Đánh giá tài nguyên nguồn nước mặt lưu vực sông Sài Gòn
CHƯƠNG MỞ ĐẦU 1. Đặt vấn đề: Hệ thống sông Đồng Nai là một hệ thống sông lớn thứ 2 tại miền Nam sau hệ thống sông MêKông. Hệ thống sông Đồng Nai đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây không chỉ là nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của dân cư mà đây còn là nguồn nước cung cấp cho tưới tiêu, công nghiệp, nông nghiệp, cho các tỉnh trong lưu vực. Sông Sài Gòn nối với sông Đồng Nai thông qua hệ thống sông Rạch Chiếc ở đoạn gần hợp lưu của 2 sông. Đây là một trong những chi lớn của hệ thống sông Đồng Nai với nguồn nước tương đối dồi dào nhưng hiện nay chất lượng sông Sài Gòn ngày càng xấu làm ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và các hoạt động khác của dân cư trong lưu vực. Chính vì vậy việc đánh giá chất lượng nước mặt sông Sài Gòn là rất cần thiết và thiết thực. 2. Mục tiêu nghiên cứu: Thông qua việc tìm hiểu và tham khảo những kết quả nghiên cứu trước đây về hệ thống sông Sài Gòn liên quan đến chất lượng nước mặt qua đó đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt sông Sài Gòn cũng như đánh giá diễn biến chất lượng qua các năm, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp cho lưu vực sông Sài Gòn. 3. Nội dung nghiên cứu: · Thu thập tài liệu về điều kiện tự nhiên của lưu vực sông Sài Gòn. · Thu thập tài liệu dân sinh kinh tế, xã hội và môi trường của sông Sài Gòn · Thu thập và tổng hợp đánh giá diễn biến chất lượng nước, đồng thời tìm hiểu các nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nước mặt trên sông Sài Gòn. · Thông qua những nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp cho lưu vực sông Sài Gòn. 4. Đối tượng nghiên cứu: Chất lượng nước mặt sông Sài Gòn 5. Phạm vi nghiên cứu: Do thời gian, kinh phí, khả năng có hạn nên đề tài nghiên cứu giới hạn thực hiện một số nội dung sau: § Đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn. § Đánh giá chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn qua các năm từ đó đề ra các biện pháp quản lý thích hợp. 6. Phương pháp luận: Sông Sài Gòn là một trong những con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai có tác động rất lớn đến sự phát triển về kinh tế – xã hội của các tỉnh và thành phố trong khu vực. Về mặt chất lượng nước, lưu vực sông Sài Gòn được đánh giá chung là xấu nhất trong số các tiểu lưu vực sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Nước sông Sài Gòn về cơ bản chỉ còn tương đối tốt từ hồ Dầu Tiếng trở lên. Phần hạ lưu đã bị ô nhiễm và nhiều khu vực đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng do tiếp nhận 1 khối lượng lớn các chất thải chưa được xử lý tốt từ các hoạt động kinh tế xã hội trên lưu vực đổ ra. Với vai trò quan trọng như vậy, việc tìm hiểu về diễn biến cũng như những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt sẽ góp phần bảo vệ cũng như duy trì các chức năng và nhiệm vụ quan trọng của lưu vực sông Sài Gòn. 6.1 Phương pháp nghiên cứu của đề tài: 6.1.1 Thu thập tài liệu · Tham khảo các kết quả nghiên cứu trước đây của các cơ quan, các nhà khoa học, các đoàn thể về lưu vực sông Sài Gòn. · Các số liệu về điều kiện tự nhiên của vùng : vị trí địa lí, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, thảm thực vật · Các số liệu về điều kiện kinh tế xã hội của vùng nghiên cứu. · Thu thập các tài liệu sẵn có liên quan đến chất lượng nước như : đặc điểm tự nhiên, dân sinh kinh tế, hiện trạng sản xuất, . trong lưu vực sông Sài Gòn. 6.1.2 Xử lý số liệu · Dùng phần mềm Excel để xử lý và phân tích số liệu xét nghiệm thành phần ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hữu cơ để đánh giá sự biến đổi chất lượng nước. · Việc đánh giá chất lượng môi trường nước dựa theo các tiêu chuẩn nước mặt TCVN 5942 – 1995 và TCVN 6773 – 2000 là tiêu chuẩn nước dùng cho thuỷ lợi. 6.2 Phương pháp tiếp cận và tổ chức thực hiện 6.2.1 Phương pháp tiếp cận: Tổng hợp tài liệu sẵn có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. 6.2.2 Phương pháp tổ chức thực hiện xây dựng báo cáo · Phương pháp hồi cứu cơ sở dữ liệu liên quan hiện có. · Phương pháp thống kê nhằm thu thập, xử lý các số liệu về khí tượng, kinh tế xã hội trong vùng nghiên cứu. · Tiêu chuẩn Việt Nam (Bộ KHCN & MT, năm 1995) được áp dụng để đánh giá so sánh. 7. Sự cần thiết của đề tài: Sông Sài Gòn nối với sông Đồng Nai thông qua hệ thống sông Rạch Chiếc ở đoạn gần hợp lưu của 2 sông. Đây là một trong những chi lớn của hệ thống sông Đồng Nai với nguồn nước tương đối dồi dào nhưng hiện nay chất lượng sông Sài Gòn ngày càng xấu làm ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và các hoạt động khác của dân cư trong lưu vực. Chính vì vậy việc đánh giá chất lượng nước mặt sông Sài Gòn là rất cần thiết và thiết thực. 8. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài: Hiện nay, chất lượng nước sông Sài Gòn càng ngày càng xấu đi dưới tác động của con người làm ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và các hoạt động khác của dân cư trong lưu vực. Vì thế việc tập hợp các số liệu chỉ tiêu chất lượng nước các năm, thể hiện qua biểu đồ giúp các nhà quản lý nhìn nhận vấn đề về chất lượng nước cũng như đề ra các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm một cách hiệu quả hơn. Từ đó triển khai công tác đánh giá, đề ra phương hướng một cách hợp lý nhất nhằm quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước mặt lưu vực sông Sài Gòn nói riêng và hệ thống sông Đồng Nai nói chung. 9. Giới hạn của đề tài: · Do đề tài được triển khai vào cuối mùa mưa, thời gian thực hiện ngắn nên việc lấy mẫu đối chứng và khảo sát thực tế tại các điểm trên lưu vực sông chưa được thực hiện. · Số liệu quan trắc năm 2007 vẫn còn đang trong giai đoạn sàng lọc và xử lý, vì vậy việc đánh giá chỉ dừng ở mốc thời gian năm 2006. Số liệu đánh giá chất lượng nước mặt sông Sài Gòn qua các năm chỉ được quan trắc vào mùa khô, chưa đánh giá được chất lượng nước vào mùa mưa nên phần đánh giá còn mang tính chủ quan. · Các phương pháp đánh giá và đề ra biện pháp quản lý vẫn còn mang tính lý thuyết mà chưa áp dụng trên cơ sở thực tế nên chưa thể đánh giá tính hiệu quả của đề tài.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- HINH ANH.pdf