Nha Trang là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão. Cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình, Nha Trang có nhiều lợi thế phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Vì vậy, để ngành du lịch tại Nha Trang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng tại địa phương nhằm góp phần vào phát triển du lịch thực sự bền vững. Trong đó bao gồm các giải pháp về đầu tư phát triển du lịch, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý hoạt động du lịch. Ngoài ra còn có các giải pháp liên kết giữa các tác nhân trong xã hội và sự tham gia của cộng đồng để phát triển du lịch bền vững.
Đề tài “Phát triển du lịch thành phố Nha Trang – Khánh Hòa theo hướng bền vững” được thực hiện trong thời gian ngắn do vậy vẫn còn có một số thiếu sót, rất mong sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo để hoàn thiện hơn.
14 trang |
Chia sẻ: ngoctoan84 | Lượt xem: 5774 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phát triển du lịch thành phố Nha Trang – Khánh Hòa theo hướng bền vững, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần I
MỞ ĐẦU
Du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói” là “ con gà đẻ trứng vàng”Hàng năm, ngành du lịch đã đem về cho mỗi quốc gia một số tiền khổng lồ. Du lịch là hiện tượng kinh tế xã hội thu hút hàng triệu người trên thế giới. Bản chất kinh tế của du lịch là sản xuất và cung cấp hàng hoá thoả mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của du khách. Bên cạnh sự phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp không khói này, chúng ta đã và đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch, các tệ nạn xã hội liên quan đến du lịch ngày càng gia tăng. Điều đó đã trở thành mối lo ngại lớn của các nhà chức trách, của mọi người dân trên thế giới, thúc dục những người làm du lịch phải tìm hướng đi mới cho mình đó là phát triển du lịch một cách bền vững.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọnĐẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”. Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị cũng xác định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”
TP. Nha Trang là địa bàn hội tụ đậm nét các yếu tố nền tảng cho một trung tâm du lịch biển quốc tế gồm đô thị phát triển với đầy đủ các giá trị văn hóa, nhân văn được đánh giá cao; môi trường trong sạch; con người hiền hòa. Thành phố có nhiều di sản văn hóa lịch sử quý giá như Tháp Bà Ponagar, Viện Pasteur, Viện Hải dương họcCác di sản thiên nhiên - văn hóa được bảo tồn ổn định và khai thác có hiệu quả. Bên cạnh đó là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của vịnh, biển, núi, sông, vùng ngập mặn, cảnh quan sinh thái nông nghiệp trù phú, hệ sinh thái biển đa dạng. Thành phố cũng đã hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ văn hóa ẩm thực chất lượng cao, mang nét truyền thống, góp phần tạo nên bản sắc hấp dẫn của du lịch Nha Trang.
Chính những điều kiện đó, du lịch Nha Trang trong thời gian qua đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên sự phát triển du lịch của thành phố Nha Trang sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ nếu không được kiểm soát việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch. Vì những lý do trên, em chọn đề tài “Phát triển du lịch thành phố Nha Trang – Khánh Hòa theo hướng bền vững” để báo cáo sau chuyến đi thực tế của Lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính K24 hệ tập trung tại tỉnh Khánh Hòa.
Phần II
NỘI DUNG
1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THÀNH PHỐ NHA TRANG
Thành phố Nha Trang có diện tích tự nhiên là 251 km², dân số 535.000 người (2018). Thành phố Nha Trang nằm trong một thung lũng núi vây 3 phía Bắc - Tây - Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Sông Cái Nha Trang và sông Cửa Bé chia Nha Trang thành 3 phần, với 27 đơn vị hành chính cơ sở, gồm 19 phường và 08 xã . Phía Bắc sông Cái gồm các xã Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc và khu vực Đồng Đế gồm các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Vĩnh Hoà, Vĩnh Thọ. Phía Nam sông Cửa Bé là xã Phước Đồng với địa danh "Chiến khu Đồng Bò" và một vùng lý tưởng cho du lịch trong tương lai là rừng dừa sông Lô. Trung tâm Nha Trang nằm giữa hai con sông, gồm khu vực nội thành với các phường Xương Huân, Vạn Thanh, Vạn Thắng, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Hoà, Tân Lập, Lộc Thọ, Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên và các xã ngoại thành phía tây gồm Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung. Nha Trang có 19 hòn đảo, với trên 2.500 hộ và khoảng 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2 nằm che chắn ngoài khơi khiến cho vịnh Nha Trang trở nên kín gió và êm sóng. Nha Trang có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vịnh Nha Trang là một trong số 29 vịnh trên thế giới được câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7/2003. Cùng với vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang là vịnh thứ hai của Việt Nam được xếp vào hàng danh dự này.
2. THỰC TRẠNG DU LỊCH CỦA THÀNH PHỐ NHA TRANG
2.1. Kết quả
Năm 2018 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 14- CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đồng thời triển khai Kế hoạch số 2174/KH-UBND-VHTT ngày 06/4/2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 14- CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc, các phòng phòng chuyên môn tăng cường thực hiện các giải pháp để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Nhìn chung, hoạt động du lịch có bước phát triển mới cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Các hoạt động du lịch đã được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác của toàn ngành, cụ thể như sau:
- Tính đến 31/8/2018, ước có khoảng 4.026.845 lượt khách lưu trú tại Nha Trang, tăng 27,5% so cùng kỳ với 11.302.102 ngày khách, tăng 22,47% so cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế khoảng 1.732.219 lượt khách, tăng 42,62% so cùng kỳ. Khách đến tham quan du lịch 18.136.602 lượt khách, tăng 26,40% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 13.334,181 tỷ đồng, tăng 27,50% so cùng kỳ.
- Khách Trung Quốc 1.062.980 lượt, tăng 58.26% so với cùng kỳ. Khách Nga đạt 256.126 lượt, chiếm 16.2% tổng lượt khách quốc tế. Khách Hàn Quốc đạt 36.922 lượt, chiếm 2.01% tổng lượng khách quốc tế. Khách Malaysia đạt 29.462 lượt, tăng 1477.53% so với cùng kỳ. Một số thị trường khách quốc tế khác như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan, Úc, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á có sự tăng trưởng nhẹ, đạt từ 5% đến 10% so với cùng kỳ.
- Công suất sử dụng phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú: Hạng cơ sở lưu trú từ 3 đến 5 sao đạt 75.31%. Hạng cơ sở lưu trú từ 1 đến 2 sao đạt 64.5%. Hạng cơ sở lưu trú khác đạt 76.11%
2.2. Những tồn tại, hạn chế
- Tuy ngành du lịch Nha Trang đã không ngừng nâng cấp, xây dựng mới các hệ thống khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch, nhưng nhìn chung qui mô xây dựng hầu hết là vừa và nhỏ, trang thiết bị nội thất chưa đồng bộ. Do đó một số cơ sở du lịch làm theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài", phong cách dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp;
- Các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn phát triển tự phát, trùng lắp chưa gắn với một quy hoạch chung thống nhất, chưa tạo sự đa dạng về hình thức và phong phú về chủng loại. Việc liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch giữa các địa phương với nhau còn hạn chế; chưa thật sự đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, nhiều nội dung trong chương trình liên kết vẫn chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả, chỉ mang tính nhỏ lẻ của các doanh nghiệp lữ hành với nhau;
- Du lịch lữ hành nội địa và quốc tế tuy có tiến bộ nhưng lượng khách chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và Nga; thiếu đầu tư quảng bá lớn trong và ngoài nước, hiệu quả của công tác xây dựng tour, tuyến chuyển biến chậm. Chưa tổ chức được chương trình quảng bá chung tại các thị trường du lịch có tiềm năng như: Hồng Kông; Indonexia; Malaysia; Nhật bản; Khu vực EU;
- Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an toàn tại các khu du lịch còn nhiều bất cập. Đáng chú ý là hệ thống thu gom, chứa và xử lý sơ bộ chất thải tại các điểm du lịch chưa đảm bảo yêu cầu, nhiều nơi còn chưa có thùng rác công cộng, hoặc vị trí lặp đặt không phù hợp;
- Vấn nạn hàng rong chèo kéo, nói thách đối với người nước ngoài vẫn là một vấn đề nhức nhối; nạn ăn xin, móc túi, cướp giật đang có xu hướng tăng; hệ thống các biển báo, biển hướng dẫn ở những nơi công cộng chưa hợp lý cũng gây khó hiểu cho du khách nước ngoài; một số tài xế taxi thường xuyên bày những chiêu trò như “hôi của” hay chạy quãng đường xa hơn để tính thêm tiền của khách;
- Tình trạng làm du lịch "chui" đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch. Đăc biệt là hiện tượng người nước ngoài mang hộ chiếu du lịch nhưng làm các dịch vụ như bán hàng, quản lý, hướng dẫn du lịch.
2.3. Nguyên nhân
- Do tình trạng bán tour chui và sử dụng hướng dẫn viên là người nước ngoài; doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức tour cho người nước ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng du lịch trên địa bàn thành phố;
- Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành du lịch. Nhân sự làm du lịch thường được luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, thiếu nguồn bổ sung; hầu hết không được đào tạo bài bản, chủ yếu hoạt động dựa trên kinh nghiệm bản thân;
- Trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành du lịch cũng như những ngành phục vụ du lịch vẫn còn yếu, kém;
- Tình hình đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách chưa thật sự tốt;
- Hiện nay ở Nha Trang, lượng khách Trung Quốc và khách Nga chiếm số lượng lớn với mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có kinh nghiệm đón các đối tượng khách này như một số nước trong khu vực. Chính vì thế đã để xảy ra những điều tiếng không hay, từ đó đánh mất hình ảnh, thương hiệu du lịch Nha Trang trong mắt du khách Tây Âu, Bắc Mỹ;
- Việc sụt giảm lượng khách Tây Âu, Bắc Mỹ một phần đến từ tập quán du lịch của đối tượng khách này, bởi khi ở khách sạn nếu thấy có biểu hiện ồn ào, nhếch nhác thì họ sẽ lập tức chuyển qua khách sạn khác để ở. Trong khi đó, thời gian qua, Nha Trang lại diễn ra quá nhiều những biểu hiện như thế, nên khách từ các nước này đến ngày càng ít.
3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH NHA TRANG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
3.1. Giải pháp đầu tư xây dựng đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở hạ tầng ở các khu, điểm du lịch.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Nha Trang, đồng thời để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu, điểm du lịch, công tác đầu tư xây dựng quy hoạch cần được thực hiện trước một bước.
Đối với việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nha Trang đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 (để phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030), Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang cần chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng quy hoạch này cần được sắp xép, bố trí hợp lý.
Đối với việc xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch: Theo quy định hiện hành, việc đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịchlà do các nhà đầu tư bỏ tiền ra để thực hiện rồi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo phương thức này thì chỉ khi nào có nhà đầu tư vào một khu, điểm du lịch cụ thể thì mới xây dựng quy hoạch chi tiết. Điều này đã hạn chế và ảnh hưởng đến việc tổ chức, quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ các hoạt động du lịch ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đồng thời không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Do vậy, TP. Nha Trang cần chủ động tập trung đầu tư xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch để làm cơ sở cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung trên địa bàn TP. Nha Trang.
3.2. Giải pháp phát triển các loại hình du lịch tích hợp.
Xây dựng các loại hình du lịch cao cấp như sân golf, khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao, hình thành các khu du lịch biển và dịch vụ cao cấp để thu hút tầng lớp khách có thu nhập cao, tầng lớp người giàu, xây dựng các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, thu hút các loại hình Spa cao cấp có thương hiệu, khai thác lợi thế về nắng và gió, bãi biển, bãi cát để phát triển các môn thể thao kết hợp du lịch trên mặt biển, dưới mặt biển, trên cát, trên bãi biển. Đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí nhằm thu hút du khách lưu trú dài ngày.
3.3. Giải pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch
Để mở rộng hơn nữa các hoạt động du lịch và dịch vụ của tỉnh, nhiệm vụ tuyên truyền thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch cần được đầu tư về nội dung và hình thức, nâng cao hiệu quả thiết thực nhất là cần chủ động lập kế hoạch tham gia tốt các hội chợ, các cuộc hội thảo, các sự kiện về du lịch trong và ngoài tỉnh. Cần đầu tư đổi mới thiết kế, maket các ấn phẩm du lịch như: Bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, bản tin du lịch. Nội dung hình ảnh trên trang thông tin điện tử phải được nghiên cứu, cập nhật thường xuyên, thay đổi hình thức để tạo sự hấp dẫn và phong phú thông tin.
Để công tác xúc tiến du lịch của Nha Trang thực sự phát triển sâu rộng và hiệu quả, nhất thiết phải có sự đoàn kết, phối hợp toàn diện sự hợp tác, đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sự kết hợp các yếu tố nội lực và ngoại lực trong hoạt động xúc tiến du lịch sẽ đưa Nha Trang trở thành điểm đến hấp dẫn và có sức lôi cuốn mạnh mẽ không chỉ bằng phong cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán đặc sắc mà còn bằng chất lượng dịch vụ, sự thân thiện hiếu khách của người dân. Tất cả điều đó sẽ tạo nên hình ảnh, thương hiệu du lịch Nha Trang nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung đử sức cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch trên thế giới.
3.4. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nguồn nhân lực du lịch là những hoạt động nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của lực lượng lao động đang và sẽ làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, bao gồm: lao động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và lao động trong các doanh nghiệp du lịch gồm đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh, đội ngũ lao động nghiệp vụ trong các khách sạn - nhà hàng, công ty lữ hành, vận chuyển du lịch..., lao động làm công tác đào tạo du lịch trong các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Một trong các yêu cầu cấp thiết là phát triển và tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch, trong đó đầu tư xây dựng mới một số cơ sở đào tạo tại địa phương. Nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo hiện có, bảo đảm gắn giữa học lý thuyết với thực hành nghề nghiệp; xây dựng khung chương trình, mã ngành đào tạo du lịch khoa học, hợp lý. Đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao trình độ và phát triển chuyên sâu thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm và thực tế dưới mọi hình thức ở trong nước cũng như ngoài nước, đồng thời luôn tìm cách và có cơ chế nhằm thu hút giảng viên có kinh nghiệm thực tế. Đào tạo kỹ năng huấn luyện cho đội ngũ giám sát, đội ngũ đào tạo viên. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để gắn liền đào tạo với sử dụng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giảng viên. Mặt khác, các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo du lịch nên nhanh chóng thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại cả về máy móc thiết bị, phần mềm quản lý và cả con người vận hành. Bên cạnh đó phải mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo, nghiên cứu học tập trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hiệu quả với các dự án đào tạo của nước ngoài.
3.5. Giải pháp về phát triển thị trường du lịch.
Để mở rộng và phát triển thị trường du lịch cần có các chiến lược về sản phẩm và thị trường phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của TP. Nha Trang.
3.6. Giải pháp về môi trường du lịch.
Để bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường du lịch trên địa bàn TP. Nha Trang, cần có chính sách quy định về tổ chức quản lý đảm bảo cho sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý, khai thác tài nguyên với tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được tài nguyên và môi trường cho phát triển lâu dài. Xây dựng nội quy, quy chế cụ thể hợp lý giữa khai thác, kinh doanh du lịch với việc bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, ý thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch. Thực hiện quản lý nhà nước ở tất cả các lĩnh vực theo pháp luật và quy chế nhằm tạo môi trường tự nhiên và nhân văn thuận lợi cho du lịch phát triển; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức với các nội dung cụ thể thiết thực, dễ hiểu, thể hiện các nội dung về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch nhằm nâng cao trách nhiệm của mọi đối tượng tham gia hoạt động du lịch, coi việc gìn giữ tài nguyên để phát triển du lịch là tài sản sinh lời của mọi người dân trong khu vực không chỉ trước mắt mà còn cho giai đoạn lâu dài.
Ngoài những giải pháp kể trên thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý và sử dụng các tài nguyên cũng như việc xử lý các thông tin từ các hoạt động du lịch và dịch vụ để có những quyết định đúng đắn và kịp thời trong từng giai đoạn với từng hoạt động phát triển là rất cần thiết. Cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật quan trắc thường xuyên trạng thái môi trường trong phạm vi các khu du lịch để có những điều chỉnh hoạt động thích hợp nhằm đảm bảo môi trường bền vững.
PHẦN III
KIẾN NGHỊ VÀ KẾT LUẬN
1. Kiến Nghị
- Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác quản lí dịch vụ, khắc phục tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch địa phương và quốc tế thông qua việc thường xuyên kiểm tra.
- Có định hướng và các chính sách để đào tạo đội ngũ lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch; tăng cường khả năng giao tiếp với người nước ngoài.
- Có các cơ chế quản lý chặt việc thâu tóm, mua đất, bán hàng, hoạt động du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch của một số công ty Trung Quốc núp bóng dưới hình thức thuê người Việt Nam đứng tên.
2. Kết luận
Nha Trang là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão. Cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình, Nha Trang có nhiều lợi thế phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Vì vậy, để ngành du lịch tại Nha Trang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng tại địa phương nhằm góp phần vào phát triển du lịch thực sự bền vững. Trong đó bao gồm các giải pháp về đầu tư phát triển du lịch, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý hoạt động du lịch. Ngoài ra còn có các giải pháp liên kết giữa các tác nhân trong xã hội và sự tham gia của cộng đồng để phát triển du lịch bền vững.
Đề tài “Phát triển du lịch thành phố Nha Trang – Khánh Hòa theo hướng bền vững” được thực hiện trong thời gian ngắn do vậy vẫn còn có một số thiếu sót, rất mong sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo để hoàn thiện hơn.
PHẦN IV
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII - Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;
2. Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
3. Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc “Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình hành động ngành du lịch Khánh Hòa năm 2018”;
4. Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về “Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
5. Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc “Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 14- CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
6. Kế hoạch số 2174/KH-UBND-VHTT ngày 06/4/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc “Triển khai thực hiện Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 14- CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
7. Báo cáo số 6287/BC-UBND ngày 07/9/2018 của UBND thành phố Nha Trang về“Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và chương trình công tác trọng tâm tháng 9 năm 2018”;
8. Báo cáo số 1062/BC-SDL ngày 29/8/2018 của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa về “Kết quả công tác tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2018”.
NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN CHẤM BÀI
......
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai_thu_hoach_thuc_te_nha_trang_5628_2089832.docx