Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng ngoài cá nhân còn có pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và không phải lúc nào các chủ thể đó cũng có thể tự mình tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, lúc đó cần phải có một người thay mặt chủ thể thực hiện các giao dịch dân sự đó. Chính vì vậy mà Bộ luật dân sự Việt Nam đã dành một chương để quy định về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự. Đây là một chế định truyền thống của Luật Dân sự, thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo trong cách thức tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các chủ thế. Trong phạm vi bài nghiên cứu, em xin trình bày một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến vấn đề đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự, từ đó đưa đên những nhận thức đúng đắn, rõ ràng về chế định này.
1-Lý luận chung
2-Các quy định của pháp luật hiện hành về đại diện.
3. Thực tiễn áp dụng chế định đại diện.
19 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6310 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng ngoài cá nhân còn có pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và không phải lúc nào các chủ thể đó cũng có thể tự mình tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, lúc đó cần phải có một người thay mặt chủ thể thực hiện các giao dịch dân sự đó. Chính vì vậy mà Bộ luật dân sự Việt Nam đã dành một chương để quy định về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự. Đây là một chế định truyền thống của Luật Dân sự, thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo trong cách thức tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các chủ thế. Trong phạm vi bài nghiên cứu, em xin trình bày một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến vấn đề đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự, từ đó đưa đên những nhận thức đúng đắn, rõ ràng về chế định này.
NỘI DUNG
1-Lý luận chung
a/Khái niệm đại diện
Theo quy định tại khoản 1 Điều 139 BLDS 2005 thì: “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm quyền đại diện”.
Như vậy, có thể thấy rằng đại diện là một quan hệ pháp luật dân sự bao gồm hai bên chủ thể là người đại diện và người được đại diện. Quan hệ đại diện còn là căn cứ làm phát sinh thêm quan hệ giữa người đại diện với người thứ ba theo ý chí của người được đại diện và vì lợi ích của người được đại diện. Mọi cá nhân đều có quyền xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người khác. Tuy nhiên với những giao dịch mà pháp luật quy định cá nhân phải tự mình xác lập, thực hiện thì không được phép đại diện như không được ủy quyền cho người khác thực hiện các công việc liên quan đến yếu tố nhân thân.
b/Đặc điểm của quan hệ đại diện.
Quan hệ đại diện cũng mang đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự nói chung. Đó là: Thứ nhất có sự đa dạng về chủ thể tham gia gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Thứ hai, các chủ thể tham gia luôn quan tâm đến những lợi ích vật chất hoặc tinh thần nhất định. Thức ba, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Thứ tư, trách nhiệm pháp luật mà các chủ thể phải gánh chịu liên quan đến tài sản.
Ngoài những đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự nói chung, quan hệ đại diện còn có các đặc điểm riêng sau đây:
Đại diện làm phát sinh hai mối quan hệ cùng tồn tại song song: quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện (quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người đại diện với người thứ ba (quan hệ bên ngoài). Trên thực tế vẫn tồn tại mối quan hệ về lợi ích và trách nhiệm giữa người được đại diện với người thứ ba (còn gọi là mối quan hệ gián tiếp).
Người đại diện là người nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba. Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lý từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện. Người được đại diện có thể là cá nhân không có năng lực hành vi dân sự, chưa đủ năng lực hành vi dân sự nên theo quy định của pháp luật, phải có người đại diện trong quan hệ pháp luật. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có thể ủy quyền cho người khác là đại diện theo ủy quyền của mính. Các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác đều hoạt động thông qua hành vi của những người nhất định có thẩm quyền đại diện cho chủ thể đó.
Mục đích của người đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba là vì lợi ích của người được đại diện. Còn lợi ích của người đại diện, trong quan hệ đại diện theo ủy quyền, họ có thể được hưởng tiền thù lao nếu có thỏa thuận, còn trong quan hệ đại diện theo pháp luật thì đó là nghĩa vụ của người đại diện và không được hưởng các lợi ích vật chất cụ thể từ quan hệ này.
Quan hệ đại diện có thể được xác định theo quy định của pháp luật, có thể được xác định theo ý chí của các chủ thể tham gia thông qua giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền. Trong phạm vi thẩm quyền đại diện, người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, đem lại quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện.
c/ Ý nghĩa của việc quy định đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự
Đại diện là một công cụ pháp lý hữu hiệu để các chủ thể thực hiện được tất cả các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình một cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Bởi không phải lúc nào chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự cũng có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Có thể do nguyên nhân khách quan như chưa đủ độ tuổi luật định, hay bị mắc bện tâm thần làm mất năng lực hành vi dân sự hay bị hạn chế năng lực hành vi dấn sự. Khi đó hình thức đại diện theo pháp luật sẽ là một giải pháp giúp họ vẫn được hưởng các quyền và lợi ích từ các giao dịch thông qua người đại diện của họ. Ngoài ra, một số người có đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia vào các giao dịch nhưng họ lại muốn người khác thay họ thực hiện vì lý do thời gian, sức khỏe hay kinh nghiệm hiểu biết trong lĩnh vực giao dịch đó thông qua việc ký kết hợp đồng ủy quyền. Còn đối với các chủ thể pháp lý (pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) mà quyền lợi mang tính cộng đồng thì việc tham gia giao dịch dân sự bắt buộc phải thông qua hành vi của con người. Do đó chế định đại diện sẽ tạo điều kiện và đem lại lợi ích tốt nhất cho các chủ thể khác ngoài cá nhân.
Như vậy, chế định đại diện không chỉ thỏa mãn quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự mà còn là công cụ pháp lý hữu hiệu để Nhà nước kiểm soát quan hệ đại diện theo một trật tự chung.
d/Quy định của pháp luật về đại diện.
Chế định đại diện đã được quy định ngay từ Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước ta – Bộ luật Dân sự 1995. Trong BLDS 1995 thì chế định đại diện được quy định trong chương VI, phần thứ nhất của bộ luật bao gồm 10 điều từ Điều 148 đến Điều 157.
Đến BLDS 2005 thì chế định đại diện được quy định trong chương VII, phần thứ nhất của bộ luật, vẫn bao gồm 10 điều từ Điều 139 đến Điều 148. Trong đó Điều 140 (đại diện theo pháp luật) và Điều 141 (đại diện theo ủy quyền) là vẫn giữ nguyên so với quy định tương ứng tại BLDS 1995. Các điều còn lại đều đã được sửa đổi, bổ sung.
2-Các quy định của pháp luật hiện hành về đại diện.
a/Các hình thức đại diện.
* Đại diện theo pháp luật:
Theo Điều 140 BLDS 2005 quy định “Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc do cơ quan nhà nước quyết định”.
Căn cứ hình thành: Do ý chí của nhà nước. Pháp luật quy định mối quan hệ đại diện được xác lập dựa trên các mối quan hệ tồn tại sẵn có chứ không phụ thuộc vào ý chí hay sự định đoạt của các chủ thể.
Người đại diện theo pháp luật theo Điều 141 quy định bao gồm:
Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
Người giám hộ đối với người được giám hộ.
Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình.
Tổ trưởng tổ hợp tác đối với hộ gia đình.
Những người khác theo quy định của pháp luật.
Về điều kiện đối với người đại diện và người được đại diện:
Người được đại diện nếu là cá nhân thì phải là người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, người mắc bệnh tâm thần hoăc bệnh khác mà không nhận thức và làm chủ hành vi của mình, người bị Tòa án ra quyết định hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đây là những đối tượng mà bản thân họ không thể trực tiếp tham gia vào bất kỳ giao dịch nào nên pháp luật quy định sẵn những chủ thể có nghĩa vụ bảo về quyền lợi của họ trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Các chủ thể còn lại là một tổ chức nên khi tham gia vào các giao dịch dân sự bắt buộc phải thông qua người đại diện cụ thể.
Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Và để nhận biết quan hệ đại diện theo pháp luật phải dựa vào các căn cứ:
Đối với con chưa thành niên căn cứ vào giấy khai sinh.
Đối với người được giám hộ căn cứ vào xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường nơi người giám hộ cư trú.
Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự căn cứ vào quyết định của Tòa án khi tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đối với pháp nhân căn cứ vào Đăng ký kinh doanh, Điều lệ hay Quyết định thành lập pháp nhân.
Đối với hộ gia định căn cứ vào Sổ hộ khẩu.
Đối với tổ hợp tác căn cứ vào hợp đồng hợp tác có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường.
* Đại diện theo ủy quyền:
Khoản 1 Điều 142 BLDS 2005 quy định “Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện”.
Căn cứ xác lập: dựa trên ý chí của hai bên chủ thể, người đại diện và người được đại diện tự thỏa thuận với nhau về nội dung ủy quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện và trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền.
Điều kiện của chủ thể tham gia quan hệ đại diện theo ủy quyền: hai bên chủ thể của quan hệ đại diện theo ủy quyền đều phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 BLDS “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện”. Đây là một điểm khác biệt so với BLDS 1995, trong BLDS 1995 quy định “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được làm người đại diện theo uỷ quyền”.
Đại diện theo ủy quyền có hai loại: đại diện theo ủy quyền của cá nhân và đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Đối với đại diện theo ủy quyền của cá nhân thì trong trường hợp vì lý do chủ quan hay khách quan, cá nhân có thể thông qua một cá nhân khác hoặc một pháp nhân để đại diện cho họ xác lập các giao dịch dân sự. Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác: Đối với pháp nhân, theo khoản 1 Điều 143 BLDS 2005 thì “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Đối với hộ gia đình, theo khoản 1 Điều 107 BLDS “…Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện cho hộ trong quan hệ dân sự”. Đối với tổ hợp tác, khoản 1 Điều 113 BLDS quy định “Tổ trưởng tổ hợp tác có thể ủy quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ”. Như vậy, đối với hộ gia đình và tổ hợp tác thì người được ủy quyền chỉ có thể là thành viên trong hộ gia đình và tổ hợp tác. Còn đối với pháp nhân thì phạm vi những người được ủy quyền cho pháp nhân không được quy định rõ.
Về hình thức ủy quyền: khoản 2 Điều 142 BLDS 2005 quy định “Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản”. Hình thức ủy quyền là do các bên tự thỏa thuận với nhau. Đó có thể là hình thức viết tay thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền, có thể là hình thức miệng. So với BLDS 1995 thì BLDS 2005 quy định hình thức ủy quyền rộng hơn, nó không bắt buộc phải lập thành văn bản như khoản 2 Điều 151 BLDS 1995. Tuy nhiên để đảm bảo cho việc ủy quyền có hiệu lực và được công nhận và để cho Tòa án có căn cứ giải quyết các tranh chấp xảy ra thì các bên phải chứng minh quan hệ ủy quyền đó. Đối với hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền thì phải có công chứng, chứng thực. Đối với ủy quyền bằng miệng thì phải có căn cứ chứng minh quan hệ ủy quyền đó tồn tại hoặc tất cả các bên quan hệ đều phải thừa nhận có quan hệ ủy quyền.
Ý nghĩa: Đại diện theo ủy quyền là phương tiện pháp lý cần thiết tạo điều kiện cho cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ dân sự, bằng nhiều hình thức khác nhau có thể tham gia vào giao dịch dân sự một cách thuận lợi nhất, bảo đảm thỏa mãn nhanh chóng các lợi ích vật chất, tinh thần mà chủ thể quan tâm.
b/Phạm vi đại diện.
Phạm vi đại diện là giới hạn quyền và nghĩa vụ của người đại diện trong việc nhân danh người được đại diện xác lập và thực hiện giao dịch dân sự với một người thứ ba.
Phạm vi đại diện được quy định trong Điều 144 BLDS 2005, theo đó tùy thuộc vào quan hệ đại diện là đại diện theo pháp luật day đại diện theo ủy quyền mà phạm vi đại diện là khác nhau:
Đại diện theo pháp luật: “Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện” (khoản 1 Điều 144). Như vậy, pháp luật cho phép người đại diện theo pháp luật có quyền chủ động tối đa trong việc lựa chọn, xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến người được đại diện nhưng phải xuất phát từ lợi ích của người được đại diện. Trong trường hợp đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, chính vì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng nên người đại diện chỉ đóng vai trò giám sát, đồng ý hay không đồng ý cho xác lập giao dịch dân sự.
Đại diện theo ủy quyền: “Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền” (khoản 2 Điều 144). Phạm vi thẩm quyền của người đại diện theo ủy quyền được xác định trong chính văn bản ủy quyền. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện các hành vi pháp lý trong khuôn khổ văn bản ủy quyền quy định.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người thứ ba, là người xác lập giao dịch dân sự với người đại diện, khoản 4 Điều 144 BLDS quy định nghĩa vụ của người đại diện phải thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi thẩm quyền đại diện của mình. Để ngăn ngừa và loại trừ những giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện có thể đem lại hậu quả bất lợi cho người được đại diện thì “Người đại diện cũng không được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (khoản 5 Điều 144).
Ý nghĩa của việc xác định phạm vi đại diện: Việc xác định phạm vi đại diện không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được đại diện mà còn bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba xác lập giao dịch dân sự với người đại diện. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người được đại diện với người thứ ba chỉ phát sinh khi người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện của mình. Ngoài ra đây còn là căn cứ để xem xét tính hiệu lực của một số giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện. Trường hợp không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện thì người đại diện phải tự chịu trách nhiệm.
* Trường hợp không có thẩm quyền đại diện và vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện:
Như chúng ta đã biết, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người được đại diện trong phạm vi đại diện. Còn đối với trường hợp giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện thì thì hậu quả pháp lý của nó được quy định trong Điều 145, Điều 146 BLDS 2005.
Giao dịch dân sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập, thực hiện: Theo khoản 1 Điều 145 BLDS thì giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời gian ấn định. Nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
Tuy giao dịch dân sự đó không có giá trị đối với người được đại diện nhưng giao dịch dân sự đã xác lập có giá trị thi hành hay không phụ thuộc vào quyết định của người đã giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện. Nếu người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn xác lập giao dịch thì giao dịch đó không có hiệu lực. Còn nếu người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc không có thẩm quyền đại diện thì: Người đã giao dịch có thể chấp nhận giao dịch đã xác lập với người không có thẩm quyền đại diện và có quyền yêu cầu người không có thẩm quyền đại diện thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đối với mình. Người không có thẩm quyền đại diện vẫn phải chịu trách nhiệm đối với giao dịch mà mình đã xác lập. Hoặc người đã giao dịch có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch đã xác lập và yêu cầu người không có thẩm quyền đại diện bồi thường thiệt hại cho mình (khoản 2 Điều 145).
Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện: Theo khoản 1 Điều 146 thì giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối thì giao dịch đó vẫn có giá trị đối với người được đại diện. Đối với người đã giao dịch với người đại diện, nếu họ không biết về việc vượt quá phạm vi đại diện thì có quyền hoặc yêu cầu người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Còn trường hợp người đã giao dịch với người đại diện biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi thẩm quyền mà vẫn xác lập giao dịch thì giao dịch đó sẽ vô hiệu. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 146 BLDS).
c/Chấm dứt đại diện.
Cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác, quan hệ đại diện không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ phải chấm dứt khi có các sự kiện pháp lý nhất định xảy ra. Khi chấm dứt đại diện, mọi hậu quả pháp lý phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện đều không có giá trị pháp lý đối với người được đại diện. Các hình thức đại diện được chấm dứt trong các trường hợp sau:
* Chấm dứt đại diện theo pháp luật:
Chấm dứt đại diện theo pháp luật của cá nhân: theo quy định tại khoản 1 Điều 147 BLDS thì đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau:
Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục. Trong trường hợp này người được đại diện đã đủ năng lực hành vi dân sự để tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Người được đại diện chết làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ trong mọi quan hệ pháp luật trong đó có quan hệ đại diện.
Các trường hợp khác do pháp luật quy định như trường hợp người đại diện của cá nhân không có đủ điều kiện để làm người đại diện.
Chấm dứt đại diện theo pháp luật của pháp nhân: theo khoản 1 Điều 148 BLDS 2005 “Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt”. Đó là các trường hợp: pháp nhân bị Tòa án tuyên bố phá sản hay có quyết định giải thể hay bị chia tách, hợp nhất, sáp nhập.
Chấm dứt đại diện theo pháp luật của hộ gia đình, tổ hợp tác: quan hệ đại diện của tổ hộ gia đình và tổ hợp tác sẽ chấm dứt khi hộ gia đình hoặc tổ hợp tác đó chấm dứt tồn tại. Ngoài ra còn chấm dứt khi người đại diện theo pháp luật của hộ gia đình, tổ hợp tác không còn đủ điều kiện đại diện thì sẽ có các chủ thể khác thay thế vị trí đại diện của họ.
* Chấm dứt đại diện theo ủy quyền:
Theo khoản 2 Điều 147 thì đại diện theo ủy quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc ủy quyền đã hoàn thành;
Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;
Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Và khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.
Theo khoản 2 Điều 148 BLDS 2005 thì đại diện theo ủy quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau:
Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc ủy quyền đã hoàn thành;
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;
Pháp nhân chấm dứt hoặc người được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với pháp nhân hoặc pháp nhân kế thừa.
Có thể thấy các trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền của cá nhân và pháp nhân là tương đối giống nhau. Đối với cả hai trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền của cá nhân và pháp nhân cần phải chú ý:
Thứ nhất, về thời hạn ủy quyền thì do các bên tự thỏa thuận. Nếu các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn hoặc pháp luật không quy định thì quan hệ ủy quyền chỉ kéo dài một năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 582 BLDS 2005).
Thứ hai, nếu thời hạn ủy quyền đã hết mà công việc được ủy quyền chưa hoàn thành thì quan hệ ủy quyền vẫn bị chấm dứt. Do đó các bên cần phải cân nhắc tính chất công việc ủy quyền để xác định thời hạn ủy quyền phù hợp.
Thứ ba, trường hợp chấm dứt ủy quyền theo ý chí của một bên mà gây thiệt hại cho chủ thể phía bên kìa thì phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đó. Ngoài ra theo điều 589 BLDS 2005 còn quy định trường hợp hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi một trong hai bên tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền.
d/Đánh giá chung về các quy định của pháp luật hiện hành về đại diện.
Có thể thấy rằng Bộ luật dân sự 2005 đã quy định khá chặt chẽ, đầy đủ về vấn đề đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự. Nhà làm luật đã dự liệu, quy định khá chi tiết các vấn đề có thể phát sinh nhằm hạn chế mức thấp nhất những khiếm khuyết của chế định này. Vấn đề được đặt ra ở đây không phải là quy định của pháp luật mà là về thái độ, hành vi của người đại diện khi thay mặt người được đại diện tham gia các giao dịch dân sự. Khi người đại diện đã thay mặt người được đại diện tham gia các giao dịch dân sự thì họ có toàn quyền trong phạm vi đại diện của mình. Do đó sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, tư lợi, gây thiệt hại cho người được đại diện vì người được đại diện không thể quản lý hết được việc đại diện. Vì vậy người được đại diện đặc biệt là trong trường hợp đại diện theo ủy quyền cần phải cân nhắc, lựa chọn người đại diện thích hợp, đáng tin cậy và phải có những biện pháp quản lý việc đại diện. Và người đại diện phải nhận thức rõ vai trò, nghĩa vụ của mình, thực sự có trách nhiệm trong phạm vi đại diện và phải vì lợi ích của người được đại diện.
3. Thực tiễn áp dụng chế định đại diện.
Trong thực tế, chế định đại diện được áp dụng khá phổ biến trong các quan hệ dân sự. Và cũng từ đó làm phát sinh nhiều tranh chấp. Những tính huống thực tế dưới đây sẽ cho thấy một vài tranh chấp điển hình trong thực tế liên quan đến vấn đề đại diện.
Trước hết, đó là áp dụng chế định trong tố tụng dân sự mà cụ thể là việc xác định tư cách đương sự.
Tình huống thứ nhất: Vụ án tranh chấp về bảo hiểm xã hội có nội dung như sau: Bà Nguyễn Thị Sinh và ông Nguyễn Văn Cường có một con chung là cháu Nguyễn Thị Dung sinh năm 1992. Ông Cường có một con riêng là anh Nguyễn Thế An sinh năm 1980. Năm 1997 ông Cường và bà Sinh ly hôn. Tháng 3/2000 ông Cường chết. Bảo hiểm tỉnh Yên Bái giải quyết tiền mai táng phí cho anh An với số tiền bằng 8 tháng lương của ông Cường là 960.000 đồng và lập sổ trợ cấp tuất hàng tháng cho cháu Nguyễn Thị Dung nhưng do anh An đứng tên trong sổ lãnh tiền. Bà Nguyễn Thị Sinh đã khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái yêu cầu được nhận số tiền tuất hàng tháng của ông Cường mà cháu Dung được hưởng. Bản án sơ thẩm số 01/2004/LĐ-ST ngày 9/12/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã xác định: nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sinh, bị đơn là Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái. Bản án đã quyết định: buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả cho bà Nguyễn Thị Sinh số tiền tuất hàng tháng mà cháu Nguyễn Thị Dung được hưởng.
Trong vụ án trên, có thể thấy Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định tư cách đương sự (nguyên đơn). Người được hưởng quyền lợi ở đây là cháu Dung con bà Sinh và ông Cường. Do cháu Dung mới 12 tuổi mà theo khoản 4 Điều 57 BLTTDS thì “Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”. Và bà sinh là người đại diện theo pháp luật cho cháu Dung theo khoản 1 Điều 141 BLDS. Nên bà Sinh chỉ là người đại diện cho cháu Dung kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái để đòi quyền lợi cho cháu Dung. Do đó trong bản án phải xác định cháu Dung là nguyên đơn do bà Sinh – mẹ của cháu Dung là người đại diện. Do xác định sai tư cách đương sự nên bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã quyết định không chính xác. Nếu theo quyết định của Tòa án thì bà Sinh sẽ là người được sở hữu số tiền mà cháu Dung được hưởng nhưng thực tế thì bà chỉ là người đại diện lãnh số tiền hàng tháng. Trong trường hợp này cần phải quyết định: buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái trả cho cháu Dung tiền tuất hàng tháng của ông Cường mà cháu Dung được hưởng đến khi 18 tuổi.
Như chúng ta đã biết thì người đại diện theo pháp luật có toàn quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích cho người được đại diện. Trường hợp người đại diện theo pháp luật vì lợi ích của người được đại diện đứng ra khởi kiện thì trong bản án cần phải xác định người được đại diện là nguyên đơn chứ không phải người đại diện là nguyên đơn. Còn trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác khởi kiện hay bị khởi kiện thì bản bản án cũng phải xác định pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác đó là nguyên đơn hay bị đơn chứ không phải người đại diện theo pháp luật. Trong thực tế đã có rất nhiều bản án xác định không đúng tư cách đương sự khi người đại diện của cá nhân hay tổ chức tham gia tố tụng dân sự. Để tránh tình trạng nhầm lẫn trên đòi hỏi Tòa án cần phải nghiên cứu kỹ vụ án, xác định rõ tư cách của chủ thể khi tham gia tố tụng và vì lợi ích của chủ thể nào.
Ngoài ra vấn đề đại diện theo ủy quyền cũng làm phát sinh nhiều tranh chấp:
Tình huống thứ 2: Công ty TNHH hai thành viên Á Đông giao kết hợp đông bán máy in với công ty cổ phần Thiên Minh với giá trị hợp đồng là 800 triệu đồng. Hợp đồng do giám đốc hai công ty trực tiếp ký kết. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty Á Đông đã giao đủ hàng cho công ty Thiên Minh. Hết thời hạn thanh toán công ty Thiên Minh mới chỉ thanh toán 300 triệu đồng cho công ty Á Đông. Khi công ty Á Đông yêu cầu công ty Thiên Minh thanh toán số tiền còn thiếu, công ty Thiên Minh đưa ra lý do Giám đốc – người đã ký hợp đồng trên là không đúng quy định. Do điều lệ công ty Thiên Minh có quy định: Chủ tịch Hội đồng quản trị là đại diện theo pháp luật của công ty và Giám đốc chỉ được kí các hợp đồng với tổng giá trị dưới 600 triệu đồng. Công ty Thiên Minh đã có đơn đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, Tòa án đã quyết định bác đơn đề nghị của công ty Thiên Minh và buộc công ty Thiên Minh phải thanh toán số tiền còn thiếu cho công ty Á Đông.
Quyết định trên của Tòa án là hoàn toàn chính xác bởi: Theo dữ liệu tình huống thì Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là người đại diện theo pháp luật của công ty Thiên Minh. Giám đốc công ty chỉ được ủy quyền giao kết các hợp đồng có tổng giá trị dưới 600 triệu nhưng Giám đốc công ty đã ký hợp đồng trị giá 800 triệu với công ty Á Đông là vượt quá phạm vi đại diện. Việc xử lý hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định tại Điều 146 BLDS 2005. Theo đó: Nếu Giám đốc ký kết hợp đồng với công ty Á Đông mà người được đại diện là công ty Thiên Minh do Chủ tịch hội đồng quản trị là đại diện theo pháp luật không biết hoặc không đồng ý thì Công ty Thiên Minh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần giao dịch nằm trong phạm vi đại diện của Giám đốc và chỉ có thể đề nghị tòa án tuyên bố vô hiệu đối với phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện. Còn nếu công ty đồng ý hoặc biết việc Giám đốc ký kết, thực hiện hợp đồng này nhưng không phản đối thì công ty Thiên Minh phải thực hiện cả phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện của Giám đốc. Trong tình huống công ty Thiên Minh đã thanh toán cho công ty Á Đông 300 triệu đồng chứng minh rằng công ty Thiên Minh mà cụ thể là Chủ tịch hội đồng quản trị đã biết việc giám đốc ký kết, thực hiện hợp đồng với công ty Á Đông nhưng không hề phản đối. Vì vây không thể tuyên bố hợp đồng trên là vô hiệu và công ty Thiên Minh có nghĩa vụ phải thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.
Tình huống thứ 3: Năm 2003, theo yêu cầu của công ty ông Trần Lâm vào làm việc tại chi nhánh công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã làm hợp đồng ủy quyền cho em trai là ông Trần Lãm sử dụng căn nhà ở số 68 phố Trần Thánh Tông thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh trong thời gian ông đi vắng. Năm 2006, ông Lãm đem giấy tờ của căn nhà số 68 phố Trần Thánh Tông thế chấp để vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Sau khi hết thời hạn thanh toán mà ông Lãm vẫn chưa hết số nợ, ngân hàng đã đưa căn nhà ra bán đấu giá để trừ nợ. Biết tin căn nhà của mình bị ngân hàng đưa ra bán đấu giá, ông Lâm đã kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long đòi lại căn nhà vì cho rằng hợp đồng thế chấp giữa ông Lãm với ngân hàng là không có hiệu lực. Trong tình huống trên chúng ta cần xem xét: Thứ nhất về hợp đồng ủy quyền giữa ông Lâm và ông Lãm, đây là hợp đồng hợp pháp với nội dung là ủy quyền cho ông Lãm sử dụng căn nhà ở số 68 phố Trần Thánh Tông thành phố Hạ Long trong thời gian ông Lâm vắng mặt. Như vậy xét theo hợp đồng ủy quyền thì ông Lãm chỉ là người thay mặt ông Lâm sử dụng căn nhà trên chứ không có quyền định đoạt đối với căn nhà. Thứ hai, về hợp đồng thế chấp giữa ông Lãm với ngân hàng. Theo Điều 342 BLDS thì “Thế chấp tài sản là việc một người (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thể chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp…”. Như vậy thế chấp đòi hỏi chính người vay phải sử dụng tài sản của mình để bảo đảm. Ở đây ông Lãm không phải là chủ sở hữu của căn nhà trên nên ông không có quyền thế chấp căn nhà để vay tiền ở ngân hàng. Việc ông Lãm thế chấp căn nhà để vay tiền ngân hàng là vượt quá phạm vi đại diện của mình trong hợp đồng ủy quyền. Do đó giao dịch giữa ngân hàng với ông Lãm là vô hiệu. Căn cứ theo Điều 146 BLDS 2005 về hậu quả giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Như vậy trong trường hợp này do giao dịch giữa ông Lãm với ngân hàng là vô hiệu do ông Lãm đã vượt quá phạm vi đại diện của mình nên sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ đối với ông Lầm, ông Lâm có quyền đòi lại căn nhà số 68 phố Trần Thánh Tông thành phố Hạ Long. Ông Lãm sẽ có nghĩa vụ phải thanh toán nợ cũng như bồi thường thiệt hại cho ngân hàng bằng tài sản riêng của mình.
Ngoài ra còn một vấn đề đặt ra nữa là việc xác định tư cách chủ thể khi trong quan hệ có cả đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền: Công ty A và công ty B ký thỏa thuận liên danh đấu thầu. Trong thỏa thuận liên danh, hai công ty thống nhất ủy quyền cho công ty A là thành viên đứng đầu liên danh và thực hiện các công tác có liên quan trong quá trình đấu thầu. Sau đó đại diện theo pháp luật của công ty A là Giám đốc công ty làm giấy ủy quyền cho giám đốc công ty B thực hiện các công tác có liên quan trong quá trình đấu thầu. Vậy giấy ủy quyền trong trường hợp trên có hợp lệ hay không? Trong tình huống trên, ta thấy rằng trong liên danh đấu thầu công ty A và công ty B là hai pháp nhân. Công ty A là pháp nhân đại diện cho liên danh ký kết hợp đồng với chủ đầu tư và thực hiện các quy trình đấu thầu. Người đại diện theo pháp luật của công ty A là giám đốc công ty sẽ đại diện pháp nhân thực hiện các giao dịch dân sự của pháp nhân này. Theo khoản 1 Điều 143 thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Như vậy giám đốc công ty A có quyền ủy quyền cho giám đốc công ty B thay mặt mình thực hiện các công việc nhân danh công ty A (không phải với tư cách là giám đốc công ty B). Như vậy người được đại diện liên danh là công ty A không thay đổi chỉ thay đổi người đại diện (theo ủy quyền) của pháp nhân mà thôi. Do đó hợp đông ủy quyền trên là hợp lệ, đây không phải là trường hợp ủy quyền lại nên không cần sự đồng ý của liên danh.
Trên thực tế phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến vấn đề đại diện. Những tình huống được đưa ra trong bài nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ nhằm giúp hiểu rõ hơn về chế định đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự.
KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu những quy định của pháp luật về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự cũng như những tình huống phát sinh trong thực tế liên quan đến vấn đề này có thể thấy rằng đại diện là một chế định quan trọng của Bộ luật dân sự. Thông qua đó các chủ thể có thể thực hiện được tất cả các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình một cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Đây cũng là một công cụ pháp lý hữu hiệu để Nhà nước kiểm soát quan hệ đại diện theo một trật tự chung. Tuy nhiên để vận dụng trong thực tế đòi hỏi các chủ thể phải nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như có ý thức trong việc thực hiện. Với vốn kiên thức cũng như kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, trong phạm vi bài nghiên cứu của mình em mới chỉ trình bày được phần nào nhận thức về vấn đề đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự. Rất mong nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ của các thầy cô.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự.doc