LỜI MỞ ĐẦU 1
NỘI DUNG CHÍNH 2
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM 2
1. Chế độ ưu đãi xã hội và các đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội. 2
2. Các chế độ ưu đãi cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam. 6
3. Trình tự thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi xã hội. 10
II. THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM. 11
1. Những kết quả đã đạt được. 11
2. Tồn tại của chế độ ưu đãi xã hội hiện nay. 14
3. Hướng hoàn thiện. 16
KẾT LUẬN 18
19 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13282 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu do cam và thực tiễn thực hiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H-34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đăk Tô, mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, diệt cỏ của quân đội Mỹ tại miền Nam nước ta (với mật danh “Ranch Hand”). Trong mười năm (1961 đến 1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; 61% trong đó là chất da cam (chứa 366 kg đi-ô-xin) xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha (có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần). Gần một phần tư tổng diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc da cam/đi-ô-xin (CĐDC); khoảng 86% lượng chất độc phun rải xuống các vùng rừng rậm, 14% còn lại xuống ruộng vườn, hoa màu. CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.
Năm mươi năm đã trôi qua nhưng thảm họa da cam vẫn mãi là nỗi ám ảnh không quên đối với người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới. Hậu quả của thảm họa và di chứng da cam đã đè nặng lên bao gia đình, bao số phận của những người lính có may mắn trở về sau chiến tranh nhưng lại bị nhiễm trong mình chất độc quái ác ấy. Vì vậy, việc chung tay chăm sóc, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống cho các nạn nhân vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội, vừa là đạo lý của dân tộc. Và dưới đây nhóm em xin tìm hiểu về chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam cũng như thực tiễn thực hiện những chế độ này.
NỘI DUNG CHÍNH
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM
1. Chế độ ưu đãi xã hội và các đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội.
Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử của nước ta, đất nước đã trải qua một thời gian dài có chiến tranh, một bộ phận dân cư bao gồm nhiều thế hệ đã có những đóng góp, hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ có thể đã hi sinh cả tính mạng hay một phần xương máu và cả những người thân yêu của mình cho đất nước. Ngày nay, khi đất nước bình yên và phát triển, họ trở thành những người có công với đất nước, được Nhà nước và dân tộc ghi nhận. Những người có công này hoặc người thân của họ xứng đáng được hưởng những chế độ ưư tiên, ưu đãi đó không chỉ dựa vào lòng biết ơn của các thành viên trong xã hội mà phải được pháp luật ghi nhận, trở thành trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước và quyền của người có công. Việc thực hiện trách nhiệm đó đã hình thành nên quan hệ giữa Nhà nước,người ưu đãi và những người có công được ưu đãi. Đó là một quan hệ xã hội quan trọng được pháp luật điều chỉnh, trở thành quan hệ pháp luật ưu đãi xã hội. Trong an sinh xã hội thì được quan tâm cặn kẽ hơn là khái niệm chế độ ưu đãi xã hội. theo đó chế độ ưu đãi xã hội là tổng hợp những qui phám pháp luật qui định về các điều kiện, hình thức mức độ đảm bảo vật chất, tinh thần cho những người có công và một số thành viên trong gia đình của họ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong khái niệm này, người có công được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa rộng, người có công là những người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, tuổi tác, đã tự nguyện cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, cuộc đời mình trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Như vậy điều kiện cơ bản nhất của người có công là phải có thành tích đóng góp hoặc cống hiến xuất sắc vì đất nước, vì lợi ích dân tộc. Những đóng góp của họ có thể là trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng bảo vệ Tổ quốc, có thể là trong công cuộc xây dựngvà phát triển đất nước thể hiện trên mọi lĩnh vực. Theo nghĩa hẹp, người có công là những người không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, tuổi tác, đã tự nguyện cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ hoặc hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Theo nghĩa này, người có công chủ yếu là người tham gia hoặc giúp đỡ cách mạng, có những đóng góp, cống hiến trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Họ là những thương bệnh binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động, người có công giúp đỡ kháng chiến...
Theo quy định của pháp luật nước ta, đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội trong suốt 60 năm qua chính là những người có công được hiểu theo nghĩa hẹp này. Tùy theo từng thời kì và hoàn cảnh đất nước mà đối tượng được hưởng ưu đãi xã hội được quy định khác nhau. Các đối tượng ưu đãi ngày càng được mở rộng theo đó là các điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi... được sửa đổi cho phù hợp. Đến nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng ưu đãi xã hội bao gồm:
Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.
Bệnh binh
Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lao động.
Người hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945
Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày
Người có công giúp đỡ cách mạng
Người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Theo đề tài mà nhóm đã lựa chọn là chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam nhóm em sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về đối tượng này.
*** Theo khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học, bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học. Việc quy định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là đối tượng được hưởng ưu đãi như hiện nay là hợp lý, thể hiện sâu sắc tính nhân đạo và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đối với những người phải chịu những hậu quả nặng nề do cuộc chiến gây ra. Có trực tiếp chứng kiến hàng triệu người bị người di chứng từ chất độc hóa học của Mỹ chúng ta mới hiểu được tại sao những đối tượng này không phải là người có công trạng, thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu như những đối tượng khác nhưng vẫn được nhà nước và xã hội ưu đãi.
*** Theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì những người tham gia kháng chiến bị hậu quả trực tiếp của chất độc hoá học đó là:
Điều 22.
1. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học quy định tại khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh gồm:
a) Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam;
b) Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân;
c) Cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội khác;
d) Thanh niên xung phong tập trung;
đ) Dân công;
e) Công an xã, dân quân, du kích, tự vệ, cán bộ thôn, ấp, xã, phường;
Các đối tượng trên được gọi chung là người tham gia kháng chiến.
*** Cũng theo Nghị định này thì điều kiện để người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi là :
Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dựng chất độc hoá học.
Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học.
Trường hợp không có vợ hoặc chồng hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến mà bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do hậu quả của chất độc hoá học.
Bên cạnh đó ngoài bản thân những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, pháp luật còn xác định con đẻ còn sống của họ bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hóa học thì cũng là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi xã hội này (do quan hệ huyết thống).
2. Các chế độ ưu đãi cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam.
a. Chế độ ưu đãi trợ cấp.
Đây là hình thức ưu đãi bằng tiền để giúp đỡ về đời sống cho đối tượng hưởng ưu đãi. Mức trợ cấp ưu đãi căn cứ vào sự cống hiến, hi sinh và hoàn cảnh sống thực tế của người tham gia kháng chiến, cân đối với điều kiện kinh tế xã hội và tương quan mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Đây là chế độ chính trong các chế độ ưu đãi xã hội vì nó có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống người tham gia kháng chiến. Bên cạnh ý nghĩa giúp đỡ về mặt vật chất, sự trợ cấp ưu đãi cũng thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đối tượng này.
Nghị định số 54/2006/NĐ-CP đã quy định chế độ ưu đãi cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bao gồm:
(Điều 23) 1. Trợ cấp hàng tháng theo mức độ suy giảm khả năng lao động kể từ ngày Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký quyết định.
2. Người đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, mất sức lao động có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này còn được hưởng khoản trợ cấp hàng tháng.
3. Khi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp mà người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trước khi chết.
Theo Nghị định số 52/2011/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2011thì mức trợ cấp, phụ cấp được quy định như sau: Với mức chuẩn là 876.000 VNĐ thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng là:
Bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên 2.005.000 VNĐ
Bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống 1.452.000 VNĐ
Thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động bị nhiễm chất độc hóa học 1.452.000VNĐ
Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam không có phụ cấp ưu đãi hàng tháng.
b. Chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo.
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Để tạo điều kiện cho người có công và con em họ được học tập, Nhà nước ban hành nhiều khoản trợ cấp, ưu tiên đãi ngộ phù hợp với tình hình nước ta hiện nay. Nhà nước còn vận động toàn dân đóng góp giúp đỡ các đối tượng có công (đặc biệt là các đối tượng tổn thương về thể chất, bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học) có điều kiện học tập hiệu quả. Bên cạnh đó còn có những việc làm rất cụ thể, thiết thực và có ý nghĩa vô cùng to lớn , thể hiện tình yêu thương đùm bọc nhau của người dân Việt Nam như: nhận chăm sóc, tặng sổ tiết kiệm, giúp tìm việc làm sau khi học xong...
c. Chế độ ưu đãi về việc làm và đảm bảo việc làm.
Do mang đặc thù thương tật, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, hạn chế về sức khỏe nên ở nước ta phần lớn đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì thế pháp luật ưu đãi xã hội có một vị trí hết sức quan trọng trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho bản thân và gia đình họ. Đó là :
Ưu tiên trong hướng nghiệp và dạy nghề.
Ưu tiên nhận vào ngành nghề thích hợp.
Ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp thông qua các chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Chương trình xóa đói giảm nghèo...
Đối với các doanh nghiệp của đối tượng này thì Nhà nước cũng có những đãi ngộ đặc biệt về kinh tế.
Hệ thống các quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này trong lĩnh vực việc làm.
d. Chế độ chăm sóc sức khỏe.
Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam thường là người bị suy giảm khả năng lao động, sức khỏe giảm sút. Chính vì vậy việc chăm sóc sức khỏe cho đối tượng này là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh kinh tế thị trường vấn đề bảo đảm sức khoẻ cho đối tượng người có công phải được luật hóa. Chỉ có như vậy mới có cơ sở vững chắc để nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Nhà nước ta cũng đã thành lập các trung tâm điều dưỡng dành cho đối tượng có công với cách mạng. Ngoài ra Nhà nước cũng tổ chức mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này (Điều 1. Đối tượng được bảo hiểm y tế: Người có công với cách mạng và thân nhân của họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về bảo hiểm y tế - Thông tư số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT).
Theo Thông tư số 25/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng điều dưỡng mỗi năm một lần, với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở xuống được hưởng điều dưỡng luân phiên 5 năm một lần. Bên cạnh đó thì Thông tư liên tịch số 17/2006/ TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT cũng đã quy định rõ ràng chế độ điều dưỡng, chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình, cùng quy trình, thủ tục, cấp phát kinh phí tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này được hưởng đầy đủ các ưu đãi chăm sóc sức khỏe.
Ngoài vấn đề đảm bảo đời sống vật chất, chăm sóc sức khỏe thì vấn đề nâng cao đời sống tinh thần cũng là một nội dung quan trọng. Đây là yêu cầu khách quan đặc biệt là đối với những người có công bị tổn thương về thể chất, bị tác động ảnh hưởng của chất độc hóa học. Đặc biệt nhà nước còn phát động các phong trào toàn dân chăm sóc người có công như : cấp thuốc, cấp thiết bị định kì, mời điều trị điều dưỡng,...
e. Các chế độ ưu đãi khác.
Chế độ hỗ trợ cải thiện nhà ở: Theo thống kê gần ½ nhà của những đối tượng chính sách rơi vào tình trạng dột nát cần nhanh chóng sửa chữa và cũng còn rất nhiều người chưa có đất, nhà, phải ở nhà tạm... chính vì thế những ưu đãi về nhà ở của Nhà nước là rất cần thiết. Nhà nước ta cũng đã áp dụng một số hình thức để cải thiện nhà ở đối với người có công nói chung và đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam nói riêng:
Tặng nhà tình nghĩa.
Hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa nhà ở.
Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi bán nhà của Nhà nước hoặc khi giao đất làm nhà ở.
Các hình thức hỗ trợ khác.
Cùng với đó Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân cũng thường xuyên đến thăm hỏi và động viên vào những dịp lễ Tết.
3. Trình tự thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi xã hội.
Để được hưởng trợ cấp, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam phải tiến hành những thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật tại Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 07/04/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định sửa đổi, bổ sung Mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đó là:
Lập hồ sơ bao gồm : Bản khai cá nhân, giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến, giấy chứng nhận tình trạng bệnh tật có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền, quyết định trợ cấp, phiếu trợ cấp ...
Thẩm định, kiểm tra, xác minh hồ sơ và ra quyết định trợ cấp tại : UNND xã và Phòng lao động thương binh xã hội, Sở lao động thương binh xã hội là các cơ quan có thẩm quyền.
II. THỰC TIỄN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM.
1. Những kết quả đã đạt được
a. Các chính sách xã hội, chế độ hỗ trợ đã được ban hành
Với trách nhiệm của mình, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang ra sức làm hết sức mình để khắc phục hậu quả chiến tranh thảm khốc này.
Ngày 5/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 120/2004 QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hoá học Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Viêt Nam (Quyết định này thay thế Quyết định số 26/2000/QĐ- TTh ngày 23/2/2000).
Ngày 29-6-2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH và Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Ngày 20/11/2006 Bộ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có Thông tư liên tịch số 16/2006/BLĐTBXH-BGDĐT - BTC, hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.
Ngày 15/11/2007, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội đã ký ban hành thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, rất nhiều rắc rối về thủ tục sẽ được tháo bỏ và những người bị nhiễm chất độc hóa học có thể dễ dàng được nhận các ưu đãi hơn.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên cơ sở Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 28-2-2008.
Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 07/4/2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Ngày 30-6-2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2011/NĐ-CP, theo đó, mức trợ cấp cao nhất của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gần bằng mức trợ cấp cao nhất của bệnh binh (Nghị định này thay thế Nghị định số 35/2010/NĐ-CP ngày 06-4-2010)
b. Thực trạng áp dụng.
Cùng với việc ban hành các chủ trương, chính sách, hàng năm Nhà nước đã dành những khoản chi phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe các nạn nhân CĐDC đặc biệt là những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cũng như các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Tháng 10-1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) được thành lập và đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhằm xác định quy mô, tác hại của cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người. Ngày 03-4-1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg về tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, để có cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp cơ bản khắc phục hậu quả. Cuộc điều tra đã được tiến hành trong hai năm 1998-1999 trên phạm vi cả nước. Ngày 01-3-1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch dài hạn; chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai kế hoạch hành động khắc phục hậu quả CĐDC từ Trung ương đến địa phương.
Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC; hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC; hằng năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân CĐDC. Nhiều năm qua, hàng năm Chính phủ đã chi khoảng 800 tỷ đồng cho gần 200.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam hóa học đã được hưởng chế độ ưu đãi (chiếm 29,2%); có trên 50% hộ gia đình (khoảng hơn 300.000 người) CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí; có 12 Làng “Hòa Bình”, “Hữu Nghị” và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC.
Tất cả các địa phương đều thể hiện sự quan tâm tới việc trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam. Cụ thể như, toàn tỉnh Bắc Giang tính đến thời điểm hiện tại có gần 5.200 người bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng chế độ của Nhà nước, trong đó hơn 3.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến, còn lại là con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi di chứng. Các mức được hưởng từ 491 nghìn đồng/người đến hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2010, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã thụ lý, giới thiệu 56 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam đến Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám và kết luận tình trạng bệnh tật có liên quan đến chất độc hóa học nhằm giải quyết chế độ, chính sách kịp thời đúng qui định của pháp luật. 6 tháng đầu năm 2011, Sở tiếp tục thẩm định và giải quyết chế độ cho 15 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giới thiệu và giải quyết chế độ trợ cấp cho 40 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thẩm định và đề nghị giải quyết chế độ cho 22 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Nhằm chia sẻ, động viên những người bị phơi nhiễm chất độc da cam, tỉnh Thanh Hoá giải quyết chế độ hưởng trợ cấp hàng tháng cho trên 10.650 người tham gia kháng chiến và con cái của họ bị nhiễm chất độc da cam; trong đó, đối tượng hưởng trực tiếp là 4.500 người, gián tiếp hơn 6.000 người.
Việc ủng hộ Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) được đẩy mạnh, đã thành phong trào xã hội hoá. Các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho NNCĐDC/dioxin nói chung và người tham gian kháng chiến nhiễm CĐDC nói riêng. Đến giữa năm 2009, Hội NNCĐDC/dioxin đã nhận được hơn 90 tỉ đồng. Nguồn tài trợ nhận được ở các cấp hội đã tập trung giúp đỡ người tham gia kháng chiến nhiễm CĐDC đặc biệt khó khăn để sửa chữa, làm nhà, hỗ trợ phát triển kinh tế. Sự ủng hộ tài trợ đã góp phần giúp cho cuộc sống của họ ổn định hơn, động viên giúp đỡ họ vượt lên khó khăn để hoà nhập cộng đồng.
2. Tồn tại của chế độ ưu đãi xã hội hiện nay.
a - Về điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi:
Theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ, điều kiện để người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi là Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học, hoặc, Trường hợp không có vợ hoặc chồng hoặc đã có con trước khi tham gia kháng chiến mà bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do hậu quả của chất độc hoá học, điều này chưa thật hợp lý và chưa sát với thực tế đối tượng.
b - Về mức hưởng trợ cấp:
Vũ khí hoá học - CĐDC là loại vũ khí huỷ diệt lớn (là vũ khí chiến tranh), hơn nữa CĐDC/dioxin lại tác động đến đời con, cháu nhưng người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC lại chỉ có 2 mức. Đó là người tham gia kháng chiến trực tiếp bị nhiễm chất độc màu da cam và con đẻ còn sống của họ bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hóa học
c - Chính sách trong giáo dục - đào tạo:
Con của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được hưởng trợ cấp, nhưng con của nạn nhân CĐDC thì phải suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mới được hưởng trợ cấp (thông tư số 16/2006/BLĐTBXH - BGDĐT - BTC, ngày 20.11.2006).
d - Chế độ phụ cấp :
Đối tượng Thương binh và Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có chế độ phụ cấp nhưng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên chưa có chế độ phụ cấp. Cách phân loại định mức trợ cấp như vậy là chưa công bằng trong những người cùng có công với cách mạng.
e – Danh mục bệnh tật, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, điôxin:
Quyết định 09/2008/QĐ - BYT của Bộ Y tế, Thông tư 08/2009/TTLT quy định danh mục bệnh tật, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, điôxin quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, không phù hợp với thực tế, trong khi nhiều nội dung có tính cấp thiết chưa được ban hành, như, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhưng lại không tính cả vô sinh, trong khi thực tế cho thấy rất nhiều người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam bị vô sinh.
f – Các quy định về thủ tục, hồ sơ :
Một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn quá khắt khe. Thực tế có những trường hợp không có, hoặc không còn giấy tờ gốc theo quy định tại Thông tư 25/2007/TT - BLĐTB và XH ngày 15/11/2007 nên không được giải quyết đã gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời là nguyên nhân kéo dài thời gian gây tồn đọng nhiều hồ sơ đến nay vẫn chưa giải quyết được, như, Hải Phòng hiện có 5.693 người từ 60 tuổi trở lên từng tham gia chiến đấu chưa được giải quyết chế độ. Có những trường hợp gửi hồ sơ 6-9 tháng vẫn chưa được giám định để xét duyệt, thậm chí có trường hợp qua đời mà chưa kịp hưởng chế độ.
3. Hướng hoàn thiện.
Một là, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh được hưởng chính sách như thương binh cả về tinh thần và vật chất, con và cháu của họ được hưởng chế độ trợ cấp, có chế độ chính sách đối với người hoạt động ở vùng có bị rải CĐDC từ sau 30.4.1975 đến nay, đặc biệt là vùng điểm nóng.
Hai là, xác định không gian và thời gian bị phơi nhiễm chất độc da cam cho phù hợp bao quát: Về không gian không hạn định từ vĩ tuyến 17 trở vào vì thực tế, các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa cũng bị rải chất độc, bộ đội Việt Nam sang chiến đấu tại Lào, Campuchia cũng bị ảnh hưởng, do đó những vùng này cũng phải được công nhận; Về thời gian, cần có chế độ chính sách đối với người hoạt động ở vùng có bị rải CĐDC từ sau 30.4.1975 đến nay, đặc biệt là vùng điểm nóng.
Ba là, Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT về “Ban hành danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/Dioxin” để áp dụng cho phù hợp cao hơn, không nên chỉ hạn chế trong 17 bệnh, mà còn cần bổ sung các bệnh do tác động của CĐDC làm suy giảm khả năng miễn dịch gây nên, như, một số loại bệnh như cao huyết áp, vô sinh nam, bệnh do suy giảm miễn dịch làm mất sức lao động từ 21% trở lên, bệnh tim, bệnh run tay, chân, do Hội đồng tư vấn Y khoa Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đề xuất vào danh mục những loại bệnh liên quan đến chất độc da cam/điôxin, bảo đảm quyền lợi cho người có công, đồng thời tạo điều kiện về mặt pháp lý để giải quyết số hồ sơ tồn đọng hiện nay.
Bốn là cần nghiên cứu có chế độ cho người nuôi dưỡng, chăm sóc người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam hoặc xây dựng cơ sở nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam chịu di chứng nặng nề để giảm bớt gánh nặng khó khăn cho gia đình của họ.
Năm là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, tổ chức giám định kịp thời, giảm tải lượng hồ sơ tồn đọng và sự chờ đợi căng thẳng, nhất là với những người tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng; đồng thời chỉ đạo các cấp cơ sở hướng dẫn, thông tin đầy đủ, thực hiện đúng quy định về thời gian lập hồ sơ cho đối tượng tiếp theo....Thành phố xem xét bổ sung biên chế đội ngũ giám định viên, góp phần đẩy nhanh tiến độ giám định hồ sơ, giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam.
Sáu là, các cấp, các ngành, các tổ chức cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền làm cho đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; qua đó, tăng cường giúp đỡ, chăm sóc người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam trong cuộc sống, ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Bảy là Đảng và Nhà nước ta cũng cần mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, khoa học-công nghệ và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, luật gia, các nhà hoạt động xã hội-từ thiện-nhân đạo trên thế giới; cũng như xã hội hóa các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăm sóc người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phong tục, tập quán của địa phương và tâm lý, tình cảm của người Việt Nam; có nhiều hình thức tri ân những tấm lòng vàng vì người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; cổ vũ, khuyến khích các tấm gương vượt khó, vươn lên của họ.
KẾT LUẬN
Tóm lại, trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, ưu đãi xã hội chiếm một vị trí rất lớn và đặc biệt. Đây là một nét đặc thù ở một đất nước có ngót 1/2 thế kỷ kháng chiến chống xâm lược. Trong ưu đãi xã hội thì trợ cấp ưu đãi là một vấn đề mà nhiều năm nay, Chính phủ, các nhà quản lý, cơ quan quản lý quan tâm. Có thể khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không làm triệt tiêu hoặc kìm hãm tiến bộ và công bằng xã hội. Trợ cấp xã hội được quan tâm càng góp phần làm ổn định, phát triển kinh tế xã hội, thực hiện an sinh xã hội, góp phần ổn định và ngày một nâng cao đời sống đối tượng chính sách.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu do cam và thực tiễn thực hiện.doc