Mục lục
Phần mở đầu 1
Phần nội dung 15
Chương 1. nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 15
1.1. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 15
1.1.1. Nhân vật văn học và nhân vật trong truyện ngắn 15
1.1. 2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 17
1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 23
1.2.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình, diện mạo và tên gọi của nhân vật 24
1.2.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình, diện mạo 24
1.2.1.2. Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên 28
1.2.2. Xây dựng nhân vật qua hành động 30
1.2.3. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật 32
1.2.3.1. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 33
1.2.3.2. Ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật 35
1.2.4. Xây dựng nhân vật qua thế giới nội tâm và thế giới tâm linh 38
Chương 2. nghệ thuật tổ chức không gian - thời gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 42
2.1. không gian và thời gian nghệ thuật 42
2.1.1. Không gian nghệ thuật 42
2.1.2. Thời gian nghệ thuật 45
2.1.3. Mối tương quan chặt chẽ giữa không gian và thời gian nghệ thuật 46
2.2. nghệ thuật tổ chức không gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 47
2.2.1. Không gian xã hội trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 47
2.2.2. Không gian thiên nhiên trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 55
2.3. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 60
2.3.1. Sáng tạo thời gian nghệ thuật theo trình tự thời gian tuyến tính 61
2.3.2. Thời gian nghệ thuật đảo ngược, đan xen các sự kiện 64
Chương 3. ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 67
3.1. ngôn ngữ trần thuật 67
3.1.1. Ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ trần thuật của truyện ngắn 67
3.1.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 68
3.1.2.1 Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật khách quan 68
3.1.2.2. Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật chủ quan 73
3.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 77
3.2.1. Lý luận chung về giọng điệu trần thuật 77
3.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 78
3.2.2.1. Giọng giễu nhại, trào phúng 78
3.2.2.2. Giọng triết lý trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 81
3.2.2.3. Giọng đối thoại mang tính chất dân chủ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 86
Phần kết luận 91
Thư mục 94
105 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6863 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ngôi thứ nhất với lối xưng “tôi” khi kể lại những diễn biến của truyện theo cảm nhận của người trong cuộc. Người đọc có thể biết người kể chuyện thích cái gì, nam hay nữ, nghề nghiệp ra sao… Song, đó chưa phải là vấn đề quan trọng, cái quan trọng là kiểu trần thuật này đem lại hiệu quả thẩm mĩ gì?
Đây là lối kể của “người bình luận từ bên trong hành động”. Điểm nhìn được đặt vào nhân vật xưng “tôi” cho nên qua cách nhìn nhận, đánh giá của nhân vật đó, người đọc thấy tính cách, tâm hồn nhân vật sinh động đến mức như được tận mắt nhìn thấy một con người thực giữa cuộc đời, đang nghe anh ta tâm sự, giãi bày. Với lối kể chuyện này, người đọc luôn tin vào câu chuyện, dễ bị cuốn vào diễn biến của chuyện, luôn có cảm giác đó là chuyện thực chứ không phải thế giới nghệ thuật. Hãy làm một cuộc khảo sát những truyện như: Mảnh vỡ của đàn ông, Chàng trai ở bến đợi xe, Cuộc đổi chác, Lá quốc thư thứ nhất, Lá quốc thư thứ hai, Phòng khách, Tờ khai visa, Sân bay, Vẫn tin vào chuyện thần tiên, Mây mưa mau tạnh, Tự truyện, Chạy quanh công viên mất một tháng và một số truyện khác, chúng ta sẽ có ngay cảm giác đó.
ở truyện Mảnh vỡ của đàn ông, nhân vật “tôi” kể chuyện của mình nhưng thực chất lại đánh giá những người phụ nữ ở quanh mình - đó là những người mẹ, người chị, người yêu, người vợ. Chủ quan hoá cái nhìn, người kể chuyện đóng vai một người hiểu biết, có thể xét đoán mọi chuyện nghiêm túc. Nghiêm túc, anh ta thấy những người phụ nữ quanh anh đều là “mảnh vỡ của đàn ông”: mẹ anh thì sống như người mất hồn, mộng du với những ám ảnh về hình bóng người chồng đã mất. Chị Thạch là mảnh vỡ của gã chồng hèn hạ. Nhưng nghiệt ngã thay cho đời, chị “làm mảnh vỡ lăn lê ra đường đi lối lại mà đâm, mà cứa vào những bàn chân may mắn, để trả thù cho số phận hẩm hiu của mình”. Mẹ Duyên, Duyên cũng là hai mảnh vỡ định mệnh ấy. Vậy thì, nếu kể về những câu chuyện buồn ấy mà cười cợt sẽ là vô lương tâm và tàn nhẫn với những người phụ nữ ấy biết bao.
Trong truyện Đàn kiến, nhân vật “tôi” là một cô gái có bản lĩnh và giàu yêu thương: trầm tư, ít nói, quan sát nhiều. Đó là câu chuyện của một nữ tiếp viên hàng không có nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống riêng và cuộc đời con người nói chung, cô rất nhạy cảm và phát hiện ra tình cảnh éo le của Kamla. Hình ảnh của cô bé Kamla với “cặp mắt to sáng như đong đầy cả ấn Độ Dương ấy” cứ luôn ám ảnh cô tiếp viên hàng không ngay cả khi cô đang ở trên máy bay. Theo bước chân cô, dõi vào tâm hồn cô, người đọc càng thêm quý trọng cô, quý trọng cái khát vọng được bay lên cao: “ở trên cao ấy người ta mới có những giờ phút được xa cách cái cuộc sống mải miết bò qua bò lại dưới kia”. Lối kể nghiêm túc, điềm tĩnh của “tôi” rất phù hợp với một câu chuyện giầu chất triết lý như vậy.
Cũng với lối trần thuật chủ quan, trong tập truyện Tự sự 265 ngày, Hồ Anh Thái đặc biệt chú ý lối kể chuyện thân tình, suồng sã. Nhân vật tự kể chuyện mình một cách “dân dã” bằng khẩu ngữ đời sống thường ngày. Nhân vật và độc giả trở nên gần gũi nhau hơn bởi khoảng cách giữa văn chương và cuộc đời đã được rút ngắn rất nhiều.
ở Phòng khách và Chạy quanh công viên mất một tháng, nhân vật “tôi” thoải mái kể về mọi chuyện. Từ chuyện đấu đá, đố kỵ nhau trong cơ quan, chuyện nhỏ nhen của những viện sĩ, chuyện người Việt mê mẩn Tây, sùng bái Tây, học đòi lối sống Tây,… cho đến cả cái trung tiện của đám trí thức cũng được “lôi” ra để mà nói, mà cười nhạo. Bằng sự phá vỡ rào cản, nghi thức giao tiếp, anh ta muốn chứng tỏ sự thành thực của mình và độ đáng tin cậy của câu chuyện. Đây là chuyện học của nhân vật “tôi”: “Trường sở thì chay tịnh. Dạy chay. Học chay. Ngủ chay gật gù giữa hai cái ô kiến thức. Tôi học đến năm thứ ba viết văn bất thành cú. Thầy khen tuyệt vời số dách năm bơ oăn”. Phòng khách kể như thế ai mà chẳng tin!
Nhận xét về truyện ngắn này, Lê Quang Toản trong bài Che giấu sự cô đơn đã viết: “Hồ Anh Thái ẩn mình khéo léo vào mạch truyện và nhập vai ngọt quá nên độc giả hiền lành có thể phải vừa đọc vừa cười mà nhíu mày tự nhủ: bình tĩnh, cẩn thận, coi chừng nguy hiểm. Mối nguy dễ thấy nhất là coi chừng mình đang cười mình đó, cái nhíu mày là nhiều lúc tác giả bạo quá”.
Trong Tự truyện (Tự sự 265 ngày), người kể là một người rất suồng sã và ưa giễu cợt: “Chúng tôi thuộc cánh nghiên cứu. Ai chẳng biết nghiên cứu là thế nào. Cả một thế giới xôn xao dâng trào xối xả là thế cứ ri rỉ chảy qua ngòi bút, lách cách qua máy chữ, xọc xạch qua máy vi tính mà vào trang giấy phẳng lì trắng dã mắt nhìn lại. Nói gọn không có cánh nghiên cứu cũng chẳng chết ai”.
Với lối kể chuyện như vậy, Hồ Anh Thái đã phát huy được tối đa chất hài hước, châm biếm rất có duyên mà đó vốn là sở trường của tác giả. Người đọc có cảm giác nhân vật “tôi” ấy luôn thường trực một nụ cười khi hiền lành, nhẹ nhàng, khi lại chua chát và gay gắt. Chính nhờ có nụ cười ấy mà nhân vật “tôi” đã thu hút được sự chú ý của độc giả, tạo một không khí bình đẳng cho đối thoại tự do giữa độc giả và nhà văn.
Truyện ngắn Người ấn (Tiếng thở dài qua rừng kim tước) là sự tìm tòi, đổi mới kiểu trần thuật chủ quan của Hồ Anh Thái. Truyện được kể một phần theo vai nhân vật xưng “tôi” và làm nền cho nhân vật truyện (người ấn) tự kể chuyện mình. Nhân vật “tôi” xuất hiện như là một người dẫn truyện, người “môi giới” giữa nhân vật chính và người đọc. Vai trò của anh là vai trò của người nghe, người làm chứng không bình luận. Nhân vật “tôi” - người kể chuyện đưa nguyên vẹn lời kể của Navin vào truyện tạo cho người đọc hứng thú và tự do tìm hiểu, bày tỏ thái độ về câu chuyện của anh ta. Người kể “giấu bớt cảm xúc”, để khoảng trống thẩm mĩ cho người đọc đánh giá, chiêm nghiệm. Cho nên, mặc dù lối kể chuyện là trần thuật chủ quan, “hai lần chủ quan” nhưng người đọc vẫn thấy được tính khách quan trong lời kể.
Bằng cách lồng ghép cái khách quan trong cái chủ quan, truyện Đi khỏi thung lũng mới tới nhà đã tạo được một ấn tượng về một câu chuyện có thật: “Tôi đã gặp đôi trai gái ấy. Khi họ đã thành vợ thành chồng”… “ra khỏi thung lũng, sang hẳn bên kia núi là đến một đồng bãi phì nhiêu, ở đó có đường chân trời. ở đó có hai người yêu nhau. Làm ăn mà yêu nhau”. Hồ Anh Thái đã kích thích được tư duy và hứng thú ở người đọc, đã “lạ hoá” được một hình thức trần thuật truyền thống, điểm nhìn của người kể chuyện (người trần thuật) không dừng lại ở một kiểu hoặc khách quan hoặc chủ quan mà có sự đan xen khéo léo, phù hợp với nội dung của truyện. Chính sự lồng ghép, đan xen như vậy tạo cho người kể có điều kiện “bắt lấy từng sợi tơ mỏng manh và bí ẩn trong thế giới tâm hồn con người. Nhà văn đứng ở góc nhìn của một người Việt Nam nhưng lại hoà nhập với người ấn đến tận chân tơ kẽ tóc để thấy những chiều sâu bí ẩn của tâm linh” [8;344].
Mỗi truyện ngắn trong Tiếng thở dài qua rừng kim tước là những nhận thức, khám phá của Hồ Anh Thái về con người ấn, về bản chất của sự tồn tại, về ý nghĩa cuộc sống… Thủ pháp nghệ thuật chính ở tập truyện này là sử dụng huyền thoại. “Mỗi câu chuyện có nguồn gốc từ một huyền thoại, nhà văn dựa trên trí tưởng tượng để làm sống lại những huyền thoại. Những câu chuyện kể có cái không khí huyền bí nhưng không hoang đường mà ngược lại, rất gần gũi với cuộc sống. Được bao phủ bởi màn sương huyền bí ấy, các nhân vật vừa hư vừa thực và ẩn chứa sau nó tư tưởng của nhà văn về con người và đời sống. Thi nhân là ai, kiếp người là gì, khi nào được giải thoát, cái gì là vĩnh cửu, bao giờ thì đến đích… tất cả các câu hỏi đều được nhà văn đặt ra một cách nghiêm túc dưới hình thức xây dựng những huyền thoại. Mỗi huyền thoại đều để lại những dư âm trong lòng người đọc, một cái gì thấm thía và ám ảnh” [8;346].
Tóm lại, quan điểm trần thuật của Hồ Anh Thái là vừa kết hợp những phương thức trần thuật truyền thống vừa tìm tòi, sáng tạo những phương thức trần thuật mới. Do vậy lối kể chuyện của ông linh hoạt, không nhàm chán. Mỗi truyện ngắn khác nhau là những quan điểm trần thuật khác nhau. Và trong mỗi truyện lại có sự di chuyển điểm nhìn cho phù hợp với nội dung và phong cách của truyện.
3.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái.
3.2.1. Lý luận chung về giọng điệu trần thuật.
Tác phẩm tự sự cũng là sản phẩm của lời nói, một dạng lời nói đặc biệt nên tất yếu giọng điệu có một ý nghĩa quan trọng. Giọng điệu ấy sẽ “neo đậu” trong trí nhớ người đọc, giúp người đọc nhận diện được tác giả, tác phẩm. Giọng điệu là sản phẩm của việc liên kết các yếu tố nội dung và mang dấu ấn của người sáng tạo. Vậy giọng điệu là gì?
Từ điển thuật ngữ văn học (Nxb GD, 1992) định nghĩa:“Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lối văn, quy cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cản, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm”.
Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ, một yếu tố quan trọng tạo nên phong cách nhà văn. Tuốcghênhep cho rằng: “Cái quan trọng trong tài năng văn học… và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong bất kì một tài năng nào là cái tôi muốn gọi là tiếng nói của mình. Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác… muốn nói được như vậy và muốn có được cái giọng ấy thì phải có cái cổ họng được cấu tạo một cách đặc biệt, giống như của loài chim vậy. Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo” [59;12].
Nhà văn tài năng phải là người tạo ra được một hệ thống giọng điệu, một môi trường giọng điệu. Khrapchenkô khẳng định: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của một thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh”.(cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học- Nxb Tác phẩm Mới, HN 1978).
Giọng điệu ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào đặc điểm của đối tượng được miêu tả, song về cơ bản, giọng điệu bộc lộ tình cảm chủ quan của nhà văn, thái độ và cách đánh giá của tác giả đối với con người và những hiện tượng được miêu tả. Vì vậy, từ giọng nói có thể nhận ra người nói, từ giọng điệu có thể xác định được tác giả. Giọng điệu vừa là “chìa khoá” để “mở” tác phẩm vừa là yếu tố xác định phong cách tác giả. Giọng điệu là phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học.
3.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái.
3.2.2.1. Giọng giễu nhại, trào phúng.
Trước Hồ Anh Thái rất lâu, chúng ta đã có sừng sững những tên tuổi với giọng văn giễu nhại, trào phúng như Nguyễn Công Hoan, như Vũ Trọng Phụng. Nhưng đọc văn Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng, người đọc không phải thất vọng về một giọng văn cũng có ấn tượng như những tên tuổi đó. Giọng văn này có lẽ thể hiện nhiều hơn, rõ hơn ở tập truyện Tự sự 265 ngày. Nhận xét về tập truyện, Vân Long đã nhắc đến vấn đề này: “ở tập truyện ngắn này, nhà văn hình thành một giọng văn hoàn toàn khác thời kì đầu: Trào lộng, châm biếm, hóm hỉnh và sắc sảo những câu chuyện, những thói tật đáng cười trong xã hội” (Báo Sức khỏe và đời sống - 21-8-2001).
Toàn bộ 11 truyện trong Tự sự 265 ngày đều được viết bằng một lối hoạt kê, không thể không cười. Nhà văn đã thay đổi giọng điệu ở tập truyện này so với những sáng tác trước đó cũng là để phục vụ tốt nhất cho việc thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình: châm biếm, đả kích những hiện trạng tha hoá của con người đặc biệt là những con người thường mạo nhận là tinh hoa của đất nước.
ở tập truyện này, tính khách quan trong cách kể được Hồ Anh Thái tô đậm. Tính khách quan ấy là cơ sở cho giọng điệu châm biếm, phê phán. Ngay khi câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất (trần thuật chủ quan) thì nhân vật “tôi” cũng nhìn nhận mọi việc qua lăng kính trào lộng, tự trào. Cảm hứng phê phán - trào lộng thể hiện ngay ở cách gọi tên nhân vật. Nhà văn gọi tên nhân vật bằng những cái tên rất lạ, rất ấn tượng và người đọc không thể không cười (vấn đề này đã được trình bày ở chương I, phần 2 mục 2.1.2- Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên).
Như vậy, cách gọi tên các nhân vật của Hồ Anh Thái là một dụng ý nghệ thuật. Gọi tên như vậy, nhà văn tạo một khoảng cách nhất định giữa người kể và người được kể. Sự gián cách này tăng cường tính khách quan, lạnh lùng đến vô cảm cho giọng điệu kể chuyện cũng là một cách đối thoại với một thứ văn học ưa mĩ lệ hoá đời sống.
Với 11 truyện, Tự sự 265 ngày là một cuốn tiểu thuyết nhiều chương về đời sống công chức. “Tất cả 11 truyện đều phác vẽ chân dung trí thức, những kẻ sĩ thời đại” (Ngô Thị Kim Cúc, Có ai chẳng muốn đùa, Báo Thanh niên, 9-2001); “Muôn hình, bước chân dung trí thức được viết dưới con mắt của một nhà ngoại giao không hề bóng bảy, thậm chí cay nghiệt và hài hước” [9; 235].
Như đã nói ở trên, trong Tự sự 265 ngày, giọng châm biếm sâu cay mới là giọng chủ đạo. Tiếng cười của Hồ Anh Thái trong nhiều truyện chính là những đòn công phá trực diện, hạ bệ những thói đời kệch cỡm và hổ lốn, những kẻ bề ngoài bệ vệ, danh giá mà bên trong cực kì thối nát. Đó là tiếng cười có tính chiến đấu, là những mũi dao rạch thẳng vào những ung nhọt của lối sống hiện đại, bởi lẽ chỉ có mổ xẻ nó ra mới trị được tận gốc để nó khỏi hoành hành như một nạn dịch nguy hiểm nữa.
Một phòng khách danh giá, chuyên đón tiếp những nhà nghiên cứu văn học, sử học, những viện sĩ, những kiến trúc sư đầu ngành của cả nước thực chất là một “trạm trung chuyển” cho những người muốn vươn tới các sứ quán và bay ra ngoại quốc mà những vị khách đến đó được gọi là một “lớp người chuyên đi ăn tiệc” nhờ vào những giá trị giả. Có ông “nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ, lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được” (Trích Phòng khách). Rồi một cô Mỹ – một quý bà được cái xã hội phòng khách ấy coi là danh giá - thì chẳng khác nào bà Phó Đoan trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (chỉ khác là cô là người ngoại quốc).
Hồ Anh Thái và Vũ Trọng Phụng cùng kế thừa phương thức trào phúng dân gian, nhưng nếu Vũ Trọng Phụng “hạ thấp” và “đào mồ” chôn đối tượng với giọng chao chát, cay độc thì Hồ Anh Thái “hạ thấp” để “tái sinh” đối tượng với giọng xót xa, chua chát. Ông phê phán, không khoan nhượng cái xấu nhưng không mất niềm tin vào sự thiết lập một trạng thái nhân sinh mới.
Với giọng giễu nhại, trào phúng Hồ Anh Thái đã đạt được mục đích của mình là bày tỏ thái độ quyết liệt đối với những hiện tượng đời sống xấu xa, thối nát, sự sa sút về các giá trị nhân văn, đạo đức của con người khi chạy theo lối sống hiện đại. Tự sự 265 ngày hình như cũng là một kiểu kim châm cứu huyệt tính cách của người Việt Nam hiện đại đặc biệt là giới công chức.
3.2.2.2. Giọng triết lý trong truyện ngắn Hồ Anh Thái.
Là người từng trải và sớm thành đạt, có dịp đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm nên Hồ Anh Thái đã có được những trải nghiệm khá “già dặn” so với tuổi. Giọng triết lý trong văn Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng là triết lý của một người đã có sự nghiêm túc trong văn chương, triết học và trong nghề nghiệp.
Giọng điệu triết lý không phải chỉ biểu hiện ở chỗ có nhiều triết lý, triết luận trong truyện mà còn xuyên thấm vào tất cả các yếu tố hình thức và nội dung tác phẩm. Giọng triết lý được cảm nhận qua giọng văn bình tĩnh, thận trọng, từ tốn, khiêm nhường và đầy ngụ ý của nhà văn. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của nhân vật đều chứa đựng hàm nghĩa sâu xa, đó là cách chúng ta nhận dạng giọng điệu triết lý trong tác phẩm Hồ Anh Thái.
Truyện ngắn với dung lượng nhỏ nhưng phản ánh khái quát và sâu sắc hiện thực cuộc sống với những mảnh đời, những số phận vì thế tính triết lý luôn tồn tại trong tác phẩm. Tất nhiên, không phải nhà văn nào cũng có thể triết lý được. Để có những triết lý mang tính phổ quát cao về cuộc sống và con người, đòi hỏi nhà văn phải có sự từng trải, sự chiêm nghiệm và tất nhiên phải có vốn kiến thức sâu rộng.
Nhiều người khi tiếp xúc với Hồ Anh Thái đều nói anh có bộ mặt “thiền”. Thực chất, nếu chỉ có bộ mặt không thôi thì chưa đủ để có những triết lý mà điều quan trọng hơn là con người ấy có gì trong kiến thức (bao gồm kiến thức sách vở và kiến thức cuộc sống) và trong sự nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống. Những ngày đi sứ (với tư cách là thư kí đại sứ) tại ấn Độ đã giúp cho Hồ Anh Thái có được những trải nghiệm để chúng ta có được Tiếng thở dài qua rừng kim tước.
Trước hết, chúng ta hãy điểm qua một số tác phẩm ở tập truyện này. Câu chuyện đầu tiên mà nhà văn kể là câu chuyện về người ấn. Tính triết lý đã thể hiện rất sâu sắc ở truyện ngắn này. ở đây ít có những câu triết lý nhưng người đọc có thể thấy một Hồ Anh Thái đang “cố gắng khám phá một tổng thể các giá trị cho phép giao hoà những quan điểm bề ngoài có thể là mâu thuẫn nhau” [8; 324].
Anh chàng người ấn Navin, đó chính là chiếc cầu bắc ngang giữa thần bí và duy ý, giữa tiến trình tâm thức cá nhân và tiến trình xã hội loài người. Hình ảnh người mẹ đã chết, đã thành bộ xương khô nhưng trong sự im lặng vĩnh viễn bà vẫn đòi hỏi người con trai duy nhất phải ở bên bà. Và Navin đã nói: “Bao giờ có ý định định cư chắc chắn ở một nơi nào thì khi đó mới đem chôn cố định bộ hài cốt này” (Người ấn) [8; 25].
Những vấn đề kiểu như thế này nếu không có những kiến thức tối thiểu về ấn Độ thì không thể hiểu nổi. “Người ấn, đó là bài thơ bằng văn xuôi không dành cho những ai chưa có một tối thiểu tinh thần Đạo học Đông phương” (Mai Sơn, Đọc truyện ngắn về ấn Độ tâm đắc và nghĩ ngợi, Báo văn nghệ Bình Thuận, 3-1996) [8; 324].
ấn Độ, miền đất của những tư tưởng minh triết và siêu hình thượng đẳng, là quê hương của con số (0) vĩ đại, nơi sản sinh ra những khối óc thông minh bậc nhất và những tâm hồn thanh tịnh hài hoà bậc nhất của nhân loại từ ngàn xưa như Phật Thích Ca đã trở thành điểm thu hút, sự khám phá của biết bao người (trong đó có cả những kẻ tò mò). Nhưng không giống như các nhà văn đi đến các miền đất phương xa thông thường là viết những bản tụng ca về khung cảnh vàng son, về tình hữu nghị lâu đời, Hồ Anh Thái đã “rẽ trái, đạp cỏ tranh, lách mình qua khu rừng già tìm đến một ngôi đền cổ… bước qua ngưỡng cửa ngôi đền trong cuộc hoà nhập thế kỉ giữa nền văn hoá phương Tây và nền văn hoá cổ truyền ấn Độ” (Vũ Bão, Đi sứ và làm văn, Báo văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 16-3-1995)
Vì thế, những mảnh đời trôi dạt khắp nẻo đường cát bụi trên đất ấn Độ đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho “chàng trai sung sức đang bề bộn công việc của người đi sứ” (Vũ Bão, Đi sứ và làm văn, Báo văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 16-3-1995)
Hồ Anh Thái đã hoà mình vào miền đất lạ, dõi theo mạch đời, lần tìm nỗi niềm của những số phận khác nhau. Nhà văn “cũng không làm duyên biến nhân vật của mình thành triết gia, nhưng triết lý nhân sinh cứ hiện dần giữa hai dòng chữ” (Vũ Bão, Đi sứ và làm văn, Báo văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 16-3-1995).
Trong tập truyện ngắn này, Hồ Anh Thái đề cập đến nhiều nhất là số phận người phụ nữ. Người phụ nữ phương Đông cho đến hết những năm cuối thế kỷ XX vẫn là những người gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh nhất. Từ cuộc đời người đàn bà tội nghiệp Nilam (Tiếng thở dài qua từng kim tước) đến sự giải thoát của cô gái đồng trinh Sabana (Đi khỏi thung lũng mới đến nhà) hay khúc bi thương của nàng Roza (Lá quốc thư) đều là tiếng thở dài của những con người bất hạnh. Tiêu đề của tập truyện là Tiếng thở dài qua rừng kim tước cũng đã gợi cho người đọc cảm nhận có tính triết lý sâu sắc.
ở bốn truyện ngắn viết về Đức Phật và thời đại Đức Phật: Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Thi nhân, giọng điệu triết lý là âm hưởng chủ đạo. Thấm trong từng câu văn, từng chi tiết là giọng của một người giác ngộ lẽ đời. Có khi cả câu chuyện là một triết luận. Mỗi một câu văn, mỗi một hành động của nhân vật đều có thể nâng lên thành một triết lý.
Chuyện cuộc đời Đức Phật là triết luận về con đường gian nan, khổ ải để có thể đạt đến chân lý bất diệt. Đức Phật là hiện thân của cái đẹp, cái cao cả, Người là khoảnh khắc và cũng là mãi mãi “Con người ấy chỉ tới viếng thăm thế giới này có tám mươi năm. Chỉ có vậy thôi, nhưng cũng đủ để lại ảnh hưởng sâu rộng suốt hai ngàn năm trăm năm qua, và biết đâu cho tới muôn đời sau nữa”.
Thấm nhuần giáo lý Đạo Phật, Đến muộn phản ánh thuyết nhân quả của cõi nhân sinh. Vì đến với chân lý của Đấng Giác Ngộ quá muộn nên Ajatasatru đã không đến kịp để cứu cha cũng như không cứu được linh hồn tội lỗi. Ông ta đã phải trả giá cho chính hành động độc ác của mình. “Tám năm sau khi làm vua, Ajatasatru lại bị chính con trai mình cướp ngôi rồi bị tống vào cái hang đó cho đến chết. Cái hang ấy gần chân núi Griđakuta, đến bây giờ hãy còn”. Cái hang núi ấy vẫn còn giống như hiện thân của cái ác, cái xấu vẫn còn tồn tại mãi.
Trong truyện Kiếp người đi qua, giọng điệu triết lý thật sâu sắc thấm thía. Câu chuyện kể về những thăng trầm của kiếp người nó ngắn ngủi, thoáng qua nhưng đầy ý nghĩa. Từ một chàng trai giỏi giang, thông minh, hiền lành Ahimsaka trở thành tên cướp đường hung ác, giết người không ghê tay và cuối cùng được Đức Phật giác ngộ đã trở thành nhà tu hành chân chính. Sức cảm hoá của tấm lòng nhân từ, bao dung, độ lượng thật lớn lao, vĩ đại. Lòng yêu thương, đồng cảm với con người sẽ giúp tâm hồn người ta được thanh lọc trở nên trong sạch hơn. Ahimsaka đã thấu hiểu điều này hơn ai hết: “Thưa Đấng Giác Ngộ, con mới thực sự hiểu giáo lý của Người. Nỗi đau con chịu ngày hôm nay đã giúp con xoá được nỗi đau của quãng đường lầm lỗi. Con đã chịu đựng đau đớn trong sự thấu hiểu và tình thương với mọi sinh linh, đặng xoá bỏ cho được hận thù muôn đời”.
Giọng triết lý thể hiện rõ rệt nhất ở cuối truyện. Nhà văn đưa ra hai nhận định về thi nhân của hai nhân vật để người đọc cùng suy ngẫm:
- “Thi nhân ư? Viên thượng thư cả cười mà rằng - Để hòn đất, cất thành thần linh. Nó chỉ là một gã mục đồng trần truồng được người ta dựng thành thi nhân mà thôi.
- Thi nhân ư? – Công chúa nhếch mép – Nó chỉ là một thằng đực rựa rẻ cùi tốt mã miệng câm như hến được người ta dựng thành thi nhân mà thôi.
Chắc hẳn muôn đời sau họ, thi nhân vẫn là như thế.
Chắc hẳn muôn đời sau họ, những người tạo ra thi nhân vẫn là như thế”.
Tất cả những truyện ngắn trong Người đứng một chân trước khi được tập hợp lại thành sách đều đã được xuất hiện trên báo chí ấn Độ qua bản tiếng Anh. Và tác giả đã không phải chờ đợi lâu để thấy kết quả những cố gắng của mình khi phát đi những tín hiệu gửi đến bạn đọc nơi đất khách. Một người ấn Độ Tiến sĩ văn học K. Pandey đã đại diện cho đồng bào mình đáp lại Hồ Anh Thái: “Những dòng chữ của Hồ Anh Thái là những mũi kim châm cứu á Đông đã điểm trúng huyệt tính cách ấn Độ” [8;327].
Truyện ngắn Người đứng một chân chính là mũi kim châm cứu á Đông hiệu nghiệm nhất cho bệnh trạng ấn Độ. “Triệu triệu ngôi đền trên cái đất ấn Độ thừa thần thánh mà thiếu người sung túc này vẫn chưa đủ hay sao?”[8;327] Tiếng kêu đau đớn của viên giám đốc trẻ muốn làm cho dân làng khá giả lên không làm lay động tâm trí kẻ thần bí Ananda. Ananda, nhưng dưới bàn chân ấy là vương quốc hùng mạnh của thần quyền, của đêm tối.
Đàn kiến là một truyện ngắn đem đến nhiều suy ngẫm. Nhân vật chính của truyện, nữ tiếp viên hàng không Savitri và Hansa là những người sống rất nội tâm, cho nên họ luôn trăn trở, suy tư về con người. Họ nhìn thấy sự vô nghĩa của kiếp người “Cô nói thế vì cô bay lên trời. Tôi cũng bay lên trời. ở một độ cao vừa phải, ta nhìn xuống thấy tàu xe và cả con người nữa, tất cả đều bò. Bò như kiến ấy. Suốt đời chỉ bò ra bò vào. Quẩn quanh miệng chén. Lũ kiến ấy tha những hòm tiền, hòm đồ về chất thành tổ. Và sống trong ảo giác về tự do và lý tưởng riêng của chúng” [8;73]
Những gì Đàn kiến đặt ra không chỉ riêng ở ấn Độ mà ở Việt Nam và tất cả những nơi nào con người còn phải sống như đàn kiến vẫn mãi còn giá trị.
Có thể nói rằng mỗi tập truyện ngắn trong tập sách này đều ẩn chứa cái lõi của một vấn nạn triết học hoặc xã hội học chờ đợi được chạm tới, đòi hỏi khám phá thêm.
Giọng triết lý của Hồ Anh Thái không chỉ thể hiện ở tập truyện nêu trên mà chúng ta còn có thể bắt gặp giọng điệu ấy ở nhiều tập truyện khác nữa. Ngay cả những tập truyện mà người cho là “đọc để xả stress” để cười thì cũng đậm tính triết lý (Như Bốn lối vào nhà cười, Tự sự 265 ngày).
Nếu so sánh Hồ Anh Thái với Nguyễn Huy Thiệp thì điều dễ nhận thấy là giọng triết lý của Nguyễn Huy Thiệp thường kèm theo sắc thái bi quan và khinh bạc còn giọng triết lý của Hồ Anh Thái lại mang sắc thái nghiêm trang đôn hậu.
3.2.2.3. Giọng đối thoại mang tính chất dân chủ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái.
Có phóng viên báo đã phỏng vấn Hồ Anh Thái “Người ta đang bảo nhà văn Việt Nam hiện đại và cả các nhà phê bình văn chương hôm nay nên tăng cường chất duy lý trong cách viết của mình. Anh thấy thế nào, chẳng lẽ chúng ta đang thừa chất duy cảm sao?” [11;216]
Hồ Anh Thái:
“Ta chẳng thừa cái gì cả. Duy cảm một cách bản năng, bùng cháy mãnh liệt, ta cũng thiếu. Có thời người ta quá chú trọng phô diễn vốn sống thực tế mà coi thông minh là nhược điểm của người viêt. Bây giờ nhà văn phải viết cho một thế hệ người đọc lý tính hơn, có kiến thức văn hoá khoa học toàn cầu, chẳng nhẽ nhà văn không cần gia tăng lý tính hay sao?” [11;216].
Từ ý kiến trả lời phỏng vấn trên đây, chúng ta có thể thấy được giọng điệu dân chủ mang tính đối thoại của Hồ Anh Thái xuất hiện như một hệ quả tất yếu của ý đồ nghệ thuật nhằm thể hiện mối quan hệ ngang hàng giữa nhà văn và độc giả.
Giọng đối thoại khác với tính chất đối thoại của tác phẩm. Theo chúng tôi thì tính chất đối thoại của tác phẩm thể hiện ở kết cấu của tác phẩm (mở hay khép), kết cấu hình tượng (hình tượng đã toàn vẹn hay còn cần phải bổ khuyết), và ngôn ngữ tác phẩm (ngôn ngữ có khả năng khơi gợi sự đối thoại tranh luận từ phía người đọc hay không?). Tổng hợp từ các yếu tố ấy mới tạo nên tính chất đối thoại của tác phẩm. Khi nói giọng đối thoại thì chủ yếu người ta nhấn mạnh vào khía cạnh thứ ba của tính chất đối thoại. Giọng đối thoại của tác phẩm được biểu hiện cụ thể qua ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật.
Tuy nhiên để có được giọng đối thoại mang tính chất dân chủ, đòi hỏi nhà văn phải có sự khổ công trong việc tìm tòi, thể nghiệm cách viết của mình. Trong sáng tác nhà văn phải là người có ý thức hướng tới độc giả, dẫn dắt và khuyến khích họ tham gia vào câu chuyện của mình nhằm tạo ra tính chất dân chủ. Điều này thì Hồ Anh Thái rất có ý thức và ý thức một cách sâu sắc, đầy đủ. Cũng trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo, Hồ Anh Thái đã nói: “Các công cụ văn chương mà thế giới này có tôi đều muốn sử dụng. Đồng thời tôi là người không bằng lòng với những gì sẵn có và dễ kiếm, cho nên luôn tìm cách tạo ra những công cụ mới, những cuộc khám phá đầy tính phiêu lưu ấy trước hết đem lại niềm vui cho chính người thám hiểm” (Lê Hồng Lâm - Phong cách không phải là cái vỏ ngoài bất biến và ngoan cố, Báo sinh viên, 9-2001) [9;225].
Với mong muốn viết văn “là để giãi bày, để tâm sự” nên Hồ Anh Thái luôn muốn được đối thoại với độc giả.
Trong Tự sự 265 ngày, Hồ Anh Thái đã xác lập được giọng đối thoại khá khôn ngoan, sắc sảo. Nhà văn đưa ra nhiều quan điểm, nhận định, đánh giá khác nhau và thậm chí đối lập nhau về một vấn đề, một con người, khiến cho nhận thức của con người liên tục phải điều chỉnh. Đó là cách kể của truyện Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng Rổ. Khi trần thuật lại câu chuyện lý thú về sự dàn dựng “màn kịch tình yêu” giữa Chín Triệu và Bóng Rổ trong vòng bốn ngày, điểm nhìn của người trần thuật không cố định mà luôn luôn di chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác với những quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Liên tiếp những quan điểm đối chọi nhau chan chát. Nhà văn cứ để cho các nhân vật tự tranh luận, đi từ phán đoán đến sự thật. Người kể không tham dự vào câu chuyện và “không ràng buộc” người đọc vào bất cứ một cách hiểu nào. Người đọc sẽ được đối thoại, được tự do tranh luận và cuối cùng thì đều bị bất ngờ bởi chuyện kịch trở thành chuyện thực, qua màn kịch mà sáng tỏ những điều chưa bao giờ sáng tỏ.
Người kể đã chọn cho mình một vị trí khiêm nhường, giấu mặt giấu tên nhưng lại biết xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để hướng dẫn người đọc. Việc làm đó tinh xảo đến mức người đọc vẫn có cảm giác mình tự khám phá, tự tìm đường. Hồ Anh Thái đã thành công trong nghệ thuật trần thuật khách quan mà không hề khách quan, nó ẩn giấu những dụng ý chủ quan của tác giả.
Cũng cần nói thêm, những truyện có giọng đối thoại như vậy thường là những truyện có kết cấu mở, tạo điều kiện cho độc giả suy ngẫm rút ra kết luận. Nhà văn không “áp đặt” cách hiểu cho người đọc, “không làm người phát ngôn” cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Giọng đối thoại trong Tờ khai visa nhiều khi lại thể hiện bằng việc nhà văn trực tiếp chất vấn người đọc: “Đến đây tôi xin dành cho người trót lỡ làng nãy giờ nghe chuyện của tôi. ở địa vị quý độc giả sẽ không hay là có? Ai dại gì mà có vào mấy câu hỏi theo kiểu chưa hỏi đã biết chắc câu trả lời như vậy. Người ta trong sạch đến khi nào bị phát hiện ra tội lỗi. Vậy thì ta cứ hãy trong sạch, đừng để sơ suất vì ba cái câu hỏi kiểu ấy”.
Trở lại tiếng khóc của ông Sử trong truyện Phòng khách, sau khi miêu tả xong tiếng khóc, tác giả viết tiếp “Xin đừng phạt vi cảnh tôi vì giữa nơi công cộng đã miêu tả nỗi đau người khác bằng nụ cười nín nhịn… Tôi phải kể lể một chút như vậy để dễ hình dung hơn việc tám tháng sau ông Sử cưới vợ, vợ Mỹ. Chỉ có tám tháng. Như thể ông chỉ chờ vợ chết để lấy vợ mới”. Rõ ràng người kể đang hướng tới độc giả, để cùng độc giả suy nghĩ “Từ ấy trong tôi bỗng kết luận vợ chết mà khóc như cha chết, khóc ơ hờ ơ hỡi. Đánh đu lên cả quan tài suýt đổ, hai người con trai mười tám đôi mươi phải xông tới giật bố lôi ra xốc nách lôi đi, khóc như thế chỉ tổ đi lấy vợ mới ”.
Có khi nhà văn viết với cảm giác hối lỗi: “Đọc lên thấy hoạ sĩ có vẻ ngầu. Nếu bạn đọc có cảm giác ấy thật thì đó là lỗi của người viết”. Hoặc “Cái kiểu phản ứng gây chuyện này người đọc đã bắt vở chắc chắn sau cú rải tro ở trên cầu Thăng Long sẽ còn nhiều người phải theo về cõi âm cho thành một dây… Nghe nói đêm đêm ở đầu phố ma tuý có một người đàn bà mặc áo trắng tay cầm một cái mũ phớt. Sau mười giờ đêm chị ta thường ra nhờ người qua đường làm ơn cầm cái mũ đưa giúp cho một người đàn ông đang đứng ở bên kia đường, chỗ khuất ánh đèn vào phố Quan. Chẳng ai dám cầm hộ. Nhỡ đâu lại nối dài thêm cho cái dây chạy tiếp sức. Cứ thử cầm hộ xem ”.
ở những truyện còn lại, Hồ Anh Thái đã chọn lối kể chuyện khá dân chủ, mang màu sắc thân tình, suồng sã. Điều đó có nghĩa là nhân vật kể chuyện mình một cách dân dã bằng khẩu ngữ đời sống hàng ngày. Như vậy khoảng cách giữa người kể và bạn đọc được rút ngắn. Nhân vật “tôi” tha hồ được kể chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện phố phường, thoải mái kể về mọi thứ đấu đá, đố kị nhỏ nhen (Phòng khách, Tờ khai visa, Sân bay, Chạy quanh công viên mất một tháng). Người kể luôn tỏ ra là một người rất suồng sã, ưa mỉa mai, giễu cợt: “Chúng tôi thuộc nhóm nghiên cứu. Ai chẳng biết nghiên cứu là thế nào. Cả một thế giới xôn xao dâng trào xối xả là thế cứ ri rỉ chảy qua ngòi bút, lách cách qua máy chữ, lọc xọc qua máy tính và trang giấy phẳng lỳ, dân trắng dã mắt nhìn lại. Nói gọn không có cánh nghiên cứu cũng chẳng chết ai”.
Giọng triết lý trong các sáng tác của Hồ Anh Thái nói chung, truyện ngắn nói riêng đã thể hiện thái độ nghiêm túc trong cách nhìn, cách đánh giá và tấm lòng đôn hậu của ông đối với cuộc sống. Thông qua những câu chuyện mất còn của cuộc đời, những câu chuyện nhân tình thế thái đầy chua xót đắng cay, Hồ Anh Thái muốn rung tiếng chông báo động trước sự xuống cấp của đạo đức bởi đây là một trong những nơi cho cái ác nương náu, gieo mầm.
Nói tóm lại, vói những gì mà Hồ Anh Thái đã thể hiện trong sáng tác, đặc biệt là truyện ngắn, chúng ta có thể thấy ngôn ngữ và giọng điệu của Hồ Anh Thái luôn có những thay đổi qua mỗi cuốn sách. Ông không lặp lại người khác và cũng không muốn lặp lại chính mình. Điều này chứng tỏ Hồ Anh Thái là cây bút rất có trách nhiệm và không ngừng sáng tạo. Không ngừng thay đổi phong cách và giọng điệu, qua mỗi tác phẩm, bạn đọc lại bắt gặp một Hồ Anh Thái khác. Từ hóm hỉnh, tươi tắn và trẻ trung trong Chàng trai ở bến đợi xe đến sâu lắng, trữ tình trong Người và xe chạy dưới ánh trăng. Từ suy ngẫm và đậm chất triết luận trong Tiếng thở dài qua rừng kim tước đến hài hước, châm biếm một cách sâu cay trong Tự sự 265 ngày và Bốn lối vào nhà cười. Sự chuyển giọng, thay đổi giọng kể, truyện ngắn của Hồ Anh Thái luôn đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị. Nhiều người cho rằng đọc văn Hồ Anh Thái không dễ đọc nhưng đọc rồi lại bị mê hoặc, bị dẫn dụ và phải đọc một mạch không nghỉ. Càng đọc càng khắc khoải. Hồ Anh Thái đã tạo được lối kể chuyện rất hiện đại bằng giọng kể đa thanh với một ngôn ngữ trần thuật sắc bén, linh hoạt rất ấn tượng, rất hiệu quả, nói ít nhưng bộc lộ nhiều. Hồ Anh Thái đã thực sự thuyết phục độc giả hiện đại và cả những bậc đàn anh trong giới văn chương. Ma Văn Kháng, nhà văn được coi là có nhiều khám phá tìm tòi trong cách thể hiện cũng đã “bị” Hồ Anh Thái chinh phục: “Tôi thích giọng văn của Hồ Anh Thái. Nó có cái thông minh, hóm hỉnh vừa sâu sắc vừa có tính truyền thống. Hơn nữa, cái này mới là cái thật thích đây: chất trào phúng, giễu nhại, cay chua mà tâm thiện, chất này văn chương ta thiếu quá! Không có tài, chịu đấy.” [7;326]. Truyện ngắn Việt Nam hiện đại quả thực chưa có nhiều những người như Hồ Anh Thái.
Phần kết luận
1. Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, Hồ Anh Thái là một trong số những cây bút thật sự nổi bật, nhất là ở thể loại truyện ngắn. Những trang truyện ngắn luôn biến ảo khôn lường của nhà văn này đã làm bạn đọc thật sự bất ngờ, được thoả mãn và bị chinh phục. Điều này bắt nguồn từ những sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà văn, mà rõ nét nhất là những sáng tạo trong nghệ thuật trần thuật. Đây là một phạm vi rất đáng trân trọng để từ đó tìm hiểu những vấn đề lý thuyết về đặc điểm thể loại truyện ngắn.
2. Trên những trang truyện Hồ Anh Thái, những nhân vật văn học đã được tạo dựng sống động và hoạt náo. Thế giới nhân vật truyện ngắn của nhà văn này rất phong phú và đa dạng, trải ra trong một không gian - thời gian rộng dài, thể hiện muôn mặt cuộc đời. Có những nhân vật của lịch sử, của quá khứ đất nước, dân tộc mình, bên cạnh những nhân vật là con người của những vùng không gian xa xôi khác. Có những nhân vật là con người bình dị, lại có những nhân vật nhuốm màu kỳ ảo. ứng với mỗi loại nhân vật ấy là những số phận, những cuộc đời. Mặc dù chưa có nhiều những nhân vật có chiều sâu nội tâm, có những đấu tranh, giằng xé trong dòng tâm lý, mặc dù chưa có nhiều nhân vật điển hình, đầy đặn cả về ngoại hình, tính cách, nội tâm… nhưng Hồ Anh Thái rất thành công trong việc xây dựng những nhân vật của biến cố, của những khúc rẽ đời người. Mỗi nhân vật là một hình tượng tiêu biểu cho một loại người trong đời sống xã hội. Nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái mang đặc điểm của nhân vật truyện ngắn hiện đại. Số lượng nhân vật trong truyện ngắn có thể ít hơn nhiều so với nhân vật tiểu thuyết nhưng nhân vật trong trong truyện ngắn được xây dựng như những khối ru bích luôn biến ảo, đan bện vào nhau, xâu chuỗi vào nhau bởi những quan hệ xã hội, để qua đó, nhà văn tái hiện cả một sân khấu cuộc đời với bao con người phập phồng hơi thở cuộc sống. “Có lẽ không chỉ ở sự tinh tế của văn phong, lối biểu đạt độc đáo, nhuần nhuyễn trong cấu tứ; mà chính ở chỗ nhà văn đã cho thấy những giao nhịp phức điệu giữa con người cá thể và nhân loại” [7;343]. Từ đó, người đọc có thể nhận ra tư tưởng, quan niệm của nhà văn về con người.
3. Không gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái là một không gian đa chiều, là phông nền và gắn bó chặt chẽ với kiểu nhân vật của sự kiện, biến cố. Vì vậy, không gian xã hội, không gian thiên nhiên trong sáng tác của Hồ Anh Thái thường được thể hiện bằng không gian tâm trạng. Không gian đó là một phương tiện hữu dụng để qua đó, cuộc đời rộng hơn với chằng chịt những quan hệ con người: con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với chính mình được hiện lên thật sinh động.
Cùng với yếu tố không gian, thời gian nghệ thuật trong truyện Hồ Anh Thái cũng luôn gắn với hai chữ “biến ảo”. Nổi bật nhất trong những trang truyện của nhà văn độc đáo này là thời gian luôn đảo lộn xuôi ngược, vắt mình, co giãn theo chiều kích bất thường của tràn lan hồi ức.
Qua không gian, thời gian nghệ thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái, những con người, những cuộc đời đến và đi, xuất hiện và biến mất một cách đầy bất ngờ, nhiều khi đến phi lý. Dung lượng truyện ngắn hẹp, nhưng với tài năng của mình, Hồ Anh Thái đã biết tổ chức, cấu trúc, tích hợp các khoảng không gian, thời gian trong cùng thời điểm vừa có tính cụ thể, vừa có tính tạo nghĩa. Sự di chuyển không gian, thời gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái là di chuyển của tâm trạng với tốc độ nhanh, tích hợp đa dạng. Như vậy, không gian - thời gian nghệ thuật chính là phương tiện để nhà văn Hồ Anh Thái mở rộng các bình diện khám phá hiện thực, con người và qua đó, thể hiện quan niệm của mình về cuộc đời, cuộc sống con người với bao mâu thuẫn đan xen một cách phức tạp.
4. Một trong những yếu tố tạo ấn tượng mạnh mẽ và sâu đậm cho bạn đọc trong những trang truyện ngắn Hồ Anh Thái là ngôn từ và giọng điệu.
Ngôn ngữ của Hồ Anh Thái rất linh hoạt, ấn tượng, thể hiện khả năng tích hợp các lớp từ vựng một cách độc đáo, sáng tạo. Có ý kiến cho rằng Hồ Anh Thái lạm dụng ngôn ngữ, không lựa chọn, không trau chuốt khi diễn đạt; viết như vậy là đi ngược lại tiêu chí nghệ thuật của văn chương. Nhưng viết như vậy mới là Hồ Anh Thái. Ngôn từ đối với ông như biểu tượng của nhịp sống gấp gáp đang từng giờ, từng phút cuốn con người vào vòng xoáy của nó.
Trước Tự sự 265 ngày, ngôn ngữ Hồ Anh Thái ngọt ngào, lãng mạn, duyên dáng và trong sáng. Từ tự sự 265 ngày trở đi, ngôn ngữ Hồ Anh Thái trở nên phóng túng, bụi bặm và đầy màu sắc trào lộng. Nhưng xuyên suốt các truyện ngắn, từ sáng tác đầu tiên Mảnh vỡ của đàn ông tới những sáng tác gần đây nhất là một thứ ngôn ngữ trí tuệ, linh hoạt, sắc sảo - thể hiện chủ thể ngôn ngữ này là một con người có bản lĩnh, thông minh và có vốn văn hoá sâu rộng.
Cùng với ngôn ngữ, giọng điệu cũng là yếu tố thể hiện đậm nét gương mặt văn chương Hồ Anh Thái. Và đây cũng là yếu tố luôn có sự biến động theo thời gian: giọng trẻ trung, tinh nghịch, gắn với cái cười nhẹ nhàng trong những trang truyện ngắn giai đoạn đầu và giọng phê phán, châm biếm sâu cay, nhiều khi đến gay gắt trong những trang truyện giai đoạn sau, mà Tự sự 265 ngày là mốc biến đổi. Nhưng ấn tượng chung nhất ở truyện ngắn Hồ Anh Thái là giọng điệu triết lý thâm sâu.
Cùng với thời gian, Hồ Anh Thái ngày càng mài sắc hơn ngòi bút sung sức và đầy ma lực của mình. Với những nhân vật sống động, được tạo hình bởi hệ thống ngôn từ hoạt náo, với cách viết đa thanh trong giọng kể nhiều biến điệu bất ngờ, với không – thời gian nghệ thuật rộng dài, nhiều chiều kích, chứa đựng chiều sâu văn hoá… Hồ Anh Thái đã góp một phần làm nên diện mạo mới mẻ đầy sức hấp dẫn và những giá trị đáng trân trọng của truyện ngắn Việt Nam đương đại - truyện ngắn Việt Nam cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI hôm nay.
Thư mục
I. tác phẩm văn học
Hồ Anh Thái - Chàng trai ở bến đợi xe - Tập truyện ngắn, Nxb, Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam, 1985.
Hồ Anh Thái - Những cuộc kiếm tìm - Tập truyện ngắn, Nxb Thanh Niên, 1988.
Hồ Anh Thái - Mảnh vỡ của đàn ông - Tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, H. 2004, tái bản.
Hồ Anh Thái - Người đứng một chân - Tập truyện ngắn, Nxb Hà Nội, 1995.
Hồ Anh Thái - Lũ con hoang - Tập truyện ngắn, Nxb Hà Nội, 1995.
Hồ Anh Thái - Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra - Tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 2005, tái bản.
Hồ Anh Thái - Cõi người rung chuông tận thế - Tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, 2005, tái bản.
Hồ Anh Thái - Tiếng thở dài qua rừng kim tước - Tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, H. 2003
Hồ Anh Thái - Tự sự 265 ngày - Tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005 (tái bản).
Hồ Anh Thái - Họ đã trở thành nhân vật của tôi - Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003.
Hồ Anh Thái - Bốn lối vào nhà cười - Tập truyện ngắn, Nxb Đà Nẵng, 2006, tái bản.
Hồ Anh Thái - Người và xe chạy dưới ánh trăng - Tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, 2005 tái bản.
Hồ Anh Thái - Tập truyện ngắn - Nxb Hội nhà văn, 2005.
Tạ Duy Anh - Tác phẩm chọn lọc - Nxb văn hoá thông tin, H. 2002
Phạm Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ - Truyện ngắn bốn cây bút nữ - Nxb Văn học, 2002.
Nguyễn Minh Châu - Nguyễn Minh Châu truyện ngắn - Nxb văn học, 2003.
17. Ma Văn Kháng - Trăng soi sân nhỏ - Nxb văn học, 1995.
Lê Minh Khuê - Bi kịch nhỏ (Tập truyện) - Nxb Hội nhà văn, 1993.
Nguyễn Huy Thiệp - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - Nxb Văn học, 2003.
II. Tài liệu tham khảo
Phạm Mai Anh - Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Ma Văn Kháng - Luận văn Thạc sĩ, khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội, 1997.
Vũ Tuấn Anh - Đổi mới văn học về sự phát triển - Tạp chí Văn học số 4, 1995.
Lê Huy Bắc - Truyện ngắn: lý luận tác gia và tác phẩm, tập 1. Nxb Giáo dục 2004
Lê Huy Bắc - Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại - Tạp chí văn học số 9, 1998.
24 Nguyễn Thị Bình - Những đổi mới văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 (khảo sát trên những nét lớn) - Luận án PTS KH Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 1996.
25. Nguyễn Thị Bình – Cảm hứng trào lộng trong văn xuôi sau 75 – Tạp chí văn học, số 4, 2001.
26. Nguyễn Thị Bình – Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 75 – Tạp chí văn học số 4, 2003.
27. Nguyễn Minh Châu - Trang giấy trước đèn - Tập phê bình tiểu luận (Tôn Phương Lan sưu tầm tuyển chọn và giới thiệu), Nxb KHXH, 1994.
28. Trần Thanh Đạm - Nghĩ về một xu thế đổi mới trong văn xuôi hôm nay - Báo văn nghệ số 1, 1989.
29 Đặng Anh Đào - Một hiện tượng mới trong hình thức kể chuyện hôm nay - Tạp chí văn học số 6, 1991.
Nguyễn Đăng Điệp - Vọng từ con chữ (tiểu luận phê bình) Nxb Hội nhà văn - 2003.
Hà Minh Đức (Chủ biên) - Mấy vấn đề lý luận văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991.
Hà Minh Đức (Chủ biên) - Lý luận văn học - Nxb Giáo dục, 1999.
G. N. Poxpêlốp (Chủ biên) - Dẫn luận nghiên cứu văn học (người dịch Trần Đình Sử , Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà), Nxb Giáo dục, 1998.
Hà Thị Thu Hà - Thi pháp truyện ngắn Ma Văn Kháng sau năm 1980 - Luận văn thạc sĩ, khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2003.
Trần Thị Mỹ Hà - Đặc sắc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng Tháng 8-1945 - Luận văn thạc sĩ khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2004.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) - Từ điển thuật ngữ văn học - Nxb ĐHQG Hà Nội, H.2000.
Nguyễn Văn Hạnh - Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới cách nhìn về con người - Tạp chí văn học số 3, 1993.
Lê Thị Tuyết Hạnh - Thời gian tự sự như là một nhân tố cấu trúc văn bản trong văn xuôi nghệ thuật (Xét qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 75-95) - Luận văn PTS KH Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 1997.
Vũ Thúy Hải - Nhân vật trong truyện ngắn thời kỳ đổi mới – Luận văn thạc sĩ – khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2003.
Nguyễn Thị Thúy Hằng - Tiếng cười trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Luận văn Thạc sĩ khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội, 2000.
Đỗ Đức Hiểu - Thi pháp hiện đại - Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2002.
Lê Ngọc Huyền - Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn sau 1980 - Luận văn thạc sĩ khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 1998.
Đỗ Thu Hương - Phương thức huyền thoại hóa và sự biểu hiện đời sống tâm linh trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 - Luận văn thạc sĩ khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2001.
Lê Thị Hường - Quan niệm con người cô đơn trong truyện ngắn hôm nay - Tạp chí văn học số 2, 1994.
Lê Thị Hường - Những đặc điểm của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Luận án PTS khoa Ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV, 1995.
Phùng Nọc Kiếm - Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945- 1975, Nxb ĐHQG Hà Nội 2000.
Phạm Hồng Lan- Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng- Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn Học VN- 2002
Tôn Phương Lan - Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu (chuyên luận) - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
Tôn Phương Lan - Văn chương và cảm nhận - Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Phong Lê - Văn học trên hành trình của thế kỷ 20 - Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1997.
Nguyễn Văn Long - Văn học Văn học Việt Nam trong thời đại mới - Nxb Giáo dục, 2003.
Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hoà, Thành Thế Thái Bình - Lý luận văn học - Nxb Giáo dục, 2002 (tái bản lần 4).
Phương Lựu - Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX - Nxb Văn học, 2001.
Nguyễn Đăng Mạnh - Dẫn luận nghiên cứu tác giả văn học -Nxb ĐHSP Hà Nội, 1993.
Nguyễn Đăng Mạnh - Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của các nhà văn - Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.
Phạm Thị My - Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái- khoá luận tốt nghiệp ĐHSP HN 2004.
M. B. Khrapchenco - Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học - Nxb tác phẩm mới Hà Nội, 1978.
M. Bakhtin - Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki - Nxb Giáo dục, 1998.
M. Bakhtin - Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu) - Trường viết văn Nguyễn Du H.1992.
Tuyết Nga - Phong cách văn xuôi Nguyễn Khải (chuyên luận) - Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.
Nguyên Ngọc - Văn xuôi sau 75, thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển, Tạp chí văn học số 4, 1991.
Lã Nguyên - Văn học trong bước chuyển mình, Báo văn nghệ 5/11/1988.
Phạm Xuân Nguyên - Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay - Tạp chí văn học số 2, 1994.
Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn) - Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp - Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
Vương Trí Nhàn (biên soạn) - Sổ tay truyện ngắn - Nxb Hội nhà văn, 1998.
Vương Kỳ Nhân - Hướng đi của văn học thời kỳ mới - Tạp chí Văn học số 2, 1994.
Trần Thị Mai Nhi - Văn học hiện đại Việt Nam, giao lưu gặp gỡ, Nxb Văn học, H. 1994.
Đào Thản - Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi - Tạp chí văn học số 2, 1994.
Bùi Việt Thắng - Văn xuôi gần đây và quan niệm con người - Tạp chí văn học số 9, 1991.
Bùi Việt Thắng - Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại - Nxb ĐHQG, 2000.
Bùi Việt Thắng - Truyện ngắn hôm nay - Tạp chí văn học, số 1, 2004.
Hồ Anh Thái: “Đời văn tẻ nhạt lắm” – VN expess. com
Hồ Anh Thái: “Cuộc đời giống như một nhà cười” - VN expess. com
Bích Thu - Những dấu hiệu đổi mới văn xuôi từ sau 75 qua hệ thống mô típ chủ đề - Tạp chí văn học số 4, 1995.
Bích Thu - Giọng điệu trần thuật truyện ngắn Nguyễn Khải những năm 80 đến nay - Tạp chí văn học số 10, 1997.
Bích Thu - Văn xuôi năm 98 – Thực trạng và vấn đề - Tạp chí văn học, số 1, 1999.
Lí Hoài Thu - Sự vận động của các thể loại văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới – Tạp chí văn hóa nghệ thuật, số 1, 2002.
Bùi Thị Thu Thủy - Nghệ thuật truyện ngắn nữ thời kỳ đổi mới - Luận văn thạc sĩ khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2001.
Trần Đăng Suyền - Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo - Nxb Văn học Hà Nội, 2003.
Trần Đình Sử - Một số vấn đề thi pháp học hiện đại - Bộ GD & ĐT - Vụ Giáo viên, Hà Nội, 1993.
Trần Đình Sử - Lý luận và phê bình văn học - Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1996.
Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú - Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan - Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
Trần Đình Sử - Dẫn luận thi pháp học - Tập giáo trình giảng dạy cao học, 2003.
Trần Đình Sử - Văn học Việt Nam - cuộc đồng hành sáng tạo - Tạp chí nhà văn, số 2, 2003.
Trần Đình Sử (chủ biên) - Tự sự học, một số vấn đề lý luận và lịch sử - Nxb Đại học Sư phạm, 2004.
Trần Đình Sử - Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục, 1995.
Nguyễn Thị Vân – Nghệ thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái – Luận văn chuyên ngành Văn học Việt Nam - ĐHSP HN – 2005.
A.Xâytlin – Lao động nhà văn – tập 2, Nxb Văn học, HN, 1968.
Mục lục
Trang
Phần mở đầu 1
Phần nội dung 15
Chương 1. nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 15
1.1. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 15
1.1.1. Nhân vật văn học và nhân vật trong truyện ngắn 15
1.1. 2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 17
1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 23
1.2.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình, diện mạo và tên gọi của nhân vật. 24
1.2.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình, diện mạo 24
1.2.1.2. Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên. 28
1.2.2. Xây dựng nhân vật qua hành động. 30
1.2.3. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật. 32
1.2.3.1. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 33
1.2.3.2. Ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm của nhân vật. 35
1.2.4. Xây dựng nhân vật qua thế giới nội tâm và thế giới tâm linh. 38
Chương 2. nghệ thuật tổ chức không gian - thời gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 42
2.1. không gian và thời gian nghệ thuật. 42
2.1.1. Không gian nghệ thuật. 42
2.1.2. Thời gian nghệ thuật. 45
2.1.3. Mối tương quan chặt chẽ giữa không gian và thời gian nghệ thuật. 46
2.2. nghệ thuật tổ chức không gian trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 47
2.2.1. Không gian xã hội trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 47
2.2.2. Không gian thiên nhiên trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 55
2.3. Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 60
2.3.1. Sáng tạo thời gian nghệ thuật theo trình tự thời gian tuyến tính . 61
2.3.2. Thời gian nghệ thuật đảo ngược, đan xen các sự kiện 64
Chương 3. ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 67
3.1. ngôn ngữ trần thuật. 67
3.1.1. Ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ trần thuật của truyện ngắn. 67
3.1.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 68
3.1.2.1 Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật khách quan. 68
3.1.2.2. Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật chủ quan 73
3.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 77
3.2.1. Lý luận chung về giọng điệu trần thuật. 77
3.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 78
3.2.2.1. Giọng giễu nhại, trào phúng. 78
3.2.2.2. Giọng triết lý trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. 81
3.2.2.3. Giọng đối thoại mang tính chất dân chủ trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 86
Phần kết luận 91
Thư mục 94
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Hồ Anh Thái.doc