Cho một ví dụ về vi phạm pháp luật và phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật đó
Trong xã hội ta, pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, nên các quy định của pháp luật được đông đảo nhân dân tôn trọng và tự giác thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong xã hội vẫn còn nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, xâm hại đến các lợi ích vật chất và tinh thần của nhà nước, của xã hội và của nhân dân. Đó là một hiện tượng nguy hiểm, tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội. Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề vi phạm pháp luật, đặc biệt là cấu thành vi phạm pháp luật sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần đề ra những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật trong xã hội. Tuy nhiên, cấu thành vi phạm pháp luật là gì, bao gồm những mặt nào? Ta sẽ phân tích một ví dụ trong thực tiễn để làm rõ vấn đề này.
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 59139 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cho một ví dụ về vi phạm pháp luật và phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật đó, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU
Trong xã hội ta, pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, nên các quy định của pháp luật được đông đảo nhân dân tôn trọng và tự giác thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong xã hội vẫn còn nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, xâm hại đến các lợi ích vật chất và tinh thần của nhà nước, của xã hội và của nhân dân. Đó là một hiện tượng nguy hiểm, tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội. Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề vi phạm pháp luật, đặc biệt là cấu thành vi phạm pháp luật sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần đề ra những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật trong xã hội. Tuy nhiên, cấu thành vi phạm pháp luật là gì, bao gồm những mặt nào? Ta sẽ phân tích một ví dụ trong thực tiễn để làm rõ vấn đề này.
NỘI DUNG
CÁC KHÁI NIỆM.
Khái niệm vi phạm pháp luật.
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Khái niệm cấu thành vi phạm pháp luật.
Cấu thành vi phạm pháp luật là toàn bộ những yếu tố, những bộ phận làm thành một vi phạm pháp luật cụ thể, bao gồm mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể.
VÍ DỤ THỰC TIỄN.
Tình huống vi phạm pháp luật.
Nguyễn Tấn Đăng K. (45 tuổi) và Bùi Thị Bích P. (44 tuổi) học cấp ba cùng nhau và có thời gian yêu nhau thắm thiết. Nhưng do mẹ của K. quyết liệt ngăn cản nên hai người phải chia tay. Sau đó, mỗi người đều có gia đình riêng của mình. K. lấy vợ nhưng đã 10 năm mà vẫn chưa có con. Trong khi đó, P. và chồng có một đứa con chung là cháu Lê Đức A.. Sau 14 năm chung sống, chồng chị P. qua đời vì ung thư gan. Hai mẹ con phải một mình gánh đỡ cả gia đình vốn đã nghèo khó.
Một lần tình cờ gặp lại chị P., cảm thông với hoàn cảnh của hai mẹ con, K. đưa con chị P. về trang trại cá của vợ mình (tại số 68 đường Đồng Khởi, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho làm giúp việc. Vợ K. (Mai C., 40 tuổi) vì ghen tuông, cho rằng cháu bé là con riêng của chồng và chị P. nên luôn trút giận lên đầu cháu: Mắng chửi, đánh đập bằng tay, chân… Chị P. trong thời gian đó bị ốm, nằm viện và không thể liên lạc với con mình. K. đi công tác suốt một tháng bên Hoa Kỳ nên không hề biết tin chị C. hành hạ cháu.
Sáng ngày 18/05/2008, Anh K. có gửi quà từ Mỹ về cho cháu bé. Tức giận, ghen tuông vì hành động của chồng, C. đã đi mua một lọ thuốc ngủ gồm 50 viên, lấy 20 viên giã nát và trộn vào món trứng tráng do mình làm cho cháu Đức A. ăn tại trang trại của mình. Cháu bé ăn hết, được một tiếng thì ngất do ngộ độc vì uống thuốc ngủ quá liều. Sợ bị phát hiện, C. kê cháu bé nằm ngủ và trùm kín chăn, nhưng anh Trung Q. đã bắt gặp, phát hiện và đưa cháu bé đi bệnh viện. Do phát hiện muộn, cháu bé đã chết trong quá trình đi cấp cứu.
Mai C. (sinh năm 1968, Mỏ Cày, Bến Tre) là một người bình thường, không có bệnh về thần kinh, chưa có tiền án, tiền sự, kinh doanh nghề cá tại trang trại của mình.
Trong tình huống này, C. đã có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của C. được cấu thành từ những yếu tố sau:
Phân tích cấu thành vi phạm pháp luật trong ví dụ trên.
Mặt khách quan của vi phạm pháp luật.
Khái niệm: Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm pháp luật. Nó bao gồm hành vi trái pháp luật, hậu quả của hành vi đó, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả, thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện vi phạm.
Hành vi trái pháp luật là những xử sự của con người không phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc làm của C. (dùng 20 viên thuốc ngủ cho vào thức ăn của cháu bé 14 tuổi) là hành vi dã man, vô nhân đạo. Hành vi đó đã lấy đi tính mạng đứa trẻ, gây nguy hiểm cho xã hội, là hành vi trái pháp luật được quy định tại Bộ luật hình sự.
Hậu quả của vi phạm pháp luật là sự thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra cho xã hội. Hành vi của Mai C. đã gây nên cái chết của cháu Đức A., gây tổn thương tinh thần của mẹ và toàn thể gia đình đứa trẻ, đồng thời gây bất bình trong xã hội.
Giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả có mối quan hệ nhân quả, vì: Hành vi trái pháp luật (đầu độc cháu bé) xảy ra trước sự thiệt hại (cái chết của cháu bé), đồng thời, hành vi đó chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả (việc đầu độc cháu bé bằng thuốc ngủ quá liều chứa đựng khả năng thực tế rằng cháu bé sẽ bị ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng). Thiệt hại được gây ra trực tiếp bởi hành vi trái pháp luật.
Thời gian: Sáng ngày 18/05/2008.
Địa điểm: Tại trang trại nhà C., số 68 đường Đồng Khởi, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
Hung khí: Là 20 viên thuốc ngủ đã được C. đi mua, nghiền nát và trộn với thức ăn từ trước.
Cách thức vi phạm: Giấu thuốc ngủ trong thức ăn để lừa nạn nhân.
Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật.
Khái niệm: Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật là những biểu hiện tâm lí bên trong của chủ thể vi phạm pháp luật, gồm lỗi, động cơ và mục đích vi phạm.
Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội trong hành vi trái pháp luật của mình và hậu quả của hành vi đó. Chủ thể bị coi là có thái độ tiêu cực đối với xã hội khi họ có ý thức phủ định lợi ích xã hội, đi ngược lại lợi ích của xã hội. Hành vi của C. là lỗi cố ý trực tiếp. Bởi C. biết rõ việc mình làm là trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng và thấy trước hậu quả có thể xảy ra, nhưng vẫn thực hiện hành vi với mong muốn hậu quả xảy ra. C. có sự chuẩn bị hung khí và có thủ đoạn tinh vi (trộn thuốc ngủ vào thức ăn để cháu bé không nhận ra, khi cháu bé ngất vì ngộ độc lại che giấu hành vi của mình bằng hành động kê cháu bé nằm ngủ và trùm kín chăn).
Động cơ vi phạm được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. C. thực hiện hành vi này là do hai động cơ. Động cơ thứ nhất là do ghen tuông với mẹ đứa trẻ, nghi ngờ rằng chồng mình ngoại tình và có con riêng. Động cơ thứ hai, động cơ trực tiếp là do ghen tuông với chính đứa trẻ do đứa trẻ được chồng mình chiều chuộng.
Mục đích vi phạm là kết quả trong ý thức mà chủ thể vi phạm pháp luật đặt ra và mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong tình huống này, Mai C. muốn giết chết đứa trẻ để trả thù mẹ đứa trẻ và trả thù đứa trẻ.
Chủ thể vi phạm pháp luật.
Khái niệm: Chủ thể vi phạm pháp luật là cá nhân, tổ chức có năng lực, trách nhiệm pháp lý đã thực hiện hành vi trái pháp luật và có lỗi. Năng lực trách nhiệm pháp lý của cá nhân được xác định trên cơ sở độ tuổi và khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ.
Chủ thể của vi phạm pháp luật là Mai C. (sinh năm 1968, Mỏ Cày, Bến Tre).
Về độ tuổi, Mai C. là người đã thành niên (40 tuổi). Về sức khỏe, Mai C. là người có sức khỏe tốt, không có tiền sử bệnh thần kinh. Như vậy C. hoàn toàn đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình.
Khi anh K. nhận cháu Đức A. về nuôi, C. có khả năng kiềm chế được hành vi ghen tuông của mình và hoàn toàn có khả năng lựa chọn cách ứng xử: Nếu nghi ngờ chồng ngoại tình có thể hỏi thẳng chồng hoặc đi xét nghiệm. Khi cháu bé nhận được quà, nếu không thích, C. có thể không quan tâm đến việc đó, vì Đức A. chỉ là một đứa trẻ. Trên thực tế, C. đã chọn cách ghen tuông, để rồi thực hiện hành vi hãm hại cháu bé khi sự ghen tuông lên đến đỉnh điểm. C. thực hiện hành vi trái pháp luật của mình trong trạng thái tỉnh táo, không bị cưỡng bức về tinh thần. Như vậy, C. có khả năng điều khiển hành vi của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình (có năng lực trách nhiệm pháp lý).
Theo quy định của pháp luật, Mai C. sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình trong trường hợp đó.
Khách thể vi phạm pháp luật.
Khái niệm: Khách thể vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Đó chính là những lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức trong xã hội, lợi ích của giai cấp cầm quyền cũng như lợi ích của toàn xã hội, của quốc gia, dân tộc được pháp luật ghi nhận, bảo vệ, bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Vi phạm pháp luật làm biến đổi tình trạng bình thường của các quan hệ xã hội, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho xã hội.
Hành vi của C. đã tước đoạt tính mạng của cháu Đức A. Hành vi này đã xâm phạm tới quyền được bảo đảm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân (Điều 71 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992), vi phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Tiểu kết
Từ những phân tích trên, ta thấy rằng, Mai C. sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nhà nước sẽ thông qua các cơ quan nhà nước hoặc nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành xem xét và xử lý Mai C. theo những quy định của pháp luật.
KẾT LUẬN
Vi phạm pháp luật luôn là một đề tài rộng lớn. Việc nghiên cứu cấu thành vi phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xét xử các vi phạm pháp luật xảy ra trong cuộc sống. Ta cần xác định đúng đắn và chính xác các mặt cấu thành vi phạm pháp luật, để từ đó đề ra những biện pháp chế tài phù hợp với chủ thể vi phạm pháp luật.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
***
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi, những nội dung căn bản của môn học lí luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2010.
Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. CAND, Hà Nội, 2003.
PGS. TS. Nguyễn Văn Động, Giáo trình lí luận về nhà nước và pháp luật, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009.
Bùi Xuân Phái, Luận văn thạc sĩ luật học, Vi phạm pháp luật – một số vấn đề lí luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001.
Trang web
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Cho một ví dụ về vi phạm pháp luật và phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật đó.doc