Bảo vệ môi trường là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Nhiều yếu tố môi trường có phạm vi rộng lớn, có kết cấu phức tạp nên việc bảo vệ chúng đòi hỏi phải có hệ thống các tổ chức thích hợp. Chính vì vậy, pháp luật có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả cho các tổ chức bảo vệ môi trường. Đó là thông qua hệ thống pháp luật, nhà nước quy định các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức bảo vệ môi trường. VD: các nhân viên kiểm lâm, hạt trưởng kiểm lâm, chi cục trưởng kiểm lâm có quyền phạt hành chính đối với hành vi phá hoại rừng.
27 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3900 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
BÀI TẬP NHÓM MÔN LUẬT MÔI TRƯỜNG
CHỦ ĐỀ : QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Ở VIỆT NAM
NHÓM 1 – LỚP K54A
Nguyễn Thị Chang
Nguyễn Hoàng Duy
Nguyễn Thu Hương
Bùi Phương Khánh
Phạm Khánh Linh
Nguyễn Lê Bảo Ngọc (nhóm trưởng)
Nguyễn Thị Phương
Bùi Như Quỳnh
Cao Thị Thúy
Nguyễn Thùy Trang
Mục lục:
Khái quát chung
Khái niệm luật môi trường
Sự cần thiết của việc ra đời luật môi trường
Sự phát triển của luật môi trường trên thế giới
Các giai đoạn phát triển của luật môi trường ở Việt Nam
Trước 1986
Bối cảnh xã hội
Các văn bản pháp luật
Tình trạng phát triển của luật môi trường trong giai đoạn này
Ưu điểm
Nhược điểm
Từ 1986 đến nay
Bối cảnh xã hội
Các văn bản pháp luật
Tình trạng phát triển của luật môi trường trong giai đoạn này
Ưu điểm
Nhược điểm
Kiến nghị hoàn thiện
Kết luận
Khái quát chung
1. Khái niệm luật môi trường
Khái niệm môi trường.
Khái niệm về môi trường đã được thảo luận rất nhiều và từ lâu. Nhìn chung có những quan niệm về môi trường như sau:
- Môi trường bao gồm các vật chất hữu cơ và vô cơ quanh sinh vật. Theo định nghĩa này thì không thể nào xác định được môi trường một cách cụ thể, vì mỗi cá thể, mỗi loài, mỗi chi vẫn có một môi trường và một quần thể, một quần xã lại có một môi trường rộng lớn hơn.
- Môi trường là những gì cần thiết cho điều kiện sinh tồn của sinh vật. Theo định nghĩa này thì rất hẹp, bởi vì trong thực tế có yếu tố này là cần thiết cho loài này nhưng không cần thiết cho loài kia dù cùng sống chung một nơi, hơn nữa cũng có những yếu tố có hại hoặc không có lợi vẫn tồn tại và tác động lên cơ thể và ta không thể loại trừ nó ra khỏi môi trường tự nhiên.
- Môi trường là một phần của ngoại cảnh, bao gồm các hiện tượng và các thực thể của tự nhiên. . . mà ở đó, cá thể, quần thể, loài. . . có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp bằng các phản ứng thích nghi của mình. Từ định nghĩa này ta có thể phân biệt được đâu là môi trường của loài này mà không phải là môi trường của loài khác. Chẳng hạn như mặt biển là môi trường của sinh vật màng nước, song không phải là môi trường của những loài sống ở đáy sâu hàng ngàn mét và ngược lại.
Đối với con người, môi trường chứa đựng nội dung rộng hơn. Theo định nghĩa của UNESCO (1981) thì môi trường của con người bao gồm toàn bộ các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra, những cái hữu hình (đô thị, hồ chứa. . . ) và những cái vô hình (tập quán, niềm tin, nghệ thuật. . . ), trong đó con người sống bằng lao động của mình, họ khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo nhằm thoả mãn những nhu cầu của mình. Như vậy, môi trường sống đối với con người không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển cho một thực thể sinh vật là con người mà còn là “khung cảnh của cuộc sống, của lao động và sự nghỉ ngơi của con người”.
Môi trường sử dụng trong lĩnh vực khoa học pháp lý là một khái niệm được hiểu như là mối liên hệ giữa con người và tự nhiên, trong đó môi trường được hiểu như là những yếu tố, hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên bao quanh con người. Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam định nghĩa môi trường "bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”. Như vậy thì theo định nghĩa của Luật bảo vệ môi trường thì con người trở thành trung tâm trong mối quan hệ với tự nhiên hay cụ thể hơn, mối quan hệ giữa con người với nhau tạo thành trung tâm đó chứ không phải mối liên hệ giữa các thành phần khác của môi trường.
Khái niệm Luật môi trường.
Việc định nghĩa khái niệm Luật môi trường, cần phải xác định phạm vi của nó. Phạm vi của nó gắn liền với khái niệm môi trường như đã trình bày ở trên. Do nội hàm của khái niệm môi trường khá là rộng, hơn nữa khái niệm môi trường hiện nay được bao hàm tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố của môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, các cấu trúc do con người tạo ra hay biến đổi nên phạm vi của các chế định điều chỉnh càng rộng hơn.
Xuất phát từ phạm vi của luật môi trường, có thể đưa ra định nghĩa về luật môi trường như sau: “Luật môi trường là lĩnh vực pháp luật chuyên ngành bao gồm các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình khai thác, sử dụng hoặc tác động đến một hoặc vài yếu tố của môi trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người. ”
Sự cần thiết của việc ra đời luật môi trường
Sự phát triển kinh tế luôn là động lực phát triển của các quốc gia, các quốc gia sẵn sàng khai thác hết mọi nguồn tài nguyên để làm công cụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này dẫn đến hậu quả là tất cả các quốc gia phải đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự mất cân bằng sinh thái và những thiên tai khốc liệt của thiên nhiên. Hậu quả ấy không riêng quốc gia nào gánh chịu mà nó có sức lan tỏa trên toàn thế giới. Chính vì thế mà vấn đề bảo vệ môi trường được chú trọng hơn bao giờ hết, bảo vệ môi trường được coi là một thách thức lớn trên toàn cầu. Luật môi trường ra đời như là một biện pháp để giải quyết thách thức đó. Chỉ pháp luật với tư cách là công cụ điều tiết xã hội mới có đầy đủ sức mạnh buộc các cá nhân, tổ chức phải nhận thức và tuân theo. Môi trường chỉ thực sự được bảo vệ khi có một hệ thống pháp luật thống nhất, rõ ràng, đủ sức răn đe và có sự chung tay của tất cả các quốc gia trên thế giới. Pháp luật về môi trường không chỉ dừng lại ở những bộ luật của mỗi quốc gia mà còn mở rộng khi có sự xuất hiện của các điều ước quốc tế, tạo sự ràng buộc trách nhiệm bảo vệ môi trường giữa các quốc gia với nhau. Có thể nói, sự ra đời của Luật môi trường là một hệ quả tất yếu trên con đường phát triển bền vững của nhân loại.
Sự phát triển của luật môi trường trên thế giới
Luật môi trường xuất hiện sớm ở các nước phát triển, nơi các thách thức môi trường trở nên quyết liệt hơn do tốc độ công nghiệp hóa, ô nhiễm công nghiệp ở các nước đó. Từ cuối thế kỉ 19 đã xuất hiện các điều ước song phương và đa phương về vấn đề môi trường. Tiếp đó, đầu thế kỉ 20 là sự ra đời một số điều ước về bảo vệ các loài động vật có giá trị thương mại; những năm 50, 60 là các điều ước về trách nhiệm quốc gia đối với tai nạn hạt nhân; cuối những năm 60 là điều ước về ô nhiễm dầu và kiểm soát ô nhiễm dầu và từ năm 1970 trở đi, với sự kiện Hội nghị Stockholm 1972 của các quốc gia phát triển, thì hàng trăm điều ước đã được kí kết. Đây được coi là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của các chính sách về môi trường trên thế giới. Hội nghi được tổ chức từ ngày 05/06/1972 đến ngày 14/06/1972 tại Stockholm (Thụy Điển), thu hút sự tham gia của 118 quốc gia trên thế giới với chủ đề “Môi trường và con người”. Hội nghị quyết định thành lập chương trình môi trường của Liên hợp quốc viết tắt là UNEP, quyết định thành lập quỹ môi trường toàn cầu, hình thành một số nguyên tắc quan trọng gồm 26 nguyên tắc, 119 khuyến nghị và quyết định lấy ngày môi trường thế giới là ngày 05/06. tailieu. vn
Đây được coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc toàn cầu hóa các vấn đề về môi trường. Tiếp theo của sự kiện này là hàng loạt các hội nghị và điều ước về môi trường đã xuất hiện, tiêu biểu : Hội nghị Rio de Janeiro 1992, Hội nghị môi trường 2002, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2007, Hội nghị thượng đỉnh liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) 2009, Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) 1973, Công ước về bảo vệ tầng ôzôn 1985, Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) 1992, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) 2001, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), 1982…
Như vậy, vấn đề môi trường đã được các quốc gia trên thế giới ý thức rõ tầm quan trọng từ rất sớm, và cho đến nay vẫn tiếp tục được quan tâm, đưa vào chính sách phát triển chiến lược của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, luật môi trường xuất hiện chậm. Có thể nói trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam thì luật môi trường là lĩnh vực mới nhất. Chính vì vậy mà lịch sử phát triển của luật môi trường không chứa đựng những phân kì phức tạp như một số ngành luật khác. Quá trình phát triển của Luật môi trường được chia ra làm hai giai đoạn chính là giai đoạn trước năm 1986 và từ năm 1986 cho đến nay. Đặc điểm sự phát triển của luật môi trường tại Việt Nam qua từng giai đoạn sẽ được làm rõ trong phần II của bài tiểu luận.
Các giai đoạn phát triển của luật môi trường ở Việt Nam
Trước năm 1986
Bối cảnh xã hội
Như chúng ta biết, sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, đất nước bị tàn phá nặng nề. Việt Nam đã phải đối phó với vô vàn khó khăn. Những hậu quả và tệ nạn xã hội do chiến tranh để lại, dòng người tị nạn, chiến tranh ở biên giới Tây Nam, chiến tranh ở biên giới phía Bắc, bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, thêm vào đó thiên tai liên tiếp xảy ra… đã đặt Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt. Hơn nữa, những khó khăn càng trầm trọng do xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan, nóng vội và duy ý chí muốn xây dựng lại đất nước nhanh chóng mà không tính đến những điều kiện cụ thể. Điều này đã dẫn đến đầu những năm 80, nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và bị cô lập về ngoại giao. Nhân tình hình đó, các thế lực chống đối đã lợi dụng những khó khăn của Việt Nam để câu kết với nhau, chống phá ta. Ta còn rất ít bạn bè. Một số nước trước đây ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã xa lánh ta. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước lớn (trừ Liên Xô và Ấn Độ) gặp nhiều vướng mắc và không giải tỏa được khiến cho nền an ninh nước ta bấp bênh khi phải đối phó với sự căng thẳng ở cả hai đầu biên giới. Trong lúc đó, những khó khăn về kinh tế lại càng chồng chất vì phải chi tiêu rất lớn cho quân sự, quốc phòng.
Trước bối cảnh xã hội như vậy đã không cho phép đất nước ta chú ý nhiều đến vấn đề môi trường. Tất cả những cố gắng trong thời kỳ đó đều tập trung cho việc chiến thắng đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc. Tiếp đó sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề môi trường cũng không được chú trọng vì mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta bấy giờ là hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế và thoát ra khỏi sự khủng hoảng kinh tế xã hội đang hoành hành từ thời gian sau chiến tranh đến năm 1986, khi chính sách đổi mới được khởi xướng.
Cũng trong giai đoạn này,chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước giường như không đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Một mặt do bối cảnh xã hội, mặt khác vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường lúc đó cũng chưa biểu hiện rõ nét như các biến động xấu của thiên nhiên do sự hủy hoại môi trường chưa thể hiện ở mức cao. Sự ô nhiễm trong các đô thị và vùng nông thôn chưa đến mức báo động do số lượng ô tô, xe máy, các thiết bị, máy móc có chứa chất thải độc hại chưa được sử dụng nhiều. Phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp cũng được sử dụng ở mức hạn chế. Số lượng Nhà máy, xí nghiệp nhỏ do công nghiệp chưa phát triển… Điều này một phần dẫn đến tâm lý chủ quan chung, mọi người thiếu quan tâm đến việc bảo vệ môi trường .
Hệ thống pháp luật Viêt Nam trước năm 1986 cũng chưa hoàn chỉnh. Cơ chế bao cấp với sự chi phối của hệ thống chỉ tiêu kế hoạch trong các quan hệ kinh tế, xã hội đã hạn chế sự phát triển của pháp luật. Ngay cả những ngành luật thiết thực nhất cho thời kỳ đó như luật kinh tế, luật ngân hàng, tài chính vẫn không phát triển. Như vậy, việc đòi hỏi cho ra một đạo luật chuyên biệt về môi trường còn khá xa lạ. Mặc dù đã có một số văn bản pháp luật điều chỉnh song các quy định đó cũng chỉ liên quan đến một số khía cạnh của bảo vệ môi trường chứ chưa nhằm trực tiếp vào việc bảo vệ các yếu tố môi trường. Điều này cho thấy vấn đề môi trường chỉ là phần thứ yếu, phái sinh trong hệ thống pháp luật lúc đó.
Hơn nữa do bị cô lập về ngoại giao nên quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới càng trở nên khó khăn. Vì vậy việc hợp tác quốc tế rất hạn chế. Những quy định của pháp luật môi trường ở giai đoạn này chỉ xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước và giới hạn trong phạm vi quốc gia, chưa có một điều ước quốc tế nào nói về bảo vệ môi trường mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy trước năm 1986, Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm thử thách. Nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi đáng kể trong các lĩnh vưc kinh tế - xã hội và trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời chúng ta cũng gặp không ít khó khăn và yếu kém trong đường lối lãnh đạo đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới. Với bối cảnh xã hội đó, việc bảo vệ môi trường còn quá mờ nhạt và không được quan tâm.
Các văn bản pháp luật
Xuất phát từ các nguyên nhân trên, luật môi trường trong giai đoạn này chưa xuất hiện với tư cách là lĩnh vực riêng. Khó có thể tìm thấy văn bản pháp luật riêng nào về vấn đề môi trường nhưng chúng ta có thể thấy Nhà nước cũng đã có những ý tưởng về bảo vệ môi trường măc dù vấn đề thể chế hóa, luật hóa các ý tưởng này chưa được toàn diện.
Nhà nước đã có những cố gắng nhất định được ghi nhận trong các văn bản sau:
Điều đáng chú ý nhất là bảo vệ môi trường trong giai đoạn này được coi là đòi hỏi hiến định. Điều 36 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cải tạo môi trường sống”
Văn bản sớm nhất có đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường là sắc lệnh số 142/SL do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 21/12/1949 quy định việc kiểm soát lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng.
Sau đó lần lượt là sự xuất hiện của các văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan đến môi trường như:
Nghị quyết 36/CP ngày 11/03/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên dưới lòng đất
Chỉ thị số 07/TTg ngày 16/01/1964 về thu tiền bán khoán lâm sản và thu tiền nuôi rừng
Nghị quyết số 183/CP ngày 25/09/1966 về công tác trồng cây gây rừng
Chỉ thị số 127/CP ngày 24/05/1971 của Hội đồng Chính phủ về công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên
Pháp lệnh về bảo vệ rừng ban hành ngày 11/09/1972
Ta có thể dễ dàng nhận thấy một số đặc điểm như sau của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường trong giai đoạn này:
+ Các văn bản trong thời kỳ này chủ yếu được ban hành dưới dạng văn bản dưới luật;
+ Các quy định pháp luật chỉ liên quan đến một số khía cạnh của bảo vệ môi trường xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ các quan hệ xã hội của Nhà nước chứ chưa trực tiếp nhắm vào mục tiêu bảo vệ các thành tố của môi trường hay nói cách khác, khía cạnh môi trường chỉ mang tính chất phái sinh xuất phát từ các quan hệ xã hội được điều chỉnh. Từ đó, cách tiếp cận mang tính môi trường như các quan điểm phổ biến trên bình diện quốc tế chưa được thể hiện;
+ Nội dung các quy định nói chung còn lạc hậu, không những chưa phản ánh và đáp ứng được các đòi hỏi khách quan về hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường mà còn chưa tiệm cận với các quan điểm hiện đại được thể hiện trong các công ước quốc tế.
Tình trạng phát triển của luật môi trường trong giai đoạn này
Ưu điểm
Nhà nước đã có những ý tưởng về việc bảo vệ môi trường và được thể chế hóa các ý tưởng này chỉ được thể hiện trong các sắc lệnh,nghị quyết. Ví dụ như; Sắc lệnh số 142 / SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 21/12/1949 quy định việc kiểm soát lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, nghị quyết 36/CP ngày 13/06/1961 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lí,bảo vệ tài nguyên dưới lòng đất ; chỉ thị số 127/CP ngày 24/05/1961 về công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên. . . Điều đó thể hiện sự quan tâm một phần nào đó của nhà nước tới vấn đề môi trường ở Việt Nam.
Nhược điểm
+ Các quy định của pháp luật chỉ liên quan đến một số khía cạnh của bảo vệ môi trường xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước. Các quy định này nhằm trực tiếp vào việc bảo vệ các yếu tố môi trường.
+ Các quy định về môi trường hoặc liên quan đến môi trường nằm rải rác trong các văn bản pháp luật đơn hành được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội khác nhau với mục tiêu là đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
+ Nội dung của pháp luật môi trường ở giai đoạn này chưa phản ánh và đáp ứng những đòi hỏi khách quan hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường.
Tình trạng kém phát triển của pháp luật môi trường trong giai đoạn này, sự thiếu vắng của luật môi trường trong giai đoạn trước năm 1986 do các nguyên nhân sau:
+ Hoàn cảnh lịch sử của đất nước trong thời kì này không cho phép nước ta chú ý đến việc bảo vệ môi trường do việc tập trung cho việc chiến thắng đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc. Sau khi thống nhất đất nước, vấn đề môi trường cũng bị đẩy lùi do việc Đảng và Nhà nước ta tập trung cho việc hàn gắn vết thương sau chiến tranh, phát triển kinh tế và thoát ra khỏi sự khủng hoảng kinh tế.
+ Trong giai đoạn trước 1986, các biến động xấu của thiên nhiên do sự hủy hoại môi trường chưa thể hiện ở mức độ cao. Sự ô nhiễm trong các đô thị và vùng nông thôn chưa đến mức báo động do số lượng ô tô, xe máy, các thiết bị, máy móc có chất thải chất dioxin chưa được sử dụng nhiều. Phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp cũng được sử dụng một cách hạn chế.
+ Hệ thống pháp luật Việt Nam trước năm 1986 chưa phải là hệ thống pháp luật hoàn thiện. Cơ chế bao cấp với sự ngự trị của hệ thống chỉ tiêu kế hoạch trong các quan hệ kinh tế, xã hội đã hạn chế sự phát triển của pháp luật.
Từ năm 1986 đến nay
Bối cảnh xã hội
Khủng hoảng kinh tế xã hội cuối những năm 70 và đầu những năm 80 đã dẫn đến những cuộc cải cách kinh tế sâu sắc bằng việc xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Bên cạnh việc mang lại những kết quả tốt đẹp, kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân của nhiều hiện tượng kinh tế xã hội tiêu cực, trong đó có suy thoái môi trường. Vì chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá nên các nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác bừa bãi. Nạn dân chúng đua nhau đi đào vàng, khai thác trầm, gỗ quý, đá quý diễn ra ở quy mô lớn đã làm cho môi trường ở nhiều nơi trở nên suy thoái nghiêm trọng. Quá trình đô thị hóa dưới tác động của kinh tế thị trường cũng làm tăng sức ép môi trường ở các thành phố và thị xã. Số lượng máy móc thiết bị, ô tô, xe máy tăng lên gấp nhiều lần so với 10 năm trước đó, lượng khí thải từ các máy móc thiết bị này đã làm cho môi trường, nhất là môi trường đô thị bị ô nhiễm.
Sức ép của vấn đề ô nhiễm môi trường tăng lên cùng với việc sử dụng rộng rãi các hóa chất trừ sâu bệnh, các chất kích thích tăng trọng. Nhiều vụ ngộ độc thức ăn đã liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi.
Những hậu quả của việc chiến tranh và sự phá hoại của con người đối với rừng bắt đầu khởi động sự trả thù. Những cơn lũ quét diễn ra liên tục ở những nơi rừng bị phá trụi là bằng chứng cho sự trả thù.
Tất cả những nguyên nhân trên đã làm cho vấn đề bảo vệ môi trường trở thành thách thức lớn của xã hội. Kể từ 1986, đặc biệt là những năm đầu của thập kỉ 90, bảo vệ môi trường trở thành nguyên tắc hiến định. Luật môi trường được coi là một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Các văn bản pháp luật
Kể từ năm 1986, đặc biệt là những năm đầu của thập kỷ 90, bảo vệ môi trường đã trở thành nguyên tắc hiến định. Luật môi trường được coi là một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ngay từ năm 1986, Chiến lược bảo tồn quốc gia được soạn thảo và 5 năm sau, vào năm 1991 Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững (NPESD), ngay trước khi Hội nghị Rio diễn ra. Bốn năm tiếp theo, hai kế hoạch được soạn thảo, đó là Kế hoạch Hành động Môi trường Quốc gia, đón trước các yêu cầu bắt buộc của Ngân hàng Thế giới (WB); và Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học (BAP) sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Đa dạng Sinh học, năm 1993. Ngoài ra, nhiều chương trình cải cách luật pháp và thể chế về môi trường đã được thực hiện. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù còn chưa đồng bộ, nhưng các văn bản này đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 10/1/1994. Có thể nói đây là thời điểm mà công tác Bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển cả về chất và lượng. Lần đầu tiên, các khái niệm cơ bản có liên quan tới bảo vệ môi trường đã được định nghĩa, được xác định một cách chuẩn xác làm cơ sở cho việc vận dụng vào hoạt động quản lý môi trường; các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, cá nhân và các tổ chức được ràng buộc bằng pháp lý. Cùng với Luật bảo vệ môi trường, và một loạt các văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành từ trước 1990 như: Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1989), Pháp lệnh về thu thuế tài nguyên (1989), Pháp lệnh Bảo vệ đê điều (1989), Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (1989); từ năm 1986 đến nay Nhà nước Việt Nam đã ban hành thêm nhiều bộ luật, pháp lệnh khác có liên quan đến công tác Bảo vệ môi trường, đó là:- Hiến pháp sửa đổi (2001)- Bộ Luật Hình sự sửa đổi (1999)- Luật Khoa học và Công nghệ- Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991)- Luật Đất đai (1993)- Luật Dầu khí (1993)- Luật Khoáng sản (1996)- Luật Tài nguyên nước (1998)- Luật Đầu tư nước ngoài (1997)- Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1999)- Pháp lệnh Thú y (1993)- Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (1993)- Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (1996)- Pháp lệnh Phí và lệ phí (2001)
Để thúc đẩy quá trình pháp chế hoá công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, sau Luật Bảo vệ môi trường, hàng loạt các Nghị định, Chỉ thị, Thông tư cấp Bộ và liên Bộ, và các Quyết định liên quan, đã được ban hành, tạo thành một hệ thống các quy định dưới luật, phục vụ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định 175/CP năm 1994 của Chính phủ đã cụ thể hoá trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; lần đầu tiên đưa vào áp dụng một loạt các quy định liên quan đến công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm toán đối với các cơ sở mới của quốc gia và áp dụng kiểm soát xuất, nhập khẩu và vận chuyển các loài quý hiếm. Đồng thời, Nghị định này đã đề xuất quyền thanh tra và áp dụng các khoản lệ phí và phạt hành chính môi trường, tuy nhiên khái niệm này vẫn còn gây tranh cãi và khó đưa vào áp dụng. Nghị định 26/CP, ban hành năm 1996, đã nâng khung phạt hành chính đối với các vi phạm pháp luật môi trường liên quan đến những lĩnh vực: ĐTM và kiểm soát môi trường; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; buôn bán các loài quý hiếm; khai thác mỏ; cũng như hàng loạt những hành vi vi phạm gây ô nhiễm. Tháng 6 năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 36-CT/TƯ về Tăng cường bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ thị phản ánh mức độ cam kết cao của Nhà nước đối với Bảo vệ môi trường. Chỉ thị đề ra một Chương trình hành động bao gồm: xây dựng chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thời kỳ 2001-2010; hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về Bảo vệ môi trường; đưa các vấn đề môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng Nghị định của Chính phủ về đa dạng hoá đầu tư cho công tác Bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các xí nghiệp công nghiệp gây ra; và sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường của quốc gia.
Tình trạng phát triển của luật môi trường trong giai đoạn này
Ưu điểm
Pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn từ năm 1986 đến nay đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển lâu bền 1991-2000, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong thời gian qua đã hình thành được hệ thống tổ chức bảo vệ môi trường cùng lúc với hành lang pháp lý khá đồng bộ. Đây là những thành công to lớn, có ý nghĩa quyết định và là tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Cụ thể:
- Các quy định pháp luật về môi trường đã có nội dung cụ thể và trực tiếp hơn về các vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều quy định pháp luật, kể cả các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã xác định cụ thể và chi tiết quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Các chính sách phát triển kinh tế xã hội đề ra được gắn kết với các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Nhà nước ta đã đề ra đạo luật riêng điều chỉnh các quan hệ xã hội gắn liền với yếu tố môi trường.
- Nội dung pháp luật về môi trường giai đoạn từ năm 1986 đến nay đã mang tính toàn diện và hệ thống hơn. Các quy định pháp luật về môi trường đã đề cập đến hầu hết các yếu tố và các vấn đề của môi trường và bảo vệ môi trường từ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan quản lí nhà nước về môi trường đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong khai thác, sử dụng và bảo vệ các yếu tố khác nhau của môi trường. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường cũng đã được ban hành để làm cơ sở pháp lí cho việc xác định trách nhiệm nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật môi trường.
- Các quy định pháp luật về môi trường đã chú trọng tới khía cạnh toàn cầu của vấn đề môi trường. Tính tương đồng giữa các quy định pháp luật môi trường VN với các quy định trong công ước quốc tế về môi trường được nâng cao. Hệ thống pháp luật môi trường VN đã khẳng định tính ưu tiên của các quy định trong công ước quốc tế mà chính phu VN đã ký trước các quy định của pháp luật nội địa trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể.
- Hiệu lực của các quy định của pháp luật môi trường được nâng cao do việc Nhà nước sử dụng nhiều các văn bản luật. Đây là những điều kiện tiền đề rất thuận lợi cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ lĩnh vực môi trường. Chính vì lí do này nên các quy định của pháp luật môi trường đã phát huy được tác dụng của chúng trong thực tế.
Những thành công trong công tác quản lí môi trường đã góp phần hạn chế ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, cải thiện một bước chất lượng môi trường. Một số vấn đề bức xúc được khắc phục. Độ che phủ của rừng tăng, nhiều hệ sinh thái được khoanh vùng bảo vệ, một số giống loài quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt…Nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải cải thiện môi trường. Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường đã được hình thành ở một số nơi, nhiều điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản về môi trường ở cộng đồng đã xuất hiện và đang phát huy tác dụng tích cực…
Nhược điểm
Mặc dù đã đạt được những bước tiến ban đầu, nhưng nhìn chung pháp luật về bảo vệ môi trường ở VN từ năm 1986 trở lại đây vẫn còn nhiều tồn tại và yếu kém. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; còn thiếu một số văn bản luật quan trọng như Luật về không khí sạch, Luật về an toàn hóa chất, Luật đa dạng sinh học … cũng như nhiều văn bản hướng dẫn khác chưa được ban hành. Hệ thống cơ quan quản lí môi trường còn nhiều bất cập, lực lượng cán bộ làm công tác môi trường vừa thiếu, vừa yếu về năng lực chuyên môn ... Việc phân công phân nhiệm chưa rõ ràng vừa chồng chéo vừa để lại nhiều khoảng trống thiếu sự quản lí của nhà nước. Ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân còn thấp, đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, còn dàn trải và thiếu hiệu quả; các công cụ kinh tế chưa được áp dụng mạnh mẽ trong quản lí môi trường … Những yếu kém trên đây về mặt pháp luật cũng với việc chất lượng môi trường sống đang xuống cấp đang đặt ra những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường thời gian tới.
Kiến nghị hoàn thiện
Kiến nghị chung
Cần có các quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch của pháp luật để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường
Các quy định tại Điều 23, Điều 49, Điều 61, Điều 93, Điều 104 và điều 105 + niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát của chủ dự án;
+ công khai hóa quyết định xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường;
+ công khai thông tin các nguồn thải ra sông;
+ công khai hóa kết quả điều tra về nguyên nhân, mức độ, phạm vi ô nhiễm và thiệt hại về môi trường;
+ công khai hóa các thông tin, dữ liệu về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký; khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái, quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải; báo cáo hiện trạng môi trường v. v. ,
+ công khai tình hình môi trường trong cơ quan, tổ chức
về trách nhiệm công khai của các cơ quan tổ chức cần được hướng dẫn cụ thể về phương thức công khai (địa điểm công khai, hình thức công khai, tự nguyện thông tin hay thông tin cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội theo yêu cầu), thời điểm công khai, khoảng thời gian công khai… Bên cạnh đó, Điều 105 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cần được quy định cụ thể hơn cơ chế đối thoại các vấn đề về môi trường giữa các tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường với các chủ thể có yêu cầu (cách thức tổ chức buổi đối thoại, thời hạn gửi văn bản trao đổi, thành phần của cơ quan chủ trì đối thoại – đối thoại trước 1 đại diện hay trước 1 hội đồng v. v. ).
Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và cân đối giữa các quy định về khai thác/sử dụng môi trường với các quy định bảo vệ và phát triển môi trường.
Cần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở cả 3 phương diện: (i) phòng ngừa, hạn chế tác động xấu, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường; (ii) kiểm soát và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên là các thành tố của môi trường; (iii) xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Pháp luật vệ bảo vệ môi trường mới quan tâm nhiều đến việc khắc phục tình trạng dung lượng quy phạm điều chỉnh việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá nhiều; các quy phạm về bảo vệ, phòng ngừa, cải thiện môi trường, các vấn đề liên quan tới môi trường sinh thái chưa được quan tâm đúng mức.
- Quan điểm phát triển bền vững cần được thể hiện một cách rõ rệt và nhất quán qua hệ thống chính sách và các công cụ điều tiết của Nhà nước. Cơ chế quản lý và giám sát sự phát triển bền vững cần được thiết lập rõ ràng và có hiệu lực. Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng chính sách bảo vệ môi trường cần được kết hợp chặt chẽ, lồng ghép hợp lý với nhau.
- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch trong các quy định pháp luật về tiêu chuẩn môi trường.
+ Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải khẩn trương xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn môi trường còn thiếu đồng thời rà soát để điều chỉnh các tiêu chuẩn môi trường đã có nhưng không còn phù hợp.
+ Liên quan đến nguyên tắc thống nhất, phù hợp giữa tiêu chuẩn môi trường quốc gia với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần lưu ý đến vấn đề sau. Đối với những tiêu chuẩn môi trường được pháp luật quốc tế quy định “cứng”, không cho phép có xê dịch thì đương nhiên phải tuân thủ tuyệt đối là điều rất quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều chuẩn mực môi trường được quy định “mềm”, đặc biệt là trong các văn kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Theo quy định của các Hiệp định của WTO, các quốc gia có quyền quy định các chuẩn mực môi trường chặt chẽ hơn chuẩn quốc tế nếu có thể lý giải cho các chuẩn mực đó, đồng thời đảm bảo thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử. Điều này cũng có thể hiểu từ một góc độ khác là: các quốc gia đặt ra tiêu chuẩn môi trường thấp sẽ sản xuất ra những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn môi trường ở các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường cao hơn và do đó, không thể bán sản phẩm tại các nước đó. Sức ép này buộc Việt Nam phải cân nhắc kỹ càng khi đưa ra các tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan tới việc sản xuất, chế biến các sản phẩm thương mại dành cho xuất khẩu.
+ Các tiêu chuẩn môi trường cần được tập hợp, hệ thống hoá và công bố rộng rãi để mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận được. Việc xây dựng một Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn môi trường là giải pháp cần thiết và hữu hiệu để nâng cao tính công khai, minh bạch của việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường. Trong Cơ sở dữ liệu đó không chỉ có các dữ liệu về tiêu chuẩn môi trường được sắp xếp khoa học theo các tiêu chí, chỉ dẫn dễ hiểu, dễ tra cứu mà cần có cả những thông tin liên quan đến việc áp dụng và xử lý vi phạm tiêu chuẩn môi trường theo khu vực, miền, ngành . . .
+ Xác lập và thực thi cơ chế pháp lý đảm bảo kích thích và hài hoà lợi ích cũng như trách nhiệm của nhà nước, tổ chức và cá nhân trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo vệ môi trường theo quan điểm bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nhà nước không chỉ tham gia vào các quan hệ hành chính để điều chỉnh các vấn đề môi trường mà Nhà nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các quan hệ dân sự - kinh tế giữa nhà nước với các cá nhân, tổ chức cũng như giữa các cá nhân, tổ chức với nhau theo quan điểm bảo vệ môi trường là trách nhiệm, là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tổ chức, của nhà nước và của toàn xã hội. Trong các quan hệ bảo vệ môi trường theo chiều ngang đó, phương pháp điều chỉnh chủ yếu là sự thoả thuận bình đẳng nhằm đạt được sự hài hoà lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế pháp lý nhằm kích thích sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến các lợi ích kinh tế gắn với trách nhiệm thực thi các nghĩa vụ bảo vệ môi trường là nhu cầu khách quan, tất yếu đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường trong một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Kiến nghị cụ thể
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu hài hoà các lợi ích, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong khai thác, sử dụng, bảo vệ môi trường, pháp luật cần bổ sung quy định về các công cụ kinh tế chủ yếu sau:
Quy định đầy đủ thuế sử dụng các thành phần môi trường
Ban hành đồng bộ quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với tất cả các nguồn xả thải, tác động xấu đến các thành phần môi trường như khí thải, tiếng ồn, v. v.
Xây dựng và áp dụng các quy định về Nhãn sinh thái
Xây dựng và áp dụng quy định quota gây ô nhiễm có thể chuyển nhượng
Xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế ở VN để tiến hành một dự án cụ thể, có mục tiêu và đối tượng cụ thể. VD: Xin quỹ của WB, UNICEF, để nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe phụ nữ và trẻ em ở VN trong vòng từ năm 1990 đến năm 2010 (Đây chính là một trong những công cụ tuyên truyền pháp luật hiệu quả)
Thực hiện cấm việc nhập khẩu rác thải công nghiệp vào VN (cần luật riêng hoặc văn bản dưới luật riêng)
Nhà nước nên quan tâm và khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng nông sản sang thị trường Mỹ, châu Âu. . .
III - Kết luận
Nói đến các biện pháp bảo vệ môi trường, chúng ta không thể không kể đến biện pháp pháp lý ngoài các biện pháp về chính trị, kinh tế, xã hội … Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, môi trường bị hủy hoại và suy thoái nguyên nhân chủ yếu là do sự khai thác quá mức của con người, đã làm mất sự cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm. Chính vì vậy, pháp luật với tư cách là hệ thống các quy phạm điều chỉnh hành vi xử sự của con người sẽ có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Pháp luật bảo vệ môi trường được ban hành không chỉ đánh dấu sự nhận thức của con người về môi trường, cuộc sống xung quanh, mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường.
Pháp luật đưa ra các quy tắc xử sự mà theo đó con người phải thực hiện khi khác thác và sử dụng các yếu tố của môi trường. Pháp luật cũng quy định các chế tài hình sự, kinh tế, hành chính để buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ các đòi hỏi của pháp luật trong việc khai thác và sử dụng các yếu tố môi trường.
Bảo vệ môi trường là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Nhiều yếu tố môi trường có phạm vi rộng lớn, có kết cấu phức tạp nên việc bảo vệ chúng đòi hỏi phải có hệ thống các tổ chức thích hợp. Chính vì vậy, pháp luật có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả cho các tổ chức bảo vệ môi trường. Đó là thông qua hệ thống pháp luật, nhà nước quy định các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức bảo vệ môi trường. VD: các nhân viên kiểm lâm, hạt trưởng kiểm lâm, chi cục trưởng kiểm lâm … có quyền phạt hành chính đối với hành vi phá hoại rừng.
Ngoài ra, pháp luật bảo vệ môi trường ra đời là cơ sở để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo vệ môi trường.
Như vậy, với tình hình suy thoái các giá trị của môi trường, các giá trị sinh thái, đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự mất cân bằng sinh thái và những sự trả thù khốc liệt của thiên nhiên, thì pháp luật về môi trường ra đời là một như cầu tất yếu của xã hội, là một công cụ hữu hiệu của việc bảo vệ môi trường đang được đặt ra, nói cách khác luật môi trường ra đời như là biện pháp giải quyết thách thức đó.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật bảo vệ môi trường ở việt nam.doc