Như chúng ta đã biết, ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng lại là mặt không thể thiếu được khi quan hệ hôn nhân đã thực sự không thể hàn gắn. Trong trường hợp đó, ly hôn là một việc cần thiết cho cả vợ - chồng và cho xã hội; vì nó giải quyết cho tất cả mọi người: vợ, chồng, các con cũng như các thành viên khác của gia đình có thể thoát khỏi xung đột, mâu thuẫn bế tắc trong cuộc sống chung. Thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, đảm bảo quyền tự do hôn nhân bao gồm quyền tự do kết hôn của nam, nữ và quyền tự do ly hôn của vợ chồng. Theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, quyền yêu cầu ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật là quyền nhân thân gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; chỉ có vợ, chồng hay cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên, Nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ chồng không có nghĩa là giải quyết ly hôn tùy tiện, theo ý chí, nguyện vọng của vợ chồng muốn sao làm vậy, mà bằng pháp luật, Nhà nước kiểm soát việc giải quyết ly hôn, và trong một số trường hợp cần thiết Nhà nước còn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của công dân – cụ thể là người chồng. Bởi vì, trong quan hệ hôn nhân, không phải chỉ có lợi ích riêng tư của vợ, chồng mà còn có lợi ích của những thành viên khác trong gia đình như con cái
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4717 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Như chúng ta đã biết, ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng lại là mặt không thể thiếu được khi quan hệ hôn nhân đã thực sự không thể hàn gắn. Trong trường hợp đó, ly hôn là một việc cần thiết cho cả vợ - chồng và cho xã hội; vì nó giải quyết cho tất cả mọi người: vợ, chồng, các con cũng như các thành viên khác của gia đình có thể thoát khỏi xung đột, mâu thuẫn bế tắc trong cuộc sống chung. Thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, đảm bảo quyền tự do hôn nhân bao gồm quyền tự do kết hôn của nam, nữ và quyền tự do ly hôn của vợ chồng. Theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, quyền yêu cầu ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật là quyền nhân thân gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; chỉ có vợ, chồng hay cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên, Nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ chồng không có nghĩa là giải quyết ly hôn tùy tiện, theo ý chí, nguyện vọng của vợ chồng muốn sao làm vậy, mà bằng pháp luật, Nhà nước kiểm soát việc giải quyết ly hôn, và trong một số trường hợp cần thiết Nhà nước còn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của công dân – cụ thể là người chồng. Bởi vì, trong quan hệ hôn nhân, không phải chỉ có lợi ích riêng tư của vợ, chồng mà còn có lợi ích của những thành viên khác trong gia đình như con cái…
Chính vì vậy, trong bài tập nhóm tháng 2 này, nhóm chúng em đã nghiên cứu về đề tài: “Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn” nhằm hiểu rõ hơn về việc kiểm soát này của Nhà nước.
Cơ sở pháp lý của việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.
Một số khái niệm liên quan.
Theo khoản 8 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng”. Ðây là biện pháp cuối cùng mà luật cho phép thực hiện trong trường hợp cuộc sống vợ chồng lâm vào tình trạng khủng hoảng mà không thể được khắc phục bằng bất kỳ biện pháp nào khác. Nguyên nhân của sự khủng hoảng khá đa dạng: bất đồng ý kiến kéo dài, đối nghịch về quan niệm sống, thần tượng sụp đổ, ngoại tình... Nhưng tất cả các trường hợp ly hôn đều có chung một đặc điểm: vợ hoặc chồng hoặc cả hai không muốn tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân và muốn được tự do.
Trong đó Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.”
Như vậy, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn là quyền của vợ, chồng hoặc của cả hai vợ chồng. Quyền này gắn liền với nhân thân của vợ, chồng và không thể chuyển giao. Luật hôn nhân gia đình của Nhà nước không đặt ra các điều kiện ngăn cấm quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng. Tuy nhiên xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ có thai, của con sơ sinh, cũng là bảo vệ lợi ích nói chung của xã hội mà khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân gia đình quy định “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”; khoa học pháp lý gọi đây là trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng.
Điều này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em đã được nhắc đến trong khoản 6 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ”. Cần phải hiểu rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội của gia đình. Vì vậy, phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thật hợp tình, hợp lý, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và của con cái, bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.
Quy định pháp luật trong các thời kì trước về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.
Trên thực tế thì trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, mà trước đó trong hệ thống pháp luật dân sự và hôn nhân, gia đình ở nước ta dưới chế độ cũ (trước năm 1945 và trước năm 1975 ở miền Nam). Ví dụ như trong Bộ dân luật giản yếu (1883) áp dụng ở Nam Kỳ quy định: “Vợ chồng không được thuận tình ly hôn nếu: quan hệ vợ chồng xác lập chưa được 2 năm hoặc đã quá 20 năm; người chồng dưới 25 tuổi; người vợ dưới 21 tuổi hoặc đã quá 45 tuổi. Ngoài ta những người thân thuộc có quyền ưng thuận giá thú cũng cần phải ưng thuận sự ly hôn này”. Điều 121 Bộ dân luật Bắc kỳ (1931) và Điều 120 Bộ dân luật Trung kỳ (1936) quy định: “Sau 2 năm giá thú thì vợ - chồng mới có thể xin thuận tình ly hôn”. Trong Điều 170 Bộ dân luật năm 1972 dưới thời chế độ Ngụy quyền thì lại quy định: “Vợ chồng có thể xin thuận tình ly hôn nếu hôn thú được lập trên hai năm và không quá 20 năm”. Như vậy các quy định về giải quyết hôn nhân trong chế độ cũ đều dựa vào căn cứ như thời gian kết hôn, độ tuổi của vợ hoặc chồng mà không dựa trên tình trạng thực tế của quan hệ hôn nhân. Các quy định này không thể hiện được tư tưởng tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Trên thực tế chỉ từ Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 đến nay thì các quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn mới thể hiện được ý nghĩa tiến bộ của nó là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Cụ thể là trong Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959: “Trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ”; và Điều 41 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986: “Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ”.
Như vậy, trong hai bộ luật, tuy các nhà làm luật có sử dụng một số câu chữ đôi chút thay đổi, nhưng nhìn chung tinh thần của hai điều luật là như nhau, không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, trong quy định của hai bộ luật cũ này, có những điểm không rõ ràng của điều luật dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi vận dụng. Ví dụ: trường hợp người vợ sau khi sinh con mà đứa con không may bị chết sớm (đứa con bị chết trước khi đủ 12 tháng tuổi) thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền xin ly hôn…
Vì thế trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã có sự thay đổi trong quy định này.
Quy định pháp luật hiện nay về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.
Theo khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”, quy định này đã có sự rõ ràng hơn so với Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và Điều 41 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.
Xét từ câu chữ của điều luật thì, thứ nhất, chúng ta có thể hiểu rằng điều luật không được áp dụng trong trường hợp người xin ly hôn là người vợ. Tuy nhiên bởi vì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn, có vẻ như việc ly hôn do cả vợ và chồng cùng yêu cầu cũng không thể được Tòa án thụ lý chừng nào người vợ còn đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi. Tương tự thì Tòa án cũng rất khó có thể tiếp nhận đơn yêu cầu của người chồng có chữ ký chấp nhận của người vợ trong hoàn cảnh đó. Nhưng trái lại, có thể đơn vẫn được tiếp nhận nếu người đứng đơn là người vợ và đơn được nộp với sự chấp nhận của người chồng. Điều này trong hai bộ luật cũ được nói một cách cụ thể hơn: “Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ”, tuy nhiên việc nói cụ thể như thế này dường như là không cần thiết, vì thế trong Luật hôn nhân và gia đình 2000, các nhà làm luật đã cắt đi phần này. Trong trường hợp này, nếu người vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, xét thấy mâu thuẫn giữa vợ chồng là rất sâu sắc, tình cảm yêu thương đã hết, nếu duy trì quan hệ hôn nhân sẽ không có lợi cho sức khỏe của mình, của thai nhi hay của con mới sinh thì người vợ có thể gửi đơn yêu cầu ly hôn và Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chung.
Thứ hai, điều luật được áp dụng, ngay cả trong trường hợp người vợ đang mang thai với người khác hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con của người khác. Điều này được quy định rõ trong mục 6 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “…người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật chỉ quy định "vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi"; do đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp này (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai)…”. Như vậy nếu biết rằng thai nhi hoặc đứa trẻ không phải con của mình và muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng thì trong điều kiện tạm thời, người chồng vẫn không được phép yêu cầu ly hôn mà chỉ có thể lựa chọn biện pháp tạm thời là “ly thân thực tế” trong thời gian chờ đợi. Có thể lý giải rằng việc tạm thời “treo” quyền xin ly hôn của người chồng trong trường hợp này chỉ nhằm tránh sự cố tâm lý có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ, của thai nhi, là giải pháp được xây dựng trên cơ sở nhân đạo và không liên quan nhiều đến các giá trị của tình yêu, lòng chung thủy và gia đình. Bởi vậy, luật không có sự phân biệt là người vợ mang thai hoặc có con với chồng hay với người khác.
Thứ ba, về mặt nguyên tắc thì điều luật dường như cũng không được áp dụng trong trường hợp con chết trước khi được sinh ra hoặc sau khi sinh ra mà chết trong khoảng thời gian ngắn (con chết trước khi đủ 12 tháng tuổi). Tuy nhiên, trên thực tế, như đã phân tích ở trên thì điều luật này chủ yếu là để bảo vệ tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, dựa trên cơ sở nhân đạo là chủ yếu, nên hầu như không có thẩm phán nào lại chấp nhận tiến hành xét xử đến chừng nào người vợ chưa thực sự phục hồi sức khỏe và trạng thái tâm lý.
Thứ tư, luật đã không phân biệt con dưới 12 tháng tuổi là con ruột hay con nuôi. Vì vậy trên thực tế có thể có trường hợp: vợ nhận con nuôi dưới 12 tháng tuối không có sự đồng ý của chồng; do giận dữ, người chồng quyết định xin ly hôn; thì trong trường hợp này, khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2000 vẫn có thể được Tòa án áp dụng, quyền yêu cầu ly hôn của người chồng vẫn bị hạn chế. Tuy nhiên, đặt vấn đề ngược lại, điều luật này dường như không cấm người vợ xin ly hôn khi người chồng nhận con nuôi dưới 12 tháng tuổi; dù rằng trường hợp này sẽ rất hiếm xảy ra vì trên thực tế, người quan tâm đến vấn đề nhận con nuôi thường là người phụ nữ.
Về thủ tục giải quyết, nếu người chồng đưa đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn khi người vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới mười hai tháng tuổi thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn của người chồng. Tùy theo điều kiện của việc khởi kiện xin ly hôn, vụ án có thể được giải quyết như sau:
- Nếu ngay khi nhận được đơn xin ly hôn, Tòa án đã có căn cứ để biết rõ là người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ hơn mười hai tháng tuổi thì Tòa án trả lại đơn kiện cho người nộp đơn vì người nộp đơn không có quyền khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 168 Luật tố tụng dân sự năm năm 2004: “1. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: …b. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự…”.
Nếu sau khi nhận đơn xin ly hôn; qua điều tra, hòa giải mà Tòa án mới phát hiện ra là người vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì Tòa án giải thích rõ Điều 85 khoản 2 Luật hôn nhân gia đình cho người chồng là nguyên đơn biết để họ tự nguyện rút đơn khởi kiện xin ly hôn. Nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 Luật tố tụng dân sự năm 2004: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:… c. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện…”.
Nếu đã được giải thích rõ Điều 85 khoản 2 Luật hôn nhân gia đình mà người nộp đơn vẫn yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn.
Trong khi người vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới mười hai tháng tuổi mà người chồng khởi kiện xin ly hôn thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án không xét việc xin ly hôn của người chồng.
Ngoài ra, theo điểm c mục 10 của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nêu: “Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn”. Khoảng thời gian một năm được coi như là khoảng thời gian hợp lý nhằm tạo điều kiện cho cả hai vợ chồng suy nghĩ lại về quyết định xin ly hôn của mình, cũng là khoảng thời gian cần thiết để họ có thể hàn gắn những mâu thuẫn trong gia đình.
Ý nghĩa thực tiễn của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.
Như đã phân tích ở trên Nhà nước có quy định về trường hợp hạn chế yêu cầu ly hôn này là nhằm bảo vệ cho quyền lợi của người phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta cần xem xét lại ý nghĩa và tác dụng thực tiễn của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn này.
Đầu tiên, xét từ góc độ của người chồng trong mối quan hệ này. Nếu trong trường hợp người chồng đã quyết định nộp đơn yêu cầu ly hôn lên Tòa án chứng tỏ trong gia đình đã có những sự mâu thuẫn, tình cảm đã không còn tốt đẹp. Trong hoàn cảnh như vậy, dù có hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của anh ta thì anh ta cũng không thể yêu thương, chăm sóc, hoàn thành tốt những nghĩa vụ của người chồng, người cha đối với người vợ và đứa con. Ngoài ra, trong hoàn cảnh bị hạn chế như vậy, rất có thể anh ta sẽ có những hành động tiêu cực, mà người hứng chịu ở đây không ai khác chính là vợ và con anh ta. Điều này ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ vợ chồng, hơn nữa cũng không đảm bảo được mục đích ban đầu của điều luật này là bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Thứ hai, nếu xét từ góc độ của người vợ. Một khi gia đình đã có những rạn nứt thì tình cảm cũng không thể tốt đẹp. Trong hoàn cảnh đó thì cái mà người vợ cần nhất trong thời kì mang thai và nuôi con nhỏ là sự cảm thông, chia sẻ, động viên của người chồng sẽ không thể có được. Trong hoàn cảnh đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, tâm lý của người phụ nữ thường trở nên yếu đuối và mong manh, chỉ cần có những tác động từ người chồng, người phụ nữ cũng có thể dễ dàng chấp nhận ly hôn – như một cách nhanh nhất thoát ra khỏi tình trạng hôn nhân hiện tại.
Như vậy, quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong Luật hôn nhân và gia đình 2000 là rất tiến bộ, nhưng nó lại không thực sự phát huy tác dụng trên thực tế. Nên chăng các nhà làm luật nên quy định về những nghĩa vụ chăm sóc cho vợ đang mang bầu và con nhỏ dưới 12 tháng tuổi như việc đưa người vợ đi khám thai hoặc chăm sóc con nếu con bị ốm… bên cạnh việc hạn chế quyền ly hôn của người chồng.
Ngoài ra, trong điều luật quy định rằng: “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”, như vậy trong trường hợp con bị chết trước khi được sinh ra hoặc con bị chết không lâu sau khi ra đời, điều luật này không được áp dụng. Dù trên thực tế, bất cứ các thẩm phán cũng không chấp nhận xét xử khi mà sức khỏe và tâm lý của người vợ chưa hồi phục, nhưng điều này hoàn toàn dựa trên sự cảm thông, chia sẻ của thẩm phán dành cho người vợ, và để người chồng chấp nhận điều này cũng hoàn toàn dựa trên sự thuyết phục là chính mà chưa có điều luật nào của Luật hôn nhân và gia đình quy định điều này. Nếu người chồng vẫn cố chấp không chịu thì ly hôn là không tránh khỏi. Như vậy ý nghĩa của quy định hạn chế yêu cầu ly hôn đã không được đảm bảo trong thực tiễn.
Ngoài ra, cũng với ý nghĩa là bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em thì trong một số trường hợp khác, nên chăng chúng ta cũng có thể có những quy định tương tự hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Ví dụ như nếu người vợ đang trong tình trạng bệnh tật, ốm đau cần chăm sóc thường xuyên, hoặc đang trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh…
Như vậy, để những quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn thực sự có ý nghĩa trên thực tế thì chúng ta còn cần phải xem xét vấn đề này nhiều hơn nữa, bổ sung nhiều vấn đề còn chưa hoàn thiện.
KẾT LUẬN: Luật hôn nhân và gia đình của nước ta dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự do tự thỏa thuận của mỗi chủ thể, nên Nhà nước ta không đặt ra bất kì một sự ngăn cấm nào, những quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 hoàn toàn chỉ là sự hạn chế ở một mức độ nào đó quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong thời kì vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đây được xem là một trong số những quy định thể hiện sâu sắc tính nhân văn và tiến bộ trong tư tưởng cũng như trong bản chất pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng.
Qua những phân tích ở trên chúng ta thấy rằng quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thể hiện được sự tiến bộ trong tư tưởng bảo vệ người phụ nữ và trẻ em so với quy định trong các bộ luật dưới chế độ cũ. Hơn thế, nó còn thể hiện được sự ngắn gọn nhưng dễ hiểu, mạch lạc, ngôn từ sử dụng có sắc thái nghiêm túc hơn so với quy định về vấn đề này trong hai bộ luật cũ là Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986.
Tuy nhiên, để các quy định này thực sự có ý nghĩa đối với các bà mẹ và trẻ em, thực sự phát huy được tác dụng của nó trên thực tế thì các nhà làm luật còn phải xem xét trên nhiều khía cạnh, xem xét thêm nhiều vấn đề hơn nữa, để những quy định này thực sự đi sâu vào đời sống xã hội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn.doc