MỞ ĐẦU
Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trên thế giới với hơn 4000 năm phát triển liên tục. Có thể nói, văn minh Trung Hoa là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Bên cạnh những phát minh, phát kiến về khoa học, văn minh Trung Hoa còn là nơi sản sinh ra nhiều học thuyết triết học lớn có ảnh hưởng đến nền văn minh Châu Á cũng như toàn thế giới.
Nét đặc trưng của triết học Trung Hoa là có xu hướng đi sâu giải quyết những vấn đề thực tiễn chính trị - đạo đức của xã hội với nội dung bao trùm là vấn đề con người, xây dựng con người, xã hội lý tưởng và con đường trị nước. Trong số các học thuyết triết học lớn đó phải kể đến trường phái triết học Nho giáo. Nho giáo xuất hiện rất sớm, lúc đầu nó chỉ là những tư tưởng hoặc trí thức chuyên học văn chương và lục nghệ góp phần trị nước. Đến thời Khổng tử đã hệ thống hoá những tư tưởng và tri thức trước đây thành học thuyết. Nho giáo rất phát triển ở các nước châu Á là Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam.
Theo Nho giáo mọi thành viên trong xã hội đều bị trói buộc bởi Ngũ Thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngũ Thường quy định hành vi ứng xử của con người nó phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong những phạm trù đạo đức ấy, chữ “nhân” (人 ) được Khổng Tử đề cập nhiều nhất và được coi là nguyên lý đạo đức cơ bản, quy định bản tính con người trong quan hệ giữa người và người từ gia tộc đến xã hội. Để hiểu hơn về chữ “nhân” của Khổng Tử, em thực hiện đề tài “Chữ Nhân trong luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử”.
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 7614 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chữ Nhân trong luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trên thế giới với hơn 4000 năm phát triển liên tục. Có thể nói, văn minh Trung Hoa là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Bên cạnh những phát minh, phát kiến về khoa học, văn minh Trung Hoa còn là nơi sản sinh ra nhiều học thuyết triết học lớn có ảnh hưởng đến nền văn minh Châu Á cũng như toàn thế giới.
Nét đặc trưng của triết học Trung Hoa là có xu hướng đi sâu giải quyết những vấn đề thực tiễn chính trị - đạo đức của xã hội với nội dung bao trùm là vấn đề con người, xây dựng con người, xã hội lý tưởng và con đường trị nước. Trong số các học thuyết triết học lớn đó phải kể đến trường phái triết học Nho giáo. Nho giáo xuất hiện rất sớm, lúc đầu nó chỉ là những tư tưởng hoặc trí thức chuyên học văn chương và lục nghệ góp phần trị nước. Đến thời Khổng tử đã hệ thống hoá những tư tưởng và tri thức trước đây thành học thuyết. Nho giáo rất phát triển ở các nước châu Á là Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam.
Theo Nho giáo mọi thành viên trong xã hội đều bị trói buộc bởi Ngũ Thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngũ Thường quy định hành vi ứng xử của con người nó phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong những phạm trù đạo đức ấy, chữ “nhân” (人 ) được Khổng Tử đề cập nhiều nhất và được coi là nguyên lý đạo đức cơ bản, quy định bản tính con người trong quan hệ giữa người và người từ gia tộc đến xã hội. Để hiểu hơn về chữ “nhân” của Khổng Tử, em thực hiện đề tài “Chữ Nhân trong luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử”.
GIỚI THIỆU CHUNG
Sơ lược về Nho giáo
Nho giáo, còn được gọi là Khổng giáo, là một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Việc tìm hiểu tư tưởng gốc của Khổng Tử rất khó khăn sau thời kỳ “đốt sách, chôn Nho” của nhà Tần, hai trăm năm sau khi Khổng Tử qua đời. Tuy nhiên, cũng cái tên Nho giáo đó nhưng nội dung khác đã được đề cao. Đó là hầu hết các đặc điểm trọng văn của văn hóa nông nghiệp trong Nho giáo nguyên thủy (tính “hài hòa”, tính “dân chủ”, tính coi trọng văn hóa tinh thần) bị loại bỏ và bị thay thể bằng các đặc điểm trọng võ của văn hóa du mục (Tính “quốc tế”, tư tưởng “bá quyền”, Tính “trọng sức mạnh” được thể hiện ở chữ “Dũng”, Tính “nguyên tắc” được thể hiện ở học thuyết “chính danh”).
Đến đời Hán, Hán Vũ Đế đưa Nho giáo lên hàng quốc giáo và dùng nó làm công cụ thống nhất đất nước về tư tưởng. Và từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa trong suốt hai ngàn năm. Nho giáo thời kỳ này được gọi là Hán Nho. Điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy là Hán Nho đề cao quyền lực của giai cấp thống trị, Thiên Tử là con trời, dùng “lễ trị” để che đậy “pháp trị”. Đến Hán nho, nhà Hán chủ trương “dương đức”, “âm pháp”, hay còn gọi là “ngoại Nho, nội pháp”, tức là chủ trương nhân trị chỉ còn là hình thức mà thực chất là pháp trị.
Đến đời Tống, Nho giáo được gọi là Tống nho, với các tên tuổi như Chu Hy (thường gọi là Chu Tử), Trình Hạo, Trình Di. (Ở Việt Nam, thế kỷ thứ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất giỏi Nho học nên được gọi là “Trạng Trình”). Chu Hi bắt đầu như một người theo học Phật giáo nhưng vì không thể chấp nhận ý tưởng về vô ngã – không có bản ngã cố định – nên ông hướng tới truyền thống Nho giáo và rồi trở thành người trình giải chính của Tống Nho. Điểm khác biệt của Tống nho với Nho giáo trước đó là việc bổ sung các yếu tố “tâm linh” (lấy từ Phật giáo) và các yếu tố “siêu hình” (lấy từ Đạo giáo) phục vụ cho việc đào tạo quan lại và cai trị.
Như vậy, Khổng giáo nguyên bản có thể bị coi là thất bại. Trước khi chết, Khổng Tử rất u buồn bởi lẽ ông hiểu rằng, hút nhụy một phần từ văn minh nông nghiệp, Nho giáo mang tính nhân bản của ông chỉ thích hợp trong phạm vi làng xã. Còn để phục vụ trong phạm vi quốc gia thì cần phải có một triết lý có tính pháp luật cao hơn, và Hán nho đã hoàn thành xuất sắc điều này.
Cuộc đời và sự nghiệp của Khổng Tử
Khổng Tử (孔子)(551 – 479)
Khổng Tử nghĩa là vị thầy họ Khổng; còn gọi là Khổng Phu Tử, tước hiệu mà nho sinh dùng để tôn xưng vị thầy họ Khổng; ngoài ra, còn được hậu thế vinh danh là “Vạn thế sư biểu: vị thầy dạy vô số thế hệ”. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, một học giả Mỹ đã xếp Khổng Tử ở ngôi vị thứ 5, chỉ sau chúa Giê-xu, Thính-ca-mâu-ni... trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử. Đối với người Trung Quốc mà nói sự ảnh hưởng của Khổng Tử có thể phải xếp thứ nhất. Mỗi con người ít nhiều đều chịu sự ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử.
Thời đại của Khổng Tử là thời đại “vương đạo” suy vi, “bá đạo” nổi lên, chế độ tông pháp nhà Chu đảo lộn, đạo lý suy đồi. Vì thế, Khổng Tử muốn đem tài sức của mình ra giúp vua lập lại trật tự xã hội, nhưng không được vua nước Lỗ trọng dụng. Sau đó, ông đem đạo của mình chu du qua 14 (16) nước, nhưng cũng không được ông vua nào nghe theo. Về sau, ông trở về nước Lỗ mở trường dạy học và viết sách. Trải qua bốn mươi năm “dạy người không mỏi”, Khổng Tử thu nhận trên dưới ba nghìn môn đệ. Trong đó, có bảy mươi hai người được gọi là hiền, bao gồm cả những người được gọi là “triết”, hậu thế gọi là “Thất thập nhị hiền”.
Ông san định “Kinh Thi”, “Kinh Thư”, “Kinh Dịch”, “Kinh Lễ” … soạn “Kinh Xuân Thu”. Môn đệ của ông chép lại lời thầy dạy thành bộ “Luận ngữ”, “Trung dung”, “Đại học”.
CHỮ NHÂN TRONG LUẬN THUYẾT NGŨ THƯỜNG CỦA KHỔNG TỬ
Tư tưởng về đức nhân
Nhân là phạm trù "hạt nhân” trong học thuyết của Nho giáo, được xem là tư tưởng xuyên suốt của trường phái này.
Trong triết học Trung Hoa có hai chữ Nhân, nhân nghĩa là người, con người và nhân nghĩa là nhân ái, nhân đức là bản tính của con người. Cũng trong triết học Trung Hoa nhân bao gồm chữ nhân đứng kết hợp với chữ nhị có nghĩa là đạo làm người. Như vậy, nhân theo nghĩa hẹp là một phẩm chất đạo đức cụ thể, cơ bản và nền tảng của con người. Theo nghĩa rộng, nhân bao gồm mọi đức của con người như lễ, nghĩa, trí, tín, hiếu, trung..., đây là những phẩm chất có ý nghĩa bao trùm lên mọi đức tính. Nhân là đạo làm người, là cách cư xử của mình đối với người, là yêu người, là bác ái. Nhân là quy phạm nguyên tắc đạo đức chủ yếu nhất có tính phổ biến nhằm chi phối ràng buộc con người trong việc tu dưỡng hoàn thiện đạo đức của mình và ràng buộc mọi hành vi ứng xử trong các quan hệ xã hội giữa người với người, giữa người với mọi giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Nhân còn là phạm trù đạo đức mang tính chất chính trị là công cụ chính trị và nhằm mục đích chính trị.
Nhân được biểu hiện qua những việc làm cụ thể của con người như cung kính với bề trên, nhân nhượng với người dưới, trung thực với người, quan trọng hơn cả là lòng yêu thương con người. Nếu làm trái với những điều đó thì đều là làm trái với đức nhân. Qua đó để khẳng định nhân là đạo đức của con người, là hành vi ứng xử, là cách đối nhân xử thế giữa người với người. Nhân vừa bao la vô cùng nhưng nhân cũng rất gần gũi với mọi người, nhân gắn liền với bản chất tự nhiên của con người. Nếu hiểu theo tinh thần của Nho giáo thì nó là tinh thần chính trị, của đạo đức con người, là tinh thần của "Lễ", "Nhạc". Cho nên sách Nho định nghĩa: "Nhân là người và yêu người. Yêu người bắt đầu từ mình đến người gắn với mình cho đến quốc gia, xã hội, đây là tình, là hiếu, là trung, là nhân ái". Nếu nhân chỉ là yêu người thôi thì hoàn toàn chưa đủ, mà nhân còn là yêu người một cách vô tư không gượng ép, đó là bản tính vốn có của con người. Từ nhân mới nảy sinh ra các đức khác, nhân là gốc để sinh ra hiếu, lễ, trí, tín... Ngược lại các đức ấy lại hội tụ ở nhân. Như vậy nhân là phạm trù bao quát và toàn diện nhất.
Trong lịch sử Nho học, phạm trù nhân không phải đến đời Khổng Tử mới có mà quan niệm này đã có từ rất lâu. Sách Kinh Dịch cho rằng: "lập đạo của trời nói rằng âm và dương, lập đạo của đất nói về nhu và cương, lập đạo của người nói về Nhân và Nghĩa”. Đến thời Khổng Tử quan niệm về nhân mang tính chất mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Trong suốt cuộc đời của mình, Khổng Tử luôn mang hoài bão đưa tư tưởng của mình, học thuyết của mình để hướng con người đạt đến điều nhân, thực hiện đường lối trị nước bằng đạo đức (đức trị) để xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị. Trong luận ngữ có 105 chỗ nói đến nhân, nhưng không chỗ nào giống chỗ nào. Vậy “nhân” là gì?
Phan Trì hỏi nhân là gì? Phu Tử nói "Yêu người" (Nhan Uyên).
Trọng Cung hỏi nhân là gì? Phu Tử nói "Cái gì mình không muốn thì không làm cho người ta; ở trong nước không có điều oán, ở trong nhà không có điều oán" (Nhan Uyên). "Nhân là làm cái khó trước mà để cái được lại sau" (Ung dã). "Người quân tử bỏ cái nhân thì làm sao thành danh được? (Lý nhân)… Qua đó để ta thấy với Khổng Tử đức nhân chẳng ở đâu xa mà ngay chính trong lòng, trong tâm của mỗi người. Con người muốn đạt được điều nhân thì dẹp bỏ tất cả tư dục mà làm theo điều Lễ.
Chữ nhân của Khổng Tử có nội dung phức tạp. Mặc dù vậy có thể hiểu nhân là một khái niệm đạo đức chỉ phẩm chất cần có của người quân tử. Phẩm chất đó được nhìn nhận từ hai mặt: đối với mình và đối với người. Đối với mình phải trong sạch, không nghĩ và không làm điều xấu, điều ác, phải giữ đúng lễ và vươn lên không ngừng. Theo cách nói của các nhà nho là phải "tu thân" theo các tiêu chuẩn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để có thể "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Đối với người, phải thương yêu người (Phàn Trù vấn nhân, Tử viết: "ái nhân" - Nhan Uyên); phải giúp người thành đạt như chính mình (Phù nhân giảm kỉ dục lập nhi lập thân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân - Ung dã). Đứng trên quan niệm triết lý, đạo đức và tôn giáo của Khổng Tử thì nhân ở đây là “nhân trị” mà cốt lõi là cai trị bằng tình người, là yêu người, coi người như bản thân mình phải tránh cho người khác những điều chính mình cũng không muốn (Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân - Nhan Uyên). Mình muốn thì cũng giúp người khác thông đạt, đó là trung: mình không muốn thì cũng tránh cho người khác, đó là thứ: "Trung thứ" chính là "nhân"vậy. Tuy nhiên, không nên quá nhấn mạnh một chiều giá trị siêu việt của chữ nhân như Phơ-bách đã làm khi mượn chữ nhân của Khổng Tử để minh họa cho chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp tư sản. Chủ ngĩa nhân đạo của Phương Tây nghiêng về quyền lợi con người, chữ nhân phương Đông nghiêng về trách nhiệm con người. Nói đến chữ nhân, Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh đến sự an phận mà không oán trách, đặc biệt ở người dân (tại bang vô oán, tại gia vô oán - Nhan Uyên), phải chống lại sự hiếu thắng, khoe khoang, oán giận, ham muốn (khắc phạt, oán, dục, bất hành yên, khả dĩ vi nhân hĩ - Hiến vấn). Ông nói đến chữ nhân là nhằm vào người quân tử; bên cạnh chữ nhân còn có chữ dân giành cho người nô lệ. "Người quân tử học đạo thì biết thương người, kẻ tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến" (quân tử học đạo tất ái nhân, tiểu nhân học đạo tất dị sử - Dương Hóa).
Khổng Tử còn ví người đức nhân như nước vậy. "Nước chảy xuống trủng, chảy quanh co như Nghĩa vậy. Nước từ trên cao trăm trượng đổ xuống mà không ngần ngại giống như Dũng vậy. Nước ở lại chỗ cạn thì lưu hành, chỗ sâu thì không lường được giống như Trí vậy. Yếu mờ nhỏ mà ở đâu cũng thấm được giống như sát vậy. Cái gì không sạch vào nước thì cũng sạch, tinh khiết giống như thiên hóa. Nước đứng động, bằng phẳng giống như Chính vậy, nước đầy thì không phải giữ giống như Độ vậy...Nước khi khúc chiết chảy về biển Đông, giống như ý vậy" (Luận ngữ, Tử lộ). Như thế nhân cách theo Khổng Tử là mỗi người phải tự trau dồi cho mình những đức tính tốt đẹp đủ để tỏa ra cho mọi người xung quanh giống như nước vậy.
Như vậy ta thấy Nhân là yếu tố quan trọng, là cái gốc mở đầu của việc xây dựng đạo đức của một con người. Ai đạt được bậc nhân thì làm gì cũng được lòng người, ích cho đời. Bởi thế, "Người quân tử trong bữa cơm cũng không nên trái điều nhân, vội vàng cũng phải theo nhân, loạn lạc cũng phải giữ nhân", (Luận ngữ, Lễ nhân). Qua đó chúng ta thấy được quan niệm về nhân của Nho giáo mang đậm tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực mà con người luôn hướng đến.
Luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử
Ngũ Thường là phần tư tưởng cuả Khổng Tử (551- 479 trước CN) đứng trên mặt Nhân Sinh Quan mà xét, ông đưa ra học thuyết Chính Danh nhằm ổn định trật tự vốn dĩ bất an trong thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Chính Danh theo Khổng Tử là sự vật được tồn tại phải dùng ngôn ngữ để biểu hiện một cách khách quan đó là danh, nhưng danh không thực chỉ có nội hàm và sự vật thì luôn luôn thay đổi nên nội hàm thay đổi theo, nhưng ngôn ngữ biểu hiện thì ổn định do đó danh bị tụt hậu hay lạc lối, nếu danh không thay đổi để bắt kiệp với sự vật thực tại thì không còn chính danh, xã hội tất loạn.
Do đó Khổng Tử đặt ra một loạt Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức... mô hình chính danh cho con người theo đó để tu thân mà Ngũ Thường- nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là một hướng dẫn về phép ứng xử luân lí đạo đức tu thân trong xã hội Nho giáo.
Ngũ Thường ở đây không đơn giản trong lẽ đạo đức thường của 5 phép: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà còn thâm thúy nằm trong ngũ Thường luận về quân thần, phụ tử, huynh đệ, phu phụ và bằng hữu. Như vậy trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử Ngũ Thường chính là ngũ luân là căn bản cơ sở như một nhân tố, trong đó bốn điều sau vẫn còn có giá trị, trong khi quân thần đã mất đi phần ý nghĩa vì thời thế thay đổi, tuy nhiên nếu lồng vào quân thần bằng ý nghĩa thời đại suy rộng trong quan hệ liên đẳng cấp trên bình diện tương kính…thì vẫn có ý nghĩa áp dụng được.
Chữ nhân trong luận thuyết Ngũ thường của Khổng Tử
“Nhất Nhân”, chữ nhân không phải tự nhiên được đứng đầu, các bậc hiền triết xưa có cái lý cả. Nhân chính là kết tinh của Ngũ Thường, bởi nếu biết giữ chữ tín, cái nghĩa con người, biết giữ lễ với nhau thì hẳn chúng ta mới hoàn thiện được cái nhân, nếu mà một trong bốn đạo kia mà chưa giữ vẹn thì quả chữ nhân cũng khó mà hoàn thiện được. Khổng Tử nói đến nhân là nói đến nhân phẩm cơ bản để có thể thực hành “lễ, nghĩa, trí, tín”.
Tạm dịch nhân có nghĩa chính là Nhân ái. Nhân ái không dành riêng cho bất kì tầng lớp nào, kể cả giàu sang hay nghèo hèn đều có thể thi hành Nhân ái. Thật sự rằng, đã là con người thì bao giờ lòng Nhân ái cũng tìm ẩn trong trái tim, Mạnh Tử đã nói : " Nhân chi sơ, tính bổn thiện " . Con người vừa mới sinh ra, ai cũng hiền lương cả. Nhưng nhân chỉ có thể xuất phát nếu tâm hồn ta trong sạch chớ vướng vào bụi trần làm cho ô uế ra, ta cứ yêu thương đồng loại để mà bao dung, tha thứ và cho đi. Và lịch sử loài người cũng đã ghi lại không ít câu chuyện những bậc cao nhân thi hành "Nhân ái" đáng cho ta phải học hỏi và nể phục. Từ vua chúa đến các bậc hiền triết đã nhiều người đi dùng nhân nghĩa mà trị quốc cũng như dùng để đối nhân sử thế.
Trong quan niệm của Khổng Tử, "nhân" không chỉ là "yêu người", "thương người", mà còn là đức hoàn thiện của con người, và do vậy, "nhân" chính là đạo làm người - sống với mình và sống với người, đức nhân là cái bền vững như núi sông. Với ông, nếu thịnh đức của trời - đất là sinh thành, bắt nguồn từ đạo trung hoà, trung dung thì cái gốc của đạo lý con người là "trung thứ" và đạo đức, luân lý con người là "nhân", người có đạo nhân là bậc quân tử, nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc đã có nhiều học thuyết phê phán chữ "nhân" (yêu người) của Khổng Tử. Có người cho đó là giả dối, có người cho đó là nói suông, có người lại cho đó là nguồn gốc của bất nhân, bất nghĩa... Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng nhân của Khổng Tử không đi vào lòng của nhiều người đương thời, gây cho họ biết bao sự xúc động và làm cơ sở cho hành động nhân đạo của họ. Thực tế cho chúng ta thấy, "Từ đời Hán trở đi, suốt trên hai nghìn năm đạo Khổng được độc tôn, Vua Chúa đời nào cũng ráng áp dụng nó, mặc dầu không đúng. Nó thực tế hơn đạo Mặc, đạo Lão, nhân bản hơn thuyết của Pháp gia". Cũng cần phải nói thêm rằng, trong Luận ngữ, tư tưởng nhân của Khổng Tử còn bao gồm nhiều đức khác, như: Trực (ngay thẳng, không giả dối), Kính (nghiêm trang, cẩn trọng, cẩn thận trong công việc), Nghĩa, Lễ...
Ngoài ra, đức nhân trong Ngũ Thường của Nho giáo cũng là xuất phát điểm của học thuyết đạo đức, chính trị - xã hội. Vì vậy, nhân có mối quan hệ chặt chẽ mật thiết với các đức khác. Chẳng hạn nhân với nghĩa trong đó nhân thể hiện lòng thương người thì nghĩa là trách nhiệm thực hiện tình cảm đó. Muốn thực hiện điều Nhân phải có ý chí sắt đá vì vậy đức nhân có quan hệ biện chứng với trí, tín, dũng... Tuy nhiên đối với người cầm quyền, đức nhân như một thành trì vững chắc để giữ gìn và bảo vệ những gì họ đạt được.
Nhân là chữ đứng đầu trong Ngũ Thường, chúng ta thừa nhận nó thâm thúy, cao sâu khó luận. Nhưng đã có nhiều bậc hiền triết đi tìm chân lý chữ nhân nhưng hầu hết cũng chỉ tìm cũng chưa hoàn thiện. Chung quy lại nhân là căn nguyên của tứ đạo còn lại.
Để hiểu rõ hơn về tư tưởng "nhân" của Khổng Tử, ta cần so sánh Nho giáo với tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử và tư tưởng Từ bi của đạo Phật.
- Người nhân trong quan niệm của Khổng Tử, phân biệt mình và người, coi trọng đạo đức, chú ý phần thiện trong bản tính con người. Còn tư tưởng Kiêm ái của Mặc Tử thì xem ai cũng như mình, không phân biệt thân - sơ, chỉ chú trọng đến sự cứu giúp vật chất, chú ý đến "giao tương lợi".
- Tư tưởng "nhân" của Khổng Tử cũng khác xa tư tưởng Từ bi của đạo Phật.
Phật thương người và thương cả vạn vật, luôn u buồn vì sự mê muội của con người, luôn tìm cách giải thoát mọi sinh linh ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Còn đạo Khổng tìm mọi cách giúp cho con người sống một cuộc sống vui vẻ hơn, có nghĩa lý hơn và tìm kiếm hạnh phúc ngay trên cõi trần (thực tế) chứ không phải ở trên cõi niết bàn (mơ hồ).
Chính vì vậy, ngay cả khi tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo du nhập và có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của con người Đông Á, thì nó cũng không thể thay thế được vai trò của đạo Khổng.
Có thể nói "nhân" của Khổng Tử là tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa tiêu biểu nhất trong lịch sử các nước Đông Phương.
- Chủ nghĩa "nhân đạo" của Phương Tây nghiêng về quyền lợi con người.
- Chữ "nhân" Phương Đông nghiêng về trách nhiệm con người.
Như vậy: nhân chính là "đạo đức - đạo làm người", là "phẩm chất tất yếu cần có của người quân tử", là "nhân phẩm cơ bản" để có thể thực hành nghĩa - lễ - trí - tín...
Tóm lại, trong học thuyết Khổng Tử nói riêng, học thuyết Nho giáo nói chung, nhân là một phạm trù trung tâm, là đạo đức sáng ngời kết tinh những tinh hoa, chuẩn mực đạo đức của nhân loại. Chính từ mục đích vươn tới đức nhân nên con người phải tự giác thực hiện tốt những chuẩn mực đạo đức khác trong Ngũ Thường nói riêng và trong học thuyết về đạo đức luân lý của Nho giáo nói chung như lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, hiếu...qua đó thấy được đức nhân trong tư tưởng Ngũ Thường của Nho giáo.
So sánh chữ nhân của dân tộc Việt Nam và chữ nhân trong luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử
Trải qua hơn một ngàn năm phong kiến, Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của các tư tưởng Phật giáo, Lão giáo..., trong đó chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của tư tưởng Nho giáo. Ngay từ khi Nho giáo xâm nhập vào Việt Nam, nó đã thích nghi và phát triển mạnh mẽ. Từ xưa đến nay, Nho giáo ảnh hưởng rất sâu sắc đến nhiều mặt trong đời sống xã hội Việt Nam, trong đó có sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người Việt Nam.
Cũng cùng chữ nhân nhưng người Trung Hoa và người Việt có những suy tư và hành xử khác nhau.
Trong các bậc thang giá trị tinh thần, Việt Nam đề cao chữ nhân, kết hợp chặt chẽ nhân với nghĩa, nhân với đức, bất nhân bất nghĩa đồng nghĩa với thất đức. Nguyễn Trãi từng diễn tả quan niệm Nhân Nghĩa của người Việt - đối lập với cường bạo, nâng lên thành cơ sở của đường lối trị nước và cứu nước.
Chữ nhân của người Trung Hoa được trình bày đầu tiên trong Ngũ Thường của Khổng Tử. Vốn để đào tạo một chính nhân quân tử Trung Hoa. Thầy Mạnh Tử định nghĩa người đại trượng phu quân tử như sau: “Phú quý bất năng dâm” (Khi người quân tử được giàu sang thì không nên say mê danh vọng, địa vị, sắc đẹp, bài bạc, hút sách ở cuộc đời); “Bần cùng bất năng di” (Người quân tử cho dù gặp nhiều khó khăn trở ngại hay bần cùng trong lý tưởng hay trên cuộc đời cũng không nên nản chí mà bỏ đi lý tưởng mình đã và đang theo đuổi); “Uy vũ bất năng khuất” (Người quân tử không bao giờ bị khuất phục bởi sức mạnh, cường quyền).
Tuy nhiên chữ nhân nói trên còn bị khá nhiều giới hạn. Giới hạn của nó ở chổ chỉ nhằm tu chỉnh con người bên ngoài nhưng thiếu chú trọng về mặt tâm hồn. Nghĩa là tu dưỡng nội tâm để trở nên một con người có thể tự thắng mình. Con người tự thắng mình tức là con người đã vượt qua được những sự phiền não, tựu chung ở tham lam, giận dữ và mê muội. Hơn nữa chữ nhân của người Trung Hoa không mở rộng thành tình thương giống nòi đồng loại.
Chữ nhân của người Việt là trường hợp khá đặc biệt. Dân tộc ta sống cạnh một nước láng giềng to lớn, hung hăng cũng như rất tham lam bành trướng lãnh thổ. Kể từ thời lập quốc cách đây trên 4000 năm đã liên tục đề kháng lại sự xâm lăng của người Trung Hoa phương Bắc. Chữ nhân này đã được tổ tiên chúng ta ngay từ thuở xa xưa đã được phổ biến như là khuôn mẫu gìn giữ độc lập cũng như sự tự do giống nòi. Với quan niệm :"Ta thà bỏ mạng sống một đời chứ không bỏ chí lớn, quên mình để yên ổn quần sanh, đó là lòng nhân bao trùm trời đất vậy". Cũng chính nhờ chữ nhân này mà sau khi Hai Bà Trưng thất bại trong cuộc chiến chống quân Trung Hoa xâm lăng vào năm 43 sau Tây lịch, tổ tiên ta đã có thể giữ vững nòi giống cũng như duy trì được văn hóa Lạc Việt, đồng thời tạo nên những sức bật thần kỳ đánh đuổi quân xâm lăng phương Bắc của các bậc anh hùng lớn 60 năm sau cuộc thất trận của Hai Bà Trưng ở cuộc khởi nghĩa Tượng Lâm, đỉnh cao là chiến thắng sông Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán của Ngô Vương Quyền năm 938 đã giải thoát hẳn dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của người Trung Hoa phương Bắc.
Nhờ ở vị thế địa lý khá đặc biệt nên nước ta mới có cơ hội thâu nhập được hai nền văn minh lớn đó là nước Trung Hoa phương Bắc và Ấn Độ phía Nam, cùng với với nền văn minh tộc Việt là Đông Sơn và Lạch Trường đã hình thành nên lòng nhân bao trùm trời đất. Chính nhờ lòng nhân này dân tộc Việt, văn hóa Việt mới còn hiện diện cho đến ngày hôm nay. Điều tinh yếu làm thế nào để dung hóa những nền tư tưởng nêu trên cũng như chan hòa với nền văn minh Đông-Sơn và Lạch-Trường nhằm phục vụ một cách thiết thực cho dân tộc? Câu trả lời đó là tư tưởng Tam giáo đồng nguyên tức là Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Khi đề cập đến ba hệ tư tưởng trên tức là đề cập đến cách sống và sự thích ứng được vào đời sống hằng ngày, hơn nữa làm thế nào có ích lợi cho bản thân cũng như cộng đồng xã hội. Lý tưởng Bồ tát (lòng Nhân của tộc Việt) cũng như lý tưởng quân tử (của thầy Mạnh Tử) đều nằm ở đây cả.
KẾT LUẬN
Nho giáo từ khi ra đời cho đến nay đã trên hai nghìn năm trăm năm. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, có lúc ngự trị trên đỉnh cao của hệ tư tưởng thống trị phong kiến Trung Hoa và phong kiến Việt Nam, ngược lại có lúc bị phê phán và loại bỏ một cách không thương tiếc. Dù bị phê phán hay loại bỏ đi chăng nữa thì Nho giáo vẫn cứ tồn tại trong xã hội ngày nay. Sự tồn tại đó chứng tỏ Nho giáo vẫn có những yếu tố hợp lý, với những nội dung trong tư tưởng Ngũ Thường đã có tác dụng giáo dục đạo đức luân lý và trật tự kỷ cương, phép tắc lễ giáo trong mối quan hệ giữa người với người, trong gia đình và ngoài xã hội.
Khi cả nước bước vào thời kỳ xây dựng mọi mặt đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trên con đường tiến tới: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta lại thường xuyên đụng đến những vấn đề Nho giáo. Nho giáo tuy không còn ảnh hưởng nhiều trong đời sống như trước nhưng nó vẫn còn hiện diện bám sát chúng ta và tiếp tục đem lại cho chúng ta nhiều bài học cả chính diện và phản diện. Chúng ta cần phải biết chắt lọc, tiếp thu và phát triển những tư tưởng của Nho giáo để giải quyết những vấn đề về gia đình, về mối quan hệ cá nhân và xã hội, về quản lý đất nước, về phát triển kinh tế, giáo dục… trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày nay, chế độ xã hội đã khác trước, nhưng tư tưởng "nhân" của Khổng Tử vẫn còn đầy đủ ý nghĩa.
Trong xã hội luôn có nhiều mối quan hệ hổ tương lẫn nhau. Nếu mỗi người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những cuộc sống bản thân của họ yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng cũng gắn bó, bền vững và sẽ có nhiều điều kiện để khắc phục những chuyện thương tâm, xảy ra ngoài ý muốn.
Khi xã hội loài người đang trong quá trình toàn cầu hoá, phấn đấu để thế giới trở thành "ngôi nhà chung", thì chúng ta càng cần phải xích lại gần nhau, tạo ra những tiền đề cơ bản để có thể xây dựng một ngôi nhà chung mang sắc thái mới, đó là: đa sắc tộc, đa tín ngưỡng, đa văn hoá và trên hết là có một tinh thần bao dung, thân ái và đoàn kết.
Có thể nói, phạm trù "nhân" của Khổng Tử đã ra đời trong thời đại phong kiến, mang sắc thái của xã hội phong kiến, có những điều không còn phù hợp với xã hội ngày nay, nhưng việc tìm hiểu và rút ra những "hạt nhân hợp lý" của đạo Khổng, vẫn là việc mà chúng ta nên làm và cần làm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Quốc Tâm, 2009, “Tiểu luận: Vấn đề con người trong triết học Nho giáo và ảnh hưởng của nó với xã hội Việt Nam”, Đại học Nha Trang.
Lê An Bình, biên khảo và hiệu đính tháng 12 năm 2009, “Chữ nhân của dân tộc Việt”
Tiến sĩ Tạ Chí Hồng, 2011, “Giáo trình cao học môn triết học”, Đại học Đà Lạt.
Trần Thị Thùy Khóa luận, 2011 "Ngũ Thường trong triết học Nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay”, Đại học Huế.
TÀI LIỆU INTERNET
Khổng Tử
Nho giáo
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chữ Nhân trong luận thuyết Ngũ Thường của Khổng Tử.doc