Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và chủ trương của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành chính quyền

Tài liệu tham khảo: 1) Ba mươi năm đấu tranh của Đảng, tập I, Ban tuyên giáo trung ương – Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản. 2) Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1945, nhà xuất bản Đại học Sư Phạm. 3) Tìm hiểu môn học Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà xuất bản lý luận chính trị. 4) Giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà xuất bản chính trị Quốc Gia. 5) Văn kiện Đảng toàn tập (1940 - 1945), nhà xuất bản chính trị Quốc Gia.

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 12186 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và chủ trương của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Câu hỏi: Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và chủ trương của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành chính quyền? Trả lời: Chiến tranh thế giới thứ II là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Chiến tranh lan rộng khắp toàn cầu và diễn ra trên nhiều mặt trận: Mặt trận Tây Âu (mặt trận phía Tây), mặt trận Xô - Đức (mặt trận phương Đông), mặt trận Bắc Phi, mặt trận Châu Á – Thái Bình Dương và một mặt trận rộng lớn là cuộc chiến đấu trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng. Chiến tranh đã diễn ra trong vòng 6 năm (1939 - 1945). Ngày 1/9/1939, nước Đức phát xít xâm lược Ba Lan trái với những toan tính của Anh và Pháp. Ngày 3/9/1939, Anh, Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và mau chóng lan rộng khắp thế giới. Ở nước Pháp, chính phủ Đaladiê lợi dụng tình hình chiến tranh đã thi hành một loạt các biện pháp đàn áp Cộng sản và lực lượng tiến bộ trong nước cũng như ở các thuộc địa. Mặt trận nhân dân Pháp tan vỡ. Đảng Cộng sản Pháp bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Về kinh tế, chính quyền thực dân Pháp thực hiện chính sách kinh tế chỉ huy, tăng cường vơ vét tài nguyên, nhân lực của Đông Dương để phục vụ cho chiến tranh ở nước Pháp. Ở Đông Dương, toàn quyền Catơru bắt tay vào chiến dịch khủng bố. Ngày 8/9/1939, Catơru ra lệnh cấm mọi hoạt động chính trị nhằm đánh vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và các quần chúng của Đảng. “Cấm hết thảy mọi hoạt động có tính chất trực tiếp hay gián tiếp, tuyên truyền các khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản hay những tổ chức do Quốc tế Cộng sản kiểm soát. Giải tán hết thảy các hội ái hữu hay các cá nhân nào có liên hệ với Đảng Cộng sản, những tổ chức có hay không có liên hệ với Đảng Cộng sản mà hoạt động theo khẩu hiệu của Đệ tam Quốc Tế cũng bị giải tán … Cấm hết thảy những đồ in, phát hành, tặng hay bán hay trưng bày, những đồ in hay tranh vẽ, nói chung là cấm hết thảy những tài liệu tuyên truyền của Đệ tam Quốc Tế hay các tổ chức liên quan với Đệ tam Quốc Tế”.(1) Vì vậy, trên khắp các đất nước, hàng loạt những Đảng viên Cộng sản bị truy lùng, hàng hàng người Cộng sản và những người yêu nước bị giam cầm trong các nhà tù. Báo chí cách mạng và tiến bộ bị đóng cửa, phương tiện truyền bá thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách khủng bố, tàn sát diễn ra khắp nơi. Chỉ riêng tháng 9/1939 thôi mà ta đã có đến 1,051 vụ khám xét, bắt bớ vô cớ. Khi chiến tranh Đức – Pháp vừa nổ ra và Đảng cộng sản Pháp vị bắt ra ngoài pháp luật, Đảng đã chỉ thị cho các cơ quan và cán bộ hoạt động hợp pháp hặc nửa hợp pháp phải mau lẹ rút vào bí mật, vì thế mà nói chung Đảng đã bảo toàn được lực lượng của mình. Tuy vậy, tổn thất do chính sách khủng bố của địch gây ra không phải là nhỏ. Đứng trước tình hình bị địch tiến công và sau khi Liên Xô kí hiệp ước không xâm phạm với Đức, một số người cả trong Đảng và ngoài Đảng, sinh ra hoang mang, dao động. Để khắc phục tình trạng khó khăn này, ngày 29/9/1939, Đảng ra thông cáo về “Con đường chính trị hiện thời” và Xứ ủy Bắc kỳ xuất bản cuốn “Liên Xô luôn luôn trung thành với hòa bình” để giải thích về chính sách hòa bình trước sau như một của Liên Xô, làm cho tư tưởng và nhận thức trong Đảng được nhất trí về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của Đảng. Đồng thời, Đảng quyết định chuyển trọng tâm hoạt động từ thành thị về nông thôn. Chủ trương đó hết sức quan trọng vì nông thôn là nơi mà bộ máy thống trị của địch tương đối sơ hở, Đảng có điệu kiện mật thiết liên hệ với quần chúng nông dân hơn để tuyên truyền, tổ chức nông dân, biến nông thôn thành căn cứ cách mạng. Chính nhờ sự chuyển hướng về công tác đó cho nên mặc dù bị địch khủng bố dữ dội, lực lượng cách mạng không bị phá hoại như hồi năm 1930- 1931 mà trái lại còn bén rễ vào hàng triệu nông dân lao động, làm cho phong trào cách mạng càng thêm vững mạnh. Tóm lại, chiến tranh thế giới thứ II đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến nước ta. Thực dân Pháp tham chiến. Ở Đông Dương, chúng thực hiện chính sách thời chiến tăng cường vơ vét bóc lột, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ, đỉên cuồng tấn công Đảng Cộng Sản Đông Dương và các đoàn thể quần chúng nhân dân. Mùa thu 1940, phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, thực dân Pháp từng bước đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật. Đế quốc Pháp và phát xít Nhật câu kết với nhau, bóc lột nhân dân Đông Dương đến tận xương tủy. Đời sống nhân dân khốn cùng, mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với Pháp và Nhật càng căng thẳng và sâu sắc hơn bao giờ hết. Ngay khi chiến tranh thế giới thứ II sắp nổ ra, Đảng đã rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn đồng thời vẫn chú trọng tới các đô thị. Khi chiến tranh nổ ra, Đảng ra thông báo trong đó nhận định: hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề giải phóng dân tộc. Vì lúc này, quyền lợi của tất cả các giai cấp đều bị cướp giật, vận mệnh dân tộc đang nguy vong hơn lúc nào bằng. Cho nên Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (11 – 1939) và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng thứ 8 (5 - 1941) đã chủ trương điều chỉnh chiến lược “cách mạng tư sản dân quyền”. Đối với Hội nghị Trưng ương lần thứ 6 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ - tổng bí thư thứ ba của Đảng làm chủ trì. Dự hội nghị có các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Võ Văn Tần… quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương để đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc Đông Dương và chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của cách mạng dân tộc là chủ nghĩa đế quốc phát xít. Lực lượng chính của cách mệnh là công nông dưới quyền chỉ huy của giai cấp vô sản. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đưa vấn đề này lên hàng đầu và tạm gác lại khẩu hiệu ruộng đất thay bằng khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay lãi nặng, tịch thu ruộng đất của bọn thực dân đế quốc và bọn địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc đem chia cho dân cày nghèo. Đảng phải xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị nhận định rằng: Nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến là hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân chủ tư sản Việt Nam nhưng trong điều kiện lúc đó nguy cơ dân tộc trở nên nghiêm trọng nhất. “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mạng, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Vì vậy, trong khi chủ trương Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, cách mạng tư sản dân quyền trong lúc này chỉ mới tịch ký những ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”.(2) Để thực hiện nhiệm vụ trung tâm này, Hội nghị đã chủ trương tập hợp mọi lực lượng chống đế quốc và tay sai vào mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, thu hút tất cả các dân tộc Hội nghị còn nhận định rằng: chiến tranh đế quốc và sự thống trị của phát xít sẽ gây phẫn uất trong nhân dân và cách mạng sẽ bùng nổ. Mọi chủ trương quan trọng của Hội nghị là tiến tới thành lập Chính phủ cộng hòa dân chủ Đông Dương và bỏ khẩu hiệu “lập chính quyền Xô Viết công nông binh”. Hội nghị còn nhận định củng cố Đảng về mọi mặt, làm cho toàn Đảng thống nhất về ý chí cũng như về hành động. Hội nghị Trung ương tháng 11 – 1939 đã đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đang đấu tranh để thực hiện những chủ trương mới của Đảng thì tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến dồn dập. Tháng 6 – 1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Tháng 9 – 1940, Đông Dương bị phát xít Nhật xâm lược. Thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật, chịu cho quân đội Nhật vào chiếm đóng Đông Dương. Nhưng nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại được Đảng ta giáo dục đã liên tiếp nổi dậy chống Pháp - Nhật. Ngày 22 – 9 – 1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân đội Pháp thua chạy rút qua châu Bắc Sơn kéo về miền xuôi. Ngày 27 – 9 – 1940, nhân dân Bắc Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương đã nổi dậy khởi nghĩa, nêu khẩu hiệu chống đế quốc Pháp - Nhật, tước vũ khí của quân đội Pháp để tự vũ trang cho mình. Cuộc khởi nghĩa đang tiếp diễn thì Nhật – Pháp đã thỏa hiệp với nhau để cho thực dân Pháp rảnh tay đàn áp cách mạng Việt Nam. Xứ ủy Bắc Kỳ phái đồng chí Trần Đăng Ninh đến Bắc Sơn, trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Nhân dân Bắc Sơn đang họp mitting ở Vũ Lăng để thành lập chính quyền cách mạng thì họ thiếu kinh nghiệm và tinh thần cảnh giác không đủ nên đã bị quân Pháp đánh úp. Quân khởi nghĩa rút vào rừng, thành lập đội du kích đầu tiên ở Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo. Để hưởng ứng phong trào Bắc Sơn, một số địa phương nhận được chỉ thị của Trung ương đã đấu tranh phối hợp đặc biệt là ở Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành – Thanh Hóa). Cuộc đấu tranh đã dẫn đến tổ chức lực lượng vũ trang nhưng sau đó phải phân tán vào trong nhân dân. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy bị thất bại nhưng đã bóc trần âm mưu của phát xít Nhật – Pháp và đã đẻ ra lực lượng vũ trang đầu tiên của nhân dân ta kể từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng. Lực lượng vũ trang đó dần dần phát triển thành “Việt nam cứu quốc quân”. Với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân ta đã mở ra một trang lịch sử đấu tranh vũ trang mới. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra trong khi nhân dân các nơi khác trong nước chưa từng được chuẩn bị cho nên quân khởi nghĩa đã phải chiến đấu một cách cô độc. Nhưng bài học của khởi nghĩa Bắc Sơn rất lớn và rất bổ ích để chuẩn bị tốt cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này. Đồng thời quân Nhật kéo vào miền Bắc Việt Nam, quân đội Thái Lan cũng đánh vào Campuchia. Thực dân Pháp bắt nhân dân Việt Nam nhất là nhân dân Nam Bộ và nhân dân Khơ Me ra mặt trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Nung nấu căm thù bọn thực dân Pháp và không chịu làm nô lệ cho đế quốc Nhật – Pháp, lại được tinh thần khởi nghĩa Bắc Sơn cổ vũ mạnh mẽ nên nhân dân ta ở Nam Bộ rất hăng hái sôi sục đấu tranh. Lúc đó, một số các đồng chí Trung ương như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẩn đều lần lượt bị bắt. Những đồng chí Trung ương còn lại ở Nam Bộ và Xử ủy Nam Kỳ có ý định lãnh đạo nhân dân Nam Kỳ để đổi cuộc chiến tranh Pháp – Xiêm ra nội chiến cách mạng và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc họp Hội nghị Trung ương lần thứ Bẩy và xin chỉ thị về vấn đề đó. Tháng 10 – 1940, Hội nghị họp ở Bắc Ninh. Tham dự hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, còn một vài đồng chí Trung ủy viên đang công tác ở Nam Bộ không thể ra dự được. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là chuẩn bị lãnh đạo cuộc “vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”. Hội nghị Trung ương lần thứ 7 phân tích tình hình thế giới và trong nước, nêu rõ nguy cơ các dân tộc Đông Dương bị một cổ hai tròng, xác định Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế là Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật – Pháp và khẳng định chủ trương tạm rút khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày” của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 là đúng. Hội nghị nhận định rẳng: một cao trào cách mạng của nhân dân Đông Dương nhất định sẽ nổ ra, vì thế Đảng phải lãnh đạo các dân tộc Đông Dương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành lại tự do và độc lập dân tộc. Hội nghị còn nghe đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và quyết định nhiệm vụ phải duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những tiểu đội du kịch hoạt động phân tán và tiến tới thành lập căn cứ địa du kích, lấy vùng Bắc Sơn – Vũ Nhai làm trung tâm. Về đề nghị của Đảng bộ Nam Kỳ, Hội nghị nhận định rằng: vì cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã thất bại và điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước đều chưa chín muồi cho nên chưa thể khởi nghĩa được mà nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ Nam Kỳ là dùng những hình thức đấu tranh chính trị và kinh tế chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, phản đối chiến tranh Pháp – Xiêm. Đồng thời, Đảng ra sức tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng nhân dân và binh lính, chuẩn bị điều kiện, chờ thời cơ tốt, chờ toàn quốc, sẽ vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi Pháp - Nhật. Nếu khởi nghĩa ngay thì sẽ bị cô độc và có thể bị quân đội Pháp - Nhật liên hợp lại cùng tiêu diệt ta. Đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Nam Bộ thì được tin lệnh khởi nghĩa đã phát đi các nơi rồi và đâu đó đã sẵn sàng, không thể thu hồi lệnh đó được nữa. Đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ bùng nổ, Vì nổ ra trong tình hình chưa trực tiếp cách mạng, lực lượng chủ yếu của cách mạng chỉ là một số anh em binh lính trong quân đội địch, kế hoạch khởi nghĩa lại bị lộ và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã bị thất bại. Đế quốc Pháp tàn sát cực kỳ dã man nhưng nhân dân Việt Nam không hề lùi bước. Khói lửa của khởi nghĩa Nam Kỳ chưa tắt thì binh lính Đô Lương (Nghệ An) lại nổi dậy. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ Đô Lương chưa giành được thắng lợi nhưng đã nêu cao tình thần anh dũng, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Bao nhiêu đầu rơi, máu chảy đã để lại cho Đảng ta và nhân dân ta một bài học về vũ trang khởi nghĩa vô cùng quý báu. Bài học ấy có thể nói như sau: Một là, cuộc khởi nghĩa muốn giành thắng lợi thì phải nổ ra đúng lúc của nó. Đó là lúc tình thế đã trực tiếp cách mạng, biểu hiện ở chỗ: - Kẻ thù đã hoang mang, chia rẽ đến cực điểm, chúng đang gặp khó khăn, lúng túng đến tột cùng và không thể nào khắc phục được. - Các tầng lớp đứng giữa đã chán ghét bọn địch nên đã ngả về phe cách mạng hoặc là đã có thiện cảm với cách mạng, sẵn sàng đi theo đội tiền phong. - Đội tiền phong đã quyết tâm hi sinh, quyết tâm lãnh đạo toàn dân chiến đấu đến cùng để tiêu diệt quân địch, giải phóng cho mình và cho dân tộc. Hai là, ở nước thuộc địa và nông nghiệp như nước ta thì đường lối vũ trang đấu tranh giành chính quyền là: quân khởi nghĩa phải đánh chiếm những nơi sơ hở nhất của địch ở nông thôn, lập căn cứ địa ở nông thôn, đánh lan dần ra rồi đến lúc điều kiện cho phép thì khởi nghĩa ở thành thị, tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch, thu hồi toàn bộ đất nước. Ba là, muốn khởi nghĩa thắng lợi thì không thể chỉ dựa vào lực lượng binh lính của địch mà ta cảm hóa được, chủ yếu phải dựa vào quần chúng nhân dân đông đảo, trước hết là dựa vào quần chúng công nhân và nông dân. Đồng thời, phải ra sức tuyên truyền binh lính địch làm cho họ giác ngộ và không chịu bắn vào quân cách mạng hoặc chạy qua hàng ngũ quân cách mạng, dùng súng của địch mà bắn vào đầu địch. Những cuộc binh biến chỉ có thể có hiệu lực thực tế đối với cách mạng nếu có được quần chúng nhân dân đông đảo ở hậu phương tích cực ủng hộ và hưởng ứng. Tình hình thế giới và trong nước mỗi ngày một khẩn trương, đòi hỏi Đảng ta phải lãnh đạo sát hơn nữa. Tháng 2- 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Hội nghị đã họp từ 10/19-5-1941 ở Pác Pó (Cao Bằng), sát biên giới Trung Quốc. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan… Hội nghị nhận định rằng: từ ngày Đông Dương chịu hai tầng áp bức của phát xít Pháp - Nhật, mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với đế quốc xâm lược trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất vì ách áp bức quá nặng nề, các dân tộc Đông Dương không thể nào chịu nổi. Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thờ thuyền, dân cày mà chúng nó còn áp bức cả dân tộc…Quyền lợi của các giai cấp đều bị cướp giật, vận mệnh dân tộc đang rất nguy vong. Hội nghị xác định nhiệm vụ đánh Pháp đuổi Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nông mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân Đông Dương. Do đó, Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.(3) Vì vậy, Hội nghị tiếp tục đặt nhiệm vụ giải phóng lên hàng đầu. Để tập hợp các tầng lớp nhân dân đông đảo, các lực lượng cách mạng của dân tộc chống kẻ thù chính của dân tộc là đế quốc phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị chủ trương trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội tức là Mặt trận Việt Minh, cái tên đấy ý nghĩa và dễ động viên tinh thần dân tộc của quần chúng. Hội nghị đã nêu cao khẩu hiệu giải phóng dân tộc nên mục đích của các hội quần chúng chủ yếu cũng là cứu nước và tên các hội quần chúng cũng đều thống nhất là Hội cứu quốc. Về vấn đề ruộng đất, Hội nghị nhận định rằng: để phân hóa hàng ngũ của giai cấp địa chủ hơn nữa, vẫn cần tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày” và đề ra những khẩu hiệu như sau: tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn việt gian chia cho dân cày nghèo, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng. Hội nghị còn quyết định xúc tiến mọi mặt công tác để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và tăng cường lãnh đạo các tổ chức vũ trang và xây dựng căn cứ địa du kích. Những chủ trương đó có một tầm quan trọng rất đặc biệt. Nghị quyết hội nghị đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ của Đảng trong vấn đề tập trung mũi nhọn chống chủ nghĩa phát xít xâm lược. Nó đã động viên toàn Đảng, toàn dân đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp và đã đưa phong trào cách mạng Việt Nam đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hội nghị đã kiện toàn Ban chấp hành trung ương và cử đồng chí Trường Chinh làm tổng bí thư. Sau Hội nghị Trung ương, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập. Nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và Mặt trận Việt Minh lúc đó là cứu quốc, giải phóng dân tộc, vì thế các tổ chức trong Mặt trận đều tổ chức lại thành cách hội cứu quốc như: “Công nhân cứu quốc. Phụ nữ cứu quốc. Thanh niên cứu quốc. Tự vệ cứu quốc. Nhi đồng cứu quốc. Phụ lão cứu quốc. Nhân dân cứu quốc…” Nhưng lại chưa có “văn hóa cứu quốc”. Lập ra tổ chức “Hội cứu quốc Việt Nam” là để thu hút những người thuộc giai cấp tư sản hoặc địa chủ tán thành đánh Pháp đuổi Nhật. Chúng ta phải áp dụng chính sách mềm dẻo đối với kẻ thù nhằm giải phóng dân tộc một cách nhanh chóng nhất. Chủ trương giải phóng vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương. Mỗi dân tộc ở Đông Dương sẽ phải tự giành lấy độc lập, tự do và trên cơ sở đã độc lập tự do mà tự quyết vấn đề ở lại hay tách ra khỏi liên bang Đông Dương. Việt Nam giúp Lào thành lập “Ai Lao độc lập đồng minh” và giúp Campuchia thành lập “Cao Miên độc lập đồng minh” tiến tới thành lập Mặt trận chung cho toàn Đông Dương với mục đích duy nhất “đánh đuổi Nhật – Pháp ra khỏi Đông Dương”. Hội nghị quyết định phải xúc tiến ngay công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và của nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại. Để đưa cuộc khởi nghĩa vũ trang đến thắng lợi thì cần phải ra sức phát triển lực lượng cách mạng và hình thức tổ chức thích hợp, tiến hành xây dựng căn cứ địa. Phải tăng cường lãnh đạo lực lượng vũ trang, Trung ương chỉ định đồng chí Phùng Chí Kiên và đống chí Lương Văn Chi cùng với đồng chí Chu Văn Tấn lập thành Ban chỉ huy của các đội du kích ở Bắc Sơn – Vũ Nhai lấy tên là “Việt Nam cứu quốc quân”. Tám tháng du kích ở Bắc Sơn – Vũ Nhai đã nêu một bài học về đấu tranh du kích như sau: dưới hai ách của phát xít Nhật – Pháp, nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo có thể lập được căn cứ địa cách mạng và đánh du kích trường kì để tiêu hao và tiêu diệt bọn đế quốc mạnh hơn rất nhiều nhưng phải có cơ sở quần chúng rộng rãi để cho quân du kích hoạt động và phát triển. Quy luật của chiến tranh du kích là dựa vào quần chúng, sinh sôi nảy nở, cơ động cao độ, biến hóa không cùng. Nếu quân du kích giữa thế thủ và tự co mình lại, xa lìa quần chúng thì sẽ bị tiêu diệt. Chiến tranh du kích là một hình thức đầu tranh mới của cách mạng Việt Nam chống phát xít Nhật – Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Cuộc chiến tranh ái quốc của Liên Xô chống phát xít Đức đã ảnh hưởng mãnh liệt đến phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Nhân dân Việt Nam coi mỗi thắng lợi của Quân đội Xô Viết như thắng lợi của bản thân mình. Cuối năm 1942 đầu năm 1943, Quân đội Xô Viết tiêu diệt 330.000 quân phát xít Đức ở Stalingơrat và chuyển mạnh sang phản công trên khắp các mặt trận. Thắng lợi lịch sử đó là một cổ vũ rất lớn đối với nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là một đả kích rất lớn đối với bọn đế quốc phát xít Nhật – Pháp. Mặc dù sống cực khổ dưới hai ách phát xít, nhân dân Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo vốn tin tưởng nay lại càng thêm tin tưởng ở sự nghiệp giải phóng của mình. Lúc này, Nhật đối với Pháp ngày càng lấn tới, mâu thuẫn Nhật – Pháp thêm sâu sắc và xung đột giữa hai bọn thống trị không thể nào tránh khỏi. Mâu thuẫn Nhật – Pháp, mâu thuẫn giữa Pháp Đờ Gôn và phát xít Pháp, mâu thuẫn giữa bọn thân Nhật và bọn thân Pháp…ngày càng thêm sâu sắc. Trước sự chuyển biến tình hình, ban thường vụ Trung ương họp vào ngày 25/27-2-1943, quyết định củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất (Việt Minh) và vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, tranh thủ những ngoại kiều ở Đông Dương chống phát xít, chủ yếu là những người Pháp kháng chiến và Hoa kiều chống Nhật, đồng thời phải ra sức chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhấn mạnh “chuẩn bị khởi nghĩa là công tác trung tâm hiện nay” (4) Để chấp hành nghị quyết của Ban thường vụ trung ương tháng 2 – 1943, Đảng tăng cường hoạt động để mở rộng Mặt trận, ra sức tranh thủ sinh viên, trí thức và tư sản dân tộc. Khi đó, trong hàng ngũ những tầng lớp trên đây có sự phân hóa: Một bộ phận thân Nhật, một bộ phận thân Pháp và một bộ phận tán thành Việt Minh. Số thân Pháp mỗi ngày một ít, số tưởng lầm rằng có thể lợi dụng Nhật thì càng ngày càng thấy rõ bộ mặt phát xít đế quốc Nhật và đâm ra thất vọng và sự ảnh hưởng của Việt Minh ngày càng tăng. Đảng ta nhận thấy rằng đã đến lúc cần phải giúp giai cấp tư sản dân tộc và những người trí thức tư sản Việt Nam thành lập một Đảng cách mạng để tranh thủ giai cấp tư sản dân tộc Việt Nm và giới trí thức Việt Nam đứng trong Mặt trận Việt Minh. Và như thế là một mặt phá chính sách lừa bịp “Đại Đông Á” của đế quốc Nhật ở Việt Nam, mặt khác mở rộng thêm Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật – Pháp. Đảng ta còn chủ trương vận động ngoại kiều dân chủ chống phát xít kể cả những phần tử Pháp Đờ Gôn ở Đông Dương, thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương chống phát xít đồng thời ra sức vận động binh lính Vỉệt Nam, lính lê dương và lính Pháp. Do những chủ trương đúng đắn đó của Đảng, uy tín của Việt Minh ngày càng to lớn, ảnh hưởng của Việt Minh ngày càng tăng, phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển. Bọn phát xít Nhật – Pháp cảm thấy không thể chỉ đàn áp, khủng bố mà có thể dập tắt được ngọn lửa cách mạng Việt Nam, cho nên chúng cho hồi phục những đồi phong bại tục, truyền bá những tư tưởng cải lương và phản động, lôi kéo thanh niên vào phong trào mà chúng gọi là “khỏe để phụng sự” hòng đẩy thanh niên xa lìa con đường cách mạng, qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tuyển thanh niên đi lính. Hội nghị Trung ương tháng 5- 1941 đã nhấn mạnh: “Việc đào tạo cán bộ nay đã trở thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ, một phút, tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này”. Những lớp huấn luyện ngắn ngày được mở tương đối đều để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Những công tác bí mật, công tác tổ chức cơ quan, tổ chức giao thông liên lạc, cũng được đúc thành kinh nghiệm để phổ biến cho cán bộ, đảng viên. Năm 1943, sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị phát xít Pháp bắt và xử bắn, Thường vụ trung ương quyết định kết nạp một lớp đảng viên mới, lấy tên là “lớp Hoàng Văn Thụ”, thu hút được nhiều phần tử ưu tú vào Đảng, làm tăng thêm lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh đường lối đấu tranh mới của Đảng được nêu ra ở Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11-1939). Đó là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng ở cả nông thôn và thành thị, tiến tới xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Ý nghĩa của sự chuyển hướng: Sự điều chỉnh chiến lược của Ban chấp hành Trung ương phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân và các dân tộc Đông Dương, có khởi nghĩa phát huy cao độ tiềm năng, sức mạnh tổng hợp từ toàn dân tộc trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập tự do. Đồng thời cũng đánh dấu được sự trưởng thành vượt bậc của Đảng về nghệ thuật hoạch định đường lối chính trị trong đó mối quan hệ phức tạp nhưng cơ bản nhất lúc này là quan hệ giữa hai nhiệm vụ dân tộc, dân chủ đã được nhận thức và giải phóng hoàn toàn thỏa đáng. Đây là sự khẳng định, kế thừa, phát triển lên một bước mới tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã được xác lập và trở thành ngọn cờ tư tưởng của Đảng của cách mạng Việt Nam. Sự điều chỉnh chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng có ý nghĩa quyết định chiều hướng vận động của phong trào dân tộc, trực tiếp quyết định thắng lợi của cách mạng Tháng 8. Dẫn theo: (1) Dẫn theo Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập 3. Nhà xuất bản thành phố HCM, 1993, tr.166 – 167. (2) Trích Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 11- 1939. (3) Trích Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 5-1941. (4) Trích Nghị quyết của Hội nghị thường vụ Trung ương tháng 2- 1943. Tài liệu: Ba mươi năm đấu tranh của Đảng, tập I, Ban tuyên giáo trung ương – Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản. Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1945, nhà xuất bản Đại học Sư Phạm. Tìm hiểu môn học Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà xuất bản lý luận chính trị. Giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà xuất bản chính trị Quốc Gia. Văn kiện Đảng toàn tập (1940 - 1945), nhà xuất bản chính trị Quốc Gia.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docChiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ và chủ trương của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành chính quyền.doc
Luận văn liên quan