LỜI MỞ ĐẦU
Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển là nơi tập trung một trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, sự giàu có của biển lại tập trung ở vùng đáy biển ven bờ, tức là ở thềm lục địa. Từ giữa thế kỷ 19, vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên từ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển đã trở thành hiện thực với con người. Từ đó bắt đầu hình thành những manh mối về khái niệm thềm lục địa pháp lí cũng như xuất hiện những tranh chấp trong khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại thềm lục địa. Vai trò của những chủ thể xây dựng – hoàn thiện luật quốc tế vẫn luôn là vấn đề đảm bảo, cân bằng lợi ích, tránh để xảy ra mâu thuẫn không đáng có.
Qua quá trình học tập nghiên cứu lí luận, cùng với việc tìm hiểu thực tiễn về sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển. Nhận thấy đây là một vấn đề quốc tế lớn, đang cần được quan tâm tìm hiểu kĩ lưỡng. Vì thế, em đã quyết định lựa chọn đề tài số 4 về cách xác định qui chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển để hoàn thành bài luận cuối kì môn luật công pháp quốc tế của mình.
Trong quá trình hoàn thành bài nghiên cứu này, em xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo giảng viên khoa Luật quốc tế_Trường đại học Luật Hà Nội đã giúp đỡ em để em có thể hoàn thành bài luận này.
11 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3714 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định qui chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các quốc gia, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
BÀI TẬP HỌC KÌ
Môn: CÔNG PHÁP QUỐC TẾ
Đề tài số 4: Chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định & qui chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện rõ sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển
Họ và tên : Đỗ Diệp Đan Linh
Khoa : Luật Quốc tế và Kinh doanh quốc tế
Lớp : Quốc tế 33B
Mã số sinh viên: QT 33B 031
HÀ NỘI – 2010
LỜI MỞ ĐẦU
Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển là nơi tập trung một trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, sự giàu có của biển lại tập trung ở vùng đáy biển ven bờ, tức là ở thềm lục địa. Từ giữa thế kỷ 19, vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên từ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển đã trở thành hiện thực với con người. Từ đó bắt đầu hình thành những manh mối về khái niệm thềm lục địa pháp lí cũng như xuất hiện những tranh chấp trong khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại thềm lục địa. Vai trò của những chủ thể xây dựng – hoàn thiện luật quốc tế vẫn luôn là vấn đề đảm bảo, cân bằng lợi ích, tránh để xảy ra mâu thuẫn không đáng có.
Qua quá trình học tập nghiên cứu lí luận, cùng với việc tìm hiểu thực tiễn về sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển. Nhận thấy đây là một vấn đề quốc tế lớn, đang cần được quan tâm tìm hiểu kĩ lưỡng. Vì thế, em đã quyết định lựa chọn đề tài số 4 về cách xác định qui chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển để hoàn thành bài luận cuối kì môn luật công pháp quốc tế của mình.
Trong quá trình hoàn thành bài nghiên cứu này, em xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo giảng viên khoa Luật quốc tế_Trường đại học Luật Hà Nội đã giúp đỡ em để em có thể hoàn thành bài luận này.
MỤC LỤC
Trang
I
Khái quát chung về quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và qui chế pháp lý của thềm lục địa trong Luật biển quốc tế
1
1/
Hành vi đơn phương của quốc gia ven biển với yêu cầu hình thành thềm lục địa pháp lý trong Luật Biển quốc tế
1
2/
Thực tiễn pháp điển hoá về Thềm lục địa trong Công ước Luật biển 1958
1
3/
Phán quyết của Toà án công lý quốc tế và sự phát triển khái niệm thềm lục địa pháp lí trong luật biển quốc tế hiện đại
2
II
Sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển thể hiện qua cách xác định và qui chế pháp lý của thềm lục địa trong Luật biển quốc tế hiện đại
2
1/
Cách xác định thềm lục địa pháp lý theo Luật biển quốc tế
Định nghĩa tại Điều 1 Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958 và những điểm gây bất bình đẳng giữa các quốc gia
Định nghĩa thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và những yếu tố mới bảo đảm công bằng giữa các quốc gia
2
2
3
2/
Quy chế pháp lý của thềm lục địa theo Luật biển quốc tế
Quy chế pháp lý của thềm lục địa theo Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958 – những điểm tiến bộ thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia
Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 – khắc phục hạn chế, bổ sung hoàn thiện quy chế pháp lý của thềm lục địa
5
5
6
III
Thực tiễn về vấn đề bình đẳng giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng trong khai thác và sử dụng biển
7
NỘI DUNG
Cơ sở lí luận trong bài luận này, đã viện dẫn và sử dụng những văn bản pháp luật quốc tế sau làm căn cứ pháp lí cho những nhận định của mình:
- Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958
- Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982
- Tuyên bố số 2667 ngày 28/9/1945 của Tổng thống Truman
I. Khái quát chung về quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định và qui chế pháp lý của thềm lục địa trong Luật biển quốc tế
Sự hình thành khái niệm “thềm lục địa pháp lý” trong tiến trình phát triển của Luật biển quốc tế có thể được xác định dựa trên những sự kiện sau
1/ Hành vi đơn phương của quốc gia ven biển với yêu cầu hình thành thềm lục địa pháp lý trong Luật Biển quốc tế
Trong thực tiến phát triển của Luật biển quốc tế, khái niệm “thềm lục địa” là khái niệm mang tính tập quán trước khi được pháp điển hoá vào các công ước quốc tế về biển. Tuyên bố của Truman – Tổng thống Hoa Kì đưa ra trong Tuyên bố số 2667 ngày 28/9/1945 được coi là sự khởi đầu cho các hoạt động pháp lý nhằm thể chế hoá thềm lục địa vào pháp luật thực định, phục vụ lợi ích của các chủ thể Luật Biển quốc tế. Tuyên bố Truman khẳng định: “Tài nguyên thiên nhiên của lòng đất dưới đáy biển và của đáy biển của thềm lục địa là thuộc về Hoa Kỳ và quyền tài phán của Hoa Kỳ. Sự hợp lý của những quyền nêu trên là do tính hiệu quả của các biện pháp khai thác, sử dụng và bảo tồn được bảo đảm từ phía nước ven biển, bởi thềm lục địa được xem là sự mở rộng của lục địa đất liền của đất gia ven biển, dường như thuộc về quốc gia đó một cách tự nhiên”. Nội dung này bắt nguồn từ nhận thức cơ bản về chủ quyền và quyền lực của một nước ven biển đối với tài nguyên thiên nhiên của mình trong các vùng nước gần bờ cùng cách ứng xử với tài nguyên trong vùng đó. Sau đó, nhiều quốc gia ven biển cũng đã thể hiện sự ứng xử của mình đối với thềm lục địa theo cách quan niệm mà tuyên bố Truman đưa ra để đơn phương yêu sách về thềm lục địa quốc gia.
2/ Thực tiễn pháp điển hoá về Thềm lục địa trong Công ước Luật biển 1958
Hội nghị lần thứ nhất của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1958 tại Giơnevơ đã cho ra đời bốn công ước: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (có hiệu lực từ ngày 10/9/1964); Công ước về biển cả (có hiệu lực từ ngày 30/9/1962); Công ước về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển cả (có hiệu lực từ ngày 20/3/1966); Công ước về thềm lục địa (có hiệu lực từ ngày 10/6/1964).
Những nhận thức về thềm lục địa từ phương diện địa chất được coi là cơ sở cho việc pháp điển hoá thềm lục địa pháp lý trong nội dung của một trong bốn Công ước trong Hội nghị luật biển lần thứ nhất_Công ước về thềm lục địa. So với những tuyên bố đơn phương về thềm lục địa của nhiều quốc gia ven biển thì Công ước Giơnevơ về thềm lục địa 1958 về cơ bản đã đưa ra cơ sở để xây dựng khái niệm thềm lục địa pháp lí, thừa nhận quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên… mặc dù về cách xác định nếu áp dụng trong thực tế lại làm cho thềm lục địa pháp lí trở nên biệt lập với khái niệm thềm lục địa địa chất. Công ước Giơnevơ về thềm lục địa đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt ngay sau khi kí kết vì những vấn đề bất cập so với điều kiện tự nhiên của các quốc gia.
3/ Phán quyết của Toà án công lý quốc tế và sự phát triển khái niệm thềm lục địa pháp lí trong luật biển quốc tế hiện đại
Trong thời gian từ giữa hai Hội nghị luật biển lần thứ nhất tại Giơnevơ năm 1958 và Hội nghị luật biển lần thứ ba từ 1972-1982, phản ánh bước phát triển tiến bộ mới của Luật biển và đã làm thay đổi cơ bản trật tự pháp lý cũ về biển. Phán quyết của Toà án quốc tế đóng vai trò khá tích cực trong việc hình thành khái niệm thềm lục địa pháp lí hiện đại. Tại vụ thềm lục địa biển Bắc năm 1969, Toà đã nêu ra được một nguyên tắc rất quan trọng trong Luật biển quốc tế là nguyên tắc đất thống trị biển đã củng cố sự tất yếu mà nước ven biển có được đối với việc thiết lập các đặc quyền và quyền tài phán của mình trên vùng lãnh thổ kéo dài tự nhiên với danh nghĩa là những quyền do chủ quyền đem lại. Khẳng định này cực kì quan trọng vì nó cho phép có cơ sở để hiểu đúng về thềm lục địa, tức về bản chất phải là phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền và vì vậy, cho dù một vùng đáy biển nào đó gần với một quốc gia hơn mọi quốc gia khác thì cũng không thể coi là thềm lục địa của quốc gia này để đòi yêu sách về thềm lục địa khi mà sự gần kề đó không phải là sự nối tiếp, một sự mở rộng và một sự kéo dài tự nhiên từ đất liền ra biển. Định nghĩa pháp lý về thềm lục địa trong Công ước 1982 đã lấy thuyết thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa làm cơ sở. Điều này có ảnh hưởng quyết định đối với toàn bộ tinh thần và nội dung cơ bản của những điều khoản và chế độ pháp lí của thềm lục địa.
II. Sự bình đẳng giữa các quốc gia trong khai thác và sử dụng biển thể hiện qua cách xác định và qui chế pháp lý của thềm lục địa trong Luật biển quốc tế hiện đại
1/ Cách xác định thềm lục địa pháp lý theo Luật biển quốc tế
a) Định nghĩa tại Điều 1 Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958 và những điểm gây bất bình đẳng giữa các quốc gia:
“Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của phần ngập nước tiếp giáp với bờ biển, nhưng nằm ở ngoài lãnh hải, đến độ sâu 200m hoặc sâu hơn nữa, tới một độ sâu có thể cho phép khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở đó.” Như vậy, thềm lục địa là một phần của đáy biển, tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải có:
- Ranh giới phía trong của thềm lục địa theo công ước 1958 là chưa được xác định. Bởi theo định nghĩa, ranh giới phía trong của thềm lục địa trùng với ranh giới phía ngoài lãnh hải và đương nhiên tuỳ thuộc vào chiều rộng của lãnh hải. Tuy nhiên trong Công ước Giơnevơ về lãnh hải và vùng tiếp giáp 1958 lại không có những điều khoản về chiều rộng tối đa của lãnh hải. Từ đó luật pháp quốc gia đã qui định rất khác nhau về chiều rộng lãnh hải, hậu quả là ranh giới phía trong của thềm lục địa được qui định tuỳ thuộc vào lợi ích của từng quốc gia.
- Ranh giới phía ngoài của thềm lục địa được xác định theo hai tiêu chuẩn:
+ Tiêu chuẩn độ sâu: 200 m (tiêu chuẩn ấn định, xác định rõ ràng chiều rộng của thềm)
+ Tiêu chuẩn khả năng khai thác (tiêu chuẩn động), mâu thuẫn với tiêu chuẩn trên và chỉ phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật khai thác thềm lục địa của quốc gia ven biển.
=> Những tiêu chuẩn này đã đưa đến những điểm không công bằng giữa các quốc gia ven biển:
- Thứ nhất, tiêu chuẩn độ sâu 200m là không hợp lý, có thể đưa đến tình trạng không công bằng giữa các quốc gia ven biển trong việc quy định chiều rộng của thềm lục địa tuỳ thuộc vào đặc điểm địa lý và địa mạo. Đối với quốc gia có thềm lục địa rộng và nông mà áp dụng tiêu chuẩn này thì được phép có được thềm lục địa rộng. Đối với quốc gia có thềm lục địa sâu thì việc áp dụng tiêu chuẩn “độ sâu” có thể gây thiệt hại cho quốc gia ven biển này.
- Thứ hai, tiêu chuẩn “lợi thế kĩ thuật” còn mang tính bất hợp lí hơn, tiêu chuẩn này được xây dựng không phải trên cơ sở khách quan, không dựa vào bản chất và chính những đặc điểm riêng của thềm lục địa. Cơ sở của tiêu chuẩn này là lợi thế của quốc gia ven biển trong khai thác tài nguyên của thềm, một cơ sở không xác định, rõ ràng, không chuẩn xác và tuỳ tiện. Chính tiêu chuẩn lợi thế kĩ thuật đã triệt tiêu giá trị của tiêu chuẩn độ nước sâu 200m (được coi là tiêu chuẩn rõ ràng) bởi trong thời đại của khoa học kĩ thuật ngày càng đạt được những thành tựu lớn, nếu cứ dựa vào lợi thế kĩ thuật thì ranh giới phía ngoài của thềm lục địa sẽ thay đổi vị trí hàng ngày theo thành tựu mới của khoa học kĩ thuật. Chiều rộng của thềm lục địa cũng tăng lên hàng ngày cùng với khả năng cho phép của quốc gia ven biển lấn tới những vùng sâu hơn ở đại dương, bất kể những vùng đáy biển sâu này có thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa hay thuộc địa phận của đáy đại dương.
Thực tế, tiêu chuẩn này cũng gây mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Bởi theo nguyên tắc này, các quốc gia không kể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, có quốc phòng mạnh hay yếu, không phụ thuộc vào chế độ chính trị hay xã hội của họ, đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng tiêu chuẩn thứ hai rõ ràng đã đưa yếu tố phát triển kĩ thuật của một quốc gia lên để xác định một vấn đề thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó. Giáo sư A. I-an-cốp đã nhận xét: “Sự phát triển của kỹ thuật có thể trở thành một yếu tố khuyến khích một cái gọi là quyền tài phán trườn lấn”. Áp dụng tiêu chuẩn này theo đà tiến bộ của khoa học kĩ thuật sẽ dẫn đến tình trạng toàn bộ đáy biển của đại dương về mặt lí thuyết có thể được chia xong giữa các quốc gia ven biển, thềm lục địa của Mỹ và của Anh ở Đại Tây Dương có thể gặp nhau trong một tương lai không xa.
b) Định nghĩa thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và những yếu tố mới bảo đảm công bằng giữa các quốc gia
Khoản 1 Điều 76 Công ước 1982 quy định: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”. Như vậy, thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển, đây là khái niệm cơ bản được thừa nhận chung của luật biển quốc tế hiện đại sau khi Công ước có hiệu lực. Thuyết thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa đã quy định các bộ phận cấu thành của thềm lục địa bao gồm toàn bộ vành đai lục địa (tức là bao gồm bề mặt và lòng đất của thềm, dốc và khối nhô lục địa). Đáy sâu thẳm của đại dương cùng với các dải núi đại dương của nó hoặc lòng đất của nó không thuộc thành phần của thềm lục địa.
Cũng theo Điều 76 Công ước về luật biển 1982, quy định về cách xác định:
- Ranh giới phía trong của thềm lục địa: trùng hợp với ranh giới phía ngoài của lãnh hải. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là quy định về chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý (tại Điều 3 Công ước về luật biển 1982) kể từ đường cơ sở, từ đó có giá trị ràng buộc chung về pháp lí đối với tất cả các quốc gia thành viên, từ khi công ước này có hiệu lực. Ranh giới pháp lí phía trong và ranh giới địa chất phía trong của thềm lục địa không trùng hợp với nhau. Nếu như ranh giới địa chất phía trong của thềm lục địa là bờ biển thì ranh giới pháp lí phía trong của nó lại là ranh giới pháp lí phía ngoài của lãnh hải có khoảng cách tối đa là 12 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
- Ranh giới phía ngoài của thềm lục địa được xác định theo hai tiêu chuẩn:
+ Tiêu chuẩn khoảng cách quy định kể từ đường cơ sở, ranh giới phía ngoài của thềm lục địa có thể được thiết lập bằng ba cách: 1) Lấy bờ ngoài của rìa lục địa khi bờ ngoài này cách đường cơ sở 200 hải lý; 2) Lấy khoảng cách 200 hải lí kể từ đường cơ sở khi vành đai lục địa chưa mở rộng đến 200 hải lý; hoặc 3) Lấy khoảng cách tối đa không quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở ở những nơi thềm lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý
+ Tiêu chuẩn độ sâu: ranh giới phía ngoài của thềm lục địa có thể được thiết lập bằng cách lấy khoảng cách không quá 100 hải lí kể từ đường đẳng sâu 2500m (là đường nối liền các điểm có cùng chiều sâu 2500m nước). Để việc xác định ranh giới quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được chính xác, để có thể hoạch định được vùng đáy biển quốc tế, một vùng tài sản chung của toàn nhân loại, tại Điều 76 (khoản 4; 7) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển đã quy định một loạt điều khoản về xác lập ranh giới phía ngoài của thềm lục địa khi thềm lục địa mở rộng ra ngoài giới hạn 200 hải lí. Đó là những quy định chính xác-rõ ràng-rành mạch, được vạch căn cứ vào những đặc điểm địa chất của bản thân vùng đáy biển. Do vậy mà những tiêu chuẩn nói trên mang tính trác địa khách quan, bản thân chúng không mang tính chủ quan.
=> Theo đó, quy định Công ước mới thể hiện rõ sự bình đẳng trong khái niệm, cách xác định thềm lục địa giữa các quốc gia:
- Thứ nhất, Công ước đã đưa ra quy định ngay trong khái niệm trong mọi trường hợp, thềm lục địa không được phép mở rộng ra quá 350 hải lý kể từ đường cơ sở mặc dù vành đai ở giới hạn đó vượt quá giới hạn này. Điều đó đã bảo đảm công bằng giữa các quốc gia có thềm rộng và các quốc gia có thềm hẹp, phù hợp tương quan về lợi ích giữa các quốc gia ven biển và tất cả các quốc gia khác,
- Thứ hai, bằng những qui định theo cách xác định tại Công ước 1982, không cho phép vạch ranh giới phía ngoài một cách tuỳ tiện hoặc theo sự nhìn nhận chủ quan của quốc gia ven biển. Công ước quy định một cách phổ cập, chính xác, rõ ràng về hoạch định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa, đã giải quyết vấn đề mà công ước 1958 chưa điều chỉnh (ranh giới trong chưa xác định, ranh giới ngoài phụ thuộc vào yếu tố không khách quan). Từ đó dẫn đến cách giải thích pháp luật và xác định ranh giới thềm lục địa một cách thống nhất, tránh được tính chủ quan, coi trọng lợi ích của quốc gia mình.
- Thứ ba, Công ước đã loại bỏ yếu tố bất bình đẳng bằng cách thay thế tiêu chí “lợi thế kĩ thuật” trong quy định trước đây. Đây là một sự hoàn thiện, khắc phục nhược điểm luật biển cũ, tạo điều kiện cho các nước chưa – đang phát triển có được quyền bình đẳng đối với quyền chủ quyền của mình so với các quốc gia phát triển, các quốc gia có công nghiệp mạnh trên thế giới.
2/ Quy chế pháp lý của thềm lục địa theo Luật biển quốc tế
a) Quy chế pháp lý của thềm lục địa theo Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958 – những điểm tiến bộ thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia
Với khái niệm và cách xác định còn có mặt hạn chế, Công ước Giơnevơ về thềm lục địa năm 1958 đã gặp phải không ít phản đối gay gắt. Tuy nhiên, trong quy chế pháp lí của thềm lục địa, sự bình đẳng giữa các quốc gia đã được tôn trọng và thể hiện trong một số quy định. Qua tìm hiểu, em đã thấy được một số điểm tiến bộ của Công ước 1958 thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia trong những quy định sau đây:
- Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 2 Công ước Giơnevơ: “Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với thềm lục địa nhằm thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này”. Theo Khoản 2 Điều 2: “các quyền nói ở khoản 1 là riêng biệt”. Điều này có nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hoặc không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì đó là việc riêng của quốc gia ven biển và không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy hoặc đòi hỏi bất cứ một quyền gì đối với thềm lục địa ấy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng đối với quốc gia đó. Qui định tiến bộ này của công ước Giơnevơ về thềm lục địa 1958 có ý nghĩa ngăn chặn nguy cơ nguồn của cải tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của các nước đang phát triển bị nước khác có kĩ thuật tiên tiến khai thác mất, gây tổn hại công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của các nước này.
- Thứ hai, cũng theo Khoản 1 Điều 2 Công ước Giơnevơ, xác định một cách rõ ràng các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa là thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này. Như vậy, các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là các quyền có hướng, có chức năng rõ ràng, cụ thể; hướng vào mục đích kinh tế là sử dụng tài nguyên của thềm lục địa. Từ đó các quốc gia không thể giải thích sai lệch các quyền đó tuỳ theo lợi ích riêng của họ, đảm bảo được cách hiểu chung, bình đẳng. Các quyền đó cũng không phải là không có giới hạn, không phải là vô hạn định về khối lượng và không phải là không xác định được bằng nội dung mà phải thực hiện trong khuôn khổ và giới hạn tại Điều 2 của Công ước.
- Thứ ba, Điều 4 Công ước Giơnevơ quy định: “Quốc gia ven biển không được ngăn cản việc các quốc gia khác đặt và duy trì dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa, trừ những trường hợp khi quốc gia ven biển thực hiện quyền tiến hành những biện pháp hợp lí để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa”. Điều này phù hợp với quy định của luật quốc tế, quốc gia ven biển thực hiện các đặc quyền và quyền tài phán trong thềm lục địa không ảnh hưởng đến quyền tự do của các nước khác.
b) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 – khắc phục hạn chế, bổ sung-hoàn thiện quy chế pháp lý của thềm lục địa
Công ước 1982 lấy nền tảng cho toàn bộ chế độ pháp lí của thềm lục địa là thuyết thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên của lục địa quốc gia ven biển. Điều đó đã khẳng định một cách tự nhiên quốc gia ven biển được ở tư thế thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa, được hưởng quyền không thể tước đoạt được đối với những tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Công ước 1982 đã giải quyết vấn đề thềm lục địa xuất phát từ lợi ích của quốc gia ven biển cũng như lợi ích của các quốc gia khác:
- Thứ nhất, để vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia ven biển ở thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế, vừa tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác ở biển cả và đáy đại dương; xuất phát từ Thuyết kéo dài tự nhiên, Công ước 1982 quy định trong mọi trường hợp quốc gia ven biển không được thực hiện quyền chủ quyền của mình đối với vùng thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 350 hải lý kể từ đường cơ sở, cho dù thềm lục địa có vượt quá giới hạn này.
- Thứ hai, theo Điều 82 Công ước 1982: “Quốc gia ven biển nộp các khoản đóng góp bằng tiền hay bằng hiện vật về việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật… Quốc gia đang phát triển nào là nước chuyên nhập khẩu một khoáng sản được khai thác từ thềm lục địa của mình được miễn ở khoản đóng góp đối với các sản phẩm đó.” Như vậy, quốc gia ven biển được hưởng quyền thì cũng sẽ có nghĩa vụ kèm theo, đó là nghĩa vụ nộp cho cơ quan quốc tế về đáy biển một phần lợi nhuận bằng tiền hoặc hiện vật trích từ lợi nhuận khai thác. Tuy nhiên cũng có sự ưu tiên đối với quốc gia ven biển tại khoản 3 là nước đang phát triển và nhập khẩu số tài nguyên đó sẽ được miễn trách nhiệm đóng góp này; hoặc khoản 4 về đảm bảo lợi ích cho nước đang phát triển, chậm phát triển, nước không có biển.
- Thứ ba, để tránh tình trạng quốc gia ven biển lạm dụng quyền tài phán để từ chỗ từ chối đi đến khước từ cho phép nước ngoài và tổ chức quốc tế nghiên cứu ở thềm lục địa. Điều 252 của Công ước qui định về sự cho phép mặc nhiên. Ngược lại, Công ước cũng quy định nghĩa vụ với các bên xin phép nghiên cứu khoa học ở thềm lục địa quốc gia ven biển. Quốc gia và tổ chức nghiên cứu phải tiến hành vô tư, chỉ nhằm mục đích hoà bình, không gây trở ngại…(Điều 240, 241).
- Thứ tư, Công ước 1982 qui định thành lập Uỷ ban ranh giới thềm lục địa gồm 21. Uỷ ban này có nhiệm vụ dàn xếp những tranh chấp có thể có ở thềm lục địa, bảo đảm độ chính xác của ranh giới phía ngoài của thềm lục địa, xâm lấn vùng đáy biển quốc tế. Công ước đã tính đến yếu tố bình đẳng giữa các quốc gia khi quy định Uỷ viên trong uỷ ban được phân bố theo nguyên tắc đại diện công bằng về địa lý, vì thế cũng đảm bảo tính công bằng trong giải quyết khó khăn hoặc tranh chấp khi hoạch định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa nơi này nơi khác do tình hình đáy biển đặt ra.
=> Từ cách xác định và quy chế pháp lí của thềm lục địa được xây dựng trong hai Công ước năm 1958, cho đến Công ước năm 1982; có thể thấy, quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật luôn có sự nỗ lực để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng về lợi ích giữa các quốc gia. Đồng thời cũng phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh khách quan; nhằm đạt được những giải pháp mà các bên đều chấp nhận, giảm nguy cơ tranh chấp xung đột, giữ gìn hoà bình và ổn định trên biển.
III. Thực tiễn về vấn đề bình đẳng giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng trong khai thác và sử dụng biển
Với tư cách là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Việt Nam đã áp dụng chặt chẽ pháp luật và vận dụng thực tiễn quốc tế trong điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên cụ thể, vừa nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình nhưng đồng thời cũng tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng được pháp luật và thực tiễn quốc tế thừa nhận đối với các quốc gia láng giềng trong vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa. Có thể lấy 2 ví dụ:
- Với Thái Lan: Tháng 8/1997, chính phủ hai quốc gia đã ký hiệp định vạch đường ranh giới vùng biển đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa giữa hai bên theo một đường dài khoảng 74 hải lý (137 km). Sau khi ký kết, hoạt động quản lý biển, đánh bắt hải sản đi vào nề nếp, tình hình trên biển ổn định, công cuộc thăm dò khai thác dầu khí hai bên đường ranh giới của hai bên được tiến hành mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực. Thực tế, công ty dầu khí ở nước ta vừa tuyên bố phát hiện thương mại đối với bốn mỏ khí lớn ở trên thềm lục địa Việt Nam trong Vịnh Thái Lan. Hai bên đã triển khai công tác tuần tra chung giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển của 2 nước góp phần ổn định tình hình trên biển, tăng cường lòng tin, sự hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan.
- Với Malaixia: Trong khu vực cửa Vịnh Thái Lan, giữa Việt Nam và Malaixia có một khu vực chồng lấn rộng khoảng 2.800 km2. Ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam tại khu vực này được quy định năm 1971; Malaixia đưa ra ranh giới của mình năm 1979. Đầu 1940, trong khu vực chồng lấn đã phát hiện ba mỏ dầu khí có thể khai thác thương mại. Năm 1992, hai bên bắt đầu đàm phán và thấy rằng nếu đi vào bàn vấn đề vạch đường biên giới trong khu vực chồng lấn này thì có thể đòi hỏi phải có nhiều thời gian, không thể khai thác sớm các mỏ dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực chống lấn không quá lớn, có thể hợp tác quản lý. Hai bên nhất trí ký kết thoả thuận về "hợp tác khai thác chung" vùng chồng lấn từ năm 1992 trên cơ sở bình đẳng về mọi mặt. Các mỏ thuộc khu vực chồng lấn Việt Nam - Malaixia là khu vực mỏ thứ ba sản xuất khai thác thương mại dầu khí của nước ta, tăng cường khả năng xuất khẩu và đem lại nguồn ngoại tệ lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng kinh tế, góp phần phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Malaixia./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007.
2. Giáo trình luật quốc tế, Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2007.
3. Luật quốc tế - Lí luận và thực tiễn, Lê Mai Anh & Trần Văn Thắng, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4. Các văn bản công pháp quốc tế và văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006.
5. Giáo trình Luật biển quốc tế hiện đại, TS. Lê Mai Anh, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2004.
6. Luật pháp và thực tiễn quốc tế về xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa, Nguyễn Duy Chiến, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Viện nhà nước và pháp luật, Số9, tr.79 – 83, 2009
7. Thềm lục địa - những vấn đề pháp lý quốc tế, Phạm Ngọc Chi
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chứng minh rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định về cách xác định & qui chế pháp lý của thềm lục địa trong luật biển quốc tế thể hiện rõ sự.doc