Đặc điểm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại

Hiện thực đời sống, con người, thiên nhiên được ông tiếp cận, soi chiếu dưới nhiều góc độ văn hoá, lịch sử, triết học, khiến vấn đề ông phản ánh có chiều sâu rộng, cung cấp đến bạn đọc nhiều thông tin hữu ích thể hiện sự chuẩn bị tư liệu khá công phu nghiêm túc của tác giả như đang thực hiện một công trình khoa học. Dựa trên vốn kiến thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn học, kết hợp với lý luận sắc bén, được phô diễn trong lối hành văn hướng nội súc tích, mê đắm và tài hoa, lịch lãm của tác giả Tiếp cận hiện thực cuộc sống dưới nhiều góc độ khám phá sâu sắc về đối tượng với một thái độ nghiêm túc tôn trọng sự thật nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, ký của HPNT không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc mà có ý nghĩa nhân văn hơn khi những tác phẩm ấy đã vươn dài đến tận mỗi tâm hồn khơi dậy cảm xúc nơi người đọc

pdf17 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 6169 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đặc điểm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đến chiều sâu cảm xúc con người…ta có thể thấy, kí là nơi gặp gỡ của những nhân tố: trí tuệ và cảm xúc, sự thật cuộc sống và giá trị nghệ thuật đích thực… Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) là một trong những tác giả tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. HPNT đã tìm thấy thể loại phù hợp để chuyển tải hết những cảm xúc suy tư trăn trở của một đời cầm bút. Là nhà văn thể nghiệm sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, kí, nhàn đàm…thể loại nào ông cũng gặt hái được những thành công nhất định nhưng nhắc đến sáng tác của ông đầu tiên người ta thường nhớ tới là các tác phẩm kí đầy ám ảnh có sức lay động lòng người. Kí của HPNT được coi là những sáng tạo tiêu biểu gắn liền với quá trình vận động phát triển của văn học với hiện thực đấu tranh, xây dựng, phát triển của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam hiện đại. Lí do của việc lựa chọn đề tài này bởi vì chúng tôi là giáo viên dạy môn Văn ở THPT. Sách giáo khoa lớp 12 có in tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một trong những tác phẩm kí xuất sắc nhất của HPNT nói riêng và trong nền văn học nước ta nói chung. Tác phẩm lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở trường THPT và đã nhận được sự hưởng ứng, thích thú của nhiều giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một tác phẩm hay đôi khi lại không dễ dạy, không dễ học. Vì thế, bên cạnh những thích thú, yêu mến nhất định, nhiều thầy, cô giáo và học sinh còn gặp khó khăn trong cách cảm nhận về cái hay, cái đẹp của bài kí. Đi nghiên cứu sâu về kí của HPNT sẽ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong quá trình giảng dạy bộ môn ở THPT. Đồng thời, xuất phát từ tình cảm yêu mến trân trọng tài năng và tâm hồn nhà văn, ấn tượng với sự linh hoạt hiện đại của thể kí trong nền văn xuôi hiện đại chúng tôi đã lựa chọn đi sâu nghiên cứu đề tài: Đặc điểm kí của HPNT dưới góc nhìn thể loại. 2. Lịch sử vấn đề Hiện nay các công trình nghiên cứu về HPNT khá phong phú và nhiều cấp bậc, từ các công trình nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí cho đến luận văn, luận án tiến sĩ. Hầu hết các bài viết công trình đều thể hiện sự dày công và nghiêm túc trong nghiên cứu và bày tỏ tình cảm đặc biệt mến mộ tài năng, tâm hồn của HPNT đã được thể hiện qua những sáng tác của ông. Tạp chí sông Hương đã đăng tương đối nhiều bài viết liên quan đến sáng tác của HPNT như của Trần Hoàng, Đông Hà, Lê Thị Hường, Đặng Nhật Minh, Trần Thuỳ Mai, Trần Thị Thu Nga…Tạp chí Cửa Việt có đăng công trình nghiên cứu khoa học của Lê Đức Dục, Ngô Minh Hiền… Nhìn chung, đọc tiêu đề các bài viết ta đã có thể phần nào hình dung giá trị của những sáng tác cũng như vẻ đẹp tâm hồn của tác giả HPNT. Các bài viết thể hiện sự tìm tòi nghiên cứu công phu, sự am hiểu sâu sắc sáng tác của HPNT ở một trong những khía cạnh như: thiên nhiên, chất Huế, hình ảnh biểu tượng, yếu tố văn hoá, tâm linh, tính cách…Đó là những phát hiện đặc sắc có giá trị chiều sâu song chưa thực sự mang tính bao quát. Hiện nay, tương đối nhiều sinh viên học viên ở một số trường đại học lựa chọn nghiên cứu các sáng tác của HPNT để làm luận văn, luận án, Đi tìm hiểu vấn đề chúng tôi thấy ở mỗi công trình nghiên cứu đều ghi nhận giá trị từ những trang kí của HPNT cũng như đóng góp của ông đối với thể kí nói riêng và văn học nói chung. Khi đọc qua tên đề tài ta cảm tưởng như có sự trùng lặp nội dung nhưng thực chất ngoài những vấn đề mà mọi công trình đều thừa nhận, chung quan điểm khi đánh giá, ta cần ghi nhận có những cố gắng tìm tòi phát hiện riêng trong mỗi công trình. Chính điều đó đã bồi đắp cho kí của HPNT những giá trị mới, mở ra nhiều cánh cửa để bạn đọc tiếp cận với tác phẩm kí của ông. Nghiên cứu Đặc điểm kí của HPNT dưới góc nhìn thể loại không phải là vấn đề thực sự mới mẻ song là điều cần thiết bởi ở mỗi đề tài đều đem lại cơ hội tiếp cận, nghiên cứu sâu vấn đề cho người tham gia nghiên cứu. Đây là điều kiện giúp ta đi sâu hiểu đặc trưng làm nên giá trị độc đáo cho thể kí bằng những lí luận, thống kê mang tính khoa học.Việc nghiên cứu này cũng giúp ta có cái nhìn tổng thể toàn diện về giá trị tác phẩm kí của HPNT cũng như tìm thấy những giá trị mới trong tác phẩm của ông. 3. Đối tượng phạm vi nghiên cứu Chất trí tuệ và cảm xúc, sự thật cuộc sống và giá trị nghệ thuật đích thực, những nhân tố mới làm nên giá trị và phong cách riêng cho kí của HPNT khi soi chiếu dưới góc độ đặc trưng thể loại là những vấn đề cơ bản mà luận văn lựa chọn trình bày. Kí của HPNT không phải là một thể loại thuần nhất. Trong sáng tác của ông ghi nhận có sự giao thoa, thâm nhập của nhiều tiểu loại khác nhau như: tuỳ bút, bút kí, nhàn đàm, truyện kí…Nhắc đến ông độc giả thường chú ý nhiều đến bút kí – tiểu loại đem đến không chỉ áp đảo về số lượng mà còn ở giá trị nội dung và nghệ thuật phong phú độc đáo của chúng. Luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu khảo sát nhàn đàm, bút kí của HPNT gói gọn trong các cuốn: Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường tập 1 (Nhàn đàm); Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường tập 2 (Bút kí); Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường tập 3 (Bút kí), Nhà xuất bản Trẻ, 2002. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau: - Phương pháp nghiên cứu so sánh - liên hệ đối chiếu. - Phương pháp phân tích hệ thống cấu trúc. - Phương pháp thống kê - phân loại. - Phương pháp liên ngành. 5. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phần nội dung luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát về thể kí, thể kí trong sự nghiệp sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chương 2: Hiện thực cuộc sống con người và thiên nhiên qua bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chương 3: Một số đặc sắc nghệ thuật trong kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường PHẦN NỘI DUNG Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ THỂ KÍ - THỂ KÍ TRONG SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 1.1. Khái quát về thể kí 1.1.1. Sự xuất hiện và phát triển của thể kí trong văn học Việt Nam Ở Việt Nam, nếu tính cả một số thể có tính chất vay mượn từ Trung Quốc như bi, kí, tự, bạt…kí xuất hiện từ thời Lí, Trần, càng về sau các tác phẩm càng trở nên phong phú, sáng tạo và có giá trị. Nửa cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, hoàn cảnh xã hội Việt Nam có nhiều biến động sâu sắc, hiện thực đời sống vô cùng phong phú, là thời kì ghi nhận sự phát triển sôi động của đời sống văn học. Nền văn học dân tộc thuộc ý thức hệ phong kiến đạt đến đỉnh cao. Liên quan đến yêu cầu thời đại và ý thức xã hội mới nền văn học đã đặt ra yêu cầu phải có những loại thể mới phù hợp với nội dung đang cần phản ánh cùng với quan điểm thẩm mỹ, trình độ tác giả đang ngày càng nâng cao…và kí là sự lựa chọn phù hợp. Từ đó đã cho ra đời một số tác phẩm kí tiêu biểu của một số tác giả Phạm Đình Hổ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Trãi, Ngô Gia văn phái…Dù các tác phẩm là những ghi chép mang tính lịch sử nhiều song là những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có giá trị về mặt tư tưởng, thẩm mĩ. Sang thế kỉ XX, với những biến động lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội sâu sắc diễn ra trên toàn thế giới giai đoạn đầu thế kỉ đã tạo nên sự phát triển có tính chất bùng nổ của kí. Sự bùng nổ ấy cũng chính bởi khả năng phản ánh hiện thực một cách sinh động, linh hoạt, nhạy bén, tính thời sự cập nhật của chúng. Sự phát triển của báo chí và công nghệ in ấn sau này cũng là điều kiện quan trọng cho kí phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đầu thế kỉ XX trước hiện thực lịch sử đầy sôi động kí đã thể hiện được vai trò đấu tranh chính trị của mình. Những năm 1930-1945, kí để lại dấu ấn với một số tác phẩm mang đậm giá trị hiện thực trong sáng tác của một số tác giả như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp, Tam Lang…các giá trị nội dung nghệ thuật trong kí ngày một phong phú và nâng cao. Kí ngày càng thể hiện vị thế của mình đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc trên mọi phương diện. Sau Cách mạng Tháng Tám đến nay có nhiều tác phẩm ký có giá trị nhất định như của Trần Đăng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Trần Đình Vân, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v…Đó thường là những trang kí ca ngợi nhân dân đất nước trên con đường đấu tranh anh dũng vì độc lập tự do của dân tộc. Sau khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi đất nước thống nhất, sự phong phú nhiều chiều của hiện thực đời sống, chính sách cởi mở của thời kì Đổi mới đã tạo điều kiện cho các cây bút thoả sức sáng tạo song cũng đặt ra cho yêu cầu thách thức làm sao ở nhiều thể loại trong đó có kí sự phản ánh kịp thời, phong phú đầy đủ và ở thế trực tiếp nhất hiện thực phong phú sôi động ấy. 1.1.2 Những quan niệm khác nhau và đặc trưng của kí văn học Từ khi bắt đầu xuất hiện kí được nhìn nhận như là một hình thức ghi chép về sự thật đời sống. Vai trò của kí đối với đời sống xã hội và đời sống văn học là vô cùng quan trọng nhưng không phải bất cứ ai cũng hiểu và thừa nhận. Chính vì vậy, có nhiều quan niệm, cách đánh giá trái chiều về thể loại này. Chúng tôi giới thiệu ý kiến, quan điểm khác nhau của một số nhà nghiên cứu M.Gorki, Tô Hoài, nhà nghiên cứu lí luận Hà Minh Đức. Về đặc trưng riêng của kí, việc tôn trọng tính chân thực, tính thời sự của đối tượng miêu tả đã trở thành nguyên tắc đối với người viết kí. Hiện thực đời sống được nói đến trong kí văn học phải mang tính chắt lọc, tập trung song cũng rất cần bù đắp thêm cho hiện thực ấy những giá trị sáng tạo mới. Sự bù đắp ấy cũng phải trong phạm vi cho phép có thể chấp nhận được theo yêu cầu riêng cho thể loại. Tính chất tự do, phóng khoáng, linh hoạt của kí đã giúp cho nhà văn có thể thực hiện được điều đó. Vấn đề trên đã đặt ra thử thách cho người viết kí đó là vốn hiểu biết sâu rộng phong phú về cuộc sống, năng lực chọn lọc, phản ánh những sự việc tiêu biểu ở tính có vấn đề và mang giá trị nghệ thuật. Không dừng lại ở cấp độ thông tin, tính sự kiện, kí văn học còn là nơi cất lên tiếng nói của trái tim, của lương tri chuyển tải cảm xúc của con người nên tư tưởng tình cảm của nhà văn đối với vấn đề đang được nói đến trong tác phẩm là rất quan trọng. Tính chất chủ quan và trữ tình đậm nét trong thể văn này. Như vậy, các tác phẩm kí đích thực là nơi hội tụ cái tâm và tài năng của nhà văn ở đó cái tôi của nhà văn bộc lộ sâu sắc nhất rõ nét nhất chi phối mọi phương diện nội dung cũng như hình thức của tác phẩm. Hiện thực khách quan phản ánh trong kí văn học được tái tạo thông qua cảm xúc thẩm mĩ của nhà văn. Với vấn đề hư cấu trong kí, HPNT là một trong số ít tác giả làm được điều này và tạo nên nét riêng trong kí của ông. Do hướng đến những phạm vi thông tin và nhận thức đa dạng, ký cũng rất phong phú, bao gồm nhiều thể, nhiều tiểu loại. Hiện nay nếu ta chỉ căn cứ điểm nào nổi trội trong tác phẩm để quy về một thể loại nhất định sẽ là phiến diện bởi trên thực tế có sự giao thoa giữa các thể loại. Thể kí trong sáng tác của HPNT có hiện tượng giao thoa khó phân định rạch ròi giữa các tiểu loại. Một số tiểu loại chủ yếu xuất hiện trong kí của HPNT: tuỳ bút, bút kí, nhàn đàm, truyện kí…trong số đó HPNT viết nhiều bền bỉ nhất vẫn là bút kí. Dù viết dưới hình thức nào kí của ông vẫn là những bức tranh chân thực về đời sống qua đó tác giả có dịp bộc lộ trực tiếp cảm xúc, suy tư, quan điểm của mình trước những hiện tượng của đời sống, nơi gặp gỡ của những nhân tố: trí tuệ và cảm xúc, sự thật cuộc sống và giá trị nghệ thuật đích thực. 1.2. Kí trong sự nghiệp sáng tác văn học của Hoàng Phủ Ngọc Tường 1.2.1. Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường Huế - mảnh đất của sông Hương, núi Ngự nên thơ, của điệu hò ngọt ngào sâu lắng, những lăng tẩm đền đài trầm tư in dấu tháng năm chứa đựng trong chúng bao giá trị văn hoá tinh thần…tất cả in đậm trong tâm trí HPNT trở thành gốc rễ máu thịt. Mẹ cha sinh ra hình hài, văn hoá xứ sở nơi con người sinh ra lớn lên trao tặng cho họ diện mạo tinh thần. Xứ Huế đã ban tặng cho HPNT diện mạo tinh thần, làm nên “chất Huế”, “tính cách Huế”, “diện mạo tinh thần Huế” trong cuộc sống đời thường cũng như trong sáng tác của ông. Thời gian học tập giảng dạy đã mở ra cơ hội cho HPNT trau dồi lượng tri thức lớn về mọi lĩnh vực của đời sống, ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho - Phật - Đạo của triết học phương Đông; tư duy biện chứng, chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism) của triết học phương Tây. Thời đại HPNT sống là thời đại lịch sử dân tộc đang có những bước chuyển mình lớn lao đã đánh thức thế hệ trẻ Việt Nam một thời trong đó có ông. Tiếp nhận tư tưởng triết học của chủ nghĩa hiện sinh một cách có chọn lọc kết hợp với sự thấu nhận tinh thần của quẻ Vị Tế trong Kinh Dịch của tư tưởng triết học phương Đông, HPNT không giam mình trong sự cô đơn với phản ứng “nổi loạn”, “tận hưởng cuộc đời” thường thấy của một bộ phận thanh niên nông nổi một thời không tìm thấy đường đi trong chiến tranh - ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh. HPNT đã sống với triết học hiện sinh ở phương diện tư tưởng khác đó là chúng giúp ông gợi lên những suy tư, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước tình cảnh đất nước và chọn lựa thái độ ứng xử cũng như hành động nhập cuộc vì thế nhân. Tham gia sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, kí, nhàn đàm…thể loại nào HPNT cũng gặt hái được những thành công nhất định nhưng bao giờ những tác phẩm kí nói chung bút kí nói riêng cũng được coi là những sáng tạo tiêu biểu có giá trị hơn cả. Bút kí của ông luôn in đậm dấu ấn riêng, vừa mê đắm, vừa tài hoa, bộc lộ bản lĩnh sáng tạo đặc sắc của người nghệ sĩ. Là nhà viết kí giàu tâm huyết, HPNT muốn đưa bạn đọc đến với những bức tranh chân thực nhất của đời sống bằng tất cả tình cảm khát vọng mãnh liệt nhất của ông dành cho thế hệ sau mình đồng thời bày tỏ những ý kiến quan điểm chân thành của cá nhân tác giả trước đời sống. HPNT đến với kí vì nối nghiệp cơ cừu cha mẹ truyền lại song còn bởi cái duyên nghề nghiệp khi ông đã tìm được thể loại phù hợp để gắn bó suốt cuộc đời mình. HPNT viết kí như là một cách thức để trải lòng mình để suy nghiệm về cuộc sống thực tại cũng như những năm tháng đã qua của đời sống cá nhân, của lịch sử đất nước dân tộc. Đặc biệt với bút kí, ông viết nhiều, viết hay và tự lúc nào bút kí đã trở thành máu thịt, một phần tất yếu của cuộc đời ông. Cho dù viết nghiêng theo tiểu loại nào của kí các vấn đề của đời sống chuyển tải trong trang viết của ông đều mang dư vị bút kí. Viết kí không dễ, viết cho hay lại càng khó vậy mà HPNT hầu như gắn bó gần hết cuộc đời mình cho kí. Kí nói chung và bút kí nói riêng đã cùng ông trên mọi nẻo đường và theo ông suốt bao tháng năm dài. Ngay cả khi đổ bệnh nằm liệt giường HPNT vẫn miệt mài lao động sáng tạo. Giống với lối chơi độc tấu, các trang kí vẫn xuất hiện đều đặn như là cách để ông trả món nợ cuộc đời đã ấn định cho người nghệ sĩ. HPNT đã kế thừa phát huy xuất sắc thể kí của thế hệ đi trước đồng thời ông thổi hồn vào thể bút kí, tạo nên sự biến đổi về chất, làm cho thể bút kí mang một sức sống mới. Chính HPNT đã làm cho thể bút kí thăng hoa và ngược lại, thể văn cũng làm nên một HPNT với vị trí xứng tầm với thế hệ đàn anh, là một trong số những nhà bút kí tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tính đến nay đã có 9 tập bút kí của ông được xuất bản. Gần đây nhất cuốn Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (Tập I – II - II và IV) có thể tạm xem như là Toàn tập của HPNT. Những bài viết của HPNT phản ánh chân thực một thời kì quá độ gian nan của dân tộc. Đề tài trong tác phẩm của HPNT rộng lớn bao quát nhiều mặt của đời sống ở đó chất trí tuệ, dựa trên vốn kiến thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn học, kết hợp với lý luận sắc bén, được phô diễn trong hành văn súc tích, say đắm và tài hoa lịch lãm. Tình cảm tác giả dành cho đất nước, quê hương, bè bạn, thiên nhiên mang đậm tính nhân văn đã vượt ra khỏi khuôn sáo văn chương, có sức lay động mạnh mẽ tâm tư người đọc 1.2.2. Hoàng Phủ Ngọc Tường - từ con người đến trang kí 1.2.2.1 Con người nhập thế sôi nổi, đầy trách nhiệm với đời Đọc ký của ông ta thấy có một thời tuổi trẻ sục sôi nhiệt huyết với những cuộc xuống đường, những lần tranh đấu trong lòng địch, những cuộc vượt thoát lên chiến khu tìm đến với cách mạng với niềm tin cháy bỏng. HPNT đã chọn cho mình hướng đi đúng đắn tích cực và có được những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời mình. Thái độ nhập thế sôi nổi đầy trách nhiệm với đời của HPNT đã chứng tỏ quan điểm sống tích cực, khát vọng vươn ra biển lớn ấy là tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam đó là lòng yêu nước một cách tự nguyện, ý thức trách nhiệm của một công dân với dân tộc. HPNT đã sống một đời bằng tâm thế của “kẻ lên đường”, “kẻ vượt sông” luôn nhìn về phía trước hăm hở trong niềm khát vọng nhập thế, để thâm nhập sâu vào đời sống xã hội. Có thể thấy đây là yếu tố đặc biệt cần của con người cầm bút. 1.2.2.2. Bản lĩnh sống, bề dày kinh nghiệm của người cầm bút Với vốn hiểu biết sâu rộng về mọi mặt nhà văn cung cấp cho bạn đọc một lượng thông tin phong phú, đa dạng và có độ tin cậy thuyết phục. Mọi tri thức về văn học, địa lý, lịch sử …được HPNT vận dụng linh hoạt để đi sâu khám phá tận cùng đối tượng đang được ông nói đến để rồi suy tư chiêm nghiệm những giá trị của cuộc đời. Ký của HPNT cung cấp cho bạn đọc những tri thức phong phú mới mẻ đồng thời đưa ra những kiến giải khá hợp lý và có cơ sở, chất trí tuệ đậm đặc lan toả trong từng câu chữ, trang viết. Đây là yếu tố quan trọng thứ hai không thể thiếu trong những trang kí nhưng không phải người viết nào cũng trang bị được. Cũng chính bởi vốn tri thức uyên bác ấy đã bồi đắp bản lĩnh văn hoá, bản lĩnh chính trị cho nhà văn như là một sự tất yếu. Nhờ vốn tri thức uyên thâm, những vấn đề đáng quan tâm nhà văn soi chiếu chúng dưới nhiều góc độ khác nhau rồi chủ động đề xuất nét nghĩa mới, giá trị mới. Chất trí tuệ cũng là yếu tố quan trọng đối với người viết ký nhưng hiện thực cuộc sống đủ đầy, ý tưởng đầy ắp vẫn cần đến tài năng của tác giả với vai trò chỉ huy dàn nhạc. Ý tưởng hay, kiến thức phong phú song phải viết hay, độc đáo mới đi được vào lòng độc giả, cái hay trong ký của HPNT là bằng vốn hiểu biết sâu, rộng về mọi lĩnh vực đã cung cấp cho bạn đọc lượng thông tin, tri thức phong phú, mới lạ và bằng chính tình cảm của mình. Tất cả đã gieo vào tâm hồn bạn đọc hạt giống của những giá trị nhân bản, nhân cách cao đẹp. 1.2.2.3. Cái tâm của con người cháy hết mình trong những trang viết Như có lần tác giả đúc kết: “một chữ Tâm có sức chứa đựng tất cả”. Chữ “Tâm” giờ đây được dùng quá nhiều đã trở thành một thuật ngữ sáo mòn, nhưng dưới ngòi bút HPNT vẫn luôn trọn vẹn ý nghĩa chân thật của nó bởi ông định nghĩa chữ “Tâm” một cách giản dị chân thật. Với cái nhìn nghiêm túc trước đời sống, yêu đời đắm say đến độ mê mải kí của HPNT sẽ còn là những trăn trở suy tư trước những vấn đề của cuộc sống…Tất cả được xuất phát từ tình cảm của một con người “ có cái tâm đỏ thắm vì CON NGƯỜI vì TỔ QUỐC”. Chương 2: HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN QUA BÚT KÍ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 2.1. Thiên nhiên qua trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường Thiên nhiên đóng một vai trò, vị trí đặc biệt trong sáng tác của HPNT, là một trong những chiếc chìa khoá để giải mã thế giới nghệ thuật của ông. thiên nhiên của con người Huế đã tác động lớn đến tâm hồn HPNT để ông có những trang viết về thiên nhiên chứa chan cảm xúc và lóng lánh chất thơ. Thiên nhiên hiện lên trong trang ký của HPNT với vẻ đẹp phong phú, độc đáo vốn có của nó qua ngôn từ nghệ thuật sang trọng đầy ám ảnh, đậm chất trữ tình của cái tôi mê đắm, tài hoa. HPTN nhìn ngắm thiên nhiên bằng tâm trạng của cái tôi đa cảm, say đắm với tình cảm trân trọng lớn lao khi viết về quê hương đất nước mình theo đúng nghĩa giàu có và tươi đẹp. 2.1.1 Thiên nhiên trong kí của HPNT là bức tranh tươi đẹp, giàu có với những phát hiện độc đáo Trong ký của HPNT luôn hiện hữu những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, đa sắc đến lộng lẫy. Thiên nhiên luôn được HPNT cảm nhận những nét đặc trưng nhất ở thời khắc khác nhau trong một ngày, một mùa và có khi là của bốn mùa trong năm. HPNT luôn quan sát sự vật trong sự đổi thay vận động tìm ra những khoảnh khắc chói sáng nhất để có được những trang văn có sức nặng thông tin và sự độc đáo trong cách cảm nhận. Đến với vẻ đẹp thiên nhiên đất nước với ông là cuộc "hành hương" đầy thiêng liêng, gần gũi trong tiếng gọi quê hương. HPNT luôn ám ảnh màu xanh bởi lối sống hoà mình giữa không gian xanh của người Huế: xanh núi non, xanh của trời bể, xanh của dòng sông, bãi cỏ, xanh của những khu vườn cây hoa trái…HPNT còn mở rộng mọi giác quan để cảm nhận cho hết vẻ đẹp của đời sống, thiên nhiên còn được cảm nhận qua hương thơm đầy tinh tế. Kí của HPNT luôn đằm sâu trong những cảm xúc mà thiên nhiên đóng vai trò là nguyên cớ đánh thức tâm tư con người và bạn đọc phần nào thấy được sự tinh tế của HPNT trong cảm nhận và sự điêu luyện của ông trong cách thể hiện sự hiểu biết, cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Là nhà viết kí, HPNT muốn cung cấp đến bạn đọc nhiều thông tin hiện thực đầy hữu ích. Thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ dưới con mắt thơ và thiên nhiên còn mang trong chúng những giá trị kinh tế, văn hoá khi được nhìn dưới lăng kính khoa học của nhà viết kí. Khám phá sâu sắc về đối tượng, tìm tòi đưa ra những phát hiện mới như là một niềm đam mê là cách thể hiện năng lực của nhà viết kí. Ngoài ra, HPNT còn trình bày trực tiếp cảm nhận suy nghĩ của mình về đối tượng, đó chính là “chiều mở”, “góc tự do sáng tạo” trong ký. Bức tranh hiện thực đời sống hiện lên chân thực đan xen với tình yêu thiên nhiên đến độ mê đắm tạo nên những trang kí mang đậm phong cách riêng “tài hoa, trí tuệ, súc tích, mê đắm”. Trước thiên nhiên HPNT luôn bày tỏ niềm thành kính ngưỡng vọng trong lòng luôn trĩu nặng ơn Đất, ơn Người 2.1.2. Thiên nhiên đặt trong mối quan hệ với con người Thiên nhiên giàu có tươi đẹp, mang nét đẹp văn hoá đặc trưng của từng vùng miền, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống thực tại cũng như trong thế giới tinh thần của mỗi con người. Thiên nhiên đãi ngộ nuôi sống con người; Thiên nhiên còn bồi đắp cho tâm hồn con người những tình cảm thiêng liêng đem đến sự bình yên trong sâu thẳm tâm hồn con người; Thiên nhiên khắc nghiệt thử thách con người tạo ra những hoàn cảnh thử thách giúp con người tôi luyện ý chí của mình, vững vàng hơn trong cuộc sống Cùng với con người thiên nhiên cũng là nạn nhân chịu sự tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và bàn tay của chính con người. HPNT đã đằm sâu trong suy nghĩ tìm những lí giải thoả đáng trước những sự việc đáng báo động mà ta đang từng ngày phải phải chứng kiến. HPNT nhìn thiên nhiên trong quan hệ với một vùng văn hoá, những dự cảm của ông về thiên nhiên môi trường sống mang tính thời sự và tính triết lí.Trước hành động tàn phá thiên nhiên của con người, không dừng lại ở cảnh báo, dự đoán, HPNT bày tỏ thái độ trực tiếp, gay gắt, quyết liệt. Bằng thái độ chân thành, tâm huyết HPNT trực tiếp đưa ra một số đề nghị khẩn thiết để cứu vãn môi trường sống. Nhà văn HPNT cung cấp cho người đọc một phong tục nhân hậu, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa vườn cây và con người đó là một nét đẹp văn hoá khiến bạn đọc vô cùng bất ngờ và xúc động về cách ứng xử với thiên nhiên đậm chất nhân văn của con người Huế. 2.2. Hiện thực đời sống con người trong ký của Hoàng phủ Ngọc Tường 2.2.1. Hiện thực đời sống con người trong chiến tranh và trong hoà bình Kí viết về chiến tranh của HPNT đầy ắp sự kiện, hiện thực đời sống con người được đào sâu nhìn nhận từ nhiều góc độ, chân thực, chi tiết và đủ đầy hơn. Những trang sử hào hùng của dân tộc trong quá khứ cũng như những vấn đề nóng bỏng trong thực tại của cuộc sống được tái hiện chân thực trong trang ký của HPNT trên tinh thần cởi mở, dân chủ của văn học thời kì Đổi mới. . Thực tế cuộc sống đã đem lại cho HPNT nhiều sự trải nghiệm và cả sự thức nhận để ông tìm đi đúng hướng trong cuộc đời, sống đẹp và có ý nghĩa. Nói tóm lại, sự kết hợp giữa tư tưởng triết học phương Đông và triết học phương Tây, ý thức tích cực nỗ lực của chính bản thân đã tạo ra trong HPNT cái nhìn đa chiều, biện chứng, sâu sắc về số phận dân tộc và trách nhiệm của mỗi cá nhân con người trước cuộc sống, sứ mệnh lịch sử. Kí của HPNT luôn ánh lên ngọn lửa của niềm tin yêu cuộc sống, ông đang tiếp tục truyền ngọn lửa ấy cho thế hệ trẻ hôm nay Kí của HPNT còn là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp hiện hữu trong cuộc sống, từ vẻ đẹp của giang sơn Tổ quốc đến vẻ đẹp tâm hồn con người.Con người trong ký của HPNT luôn được lồng ghép trong bóng hình đất nước, mang bóng dáng dân tộc. Cảm hứng sử thi luôn thường trực trong trang kí của HPNT khi viết về Tổ quốc nhân dân. Trong trang kí HPNT đã khơi dậy không khí sử thi hùng tráng về năm tháng đã qua thể hiện niềm ngưỡng mộ, tự hào, trân trọng, biết ơn…khi viết về Tổ quốc thiêng liêng. Bao giờ cũng vậy kí của HPNT không dừng ở cấp độ thông tin, trong mỗi sự kiện bao giờ ông cũng lồng ghép trong đó những triết lí nhân sinh sâu sắc như thế - những trang kí mang sức nặng của tư tưởng. Cùng với việc dựa trên tinh thần cởi mở tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật của văn học thời kì Đổi mới, HPNT cũng nhận thức khá rõ: cần có cái nhìn thẳng thắn chân thật về cuộc chiến, tránh cái nhìn một chiều về chiến tranh. Ngòi bút hiện thực của HPNT phê phán sự tàn khốc của chiến tranh. Chiến tranh không phải trò đùa và con người là nạn nhân của cuộc chiến ấy Hiện thực tàn khốc của cuộc chiến được miêu tả chân thực, đa diện và lồng ghép trong đó là những quan điểm đánh giá sắc sảo, chân thành của tác giả Khi viết về chiến tranh, kí của HPNT luôn bộc lộ sự hiểu biết và bản lĩnh của mình và ông còn có một chỗ dựa vững chắc đó là niềm tin vào tình yêu thương và khát vọng sống của con người, hi vọng ở những điều tốt đẹp luôn hiện hữu trong đời Hư cấu hay nói sự thật chân thực đến mức trần trụi là dụng ý nghệ thuật, là giải pháp giúp HPNT đẩy sự việc hiện tượng (của cái ác, của thử thách, kể cả cái đẹp, …) lên đến đỉnh điểm, cùng cực như vậy để tạo được những hoàn cảnh thử thách, môi trường lí tưởng giúp cho nhân vật bộc lộ được hết phẩm chất tốt đẹp khả năng ưu trội của mình, hay nhấn mạnh một vấn đề nào đó. Cái độc đáo của sự hư cấu trong tác phẩm kí của HPNT thể hiện ở chỗ chúng không làm giảm đi tính chân thực độ tin cậy của các thông tin trong tác phẩm mà tôn thêm tô đậm ý nghĩa cho các vấn đề được nói tới trong tác phẩm bằng cảm xúc trí tưởng tượng, liên tưởng, hồi ức...của chính tác giả. HPNT còn quan tâm đến số phận của con người khi bước ra khỏi cuộc chiến, thái độ hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên sau chiến tranh cũng được nhà văn phản ánh chân thực với thái độ đầy trách nhiệm. HPNT đóng trong vai trò là nhân vật tích cực khi phản ánh những sự việc tiêu cực với tinh thần thẳng thắn, giàu bản lĩnh và thái độ đầy đau xót, bức xúc. Ký của HPNT ấn tượng ở chỗ chậm đến trái tim đánh thức lương tri con người không chỉ bằng chính luận, tính thời sự vốn có của thế kỷ mà còn là trang “ký tâm hồn” viết về nỗi day dứt nỗi đau trước sự lãng quên lãng của con người về một quá khứ chưa xa. HPNT đã nối lại sợi dây quá khứ với hiện tại để hướng đến sự phát triển bền vững của cuộc sống con người. HPNT luôn đặt bạn đọc đứng trước những sự lựa chọn với thái độ đầy trách nhiệm trước mỗi vấn đề ông thường bộc lộ những nỗi niềm lo âu trăn trở, trình bày, phân tích, đưa ra những kiến giải, đề nghị hợp lý, thiết thực. Với HPNT nhân vật trong sáng tác của ông là những con người bình dị gần gũi, phổ biến từng tồn tại trong quá khứ giờ có sự hồi quang trong thực tại mang tính chất kế thừa, tiếp nối giá trị truyền thống giữa các thế hệ làm nên diện mạo một dân tộc có bề dày truyền thống. 2.2.2. Chân dung các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, giới trí thức nghệ nhân, nghệ sĩ HPNT dành nhiều trang viết để viết về những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, giới trí thức, nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện sự đồng cảm trong suy nghĩ và hành động với nhân vật hơn hết là tình cảm yêu quý ngưỡng vọng những con người tài năng. HPNT nói nhiều về sự sự dấn thân hết mình cho sự chọn lựa đầy trách nhiệm của những nhân vật lịch sử.Những trang viết thời kì đầu ông cũng viết về sự chọn lựa hướng đi cho cuộc đời, trở đi trở lại việc nói đến sự chọn lựa đã là một ám ảnh trong tâm hồn HPNT. Dường như việc lần tìm quá khứ, phân tích sự chọn lựa của các nhân vật lịch sử sẽ giúp ông lí giải tìm hướng đi trong chính cuộc sống hiện đại… HPNT viết về các nhân vật lịch sử trong quá khứ không vì tinh thần hiếu cổ, phục cổ mà như là phương cách để góp phần soi chiếu, đánh giá, định hướng thực tại. HPNT viết về các anh hùng lịch sử trong sự nối dài tiếp nối có tính chất truyền thống, khơi một mạch chảy thống nhất từ quá khứ đến hiện tại. Ký của HPNT luôn thể hiện niềm tin về bề dày truyền thống văn hoá và bản lĩnh dân tộc. Quan điểm sống, tính cách của HPNT phần nào chi phối đến việc chọn lựa nhân vật để viết về họ... 2.3. Văn hoá, lịch sử đất nước qua những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường Lịch sử dân tộc luôn được HPNT nhìn trong chiều sâu văn hoá và văn hoá luôn gắn liền với lịch sử dân tộc. Không dừng lại ở việc phản ánh sự thật lịch sử, tác giả đưa ra những kiến giải riêng rất sắc sảo và quan trọng hơn đó là bổ sung cách hiểu mới về lịch sử. Đó là văn hoá đặc trưng của từng vùng miền được tác giả cụ thể hoá, gọi tên. Khát vọng nắm bắt cái mới trong cuộc sống của một vùng đất thể hiện trong cách tiếp cận của tác giả. Bằng năng lực nội cảm cảm nhận hết sức tinh tế, mỗi mảnh đất mà HPNT đặt chân qua đều được soi chiếu cảm nhận dưới bề sâu văn hoá, giá trị truyền thống từng vùng miền. Văn hoá Huế được HPNT viết nhiều và phát hiện ở đó xu hướng tâm linh như một dòng chảy tiềm ẩn nhưng sâu bền trong tính cách người Huế. Ngòi bút của HPNT đã phát hiện ra vẻ đẹp của những giá trị đạo đức truyền thống, cội nguồn thiêng liêng của những giá trị nhân văn cao quý, nền tảng của mọi nền văn hoá thông qua hàng loạt những hình ảnh rất đẹp. Ký của HPNT là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp: đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống lao động và trong cả tâm hồn con người. Nhờ bản lĩnh văn hoá ấy, HPNT có những kiến giải đúng đắn trong những quan hệ với lịch sử, với quê hương với nhân dân, với tự nhiên, với nghệ thuật,… bày tỏ thái độ đúng đắn quyết liệt với tất cả những biểu hiện kém văn hoá, những thứ phản văn hoá. Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT TRONG BÚT KÍ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG 3.1. Cái tôi trữ tình tài hoa, lịch lãm, mê đắm Ở thể loại này, HPNT có dịp bộc lộ một cái tôi tự do, phóng khoáng, cái vốn sống, vốn văn hoá đầy ắp, có chiều sâu triết học và giàu bản lĩnh khi nhìn về cuộc sống. HPNT đã kết hợp được những ưu thế vốn có của mình khi viết kí với chất tài hoa, lịch lãm, mê đắm nhạy cảm của người nghệ sĩ mang tâm hồn của nhà thơ đồng nội. Sự tài hoa của HPNT, trước hết phải nói đến những phát hiện, cách nhìn nhận cuộc sống độc đáo mang phong cách riêng của một cái tôi giàu tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa. Trong kí của HPNT hiện thực đời sống được cảm nhận bằng tâm hồn mê đắm và qua ngôn ngữ lóng lánh chất thơ mamg âm hưởng Huế đã tạo nên nét riêng độc đáo trong sáng tác của ông. HPNT đã mở rộng địa hạt khả năng thể hiện của kí. Thể loại chuyên ghi chép các sự kiện sôi bỏng, có thực này qua ngòi bút HPNT vừa trí tuệ lại thấm đẫm chất trữ tình, là những rung động rất thơ và chấp nhận cả hư cấu. Đó là cái tôi biết kết hợp tư duy lôgic với tư duy hình tượng khi khám phá thế giới Cái tôi tài hoa, lịch lãm, mê đắm, bằng tri thức giàu có uyên thâm và nội lực cảm thụ thế giới tinh tế nhạy cảm đã giúp HPNT bộc lộ bản lĩnh văn hóa chính trị trên trang kí của mình. Lập trường tiên quyết và cảm hứng xuyên suốt mọi trang viết là tình yêu Tổ quốc và nhân dân cháy bỏng, là sự dấn thân đấu tranh để xây dựng một nền dân chủ và nhân văn cao cả. Cái tôi của HPNT thiên về hướng nội, đằm sâu trong những cảm xúc suy tư mang phong vị Thiền trầm tư về lẽ đời, lẽ người trong niềm yêu mến thiết tha quê hương đất nước mình. 3.2. Nhìn nhận thiên nhiên, cuộc sống, con người, dưới góc độ văn hoá thẩm mỹ, lịch sử, triết học HPNT khi cảm nhận về thiên nhiên đó là tình cảm yêu mến tự hào về vẻ đẹp của quê hương, trở về với thiên nhiên như được trở về với cội nguồn giá trị văn hoá. HPNT cảm nhận thiên nhiên mang cảm quan phương Đông. Đứng trước thiên nhiên HPNT luôn nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, suy nghiệm trong sự mê đắm và đóng vai của nhà hiền triết hoà hợp với thiên nhiên, cảm xúc chủ đạo của ông là niềm tự hào ngưỡng vọng đầy thành kính. Không gian, thời gian tồn tại của thiên nhiên, cuộc sống trong kí của HPNT có khi là một không gian, thời gian có thực, đang hiện tồn cùng với con người làm thành một thế giới sống đầy ý nghĩa song có lúc là không gian, thời gian của tâm hồn cõi tâm linh, của quá khứ. Thiên nhiên vẫn lưu giữ trong lòng sức mạnh nội tại, mang trong chúng giá trị văn hóa là hiện thân cho sự thân thiện, cho sức sống bền bỉ của một dân tộc. Ký của HPNT mang đậm tính triết lý khi nhìn về thiên nhiên, cuộc sống, con người. HPNT đưa ra những triết luận sâu sắc về quan hệ dòng sông và lịch sử, dòng sông với con người; về lẽ hưng phế, quan hệ về sự sống và cái chết. Cách lý giải mối quan hệ con người - cây cỏ, cách ứng xử của con người với cây cỏ trong kí của HPNT mang đậm màu sắc văn hoá, triết lý phương Đông. Con người trong ký HPNT thật nhẹ nhàng, lịch lãm, cách ứng xử rất văn hoá. Con người hiện hữu bao giờ cũng có một lịch sử HPNT luôn nhìn con người trong sự tổng hoà giữa văn hoá và lịch sử. Con người trong ký của HPNT bình dị mà rất kiêu hùng mang màu sắc sử thi khi đặt trong hoàn cảnh thử thách của lịch sử. HPNT luôn đặt con người trong quan hệ với lịch sử để tìm ra vai trò của họ và của chính mình trong lòng đời sống lịch sử. Viết về Tổ quốc dân tộc HPNT luôn soi chiếu dưới ánh sáng của văn hoá lịch sử nên những trang kí ấy cũng thường mang đậm màu sắc sử thi. 3.3. Nghệ thuật so sánh liên tưởng phong phú, độc đáo HPNT có năng lực nội cảm tinh tế độc đáo. Hiện thực cuộc sống hiện lên trong trang viết của ông luôn sinh động, có hồn, giàu sức biểu cảm mang tính biểu cảm cao bởi sự so sánh liên tưởng phong phú độc đáo. Thiên nhiên và con người đẹp lộng lẫy, hoành tráng, những tên đất tên người cụ thể không làm mất đi sự thi vị hóa trong ký của HPNT bởi được thể hiện bằng độ mờ hóa bao phủ của óc liên tưởng tài tình. Ở đây ta bắt gặp điểm chung của các nhà viết kí văn học đó là khả năng tái hiện hiện tượng đời sống bằng sự liên tưởng phong phú, ngôn từ có sức gợi và mang giá trị biểu đạt cao. Trong trang viết của mình HPNT luôn tạo nên sự liên tưởng độc đáo và những tầng sâu ngữ nghĩa, những mạch ngầm của chiều sâu liên tưởng mới, như một phép ẩn dụ nghệ thuật. 3.4. Thế giới biểu tượng phong phú mang giá trị nghệ thuật cao Mỗi hình ảnh biểu tượng chứa đựng vẻ đẹp riêng mang chiều sâu của trí tuệ. Hoa, cỏ, tiếng chim, lửa, dấu chân, Tổ quốc…đó không chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên mà có sức ám ảnh lớn đối với tác giả và mang tính biểu tượng cao được tác giả nhắc đến nhiều lần. Dấu ấn chủ quan trong kí của HPNT trở nên đậm nét bởi khi xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng ông luôn cảm nhận phản ánh các sự kiện bằng cảm xúc của cái tôi mê đắm, với tâm thế trước khi chảy qua ngòi bút điều ấy đã chảy qua tim người cầm bút như một dòng máu. 3.5. Ngôn ngữ giọng điệu tài hoa, tinh tế, giàu cảm xúc Lối viết mạch lạc súc tích, lượng thông tin cung cấp phong phú, lối hành văn uyển chuyển, ngôn từ đa dạng và giàu hình ảnh. Dường như nhà văn đã say sưa và kì công “đúc câu luyện chữ” dành những câu chữ đẹp nhất trong vốn liếng ngôn ngữ của mình để dành tặng cho cuộc sống. Ngôn ngữ súc tích ngắn gọn cũng đủ để HPNT gọi được đúng thần thái bản chất của sự vật hiện tượng. Đó là kết tinh của tình yêu sâu đậm, của những hiểu biết tường tận về cuộc sống và của một lối tư duy sắc bén đã được đằm sâu trong vốn tiếng Việt giàu có, niềm xúc cảm say mê, để rồi thăng hoa trong cảm hứng nghệ thuật. Vốn ngôn ngữ mà tác giả sử dụng phong phú mượt mà, giàu chất thi hoạ mang vẻ đẹp tâm hồn, ngôn ngữ Huế. Đó là thứ ngôn ngữ dịu dàng nhưng đầy “ma lực” có chiều sâu của cảm xúc. Đặc biệt do viết nhiều về lịch sử dân tộc nên giọng văn của ông trầm hùng đậm chất sử thi và nhuốm màu huyền thoại. Khả năng sử dụng từ láy trở thành thế mạnh trong kí của HPNT khiến kí của ông lấp lánh có độ trong trẻo ngân vang trong vẻ đẹp, cảm xúc; một số từ HPNT thích dùng và trở đi trở lại trong sáng tác của mình là từ “bát ngát”, “ném”; những từ “mơ hồ”, “mơ màng”, “sương khói”, “huyền ảo” thường xuyên xuất hiện khi tác giả miêu tả cảm nhận cuộc sống; từ tâm linh cũng được HPNT sử dụng khá nhiều ... Với HPNT, dựa trên kho từ vựng tiếng Việt có sẵn, tác giả lựa chọn những câu từ đẹp nhất, trong sáng, giản dị, giàu giá trị biểu cảm để viết về các sự vật hiện tượng diễn ra trong đời sống. KẾT LUẬN HPNT viết kí như là một cách thức để trải lòng mình để suy nghiệm về cuộc sống thực tại cũng như những năm tháng đã qua của đời sống cá nhân, của lịch sử đất nước dân tộc. Sự hòa điệu của tâm hồn con người với thiên nhiên trong kí của HPNT cũng là một dấu ấn đặc biệt góp phần làm nên giá trị riêng cho tác phẩm của ông. Đứng trước thiên nhiên HPNT luôn nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, suy nghiệm trong sự mê đắm và đóng vai của nhà hiền triết hoà hợp với thiên nhiên, cảm xúc chủ đạo của ông là niềm tự hào ngưỡng vọng đầy thành kính. Cảm hứng sử thi luôn thường trực trong trang kí của HPNT khi viết về Tổ quốc, nhân dân với niềm ngưỡng mộ, biết ơn vô hạn. Trước những vấn đề có tính chất tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người, ông nhìn nhận và phản ánh hiện thực đời sống bằng thái độ tình cảm thẳng thắn chân thành của con người giàu bản lĩnh và nhiệt huyết. Kí viết về chiến tranh của HPNT là những trang viết với thông tin mới mẻ chân thực, mang tính thời sự về chiến tranh, phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh và tội ác tày trời của quân xâm lược. Không chỉ đơn thuần cung cấp các thông tin sự kiện mà trong những tác phẩm này luôn được lồng ghép những suy tư, quan điểm về chiến tranh với thái độ khách quan và thẳng thắn qua sự cảm nhận tinh tế, suy tư sắc sảo của HPNT về chiến tranh đã giúp bạn đọc có cái cách nhìn chân thực, đa chiều giàu tính nhân văn về cuộc sống diễn ra quanh mình. Hiện thực đời sống, con người, thiên nhiên được ông tiếp cận, soi chiếu dưới nhiều góc độ văn hoá, lịch sử, triết học,… khiến vấn đề ông phản ánh có chiều sâu rộng, cung cấp đến bạn đọc nhiều thông tin hữu ích thể hiện sự chuẩn bị tư liệu khá công phu nghiêm túc của tác giả như đang thực hiện một công trình khoa học. Dựa trên vốn kiến thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn học, kết hợp với lý luận sắc bén, được phô diễn trong lối hành văn hướng nội súc tích, mê đắm và tài hoa, lịch lãm của tác giả Tiếp cận hiện thực cuộc sống dưới nhiều góc độ khám phá sâu sắc về đối tượng với một thái độ nghiêm túc tôn trọng sự thật nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, ký của HPNT không chỉ đơn thuần phản ánh sự việc mà có ý nghĩa nhân văn hơn khi những tác phẩm ấy đã vươn dài đến tận mỗi tâm hồn khơi dậy cảm xúc nơi người đọc. References Tác phẩm văn học 1. Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, H.2006 2. Vũ Bằng, Miếng ngon Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học, H.2006 3. Anh Đức, Truyện ngắn và bút ký, Nhà xuất bản Hội nhà văn, H.2002 4. Hà Minh Đức, Ba lần đến nước Mỹ, Nhà xuất bản Văn học, H.2000 5. Tô Hoài, Tạp bút, Nhà xuất bản Hội nhà văn, H.2007 6. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, Nhà xuất bản Trẻ, 1989 7. Phùng Văn Khai, Lẽ sống (bút ký về những người lính), Nhà xuất bản Văn học, H.2009 8. Nguyễn Khải, Ký sự & kịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn, H.2003 9. Đặng Thai Mai, Hồi ký thời kỳ thanh thiếu niên, Nhà xuất bản Tác phẩm mới Hội nhà văn Việt Nam, H.1985 10. Nguyên Ngọc, Nghĩ dọc đường, Nhà xuất bản Văn nghệ, H.2006 11. Nguyễn Tuân (2000) Nguyễn Tuân toàn tập 2, NXB Văn học, Hà Nội 12. Nguyễn Tuân (2000) Nguyễn Tuân toàn tập 4, NXB Văn học, Hà Nội 13. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọn núi ảo ảnh (Bút ký), Nhà xuất bản Thanh niên, H.2000 14. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập – Tập 1 (Nhàn đàm), Nhà xuất bản Trẻ, 2002 15. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập – Tập 2 (Bút ký), Nhà xuất bản Trẻ, 2002 16. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập – Tập 3 (Bút ký), Nhà xuất bản Trẻ, 2002 17. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập – Tập 4 (Thơ), Nhà xuất bản Trẻ, 2002 18. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế di tích và con người, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003 19. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của Hoàng tử bé, Nhà xuất bản Trẻ, 2005 20. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Miền cỏ thơm (Bút ký), Nhà xuất bản Văn nghệ, H.2007 21. Trần Đình Vân, Sống như anh, Nhà xuất bản Kim Đồng, H.2000 Sách giáo khoa, Giáo trình, sách nghiên cứu 22. A.Gheerbrant, Jean Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Đình, Nguyễn Văn Vỹ (dịch), NXB. Đà Nẵng 1997 23. Vũ Tuấn Anh, Lê Dục Tú (tuyển chọn và giới thiệu), Thạch Lam về tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2003 24. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, NXB. Chính trị Quốc gia 1999 25. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2002 26. Đức Dũng, Viết báo như thế nào?, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, H.2002 27. Đức Dũng, Kí văn học và Kí báo chí, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, H.2003 28. Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H.2004 29. Trần Thanh Đạm, Hoàng Như Mai, Huỳnh Lý (1970) Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 30. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H.2004 31. Hà Minh Đức, Cơ sở lý luận báo chí – Đặc tính chung và phong cách, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2000 32. Hà Minh Đức, Lê Bá Hán, Cơ sở lí luận văn học – Tập 2, NXB Đại học – Trung học chuyên nghiệp, 1984. 33. Hà Minh Đức, (chủ biên), Lý luận văn học, (tái bản lần thứ 6), Nhà xuất bản Giáo dục, H.2000 34. Hà Minh Đức, Tuyển tập – Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2004 35. Lê Bá Hán (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2000 43. Hoàng Ngọc Hiến, Năm bài giảng về thể loại (ký – bi kịch - Trường ca – Anh hùng ca - Tiểu thuyết), Bộ văn hoá – Thông tin và Thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du, H.1992 44. Phùng Minh Hiến, Tác phẩm văn chương một sinh thể nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2002 45. Đào Duy Hiệp, Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2008 46. Nguyễn Văn Hoa (sưu tầm và biên soạn), Hiểu thêm lịch sử qua các hồi ký, kí sự, tuỳ bút, Nhà xuất bản Giáo dục, H.1997 47. Trần Đăng Khoa, Chân dung và đối thoại (bình luận văn chương), Nhà xuất bản Thanh niên, H.1999 48. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới", NXB Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997 49. M.B. Khrapchencô, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, H.1978 50. Đinh Trọng Lạc (chủ biên), Phong cách học tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2002 51. Mã Giang Lân, Thơ hành trình và tiếp nhận, Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội, 2004 52. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975 - những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2006 53. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học (tái bản lần thứ 2), Nhà xuất bản Giáo dục, H.2002 54. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên) (1986) Các nhà văn nói về văn (Tập 2), Nhà xuất bản tác phẩm mới, Hà Nội 55. Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn tư tưởng và phong cách, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2001 56. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Tuân về tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2001 57. Nhiều tác giả, Thuật ngữ nghiên cứu văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, H.1992 58. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003 59. Vũ Đức Phúc(1999) Ảnh hưởng văn hoá Pháp đối với Việt Nam, Những vấn đề lí luận và lịch sử văn học,Viện văn học,Hà Nội 60. Trần Đình Sử, Ai đã đặt tên cho dòng sông - Bút ký sử thi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Báo Văn nghệ số 7 – 1987 61. Trần Đình Sử, Văn học và thời gian, Nhà xuất bản Văn học, H.2002 62. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến (sưu tầm và biên soạn), Một cõi Trịnh Công Sơn, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 2002 63. Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (in lần thứ hai), Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội, H.2007 64. Nguyễn Ngọc Thiện (tuyển chọn và giới thiệu), Vũ Trọng Phụng về tác giả và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, H.2001 65. Lý Hoài Thu, Đồng cảm và sáng tạo, Nhà xuất bản Văn học, H.2005 66. Nguyễn Văn Trung: Sartre trong đời tôi, Bách Khoa số 269-270, ngày 15-3 và 01-4- 1968 67. Nguyễn Như Ý (tuyển chọn), Hồ Chí Minh tác giả – tác phẩm - nghệ thuật ngôn từ, Nhà xuất bản Giáo dục, H.1997 68. Ngữ Văn 12, Nhà xuất bản giáo dục, 2008 69. Viện văn học, Tác giả văn xuôi Việt Nam hiện đại (từ sau 1945), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1977 Báo - tạp chí – trang web 70. Bảo Anh (2002) “ Những trang viết từ than đá dồn nén…”, Quảng Nam chủ nhật (31) 71. Lại Nguyên Ân, Đổi mới phải là tinh thần, là mục tiêu của Đại hội Nhà văn sắp tới (bài phỏng vấn nhà Văn Hoàng Phủ Ngọc Tường), báo Văn nghệ số 11(123/1988) 72. Như Bình, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều khi nước mắt tràn đẫm gối, Báo an ninh thế giới cuối tuần, số ngày 21 tháng 4 năm 2009 73. Hoàng Cát, Đọc cuốn Ngọn Núi Ảo ảnh, Văn nghệ số 12, ngày 18-3-2000 74. Nhật Chung, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng…miệng, báo Thanh niên số ngày 5 tháng 2 năm 2010 75. Lê Đức Dục, nhien/40121340/181/ 76. Ngọc Dương, Đôi điều về thể kí, Văn nghệ Lào Cai số 3 (89), 2008 77. Đông Hà, Chuyện đời xưa trong nhàn đàm Hoàng Phủ, Tạp chí Sông Hương số Đặc Biệt, tháng 5 năm 2010 78. Cầm Hải, Huế vẫn xanh và Tường vẫn trong, báo Văn hoá Thể thao số 2/11/1998 79. Cầm Hải, Thế giới tồn tại bởi sự lễ độ, báo Văn nghệ trẻ số ngày 22 tháng 8 năm 1998 80. Văn Cầm Hải, Giấc mơ Hoàng Phủ, báo Tuổi trẻ số ngày 21 tháng 9 năm 2003 81. Ngô Minh Hiền, Biểu tượng lửa trong văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí khoa học số 6/2004 82. Ngô Minh Hiền, Thiên nhiên - thế giới tinh thần của con người trong kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí nghiên cứu văn học số 1 - 2009 83. Trần Hoài, Người lính Việt quỳ hôn chân ngựa đá, Báo tuổi trẻ số ngày 25 tháng 2 năm 2007 84. Mai Văn Hoan, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Sông Hương, Báo Đà Nẵng số ngày 21 tháng 3 năm 2010 85. Đinh Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, con ấu trùng tham ăn…sách, Báo Dân trí số ngày 12 tháng 6 năm 2006 86. Lê Thị Hường, Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của thiên nhiên, Tạp chí Sông Hương số 161, tháng 7 năm 2002 87. Lê Thị Hường, Thế giới cỏ dại trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, 88. Đọc bút ký “Miền cỏ thơm” của Hoàng Phủ Ngọc Tường 89. Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Nhà văn phải nói lên sự thật” 90. Hoàng Phủ Ngọc Tường: “không còn bận lòng sau cuốn sách về Sơn” 91. Hoàng Phủ Ngọc Tường giữ trọn nhân cách người cầm bút 92. Ký 93. Mai Quốc Liên, Về một vài vấn đề văn học đang được bàn luận,Văn nghệ, Hà Nội, số 53 (31-12-1988) 94. 95. 96. Trần Thuỳ Mai, Ký văn hoá của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 161-07-2002 97. Trần Thuỳ Mai, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn sống để viết, 98. Đặng Nhật Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường - một tâm hồn Huế, tạp chí Sông Hương số 163-09-2002 99. Ngô Minh, Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 231 (05/2008) 100. Ngô Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường – “người ham chơi”, báo Tuổi trẻ số ngày 20 tháng 9 năm 2007 101. Ngô Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh hoa phù dung, báo Phụ nữ số ngày 24 tháng 2 năm 2005 102. Ngô Minh, Vài suy nghĩ về tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 161, tháng 7 năm 2002 103. Ngô Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường những mạch vỉa than đá, tạp chí Sông Hương số 240 tháng 2 năm 2009 104. Lê Trà My – Hình tượng tác giả trong tản văn Hoàng Phủ Ngọc Tường 105. Dạ Ngân, Hoàng Phủ Ngọc Tường - nỗi niềm của lửa, báo Văn nghệ số 12 năm 2006 106. Hoàng Sĩ Nguyên, Đọc “Nhàn đàm” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 6/2003 107. Kim Oanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường và tài sản Sông Hương, báo Tuổi trẻ số ngày 29 tháng 11 năm 2008 108. Phạm Phú Phong, Hoàng Phủ Ngọc Tường - người kể chuyện cổ tích chiến tranh, tạp chí Sông Hương số 161- 07 - 2002 109. Hữu Quyết, Xuân Hoài, Gặp gỡ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày đầu năm tại Huế: “Văn chương đòi hỏi cái gì…hơn cả máu”, tạp chí Sông Hương số 220- 06-2007 110. Hoàng Hữu Quyết, Gặp gỡ: Nhà văn – Nhà báo – Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường – sáng tác là sự giải toả, Tạp chí Đàn ông số tháng 6 năm 2007 111. Hoàng Hữu Quyết, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết báo tết, 112. Băng Sơn, Linh hồn Huế (tuỳ bút), tạp chí Sông Hương số 179 – 180/01&02-2004 113. Nguyễn Trọng Tạo, Từ A đến Z với Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí Sông Hương số 161, (7/2002) 114. Tạp chí nhà văn, Giới thiệu nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tạp chí nhà văn số 6, H.2002 115. Lê Viết Thọ, Trong miền hoài niệm (Đọc “Ngọn núi ảo ảnh” – bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà xuất bản Thanh Niên tháng 1/2000), tạp chí Sông Hương số 136(6/2000) 116. Lý Hoài Thu, Hồi kí và bút kí thời kì đổi mới, Tạp chí nghiên cứu Văn học số 10.2008, 117. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn hoá Huế. Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 171 ngày 20/4/1995

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_van_van_hoa_hoc_1942.pdf
Luận văn liên quan