Đề tài Pháp luật về phá sản - Lý luận và tình huống thực tiễn

LỜI MỞ ĐẦU 1 NỘI DUNG 1 I - Một số vấn đề lý luận của pháp luật hiện hành về phá sản. 1 1.Nội dung cơ bản của pháp luật phá sản Việt Nam theo Luật phá sản2004 1 2. Thủ tục đầy đủ của một vụ giải quyết phá sản. 2 3. Những trường hợp rút gọn của thủ tục giải quyết phá sản. 4 II – Xây dựng một tình huống về phá sản doanh nghiệp và phân tích hướng giải quyết theo pháp luật hiện hành. 6 1. Tình huống. 6 2. Phân tích tình huống. 9 III - Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hiện hành về phá sản. 11 KẾT LUẬN 13 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 14

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6732 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Pháp luật về phá sản - Lý luận và tình huống thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC ĐỀ BÀI: Xây dựng hoặc sưu tầm một tình huống về phá sản doanh nghiệp và phân tích hướng giải quyết tình huống đó theo pháp luật hiện hành. LỜI MỞ ĐẦU Phá sản một doanh nghiệp nói chung bao giờ cũng kéo theo những hậu quả kinh tế xã hội nhất định cần phải được hạn chế và ngăn chặn đến mức tối đa. Tuy nhiên không hẳn những gì mà phá sản để lại là hoàn toàn tồi tệ. Trong số các chế định về giải quyết hậu quả và hạn chế rủi ro như thanh lý, giải thể,.. thì thủ tục giải quyết phá sản lại thực sự tỏ ra hữu dụng. Thủ tục giải quyết phá sản có vị trí hết sức quan trọng không chỉ riêng với các chủ thể kinh doanh mà còn đối với cả trật tự kinh tế xã hội nói chung. Chính vì lý do đó trong bài tiểu luận của mình em lựa chọn đề tài : “Xây dựng một tình huống về phá sản doanh nghiệp và phân tích hướng giải quyết tình huống đó theo pháp luật hiện hành” để phần nào xem xét và đánh giá những quy định của pháp luật về phá sản. NỘI DUNG I - Một số vấn đề lý luận của pháp luật hiện hành về phá sản 1. Nội dung cơ bản của pháp luật phá sản Việt Nam theo Luật phá sản 2004 Cũng như pháp luật hầu hết các nước trên thế giới, nội dung chính của pháp luật phá sản Việt Nam bao gồm những quy định về đối tượng bị tuyên bố phá sản, về lý do tuyên bố phá sản, về cơ quan có thẩm quyền tuyên bố phá sản và về thủ tục phá sản doanh nghiệp. Cụ thể: Thứ nhất, Về đối tượng bị tuyên bố phá sản: Theo pháp luật Việt Nam đối tượng bị yêu cầu tuyên bố phá sản là doanh nghiệp và hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Thứ hai, về lý do phá sản: Lý do duy nhất dẫn đến việc phá sản là doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Thứ ba, về cơ quan có thẩm quyền tuyên bố phá sản: Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố phá sản là tòa án. Pháp luật Việt Nam quy định Tòa án nhân dân địa phương có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản giữa các cấp trong hệ thống cơ quan tòa án được phân định trên cơ sở nơi đăng kí kinh doanh hoặc nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thứ tư, về thủ tục phá sản: Thủ tục phá sản là nội dung cơ bản nhất của pháp luật phá sản, bao gồm phần lớn các quy định của pháp luật phá sản quy định các vấn đề như: Nộp, thụ lý đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; Phục hồi hoạt động kinh doanh; Thanh lí tài sản, các khoản nợ; Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. 2. Thủ tục đầy đủ của một vụ giải quyết phá sản Để việc giải quyết phá sản được tiến hành một cách có trật tự, đúng pháp luật thì pháp luật về phá sản cần có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết yêu cầu phá sản. Những quy định đó là cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành giải quyết yêu cầu phá sản một cách đúng pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 điều 5 Luật phá sản 2004, trình tự thủ tục giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được tiến hành thông qua các thủ tục sau: “1. Thủ tục phá sản được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm: a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản; b) Phục hồi hoạt động kinh doanh; c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ; d) Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.” 2.2.1. Nộp đơn và mở thủ tục phá sản Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn được quy định từ Điều 13 đến Điều 18 bao gồm chủ nợ, người lao động, doanh nghiệp,hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, cổ đông công ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh. Nội dung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định tại Khoản 2 các điều 13 đến điều 18 tương ứng với từng chủ thể nộp đơn là khác nhau. Khoản 5 điều 15 quy định về thời hạn mà chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã phải nộp đơn là ba tháng kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Thứ hai, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Đây là hoạt động pháp lý của Tòa án thể hiện ý chí của Tòa án chấp nhận hay không đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhận đơn yêu cầu để xem xét, giải quyết vụ việc. Thứ ba, mở thủ tục giải quyết phá sản: Mở thủ tục phá sản đóng vai trò quyết định trong việc Tòa án có tiến hành giải quyết phá sản hay không. Có thủ tục này thì mới có thể có các thủ tục tiếp theo trong tiến trình giải quyết phá sản. Việc mở thủ tục phá sản kéo theo một số vấn đề pháp lý có liên quan như sau: Một là, Thẩm phán ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản.Hai là, vấn đề gửi giấy đòi nợ của các chủ nợ và lập danh sách chủ nợ.Ba là, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.Bốn là, hoạt động kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.Năm là, việc áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Thứ tư, Hội nghị chủ nợ: Thành phần tham gia Hội nghị chủ nợ được quy định tại điều 62, điều 63 Luật phá sản: các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ, đại diện người lao động hoặc đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền, người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Chương trình làm việc bắt buộc với Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất được quy định tại điều 64. Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ, hoãn Hội nghị chủ nợ, và đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản được quy định tại các điều 65,66,67 Luật phá sản. 2.2.2. Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là thủ tục mà trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh, khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của mình. Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh được quy định tại các điều từ điều 68 đến điều 77 Luật phá sản. 2.2.3. Thủ tục thanh lý tài sản và các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã Luật phá sản 2004 đã đưa thủ tục thanh lý và thanh toán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản trước khi ra quyết định tuyên bố phá sản. Trừ trường hợp đặc biệt của thủ tục thanh lý quy định tại điều 78, quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản được đưa ra khi Hội nghị chủ nợ không thành (điều 79) hay theo điều 80 Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất. Nội dung quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thanh lý tài sản được quy định tại các điều 81, 82 luật phá sản. 2.2.4. Thủ tục tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản là thủ tục cuối cùng trong thủ tục phá sản. Ngoại trừ trường hợp tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp đặc biệt tại điều 87 thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản. Nội dung quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản theo quy định tại điều 88 Luật phá sản. 3. Những trường hợp rút gọn của thủ tục giải quyết phá sản Một vụ phá sản thông thường được giải quyết theo những thủ tục đã được trình bày cụ thể bao gồm 4 bước. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, một số vụ phá sản vẫn được tiến hành giải quyết mà không nhất thiết phải trải qua đầy đủ các thủ tục đã nói. Điều này giúp cho thủ tục giải quyết phá sản được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, đỡ tốn kém về các chi phí phát sinh và quyền lợi của các bên liên quan vẫn được bảo vệ khi lược bỏ được một số thủ tục không cần thiết. Dưới đây là một số trường hợp rút gọn của thủ tục giải quyết phá sản: Trường hợp thứ nhất, Tòa án áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thông qua thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Trường hợp này được quy định cụ thể tại điều 78 Luật phá sản. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ đã được Nhà nước áp dụng biện pháp đặc biệt để phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không phục hồi được và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Doanh nghiệp mà không cần phải triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét việc áp dụng thủ tục phục hồi. Điều này được lý giải trên cơ sở cho rằng Doanh nghiệp, hợp tác xã chắc chắn không có khả năng phục hồi vì ngay cả đến việc đã được Nhà nước áp dụng biện pháp phục hồi đặc biệt mà Doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn thất bại. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải hoàn trả lại giá trị tài sản đã được áp dụng biện pháp đặc biệt cho Nhà nước trước khi thực hiện việc phân chia tài sản quy định tại điều 37. Các thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố Doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản vẫn được diễn ra bình thường theo quy định của Pháp luật. Trường hợp thứ hai, Tòa án ra quyết định tuyên bố Doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản mà không cần áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hay thủ tục thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều 87 Luật Phá sản đã đưa ra quy định về việc giải quyết phá sản trong trường hợp đặc biệt này. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn nộp tiền tạm ứng phí phá sản do Tòa án ấn định, chủ Doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không còn tiền và tài sản khác để nộp tiền tạm ứng án phí phá sản thì tòa án ra quyết định tuyên bố Doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Ngoài ra, sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nhận các tài liệu, giấy tờ do các bên có liên quan gửi đến, Tòa án ra quyết định tuyên bố Doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản nếu doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để thanh toán phí phá sản. Quy định như vậy có ý nghĩa trong việc giải thoát nhanh chóng cho con nợ khỏi những quan hệ nợ nần trong vụ phá sản, tránh khỏi những thủ tục mà ngay bản thân con nợ không đáp ứng được về tiền tạm ứng phí phá sản và phí phá sản. Với trường hợp này, việc áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc thủ tục thanh lý tài sản của Doanh nghiệp, hợp tác xã là không cần thiết và không có cơ sở. II – Xây dựng một tình huống về phá sản doanh nghiệp và phân tích hướng giải quyết theo pháp luật hiện hành 1. Tình huống Doanh nghiệp tư nhân Hoa Sen, Hưng Yên được thành lập theo giấy phép số 66/GP- UB ngày 07/05/1995 và được Trọng tài kinh tế tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 099052 ngày 20/05/1995 với ngành nghề kinh doanh là gia công chế biến các mặt hàng nông sản do ông Phạm Ngọc Nam làm chủ. Vốn kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm thành lập là 354.500.000đồng( vốn cố định: 154 triệu, vốn lưu động: 196triệu, vốn khác: 4,5triệu). Tiền thân của Doanh nghiệp là cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu Hoa Sen từ trước năm 1995. Giữa năm 2004 hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu sa sút, đình trệ và ngừng hẳn vào đầu năm 2005. Ngày 01/05/2005 Chủ sở hữu doanh nghiệp Hoa Sen- Ông Phạm Ngọc Nam có đơn đề nghị giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản với lý do: không có khả năng khôi phục lại hoạt động kinh doanh để thanh toán nợ đến hạn và không trả được lương người lao động trong ba tháng liên tiếp. Sau khi thụ lý đơn và xem xét, Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên ra Quyết định mở thủ tục phá sản với DNTN Hoa Sen. Tại biên bản Hội nghị chủ nợ ngày 24/8/2005 có 18/22 chủ nợ được mời có mặt. Ông Phạm Ngọc Nam- chủ DNTN Hoa Sen không xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để hội nghị xem xét. Do đó các chủ nợ thống nhất số liệu về tổng công nợ của 22 chủ nợ đối với doanh nghiệp tư nhân Hoa Sen là 1.025.925.120đồng. Tuyệt đại đa số các chủ nợ thống nhất đề nghị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản DNTN Hoa Sen theo Luật phá sản và nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì Tòa án chuyển Viện kiểm sát nhân dân để xem xét. Căn cứ vào toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ về mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và yêu cầu của Hội nghị chủ nợ, ngày 30/09/2005 Tòa kinh tế tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 01/PS về việc tuyên bố phá sản DNTN Hoa Sen kể từ ngày 30/09/2005. * Sau khi có Quyết định tuyên bố phá sản, Ngân hàng Công thương tỉnh Hưng yên đã có công văn số 925/NHCT ngày 5/10/2005 với nội dung đề nghị xem xét lại giá trị nợ có bảo đảm số tiền 240.500.000đồng và yêu cầu được tính lãi các khế ước đến ngày 30/09/2005. Ông Nguyễn Văn Thắng ở thị xã Hưng Yên có đơn khiếu nại ngày 08/10/2005 yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm gây nên thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán trong quá trình hoạt động kinh doanh bởi lẽ chứng từ sổ sách kế toán liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không được lập theo đúng quy định của pháp luật nên không đủ cơ sở chứng minh nguyên nhân dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu là do biến động của giá cả bất lợi cho kinh doanh, cũng như phải vay vốn kinh doanh với lãi suất cao. Năm chủ nợ ở huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên có đơn ngày 08/10/2005 khiếu nại quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên và yêu cầu được thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn. * Ngày 18/2/2006 Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định số 59/VPPT về việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định số 01/QĐPS ngày 30/09/2005 của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên. Hội đồng xét xử đã xem xét và kết luận: việc tuyên bố phá sản đối với DNTN Hoa Sen của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên là hết sức cần thiết, hợp lý và có căn cứ bởi lẽ : - Hoạt động kinh doanh của DNTN Hoa Sen không có hiệu quả, càng kinh doanh càng thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. - Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp Hoa Sen là nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ. Các chủ nợ sớm được thu hồi phần công nợ từ việc tuyên bố phá sản Hoa Sen, hạn chế thiệt hại phát sinh do việc kéo dài tuyên bố phá sản cho các chủ nợ. - Đáp ứng nguyện vọng của tuyệt đại đa số các chủ nợ đã đề nghị tại Hội nghị chủ nợ ngày 24/08/2005 về việc sớm quyết định tuyên bố phá sản DNTN Hoa Sen theo Luật phá sản. * Đối với khoản nợ của Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên cho DNTN Hoa Sen vay, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định các khế ước đã thực hiện đúng các quy định về thế chấp và cầm cố tài sản. Tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố là vật bảo đảm cho toàn bộ khế ước vay của doanh nghiệp. Việc Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên yêu cầu được tính lãi các khế ước vay đến ngày 30/09/2005, ngày ban hành quyết định tuyên bố phá sản là trái với quy định của pháp luật. Cho nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng công thương Hưng Yên về việc xác định lại giá trị nợ có bảo đảm của Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên. * Đối với đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Thắng đã được Viện kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên xác minh, Tòa phúc thẩm thấy cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm gây nên sự thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán trong quá trình kinh doanh của DNTN Hoa Sen, bởi lẽ những chứng từ sổ sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà DNTN Hoa Sen cung cấp trong hồ sơ không được lập đúng theo quy định của pháp luật về kế toán thống kê. * Từ những nhận định trên, Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: - Tuyên bố phá sản doanh nghiệp tư nhân Hoa Sen, kể từ ngày 30/09/2005. - Thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm- Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên là: 257.500.000đồng - Kiến nghị Viện kiểm sát tỉnh Hưng Yên tiếp tục xem xét làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân Hoa Sen trong việc kinh doanh thua lỗ dẫn tới mất khả năng thanh toán công nợ, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội hình sự thì tiến hành khởi tố về hình sự theo thủ tục chung. 2. Phân tích tình huống Trên đây là một tình huống về phá sản doanh nghiệp và cách giải quyết tình huống đó của cơ quan có thẩm quyền. Phần viết dưới đây sẽ xem xét quyết định của cơ quan giải quyết, thông qua đó đánh giá và phân tích hướng giải quyết tình huống theo Luật phá sản 2004 và pháp luật hiện hành về phá sản. * Trước hết ta thấy việc Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Hưng yên thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của chủ DNTN Hoa Sen, cũng như việc ra Quyết định mở thủ tục phá sản với DNTN Hoa Sen là hoàn toàn hợp lý. Ông Phạm Ngọc Nam- chủ DNTN Hoa Sen có nghĩa vụ nộp đơn theo Điều 15 khi nhận thấy Hoa Sen lâm vào tình trạng phá sản. Tòa án đã quyết định mở thủ tục phá sản với DNTN Hoa Sen dựa trên những giấy tờ, tài liệu mà chủ DNTN Hoa Sen nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và nhận thấy thực tế là Hoa Sen đã làm ăn thua lỗ kéo dài, nợ lương công nhân ba tháng liên tiếp, công việc sản xuất đình trệ và ngưng hẳn vào đầu năm 2005. Việc thực hiện Hội nghị chủ nợ tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và đã thống nhất số công nợ của Hoa Sen. Khoản 1 Điều 80 Luật phá sản quy định Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất khi “Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định…”. Do đó việc Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên ra quyết định số 01/QĐPS với DNTN Hoa Sen từ ngày 30/09/2005 là hoàn toàn đúng pháp luật. * Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản với DNTN Hoa Sen thì có một số khiếu nại và Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét và giải quyết những khiếu nại trên. Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, em xin nêu ra một số phân tích đánh giá như sau: - Việc Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên khiếu nại yêu cầu được xem xét lại giá trị nợ có bảo đảm số tiền 240.500.000đồng và tính lãi các khế ước đến ngày 30/9/2005- ngày có Quyết định tuyên bố DNTN Hoa Sen bị phá sản. Tòa phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng công thương Hưng Yên về việc xem xét lại giá trị nợ có bảo đảm và bác bỏ yêu cầu tính lãi các khế ước đến ngày 30/9/2005 là hoàn toàn hợp lý. Theo điều 34 Xử lý các khoản nợ chưa đến hạn quy định: “Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn, nhưng không được tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn” Điều 86 quy định Quyết định tuyên bố doanh nghiêp, hợp tác xã bị phá sản : “Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản” Ngân hàng công thương tỉnh Hưng Yên là một chủ nợ có bảo đảm của Hoa Sen, có khoản nợ chưa đến hạn tại thời điểm mở thủ tục thanh lý tài sản. Theo điều 34 thì tại thời điểm có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản các khoản nợ chưa đến hạn được coi là đến hạn nhưng không được tính lãi với thời gian chưa đến hạn. Đồng thời ngày 30/09/2005 ra Quyết định tuyên bố DNTN Hoa Sen bị phá sản cũng đồng thời đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản. Ngân hàng công thương Hưng yên không thể yêu cầu tính lãi đến ngày 30/09/2005 được. - Việc ông Nguyễn Văn Thắng- một chủ nợ của DNTN Hoa Sen kháng cáo hoàn toàn đúng với quy định pháp luật theo điều 91 luật phá sản 2004. Viện kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên xác minh, Tòa phúc thẩm thấy cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm gây nên sự thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán trong quá trình kinh doanh của DNTN Hoa Sen, nếu có dấu hiệu phạm tội hình sự thì tiến hành khởi tố theo thủ tục chung là hoàn toàn đúng pháp luật. - Việc năm chủ nợ ở huyện Mỹ Hào yêu cầu được thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn không được Tòa phúc thẩm xem xét giải quyết. Khoản 2 Điều 49 quy định Tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh lâm vào tình trạng phá sản ngoài những quy định chung tại khoản 1 Điều 49 còn có tài sản của chủ DNTN, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh, tài sản thuộc sở hữu chung được chia theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời khoản 1 điều 90 quy định: “Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản quy định tại Điều 86, điều 87 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy ta thấy việc phá sản doanh nghiệp không loại trừ trách nhiệm vô hạn về tài sản của chủ sở hữu DNTN, thành viên hợp danh. Việc năm chủ nợ yêu cầu DNTN Hoa Sen thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn là hoàn toàn hợp lý. Tại thời điểm thanh lý tài sản của DNTN Hoa Sen các khoản nợ trên được coi là đến hạn xong không được thanh toán đủ do tài sản của doanh nghiệp không còn, tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp không còn. Với trường hợp này, phần nợ còn thiếu sẽ được khoanh lại và sẽ tiến hành trả nợ khi chủ doanh nghiệp tư nhân Hoa Sen có tài sản. III - Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hiện hành về phá sản Qua phân tích tình huống trên cũng như nghiên cứu về việc áp dụng pháp luật về phá sản trên thực tiễn, sau đây em xin nêu ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện Luật phá sản 2004 nói riêng và pháp luật hiện hành về phá sản nói chung. 1. Mở rộng đối tượng áp dụng của Luật phá sản 2004 bằng cách quy định mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh và có đăng kí kinh doanh không phân biệt loại hình tổ chức, quy mô kinh doanh và ngành nghề kinh doanh nếu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì đều có thể bị đưa ra Tòa đề giải quyết theo thủ tục phá sản. 2. Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản Cần quy định nếu phát hiện được các hoạt động tài chính bất thường mà doanh nghiệp thực hiện với mục đích tẩu tán tài sản thì được coi như đã lâm vào tình trạng phá sản. Khi đó các cơ quan có thẩm quyền có thể buộc doanh nghiệp phải tổ chức lại hoạt động sản xuất hoặc nộp đơn ra tòa yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp tùy theo mức độ. 3. Về đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Cho phép chủ nợ có bảo đảm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Bổ sung quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của một số chủ thể đặc biệt như Ngân hàng nhà nước và cơ quan bảo hiểm tiền gửi. 4. Các quy định về vai trò của Tòa án và Thẩm phán phụ trách việc giải quyết phá sản Cần quy định Thẩm phán có quyền ban hành Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản trong trường hợp tại Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất, DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản không đưa ra dự kiến giải pháp khôi phục kinh doanh, kế hoạch trả nợ hoặc có đưa ra nhưng Hội nghị chủ nợ không thông qua. Cần quy định hợp lý hơn vai trò của Tòa án bởi lẽ hiện nay trách nhiệm của Tòa án là quá lớn khi phải tự mình lập ra Tổ quản lý, thanh lý tài sản với sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức Nhà nước để làm nhiều công việc liên quan đến quá trình giải quyết việc phá sản. 5. Về thủ tục giải quyết phá sản: Cần bổ sung quy định về thời điểm ngừng thanh toán nợ của Doanh nghiệp, HTX phá sản. Cần quy định các vấn đề như điều kiện và quyền bỏ phiếu, số chủ nợ cần thiết để biểu quyết, hội nghị chủ nợ và các hoạt động của hội nghị chủ nợ. Quy định cơ chế hoạt động của Hội nghị chủ nợ một cách độc lập khỏi sự can thiệp của Tòa án( thẩm phán), hạn chế tính trạng hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Cần bổ sung quy định về việc áp dụng thủ tục phá sản rút gọn trong một số trường hợp nhất định, áp dụng cho các vụ phá sản đơn giản hoặc giá trị tài sản còn lại không đáng kể. Để thủ tục tiến hành vụ việc phá sản thật sự linh hoạt. 6. Hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phá sản 2004: về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nhà nước; về cách thức xử lý việc không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp và của doanh nghiệp con nợ; về thủ tục thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; vấn đề kiểm toán khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; về phí phá sản; về hoạt động của Thẩm phán giải quyết vụ phá sản; về thành lập, tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản; về thủ tục niêm phong, kê biên, thu hồi tài sản; các quy định liên quan đến xác định nghĩa vụ về tài sản phá sản; về việc thực hiện quyền khiếu nại. Hoàn thiện quy định về đăng kí quyền sở hữu, đăng kí quyền sử dụng, đăng kí giao dịch bảo đảm. Hướng dẫn về xử lý tài sản được cầm cố, thế chấp. Hướng dẫn về xử lý quyền sử dụng đất của Doanh nghiệp phá sản. KẾT LUẬN Phá sản là hiện tượng kinh tế- xã hội vô cùng phức tạp, là quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Phá sản kéo theo nhiều hậu quả xấu ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các chủ nợ, bản thân doanh nghiệp mắc nợ và người làm công cũng như lợi ích của xã hội nói chung. Do đó, sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước đối với việc giải quyết phá sản- hậu quả của quá trình cạnh tranh trên thương trường là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Luật phá sản 2004 đã phát huy được nhiều ưu điểm so với Luật phá sản 1993 xong Nhà nước vẫn cần phải xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật để giải quyết vấn đề phá sản một cách đầy đủ, toàn diện hơn nữa. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006. 2. Nông Thị Nguyệt, Những quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, Khoá luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010. 3. Hoàng Lan Anh, Tìm hiểu vấn đề hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010. 4. Đào Thị Hồng Phượng, Thủ tục phá sản-Thực trạng và hướng hoàn thiện,, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2009. 5.- Luật phá sản 2004 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28/4/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPháp luật về phá sản - lý luận và tình huống thực tiễn - 9điểm.doc
Luận văn liên quan