Sự đa dạng trong phong cách viết của các tác giả đã làm nên sức hấp dẫn của
văn học thiếu nhi Việt Nam thời kì đổi mới, tạo nên một thể loại văn học vô cùng
gần gũi, bình dị.Văn học thiếu nhi đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung,
hình thức, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn hướng tới giáo dục và hoàn thiện
nhân cách con người. Với hơn 100 tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm được
giải thưởng, được dịch sang tiếng nước ngoài, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một
hiện tượng độc đáo. Ông đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học thiếu nhi sau
1975 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Nguyễn Nhật Ánh là một hiện
tượng văn học đặc biệt bởi nhiều thế hệ độc giả đều yêu thích tác phẩm của ông -
trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn
người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ
70 trang |
Chia sẻ: ngoctoan84 | Lượt xem: 4726 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Hồi ức tuổi thơ trong sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
n Nhật Ánh kể cho các em nghe những câu chuyện
từ kí ức và hoài nhớ. Trong nhiều tác phẩm, người kể chuyện đồng thời cũng là
nhân vật "tôi" kể lại thời nên thiếu của mình. Điểm nhìn về quá khứ có sự pha
trộn, đan xen cả sự cảm nhận của "tôi" hiện tại, thể hiện trong nhiều phẩm như:
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Lá nằm trong lá
Dưới điểm nhìn dung hòa giữa trẻ thơ và người lớn, hồi ức về một thời thơ
dại có sự đan cài của hiện tại tạo nên một chuỗi đối sánh không tách rời. Cô gái
đến từ hôm qua là cảm xúc của nhân vật tôi – cậu chàng đang ở tuổi mới lớn, hoài
nhớ về quá khứ bằng những "chiến công" với cô bé hàng xóm cùng tình cảm hiện
tại với Việt An. Hồi ức được tái hiện đầy tự hào nhưng xen lẫn cả sự ganh tị một
cách hồn nhiên, không có chút ác ý. Quá khứ và hiện tại liên tục được đan xen,
soi chiếu từ nhiều góc cạnh tạo nên những so sánh hài hước, thú vị. Với Lá nằm
trong lá, tuổi thơ đôi khi là sự ám ảnh trở đi trở lại như một nỗi hoài niệm miên
man không dứt. Hồi ức là sự liên tưởng bắt đầu từ hiện tại. Giấc mơ về người mẹ
vào hồi năm lớp chín đi tìm nhân vật "tôi" giữa trưa nắng hè là duyên cớ để thi sĩ
Cỏ Phong Sương kể về tình bạn cuối cấp và những thi sĩ của nhóm Mặt trời đêm.
Trẻ thơ luôn tạo dựng được thế giới riêng theo cách nhìn riêng của chúng.
43
Thông qua điểm nhìn trẻ thơ Nguyễn Nhật Ánh đã cho thấy độ chênh đầy lí thú
giữa suy nghĩ trẻ thơ và suy nghĩ của người lớn. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là
một hoài vọng về hồi ức - hoài vọng được tìm lại tuổi thơ. Đây là câu chuyện của
một người lớn kể về tuổi thơ của mình. Cái nhìn trẻ thơ đã khiến kỉ niệm thuở nhỏ
qua lời kể của một người lớn trở nên tinh nghịch và đáng yêu. Mọi điều trong
cuộc sống đều trở nên thú vị hơn dưới đôi mắt của trẻ thơ hay nói đúng hơn là
chúng luôn làm cho thế giới không còn nhàm chán. Chương đầu tiên với tên "tóm
lại là đã hết một ngày" cùng bao sự đơn điệu tẻ nhạt với cậu bé tám tuổi, vì đã biết
trước một ngày đó diễn ra như thế nào, từ việc uể oải ăn đồ ăn bổ dưỡng cho sức
khỏe của mẹ, chạy tăng tốc đến trường hay là giấc ngủ trưa nhàm chán cùng ba.
Các chương tiếp theo là cả nỗ lực đổi thay thế giới của cu Mùi và các bạn, với trò
đóng vai bố mẹ trong chương hai hay đặt tên cho thế giới ở chương ba. Tất cả mọi
việc đều được đảo ngược, như thể quả táo Newton không rơi về phía mặt đất mà
bay về phía những đám mây vậy. Phần đúng luôn thuộc về lũ trẻ trong thế giới
riêng của chúng, khi là con ngoan thì phải đánh lộn, trèo cây, tắm sông, trong
bảng cửu chương hai nhân bốn không phải là tám Những điều thú vị ấy chỉ có
thể trông thấy qua con mắt của trẻ thơ – người luôn muốn cuộc sống không đơn
điệu và khuôn sáo. Tuổi thơ là một chuỗi của những niềm vui từ bao trò chơi thú
vị. Ngược thời gian tìm về hồi ức tuổi thơ, người kể chuyện dẫn dắt người đọc
qua thế giới lạ lùng, thú vị nhưng cũng rất có lí (theo kiểu con trẻ). Tuy kể chuyện
với tâm thế của một người lớn, song câu chuyện hồn nhiên, vô tư trong sáng đến
diệu kì. Nó như được tắm mát từ dòng sông của hoài niệm, lấp lánh những ước
mơ và những khát vọng thơ ngây. Chỉ có thể thông qua điểm nhìn trẻ thơ, nhà văn
mới có thể tạo dựng nên một hồi ức tuổi thơ đẹp diệu kì đến thế trên trang sách.
Tính chất dung hòa của hai điểm nhìn, đã tạo nên sự pha trộn trong hồi ức
nét hồn nhiên của trẻ thơ và sự sâu sắc của trái tim bao dung. Dõi theo sau những
hành động dại khờ và ngây thơ của nhân vật trong quá khứ là ánh nhìn của người
lớn vị tha trong hiện tại. Hai tính chất hồn nhiên và sâu sắc đó đan quyện một
cách tự nhiên và tạo nên một tổng thể hài hòa trong tác phẩm.
Sự dung hòa điểm nhìn trẻ thơ và người lớn tạo hiệu ứng kép trong cái nhìn
44
về sự việc, vừa ngây thơ, vừa chín chắn, vừa dại khờ, vừa sâu sắc. Không phải
ngẫu nhiên tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục được cả độc giả trẻ em và
người lớn. Người trưởng thành tìm thấy tuổi thơ đã qua, còn trẻ em được thấy
chính mình trong đó.
3.2. Không gian và thời gian nghệ thuật
3.2.1. Không gian nghệ thuật
Không nằm ngoài mạch chảy hồi ức, không gian nghệ thuật trong truyện
Nguyễn Nhật Ánh thấm đẫm hoài niệm. Đó là không gian đan xen giữa các đối
cực: làng quê bình dị, thân thuộc với thành thị náo nhiệt nhưng xa lạ, gắn kết
bền chặt bằng sợi dây kí ức.
Không gian làng quê được kết tạo từ tình yêu đối với nơi chôn rau cắt rốn
của nhà văn.Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Nhật Ánh khắc họa không
gian làng quê miền Trung bình dị nhưng đầy thơ mộng trữ tình. Vùng quê nghèo
với kí ức những năm đầu đời xuất hiện thường trực trong các sáng tác của
Nguyễn Nhật Ánh. Không gian làng quê có khi được thể hiện trực tiếp trong Hạ
đỏ, Mắt biếc, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây...; có khi đan cài vào phố xá
qua hình ảnh ngôi nhà “nằm lọt giữa khu vườn nhỏ nhưng đầy bóng mát” [; 17]
của gia đình Nghi (Hoa hồng xứ khác) hay khu vườn mang bóng dáng quê ngoại
và giếng đá cũ xưa “phủ đầy rêu xám”, “hệt như những cái giếng làng” [; 17]
(Thiên thần nhỏ của tôi).
Làng quê trong sáng tác Nguyễn Nhật Ánh khắc sâu hiện thực với con
đường đất đỏ “lồi lõm, mùa nắng xe nảy tưng tưng, mùa mưa bánh xe bị bùn gói
kín, không nhúc nhích được” [Ngồi khóc trên cây; 10]. Vào mùa mưa lũ, không
gian trở nên xơ xác, tiêu điều: “nước bắt đầu trút dần để lại mặt đường nhớp
nháp và sạt lở, có vô số rác rến, gỗ mục, Cảnh vật sau khi lũ đi qua hoang tàn
như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến tranh” [Ngồi khóc trên cây;
238]. Nhà văn không thi vị hóa hiện thực, kí ức tuổi thơ hiện hữu những khốn
khó, vất vả. Nhưng qua con mắt trẻ thơ, dù làng quê còn nhiều thiếu thốn vẫn
luôn ấm áp tình người.
45
Cảnh sắc nông thôn được cảm nhận tinh tế, giản dị, trữ tình gắn với kỉ
niệm thời niên thiếu. Qua hoài nhớ, không gian hiện ra ngập tràn màu sắc, thanh
âm và mùi vị. Ấn tượng thị giác tạo ra bức tranh rực rỡ sắc màu: “Hoa hồng
vàng và hoa đồng tiền vàng nở rộ khắp nơi Chấm phá trên cái nền vàng mênh
mông của khu vườn là những bông cẩm chướng hồng và tía, các đóa đồng tiền
màu mào gà và cà rốt” [; 6] (Trại hoa vàng). Màu vàng thường xuất hiện
trong trang văn Nguyễn Nhật Ánh, gợi thức hoài nhớ: màu nắng rớt xuống con
đường xuyên qua tán lá thành “những giọt vàng lốm đốm” [Hạ đỏ; 10], sau cơn
mưa “nhà cửa cây cối đều ướp nắng vàng” [Ngồi khóc trên cây; 76], “giàn thiên
lí lấm tấm hoa vàng” [Mắt biếc; 41], và màu những vỏ thị dán trên tường như
những cánh hoa... Hồi ức về những ngày niên thiếu thấm hương vị của làng.
Những trang văn viết về miền quê của Nguyễn Nhật Ánh luôn phảng phất mùi
đất ẩm quen thuộc. Cánh đồng mùa cày xới “nồng nàn mùi phân bò và mùi đất
ải” [Mắt biếc; 41]. Trong cơn mưa, “mùi đất ẩm không ngừng xông lên ngào
ngạt” đánh thức mọi giác quan. Đến cả buổi chiều cũng có mùi vị riêng: “Như
một loại trái cây, khi chín dần thành đêm, buổi chiều cũng tỏa ra hương thơm
đặc biệt của nó, trong đó có mùi gió, mùi cỏ, mùi lá cây...” [Ngồi khóc trên cây;
71]. Mùi vị giản dị, quen thuộc nhưng kết đọng trong hồi ức khiến con người dù
xa cố hương vẫn luôn hoài nhớ.
Cảnh sắc thiên nhiên thôn dã trong trẻo, đa sắc, đa vị hòa trong những nét
sinh hoạt, phong tục văn hóa tạo nên ấn tượng sâu đậm trong kí ức. Ngôi nhà
bằng gạch dù khang trang hay cũ kĩ được vây bọc trong khoảng không xanh mát
của vườn cây ăn trái hay “trại hoa vàng”. Ấn tượng về giếng nước từ những năm
tháng ấu thơ của tác giả được hiện hữu trong tác phẩm dưới hình ảnh giếng sân
vườn hay giếng làng... Giếng gắn với những buổi tắm truồng của trẻ con trong
đêm trăng sáng, khi cậu bé Ngạn tò mò ngắm trộm người bạn Hà Lan: “Người
nó đẫm nước và loáng ánh trăng, nom huyền hoặc và xa lạ” [Mắt biếc; 30], nơi
“tôi” nhìn thấy Hồng Hoa lần đầu tiên (Thiên thần nhỏ của tôi). Giếng nước tạo
bối cảnh cho tình bạn và tình yêu chớm nở, như mạch nguồn nối tiếp từ dân gian
xưa. Đời sống sinh hoạt còn được thể hiện rõ nét qua những phiên chợ. Chợ
46
được xem như chiếc “hàn thử biểu” đo mức sống con người. Chợ Đo Đo đặc
biệt chỉ họp về đêm, dưới bầu trời dày đặc các vì sao cùng những sạp tạp hóa,
như một kho báu vô giá tượng trưng cho những mơ ước, khát khao đẹp đẽ của
tuổi nhỏ. Vào những ngày tết, con gái mặc áo dài - những chiếc áo đủ màu sắc
bay lượn như cánh bướm trên khắp các nẻo đường và nội cỏ, khiến “làng trở nên
tưng bừng và tràn đầy không khí lễ hội” [Mắt biếc; 80]. Không gian đời thường
đan xen với không gian thiên nhiên tạo nên nét trữ tình của làng quê, thể hiện sự
gắn bó, hòa quyện giữa cảnh và người. Những nét sinh hoạt, phong tục văn hóa
tạo nên hồn quê đằm thắm, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách của
con người những năm ấu thơ.
Không gian làng quê trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đẹp trong cảnh, lắng
trong tình, quyện hòa giữa thiên nhiên và sinh hoạt con người, vẫn giữ nét đẹp
văn hóa truyền thống tự ngàn đời, chưa bị xâm lấn bởi quá trình đô thị hóa và
văn minh công nghiệp. Không gian ấy mang nét riêng của miền Trung nhưng
gợi lên hình ảnh mọi vùng quê trên khắp đất nước Việt Nam.
Nỗi “mắc nợ quê nhà” thấm trong tình yêu, nỗi nhớ khiến nhà văn dành
những trang văn đẹp và giàu xúc cảm nhất để khắc họa không gian làng quê giản
dị, trữ tình. So với làng quê, không gian thành thị dường như xuất hiện mờ nhạt
hơn. Không gian thành thị được phân thành hai lát cắt. Trong những sáng tác
cho đối tượng trẻ thơ ở thành thị, chẳng hạn bộ Kính Vạn Hoa, không gian mang
màu sắc của cuộc sống hiện đại, có thể là môi trường hoạt động của nhân vật
như căn phòng của Quý ròm, mảnh sân nhỏ phía sau nhà của Tiểu Long, hoặc
không gian Đầm Sen với những trò chơi lí thú. Bên cạnh đó, ở những tác phẩm
sử dụng hồi ức làm chất liệu sáng tác, nơi phố thị náo nhiệt như Tam Kỳ trong
Mắt biếc, Sài Gòn trong Còn chút gì để nhớ lại trở nên xa lạ với những người
con của chốn làng quê thôn dã.
Đối với nhân vật Chương (Còn chút gì để nhớ), Sài Gòn như “một nước
nào đó, kì diệu và lạ lẫm” [9]. Người ở quê đi Sài Gòn về “kể trăm chuyện lạ
lùng” [9] nghe như truyện cổ. Chốn văn minh đô hội với chàng trai tỉnh lẻ như
Chương là biểu tượng cho khát vọng mở mang hiểu biết và thử sức với đời. Nhà
47
văn đã thời gian hóa khoảng cách không gian: từ làng quê tới Sài Gòn là “hai
ngày một đêm”. Khoảng cách ấy không chỉ là cách biệt không gian mà còn là
khác biệt về sự phát triển, đông đúc và ồn ào.
Không gian thành thị nhốn nháo và ồn ào được thể hiện qua hình ảnh
“Bến xe đông nghịt người”, quán xá “chen chúc cả dãy dài” [Còn chút gì để
nhớ; 11]. Cảnh tượng thêm hỗn tạp với “tiếng rao inh ỏi” và “Cả chục giọng mời
chào” của “đám xích–lô bu lại” [; 11]. Không gian hỗn tạp là nơi tồn tại của đủ
loại người, tốt xấu, sang hèn, cả tụi lưu manh hành nghề trộm cắp.
Nổi bật ở thành phố là sự khang trang, rộng lớn. Khác xa với làng quê
khiêm nhường, thành phố choáng ngợp bởi “những đường phố thênh thang nhộn
nhịp xe cộ, những tòa buyn-đinh cao ngất hai bên đường” [14], “những bảng
điện nhấp nháy muôn màu của các rạp chiếu bóng và các vũ trường” [Mắt biếc;
97]. Thành phố về đêm càng lộng lẫy, xa hoa: “Xe cộ nườm nượp, đèn điện sáng
choang. Y như những thành phố nước ngoài tôi xem trong sách báo” [21].
Thành phố giàu sang tạo nên ấn tượng choáng ngợp đối với những con người lần
đầu đặt chân đến chốn phồn hoa.
Thị thành lộng lẫy, giàu đẹp hơn miền quê nghèo khốn khó. Dẫu vậy,
trong trái tim của con người nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, thành thị vẫn
không thể thay thế vị trí của làng quê. Trong cảm nhận của Ngạn, thành phố
“quá ồn ào, lại lắm rác rến và bụi bặm, điều không hề có ở làng Đo Đo.... Thành
phố vắng bóng những cây xanh... tầm mắt tôi luôn bị chặn lại bởi những mái
nhà, những bảng quảng cáo và những dãy cột điện Tôi sẽ không thể nào bắt
gặp vẻ rầu rĩ huy hoàng của mặt trời lúc từ giã trời xanh”. Và những con người
như Chương, như Ngạn dẫu hòa nhập với cuộc sống thị thành vẫn cảm thấy tâm
hồn mình không thuộc về chốn ấy.
Sự phân cực trong không gian giữa làng quê và thị thành là sự đối lập
giữa chốn bình yên, thanh thản nơi thôn dã và ồn ào, huyên náo của chốn phồn
hoa, giữa giàu và nghèo trong sự phân hóa. Sự khác biệt đó không được đẩy lên
thành những xung đột, mâu thuẫn gay gắt giữa thiện ác, đẹp – xấu, giữa văn hóa
48
cổ truyền và văn minh hiện đại. Nó được thể hiện rõ trong xúc cảm của những
con người hoài cổ, nặng tình cố hương.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện được kể từ hoài
nhớ nên không gian hoài niệm giữ vị trí chính yếu. Không gian thực tại xuất
hiện trong những khoảnh khắc đan cài, từ hiện tại gợi nhắc về kí ức xưa. Trong
Ngồi khóc trên cây, nhân vật tôi khi đi xe đò luôn thích ngồi sát thành xe để
ngắm cảnh vật bên đường: “Những cánh đồng lúa, những đàn bò gặm cỏ, hay
các nhánh ổi ven sông đều làm tôi xao xuyến, vì chúng luôn gợi lại trong tâm trí
tôi những ký ức tuổi thơ, nhắc nhở tôi về một thế giới quyến rũ, ” [181]. Cũng
có khi, không gian thực trùng lặp với không gian hoài niệm trong quá khứ tạo
nên một vòng tròn tuần hoàn gắn kết ngày hôm nay với những ngày đã xa:
“Cũng như ngày đầu tôi đến, ngõ trúc đầy tiếng chim và con đường lốm đốm
nắng vàng vương dầy những lá tre khô. Tôi bắt gặp cả những bụi mắc cỡ đầy gai
lẫn cây mâm xôi tim tím bên đuờng. Chúng vẫn ở nguyên chỗ cũ, chẳng già đi,
cũng không đổi khác, chỉ có tôi đi qua là khác hẳn ngày nào” (Hạ đỏ). Không
gian trùng lặp để tô đậm tâm trạng đổi thay của nhân vật trước những rung động
đầu đời không có hồi đáp.
Không gian không chỉ là đối tượng của trí nhớ mà còn là cái khung của kỉ
niệm. Lấy hồi ức làm chất liệu sáng tác, không gian trong tác phẩm Nguyễn
Nhật Ánh hiện hữu từ hoài niệm xa xôi, là không gian làng quê bình dị, thơ
mộng trong sự đối sánh với khôn gian thành thị phồn hoa, huyên náo. Bên cạnh
đó, sự đan cài linh hoạt giữa không gian thực tại với không gian hoài niệm tạo
nên một thế giới mang quan niệm về con người và cuộc đời của tác giả.
3.2.2. Thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật được thể nghiệm trong tác phẩm với những nhịp độ,
chiều kích khác nhau, nhằm thể hiện những ý đồ riêng của tác giả. Yếu tố thời
gian trở thành một định đề quan trọng cho việc thể hiện dụng ý nghệ thuật cũng
như hiện diện cho cá tính sáng tạo của nhà văn.
Vai trò của thời gian trong tác phẩm văn học được các nhà nghiên cứu chú
ý trong sự song hành với không gian bởi sự gắn bó chặt chẽ giữa chúng. Mỗi
49
kiểu tạo dựng không gian nghệ thuật lại có những phương thức thể hiện thời
gian phù hợp.
Trong các tác phẩm có sử dụng hồi ức của Nguyễn Nhật Ánh, thời gian
hồi tưởng và không gian hồi ức là một cặp không – thời đặc trưng. Kể câu
chuyện chính là làm sống lại những gì đã thuộc về quá khứ. Câu chuyện có thể
được kể xuất phát từ hồi ức của người kể chuyện – nhân vật tôi (người kể
chuyện ở ngôi thứ nhất), cũng có thể dựa trên hoài niệm của nhân vật (người kể
chuyện ở ngôi thứ ba), nhưng dưới dạng thức nào thì cơ chế của sự hồi tưởng là
không đổi. Đó là một hành trình ngược thời gian để tìm lại quá khứ đã qua, làm
hoài niệm trở nên sống động trước mắt người đọc. Do được kể từ hồi ức nên
trong những câu chuyện được kể có cả sự nhìn nhận, đánh giá và nhận xét của
người kể chuyện ở hiện tại – người đã biết trước kết quả của câu chuyện.
Nguyễn Nhật Ánh có thể không quá cầu kì, hay phức tạp trong lối kể, bởi
đối tượng mà nhà văn hướng đến là độc giả nhỏ, cần sự giản đơn vừa đủ, nhưng
sự linh hoạt về thời gian đã đem đến sự hấp dẫn trong lối kể. Trong các tác
phẩm, thời gian mang tính chất ước lệ, phiếm chỉ chứ không phải thời gian
chính xác. Người kể chuyện thường bắt đầu kể với một giọng điệu của cổ tích,
xuất hiện những dấu hiệu ngôn từ mang tính mơ hồ của thời gian: "hồi còn nhỏ,
nhỏ xíu", "dạo ấy" Bởi thế, những câu chuyện dù được kể dưới dạng một
người kể chuyện xưng tôi, hay người kể chuyện ẩn tàng thì đều tựa như câu
chuyện cổ tích về tuổi thần tiên.
Với lối kể chuyện theo dòng hồi ức, tác phẩm có sự vênh lệch giữa thời
gian trần thuật và thời gian sự kiện, người kể chuyện cũng có thể dễ dàng sử
dụng các phương thức tỉnh lược, ngưng nghỉ, căng kéo theo cơ chế của tâm lí
hồi tưởng. Trong trình tự kể chuyện, người kể có thể sử dụng một cách linh hoạt
giữa thời gian quá khứ hay sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
Các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đều hồi tưởng tìm lại hoài
niệm tuổi thơ nơi nguồn mạch thời gian quá khứ. Một số tác phẩm, tính chất thời
gian quá khứ được hiển lộ ngay từ tên truyện: Cô gái đến từ hôm qua, Cho tôi
xin một vé đi tuổi thơ Có những dạng thức khác nhau khi ngược dòng quá
50
khứ, trước hết là dạng thức thời gian theo trình tự tuyến tính. Người kể chuyện
đóng vai trò trần thuật câu chuyện theo một trật tự xuôi chiều. Điểm bắt đầu của
câu chuyện là thời điểm hiện tại – thời điểm người kể chuyện hồi tưởng, tìm lại
kí ức tuổi thơ. Mắt biếc bắt đầu với điểm đầu tiên của thời gian quá khứ: "hồi tôi
còn nhỏ, nhỏ xíu"[chương một]. Từ điểm thời gian này, quá khứ được hiện hữu
theo mạch kể của người kể chuyện. Cuộc đời gần bốn mươi năm của Ngạn từ
lúc "nhỏ xíu", cho đến khi trở thành thầy giáo lần lượt hiển lộ. Từng bước đi của
thời gian được tính theo sự lớn lên của nhân vật: “hồi còn nhỏ, nhỏ xíu”; “lớn
lên một chút”; “những năm cuối tiểu học” (chương bốn); “thi đậu vào lớp sáu”
(chương bốn); “năm lớp tám” (chương năm) cùng với đó là những sự kiện
đáng nhớ. Đó là lần đầu tiên được làm quen với Hà Lan hồi đi học lớp thầy Phu,
cảm giác tuyệt vọng khi thấy Hà Lan bỗng trở nên người lớn hồi lớp tám,... Thời
gian xuôi về thực tại và kết thúc với sự ra đi của nhân vật tôi, khi "tôi" biết
không thể quên được hình bóng Hà Lan, và tình cảm anh dành cho cô bé Trà
Long chỉ là sự níu giữ ảo tưởng với mối tình đơn phương dang dở. Với dạng
thức thời gian tuyến tính, chảy trôi từ quá khứ trở về thực tại, người kể chuyện
đã đưa quá khứ hiện hữu trước mắt người đọc. Nếu như ở dạng thức thời gian
quá khứ theo trật tự tuyến tính, thời gian được kể từ điểm xa nhất trong dòng
quá khứ xuôi về thực tại, thì trong dạng thức khoảng ngưng của thời gian (điểm
dừng của thời gian trong dòng hồi ức), người kể chuyện dừng lại vào một thời
đoạn nhất định của quá khứ để trần thuật. Thời gian được trần thuật là một lát
cắt của thời gian quá khứ, nhưng là phần hồi ức quan trọng và nhiều hoài niệm
nhất của người kể chuyện.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là những kỉ niệm của hồi tám tuổi, với
những trò chơi thú vị, của tuổi nhỏ. Trong thời đoạn được xác định là "hồi tám
tuổi", tác giả tạo dựng nên không gian hồi ức tuổi thơ, nơi con người sống hồn
nhiên, vô tư với niềm vui thơ trẻ. "Chuyến tàu tuổi thơ" ngược hướng dừng ở
"sân ga tuổi nhỏ" - khoảng thời gian nhân vật muốn trở về, tìm lại hồi ức tuổi
nhỏ. Hạ đỏ là thời gian của mùa hè năm lớp chín, một mùa hè đặc biệt với người
kể chuyện – nhân vật Chương. Đó là mùa hè quê ngoại đầy thú vị và nhiều kỉ
51
niệm đối với một đứa trẻ thị thành, trôi nhanh cùng những trận chia phe phái
giữa hai xóm, vặt trộm xoài ở nhà Thơm, hay mối tình chớm nở với Út Thêm.
Quãng thời gian này mang dấu ấn quan trọng trong hồi ức tuổi thơ của nhân vật.
Thời gian qua cảm nhận của nhân vật có thể linh hoạt về nhịp độ, trình tự
kể, căng kéo tự do. Đôi khi thời gian được cảm nhận theo những chủ quan riêng,
như thời gian được tính bằng mùa - được gọi bằng tên của trò chơi: "Một năm
của bọn chúng có tới sáu mùa: mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa,
mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng" (chương 1, Ngồi khóc trên
cây). Ở chương một Tóm lại là đã hết một ngày trong Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ, thời gian như bị chững lại và trôi đi chậm chạp: "Nhưng năm tám tuổi, tôi
đã thấy cuộc sống chả có gì mới mẻ để khám phá. Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi
mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm"(Chương 1). Sự lặp lại
của hiện tượng và sự vật tạo nên sự chững lại của thời gian. Nhưng ở các
chương tiếp theo, với những trò chơi lí thú cùng nỗ lực đổi thay thế giới, cảm
thức về thời gian phụ thuộc vào niềm vui của nhóm bạn. Ba ngày chơi trò làm
ba mẹ trôi qua nhanh chóng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", hay kéo dài lê thê
như thể "xưa nay một năm có tới bốn mùa đông". Ý niệm về thời gian với tuổi
nhỏ được cảm nhận bằng tâm trạng vui buồn.
Thời gian được hiện diện trong nhiều truyện kể như một lát cắt trong dòng
thời gian tuyến tính và được cảm nhận căng kéo tự do theo chủ quan của người
kể chuyện. Đây cũng là sự phù hợp với cơ chế tâm lí linh hoạt của sự hồi tưởng.
Song dù được kể với cách thức nào, nhà văn đã tạo dựng được quãng thời gian
hồi ức khó quên với nhân vật và lôi cuốn người kể chuyện.
Sự chi phối của dòng hồi tưởng nhân vật khiến thời gian trở nên linh hoạt,
quá khứ và hiện tại đan xen. Ở Mắt biếc, khi nhắc tới ấn tượng về sạp tạp hóa
lung linh sắc màu, nhân vật tôi lồng ghép cái nhìn của thì hiện tại: “Ấn tượng đó
sâu sắc đến nỗi mãi đến tận bây giờ, khi tôi đã bước qua tuổi ba mươi, cứ mỗi
lần đi ngang qua một quầy tạp hóa bất chợt nào, tôi không kiềm chế được ý định
dừng chân lại và dán mắt vào tủ kiếng với nỗi xao xuyến lạ lùng” [chương 1].
Ngạn vẫn còn nhớ lần duy nhất cậu và bà nói chuyện nghiêm túc như người bạn
52
lớn về tương lai của Hà Lan: "Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không cắt
nghĩa được tại sao tôi lại với bà tôi những lời như vậy và tại sao bà tôi cũng lại
nói với tôi những lời như vậy" (chương bốn). Những lần người kể chuyện ngưng
lại câu chuyện hiện tại để xen vào đó cái nhìn của "tôi" thực tại với những day
dứt, băn khoăn.
Trong thời gian song hành quá khứ - thực tại, chuỗi thời gian quá khứ và
thực tại liên tục đan quyện, gặp gỡ, tạo thành những chuỗi thời gian gắn kết.
Quá khứ là nguyên cớ trực tiếp ảnh hưởng đến thực tại và có vai trò to lớn đối
với số phận của nhân vật. Cô gái đến từ hôm qua là sự đan cài rõ nét giữa hai
dòng chảy quá khứ - thực tại. Quá khứ là tuổi thơ của nhân vật tôi – người kể
chuyện và tình bạn cùng Tiểu Li, hiện tại là cuộc theo đuổi cô bạn Việt An đầy
thử thách. Mạch kể xuyên suốt của tác phẩm là sự so sánh giữa "tôi" "oai hùng"
trong quá khứ, và "tôi" bi thảm trong thực tại. Cuộc theo đuổi Việt An càng khó
khăn, nhân vật tôi càng nuối tiếc về quá khứ. Hai mạch thời gian quá khứ và
hiện tại được kể đan cài nhau tạo nên thế đối sánh. Chuỗi suy tưởng trong thế
đối nghịch, phân thành hai mạch kể rõ rệt, một bên là bao niềm vui và bên kia là
bao sầu não: "Phải nói hồi nhỏ tôi có "uy" với con gái ghê gớm" và "Lớn lên,
mọi chuyện đâm ra khác hẳn". Hai dòng chảy thời gian song hành đã gặp gỡ
trong kết thúc. Cô bé Tiểu Li của thuở ấu thơ là Việt An của hôm nay. Nhà văn
đã khéo léo xếp đặt hai mạch thời gian cho cuộc gặp gỡ đầy hữu ý của quá khứ -
thực tại. Trong thời gian song hành quá khứ - thực tại, việc đan cài là sự khẳng
định gắn kết giữa quá khứ và hiện tại trong một dòng chảy, cũng như mức độ
ảnh hưởng của quá khứ đối với nhân vật trong thực tại. Quá khứ được đánh thức
bởi sự hồi tưởng, đôi khi lại đem đến những sự gặp gỡ diệu kì. Hoài niệm là một
phần của quá khứ, song vẫn là một phần của cuộc sống hiện tại.
Các kiểu thời gian trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh được biểu hiện với
nhiều dạng thức: từ thời gian quá khứ tuyến tính, cho tới đan cài thời gian quá
khứ - hiện tại. Sự linh hoạt trong các kết hợp các dạng thức thời gian nhằm mục
đích biểu đạt những dụng ý riêng của nhà văn. Thời gian được sử dụng đan xen,
khiến cho quá khứ, hiện tại gắn kết và không còn là những dạng thể tách biệt.
53
Thời gian nghệ thuật ấy góp phần thể hiện không gian hồi ức tuổi thơ một cách
đậm nét, nối kết hồi ức và hiện tại, tạo nên sự gắn bó giữa nhân vật trong dòng
thời gian.
Không – thời gian thấm đẫm kỉ niệm xưa cũ giữ vị trí chính yếu trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh. Cặp không – thời gian này tạo nên hình thức tồn tại
của thế giới nghệ thuật, đồng thời khơi mở những kí ức, đưa nhân vật ngược
dòng quá khứ trở về “miền xanh thẳm” để tìm lại những giá trị tốt đẹp của thời
thơ ấu một đi không trở lại.
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu
3.3.1. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của
văn học. Không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học. Ngôn ngữ là yếu
tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm,
nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác
phẩm. Cũng chính vì thế, M.Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học
là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng
của cuộc sống là chất liệu của văn học”.
3.3.1.1. Ngôn ngữ trẻ thơ trong sáng, giản dị
Ngôn ngữ truyện kể đã tạo nên sức hút của truyện Nguyễn Nhất Ánh. Trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh, sắc màu trẻ thơ thể hiện ngay ở nhan đề, ở cách
nhà văn đặt tên các chương mục. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tên
12 chương truyện thật gợi, đủ để làm thành thế giới tuổi thơ: Tóm lại là đã
hết một ngày; Bố mẹ tuyệt vời; Đặt tên cho thế giới; Buồn ơi là sầu; Khi người ta
lớn; Tôi là thằng cu Mùi; Tôi ngoan trong bao lâu?; Chúng tôi trở thành lũ giết
người như thế nào?; Ai có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?; Và tôi đã chìm;
Trang trại chó hoang; Cuối cùng là Chuyến tàu không có người soát vé
Nhưng đấy mới chỉ là bề mặt văn bản, cái hồn của truyện Nguyễn Nhật Ánh
nằm ở cái nhìn trẻ thơ của tác giả. Hay nói cách khác, Nguyễn Nhật Ánh nhìn
mọi chuyện bằng nụ cười trẻ thơ. Đó là trường nhìn thuận lợi để nhà văn khơi
sâu vào tâm lí tuổi thơ với những trạng thái cảm xúc “cắc cớ” (nhất là lứa tuổi
54
mới lớn). Dù kể chuyện từ ngôi thứ ba khách quan, trung tính (Thằng quỷ nhỏ,
Bồ câu không đưa thư, Trước vòng chung kết) hay hóa thân thành một cậu
bé, cô bé “tuổi teen” để “nhìn ngắm” thế giới (Chú bé rắc rối, Trại hoa vàng,
Bàn có năm chỗ ngồi, Đi qua hoa cúc), ngôn ngữ của người kể chuyện trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh luôn tường thuật chi tiết sự việc, sự kiện từ cái nhìn
của thiếu nhi/thiếu niên. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, bằng việc di
chuyển điểm nhìn từ cái tôi tác giả - người kể chuyện ở hiện tại, về cái tôi – cu
Mùi tám tuổi những ngày thơ ấu, Nguyễn Nhật Ánh đã làm một phép liên
tưởng bất ngờ, thú vị. Nhà văn đã tạo nên một vùng thẩm mỹ - thế giới thật sự
của thiếu nhi - trong những tác phẩm của ông. Đó là gia đình, trường lớp, làng
quê; là những giấc mơ tuổi nhỏ, là những miền tưởng tượng ngay trong thế giới
quen thuộc xung quanh nhưng chỉ riêng trẻ nhỏ mới “thấy” (Đảo mộng mơ;
Chuyện xứ Lang Biang) Được kể, tả qua ngôn ngữ tự sự từ cái nhìn thơ trẻ,
không gian trong truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa thơ mộng vừa ngộ nghĩnh, và
là cả một thế giới lộng lẫy và bí ẩn.
Trong nhiều tác phẩm ngôn ngữ truyện kể là thứ ngôn ngữ của trẻ con, mà
“đối với người lớn thì ngôn ngữ trẻ con cũng giống như một thứ ngoại ngữ”. Các
chú chó Binô và Bêtô trong Tôi à Bêtô đã tìm cách cắt nghĩa cách nói lạ lùng của
cô bé Ni: “Mẹ ơi, con nhức đầu”. (có nghĩa) Mẹ ơi, con muốn nghỉ học sáng nay;
Mẹ ơi, hôm nay tháng mấy rồi? (có nghĩa) Mẹ ơi, sắp đến sinh nhật con rồi ; Mẹ
ơi, ngày mai trời có mưa không hở mẹ? (có nghĩa) Mẹ ơi, mai mẹ dẫn con đi siêu
thị nha mẹ. Nguyễn Nhật Ánh hiểu và kể chuyện bằng thứ ngoại ngữ dành cho
người lớn ấy nên hiển nhiên truyện Nguyễn Nhật Ánh là tiếng nói của thiếu nhi.
Cũng chỉ Nguyễn Nhật Ánh mới “bênh vực” cho những hành động ngược đời,
ngổ ngáo, trở chứng của trẻ (như ăn cơm trong thau, uống nước bằng chai, gọi cái
nón là cuốn tập, tivi là quạt máy, đi ngủ là đi chợ hay tìm kho báu trong vườn
nhà) và xem nó như là “những cuộc cách tân táo bạo” hay những “sáng tạo”
gắn liền với tâm lí, óc tưởng tượng phong phú và nhu cầu làm cho cuộc sống của
trẻ thú vị, mới mẻ hơn (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ).
Có thể nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh là những câu chuyện không hề xa lạ,
55
khó hiểu. Truyện Nguyễn Nhật Ánh thu hút tất cả mọi người một phần do “ngôn
ngữ trẻ thơ” tươi tắn đó.
3.3.1.2. Ngôn ngữ trữ tình, đậm chất thơ
Bên cạnh ngôn ngữ trẻ thơ trong sáng, giản dị là ngôn ngữ trữ tình đậm chất
thơ, nhà văn sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc ở những đoạn văn tả cảnh
hay tả tâm trạng, có tác dụng dẫn dắt các sự kiện một cách logic, tăng sự hấp dẫn
của truyện, tái hiện và lắng đọng những hồi ức.
Truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh viết về “tuổi thơ nghèo khó của
trẻ ở một làng quê” thông qua cách kể của Thiều xưng “tôi” trong tác phẩm.
Truyện được bắt đầu từ chuyện xem hoa tay.Với cách lựa chọn nhân vật người kể
chuyện như vậy, nhà văn đã khai thác thứ ngôn ngữ hồn nhiên, trong trẻo của trẻ
thơ. Bằng những lời văn nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình, nhà văn đã đưa độc giả của
mình đến gần hơn với tuổi thơ đã đi vào hồi ức. Mở đầu tác phẩm với hai câu thơ:
“Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Có thể thấy một điều rằng: Nguyễn Nhật Ánh thật nhẹ nhàng và sâu lắng khi
đưa ngòi bút của mình đi dưới những màu xanh của lá, màu vàng của hoa...Tâm
hồn chúng ta không khỏi bâng khuâng khi đọc những câu văn khắchọa tình cảm
trong sáng của lứa tuổi học trò mà Thiều dành cho Mận: Khi trả lời tôi, gương
mặt con Mận rạng lên như thể đang tắm trong nắng mai khiến tôi không thể nào
rời mắt nhìn đi nơi khác ... Hay những câu thơ chứa đầy niềm tin và hi vọng vào
tình yêu và tương lai của nhân vật “tôi” dành cho cô bé Rùa trong Ngồi khóc trên
cây:
“Ở trong xa cách
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây”
56
Chất trữ tình và chất thơ cũng xuất hiện nhiều trong các đoạn văn miêu tả
cảnh thiên nhiên: “Khói lên nghi ngút khiến màn sương buổi sớm chưa kịp tan
đã trở nên dày đặc. Trên ngọn hải đường lập lòe hoa đỏ sát hàng rào nhà nhỏ
Thảo, lũ chim sẻ chí chách gọi nhau hệt một bọn trẻ lắm mồm.Tôi hít một hơi
đầy lồng ngực và đưa mắt ngắm khoảnh vườn của mình với vẻ trìu mến. Bên
cạnh những đóa đồng tiền rực rỡ như những ngọn pháo bông, những bông cẩm
chướng e ấp một nét đẹp thùy mị, dịu dàng là những đoá hồng xinh tươi và quí
phái . Những cụm hoa chen nhau chiếm gần trọn nửa khoảnh vườn”[31;1].
Đoạn văn cho thấy những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên chỉ có ở nhân vật
“tôi” trong Trại hoa vàng, thể hiện tình yêu thiên nhiên cùng với một tâm hồn
nhạy cảm, phong phú ở một chàng trai đa sầu đa cảm.
Ngôn ngữ tự sự của Nguyễn Nhật Ánh vừa giản dị, trong sáng, vừa trữ tình,
giàu chất thơ không chỉ phù hợp với các em thiếu nhi mà còn làm cho những
người “đã từng là thiếu nhi” được lắng đọng, được sống lại hồi ức về thế giới vi
diệu của trẻ thơ và tìm lại những dấu ấn khó phai trong tuổi mới lớn.
3.3.2. Giọng điệu
Trong cuộc sống hàng ngày, giọng điệu được hiểu như lời nói, giọng nói của
mỗi cá nhân con người, phản ánh thái độ, tư tưởng, tình cảm, cách đánh giá nhất
định và nó thường mang tính nhất thời. Còn trong văn học, giọng điệu là một
phạm trù thẩm mĩ, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn. Đồng
thời được tổ chức công phu và là kết quả của một quá trình sáng tạo thực sự giúp
cho nhà văn khi sáng tác có thể liên kết các yếu tố hình thức lẫn nhau làm cho
chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng chung một khuynh hướng nhất
định.
3.3.2.1. Giọng điệu hài hước, tinh nghịch, hóm hỉnh
Đọc những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh ta thấy mặt mạnh trong giọng
điệu của nhà văn, đó là giọng điệu hài hước, hóm hỉnh.Chính những trang văn của
Nguyễn Nhật Ánh đã đã đem đến cho độc giả nhiều tiếng cười sảng khoái. Để tạo
nên giọng điệu hóm hỉnh, tinh nghịch, tác giả đã xây dựng dày đặc những chi tiết
hài hước.
57
Chính giọng điệu hài hước này đã gây hứng thú, tiếng cười cho người
đọc.Chúng ta sẽ xa rời những toan tính, vụ lợi để trở về với tiếng cười trong
trẻo của tuổi thơ. Đó là lý do vì sao bộ truyện dài Kính vạn hoa của ông có
sức hấp dẫn đến vậy. Những chi tiết hài trong truyện gây ra tiếng cười đủ mọi
cung bậc. Có khi là tiếng cười rúc rích như những chuyện tiếu lâm lẫn bài học
của Tiểu Long: “Hình bình hành lúc nào cũng nghiêng nghiêng một bên như
người vẹo cột sống, còn hình thang thì nằm chẹp bẹp, đầu nhỏ, đít to” [34;2];
có khi là nụ cười thú vị trước những câu nói dí dỏm của cậu học trò thông
minh Quý ròm hoặc tiếng cười sảng khoái khi các cậu nhóc phát hiện ra một
cái gì đó ngồ ngộ (chẳng hạn: Văn Châu không phải là con trai mà là con gái,
Thùy Vân có biểu hiện “tí tách” vì hồi nhỏ thường hay đái dầm,...) Những chi
tiết này cứ xuất hiện một cách bất ngờ, như những móc xích xâu chuỗi câu
chuyện lại với nhau, làm cho mỗi trang sách thêm phần mới lạ, người đọc
không cảm thấy nhàm chán.
Hay nhân vật Tiểu Long tính tình hiền lành, nhường nhịn, điềm đạm, trái
ngược hẳn với tính cách nóng như lửa của ông bạn ròm, nhưng lại khá cù lần nên
thường bị Quý ròm át giọng và chỉ huy. Tuy cù lần nhưng đôi khi nhờ phương
châm "chậm mà chắc", lại giúp cả bọn giải quyết vấn đề.
Nối tiếp Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang của ông lại tiếp tục chinh
phục hàng triệu thiếu nhi Việt Nam đang đứng trước cơn bão mang tên Harry
potter lúc bấy giờ. Sự hài hước diễn ra trong môi trường lớp học, trong những bài
học về cách sử dụng thần chú, trong những giờ học thực hành cho phép biến hình.
Ví như Kan Tô biến chiếc ghế của thầy Hailixiro đang ngồi thành quả mít: “Trong
khi quả mít bị đè dẹp lép, múi mít xì tứ phía còn hột mít văng tùm lum, thì thầy
Hailixiro nhảy tưng tưng vì bị mớ gai nhọn chích vô mông. Trông thầy lúc này y
chang một con voi đang khiêu vũ”.
Ở Tôi à Bêtô, tính chất dễ thương, dí dỏm được bộc lộ qua giọng điệu của
một chú cún. Nhân vật tôi - Bêtô tự nói về cuộc đời của mình với sự thú vị khi
được kết bạn với thằng Laica ra sao, sức cuốn hút mà thằng Bino đem đến cho
cậu như thế nào, sự ân cần, yêu thương của chị Ni và bố mẹ chị Ni dành cho chú
58
ta nhiều đến đâu, và những trò kì quái mà Bêtô đã làm để khiến cuộc sống của
mình bớt tẻ nhạt đi.Ngay cả cách Bêtô tự khoe về thành tích phá phách của mình
cũng đậm chất hài hước: “Tôi đã phá hỏng rất nhiều thứ: Giầy dép, sách vở,
những đôi vớ. Và cả những chiếc đồng hồ. À, sẽ không thừa nếu tôi bổ sung thêm
vào bảng liệt kê đầy ấn tượng của mình thành tích mới nhất: Mới hôm qua đây
thôi, tôi đã kịp biến chiếc điện thoại cầm tay của bà chị Ni thành một thứ thích
hợp nằm trong thùng rác” [41;4]. Điều quan trọng ở đây là, truyện kể bằng giọng
điệu của một chú cún nhưng thực chất là nhà văn đang cố nhìn, hiểu và cảm nhận
bằng chính tâm hồn cùng những suy nghĩ của những cô bé, cậu bé.
Giọng điệu nổi bật trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là giọng
hồn nhiên, hóm hỉnh. Có thể nhận thấy rằng, chính giọng điệu hồn nhiên, hóm
hỉnh, hài hước đã giúp tác giả thể hiện được một cách sinh động thế giới xung
quanh các em, để từ đó khắc chạm những bức tranh cuộc sống lung linh, sáng
trong trong tâm hồn trẻ nhỏ : “Tôi len lén ngồi vào chỗ, không dám nhìn con Xin.
Nhưng qua khóe mắt tôi vẫn hồi hộp theo dõi nó và gần như nín thở khi thấy nó
sè sẹ mở phong bì rút lá thư ra đọc. Tất nhiên tôi không biết được con Xin nó làm
gì...” [40;32].
Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và
nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính
vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân
và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng
tiếc thương một cái gì đã mất.
Còn với người lớn, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy
và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt
làm cho người ta lắm khi khó cầm được nước mắt. "Ðược tắm mình trong dòng
sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người
lớn một cách diệu kì ", Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và ông đã đúng.
3.3.2.2. Giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm và suy tư
Trong văn học nói chung và văn xuôi nói riêng, giọng triết lý, chiêm nghiêm
thường xuất hiện ở những nhà văn “ưa” suy tư, trăn trở với đời. Những nhà văn
59
có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống luôn muốn khái quát quy luật cuộc đời và
văn chương qua những chiêm nghiệm.
Nguyễn Nhật Ánh là một trường hợp đặc biệt. Ông thuộc thế hệ nhà văn
trưởng thành sau năm 1975 chỉ chuyên viết về thiếu nhi nhưng văn phong của ông
đậm đà những cung bậc cảm xúc. Không dừng lại ở tiếng cười tinh nghịch, dí
dỏm, truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn đem đến cho ta những khoảng lặng đáng
quý toát ra từ giọng điệu triết lý hồn nhiên của trẻ thơ.
Trong truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn hóa thân vào hai vai:
một người lớn đang nhìn về quá khứ, kể về câu chuyện thuở thiếu thời của mình
và một đứa trẻ tự do thích làm việc theo ý mình. Cu Mùi – nhân vật chính trong
truyện luôn quan sát, phân tích cuộc sống xung quanh, đôi khi đưa ra những triết
lý sắc bén về các quan hệ xã hội, về các khái niệm đối nghịch như con ngoan -
con hư, sự đơn điệu - sự ổn định, sự êm đềm - vô vị, sự giống nhau - khác nhau...
Với đặc tính này cu Mùi xuất hiện rất đặc biệt thông qua một cảm giác, một nhận
xét về cuộc đời: “cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt” [32;10].
Mùi từng có suy nghĩ trong kinh nghiệm khi ngồi bàn cuối: Trong lớp tôi
luôn ngồi bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu véo hay giở đủ
trò nghịch ngợm mà không sợ cô giáo phát hiện. Nhưng điều hấp dẫn ở vị trí tối
tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng. Trong quá trình cải cách thế giới cũ kĩ, già nua
của những đứa trẻ, chúng nhận ra những triết lý hồn nhiên nhưng không kém
phần sâu sắc. Thằng cu Mùi giải thích vì sao nó lại thích ngồi bàn chót theo một
quy luật rõ ràng là “bộ nhớ của chúng ta quá nhỏ để chứa cùng lúc nhiều khuôn
mặt hay nhiều tên” nên cô giáo không thể nhớ tới và kêu cu Mùi lên bảng trả bài
nếu cô không vô tình gặp mặt nó. Cũng như cái cách nó nói về giờ ra chơi: “có
nghĩa là những lời vàng ngọc của thầy cô tuột khỏi trí nhớ nhanh như gió, hết sức
trơn tru”. Còn trên thế giới này, “có lẽ có rất nhiều đứa nhỏ trạc tuổi tôi đều bị các
bậc phụ huynh cột chặt vào giấc ngủ trưa theo cách người ta cột bò vào cọc”.
Trong tâm trí đứa trẻ tám tuổi - dĩ nhiên chưa có những triết lý như người lớn - cu
Mùi cũng đã lờ mờ nhận ra “khi ba tôi đi ngủ thì buộc lòng phải đi ngủ, giống như
một con cừu còn thức thì người chăn cừu không yên tâm chợp mắt được”. Sự
60
kiểm soát này làm đứa con cảm thấy “cuộc sống đối với tôi thật là đơn điệu, nếu
sự lặp đi lặp lại là biểu hiện chính xác và rõ rệt nhất của sự đơn điệu”.
Đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Chương 13), thì việc đan xen giữa
giọng điệu hội thoại là giọng suy tư và sâu lắng là khá rõ nét. Chú Đàn coi việc
chuyển thư của người con trai đến người con gái là "làm chim xanh". Chú khen
Tường "Con là con chim xanh giỏi nhất thế gian" lời khen của chú làm thằng
nhóc sướng rên.Nhưng con chim xanh giỏi nhất thế gian đó cũng có ngày gặp
nạn. Tường đã khóc khi không làm tròn nhiệm vụ, “có thể nó cũng muốn ngưng
lại nhưng không được. Con người ta khóc cũng giống như trời mưa. Chỉ khi nào
hết nước thì trời mới thôi mưa và chúng ta mới thôi khóc”.
Sức hút của văn chương Nguyễn Nhật Ánh trước hết là triết lý sống vì nhau
xuyên suốt trong tác phẩm của anh, với các em nó là bài học luân lý, là sự khám
phá về cái gọi là tình người; với người lớn nó là chìa khóa mở ra biết bao nỗi ăn
năn. Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự
vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khóa sống vì nhau đã giúp tâm hồn con người
tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó.
Trong Tôi à Bêtô những triết lý của chú chó bé con trở nên thú vị. Hãy nghe
chú chó Binô nói về nỗi sợ hãi “như một điều thích thú”: “Được sợ hãi, đó là thứ
cảm giác mà nhiều người sẵn sàng trả tiền được thưởng thức” [41;48]. Con người
ta cũng thường bỏ tiền ra để mua nỗi sợ hãi như đọc truyện ma, xem phim kinh dị
nhưng không mấy ai ngồi suy ngẫm, nhấm nháp về ý nghĩa của hành động đó.Và
đây, những triết lí về cuộc đời của Bêtô tuy chưa có sự từng trải nhưng lại hiện sự
sắc sảo, thông minh. Người lớn chúng ta đừng tưởng trẻ con chỉ có sự ngây thơ
hồn nhiên. Sự nhạy cảm với cuộc sống giúp trẻ con có những nhận xét chính xác
về cuộc đời, về con người: “Bạn thấy chưa, càng lớn tuổi, con người ta càng nó ít
đi. Họ nghĩ nhiều hơn” [42;7] ; “Lời ăn tiếng nói của người già mới sâu sắc làm
sao!” [42;18]. “Dưới những tia nắng ngược, những ngôi nhà bỗng nhiên tỏa
sáng Những người đi lại trên phố nom cũng hồn nhiên và hiền lành hơn
Những đăm chiêu, mưu mô tính toán không còn chút dấu vết trên mặt họ. Trông
họ thoải mái lạ lùng.” [42;122].
61
Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan,
Nguyễn Nhật Ánh đã nói: " Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa
sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông lên bằng
văn chương." Và thế là với những sáng tác của mình, quả chuông của Nguyễn
Nhật Ánh đã rung lên. Khi đã theo con tàu của Nguyễn Nhật Ánh để đi về tuổi
thơ một lần, tôi tin mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh rung chuông, người ta khó lòng bỏ
qua một tấm vé để lại được cùng ông háo hức lên tàu.
Bằng giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh và giọng triết lý, chiêm nghiệm đậm
chất trẻ thơ, Nguyễn Nhật Ánh đã tạo ra một thế giới tràn đầy niềm tin, tiếng cười
trong các tác phẩm của mình. Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh khám phá thế giới
trẻ thơ sinh động nhiều màu sắc. Những suy tư, chiêm nghiệm được tác giả diễn
đạt bằng giọng điệu hài hước, hóm hỉnh khiến những bài học giáo dục trong tác
phẩm nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc.
* *
*
Nguyễn Nhật Ánh đã lựa chọn linh hoạt những điểm nhìn để tạo ra một lăng
kính đặc biệt muôn màu. Đó là điểm nhìn trẻ thơ trong trẻo, điểm nhìn của người
lớn mang tính sâu sắc, triết lí và toàn năng khi dẫn dắt câu chuyện và sự dung hòa
giữa hai điểm nhìn để soi chiếu dòng hồi ức đa sắc về thế giới tuổi thơ và tuổi mới
lớn. Với ý nghĩa như những tấm vé đưa độc giả trở về sân ga tuổi thơ, Nguyễn
Nhật Ánh tạo nên cặp phạm trù song hành không gian hoài niệm và thời gian quá
khứ, tâm tưởng. Cặp không – thời gian này khơi mở những kí ức, đưa nhân vật
ngược dòng quá khứ trở về với “miền xanh thẳm” để tìm lại những giá trị tốt đẹp,
hồn nhiên đáng quý của thời thơ ấu một đi không trở lại. Bên cạnh đó ngôn ngữ
giản dị, trong sang, đậm chất thơ và giọng điệu hóm hỉnh, triết lý cũng là những
phương diện nghệ thuật thể hiện hồi ức trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh.
62
C- PHẦN KẾT LUẬN
Sự đa dạng trong phong cách viết của các tác giả đã làm nên sức hấp dẫn của
văn học thiếu nhi Việt Nam thời kì đổi mới, tạo nên một thể loại văn học vô cùng
gần gũi, bình dị.Văn học thiếu nhi đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung,
hình thức, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn hướng tới giáo dục và hoàn thiện
nhân cách con người. Với hơn 100 tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm được
giải thưởng, được dịch sang tiếng nước ngoài, Nguyễn Nhật Ánh trở thành một
hiện tượng độc đáo. Ông đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học thiếu nhi sau
1975 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Nguyễn Nhật Ánh là một hiện
tượng văn học đặc biệt bởi nhiều thế hệ độc giả đều yêu thích tác phẩm của ông -
trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn
người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ.
Nằm trong mạch chảy văn học thiếu nhi Việt Nam sau năm 1975, hồi ức là
loại chất liệu được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng. Nhà văn viết cho trẻ thơ như lần
giở kí ức của chính mình. Thông qua màn sương kỉ niệm, Nguyễn Nhật Ánh đã
tạo dựng một thế giới tuổi thơ vi diệu, đắm say trong những trò chơi hồn nhiên,
thơ dại. Hồi ức tuổi thơ còn tràn đầy khát khao đẹp đẽ và tình yêu thương được
nhìn qua trái tim bao dung, lòng nhiệt thành con trẻ. Viết cho thiếu nhi, truyện
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ có sự hồn nhiên, ngây thơ mà còn chất chứa nhiều
xúc cảm mới mẻ, mơ hồ, mong manh của trái tim lần đầu rung động trước người
khác giới. Cùng với sự tái hiện quá khứ đã qua, hồi ức còn là cuộc hành trình đi
tìm bản thể, chiêm nghiệm cái tôi và suy tư về cuộc đời.
Nguyễn Nhật Ánh đặt sự vật, con người trong điểm nhìn trẻ thơ để phát lộ
thế giới trong trẻo riêng trong cách nhìn của các em. Ngược lại, điểm nhìn người
lớn đã đem đến cho sáng tác của nhà văn sự sâu sắc, triết lí, cũng như kìm nén để
những ngây dại thơ bé không đi quá đà. Sự dung hòa hai điểm nhìn đã mở rộng
biên độ tác phẩm để đối tượng độc giả không chỉ thu hẹp trong trẻ thơ mà cả
người lớn cũng yêu thích. Lấy hồi ức làm chất liệu, không gian hoài niệm và thời
gian quá khứ, tâm tưởng trở thành một cặp song hành. Không gian làng quê –
thiên đường đã mất cùng với thành thị hiện đại, xô bồ mở ra theo trường hoạt
63
động của nhân vật. Nó tương ứng với không gian quá khứ theo trật tự tuyến tính
và những khoảng ngưng của thời gian. Không – thời gian gắn kết quá khứ, hiện
tại, thực và tâm tưởng, khơi mở những kí ức, tái hiện nhưng gương mặt người,
những kỉ niệm chôn sâu trong tâm trí. Bên cạnh đó thủ pháp giấc mơ và ngôn
ngữ, giọng điệu trẻ thơ cũng hấp dẫn người đọc vào hành trình trở về sân ga tuổi
nhỏ.
“Có thể nói mỗi cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu trở về tuổi
thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ, mỗi thú vị mỗi háo hức mỗi mê
say, khi làm ta bật cười, khi làm ta rưng rưng hoặc lặng đi suy ngẫm”... Hồi ức
tuổi thơ trong sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh kết tinh trở thành
phần di sản đẹp đẽ hướng con người ta tới cái Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời.
64
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tài liệu tham khảo
1. Thái Phan Vàng Anh (2013), “Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện của thiếu
nhi”, Tạp chí Non nước, số 187 (tháng 6), tr.59-64.
2. Phạm Thị Bền (2005), Thế giới trẻ thơ qua cách nhìn của Nguyễn Nhật Ánh
trong bộ truyện Kính Vạn Hoa, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư
phạm Hà Nội.
3. Thiều Chửu (2009), Hán Việt từ điển, Nxb Thanh niên.
4. Trần Hoài Dương (2014), Miền xanh thẳm (in lần thứ 5), Nxb Kim Đồng.
5. Nguyễn Hương Giang (2000), “Người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ”, Tạp chí
Văn nghệ Quân đội, số 8, tr.106-109.
6. Việt Hà (2006), “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – Mãi giữ một tâm hồn trẻ thơ”,
Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2013), Từ điển
thuật ngữ văn học (tái bản), Nxb Giáo dục.
8. Vũ Thị Hương (2009), Thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh, Luận
văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
9. Trần Đăng Khoa (2009), “Lá bùa của nhà ảo thuật”, Tạp chí Văn học và tuổi
trẻ, số tháng 7.
10. Nguyễn Văn Long (chủ biên) (2012), Giáo trình văn học Việt Nam hiện
đại, tập II (Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945), in lần thứ 4, Nxb Đại học Sư
phạm, Hà Nội.
11. Lã Thị Bắc Lý (2011), Giáo trình văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà
Nội.
12. Lã Thị Bắc Lý (), Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975, Luận án.
13. Lã Thị Bắc Lý (2013), Cảm nhận về văn học thiếu nhi Việt Nam đầu thế kỉ
XXI, cập nhật ngày 10/06/2014.
14. Thúy Nga, Huyền Sương, Ngọc Cúc (2002), Kính vạn hoa còn chút gì để
nhớ, Nxb Kim Đồng.
15. Nguyên Ngọc (1993), “Viết cho trẻ em hôm nay càng khó hơn”, Tạp chí Văn
65
học, số 5, tr.4-5.
16. Nhiều tác giả (1983), Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng.
17. Hoàng Phê (chủ biên) (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa.
18. Lê Thị Diệu Phương (2011), Yếu tố huyền thoại trong truyện Nguyễn Nhật Ánh,
Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
19. Nguyễn Minh Phương (2014), Hồi ức trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, Luận văn
Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
20. Lê Minh Quốc (biên soạn) (2012), Nguyễn Nhật Ánh, hoàng tử bé trong thế
giới tuổi thơ, Nxb Kim Đồng.
21. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
22. Vân Thanh (1998), “Nguyễn Nhật Ánh nhà văn thân quý của các em”, Tạp
chí Văn học, số 6, tr.73-78.
23. Vũ Ân Thy (1997), “Nguyễn Nhật Ánh – người bạn thân mến của độc giả
trẻ”, Báo Sài Gòn giải phóng, số 9, tr.17-19.
24. Nguyễn Thị Thanh Xuân (1996), “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Đọc văn
xuôi Nguyễn Nhật Ánh”, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 237 (ra ngày
26/12/1996), tr.12-13, tr.28.
II. Ngữ liệu nguồn
25. Nguyễn Nhật Ánh (2005), Người Quảng đi ăn mì Quảng, Nxb Trẻ.
26. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Bàn có năm chỗ ngồi (tái bản lần thứ 23), Nxb Trẻ.
27. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Buổi chiều Windows (in lần thứ 18), Nxb Trẻ.
28. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Hoa hồng xứ khác (in lần thứ 20), Nxb Trẻ.
29. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Lá nằm trong lá (tái bản lần thứ 2), Nxb Trẻ.
30. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Mắt biếc (tái bản lần thứ 21), Nxb Trẻ.
31. Nguyễn Nhật Ánh (2011), Trại hoa vàng (tái bản lần thứ 19), Nxb Trẻ.
32. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (tái bản lần thứ 32),
Nxb Trẻ.
33. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Cô gái đến từ hôm qua (tái bản lần thứ 27), Nxb Trẻ.
34. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Kính vạn hoa (tái bản), Nxb Kim Đồng.
35. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Út Quyên và tôi (tái bản lần thứ 22), Nxb Trẻ.
36. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Còn chút gì để nhớ (tái bản lần thứ 27), Nxb Trẻ.
66
37. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Đi qua hoa cúc (tái bản lần thứ 19), Nxb Trẻ.
38. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Ngồi khóc trên cây, Nxb Trẻ.
39. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Thiên thần nhỏ của tôi (tái bản lần thứ 27), Nxb Trẻ.
40. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tái bản lần thứ
11), Nxb Trẻ.
41. Nguyễn Nhật Ánh (2013), Tôi là Bêtô (tái bản lần thứ 22), Nxb Trẻ.
42. Nguyễn Nhật Ánh (2014), Hạ đỏ (tái bản lần thứ 28), Nxb Trẻ.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- hoi_uc_tuoi_tho_trong_sang_tac_cho_thieu_nhi_cua_nguyen_nhat_anh_9979_2082198.pdf