Đề tài Nghệ thuật kể chuyện trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa của Jacqueline Wilson

Trên cơ sở đi sâu tìm hiểu, khám phá " Nghệ thuật kể chuyện trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa " của Jacqueline Wilson, chúng tôi đã khái quát được những đóng góp của nhà văn đối với nền văn học thiếu nhi trên toàn thế giới. Tuy vậy, trong phạm vi luận văn thạc sĩ với một người bước đầu nghiên cứu khoa học, luận văn này chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, hạn chế, chúng tôi mong nhận được nhiều đóng góp cho luận văn của mình vì sự khám phá những giá trị văn học của Jacqueline Wilson nói riêng và nền văn học thiếu nhi nói chung.

doc105 trang | Chia sẻ: phamthachthat | Lượt xem: 1999 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nghệ thuật kể chuyện trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa của Jacqueline Wilson, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng đứa hết hạn sử dụng để rồi bị tống vào đây "[41,10]. Dường như, chính những lời tâm sự này của Tracy Cốc Nhựa cho thấy sự đau buồn, chán nản, bất lực của những đứa trẻ khi phải đến sống ở mái ấm, chúng tự cảm thấy bản thân thừa thãi vì không ai cần đến sự có mặt của chúng hết. Trong tác phẩm, rất ít những câu văn miêu tả về khung cảnh của mái ấm này, nhưng điểm lại một vài chi tiết có thể cho người đọc hình dung sơ qua về mái ấm Bãi Thải. Ở đó có tầng lầu, phòng khách, phòng tĩnh tâm - nơi mà những đứa trẻ khi mắc lỗi sẽ bị phạt ngồi trong đó để kiểm điểm lại hành động của mình, có sân vườn - nơi diễn ra trò thật và thách giữa Tracy và Justine, ngoài ra, mỗi thành viên ở mái ấm đều có phòng của riêng mình " dù chúng bé tẹo như cái tủ búp phê vậy "[39,70], phòng Tracy theo như miêu tả là " trông có hơi giống một bãi rác.... sàn nhà thì vứt lung tung nào tất vớ nào pyjama với cả những mẩu bánh quy và mấy cái gọt bút chì "[39,142], trên tường cô bé dán rất nhiều ảnh kỉ niệm về mẹ, còn phòng của chị Adele thì " có cả một ngăn tủ đầy tú hụ đồ trang điểm "[39,78]. Có thể nói, không gian Bãi Thải hay hình ảnh của những trung tâm bảo trợ xã hội không hề quen thuộc đối với đa phần trẻ em có cuộc sống bình thường mà không gian này chỉ gắn liền với một bộ phận em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương. Nhưng bằng tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình, Jacqueline Wilson đã dùng ngòi bút để khắc họa cái không gian ấy trở nên không đáng sợ như trong tưởng tượng của những đứa trẻ, biến cái " bất thường " cũng dần trở nên gần gũi từ đó khơi gợi sự cảm thông, đồng cảm sâu sắc của các độc giả nhỏ tuổi với những đứa trẻ có hoàn cảnh ấy. Dường như, không gian mái ấm là sáng tạo nghệ thuật độc đáo và là một hình ảnh quen thuộc trong các sáng tác của Jacqueline Wilson. Và bà đã sử dụng không gian này như là một phương tiện để từ đó khám phá chiều sâu diễn biến tâm lí của nhân vật và làm cho cốt truyện trở nên hấp dẫn, thu hút hơn. Vậy nhưng, khác hẳn với khung cảnh một cô nhi viện ngột ngạt, bức bối với những kỉ luật hà khắc của Quản lí Mặt Lợn ( tên do Hetty đặt ) khiến những đứa trẻ chỉ được phép thực hiện mà không có quyền thắc mắc hay hỏi han gì ở truyện ngắn Hetty đi tìm mẹ, thì ở mái ấm Bãi Thải, những đứa trẻ vẫn nhận được sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc từ những người bảo trợ xã hội ở đây. Đó là khi Tracy mắc lỗi thì cô Elaine vẫn luôn cố gắng khuyên bảo hay hình ảnh của cô Jenny luôn bên cạnh giúp đỡ Tracy Cốc Nhựa mỗi khi cô bé gặp phải chuyện buồn, rồi còn cả chú Mike, người đã đón Tracy về khi cô bé bỏ trốn, cũng là người nấu đồ ăn và hết mực an ủi em khi cô bé siêu quạu cọ ấy bị phạt không được tham gia vở kịch vào đêm giáng sinh nữa. Mặt khác, với Tracy Cốc Nhựa thì không gian này cũng là một nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của cô bé, đó là địa điểm bắt đầu của tình bạn, tình mẫu tử và cả tình cảm giữa Tracy và cô Cam. Không gian mái ấm tình thương là nơi gặp gỡ của Tracy với những người bạn đồng cảnh ngộ như: Peter Ingham, Justine Que Củi, Louise...Ở nơi đó, Tracy đã từng giúp đỡ cậu bé nhút nhát Peter vào mỗi đêm khi cậu bé gặp rắc rối với ga trải giường của mình hay là an ủi Peter khi thấy cậu bé " ngồi co ro và ướt sũng vì gặp phải một cơn ác mộng về bà (...) vì vậy tôi đã ngồi xuống bên cạnh nó một chút và khi cảm thấy nó đang run rẩy, tôi quàng cánh tay qua vài nó và nói với nó rằng rất có thể nó là người bạn thân nhất của tôi từ trước đến này "[39,152], và cũng chính trong không gian đó vào dịp giáng sinh, Tracy đã giúp Peter học thuộc và tập diễn kịch hàng đêm. Bên cạnh đó, Mái ấm Bãi Thải cũng là nơi chứng kiến nhiều rắc rối giữa Tracy và Justine, hai cô bé thường xuyên gây lộn với nhau, chúng còn chơi trò Thật và thách để chứng tỏ bản lĩnh của mình : " tôi nhặt nhạnh quanh vườn để lắp tấm ván trượt này với miếng ván mục và mấy thứ đại loại thế. Và tôi thách Justine trượt một vòng, Thế là nó làm.... Rồi Justine thách tôi leo lên cái cây ở phía cuối vườn. Thì tôi leo "[39,112]. Không chỉ thế, mái ấm tình thương này còn là không gian giúp cho Tracy làm quen được với cô Cam, người mà sau này đã cho cô bé một gia đình hạnh phúc, dường như, nếu không có không gian này thì cuộc đời của Tracy sẽ không có một bước chuyển biến mạnh mẽ đến như vậy. Tại mái ấm, Tracy và cô Cam đã có những phút giây chuyện trò thân mật với nhau, điều đó càng thôi thúc cô bé thuyết phục cô Cam nhận nuôi mình để có một cuộc sống như Tracy Cốc Nhựa hằng mơ ước. Mặc dù, sống ở mái ấm Bãi Thải, những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc của những người không hề có quan hệ ruột thịt nhưng dường như với chúng từng ấy yêu thương vẫn chưa đủ để có thể thay thế được tình cảm gia đình thiêng liêng. Tất cả những đứa bé ấy, có lẽ, chúng chưa bao giờ được hưởng một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn do đó không gian Bãi Thải đối với các em chỉ giống như một nơi " dừng chân tạm thời " trong lúc chờ đợi đến phút giây được đoàn tụ với những người thân thiết ruột thịt của mình. Đấy là hình ảnh của Justine Que Củi ngồi hàng giờ để đợi người bố đến thăm mình, là những cơn ác mộng hàng đêm về người bà đã mất ám ảnh cậu bé Peter Ingham, và cũng là vô số lần thất vọng vì người mẹ đã không giữ lời hứa của cô bé Tracy Cốc Nhựa. Phải chăng, chính sự đợi chờ, mong ngóng của những đứa bé có hoàn cảnh đáng thương ấy đã khơi gợi sự cảm thông, chia sẻ ở người đọc, từ đó đem đến những giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Bằng sự tinh tế của một người thấu hiểu sâu sắc tâm lý trẻ thơ, Jacqueline Wilson đã khéo léo miêu tả, khắc họa từng hành động, từng biến thái nhỏ nhất trong đời sống tình cảm của bọn trẻ khi chúng sống trong mái ấm Bãi Thải. Do đó không gian Bãi Thải không chỉ là nơi chứa đựng sự mong mỏi, khát khao được gặp lại người thân của những đứa trẻ " bị bỏ rơi" mà còn khiến cho chúng cảm thấy ngột ngạt,tù túng " chán chết ngay cả trong thời điểm yên ổn nhất...bọn lớn sẽ giở trò bắt nạt, bọn nhỏ nhít thì vo ve quanh bạn, rất phiền, còn đâu cái bọn bằng tuổi chỉ thích đàn đúm thì thầm to nhỏ và chuyên lấy bạn ra làm trò đùa "[39,70] . Cuộc sống ở mái ấm thường không dễ dàng gì, " khi đã quen sống trong một cơ sở bảo trợ trẻ em như thế này thì sẽ không bao giờ học được cách sống trong một mái nhà đích thực "[39,146] . Phải chăng, chính vì thế mà tính cách của những đứa trẻ đó trở nên khác thường, bởi lẽ các em sẽ phải tự lập, chịu sự thiếu vắng hơi ấm tình thân đồng thời học cách để không trở nên sầu não, ủy mị và ngã lòng trước cuộc sống khắc nghiệt ấy. Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa của Jacqueline Wilson là bộ truyện viết cho thiếu nhi, bà đề cập đến chuyện trẻ em bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đáng thương ở mái ấm tình thương như Bãi Thải nhưng câu chuyện không trở nên căng thẳng, gò bó bởi lẽ tác giả rất tinh tế, tôn trọng mọi suy nghĩ, biểu hiện của trẻ khi được tiếp xúc với môi trường sống đó. Có lẽ, " không hiếm cây bút yêu trẻ con, hiểu trẻ con nhưng để những sáng tác đó trở thành tác phẩm đặc sắc dành cho thiếu nhi thì cần thiết phải có một yếu tố quan trọng đó là tôn trọng mọi suy nghĩ, cảm xúc và để các em luôn sống đúng với lứa tuổi của mình. Ở cuốn sách nào, trẻ em được tôn trọng, cuốn sách đó sẽ chiếm được cảm tình của nhiều độc giả nhí " ( Nguyễn Thị Bình) [7]. Và Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa chính là một tác phẩm như vậy. 3.2 Không gian trường học Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa giống như một quyển nhật kí ghi lại cuộc sống hàng ngày của cô bé Tracy. Vì thế, ngoài việc miêu tả Tracy ở mái ấm thì tác giả còn khắc họa khá thú vị những hoạt động ở trường học của cô bé. Do đó, không gian trường học là một không gian khá quan trọng trong tác phẩm, đó là bối cảnh để Jacqueline Wilson khai thác những mối quan hệ của Tracy với thầy cô, bạn bè. Tác phẩm kể về cuộc đời của Tracy ở hai mốc thời gian khác nhau, do đó không gian trường học cũng chia thành hai địa điểm : trường học ở mái ấm Bãi Thải và trường học sau khi chuyển ra sống với cô Cam. Nếu như mái ấm tình thương là nơi đã xảy ra rất nhiều rắc rối, những trò nghịch ngợm của Tracy và các bạn đồng cảnh thì trường học cũng là một nơi như vậy, có biết bao kỉ niệm thú vị đã diễn ra ở không gian này. Theo như lời tự giới thiệu của Tracy ở những trang đầu của tập truyện thì cô bé sau khi chuyển qua ba trường khác thì hiện đang học ở lớp 3A, trường Trung học Kinglea. Hàng ngày, Tracy phải đi học bằng xe buýt và điều cô bé không thích nhất ở trường đó là " tất thảy bọn trẻ đều mặc một màu xám xịt, gọi là đồng phục mà tôi chỉ có mỗi bộ màu xanh lính thủy đồng phục của trường cũ ".[39,21]. Trường của Tracy diễn ra rất nhiều hoạt động khác nhau, một trong số đó là tổ chức biểu diễn đóng kịch trong dịp giáng sinh. Để chuẩn bị cho buổi lễ, cô Simpkins, giáo viên đặc biệt cho môn mỹ thuật và kịch nghệ đã lựa chọn kĩ càng các em học sinh có thể tham gia vở kịch " Giáng sinh yêu thương ". Điều đó tạo ra sự ganh đua cho những đứa trẻ, chúng háo hức để có mặt trong buổi diễn đó, và cô Simpkin đã quyết định chọn Louise cho vai " bóng ma giáng sinh quá khứ ", Freddy Tròn Trùng Trục cho vai " bóng ma giáng sinh hiện tại ", Justine Que Củi cho vai " Hồn ma của Marley ", lần lượt các vai diễn được ấn định khiên Tracy thất vọng vì cô bé rất muốn có mặt trong vở diễn để mẹ khi đến xem có thể tự hào về mình, và rồi, như mong đợi của Tracy, cô Simpkins đã quyết định cho Tracy đóng vai chính, đó là vai diễn ông lão " Ebenezer Scrooge già nua cộc cằn "[39,24]. Lời nói của cô Simpkins như một liều thuốc vui vẻ giúp Tracy nhanh chóng lấy lại được tâm trạng và cô bé rất quyết tâm sẽ luyện tập chăm chỉ để hoàn thành tốt vở diễn của mình. Có thể nói, không gian trường học là một nơi quen thuộc trong những câu chuyện viết cho thiếu nhi vì trường học gắn bó chặt chẽ với lứa tuổi cắp sách đến trường. Jacqueline Wilson cũng độc đáo và sáng tạo trong cách tạo dựng không gian này. Không gian trường học của cô bé Tracy Cốc Nhựa không hiện lên đáng ghét giống trong tác phẩm David Copperfield của Charles Dickens hay hài hước như ở trong Nhóc Nicolas của Gosciny và Cédric tôi thích đi học của Laudec&Cauvin, cũng không rao giảng, giáo điều bởi tâm lí của trẻ em dù yêu trường lớp đến đâu cũng đều coi những ngày nghỉ học là cực kì hạnh phúc, mà không gian này chỉ là hiện lên khác lạ và là sáng tạo độc đáo của Jacqueline Wilson khi khắc họa được một không khí vui tươi của những hoạt động bên lề sách vở. Vì thế mà tác phẩm trở nên gần gũi, mang tính giải trí cao đối với độc giả nhí sau những giờ học tập căng thẳng. Nhờ có buổi biểu diễn mà không khí ở trường học vốn đã sôi động lại càng trở nên náo nhiệt hơn. Bọn trẻ trở nên hăng hái, ai ai cũng mong muốn vở kịch được thành công tốt đẹp để có một giáng sinh tuyệt vời nhất. Thế nên chúng tận dụng hết mọi thời gian để luyện tập, kể cả là giờ nghỉ trưa " Hội hát Thánh ca thì chuyên lạc điệu, hội ma phụ tạp nham thì chỉ giỏi thút thít, chứ rền rĩ cái nỗi gì và lũ vũ công thì đâm bổ vào nhau, riêng Peter Mít ướt thì quên vẫn hoàn quên lời thoại. Nó thậm chí còn quên khuấy cái chân nào bị què, lúc thì khập khiễng chân trái, lúc thì chân phải "[39,79]. Đến đêm diễn, không khí giáng sinh như tràn ngập khắp mọi nơi, nhờ thế mà không gian trường học cũng trở nên nhộn nhịp hơn " Cả hội trường đang nhộn nhạo hết lên, hầu như các chỗ ngồi đều kín người "[39,161]. Cuối cùng bằng sự linh hoạt và thông minh của mình, Tracy đã giúp cho vở kịch được diễn ra một cách tốt đẹp, vậy nhưng vào giây phút ấy, với riêng Tracy thì cô bé vẫn cảm thấy hụt hẫng, thất vọng vì mẹ đã không có mặt bởi tất cả sự cố gắng của cô bé để có mặt trong vở kịch cũng là mong muốn tỏa sáng cho mẹ xem. Dường như, không gian trường học một lần nữa lại là địa điểm để Tracy bộc lộ tình yêu thương tha thiết, khát vọng mãnh liệt được đoàn tụ với người mẹ để rồi sẽ có " hạnh phúc mãi mãi ". Như vậy, ở tập truyện này, tác giả không lựa chọn những mang tính chất đặc biệt mà đó chỉ là một hoạt động quen thuộc diễn ra ở trường học trong các buổi lễ đặc biệt, để từ hoạt động đó, không gian đó làm nền cho phát triển tâm lí, tính cách của các nhân vật. Một không gian sống động, nơi mà tất cả những nhân vật trẻ thơ đều hiện diện với sự tưng bừng, náo nhiệt và vui vẻ. Bởi thế, không gian trường học là một bối cảnh quan trọng để trẻ em được sống đúng với lứa tuổi của mình và cho người đọc cảm nhận được sự hồn nhiên, tinh nghịch của chúng trong sinh hoạt nhà trường. Bên cạnh đó, khi nhắc tới không gian trường học, Jacqueline Wilson ngoài việc phác họa lại không khí sôi nổi thì còn nhắc đến những hoạt động học tập ở nhà trường. Điều đó được thể hiện qua một vài chi tiết miêu tả tại ngôi trường mới của Tracy sau khi cô bé chuyển đến sống với Cam. Dưới con mắt trẻ thơ của Tracy Cốc Nhựa, không gian trường học mới trở nên rất chân thực, đó là ngôi trường " cũ rỉn, nhìn đâu cũng chỉ thấy gạch đỏ và sơn nâu, nhà vệ sinh thì bốc mùi kinh khủng, và bộ sậu giáo viên thì già lụ già khụ "[41,30]. Ngoài ra, với không gian này, Jacqueline Wilson cũng miêu tả khá tỉ mỉ, chân thực hàng loạt khung cảnh thường thấy trong các trường học để từ đó người đọc có thêm cái nhìn cụ thể về thế giới nhân vật trong tác phẩm. Đã là học sinh thì việc phải làm bài tập là một yêu cầu bắt buộc, thế nhưng với Tracy, ngay cả hoạt động quen thuộc ấy cũng gây ra cho cô bé nhiều rắc rối thú vị. Đó là khi lớp của Tracy được cô Barley yêu cầu viết bài tự truyện về " Gia đình em ". Nhắc đến gia đình, dường như Tracy lập tức nghĩ ngay đến mẹ của mình, dù cho cô Barley có gợi ý là nên viết về cô Cam, nhưng Tracy vẫn quả quyết " Em sẽ viết về mẹ đẻ của em, thưa cô ". Và cô bé đã làm thật " hết trang này đến trang khác. Bài viết có lộn xộn tí chút, tôi cũng không kiểm tra chính tả và để tâm đến các dấu chấm câu cũng như các từ phải viết hoa bởi vì làm thế mất thời gian lắm.". Và rắc rối mà Tracy gặp phải ở đây đó là cô Barley rất không hài lòng về bài viết, cho rằng chi tiết Tracy đã kể không phải là sự thật, cô còn " bắt đầu đọc to từng đoạn, chẳng thèm hạ thấp giọng xuống chút nào hết và công khai trước lớp " khiến cho " cả lớp cười nghiêng ngả, vài đứa giàn giụa nước mắt vì cười ", vì thế Tracy đã rất tức giận và có lời lẽ không đúng mực với cô Barley, hậu quả là phải ra khỏi lớp học. [41,15]. Như vậy, Jacqueline Wilson đã đi sâu vào từng ngõ ngách trong đời sống sinh hoạt học tập, trong suy nghĩ, hành động, tâm lý của tuổi học trò để quan sát, miêu tả, phản ánh lại một cách chân thực và sinh động nhất. Hình ảnh hài hước đầy rắc rối của Tracy Cốc Nhựa ở trường học gợi nhắc cho người đọc đến những cô cậu học trò nghịch ngợm trong tập truyện Tướng quân thuộc bộ truyện Kính vạn hoa gồm 54 tập của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Kính vạn hoa được coi như là một " bách khoa toàn thư " về đời sống học trò ở Việt Nam. Bộ truyện được viết trong suốt 15 năm và trở thành tác phẩm viết cho thiếu nhi dài tập nhất xuất bản nhiều nhất từ trước đến nay. Trong tác phẩm là những câu chuyện về tình yêu thương gia đình, tình bạn bè, về cuộc sống, tâm lí tuổi học trò một cách giản dị mà hài hước, xoay quanh ba nhân vật chính đó là Quý ròm, Hạnh và Tiểu Long. Tướng quân là tập thứ 21 của bộ truyện này, và ở phần đầu tập truyện tác giả cũng đã khắc họa những hoạt động học tập quen thuộc của không gian trường học như: bày trò nghịch ngợm đóng kịch vào giờ học tự quản để rồi lo sợ bị chịu phạt hay những tiết học vui vẻ vì những câu trả lời sai kiến thức tạo tiếng cười cho các bạn cùng lớp. Hãy cùng thử đọc qua một đoạn nhỏ trong tập truyện ấy để thấy được sự nghịch ngợm, sôi nổi, vui tươi của thế giới học trò " nhất quỷ, nhì ma " đó: " Cô Nga làm nghiêm cũng chẳng phải dễ dàng gì. Phải vất vả lắm cô mới giữ được giọng nói bình thường: - Thế theo em, Hai Bà Trưng và Trưng Trắc, Trưng Nhị khác nhau như thế nào?(...) - Thưa cô, khác nhau ở chỗ Trưng Trắc và Trưng Nhị đánh nhau với quân Tô Định, còn Hai Bà Trưng đánh nhau với quân Mã Viện ạ. Nhỏ Hiền Hòa vừa dứt câu, chung quanh liền nổ ra những tràng cười sặc sụa. Đám học trò bấm bụng nén cười nãy giờ không còn kiềm chế được nữa, cả mấy chục cái miệng thi nhau "hi hi, ha ha, hê hê" đủ giọng khiến nhỏ Hiền Hòa chết điếng, mặt mày xám ngoét như phải chàm "[2,40] Có thể nói, dù là cuộc sống học đường trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh hay là không gian trường học của cô bé Tracy Cốc Nhựa thì đều là những hình ảnh thân quen, gần gũi, hài hước đối với bạn đọc bởi trong đời học sinh ai chẳng có ít nhất một mắc lỗi và phải chịu phạt về hành động của mình. Đồng thời, qua những hình ảnh đó cũng giúp chúng ta như sống lại kí ức tuổi thơ ngọt ngào với biết bao kỉ niệm không thể nào quên của một thời cắp sách tới trường. Không chỉ vậy, khi nhắc đến trường học không thể không nhắc đến tình cảm thầy trò thân tình, thấu hiểu điều đó, Jacqueline Wilson đã mượn không gian này để khắc họa hình ảnh một người thầy hiền từ, đức độ, luôn quan tâm, yêu thương học sinh của mình. Khác với sự nghiêm khắc của cô hiệu trưởng Darlow ở trường cũ, thầy hiệu trưởng Hatherway là người luôn an ủi, giúp đỡ Tracy mỗi khi cô bé bị phạt vì những rắc rối mình gây ra. Khi Tracy bị cô Barley phạt phải đứng ngoài hành lang thì trong lúc Tracy đang bực tức, khó chịu bỗng " thầy Hatherway đi qua, dẫn theo một thằng nhỏ ở lớp vỡ lòng đang bị chảy máu cam, thầy bảo tôi: " Em đang nói chuyện một mình đấy à cô bé? " " Không, em đang nói chuyện với đôi giày ạ ", tôi cáu kỉnh đáp lại. Tôi những tưởng thầy sẽ xông lại quát mình nhưng thầy lại chỉ gật đầu và lau máu mũi đang tuôn ra của cậu nhỏ kia. Rồi thầy bảo: " Thầy cũng chuyện trò riêng tư với giày của mình khi thầy có những việc làm thầy chán nản..."(...) Thầy nhẹ nhàng gật đầu với tôi rồi hai người đi. Đến tận thời khắc đó tôi vẫn chắc mẩm ngôi trường mới này là một chốn khủng khiếp trăm phần trăm. Giờ thì có lẽ cũng được 1% chấp nhận được, vì tôi khá là thích thầy Hatherway"[41,19] Chỉ với một đoạn văn nhỏ cũng đã cho người đọc hình dung ra hình ảnh đức độ của người thầy, là hình mẫu lí tưởng để học sinh phấn đấu noi theo. Chính vì nhờ có thầy Hatherway mà không gian học tập của Tracy trở nên thân tình hơn và giúp cô bé có thêm động lực để mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hình ảnh về một người thầy hiệu trưởng Hatherway luôn ân cần, quan tâm đến học sinh của mình cũng gợi cho người đọc nhớ đến thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku của cô bé Totto-chan trong tác phẩm Totto-chan bên cửa sổ của Kuroyanagi Tetsuko. Trường học của Totto-chan là một ngôi trường rất ít học sinh, ai cũng kì lạ như cô bé thậm chí là có cả những em khuyết tật, lớp học chỉ là những toa tàu cũ, thế nhưng ở trường học đó, các em được dạy dỗ bởi một người thầy luôn tôn trọng học sinh của mình để chúng có thể tự do phát triển năng khiếu bản thân. Người thầy đó có thể ngồi hàng giờ lắng nghe tâm sự của cô bé Totto-chan đồng thời cũng tổ chức rất nhiều hoạt động khác nhau như cắm trại, đi du lịch, đại hội thể thao, tập làm nông dân... để học sinh được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên hơn. Có thể nói, hình ảnh hai người thầy Hatherway và Kuroyanagi Tetsuko đều sẽ để lại những kỉ niệm khó quên đối với Tracy Cốc Nhựa và Totto-chan, người thầy không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn truyền lửa tình người giúp học trò lớn khôn trong tâm hồn và nhân cách. Mặt khác, với không gian trường học, Jacqueline Wilson không chỉ tạo dựng mối quan hệ của nhân vật trung tâm với thầy cô giáo mà còn khắc họa tình bạn của những đứa trẻ đồng trang lứa. Ở bất kì trường học nào thì giữa những đứa trẻ việc xảy ra rắc rối với nhau cũng là chuyện bình thường. Tracy ở ngôi trường mới cũng thường xuyên gây lộn với cô bạn Roxanne Xanh Lét. Lúc thì chúng cãi cọ nhau về chiếc áo hàng hiệu " Nó khoe khoang cái áo phông mới hiệu DKNY, lại còn làm điệu bộ lắc vai, vậy là tôi nhại lại nó, và mọi người cười ồ hết cả lên "[40,23], khi thì chúng gây lộn với nhau bằng trò thách đố và hậu quả Tracy " gánh vô vàn những rắc rối là rắc rối[40,90]. Bên cạnh đó, không gian trường học cũng là bối cảnh để bắt đầu cho tình bạn giữa Tracy và Cầu Thủ. Khi Tracy được Cam đưa đến trường thì cô bé chợt nảy ra ý định muốn trốn học, và chính giây phút đó, Tracy đã lần đầu tiên gặp Cầu Thủ, lúc cậu bé đang chơi bóng đá trên sân trường: " Tôi quành vào góc, một quả bóng từ đâu bay vút đến suýt nữa thì cắt lìa đầu tôi ra khỏi cổ... Tôi nhảy lên, chụp lấy và ôm trọn quả bóng trước ngực.. Một tên nhóc béo tốt vạm vỡ chạy tới đòi lại quả bóng, đầu câu ta tròn xoe như quả bóng, tóc thì dựng đứng tua tủa " [40,92], ấy chính là Cầu Thủ, một trong hai người bạn thân của Tracy sau này. Như vậy, Jacqueline Wilson vừa tập trung phác thảo bức tranh toàn cảnh về nhà trường, vừa cố gắng truyền đến cho độc giả cảm nhận về không khí thân tình của tình bạn, sự chia sẻ, giúp đỡ nhau của những đứa trẻ đồng trang lứa. Và qua những câu chuyện viết về trường học, tác giả mong muốn các em nhỏ sẽ thêm yêu quý và trân trọng những tháng năm được ngồi học trên ghế nhà trường hơn nữa. Ngoài ra, ở bối cảnh trường học, tác giả cũng chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống học đường của những cô cậu bé cấp một. Đó là việc bọn trẻ cũng có lúc trốn học vì những lí do ngộ nghĩnh, đáng yêu, Tracy không đến trường chỉ vì không thích giờ học của cô Barley và cô Smith, còn Alexander chỉ vì luôn đứng bét môn thể dục mà không đi học vào những tiết học của môn đó. Quả thật Jacqueline Wilson đã thấu hiểu tinh tế mọi diễn biến tâm lý, suy nghĩ, hành động của lũ nhóc tiểu học, học sinh thì thời nào, nước nào cũng vậy, vẫn sẽ nghịch ngợm, hiếu động như thế, đúng như câu nói quen thuộc " Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò". Tóm lại, qua việc tác giả khắc học cuộc sống học tập của Tracy đã giúp cho người đọc như trở lại những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào, với những kỉ niệm tuyệt vời của của một thời cắp sách tới trường. Có thể nói, trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa không gian nhà trường được miêu tả như một môi trường giáo dục để trẻ em có thể hoàn thiện phát triển nhân cách của mình đồng thời thể hiện sự gắn bó của tình thầy trò thân tình, tình cảm bạn bè trong sáng. 3.3 Không gian gia đình - mái ấm yêu thương Gia đình có một vị trí vô cùng quan trọng đối với mỗi con người đặc biệt là với trẻ em. Gia đình là tổ ấm yêu thương, nơi nuôi dưỡng trực tiếp và dạy dỗ để trẻ hoàn thiện nhân cách của mình. Hơn nữa, trong mối quan hệ với gia đình, trẻ nhỏ cũng sẽ được tìm hiểu và học tập để có những kiến thức căn bản trên con đường chập chững bước vào đời, tiếp xúc với xã hội. Đồng thời, đó cũng là nơi nâng bước và là điểm tựa vững chắc để mỗi khi trẻ gặp khó khăn sẽ có thêm niềm tin mà vượt qua. Bởi thế, trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, Jacqueline Wilson đã khắc họa không gian gia đình như là một không gian chủ đạo để trẻ em có thể bộc lộ mọi tính cách, suy nghĩ của mình. Người đọc có thể bắt gặp rất nhiều câu chuyện về gia đình của các nhân vật trong tác phẩm cũng như mối quan hệ của chúng với những thành viên khác. Trước hết, với những đứa trẻ ở mái ấm Bãi Thải thì không gian gia đình như là một mơ ước, khao khát của chúng. Đó là mong mỏi được đoàn tụ với mẹ và sống hạnh phúc mãi mãi của cô bé Tracy Cốc Nhựa, hay là nỗi ám ảnh khôn nguôi về hình ảnh người bà đã mất của cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Peter Ingham, đồng thời cũng là khao khát cả gia đình sẽ được đoàn tụ của Justine Que Củi khi mẹ mất, cha không có khả năng nuôi dạy nên hai đứa nhỏ và Justine phải vào những cô nhi viện khác nhau... Có thể nói, những đứa trẻ trong mái ấm tình thương coi không gian gia đình như là một hi vọng để chống chọi lại cuộc sống thiếu thốn của mình, và với các em, gia đình là điều gì đó rất thiêng liêng và cần phải trân trọng. Ngoài ra, ở tập truyện Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa : Thật và thách, Jacqueline Wilson đã miêu tả khá nhiều những không gian gia đình khác nhau, mỗi nhân vật có một mái ấm riêng, một mối quan hệ riêng. Và Tracy cũng không ngoại lệ, tìm hiểu về cuộc sống gia đình cũng như mối quan hệ của cô bé sẽ cho người đọc có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về nhân vật này. Cuộc đời của Tracy Cốc Nhựa trải qua rất nhiều giai đoạn với những biến cố, sự kiện khác nhau nhưng có hai thời điểm quan trọng nhất đó là khi Tracy được cô Cam nhận nuôi và lúc mẹ đón về sống chung. Chính vì thế mà không gian gia đình đối với nhân vật trung tâm có sự dịch chuyển theo thời gian, mỗi một không gian lại là câu chuyện hài hước, thú vị khác nhau về những tổ ấm của Tracy Cốc Nhựa. Không gian cuộc sống gia đình của Tracy ở nhà cô Cam có thể nói là không được như những gì Tracy mong đợi, thay vì sống trong căn nhà hiện đại, sang trọng thì nhà cô Cam là một " căn hộ bé tí tẹo. Và có thể nói là quá tồi tàn "[39,182], thậm chí nhà cô ấy " còn không có tấm thảm nào ra hồn", bộ xô pha thì " bằng da nhưng tất tật đều rách tươm ra rồi, vì vậy mà cô ấy phải phủ cái chăn chắp vá thủ công cũ rích này và mấy chiếc gối tự thêu chữ thập để ngụy trang "[41,39]. Do đó, phòng ngủ của Tracy cũng chỉ là căn phòng nhỏ chẳng lớn hơn một cái tủ quần áo " mà Tracy thường gọi đó là " Hang dơi ", và cô bé đã trang trí nó toàn màu đen " cho hợp tâm trạng " với " tường đen. Trần đen ", có những ngôi sao dạ quang gắn trên trần nhà, cô Cam còn giúp Tracy " tìm vài tờ giấy đen với những ngôi sao bạc và làm thành những tấm rèm cửa tiệp màu ", " mua cho tôi một vài con dơi đồ chơi bằng nhung đen để treo trên trần nhà" .[41,43]. Có thể nói, đó không phải là cuộc sống gia đình mà Tracy hằng mong ước nhưng ở đó lại đích thực là một tổ ấm yêu thương, nơi ấy cô bé cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương và sự chia sẻ của cô Cam mỗi khi gặp phải chuyện gì khó khăn. Dù đôi khi họ vẫn thường xuyên " tranh cãi nảy lửa " nhưng rồi lại nhanh chóng làm lành, và họ đã có " những thời gian tuyệt vời bên nhau. Cam nấu cho tôi những bữa ăn đặc biệt. Thi thoảng tôi cũng nấu cho cô ấy như vậy. Chúng tôi làm việc cùng nhau, ra ngoài cùng nhau, khâu vá cùng nhau, đi khắp nơi cùng nhau và chuyện trò cùng nhau luôn "[41,316]. Chỉ trong một câu văn mà tác giả đã sử dụng bốn lần liên tiếp cụm từ " cùng nhau ", điều này thể hiện một dụng ý nghệ thuật độc đáo của Jacqueline Wilson, cho thấy hạnh phúc gia đình không thể hiện ở sự giàu sang, phú quý, mà là một cuộc sống có những người thân luôn biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động, không cần biết làm gì, ăn gì, đi đâu, quan trọng là ta luôn bên cạnh nhau cùng thực hiện. Tổ ấm đích thực là nơi mỗi đứa trẻ phải nhận được sự chỉ dạy, yêu thương của người lớn, đảm bảo cho các em có một môi trường sống để phát triển hoàn thiện tình cảm, nhân cách của mình. Ngoài ra, nói đến không gian gia đình trong tác phẩm, Jacqueline Wilson còn nhắc đến cuộc sống ở nhà mẹ đẻ của Tracy. Đó là một căn nhà với đủ tiện nghi, mẹ Tracy đã mua cho cô bé rất nhiều món quà khác nhau, cho Tracy đầy đủ về vật chất khiến cô bé cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, dường như, mọi thứ đó chỉ mang lại niềm vui nhất thời cho Tracy vì chỉ một thời gian sau, vẫn căn nhà ấy, vẫn không gian sống đó, Tracy lại cảm thấy nó u ám và tẻ nhạt, vì lúc này, mẹ đã không dành nhiều quan tâm cho cô bé như trước nữa, hơn thế mẹ còn bỏ Tracy ở nhà để đi chơi dù cô bé đã hết sức năn nỉ. Bởi lẽ, việc phải ở một mình cũng giống như một nỗi sợ hãi gợi nhắc đến quá khứ từng là vết thương trong lòng cô bé" Nó nhắc lại cho tôi về khoảng thời gian khi tôi còn rất nhỏ và mẹ đã bỏ rơi tôi. Tôi không thể nào nhớ nổi chính xác. Tôi chỉ nhớ là tôi đã khóc trong bóng tối và chẳng có ai tới cả. Bóng tối dường như bao phủ toàn bộ không gian và tôi chỉ có một mình và mẹ tôi thì chẳng bao giờ quay trở lại với tôi "[41,251]. Không chỉ thế, trong ngày hôm đó, Tracy còn vô tình nghe được câu chuyện của mẹ và nhân tình, họ bàn nhau kế hoạch đi chơi mà không cho em đi cùng. Điều này đã làm tổn thương sâu sắc đến tâm hồn nhạy cảm của Tracy Cốc Nhựa. Và cũng nhờ đó đã giúp Tracy nhận thức rõ được thế nào là một gia đình hạnh phúc và đâu mới là tổ ấm yêu thương mà cô bé hằng mong muốn. Những câu văn cuối cùng của tác phẩm, khi mà Tracy nói với Cam rằng cô Cam còn quan trọng hơn bất kì người nào, kể cả là mẹ của cô bé gây xúc động mạnh mẽ đến với người đọc. Nếu trước kia, với Tracy, mẹ luôn là tuyệt vời nhất, dù làm việc gì hay như thế nào thì cô bé vẫn nghĩ đến mẹ đầu tiên, thì giờ đây, Tracy mới hiểu ra rằng, cô Cam còn quan trọng với mình hơn cả. Bởi lẽ, trong lúc cô đơn nhất thì người bên cạnh em không phải là mẹ mà chỉ có vòng tay và sự yêu thương của cô Cam chào đón em. Có thể nói, đây là một nét tâm lí thường thấy ở bất kì đứa trẻ nào, " công sinh không bằng công dưỡng ", người mẹ thật sự không phải chỉ là người mang lại vật chất mà đặc biệt phải bù đắp được những tổn thương tinh thần, trẻ em thường rất nhạy cảm, chúng có thể quan sát rất kĩ mọi hành động của người lớn, vì thế, chúng hiểu rất rõ ai mới là người quan tâm, yêu thương chúng thật sự. Vì thế, người lớn cần thấu hiểu, nắm bắt tinh tế tâm lí trẻ em và luôn là chỗ dựa vững chắc nhất trên mọi bước đường phát triển của các em. Chỉ với một vài miêu tả về không gian gia đình gắn với cuộc sống của cô bé Tracy Cốc Nhựa cũng đã cho người đọc thấy được tài năng cũng như sự tinh tế của Jacqueline Wilson. Tâm hồn con người là một thế giới kì diệu và con đường để đi vào nó cũng không phải là con đường bình thường. Mỗi nhà văn phải là người " đi tìm hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người "( Nguyễn Minh Châu ). Với sự tinh tế và tài năng của mình , Jacqueline Wilson đã tìm được nét đồng điệu ," hạt ngọc ẩn giấu " ấy để có thể chạm được đến trái tim độc giả bằng những tình cảm chân thành , giản dị mà sâu sắc của mình về tình cảm gia đình. Tác giả đã tạo dựng hai không gian đối lập nhau: một cuộc sống thiếu thốn vật chất nhưng mọi người luôn yêu thương, quan tâm nhau như ở nhà cô Cam và một khung cảnh gia đình đầy đủ tiện nghi nhưng lạnh lẽo, thiếu đi hơi ấm tình yêu thương của nhà mẹ đẻ để đưa đến cho độc giả bài học thấm đượm giá trị nhân sinh. Người lớn tìm hiểu tác phẩm để thêm hiểu tâm lí, tính cách trẻ nhỏ rồi từ đó biết yêu thương, chăm sóc các em còn trẻ em đọc để hiểu và cảm thông với những vất vả của cha mẹ, đồng thời biết trân trọng cuộc sống gia đình của mình hơn nữa. Nếu ai đã từng đọc Nhật kí chú bé nhút nhát của Jeff Kinney sẽ rất ấn tượng với cuộc sống gia đình chú bé Greg Hefley tuy nhiều rắc rối nhưng ngập tràn tình yêu thương của những người thân thiết, Greg có một người mẹ luôn yêu thương, chăm sóc cho con cái dù đôi khi phải bỏ lỡ công việc của mình, một người bố luôn khuyên bảo, dạy dỗ con cái trở nên trưởng thành, mạnh mẽ và người anh Rodrick với em trai Manny đã cùng cậu bé tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi cho gia đình bằng những trò đùa hài hước của chúng. Có thể nói, không gian gia đình là một trong những không gian quen thuộc trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Bởi lẽ, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Và ở Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, Jacqueline Wilson cũng dành nhiều trang viết để khắc họa không gian sống của gia đình Cầu Thủ và Alexander, hai người bạn thân nhất của Tracy Cốc Nhựa nhưng đó không phải là cuộc sống đầm ấm, ngập tràn tiếng cười như gia đình của Gred mà Jacqueline đã khéo léo đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh khác nhau. Đồng thời, thông qua việc phân tích tỉ mỉ những diễn biến tâm lí độc đáo của lứa tuổi thiếu nhi ấy, Jacqueline Wilson mang đến cho người đọc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Theo lời miêu tả của Tracy Cốc Nhựa thì không gian gia đình của nhà Cầu Thủ " không phải là ngôi nhà lí tưởng cho gia đình ngọt ngào của tôi. Đám đồ ăn mua về hôm trước đông cứng trong khay bên cạnh xô pha. Gạt tàn đầy ắp đến mức tràn cả ra ngoài và cả căn phòng sực mùi ôi thiu. Ngôi nhà cũng thật là trống trải. À thì ở đây có xô pha, có ghế bành, có ti vi, nhưng chỉ có thế thôi "[41,130], ngoài ra, không khí gia đình của Cầu Thủ lúc nào cũng căng thẳng bởi bố mẹ cậu bé li dị, bố có người tình mới, còn mẹ thì lúc nào cũng mắng mỏ, đay nghiến " Còn nếu mày mà dám làm tao ngứa mắt thêm lần nữa thì tao sẽ cho mày biết tay, tao sẽ tống cổ mày ngay lập tức. Tao đến chết ốm với mày mất thôi, mày có nghe thấy gì không? Đồ vô tích sự kia. Chẳng được tích sự gì hết. Hệt như thằng bố khốn nạn của mày "[41,117]. Chắc hẳn, với một không gian sống như thế, Cầu Thủ đã phải rất cô đơn, lẻ loi, sống cạnh người thân mà vẫn khát khao hơi ấm yêu thương, sống cùng một mái nhà mà tưởng như không có quan hệ ruột thịt. Đã bao lần cậu bé phải chờ đợi một cách vô vọng vì người bố luôn mải mê với tình yêu mà quên đi cuộc hẹn với mình hay có lúc một đứa trẻ mạnh mẽ như Cầu Thủ cũng phải rơi nước mắt tủi thân vì những lời đay nghiến của bà mẹ. Có lẽ, không gian gia đình của Cầu Thủ là một không gian hẹp, cái hẹp của diện tích đã làm cho con người trở nên bí bách, tâm lí cũng vì thế mà dễ bực bội, cáu kỉnh hơn. Phải chăng, không phải đầy đủ các thành viên đã là một gia đình hạnh phúc mà điều quan trọng để xây dựng một tổ ấm đích thực chính là tình yêu , chỉ có sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau mới gắn kết hạnh phúc gia đình một cách trọn vẹn nhất. Trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, tác giả không ngần ngại đề cập đến chuyện li hôn trong gia đình, điều đó cho thấy Jacqueline Wilson rất chú trọng đến tâm lí trẻ, đặt trẻ em vào cả những hoàn cảnh khó khăn nhất để từ đó bộc lộ được cá tính, suy nghĩ của mình. Có thể nói, sau mỗi tập truyện, luôn lắng lại đôi điều buộc người đọc phải suy ngẫm đặc biệt là những bài học về tình cảm gia đình. Dường như đôi khi người lớn vì những mâu thuẫn cá nhân đã vô tình làm tổn thương tâm hồn trẻ. Trái ngược với Cầu Thủ, Alexander sống trong " một ngôi nhà to khủng bố với những ô cửa sổ một đen một trắng cứ thế xen kẽ nhau và những chậu cây cảnh nhỏ xinh đặt hai bên cửa ra vào...Thậm chí, ở bên trong, mọi thứ còn lộng lẫy hơn, với đám đồ gỗ sáng bóng ở khắp nơi, những chiếc xô pha và ghế ngồi phối hợp ăn ý được xếp đặt ngăn nắp kinh khủng, cùng với những tấm đệm được đặt đúng theo một góc "[41,297]. Tuy có cuộc sống giàu sang với đầy đủ tiện nghi như vậy, nhưng tại sao Alexander lại thường xuyên trốn trong ngôi nhà cây? Phải chăng, vì Alexander có một nỗi khổ riêng đó là sợ giờ học thể dục, và điều ấy thì cậu bé chẳng thể chia sẻ thẳng thắn với bố được vì ông luôn dọa nạt sẽ chuyển Alexander đến một trường học khác nếu cứ tiếp tục trốn học. Có lẽ, bố của Alexander chỉ muốn tốt cho cậu bé, ông muốn con trai phải dũng cảm và trở nên mạnh mẽ hơn, vậy nhưng, chính vì điều đó lại vô tình làm cho mối quan hệ cha con trở nên xa cách và khiến Alexander sợ hãi mỗi khi nhắc đến bố của mình thậm chí cậu bé còn bày tỏ: " Tớ ước gì tớ không có bố.. Hay là bố tớ đi với bạn gái cũng được. Tớ ước gì những ao ước của tớ thành sự thật"[41,154]. Có thể nói, để trẻ em được lớn lên, phát triển một cách hoàn thiện thì không gian, không khí gia đình rất quan trọng, cha mẹ phải thực sự thấu hiểu mọi suy nghĩ của con trẻ và là nơi các em có thể chia sẻ, giãi bày mọi tâm tư, nguyện vọng của mình. Bên cạnh đó, không gian sống của gia đình Alexander còn được tác giả khắc họa ở phần truyện gần cuối tác phẩm, có tên là: Mái ấm thực sự của Alexander. Trong phần truyện này, tác giả đã tạo dựng một tình huống đó là Alexander phải nhập viện vì hành động gây lộn của Tracy và Cầu Thủ ở ngôi nhà cây, thế nhưng, cũng từ đó, người đọc mới cảm nhận được cuộc sống gia đình hạnh phúc mà Alexander hằng mong ước và cũng nhờ không khí ấm áp ấy đã giúp cho Tracy cảm nhận được như thế nào mới là một mái nhà thực sự. Bố mẹ Alexander đều rất yêu thương, quan tâm và lo lắng cho cậu bé, lúc biết Alexander nhập viện, họ đã luôn ân cần chăm sóc mà không hề trách mắng những đứa trẻ. Hơn nữa, bố Alxander cũng thay đổi, dần dần bớt nghiêm khắc để trở nên cởi mở, gần gũi với con trai của mình, mẹ cậu bé thì hiền hậu, đảm đang, hết mực chăm lo cho các thành viên trong gia đình. Có lẽ, chính vì điều này mà tính cách của Alexander ôn hòa hơn so với Tracy và Cầu Thủ. Điều đó cho thấy môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Vậy để trẻ em có thể phát triển toàn diện thì không gian gia đình phải luôn đầm ấm, hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười và sự yêu thương. Cha mẹ phải luôn gương mẫu trong mọi hành động, đặc biệt là phải tôn trọng trẻ, để chúng tự do phát huy tính sáng tạo và bộc lộ cá tính của mình. Vì thế, với Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, những câu chuyện hài hước, thú vị không chỉ đem lại niềm vui, tiếng cười, mà còn đưa đến cho bạn đọc những bài học sâu sắc về tình cảm gia đình. Như vậy, bằng ngòi bút chân thực và tinh tế, Jacqueline Wilson đã tái hiện khá chính xác và đầy đủ đời sống gia đình của trẻ thơ với nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc khác nhau. Tác giả đã rất khéo léo xây dựng những không gian gia đình đối lập nhau để từ đó khai thác diễn biến nội tâm nhân vật một cách tỉ mỉ, sống động hơn. Bởi vậy, không gian gia đình trong tác phẩm được khắc họa dưới cái nhìn đa dạng, nhiều chiều : đó có thể là một không gian với diện tích chật hẹp, cũng có thể là nơi có diện tích rộng lớn, vừa là một không gian tâm lí cô đơn, lạnh lẽo lại vừa là một bối cảnh ngập tràn tình thương yêu sâu sắc. Có thể nói, mỗi câu chuyện trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa của Jacqueline Wilson không chỉ mang đến những phút giây giải trí vui vẻ, sảng khoái mà ẩn sau mỗi tình tiết, tình huống trong tác phẩm, người đọc sẽ rút ra nhiều bài học đạo đức cao đẹp về tình cảm gia đình, tình bạn bè và thầy cô... TIỂU KẾT Tóm lại, dưới ngòi bút của Jacqueline Wilson, các kiểu không gian trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa hiện lên thật sinh động, phong phú, đa dạng với những hình thức, quy mô khác nhau, có tác dụng tạo sự hấp dẫn cho cốt truyện và độc đáo cho nghệ thuật kể chuyện. Đồng thời, các hình thức không gian luôn có sự đan xen, liên kết chặt chẽ với nhau, không gian này tác động đến không gian kia và ngược lại. Mỗi một không gian là một môi trường sống độc đáo, có vai trò, vị trí, chức năng ảnh hưởng đến cuộc sống của Tracy cũng như các nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói, không gian trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa đã có sự dịch chuyển từ Bãi Thải đến tổ ấm yêu thương. Nếu như không gian Bãi Thải là nơi diễn ra nhiều rắc rối, quạu cọ của Tracy Cốc Nhựa cùng các bạn, không gian trường học sôi nổi, náo nhiệt thì không gian gia đình lại mang đến những bài học nhân văn sâu sắc cho độc giả. Và đây cũng chính là không gian quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lí và hình thành nhân cách, cá tính của Tracy Cốc Nhựa. Hướng về đề tài thiếu nhi, dường như những trang viết của Jacqueline Wilson trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa nhiều khi có chức năng như là một cuốn tri thức về cuộc sống. Người đọc không chỉ bắt gặp những câu chuyện gần gũi, thân quen mà còn ẩn chứa trong đó là những bài học đạo lí và cách ứng xử giữa các thành viên trong một gia đình. KẾT LUẬN Jacqueline Wilson là một nhà văn tiêu biểu viết cho thiếu nhi của nền văn học Anh vào cuối thế kỉ XX với khối lượng tác phẩm đồ sộ, phong phú. Đọc những tác phẩm của bà, người đọc cảm nhận được tình yêu thương mà người viết dành cho nhân vật. Thế giới ấu thơ được Jacqueline Wilson miêu tả, khắc họa một cách sinh động, hồn nhiên như chính lứa tuổi của các em. Giàu tình thương, giàu tình cảm và cũng rất giàu mơ ước, đó chính là những nét đặc trưng riêng biệt của tâm hồn trẻ thơ. Đến với những câu chuyện này, ngoài những chi tiết hấp dẫn, hài hước, hóm hỉnh, còn là những bài học triết lí nhân sinh sâu sắc mà nhà văn muốn gửi gắm đến những độc giả của mình. Đặc biệt, với Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, ngoài các yếu tố trên, tác giả còn vận dụng nhiều phương thức đặc sắc khác nhau trong nghệ thuật kể chuyện, nhờ vậy mà tác phẩm thực sự đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc trên toàn thế giới. Thành công dễ nhận thấy đầu tiên trong tác phẩm đó là tác giả đã lựa chọn một cốt truyện đơn giản mà độc đáo không quá nhiều tình tiết căng thẳng mà hài hước, nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc đến với từng câu chuyện xoay quanh cuộc sống của cô bé Tracy Cốc Nhựa. Điều đó được thể hiện qua việc lựa chọn cách mở đầu bất ngờ, hứng thú ở từng tập truyện, một diễn biến cốt truyện tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc và một kết thúc hạnh phúc, phù hợp với tâm lí của những độc giả nhỏ tuổi. Những niềm tin ngây thơ, những câu chuyện khoác lác hoang đường, hành động nghịch ngợm, ý tưởng sáng tạo, chút hỗn xược, chút ích kỉ....là những chất liệu tạo nên những câu chuyện khiến cho bạn không chỉ giải trí mà còn thấm những bài học nhân sinh sâu sắc. Có thể nói, truyện của Jacqueline Wilson không phải là những lời giáo huấn nặng nề, cứng nhắc, bà chỉ muốn là người bạn tâm tình của tuổi thơ để kể cho các em nghe về câu chuyện của đời sống, của tâm hồn, những ước vọng của tuổi thơ tươi đẹp mà ai cũng từng có một lần được trải nghiệm. Không chỉ vậy, Jacqueline Wilson còn như một họa sĩ tài ba đã dùng cây cọ " ngôn từ " để vẽ nên một bức tranh nhân vật chân thực, phong phú, sống động trong toàn bộ ba tập truyện Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa. Qua ngòi bút miêu tả, óc quan sát tỉ mỉ, trí tưởng tượng phong phú, bay bổng, các nhân vật dần hiện lên với muôn hình dáng vẻ, cử chỉ, điệu bộ không nhân vật nào giống nhau. Mỗi nhân vật có một hoàn cảnh riêng, có một diện mạo,tính cách với những quá trình vận động, phát triển tâm lí riêng và nhân vật nào cũng có một chiều sâu nội tâm cần được khám phá. Đó là một Tracy Cốc Nhựa với những trò siêu quạu cọ, còn hay tỏ vẻ, huyênh hoang, đôi khi ăn nói không lễ phép, vậy nhưng, ẩn sau những tính cách khác lạ đó là hình ảnh cô bé mười tuổi có tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, luôn yêu thương mẹ tha thiết và khao khát cuộc sống hạnh phúc gia đình thật sự. Hay là một thế giới nhân vật trong và ngoài Bãi Thải với hai người mẹ có tính cách và sự yêu thương, quan tâm khác nhau đối với Tracy Cốc Nhựa, những người bạn đồng trang lứa với đủ mọi trò nghịch ngợm và góp phần tô điểm thêm màu sắc phong phú, hồn nhiên, trong sáng cho cuộc sống của " cô nhóc tóc xoăn tít " ấy. Ngoài ra, điểm mạnh của tác phẩm còn nằm ở chỗ tác giả đã tái hiện thế giới trẻ thơ trong mối quan hệ với những kiểu không gian khác nhau như: mái ấm tình thương ( Bãi Thải ), trường học, gia đình.. từ đó có cái nhìn cụ thể, chân thực và giúp các em có thể thoải mái bộc lộ cá tính, tính cách của mình. Nếu Bãi Thải là nơi bắt đầu cho mọi rắc rối, siêu quạu cọ của Tracy Cốc Nhựa, trường học là không gian sống động, nơi mà tất cả các nhân vật trẻ thơ được hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của hoạt động bên lề sách vở trong đêm giáng sinh, thì không gian gia đình là nơi ngập tràn yêu thương và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lí của các em. Ở Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, các tập truyện kéo dài thành một chuỗi các sự kiện trải qua ba không gian ( Bãi Thải, nhà trường, gia đình ) nối kết với nhau thành mạch kể mà từ đó chiều thời gian của tác phẩm được hiện ra như những mốc quan trọng trong cuộc sống của Tracy. Thời gian ở đây là thời gian theo dòng sự kiện của nhân vật trung tâm kết hợp điểm nhìn " nhập vai vào nhân vật " tạo nên sự chân thực, gần gũi trong các câu chuyện kể của tác giả dành cho những bạn đọc nhỏ tuổi. Vì thế mà câu chuyện về cô bé Tracy Cốc Nhựa như là một món quà trong trẻo, thú vị mà tác giả trao tặng cho các thế hệ bạn đọc. Bên cạnh đó, Jacqueline Wilson đã lựa chọn giọng điệu vui tươi, tinh nghịch đan xen với nét vẽ đen trắng ngộ nghĩnh, đáng yêu thú vị của Nick Sharratt khiến cho những đoạn văn tưởng chừng như căng thẳng cũng trở nên nhẹ nhàng, cuốn hút tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc. Đồng thời, trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa, tác giả còn sử dụng khéo léo một chức năng quan trọng của văn chương : chức năng giáo dục. Văn học chân chính là văn học phải bồi dưỡng tình cảm, triết lí nhân sinh cho người tiếp nhận. Đặc biệt, với những tác phẩm viết về thiếu nhi thì người sáng tác phải tạo ra được " những đứa con tinh thần " có thể khơi dậy, đánh thức trong các em tình cảm và ý nghĩ tốt đẹp, làm cho các em yêu thương, trân trọng những người xung quanh, biết vươn đến cái chân - thiện - mĩ trong cuộc sống. Bộ truyện ba quyển về cuộc đời của cô bé Tracy Cốc Nhựa là một tác phẩm hội tụ được đầy đủ tất cả những yếu tố ấy. Và đó cũng là lí do mà tại sao tác phẩm lại trở thành cuốn sách gối đầu giường của bao cô cậu học trò Anh Quốc và cũng là bộ truyện được mượn nhiều nhất ở thư viện công nước này trong suốt mười năm liền. Khép lại trang sách, người đọc như thán phục ngòi bút tinh tế, tài năng của Jacqueline Wilson - một trong những tác giả viết cho thiếu nhi nổi tiếng ở Anh quốc, dường như những trang văn ấy ắt hẳn chỉ có thể được viết bởi một tâm hồn yêu thương, say mê và thấu hiểu tâm lí trẻ thơ một cách chân thành, sâu sắc nhất. Có thể nói, Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa giống như một tấm vé lữ hành đưa người đọc đi trên chuyến tàu thời gian trở về với những kí ức tuổi thơ hồn nhiên, đáng yêu với đủ cung bậc cảm xúc : có sự cô đơn, có những giọt nước mắt, và đặc biệt là có cả tiếng cười của niềm vui và hạnh phúc. Phải chăng, trong chúng ta, ai cũng đã từng có một tuổi thơ như thế, chỉ vì cuộc sống bon chen, hối hả đã khiến ta lỡ quên đi mất? Nên khi đến với tác phẩm, " bản năng trẻ thơ " đã được đánh thức khiến ta như hòa nhập, sống cùng nhân vật. Vì thế, đó chính là lí do tác phẩm có sức lôi cuốn mạnh mẽ và hấp dẫn nhiều thế hệ bạn đọc đến như vậy. Trên cơ sở đi sâu tìm hiểu, khám phá " Nghệ thuật kể chuyện trong Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa " của Jacqueline Wilson, chúng tôi đã khái quát được những đóng góp của nhà văn đối với nền văn học thiếu nhi trên toàn thế giới. Tuy vậy, trong phạm vi luận văn thạc sĩ với một người bước đầu nghiên cứu khoa học, luận văn này chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, hạn chế, chúng tôi mong nhận được nhiều đóng góp cho luận văn của mình vì sự khám phá những giá trị văn học của Jacqueline Wilson nói riêng và nền văn học thiếu nhi nói chung. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt Hans Christin Andersen (2003), Kho tàng truyện cổ Andersen, người dịch Phạm Bích Liễu, NXB Phụ nữ. Nguyễn Nhật Ánh (2012), Kính vạn hoa ( tập 21, Tướng quân ), NXB Kim Đồng. Nguyễn Nhật Ánh (2015), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, NXB Trẻ Lê Huy Bắc (2013), Đặc trưng truyện ngắn Anh - Mỹ, NXB ĐHSP Hà Nội. Lê Huy Bắc (2011), Văn học Âu - Mỹ thế kỉ XX, NXB ĐHSP Hà Nội. Lê Huy Bắc (2008), Cốt truyện trong tự sự, Tạp chí nghiên cứu văn học số 7. Phạm Thị Bền ( 2008 ), Thế giới trẻ thơ qua cái nhìn của Nguyễn Nhật Ánh trong bộ truyện " Kính vạn hoa ", Luận văn thạc sĩ, Hà Nội. Nguyễn Thị Bình (2010), Sức hấp dẫn của văn học viết cho thiếu nhi qua hiện tượng " Nhóc Nicolas ", Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 2. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB ĐHQG Hà Nội. Nguyễn Thị Kim Đẹp (2014), Nghệ thuật truyện viết cho thiếu nhi của Tạ Duy Anh, Luận văn thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Đà Nẵng. Mai Thị Điệp (2013), Nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Heinrich Boll, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, ĐHSPHN Hà Minh Đức (1996), Lý luận văn học, NXB Giáo dục Hà Nội. Fujiko.F.Fujio (2010), Doraemon chú mèo máy đến từ tương lai, NXB Kim Đồng. Gosciny & Sempé (2014), Nhóc Nicolas và các bạn, người dịch Trác Phong - Hương Lan, NXB Nhã Nam. Gosciny & Sempé (2014), Nhóc Nicolas, người dịch Trác Phong NXB Nhã Nam. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi( đồng chủ biên ) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. Phạm Thị Thu Hà ( 2013 ), Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, luận văn thạc sĩ, ĐH SPHN 2. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục. Tô Hoài (1993), " Văn học cho thiếu nhi hôm nay ", Tạp chí văn học số 5. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng (2008), Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm, NXB Thế giới. Jeff Kinney (2014), Nhật kí chú bé nhút nhát: Giọt nước tràn ly, người dịch: Đạt Trần, NXB Nhã Nam. Laudec&Cauvin (2014), Cédric tôi thích đi học, NXB Nhã Nam. Khúc Thùy Linh (2012), Nghệ thuật tự sự trong truyện cổ Andersen, Luận văn thạc sĩ Lí luận văn học, ĐH KHXH&NV. Phương Lựu chủ biên (2012), Lí luận văn học, NXB ĐHSP Hà Nội. Ngô Đình Vân Nhi (2008), Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, Luận văn thạc sĩ văn học, ĐHSP TPHCM. Lê Lưu Oanh (2008), Giáo trình lí luận văn học dành cho ngành cử nhân giáo dục tiểu học hệ chính quy, tại chức từ xa, NXB ĐHSPHN. Hoàng Phê, Bùi Khắc Việt, Chu Bích Thu (2002), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng. Phạm Thị Minh Phúc (2011), Thế giới trẻ thơ trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Quảng, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, ĐH Vinh. Trần Đăng Suyền (2014), Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, NXB Giáo dục. Trần Đình Sử chủ biên (2009), Giáo trình lí luận văn học tập 2 : Tác phẩm và thể loại văn học, NXB ĐHSPHN. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục. Trần Đình Sử (2007), Tự sự học tập 1,2, NXB ĐHSPHN. Kuroyanagl Tetsuko (2014), Totto-chan bên cửa sổ, người dịch: Trương Thùy Lan, NXB Nhã Nam. Nguyễn Ngọc Thuần (2011 ), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB Trẻ. Hoàng Trinh (1971), Phương Tây văn học và con người, NXB Khoa học xã hội Hà Nội. Bùi Thanh Truyền chủ biên (2012), Giáo trình văn học 2, NXB ĐH Huế. Nguyễn Văn Tùng (2012), Lí luận văn học và đổi mới đọc, hiểu tác phẩm, NXB Giáo dục. Phùng Văn Tửu (2008), Cảm thụ và giảng dạy văn học nước ngoài, NXB Giáo dục. Jacqueline Wilson (2013), Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa : Siêu quạu cọ, Crimson Mai và Phương Văn dịch, NXB Dân trí. Jacqueline Wilson (2013), Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa : Tỏa sáng, Mèo Ú dịch, NXB Dân trí. Jacqueline Wilson (2013), Chuyện đời của Tracy Cốc Nhựa : Thật và thách, Đặng Ly và AY dịch, NXB Dân trí. Jacqueline Wilson (2014), Hetty đi tìm mẹ, người dịch Lưu Chi, NXB Nhã Nam. Jacqueline Wilson (2013), Gemma giành lại bạn thân, người dịch Nguyễn Thị Hương Thảo - Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhã Nam. Tài liệu tiếng Anh M.H.Abrams (1999), A glossary of Literary Terms (seventh edition), Cornell University, Publisher: Earl McPeek, United States of America. Jacqueline Wilson (2007), The story of Tracy Baker: Starring, Publisher: Corgi Yearling. Tài liệu internet tiếng Việt Tài liệu internet tiếng Anh https://en.wikipedia.org/wiki/The_Story_of_Tracy_Beaker tracy-beaker-jacqueline-wilson

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docnghe_thuat_ke_chuyen_trong_chuyen_doi_cua_tracy_coc_nhua_cua_jacqueline_wilson_4306.doc
Luận văn liên quan