Thời kỳ 1921 - 1929 trong lịch sử cách mạng Việt Nam được coi là thời kỳ tìm tòi và định hướng. Trong gần một thập kỷ đó, luồng tư tưởng dân chủ tư sản mà đại diện là một số tổ chức đang phái ra sức lôi kéo quần chúng nhân dân nhưng tỏ ra lỗi thời và đều thất bại trong vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ lịch sử trong khi đó, khuynh hướng mácxít - lêninnít mà tiêu biểu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và các tổ chức cách mạng (Hội Thanh niên 1925 - 1929, Hội Phục Việt 1925 ) tỏ ra sức hấp dẫn quần chúng và dần khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng. Hệ tư tưởng vô sản tỏ ra ưu việt và chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị tư tưởng giải phóng dân tộc.
Từ Tâm Tâm xã (1923) đến sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là hiện thực của một thời kỳ vận động thành lập đảng sôi nổi. Đây là giai đoạn hệ tư tưởng vô sản khẳng định vị thế, đồng thời đấu tranh thắng lợi đập tan chủ nghĩa cải lương ru ngủ quần chúng và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của tư sản và tiểu tư sản, vạch trần những thủ đoạn xảo trá của đế quốc và tay sai.
26 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3724 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tình hình các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ TÀI
“Tình hình các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929”
Giáo viên hướng dẫn :
Họ tên sinh viên :
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngày nay khi đất nước giành được độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, từng bước xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn đó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực phản động tìm mọi cách lôi kéo, công kích và nói xấu chế độ ta. Vì vậy để có được sự ổn định về chính trị và xã hội thì vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định. Qua hơn 80 năm ra đời, tồn tại Đảng Cộng sản Việt Nam là con thuyền đưa đất nước vượt qua bao khó khăn, thử thách, chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược, từng bước xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, biến Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Hàng loạt các phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đã nổ ra để chống phong kiến và thực dân nhưng đều thất bại đã phản ánh một thực tế là các phong trào thời kỳ này chưa có một tổ chức Đảng đúng đứn để lãnh đạo các phong trào đó, phản ánh sự khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo. Thời đại mới quy định những nhiệm vụ mới và vấn đề đặt ra là phải có một giai cấp tiên tiến đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ này. Mặt khác trải qua hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho kinh tế, văn hóa tư tưởng, xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, nhiều thành phần kinh tế, nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội mới ra đời với nhiều hệ tư tưởng khác nhau.
Đầu thế kỷ XX các sự kiện và luồng tư tưởng dân chủ tư sản từ Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản dồn dập xuất hiện ở Việt Nam từ đó chưa bao giờ ở Việt Nam lại xuất hiện nhiều tổ chức đảng phái và các tư tưởng chính trị đến như vậy.
Đến những năm 20 của thế kỷ XX ở Việt Nam tồn tại song song hai khuynh hướng phát triển đó là khuynh hướng tư sản và khuynh hướng vô sản với nhiều đảng phái nối tiếp nhau ra đời, tồn tại và lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân ta thời kỳ này, mỗi đảng phái đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, có những đảng đứng trên lợi ích của dân tộc, có những đảng đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu. Để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh ra đời, quá trình hoạt động, vai trò của các đảng phái chính trị ở Việt Nam trong thời kỳ 1921 - 1929 nhằm đánh giá một cách khách quan sự lãnh đạo cũng như lập trường của các Đảng chính trị đó vì vậy chúng tôi quyết định chọn đề tài “Tình hình các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
* Nhóm thứ nhất, bao gồm các công trình nghiên cứu chung về Đảng chính trị như: Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1975; Đinh Trần Dương: Tân Việt Cách mạng Đảng trong cuộc vận động thành lập Đảng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006; Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000; Nguyễn Văn Khoan: Nguyễn Ái Quốc với công tác giao thông liên lạc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2005; Nguyễn Bá Ngọc: Biên niên sự kiện Hồ Chí Minh, Nxb. Lao động, 2006; Nguyễn Quang Ngọc: Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 2009; Phạm Xanh, Đặng Hoà, Đào Phiếu: Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986.
* Nhóm thứ hai, bao gồm các công trình chuyên khảo của Việt Nam như: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Các tổ chức tiền thân của Đảng, Nxb. Sự Thât, Hà Nội, 1977; Bộ Giáo dục và Đào tạo: Một số chuyên đề Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007; Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007; Học viện CTQG Hồ Chí Minh-Khoa Xây dựng Đảng: Giáo trình Xây dựng Đảng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995; Viện Lịch sử Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987; Trích tác phẩm kinh điển về xây dựng Đảng, Nxb. Sách giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội, 1984.
* Nhóm thứ ba, bao gồm các công trình của học giả nước ngoài như Đồng chí Hồ Chí Minh của Kobelev; Huỳnh Kim Khánh: Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam 1920 – 1945; Gabrielle Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh; Wilfred Burchette: Tam giác Trung Quốc - Việt Nam – Campuchia…
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu một cách khái quát hoàn cảnh ra đời và quá trình hoạt động của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929, từ đó tổng kết những đóng góp cũng như hạn chế của các Đảng chính trị đó.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Làm rõ được quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về sự xuất hiện của các Đảng chính trị trong phong trào cách mạng.
- Tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời và quá trình hoạt động của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929.
- Nêu lên được những đóng góp và hạn chế của các Đảng chính trị cũng như những vấn đề gợi mở nghiên cứu tương lai.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu:
Nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời và quá trình hoạt động của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929, những đóng góp và hạn chế của các Đảng chính trị đó.
4.2. Phạm vi nghiên cứu:
Tình hình của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1.Phương pháp luận:
Chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự xuất hiện của các Đảng chính trị trong phong trào cách mạng.
5.2. Phương pháp cụ thể:
Phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic và kết hợp phương pháp lịch sử và lôgíc, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống.
Ngoài ra còn sử dụng các nguồn tư liệu, sách báo, tạp chí nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời và quá trình hoạt động của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929.
6. Ý nghĩa của đề tài
- Trên cơ sở nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời, quá trình hoạt động và vai trò của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929 để từ đó tổng kết những đóng góp và hạn chế của các Đảng chính trị đó và từ đó nêu lên những vấn đề gợi mở cho việc nghiên cứu trong tương lai.
- Khẳng định sự thắng thế của hệ tư tưởng vô sản trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự xuất hiện Đảng chính trị ở Việt Nam.
Chương 2: Sự xuất hiện và hoạt động của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929.
Chương 3: Tổng luận từ quá trình nghiên cứu.
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CHO SỰ XUẤT HIỆN ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Chủ nghĩa Mác - Lênin bàn về sự xuất hiện Đảng phái chính trị
Từ những thất bại của các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong những năm 40 của thế kỷ XIX, họ đã tìm ra nguyên nhân và cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản là việc thiếu một tổ chức đảng chính trị mới đại diện cho lợi ích mới của giai cấp công nhân nhằm tập hợp lực lượng, đưa phong trào đấu tranh có tính tổ chức kỷ luật.
Trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản C.Mác và Ph.Ăngghen bước đầu đã bàn về đảng chính trị của giai cấp công nhân, trước tiên hai ông chỉ ra những người cộng sản không phải là một Đảng riêng biệt, đối lập với các Đảng công nhân khác, họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, tiên tiến nhất. Nhưng giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình khi nó tự tổ chức ra được chính đảng độc lập của nó. Như vậy muốn giành được chính quyền thì vấn đề căn bản là phải tổ chức thành lập Đảng chính trị của giai cấp mình, Đảng chính trị là lực lượng tiên phong lãnh đạo, tổ chức cuộc đấu tranh thống nhất đường lối đúng đắn, chủ động tự giác.
Trên cơ sở kế thừa, phát triển những nguyên lý xây dựng đảng của C.Mác và Ph.Ăngghen, những nguyên tắc cơ bản xây dựng đảng kiểu mới được V.I.Lênin trình bày trong các tác phẩm Làm gì (3 - 1902) - tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các tổ chức địa phương xung quanh tờ báo “Tia lửa” để thực hiện kế hoạch của Lênin về xây dựng Đảng, V.I.Lênin đã lý giải một cách khoa học nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác: Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
V.I.Lênin cho rằng: không có con đường nào khác để đi tới CNXH, ngoài con đường thông qua phong trào công nhân. Nhưng muốn đấu tranh cách mạng trước hết phải thành lập một chính đảng của GCCN.
Những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự xuất hiện của các Đảng chính trị có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn đối với các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới.
1.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải có Đảng chính trị trong phong trào cách mạng
Giữa cảnh hoang mang, bế tắc của những người yêu nước đầu thế kỷ XX, Ngày 5 - 6 - 1911, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước với lòng nung nấu tìm những gì ẩn sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái, xem người ta làm như thế nào để rồi về giúp đồng bào. Năm 1921 với tư cách là đảng viên của Đảng xã hội Pháp, tham dự cuộc tranh luận trong nội bộ Đảng về thái độ đối với Quốc tế thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp xúc với tư tưởng của V.I.Lênin qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Người tìm hiểu kỹ quan điểm của V.I.Lênin về mối quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng vô sản ở Tây Âu và cách mạng giải phóng dân tộc: “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc. Cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”. Qua đó chúng ta thấy từ rất sớm, Người đã gắn chặt vấn đề giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Từ luận điểm đó Người nêu bật tầm quan trọng, ý nghĩa của sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản, tác dụng tích cực và chủ động của các Đảng Cộng sản.
Như vậy theo Hồ Chí Minh muốn giải phóng dân tộc thì chúng ta phải có một đảng chân chính lãnh đạo, đó là Đảng đại diện cho lợi ích của toàn thể dân tộc, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Tiền đề về kinh tế
* Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914)
Quá trình thực dân Pháp xâm lược, cai trị và bóc lột thuộc địa qua các chương trình khai thác thuộc địa đã làm thay đổi sâu sắc các mặt của đời sống kinh tế.
Thứ nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đầu tư mở mang công thương nghiệp. Ngành khai thác mỏ được thực dân Pháp tập trung đầu tư vì nhanh chóng thu được lợi nhuận.
Thứ hai là chính sách cướp đoạt ruộng đất. Mặc dù nông nghiệp chưa phải là lĩnh vực được quan tâm nhất lúc này nhưng tư bản Pháp, hiểu rõ vị trí của vấn đề này trong tương lai. Với đủ mọi mánh khóe tàn ác, chúng đã cướp đoạt tới 470.000 ha năm 1913 so với 10.000 ha năm 1890.
Thứ ba là chính sách thuế khóa gồm thuế trực thu (thuế đinh và thuế điền) và thuế gián thu (thuế muối, thuế rượu và thuế thuốc phiện). Trong bước đầu thiết lập chế độ thuộc địa và khai thác kinh tế, thực dân Pháp cũng chú trọng cuộc xâm lăng về văn hóa, trong đó tập trung vào ba mặt chủ yếu sau:
Một là, nhập cơ sở vật chất kỹ thuật ấn loát, tạo điều kiện để văn minh phương Tây chế ngự dần, loại bỏ dần chữ Hán và Nho học.
Hai là, đào tạo lớp trí thức mới Tây học, tầng lớp “thượng lưu trí thức”.
Ba là, cổ vũ cho những tư tưởng thân Pháp, vong bản, chống đối, ngăn cản những tư tưởng tiến bộ kể cả tư tưởng dân chủ tư sản Pháp.
* Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp (1919-1929).
Về mục tiêu, cuộc khai thác thuộc địa lần này vẫn theo đuổi một ý đồ nham hiểm là bòn rút thuộc địa để làm giàu cho chính quốc nhưng không cho thuộc địa có cơ hội cạnh tranh với chính quốc.
Về cường độ, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai diễn ra với một cường độ mạnh. Chỉ tính riêng trong 6 năm (1924 - 1929), tổng số vốn đầu tư của tư bản Pháp vào Đông Dương đã tăng gấp 6 lần so với 20 năm trước chiến tranh.
Về các lĩnh vực đầu tư, có sự thay đổi rất lớn. Nếu như trong khai khác thuộc địa thứ nhất, khai khoáng chiếm vị trí hàng đầu, thì trong cuộc khai thác thuộc địa lần này thì nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu.
Như vậy trải qua hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho nước Việt Nam không thể phát triển lên tư bản một cách bình thường được, nền kinh tế Việt Nam bị kìm hãm trong vòng lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế Pháp. Bên cạnh phương thức sản xuất phong kiến chỉ xuất hiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cái cũ, cái mới đan xen nhau nhưng nói chung bị kìm hãm nặng nề, phát triển chậm chạp, què quặt, yếu ớt.
1.2.2. Tiền đề về xã hội
Kết cấu giai cấp thay đổi: Ngoài hai giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân đã tồn tại từ lâu trong lòng xã hội Việt Nam, giai cấp tiểu tư sản trí thức đã có trong xã hội phong kiến nay đã tăng lên đáng kể đồng thời xuất hiện các giai cấp mới là tư sản và công nhân. Mỗi giai cấp có địa vị kinh tế và thái độ chính trị khác nhau đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
Giai cấp địa chủ phong kiến: Đây là giai cấp rường cột của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc và có những công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Nhưng từ thế kỷ XVI, nhất là từ thế kỷ XVIII nó đi vào con đường suy vong đến thế kỷ XIX, nó trở thành giai cấp phản động đầu hàng đế quốc khi thực dân Pháp xâm lược và được đế quốc Pháp dung dưỡng để làm công cụ cho nền thống trị. Đến một mức độ nhất định nội bộ giai cấp này đã xuất hiện sự phân tầng rõ rệt: Một bộ phận đại địa chủ (vua, quan lại lớn, đại địa chủ ở thôn quê) làm tay sai cho chủ nghĩa thực dân, cấu kết với đế quốc bán rẻ quyền lợi của dân tộc, bóc lột nhân dân (nông dân), quyền lợi kinh tế chính trị gắn liền với đế quốc thực dân. Vì vậy đây là đối tượng mà cách mạng cần thiết đánh đổ. Bộ phận địa chủ vừa và nhỏ: Do không được thực dân Pháp cho hưởng nhiều quyền lợi do vậy có mâu thuẫn nhất định. Trong họ vẫn còn có tinh thần dân tộc chống thực dân. Họ có tinh thần yêu nước trong điều kiện lịch sử nhất định, nếu được hướng dẫn lãnh đạo họ sẽ là bạn đồng minh có điều kiện của cách mạng.
Giai cấp nông dân là thành phần chiếm tuyệt đối đại đa số (khoảng 90%) trong xã hội Việt Nam, phải chịu hai tầng áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến, họ bị bần cùng hóa, bị tước đoạt ruộng đất, bị mất nhà cửa, lâm vào cảnh đói rét, buộc phải tha phương cầu thực, đi làm phu mỏ, phu đồn điền. Tình cảnh khốn khổ, bần cùng của giai cấp nông dân Việt Nam đã làm tăng thêm lòng căm thù đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm tăng thêm ý chí cách mạng của họ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành lại ruộng đất và quyền sống tự do, hạnh phúc của người dân.
Nông dân có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, chống áp bức bóc lột bất công. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nông dân có một vị trí, vai trò quan trọng: Là lực lượng cách mạng đông đảo to lớn nhất, là bạn đồng minh tin cậy nhất của giai cấp công nhân, cùng với giai cấp công nhân là động lực chính của cách mạng Việt Nam. Giai cấp nông dân là giai cấp cũ, không có hệ tư tưởng độc lập do vậy dù thiết tha với độc lập và quyền lợi giai cấp nhưng không thể lãnh đạo cách mạng được. Chỉ đi theo giai cấp công nhân và chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân mới phát huy hết sức mạnh đầy đủ, nguyện vọng tha thiết của họ mới được thực hiện.
Giai cấp tư sản Việt Nam: Nguồn gốc: Một ít xuất thân từ địa chủ tư sản hóa hoặc quan lại, tiểu chủ, tiểu thương đi buôn nhưng chủ yếu đi lên từ những người làm thầu khoán, đại lý cho Pháp. Chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực thương nghiệp “mua rẻ bán đắt”, thủ công nghiệp và một ít trong giao thông vận tải, ngân hàng và khai mỏ. Sau chiến tranh gặp những điều kiện thuận lợi nên hoạt động kinh doanh của họ càng trở nên sôi nổi hơn, đa dạng hơn. Họ kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ xay xát, nhuộm, dệt, in ấn, vận tải đến sản xuất nước mắm, đường, xà phòng…Một số đã có trong tay một sản nghiệp lớn như mỏ, đồn điền, công ty vận tải sông biển, các công ty thương mại... Tư sản Việt Nam từ một tầng lớp trở thành một giai cấp thực sự sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Do điều kiện kinh doanh giai cấp tư sản Việt Nam tự phân thành hai bộ phận: tư sản mại bản là bộ phận có quyền lợi chính trị, kinh tế của bộ phận này gắn chặt với lợi ích kinh tế của tư bản thực dân và tư sản dân tộc là bộ phận có lợi ích kinh tế không đồng nhất với lợi ích kinh tế của chính quyền thực dân. Tuy nhiên do địa vị kinh tế bấp bênh, tinh thần dễ giao động, không kiên định lập trường, khi phong trào cách mạng lên cao thì họ sợ, còn đế quốc mạnh thì dễ bề thỏa hiệp. Vì vậy trong sách lược chọn bạn đồng minh, tư sản dân tộc là một lực lượng cần lôi kéo.
Giai cấp tiểu tư sản Việt Nam: Giai cấp tiểu tư sản được kết hợp lỏng lẻo bởi ba bộ phận: trí thức, tiểu thương và thợ thủ công. Điểm chung của họ là thị dân, sở hữu một ít tư liệu sản xuất (vốn, chất xám).
Bị đế quốc và phong kiến bóc lột và khinh miệt nên đời sống của tiểu tư sản Việt Nam bấp bênh và dễ bị phá sản trở thành những người vô sản, họ có tinh thần dân tộc, nhất là tiểu tư sản trí thức rất nhạy cảm với thời cuộc. Trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi giai cấp, tiểu tư sản có một vai trò quan trọng, lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân lại chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tiến bộ từ bên ngoài truyền vào, vì vậy đây là lực lượng có tinh thần cách mạng dân tộc, dân chủ nhưng do địa vị kinh tế bấp bênh, nội bộ giai cấp không thuần nhất, mỗi bộ phận có cách làm khác nhau, thái độ chính trị hay dao động nên không thể lãnh đạo cách mạng. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiểu tư sản là một lực lượng bạn đồng minh có sách lược của giai cấp công nhân.
Giai cấp công nhân là giai cấp ra đời đầu tiên, ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp trước hết là do nhu cầu của chủ nghĩa tư bản Pháp. Nguồn gốc của giai cấp công nhân Việt Nam, đa số xuất thân từ giai cấp nông dân, nạn nhân của chính sách chiếm đoạt ruộng đất mà thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam. Ngoài ra còn có một bộ phận thợ thủ công, một số thợ chuyên môn ở các trường kỹ nghệ thực hành…
Tuy ra đời muộn nhưng đã mang bản chất của GCCN quốc tế: Đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, làm thuê và bị bóc lột giá trị thặng dư; Có tinh thần cách mạng triệt để, có ý thức tổ chức kỷ luật cao; Có khả năng đoàn kết nội bộ, quy tụ đoàn kết các giai cấp khác; Có tinh thần đoàn kết quốc tế.
Bên cạnh bản chất chung của giai cấp vô sản thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam còn mang những đặc điểm riêng do điều kiện lịch sử cụ thể quy định như ra đời giữa lúc phong trào cộng sản thế giới đang phát triển thắng lợi, tiêu biểu là cách mạng tháng Mười Nga (1917), Quốc tế Cộng sản (1919), khi mà chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên phổ biến và đi từ lý luận trở thành thực tiễn; ra đời ở một nước thuộc địa, chịu ba tầng áp bức bóc lột bất công (đế quốc, phong kiến, tư sản trong nước); xuất thân chủ yếu từ nông dân nên có mối liên hệ máu thịt với nông dân, đây là cơ sở để thiết lập liên minh công - nông; mối thù dân tộc hòa cùng mối thù giai cấp “là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Giải phóng giai cấp mình cũng là giải phóng toàn thể xã hội”.
Tất cả những đặc điểm trên đã quy định giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp cách mạng triệt để nhất, là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới những thắng lợi.
1.2.3. Tiền đề về văn hóa - tư tưởng
Cùng với sự đầu tư khai thác thuộc địa gia tăng sau chiến tranh, đời sống kinh tế và xã hội nước ta có những chuyển biến mạnh mẽ. Một nền kinh tế với cấu trúc đa ngành đã xuất hiện. Một hệ thống đô thị đã hình thành và phát triển. Một nền giáo dục Pháp - Việt, sau nhiều lần cải cách và tìm kiếm những mô hình hợp lý, đã phát huy tác dụng. Các cơ sở in ấn, xuất bản đã xuất hiện ở các thành phố lớn. Hàng loạt những tờ báo, tạp chí chữ Pháp và Quốc ngữ đã ra đời.
Thực dân Pháp thực hiện chính sách văn hóa mang tính thực dân, duy trì các hủ tục lạc hậu và đầu độc nhân dân ta bằng thuốc phiện, rượu cồn; tuyên truyền tâm lý tự ti…, hủy hoại các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình sinh tồn, thị dân đã tạo ra một lối sống riêng, một phong tục tập quán riêng, vừa kế thừa những giá trị truyền thống nhưng đồng thời cũng có những nét khác với lối sống của nông dân. Một hệ thống thành thị phát triển, thị dân trở nên đông đúc là những tiền đề, những điều kiện để tiếp nhận văn hóa phương Tây. Tóm lại với sự hình thành và hoàn thiện một hệ thống thành thị kiểu phương Tây, trong xã hội Việt Nam đã xuất hiện nền văn minh đô thị, một nền văn minh tiên tiến thúc đẩy xã hội Việt Nam vươn tới.
Chương 2. SỰ XUẤT HIỆN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM 1921 - 1929.
2.1. Sự cần thiết phải có tổ chức lãnh đạo phong trào giai cấp và dân tộc những năm 1921-1929
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, hàng loạt các phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc của giai cấp tư sản và tiểu tư sản trí thức liên tục nổ ra khắp mọi miền đất nước nhưng các phong trào đó nhanh chóng bị dập tắt, bị dìm trong bể máu đã phản ánh một thực tế là các tư tưởng của các nhà yêu nước thời kỳ này còn chưa thoát khỏi ý thức hệ của giai cấp mình, chưa thực sự đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, chưa có một tổ chức đảng đúng đắn để lãnh đạo các phong trào đó, sự thất bại của các cuộc đấu tranh dựa trên ý thức hệ phong kiến và tư sản đã phản ánh sự bế tắc của một đường lối cứu nước và sự hạn chế không còn khả năng lãnh đạo quần chúng nhân dân của giai cấp địa chủ phong kiến và tư sản. Như vậy đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, thực chất là khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo.
Vì vậy vấn đề đặt ra là phải có một tổ chức đại diện cho lợi ích của dân tộc đứng ra lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Từ thực tế đó chưa bao giờ ở Việt Nam lại xuất hiện nhiều Đảng chính trị như vậy. Các Đảng chính trị đó đã ra đời và dẫn dắt phong trào đấu tranh của nhân dân ta.
2.2. Các Đảng phái và quá trình hoạt động của chúng
2.2.1. Đảng Lập hiến
2.2.1.1. Hoàn cảnh ra đời
Năm 1923, ở Nam Kỳ, trong giới quan chức cấp cao và tư sản, điền chủ đã hình thành một khuynh hướng chính trị mang tính chất cải lương nhằm vận động chính quyền thực dân ban hành những cải cách. Khuynh hướng này đương thời được gọi là Lập hiến và lãnh tụ là Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phan Long.
2.2.1.2. Quá trình hoạt động
Mặc dù Đảng Lập hiến đẩy mạnh các hoạt động ở Nam Kỳ, ở Pháp và nước ngoài như việc tham dự đại hội thành lập Liên đoàn chống đế quốc tại Brúcxen (thủ đô Bỉ, tháng 2 - 1927) nhưng những ảnh hưởng và hoạt động của nó chỉ giới hạn trong tầng lớp trên ở Nam Kỳ và bản chất cơ hội, vụ lợi, các lãnh tụ Đảng Lập hiến đã sớm phơi bày sự phản bội đối với phong trào dân tộc, thực chất đây chỉ là một Đảng phái chính trị tay sai của chính quyền thực dân.
Về tổ chức Đảng này chưa xây dựng thành hệ thống. Hoạt động của họ chỉ giới hạn trên diễn đàn báo chí hoặc trong các kỳ tranh cử vào hội đồng thuộc địa, hội đồng thành phố. Mục đích của họ là đòi thực dân Pháp ban hành một số cải cách về tự do dân chủ, một chế độ tự trị trong khuôn khổ chế độ thực dân…, chủ trương của Đảng Lập hiến là đấu tranh ôn hoà, thoả hiệp với thực dân Pháp vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX nhằm giành quyền lợi về kinh tế cho người Việt, chủ trương giành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân, thu thập và phát triển văn hoá mới theo phương Tây. Lập trường của họ là chủ nghĩa quốc gia cải lương. Khi được thực dân Pháp ban bố một ích quyền lợi thì Đảng Lập hiến ngả hẳn sang lập trường chính trị phản động, gắn bó với thực dân Pháp, chống phá cách mạng.
2.2.2. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
2.2.2.1. Hoàn cảnh ra đời
Sau khi tiếp xúc, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm Tâm xã, tuyên truyền giác ngộ họ và tháng 2 - 1925 lập ra nhóm Cộng sản đoàn làm hạt nhân cho một tổ chức cách mạng rộng lớn hơn. Tháng 6 - 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ 9 thành viên của Tâm Tâm xã đã được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ.
2.2.2.2. Quá trình hoạt động
Trong đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có những nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tiếp đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai: Thành lập chính phủ công nông binh, thực hiện chính sách phát triển sản xuất, xóa bỏ tư bản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa ở Việt Nam và trên thế giới.
Thứ ba: Đoàn kết với giai cấp vô sản và phong trào cách mạng thế giới.
Về tổ chức, Hội tổ chức một hệ thống gồm 5 cấp: Tổng bộ, Xứ (kỳ) bộ, Tỉnh (thành) bộ, Huyện bộ và Chi bộ, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Sau khi thành lập, hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tập trung vào các hướng sau đây:
Một là, đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng được tiến hành theo hai phương thức: tự mở lớp và gửi học sinh đi học.
Cùng với việc đào tạo, Hội rất chú trọng tới việc xuất bản báo chí, sách vở làm phương tiện tuyên truyền đường lối của Hội trong quần chúng nhân dân lao động. Nói đến báo chí, trước hết phải kể tới tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội. Đây là tuần báo, in bằng tiếng việt, số ra ngày 21 - 6 - 1926. Cho đến tháng 2 - 1930, báo Thanh niên ra được tất cả 208 số. Trong 60 số đầu, báo Thanh niên tập trung giáo dục lòng yêu nước, kêu gọi đoàn kết, từ số 61 trở đi mới đề cập tới sự cần thiết phải có một Đảng cách mạng, Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta đi tới thắng lợi. Ngoài báo chí, đầu năm 1927, Hội cho ấn hành cuốn sách Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc. Nội dung chủ yếu của tập sách chỉ ra cho nhân dân ta con đường và cách thức tiến tới thắng lợi.
Hai là, xây dựng hệ thống tổ chức trong nước. Cùng với việc xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức của Hội ở trong nước, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên còn chú trọng xây dựng các chi bộ trong Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan).
Từ cuối năm 1928, Hội đã định hướng mới trong hoạt động của mình bằng chủ trương phát động phong trào “vô sản hóa”, đưa hội viên vào nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền để rèn luyện, củng cố lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân cho các hội viên. Từ đó đã nổ ra nhiều cuộc bãi công của công nhân từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác, không chỉ đấu tranh để đòi mục tiêu về kinh tế mà còn kết hợp cả đấu tranh chính trị. Điều đó chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ để trở thành một lực lượng chính trị độc lập thự hiện thành công hai nhiệm vụ cách mạng là: đánh đuổi đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc; đánh đổ giai cấp phong kiến giành lại ruộng đất cho nhân dân.
Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước 1925 - 1929 đã làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng và tổ chức của những người cách mạng. Trong Hội Thanh niên đã có sự tranh luận về sự cần thiết hoặc chưa cần thiết thành lập một Đảng Cộng sản Việt Nam. Đỉnh cao của sự phân hóa tư tưởng là sự phân liệt của Hội Thanh niên tại Đại hội I của Hội (5 - 1929) ở Hương Cảng (Trung Quốc) dẫn đến sự xuất hiện của Đông Dương Cộng sản Đảng (6 - 1929), An Nam Cộng sản Đảng (8 - 1929). Trước sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, Đảng Tân Việt đã cải tổ lại để dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Trong một thời gian ngắn 3 tổ chức cộng sản đảng ra đời đã góp phần tích cực thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân phát triển lên một bước mới. Điều đó chứng tỏ hệ tư tưởng vô sản đang khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng đồng thời chỉ ra sự chín muồi cho sự thành lập một chính Đảng vô sản duy nhất ở Việt Nam.
2.2.3. Hội Phục Việt
2.2.3.1.Hoàn cảnh ra đời
Vào ngày quốc khánh nước Pháp, một số chiến sĩ yêu nước trung kiên của tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn (như Tôn Quang Phiệt) cùng với Nhóm chính trị Phạm Trung Kỳ (như Lê Văn Huân, Tú Kiên…) đã nhóm họp tại núi Quyết (Bến Thủy) tuyên bố thành lập Hội Phục Việt vào ngày 14 - 7 – 1925.
2.2.3.2. Quá trình hoạt động
Chủ trương của hội là lãnh đạo quần chúng trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới nhằm “Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái…”. Lực lượng chủ yếu là các trí thức, thanh niên tiểu tư sản yêu nước.
Sau khi thành lập Hội Phục Việt tìm cách mở rộng hoạt động và kết nạp hội viên ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Hội cũng đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu bằng việc rải truyền đơn tại Hà Nội. Sợ bị lộ nên đầu năm 1926 Hội Phục Việt đổi tên thành Hưng Nam, năm 1927 đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, rồi Việt Nam Cách mạng đồng chí hội. Cuối cùng tại đại hội I họp ở Huế tháng 7 - 1928 Hội chính thức mang tên Tân Việt Cách mạng Đảng. Cho đến tháng 7 - 1928 Tân Việt là tổ chức chính trị theo khuynh hướng dân tộc tư sản. Trong suốt quá trình tồn tại, tổ chức này đã cử người sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vì thế lập trường chính trị của tổ chức này dần dần thay đổi và chuyển dần sang khuynh hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống tổ chức của Tân Việt gồm 6 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Liên tỉnh bộ, Tỉnh bộ, Đại tổ và Tiểu tổ. Trong suốt quá trình hoạt động, Tân Việt chú ý nhiều tới công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên theo hình mẫu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng thời Tân Việt còn tổ chức và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của học sinh, tiểu thương và công nhân.
Cũng do ảnh hưởng mạnh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt bị phân hóa sâu sắc thành hai khuynh hướng dân tộc tư sản và dân tộc xã hội chủ nghĩa. Tiêu biểu cho khuynh hướng dân tộc tư sản là Đào Duy Anh, những người nòng cốt còn lại đều theo khuynh hướng cộng sản trong đó có Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu…nhiều đảng viên rời bỏ Tổng bộ để gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Một bộ phận tiên tiến khác trong Đảng thì đứng ra thành lập chi bộ Tân Việt Cộng sản liên đoàn (tháng 9, 10 - 1929), sau đó đổi thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1930).
2.2.4. Việt Nam Quốc dân Đảng
2.2.4.1. Hoàn cảnh ra đời
Cuối năm 1926, đầu năm 1927, tại Hà Nội, một nhóm những thanh niên có tư tưởng yêu nước cho ra đời Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản chuyên in những sách báo tiến bộ do anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm chủ trương: Dần dần Nam Đồng thư xã đã tập hợp được một số trí thức, công chức, sinh viên, nhân sĩ… trong đó sau này có những người trở thành yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp… Sau thời gian vận động chuẩn bị, vào đêm 24 rạng 25 - 12 - 1927, một cuộc họp được tổ chức tại số nhà 9 đường 96 phố Trúc Bạch (Hà Nội), quyết định thành lập tổ chức chống Pháp lấy tên là Việt Nam Quốc dân Đảng.
2.2.4.2. Quá trình hoạt động
Việt Nam Quốc dân Đảng chưa đề ra được một đường lối chính trị rõ ràng. Trong mấy năm tồn tại, Đảng này đã thay đổi nhiều lần Chính cương và Điều lệ. Trong bản Điều lệ thông qua tại hội nghị thành lập mục đích của Đảng được ghi rõ “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”. Bản Điều lệ tháng 7 - 1928 tôn chỉ của Đảng được xác định là “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, tiếp đó trong bản Điều lệ sửa đổi công bố tháng 2 - 1929, Việt Nam Quốc dân Đảng thay bằng ba nguyên tắc tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Trước khi khởi nghĩa, Đảng này lại mô phỏng không đầy đủ Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên.
Thành phần chủ yếu tham gia là tầng lớp tiểu tư sản trí thức thành thị như học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức… Ngoài ra, Đảng còn phát triển khá mạnh vào hàng ngũ binh lính ngụy và một bộ phận tầng lớp trên ở nông thôn.
Về mặt tổ chức, Việt Nam Quốc dân Đảng có 4 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ và Chi bộ. Trong hơn hai năm tồn tại, Đảng này đã xây dựng và phát triển nhiều cơ sở. Địa bàn chủ yếu ở Bắc Kỳ, về sau xây dựng được một vài chi bộ ở Sài Gòn. Báo Hồn Cách mạng là cơ quan ngôn luận của đảng. Tháng 2 - 1929, Hồn Cách mạng ra số 1, nhưng bị lộ nên đã đóng cửa. Sau một thời gian bí mật tổ chức và phát triển lực lượng, đến đầu năm 1929 Việt Nam Quốc dân Đảng lấy ám sát, khủng bố cá nhân để kích động phong trào cách mạng, điển hình là vụ ám sát tên trùm mộ phu Badanh (Bazin). Vụ ám sát thành công đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, còn thực dân Pháp thì hoảng sợ, tức tối và triển khai kế hoạch khủng bố, bắt bớ những người yêu nước. Hàng loạt đảng viên và quần chúng cảm tình với đảng bị bắt. Sau 5 tháng mở chiến dịch khủng bố, tháng 7 - 1929 thực dân Pháp đã bắt 225 đảng viên đưa ra xử án và giam cầm trong các nhà tù. Trước tình thế nguy cấp đó, những người lãnh đạo trong Tổng bộ chủ trương phải đứng dậy quyết sống mái với quân thù chứ không thể ngồi yên chịu chết. Vì thế Nguyễn Thái Học, Đảng trưởng đã quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của đảng tại Lạc Đạo (Hải Dương) ngày 17 - 9 - 1929 để bàn bạc và thống nhất kế hoạch hành động.
Do bị địch khủng bố và kế hoạch khởi nghĩa bị hoãn lại nên thời gian khởi sự không nổ ra cùng lúc. Đêm 9 - 2 khởi nghĩa đã nổ ra ở Yên Bái. Sáng hôm sau quân Pháp tập trung lực lượng, phản công và dập tắt cuộc khởi nghĩa.
2.3. Vai trò của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong những năm 1921 - 1929
Thứ nhất, tạo ra luồng gió mới cho các phong trào yêu nước 30 năm đầu thế kỷ XX.
Đến cuối thế kỷ XIX với những chiêu bài mánh khóe, lợi dụng các khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái để ra sức vơ vét, bóc lột nước ta, biến nước ta từ một xã hội phong kiến độc lập thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Trước tình hình đó một số tầng lớp sĩ phu yêu nước, có hấp thụ ít nhiều “tân học” đứng ra đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ này nhưng kết cục đều bị thất bại do không có một đường lối rõ ràng, không có một tổ chức Đảng đủ sức, đủ tài lãnh đạo. Những sau những năm 20 của thế kỷ XX với nhiều tổ chức đảng phái ra đời, đã tạo thêm động lực, thổi vào những phong trào yêu nước Việt Nam một ngọn lửa mới. Đặc biệt là vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đưa phong trào yêu nước Việt Nam lên một bước phát triển nhảy vọt về chất, đã trang bị cho dân tộc ta một con đường mới với hệ thống lý luận đúng đắn, nêu bật tầm quan trọng, ý nghĩa của sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản. Giai cấp công nhân đã được trang bị những kiến thức, được đào tạo và Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản mới đưa dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân và đế quốc. Từ việc được giác ngộ, các phong trào yêu nước của nước ta đã có một hệ thống lý luận, có tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Thứ hai, lãnh đạo phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam.
Từ 1921 - 1929 với sự ra đời của các đảng phái chính trị, một số đảng chính trị đi theo con đường vô sản đã lãnh đạo phong trào dân tộc, dân chủ của nhân dân ta, đặc biệt là với sự hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc và Hội Thanh niên đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, đào tạo cán bộ…đã góp phần đưa phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển thêm một bước mới, với việc sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện Hồ Chí Minh đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, huấn luyện, đào tạo cán bộ để lãnh đạo phong trào dân tộc, dân chủ của dân tộc ta.
Thứ ba, đưa ra lý luận chính trị để chống đế quốc, phong kiến.
Lúc bấy giờ ở nước ta đế quốc và phong kiến là hai kẻ thù lớn và nguy hiểm của dân tộc. Nó là những đối tượng mà cách mạng cần phải đánh đổ. Ở Việt Nam trong quá trình thực dân Pháp xâm lược cũng đã diễn ra nhiều phong trào đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp như các phong trào Duy tân, phong trào đấu tranh do Phan Bội Châu lãnh đạo…các phong trào đó lúc đầu tuy diễn ra mạnh mẽ nhưng kết quả đều bị thất bại do thiếu một đường lối lãnh đạo, do chưa nắm được vị trí, vai trò của lực lượng nòng cốt của cách mạng. Vì vậy sự ra đời của các đảng chính trị đã đưa ra lý luận chính trị để dẫn dắt phong trào của dân tộc Việt Nam chống phong kiến để đem lại ruộng đất cho nông dân và đánh đổ đế quốc đề giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Với vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới như cách mạng tư sản Mỹ (1776), cách mạng tư sản Pháp (1789), Người nhận thấy rằng hai cuộc cách mạng này thực chất là tước đoạt quyền lợi của công nông trong nước và bên ngoài thì áp bức các dân tộc thuộc địa, từ đó Người đi đến kết luận việc giải phóng các dân tộc bị áp bức không thể đi theo con đường của cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp mà phải đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng do Đảng Bônsêvích và Lênin lãnh đạo. Người đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, đi theo con đường chủ nghĩa Mác - Lênin từ đó Nguyễn Ái Quốc không ngừng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đưa lý luận chính trị về con đường giải phóng dân tộc vào giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc để từ đó tiến tới giải phóng dân tộc.
Thứ tư, thiết lập được các hệ thống tổ chức nhằm gắn kết Đảng chính trị với quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.
Trong quá trình hoạt động của mình, các đảng chính trị đã thể hiện được vai trò của mình, đã thiết lập được các hệ thống tổ chức từ thấp đến cao, đưa ra những điều lệ thể hiện trong các tôn chỉ của các Đảng chính trị. Một số Đảng chính trị đã thấy được vai trò của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp cách mạng vì thế các Đảng chính trị đã coi giai cấp công nhân và nhân dân lao động là hai lực lượng nòng cốt cho phong trào đấu tranh của dân tộc, ngoài ra các đảng chính trị còn thực hiện liên minh công nhân và nông dân với tầng lớp trí thức và các bộ phận yêu nước khác để gắn kết họ lại tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhau chung sức trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chương 3. TỔNG LUẬN TỪ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
3.1. Những đóng góp của các Đảng chính trị
* Hội Phục Việt (Tân Việt Cách mạng Đảng) là một Đảng của trí thức tiểu tư sản ở Trung Kỳ. Trong quá trình hoạt động Đảng cũng đã có những thành tựu nhất định đó là sau khi đi dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc thì lập trường chính trị của tổ chức này đã dần dần thay đổi và chuyển dần sang khuynh hướng dân tộc xã hội chủ nghĩa. Trong nội bộ đảng này đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa tư tưởng cách mạng và tư tưởng cải lương để cuối cùng xu hướng cách mạng theo quan điểm vô sản chiếm ưu thế. Một số hội viên chuyển sang Hội Thanh niên, số còn lại xúc tiến tích cực thành lập một Đảng mới theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
* Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức cách mạng yêu nước theo khuynh hướng mácxít, quá độ vừa tầm trước khi tổ chức ra chính đảng cách mạng. Hội Thanh niên chưa phải là một Đảng Cộng sản mà chỉ là một tổ chức quá độ như lời người sáng lập xác định là “quả trứng nở ra con chim non - tức là Đảng Cộng sản” [16, 2, 21]. Nhưng vì có mục tiêu đấu tranh đúng đắn và xác định chỗ dựa chủ yếu là công nông nên Hội Thanh niên ngày càng lớn mạnh. Hội Thanh niên đã tổ chức được nhiều hoạt động để đào tạo cán bộ, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước…, Hội chủ trương thu phục đại bộ phân thợ thuyền, dân cày và binh lính, dẫn đạo cho quần chúng lao khổ bị áp bức liên hiệp với giai cấp vô sản thế giới để đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, tay sai, thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói trong những năm 1921 - 1929 Hội Thanh niên là một tổ chức tiên tiến nhất đại diện cho lợi ích của dân tộc mình, đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.
3.2. Một số tồn tại, hạn chế của các Đảng chính trị
* Đảng Lập hiến (1923) thực chất không phải là một Đảng có tổ chức mà đơn thuần chỉ là một nhóm trí thức tư sản Việt Nam theo đuôi Pháp mà đặt tên Đảng. Đảng Lập hiến gồm những người có học thức, địa chủ, nhà buôn giàu có và những quan chức cấp cao, giai cấp tư sản hết lòng thân Pháp và công khai chống Tổ quốc đã được Pháp giao cho một số chức vụ danh nghĩa nhưng chưa bao giờ giành được thời cơ khách quan quan trọng như họ mong đợi. Đảng Lập hiến theo khuynh hướng quốc gia cải lương chủ trương “Pháp - Việt đề huề”, không có hệ thống tổ chức, không có điều lệ, không có cán bộ, đây là tổ chức tập hợp nhau về mặt tinh thần, nó chỉ là đại biểu cho một xu hướng cải cách của tư sản và địa chủ, chủ trương quỵ lụy, đầu hàng đế quốc, thái độ hèn nhát nên không được dân chúng ủng hộ. Đảng này không có lực lượng vũ trang và cũng không có chủ trương lật đổ chính quyền Bảo hộ Pháp. Với chủ trương như vậy Đảng này muốn duy trì nền thống trị của Liên minh xâm lược Pháp và chỉ tranh đấu cho quyền lợi của giai cấp giàu có theo Tây học. Họ tranh đấu bằng những thỉnh cầu chính quyền Bảo hộ ban hành luật hay quy chế cho dân bản địa được dễ dàng tham chính và được hưởng những quyền đặc lợi giống như những người Pháp ở Việt Nam.
* Việt Nam Quốc dân Đảng (1927) ra đời khi giai cấp tư sản mới hình thành, do những tiểu tư sản trí thức thành lập, hoạt động theo cương lĩnh thiếu nhất quán. Trong ba năm từ 1927 - 1929, Quốc dân Đảng đã nhiều lần thay đổi nội dung quan trọng của cương lĩnh đấu tranh từ tiến hành cách mạng quốc gia, cách mạng thế giới đến cách mạng xã hội dân chủ rồi sau đó thay thế bằng các nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng tư sản Pháp và cuối cùng là tiếp nhận chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn nhưng không đề cập tới chủ trương chia ruộng đất cho nông dân. Tình hình trên bắt nguồn từ sự non yếu về tư duy lý luận chính trị, khiến Quốc dân Đảng chưa đủ sức xác định đúng đắn con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Mặt khác họ theo chủ nghĩa dân tộc tư sản chủ trương dùng bạo động để giành độc lập dân tộc, trong quá trình hoạt động nhiều đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng không tin và không muốn dựa vào sức mạnh của nhân dân đông đảo mà muốn đi tìm sức mạnh trong từng cá nhân, đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, phiêu lưu, mạo hiểm, trong tình thế quẫn bách họ lại dồn mọi cố gắng vào việc chuẩn bị bạo động với tư tưởng “không thành công thì cũng thành nhân”.
3.3. Những vấn đề gợi mở nghiên cứu tương lai
Thứ nhất, cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm về vị trí, vai trò của các Đảng chính trị.
Thứ hai, thông qua nghiên cứu để làm sáng tỏ vai trò của các Đảng chính trị ở Việt Nam trong thời kỳ dựng Đảng 1920 – 1930.
Thứ ba, khẳng định rõ sự thắng thế của chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản.
Thứ tư: Làm sáng tỏ con đường cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng giải phóng dân tộc, yêu cầu đặt ra là phải có Đảng lãnh đạo.
KẾT LUẬN
Thời kỳ 1921 - 1929 trong lịch sử cách mạng Việt Nam được coi là thời kỳ tìm tòi và định hướng. Trong gần một thập kỷ đó, luồng tư tưởng dân chủ tư sản mà đại diện là một số tổ chức đang phái ra sức lôi kéo quần chúng nhân dân nhưng tỏ ra lỗi thời và đều thất bại trong vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ lịch sử trong khi đó, khuynh hướng mácxít - lêninnít mà tiêu biểu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và các tổ chức cách mạng (Hội Thanh niên 1925 - 1929, Hội Phục Việt 1925…) tỏ ra sức hấp dẫn quần chúng và dần khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng. Hệ tư tưởng vô sản tỏ ra ưu việt và chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị tư tưởng giải phóng dân tộc.
Từ Tâm Tâm xã (1923) đến sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là hiện thực của một thời kỳ vận động thành lập đảng sôi nổi. Đây là giai đoạn hệ tư tưởng vô sản khẳng định vị thế, đồng thời đấu tranh thắng lợi đập tan chủ nghĩa cải lương ru ngủ quần chúng và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của tư sản và tiểu tư sản, vạch trần những thủ đoạn xảo trá của đế quốc và tay sai.
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới tác động của tình hình khai thác thuộc địa lần thứ hai, đất nước đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên phương diện kinh tế và xã hội. Từ đó phong trào dân tộc cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, các giai tầng xã hội đã bước lên vũ đài chính trị với những đòi hỏi, yêu cầu và những hoạt động cách mạng riêng, tuỳ thuộc vào mối quan hệ của mình đối với chính quyền thực dân, tuỳ thuộc vào mối quan hệ của mình trong kết cấu giai cấp của xã hội thuộc địa. Phong trào dân tộc sau chiến tranh có những chuyển biến mới trong nội dung và phong phú về các hình thức biểu hiện. Và cuối cùng lịch sử đã chứng kiến sự bất lực của hệ tư tưởng dân chủ tư sản trước nhiệm vụ cứu nước và chứng kiến sự chuyển giao ngọn cờ giải phóng vào tay giai cấp công nhân với đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn quá trình vận động thành lập Đảng cho thấy vai trò to lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trong việc truyền bá và châm ngòi cho hệ tư tưởng vô sản làm chuyển biến mạnh mẽ về chất các phong trào yêu nước làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin thắng thế trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Từ năm 1925 trở đi ở trong nước chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành hệ tư tưởng lãnh đạo phong trào yêu nước, Tân Việt và nhiều phong trào yêu nước khác đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Sự xuất hiện Đảng Cộng sản Việt Nam trên vũ đài chính trị là một bước ngoặt lớn trong lịch sử hiện đại Việt Nam, là sự kết tinh cao độ chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tom_tat_luan_van_xong_8879.doc