Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh
Nhật Bản là đất nước bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ thế kỉ thứ V, khởi đầu là chữ viết, rồi đến tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật và cả pháp luật. Tuy chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Quốc nhưng con người Nhật Bản là những con người luôn cần cù, say mê sáng tạo nên pháp luật của hai quốc gia này có những điểm giống và khác nhau. Qua đề tài: Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh, đi từ khía cạnh nhỏ - đào tạo luật và nghề luật, chúng ta sẽ tìm hiểu sự giống và khác nhau của hai quốc gia trên.
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4759 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I/ ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhật Bản là đất nước bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc từ thế kỉ thứ V, khởi đầu là chữ viết, rồi đến tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật và cả pháp luật. Tuy chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Quốc nhưng con người Nhật Bản là những con người luôn cần cù, say mê sáng tạo nên pháp luật của hai quốc gia này có những điểm giống và khác nhau. Qua đề tài: Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh, đi từ khía cạnh nhỏ - đào tạo luật và nghề luật, chúng ta sẽ tìm hiểu sự giống và khác nhau của hai quốc gia trên.
II/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Sự giống nhau:
- Phương pháp đào tạo luật tương tự như đào tạo luật ở các nước có hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law.
- Quá trình đào tạo gồm có đại học và sau đại học. Ngoài ra còn có quá trình học nghề.
- Phương pháp giảng dạy là thuyết trình, tập trung vào lý thuyết. Sinh viên được cung cấp các kiến thức chung nhiều hơn là kiến thức chuyên sâu.
- Đều tổ chức kì thi luật quốc gia với mức độ khó và tỉ lệ đỗ rất thấp. Năm 1980, ở Nhật có hơn 20000 người dự thi thì chỉ có gần 500 người thi đỗ. Ở Trung Quốc, năm 2002 chỉ có 6.68% thí sinh đỗ; năm 2003, 2004, tỉ lệ này lần lượt là 8.75%, 11.22%. Những năm gần đây, hai quốc gia này đều đang cải cách quá trình đào tạo luật để nâng cao số lượng cũng như chất lượng của người hành nghề luật.
- Nghề luật đều được hiểu là thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư. Và thẩm phán cũng có thể được chọn ra từ đội ngũ các luật sư giỏi.
2. Sự khác nhau:
a) Đào tạo luật:
- Ở Nhật Bản, đào tạo cử nhân là chủ yếu. Để trở thành sinh viên luật khoa, thí sinh phải dự thi đầu vào với các môn khoa học xã hội. Quá trình học đại học kéo dài 4 năm, hai năm đầu sinh viên học tại khoa giáo dục đại cương (College of General Studies), hai năm sau học các môn chuyên ngành và chỉ trở thành sinh viên luật khoa trong hai năm cuối. Như vậy, đây là một quãng thời gian quá ngắn để sinh viên có thể có được kiến thức chuyên sâu về luật.
Sau khi có bằng cử nhân, sinh viên có thể mở mang kiến thức bằng việc học tiếp chương trình đào tạo sau đại học được chia làm hai giai đoạn. Đào tạo thạc sĩ kéo dài hai năm và đào tạo tiến sĩ kéo dài ba năm, chỉ được đào tạo tiến sĩ khi đã có bằng thạc sĩ luật học, việc đào tạo này cũng chỉ thiên về lý thuyết.
Vì chương trình giảng dạy luật ở các trường đại học không đủ để trang bị kiến thức cho các cử nhân luật hành nghề luật sư, một số tổ chức dạy nghề đã được thành lập đó là Viện nghiên cứu và Đào tạo luật (Legal Training and Research Institute) được thành lập vào năm 1947. Nhưng để được vào học tại Viện, các cử nhân luật phải vượt qua kỳ thi luật quốc gia (State Law Examination) thường được gọi là “Bar Exam”, đây là kì thi khó nổi tiếng với tỉ lệ đỗ rất thấp dao động trong khoảng từ 2-3%.
Đầu thập kỉ 90 của TK XX, Chính phủ Nhật bắt đầu cho phép gia tăng số lượng thí sinh vượt qua được “Bar Exam” từ 500 lên tới 1000 mỗi năm. Tuy nhiên, chính sách mới này cũng chỉ làm tăng ngạch tuyển sinh của Viện. Cần phải có bước đổi mới căn bản về công tác đào tạo luật, vì vậy, Nhật Bản đang lặng lẽ tiến hành cuộc cải cách chương trình đào tạo luật theo mô hình của Mỹ. Việc lặng lẽ này chỉ tiến hành trong các trường đại học, nó không được áp dụng trên toàn đất nước .
- Khác với Nhật, ở Trung Quốc, để lấy bằng cử nhân luật, sinh viên phải theo học 3 năm tại trường đại học. Quá trình giảng dạy không chia thành các giai đoạn như ở Nhật mà ngay từ đầu sinh viên đã phải làm quen với rất nhiều loại luật khác nhau nên ít có thời gian đào sâu kiến thức. Trong vài năm gần đây, chương trình giảng dạy luật đã tăng cường nội dung mới đó là giảng dạy về những phán quyết điển hình của tòa .
Sau khi có bằng cử nhân có thể học tiếp để lấy bằng thạc sĩ luật học hoặc tiến sĩ luật học hoặc có thể dành ra hai năm thực tập nghề luật, tích lũy kinh nghiệm để tham dự kì thi do đoàn luật sư tổ chức hai lần trong một năm. Việc đăng kí học nghề không yêu cầu thí sinh phải vượt qua bất kì một kì thi nào. Điều này cho thấy việc đào tạo luật ở Trung Quốc không khắt khe như ở Nhật Bản.
b) Nghề luật:
- Ở Nhật, các sinh viên tốt nghiệp ra trường của các khoa luật muốn trở thành các luật gia chuyên nghiệp rất khó khăn vì họ cũng phải tham gia các kì thi khắt khe như những người khác. Thực tế chỉ có số ít sinh viên luật sau đó có thể hành nghề luật, số đó là những người ưu tú và vị trí mà họ đạt được thực tế là một bậc thang được xã hội trọng vọng.
Gần như tất cả những người thi đỗ kì thi quốc gia đều mất hàng năm trong trường luyện thi đặc biệt, tuổi trung bình của họ là 30. Sau khi qua kì thi, những thí sinh đó được công nhận là luật gia tập sự, hưởng lương và phải tiếp tục học hai năm tại Viện nghiên cứu và Đào tạo luật do Tòa án tối cao điều hành. Bên cạnh các bài giảng, bài thực hành, tất cả đều phải đi thực tế 4 tháng tại các tòa án, văn phòng của một công tố viên hay văn phòng luật sư nào đó. Chương trình dạy nghề này thiên về kiến thức thực tiễn. Kết thúc khóa học, học viên phải tham dự kì thi tốt nghiệp, tốt nghiệp sinh sẽ được công nhận có đủ phẩm chất để hành nghề luật.
Ngoài chương trình đào tạo của Viện thì một người muốn trở thành một luật gia thực sự yêu cầu phải có 10 năm làm việc với tư cách là trợ lý thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư.
- Ở Trung Quốc, trước đây, nghề luật không được coi trọng, việc thiếu luật gia đã được giải quyết bằng cách cấp tốc đào tạo các luật gia “chân đất” từ các sỹ quan quân đội mới giải ngũ, sau đó giao cho họ các công tác khác nhau trong ngành luật. Tấm bằng đại học luật chính thức không có giá trị để hành nghề. Trên thực tế, phần lớn các thẩm phán và công tố viên không có bằng luật.
Sau khi gia nhập WTO, nghề luật sư đã trở thành sự lựa chọn số một ở Trung Quốc. Theo Luật luật sư của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1996, để trở thành luật sư, ứng cử viên phải có được phẩm chất nghề nghiệp bằng hai cách: vượt qua kì thi luật quốc gia hoặc được các cơ quan có thẩm quyền của ngành tư pháp công nhận. Chính phủ đứng ra tổ chức kì thi luật quốc gia, phần lớn các thí sinh phải thi lại nhiều lần mới vượt qua kì thi này. Thi đỗ, ứng cử viên phải thực tập một năm tại văn phòng hay công ti luật sau đó mới được cấp chứng chỉ đỏ để hành nghề luật sư. Như vậy, để công nhận được hành nghề luật ở Trung Quốc trải qua quá trình thi cử ít hơn và dễ dàng hơn ở Nhật.
Ngoài ra, những người đã được đào tạo 4 năm hoặc lâu hơn tại khoa luật hoặc có phẩm chất nghề nghiệp tương ứng đều được cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép này hằng năm đều phải đăng kí lại nếu không sẽ không có giá trị.
3. Đánh giá:
Hai nước này có sự giống nhau là do đều chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Civil Law và quá trình học hỏi pháp luật Trung Quốc từ thời trước của Nhật Bản. Nhưng từ sau Chiến tranh thế giới lần II, công cuộc cải tổ pháp luật ở Nhật được tiến hành và đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ hệ thống pháp luật Mỹ. Và Trung Quốc, sự trở lại của Hong Kong và Macau đã làm cho hệ thống pháp luật Trung Quốc thêm phần phức tạp, đặc biệt với chính sách “một quốc gia, hai chế độ, ba hệ thống pháp luật”. Cho nên quá trình đào tạo luật và nghề luật của hai nước này cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình đất nước. Hơn nữa, tính cách người Nhật ôn hòa, họ luôn chủ động và sáng tạo, đòi hỏi những cái hoàn thiện nhất nên quá trình đào tạo hơi khắt khe, bù lại thì các chuyên gia về luật ở Nhật có khả năng tuyệt vời, kiến thức chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm làm việc phong phú. Về điều này thì ở Nhật trình độ các chuyên gia luật cao hơn ở Trung Quốc.
III/ KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Như vậy, cùng thuộc khu vực Đông Á, cùng chịu ảnh hưởng của dòng họ Civil Law, nên đào tạo luật và nghề luật của Nhật Bản và Trung Quốc có những điểm tương đồng đáng kể. Do quá trình phát triển và hội nhập, pháp luật hai quốc gia này dần dần chịu ảnh hưởng và có sự pha trộn của dòng họ pháp luật Common Law. Tuy nhiên, sự khác biệt về kinh tế, chính trị, tôn giáo, truyền thống, phong tục tập quán đã tạo nên những điểm đặc trưng của từng nước. Trở thành mẫu để các nước khác tham khảo và học tập, trong đó có Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
Michael Bogdan, Luật so sánh (bản tiếng Việt), Nxb. Kluwer, Norstedts Juridik, Tano, 2002.
Nguyễn Thi Ánh Vân, “Xu hướng mới trong đào tạo luật ở Nhật Bản và vài gợi mở cho đào tạo luật ở Việt Nam”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 7 (225)/2009.
Lệ Thủy, “Một số nội dung cải cách tư pháp ở Trung Quốc”, Tạp chí kiểm sát, số 15/2005.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh.doc