Đề tài Thân phận con người qua khóa hư lục của Trần Thái Tông

Khóa hư lục không chỉ là một tác phẩm kinh điển của thiền Phật Việt Nam, mà nếu nhìn từ gốc độ một tác phẩm văn học nó còn mang tính nhân văn sâu sắc. Tính nhân văn ở đây thể hiện ở sự phán ảnh về cuộc đời của con người qua những luận thuyết đơn giản nhưng hàm chứa nhiều điều cần phải suy ngẫm. Ví dụ như sanh, già, bệnh, chết, hay các giới, hay là các nói về sắc thân Chúng rất dễ hiểu, dễ thấy nhưng do cuộc sống hằng ngày quá bận rộn mà ta không có thời gian nhìn lại, hay là thấy mà cố tình không biết.

docx26 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 3367 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thân phận con người qua khóa hư lục của Trần Thái Tông, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN Khoa Văn học và Ngôn ngữ ĐỀ BÀI: THÂN PHẬN CON NGƯỜI QUA KHÓA HƯ LỤC CỦA TRẦN THÁI TÔNG Giảng viên: PGS.TS Nguyễn Công Lý Niên khóa: 2014 - 2015 Phần một: Trần Thái Tông và Khóa hư lục Trần Thái Tông (1218 – 1277) Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, con thứ của Thái Tổ Trần Thừa, quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là thuộc Nam Định). Họ trần ban đầu làm nghề đánh cá, sau nhờ có công mà dần có thế lực trong triều đình nhà Lý. Trần Cảnh mới có tám tuổi được Lý Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, lấy hiệu là Thái Tông. Năm mười sáu tuổi, Thái hậu qua đời, vài năm sau, Thái Tổ Hoàng đế cũng băng hà, Ngài đau buồn khôn xiết. Lại nghĩ về ân nghĩa mẹ cha sinh thành dưỡng dục càng thấy thẹn vì chưa có buổi đáp đền. Vả, khi Thái Tông Ngài còn bé được phụ thân trợ gánh giang sơn, nay Thái Tổ ra đi để lại cho Ngài một bồ xả tắc. Ngài hoang mang không biết tựa vào đâu nên nghĩ tới nước vào chốn núi rừng học tu Phật pháp, hầu ngẫm lẽ sinh tử, cũng là vì mong đáp ơn nghĩa mẹ cha. Ngày mồng ba tháng tư năm 1236, vua Thái Tông bỏ ngai vàng, trốn lên núi Yên Tử, cầu đạo Thiền sư Trúc Lâm (ngoài ra, cũng còn một số thuyết giải thích khác về việc vua bỏ ngai vàng tìm đạo). Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quan lên núi cung thỉnh vua về, tìm lời ngay mà thuyết, rằng giang sơn đâu dễ mà có, xả tắc không thể một phút thiếu vua, nhất quyết đón Ngài về cung. Thiền sư Trúc Lâm lại nói: “Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên.” Thái Tông miễn cưỡng về cung lên lại ngôi báo. Khi ở ngôi Ngài là một vị vua nhân từ đức độ, lại trọng học kính Phật, làm cho dân quốc thái dân an. Những lúc quốc sự thảnh thơi Ngài lại dành thì giờ học hành Nho Phật, rồi tham gia bàn luận kinh tạng nhà Phật, kiến thức của Ngài thật sự uyên thâm. Năm 1257 khi giặc Nguyên Mông tràn vào xăm lược nước ta, vua cùng ra trận với quân sĩ, lập nên những chiến công oai hùng, đuổi giặc ra khỏi biên cương. Đất nước hòa bình sạch bóng giặc, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con năm 1258 lên làm Thái thượng hoàng vùa giúp vua trẻ coi việc nước, vừa không quên nghiên cứu Phật pháp chó đến khi Thánh Tông đảm được nước nhà thì Ngài về Vĩ Lâm (Hoa Lư) lập am tu thiền. Năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Phù thứ năm, Thái Thông Hoàng đế bang hà, thọ sáu mươi tuổi. Khóa hư lục “Khóa hư lục” là một tuyệt tác của nền Văn học Phật giáo Việt Nam, được kết tập lại từ những tác phẩm của vua Trần Thái Tông. Đây là kết tinh của một trí tuệ siêu việt, đã được lĩnh hội bởi nhiều thiền sư cao đạo, lại thêm sự chiêm nghiệm sáng suốt của vua Trần Thái Tông mà được viết nên. Với lối viết biền ngẫu, bằng chữ Hán, trong đó tác phẩm đã sử dụng nhiều điển tích Trung Hoa và kinh Phật, đã chứng tỏ sự uyên bác của tác giả. Về nội dung cuốn sách tác giả trình bày những tư tưởng của kinh Đại tạng, nhằm mục đích tự thức tỉnh mình và đồng thời có tính giáo dục dân chúng về sự giác ngộ, tác phẩm trình bày những triết lí, hình thức tu tập hết sức cơ bản đạo Phật, nghe thì thấy dễ nhưng thực hành thì rất khó. Về ý nghĩa tựa đề, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh (hay Nguyễn Lang) trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: “Chữ Khóa (trong Khóa hư) có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ Hư có nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khóa là sự siêng năng thực tập Thiền học, không để cho thời gian luống qua. Nhu yếu của Hư là thái độ phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của đạo Phật: Thực tiễn một cách tinh tiến đạo lí giác ngộ trong tinh thần phá chếp tự do và vô niệm”. Sau đây xin dựa trên bản dịch - giảng của Hòa thượng Thích Thanh Từ để làm bài luận này, về cảm hứng thân phận con người trong “Khóa hư lục”. Phần hai: Cảm hứng về thân phận con người trong “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông Năm giới và nghiệp báo luân hồi của kiếp người Năm giới đó là: Sát, Trộm, Sắc, Vọng Ngữ, Rượu. Giới Sát Trần Thái Tông cho rằng tuy các loài có đường sinh không giống nhau nhưng tự tánh mỗi loài là như nhau, chỉ do nghiệp báo khác nhau mà thác sinh vào từng loài khác nhau. Trong đó, tất cả các loài đều có bản chất chung là tham sống sợ chết, khi con người giết loài súc sinh thì chúng kêu la giẫy giụa, nhưng do chúng ta không hiểu được nỗi đau đó của chúng nên mặc nhiên chém giết không thương xót. Rồi nghiệp báo đến, người lại đầu thai trở thành chính loài súc sanh mà tiền kiếp mình chém giết, nếm nỗi đau mà mình từng gây ra, cứ như thế, chém chém giết giết đời đời kiếp kiếp không thôi. Rồi cả người giết hại lẫn nhau, oán hận nhau, oan oan tương báo như một vòng luẩn quẩn. Ngài trích sách Nho: “Thi ân bố đức”, Đạo đức kinh: “Ái vật háo sanh” để thấy được lẽ tương đồng của tam giáo là giữ hạnh từ bi, không phạm sát giới sát hại chúng sanh. Kẻ tu hành phải giữ nghiêm giới đó. Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường có bài thơ nói về giới này: “Đạo lớn quần sanh tính mạng tôn Một bên xương thịt một bên bì Xin anh chớ giết nàng chim nhỏ Trong tổ chim non ngóng mẹ về.” Giết chim non thì chim mẹ đau đớn mà kêu rối rít tìm con, huống là giết một con người có biết bao nhiêu kẻ thân thích. Khi sát sinh ta chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cái lòng oán nhất thời mà đâu nghĩ tới cái tình thâm sâu đằng sau đó, rằng mỗi vật tồn tại trên cõi đời đều nằm trong một mối tương quan bao la rộng lớn như một chuỗi những mắc lưới gắn kết với nhau, mất đi một vật là mất đi một mắc lưới, còn gì là chặc chẽ. Bởi do đâu? Do oán mà vô minh, cái vô minh tột cùng không ai ngăn được, nó kéo dài có khi cả đời cả kiếp. Trước lòng oán hận, thân phận con người thật mong manh dường bao. Do đó, giới sát đối với nhà Phật được đặt lên tầm quan trọng hàng đầu, phải bỏ sát trước tiên thì mới hầu mong thực hiện tốt những giới khác. Nhắc tới giới sát, ta chẳng những phải lìa bỏ sát sinh mà còn phải thường xuyên thực hành phóng sanh để tạo đức. Thiền sư Chí Công đời nhà Lương ở Trung Quốc có bài kệ nói về việc phóng sanh: “Phóng sanh hợp lòng trời Phóng sanh thuận Phật chế Phóng sanh Quán Âm từ Phóng sanh Phổ Hiền hạnh Phóng sanh không buồn khổ Phóng sanh ít bệnh hoạn Phóng sanh con cháu đông Phóng sanh quan lộc thạnh Phóng sanh miễn tam tai Phóng sanh cửa nhà khánh Sát sanh và phóng sanh Nhân quả sáng như gương.” Đó là lẽ phóng sinh và cái nghiệp báo tốt từ phóng sinh mang lại. Thực hành phóng sanh đâu khó, vậy nên phải tích cực làm để hậu kiếp được hưởng phúc nghiệp. Mở rộng ra, không sát, phóng sanh là cái từ bi vô lượng. Kinh A Na Luật – Trung bộ kinh viết: “Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. ...với tâm câu hữu với bi, ...với tâm câu hữu với hỷ, ... an trú, biến mãn, một phương với tâm câu hữu với xả, ... quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là vô lượng tâm giải thoát”. Đạo Phật khác với các tôn giáo khác ở chổ, không coi con người như là trung tâm của vạn vật vũ trụ mà xem vạn vật chúng sinh bình đẳng như nhau. Đoạn văn trên nói về từ và bi, cái từ, bi ở đây quán phổ hết cả thẩy chúng sinh, tất cả đều có sinh mệnh riêng và sinh mệnh nào cũng đáng quí, đáng trân trọng. Trong kinh Thập thiện nghiệp đạo Phật dạy, nếu xa lìa sát sinh thì liền được thành tựu mười pháp xa lìa phiền não: Đối với các chúng sinh ban cho sự không sợ hãi; thường khởi tâm Từ rộng lớn đối với chúng sinh; dứt hẳn tập khí giận dữ; hân thể thường không bệnh tật; mạng sống lâu dài; thường được loài phi nhân bảo vệ; thường không có mộng ác, ngủ hay thức đều yên vui; diệt trừ thù oán trói buộc, các thù oán tự giải tỏa; không sợ hãi về đường ác; khi chết được sinh lên cõi trời. Giới Trộm Đầu tiên Trần Thái Tông đưa ra so sánh việc làm của kẻ tiểu nhân và người quân tử. Người quân tử luôn mong được giúp đở cho người khác, kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng chỉ biết làm lợi cho mình mà làm đủ thứ chuyện hèn hạ: “Thuốc chó, đào hầm, đục tường, khoét vách” Ngài còn nhắc đến Sơn Dương (một tướng cướp), và Lương Thượng (một tên trộm trốn trên cột kèo) như một dẫn chứng. Đó là những việc làm “Nghịch trời trái đất, dối pháp khinh hình. Khi sống thì pháp luật trừng trị, lúc chết bị Minh ty khảo tra”. Cho nên phải biết giữ mình không tham lam, để mong được yên khi sống và cả khi chết. Dù chỉ là một vật nhỏ bé như cọng cỏ sợ lông hay hương hoa ngoài đường, chủ nhân không cho phép mà ta động đến cũng đã là phạm giới. “Lưới trời lồng lộng, làm thiện thì thoát, làm ác thì mang”, kẻ làm bậy chắc chắn phải nhận lãnh quả báo không thể nào thoát tội. Xưa có câu “vật phi nghĩa bất thủ”, không phải của mình thì không nên giữ. Lục độ tập kinh viết: “ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không chịu vô đạo được giàu sang mà sống”. Trộm cấp chỉ xếp sau sát sinh, do lòng tham nơi bản ngã mà chi phối hành động. Như so sánh ở trên của vua Thái Tông, kẻ tiểu nhân không biết giữ mình, thả cho tà tâm tự tung tự tác, còn người quân tử thì giữ mình, thà chết ngay chứ không chịu làm điều tà gian để làm lợi sống, lợi một lúc mà ô danh theo bám ngàn năm. Đó một phần cũng là giống cái tư tưởng cốt yêu của đạo Phật. Từ trộm cấp có thể sinh ra sát sinh. Kẻ trộm khi đã cuồng điên lên vì lòng tham thì không còn giữ được bình tĩnh nữa, hoặc bị phát hiện mà bất chấp cả việc giết người, tội nghiệp chồng tội nghiệp nên quả báo sẽ càng nặng. Không trộm cắp, không tham lam mở rộng ra còn đi liền với thi ân bố thí. Bố thí từ vật chất đến tinh thần. Có người hỏi Phật rằng, nếu không có của cải thì lấy gì mà bố thí, Phật đáp: “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều sau đây: một là nhan thí – bố thí nụ cười. Hai là ngôn thí – bố thí ái ngữ, nói lời hay. Ba là tâm thí – bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn. Bốn là nhãn thí – bố thí ánh mắt nhìn thẳng hiền từ. Năm là thân thí – bố thí hành động nhân ái. Sáu là tọa thí – bố thí nhường chỗ cho người cần. Bảy là phòng thí – bố thí lòng bao dung." Trong kinh Thập thiện nghiệp đạo Phật dạy, nếu xa lìa trộm cắp thì được mười pháp đáng tin cậy: tài sản dồn đầy, vua, giặc, nước, lửa, con hư, không thể hủy hoại; nhiều người thương mến; không ai lừa gạt; mười phương tán than; chẳng lo sợ tổn hại; tiếng tốt lan khắp; ở trong chúng không khiếp sợ; của cải, mạng sống, sắc đẹp, sức khỏe yên vui, đầy đủ biện tài khống khiếm khuyết; thường mang tâm bố thí; khi chết được sinh lên cõi trời. Giới Sắc Trần Thái Tông cho rằng sắc đẹp là một thứ mê hoặc nguy hiểm mà khó ai có thể qua khỏi: “Lưng ong tóc mượt hay khiến tâm tánh say mê; sắc én mày ngài làm cho hồn phiêu phách lạc. Đưa mắt liếc chẳng phải dao mài mà ai không đứt ruột. Lưỡi uốn tựa sáo diều, mọi người đều phải lắng nghe”, sắc đẹp không vóc không hình mà sát thương vô chùng như thế. Nó còn làm cho cốt nhục tương tàn quên nghĩa “thân sơ”, quên tình phụ tử, làm trái lại luân thường đạo lí, gây chiến tranh hay làm nước nhà sa sút,, thậm chí diệt vong, như chuyện Trụ Vương (Nhà Ân) vì Đắc Kỷ mà bại hoại triều cương, giết tôi trung, làm bao nhiêu chuyện trái đạo thường, hay chuyện đốt phong hỏa đài cảnh giới giặc để lừa các chư hầu, mua tiếng cười của nàng Bao Tự (Tây Chu), sau đó cả 2 đều bị thay triều đổi vị, đó là cái họa do mỹ nhân gây ra. Ngẫm cho kĩ, nếu bỏ đi áo quần, chùi đi son phấn, rửa đi mùi hương thì rốt cuộc ai cũng như ai, cũng một túi thịt xương máu, có gì khác đâu? Kinh chánh pháp niệm xứ có viết: “Nam tử thế gian bị thống khổ, Ðều do bởi nơi phụ nữ, Không luận thiếu niên hay trung niên, Không ai chẳng do nguyên nhân này. Nữ nhân phá hoại thế gian, Làm cho thiện pháp tiêu diệt hết. Triền phược lớn nhất ở thiên giới. Không có gì hơn là nữ sắc, Nữ nhân trói cột hàng chư Thiên, Dẫn dắt đi vào tam ác đạo” Đó là cái nguy hại vô lường của nữ sắc. Từ sắc lại sinh ra tà dâm. Tà dâm gồm ba phẩm tội: thượng phẩm tội (hành dâm giữa mẹ - con, chị - em, cha – con, anh – em), trung phẩm tội (hành dâm với người không phải vợ/chồng của mình), hạ phẩm tội (hành dâm với vợ/chồng nhưng không phải nơi, phải lúc). Căn cứ vào phẩm tội mà luận chịu nghiệp báo khác nhau. Bồ tát tạng kinh viết: “Trong khi gần ái dục, Không tội ác nào chẳng tạo tác. Ðến khi thọ quả báo của ái dục, Không thống khổ nào chẳng lãnh thọ” Từ sắc dục lại sinh ra các tội nghiệp khác như là sát sinh. Bao nhiêu chuyện kể về những cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nguyên nhân chỉ để tranh giành phụ nữ, cuối cùng thì xương chất như núi. Đó là cái họa to lớn. Cái họa gần ở ngay trước mắt là những kẻ tà dâm, để chiếm đoạt được kẻ khác có khi phải giết chết, hoặc sau khi thực hiện hành vi đồi bại thì thủ tiêu để không bị tố cáo, thật chẳng đáng. Cho nên, trong Thập thiện nghiệp đạo, Phật dạy, nếu xa lìa hạnh tà thì đạt bốn loại pháp được người trí khen ngợi: căn điều hòa; dứt hẳn sự loạn động; thế gian khen ngợi; vợ không thể bị xâm phạm. Giới Vọng Ngữ Trần Thái Tông mở đầu: “Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc”. Phúc từ miệng mà tới, họa cũng từ miệng mà ra cho nên khi nói năng phải biết kiêng dè. Có một câu rất hay: “Không nói đây hay kia dở, chẳng bàn mình phải người sai”. Trong một cuộc nói chuyện hay bàn luận, ta thường mắc lỗi là hay phản bác điều người khác nói khi không vừa ý, nhưng đó cũng chỉ là cách nhìn của ta, dưới góc độ của ta, nên cũng không có căn cứ nào để nói rằng ta đúng (hoàn toàn), và nếu ta có đúng thật mà dùng cách phản bác tuyệt đối như vậy chỉ làm cho người kia ra sức bào chữa mà thôi, vấn đề càng rắc rối thêm, cho nên phải biết từ tốn, khiêm nhường mà nhận xét. Một lời nói còn có sức tổn thương ghê gớm, khiến cho người khác nghe theo còn gây nên những hậu quả tồi tệ hơn. Vì thế kẻ vọng ngôn sau khi chết đi sẻ phải chịu cảnh “Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.” Phật dạy, lời vọng ngữ cũng như nước rửa chân vậy, còn người vọng ngữ cũng như chậu rửa chân, bỏ chứ không dùng được. Nghĩa là, vọng ngữ bẩn dơ, nên lìa nên tránh. Trong Luận đại trí độ có viết: “Người vọng ngữ trước tiên là tự dối gạt mình, rồi sau mới dối gạt người. Cho thực là hư, cho hư là thực. Hư thực điên đảo thì không thể nào lãnh thọ thiện pháp, như cái bình úp, nước không chảy vào được. Người nói vọng ngữ tâm không biết hổ thẹn, đóng bít con đường nhân thiên và cửa ngõ đi đến Niết Bàn. Quán biết tội lỗi này rồi, thế nên đừng nói vọng ngữ”. Ðức Phật cũng thường bảo với các tỳ kheo rằng: “Tỳ kheo Ha Ða đọa địa ngục không phải do tuyên thuyết chánh pháp, mà do thường nói vọng ngữ”. Đó chính là cái hại của vọng ngữ. Trước hết là hại người, làm cho kẻ khác u mê bất minh, làm nên những chuyện mà bản thân không biết là sai rồi gây nên hậu quả với chính bản thân người đó hay là với người khác; sau là hại bản thân, nói vọng ngữ quen thói thì ngày sau chẳng ai tin tưởng, khi có biến cố gì thì chẳng ai ra tay giúp đỡ. Từ vọng ngữ lại gây nên những tội nghiệp khác, phải xét đó chính là sát sinh, sắc dục. Vì một lời vọng ngữ có thể nhen nhóm lên được một cuộc chiến tranh, ở mức độ nhỏ hơn có thể gây nên xung đột giữa người với nhau, quá tay có thể gây nên thương tích, mất mạng. Hậu quả từ lời vọng ngữ quả không nhỏ. Bỏ được vọng ngữ thì có thể có được những điều sau đây: mệng thường sạch sẽ với mùi thơm của hoa sen xanh; được người đời tin phục; lời nói ra luôn có chứng cứ, được hàng trời, người kính mến; đem lời ái ngữ an ủi mọi người; được tâm an vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh; lời nói không lầm lỗi, tâm thường vui vẻ; nói năng trang trọng, hàng trời, người phụng hành; trí tuệ thù thắng, không ai chế ngự được. Giới Rượu Trần Thái Tông viết: “Người ưa uống rượu thì đức hạnh suy kém, lời nói nhiều lỗi lầm”. Rượu không những làm hại sức khỏe mà còn xâm lấn tinh thần, át đi thần trí làm cho con người mụ mẫm mất đi chính kiến dễ nói bậy làm bậy hay có những quyết định sai lầm, có kẻ còn mang tội ngũ nghịch giết mẹ cha, sát hại người vô tội vạ, phá làng xóm, khinh Phật chê Tăng, coi trời bằng vun không coi ai ra gì. Kẻ quên đi hổ thẹn “Thân trần trụi nhảy múa” ngoài đường. Từ đó mà tan cửa nhát nhà, quốc gia suy yếu, như ông Thái Khang “vì mê rượu nên năm con đều oán”. Nếu biết rượu không tốt thì nên bỏ, từ hàng phong lưu đến người đạt giả, mới mong có được điềm lành. Trong Luận đại trí độ viết: “Uống rượu sanh ra ba mươi sáu thứ tội lỗi, nên gọi là vô lượng tội lỗi”. Có chuyện kể rằng, một lần Mục Kiền Liên tôn giả du hành trong cảnh giới ngạ quỷ. Có một con quỷ thấy tôn giả liền đến hỏi ngày vì nghiệp gì mà từ lúc sinh đến khi thác xuống đầu óc luôn ngu . Tôn giả mới trả lời, đó là do trong lúc làm người đã thường đem rượu cho người uống, lại cưỡng ép, khuyên người khác uống rượu, muốn cho người say sưa, mê loạn để tự lấy làm thú vui. Khổ báo ngu si, đần độn này chỉ mới là hoa báo, quả báo sau khi bỏ thân quỷ này phải đọa vào địa ngục. Đó là cái nhiệp ghê gớm của giới rượu này. Rượu gây mụ mị tâm hồn một cách vô ý chí, uống rượu còn gây ra nhiều nghiệp khác như sát sinh, sắc dục, vọng ngữ. Vì không còn tri giác nên người uống rượu sẽ làm những chuyện vượt ngoài kiểm soát, có khi làm rồi chẳng nhớ. Nhưng không thể đổ lỗi cho việc vì uống rượu nên không còn ý thức nên mới làm bậy. Nếu biết uống rượu là mất đi ý thức thì tại sao lại còn uống? Trong kinh Tát -giá Ni-kiền-tử, bài kệ nói “Rượu là căn buông lung; chẳng uống ngăn đường dữ; thà bỏ trăm ngàn thân; chẳng hủy phạm cấm giới”. Cho nên, phải biết lìa xa chè chén mới mong được tinh tấn tinh thần. Tiểu kết: Việc so sánh tư tưởng của Trần Thái Tông trong Khóa hư lục với tư tưởng của một số kinh văn nhà Phật chứng minh cho sự am hiểu của Trần Thái Tông đối với Phật pháp nói chung và sự chiêm nghiệm sâu sắc từ bản thân của Ngài nói riêng. Ta thấy, những điều ngày nêu lên hết sức cơ bản, dễ hiểu và không phải gì khác ngoài những cốt yếu của tư tưởng Phật giáo, để ai ai cũng có thể học theo làm theo. Thân phận của con người dưới sự soi chiếu của chính đạo (cái đạo phải làm, cái đạo của tự nhiên, của lẽ phải) thật còn nhiều điểm tối mờ, cho nên như là một lời răng dại cho việc tu tập, phải biết từ bỏ sát, trộm, sắc, vọng ngữ, rượu để thân được an lạc. Sanh, già, bệnh, chết – qui luật bất biến của đời người Được biểu hiện trong bốn bài kệ về bốn tướng: Sanh, già, bệnh, chết. Sanh, già, bệnh, chết là qui luật bất biến của đời người. Đức Phật xưa kia vì thương cho loài người khốn khổ trong vòng sanh, già, bệnh, chết cho nên mới từ bỏ ngai vàng mà đi tìm đạo, mong cứu vớt chúng sanh khỏi vòng luân hồi này. Bài kệ đều tiên nói về tướng Sanh: “Trời đất nấu nung vạn tượng thành, Xưa nay không mống cũng không manh. Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm, Liền trái không sanh nhận có sanh. Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị, Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai. Lang thang làm khách phong trần mãi, Ngày cách quê hương muôn dặm trình” Hết thẩy chúng sanh từ kẻ trí đến người ngu, từ thánh hiền đến phàm tục, từ kẻ văn thao võ lược đến kẻ thất phu, từ nhan sắc tuyệt trần đến phường xấu xí đều không thể thoát khỏi vòng luân hồi. Lục căn chịu sự cám dỗ của nhân gian làm cho mê đắm, tham sống, tham hưởng thụ từ đó chỉ muốn níu kéo tuổi xuân cho dài thêm mãi. Ngài so tướng Sanh với mùa xuân “Hanh thông đang độ tam dương, muôn vật rực màu tươi tốt”. Trong bát khổ của đạo Phật, sanh đứng đầu. Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có hai câu thơ nói về sanh khổ: “Thảo nào khi mới chôn nhau Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!” Phải chăng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi vừa mới sinh là thì đứa bé lại khóc chứ không phải là cười? Có phải vì nó biết rằng nó sắp khổ, nỗi khổ của kiếp nhân sinh, của già, bệnh, chết mà nó sắp trải qua? Khi còn trong bụng mẹ, đứa bé đã phải chịu khổ, bị giam nhốt trong buồng tối chật hẹp, chịu đói, lạnh, nóng cùng mẹ; rồi mẹ đứa bé cũng khổ khi phải mang nặng đẻ đau, thai nghén suy nhược trong suốt chín tháng mười ngày. Khi lớn lên, chúng ta phải ra xã hội bương chải tìm kế sinh nhai, đổ mồ hôi nước mắt, công sức, dãi nắng dầm mưa, có khi phải trải qua những lộc lừa ganh ghét của tiểu nhân, bị hãm hại chưa kể có khi còn chết yểu. Cha mẹ sinh ra, trước hết ta được cái thân. Có kẻ lành lặn, có kẻ tàn tật cũng là do nghiệp báo cả. Bởi vậy mới nói rằng thân là gốc của khổ. Lão tử trong Đạo đức kinh có viết: “Ta sở dĩ có đại nạn là do có thân Nếu không có thân thì họa còn đâu?” Tất cả phúc họa sướng khổ trong đời đều đọa lên thân. Thân là cái được sinh ra, khi chết đi cũng là cái còn lại duy nhất hiện hữu, thân giống như là cái vỏ bọc chứa đựng linh hồn, trừng phạt linh hồn ứng theo tạo tác tiền kiếp. Bài kệ thứ hai nói về tướng Già: “Con người kiếp sống tợ phù âu, Thọ yểu người trời chớ vọng cầu. Bóng ngả nương dâu, chiều sắp đến, Thân như bồ liễu tạm qua thu. Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc, Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu. Cuồn cuộn việc đời trôi chẳng đoái, Vầng ô gác núi, nước trôi xuôi” Kiếp sống của con người tựa như mây như khói, mới tụ đã tan, nhanh như chớp mắt. Cho nên thọ hay yểu cũng chỉ là cái quan niệm, chớ có cưỡng cầu mà làm gì. Dù có đang khỏe mạnh tinh tường đến đâu thì khi tuổi già đến cũng không thể trốn được, “Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà”, “Ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói”, mắt sáng cũng mờ dần, tai thính rồi từ từ cũng lãng. Ngài ví tướng Già như mùa hạ “Trời nóng đá chảy muôn vật đều khô, nắng nóng sôi vàng trăm sông sắp cạn.” Có bài ca dao như vầy: “Già nua là cảnh điêu tàn Cây già cây cỗi người già người suy” Khi già đi, cơ thể con người suy kiệt, chân, tay, mắt, mũi, miệng, lưỡi... không còn nhạy và linh hoạt như thời trẻ cho nên thường phải sống dựa vào sự chăm sóc của con cháu, từ chuyện vệ sinh, ăn uống ngủ nghỉ cũng đều trở nên hết sức khó khăn và chậm chạp. Hơn nữa trí tuệ lại không thể minh mẫn được, nói trước quên sau, chuyện cần nhớ thì lại quên, quên chuyện của mình đã đành, thậm chí còn quên con quên cháu, hay mất luôn trí nhớ. Còn gì đáng tội nghiệp hơn là cái khổ này nữa? Nhân gian sợ già, sợ sẽ xấu xí, sợ sẽ ốm yếu, da vẻ nhăn nheo, tóc bạc răng rụng Bởi như thế thì biết bao nhiêu niềm vui trần tục họ sẽ không còn được hưởng nữa, phải ở nhà thủi thủi một mình, lắm lúc con cháu bận bịu không ở cùng được thì cảm thấy cô đơn vô cùng. Có làm đẹp đi chăng nữa thì cùng lắm chỉ có thể che đi phần bên ngoài, còn thể trạng bên trong là bản chất bất di bất dịch, chỉ có thể để cho tạo hóa quyết định mà thôi. Trong Kinh Dược sư, phần sám nguyện và hồi hướng có đoạn viết: “Thế Tôn lời dạy tỏ tường Mấy điều quán tưởng phải thường xét ra: Chúng sanh rồi phải bị già Không ai tránh khỏi lúc qua canh tàn.” Thấy đó, già yếu la qui luật của tạo vật cho nên vạn vật đều không thể tránh khỏi. Bài kệ thứ ba nói về tướng Bệnh: “Âm dương trái vận vốn xoay vần, Gieo rắc tai ương đến thế nhân. Đại để có thân thì có bệnh, Ví bằng không bệnh cũng không thân. Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật, Lương dược khó mong được sống bền. Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới, Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân” Người bệnh thường “Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận”. Xác thân như cổ xe mục rã, như ngọn đèn trước gió, chỉ biết nằm một nơi, ăn uống khó khăn, sinh hoạt bất tiện phải phiền tới anh em cháu con lo đỡ chứ làm gì còn Biển Thước để cứu chữa cho? Kệ rằng, hễ ai có thân thì đều phải có bệnh, nên hết thân thì hết bệnh, thân tục thì bỏ, thân pháp thì tu, bệnh từ đó mà không còn động được ta nữa. Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm “Gặp khi sương lạnh mới rơi, đến lúc cỏ cây đều héo” Trong Kinh Dược sư, phần sám nguyện và hồi hướng có đoạn viết rằng: “Chúng sanh bệnh tật phải mang, Không ai sống mãi bình an, mạnh lành.” Con người ai cũng phải mắc bệnh ít nhất một lần trong đời, lại có kẻ suốt đời phải sống chung với bệnh, đau khổ vật vã khôn cùng. Bệnh có nhiều nguyên nhân, có khi do bên ngoài tác động vào, lại có khi là do chính bản thân chuốt lấy. Kẻ tham tài lợi thì tim dễ sanh bệnh, kẻ tham tà dâm thì thận dễ sanh bệnh, kẻ hay nóng giận thì gan dễ sanh bệnh, kẻ hay oán tù thì tì dễ sanh bệnh, kẻ hay phiền lo thì phổi dễ sanh bệnh. Tất cả những điều trên có mấy ai mà tránh khỏi (có chăng là thánh nhân). Bệnh đọa vào thân, mọi đau đớn thân đều nhận lãnh. Nhẹ thì đau vài ngày, nặng thì chịu cả đời, hết rồi lại phát, dai dẵn không thôi. Tất cả chúng sanh ai cũng đều có thể mắc bệnh nhưng dễ mắc nhất là những người già yếu, từ bệnh lại dẫn đến chết. Kẻ bệnh tật khổ mình thì một mà khổ cho gia quyến thì mười, nào là công chăm sóc, thức đêm canh chừng, bỏ công việc, lo âu triền mien rồi lại chính người đó sanh ra bệnh nữa. Lắm kẻ vì bệnh mà tán gia bại sản lấy tiền thuốc than chạy chữa, khỏi đâu chưa thấy mà cái đói nghèo túng quẫn dần vây lấy rồi. Cả bệnh và già đều là nỗi sợ to lớn nhất của con người lúc còn sống ở dương gian, cho nên con người luôn tìm mọi cách để chống lại chúng. Ngày xưa thời của Trần Thái Tông phụ nữ chỉ biết làm đẹp, người giàu chỉ biết uống thuốc bổ để ngừa già và bệnh. Đến thời này, người ta còn cả phẩu thuật thẩm mỹ, tiêm vắcxin Âu cũng là tìm cách hạn chế. Bài kệ thứ tư nói về tướng Chết: “Cào đất đùng đùng trận gió hanh, Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành. Bốn bề mù mịt mây sầm bóng, Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh. Theo lớp hạt mưa bay phấp phới, Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành. Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh, Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?” Bệnh đến hồi cuối thì phải chết. Ngẫm lại cuộc sống, có kẻ trăm năm, có kẻ yểu mệnh thì cũng phải qua cái ngày chết này. Dù có nhanh cũng không chạy được, dù có trí cũng không trốn khỏi. Cảnh tử biệt làm cho gia quyến đau đớn, người thương mến không khỏi chạnh lòng. Đời người vô thường là vậy, sống đó rồi chết đó, trăng cao rồi trăng cũng lặn lòng sông, thuyền vững trồi thuyền cũng chìm đáy bể. Ngài ví tướng chết của con người là mùa đông trong năm “Càn khôn ứng Thái tuế tròn vòng,nhật nguyệt hướng huyền đều hội tụ. Âm tinh cực thịnh, khắp trời mưa tuyết bời bời, dương khí tan dần, nước tám đức đóng băng càng lạnh buốt.” Trong Kinh Dược sư, phần sám nguyện và hồi hướng có đoạn viết rằng: “Chúng sanh, sự chết sẵn dành, Không ai tránh khỏi tử sanh đến kỳ. Chúng sanh phải chịu chia ly, Giã từ tất cả, ra đi một mình” Trong bốn điều vô thường: sanh, già, bệnh, chết thì chết là điều khiến con người ta sợ hãi nhất. Ví dụ như, một người bị giết, trước khi chết họ còn tìm cách vùng vẫy, nghĩa là còn hướng tới cái sống, một người bị bệnh mà nhất định phải chết, họ vẫn tìm cách kéo dài mạng mình càng lâu càng tốt, đủ để hiểu cái lẽ tham sống sợ chết ở đời. Chết khổ thế nào mà con người lại sợ hãi đến vậy? Trước khi chết thân xác co giật liên hồi, nước đờm trào ra, mắt trợn tròng, tay chân cấu lại, máu ngừng chảy, tim ngừng đập, hơi ngừng thở tất cả chìm trong màu đen đau đớn tận cùng, đầu ốc thì kinh hãi, còn lưu luyến người thân bạn bè không nỡ ra đi, mà có đi cũng chưa biết chốn mình đến sẽ như thế nào, có cô đơn lạnh lẽo yêu ma quỹ quái gì ở đó không, lại còn biết bao nhiêu điều ở dương gian mà mình chưa trải hết, chưa làm hết. Rồi thì, tất cả cứng đờ, lạnh lẽo và mục rữa ra. Cái chết là điều diễn ra cuối cùng trong cuộc đời của mỗi con người, nó còn hiển nhiên hơn cả: sanh, già, bệnh. Có sanh thì ắt có diệt, đèn đốt cũng tới lúc hết dầu, mặt trời mọc rồi cũng đến lúc lặn, ngày rồi cũng tới lúc đêm Trong Trường bộ kinh phần Kinh Đại bát niết bàn có viết về lời dặn của Đức Phật trước khi nhập diệt: "Này các tỳ-kheo, cũng có thể là các người tu hành không gia cư thuộc các giáo lý khác với giáo lý của chúng ta sẽ hỏi các người rằng: Một Đấng Như Lai có còn hiện hữu sau khi chết hay không? [...], thì khi đó các người phải trả lời với họ như thế này: “Này các bạn, điều ấy vị Giác Ngộ không hề nêu lên [...] bởi vì điều ấy không mang lại sự an vui, không mang lại Đạo Pháp đích thật, không giúp chấm dứt sự thèm khát, không mang lại sự an bình, sự đình chỉ, trí tuệ, sự giác ngộ và niết-bàn [...]. Những gì vị Giác Ngộ nêu lên chỉ là Bốn Sự Thật liên quan đến khổ đau, sự chấm dứt của khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt ấy””. Chính Đức Phật cũng phải chết đi, bật giác ngộ ấy hẳn là phi thường hơn cả thánh nhân gấp nhiều lần mà vẫn phải từ giả cõi đời này thì nói gì là những kẻ u minh như chúng ta đây? Và cái chết phi thường ấy là kết thúc của một kiếp, nhưng lại mở ra con đường vô biên cho chánh pháp tiến lên. Chết, là khi đã trả xong nợ tiền kiếp, chấm dứt cái khổ của kiếp hiện sinh , cũng là để bắt đầu một kiếp sống khác. Cũng trong kinh này, Phật còn dạy rằng: trong tất cả vụ mùa, cày cấy vào mùa thu là tốt nhất; trong tất cả bước chân, bước chân voi là vĩ đại nhất; trong tất cả sự chấp nhận, chấp nhận về cái chết, sự vô thường là vĩ đại nhất. Tiểu kết: Đã biết sanh, già, bệnh, chết là qui luật của đời người thì qui luật, ai cũng phải trải qua thì cần gì phải trốn chạy, phải bịt tai nhắm mắt xem như không có. Sao không ung dung tự tại an nhiên mà sống cho hết tuổi trời? Con người cứ còn “chấp” cho nên thân phận vẫn như ngọn đen trước gió chưa thể thoát khỏi luân hồi, cứ chìm trong bể khổ bến mê cùng cùng tận tận. Trần Thái Tông tìm đến cửa Phật, viết được quyển Khóa hư lục này, trong đó có phần nói về sanh, già, bệnh, chết thì hẳn là Ngài cũng đã thông đạt phần nào cái lẽ vi diệu này. Đời là bể khổ - thân là gốc khổ Trần Thái Tông Ngài viết: “Hết thảy các người! Thân là gốc khổ, thể chất là nhân nơi nghiệp, nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con”. Thân là gốc khổ, có thân mới có khổ, thân cực nhọc làm lụm, thân oằn mình chịu bệnh đau nóng rét, mọi họa nghiệt đều đổ lên thân. Nếu tin thân là thân có thật thì chính là tự rước họa vào mình, nên nói là “nhận giặc làm con”. Khi một người chưa sanh ra, chưa là bào thai thì thân là gì, ở đâu? Khi họ chết đi thì thân là gì, ở đâu? Thân xác theo quan niệm nhà Phật là “bởi do niệm khởi duyên hội, năm uẩn hợp thành, thể mạo vọng sanh, hình dung giả có” do đó thân nam nữ là giả, đẹp xấu cũng là giả, chỉ mượn xác phàm để nuôi linh hồn mà thôi. Linh hồn chi phối xác thân, xác thân làm cho cả linh hồn đau đớn nếu sự chi phối đó là sai. Xác thân đôi khi có những dục vọng mà linh hồn biết là không nên nhưng vẫn không ngăn được, cho nên mới đọa vào bể khổ. Có kẻ chỉ biết chạy theo tài sắc rượu thịt, chịu cho lợi danh ràng buộc, khác nào “Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đậy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thúi. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu”, để rồi trầm mình trong bể khổ, đắng cay trong cảnh sinh lão bệnh tử mà không thoát ra được. Cho nên nếu là người sáng suốt thì hãy biết giữ cho thanh tịnh, một lòng hướng thiện sẽ “phá sáu thức làm sáu thần thông, dạo tám khổ thành tám tự tại” Ngài kết bằng bài kệ: “Vô vị chân nhân thịt đỏ au, Hồng hồng bạch bạch chớ lầm nhau, Ai hay mây cuộn, không toàn tịnh, Sương biếc bên trời, một núi xanh” “Vô vị chân nhân” ở đây là con người bản chất chưa có vị trí, tức nói con người sơ khởi của chúng ta, khi chưa có dục vọng phát sinh, rồi sau lớn lên trải qua cuộc sống trần tục thì nó bị đẩy vào một vị trí nào đó. Có vị trí là có “chấp”, có chấp thì không thể thanh tịnh. Ta phải tìm ra cái “vô vị chân nhân” ẩn trong cái xác thân tục này mới mong giác ngộ, như mây tan thì trời hiện trong lành, sương tan thì núi xanh hiện sừng sững. Triết lí nhà Phật sâu rộng không chừng, nhưng tựu trung lại chỉ nói về hai điều chính yếu, là khổ và con đường diệt khổ. Như vậy đủ hiểu cái khổ nó quan trọng và to lớn tới chừng nào, khiến người ta phải vướn vào vòng trầm luân không dứt. Phật dạy sinh là khổ, có lẽ chính bởi như vậy mà đứa bé khi mới lọt lòng mẹ đã cất tiếng khóc, khóc cho những nỗi khổ trong đời mà nó sắp trải qua. Như hai câu thơ đã nhắc ở phần trên: “Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra” Khóc là vì khổ, vậy khổ từ đâu mà ra? Không phải từ những dục vọng, u mê, những cưỡng cầu, những sân si trần tục hay sao? nói cách khác, đó chính là cái nỗi “thiết tha sự thế”, xem sự thế quan trọng hơn sự bình yên trong lòng, đi tranh giành cướp đoạt mọi thứ về cho mình, những tưởng sẽ đủ đầy hạnh phúc, ngờ đâu càng tìm càng mất, càng thiếu, để rồi nhìn lại thì biển xanh đã hóa nương dâu, tóc xanh đã ngã về chiều, người thân li tán, thân già tàn tạ, có còn gì nữa đâu? Xin có sự so sánh với một tác phẩm của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều là Cung oán ngâm khúc: “Nghĩ thân phù thế mà đau, Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê” Cái thân xác tục lụy này là gánh nặng cho linh hồn; sạch dơ, đau sướng, nắng mưa, lạnh nóng đều trải trên thân ta. “Thân phù thế” là cái thân thay đổi theo cuộc đời, cuộc đời ở đây lênh đênh vô định như bọt bèo giữa biển. Sóng đánh tan tành cánh bèo thành bọt nước. Tác giả nhắc đến “bể khổ”, “bến mê”, là những từ ngữ mà Phật gia hay dùng để chỉ cái khổ. Khổ do u mê nên “bến mê” nối liền “bể khổ”. Phật dạy bể khổ vô biên, nước mắt khổ đau của con người rơi xuống còn nhiều hơn cả nước biển. Mùi đời đắng cay nếm vào tê lưỡi, đường đời gập ghềnh chân bước máu tuôn. Những đắng cay gập ghềnh ấy vây lấy kiếp người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi như là đại dương mênh mông đang vờn con thuyền bé nhỏ, con thuyền ở đây cũng chỉ là “bào ảnh”, có đó rồi tan đó, chìm đó. Trong Cung oán ngâm khúc: “Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ, Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu, Sóng cồn cửa bể nhấp nhô, Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh” Đại thi hào Nguyễn Du cũng có sự đồng điệu về bể khổ cuộc đời: “Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” Chữ tài, và nhất là chữ mệnh chứ đeo đuổi bám riết con người ta không tha, bày ra bao nhiêu trò lố lăn, cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc nhìn vào đều cười ra nước mắt, khóc khóc cười cười cười cười khóc khóc. Nói như vậy không phải để cho mọi người cảm thấy cuộc đời thật tồi tệ để rồi quay lung lại với nó, mà điều cố yếu ở đây chính là lẽ vô thường; ta không phá vở được qui luật của tạo hóa thì sao không phá mê bỏ chấp sống tự do an nhiên mà lại cứ biết là khổ mà vẫn lao mình vào, hoặc lo lắng cho nhọc thân xác vốn đã nhiều khổ lụy? Buông bỏ và điều quí nhất của đời người Ở đời vàng ngọc là rất quí, nhưng xét cho kĩ thì chẳng bằng thân mạng. Nhưng nếu xét kĩ hơn nữa, đến tận gốc rễ thì thân mạng là “gốc khổ” như đã nói ở phần trên. Lão Tử trong Đạo đức kinh viết: “Tôi sở dĩ có hoạn lớn, vì tôi có thân”, nên thân mạng chỉ là cái quí nhất trong những cái tầm thường. Vậy phải cho cái quí nhất trong những cái phi thường là đáng quí. Đó là cái gì? Nghĩ ở góc độ hẹp, vàng bạc mua được đồ ăn thức uống, quần áo tư trang, mua nhà cửa thế thì đáng quí thật. Nhưng một người sắp chết, vàng bạc đâu có cứu được họ? Họ cần được sống hơn hết thẩy. Song, người sống ở đời chẳng phải là hay cảm thấy mình khổ sở hay sao? Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo sinh lão bệnh tử, kể cả cái gai nhọn “ái tình sắc dục” cũng đâm vài thịt xương gây đau đớn khôn cùng. Sinh đó rồi chết đó, giàu đó rồi nghèo đó, vinh đó rồi nhục đó, sướng đó rồi khổ đó Thoáng choc trăm năm sự sống, muôn vạn bạc vàng cũng về với cát bụi, tất cả chỉ là một chữ vô thường. Thế nên Ngài viết “Tuy thân mạng thật là quí trọng, vẫn chưa quí trọng bằng Đạo tối cao”. Người theo Phật là người phải biết buông bỏ. Như Phật Thích Ca bỏ ngai vàng để theo đường tu hành, hay nhiều nhân vật khác: Bàng Long Uẩn, Tô Đông Pha, Diệu Thiện cũng từ bỏ những điều vinh hiển mà theo nghiệp tu tập này. Đó là bởi họ nhận ra, càng thu lấy thì càng hại xác thân, càng buông bỏ, đến mức “tứ đại giai không” thì thân này mới an lạc. Con đường danh lợi như là một bãi lầy, vừa bẩn vừa dơ nhưng con người ta vẫn tranh nhau mà bước đến nỗi xác thân nhơ nhớp, có khi còn chết ngạt trong bùn. Trong Cung oán ngâm khúc: “Gót danh lợi bùn pha sắc xám” Phú quí vinh hoa ví như mồi, như bã là những thứ tạp nham đã vứt đi nay được đem làm vật dụ dỗ câu dẫn kẻ u mê. Thật ra tất cả chỉ như là một giấc mộng Nam Kha, rồi thì cũng tỉnh giấc, tưởng là có, mà ngờ đâu là không, có với không chỉ nhanh như một cái chớp mắt: “Mồi phú quí dữ làng xa mã, Bả vinh hoa lừa gã công khanh, Giấc Nam Kha khéo bất bình, Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” Kinh Kim cang có bài kệ Lục như viết: “Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương, như chớp loé, Hãy quán chiếu như thế” Tất cả mọi hoạt động cùa con người, tất cả mọi sự vật, hiện tượng mà đa số mọi người đều có thể nhìn thấy, hoặc cảm nhận, hoặc đoán biết được nó đều gọi là pháp hữu vi. Pháp hữu vi có nhưng không thật, luôn thay đổi, luôn biến chuyển như mộng, huyễn, bọt, bóng, thoáng có thoáng không. Nói cách khác là vô thường. Nhưng nhân gian luôn nhằm tưởng nó là có thật nên mãi chưa thoát được khỏi cảnh trầm luân, bơi trong bể khổ. Cái mộng ảo đó, không nắm bắt được thì đừng cố gắng, giống như đi bắt bóng của mình mà thôi, hãy buông bỏ. Như Lão tử đả từng nói, bỏ rồi lại bỏ, tới mức vô vi, đó là đạo lớn. Bỏ ở đây không phải là bỏ cơm, bỏ tắm, bỏ hoạt động, mà có nghĩa là đừng gá cho chúng những vai trò cố hữu, hãy xem chúng như lẽ hiễn nhiên chúng ta phải làm, tạo hóa sinh ra ai cũng phải làm như vậy, cứ thông thả an nhiên, đạo lớn càng nắm thì càng hở, càng buông thì càng chặt. Sai lầm trong đời người và sự sám hối Trong đời, khó ai có thể không mắc phải một lỗi lầm nào. Có chăng là thánh, nhưng thánh không tự nhiên mà có, cũng phải trải qua tu tập, có sai lầm rồi mới biết phải sửa chữa, dần dần hoàn thiện, cho nên thánh cũng là những người đã từng mắc sai lầm và biết sửa chữa mà thôi. Nói như vậy để biết được rằng, sai lầm khó tránh, nhưng khi sai thì điều quan trọng là phải biết sửa chữa, phải biết sám hối. Ngài viết “Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ là nhờ xe thuyền, tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm là do sám hối”. Việc sám hối cũng giống như là một con thuyền, người muốn qua sông nước thì cần thuyền, người muốn qua sông đời thì cần phải sám hối. Kinh Đại Tập lại nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt”, đời người trăm năm cũng như một chiếc áo đã bám bụi, không giặt sạch thì chỉ còn đem bỏ chứ không thể dùng được, còn muốn dùng lại thì phải đem giặt, tuy có thể không sạch hết bụi nhưng mà vẽ sáng của nó vẫn còn đó, công dụng củ nó vẫn còn đó. “Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! công dụng sám hối lớn lao há chẳng vậy sao?” đó là cái lợi lớn lao của việc sám hối, tức khởi thâm thiện lương, cái tâm thiện của kẻ biết sám hối sáng như mặt trăng giữa đêm, thật đáng quí, đáng thực hành. Sám hối không chỉ là điều then chốt mà một người tu hành phải làm, mà nó còn là một hành động nên có ở bất kì một ai. Có biết sám hối, khắt phục lỗi lầm thì mới mong được thanh thản, cuộc sống mới thật thoải mái, lòng người nhẹ nhàng hơn. Trong kinh Pháp bảo đàn của Lục tổ Huệ Năng giảng có đoạn giải thích về sám hối: “Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau”. Nghĩa là ăn năng hối lỗi trước những việc sai trái đã làm và nguyện rằng sẽ không sai phạm nữa, thành tâm sửa đổi: “Tội từ tâm khởi ngay tâm sám Tâm xấu diệt rồi tội cũng tiêu Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không Thế mới gọi là chơn Sám Hối.” Có nhiều người chỉ xem sám hối như một nghi lễ, còn về ý nghĩa thì chẳng hiểu gì, chỉ làm qua loa cho xong chuyện. Nhưng, nếu vậy thì chẳng có lợi ích gì, vì mục đích của việc sám hối là làm cho sáng rõ tâm ta, xóa mờ bóng đêm tội lỗi trong lòng. Lòng không thành tâm thì cũng như đem nước sạch đổ xuống ao dơ, một thao nước sạch chẳng đủ làm thay đổi, lòng thành tâm như đại dương bao la, rửa sạch mọi vết dơ bẩn. Người biết sám hối là người còn có thiên lương, tuy có lúc không biết giữ mình do những cám dỗ chốn trần ai hay do những oán thù, vô minh mà tạo nghiệp, nhưng biết ăn năng thì đáng được tha thứ, biết sửa chửa thỉ đáng tuyên dương. Có sai thì sau này mới biết mà tránh rơi vào đường cũ. Thân phận con người vô cùng nhỏ bé, không thể thay đổi được số phận, nhưng cố gắng sống cho tốt, cho thiện thì nhất định sẽ được hưởng hậu kiếp an vui. Trần Thái Tông thật hiểu rõ về chuyện sám hối này, do vậy mới có sự chiêm nghiệm đáng nghĩ suy như thế. Phần ba: Kết luận Khóa hư lục không chỉ là một tác phẩm kinh điển của thiền Phật Việt Nam, mà nếu nhìn từ gốc độ một tác phẩm văn học nó còn mang tính nhân văn sâu sắc. Tính nhân văn ở đây thể hiện ở sự phán ảnh về cuộc đời của con người qua những luận thuyết đơn giản nhưng hàm chứa nhiều điều cần phải suy ngẫm. Ví dụ như sanh, già, bệnh, chết, hay các giới, hay là các nói về sắc thân Chúng rất dễ hiểu, dễ thấy nhưng do cuộc sống hằng ngày quá bận rộn mà ta không có thời gian nhìn lại, hay là thấy mà cố tình không biết. Giá trị của tác phẩm đã được chứng minh khi nó còn tồn tại và được sự dày công nghiên cứu, để tư tưởng nhân văn bên trong đó được người sau học tập và tu rèn. Còn về tác giả viết ra nó – vua Trần Thái Tông đã là một minh quân khi còn trị vì, và một người học Phật uyên thâm trong quá trình tu tập,. So với kinh Phật và nhiều tư tưởng khác, ta còn thấy sự tương đồng, có khi còn bổ sung cho nhau. Lượng tri thức và kinh sách mà Trần Thái Tông đã lĩnh hội không hề thua một vị thiên sư cao đạo. Không cần bàn thêm công đức của Ngài thì cũng đã đủ để hậu thế ngưỡng vọng. Càng đi sâu và Khóa hư lục, ta càng cảm thương cho thân phận con người càng nhỏ bé trước sự vô thường của cuộc đời, luôn khổ đau trong dòng trầm luân do chấp mê, do tham sân si, không chịu buông tay. Nhưng, đây cũng như là một hồi chuông vang, cảnh tỉnh cho những ai còn u mê mau chóng tìm đường thoát khổ. Cuối cùng, kính mong thầy cùng đọc và cho chúng em nhận xét để có thể hoàn thiện bài làm của mình. Tài liệu tham khảo Khóa hư lục giảng giải, Hòa thượng Thích Thanh Từ. Bài viết: “Khóa hư lục – một kiệt tác phẩm của nền văn học dân tộc thế kỷ XIII”, Hòa thượng Thích Đức Nhuận ( Tài liệu Phật học cơ bản – PGS.TS Nguyễn Công Lý. Việt Nam Phật giáo sử luận I – Nguyễn Lang. Một số trích dẫn kinh Phật trong: Thập thiện nghiệp đạo, Bồ tát tạng kinh, Luận đại trí độ, Kinh Dược Sư, Đại bát niết bàn, Kim cang kinh Bài thơ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều Đạo đức kinh – Nguyễn Duy Cần, NXB trẻ in Mục Lục Đề mục Trang Phần một: Trần Thái Tông và Khóa hư lục Thành viên nhóm: Phan Hiệp Hưng (MSSV: 1356010053) Đinh Thị Thanh Hiền (MSSV: 1356010040) Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (MSSV: 1356010038) Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (MSSV: 1356010037 Hoàng Anh Thu Quỳnh (MSSV: 1356010104)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxnhom_8373.docx