CSKV với công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Trong những năm gần đây, những thay đổi về đời sống kinh tế xã hội làm cho tình hình An Ninh Trật Tự diễn biến hết sức phức tạp. Tội phạm gia tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của quần chúng nhân dân. Tình hình An ninh trật tự phức tạp như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nền kinh tế thị trường thời mở cửa với mặt trái của nó, sự du nhập của lối sống phương Tây, ưa hưởng thụ, lười lao động; những mặt hạn chế của hệ thống Pháp luật và của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà cụ thể là lực lượng Công an nhân dân còn mỏng, còn hạn chế về trình độ, công cụ phương tiện phục vụ công tác chiến đấu còn thiếu. Trước tình hình đó, yêu cầu đảm bảo An ninh trật tự đặt ra ngày càng bức xúc. Lực lượng Công an nhân dân để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ bảo vệ An ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong các biện pháp công tác, lực lượng Công an nhân dân luôn đề cao và coi trọng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ An Ninh Tổ Quốc luôn coi đây là biện pháp quan trọng và mang lại hiệu quả cao. Để vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả lực lượng Công an nhân dân cần phải coi trọng công tác xây dựng các tổ chức nòng cốt bảo vệ An ninh trật tự ở cơ sở mà cụ thể là các tổ chức hội đồng bảo vệ An ninh trật tự, lực lượng bảo vệ dân phố, các tổ An ninh nhân dân, tổ hòa giải Trong đó lực lượng bảo vệ dân phố là lực lượng có những đóng góp rất quan trọng. Họ là những người có tinh thần tự nguyện dấn thân, chấp nhận hiểm nguy, luôn kề vai sát cánh với lực lượng Công an nhân dân đương đầu với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Bảo vệ dân phố là lực lượng thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn. Là lực lượng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: nắm tình hình An ninh trật tự; phổ biến tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; vận động, giáo dục, cảm hóa các đối tượng quản lý .nhưng nhiệm vụ tuần tra kiểm soát là nhiệm vụ mang lại hiệu quả cao nhất. Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát lực lượng bảo vệ dân phố phối hợp cùng lực lượng công an chủ động phòng ngừa phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm bảo vệ An ninh trật tự. Để hoạt động của lực lượng này có hiệu quả thì vai trò hướng dẫn của Cảnh sát khu vực là đặc biệt quan trọng. Trên thực tế hoạt động này vẫn còn nặng về tính hình thức, hô hào khẩu hiệu chưa thực sự đi sâu, đi sát. Trong quá trình hoạt động, thực thi chức năng nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế nhất định như nhận thức của một số quần chúng tham gia còn thiếu trách nhiệm, thiếu lòng nhiệt tình; các quy định về cơ cấu tổ chức và lề lối làm việc chưa được triển khai một cách đồng bộ .Có những hạn chế đó một phần không nhỏ là do sự quan tâm của lực lượng Cảnh sát khu vực chưa đầy đủ, còn nhiều tồn tại, vướng mắc, nhận thức của một số cán bộ chiến sĩ thiếu sâu sắc, triệt để chưa thấy được vai trò tác dụng to lớn trong hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố .Vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố đòi hỏi phải có sự quan tâm đầy đủ về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát khu vực. Tôi thấy rằng việc đi sâu nghiên cứu về công tác hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát khu vực với hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, thiếu sót, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này là hết sức cần thiết. Cùng với thực tế tại địa bàn phường Cát Linh tôi đã mạnh dạn chọn và nghiên cứu đề tài: “ CSKV với công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.” làm khóa luận tốt nghiệp. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu: 2.1 Mục đích nghiên cứu. - Nghiên cứu đề tài này nhằm làm sáng tỏ những vấn đề về thực tiễn công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSKV đối với lực lượng bảo vệ dân phố. - Nghiên cứu thực trạng hoạt động tuần tra kiểm soát của lưc lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tìm ra những khó khăn, thiếu sót trong công tác hướng dẫn của CSKV đối với hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn của CSKV với hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trong thời gian tới . 2.2 Nhiệm vụ của đề tài. - Làm rõ thực trạng công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, rút ra những ưu khuyết điểm và nguyên nhân của những tồn tại đó. - Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn của CSKV đối với hoạt động tuần tra, kiểm soát của ban bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Công tác hướng dẫn, chỉ đạo của CSKV đối với lực lượng Bảo vệ dân phố có rất nhiều nội dung. Trong đề tài này tôi chỉ đi sâu nghiên cứu về công tác hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Bảo vệ dân phố trong hoạt động tuần tra kiểm soát. - Địa bàn nghiên cứu: Phường Cát Linh. - Thời gian nghiên cứu khảo sát từ năm 2008 – năm 2010. 4. Phương pháp nghiên cứu. Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phương châm hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Để đạt được mục đích nghiên cứu đề tài tôi đã áp dụng các phương pháp như: tổng kết rút kinh nghiệm thông qua thực tế của Công an phường, qua hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp trao đổi, tọa đàm trực tiếp với cán bộ chiến sỹ trong phường, đặc biệt là các đồng chí chỉ huy Công an phường và lực lượng CSKV phụ trách các cụm dân cư. Mặt khác, bản thân trực tiếp làm công tác nghiên cứu điển hình, thống kê phân loại, so sánh, đối chiếu để rút ra bản chất của vấn đề. 5. Ý nghĩa khoa học của đề tài: Kết quả nghiên cứu của đề tài đáp ứng đòi hỏi thực tiễn công tác hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV đối với hoạt động tuần tra kiểm soát của BVDP Đây là đề tài hoàn toàn mới từ trước tới nay chưa có ai nghiên cứu. Vì vậy, đề tài có thể được sử dụng để làm tài liệu nghiên cứu tham khảo trong quá trình học tập và giảng dạy. 6. Cấu trúc của đề tài Ngoài các phần mở đầu, kết luận, mục lục, phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của đề tài gồm 02 chương: Chương 1: Thực trạng hiệu quả công tác hướng dẫn của Cảnh sát khu vực đối với hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chương 2: Giải pháp nâng cao hiệu quả hướng dẫn của CSKV đối với hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chương I THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CỦA CẢNH SÁT KHU VỰC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA KIỂM SOÁT CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CÁT LINH, QUẬN ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ HÀ NỘI 1.1 Nhận thức chung 1.1.1 Khái niệm: - CSKV là cảnh sát quản lý khu vực, thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, công tác tại cơ sở ở thành phố, thị xã, thị trấn, các khu đô thị hóa và địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. CSKV thừa hành Pháp luật, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự ở khu vực theo sự phân công, phân cấp; trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực phụ trách. Đây là lực lượng được giao rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như: nắm tình hình có liên quan đến an ninh, trật tự; quản lý hộ khẩu, nhân khẩu; quản lý giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, xây dựng phong trào bảo vệ An ninh tổ quốc; giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự trong địa bàn, thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, thực hiện các quy định quản lý hành chính khác về ANTT Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao lực lượng CSKV không thể chỉ dựa vào bản thân mình để thực hiện mà còn phải có sự phối hợp, giúp đỡ của các lực lượng quần chúng nòng cốt như: đội tự quản, đội thanh niên xung kích, tổ an ninh nhân dân, hội cựu chiến binh . Trong đó lực lượng bảo vệ dân phố là “ cánh tay phải đắc lực” của CSKV. Điều 6 Điều lệnh CSKV năm 2007 đã chỉ rõ: lực lượng CSKV phải “ Lựa chọn, giới thiệu những người tốt, nhiệt tình, có năng lực, điều kiện để nhân dân bầu vào bảo vệ dân phố, dân phòng, tổ an ninh nhân dân .; thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, củng cố tổ chức, sử dụng các lực lượng này trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.” Như vậy, nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của lực lượng CSKV gồm nhiều mặt như về tổ chức, về hoạt động, về phương pháp, lập các văn bản .trong đó có hoạt động tuần tra kiểm soát. Theo đó, khái niệm CSKV hướng dẫn lực lượng BVDP trong công tác tuần tra kiểm soát được hiểu như sau: “ Là quá trình lực lượng CSKV căn cứ vào Pháp luật, tình hình đặc điểm, địa bàn tổ chức hướng dẫn cho lực lượng BVDP về cách phân công, bố trí, nội dung, phương pháp, chiến thuật, cách phát hiện và giải quyết những vụ việc xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nhằm đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn được phân công”. - Tuần tra là quá trình đi lại, quan sát lưu động, xem xét đối chiếu tìm ra những hiện tượng nghi vấn. Tuần tra là hoạt động của các tổ chức hoặc cá nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ một khu vực, địa bàn nào đó. - Kiểm soát là hoạt động kiểm tra, soát xét, tìm kiếm, giám sát của những người có thẩm quyền đối với một người, sự vật khi có hành vi hoặc nghi vấn có hành vi xâm hại tới đối tượng, mục tiêu bảo vệ. Tuần tra, kiểm soát là hai hoạt động độc lập nhưng thường đi liền với nhau. Hoạt động kiểm soát thường được tiến hành sau khi phát hiện những hành vi vi phạm hoặc nghi vấn. - Bảo vệ dân phố là lực lượng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ ANQG và TTATXH, được thành lập ở các phường nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do UBND quyết định thành lập. Bảo vệ dân phố có rất nhiều nhiệm vụ như: nắm tình hình an ninh trật tự, phát hiện các vụ việc xảy ra trên địa bàn, đôn đốc nhắc nhở nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật .Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, BVDP phải thường xuyên tuần tra kiểm soát trong khu vực địa bàn được phân công. Theo đó, khái niệm tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP được hiểu như sau: Là quá trình lực lượng BVDP theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, dựa vào các quy định của Pháp luật, nội dung, yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn để công khai tiến hành hoạt động tuần tra, tiến hành kiểm soát khi phát hiện các đối tượng vi phạm hoặc nghi vấn phạm pháp để bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn được phân công. Như vậy lực lượng bảo vệ dân phố có rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn nhưng trong điều kiện hiện nay phải coi hoạt động tuần tra kiểm soát là phương pháp hữu hiệu nhất để thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm. Vì thông qua hoạt động này lực lượng bảo vệ dân phố dưới sự hướng dẫn của lực lượng CSKV đã chủ động phòng ngừa phát hiện, và đấu tranh chống các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bảo vệ ANTT. 1.1.2 Ý nghĩa, tác dụng của công tác hướng dẫn chỉ đạo của CSKV đối với công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP. Thông qua công tác này giúp cho lực lượng BVDP hiểu biết về các quy định của Pháp luật, có nhận thức đúng đắn, nắm vững đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác bảo vệ ANTT, nhằm xây dựng cho họ lập trường quan điểm vững vàng, có ý thức Pháp luật và ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Đồng thời bổ sung nâng cao các kiến thức nghiệp vụ, giúp lực lượng BVDP chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra, đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác . Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn chỉ đạo của CSKV còn có ý nghĩa động viên tinh thần hăng hái, nhiệt tình, dũng cảm mưu trí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP. Công an phường cần phải quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng thiết thực của các thành viên, tạo điều kiện giúp đỡ họ giải quyết những vướng mắc về tư tưởng, những khó khăn trong đời sống sinh hoạt, đồng thời động viên khích lệ tinh thần kết hợp với khuyến khích lợi ích vật chất và vận dụng chính sách, chế độ thích hợp đối với những tổ chức, cá nhân thích hợp, những tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Thông qua đó, tạo ra động lực thúc đẩy các thành viên trong lực lượng BVDP tự nguyện, nhiệt tình, hăng hái phối hợp với lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. 1.1.3 Nội dung, yêu cầu Để đảm bảo hoạt động tuần tra kiểm soát đạt được nội dung, yêu cầu phát hiện, giải quyết vụ việc, đối tượng .ngoài việc chuẩn bị về con người, phương tiện, lực lượng thì việc phân công bố trí các ca trực có ý nghĩa rất quan trọng. Việc phân công bố trí ca kíp trực không những có ý nghĩa khép kín thời gian trọng điểm trên địa bàn mà còn có ý nghĩa trong việc các thành viên giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Xuất phát từ nhận thức trên để hoạt động tuần tra kiểm soát có hiệu quả, trong những năm qua lực lượng CSKV đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, tình hình hoạt động của lực lượng BVDP để chỉ đạo việc phân công các ca trực sao cho hợp lý. Cụ thể trên các nội dung sau: - Lực lượng CSKV hướng dẫn việc phân công, bố trí ca kíp tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP cho phù hợp với điều kiện thực tế. Để công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP hoạt động có hiệu quả CSKV phải căn cứ vào các quy định của Pháp luật, căn cứ vào tình hình đặc điểm địa bàn, tình hình lực lượng mà chỉ đạo việc phân công bố trí, ca kíp, lực lượng tuần tra, thời gian, địa điểm tuần tra cho phù hợp, xác định đâu là địa bàn trọng tâm, trọng điểm để có sự phân công hướng dẫn cho phù hợp. CSKV tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng BVDP thành lập một tổ tuần tra từ 5 đến 6 người với sự phân công nhiệm vụ, lực lượng, thời gian cụ thể. Tổ tuần tra chia làm hai ca, thời gian tuần tra từ 19h30 đến 23h và từ 23h đến 3h hàng ngày. Đặc biệt thời gian ca hai phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và với số lượng người tham gia nhiều hơn. Và nhất là vào những ngày lễ, tết, ngày có các đoàn khách quốc tế đến thăm, ngày bầu cử, hội họp lớn . việc tuần tra kiểm soát được tiến hành duy trì 24/24 có mặt tại các điểm, các trụ sở tuần tra, khi đi thì phải bố trí ít nhất 1 người ở lại chốt trực; cứ cách từ 30 - 45 phút, 2 lực lượng này chia thành 2 tốp, trong đó 1 tốp đi tuần tra kiểm soát,1 tốp ở lại trực chốt. Hàng ngày các thành viên trong ban thay nhau tuần tra kiểm soát trên địa bàn; phương pháp tuần tra được bố trí theo không gian và thời gian hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. - Hướng dẫn về chiến thuật điều tra, đội hình khi đi tuần tra. - Hướng dẫn về cách quan sát , đối chiếu, cách phát hiện nghi vấn - Hướng dẫn về cách giải quyết vụ việc khi đi tuần tra kiểm soát - Hướng dẫn về cách kiểm soát người, kiểm soát phương tiện. CSKV trong quá trình hướng dẫn phải chu đáo, có dẫn chứng cụ thể, phù hợp với nhận thức của từng người, từng tổ, có tổ chức thực hành, rút kinh nghiệm và nêu gương nhân rộng những cá nhân điểm hình, tổ dân phố hoạt động có hiệu quả. Trong quá trình đi tuần tra kiểm soát phải chú ý không được gây ồn ào làm ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường của người dân và phương tiện. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lực lượng BVDP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi cá nhân, gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân . 1.2. Tình hình đặc điểm liên quan 1.2.1 Tình hình địa lý, dân cư, kinh tế xã hội Phường Cát Linh được thành lập từ tháng 2/1979 có diện tích 1,2km2 giáp danh với 6 phường bạn là Ô Chợ Dừa - Quốc Tử Giám quận Đống Đa - phường Điện Biên - Kim Mã - Giảng Võ - Thành Công quận Ba Đình. - Có 8 tuyến phố chính là: + Đê La Thành từ số 466 đến số 524 + Phố Giảng Võ từ ngã tư Đê La Thành đến ngã ba Giảng Võ – Nguyễn Thái Học chẵn từ số 2 đến 128 lẻ từ số 1 đến 349. + Phố Cát Linh – Trịnh Hoài Đức – Lý Văn Phúc – Hàng Cháo – Phan Phù Tiên và một phần phố Tôn Đức Thắng từ số nhà 02 đến số nhà 70. Trên địa bàn tập trung nhiều cơ quan của TƯ, Thành phố Hà Nội, trường học, đền chùa, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT: có 4 trường học, 62 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT( trong đó có 12 khách sạn, 5 nhà khách, 7 nhà nghỉ, 15 hộ có nhà cho người nước ngoài thuê, 3 nhà trọ bình dân, 3 cửa hàng cầm đồ, 7 cơ sở matxa, 8 của hàng karaoke ). Có 512 Công ty cổ phần và công ty tư nhân, 08 ngân hàng, 06 cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, 01 trung tâm thương mại tập trung số lượng người buôn bán lớn . Công tác giáo dục đào tạo của phường luôn được quan tâm chú ý, toàn phường có 2 trường Mẫu Giáo, 01 trường Tiểu học, 01 THCS và một chi nhánh của Học viện Tài Chính. Ngoài ra còn có 03 trung tâm ngoại ngữ tại Hàng Cháo – Cát Linh – Giảng Võ. Hệ thống các trường được phân bố tại các khu phố chính của phường, thu hút đông đảo con em của người dân trong quận. Đây vừa là điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa – giáo dục đồng thời cũng là những khó khăn trong công tác bảo vệ ANTT. Toàn Đảng bộ có 716 Đảng viên, 30 chi bộ (5 chi bộ thuộc các cơ quan, 25 chi bộ đường phố). Địa bàn phường có 11 khu dân cư với 60 tổ dân phố. *Về dân số (Bảng thống kê 1) Tính đến tháng 12 năm 2010, số nhân hộ khẩu trên địa bàn Phường Cát Linh có: 3752 hộ = 15008 nhân khẩu.( Số hộ khẩu KT1: 3405hộ =12620 nhân khẩu, số hộ khẩu tạm trú: 65 hộ= 319 nhân khẩu, Sinh viên = 182 nhân khẩu ), người nước ngoài đang tạm trú, lưu trú và làm việc = 378 nhân khẩu. Trong những năm qua tình hình dân cư luôn có sự biến động, phần lớn là biến động về cơ học, số lượng người về sinh sống và làm việc trên địa bàn tăng theo từng năm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý nhân hộ khẩu và ANTT trên địa bàn phường Tình hình đặc điểm địa bàn có nhiều thuận lợi cũng không tránh khỏi những nảy sinh phức tạp về ANTT đòi hỏi cần có lực lượng BVDP là cơ sở nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. 1.2.2 Tình hình An ninh trật tự Tình hình ANTT, TTXH trong thời gian qua cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục âm mưu diễn biến hòa bình, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm lòng tin giữa Đảng và quần chúng nhân dân, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Phường Cát Linh được đánh giá là địa bàn khá nhạy cảm về Chính trị của quận Đống Đa: có 01 nhà thờ họ đạo Thiên Chúa dòng họ Hồng Vinh với số giáo dân 73 người. Theo đạo Phật có chùa Cát Linh và chùa An Quốc ( Bích Câu Đạo Quán) cùng với Đền Bà Chúa Kho, lăng Phùng Hưng thường xuyên có nhiều người đến đi lễ, cầu an . Là địa bàn có nhiều tuyến đường có các đoàn khách quốc tế, các đoàn ngoại giao và chính phủ các nước đi qua, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác triển khai bảo vệ ANTT. Trên địa bàn phường mỗi năm có khoảng 300-350 lượt người nước ngoài và Việt kiều đến tạm trú, mục đích nhập cảnh chủ yếu là thương mại và du lịch. * Tình hình trật tự an toàn xã hội ( biểu mẫu số 2): Qua biểu mẫu ta thấy trong năm 2010 tổng số vụ phạm pháp xảy ra là 73 vụ, điều tra khám phá 55 vụ, bắt 70 đối tượng = 72,5% , giảm 5 vụ = 8,1%. Chuyển Công an quận truy tố: 51 vụ = 63 đối tượng, xử phạt hành chính tại phường 7 vụ = 16 đối tượng. Trong ba năm trở lại đây, từ năm 2008 đến năm 2010 hoạt động của bọn tội phạm và tình hình tệ nạn xã hội luôn có chiều hướng gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn trước. Các hoạt động của bọn tội phạm cướp giật, các tội phạm trộm cắp xe máy diễn ra hết sức phức tạp với số lượng lớn tăng theo từng năm. Năm 2010 xảy ra 14 vụ cướp giật, tăng 5 vụ so với năm 2009 ; trộm cắp xe máy 55 vụ, thủ đoạn hoạt động của 2 loại tội phạm này rất trắng trợn, địa bàn hoạt động rộng gây khó khăn cho công tác điều tra khám phá, tỷ lệ điều tra 51%. Các tụ điểm phức tạp đặc biệt là các tụ điểm về ma túy, mại dâm, lô đề .tuy đã tổ chức triệt phá song vẫn chưa triệt để, đặc biệt ở khu Phan Phù Tiên, Hàng Cháo, Lý Văn phúc .nơi có nhiều nhà cho thuê trọ bình dân và có số dân cư phức tạp. Tính đến tháng 11/2010 phường có 131 đối tượng trong diện quản lý, giáo dục tăng 25 đối tượng so với năm 2009 và tăng 32 đối tượng so với năm 2008. Lực lượng CSKV đã tham gia đấu tranh, khám phá 38 vụ hoạt động TNXH gồm 65 đối tượng, trong đó mại dâm có 8 vụ, ma túy có 19 vụ, cờ bạc có 11 vụ. Bên cạnh đó, tình trạng hàng quán lộn xộn, chiếm dụng vỉa hè để làm nơi bày bán hàng còn diễn ra phổ biến, lối đi cho người đi bộ bị hạn chế, gây cản trở giao thông. Các vi phạm về trật tự đô thị: xây dựng, cơi nới trái phép công trình, đỗ dừng phương tiện không đúng nơi quy định đã gây ra những phức tạp đáng kể cho tình hình trật tự, mỹ quan đô thị. Tình hình vi phạm luật lệ giao thông tuy không tăng nhưng những vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định vẫn không hạn chế được. Tuy nhiên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà trực tiếp là sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo nhiệm vụ của Công an quận Đống Đa. Cán bộ, chiến sĩ Công an phường đã có nhiều cố gắng phấn đấu và đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các mặt công tác. 1.2.3: Phong trào quần chúng Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở địa bàn phường luôn được quan tâm và thường xuyên được tăng cường. Phường có tất cả 11 cụm dân cư với 60 tổ dân phố, nhân dân ở địa bàn phường đều có tinh thần tự giác, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ ANTT tại địa bàn của mình. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường, Công an phường luôn chú ý củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ ( lực lượng bảo vệ dân phố, đội tự quản, hội thanh niên xung kích .) để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và TNXH. Lực lượng CSKV luôn luôn có mối quan hệ phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn như Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ . và các tổ chức quần chúng để thực hiện phong trào bảo vệ ANTT, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, khu phố văn hóa, văn minh. Bên cạnh đó, Công an phường đã huy động được các lực lượng quần chúng nòng cốt, đặc biệt là lực lượng bảo vệ dân phố tổ chức bảo vệ, tuần tra, kiểm soát địa bàn trong các ngày lễ lớn cuả dân tộc, tết nguyên đán, các điểm vui chơi công cộng, điểm bắn pháo hóa, đảm bảo cho nhân dân vui tết an toàn lành mạnh không có pháo nổ. Tổ chức các phương án cho lực lượng bảo vệ dân phố tham gia bảo vệ an toàn các đoàn khách quốc tế đi lại hội họp, ăn nghỉ trên địa bàn phường. Đặc biệt đã tham gia bảo vệ an toàn các hoạt động của Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các hoạt động thể dục thể thao tại sân vận động Hàng Đẫy và nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức . Tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả chuyên đề bảo vệ tính mạng, tài sản của người nước ngoài cư trú trên địa bàn phường. Các hộ có nhà cho người nước ngoài thuê trong các cụm dân cư được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không có vụ việc nào xảy ra. Các thành viên của ban bảo vệ dân phố đã huy động và cùng quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tổ chức vận động, tuyên truyền, giải thích và giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đặc biệt giải quyết các điểm nóng giải phóng mặt bằng, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động tụ tập khiếu kiện và gây rối phức tạp. Thường xuyên làm tốt công tác an ninh trường học, luôn đảm bảo cho các trường học có môi trường sư phạm lành mạnh, không để các tệ nạn ma túy, cờ bạc xảy ra 1.3. Thực trạng công tác hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV đối với hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh 1.3.1: Cơ cấu, tổ chức của Công an phường Cát Linh từ năm 2008 đến năm 2010. Công an phường Cát Linh được thành lập tháng 02/1979. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 12/2010 tổ chức lực lượng của Công an phường là 22 đồng chí gồm chỉ huy và các tổ sau: - Chỉ huy Công an phường gồm 04 đồng chí. Trong đó có một đồng chí là Trưởng công an phường phụ trách chung về toàn bộ hoạt động và có 03 đồng chí là phó trưởng công an phường. Một đồng chí phụ trách tổ Cảnh sát Trật tự, một đồng chí phụ trách tổ Cảnh sát Hình sự và một đồng chí phụ trách tổ CSKV. Ngoài ra còn có 01 đồng chí phụ trách nội cần và 01 đồng chí trực ban chuyên trách của Công an phường là những cán bộ trực tiếp tiếp nhận và xử lý những tin báo ban đầu của người dân khi có vụ việc xảy ra. - Công an phường được chia làm 03 tổ: + Tổ Cảnh sát Hình sự: của Công an phường Cát Linh có 5 đồng chí. ngoài chức năng và nhiệm vụ của mình lực lượng Cảnh sát Hình Sự còn phối hợp với CSKV trong công tác sưu tra, lập hồ sơ đưa các đối tượng vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn, diện đi cơ sở giáo dục, cai nghiện, giải quyết các vụ việc xảy ra theo sự phân công, phân cấp. + Tổ Cảnh sát Trật tự : Được lãnh đạo phân công và bố trí 3 đồng chí với nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm tra ý thức chấp hành trật tự công cộng, trật tự đô thị của người dân trên địa bàn phường, có các biện pháp xử lý xử phạt các hành vi vi phạm xảy ra. Phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trong những ngày có khách quốc tế đến thăm, lễ hội lớn . + Tổ cảnh sát khu vực: Do hiện nay trên địa bàn phường có 11cụm dân cư với 60 tổ dân phố nên Chỉ huy Công an phường đã phân công cho 8 đồng chí CSKV mỗi đồng chí phụ trách một địa bàn dân cư với chức năng và nhiệm vụ được phân công cụ thể như sau: Cụm 1 + 2 với 10 tổ dân phố, Cụm 3 + 4 với 9 tổ dân phố, Cụm 5 với 5 tổ dân phố, Cụm 6 với 5 tổ dân phố, Cụm 7 với 6 tổ dân phố, Cụm 8 với 7 tổ dân phố, Cụm 9+10 với 10 tổ dân phố, Cụm 11 với 8 tổ dân phố . Đi sâu nghiên cứu tình hình lực lượng CSKV phường Cát Linh cho thấy: (Biểu mẫu 3) + Số lượng cán bộ trong các năm từ 2008 đến tháng 12/2010 có sự thay đổi đáng kể. Tổng số biên chế theo chỉ tiêu là 10 đ/c nhưng tính đến cuối năm 2010 tổ CSKV chỉ có 8 đồng chí giảm 2 đồng chí so với năm 2009 và giảm 5 đồng chí so với năm 2008). Tất cả các đồng chí CSKV đều là nam giới, lứa tuổi từ 50 trở lên chiếm 13%, lứa tuổi từ 30-50 chiếm 25,3%, dưới 30 tuổi chiếm 61,7% + Trình độ học vấn của các đồng chí đều có trình độ trung học trở lên, trong đó trình độ Đại học chiếm 30%. Số đồng chí là Đảng viên chiếm 80%, tất cả các đồng chí đều có phẩm chất chính trị tốt. + Về khả năng tham gia công tác, các đồng chí CSKV đa số là các đồng chí trẻ, mới tốt nghiệp ra trường tuy chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng luôn học hỏi, cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 1.3.2 Cơ cấu tổ chức của lực lượng Bảo vệ dân phố phường Cát Linh từ năm 2008 đến năm 2010 Ban bảo vệ dân phố được thành lập từ khi có quyết định thành lập Công an phường, sau khi có Chỉ thị 135/HĐBT và các chỉ thị về việc thành lập các tổ chức quần chúng ở cơ sở, lực lượng bảo vệ dân phố được nhân rộng ra toàn phường. Những người tham gia Ban bảo vệ dân phố phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định. Theo Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính Phủ về Bảo vệ dân phố thì họ phải đảm bảo được các tiêu chuẩn sau đây: + Trước hết họ đều phải là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, cư trú ổn định tại địa bàn. + Có lai lịch rõ ràng, bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. + Có sức khỏe, có điều kiện nhiệt tình và tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, am hiểu Pháp luật và phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự. + Không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, quản chế hình sự hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác. + Quan hệ tốt với nhân dân, được quần chúng tín nhiệm và được nhân dân trong cụm dân cư giới thiệu bầu ra. Hiện nay do nhu cầu thực tế về tình hình ANTT, TTATXH trên địa bàn phường lực lượng bảo vệ dân phố được thành lập tính đến thời điểm cuối năm 2010 đã củng cố kiện toàn 11 tổ bảo vệ của 11 khu dân cư trong tổng số 60 tổ dân phố. Đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của lực lượng BVDP phường Cát Linh có thể rút ra một số kết luận sau (xem biểu mẫu 4 và 5 ): Trên địa bàn phường tương ứng với 11 khu dân cư là 11 tổ bảo vệ, có 11 tổ trưởng, 11 tổ phó và 33 tổ viên, toàn phường bầu ra một ban bảo vệ gồm 12 người có 01 trưởng ban và 02 phó ban. Tổng số lực lượng BVDP của phường là 55 người. + Số lượng các thành viên trong các năm luôn có sự thay đổi (năm 2010 tăng 3 người so với năm 2009 và giảm 4 người so với năm 2008) + Về giới tính: tất cả các thành viên đều là nam giới + Về độ tuổi: chủ yếu là độ tuổi từ 50 trở lên chiếm 64,5%, từ 30 – 50 tuổi chiếm 30,5%, và độ tuổi dưới 30 chiếm số lượng ít nhất 5%, + Nghề nghiệp: Nghề nghiệp của các thành viên trong ban bảo vệ dân phố chủ yếu là cựu chiến binh chiếm 36,3% (giảm 1 so với 2008),và hưu trí chiếm 32,7%; ở nhà chiếm 12,7% (tăng 2 so với 2009) và các nghành nghề khác chiếm 18,3% (giảm 2 so với năm 2008). + Trình độ học vấn của các thành viên: trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm 80,4%; đại học và trên đại học chiếm 10,6%; số BVDP là Đảng viên chiếm 51,3%. + Về khả năng tham gia công tác, thành viên của ban bảo vệ dân phố gồm nhiều thành phần khác nhau song đều có điều kiện khả năng tham gia công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. + Về biến động nhân sự trong 3 năm đã nghỉ 4, bổ sung 2 - Lề lối làm việc: Ban bảo vệ dân phố làm việc theo nguyên tắc tập thể và cá nhân phụ trách từng phần việc cụ thể + Trưởng ban bảo vệ dân phố chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Ban bảo vệ dân phố, thường xuyên báo cáo tình hình kết quả thực hiện các mặt công tác của Bảo vệ dân phố với Công an phường. Phó Trưởng ban bảo vệ dân phố giúp việc cho Trưởng ban và thực hiện phần việc được phân công, thay thế Trưởng ban chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của ban khi được Trưởng ban ủy quyền. Ủy viên ban bảo vệ dân phố chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Trưởng ban, Phó trưởng ban bảo vệ dân phố và có trách nhiệm triển khai thực hiện các chủ trương, biện pháp kế hoạch công tác của Ban bảo vệ dân phố ở cụm dân cư do mình phụ trách và thực hiện các nhiệm vụ khác về an ninh, trật tự do trưởng ban, phó trưởng ban bảo vệ dân phố giao. + Định kỳ 1 tháng, ban bảo vệ dân phố sinh hoạt 1 lần theo chế độ giao ban cụm, phường. Trưởng ban bảo vệ dân phố tổng kết và báo cáo Công an phường việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kết quả đạt được . của ban bảo vệ dân phố nhằm rút ra những ưu điểm, nhược điểm để phát huy, tồn tại, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị. + Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong từng giai đoạn, từng thời điểm, ở từng địa bàn, khu vực, cụm cụ thể như yêu cầu đảm bảo an toàn cho các hoạt động Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hay Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI, bảo vệ nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế . mà tổ chức các cuộc họp đột xuất để phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng thành viên trong ban. + Ngoài ra lực lượng BVDP đã tích cực tham gia nhiều công tác khác do Đảng – Chính quyền giao để đảm bảo về ANTT trên địa bàn phường Lực lượng bảo vệ dân phố phường Cát Linh được trang bị đầy đủ quần áo, mũ, giày, bảng tên, băng đeo tay và một số phương tiện cần thiết khác như: còi, đèn pin, sổ ghi chép, dùi cui cao su Quần áo và mũ bằng vải cùng màu xám trắng, trên mũ có huy hiệu sao bằng mũ, màu vàng có chữ “BVDP”, còn trên cánh tay áo bên trái có phù hiệu mang dòng chữ “Bảo vệ dân phố”; băng chức danh Bảo vệ dân phố màu đỏ, may tròn để lồng được vào tay áo có thêu dòng chữ “Bảo vệ dân phố” màu vàng, được đeo ở khuỷu tay bên trái. Ngoài ra, lực lượng Bảo vệ dân phố còn được cấp giấy chứng nhận bảo vệ dân phố, biển hiệu; giấy chứng nhận Bảo vệ dân phố hình chữ nhật, mặt trước nền màu đỏ, xung quanh có khung màu vàng, có in hình huy hiệu Vì An Ninh Tổ Quốc và có dòng chữ “Giấy chứng nhận Bảo vệ dân phố”; mặt sau có một số thông tin cá nhân của người được cấp và nơi, người ký cấp giấy. Biển hiệu bảo vệ dân phố: hình chữ nhật, màu trắng, in một mặt, xung quanh có khung màu đỏ có ghi họ tên cán bộ bảo vệ dân phố và chức danh được đeo ở giữa ngực bên trái. Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh Bảo vệ dân phố chỉ được sử dụng trong khi làm nhiệm vụ. 1.3.3: Thực trạng công tác hướng dẫn tuần tra kiểm soát của CSKV Nhận thức được vai trò to lớn của lực lượng BVDP trong công tác bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH nên ngay trong Điều Lệnh của CSKV năm 2007 đã quy định CSKV phải “ Thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, củng cố tổ chức, sử dụng lực lượng này trong công tác giữ gìn ANTT” và trong thực tế công an quận Đống Đa hàng năm đã mở các lớp tập huấn bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho toàn thể lực lượng bảo vệ dân phố và Công an phường hàng quý, 6 tháng họp sơ kết, rút kinh nghiệm và hướng dẫn bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cơ bản và chức năng nhiệm vụ của Bảo vệ dân phố theo Nghị định 38/CP. Trước đây tình hình an ninh trật tự ở địa bàn phường khá phức tạp, với các hành vi vi phạm như: nhiều thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, hàng quán bán đồ ăn uống trên viả hè, xe cộ để không đúng nơi quy định làm nảy sinh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông, nhiều đối tượng lang thang chờ sơ hở của người dân trộm cắp tài sản . Được sự chỉ đạo của Công an quận, Công an phường đặc biệt là lực lượng CSKV khẩn trương xây dựng các phương án bảo vệ an ninh trật tự địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp triển khai thực hiện. Trong đó, công tác tuần tra, kiểm soát sau 23 giờ được xem là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa và làm giảm các vụ phạm pháp ở địa phương. Theo đó, CSKV trong vai trò lực lượng chủ công đã phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban bảo vệ dân phố triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát trên địa bàn từ sau 23 giờ, đặc biệt là ở những nơi có tình hình an ninh trật tự xã hội vốn phức tạp như: khu phố Cát Linh, Hàng Cháo, Phan Phù Tiên . các địa bàn giáp ranh . Để công tác tuần tra thuận lợi, CSKV tổ chức tuyên truyền, phát động người dân tích cực hưởng ứng và quản lý, giáo dục con em hạn chế ra đường vào những giờ quá khuya. Riêng với những hộ buôn bán hàng ăn uống thì cho làm cam kết không bán quá giờ quy định. Nhận thấy đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích nên người dân đã tích cực hưởng ứng. Với sự hỗ trợ hưởng ứng và động viên của nhân dân trong phường, hoạt động tuần tra kiểm soát sau 23 giờ đêm ở phường Cát Linh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Theo Trung tá Lã Văn Trụ ( Trưởng công an phường) thì từ khi thực hiện công tác tuần tra sau 23 giờ, nạn thanh thiếu niên tụ tập ăn nhậu, gây rối, đánh nhau đã giảm đến 90%; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông từ các quán hàng ăn uống cũng không còn. Nạn trộm cắp, cướp giật về đêm tại các khu dân cư đã được ngăn chặn. Công an phường Cát Linh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 197 phường ra quyết định thành lập tổ tuần tra kiểm soát chuyên trách gồm 7 người, với 4 đồng chí bảo vệ dân phố, 2 dân quân và 1 CSKV. Tổ tuần tra chuyên trách này đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy Công an phường và ban Bảo vệ dân phố phường, thực hiện chức năng tuần tra kiểm soát, phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn phường. Tổ tuần tra chia làm 2 ca ngày và đêm, liên tục khép kín địa bàn, áp dụng linh hoạt các chiến thuật tuần tra công khai, tuần tra nhưng mặc thường phục và phục kích chốt chặn. Trong quá trình tuần tra kết hợp nhắc nhở trực tiếp những trường hợp sơ hở trong phòng ngừa tội phạm. Công an phường Cát Linh mà trực tiếp là CSKV đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, chiến thuật tuần tra, hình thức tuần tra, cách phát hiện đối tượng, cách sử dụng công cụ phương tiện hỗ trợ và cách bắt giữ đối tượng phạm pháp để vừa đảm bảo bắt được đối tượng và đảm bảo an toàn lực lượng. Sau mỗi ca tuần tra đều có hội ý ngắn gọn để đánh giá phương thức, quy luật hoạt động của đối tượng nhằm áp dụng lịch tuần tra cho phù hợp. Nội dung hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV đối với lực lượng BVDP cụ thể như sau: - CSKV đã tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho các tổ BVDP trong việc phân công bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát như sau: + Tùy theo tình hình đặc điểm của từng cụm dân cư mà CSKV hướng dẫn cho các tổ phụ trách cho phù hợp như những nơi có tình hình an ninh trật tự xã hội vốn phức tạp, như: khu phố Cát Linh, Hàng Cháo, Phan Phù Tiên và các địa bàn giáp ranh thì phải tăng cường lực lượng và số lần đi tuần tra kiểm soát đặc biệt là sau 23h. + Trong những ngày bình thường thì hướng dẫn phân công lực lượng tuần tra kiểm soát như sau: ngoài việc tập trung tuần tra vào giờ cao điểm (sáng, trưa, chiều tối và ban đêm), lực lượng tuần tra phối hợp chia làm 3 ca chính (ca 1 từ 21 giờ đến 23 giờ; ca 2 từ 23 giờ đến 1 giờ sáng và ca 3 từ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng); mỗi ca chính gồm 1 cảnh sát khu vực, 4 bảo vệ dân phố, 2 dân quân .Trong đó công tác tuần tra, kiểm soát sau 23 giờ được xem là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa và làm giảm các vụ phạm pháp ở địa phương + Trong những ngày có các sự kiện chính trị, các đoàn khách nước ngoài hay các lễ hội lớn của đất nước .việc tuần tra kiểm soát được tiến hành duy trì 24/24 có mặt tại các điểm, các trụ sở tuần tra, khi đi tuần tra kiểm soát thì phải bố trí ít nhất 1 tốp người ở lại chốt trực; cứ cách từ 30 - 45 phút, 2 lực lượng này chia thành 2 tốp, trong đó 1 tốp đi tuần tra kiểm soát,1 tốp ở lại trực chốt. Hàng ngày các thành viên trong ban thay nhau tuần tra kiểm soát trên địa bàn; phương pháp tuần tra được bố trí theo không gian và thời gian hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Kết hợp với công tác tuần tra 24/24h, CSKV và lực lượng BVDP còn tuyên truyền vận động nhân dân bằng cách phát tờ rơi, cảnh báo những vụ việc xảy ra trên địa bàn và thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân. “Cũng nhờ công tác tuần tra nghiêm ngặt mà nhiều kẻ xấu không dám bén mảng đến khu phố. Nhiều năm liền khu phố không có tình trạng tụ tập điểm tệ nạn xã hội, không còn thanh thiếu niên hư ”, ông Nguyễn Thành Tuân, Bí thư chi bộ - Trưởng khu phố 7 cho biết. - Chiến thuật tuần tra chính là công tác tổ chức, vận động của đội hình trong quá trình tuần tra. Việc xác định chiến thuật tuần tra cho phù hợp với tình hình địa bàn, tình hình lực lượng có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả hoạt động tuần tra. Việc xác định chiến thuật tuần tra có tác dụng giúp cho hoạt động quan sát được đầy đủ các hướng, vừa có ý nghĩa cho việc hỗ trợ giữa các thành viên khi phát hiện, tiếp cận mục tiêu hoặc khi bị tấn công. Việc xác định chiến thuật tuần tra có ý nghĩa về mặt chiến thuật quân sự, tác chiến trong hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP. Xuất phát từ nhận thức trên, căn cứ vào tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của BVDP mà CSKV đã chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn cho BVDP về các chiến thuật trong quá trình tuần tra, và cách sắp xếp, bố trí đội hình đi tuần tra kiểm soát. Lực lượng đã huy động ôtô và môtô, tuần tra 24/24h ở hầu hết các tuyến địa bàn trọng điểm; vừa tuần tra công khai, vừa hóa trang mật phục. Tập trung tấn công mạnh vào các đối tượng hình sự như: Cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp, ma túy, đánh nhau gây thương tích, lưu manh côn đồ, các đối tượng dùng hung khí nóng trái phép, đua xe, lạng lách đánh võng. CSKV hướng dẫn cách thức tuần tra ở mỗi địa bàn, ở mỗi thời điểm có sự khác nhau và được phân công hợp lý cụ thể như sau: + Tuần tra bằng xe máy là loại phương tiện có tính cơ động cao, có thể vào được nhiều loại địa hình, chủ động sử dụng . nhưng nó lại có những hạn chế nhất định đó là khoảng cách giữa 2 người quá gần, dễ bị thiệt hại cùng nhau khi bị đối tượng tấn công bất ngờ hoặc khi lực lượng của chúng lớn hơn. Chính vì vậy CSKV yêu cầu khi lực lượng BVDP tuần tra bằng xe máy mà chỉ có 2 người cùng đi trên một phương tiện thì người cầm lái phải chủ động về tốc độ. Khi đi đến những khu vực nguy hiểm ( đường hẹp, hai bên đường cây cối um tùm hoặc hai bên là hồ ao .) thì người lái xe phải chủ động đề phòng các đối tượng đột ngột tấn công. Đồng thời người ngồi sau phải luôn chú ý quan sát, chủ động nhảy khỏi xe sẵn sàng chiến đấu, chống trả lại mọi hành động tấn công bất ngờ. Tuyệt đối không được ôm nhau khi đang ngồi trên xe, công cụ hỗ trợ không được dắt trên người mà phải luôn luôn cầm trên tay. Người ngồi sau ngoài việc cùng quan sát phía trước còn phải chủ động quan sát cả phía sau để đề phòng đối tượng tấn công bất ngờ từ đằng sau. + Trường hợp đội hình tuần tra bằng xe máy có từ 2 chiếc trở lên thì các xe không được đi song song, khoảng cách giữa các xe tối thiểu là 15m, đồng thời 2 xe cũng không được chạy trên 1 trục thẳng vì sẽ che khuất tầm quan sát của xe sau. Khi đi tuần tra đêm khuya, đường vắng có thể cho 2 xe chạy 2 bên đường để ánh đèn xe cho phép quan sát được cả 2 bên đường. Giữa các phương tiện phải thống nhất về hiệu lệnh còi hoặc nháy đèn xe khi phát hiện nghi vấn ( Ví dụ: khi xe nào phát hiện nghi vấn thì bấm còi liên tục 3 lần .). Khi có tín hiệu nghi vấn phát ra từ xe đi đầu thì các xe sau phải lập tức dừng lại, chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế chiến đấu, hoặc nếu tín hiệu phát ra từ xe sau thì xe trước phải quay xe lại ngay để cùng phối hợp tác chiến . + Trong trường hợp tuần tra bằng biện pháp đi bộ, nếu có 2 người thì 2 người không được đi gần nhau, khoảng cách an toàn tối thiểu là 5m. Nếu tuần tra từ 3 người có thể thực hiện đội hình tuần tra chữ A (1 người đi trước, 2 người đi sau tạo thành hình chữ A), hoặc 4 người với đội hình chữ “ Chi” (Z). Với những đội hình như thế này sẽ đảm bảo cho việc quan sát khép kín địa bàn, khu vực tuần tra, có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau đồng thời có tác dụng phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng sơ hở tấn công. Khi đi tuần tra phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, các công cụ hỗ trợ không được dắt trong người mà phải luôn cầm trên tay, nếu tuần tra ban đêm thì một tay cầm đèn pin, một tay phải cầm gậy. Khi đi tuần tra phải mặc đúng trang phục quy định, không được đi dép mà phải đi giày được buộc cẩn thận . + Trong trường hợp tuần tra bằng xe ô tô thì phải có ít nhất là 4 người ( một người lái, ba người ngối sau cabin). Người điều khiển phương tiện phải đi với tốc độ đảm bảo cho việc quan sát được thuận lợi, luôn chú ý quan sát mọi động tĩnh ở phía trước, còn những người ngồi sau cabin chủ động quan sát 2 bên đường, chú ý phía sau và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với các công cụ hỗ trợ được phát. - Ngoài việc hướng dẫn về phân công ca kíp, về tổ chức đội hình, lực lượng CSKV còn hướng dẫn cho BVDP cách phát hiện nghi vấn trong quá trình tuần tra kiểm soát. Quá trình hoạt động tuần tra kiểm soát là quá trình đồng thời thực hiện các vận động tiến lùi, kết hợp với việc quan sát, đối chiếu, so sánh, giám sát. Từ quan sát hiện tượng thực tế bằng những cảm nhận, phán đoán mà lực lượng BVDP có thể phát hiện các vấn đề nghi vấn. Thực tế cuộc sống cho thấy những người có những uẩn khúc, có những hành vi lệch chuẩn thường có những biểu hiện, thái độ, hành động khác thường. Những biểu hiện khác thường ấy rất đa dạng, phong phú nhưng thường được biểu hiện ở một số trạng thái thông thường như sau: + Nghi vấn thể hiện qua cách ăn mặc. Ngạn ngữ có câu: “Y phục xứng kỳ đức” nghĩa là trang phục của một con người phải phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với công việc, phù hợp với giới tính, phù hợp với phong tục, phù hợp với điều kiện thiên nhiên, thời tiết . Người mang trang phục không bình thường có thể là biểu hiện của trạng thái tâm thần, thần kinh nhưng cũng có trường hợp người đó không mắc bệnh thần kinh, tâm thần mà là có biểu hiện nghi vấn của hoạt động phạm tội chẳng hạn: mùa nóng mà lại trang phục áo liền mũ và mũ lại trùm kín đầu, che kín mặt thì rất có thể đó là đối tượng muốn che dấu không để ai nhận ra nhân dạng của mình. Hoặc là người mặc quần áo nhưng lại phồng quá to như vậy là trong người rất có thể là mang một vật không bình thường . Khi đi tuần tra gặp những người mang trang phục không bình thường, lực lượng tuần tra cần áp sát để làm rõ. Nếu là người cần giúp đỡ thì phải giúp đỡ ngay, nếu là người bình thường thì phải yêu cầu kiểm tra. Thực tề nhiều lần từ việc phát hiện trang phục không bình thường mà lực lượng BVDP phát hiện ra tội phạm trong quá trình tuần tra kiểm soát. Ví dụ như vào lúc 22h30 ngày 19/8/2010 trong lúc tổ tuần tra đang tuần tra trên đoạn phố Phan Phù Tiên thì phát hiện 01 người đàn ông đi trên chiếc xe máy Angel BKS 33M7 – 7753 có biểu hiện nghi vấn về cách ăn mặc. Qua kiểm tra phát hiện 3 hộp pháo nổ, loại 24 quả/ hộp, tổng trọng lượng là 5 cân. Người đàn ông này khai tên là Nguyễn Văn Thi ( SN 1974, trú tại Đội 15 thôn Yên Kiện, xã Đông Phương Yên, huyên Chương Mỹ) vận chuyển số pháo lậu này cho 1 người phụ nữ không biết tên ở Đội Cấn. + Nghi vấn thể hiện qua thái độ. Người bình thường thì thái độ, tác phong, cử chỉ điềm tĩnh, đàng hoàng. Người không bình thường thì nhiều khi thái độ, tác phong biểu hiện khác thường. Từ đặc điểm này, lực lượng CSKV hướng dẫn cho BVDP khi tiến hành tuần tra kiểm soát nếu phát hiện những người có biểu hiện như: lúc đi lúc chạy, vừa đi vừa nhìn trước ngó sau, đang đi quay ngoắt lại để nhìn phía sau, đang đi tạt vào bụi cây, đang đi dừng lại dựa lưng vào tường để quan sát .Khi phát hiện những trường hợp này, lực lượng tuần tra cần khẩn trương tiếp cận để làm rõ. Nếu không có giấy tờ tùy thân hoặc có giấy tờ tùy thân nhưng trả lời ấp úng loanh quanh, giọng nói không phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ vùng miền, quê quán, nơi thường trú .thì cần kịp thời yêu cầu về trụ sở để làm rõ. Từ sự hướng dẫn của lực lượng Công an, BVDP đã áp dụng vào thực tế khi tuần tra kiểm soát và đã mang lại nhiều hiệu quả. Ví dụ như: Lúc 4h ngày 5/1/2010, trong khi tuần tra kiểm soát, tổ tuần tra đã phát hiện 1 thanh niên tại ngõ 81 tổ 16 Lý Văn Phúc có dấu hiệu khả nghi với bộ dạng lúng túng nhìn trước ngó sau. Đối tượng được đưa về Công an phường để làm rõ. Tại Công an phường đối tượng khai là Đặng Tuấn Tú (SN 1979, trú tại tổ 46 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), có 4 tiền án và 1 tiền sự. Tú thường đến khu vực phường Cát Linh để tìm sơ hở trộm cắp tài sản. Khi Tú đang rình mò thì bị tổ tuần tra phát hiện, ngăn chặn + Nghi vấn thể hiện qua hàng hóa, hành lý. Hàng hóa, hành lý được mang theo người, phương tiện là rất bình thường. Tuy nhiên cũng có trường hợp hàng hóa, hành lý mang theo người, phương tiện lại có biểu hiện bất minh. Việc nhận diện được bất minh hay không phụ thuộc vào đặc điểm thực tế từng nơi từng lúc, từng thời điểm và nó phụ thuộc vào khả năng phán đoán của từng con người. Tuy nhiên có một số trường hợp mang tính phổ biến như mang hàng hóa cồng kềnh, mang hàng hóa vào đêm quá khuya, hàng hóa bị che, phủ, bọc, chằng quá kín và chắc chắn .Trong những trường hợp đó lực lượng tuần tra cần tiếp cận đối tượng nghi vấn và yêu cầu cho kiểm tra. Trường hợp người mang hàng hóa, hành lý có đủ điều kiện chứng minh đó là hàng hóa, hành lý hợp pháp thì lực lượng kiểm tra cần xin lỗi người bị kiểm tra và giải thích rõ vì lý do thi hành nhiệm vụ mà phải làm phiền công dân. Tuy nhiên thực tế nhiều lần kiểm tra, lực lượng BVDP đã phát hiện ra tội phạm. Điển hình như vào lúc 23h ngày 3/11/2010, trong lúc tuần tra lực lượng phát hiện một thanh niên đang chở máy uốn sắt chạy từ khu dân cư ra phố Giảng Võ. Nghi đây là tài sản bất minh, tổ tuần tra ra hiệu dừng xe kiểm tra thì người thanh niên này vất xe bỏ chạy. Lực lượng tuần tra đã thu hồi tang vật chuyển giao cho Công an quận tiếp tục điều tra và xác định đây là tang vật của một vụ trộm cắp. - CSKV hướng dẫn cho lực lượng BVDP cách kiểm tra giấy tờ tùy thân của công dân trong quá trình tuần tra kiểm soát. Theo quy định của Pháp luật thì khi thi hành nhiệm vụ nếu phát hiện người có biểu hiện nghi vấn thì lực lượng BVDP được quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân. Theo quy định chỉ có CMND là giấy tờ tùy thân có giá trị pháp lý cao nhất để chứng minh công dân. Khi kiểm tra CMND lực lượng BVDP cần chú ý: đếm số trên giấy CMND nếu ít hơn 9 số và nhiều hơn 11 số thì có thể khẳng định ngay CMND không đúng. Khi kiểm tra cần nhanh chóng nhận diện ảnh trong CMND với con người bên ngoài thực tế có gì khác nhau không, giọng nói có phù hợp với đặc điểm chất giọng theo vùng quê của người đó hay không . kết hợp quan sát biểu hiện sắc mặt, trang phục .để phát hiện nghi vấn. - CSKV hướng dẫn cho lực lượng BVDP cách kiểm soát khi phát hiện nghi vấn. + Cách ra hiệu lệnh dừng phương tiện: Lực lượng BVDP khi đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát nếu muốn dừng phương tiện nghi vấn để kiểm tra phải thông qua các tín hiệu dừng phương tiện như bằng tay, gậy, còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra . Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông bằng gậy tại một điểm trên đường. Lực lượng BVDP đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện cần kiểm soát, tay phải cầm gậy đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, đồng thời thổi một hồi còi dài, mạnh, dứt khoát. Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông bằng gậy khi đang ngồi trên phương tiện tuần tra, kiểm soát công khai lưu động. Trường hợp phương tiện tuần tra đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện cần kiểm soát, tay phải của BVDP được phân công cầm gậy chỉ huy đưa sang ngang phía bên phải phương tiện tuần tra, sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất. Khi người điều khiển phương tiện cần kiểm soát giảm tốc độ và dừng lại vào vị trí theo hướng dẫn của tổ tuần tra, xe tuần tra đỗ vào vị trí thích hợp để thực hiện việc kiểm soát. Trường hợp phương tiện tuần tra đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện cần kiểm soát BVDP dùng loa yêu cầu phương tiện cần kiểm soát dừng lại vào vị trí theo hướng dẫn của tổ tuần tra để kiểm soát. + Hướng dẫn cho BVDP cách đảm bảo an toàn trong quá trình tuần tra kiểm soát khi phát hiện nghi vấn. Phải đảm bảo một khoảng cách an toàn nhất định giữa người kiểm tra và người bị kiểm tra. Nếu lực lượng có từ 2 người trở lên thì một người trực tiếp kiểm soát, người còn lại đứng chú ý quan sát và cách nhau một khoảng cách nhất định để có thể tấn công, khống chế đối tượng khi đối tượng có hành vi chống đối . + Thái độ khi kiểm soát của lực lượng BVDP phải từ tốn, nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, dễ hiểu. Sau khi kiểm soát xong phải thông báo các hành vi vi phạm, hình thức và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật cho người bị kiểm tra biết để chấp hành và giám sát. Trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị, ) đã giúp đỡ lực lượng làm nhiệm vụ”. + Khi muốn yêu cầu hoặc áp giải đối tượng về Công an phường thì lực lượng kiểm soát phải giải thích rõ ràng lý do, lịch sự yêu cầu người bị kiểm tra hợp tác và chấp hành. - Lực lượng BVDP còn được CSKV hướng dẫn cách thông tin báo cáo khi có vụ việc xảy ra + Nếu đi tuần tra kiểm soát 1 người khi phát hiện có những biểu hiện nghi vấn phạm pháp thì phải nhanh chóng bám theo quan sát xem xét tình hình , có thể thông báo về trụ sở bằng bộ đàm, điện thoại di động về vụ việc phát hiện, hoặc nhờ một người tin tưởng trực tiếp về trụ sở thông báo hộ để huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ. + Khi phát hiện vụ việc có 2 người trở lên nếu thấy có thể tự giải quyết được theo thẩm quyền thì bố trí, phân công lực lượng hợp lý để tiến hành kiểm soát, nếu hành vi vi phạm đó vượt quá thẩm quyền, nhiệm vụ quyền hạn thì bố trí 1 người có nhiệm vụ thông báo về trụ sở tình hình vụ việc, xin ý kiến của lãnh đạo về cách giải quyết và huy động lực lượng ngăn chặn hành vi vi phạm cho phù hợp. - CSKV hướng dẫn cho lực lượng BVDP cách bắt người phạm tội quả tang khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. + Điều 82 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam năm 2003 quy định người bị bắt phạm tội quả tang “ là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt”. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền bắt và tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Như vậy, khi đang tuần tra kiểm soát nếu phát hiện người phạm tội quả tang thì lực lượng BVDP có quyền bắt và tước vũ khi, hung khí của người bị bắt. Điển hình, lúc 2h ngày 25/8/2008, tổ tuần tra của Công an phường phối hợp với lực lượng bảo vệ dân phố cụm 11 phát hiện và bắt quả tang đối tượng Đỗ Văn Đức (SN 1980, trú tại Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) khi đang đột nhập vào nhà chị Nguyễn Thị Tú Anh tại tổ 15 phố Giảng Võ để trộm cắp. Tổ công tác đã thu hồi tang vật gồm 2 điện thoại di động, 3 dây chuyền vàng có tổng trị giá 20 triệu đồng trả cho người bị hại, tạm giữ Hoàn cùng chiếc xe máy BKS: 89K1-3021. - CSKV hướng dẫn cho lực lượng BVDP cách tuần tra kiểm soát trong trường hợp có sự phối kết hợp với lực lượng tự quản, thanh niên tình nguyện .Khi có sự phối kết hợp giữa các lực lượng thì BVDP phải là người trực tiếp đứng ra chủ trì, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tránh sự chồng chéo, đùn đẩy lẫn nhau, và phải là người ra quyết định khi phát hiện và giải quyết các vụ việc vi phạm - Ngoài ra BVDP còn được hướng dẫn cách sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ trong quá trình tuần tra kiểm soát. + Cách sử dụng trang phục: Khi đi tuần tra kiểm soát lực lượng BVDP phải mặc đúng trang phục đã được quy định. Ngoài ra, có thể công khai kết hợp với hóa trang ( mặc thường phục) để giám sát, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm khi phục vụ cho mục đích bí mật. Khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, cán bộ, chiến sĩ hóa trang phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm phải thực hiện quy định như: thông báo ngay cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai để ngăn chặn, đình chỉ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Có thể trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm, nhưng phải sử dụng giấy chứng nhận BVDP để thông báo cho người vi phạm biết về việc đang thực hiện nhiệm vụ; thông báo về hành vi vi phạm và yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai đến để tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Hình thức tuần tra công khai kết hợp hóa trang của lực lượng BVDP đã mang lại những thành tích đáng kể trong việc phá các vụ án cướp giật trên đường phố. Ví dụ như lúc 16h30 giờ 15 ngày 20/12/2010, trong khi đang đi tuần tra kiểm soát tại phố Lý Văn Phúc, lực lượng BVDP nghe thấy tiếng tri hô của 1 người phụ nữ, tới gần nơi đó phát hiện 2 đối tượng vừa cướp giật tài sản của người phụ nữ ấy, được nạn nhân cung cấp một thông tin quan trọng là kẻ gây án đi xe máy BKS 33X5-5243, Công an phường cùng lực lượng BVDP đã triển khai nhiều mũi tuần tra, mật phục. Đến 20 giờ 30 cùng ngày, phát hiện xe máy có BKS nói trên do ông Đỗ Văn Hoạt (SN 1966) trú tổ 21, phường Văn Miếu, quận Đống Đa điều khiển đi trên đường Trường Chinh nên đã dừng lại kiểm tra. Ông Hoạt khai nhận, trong khoảng thời gian từ 15h ngày 20/12/2010, ông có cho hai thanh niên tên là Ngươi và Ân mượn xe máy của mình. Công an phường cùng lực lượng BVDP dùng biện pháp nghiệp vụ , đến 22 giờ cùng ngày, Đinh Văn Ngươi (SN 1990), trú tổ 21, phường Thổ Quan; Đàm Phước Ân (SN 1984), trú khu A2, phòng 302 tập thể nhà máy In Tiến Bộ, hai đối tượng gây ra vụ cướp tại phố Lý Văn Phúc bị bắt giữ. Mở rộng đấu tranh, Ngươi và Ân khai nhận đã cùng với Nguyễn Lê Quang (SN 1988) trú tổ 4A, phường Đống Mác thực hiện 6 vụ cướp giật tài sản khác trên địa bàn quận Đống Đa . Trong đó, đáng chú ý nhất là chúng thực hiện vụ cướp giật túi xách của 2 phụ nữ trên đường Phạm Văn Đồng, trị giá tài sản chiếm được trên 100 triệu đồng. + Lực lượng CSKV còn hướng dẫn cho BVDP cách sử dụng đèn pin và công cụ hỗ trợ trong khi đi tuần tra kiểm soát. Khi thực hiện nhiệm vụ các tổ viên phải luôn mang theo đèn pin và công cụ hỗ trợ để chủ động quan sát, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm. Đặc biệt tuần tra sau 23h khi đi tuần tra phải luôn chiếu đèn pin vào các góc tối, các ngõ hẻm, các khu mất ổn định về ANTT và sử dụng các công cụ hỗ trợ cho phù hợp với vụ việc, điều kiện + Khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát cán bộ, chiến sĩ sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ hoặc đi bộ tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng ngừa, giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, Bảo vệ dân phố là lực lượng có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và là lực lượng “chủ chốt” hỗ trợ CSKV đi tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Công tác tuần tra, kiểm soát trong địa bàn phường đã được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Lực lượng CSKV tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn chiến thuật, cách thức tuần tra kiểm soát cho BVDP sâu sát đến từng cụm dân cư, thông qua đó các cụm dân cư triển khai thực hiện tới từng thành viên trong cụm một cách đồng bộ. Chính vì vậy, trong những năm qua công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP đã thu được nhiều kết quả đáng kể, được nhân dân khen ngợi, số các vụ việc hiện tượng xảy ra có liên quan đến ANTT trên địa bàn phường từng bước được hạn chế, tình hình ANTT trong địa bàn có phần được ổn định hơn. Theo thống kê của Công an phường Cát Linh (biểu mẫu 6), trong 3 năm từ 2008 đến 2010, lực lượng BVDP đã phối hợp với công an phường tổ chức tuần tra kiểm soát 1421 lượt trên địa bàn để bảo vệ các hoạt động chính trị, văn hóa xã hội diễn ra trong địa bàn thủ đô. Thông qua công tác tuần tra đêm, BVDP phát hiện gần 1000 vụ vi phạm ANTT, cung cấp 572 tin có giá trị, bắt giữ 1864 đối tượng vi phạm giao cho công an các cấp xử lý . Trong đó có khá nhiều vụ mà lực lượng bảo vệ dân phố trực tiếp phát hiện, bắt giữ những đối tượng phạm pháp quả tang, như: trộm cắp, cướp giật, đối tượng ma túy, đối tượng truy nã, đối tượng trốn thi hành án . 1.4 : Nhận xét, đánh giá: 1.4.1: Ưu điểm Những năm qua Cán bộ chiến sỹ Công an phường Cát Linh đã nhận thức sâu sắc rằng để đảm bảo tốt ANTT ở địa bàn thì một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng là Công an phường phải xây dựng được lực lượng quần chúng nòng cốt hoạt động có hiệu quả đặc biệt là hoạt động của lực lượng BVDP. Căn cứ vào Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo vệ dân phố, Công an phường đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, UBND phường trong việc lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia vào lực lượng BVDP, để từ đó xây dựng, duy trì hoạt động của lực lượng này. Đặc biệt chú trọng vào công tác hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng BVDP tiến hành hoạt động tuần tra kiểm soát trong địa bàn. Chính vì vậy những năm qua hoạt động của lực lượng BVDP phường Cát Linh đã có nhiều thành tích góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn. Nổi bật là các ưu điểm sau: + Chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước là một trong những nét nổi bật của Công an phường Cát Linh. Công an phường Cát Linh nói chung và lực lượng CSKV nói riêng đã tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sử dụng nhiều biện pháp để tiến hành xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn và mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. + Công tác xây dựng mô hình lực lượng BVDP làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát đã có tác dụng và đạt được những hiệu quả lớn, ANTT từng bước được giữ vững, nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn phường. + Dưới sự hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ của CSKV, hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố được đánh giá là hoạt động có tính cơ động cao, có tác dụng nhất định đối với các tụ điểm phức tạp về ANTT. + Căn cứ vào đặc điểm địa bàn, tình hình ANTT, lực lượng CSKV Công an phường đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố đã thu được nhiều kết quả ghi nhận, đảm bảo những nơi phức tạp về ANTT đều có lực lượng ứng trực, tuần tra kiểm soát, sẵn sàng chiến đấu khi có sự việc xảy ra. Điều này đã có vai trò rất lớn trong việc trấn áp làm giảm tình hình tội phạm, giữ gìn ANTT, củng cố và tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, chính quyền nói chung với lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Được sự quan tâm của các cấp các ngành lực lượng BVDP đã tích cực nhiệt tình tham gia trên các mặt công tác nhiệm vụ được giao, là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng toàn dân bảo vệ ANTQ và đã đạt được nhiều kết quả thành tích nhất định. Do đó, 3 năm liền Ban bảo vệ dân phố phường Cát Linh được Giám đốc CATP tặng giấy khen. Năm 2009 và năm 2010 đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. 1.4.2: Tồn tại Bên cạnh những ưu điểm, thành tích trên, công tác hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV với hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố phường Cát Linh còn một số nhược điểm sau đây: + Một số thành viên BVDP còn chưa nhiệt tình, tham gia vào công tác tuần tra kiểm soát còn hời hợt, thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại khó khăn đặc biệt vào những khi thời tiết xấu, mưa gió, trời lạnh hoặc tuần tra sau 23h. + Chất lượng hoạt động tuần tra kiểm soát của một số tổ bảo vệ dân phố còn mang tính hình thức, chỉ tập trung vào số lượng, số lần đi tuần tra để lấy thành tích mà không coi trọng vào chất lượng, nội dung kết quả hoạt động. Do vậy, hoạt động tuần tra kiểm soát của một số tổ bảo vệ dân phố chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Có cụm dân cư một số thành viên còn ngại tham gia vào công tác hoặc tham gia phải có chế động bồi dưỡng hợp lý. + Chất lượng hoạt động tuần tra kiểm soát của các thành viên trong lực lượng BVDP còn hạn chế, chương trình kế hoạch hoạt động tuy đã được chuẩn bị song trong nhiều trường hợp việc chưa cụ thể rõ ràng, chưa hoàn toàn sát hợp với tình hình thực tiễn. Hoạt động của các thành viên có lúc mang tính hình thức, chưa thật hết trách nhiệm, đôi khi chỉ ra và đi tuần tra cho có mặt, còn ngại khi có công việc. Có những sự việc mâu thuẫn nhỏ xảy ra có nơi có chỗ không tự giải quyết mà còn ỉ lại vào Công an phường nên hiệu quả không cao, gây thêm căng thẳng. + Lực lượng bảo vệ dân phố loại trung bình vẫn còn tồn tại, cán bộ cơ sở già yếu chưa được thay thế vẫn còn nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác tuần tra kiểm soát, theo đó hiệu quả phát hiện và giải quyết vụ việc thông qua hoạt động chưa thực sự cao, còn chưa kịp thời, sự quan tâm còn chưa được sâu sát + Một số thành viên của BVDP trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phát hiện có vụ việc vi phạm hoặc có dấu hiệu nghi vấn phạm tội còn lo sợ, e ngại nguy hiểm, lúng túng .trong cách giải quyết vụ việc. + Bên cạnh đó hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát ở các tổ, các cụm dân phố, của các tổ viên còn chưa thống nhất, chưa đồng đều. Có tổ nhiệt tình tham gia công tác, không ngại khó khăn, gian khổ, nhưng ngược lại một số tổ viên, một số cụm còn chưa nhiệt tình, còn chây lười, ỉ lại 1.4.3 : Nguyên nhân - Nhận thức của một số CSKV chưa thật đầy đủ, chưa thấy hết được vị trí, ý nghĩa, vai trò tác dụng của hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP. - Công tác tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho lực lượng bảo vệ dân phố của CSKV phường Cát Linh có lúc còn bị động, lúng túng, chưa được thường xuyên kịp thời, tương xứng với các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại địa bàn. - Hiện nay công an phường có 8 CSKV, chủ yếu là các đồng chí trẻ, mới ra trường có độ tuổi dưới 30 (chiếm 61,7% ), trong khi đó các thành viên của lực lượng bảo vệ dân phố đều là những người tuổi khá cao, nhiều kinh nghiệm nên trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ dân phố còn gặp khó khăn do năng lực còn yếu, kinh nghiệm chưa có. - Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động tuần tra kiểm soát còn thiếu và yếu đặc biệt là chế độ tiền lương cho BVDP còn quá thấp chưa đủ bù đắp những hao phí trong quá trình làm việc. Chưa có những chính sách khuyến khích, động viên kịp thời, tăng thêm thu nhập cho quần chúng tham gia để phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong khi giá cả thị trường ngày một tăng nhanh. - Hoạt động chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho BVDP của từng CSKV chưa đồng bộ với nhau, mỗi người lại hướng dẫn chỉ đạo theo một cách riêng, không có sự thống nhất . - Công tác chỉ đạo hướng dẫn hoạt động tuần tra kiểm soát của CSKV còn chưa sâu sắc, chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng tổ BVDP và từng địa bàn. Việc nắm bắt tình hình hoạt động của lực lượng chưa kịp thời đầy đủ để có biện pháp giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đưa chất lượng hoạt động có hiệu quả hơn. - Ngoài ra, mối quan hệ giữa BVDP với các lực lượng bảo vệ chuyên trách của các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn chưa tạo được sự phối hợp chặt chẽ , chỉ làm việc trong phạm vi nội bộ cơ quan, xí nghiệp mình, chế độ trao đổi thông tin giữa các lực lượng còn kém hiệu quả làm ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. CHƯƠNG II GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ CỦA CSKV ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA KIỂM SOÁT CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – TP.HÀ NỘI Qua nghiên cứu khảo sát trực tiếp thu thập các thông tin tài liệu về hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, những ưu khuyết điểm của lực lượng bảo vệ dân phố, của công tác hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV, tôi xin đề xuất một số ý kiến sau đây để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố, cũng như công tác hướng dẫn nghiệp vụ của CSKV phường Cát Linh. 2.1 Đề xuất 1: Thống nhất hoạt động chỉ đạo của lực lượng CSKV trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho BVDP. Đào tạo đội ngũ cán bộ CSKV có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình hiện nay. Cán bộ là gốc của mọi công việc, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm là hai điều kiện cần và đủ để mỗi cán bộ, chiến sĩ có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ hiệu quả của mình. Ở địa bàn phường Cát Linh hiện nay, CSKV phần lớn là cán bộ chiến sĩ trẻ, một số vừa mới ra trường nhận công tác nên trình độ chuyên môn chưa cao, một bộ phận cán bộ còn chưa nhiệt tình với công việc làm ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng của công tác hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho lực lượng bảo vệ dân phố. Yêu cầu đặt ra là cần phải có các biện pháp cụ thể để nâng cao trình độ, cải tiến phong cách, lề lối làm việc cho cán bộ chiến sỹ, xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và kiến thức thực tiễn. Do đó cần phải: + Kiện toàn lại đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ dân phố. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho CSKV, nhất là với những CSKV trẻ, còn thiếu kinh nghiệm. Thực hiện việc sắp xếp, bố trí phù hợp với công việc, bổ sung lực lượng cho địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đồng thời phải xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vừa có phẩm chất, kiến thức văn hóa, vừa có trình độ về khoa học kỹ thuật, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ CSKV bằng cách thường xuyên mở các lớp tập huấn, chính trị nghiệp vụ. Chú trọng đến những quy định, những điểm mới trong công tác nghiệp vụ để kịp thời bổ sung cho đội ngũ cán bộ. Tăng cường kiểm tra giám sát, kết hợp kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất về việc chấp hành giờ giấc, lề lối làm việc của CSKV theo đúng quy định về Điều lệnh CSKV năm 2007. Có chương trình kế hoạch và chế độ hợp lý động viên CSKV, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình trong giai đoạn hiện nay. Có biện pháp khen thưởng, động viên kịp thời đối với cán bộ chiến sỹ nhiệt tình, có thành tích cao trong công tác, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ chiến sỹ sai phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm. Ban chỉ huy Công an phường phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc CSKV nắm tình hình, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của công tác hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho lực lượng bảo vệ dân phố. 2.2 Đề xuất 2: Lực lượng CSKV cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc áp dụng đội hình tuần tra, chiến thuật tuần tra của BVDP khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trong địa bàn. Việc áp dụng đội hình tuần tra, chiến thuật tuần tra vào hoạt động tuần tra của lực lượng BVDP có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện, đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua hoạt động này, lực lượng BVDP có thể vừa quan sát, phát hiện các hành vi vi phạm vừa có thể bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau khi có những tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Công tác hướng dẫn của CSKV là như vậy nhưng thực tế trong quá trình áp dụng, lực lượng BVDP thực hiện không được chu đáo, an toàn và tuân thủ chặt chẽ những quy định, nhiều trường hợp khi đi thực hiện nhiệm vụ còn túm tụm nhau, hoặc không đảm bảo được khoảng cách an toàn tối thiểu, hoặc gây những huyên náo không đáng có . Để hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng BVDP đạt được kết quả yêu cầu đặt ra đối với CSKV là vừa phải hướng dẫn chu đáo, cẩn thận về mặt lý thuyết; vừa phải chỉ đạo, tổ chức đội hình, chiến thuật tuần tra cho hợp lý. Đồng thời phải kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất khi lực lượng BVDP đi tuần tra kiểm soát để kịp thời chấn chỉnh và có những hình thức nhắc nhở hoặc động viên cho phù hợp . 2.3 Đề xuất 3: Công an phường thường xuyên quan tâm, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc biệt là về chế độ bồi dưỡng bằng tiền, khuyến khích bằng lợi ích vật chất, để động viên khích lệ BVDP luôn hăng say nhiệt tình tham gia vào các hoạt động giữ gìn ANTT trên địa bàn. Sự quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và cho các thành viên của lực lượng bảo vệ dân phố nói riêng là một yêu cầu quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển. Đây không chỉ là trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của lực lượng Công an mà còn thể hiện sự quan tâm chăm sóc của Đảng ủy chính quyền địa phương, đồng thời cũng là quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân khi tham gia vào các tổ chức quần chúng nòng cốt bảo vệ ANTT. Làm tốt vấn đề trên sẽ tạo điều kiện cho mọi người góp phần ổn định cuộc sống, yên tâm, phấn đấu nhiệt tình công tác. Trong tình hình hiện nay, với cơ chế thị trường mở cửa, giá cả thị trường có nhiều biến động nên việc quan tâm bồi dưỡng vật chất cho các thành viên trong lực lượng bảo vệ dân phố là hết sức cần thiết. Trang thiết bị là điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả công tác, nếu thiếu hoặc không được trang bị sẽ làm cho mục đích, nội dung của công tác không đạt được theo chỉ tiêu đặt ra. Hơn nữa, trên thực tế ở địa bàn phường Cát Linh cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác quản lý. Vì vậy, cần phải cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện hỗ trợ hoạt động tuần tra kiểm soát Cũng như các địa phương khác trong thành phố, mỗi thành viên BVDP được biên chế với phụ cấp là 1,2 triệu đồng/tháng/người. Trong khi cả khu phố có đến 3752 hộ dân, với gần 15008 nhân khẩu, trong đó có hơn 700 căn hộ cho thuê. Nhưng tại phường Cát Linh, công tác tuần tra, kiểm soát được Ban bảo vệ dân phố ở đây xem là mấu chốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Với lực lượng mỏng lại lo an ninh cho cả hàng nghìn hộ dân như vậy, ban bảo vệ dân phố gặp không ít khó khăn trong công tác tuần tra kiểm soát. Đóng góp của lực lượng bảo vệ dân phố cho công tác bảo vệ ANTT của phường đã được khẳng định trong thực tế. Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu những hoạt động đó được đánh giá đúng mức và được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa về mặt kinh tế của các cấp chính quyền. Thực hiện Nghị định 38/CP của Chính phủ và Quyết định số 70/2008/QĐ ngày 31.12.2008 của UBND thành phố, UBND phường Cát Linh hàng quý đã chi trả tiền phụ cấp theo đúng chức danh hệ số, đảm bảo chế độ cho lực lượng BVDP nhưng ngoài tiền phụ cấp hàng tháng lực lượng BVDP không có khoản kinh phí gì khác. Từ năm 2008 về trước, mọi kinh phí hoạt động cho công tác tuần tra đêm của lực lượng bảo vệ dân phố đều dựa vào nguồn thu từ quỹ ANTT của các địa phương. Nguồn thu này tuy không nhiều, nhưng cũng đỡ phần nào mệt nhọc trong những đêm làm nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn ANTT. Nhưng từ khi có chủ trương bỏ nguồn thu này để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho dân thì hoạt động của lực lượng dân phố tại địa phương đã rơi vào cảnh khó khăn, kéo theo phong trào tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố về đêm tại các địa phương có dấu hiệu đi xuống. Để duy trì hoạt động cho lực lượng, đảm bảo công tác gìn giữ ANTT trên địa bàn, lực lượng bảo vệ dân phố đã chủ động tìm nguồn thu từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân và của các nhà hảo tâm . để trang trải một phần khó khăn cho lực lượng. Anh Nguyễn Văn Giới, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố cụm 11 cho biết chuyện khó khổ anh em có thể khắc phục được, điều lo nhất là không có tiền đổ xăng để anh em tuần tra phủ kín địa bàn. Anh Giới cho biết: "Khu dân cư số 11 có diện tích khá rộng, để tuần tra hết địa bàn chỉ còn cách phải đi xe máy. Muốn vậy thì mỗi đêm mỗi tổ viên phải bỏ ra chi phí gần 20.000 đồng để đổ xăng phục vụ cho công tác tuần tra. Những anh em có đời sống khá giả còn chịu được, nhưng về lâu dài các anh em sẽ không chịu nổi. Điều này quả thật quá khó khăn cho anh em, nhưng vì cuộc sống an lành của bà con và được người dân tin tưởng nên các anh phải ráng làm tròn.” Vì vậy, phải có những chính sách khuyến khích lợi ích vật chất cho lực lượng BVDP yên tâm, nhiệt tình trong công tác. - Nội dung yêu cầu: + Phải xây dựng được hệ thống chính sách cụ thể, phù hợp với từng thành viên ở trong lực lượng bảo vệ dân phố. Tạo ra được nguồn kinh phí quỹ an ninh nhân dân đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức được thường xuyên. + Bồi dưỡng đúng mức, kịp thời đối với hoạt động của các thành viên ở trong lực lượng bảo vệ dân phố. + Kết hợp chặt chẽ giữa động viên bằng lợi ích vật chất với công tác động viên tinh thần, tư tưởng. - Biện pháp tiến hành: + Công an phường đề xuất với UBND phường xây dựng quỹ an ninh nhân dân ở cấp phường và cụm dân cư. + Công an phường làm tốt công tác tham mưu cho UBND phường đề ra định mức đóng góp quỹ an ninh nhân dân trong từng địa bàn cụ thể, riêng những người thuộc diện chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, già yếu neo đơn không có nơi nương tựa, gia đình gặp khó khăn thì đề xuất miễn cho họ. Đối với cụm dân cư đông đúc, có điều kiện làm ăn buôn bán thì Công an phường đề xuất với UBND phường đề ra mức đóng góp cao hơn các cụm dân cư khác. Đối với những gia đình có nhà cho người nước ngoài thuê, công an phường đề xuất UBND phường đề ra mức đóng góp cao hơn các hộ khác trong cụm. Các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các hoạt động đảm bảo ANTT trên địa bàn. Công an phường tham mưu cho UBND trong việc đề nghị với các cơ quan xí nghiệp đóng trên địa bàn thảo luận về việc đóng góp, hỗ trợ cho quỹ an ninh nhân dân của phường, như các nhà hàng, khách sạn có điều kiện kinh doanh cần huy động nguồn kinh phí đóng góp hơn để hỗ trợ phong trào. + Công an phường cần nghiên cứu tình hình thực tế và có quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng cho các thành viên trong lực lượng BVDP phù hợp với năng lực, nhiệt tình, hiệu quả công tác của từng thành viên Đối với các cụm dân cư phức tạp đòi hỏi công tác tuần tra kiểm soát phải được tiến hành thường xuyên hơn, qua sự hoạt động để xây dựng mức bồi dưỡng vật chất cho phù hợp với các thành viên. Khi có việc đột xuất cần có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời thỏa đáng, động viên tinh thần trách nhiệm đối với mỗi thành viên khi tham gia. Khi các thành viên trong tổ chức ốm đau, khó khăn thì kịp thời quan tâm động viên giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Công an phường tham mưu cho chính quyền định mức bồi dưỡng cho các thành viên khác nhau không nên thực hiện việc bồi dưỡng bình quân. Công tác động viên bồi dưỡng phải kịp thời, đúng lúc để khuyến khích động viên được các thành viên. Hàng tháng, quý có sinh hoạt bình bầu những người tích cực để kịp thời động viên. 2.4 Đề xuất 4: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa BVDP và lực lượng bảo vệ của các cơ quan, xí nghiệp trong hoạt động giữ gìn ANTT tại địa bàn, đặc biệt là trong công tác tuần tra kiểm soát tại các khu vực giáp ranh cơ quan xa với địa bàn dân cư. Bảo vệ ANTT là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và toàn thể nhân dân, các thành viên của các tổ chức quần chúng nòng cốt có trách nhiệm cùng lực lượng Công an phường tổ chức giữ gìn ANTT tại cơ sở. Để góp phần đảm bảo ANTT, mỗi loại hình tổ chức quần chúng nòng cốt có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng. Vấn đề là ở chỗ những quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của mỗi loại hình, vừa đảm bảo được các yêu cầu về giũ gìn ANTT vừa phải tăng cường được ý thức trách nhiệm giữa các thành viên; đảm bảo cho công tác giữ gìn ANTT được chủ động, thường xuyên. Tăng cường mối quan hệ phối kết hợp giữa các tổ chức quần chúng, phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các tổ chức cũng như giữa các thành viên trong ban bảo vệ dân phố sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc thực thi nhiệm vụ của mình hạn chế được tình trạng ỉ lại lực lượng khác do chồng chéo nhiệm vụ. Sự phân công trách nhiệm, thiết lập mối quan hệ trao đổi thông tin giữa các lực lượng với nhau sẽ làm cho công tác giữ gìn ANTT của các tổ chức quần chúng nòng cốt được diễn ra một cách chủ động, kịp thời, thường xuyên liên tục. Do vậy, lực lượng CSKV, Công an phường phải căn cứ vào các văn bản, quy định của Nhà nước, quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn , cơ cấu tổ chức, và yêu cầu bảo vệ ANTT tại cơ sở của lực lượng bảo vệ dân phố cũng như của các lực lượng nòng cốt khác mà phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn cho mỗi loại hình tổ chức sao cho phù hợp. Đồng thời phải quy định rõ mối quan hệ phối hợp, trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin, tình hình có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố với các loại hình tổ chức khác. - Nội dung yêu cầu: Phân công rõ ràng trách nhiệm giữa ban bảo vệ dân phố với các tổ chức nòng cốt khác cũng như của các thành viên trong từng cụm, đảm bảo mỗi cụm, mỗi thành viên đều có một nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, đảm bảo quán xuyến hết công việc có liên quan đến hoạt động tuần tra kiểm soát bảo vệ ANTT. + Hạn chế tình trạng chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, mỗi thành viên thực hiện nhiệm vụ cụ thể tách rời đồng thời hỗ trợ nhau. Mỗi tổ dân phố, mỗi tổ viên thực hiện nhiều nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ chỉ có một tổ chức hay cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm phụ trách. + Củng cố mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng quần chúng nòng cốt, các tổ bảo vệ dân phố ở từng cụm đảm bảo yêu cầu có mặt kịp thời để giải quyết mọi tình huống có liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn cho đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng, tổ chức. Nhất là giữa lực lượng bảo vệ dân phố với lực lượng bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn. - Biện pháp tiến hành: Rà soát lại tất cả các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố, qua đó phải xác định được những nhiệm vụ còn chồng chéo chưa hợp lý, những nhiệm vụ còn thiếu sót chưa bổ sung. Thông qua lãnh đạo Công an phường tổ chức họp thảo luận thống nhất ý kiến thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với tình hình thực tiễn. - Báo cáo UBND phường, HĐND phường quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố trong hoạt động tuần tra kiểm soát bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. - Về chế độ trao đổi thông tin: Thông qua việc phổ biến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ dân phố, cũng như của các lực lượng nòng cốt khác, CSKV phải quy định cho mỗi thành viên của các tổ chức rõ ràng những quy định sau: + Trong quá trình tuần tra kiểm soát nếu phát hiện các vụ việc phải kịp thời báo cáo cho tổ chức có nhiệm vụ giải quyết vụ việc có liên quan đến ANTT biết nếu vụ việc đó không thuộc chức năng nhiệm vụ của mình và thuộc chức năng nhiệm vụ của tổ chức khác. + Kịp thời trao đổi thông tin giữa các tổ chức theo thời gian ( tuần, tháng) hoặc khi có sự việc đột xuất xảy ra. + Lực lượng CSKV phải có trách nhiệm phổ biến các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được điều chỉnh tới mỗi thành viên, mỗi tổ bảo vệ dân phố ở từng cụm. + Tổ chức, hướng dẫn các thành viên thực hiện chức năng nhiệm vụ mới, đặc biệt trong việc thực hiện mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin. + Thường xuyên sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm, nắm bắt được những khó khăn, bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh. 2.5 Đề xuất 5: Công an phường Cát Linh kiện toàn, củng cố tổ chức lực lượng BVDP đảm bảo cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới. Xây dựng củng cố lực lượng quần chúng nòng cốt tham gia lực lượng bảo vệ dân phố là một trong những vấn đề quan trọng. Đây là lực lượng có tính chất quyết định đến hoạt động của phong trào bảo vệ ANTQ nói chung và hoạt động tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm nói riêng, là chiếc cầu nối liền giữa công an và nhân dân, đồng thời là người xung kích trực tiếp giải quyết các vụ việc phức tạp trong nội bộ nhân dân tại các cụm dân cư. Do vậy phải: “ Lựa chọn, giới thiệu những người có nhiệt tình, có đủ điều kiện, được nhân dân tín nhiệm tham gia ban bảo vệ dân phố làm công tác an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở”. Làm tốt công tác này giúp chúng ta chủ động nắm tình hình một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng và kịp thời, đây là cơ sở để áp dụng các biện pháp vận động quần chúng có hiệu quả, phù hợp thuận lợi tại cơ sở. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi những thay đổi về đời sống kinh tế xã hội làm cho tình hình ANTT diễn biến hết sức phức tạp. Tội phạm gia tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của quần chúng nhân dân, nền kinh tế thị trường thời mở cửa với mặt trái của nó, sự du nhập của lối sống phương Tây, ưa hưởng thụ, lười lao động .thì yêu cầu đảm bảo ANTT đặt ra ngày càng bức xúc. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng lực lượng quần chúng chưa được quan tâm đúng mức, nội dung chương trình công tác chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, chưa chú ý bồi dưỡng, thanh loại những thành viên yếu kém .dẫn đến một số thành viên chỉ tồn tại trên danh nghĩa song thực chất không hoạt động, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động của phong trào chung. Vì vậy, củng cố kiện toàn lực lượng BVDP trong tình hình hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. * Nội dung, yêu cầu và biện pháp tiến hành: - Phải lựa chọn đủ số lượng các thành viên, có chất lượng phù hợp với từng địa bàn, cụm dân cư. Thông qua đặc điểm của từng địa bàn, từng cụm dân cư ta có thể lựa chọn những thành viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực phẩm chất để phục vụ tốt công tác địa phương. Để làm được việc này đòi hỏi lực lượng CSKV phải thông qua công tác rà soát kỹ lưỡng người dân trong khu vực phụ trách để lựa chọn các thành viên có đủ các điều kiện tiêu chuẩn tham gia. + Rà soát tất cả các tổ bảo vệ dân phố trong tất cả các cụm trong phường, từ cụm 1 đến cụm 11 để qua đó xác định cho được những thành viên hoạt động được, xác định được chất lượng, những thành viên cần phải bồi dưỡng, nhất là những cụm dân cư mặt phố như: Phố Cát Linh, phố Giảng Võ . hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, xác định được những thành viên không đủ khả năng điều kiện hoạt động cần phải thanh loại để nâng cao hiệu quả hoạt động. + Lập danh sách, thông qua các tổ nhân dân lấy ý kiến giới thiệu các quần chúng có khả năng, nhiệt tình, có phẩm chất năng lực. Đặc biệt phải quan tâm đến những cụm phức tạp về ANTT, nhiều đối tượng tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội để họ tham gia quản lý tốt hơn. + Báo cáo Công an phường, UBND phường quyết định bổ sung các thành viên đã lựa chọn được tham gia công tác giữ gìn ANTT ở các cụm và trong toàn địa bàn, để các thành viên trong các cụm đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng. - Có kế hoạch bồi dưỡng về năng lực, phẩm chất cho lực lượng bảo vệ dân phố trong từng thời gian. Qua việc lựa chọn thành viên, UBND phường và Công an phường phải có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các thành viên tham gia, để có khả năng nhất định khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. - Hướng dẫn lực lượng bảo vệ dân phố biết cách làm việc, phù hợp với địa bàn công tác, nhiệm vụ được giao. Mặc dù các thành viên đã được tập huấn, bồi dưỡng từ khi bắt đầu tham gia lực lượng song khi bước vào thực hiện từng công việc cụ thể, lực lượng CSKV hướng dẫn họ thực hiện công tác ra sao, như thế nào cho phù hợp địa bàn đạt kết quả cao trong công việc. Hướng dẫn cho các thành viên về nghiệp vụ nâng cao kiến thức tham gia công tác, trước hết cần tập trung vào một số khu vực trọng điểm phức tạp về ANTT như khu vực cụm dân cư quanh sân vận động Hàng Đẫy, mặt phố Cát Linh Nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn về nghiệp vụ phải tập trung vào nhiều mặt, đặc biệt là các mặt sau: + Bồi dưỡng giáo dục nâng cao ý thức tự giác trong quá trình thực thi công việc. + Hướng dẫn phong cách làm việc ở cụm khi có sự việc liên quan đến ANTT xảy ra. + Hướng dẫn, truyền đạt các thông tin về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, các loại tội phạm khác, nhất là các loại tội phạm thường xuyên xảy ra trên địa bàn. - Tổ chức cho lực lượng quần chúng thực tập các phương án phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, công tác cụ thể như thực tập triển khai lực lượng khi có báo động, có dấu hiệu ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn, tổ chức lập phương án vây bắt tội phạm khi có hiện tượng xảy ra trong cụm, trong địa bàn phường như khi có hỏa hoạn xảy ra, cướp giật - Sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm thường xuyên: Đây là một vấn đề rất cần thiết đối với hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại cơ sở vì thông qua sơ kết, tổng kết đánh giá rút ra được các mặt mạnh, mặt yếu, việc đã làm được, chưa làm được, những khó khăn vướng mắc, những bài học kinh nghiệm, từ đó có các biện pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo, từng bước chất lượng hoạt động được nâng cao hơn. Thường xuyên sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Công tác sơ kết tổng kết phải được thực hiện theo định kỳ cũng như sau khi thực hiện xong một nhiệm vụ bảo vệ đột xuất cụ thể. Trong các buổi sơ kết tổng kết, các thành viên phải nêu rõ được các công việc đã làm được cũng như chưa làm được, so sánh với chương trình, kế hoạch công tác đã đặt ra, phải chỉ rõ được những tồn tại, thiếu sót ấy, phải nêu bật những bài học kinh nghiệm sau khi thực thi nhiệm vụ. Cần có thái độ khách quan, trung thực khi sơ kết tổng kết. Tránh hiện tượng vì thành tích mà báo cáo sai, không trung thực, nêu chủ yếu những ưu điểm mà hạn chế nêu những khuyết điểm. KẾT LUẬN Hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát cho lực lượng BVDP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của CSKV. Công tác này không những có ý nghĩa trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong địa bàn phường Cát Linh, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Qua việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra kiểm soát của CSKV đối với lực lượng bảo vệ dân phố tại địa bàn phường Cát Linh, tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp hy vọng góp phần hoàn thiện lý luận về công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra kiểm soát của CSKV, đồng thời là cơ sở để vận dụng vào thực tiễn và phục vụ cho công tác không chỉ ở Công an phường Cát Linh mà còn ở các phường khác trong cả nước. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, tôi đã nhận xét, phân tích một số tồn tại thiếu sót và đề xuất một số ý kiến với Công an phường nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố cho phù hợp, để đưa hiệu quả hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ lên cao. Tuy nhiên, đây là đề tài có phạm vi nghiên cứu rất hẹp, chỉ là một khía cạnh nhỏ trong rất nhiều nhiệm vụ của lực lượng CSKV và trong hoạt động của lực lượng BVDP. Đồng thời đây là đề tài hoàn toàn mới từ trước tới nay chưa có ai nghiên cứu, lại có liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của nghành Công an; với góc độ nghiên cứu ở địa bàn phường, hơn nữa do điều kiện thời gian khảo sát, với trình độ năng lực còn hạn chế, chắc rằng những phân tích, nhận xét và đề xuất của tôi trong đề tài này chưa thể sâu sắc và toàn diện. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến và bổ sung của các đồng chí để bản luận văn của tôi được hoàn chỉnh hơn.

doc6 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 9748 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu CSKV với công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BẢNG 1 THỐNG KÊ TÌNH HÌNH NHÂN KHẨU, HỘ KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM TỔNG SỐ CỤM DÂN CƯ TỔNG SỐ HỘ TỔNG SỐ NHÂN KHẨU NHÂN KHẨU NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Thường trú Tạm trú Thường trú Tạm trú Lưu trú 2008 11 3987 81 15431 398 315 350 2009 11 3891 70 16000 405 300 330 2010 11 3752 65 15008 319 268 378 (Nguồn: Công an phường Cát Linh) BẢNG 2 TÌNH HÌNH PHẠM PHÁP HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM TỔNG SỐ VỤ TỘI DANH TỔNG SỐ ĐỐI TƯỢNG BỊ BẮT GIỮ ĐỊA ĐIỂM XẢY RA ĐỘ TUỔI Hình sự Kinh tế Ma tuý Các tội khác Nam Nữ Trong địa bàn Ngoài địa bàn Dưới 18 tuổi Trên 18 tuổi 2008 70 50 0 15 5 150 15 60 10 41 124 2009 68 46 1 19 2 148 20 55 13 50 112 2010 73 46 3 22 2 170 30 64 9 55 145 ( Nguồn: Công an phường Cát Linh ) BẢNG 3 TÌNH HÌNH LỰC LƯỢNG CSKV CÔNG AN PHƯỜNG LINH QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM SỐ LƯỢNG CBCS TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN CSKV ĐỘ TUỔI CBCS CSKV Trung học Đại học Trên đại học Dưới 30 Từ 30 - 50 Trên 50 2008 27 13 9 4 0 6 2 5 2009 24 10 6 4 0 4 3 3 2010 21 8 6 2 0 5 2 1 ( Nguồn Công an phường Cát Linh) BẢNG 4 TÌNH HÌNH LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM TỔNG SỐ PHÂN CHIA TRÊN CÁC CỤM ĐỘ TUỔI Nam Nữ 1 + 2 3 + 4 5 6 7 8 9 + 10 11 Dưới 30 Từ 30 - 50 Trên 50 2008 58 0 9 9 5 6 6 6 9 9 12 3 44 2009 52 0 8 7 5 5 6 6 8 7 14 2 36 2010 55 0 9 7 5 5 6 6 9 8 16 2 37 ( Nguồn: Công an phường Cát Linh ) BẢNG 5 CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ BẢO VỆ DÂN PHỐ PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM NGHỀ NGHIỆP TRÌNH ĐỘ PHÂN LOẠI BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ Hưu trí Cựu chiến binh Ở nhà Các nghành nghề khác Phổ thông Đại học Trên đại học Khá Trung bình Yếu Đã qua Chưa qua 2008 19 21 7 12 50 9 0 56 3 0 56 3 2009 18 20 5 9 42 10 0 50 2 0 50 2 2010 18 20 7 10 43 12 0 54 1 0 54 1 ( Nguồn: Công an phường Cát Linh) BẢNG 6 KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG BVDP PHƯỜNG CÁT LINH – QUẬN ĐỐNG ĐA – THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM BẢO VỆ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ, VHXH (lượt) CUNG CẤP CÁC THÔNG TIN CÓ GIÁ TRỊ GIẢI QUYẾT GÂY RỐI TTCC GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN NỘI BỘ ND GIẢI QUYẾT VI PHẠM ANTT CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC 2008 450 160 25 25 300 116 2009 462 180 30 22 322 204 2010 509 232 28 18 350 300 (Nguồn Công an phường Cát Linh)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCSKV với công tác hướng dẫn hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.doc