1.Lí do chọn đề tài
Nền văn học dân gian Việt Nam rất nổi bật với sự kết hợp nhiều thể loại như truyền thuyết ,truyện cổ tích ,thần thoại ,sử thi và một bộ phận không thể thiếu đó là ca dao.Ca dao là một thể loại khá tiêu biểu và có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội .Nội dung ca dao phản ánh cuộc sống của người dân lao động , tình cảm gia đình ,tình yêu quê hương đất nước
Khi nghiên cứu về ca dao đã có không ít nhà nghiên cứu tìm hiểu nhân vật trong ca dao hay cấu trúc ca dao Theo chân của một số nhà nghiên cứu như Trần Thị An , GS Nguyên Xuân Kính , ThS Trần Tùng Chinh .Tôi đi vào tìm hiểu đề tài “Đặc trưng của không gian ,thời gian trong ca dao” ,qua đó thấy được sự quan trọng của không gian ,thời gian trong ca dao đồng thời thấy được những sáng tạo về không gian ,thời gian trong ca dao tạo sự độc đáo và sâu sắc về đời sống tâm hồn người Việt Nam qua bao thế hệ .
25 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 10670 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đặc trưng của không gian, thời gian trong ca dao, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
1.Lí do chọn đề tài
Nền văn học dân gian Việt Nam rất nổi bật với sự kết hợp nhiều thể loại như truyền thuyết ,truyện cổ tích ,thần thoại ,sử thi …và một bộ phận không thể thiếu đó là ca dao.Ca dao là một thể loại khá tiêu biểu và có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội .Nội dung ca dao phản ánh cuộc sống của người dân lao động , tình cảm gia đình ,tình yêu quê hương đất nước …
Khi nghiên cứu về ca dao đã có không ít nhà nghiên cứu tìm hiểu nhân vật trong ca dao hay cấu trúc ca dao …Theo chân của một số nhà nghiên cứu như Trần Thị An , GS Nguyên Xuân Kính , ThS Trần Tùng Chinh .Tôi đi vào tìm hiểu đề tài “Đặc trưng của không gian ,thời gian trong ca dao” ,qua đó thấy được sự quan trọng của không gian ,thời gian trong ca dao đồng thời thấy được những sáng tạo về không gian ,thời gian trong ca dao tạo sự độc đáo và sâu sắc về đời sống tâm hồn người Việt Nam qua bao thế hệ .
2.Lịch sử vấn đề
Vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật trong ca dao Việt Nam đã được nhiều người nghiên cứu với nhiều thành tựu đáng kể.
Với chuyên luận thi pháp ca dao nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Kính tìm hiểu các vấn đề ngôn ngữ, hình tượng, kết cấu, thể thơ, thi pháp diễn xướng, thời gian và không gian nghệ thuật của ca dao truyền thống. Về không gian nghệ thuật, tác giả chú ý đến “không gian vật lí”, “không gian xã hội”. Theo tác giả thì không gian nghệ thuật trong ca dao truyền thống chủ yếu là không gian trần thế, đời thường bình dị, phiếm chỉ với những nhân vật chưa được cá thể hóa mang tâm trạng tình cảm chung của nhiều người.
Trong cuốn Thi pháp văn học dân gian, nhà nghiên cứu Lê Trường Phát cũng đã tìm hiểu vấn đề không gian nghệ thuật trong ca dao. Tác giả khẳng định không gian trong ca dao là không gian vật lí, đó là không gian thực tại khách quan như nó vốn có. Ngoài ra còn có không gian xã hội – nơi diễn ra mọi hoạt động của đời sống với những mối quan hệ giữa con người với con người”.
D.X Likhachốp trong cuốn Thi pháp Văn học Nga cổ đã nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả − là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”.
Về cách diễn đạt thời gian, trong bài Về một phương diện nghệ thuật của ca dao, Trần Thị An đã đưa ra nhận xét rằng trong ca dao tình yêu, thời gian cá nhân riêng biệt, thời gian khách quan, thời gian xã hội bị nhạt nhoà. Do đó, trong việc miêu tả thời gian, người bình dân thường sử dụng những cách nói ước lệ, công thức.
Một nhận định nữa của Nguyễn Xuân Kính :“không gian trần thế, đời thường, bình dị, phiếm chỉ với những nhân vật chưa được cá thể hoá, mang tâm trạng, tình cảm chung của nhiều người”
Và còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu về ca dao ,cũng như đặc trưng của không gian thời gian trong ca dao .
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu : : Đặc trưng không gian và thời gian trong ca dao
Phạm vi nghiên cứu : Nghiên cứu qua những bài ca dao Việt Nam.
4.Phương pháp nghiên cứu
Thông qua nguồn tài liệu trên thư viện nhà trường ,cũng như nguồn tư liệu trên các phương tiện thông tin đai chúng (báo,mạng internet..)và từ việc đọc tài liệu đã giúp tôi tích lũy kiến thức để hoàn thành đề tài này.
Trong tiểu luận tôi đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau :
-Phương pháp thống kê ,phân loại.
-Phương pháp so sánh đối chiếu.
-Phương pháp phân tích chứng minh.
-Phương pháp tổng hợp.
5.Bố cục
Đề tài ngoài phần mở đầu , kết luận và danh mục tài liệu tham khảo nội dung chính được bố cục làm hai chương chính :
Chương 1: Những nét khái quát về ca dao .
Chương 2 : Đặc trưng không gian và thời gian trong ca dao .
NỘI DUNG
Chương 1: Những nét khái quát về ca dao
Khái niệm ca dao
Đã có không ít tài liệu đề cập đến khái niệm ca dao nhưng theo cách hiểu thông thường thì “ Ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi tiếng đệm , tiếng láy…Sự phân biệt giữa ca dao và dân ca chỉ là ở chỗ khi nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian , còn khi nói đến dân gian người ta nghĩ đến làn điệu ,những thê thức hát nhất định ….Khái niệm ca dao đã được quy định dung để chỉ bộ phận cốt lõi nhất , tiêu biểu nhất :đó là những câu hát trở thành cổ truyền của nhân dân ta” .
Cũng có ý kiến khác về khái niệm ca dao như : (ca: bài hát thành chương khúc; dao: bài hát ngắn, không thành chương khúc) là những câu hát theo giọng điệu tự nhiên lưu hành trong dân gian, thường diễn tả ý nghĩ, tình cảm, nếp sinh hoạt của đại chúng bình dân. Ca dao còn được gọi là phong dao ("phong" là phong tục). Người xưa cho rằng qua ca dao có thể nhận biết phong tục tốt, xấu của một xứ, một vùng.
Còn với Vũ Ngọc Phan theo ông thuât ngữ “Ca dao” vốn là tên gọi Hán Việt ,được các nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Trung hoa gọi cho hai loại Dân ca khác nhau .
Như vậy , ca dao là lời ca dân gian .Lời ca là lời của các làn điệu dân ca và các sáng tác ngâm vịnh của các nhà Nho được hòa vào dòng chảy dân gian .Khái niệm ca dao được xem là phần lời của những câu hát trữ tình truyền thống . Ca dao là tiếng nói của tình cảm.
1.2 Đặc trưng thi pháp của ca dao
*thể thơ :
- thể lục bát
Đa số ca dao được sáng tác theo thể thơ lục bát. Theo thống kê của Nguyễn Xuân Kính trong cuốn “ ca dao Việt Nam”, có 973 lời được sáng tác theo thể thơ lục bát, chiếm 95%. Theo thống kê trong cuốn “Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam” thì có 5337/5600 lời sáng tác bằng thể thơ lục bát, chiếm 95,3%. Nhịp điệu thể thơ lục bát về cơ bản là nhịp 2/2/2, 2/4/2, 4/4, khi diễn ra những tình cảm thương yêu,buồn đau mất mát thì thể thơ lục bát sử dụng cách gieo vần bằng và nhịp điệu phổ biến là 2/2/2 đã thể hiện được điều đó:
Người thương/ ơi hỡi/ người thương
Đi đâu/ mà để/ buồn hương/ lạnh lùng
- Thể song thất:
Đây là thể loại đặc biệt ở ca dao. Theo Nguyễn Xuân Kính thì trong thơ bác học, không có tác phẩm nào chỉ có hai câu thất. Câu thất thường khẳng định:
Áo vá vai/ vợ anh không biết
Áo vá quàng/ chí quyết vợ anh
Hai cặp song thất càng tăng thêm sự khẳng định, sự kết luận chắc chắn:
Trầu không vôi/ ắt là trầu lại mình
Cau long hạt/ ắt là cau già
Mình không lấy ta/ ắt là thiệt
Ta không lấy mình/ ta biết lấy ai.
- Thể vãn:
Thể vãn là thể đặc trưng trong hát dặm Nghệ Tĩnh. Thể văn gồm những câu 4,5,6 và vần chân cứ mỗi đoạn lại lặp lại hai câu:
Thể văn kết hợp với thể lục bát làm cho tiết tấu và vần điệu thơ phong phú, có khả năng diễn đạt những cung bậc khác nhau của tình cảm.
Thể lục bát kết hợp với thể văn tạo cho bài ca có thể vững chắc, là điểm nhấn kết vấn đề, ngăn lại dòng kể lể lan man của thể văn. Có nhiều luc phải kể lể sự tình, phải bộc bạch nỗi ấm ức trong lòng, câu thơ lục bát kéo dài ra sẽ làm hạn chế chức năng của nó, vì thế thể lục bát kết hợp với thể văn để bài ca có giọng kể lể dẫn dắt.
- Thể hỗn hợp:
Đây là thể kết hợp nhiều thể khác nhau trong một lời ca. Chẳng hạn lời ca sau đây kết hợp giữa các câu có số chữ khác nhau: 6+ 4+ 4+ 4+ 4+ 6/8:
Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước.
* Cấu trúc ngữ nghĩa:
- Cấu trúc lời đơn
Đây là dạng cấu trúc chỉ có một vế đơn
“Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ba làm mười
- Cấu trúc lời đôi:
+ Cấu trúc đối giải: Đây là kiểu cấu trúc đối đáp để giải bày tâm sự:
“Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng mở lối ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn đào mở lối nhưng chưa ai vào”.
* Nhân vật, biểu tượng
- Nhân vật trong ca dao không phải là nhân vật tính cách mà là nhân vật trữ tình - tâm trạng:
“Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng”.
Hay đó là nhân vật của những nét tính cách:
“Gặp đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này có lấy anh không?”
Xây dựng nhân vật tâm trạng, chủ yếu là tâm trạng tình yêu mà nét buồn nhớ vẫn là nét chủ yếu trong tâm trạng tình yêu.
Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng. Trong ca dao có rất hiều hình tượng mang tính biểu tượng.
+ Biểu tượng con cò: con cò tượng trưng cho ngời nông dân Việt Nam cần cù, chất phác:
“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo tiễn chồng tiếng khóc nỉ non”.
* Đặc trưng ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong ca dao có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường.
Cách dùng từ trau chuốt, mượt mà, ý nhị:
- “Bây giờ Mận mới hỏi Đào
Vườn hồng mở lối ai vào hay chưa”.
- Có khi dùng từ nặng trĩu khẩu ngữ:
- “Chồng gì anh/ vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây".
* Không gian và thời gian nghệ thuật
- Không gian trong ca dao là không gian làng quê, không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt, không gian xã hội, là không gian vật lí thường gặp như dòng sông, con thuyền, cái cầu, bờ ao, cây đa, mái đình... Trong đó, không gian làng quê, không gian xã hội chiếm số lượng nhiều nhất.
- “Vào vườn trảy quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu”.
- “Cậu cai buông áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa”.
- Thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian viễn xướng. Dấu hiệu biểu hiện qua các từ “bây giờ”, “hôm nay”, “chiều chiều”, “bữa nay”, “đêm đêm”, ...Thời gian trong ca dao là thời gian của tâm tưởng, của quá khứ gần. Các từ chỉ thường đứng đầu câu để làm trạng ngữ.
-“Đêm qua chung bóng chung hơi
Bây giờ kẻ ngược người xuôi mặc lòng”.
Chương 2 : Đặc trưng không gian và thời gian trong ca dao
2.1 Đặc trưng thời gian trong ca dao
Trong ca dao,tác giả với tư cách là một cá nhân- cá thể, là một cái tôi trữ tình riêng biệt, tách biệt với cộng đồng không được biểu lộ ra. Chính đó là điều tạo ra sắc điệu trữ tình độc đáo của ca dao so với thơ trữ tình bác học. Tính độc đáo ấy cũng được thể hiện cả ở cách xử lí thời gian của ca dao.Trong những cuộc hát ca dao được cất lên.Tác giả bài ca hoàn toàn vắng mặt, trong thời điểm hiện tại của cuộc hát, ca dao được cất lên từ cửa miệng những người khác, ca dao được cả người diễn xướng lẫn người thưởng thức cùng như thể đang diễn đạt những cảm xúc- tâm lí nảy sinh từ chính trái tim mình ở vào khoảnh khắc dương thời đang tiếp diễn. Rút cục, trong ca dao, thời gian của tác giả và thời gian của người diễn xướng và cả thời gian của người thưởng thức hòa lẫn làm một. Thời gian đó luôn luôn là thời gian hiện tại (Điều này khác với thời gian trong truyện cổ tích luôn luôn là thời gian quá khứ phiếm định, khác với thời gian trong truyền thuyết luôn luôn là thời gian quá khứ xác định.)Ca dao sử dụng hàng loạt cụm từ để chỉ thời gian: “bây giờ”, “hôm nay”, “chiều chiều”, “đêm đêm”, “hôm qua”, “ đêm qua”, “sáng ngày”, “khi xưa”…Nói chung thời gian nghệ thuật trong ca dao vừa là thời gian thực tại khách quan, lại vừa là thời gian của sự tưởng tượng, hư cấu mang tính chủ quan của nhân vật trữ tình.Khi thời gian thuộc về đối tượng phản ánh thì đó là thời gian thực tại được ca dao tái hiện lại. Ví dụ như cách tính thời gian trong những bài ca nông lịch.: Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà… .Ở đây chu kì thời vụ được tính bằng tháng. Bài ca cho thấy tính chất dồn dập của công việc nhà nông hết tháng này sang tháng khác trong năm, đồng thời cũng hé lộ tính lặp lại đều đều của thứ “nông lịch” ấy từ năm này sang năm khác. Qua đó, bài ca diễn đạt, một cách nghệ thuật, tính cách kiên nhẫn, bền bỉ, sự chịu đựng không biết mệt mỏi của người làm ruộng.
Nhưng khi cần diễn đạt một sự dồn dập với tốc độ nhanh hơn, đòi hỏi một cường độ làm việc căng hơn, đơn vị thời gian sẽ không còn là tháng nữa, mà là ngày: Một ngày hai bận trèo non, Lấy gì mà đẹp mà giòn hỡi anh. Thậm chí đơn vị thời gian còn ngắn hơn cả ngày: Thân anh khó nhọc trăm phần, Sớm đi ruộnglúa, tối nằm ruộng dưa. Vội đi quên cả ăn trưa, Vội về quên cả trời mưa ướt đầu.
Thời gian tương lai gắn với lời nguyện ước :
- Bao giờ cho đến tháng mười
Nấu nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn
- Chừng nào muối ngọt chanh thanh
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng
Thời gian được đo bằng các sự kiện các dấu hiệu của sự vật :
Ngày đi trúc chửa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chai vè
Ngày về lúc đã đỏ hoe ngoài đồng
Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mangKhi thời gian chỉ là một yếu tố góp phần tạo nên hoàn cảnh, là một phương tiện nghệ thuật được mượn đến để làm phát lộ cảm xúc- tâm lí của nhân vật trữ tình thì thời gian hoàn toàn do chủ quan của nhân vật tưởng tượng hư cấu mà nên. Về cách sử dụng thời gian nghệ thuật hư cấu như thế này, chúng ta có một ví dụ thú vị sau: Tìm em đã tám hôm nay, Hôm qua là tám, hôm nay là mười“Những con số này rõ ràng là rất cụ thể, song đặt trong tương quan cả câu lại có thể không chính xác. Ở câu trên, tương quan giữa ba con số thời gian là một con số thiếu logic. Tại sao đã “tám hôm nay” rồi lại còn cộng thêm “hôm qua” và “hôm nay” lần nữa? Việc thiếu logic ở đây chỉ có thể giải thích bằng logic tâm trạng: sự bồn chồn của người đang yêu. Như vậy, thời gian ở đây chỉ là cái cớ, con số dù cụ thể song không nhất thiết phải chính xác.”(Trần Thị An. “Về một phương diện nghệ thuật của thơ ca tình yêu”,Tạp chí văn học,số 6-1990.)Trong những trường hợp như thế, thời gian thường mang tính tượng trưng, ước lệ để có thể dùng chung cho nhiều người, ở nhiều địa điểm và thời điểm khác nhau. Chẳng hạn: - Chiều chiều ra đứng bờ ao, Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờVới câu trên, chẳng ai lại bắt bẻ tại sao “chiều chiều” lại không thể trông thấy sao được? tất nhiên, có khi người hát mở đầu bằng “đêm qua’- nghe có vẻ hợp lí hơn. Nhưng thực ra ở đây ca dao không nhằm bảo đảm “cái lí thông thường” mà chỉ cốt biểu đạt ‘cái lí của lòng người”, “ cái logic của tâm trạng”. Và như vậy cũng là đảm bảo “cái lí của nghệ thuật”. Chính vì thời gian ở đây chỉ là ước lệ nên có thể thay thế “chiều chiều” bằng “đêm qua” và ngược lại, tùy người hát và thời điểm hát, cốt sao đảm bảo thể hiện được cảm xúc trữ tình trong bài hát,câu hát, tạo sự cảm thông, gần gũi giữa những người đang tham gia cuộc hát trong hiện tại.
Người bình dân nhìn nhận thời gian như là phương tiện để bộc lộ tình cảm. Cho nên, nhiều bài ca dao mà ở đó nhân vật trữ tình thường đối lập ngày với đêm và lấy đêm làm cái thời điểm để giãi bày hoài niệm, để thổ lộ nhớ thương như một nỗi niềm da diết:
− Nhớ ai đêm ngẩn ngày ngơ
Đêm mơ giấc ngủ, ngày mơ tiếng cười.
− Đêm nằm lưng chẳng bén giường
Trông cho mau sáng ra đường gặp em.
− Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ
Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.
− Đêm qua rót dĩa dầu đầy
Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.
− Đêm khuya gió mát trăng thanh
Trăng thanh thì có, bạn tình thì không.
Tần số xuất hiện của Chiều chiều trong kho tàng ca dao Việt Nam nói chung là rất cao. Nhiều tác giả đã xem chiều chiều là cái khoảnh khắc thời gian trữ tình đã trở thành công thức ngữ nghĩa nghệ thuật riêng của ca dao: “Người bình dân xưa với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm càng có nhiều khả năng cảm nhận thời khắc này như một sự trùng khớp giữa tâm cảnh và ngoại cảnh, tạo nên một vùng thẩm mỹ riêng độc đáo để kết tinh thành những bài ca dao phong phú với mẫu đề chiều chiều”
Thời gian đo đếm chính xác trong những lời ca dao sau đây được xem như là cái bằng chứng không thể chối cãi cho mối tình tha thiết và chung thuỷ của người phụ nữ bình dân:
Trồng tre trước ngõ ngay hàng
Tre lên mấy mắc, em thương chàng mấy năm
Thương chàng từ thuở mười lăm
Bước qua hăm mốt là sáu năm rõ ràng
Nghiêng tai nghe tiếng anh than
Nhất sanh nhì tử, một mình chàng mà thôi.
hoặc:
Ngó lên đám đất thổ
Có bầy chim đỗ
Một con mổ
Chín mười con bay
Em thương anh từ chín tháng nay
Còn ba tháng nữa là đầy một năm
Buồn sao buồn tối buồn tăm
Buồn ăn không đặng, buồn ngồi không yên
Ví dù cha dứt mẹ riềng
Khổ em em chịu cũng nguyền theo anh.
Một kiểu thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hồi tưởng thường được biểu hiện qua các cụm từ như hồi nào, khi xưa,… Tuy nhiên, thời gian hồi tưởng này có sự liên hệ mật thiết với thời gian hiện tại và làm thành cặp đối lập quá khứ − hiện tại biểu hiện qua các cặp từ như: “hồi nào” – “bây giờ”, “hồi” – “đến khi”, “năm ngoái” – “năm nay”… So với thời gian hiện tại, thời gian hồi tưởng quá khứ chỉ có tính chất kể lể và thường được đặt trong điểm nhìn hiện tại, và do đó, sự có mặt của thời gian hồi tưởng chỉ là một phương tiện để làm nổi bật thời hiện tại, thời gian diễn xướng của lời ca dao mà thôi:
− Hồi nào gạo trắng Quán Cau
Cá thu chợ Yến anh lắc đầu chê hôi
Bây giờ đáng số anh ơi
Một phần khoai hai phần đỗ anh thôi kén lừa.
− Hồi làm không thấy đến đây
Đến khi đong thóc chê vơi chê đầy.
− Hồi nào gánh nặng em chờ
Truông xa em đợi, bây giờ bỏ em.
− Con cu bay bổng qua sông
Hỏi thăm em bậu có chồng đâu chưa?
Có chồng năm ngoái ngày xưa
Năm nay chồng bỏ, như chưa có chồng.
Cặp đối lập hiện tại – tương lai thường ít xuất hiện nhưng cũng góp phần khắc sâu thời gian hiện tại trong sự trái ngược với tương lai – một tương lai phiếm định mà đầy bất trắc, và nhiều khi thấm đẫm nỗi buồn:
− Một mai nước lớn đò trôi
Cây khô lá rụng, bậu ngồi chờ ai?
− Một mai thiếp có xa chàng
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.
− Một mai cúc ngã lan quỳ
Bậu lo thân bậu, lo gì thân ta.
Cả hai sự đối lập ấy – hiện tại/quá khứ, hiện tại/tương lai – đều có tác dụng làm nổi bật thời hiện tại, tức là thời gian diễn xướng của người bình dân, đồng thời có tác dụng tạo nên cảm giác về sự vận động của thời gian, làm cho người nghe liên tưởng đến sự đổi thay trong cuộc sống theo chiều hướng đối lập. Đó là một hiện tại thường khác với thời quá khứ và thời tương lai, và do đó là cái cớ để người bình dân phô diễn cái tâm trạng yêu thương trách móc, buồn nhiều hơn vui của mình.
Nói chung thời gian nghệ thuật trong ca dao vừa là thời gian thực tại khách quan, lại vừa là thời gian của sự tưởng tượng, hư cấu mang tính chủ quan của nhân vật trữ tình.
2.2 Không gian trong ca dao
Không gian trong ca dao mang tính hai mặt: vừa là không gian thực tại khách quan như nó vốn tồn tại, vừa là không gian chỉ có trong hư cấu, tưởng tượng của nhân vật trữ tình.Không gian trong ca dao là không gian làng quê ,không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt ,không gian xã hội .Trong đó không gian làng quê và không gian xã hội chiếm số lượng nhiều :
2.2.1 Ca dao về làng quê :
Vườn vào trảy quả cau xanh
Bổ ra làm tám mời anh xơi trầu
Hôm qua anh đến nhà chơi
Thấy mẹ nằm võng thấy cha nằm giường
Cậu cai buông áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
- Giếng Ngọc Hồ vừa trong vừa mátVườn Ngọc Hồ thơm mát gầnø xaHỡi cô gánh nước tưới hoaCó cho anh được vào ra vườn nầy
- Kể từ ngày em xách nón theo chồngCon cá dưới sông nó khócCon chim trong vườn nó than.Kề tai thiếp dặn nhỏ chàngBuổi tiền duyên không đặng đông sàng thì thôi.Chầu rày em đã có đôi,Biết sao duyên mãn tình hồi nghĩa anh.
Rủ nhau ra tắm hồ senNước trong bóng mát hương chen cạnh mình.Cứ chi vườn ngọc ao quỳnhThôn quê vẫn thú hữu tình xa nay
Không gian xã hội :
- Ai làm cho chuối không cànhCho anh không vợ cắn quanh mẹ giàMẹ già như mẹ người taThì anh có vợ trong nhà đã lâuMẹ anh ác nghiệt cơ cầuCho nên anh chịu âu sầu đến nay
- Ai làm Ngưu Chức (*) đôi đàngĐể cho quân tử đa mang nặng tìnhThuyền quyên lấp ló dạng hìnhEm đành chẳng chịu gởi mình cho anhTrách ai nỡ phụ lòng thànhĐêm nằm thổn thức tam canh ưu sầuAi làm ra cuộc biển dâu (*)Gối luông chẳng đặng giao đầu từ đây.
- Gió đưa ông Đội về dinh Bà Đội tang tình xách nón chạy theo.
Không gian sinh hoạt :
- Chùa làng có một cái đầmNgười đem nhiều cá mỗi rằm phóng sinh
- Chùa làng một điện năm gianHàng năm giỗ Bụt cả làng dân qui
- Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
- Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Vợ chồng cày cấy, con trâu đi bừa
- Thật thà chăm chỉ thú quê
Chuyên nghề nông nghiệp là nghề vinh quang
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Không gian thiên nhiên :
- Hải Vân bát ngát nghìn trùng
Hòn hồng ở đấy là trong vịnh Hàn …
Xưa nay qua đấy còn thuyền
Lối đi Lỗ Giản thẳng miền ra khơi
- Nhất cao là núi Tản Viên
Nhất sâu là vũng thủy tiên cửa Vường
- Nhất cao là ngọn núi Vồng
Nhất rộng làng quyển, nhất đông chợ Giầu
-Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá, Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã Ba Sình. Lờ đờ bóng ngã trăng chênh, Tiếng hò xa vọng, nhắn tình nước non.
-Đường vô xứ Nghệ loanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Thương em anh những muốn vô, Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Phá Tam Giang ngày rày đã cạn, Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
-Gió đưa cành trúc la đà, Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Nhịp chày Yên Thế, mặt gương Tây Hồ.
Không gian của ca dao cũng là không gian động, khác với không gian vũ trụ bất biến và tĩnh tại của thơ ca trữ tình bác học:
Trên trời mây tầng cao tầng thấp
Dưới biển nước tầng cạn tầng sâu
Anh dạo chơi các nước chư hầu
Chưa thấy ai ăn nói thảm sầu như em.
Và điều đáng nói là cái không gian động ấy lúc nào cũng mang hơi thở phập phồng của cuộc sống xã hội với những quan hệ phức tạp giữa con người với nhau:
Hòn đá dưới sông rong rêu rều đóng
Ngọn cỏ trên bờ chịu những sương sa…
Em gặp anh đây cũng muốn dang ca
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời
Em gặp anh đây cũng muốn trao lời
Sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, người con gái trong lời ca dao nói trên dường như đã khiêm tốn hạ mình bằng thân phận nhỏ bé của hòn đá, ngọn cỏ với bao áp lực của cuộc đời. Cho nên, dẫu muốn trao lời với người thương nhưng lại phải nghĩ đi nghĩ lại vì cảm thấy sợ nhiều điều, trước hết là sợ cha, sợ mẹ. Nhưng cái Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời bắt nguồn từ chữ hiếu ấy xem ra chưa phải nỗi sợ lớn, vì:
Ví dầu cha mẹ không ưng
Đèn chai nhỏ nhựa em cùng lăn vô
Như vậy, sự khéo léo của câu hát không phải là sợ cha, sợ mẹ, sợ điều qua tiếng lại, mà là sợ một cái khác mang tính xã hội rộng lớn hơn: sợ sự phụ bạc của anh, sợ sự bất trắc của tình duyên, sợ chòm mây bạc giữa trời mau tan và đằng sau đó là sợ bia miệng của người đời. Cho nên, phải nói trước:
Sông sâu nhiều lạch
Chợ Bàn Thạch nhiều lươn
Nhắm bề thương đặng thời thương
Đừng trao gánh nặng giữa đường khổ em.
Nói chung, không gian nghệ thuật của ca dao nói về tình yêu đôi lứa chủ yếu là không gian nhỏ hẹp, trong phạm vi gia đình, làng xóm, gắn liền với cuộc sống lao động của người bình dân. Tuy có lúc cái không gian ấy được người bình dân mở rộng ra đến biển trời, đông tây nam bắc hoặc bằng cách đối lập cái hiện thực với cái phi hiện thực như trong lời ca dao dưới đây:
Đường đi những gộp cùng gành
Hiu hiu gió thổi trên cành cây rung
Dạo chơi khắp hết chín cung
Tấn Tần hai nước hiệp cùng Trường An
Trà xanh, rượu cúc bẽ bàng
Ta lên mừng bạn, chào nàng một câu.
nhưng xét cho kỹ thì đó cũng chỉ là không gian quen thuộc của làng quê, nơi các nhân vật diễn xướng đang đối đáp, trao duyên giữa các bạn hò với nhau.
Khi không gian là đối tượng phản ánh trực tiếp thì đó sẽ là không gian được tái hiện đúng như ngoài thực tại. Đó là những “xứ Huế”, xứ Nghệ”, xứ Quảng’, là “nước non Cao bằng”, là “núi Nùng – sông Nhị”, là “sông Hương- núi Ngự”…Trong ca dao những địa danh đó vang lên như những “âm thanh của đất” gợi nhớ đến các miền quê với những đặc điểm điển hình về phong thổ, cảnh vật, sản vật, những nghề truyền thống nổi tiếng. Nói chung, trong ca dao, “những không gian vật lí” ấy “là những không gian bình dị của làng quê” với cây đa, giếng nước, sân đình, ngõ chùa, ao sen, cánh đồng, lũy tre…tất cả hợp thành những “hoàn cảnh điển hình”, những bối cảnh không gian trữ tình cho sự nảy sinh cảm xúc- tâm lí của con ngừoi lao động chân chất, cần cù, giàu tình cảm cộng đồng. Trong ca dao “không gian xã hội” là nơi diễn ra mọi hoạt động đời sống, mọi mối quan hệ giữa người với người.Trong những câu hát than thân hay những câu hát yêu thương, nghĩa tình, nhất là trong những câu hát giao duyên, không gian xã hội ấy trở thành “không gian tâm trạng”: - “Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” “Gặp nhau đường vắng thì chào, Gặp nhau giữa chợ lao xao xin đừng” - “Đất đâu đất lạ đất lùng, Đi làm lại có thổ công ngồi bờ. Ngồi bờ lại chả ngồi không, Hai tay chống gối, mắt trông người làm”…Không gian tâm trạng ấy nhiều khi mang tính tượng trưng, hoặc không phải là tấm ảnh chụp nguyên xi không gian vật lí đúng như nó ở ngoài thực tại. Không gian ấy được chủ quan nhà nghệ sĩ dân gian sắp xếp lại sao cho “khớp” với cảm xúc- tâm lí của nhân vật trữ tình: “Chiều nay có kẻ thất tình, Tựa mai-mai ngả, tựa đình- đình xiêu” “Ra đi anh có lời thề, Dù đất Thổ Sơn có mất máu đỏ anh cũng trở về với em” “Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi”Ngay cả không gian xã hội cũng có thể sắp xếp lại được: “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ dân nổi can qua, Con vua thất thế lại ra quét chùa”Phần lớn không gian trong ca dao mang tính phiếm chỉ với những “cầu”, “quán”, “cây đa”, “bến đò”…: - “Qua cầu ngả nón trông cầu, Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu” “Cây đa cũ, bến đò xưa, Bộ hành có nghĩa nắng mưa vẫn chờ”.Đó là những không gian mang tính cá thể hóa có thể được nhiều “nhân vật diễn xướng” sử dụng trong những bối cảnh khác, thích hợp với những gì chung nhất của cảm xúc- tâm lí của nhiều người đến mức trở thành không gian ước lệ mở ra khoảng không rộng lớn cho sự cộng cảm giữa người sáng tácvới người diễn xướng, giữa người diễn xướng với người thưởng thức. Đó là một trong những “điều bí mật” tạo nên sức hấp dẫn muôn đời của ca dao.
KẾT LUẬN
Ca dao là tấm gương phản chiếu trung thành và sâu sắc hiện thực đời sông của người dân gắn với những tình cảm bình di mà thấm đẫm tình người .
Qua thời gian ca dao đã không ngừng đổi mới về nội dung mà còn đổi mới về thi pháp .
Về không gian ,không gian trong ca dao là không gian không cụ thể ,khó xác định mang đặc điểm chung nhất ,phổ biến nhất của dải đất nước Việt Nam Không gian làng quê ,không gian thiên nhiên ,không gian sinh hoạt ,không gian xã hội ,là những không gian vật lý thường gặp như dòng sông ,con thuyền ,cái cầu ,bờ ao ,cây đa ,mái đình …
Thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại , thời gian diễn xướng .Và Likhachốp trong cuốn Thi pháp Văn học Nga cổ đã nói “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả − là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”
Không gian và thời gian trong ca dao đi liền với nhau.
Không gian và thời gian trong ca dao là yếu tố quan trọng cho quá trình gợi hứng của lời thơ ,là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của ca dao so với các thể loại khác .Không gian và thời gian là đặc trưng cơ bản tạo nên sự phong phú và giàu ý nghĩa của ca dao ,góp phần đưa ca dao Việt Nam đạt đến giá trị thẩm mỹ trọn vẹn hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.
2. ThS Trần Tùng Chinh, “Chiều chiều” trong ca dao dân ca trữ tình”, Thông tin khoa học số 19, tháng 9/2004, Đại học An Giang .
3.Nguyễn Xuân Kính (2000), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội.
4.Trần Thị An. “Về một phương diện nghệ thuật của thơ ca tình yêu”, Tạp chí văn học, số 6-1990.
5.Nguyễn Xuân Kính (2004),Thi pháp ca dao ,Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
6.Likhachốp (1979), Thi pháp Văn học Nga cổ ,NXB Matxcơva .
7.Vũ Ngọc Phan (1978).Tục ngữ ,ca dao dân ca Việt Nam ,Nxb KHXH,H.
8.Lê Tường Phát(2000),Thi pháp văn học dân gian,Nxb GD,H.
9.Lê Đức Luận (2005) ,Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt ,Luận án TS.Ngữ văn .
10.Bùi Mạnh Nhị (2001) ,Văn học dân gian ,những công trình nghiên cứu,Nxb GD,H.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đặc trưng của không gian ,thời gian trong ca dao.doc