Đặc điểm địa danh Quảng Nam

Địa danh ra đời dựa vào những đặc điểm, tính chất, vị trí, chức năng, của đối tượng mà nó định danh. Chính vì vậy, địa danh là một sản phẩm trí tuệ của con người, không phải tự nhiên mà có. Mỗi địa danh, ngoài chức năng định danh, nó còn thể hiện những đặc điểm về lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội của địa bàn mà nó tồn tại, có chức năng bảo tồn những đặc điểm ấy. Địa danh là những “nhân chứng” trung thành, là những “tấm bia” văn hoá – l ịch sử của đất nước. Vì vậy, địa danh có giá trị hiện thực sâu sắc.

pdf42 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2890 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đặc điểm địa danh Quảng Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
................... 107 3.3. Tiểu kết...................................................................................................................... 111 Chương 4: ĐẶC ĐIỂM VỀ NGUỒN GỐC – Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH QUẢNG NAM................................................................................................ 113 4.1. Đặc điểm về nguồn gốc – ý nghĩa.......................................................................... 113 4.1.1. Một số địa danh có nguồn gốc rõ ràng........................................................... 113 4.1.2. Một số địa danh có nguồn gốc còn tranh cãi................................................ 117 4.2. Giá trị phản ánh hiện thực....................................................................................... 119 4.2.1. Giá trị phản ánh về mặt lịch sử....................................................................... 119 4.2.2. Giá trị phản ánh về mặt địa lý tự nhiên.......................................................... 125 4.2.3. Giá trị phản ánh về mặt kinh tế....................................................................... 127 4.2.4. Giá trị phản ánh về mặt văn hoá..................................................................... 130 4.2.5. Giá trị phản ánh về mặt ngôn ngữ................................................................... 133 4.3. Tiểu kết...................................................................................................................... 136 KẾT LUẬN................................................................................................................. .......... 138 TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................. 141 PHỤ LỤC.................................................................................................................... .......... 147 Chương 4 ĐẶC ĐIỂM VỀ NGUỒN GỐC – Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CỦA ĐỊA DANH QUẢNG NAM 4.1. Đặc điểm về nguồn gốc – ý nghĩa 4.1.1. Một số địa danh có nguồn gốc rõ ràng 4.1.1.1. Chùa Cầu Nằm ở tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú (HA), Chùa Cầu (hay còn gọi là chùa Nhật Bản) là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu trong một lần tuần du tỉnh Quảng Nam, đã đến thăm Hội An, nhân đó đã đổi tên chiếc cầu này thành tên chữ “Lai Viễn Kiều” (có nghĩa là cầu của khách phương xa đến). Ba chữ này được chạm nổi trên cửa chính của cầu. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – vị thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loài thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Mỗi lần Cù cựa quậy là gây lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình. Chùa Cầu là một tài sản vô giá và đã được chọn làm biểu tượng của Hội An. 4.1.1.2. Bằng Than Dân gian quen gọi là “Bàn Than” và cả trên một số sách báo cũng thường viết là “Bàn Than”, với cách giải thích theo kiểu trực quan là hòn núi có đỉnh bằng phẳng như mặt “bàn” và màu đen như than. Thực ra, đúng tên là “Bằng Than”. Trong ngôn ngữ địa phương trước đây đã xảy ra hiện tượng từ “bằng” vốn là tính từ được dùng như danh từ, chẳng hạn như: Bằng Thùng là tên một ngọn núi ở phía tây huyện Quế Sơn giống như một cái thùng úp ngược; Bằng Võ là tên một khu đất ngày xưa nghĩa quân của Nguyễn Duy Hiệu hay tập võ nghệ; ở huyện Duy Xuyên có núi gọi là Hòn Bằng; ở miền tây Quảng Ngãi có địa danh Bằng Chò là đỉnh núi bằng phẳng có nhiều cây chò mọc. [54, tr.828] Bằng Than là một hòn núi thấp, nằm sát biển, thuộc xã Tam Hải (NT), dài khoảng 2km, cao 40m, trên đỉnh bằng phẳng, rộng khoảng 20ha, phủ đầy một loại cỏ thân cứng và những cây dại như chà là, sim, mua. Thời kháng chiến chống Mỹ, trực thăng của quân đội Mỹ nhiều lần đổ quân trên hòn Bằng Than trong các cuộc càn quét. Điều đáng chú ý là ở mặt phía đông và đông nam, vách đá cao dựng đứng màu đen như than. Từ ngoài biển nhìn vào, ta thấy có một số hang động do sự xâm thực của sóng biển lâu ngày và những bãi cát lô nhô nhiều hòn lớn nhỏ cùng những hố ẩn hiện trong những tia nước và bọt biển trắng xoá trên cái phông màu đen của đá kéo dài đến hút tầm mắt. Theo hình dáng tự nhiên và qua trí tưởng tượng phong phú của người dân địa phương, những vách đá, hố nước nơi đây được đặt tên như: hố Cột Tàu, khe Bà Che, hố Đùng, … Về thắng cảnh này, sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam viết: “Núi Phú Xuân có tên là núi Bàn Than, ở cách huyện Hà Đông 50 dặm về phía đông nam, nằm lề bên cửa biển Đại Áp ở phía bắc; mạch núi nguyên từ núi Chủ Sơn kéo về, chia ra quanh co qua các xã Hoà Vấn, Phú Hoà đến thôn Phú Xuân Hạ thì nổi vọt lên một ngọn núi, sắc đá đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi bằng màu đen như cái mâm than, nên gọi tên như thế”. 4.1.1.3. Bồ Bồ Núi đất cao 55m so với mực nước biển, đỉnh tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 1,5km2, làm ranh giới giữa hai xã Điện Tiến và Điện Thọ (ĐB). Về nguồn gốc địa danh Bồ Bồ được giải thích như sau: Nguyên đây là đỉnh núi cao nhất của cụm “núi đất” dài hơn 2km thuộc làng Đức Ký. Sau “Hiệp ước phòng thủ chung” ở Đông Dương giữa Pháp và Nhật được ký kết (23-7- 1941), quân Nhật được tự do đóng quân ở Đông Dương. Trên đất Điện Bàn, Nhật xây dựng căn cứ dã chiến để bảo vệ Đà Nẵng, thường được gọi là “trảng Nhật”. Cùng thời gian này, quân Nhật xây trên đỉnh cao của núi đất một trạm bằng gạch, mỗi bề 5x5m, cao 0,5m, ở giữa có cây trụ, bên trên đặt một vật hình tròn bằng gỗ bọc phên tre bên ngoài, ở xa trông giống cái bồ đựng thóc, sơn nửa đỏ nửa trắng để làm dấu hiệu dẫn đường cho máy bay Nhật. Người dân bằng cảm quan trực tiếp của mình, gọi đó là “bồ bồ”. Về sau, khi quân Nhật không dùng trạm này nữa, vật “giống cái bồ” bị mục nát, chỉ còn lại địa danh Bồ Bồ. Năm 1949, giặc Pháp đã đóng một đồn lớn trên núi Bồ Bồ, nhằm án ngữ mặt trận phía nam, bảo vệ Đà Nẵng. Ngày 19-7-1954, sau hai giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ, diệt 100 tên, bắt sống 300 tên, trong đó có một đại tá. [54, tr.1645] Sau ngày toàn thắng, một tượng đài chiến thắng đã được xây dựng trên đỉnh Bồ Bồ. 4.1.1.4. Ông Đốc Địa danh này gắn liền với trận đánh “có một không hai” của nghĩa quân Quảng Nam trong thời kháng chiến chống Pháp. Câu chuyện như sau: Để trấn an tinh thần cho quan Khâm sai, đồng thời thị uy với nghĩa quân vùng Phú Kỳ (làng Gò Nổi – ĐB), quân Pháp đã cho bảy ca nô đầy lính tráng, súng ống, ngược sông Vĩnh Điện lên neo đậu tại Bãi Chài thuộc làng Vân Ly (ĐB). Từ trạm tiền tiêu của nghĩa quân ở Phong Thử do đội Côn và đội Thoá trấn giữ bảo vệ đại đồn Bình Yên, địa phận huyện Quế Sơn. Tán tương Nghĩa hội Trần Huy liền cho mời bang tá Nguyễn Đình Tán từ đồn Phong Thử lên khẩn bàn. Kế hoạch tập kích được vạch ra tỉ mỉ. Theo đó, nghĩa quân chia làm ba mặt trận tấn công vào Bãi Chài, một đội xung kích sẽ từ bến đò đánh ra. Tán tương đồn Bình Yên - Trần Huy - cho người lên thượng lưu sông Thu Bồn đóng bè bằng hom dâu thả trôi xuống Bãi Chài. Đây là loại bè có điều khiển bằng cách gióng các sợi mây hai bên, thả trôi ngầm dưới nước để kéo bè đi. Đến một cự li nhất định, gần mục tiêu, bè mới được bứt dây cho lao tới. Lúc phát hiện được bè, sẽ không còn cách nào tránh kịp. Trên bè, nghĩa quân đặt nhiều trái phá với liều thuốc nổ cực mạnh, nhằm công phá đội xuồng máy của giặc đang neo đậu tại Bãi Chài. Đúng giờ quy định, các chiếc bè theo con nước đổ xuôi rất mạnh được bứt dây, phóng vun vút vào đám ca nô. Bọn giặc Pháp thấy thế, ơi ới gọi nhau lấy bất cứ thứ gì có được nhằm đẩy bè ra xa. Nhưng đã quá chậm, các chiếc bè công kềnh cứ thế lao tới, đâm sầm vào đội xuồng máy của giặc. Một loạt tiếng nổ long trời lở đất làm cho các chiếc xuồng tung toé, ba trong bảy chiếc lật úp xuống sông. Tức thì ba mặt, trên nước và đất liền, nghĩa quân theo quân lệnh “hễ thấy tàu, thuyền có cắm cờ ba sắc cứ bắn xả vào” đã khai hoả vào mục tiêu và dùng câu liêm móc đầu bọn giặc nhào xuống nước, hoặc dùng giáo đâm giặc. Về phía nghĩa quân, đốc binh họ Bùi hy sinh. Để tưởng nhớ ông, nhân dân gọi nơi ông ngã xuống là bến đò Ông Đốc. Địa danh ghi lại một sự kiện lịch sử, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với vị anh hùng họ Bùi. Ngày nay, bến đò Ông Đốc ở thôn Vân Ly xã Điện Quang huyện Điện Bàn. 4.1.2. Một số địa danh có nguồn gốc còn tranh cãi 4.1.2.1. Faifo Hội An trong lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau: Hải Phố, Hoài Phố, Hội Phố, Hoa Phố, Haiso, Faifo, … vốn là một thương cảng nằm bên bờ con sông lớn nhất tỉnh, đã có một thời kỳ phát triển phát đạt nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi này thu hút thuyền buôn nhiều nước Đông Nam Á và nhiều nước phương Tây đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá. Về địa danh Faifo: từ Faifo lần đầu tiên xuất hiện trong hồi ký của nhà truyền giáo người Ý Christoforo Borri đã từng sống ở Hội An và Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1621. Cách giải thích nguồn gốc từ Faifo có nhiều thuyết khác nhau: 1- Faifo từ Hải Phố mà ra (theo Chapuis). 2- Faifo từ Hội An phố mà ra (theo Trần Kinh Hoà). 3- Faifo từ Hoa Phố mà ra (theo Châu Phi Cơ). 4- Faifo từ Hoài Phố mà ra (theo Phan Khoang). 5- Ngoài ra, có người cho rằng từ Faifo phát xuất từ cách hỏi tên đường của người phương Tây đến Hội An hồi đó “Có phải phố không?”, người địa phương trả lời “Phải phố.”, do không hiểu tiếng Việt nên “phải phố” được chuyển thành Faifo. Trong các cách giải thích trên, có lẽ Faifo từ Hoài Phố (phố chợ trên sông Hoài – tên gọi của sông Thu Bồn ngày nay) có sức thuyết phục hơn cả. Từ đầu thế kỷ XX, trong các văn bản chính quyền thực dân thường dùng từ Faifo thay cho từ Hội An. Còn trong ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày, người dân hay dùng từ phố để chỉ Hội An. [54, tr.1661] 4.1.2.2. Chu Lai Vùng đất ở huyện Núi Thành. Nơi đây là khu kinh tế mở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Ban chỉ đạo xây dựng theo Quyết định số 204/1999 ngày 18-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam, có diện tích rộng 150km2. Địa danh này có hai cách lí giải khác nhau: 1- Có người cho rằng địa danh này đã có từ thời nhà Nguyễn. 2- Vào năm 1965, khi quân Mỹ đổ bộ vào vùng này đã cho xây dựng ở đây một sân bay, tên sân bay được đặt theo tháng xây dựng “July” (tháng 7). Chu Lai do biến âm từ July mà ra. (Sân bay xây dựng trên vùng đất cát xã Tam Nghĩa (NT), nằm phía đông đường sắt và quốc lộ 1A, có đường băng bằng bê tông dài 3.050m, rộng 45m và một đường băng phụ dài 2.400m, rộng 30m.) Cách lí giải thứ hai có sức thuyết phục hơn, vì những nguyên nhân sau: 1- Nguyên văn câu vè “Châu Lai, Châu Ổ bao xa” thực ra là “Sa Cần, Châu Ổ bao xa”. 2- Nếu địa danh này ra đời dưới thời nhà Nguyễn thì sẽ được gọi tên là Châu Lai (giống như cách gọi Châu Ổ - Quảng Ngãi, Châu Thành, …), vì kiêng huý chúa Nguyễn Phúc Chu nên không bao giờ người dân gọi là Chu Lai. 3- Địa danh Chu Lai xuất hiện từ thời chống Mỹ (1965). Trong danh mục làng xã trước đây không hề có địa danh này. (cf. Lê Trung Hoa) [37, tr.103] 4.1.2.3. Thạnh Mỹ Vùng đất là nơi hai con sông Đắc My (từ Phước Sơn chảy về) và sông Thanh (từ biên giới Lào về) gặp nhau để cùng đổ vào sông Bung. Nhân dân nơi đây lấy từ Thanh ghép vào từ My thành tên gọi vùng đất: Thanh My (theo cách gọi của đồng bào Cơ Tu). Lại có ý kiến cho rằng: vùng đất Thạnh Mỹ hiện nay là vùng đất đá vôi (lớn nhất ở Quảng Nam), có nhiều hang động, nhiều tảng đá rất đẹp nên được gọi là Thạch Mỹ (từ gốc Hán Việt: vẻ đẹp của đá). Đây là cách gọi của người Kinh. Ngày nay, do bị biến âm nên gọi chệch đi thành Thạnh Mỹ (cf. Nguyễn Tri Hùng). Thạnh Mỹ hiện nay là thị trấn của huyện Nam Giang. 4.1.2.4. Tr’Hy Sau khi Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi, lập ra triều nhà Nguyễn, vị vua này tiến hành truy sát binh lính của triều Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Một số người dân vùng Đại Lãnh (ĐL) phải lánh nạn lên núi, cư trú tại vùng của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại nơi đây, họ được đồng bào Cơ Tu che chở, nuôi nấng và trở thành dân làng. Những người Kinh chạy nạn này thường kể cho đồng bào nghe việc làm tốt đẹp của quan quân nhà Tây Sơn là lấy đất người giàu chia cho dân nghèo và thường nói câu “Tây Sơn hy hữu” (ít có như Tây Sơn). Chính vì câu chuyện này mà người dân tại đây lấy luôn cụm từ “Tây Sơn hy hữu” để đặt tên cho làng mình. Vì cái tên quá dài nên được rút gọn lại là Tây Hy, về sau biến âm thành Tr’Hy. (cf. Nguyễn Tri Hùng) Hiện nay, Tr’Hy là một xã của huyện Tây Giang, nằm giáp với nước bạn Lào. 4.2. Giá trị phản ánh hiện thực Địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Địa danh chứa đựng những thông tin về chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội. Những thông tin đó cho ta biết được đặc điểm của vùng đất cư trú. Cũng giống như địa danh trên thế giới, địa danh Việt Nam, địa danh Quảng Nam cũng thế. Khi nghiên cứu những giá trị phản ánh hiện thực của địa danh, ta có thể tìm ra những ý nghĩa về nhiều mặt của đời sống xã hội được thể hiện thông qua địa danh. Không sai khi có người cho rằng địa danh giống như “vật hoá thạch”, hay người khác lại cho rằng đó là những “đài kỷ niệm”. Trải qua lịch sử hình thành gần 600 năm, địa danh Quảng Nam thể hiện rõ những giá trị hiện thực như vậy. 4.2.1. Giá trị phản ánh về mặt lịch sử Quảng Nam là vùng đất mang nhiều biến cố lịch sử. Có nhiều vùng đất, qua những biến thiên của lịch sử, đã trở thành phế tích, nằm sâu dưới lớp phù sa cũ và mới nhưng lịch sử hình thành và phát triển của nó vẫn tồn tại trong tên của chính nó. Bên cạnh những di tích lịch sử cụ thể, địa danh cũng góp phần ghi lại những thông tin quan trọng khi muốn tìm hiểu về lịch sử. 4.2.1.1. Phản ánh quá trình di trú Xứ Quảng vốn là địa bàn cư trú của người Chăm từ khoảng thế kỷ thứ II. Nơi đây đã hình thành nên vương quốc với những tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Chiêm Thành, … Quảng Nam là nơi đặt kinh đô Sinhapura (kinh thành Sư Tử), nay là vùng Trà Kiệu (DX) từ thế kỷ thứ IV đến giữa thế kỷ thứ VIII, và cũng là nơi đặt kinh đô Indrapura (kinh thành Sấm Sét) tại khu vực Đồng Dương (TB) từ khoảng giữa thế kỷ thứ IX đến cuối thế kỷ thứ X. Chính vì thế, ở Quảng Nam có không ít những làng Việt đan xen với làng Chăm hoặc làng Việt được hình thành ngay trên phế tích của làng Chăm. Đó là những làng có nhiều công trình như đền, chùa, miếu, … được xây dựng với những vật liệu đá cũ như ở Chiêm Sơn (DX), Trà Kiệu (DX), làng Thanh Chiêm (ĐB), Cù Lao Chàm (HA), Đồng Dương (TB), Hương Quế (QS), … Dấu ấn Chămpa còn lưu lại khá rõ ở các tên làng đã được Việt hoá như: Trà Quế (HA), Trà Nhiêu (DX), Trà Châu (DX), Trà Đoả (TB), Thi Lại (DX), … Những cư dân đầu tiên đến định cư, mở đất ở Trà Kiệu là 13 tráng binh quê gốc Thanh Hoá và Nghệ An trong đội quân bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông được phân công ở lại để tổ chức khai hoang, lập làng. Chính 13 người này là 13 vị thuỷ tổ của làng Ngũ Xá Trà Kiệu (DX), về sau chia thành 5 làng: Trà Kiệu Thượng, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung. Minh Hương (HA) là địa danh thể hiện rõ ràng nguồn gốc những cư dân đầu tiên của làng. Cư dân ở đây chủ yếu là người Hoa, họ chính là lưu dân nhà Minh (Trung Quốc), chạy sang cư trú ở Hội An để tránh sự truy bắt của quân Thanh. Được sự cho phép của chúa Nguyễn, họ đã định cư tại nơi đây và lấy tên Minh Hương làm tên làng. Quá trình cộng cư của người Việt, người Chăm và người Hoa trên đất Quảng Nam đã được thể hiện trong sách Ô Châu cận lục khi miêu tả đời sống của dân Điện Bàn (được hiểu là nửa tỉnh phía bắc Quảng Nam lúc bấy giờ) vào giữa thế kỷ XVI như sau: “Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa; xe tiện chuyên chở đường bộ, ghe thuyền thuận lợi đường sông. Vườn Mạc Xuyên trồng lắm hoa hồng, người Lang Châu dệt nhiều lụa trắng… Phụ nữ mặc quần vải Chiêm, đàn ông tay cầm quạt Tàu…”. Một trường hợp khá đặc biệt của một tập thể lưu dân gồm 33 người quê huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) vào Quảng Nam thế kỷ XVI, lập ra bốn làng ở phía nam chân núi Hòn Tàu. Để ghi nhớ quê gốc, họ đặt tên ba làng lấy từ đầu là “Nghi”, đó là các làng Nghi Thượng, Nghi Hạ, Nghi Trung và một làng lấy từ cuối là “Lộc”, làng Lộc Đại. Cả bốn địa danh này nay là bốn thôn của xã Quế Hiệp (QS). Ở huyện Quế Sơn còn có một trường hợp khác, đó là địa danh Đức Giáo. Đức Giáo nguyên là tên của một làng ở Phú Xuân (Thuận Hoá) nơi có nhiều người chuyên nghề hát tuồng. Vào tháng 4 năm Ất Sửu (1805), khi vua Gia Long bắt đầu xây dựng kinh thành Phú Xuân thì Đức Giáo nằm trong diện giải toả. Thế là phần lớn dân Đức Giáo vào Quảng Nam, đến định cư tại làng Khánh Đức (nay là một thôn thuộc xã Quế Hiệp – QS). Tuy ở địa phận Khánh Đức nhưng nhóm dân di cư này vẫn lập một làng riêng và giữ tên làng cũ là Đức Giáo. Làng này đặc biệt ở chỗ “hữu đinh vô điền”, tức là có dân mà không có ruộng đất. Dân Đức Giáo vẫn tiếp tục giữ nguyên nghề cũ của mình là hát tuồng, do đó mới có câu phổ biến trong vùng là “Đức Giáo vô địa lập chuỳ, dĩ xướng ca vi nghệ” (Đức Giáo không có đất cắm dùi, chỉ lấy việc xướng ca làm nghề vui sống) [54, tr.1093]. Đức Giáo là một trong những cái nôi đã khai sinh ra nghệ thuật hát bội đặc sắc của Quảng Nam. Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số địa danh có nguồn gốc dân tộc thiểu số ở Quảng Nam cũng phản ánh quá trình cư trú của dân tộc họ. Khi những người Ve chuyển từ nước Lào về huyện Nam Giang, họ vẫn tiếp tục lấy tên làng cũ để đặt tên cho làng họ đến cư trú, như: làng Đắc Pring (NG), làng Đắc Pre (NG). Hay trường hợp đồng bào Cơ Tu dù đã chuyển đến sinh sống tại huyện Tây Giang nhưng vẫn lấy tên ngọn núi ở quê cũ (nước Lào) để đặt tên cho xã mới, đó là xã Bhalêê (TG). Trường hợp khá thú vị khi chúng tôi tìm hiểu về huyện Phước Sơn. Ở xã Phước Xuân (PS) có hai thôn là Lao Đu và Lao Mưng, đây là hai thôn tập trung nhiều dân tộc Giẻ triêng sinh sống. Về nguồn gốc địa danh của hai thôn này được giải thích như sau: trước đây, những người Giẻ triêng đầu tiên sống trong hai thôn này vốn là người cùng một làng ở huyện Đắc Glây (tỉnh Kon Tum). Khi quyết định chuyển cư về Phước Sơn họ tiến hành chia dân, tách thành hai nhóm, số dân trong hai nhóm không đều nhau. Khi đến Phước Sơn, họ lập hai làng mới, làng đi ít dân hơn gọi là làng La Đu (“La” có nghĩa là “đi”, “Đu” có nghĩa là “ít”), làng đi nhiều dân hơn gọi là làng La Mâng (“Mâng” có nghĩa là “nhiều”). Về sau tên làng bị biến âm và được gọi là Lao Đu, Lao Mưng như hiện nay. (cf. Nguyễn Tri Hùng) Qua những ví dụ như trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, chính địa danh là nơi phản ánh quá trình di trú, là “cái nôi” lưu giữ nguồn gốc của con người sống trên vùng đất hiện tại, là yếu tố quan trọng để tìm hiểu nguồn cội xa xưa. 4.2.1.2. Phản ánh sự kiện, biến cố lịch sử Như mọi danh từ, danh ngữ chung, địa danh có chức năng định danh sự vật. Đó là đứng trên quan điểm đồng đại. Nếu đứng trên quan điểm lịch đại, địa danh có chức năng bảo tồn. Rất nhiều những biến cố chính trị, lịch sử được lưu giữ trong địa danh. Đối với vùng đất Quảng Nam, năm 1976 là mốc khởi đầu cho quá trình nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh với cuộc khai quật ở Tam Mỹ (NT) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Hàng loạt những cuộc khai quật và khám phá kế tiếp được thực hiện ở các địa điểm Phú Hoà (NT), Bàu Trám (NT), Tam Giang (NT), Quế Lộc (NS), Tiên Hà (TP), Gò Muồng (ĐL), Tabhing (NG), An Bang (HA), … Tính đến năm 2006, có khoảng 40 địa điểm khảo cổ học đã được phát hiện và khai quật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Với những sưu tập hiện vật cụ thể gồm công cụ đá, đồng, sắt, gốm và đồ trang sức, Quảng Nam được giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước nhìn nhận như một trung tâm của văn hoá Sa Huỳnh. Thời đại nhà Nguyễn được đánh dấu bằng sự thiết lập dinh trấn Thanh Chiêm. Thanh Chiêm được chúa Nguyễn Hoàng chọn làm nơi đặt thủ phủ của trấn Quảng Nam vào năm 1602 – nằm trên bờ bắc sông Thu Bồn. Thanh Chiêm cũng được gọi là Dinh Chiêm, còn người ngoại quốc gọi là Cacciam, Caccham, hay Kẻ Chàm. Về vị thế lịch sử, dinh trấn Thanh Chiêm đóng vai trò là một thủ phủ thứ hai của Đàng Trong, là nơi thực thi đường lối mở cửa dưới thời chúa Nguyễn. Thời Tây Sơn cũng để lại dấu ấn của mình trên vùng đất Quảng mà cụ thể chúng tôi đã tìm được một số địa danh ở huyện Đại Lộc cùng sự tích về trái Nam Trân đã khẳng định điều này. Tại Đại Lãnh (ĐL) vùng núi từ gò Đình, gò Trao lên hướng tây bắc có một gò núi hình dáng như nghiên bút, suối nước chảy quanh, dân địa phương gọi là gò Tôn Dương, sát bên có một hóc núi gọi là Hóc Tướng. Địa thế gò Tôn Dương không rộng lắm nhưng khá hiểm trở, phía sau gò là dãy núi Dương Thành cao vút án ngữ phía bắc, dọc gò có dốc đá cao, cheo leo, đi lại rất khó khăn. Những người dân vùng Trúc Hà đã truyền miệng nhau từ đời này sang đời nọ rằng: “Tối lại từ gò Tôn Dương đến Hóc Tướng đến đồng cây cui thường nghe tiếng ngựa hí, đèn đuốc sáng trưng một vùng… những người già thường không cho trẻ nhỏ chăn trâu bò và nô đùa ở đây vì rất thiêng”. Vậy phải chăng chúa Nguyễn đã một thời định đô tại đây và lấy tên chúa Tôn Dương (Nguyễn Phúc Dương) đặt tên cho vùng đất chúa lên ngôi. Vùng Trúc Hà còn có một vùng đất mang tên “Đồng Canh Quan Trại”, tương truyền đây là nơi đóng quân của Tây Sơn. Địa danh Tr’Hy (Tây Sơn Hy Hữu – ít có như triều Tây Sơn) cũng khởi nguồn từ vùng đất này. Khi thực dân Pháp rồi kế đến là đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam, chúng đã để lại không ít dấu tích trên đất nước ta, Quảng Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài những địa danh như Faifo (HA), Bót Xít (PS), Chu Lai (NT), Bồ Bồ (ĐB), … hàng loạt những địa danh khác đã đi vào trí nhớ của người dân nơi đây. Những địa danh này là nơi khắc sâu tội ác của bọn xâm lược, nơi chứa máu và nước mắt của người dân xứ Quảng, đó là các xã Đại Hiệp, Đại Nghĩa, Đại Hoà (ĐL), xã Điện Tiến, Điện Quang (ĐB) nơi thực hiện chính sách “tam quang” (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) của thực dân Pháp, triệt phá từng thôn xóm, giết hại dân chúng một cách dã man. Hàng loạt vụ thảm sát, giết hại đồng bào ta đã xảy ra dưới bàn tay vấy máu của đế quốc xâm lược Mỹ: vụ thảm sát của lính tiểu đoàn 611 tại chợ Được (TB) ngày 4- 9-1954, vụ thảm sát Chiên Đàn (TK) diễn ra ngày 23-9-1954, vụ thảm sát tại chợ Cây Cốc (TP) vào trưa ngày 27-9-1954 của lính tiểu đoàn bảo an 601, dã man nhất là vụ thảm sát tập thể ở đập Vĩnh Trinh (DX)… Những địa danh này được nhắc đến trong ca dao thời ấy, như ghi lại không khí khủng bố đen tối, ngột ngạt, thê lương trên làng quê đất Quảng: “Chợ Mỹ Lược khăn tang trắng xoá, Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm!” Nhân dân xứ Quảng anh hùng còn ghi trong lòng mình niềm tự hào về những chiến thắng vang dội trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược. “Ngọn lửa Trà Nô” với cuộc nổi dậy của người dân làng Ông Tía (HĐ), chiến thắng Núi Thành (NT) cùng lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng quân Mỹ xâm lược” được cắm trên đỉnh Núi Thành, chiến thắng Thượng Đức (ĐL), chiến thắng Cấm Dơi (QS), … Tất cả những địa danh này là nhân chứng trung thành của lịch sử, nơi thể hiện tinh thần, ý chí quật cường, niềm tự hào về truyền thống yêu nước của nhân dân tỉnh Quảng Nam. 4.2.1.3. Phản ánh những tấm gương văn hoá, lịch sử Cũng như nhiều địa phương khác, Quảng Nam có nhiều địa danh mang tên những vị anh hùng của dân tộc. Tiểu loại tên đường thường gắn liền với những tấm gương văn hoá này, chẳng hạn như: đường An Dương Vương (HA), đường Bùi Thị Xuân (TK), đường Đoàn Thị Điểm (HA), đường Hải Thượng Lãn Ông (NT), … Là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Quảng Nam đã sản sinh ra rất nhiều người con ưu tú, anh hùng. Tên tuổi của những con người ấy đã gắn liền với quê hương, góp phần vinh danh danh hiệu “trung dũng, kiên cường” của miền đất Quảng. Và giờ đây, tên của những nhân vật đã từng sống, hoạt động, tham gia chiến đấu, gắn bó với nhân dân, có những đóng góp quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân miền đất này đã được vinh danh cùng với những con đường, bến đò, con dốc, làng xã, … của tỉnh nhà. Ví dụ như: dốc Phan Thanh Thủ (ĐL, Phan Thanh Thủ quê ở Đại Lộc, ông là Bí thư Đảng bộ huyện Đại Lộc), đường Bùi Chát (HA, Bùi Chát sinh ra ở xã Cẩm Hà – HA, là người đầu tiên quê Quảng Nam được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống Pháp và cũng là lớp chiến sĩ được phong Anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang Quân khu V), đường Đỗ Đăng Tuyển (TK, ông quê ở xã Đại Cường – ĐL, theo đánh giá của Quốc sử quán triều Nguyễn, ông là nhân vật trọng yếu của Nghĩa hội Quảng Nam), đường Huỳnh Thúc Kháng (TK, quê ông là làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh – TP, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam – tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay), đường Nguyễn Văn Trỗi (TK, Nguyễn Văn Trỗi sinh năm 1940 tại làng Thanh Quýt, nay thuộc xã Điện Thắng (ĐB). Anh là người xung phong nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý – nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara cùng phái đoàn Mỹ đi qua. Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và hy sinh ngày 15-10-1964 tại sân sau nhà lao Chí Hoà. Trước khi ngã gục, anh vẫn dõng dạc hô to: Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược! Đả đảo Nguyễn Khánh! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Hãy nhớ lấy lời tôi!), bến đò Ông Đốc (HA, nơi đốc binh họ Bùi hy sinh), … 4.2.2. Giá trị phản ánh về mặt địa lý tự nhiên 4.2.2.1. Phản ánh địa hình Địa danh ra đời trong môi trường nào thì sẽ phản ánh những đặc điểm của môi trường ấy. Địa danh chỉ địa hình tự nhiên càng thể hiện rõ nét hơn điều ấy. Qua 736 địa danh chỉ địa hình mà chúng tôi thu thập được với nhiều tiểu loại, có thể khẳng định Quảng Nam là địa phương có đặc điểm địa hình đa dạng. Địa hình có thể chia ra làm hai dạng: địa hình cao và địa hình thấp. Địa hình cao gồm: núi, đồi, gò, đống, … Địa hình thấp gồm: sông, biển, hồ, đầm, … Theo đó, chúng tôi thống kê được ở Quảng Nam có 507 địa danh thuộc địa hình cao và 229 địa danh thuộc địa hình thấp. Với đặc điểm là một tỉnh có rừng núi và đồi gò chiếm gần 3/4 diện tích của tỉnh, nên địa hình cao chiếm ưu thế hơn địa hình thấp là điều hợp lý. Quảng Nam có rất nhiều ngọn núi rất cao như núi Hòn Chân (ĐG, 1.513m), núi Mang Cao (ĐG, 1.700m), núi Gole – Dang (NTM, 2.218m), núi Tiên (PS, 2.032m), núi Ngọc Linh (NTM, 2.598m), … Núi rừng ở đây không chỉ mang lại lợi ích cho việc lọc bầu không khí, chống xói mòn, … mà còn rất nhiều những giá trị về kinh tế từ tài nguyên của rừng. Địa hình thấp với mạng lưới sông ngòi dày đặc, Quảng Nam là tỉnh duy nhất của miền Trung có thể đi thuyền từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh bằng đường thuỷ nội địa, qua sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn, sông Trường Giang đến vũng An Hoà, ngược lên thị trấn An Tân, hoặc ra cửa Kỳ Hà đến Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngoài ra, Quảng Nam cũng có nhiều biển, bãi biển đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch cao. Có thể kể ra nhiều bãi biển đẹp lý tưởng như: Hà My (ĐB), Cửa Đại (HA), Bình Minh (TB), Tam Thanh (TK), Bãi Rạng (NT), … Quảng Nam có rất nhiều địa danh mà khi nhắc đến nó kèm theo những danh từ chung phía trước người ta sẽ nhớ ngay tới những khu du lịch hấp dẫn của tỉnh, ví dụ: hồ Phú Ninh (PN), sông Thu Bồn, mõm Bàn Than (NT), hố Giang Thơm (NT), hòn Kẽm Đá Dừng (QS), khe Lim (ĐL), đồi Bồ Bồ (ĐB), khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (PS), … 4.2.2.2. Phản ánh thực vật Địa danh cũng phản ánh thực vật trong môi trường tự nhiên. Địa danh mang tên những loài thực vật phổ biến ở địa phương là cách thức đặt tên dân dã của con người. Những thực vật này tồn tại ngay cạnh đối tượng mang tên của nó, điều này khiến cho địa danh trở nên gần gũi, thân thuộc với con người, không chỉ là người bản địa mà cả khách thập phương. Địa danh Quảng Nam cũng có nhiều trường hợp mang tên của cây cỏ, những hình ảnh “đập” ngay vào mắt của con người. Đó có thể là những thực vật tầm thường nhưng quen thuộc, cũng có thể là những thực vật mang giá trị kinh tế cao. Hàng loạt địa danh mang tên cây cỏ như: núi Am Thông (ĐL, trên núi này có rất nhiều cây thông), núi Quế (QS, núi có nhiều cây quế mọc, một loài cây làm dược liệu), núi Bằng Lim (TP, núi có nhiều cây lim mọc), dốc Kiền (ĐG, trước đây nơi này là khu rừng có nhiều cây gỗ kiền kiền), sông A Vương (ĐG, A Vương là tên một loài chuối mọc nhiều hai bên bờ sông), khe Chuối (PS), gò Dưa (QS), rừng Cấm Sợi Mây (QS, rừng này ngày trước có nhiều cây mây), đèo Le (NS, nguyên là một đường mòn xuyên rừng hẹp, có nhiều cây le mọc), sông Tranh (TP, sông có độ dốc lớn, tên sông gọi theo tên loài cỏ tranh mọc nhiều nơi này), gò Muồng (ĐL, nơi này có nhiều cây muồng mọc thành rừng dài cả kilômét), … 4.2.2.3. Phản ánh động vật Tên của cầm thú cũng được phản ánh trong địa danh. Như thực vật, động vật rất gắn bó với con người, tồn tại xung quanh cuộc sống của con người. Địa danh có một bộ phận được đặt theo tên của loài động vật sống tập trung nơi đó hoặc xuất hiện nhiều ở đó. Những loài động vật này hiện hữu không chỉ về giá trị vật chất mà còn cả về những giá trị tinh thần mà nó mang lại cho con người. Tuy sự thống kê của chúng tôi là chưa đầy đủ nhưng những địa danh dưới đây cũng phần nào thể hiện được hình ảnh động vật ở Quảng Nam. Ví dụ: rừng Cấm Dơi (QS, ngày xưa rừng này có nhiều dơi đậu), núi Cò Bay (NS, núi có nhiều cò), hòn Én (HA, nơi này có rất nhiều chim én đến làm tổ), gò Dê (QS, có nhiều dê sống trên gò), đảo Rùa (HA), núi Ong (ĐL), suối Heo (NG, trước đây có nhiều heo rừng ra uống nước ở con suối này), núi Voi (PS), hang Dơi (ĐG), … 4.2.3. Giá trị phản ánh về mặt kinh tế Địa danh không chỉ có giá trị phản ánh lịch sử, chính trị, địa lý mà nó còn phản ánh mặt kinh tế của xã hội đương thời. Với tổng số địa danh mà chúng tôi thống kê được, có nhiều địa danh có nguồn gốc từ các hoạt động kinh tế và phần nào thể hiện được thành phần kinh tế đa dạng của tỉnh. Về nông – lâm – ngư nghiệp: hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam đã phát triển từ xa xưa, nhiều cánh đồng làng tồn tại đến tận hôm nay mà tên của nó vừa thuần Việt vừa xen lẫn gốc Chăm như: Cây Cốc (DX), Cây Sanh (PN), Gò Dê (QS), Cấm Lớn (QS), Trà Nê (DX), … Cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế về lâm nghiệp, ngư nghiệp cũng được đẩy mạnh. Quảng Nam là một tỉnh có địa hình đa dạng, rất thuận lợi để phát triển nền kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp. Những ngành nghề này từ lâu đời đã gắn liền với cuộc sống của người dân xứ Quảng, là công việc quen thuộc của con người nơi đây. Với chức năng bảo tồn, địa danh đã góp phần gìn giữ những vùng đất, những làng quê mà gắn liền với nó là sản phẩm kinh tế của vùng, ví dụ: khoai Trà Đoả (TB), cá Hội An (HA), quế Trà My (BTM), nuôi tằm dệt lụa ở làng Hà Dục (ĐL), cau làng Bất Nhị (ĐB), hành ở làng Giao Thuỷ (ĐL), làng rau Trà Quế (HA), … Ca dao có câu: “Quảng Nam có lụa Phú Bông Có khoai Trà Đoả, có sông Thu Bồn” “Ai về nhớ quế Trà My Nhớ tiêu Tiên Phước, nhớ mì Hội An” Bên cạnh nông – lâm – ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Nam cũng phát triển đa dạng với nhiều làng nghề. Những làng nghề này đã tồn tại lâu đời và hiện tại nó vẫn được giữ gìn, phát triển. Có thể kể đến các làng nghề như: làng đúc Phước Kiều (ĐB, theo kí ức của các cụ già thì địa danh Phước Kiều được ghép lại từ tên hai làng Phước Ninh và Đề Kiều [54, tr.672]), nghề ráp trống ở Lâm Yên (ĐL), làng mộc Kim Bồng (HA), làng dệt chiếu Bàn Thạch (DX), làng Xuân Tây (ĐL) với nghề đục, đẽo đá, ... Về thương nghiệp: thương nghiệp của Quảng Nam được biết đến từ rất lâu với hoạt động của thương cảng Hội An hình thành từ thế kỷ XVI, thịnh đạt nhất trong thế kỷ XVII – XVIII. Nơi đây còn tàn ẩn dấu tích của một thương cảng cổ của vương quốc Chămpa, một “Lâm Ấp Phố” bên cửa sông Thu Bồn. Đây là vùng đất tập trung rất đông các thương nhân Hoa kiều và Nhật Bản, hiện nay họ vẫn còn để lại dấu ấn của mình ở Hội An như: Chùa Cầu, làng Minh Hương, ... Các vua nhà Nguyễn đã cho đặt những trạm tuần ty ở các ngõ nguồn để thu thuế hàng hoá xuôi ngược trên các dòng sông. Vào thế kỷ XIX, Quảng Nam có 6 ngõ nguồn chính được nhắc đến trong Bài ca địa chí Quảng Nam: “Hữu Bang sát núi Trà My. Chiên Đàn thì lại ở về phía trong. Thu Bồn một dải cong vòng. Ô Gia thì ở bên bờ sông Con. Lỗ Đông sát núi Cao Sơn. Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân.” Theo danh mục chợ trong sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức, giữa thế kỷ XIX, tỉnh Quảng Nam có 32 chợ lớn, nhỏ. Các chợ thời ấy thực hiện buôn bán theo cách thức hàng đổi hàng là chính. Tên chợ gắn liền với mặt hàng chủ yếu của nó lúc bấy giờ và hầu hết các chợ này vẫn tồn tại đến ngày nay, như: chợ Bãi Trầu (NTM, mặt hàng chính là trầu nguồn, sản vật của đồng bào Cơ Tu), chợ Bến Dầu (ĐL, ngày xưa là nơi tập trung nguồn hàng dầu rái), chợ Bến Ván (NT), chợ Củi (HA, chuyên bán củi từ nguồn về cho các tàu thuyền), chợ Cá (HA), chợ Vạn (TK, mặt hàng chính là các sản vật khai thác từ biển), chợ Bến Hiên (ĐG), chợ Bến Giằng (NG), chợ Hội Khách (ĐL, “Hội” có nghĩa là “họp chợ”, “Khách” ở đây chỉ người dân tộc, nơi đây trước kia bán hàng lâm thổ sản), ... Hoạt động giao lưu, buôn bán giữa người Kinh ở miền xuôi và người dân tộc thiểu số ở miền ngược còn được lưu truyền trong ca dao xứ Quảng: “Ai về nhắn với nậu nguồn Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.” Công nghiệp ở Quảng Nam đến tận năm 1954 mới thực sự được quan tâm. Đó là sự ra đời của khu kỹ nghệ An Hoà (DX), mỏ than Nông Sơn (QS) được chính quyền Ngô Đình Diệm đầu tư khai thác trở lại. Hiện nay, công nghiệp tỉnh Quảng Nam đang được đầu tư phát triển cùng với sự ra đời của hàng loạt khu công nghiệp, chẳng hạn như: khu kinh tế mở Chu Lai (NT), khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (ĐB), khu công nghiệp Trường Xuân (TK), ... Như vậy, địa danh như một nhân chứng quan trọng, miêu tả và khẳng định hoạt động kinh tế của đất Quảng qua nhiều giai đoạn. Tuy chưa thật sự phát triển nhưng Quảng Nam có nền kinh tế đa dạng, phong phú, diện mạo đang dần được thay đổi theo đà phát triển của kinh tế đất nước. 4.2.4. Giá trị phản ánh về mặt văn hoá Đất Quảng Nam là nơi hội tụ, giao tiếp văn hoá Bắc – Nam, Đông – Tây, là nơi tiếp nhận và nhào nặn lại trên nền tảng bản địa, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nền văn minh lúa nước kể từ thời Chămpa. Con người xứ Quảng là con người mang trong mình cốt cách của người Việt Nam nói chung, đồng thời cũng mang những nét riêng do môi trường sống tạo nên. Những truyền thống của đất Quảng luôn tồn tại và gắn bó trong những con người ấy. Địa danh Quảng Nam cũng góp phần thể hiện những đặc trưng riêng của vùng đất, con người nơi đây. 4.2.4.1. Phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo Như một truyền thống vốn có từ bao đời này của cư dân Việt, trong những tập tục tín ngưỡng thuộc phạm vi gia đình đậm nét nhất là tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Các tín ngưỡng cộng đồng có cúng đình, cúng đất đai, …, tục thờ thần núi, thần sông, thần biển và cả những động thực vật như thần cây đa, cây sanh, cây gạo, thần rắn, thần hổ, các con vật trong “tứ linh”, … vốn xuất phát từ quan niệm “vật vạn hữu linh”. Chính vì tin vào những điều ấy mà người dân đã gửi gắm nguyện vọng, lòng thành kính của mình cùng núi sông, công trình xây dựng, … Địa danh là nơi lưu giữ, chuyển tải và phần nào phản ánh những yếu tố tâm linh này. Địa danh Quảng Nam cũng mang những nét ấy. Ví dụ như: núi Long (TK), núi Mai Quy (NG), núi Mang (ĐG), sông Bà Rén (DX, trước đây tại khu vực này có đền thờ “thần Bà Rắn”), chợ Cây Cốc (TP, chợ dựng ngay bên một cây cốc cổ thụ, dưới gốc cây này có một miếu thờ nhỏ), chợ Cây Sanh (TK), bãi sông Cây Gạo (HĐ), … Trên đường Nam tiến của dân tộc, tín ngưỡng thờ nữ thần theo chân các lớp lưu dân trải dài trên khắp đất nước, kết hợp với các yếu tố bản địa đã tạo thành một hệ thống các nữ thần khá đông đảo. Hiện tượng này cũng diễn ra trên đất Quảng. Theo sử liệu thành văn, có thể thấy Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên bị thu hút bởi tín ngưỡng thờ nữ thần khi băng qua dãy “Hoành Sơn nhất đái” để tìm chốn dung thân. Bằng chứng cụ thể là việc chúa cho xây chùa Thiên Mụ, tìm một vị thần bảo hộ cho dân tộc. Ta có thể kể ra một danh sách dài các vị thần mang tên “Bà” như: Bà Quán Thế Âm, Bà Mụ, Bà Thuỷ, Bà Hoả, Bà Chúa Ngọc, Bà Bô Bô, Bà Phường Chào, Bà Thu Bồn, … Tín ngưỡng này cũng ảnh hưởng đến địa danh Quảng Nam. Ở xứ Quảng hiện tồn tại khá nhiều địa danh mang yếu tố “Bà”, chẳng hạn như: sông Bà Rén (DX), sông Bà Bầu (NT), gò Bà Tham (NT), núi Bà Tuỳ (QS), hòn Bà (NTM), dốc Bà Giáo (HĐ), đồi Bà Lâu (TK), suối Bà Ven (TB), khe Bà Che (NT), … Ngoài những tín ngưỡng trên, ở Quảng Nam còn có tục thờ cá Ông. Đây là một tín ngưỡng dân gian hình thành trong quá trình tiếp biến văn hoá Việt – Chăm diễn ra từ đèo Ngang trở vào. Hầu hết các cư dân làm nghề đánh bắt cá biển từ chân đèo Hải Vân cho đến cửa Kỳ Hà đều thờ sinh vật “thiêng” này, ngư dân miền Bắc không có truyền thống này. Tập tục thờ cá Ông (hay còn được gọi thành kính với các sắc phong “Nam Hải tướng quân”, “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”) gắn liền với lễ Cầu Ngư diễn ra hằng năm cùng với các hình thức diễn xướng nghi lễ hát bả trạo. Quảng Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài, … Trong đó, tồn tại lâu đời và phát triển phồn thịnh nhất là Phật giáo. Phật giáo vào Quảng Nam từ khi vùng này được sát nhập vào quốc gia Đại Việt cuối thế kỷ XV không chỉ từ phía bắc theo bước chân của các đoàn lưu dân mà còn có con đường du nhập qua các nhà sư Trung Hoa theo đường biển đến thương cảng Hội An. Hàng loạt những đền, chùa, miếu mạo được xây dựng trên khắp đất Quảng. Những công trình này ít nhiều đã bị tàn phá trong chiến tranh, trải qua nhiều lần trùng tu, một số công trình vẫn còn tồn tại tuy không giữ được diện mạo vốn có của nó. Phần lớn những hiệu danh này đã chuyển thành địa danh chỉ địa hình và địa danh chỉ công trình xây dựng trên đất Quảng. Ví dụ như: gò Chùa (ĐL), dốc Chùa (QS), rừng Miếu (TB), núi Chùa (PN), sông Đình (HA), cầu Đồng Chùa (BTM), cầu Đình (QS), đập Miếu (TP), Chùa Cầu (HA), chợ Chùa (NT), … 4.2.4.2. Phản ánh truyền thống hiếu học Quảng Nam vốn là đất hiếu học, trọng học rất cao. Học trò xứ Quảng thường rất chăm học, cần cù, chịu khó trong học tập, có tinh thần tự học rất cao. Điều đó có thể chứng minh qua danh sách số con người đỗ đạt trong 32 khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên dưới triều Nguyễn (1817-1918) được ghi trong sách Quốc triều hương khoa lục. Trong số 911 người đăng quan, Quảng Nam có 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa. Về đại bảng, Quảng Nam có 14 tiến sĩ, 24 phó bảng trong tổng số 558 vị của cả nước. Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam trong môn “phong tục” viết: “Đàn ông lo việc cày ruộng, trồng dâu, đàn bà chuyên nghề nuôi tằm, dệt cửi, núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học”. Truyền thống hiếu học của người Quảng Nam vẫn thường được nhắc đến với “Ngũ phụng tề phi” (5 người cùng đỗ đại khoa một lượt), “Tứ kiệt” (4 người cùng đỗ phó bảng khoa thi Tân Sửu (1901)), “Tứ hổ” (4 người cùng đỗ thủ khoa trong các khoa thi kế tiếp nhau). Triều Thành Thái thứ 10 (1898), tỉnh Quảng Nam có 5 sĩ tử cùng đỗ khoa Mậu Tuất, trong đó có 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và 2 phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến. Lúc này Tổng đốc Quảng Nam là Đào Tấn và Đốc học là Trần Đình Phong được tin, cho rằng đây là một vinh hạnh lớn của đất Quảng, bèn lấy tích xưa đem ban cho 5 vị tân khoa (“Ngũ phụng tề phi” có nguồn gốc từ nhà Thanh ở Trung Hoa). Một tấm thục lớn thêu 5 con chim phụng, gồm 3 con ở tư thế sải cánh (tượng trưng cho 3 tiến sĩ) và 2 con tư thế xếp cánh (tượng trưng cho 2 phó bảng) được treo tại dinh Tổng đốc trong buổi lễ đón các tân khoa vinh quy. Tại huyện Quế Sơn, có một địa danh mà sự ra đời của nó gắn với sự kiện này của đất Quảng. Tương truyền, khi về đến huyện Quế Sơn, đám rước được tổ chức long trọng, có dựng rạp hát bội, vui chơi nhiều ngày, hàng quán bắt đầu mọc lên và tiếp tục được duy trì ở hai bên đường. Về sau, ông Phan Quang có hiến đất cho làng để lập chợ làm nơi buôn bán, tên chợ Đàng có từ đó. Quảng Nam cũng là đất sinh ra rất nhiều thầy giáo nổi tiếng không chỉ trong phạm vi địa phương mà được nhân dân và học trò trong cả nước trọng vọng. Có thể nhắc đến các vị: Nguyễn Tường Vĩnh, Trần Văn Dư, Nguyễn Dục, Nguyễn Đình Tựu, … Trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhiều thầy giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” như các thầy: Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ, Trần Đình Đàn, Lê Phú Lộc, … Ngày nay, để ghi nhớ truyền thống hiếu học xứ Quảng, vinh danh các vị khoa bảng của địa phương từ thời kỳ trước, không ít những con đường được mang tên những con người đáng kính này. Ví dụ như: đường Nguyễn Dục (TK, ông người làng Chiên Đàn (TK), đỗ phó bảng, giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, sung chức giáo đạo ở Dục Đức đường, giảng dạy các hoàng tử thời Thiệu Trị), đường Nguyễn Duy Hiệu (HA, ông quê làng Thanh Hà, nay thuộc thành phố Hội An, đỗ phó bảng (1879), được bổ làm giảng quan ở Dưỡng Thiện đường, thầy dạy hoàng tử Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc); ông cũng từng là Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam thời chống Pháp.), đường Huỳnh Thúc Kháng (TK, ông quê làng Thạnh Bình (TP), năm Canh Tý (1900), đỗ giải nguyên, năm Giáp Thìn (1904) đỗ hoàng giáp lúc 28 tuổi, được xếp trong “Ngũ hổ” của đất Quảng Nam), đường Hoàng Diệu (HA, ông quê làng Xuân Đài (ĐB), nổi tiếng thơ văn từ năm 16 tuổi, năm 20 tuổi đỗ cử nhân (1848), 26 tuổi đỗ phó bảng (1853); được bổ làm Tri huyện Tuy Phước, thăng Tri phủ Tuy Viễn.), đường Huỳnh Lý (HA), đường Lê Đình Dương (TK), … 4.2.5. Giá trị phản ánh về mặt ngôn ngữ Ngoài những ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị, lịch sử, xã hội, … địa danh còn chịu tác động của các quy luật, các nguyên tắc ngôn ngữ. Địa danh được cấu tạo từ những chất liệu của ngôn ngữ nên việc địa danh phản ánh ngôn ngữ là điều tất yếu. 4.2.5.1. Phản ánh ngôn ngữ cổ xưa Thông qua địa danh, lớp từ cổ trong ngôn ngữ được bảo lưu. Từ cổ là những từ ngữ biểu thị những đối tượng trong tiếng Việt hiện nay có các từ đồng nghĩa tương ứng. Chính sự xuất hiện của các từ đồng nghĩa tương ứng ở giai đoạn hiện nay làm cho chúng trở nên lỗi thời. Trong địa danh Quảng Nam, lớp từ ngữ này tập trung vào các từ chỉ chức vụ, chỉ xuất hiện trong thời phong kiến. Có thể dẫn ra như: Cai: chức thấp nhất trong tổ chức quân đội thời phong kiến; hoặc dùng để chỉ người trông coi một số lao động làm thuê ở nhà máy, công trường; cũng dùng để chỉ người trông coi nhà tù thời phong kiến, thực dân. Ví dụ: cầu Ông Cai (PN), … Đốc: chức quan võ chỉ huy một đạo quân thời phong kiến. Ví dụ: bến đò Ông Đốc (HA), … Xã: chức vị ở làng xã thời phong kiến, có thể bỏ tiền ra mua, lớn hơn chức nhiêu. Ví dụ: dốc Xã Tỵ (NG), … Thủ: người đứng đầu, đảm nhiệm một vai trò cụ thể trong công việc có nhiều người tham gia. Ví dụ: núi Thủ Thanh (TK, xưa núi này có một đồn bảo vệ, trưởng đồn là ông tên Thanh), … Tổng: một đơn vị hành chính ở nông thôn thời phong kiến, bao gồm một số xã. Ví dụ: thôn Tổng Cóoi (ĐG), … 4.2.5.2. Phản ánh ngôn ngữ các dân tộc anh em Ngoài việc được cấu tạo từ các từ thuần Việt, từ Hán Việt, một số lượng địa danh được cấu tạo từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Địa danh phần nào đã thể hiện được sự đa dạng về ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống trên cùng địa bàn Quảng Nam. Ví dụ: Ngôn ngữ dân tộc Chăm: núi Trà Ngữ (PS), sông Vu Gia (ĐL), núi Cà Tang (QS, Cà Tang có nghĩa là “vùng trâu đầm”, nơi này trước kia có rất nhiều trâu sinh sống, thường cày nát cả một vùng ), đảo Cù Lao Chàm (HA), … Ngôn ngữ dân tộc Cơ Tu: thị trấn Prao (ĐG, “prao” có nghĩa là cây chò), sông A Vương (ĐG), thôn A Ching (TG), thôn Aró (TG), thôn Apô (TG, “apô” là thầy cúng, thôn có nhiều người hành nghề cúng bái [39, tr.23]), … Có một điểm đáng chú ý khi tìm hiểu về địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ của dân tộc Cơ Tu là hầu hết tên sông, tên suối, tên ngọn núi đều có âm “A” mở đầu. Ví dụ: suối Akớp, núi Aréc, suối Atiêng, … Trong tiếng Cơ Tu, “A” là đại từ nhân xưng có nghĩa là “tôi / mình”. Người Cơ Tu dùng âm “A” ở đầu nhằm khẳng định mình, khẳng định yếu tố cá nhân trong các đối tượng tự nhiên. Hầu hết các tên làng của người Cơ Tu sau thành tố “A” sẽ kèm theo tên của ngọn núi, con sông. Ví dụ: làng A rầng (ĐG, vùng này có con sông A rầng), xã A tiêng (TG, nơi đây có sông A tiêng), thôn Atu (TG, thôn này có núi Atu, sở dĩ núi mang tên như vậy vì người làng này cho rằng là nơi cao nhất, đầu con sông, con suối; “Tu” trong tiếng Cơ Tu là đầu nguồn, đầu ngọn con nước, vùng núi cao), … Có điểm khác biệt của đồng bào Cơ Tu sống ở các xã vùng thấp huyện Nam Giang của tỉnh đó là thay vì dùng thành tố “A” như đồng bào ở huyện Đông Giang, Tây Giang, người dân nơi đây lại dùng thành tố “Pà”. Các thôn ở đây có tên: Pà Xua (hiểu theo nghĩa của người Cơ Tu “thôn mình có núi Xua”), Pà Ia, Pà Vã, Pà Rồng, Pà Ting, Pà Păng, … Ngôn ngữ Cơ Tu cho thấy cả hai thành tố “A / Pà” đều dùng để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “tôi / mình”. (cf. Nguyễn Tri Hùng) Ngôn ngữ dân tộc Bh’noong: đây là một nhóm của dân tộc Giẻ triêng, chủ yếu sinh sống ở huyện Phước Sơn. Người dân nơi đây thường đặt tên thôn làng gắn với tên con suối, ngọn núi ở làng mình. Ví dụ: thôn Xà Riếng (thôn 4 – xã Phước Chánh (PS), Xà Riếng là tên ngọn núi ở thôn), thôn Cà Doạt (thôn 1 – xã Phước Mỹ (PS), Cà Doạt cũng là tên của ngọn núi), thôn Đắc Sa (thôn 1 – xã Phước Đức (PS), tên thôn là tên của con sông Nước Sa), … Hiện nay, huyện Phước Sơn đang có đề án đặt tên làng như cũ, không dùng các con số để đặt tên làng như thời điểm hiện tại. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được ở huyện Quế Sơn có làng Tí – Sé có nguồn gốc từ ngôn ngữ của người Bh’noong. Làng nằm bên sông Tranh. Trải qua một thời gian dài, do hiện tượng lũ lụt, phù sa bồi đắp, sông bồi, lở; hiện nay làng này không còn nữa mà tách ra thành hai làng: làng Tí Bồi (nằm bên hữu ngạn sông Tranh, được phù sa bồi đắp), làng Tí Lở (nằm bên tả ngạn sông Tranh, không được phù sa bồi đắp). Ngôn ngữ dân tộc Xơ Đăng: địa bàn sinh sống của dân tộc này chủ yếu là huyện Nam Trà My và Bắc Trà My. Đa số tên làng lấy tên từ con suối (“Tắk”) để đặt tên, như: Tắk Ngô, Tắk Pỏ, Tắk Riu, … Chúng tôi chỉ tìm được từ nguyên của địa danh Tắk Pỏ (có nghĩa là “làng nước trầu”, xuất phát từ việc vùng này trồng rất nhiều trầu). Ngoài ra, người Xơ Đăng, Ca dong, Cor ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My có đặc điểm: 1- Một làng có nhiều nóc, mỗi nóc có một tên riêng: nóc Ông Biên, nóc Ông Reo, … 2- Tên nóc đặt theo tên của người có uy tín, là “tiền hiền” lập nóc. Nóc không chỉ là một dãy nhà dài như toa tàu hoả nối tiếp nhau, mỗi nóc có nhiều hộ gia đình, nhiều bếp ăn, nóc còn gồm cả phần đất canh tác của người sống trong nóc, như một làng thu hẹp của người Kinh. Điều đặc biệt là khi những người sống trong nóc bỏ đi, lập làng ở vùng khác thì phần đất ấy vẫn là của họ, những người khác không có quyền khai thác, sử dụng, khu vực ấy vẫn giữ nguyên tên vốn có của nó. 4.3. Tiểu kết Qua tìm hiểu đặc điểm về nguồn gốc – ý nghĩa và giá trị hiện thực của địa danh Quảng Nam, bước đầu chúng tôi có những nhận xét sau: Mỗi địa danh ra đời đều có nguyên nhân của nó, hầu hết các địa danh trong tỉnh đều có nguồn gốc rõ ràng. Những địa danh thuần Việt, địa danh Hán Việt phần lớn là rõ nghĩa. Bên cạnh đó, một bộ phận địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đã được Việt hoá, thật khó để tìm hiểu hết ý nghĩa của nó, chúng tôi chỉ tìm được từ nguyên của một lượng nhỏ trong số đó. Địa danh ra đời dựa vào những đặc điểm, tính chất, vị trí, chức năng, … của đối tượng mà nó định danh. Chính vì vậy, địa danh là một sản phẩm trí tuệ của con người, không phải tự nhiên mà có. Mỗi địa danh, ngoài chức năng định danh, nó còn thể hiện những đặc điểm về lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội của địa bàn mà nó tồn tại, có chức năng bảo tồn những đặc điểm ấy. Địa danh là những “nhân chứng” trung thành, là những “tấm bia” văn hoá – lịch sử của đất nước. Vì vậy, địa danh có giá trị hiện thực sâu sắc. Khi tiến hành tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của địa danh Quảng Nam, chúng tôi còn tìm được một số những từ ngữ cổ. Các từ này tuy không nhiều nhưng vẫn có giá trị chuyển tải ngôn ngữ của thời đại, lớp từ mà hiện nay không còn được sử dụng trong ngôn ngữ đương thời, góp phần làm cơ sở ngữ liệu cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Thông qua địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, chúng tôi đã ít nhiều được cung cấp những đặc điểm của các dân tộc này. Hầu hết các địa danh đều gắn liền với núi, sông, suối cho thấy địa bàn sinh sống chủ yếu của họ là vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Ngoài ra, mỗi địa danh là tinh thần tự tôn, mong muốn khẳng định cá nhân của đồng bào nơi đây. Địa danh là sự tổng hợp của ngôn ngữ – văn hoá – lịch sử, là bức tranh sinh động, nhiều sắc màu được lưu giữ và kế thừa qua nhiều thời đại.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_6__915.pdf