Chế độ tỷ giá cố định trượt có biên độ Costa Rica, Azerbaijan 7. Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết không báo trước Cambodia, Kyrgyz, Rep.Lao, P.D.R.Liberia, Mauritania, Mauritius, Myanmar, Ukraine, Algeria, Singapore, Vanuatu, Afghanistan, I.R. of Burundi, Gambia, The Georgia, Guinea, Haiti, Jamaica, Kenya, Madagascar, Moldova, Mozambique, Nigeria, Papua New Guinea, São Tomé and Príncipe,Sudan, Tanzania,Uganda, Armenia6, Colombia, Ghana, Guatemala, Indonesia, Peru, Romania, Serbia6, Thailand, Uruguay, Dominican, Rep.Egypt, India, Malaysia, Pakistan, Paraguay 8. Chế độ tỷ giá thả nổi độc lập Zambia, Albania, Australia, Austria7, Belgium7, Brazil, Canada, Chile, Cyprus7,Czech Rep., Finland7, France7, Germany7, Greece7, Hungary, Iceland, Ireland7, Israel, Italy7, Rep of Korea , Luxembourg7, Malta7, Mexico, Netherlands7, New Zealand, Norway, Philippines, Poland, Portugal7, Slovenia7, South Africa, Spain7, Sweden, Turkey, United Kingdom, Congo, Dem. Rep. of Japan, Somalia8, Switzerland, United States 3.Ưu và nhược điểm của chế độ tỷ giá cố định 3.1. Ưu điểm của chế độ tỷ giá cố định Chính phủ và ngân hàng trung ương dễ dàng đạt được các mục tiêu liên quan kiểm soát lạm phát hiệu quả,tạo tâm lí an toàn ,tin tưởng. Mặc dù việc thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi sẽ hạn chế khả năng của chính phủ trong vận hành một chính sách tiền tệ nội địa độc lập nhằm duy trì ổn định kinh tế trong nước, song trong thực tế, nhiều chính phủ vẫn thích chế độ tỷ giá hối đoái cố định bởi nó tạo ra sự ổn định vì vậy không cần phải dự phòng cho rủi ro tỷ giá. Trong lịch sử, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã từng tồn tại hệ thống Bretton Woods cho phép Tây Âu và Nhật Bản có được tỷ giá cố định so với dollar Mỹ cho đến tận năm 1970. Gần đây, Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia đã rất thành công trong việc duy trì tỷ giá hối đoái cố định để giữ ổn định kinh tế trong nước. Đồng euro hiện nay cũng có thể được xem là một chế độ tỷ giá hối đoái cố định giữa các quốc gia châu Âu tham gia. 3.2. Nhược điểm của tỷ giá cố định -Thị trường ngoại hối không phát triển và luôn tiềm ẩn những hạn chế và tình trạng mất cân đối cung cầu , làm cho dự trữ ngoại hối của NHTW thay đổi. -Tình trạng khan hiếm ngoại tệ rất phổ biến hạn chế sự phát triển thương mại quốc tế -Chi phí can thiệp và quản lý dự trữ ngoại hối rất lớn -Chế độ tỷ giá hối đoái ổn định (không có rủi ro hối đoái) tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tận dụng chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ; chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế để đầu cơ tiền tệ, khiến cho thị trường biến động mạnh, tình trạng thừa, thiếu ngoại tệ rất khó dự báo, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Nhiều quan điểm cho rằng tỷ giá hối đoái cố định quá cứng nhắc nên che mất những thông tin cần thiết cho thị trường hoạt động đúng hướng. Đó là vì đồng tiền không còn thể hiện giá trị thị trường thực của chúng. Sự che đậy thông tin nào tạo ra tính không chắc chắn, kích thích các kẻ đầu cơ "tấn công" các đồng tiền cố định và nhiều nước sẽ mất sạch cả dự trữ ngoại hối khi cố gắng bảo vệ đồng tiền của mình chứ không chịu để nó mất giá. Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một trường hợp như vậy. Từ năm 1985 đến năm 1995, kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 9%. Cuối năm 1996, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF đã cảnh báo nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng quá nóng và bong bóng kinh tế có thể không giữ được lâu. Cuối năm 1996, thị trường chứng khoán Thái Lan bắt đầu có sự điều chỉnh. Cả mức vốn hóa thị trường vốn lẫn chỉ số thị trường chứng khoán đều giảm đi. Ngày 14 tháng 5 và ngày 15 tháng 5 năm 1997, đồng baht Thái bị tấn công đầu cơ quy mô lớn. Ngày 30 tháng 6, thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh tuyên bố sẽ không phá giá baht, song rốt cục lại thả nổi baht vào ngày 2 tháng 7. Baht ngay lập tức mất giá gần 50%. Vào tháng 1 năm 1998, nó đã xuống đến mức 56 baht mới đổi được 1 dollar Mỹ. Chỉ số thị trường chứng khoán Thái Lan đã tụt từ mức 1.280 cuối năm 1995 xuống còn 372 cuối năm 1997. Đồng thời, mức vốn hóa thị trường vốn giảm từ 141,5 tỷ USD xuống còn 23,5 tỷ USD. Finance One, công ty tài chính lớn nhất của Thái Lan bị phá sản. Ngày 11 tháng 8, IMF tuyên bố sẽ cung cấp một gói cứu trợ trị giá 16 tỷ dollar Mỹ cho Thái Lan. Ngày 20 tháng 8, IMF thông qua một gói cứu trợ nữa trị giá 3,9 tỷ dollar. * Hạn chế so với chế độ tỷ giá thả nổi tự do: Đầu tiên là, trong hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, các căn bệnh kinh tế của quốc gia này có thể lay nhiễm sang một quốc gia khác. Nhưng với hệ thống tỷ giá thả nổi tự do thì sự lây nhiễm này được ngăn cản góp phần duy trì sự ổn định chung của nền kinh tế thế giới. Ví dụ: Giả định hệ thống tỷ giá giữa 2 nước Việt Nam và Mỹ là cố định, khi lạm phát cao tại Việt Nam thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua nhiều hàng hoá Mỹ hơn (do giá hàng hóa Việt Nam cao). Phản ứng này làm cho nhu cầu về hàng hóa Mỹ vượt quá mức cung, và giá hàng hoá Mỹ tăng lên. Ngược lại, với tỷ giá thả nổi tự do, khi nhu cầu về hàng hoá Mỹ tăng cao đồng nghĩa với nhu cầu về đồng đôla Mỹ tăng theo, sẽ làm đồng đôla tăng giá. Do đó, giá hàng hoá Mỹ sẽ tăng lên và nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam về hàng hoá Mỹ sẽ giảm trong khi nhu cầu về hàng hoá Việt Nam của người Mỹ có thể tăng lên. Vì vậy, trong hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, lạm phát cao tại Việt Nam có thể gây lạm phát cao ở Mỹ. Nhưng trong hệ thống tỷ giá thả nổi tự do thì sự lây truyền này được ngăn cản. Sau đó là, trong hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi tự do, ngân hàng trung ương không bị buộc phải liên tục duy trì tỷ giá hối đoái trong biên độ đã định với những chính sách can thiệp có thể tạo nên những tác động không thuận lợi đối với nền kinh tế, nhằm kiểm soát tỷ giá. Mặt khác, các chính phủ có thể thực thi những chính sách mà không cần quan tâm là các chính sách này có duy trì được tỷ giá trong vòng các biên độ quy định hay không, và.làm giảm bới áp lực lên ngân hàng trung ương. Cuối cùng là, trong tỷ giá cố định, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vốn của mình vào bất cứ nước nào có lãi suất cao nhất. Do đó, tại các quốc gia có lãi suất thấp, chính phủ sẽ phải áp dụng các biện pháp làm giảm tự do tài khoản vốn nhằm hạn chế việc rút vốn của các nhà đầu tư nên hiệu quả của thị trường tài chính sẽ bị sút giảm. 4.Sự can thiệp của ngân hàng TW trong việc điều tiết chế độ tỷ giá cố định Như vậy, trong chế độ tỷ giá hối đoái cố định, NHTW buộc phải mua vào hay bán ra đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối nhằm duy trì cố định tỷ giá trung tâm và duy trì sự biến động của nó trong một biên độ hẹp đã định trước.Để tiến hành can thiệp trên thị trường ngoại hối đòi hỏi NHTW phải có sẵn nguồn dự trữ ngoại hối nhất định.Do mỗi đồng tiền quốc gia đều có tỷ giá với các đồng tiền khác, do đó, tỷ giá của mỗi đồng tiền có thể được thả nổi với đồng tiền này nhưng lại được cố định với một đồng tiền khác. Có 2 trường hợp can thiệp: * TH1: Điểm cân bằng của thị trường cao hơn tỷ giá do NHTW ấn định (đồng nội tệ được đánh giá cao).e Vì thiếu ngoại tệ nên giá ngoại tệ có xu hường tăng. Muốn ổn định giá, NHTW bán ngoại tệ ra mua nội tệ vào để giảm dự trữ ngoại tệ và làm giảm lượng tiền mạnh (H) e 2 S 1 M2 e’ M0 M1 S’ e0 D’ D Q2 Lượng ngoại tệ Q0 Cơ chế can thiệp vào thị trường ngoại hối của NHTW khi cầu ngoại tệ tăng Khi cầu ngoại tệ tăng đến D’ tạp áp lực làm tỷ giá hối đoái tăng từ e0 đến e’.Để cố định tỷ giá hối đoái ở e0 như đã cam kết, NHTW phải bán dự trữ ngoại tệ ra một lượng ngoại tệ bằng khoảng cách Q0Q2 cho đến khi nào S ≡ S’.Như vậy thông qua can thiệp, NHTW đã thỏa mãn toàn bộ lượng cầu ngoại tệ phụ trội so với cung, do đó tỷ giá vẫn được duy trì không đổi ở mức e0. Hành động can thiệp của NHTW làm giảm dự trữ ngoại hối quốc tế và làm cho lượng nội tệ trong lưu thông co lại. Do lượng tiền trong lưu thông co lại, nên để tránh hậu quả giảm phát, NHTW phải tiến hành một giao dịch trên thị trường mở bằng cách mua các chứng khoán vào để bơm thêm tiền vào lưu thông tương đương với lượng nội tệ thu được từ việc bán ngoại tệ. * TH2: Điểm cân bằng của thị trường thấp hơn tỷ giá do NHTW ấn định (đồng nội tệ bị đánh giá thấp).Vì xuất hiện hiện tượng thừa ngoại tệ nên tỷ giá hối đoái có xu hướng sụt giảm. Muốn duy trì cố định, NHTW bỏ nội tệ ra mua ngoại tệ vào để làm tăng dự trữ ngoại tệ và tăng phát hành nội tệ. e 2 M2 M0 e0 S S’ 1 e’ M1 D’ D Lượng ngoại tệ Q2 Q0 Cơ chế can thiệp vào thị trường ngoại hối của NHTW khi cung ngoại tệ tăng Trong trường hợp này, NHTW phải can thiệp lên thị trường ngoại hối bằng cách mua vào một lượng ngoại tệ bằng khoảng cách Q0Q2 để bán đồng nội tệ ra cho đến khi nào D≡D’.Như vậy thông qua can thiệp, NHTW đã hấp thụ toàn bộ lượng cung ngoại tệ phụ trội, do đó tỷ giá vẫn được duy trì ở mức không đổi e0. Hành động can thiệp của NHTW làm tăng dự trữ ngoại hối quốc tế, đồng thời làm lượng nội tệ trong lưu thông tăng lên. Do lượng tiền trong lưu thông tăng, NHTW phải tiến hành một giao dịch trên thị trường mở bằng cách bán các chứng khoán để hút bớt tiền từ lưu thông tương đương với lượng nội tệ bơm vào từ việc bán ngoại tệ. Trong cơ chế này , khi NHTW tăng tỷ giá hối đoái, ta gọi đó là chính sách phá giá nội tệ.Ngược lại, khi NHTW giảm tỷ giá hối đoái, ta gọi đó là chính sách năng giá nội tệ. Để tránh áp lực phá giá hay nâng giá nội tệ, NHTW buộc phải hấp thụ toàn bộ độ lệch giữa cung và cầu ngoại tệ bằng cách mua vào hay bán ra nội tệ trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên Việc tăng giá đồng nội tệ cần cân nhắc tác động của nó: * Tăng giá nội tệ có thể làm tăng nhập siêu, đặc biệt là nhập những hàng hoá xa xỉ, không phải là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống. * Tăng giá nội tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi canh tranh về tỷ giá trên trường quốc tế, có thể mất thị phần. Cũng vậy, việc giảm giá đồng nội tệ hay còn gọi là phá giá với liều lượng mạnh không những có ảnh hưởng đến chính trị mà còn làm cho hàng hóa nhập khẩu tính bằng nội tệ trở nên đắt hơn, tạo áp lực lạm phát. Lạm phát làm xói mòn sức mua của nội tệm nên trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận người lao động, làm giảm lòng tin của dân chúng vào chính phủ. Như vậy, trong chế độ tỷ giá cố định, khi các lực lượng thị trường làm cho đường cung và đường cầu ngoại hối dịch chuyển, làm cho dự trữ ngoại hối của NHTW thay đổi. Do các lực lượng cung cầu trên thị trường thường xuyên thay đổi, do đó giữa cung và cầu ngoại hối luôn có một độ lệch nhất định. Độ lệch càng lớn thì NHTW càng phải chống đỡ can thiệp càng nhiều, khi độ lệch trở nên gay gắt buộc NHTW phải thay đổi tỷ giá trung tâm.Hai trạng thái cơ bản có thể xảy ra với chế độ tỷ giá cố định đó là : tỷ giá trung tâm thấp hơn tỷ giá thị trường ( đồng nội tệ được định giá quá cao) và tỷ giá trung tâm cao hơn tỷ giá thị trường ( đồng nội tệ được định giá quá thấp) III.Diễn biến quá trình sử dụng chế độ tỷ giá cố định ở Việt Nam Tại Việt Nam, chính sách tỉ giá cố định được áp dụng trong thời kì 1955-1989 – thời kì nền kinh tế mang tính kế hoạch hóa tập trung cao cấp, nhà nước can thiệp vào mọi mặt của đời sống xã hội. Chính sự can thiệp này đã ngăn cản khả năng phát huy tác dụng các quy luật cung cầu trên thị trường, nếu có thì cũng bị bóp méo, sai lệch. Hơn nữa, hệ thống các nước XHCN lại áp dụng 1 chiến lược phát triển KT hướng nội, đóng cửa, các mối quan hệ với bên ngoài đều thông qua hệ thống độc quyền của Nhà nước về ngoại thương và ngoại hối, do đó độc quyền trong việc ban hành và ấn định tỷ giá. Đây là thời kì chế độ tỉ giá cố định, đa tỉ giá với tính chất thị trường sâu sắc. - Năm 1955 khi VN bắt đầu có quan hệ ngoại thương với Trung Quốc, tỉ giá được xác định trên cơ sở ngang giá sức mua giữa 2 đồng tiền, kết quả tỉ giá vào ngày 25/11/1955 là 1 CNY= 1470 VND. - Năm 1956, khi VN có quan hệ ngoại thương với Liên Xô, tỷ giá giữa VND với đồng Rúp Liên Xô (SUR) được tính chéo nhờ tỷ giá giữa đồng CNY với đồng SUR đã có sẵn từ trước là 1 SUR= 0,5 CNY, suy ra 1 SUR= 735 VND. Tỷ giá trong thời gian này thường được cố định trong một thời gian dài và chúng được điều chỉnh từng đợt theo sự thay đổi về năng suất lao động giữa 2 nước - Năm 1959, VN tiến hành cải cách mệnh giá tiền tệ thông qua cuộc đổi tiền 2/59 với tỷ lệ 1 đồng tiền mới có giá trị bằng 1000 đồng tiền cũ. Tỷ giá thời kì được chia làm 2 khu vực, bao gồm Khu vực 1: Tỷ giá trong phe XHCN và Khu vực 2: Tỷ giá ngoài phe XHCN. Tỷ giá khu vực I: Trong thời gian này, VN có quan hệ thương mại chủ yếu với các nước XHCN. Hình thức buôn bán phổ biến là hàng đổi hàng theo 1 tỷ giá cố định được quy định trong các hiệp định song phương và đa phương. Tỷ giá được chia thành nhiều nhóm tương thích với từng mục đích quan hệ KT khác nhau, bao gồm: - Tỷ giá mậu dịch: Là tỷ giá dùng trong thanh toán có liên quan đến mua, bán hàng hóa, dịch vụ vật chất giữa các nước trong phe XHCN. Nó được xác định dựa trên cơ sở so sánh giá hàng hóa xuất khẩu tính bằng VND và tính bằng ngoại tệ ở nước ngoài. - Tỷ giá phi mậu dịch: Là tỷ giá dùng trong thanh toán, chi trả hàng hóa hoặc dịch vụ vật chất không mang tính thương mại giữa các nước trong phe XHCN, như chi về ngoại giao, đào tạo, hội thảo, hội nghị… Nó được xác định trên cơ sở giá bán lẻ của một số mặt hàng tại 2 nước tính theo đồng tiền của 2 nước. Tại VN trong 1 thời kỳ dài đã quy định tỷ giá phi mậu dịch thấp hơn rất nhiều so với tỷ giá mậu dịch để điều tiết lại phần “chênh lệch giá” do những người nước ngoài được mua rẻ ở VN. - Tỷ giá kết toán nội bộ: Được xác định trên cơ sở tỷ giá chính thức cộng thêm hệ số phần trăm để bù lỗ cho các đơn vị xuất khẩu. Tỷ giá này không công bố ra ngoài mà chỉ áp dụng trong thanh toán nội bộ (nên gọi là kết toán nội bộ). Tỷ giá chính thức (tỷ giá mậu dịch) do Nhà nước công bố và cố định trong một thời gian dài. Tại thời điểm công bố, tỷ giá chính thức thường thấp hơn tỷ giá thị trường (tức VND bị định giá cao), do đó hoạt động xuất khẩu tính theo tỷ giá chính thức bị lỗ. Để bù lỗ cho xuất khẩu, Nhà nước dùng tỷ giá kết toán nội bộ bằng tỷ giá chính thức cộng thêm một tỷ lệ phần trăm quy định cho từng nhóm hàng. Đối với hàng nhập khẩu như vật tư nguyên liệu, thiết bị, Nhà nước đứng ra phân phối cho các ngành trong nền KTQD tính theo tỷ giá chính thức (giá phân phối). Như vậy các ngành, các địa phương được phân phối các loại vật tư, nguyên liệu thì được lợi, còn Nhà nước không thu được chênh lệch giá. Để hạn chế nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng hoặc hàng xa xỉ phẩm, Nhà nước áp dụng mức tỷ giá cao hơn rất nhiều so với tỷ giá chính thức. => Tỷ giá chính thức thấp nên các tổ chức KT và cá nhân có ngoại tệ không bán cho ngân hàng vì như vậy sẽ bị thiệt. Các tổ chức đại diện nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài cũng hạn chế chuyển tiền vào tài khoản ở ngân hàng để chi tiêu mà thường đưa hàng từ nước ngoài vào hoặc sử dụng ngoại tệ tiền mặt trực tiếp trên thị trường tự do. Do đó, cơ chế tỷ giá thời kỳ này đã trở thành 1 yếu tố tạo cho ngoại tệ bị thả nổi, mua bán trên thị trường tự do, tạo môi trường tốt cho đô la hóa. - Tỷ giá kiều hối: Nhằm thu hút nguồn ngoại tệ mạnh từ các nước tư bản do kiều bào chuyển về hoặc khuyến khích khách du lịch tại VN (nên còn gọi là tỷ giá du lịch), Nhà nước tính thêm 1 hệ số thu hút cộng vào tỷ giá chính thức. Vì vậy, tỷ giá này thường cao hơn tỷ giá công bố chính thức và có thể lên tới 50%. Tỷ giá khu vực II: Thời kỳ này Ngân hàng VN dựa vào quan hệ tỷ giá giữa VND với đồng đô la Hongkong và tính chéo ra tỷ giá với các đồng ngoại tệ khác. Chính sách xuyên suốt về tỷ giá đối với các nước ngoài phe XHCN là ngay từ đầu VN chỉ áp dụng một loại tỷ giá chính thức, không phân biệt theo các loại quan hệ mậu dịch hay phi mậu dịch. Tóm lại, đây là thời kỳ nền KT mang tính kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Do vậy, việc áp dụng chế độ tỷ giá cố định do Nhà nước độc quyền xác định không cần tính đến những yếu tố cung cầu của thị trường. Sản phẩm của cơ chế xác định tỷ giá này là các nước XHCN duy trì chế độ tỷ giá cố định và đa tỷ giá, đồng thời triệt tiêu môi trường và mọi điều kiện để hình thành và phát triển các thị trường nói chung, trong đó có thị trường ngoại hối, là nơi gặp gỡ cung cầu ngoại tệ, từ đó hình thành nên tỷ giá thị trường. Hậu quả của cơ chế tỷ giá cố định & đa tỉ giá mang tính áp đặt bất chấp quy luật cung cầu thị trường là đồng tiền VN được định giá quá cao so với các đồng tiền tự do chuyển đổi. Tỷ giá chính thức ngày càng chênh lệch xa tỷ giá thị trường (năm 1985, tỷ giá chính thức VND/USD là 15, trong khi tỷ giá thị trường tự do là 115), làm cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, cán cân thương mại bị thâm hụt nặng. Đối với các DN, đặc biệt là doanh nghiệp SX hàng xuất khẩu, đã rơi vào tình trạng khó khăn thua lỗ, tuy có chế độ thu bù chênh lệch ngoại thương (lỗ thì ngân sách cấp bù, còn lãi thì nộp ngân sách) nhưng dù sao cũng triệt tiêu động lực phát triển xa hơn. Năm Tỷ giá chính thức Tỷ giá thị trường tự do 1985 15 115 1986 80 425 1987 368 1270 1988 3000 5000 1989 3900 4750 Trong một thời gian dài ở nước ta tỷ giá hối đoái cố định được ấn định rất cao, vừa không phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối, vừa không phản ánh đúng giá trị của đồng tiền nội tệ. Có thể nói tỷ giá hối đoái của đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ chỉ là hệ số quy đổi để các công ty thương mại quốc doanh lập kế hoạch và tính toán nội bộ. Tất cả điều đó làm cho nền kinh tế nước ta trong một thời gian dài bị khủng hoảng trầm trọng. Xuất hiện nhiều tỷ giá khác nhau: tỷ giá chính thức do nhà nước quy định cao và các tỷ giá trên thị trường tự do theo quan hệ cung cầu. * Lựa chọn chế độ tỷ giá   Xét về mối quan hệ giữa mục tiêu kinh tế dài hạn và chế độ tỷ giá, ta thấy bất kỳ nền kinh tế nào cũng tập trung vào bốn mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản là sản lượng, ổn định giá cả, việc làm và cân bằng ngoại thương (thuộc hai nhóm mục tiêu cân bằng nội và cân bằng ngoại). Tuy nhiên, lạm phát và ngoại thương chỉ là yếu tố ngoại sinh dù có tác động qua lại lẫn nhau. Điều quan trọng để đạt các mục tiêu trên không chỉ quyết định bởi chế độ tỷ giá hối đoái, mà do sự phối hợp hợp lý giữa các chính sách kinh tế vĩ mô. Điều này thể hiện rõ trong đường lối kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1989-1993 khi nội tệ gần như được “thả nổi”, nhưng đi kèm là một chính sách thắt chặt lượng tiền cung ứng, không những đã chặn đà lạm phát mà còn thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.  Những biến động gần đây trên thế giới đã cho thấy rằng việc lấy những ngành công nghiệp cao làm mũi nhọn chiến lược cho phát triển kinh tế là không khả thi. Bởi lẽ, tiềm lực Việt Nam chưa đủ để thực hiện mục tiêu này và khả năng thích ứng với các biến động lớn là chưa cao. Việc hướng quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào lĩnh vực nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn xét trên quan điểm phát huy lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nông phẩm phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên sản lượng kế hoạch và thực tế thường chênh lệch lớn. Điều này nhắc nhở nền kinh tế phải chú trọng đương đầu với những cơn sốc có nguồn gốc từ thị trường hàng hóa và ủng hộ cho một chế độ tỷ giá thả nổi. Chế độ tỷ giá thả nổi không những giúp nền kinh tế loại trừ tác động của những cơn sốc từ thị trường hàng hóa mà còn giúp đạt mục tiêu cân bằng ngoại một cách dễ dàng do tỷ giá tự biến động để duy trì trạng thái cân bằng cung cầu ngoại tệ. Tuy vậy, các công cụ điều tiết thị trường hối đoái hiện vẫn còn sơ sài, chưa phát huy đúng mức khả năng hạn chế rủi ro hối đoái. Ví dụ, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (Swap) - một nghiệp vụ cơ bản về rào chắn rủi ro hối đoái – áp dụng rất hạn chế ở Việt Nam. Ngoài ra, yếu tố tâm lý luôn có ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Sự linh hoạt hoàn toàn trong điều kiện như vậy rất dễ gây biến động mạnh về tỷ giá, cũng như khiến tăng trưởng xuất khẩu thêm bấp bênh. Từ đó cho thấy nếu dựa trên các mục tiêu kinh tế cơ bản thì sự linh hoạt có kiểm soát của tỷ giá sẽ là bước lựa chọn thích hợp kế tiếp của chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn.  Xét dưới góc độ khác, tình trạng thâm hụt ngân sách hãy còn nghiêm trọng và khó suy giảm trong tương lai gần do nhu cầu chi ngân sách ngày một tăng. Hệ thống ngân hàng nhìn chung là yếu kém và nguồn dự trữ ngoại hối – một công cụ can thiệp vào tỷ giá – còn thấp. Khi cán cân thương mại vẫn ở tình trạng nhập siêu thì mức dự trữ ngoại tệ khó có thể cải thiện rõ rệt vào những năm tới. Một câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề trên có được giải quyết khi cố định nội tệ với một ngoại tệ mạnh như đồng đô la Mỹ (USD) hay không? Quan điểm này được củng cố khi việc triển khai các giải pháp điều tiết kinh tế thiếu tính đồng bộ, cộng với hệ thống thông tin - dự báo lạc hậu, thiếu khoa học đã hạn chế phạm vi tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến tỷ giá. Những yếu điểm trong tài chính dự báo trước sự xuất hiện những cơn sốc có nguồn gốc từ thị trường tiền tệ và yêu cầu duy trì một chế độ tỷ giá cố định nhằm đối phó lại. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá cố định không hỗ trợ cho một nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Không những vậy, nó còn thể hiện sự phục hồi những sai lầm từ giai đoạn quản lý kinh tế theo mô hình tập trung, bao cấp như trước 1989, và rõ ràng, đây là sự lựa chọn trái quy luật.  Tóm lại, thực trạng tài chính nước nhà vừa đòi hỏi một chế độ tỷ giá thả nổi, vừa ủng hộ chế độ tỷ giá cố định. Một chế độ tỷ giá bán thả nổi sẽ là sự lựa chọn hợp lý. Bên cạnh đó, cũng sẽ rất hữu ích nếu tồn tại song song các công cụ hành chính với mục đích can thiệp kịp thời đến biên độ dao động của tỷ giá, phục vụ cho các mục tiêu kinh tế lớn ở từng thời kỳ. Việc phá giá nội tệ một cách thận trọng sẽ đưa giá trị đồng Việt Nam trở về mức hợp lý hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.  Nguồn tham khảo : 1. Giáo trình Tài chính quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Tiến,NXB Thống kê. 2. Tập bài giảng Tài chính quốc tế, TS.Lê Tuấn Lộc. 3.Classification of Exchange Rate Regimes and Monetary Policy Frameworks 4/2008 ( Ghi chú : (1) Những quốc gia/ vùng lãnh thổ không có tuyên bố rõ ràng trên danh nghĩa về chế độ tỷ giá nhưng thể hiện trong cách quản lý chính sách tiền tệ. (2) Thành viên của tổ chức tiền tệ Eastern Caribbean Currency Union (3) Thành viên của ERM II (4) Thành viên của tổ chức kinh tế- tiền tệ Tây Phi (5) Thành viên của cộng đồng kinh tế tiền tệ Trung Phi (6) The central bank has taken preliminary step toward inflation targeting and is preparing for the transition to full-fledged inflation targeting. (7) Thành viên của cộng đồng kinh tế châu Âu . (8) As of end-December 1989. 4. (Nguồn: Nguyễn Công Nghiệp: Tỷ giá hối đoái – PP tiếp cận và nghệ thuật điều hành, tr32) 5.www.saga.vn 6.www.thesaigontimes.vn Và một số tài liệu liên quan đến vấn đề thị trường ngoại hối.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docChế độ tỷ giá cố định.doc
Luận văn liên quan