MỤC LỤC
A: Lời mở đầu
B: Nội dung
1.quan hệ Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ giai đoạn 1950- 1960
a. Quan hệ Liên Xô- Mỹ trong chiến tranh lạnh
b. Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc
c. Quan hệ Mỹ- Trung Quốc
2. Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ giai đoạn 1960- 1970
a.Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc 1960- 1970
b. Quan hệ Mỹ– Trung Quốc (1960-1970)
C. Kết Luận
26 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4038 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Những nét chính trong quan hệ ngoại giao liên xô - Trung Quốc - Mỹ những năm 1950 - 1970, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC
------
TIỂU LUẬN
NHỮNG CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC
ĐỀ TÀI
NHỮNG NÉT CHÍNH TRONG QUAN HỆ NGOẠI GIAO LIÊN XÔ - TRUNG QUỐC - MỸ
NHỮNG NĂM 1950 - 1970
NHỮNG NÉT CHÍNH TRONG QUAN HỆ NGOẠI GIAO LIÊN XÔ- TRUNG QUỐC- MỸ NHỮNG NĂM 1950- 1970.
A: LỜI MỞ ĐẦU:
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Hội nghị Ianta mở ra một trật tự thế giới mới - “ Trật tự hai cực Ianta” thực chất “hai cực” ở đây là chỉ Mỹ và Liên Xô phân chia nhau phạm vi thế lực trên cơ sở thoả thụân của hội nghị Ianta. Sau hội nghị Ianta mối quan hệ Xô- Trung là mối quan hệ cơ bản nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong quan hệ quốc tế. Nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước CNXH trên thế giới Mỹ đã tiến hành “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô. Cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ diễn ra ngày càng quyết liệt. Chính sự căng thẳng trong quan hệ Xô- Mỹ đã làm cho tình hình thế giới ngày càng căng thẳng và phức tạp.
Trong khi đó Trung Quốc mới giành độc lập năm 1949, đất nước còn nhiều khó khăn, quan hệ quốc tế còn hạn chế. Giai đoạn những năm 1950- 1970, là giai đoạn nhạy cảm và phức tạp trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Ngoại giao giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Nó góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền an ninh và tranh thủ sự ủng hộ của các nước, tăng cường địa vị quốc tế. Ngoại giao với vai trò quan trọng như vậy thì Trung Quốc sẽ có những đối sách gì trong chiến lược ngoại giao giai đoạn này? Nếu không đưa ra được những chính sách ngoại giao hợp lí, không tìm cho mình một con đường ngoại giao phù hợp thì sẽ gây rất nhiều bất lợi cho một đất nước non trẻ như Trung Quốc. Quan hệ ngoại giao của Trung Quốc chịu sự chi phối, tác động rất lớn từ Liên Xô và Trung Quốc. Vậy trong bối cảnh quốc tế phức tạp, quan hệ Xô- Mỹ căng thẳng, Trung Quốc sẽ phải xử lí quan hệ ngoại giao của mình với Liên Xô và Mỹ như thế nào mà vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia? Đây là những câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ. Trung Quốc đã cho thấy sự nhạy bén, khả năng thích ứng của mình trước thời cuộc, họ đã tự tìm cho mình một lối đi riêng trong xử lí các mối quan hệ quốc tế. Từ đó, họ không chỉ đứng vững mà còn vươn lên khẳng định địa vị của mình trên trường quốc tế. Trong những năm 1950- 1970 trục quan hệ Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ diễn ra với nhiều sự kiện phong phú nhưng cũng vô cùng phức tạp và có ảnh hưởng to lớn trong quan hệ quốc tế lúc bấy giờ.
Mặc dù, những năm 1950- 1970 đã lùi vào lịch sử song những bước đi của Trung Quốc trong xử lí các mối quan hệ quốc tế vẫn có những giá trị và bài học lịch sử của nó. Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Chúng ta đã rút ra được bài học gì từ Trung Quốc và ứng dụng nó như thế nào trong thực tiễn hiện nay? Học tập bài học không có nghĩa là bệ nguyên những gì mà người khác đã làm vào hoàn cảnh riêng của mình làm như thế là tự hại mình, là sự học tập nguy hiểm.
Xuất phát từ những suy nghĩ đó nên em trọn đề tài “ Những nét chính trong quan hệ ngoại giao Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ trong những năm 1950- 1970”. Đây là một đề tài có nội dung tương đối rộng với nhiều sự kiện và chính sách ngoại giao phong phú, phức tạp. Vì thế, để có thể nghiên cứu sâu, kĩ vấn đề này cần phải có thời gian và nguồn tài liệu phong phú. Nhưng do trình độ của em còn hạn hẹp, nguồn tài liệu rất ít, vì thế trong bài tiểu luận này em chỉ xin trình bày một cách khái quát nhất những nét chính trong giai đoạn này.
Bài tiểu luận được bố cục làm ba phần:
A: Lời mở đầu.
B: Nội dung:
Quan hệ ngoại giao Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ giai đoạn 1950- 1960 :
Quan hệ Liên Xô- Mỹ trong chiến tranh lạnh.
Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ- Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ giai đoạn 1960- 1970:
Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ- Trung Quốc.
C: Kết luận.
Em xin chân thành cảm ơn thầy Lê Tuấn Thanh đã bổ xung cho em nhiều kiến thức về ngoại giao của Trung Quốc trong quá trình giảng dạy môn CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA TRUNG QUỐC!
B: NỘI DUNG:
1.QUAN HỆ LIÊN XÔ- TRUNG QUỐC- MỸ GIAI ĐOẠN 1950- 1960.
A.QUAN HỆ LIÊN XÔ- MỸ TRONG CHIẾN TRANH LẠNH:
Cách mạng tháng mười Nga thành công, nước XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời. Sau chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít giành thắng lợi một loại các nước Đông âu dưới sự giúp đỡ của Liên Xô sau giải phóng đã đưa đất nước tiến theo con đường XHCN. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó đánh dấu sự hình thành hệ thống XHCN trên thế giới- một lực lượng đối trọng với hệ thống TBCN, là mối đe doạ lớn đối với các nước TBCN. Vì thế các nước TBCN coi Liên Xô và các nước XHCN là kẻ thù đối đầu trực tiếp của mình. Sau chiến tranh thế giới thứ II hình thành lên một trật tự thế giới mới- trật tự hai cực Ianta. Thực chất đây chính là hai cực XHCN và TBCN mà đứng đầu của phe XHCN là Liên Xô, còn đứng đầu phe TBCN là Mỹ. Mối quan hệ Liên Xô- Mỹ là mối quan hệ cơ bản, then chốt nhất trong quan hệ quốc tế.
Ngay từ tháng 3- 1947, tổng thống Mỹ Tơruman đã đưa ra học thuyết “ chủ nghĩa Tơruman”- theo chủ nghĩa này thì Mỹ phải đứng ra “đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do”, phải “ giúp đỡ” các dân tộc trên thế giới chống lại “sự đe doạ” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự bành trướng của Nga, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Như vậy với sự ra đời của “chủ nghĩa Tơruman”, Mỹ đã chính thức phát động cuộc “chiến tranh lạnh” chống lại Liên Xô và các nước XHCN. Từ đây quan hệ Xô- Mỹ là quan hệ đối đầu, là chạy đua vũ trang.
Biểu hiện nổi bật cho sự căng thẳng trong quan hệ Xô- Mỹ trong chiến tranh lạnh là Mỹ và Liên Xô đua nhau thành lập các tổ chức quân sự, kinh tế để tạo sức mạnh và phô trương thanh thế cho mình. Mỹ đã sử dụng "kế hoạch Macsan" thông qua viện trợ để khống chế và lôi kéo các nước Tây Âu. Trong đó, tiêu biểu là sự thành lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương- NATO do Mỹ cầm đầu vào ngày 4- 4- 1949, với sự tham gia của 12 nước như: Canada, và các nước thuộc "Liên hiệp Tây Âu"( Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Lucxembua).. .. Việc thành lập khối quân sự NATO là một bước tiến mới và là một bộ phận quan trọng trong việc thực hiện những kế hoạch thống trị thế giới của Mỹ, đặc biệt là khi Tây Đức vào NATO, biến Tây Đức thành "lực lượng xung kích" chống lại Cộng hoà dân chủ Đức, Liên Xô và các nước Đông Âu XHCN.
Trước các hành động khiêu khích của Mỹ và để bảo vệ thành quả cách mạng tháng 10, Liên Xô cũng tiến hành thành lập các tổ chức liên minh của mình, bởi lẽ trong hoàn cảnh như vậy, phương pháp giữ gìn hoà bình, ngăn chặn chiến tranh tốt nhất là tổ chức hệ thống an ninh tập thể của các nưỡc XHCN. Vì thế mà hiệp ước hữu nghị, hợp tác, và tương trợ Vacxava được ký kết vào ngày 14- 5- 1955- hiệp ước nhằm giữ gìn an ninh của các nước hội viên, duy trì hoà bình ở Châu Âu và củng cố hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác bền vững giữa các nước hội viên.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước Xô- Mỹ lên tới đỉnh cao vào những năm 1970, với một khối lượng vũ khí khổng lồ và sức huỷ diệt lớn mà theo ước tính của các chuyên gia quân sự thì chỉ cần phóng ra 1/2 số kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc Liên Xô cũng đủ để huỷ diệt toàn bộ sự sống con người và nền văn minh của toàn nhân loại. Qua đây cũng toát lên toàn bộ cục diện quan hệ quan hệ Xô- Mỹ.
Sự căng thẳng trong quan hệ Xô- Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thế giới, nó đẩy nhân loại tới nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn và tàn khốc. Tạo ra một bầu chính trị gột gạt bao trùm mọi mối quan hệ quốc tế. "Chiến tranh lạnh" đã cuốn các nước theo chiều sóng của nó. ở đây không chỉ đơn thuần là đối đầu trực tiếp giữa Liên Xô với Mỹ nữa mà nó là sự đối lập, đối đầu giữa hai ý thức hệ xã hội tức là nó là sự đối đầu của hai hệ thống xã hội TBCN và XHCN.
Chiến tranh lạnh và sự đối đầu căng thẳng trong quan hệ mới Xô- Mỹ là bối cảnh quốc tế chủ yếu ảnh hưởng mạnh mẽ tới Trung Quốc. Nước CHND Trung Hoa tuy là nước có diện tích lớn, dân số đông có tiềm lực nhưng vừa mới thành lập năm 1949, nó chịu sự chi phối rất lớn từ Liên Xô và Mỹ. Nhiệm vụ trước mắt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước. Lúc này Trung Quốc phaỉ lựa chọn cho mình con đường đối ngoại hợp lí. Trung Quốc có 3 con đường để lựa chọn, hoặc là theo Liên Xô hoặc theo Mỹ hoặc Trung Lập. Xử lí tốt các mối quan hệ đối ngoại phù hợp với xu thế thế giới sẽ đem lại lợi ích quốc gia cho Trung Quốc. Trong thời kỳ này Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường và thái độ của mình, họ đứng về phía Liên Xô, về phe XHCN và đối đầu với Mỹ.
b. QUAN HỆ LIÊN XÔ- TRUNG QUỐC:
Ngay từ trước năm 1949, Liên Xô và Trung Quốc đã có mối quan hệ với nhau tuy nhiên lúc đó do cách mạng Trung Quốc chưa giành thắng lợi vì thế quan hệ ngoại giao chỉ với tư cách các tổ chức Đảng mà thôi. Đảng Cộng Sản Trung Quốc hoạt động vũ trang để chống xâm lược, về mặt ngoại giao hầu như chỉ quan hệ với Đảng Cộng Sản Liên Xô và Quốc tế cộng sản chứ chưa được thế giới công nhận. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiến hành cuộc cách mạng theo con đường cách mạng vô sản dưới ánh sáng chỉ đường của chủ nghĩa Mác –Lênin. Trong cuộc chiến đó họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Liên Xô. Sau khi cách mạng thành công Trung Quốc đi lên con đường CNXH, họ đứng về phe XHCN ngả về phía Liên Xô. Mặt khác, Quốc Dân Đảng- một lực lượng đối đầu với Đảng Cộng Sản lại nhận được sự viện trợ và giúp đỡ từ Mỹ làm cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của Trung Quốc càng thêm khó khăn và đổ máu. Tập đoàn Tưởng Giới Thạch bỏ chạy ra Đài Loan và trở thành một lực lượng độc lập tách ra khỏi Trung Quốc đại lục, tiếp tục nhận sự chi viện và giúp đỡ từ Mỹ trở thành một mối lo gây mấy ổn định đối với Trung Quốc. Chính trong bối cảnh đó mà Trung Quốc lựa chọn trọng tâm quan trọng trong quan hệ ngoại giao của mình là Liên Xô, chống lại chủ nghĩa đế quốc, coi những nước tư bản lớn là chủ nghĩa đế quốc, quyết tâm lật đổ chủ nghĩa đế quốc đã trở thành phương châm cơ bản trong đối xử quan hệ ngoại giao với các nước khác Trong giai đoạn này, Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ngoại giao, trong đó "nhất biên đảo ” được coi là trung tâm điểm trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, nó toát lên toàn bộ ý đồ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chính sách "nhất biên đảo ” ra đời ngày 6- 12- 1949 trong dịp Mao Trạch Đông dẫn đoàn đại biểu Trung Quốc đi dự sinh nhật Xtalin. Nội dung cơ bản của chính sách này là Trung Quốc coi Liên Xô là đối tác chiến lược, là trọng tâm trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Xác định Trung Quốc là người bạn đồng hành cùng Liên Xô và các nước XHCN trên cùng trận tuyến chống CNTB, CNĐQ. Tiếp đó tháng 12- 1950 hai nước còn kí điều ước hỗ trợ "đồng minh hữu hảo Xô- Trung ”. Điều ước này giữ vai trò quan trọng, nó thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao Liên Xô- Trung Quốc. Quyết định liên minh với Liên Xô là một giải pháp quan trọng trong quan chính sách ngoại giao của Trung Quốc lúc này, nó giúp Trung Quốc tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ toàn diện từ Liên Xô trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Liên Xô đã đầu tư vào Trung Quốc 156 công trình - những công trình này đã đặt nền móng cho công nghiệp Trung Quốc. Liên Xô còn cung cấp kĩ thuật, vốn và cố vấn cho Trung Quốc. Không chỉ hợp tác về mặt kỹ thuật mà Liên Xô còn giúp Trung Quốc về mặt quân sự. Liên Xô giúp Trung Quốc bước đầu xây dựng vũ khí chiến lược của riêng mình. Ngày 27/4/1955, Liên Xô đã kí với Trung Quốc hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc xây dựng lò phản ứng hạt nhân thí nghiệm đầu tiên của Trung Quốc và máy gia tốc đưa vào hoạt động từ năm 1957. Tiếp đó 15/10/1957, Liên Xô và Trung Quốc lại kí một hiệp định trong đó Liên Xô hứa sẽ cung cấp cho Trung Quốc một mẫu bom nguyên tử và những số kiệu kĩ thuật để chế tạo. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, trong giai đoạn 1949- 1957 Trung Quốc đã khôi phục được nền kinh tế bị tàn phá, hoàn thành xuất sắc kế hoạch 5 năm lần 1.
Việc Trung Quốc quyết định liên minh với Liên Xô, ngả về phía Liên Xô, ủng hộ Liên Xô dường như là một điều tất yếu bởi: thế giới chia hai cực một cách rõ ràng lấy ý thức hệ làm tiêu chuẩn quan trọng nhất. Đối với các nước XHCN thì TBCN mà đứng đầu là Mỹ được coi là kẻ thù trực tiếp. Còn CNTB mà tiêu biểu là Mỹ tìm mọi biện pháp tiêu diệt Liên Xô, đập tan hệ thống XHCN trên toàn thế giới. Vì thế cục diện đối đầu, căng thẳng giữa hai chiến tuyến là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó Trung Quốc ra khỏi chiến tranh đi lên theo con đường CNXH lấy ý thức hệ vô sản làm nên tảng và trở thành một nước XHCN lớn trên thế giới, góp phần hình thành và tăng cường sức mạnh cho phe XHCN. Có thể nói sau Liên Xô, Trung Quốc trở thành kẻ thù thứ 2 của Mỹ. Mỹ sẽ không thể là sự lựa chọn có lợi cho Trung Hoa. Còn thực lực của Trung Quốc lúc đó hầu như không có, đối với một nước vừa hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ thì còn nhiều khó khăn phải đối diện trên mọi lĩnh vực kinh tế- chính trị- xã hội. Trung Quốc chưa đủ sức để tìm cho mình con đường trung lập. Vì thế trong 3 con đường mà Trung Quốc có thể lựa chọn trong giai đoạn này thực chất chỉ có thể là Liên Xô mà thôi. Chỉ có Liên Xô mới là chỗ dựa tốt nhất để Trung Quốc quốc thực hiện được mục tiêu quan trọng trước mắt là bảo vệ thành quả cách mạng, khôi phục và xây dựng đất nước.
Mối quan hệ hữu hảo Xô- Trung 1950- 1960 đã có tác động lớn đến tình hình quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô- Trung Quốc đối với sự phát triển phong trào giải phóng dân tộc. Chính mối quan hệ khăng khít giữa hai quốc gia này đã trở thành chỗ dựa rường cột cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Trung Quốc đã tích cực hợp tác với Liên Xô ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các dân tộc đang đấu tranh nhằm thoát khỏi ách thống trị của chế độ thuộc địa cũ và chống lại chủ nghĩa thực dân mới của các nước đế quốc. Phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương nói chung của dân tộc Việt Nam nói riêng đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Liên Xô- Trung Quốc cả về vũ khí, quân trang quân dụng. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950- 1953) Trung Quốc đã đưa quân tình nguyện của mình vào trực tiếp đối đầu với Mỹ và giải phóng miền Bắc Triều Tiên. Tất nhiên không có sự giúp đỡ nào mà không có mục đích. Ở đây câc nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Giúp đỡ các nước láng giềng chống lại chủ nghĩa đế quốc là nhằm bảo vệ an ninh biên giới của Trung Quốc. Vấn đề an ninh quốc phòng đã được xem xét và đưa lên hàng đầu.
Tuy nhiên, liên minh với Liên Xô thì Trung Quốc cũng chịu nhiều sự chi phối từ nước này. Trong một chuyến đi tham quan Matxcova, Chủ tịch Mao đã nói với các sinh viên Trung Quốc: “ Phe đế quốc có một cái đầu, đó là Mỹ. Phe XHCN cũng phải có một cái đầu đó là Liên Xô ”. Cùng với sự thừa nhận này, Trung Quốc đã luôn ủng hộ Liên Xô trong các biện pháp đối phó với CNĐQ. Và thực tế Trung Quốc trong xử lí các vấn đề quan hệ quốc tế lớn thường không có lợi ích và quan điểm của riêng mình mà chủ yếu là của Liên Xô.
Nhìn chung, mối quan hệ Xô- Trung trong giai đoạn này là mối quan hệ hữu hảo tốt đẹp với hàng loạt các hiệp định, hiệp ước trên nhiều lĩnh vực đã được hai bên kí kết. Trung Quốc đã biết phát huy sức mạnh của quan hệ ngoại giao để xây dựng, củng cố đất nước. Mối quan hệ tốt đẹp này cũng đóng vai trò tích cực nhất trong việc khẳng định sức mạnh của phe XHCN. Hơn thế nữa phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả từ Liên Xô và Trung Quốc. Đó là ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn mà quan hệ Xô- Trung đem lại trong thời gian này.
c. QUAN HỆ MỸ- TRUNG QUỐC:
Trong bối cảnh chung của quan hệ quốc tế là cuộc chiến tranh lạnh và sự đối đầu, căng thẳng trong quan hệ Xô- Mỹ, trong giai đoạn này quan hệ Mỹ- Trung Quốc cũng ở trạng thái đối đầu, căng thằng và gay gắt. Ngay từ khi Đảng Cộng Sản chưa giành thắng lợi hoàn toàn thì Mỹ luôn tìm cách ngăn cản hoạt động của Đảng này, lợi dụng Quốc Dân Đảng làm con bài chính trị. Mỹ viện trợ cho Tưởng lên tới 4 tỷ 350 triệu USD, giúp Tưởng huấn luyện hơn 500 nghìn quân tinh nhụê với mục tiêu là tạo cho quân Tưởng một sức mạnh đủ lớn để có thể tiêu diệt được lực lượng đối lập là Đảng Cộng Sản. Nhưng cuối cùng Quốc Dân Đảng đã bị đánh bại rút chạy ra Đài Loan, còn Trung Quốc thành lập nước CHND Trung Hoa đi theo con đường XHCN vào 1/10/1949. Đây là sự kiện lớn trở thành mối e ngại của Mỹ bởi Mỹ lo ngại rằng khi nước CHDCND Trung Hoa thành lập sẽ giúp một lực lượng lớn làm hùng mạnh thêm phe XHCN, gây ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc của CNCS ở Châu Á.
Trước mối quan ngại đó, Mỹ đã áp dụng chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc vào đầu những năm 1950. Đặc biệt, khi điều ước “an ninh Nhật- Mỹ” được kí kết. Điều ước này quyết định chống lại Liên Xô và Trung Quốc, phạm vi bảo vệ đến Nhật, sau này, mở rộng ra đến Đài Loan. Mỹ còn tiếp tục kí nhiều hiệp ước với các nước khác tạo ra một vành đai bao vây Trung Quốc. Đối với Mỹ, việc Trung Quốc liên kết với Liên Xô ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á- Phi- Mỹ Latinh, trực tiếp đưa quân tham chiến ở Triều Tiên và ủng hộ tích cực cho phong trào cách mạng ở Việt Nam càng làm cho Mỹ lo ngại và đẩy quan hệ Mỹ- Trung thêm căng thẳng. Liên Xô- Trung Quốc trở thành kẻ thù đối đầu trực tiếp của Mỹ. Mỹ tìm mọi cách nhằm tiêu diệt hai cánh cửa của XHCN. Đối với Trung Quốc việc Mỹ tiếp tục viện trợ tích cực cho lực lượng Quốc Dân Đảng ở Đài Loan, biến Đài Loan thành lực lượng đồng minh thân Mỹ ở Châu Á nhằm ngăn chặn sự phát triển của XHCN ở khu vực này, mà trước hết là nhằm vào Trung Quốc đại lục. Thực tế là cho đến nay Đài Loan vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng, là mối quan ngại của Trung Quốc, việc giải quyết vấn Đài Loan còn chịu nhiều sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc dù sao cũng phải thăm dò động thái của Mỹ. Đài Loan luôn là vấn đề nhạy cảm.
Phải nói rằng trong giai đoạn này, Trung Quốc chưa có được tiếng nói và địa vị trên trường quốc tế vì thế nó chịu sức ép rất lớn từ hai cường quốc là Liên Xô và Mỹ. Trong khi mà thế giới có sự phân cực rất rõ ràng, Trung Quốc không thể đứng ngoài dòng mà buộc phải chọn cho mình một con đường nhất định. Trung Quốc mặc dù đã ngả hẳn về phía Liên Xô thông qua chính sách "nhất biên đảo” nhưng họ còn thực hiện nhiều chính sách khác nhằm giải quyết quan hệ với các nước khác như: chính sách "dọn nhà mới mời khách ”, chính sách này nhằm xoá bỏ tàn dư của CNĐQ, chính sách " nổi lửa bếp khác” mục đích để không kế thừa các chính sách ngoại giao mà Quốc Dân Đảng đã kí với các nước trứơc đây.
Ngay từ khi thế giới bước vào thời kì chiến tranh lạnh, quan hệ Xô- Mỹ gay gắt, Mỹ áp dụng chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc thì Trung Quốc cho rằng Mỹ có thể sẽ can thiệp vào cuộc nội chiến của nước này và Trung Quốc cũng giữ thái độ phê phán và thù địch với Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh Xô- Mỹ, Trung Quốc chịu áp lực từ hai phía, vì thế Trung Quốc cần phải tính đến trong tương lai làm sao Trung Quốc có thể sinh tồn giữa hai siêu cường này trong mối quan hệ giữa cuộc nội chiến Trung Quốc với bối cảnh chính trị quốc tế. Từ đó Mao Trạch Đông đã đưa ra lí luận " vùng đệm trung gian ”. Lí luận này cho rằng trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô còn có một khoảng không gian rộng lớn đó là các nước thuộc thế giới thứ 3, do vậy sự đấu tranh giữa Mỹ và Liên Xô thông qua việc khống chế các nước vừa và nhỏ. Mục đích lớn nhất của lí luận này là đánh giá vai trò của các nước thuộc thế giới thứ 3 trong cuộc chiến tranh lạnh và Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với các nước này, tranh thủ sự ủng hộ của các nước này để giảm áp lực từ hai siêu cường Liên Xô- Mỹ đối với Trung Quốc.
Trong những năm 1950- 1960, quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước phương Tây và TBCN có nhiều căng thẳng bất lợi; đối đầu với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên; Mỹ lập vành đai bao vây Trung Quốc; với các nước láng giềng Trung Quốc còn tồn đọng nhiều vấn đề lịch sử.. . nhìn chung tình hình ngoại giao của Trung Quốc có nhiều bất lợi cho đất nước. Ngày 28/ 6/1959 để tìm giải pháp giảm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao, Trung Quốc cùng thủ tướng Ấn Độ P. J. Nehru đưa ra tuyên bố chung 5 nguyên tắc cùng chung sống hoà bình :
Tôn trọng chủ quyên và toàn vẹn lãnh thổ của nhau
Không xâm phạm lẫn nhau.
Không can thiệp vào nội bộ chính quyền của nhau.
Ngoại giao độc lập tự chủ.
Cùng chung sống hoà bình.
Đây là 5 nguyên tắc vô cùng quan trọng và nhất quán trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sau này Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác đều dựa vào câu chữ cùng chung sống hoà bình làm cơ sở quan hệ giữa hai nước. Ngay cả Thông cáo chung Thượng Hải cũng đề cập đến.
Có thể nói cùng chung sống hoà bình là sách lược quan trọng trong cuộc đấu tranh của Trung Quốc với các nước đối địch. Ngày 28/1/1954 thủ tướng Chu Ân Lai đã phát biểu trong hội nghị Genever: Chúng tôi quyết không xâm lược bất kì quốc gia nào, nhưng cũng quyết không cho phép bất kì kẻ nào xâm lược Trung Quốc. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của các nước và duy trì cách sống tự do của họ và quyền lợi không chịu sự can thiệp. Đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu các nước khác tuân thủ nguyên tắc này và có nguyện vọng hợp tác, chúng tôi cho rằng các nước trên thế giới với những chế độ xã hội khác nhau có thể cùng tồn tại hoà bình.
Thông qua lời phát biểu của Chu Ân Lai và chính sách chung sống hoà bình đã cho thấy có sự thay đổi trong quan niệm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, yếu tố ý thức hệ đã giảm nhiều trong việc đưa ra các quyết sách đối ngoại. 5 nguyên tắc cùng chung sống hoà bình không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn có ý nghĩa chỉ đạo cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc, trở thành nguyên tắc cơ bản cho chính sách ngoại giao của nước này.
Qua đây cho ta thấy, ngay cả trong lúc chịu áp lực từ hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, Trung Quốc đã có ý thức xây dựng con đường đi lên một cách độc lập, tự chủ; tìm cách hạn chế và đi đến thoát khỏi sự phụ thuộc vào Liên Xô. Bên cạnh việc lấy quan hệ Xô- Trung làm trọng điểm, Trung Quốc còn có những hoạt động đối ngoại riêng biệt nhằm củng cố thế lực của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc đưa ra các chính sách ngoại giao. Với việc đưa ra chính sách cùng chung sống hoà bình đã giúp Trung Quốc tự tìm cho mình một cách đi riêng trong chính sách ngoại giao, nó khác với chính sách ngoại giao của Liên Xô và Mỹ.
2. QUAN HỆ LIÊN XÔ- TRUNG QUỐC- MỸ GIAI ĐOẠN 1960- 1970.
Những năm 1960- 1970, trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc có nhiều vấn đề phức tạp, đường lối ngoại giao bất ổn định, quan hệ Xô- Trung ngày càng rạn nứt, căng thẳng và chuyển sang chia rẽ công khai; quan hệ Mỹ- Trung cũng không có gì thay đổi, cho mãi đến đầu những năm 70 quan hệ Mỹ- Trung mới bắt đầu có bước cải thiện, Trung Quốc dần bắt tay với Mỹ chính thức chống lại Liên Xô. Vì thế trong giai đoạn này mối quan hệ Liên Xô- Trung Quốc –Mỹ rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ quốc tế.
QUAN HỆ LIÊN XÔ- TRUNG QUỐC 1960- 1970.
Ngay từ cuối những năm 50 trong quan hệ Xô- Trung đã có những dấu hiệu rạn nứt. Nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ Xô- Trung có rất nhiều, nó xuất phát từ cả hai phía.
Đối với Trung Quốc, Trung Quốc là một nước lớn, có nhiều tiềm lực và tham vọng. Sở dĩ những năm 50- 60 Trung Quốc phải dựa vào Liên Xô là do lúc này thực lực của Trung Quốc chưa đủ mạnh, Trung Quốc chưa tạo được vị thế chính trị quốc tế, chưa tác động vào các nước thuộc thế giới thứ 3, và quan trọng là bối cảnh lịch sử không cho phép Trung Quốc tự khẳng định mình. Trung Quốc từ xưa đã có tư tưởng nước lớn, tư tưởng bá quyền, tư tưởng này đã ăn sâu bén rễ vào hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mà tiêu biểu đó là Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông là người có công lớn trong cuôc cách mạng dân tộc dân chủ của Trung Quốc và ngược lại trong con người ông có tinh thần chủ nghĩa dân tộc đận nét. Trên cơ sở tư tưởng nước lớn, tư tưởng dân tộc Đại Hán mà Mao đã đề ra một thứ chủ nghĩa mới- chủ nghĩa Mao Trạch Đông(maoisme) và tìm mọi biện pháp để tiến hành nó. Đến cuối những năm 1950, Trung Quốc bắt đầu lớn mạnh, điều kiện đã tạo thuận lợi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà đứng đầu là Mao Trạch Đông bước vào triển khai tư tưởng bá quyền phục vụ cho lợi ích dân tộc hẹp hòi của mình. Mặt khác lúc này tương quan lực lượng đã có sự thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc cả về kinh tế- chính trị và quân sự. Trung Quốc có khả năng phát triển kinh tế độc lập mà không phải phụ thuộc vào Liên Xô nữa. Sức mạnh quân sự được khẳng định thông qua sự kiện tháng 10- 1964 Trung Quốc đã thử thành công bom nguyên tử. Năm 1967 Trung Quốc tuyên bố đã sản xuất được bom nhiệt hạch. Những sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển dài trong sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Điều này đã rút ngắn khoảng cách và dần đi tới thế cân bằng về sức mạnh quân sự với Mỹ và Liên Xô. Vị thế của Trung Quốc đang dần được khẳng định trên trường quốc tế. Việc Trung Quốc đưa ra chính sách và nguyên tắc cùng chung sống hoà bình đã thể hiện sự thay đổi trong quan niệm ý thức hệ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Điều này là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ Xô- Trung.
Đối với Liên Xô, Liên Xô đã giúp đỡ Trung Quốc rất lớn cả trong chiến tranh và xây dựng phát triển kinh tế nhưng sự giúp đỡ ấy cũng nhằm mục đích thực hiện các chính sách áp đặt đối với Trung Quốc. Liên Xô thông qua hiệp ước đồng minh tương trợ năm 1950 và các kế hoạch viện trợ khác để khống chế và áp đặt tư tưởng cho Trung Quốc. Chính vì thế Trung Quốc càng muốn nhanh chóng tìm cách thoát khỏi sự khống chế của Liên Xô.
Một trong những nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc đến đó là bối cảnh quốc tế hay vai trò quan hệ Xô- Mỹ trong giai đoạn mới. Về bối cảnh quốc tế thì cái phông chung của nó vẫn là cục diện chiến tranh lạnh, sự đối đầu Xô- Mỹ, nhưng lúc này trong quan hệ Xô- Mỹ đã có sự hoà dịu hơn trước. Điều này tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế. Vào cuối những năm 1950, Liên Xô đã tạo ra được thế cân bằng với Mỹ về vũ khí chiến lược. Tháng 8- 1957, Liên Xô phóng thành công tên lửa vượt đại châu. Tiếp đó 4/10/1957 Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Hai sự kiện này làm mất đi ưu thế quân sự truyền thống của Mỹ. Đạt được thế cân bằng về lực lượng vũ trang cũng có ý nghĩa là nó làm giảm đi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn, mang tính huỷ diệt. Song cũng đến lúc này Liên Xô và Mỹ nhận ra rằng việc chạy đua vũ trang với những khoản chí phí khổng lồ đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế hai nước. Hơn nữa do chỉ tập trung vào chạy đua cũ trang mà để ngỏ công tác phát triển kinh tế, làm giảm sức mạnh kinh tế của cả hai nước. Trong khi đó các nước Tây Âu và Nhật Bản có thời gian để khôi phục và phát triển, vào cuối những năm 1950, Tây Âu và Nhật Bản đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn về thị trường và khu vực ảnh hưởng. Khoản chi viện cho phong trào giải phóng dân tộc và các nước XHCN khác cũng trở thành gánh nặng đối với Liên Xô và Mỹ cũng phải chịu gánh nặng trong việc dẫn dắt hệ thống TBCN.
Nhìn chung cả Liên Xô và Mỹ đều đã thấy sự mệt mỏi trong chạy đua vũ trang vì thế hai nước đều có xu hướng xoa dịu sự căng thẳng trong quan hệ song phương đã tồn tại trong thời gian dài.
Năm 1953, sau khi Stakin qua đời Khơ- rut- xốp lên thay nắm quyền lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô. Với cùng đường lối phê phán Chủ nghĩa cá nhân và chủ trương “chung sống hoà bình” với chủ nghĩa đế quốc. Quan điểm này của Khơ- rut- xốp đã gây nhiều lúng túng cho các Đảng cộng sản và các nước XHCN khác, dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến phe XHCN. Khơ- rut- xôp còn mời thủ tướng Đức sang thăm Liên Xô nhằm thực hiện bình thường hoá quan hệ song phương, giảm căng thẳng bảo vệ lợi ích của Liên Xô ở Châu Âu.
Trước bối cảnh lịch sử có nhiều biến động như thế, Trung Quốc bất đồng và kịch liệt lên án chủ nghĩa "giáo điều" và chủ nghĩa "xét lại". Mối quan hệ Xô- Trung ngày càng trở nên lạnh nhạt, căng thẳng đi đến chia rẽ công khai. Mặt khác lúc này mối quan hệ Mỹ- Trung không có nhiều thay đổi vẫn là mối quan hệ trong trạng thái căng thẳng đối đầu. Điều này có thể thấy qua việc Trung Quốc trực tiếp đối đầu với Mỹ trong chiên tranh Triều Tiên và vấn đề Đài Loan. Nhìn chung quan hệ Mỹ- Trung vẫn là mối quan hệ bế tắc chưa có sự cải thiện. Vì thế Trung Quốc quyết định chính sách ngoại giao của riêng mình, không còn nghiêng về bất cứ một cực nào nữa. Chính sách đó gọi là chính sách ngoại giao “hai con đường”. Chính sách này thực hiện trong những năm 1959- 1969. Đây là chính sách vừa chống đế quốc, vừa chống chủ nghĩa “xét lại”.
Nếu trước đây trong những năm 1950- 1960 quan hệ Xô- Trung là mối quan hệ hữu hảo, Trung Quốc nghiêng hẳn về Liên Xô thông qua chính sách ngoại giao “nhất biên đảo” nhưng đến giai đoạn này thì chính sách đó không còn phù hợp nữa. Quan hệ Trung- Xô xấu đi. Năm 1965 Trung Quốc chính thức đăng bài báo với nội dung: chủ nghĩa xét lại từ trước đến nay luôn là trụ cột của XHCN đế quốc, là lực lượng phục tung chủ nghĩa đế quốc. Vì thế Trung Quốc cho rằng, muốn chống lại chủ nghĩa đế quốc cũng cần chống lại CN "xét lại”. Và họ chính thức công khai chủ trương chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa "xét lại”(tức Liên Xô ). Với chủ trương chống lại hai siêu cường cùng một lúc thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận định rằng: rất có thể Xô- Mỹ sẽ hợp tác với nhau kiềm chế thậm chí gây nguy hiểm cho Trung Quốc. Thậm chí năm 1968, Trung Quốc còn coi Liên Xô là kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc, sự kiện Chân Báo Đảo xảy ra vào năm 1969 đã chính thức đẩy quan hệ Xô- Trung căng thẳng thêm một bước trở thành cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước.
Sự căng thẳng trong quan hệ Xô- Trung đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Liên Xô và Trung Quốc là hai nước lớn trong khối các nước XHCN- Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc giữ vai trò to lớn trong phong trào cộng sản quốc tế vì thế mâu thuẫn Xô- Trung tác động trước hết và chủ yếu đến các nước XHCN.
Mâu thuẫn trong quan hệ Xô-Trung dẫn đến sự dao động của các nước XHCN, nó tạo ra một xu hướng li tâm trong khối, dẫn đến sự suy yếu của các nước XHCN đã phá vỡ tính thống nhất trong khối, gây chia rẽ trong các nước XHCN. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc củng cố và mở rộng phạm vi của khối ra toàn thế giới. Bởi chính bản thân sự rạn nứt này sẽ gây ra thái độ dè dặt của các nước khi lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc mình;gây tâm lí hoang mang về niềm tin đối với chế độ XHCN và tính đúng đắn của CN Mác- Lênin.
Mâu thuẫn Xô- Trung còn là một tổn thât lớn đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới bởi Liên Xô và Trung Quốc là hai nước lớn có sự viện trợ tích cực và hiệu quả phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhưng nay hai nước này mâu thuẫn thì sự viện trợ đó sẽ yếu hẳn đi, cũng có nghĩa là các nước tiến hành Cách mạng giải phóng dân tộc gặp khó khăn hơn.
Thực chất giai đoạn này Trung Quốc đang thực hiện đường lối ngoại giao độc lập, đi giữa hai siêu cường mà không ngả về bên nào. Nhưng vô hình chung ngoại giao Trung Quốc lại rơi vào tình trạng bị cô lập. Trong khi đó ở trong nước, Mao Trạch Đông thực hiện Đại cách mạng văn hoá một cách cứng rắn, cực tả gây tổn hại nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và sự ổn định Xã Hội. Để thoát ta khỏi tình trạng khó khăn đó Trung Quốc phải tăng cường mở rộng hợp tác với các nước thuộc thế giới thứ ba và các nước Tư bản khác. Ngày 12-11-1946, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp. Lý luận "hai vùng trung gian" được Mao Trạch Đông đưa ra là sự phát triển từ lý luận "vùng đệm" năm 1946. Lý luận này cho rằng giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô còn tồn tại hai vùng đệm :
Vùng đệm thứ nhất: Á- Phi – Mỹlatinh.
Vùng đệm thứ hai: Châu Âu, Canada, úc, Niudilân và Nhật Bản.
Quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô vừa mang tính hợp tác lại vừa có tính đấu tranh, tranh nhau vùng đệm giữa. Lý luận đưa ra cho thấy Trung Quốc không coi Liên Xô là lãnh tụ của các nước XHCN. Các nước mới thành lập ở Châu á, Châu Phi, Mỹlatinh trở thành khu vực đấu tranh với Mỹ và Liên Xô để giành độc lập. Các nước Tư bản khác tương đối phát triển cũng được coi là các quốc gia thuộc vùng đệm. Mục tiêu khi Trung Quốc thực hiện chính sách này là tập trung vào hợp tác với các nước thuộc thế giới thứ ba và các nước Tư bản khác nhằm giảm áp lực từ Liên Xô và Mỹ, phá vỡ thế bị cô lập về ngoại giao. Ngày 12- 11- 64 Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp, đây là bước đột phá quan trọng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước Tây Âu, phá vỡ sự cô lập ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc. Đối với Nhật bản tuy chưa có mối quan hệ chính thức nhưng việc nhân dân hai nước tăng cường giao lưu, trao đổi sẽ là cơ sở cho bình thường hoá quan hệ hai nước sau này. Lý luận hai vùng đệm là chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong giai đoạn khó khăn vận dụng lý luận đấu tranh giai cấp và sách lược trận tuyến thống nhất quan sát xu thế chính trị thế giới.
Phải nói rằng vào đầu những năm 1960, Trung Quốc đã vấp phải nhiều bước đi sai lầm và để lại những hậu quả không nhỏ. Hậu quả của cuộc Đại Cách mạng văn hoá đã đẩy Trung Quốc tụt hậu xuống mấy chục năm so với các nước trên thế giới làm cho kinh tế Trung Quốc tụt hậu, đời sống Xã hội rối ren. Những chiến lược ngoại giao mà Trung Quốc đề ra ra trong giai đoạn này còn nhiều điều phải xem xét. Việc chọn con đường trung lập giữa hai cực Xô- Mỹ lúc này là chưa hợp thời cho dù thực lực của Trung Quốc có mạnh hơn đầu những năm 1950 song nó vẫn không thể đạt tới trình độ của Liên Xô và Mỹ. Hơn nữa bối cảnh Quốc tế cũng không cho phép Trung Quốc vượt ra khỏi sự khống chế của Mỹ và Liên Xô, việc coi Mỹ và Liên Xô là kẻ thù lớn của Trung Quốc là một sai lầm có ý nghĩa chiến lược. Phải chăng Trung Quốc đã đánh giá quá cao sức mạnh của mình hay do sự cứng rắn trong ý thức hệ, trong tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Thực tế đã chứng minh sau khi thực hiện chính sách ngoại giao “hai con đường” Trung Quốc đã bị Mỹ cô lập ngoại giao. Mâu thuẫn trong quan hệ Xô- Trung không chỉ ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc và phe XHCN trên thế giới mà còn tác động trực tiếp tới Trung Quốc. Trung Quốc hi vọng rằng sau khi Liên Xô suy yếu, Trung Quốc công kích Liên Xô để tạo ưu thế cho mình nhằm mục tiêu tranh giành ngôi dẫn dắt phe XHCN từ tay Liên Xô, nhưng kết quả đã không như mong muốn của Trung Quốc. Trung Quốc không những không nâng cao địa vị Quốc tế của mình mà còn đánh mất đi vai trò Xã Hội quốc tế, vai trò của Trung Quốc giảm dần trên trường quốc tế. Tham vọng của Trung Quốc lúc này rất lớn nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ý thức độc lập tự chủ của trung Quốc rất lớn, Trung Quốc luôn tìm cách thoát ra khỏi sự kiềm chế của Liên Xô.
b. QUAN HỆ MỸ– TRUNG QUỐC (1960-1970)
Quan hệ Mỹ- Trung Quốc từ trước vẫn là mối quan hệ căng thẳng, đối đầu, cho đến đầu những năm 1960 quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc đã có những thay đổi, Mỹ không còn kiềm chế, cũng không còn cô lập Trung Quốc như trước nữa. Quan hệ Mỹ– Trung cuối những năm 1960 đã có những cải thiện đáng kể. Đến những năm 1970, đặc biệt là nhữn năm 1972 khi Nichxơn thăm Trung Quốc và hai bên đã đưa ra “Thông cáo chung Thượng Hải”- mốc đánh dấu quan hệ Mỹ– Trung đã bước sang giai đoạn bình thường hoá. Giai đoạn này Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường là bắt tay hợp tác với Mỹ để chống lại Liên Xô. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ Mỹ –Trung và tác động của nó đến trục quan hệ Liên Xô-Trung Quốc-Mỹ, cũng như những ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc và các nước XHCN khác trên thế giới.
Mỹ thay đổi thái độ đối với Trung Quốc là một chuyển biến lớn. Nó không chỉ là sự thay đổi về mặt nhận thức mà đó còn là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Lúc này, Mỹ đã nhận thức rõ hơn về vị thế của mình trong tương quan Xô– Mỹ và vai trò của các nước “vùng đệm” khác tác động vào trục quan hệ cơ bản này, để thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài là xoá bỏ Liên Xô, tiêu diệt XHCN và một tay thông lĩnh, dẫn dắt cả thế giới, Mỹ cũng cần phải tìm cho mình hướng đi mới. Cuộc chiến tranh lạnh chưa kết thúc nhưng dường như nó không mang lại kết quả như Mỹ mong muốn. Ngược lại kinh tế, quân sự của Liên Xô lại phát triển đến cực thịnh vào đầu những năm 1970, tạo thế cân bằng chiến lược với Mỹ về quân sự. Vì thế có thể nói “chiến tranh lạnh” đối với Mỹ là một sự thất bại. Tuy nhiên vào cuối những năm 1950- 1960, quan hệ Xô- Trung ngày càng căng thẳng. Nó là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt không chỉ trong quan hệ Xô- Trung mà còn là biểu hiện sự rạn nứt trong quan hệ phe XHCN, tính thống nhất và đoàn kết trong khối XHCN đã suy yếu nhiều. Đây là một cơ hội đối với Mỹ và Mỹ cũng đã triệt để tận dung nó. Nhận thấy khối các nước XHCN không còn là một khối thống nhất nữa, Kenơdi thực hiện song song việc duy trì hoà dịu Xô- Mỹ với việc cải thiện quan hệ với các nước XHCN thông qua âm mưu diễn biến hoà bình và các kế hoạch kinh tế khác. Mỹ thúc đẩy sự nảy nở xu hướng “tự do”, thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Vì vậy Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc một mặt để tăng cường sức mạnh đồng minh cho mình, một mặt khác khoét sâu hơn nữa sự rạn nứt trong quan hệ Xô- Trung, đẩy mạnh thêm một bước cô lập và đi tới tiêu diệt Liên Xô cũng như góp phần làm suy yếu toàn bộ hệ thống XHCN trên thế giới. Thực tế sự tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu sau này có sự đóng góp đáng kể của chiến lược diễn biến hoà bình của Mỹ. Mỹ đã rất biết cách lợi dụng mâu thuẫn của đối phương để làm lợi cho mình.
Còn đối với Trung Quốc. Trong đầu những năm 1960 Trung Quốc chọn con đường trung lập tách ra khỏi Liên Xô và Mỹ thông qua chính sách ngoại giao “Hai con đường” đã làm Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Mối quan hệ Xô- Trung ngày càng đẩy lên căng thẳng. Khi đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định rằng Liên Xô là nước láng giềng với Trung Quốc, những mâu thuẫn trong quan hệ Xô- Trung rất có thể sẽ làm cho Liên Xô đem quân đánh Trung Quốc ở vùng biên giới gây tình trạng bất ổn định về anh ninh quốc phòng. Vì thế Trung Quốc cho rằng đối với Trung Quốc thì Liên Xô là mối đe doạ còn nghiêm trọng hơn so với Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn nhận định sẽ xảy ra một “cuộc chiến tranh không tránh khỏi”, Mao Trạch Đông còn đề ra khẩu hiệu “chuẩn bị cho chiến tranh” để đề phòng sự bùng nổ chiến tranh Xô- Trung. Từ những suy nghĩ đó, Trung Quốc thấy rằng để thoát ra khỏi sự cô lập trên trường quốc tế, thoát khỏi hai trận tuyến, có khả năng đối phó với chiến tranh nếu nó xảy ra thì Trung Quốc chỉ còn một con đường duy nhất là cải thiện quan hệ với Mỹ, dựa vào Mỹ để chống lại sự đe doạ của Liên Xô. Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao: “ Một trận tuyến thống nhất”, liên minh với Mỹ, chống lại Liên Xô là nội dung chính của chính sách này.
Xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy và mưu lược của cả hai nước mà từ năm 1969 quan hệ Mỹ– Trung đã có những thay đổi đáng kể. Ngày 9/7/1971 Kissinger bí mật đến thăm Trung Quốc, sự kiện này đánh dấu việc phá vỡ bức tường ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ. Tiếp đó tháng 2/1972 tổng thống Mỹ Nichxơn đi thăm Trung Quốc, hai bên ra Thông cáo chung Thượng Hải– sự kiện đánh dấu việc bình thường hoá quan hệ Mỹ– Trung. Ngày 16/12/1978, Trung- Mỹ lại đưa ra thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao, nội dung chủ yếu của nó là: Mỹ thừa nhận chính phủ của nước CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất; chấp nhận 3 nguyên tắc trong thiết lập quan hệ ngoại giao mà Trung Quốc đưa ra; xoá bỏ các điều ước … Để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết giữa hai nước Mỹ- Trung, tháng 1/1979 Đặng Tiểu Bình chính thức thăm Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau khi thành lập nước một nhà lãnh đạo của Trung Quốc viếng thăm Mỹ.
Việc bình thường hoá trong quan hệ Mỹ– Trung gần như một lời tuyên chiến với Liên Xô, chuyển quan hệ Xô- Trung từ bạn sang thù. Liên Xô bước vào cuối thập niên 70 nền kinh tế dần suy yếu, địa vị quốc tế của Liên Xô ngày càng giảm sút, đó là những dấu hiệu đầu tiên cho một quá trình suy thoái và tan rã từ góc độ một nhà nước của Liên Xô vào đầu thập niên 90. Quan hệ Xô- Trung căng thẳng, Trung Quốc bắt tay với Mỹ chống lại Liên Xô là một sự kiện lớn làm suy yếu cả hệ thống các nước XHCN mặc dù Liên Xô vẵn rất cố gắng và tích cực giúp đỡ các nước XHCN khác với vai trò của một người anh cả, của đầu tàu phe XHCN song do khó khăn trong nước và Quốc tế mà Liên Xô phải đối mặt nên sự giúp đỡ của Liên Xô cũng hạn chế đi nhiều. Còn đối với Trung Quốc do liên kết với Mỹ nên trong giai đoại này Trung Quốc đã thay đổi chính sách ngoại giao với các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc, Trung Quốc không những những không giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc mà còn có hành động ủng hộ một số lực lựơng phản động, ví như cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ tích cực từ phía Trung Quốc. Nhưng sau khi chuyển hướng sang thân Mỹ Trung Quốc đẫ bỏ rơi phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam giai đoạn cuối cùng cũng không nhận được sự viện trợ từ Trung Quốc. Mặt khác Trung Quốc còn ủng hộ cho lực lượng phản động Pônpốt Iênxari ở Canpuchia gây chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam năm 1978. Sau đó Trung Quốc còn trực tiếp đưa quân sang gây chiến ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến này đã dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ Việt- Trung, tình trạng căng thẳng đó còn kéo dài đến năm 1991, Việt Nam- Trung Quốc mới bắt đầu bình thường hoá trở lại. Còn quan hệ với Liên Xô thì cũng phải đến những năm đầu thập niên 80 mới từng bước được khôi phục, cải thiện và cân bằng trở lại.
Thời kì này bên cạnh chính sách “một trận tuyến” thì vào tháng 2- 1974, Mao Trạch Đông đề ra lí luận phân chia ba thế giới. Thế giới thứ nhất là Mỹ và Liên Xô. Thế giới thứ hai là các nước phát triển TBCN. Thế giới thứ ba là các nước Á- Phi- Mỹ Latinh.
Trong đó, các nước thuộc thế giới thứ nhất là đối tượng chính bị phản đối trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Đối tượng thứ hai là đối tượng có thể dựa vào, tranh thủ được. Đối tượng thứ ba là đối tượng có thể tranh thủ đoàn kết trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Học thuyết ba thế giới có một sự quan sát mang tư tưởng chỉ đạo chiến lược, là một lí luận mang tính toàn diện. Nó không chỉ cho thấy cách nhìn về xu thế chính trị quốc tế của Trung Quốc, mà còn đưa ra những nguyên tắc, sách lược toàn diện, hệ thống về ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược ngoại giao. Nó không chỉ đơn thuần là lí luận mà còn là chính sách và phương pháp cho hoạt động ngoại giao. Lí luận ba thế giới đã tổng kết và chỉ đạo chính sách ngoại giao của Trung Quốc bao gồm :
Chống Mỹ và Liên Xô: Sau những năm 1970, chống Liên Xô là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Tích cực phát triển quan hệ với các nước thuộc thế giới thứ ba, đặc biệt là với các nước có xung đột với Mỹ và Liên Xô.
Đoàn kết, tranh thủ, lợi dụng các nước thuộc thế giới thứ hai, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này.
Chính sách ủng hộ các nước thuộc thế giới thứ ba là một chính sách ngoại giao quan trọng của Trung Quốc. Nó giúp Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của các nước này để củng cố địa vị quốc tế của mình, giúp Trung Quốc giảm áp lực từ Liên Xô và Mỹ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn quan hệ Xô- Trung căng thẳng, Trung Quốc bị cô lập trên thế giới.
C. KẾT LUẬN
Mối quan hệ Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ trong những năm 1950- 1970 là một giai đoạn phức tạp, nhạy cảm trong việc lựa chọn chiến lược và sách lược đối ngoại. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời với hàng loạt những khó khăn và thách thức, nền kinh tế suy sụp. lạc hậu; quốc phòng yếu kém; địa vị chính trị thấp; chịu thái độ thù đich của Mỹ, nhưng Trung Quốc là một nước có ý thức dân tộc sâu sắc luôn luôn muốn vươn lên để tự khẳng định mình và không muốn chịu sự khống chế, áp đặt từ bên ngoài. Trung Quốc cũng là một nước có tham vọng lớn, Mao Trạch Đông đã từng nói : "không thể có chuyện sau vài chục năm chúng ta vẫn không thể trở thành một nước lớn nhất thế giới …Trung Quốc không những phải trở thành trung tâm chính trị của thế giới mà còn trở thành trung tâm quân sự và kĩ thuật nữa”.
Tham vọng đó đã thấm sâu vào hầu hết tư tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nó ảnh hưởng đến những quyết sách ngoại giao của Trung Quốc. Sở dĩ Trung Quốc sau khi thành lập nước buộc phải dựa vào Liên Xô vì Trung Quốc tự nhận thấy khả năng của mình chưa đủ sức để vươn lên cạnh tranh với Liên Xô và Mỹ. Nhưng trong suốt quá trình hợp tác hữu hảo Xô- Trung đó (1950- 1960), Trung Quốc vẫn luôn tỏ rõ thái độ độc lập tự chủ, luôn tìm cách hạn chế sự khống chế và chi phối của Liên Xô. Còn Liên Xô coi Trung Quốc là một đồng minh quan trọng để tăng cường sức mạnh cho Liên Xô và cho khối các nước XHCN. Nhưng Liên Xô cũng luôn tỏ rõ ưu thế nước lớn của mình. Thông qua các kế hoạch viện trợ giúp đỡ Trung Quốc, Liên Xô một mặt còn nhằm khống chế Trung Quốc trong sự kiểm toả của mình.
Mặt khác trong bối cảnh quốc tế mà sự đối đầu trực diện, gay gắt giữa Liên Xô- Mỹ mà thực chất là mâu thuẫn giữa hai ý thức hệ xã hội đó là TBCN và XHCN thì Trung Quốc không thể tự mình đứng ngoài dòng được. Mỹ trong suốt những năm 1950 đến cuối những năm 1960 luôn coi Trung Quốc là kẻ thù thứ hai sau Liên Xô, quan hệ Mỹ- Trung là quan hệ căng thẳng kéo dài.
Bước sang những năm 1960- 1970, Trung Quốc đã thể hiện tham vọng của mình. Đối với Trung Quốc thì quyền lợi dân tộc, quyền lợi quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Chính sách thân Mỹ chống Xô cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó.
Nhìn lại cả giai đoạn hơn 20 năm, những gì mà Trung Quốc đã thực hiện trong chính sách ngoại giao của mình đã cho thấy Trung Quốc là một dân tộc khá đặc biệt có khả năng thích ứng nhanh, luôn sáng tạo và độc lập khi đưa ra những quyết sách của mình. Tất nhiên không phải quyết sách nào cũng đúng, mọi thứ đều có tính hai mặt của nó. Đầu những năm 1960, Trung Quốc đã thực hiện chính sách “hai con đường” làm cho Trung Quốc bị cô lập trên thế giới, liền một lúc phải đối phó với hai siêu cường là Liên Xô và Mỹ. Chính sách ấy không thể coi là đúng đắn và hoàn hảo, song chính trong lúc khó khăn đó người Trung Quốc lại tìm ra cách giải quyết của riêng mình là đánh giá đúng vai trò, vị trí của các nước thuộc thế giới ba trong cuộc đối đầu Xô- Mỹ này, từ đó Trung Quốc dựa vào các nước này từng bước xoá bỏ thế cô lập, nâng cao địa vị quốc tế của mình.
Trung Quốc trong mối quan hệ với Liên Xô và với Mỹ luôn là những mối quan hệ phức tạp và nhiều biến động. Trung Quốc khi đứng về phe Liên Xô, khi trung lập, khi lại liên kết với Mỹ chống Liên Xô, tranh thủ sự ủng hộ của các nước thuộc thế giới 3, từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước tư bản Tây Âu. Nhưng cho dù có đi theo con đường nào đi nữa thì hai nhân tố tiên quyết ảnh hưởng đến mọi quyết sách ngoại giao của Trung Quốc chính là lợi ich quốc gia dân tộc và vấn đề an ninh quốc phòng.
Ngày nay nhìn lại mối quan hệ Liên Xô- Trung Quốc- Mỹ những năm 1950- 1970, ta vẫn thấy được giá trị lâu dài của nó. Ở đó ngoại giao cũng là một mặt trận luôn cần đến sự nhạy cảm, sáng tạo, mềm dẻo có nguyên tắc và biết bảo vệ quyền lợi của quốc gia dân tộc mình, không ngừng tổng kết và tích luỹ kinh nghiệm. Những bài học ấy không chỉ giành cho Trung Quốc mà ngay cả Việt Nam và các nước khác cũng phải học tập, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động ngoại giao của nước mình và các nước bạn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ ngoại giao trong chiến lược phát triển toàn diện đất nước.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Những nét chính trong quan hệ ngoại giao liên xô - Trung Quốc - Mỹ những năm 1950 - 1970.doc