Đề 4 bài lớn hình sự 2

Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện ra chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đep nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tội danh của H và Q: 1. H và Q phạm tội cướp tài sản 2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản Anh(Chị) hãy xác định ý kiến nào đúng, ý kiến nào là sai và giải thích.

docx10 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3749 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề 4 bài lớn hình sự 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Trang Tình huống.......................................................................2 Phân tích và nhận xét các ý kiến trong tình huống.........3 H và Q phạm tội cướp tài sản............................................................3 H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản..............................4 H và Q phạm tội trộm cắp tài sản......................................................6 Kết luận.......................................................................................9 Tình huống ĐỀ BÀI SỐ 04 Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện ra chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đep nhiều nữ trang bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tội danh của H và Q: H và Q phạm tội cướp tài sản H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản H và Q phạm tội trộm cắp tài sản Anh(Chị) hãy xác định ý kiến nào đúng, ý kiến nào là sai và giải thích. Phân tích và nhận xét các ý kiến trong tình huống. H và Q phạm tội cướp tài sản. Nhận định H và Q phạm tội cướp tài sản là nhận định SAI Theo quy định tại Điều 133 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tội cướp tài sản là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...”. Để chứng minh nhận định trên là sai hay đúng thì cần xét đến các dấu hiệu pháp lí của tội này. Thứ nhất về mặt khách thể của tội phạm. Ở tội cướp tài sản theo quy định của BLHS thì hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu, cả 2 quan hệ bi xâm hại nêu trên đều được coi là khách thể trực tiếp của tội phạm. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sử hữu. Ở tình huống trên ta thấy, H và Q chỉ có hành vi lấy toàn bộ số tài sản trị giá 10 triệu đồng mà chị B đang đeo trên người song không có bất kì hành vi nào xâm phạm đến thân thể chị B nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, hành vi của H và Q ở đây chỉ xâm phạm tới quan hệ sở hữu mà không xâm phạm tới quan hệ nhân thân. Vì vậy hành vi của H và Q chưa thoả mãn dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội cướp tài sản. Thứ hai về mặt khách quan của tội phạm Hành vi phạm tội của tội cướp tài sản có 3 dạng hành vi hành vi khách quan đó là: Hành vi dùng vũ lực: Dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc tê liệt sự chống cự của người này chống lại việc chiếm đoạt như: xô ngã, chặn xe, đánh, chém… Hành vi dùng vũ lực trong tội cướp tài sản phải ở mức độ có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự, về mặt thực tế không xảy ra được hoặc xảy ra nhưng không có kết quả hoặc làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí, không dám chống cự. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Có lời nói, cử chỉ khống chế tác động lên tư tưởng của người khác để người này tin rằng nếu không đưa tài sản cho can phạm thì việc dùng vũ lực sẽ xảy ra ngay không tránh khỏi. Cụm từ “ngay tức khắc” chỉ: sự mãnh liệt của hành vi đe doạ và khoảng cách thời gian không có sự gián đoạn giữa hành vi đe doạ và hành vi dùng vũ lực. Hành vi làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: Có khả năng làm cho người tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt (vd: hành vi đầu độc, dùng thuốc mê…) Căn cứ vào dấu hiệu về mặt khách quan đã trình bày ở trên đối chiếu vào tình huống này ta thấy hành vi của H, Q không phải là hành vi dùng vũ lực như đánh, chém…để tác động lên chị B. Hành vi của H và Q cũng không phải là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và càng không phải là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Việc chị B lâm vào tình trạng không thể chống cự được hoàn toàn không phải là do hành vi của H và Q gây ra mà do chị B tự đặt mình vào trạng thái như vậy (chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường). Rõ ràng việc chị B uống say không liên quan đến H và Q. H và Q chỉ lợi dụng hoàn cảnh đó để chiếm đoạt tài sản mà thôi. Như vậy, qua phân tích ở trên, chỉ cần xét hai dấu hiệu trên đã đủ thấy hành vi mà H và Q đã thực hiện không thỏa mãn CTTP của tội cướp tài sản. Tóm lại có thể khẳng định H, Q không phạm tội cướp tài sản. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ý kiến cho rằng H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là SAI. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009. “công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai”. Xét về khách thể, khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích, hoặc gây tổn hại tới sức khoẻ của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích.Cụ thể trong tình huống nêu trên, hành vi của H và Q đã thoả mãn dấu hiệu khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, vì H và Q chỉ có hành vi lấy tài sản của chị B. Tuy nhiên xét về mặt khách quan, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có hành vi khách quan duy nhất là hành vi chiếm đoạt tài sản, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh...Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lí tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị lấy đi một cách công khai). Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không giữ được). Trong tình huống đã cho, ta dễ dàng nhận thấy hành vi của H và Q là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật nhưng lại không mang tính chất công khai mà mang tính lén lút. H và Q đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản trong tình trạng chị B đang say mê mệt. Lúc này chị B “đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường” nên chị B không thể nhận thức và điều khiển hành vi để bảo vệ tài sản của mình. Lúc này về mặt lý trí, chị B không hề hay biết hành vi của H và Q nên chị B không biểu lộ được ý chí đúng đắn của mình. Trên thực tế, “gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản”. Như vậy, trên thực tế hành vi mà H và Q thực hiện không ngang nhiên lấy tài sản trước sự chứng kiến của chị B, chị B lúc này không biết và không thể biết hành vi mà H và Q đã thực hiện. Chị B không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi mất chị B mới biết mất mất tài sản và càng không biết ai đã lấy tài sản của mình. Do đó hành vi của H và Q là hành vi mang tính chất lén lút không thỏa mãn dấu hiệu công khai trước chủ tài sản. Kết luận: Ý kiến cho rằng H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là sai. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản Ý kiến cho rằng H và Q phạm tội trộm cắp tài sản là ĐÚNG. Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, chúng ta có thể hiểu: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ”. Để chứng minh nhận định trên là đúng thì cần xét đến các dấu hiệu pháp lí của tội trộm cắp tài sản xem các tình tiết trong vụ án có thỏa mãn các dấu hiệu pháp lí đó hay không. Về khách thể của tội phạm: Tội trộm cắp tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Ở tình huống này H và Q đã thoả mãn dấu hiệu khách thể của tội trộm cắp tài sản, đó là chỉ lấy tài sản của chị B, tức là xâm phạm quan hệ sở hữu mà không hề có hành vi xâm phạm thân thể, danh dự... hay quan hệ nhân thân. Tiếp theo về mặt khách quan của tội phạm Đối với hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản, nguời phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận… Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản bao gồm 3 dấu hiệu: dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ. Người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi mất họ mới biết mình bị mất tài sản. Tính chất lén lút (bí mật) của tội trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội che giấu hành vi phạm tội của mình. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 137 BLHS. Tại thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt, ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng người quản lý tài sản không biết được hành vi chiếm đoạt tài sản của mình. Ý chí của người phạm tội là muốn che giấu hành vi lấy tài sản của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với chủ tài sản. Đối với người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản có thể vẫn là công khai. Xét tình huống đã cho ở trên, tài sản mà H và Q lấy là nữ trang bằng vàng và đang được chị B đeo trên người, như vậy tài sản đang có chủ. Thêm nữa ta nhận thấy rằng hành vi mà H và Q thực hiện có đặc điểm khách quan là lén lút (H và Q không cho phép chủ tài sản – chị B biết sẽ có hành vi chiếm đoạt tài sản của chị khi hành vi này xảy ra). Hai tên này đã lợi dụng hoàn cảnh chị B say mê mệt không biết gì để tiếp cận tài sản của chị B và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Rõ ràng H và Q biết chị B say rượu nên không thể biết việc H và Q lấy đi toàn bộ tài sản của chị B. Hành vi mà H và Q thực hiện trong lúc chị B không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình là mang tính chất lén lút, giấu diếm, không công khai. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện hành vi này của mình, ý thức chủ quan của H và Q cũng mang tính lén lút, thể hiện qua việc che giấu hành vi mà mình đang thực hiện, mong muốn che giấu hành vi bất hợp pháp của mình, không muốn cho chị B cũng như hai người bạn của chị phát hiện ra. Tội trộm cắp tài sản hoàn thành kể từ khi người phạm tội chuyển được tài sản ra khỏi nơi cất giữ, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Tùy theo vị trí cất giữ tài sản mà nơi cất giữ được xác định là khác nhau (ví dụ tài sản trong nhà thì phải ra khỏi nhà (không có rào), khỏi hàng rào (nhà có rào), giữa đường thì chỉ cần dịch chuyển tài sản so với vị trí ban đầu…); tùy theo loại tài sản lớn hay nhỏ (chẳng hạn, đồng hồ khi cất vào túi đã coi là tội phạm hoàn thành). Ở đây, tài sản mà H và Q đã chiếm đoạt là đồ trang sức bằng vàng. Những trang sức này nhỏ gọn, dễ dàng cất giấu. Chị chỉ biết mình mất tài sản khi “gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an”. Điều đó có nghĩa là H và Q đã chiếm đoạt được tài sản, tức là tội phạm đã hoàn thành. Như vậy các tình tiết trong tình huống đều thỏa mãn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội trộm cắp. Về đối tượng tác động của tội phạm: Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Như đã chứng minh ở trên thì tài sản đang được chị B chiếm hữu, cụ thể là đang được đeo trên người. Tài sản này có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Gây hậu quả nghiêm trọng Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Theo tình huống được đưa ra, H và Q đã lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng của chị B. Do đó, tài sản mà H và Q chiếm đoạt đã thỏa mãn dấu hiệu là đối tượng của tội trộm cắp tài sản. Các dấu hiệu về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản (mục đích vụ lợi). Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện hành vi của mình, H và Q cũng nhận thức được tài sản họ chiếm đoạt là tài sản của người khác (đang thuộc quyền sở hữu của chị B). Họ phải có ý thức tôn trọng và không được xâm phạm. Có thể nói, H và Q nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có điều kiện lựa chọn cách xử sự khác nhưng H và Q vẫn lựa chọn việc phạm tội. Dấu hiệu về chủ thể: Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy đề bài không nêu rõ H và Q bao nhiêu tuổi, có đảm bảo điều kiện đủ năng lực hành vi dân sự hay không nhưng chúng ta có thể mặc định rằng H và Q hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội trộm cắp tài sản. Tóm lại, qua các dấu hiệu pháp lí vừa phân tích ở trên, hành vi của H, Q đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản. Kết luận Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng nâng cao, kéo theo đó những tệ nạn xã hội cũng có xu hướng gia tăng, nhất là các tội phạm xâm phạm tới quan hệ sở hữu. Thực tiễn xét xử ở các tòa án cho thấy, có nhiều vụ án có những quan điểm khác nhau. Nhiều vụ án để định tội cho thật chính xác là điều không phải dễ dàng, vẫn còn tồn tại nhiều vụ án oan sai, nhiều vụ bỏ lọt tội phạm. Để có biện pháp đấu tranh loại tội này có hiệu quả trước tiên thì ta phải hiểu rõ dấu hiệu pháp lý của từng loại tội, phải phân biệt được tội này với tội kia. Có như vậy mới định tội danh và định khung hình phạt được chính xác. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật Hình Sự Việt Nam Tập I, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật Hình Sự Việt Nam Tập I, nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2009 Bộ Luật Hình Sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam (bình luận chuyên sâu), Phần các tội phạm, Tập II, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2002 Các nguồn tài liệu tham khảo khác từ Internet

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxĐề 4 bài lớn hình sự 2.docx
Luận văn liên quan