Đề tài Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước

Đánh giá tổng quát tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tổ chức thi hành và thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo từ khi có Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998) cho đến nay cho thấy: Tình hình khiếu nại, tố cáo tuy diễn biến phức tạp, nhưng các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được số lượng lớn những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Do đó, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, nhiều “điểm nóng”, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, gay gắt, kéo dài, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, trên phạm vi toàn quốc số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giảm 12,5% và số người trực tiếp đi khiếu nại tố cáo vượt cấp đã giảm 5%. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước cũng có những chuyển biến mạnh mẽ, mà rõ nhất trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính được đảm bảo, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước.

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3937 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục: A. Đặt vấn đề B. Giải quyết vấn đề I. Khái niệm về pháp chế xã hội chủ nghĩa II. Khiếu nại, tố cáo và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo 1. Khiếu nại, tố cáo a. Khiếu nại b. Tố cáo 2. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo III. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước 1. Khiếu nại, tố cáo là “cơ hội” để các cơ quan quản lí hành chính xem xét lại hoạt động quản lí đã được tiến hành trước đó của mình, từ đó mà các cơ quan Nhà nước có thể kịp thời phát hiện ra những vi phạm pháp luật cũng như những thiếu sót trong quá trình quản lí hành chính Nhà nước 2. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền cơ bản của ông dân được Hiến pháp quy định, là công cụ để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp trong những trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại 3. Khiếu nại, tố cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác 4. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khắc phục những quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm hại C. Kết thúc vấn đề Danh mục tài liệu tham khảo: Câu 11: Phân tích vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước Bài làm: A. Đặt vấn đề Quyền khiếu nại, tố cáo là những quyền dân chủ cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và bảo đảm thực hiện, là công cụ pháp lý để công dân đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của mình và của người khác. Khiếu nại, tố cáo là hình thức dân chủ trực tiếp để công dân tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Nhà nước ta quy định quyền và nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của công dân không chỉ ở Hiến pháp (Điều 74) mà còn quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ này trong một đạo luật - Luật khiếu nại, tố cáo (ban hành ngày 02/12/1998). Pháp chế xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước có nghĩa là bằng các cơ chế và hoạt động pháp lí làm cho pháp luật được thực hiện có hiệu quả trên thực tế và hoạt động của bộ máy nhà nước mà trước hết là hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước phải thực sự vì dân, khơi dậy trí tuệ và tinh thần, ý chí tự lực tự cường của nhân dân, đem lại những tiện ích và thủ tục thực hiện thực sự dễ hiểu, dễ làm và việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo một trật tự nhất định. Trong đó, khiếu nại, tố cáo và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng để bảo đảm, duy trì pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỉ luật trong quản lí nhà nước, là phương thức để bảo đảm quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, em đã lựa chọn đề tài “Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước” cho bài tập học kì môn Luật Hành chính của mình! B. Giải quyết vấn đề I. Khái niệm về pháp chế xã hội chủ nghĩa Pháp chế là một phạm trù rộng lớn không chỉ chứa đựng nội dung pháp luật mà còn chứa đựng những nội dung chính trị, xã hội và con người. Trong đời sống Nhà nước và đời sống xã hội, pháp chế có tư cách như là phương thức quản lí của Nhà nước đối với xã hội. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Điều này khẳng định rằng pháp chế là một trong những phương thức quản lí của Nhà nước đối với xã hội, trong đó công cụ quản lí của các cơ quan nhà nước là bằng pháp luật và phải dựa theo pháp luật. Điều này còn yêu cầu: các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Đây là nội dung căn bản, nội hàm của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nếu không có sự chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật của các chủ thể pháp luật thì không có pháp chế. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn khẳng định phải: đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Có thể nói, quy định này trong Hiến pháp là thể hiện nguyên tắc quan trọng nhất về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong chủ nghĩa xã hội. Thông qua pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước thực hiện sự quản lí của mình đối với xã hội. Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, nhưng chính Nhà nước và trước hết Nhà nước phải tôn trọng, chấp hành pháp luật, đặt mình dưới pháp luật. Như vậy, pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ chính trị - pháp lí, đòi hỏi mọi chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh (trong đó có Nhà nước) phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật một cách thường xuyên, liên tục, mọi vi phạm pháp luật đều phải được xử lí nghiêm minh. Pháp chế là hiện tượng chỉ có thể tồn tại trong một điều kiện nhất định và trong một chế độ chính trị nhất định của xã hội. Tóm lại, pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ chính trị - pháp lý của đời sống nhà nước và đời sống xã hội, trong đó tồn tại một hệ thống pháp luật hoàn thiện về nội dung và hình thức, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đòi hỏi mọi chủ thể của pháp luật phải tự giác tuân thủ, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, có cơ chế hữu hiệu để kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, đấu tranh phòng, chống và xử lí nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật. II. Khiếu nại, tố cáo và hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo 1. Khiếu nại, tố cáo a. Khiếu nại Khái niệm về khiếu nại đã được thể hiện trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Pháp lệnh Quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tô cáo của công dân năm 1981, Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 v.v… Tuy nhiên, khái niệm khiếu nại chỉ được chính thức được ghi nhận đầy đủ trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức, hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” (khoản 2 Điều 2). Như vậy, chúng ta thấy rằng khái niệm trên chỉ giới hạn những khiếu nại phát sinh trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước mà đối tượng khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 và năm 2006) thì “Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vân đề cụ thể trong hoạt động quản lí hành chính”. Quyết định hành chính bao gồm quyết định chủ đạo (quyết định chính sách), quyết định quy phạm và quyết định cá biệt. Quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm luôn thể hiện bằng hình thức văn bản do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành. Quyết định cá biệt chủ yếu được ban hành dưới hình thức văn bản. Bên cạnh đó, có một số quyết định cá biệt được ban hành dưới hình thức văn nói , kí hiệu… Như vậy, quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại hành chính chỉ bao gồm các quyết định hành chính cá biệt được thể hiện thành văn bản. Quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm không phải là đối tượng khiếu nại. Theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 và năm 2006) thì “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. Trong đó, công vụ và nhiệm vụ là hai khái niệm có phạm vi khác nhau. Công vụ là hoạt động mang tính nhà nước, nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức và cá nhân, được tiến hành thường xuyên, liên tục theo trật tự do pháp luật quy định trên cơ sở sử dụng quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng quyền lực nhà nước; hoạt động công vụ chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp thực hiện. Nếu công vụ là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục thì nhiệm vụ là công việc phải làm vì một mục đích nhất định trong một khoảng thời gian nhất định. Cần lưu ý rằng, pháp luật hiện hành về khiếu nại và giải quyết khiếu nại định nghĩa quyết định hành chính, hành vi hành chính là quyết định hoặc hành vi của cơ quan hành chính nhà nước nhưng trên thực tế thì không chỉ cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước mới ban hành quyết định hành chính hay thực hiện quyết định hành chính. Các cơ quan nhà nước khác và những người có thẩm quyền quản lí trong các cơ quan đó cũng ban hành các quyết định hoặc thực hiện các hành vi thuộc loại này. Ở đây, theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005, 2006) thì “Quyết định kỉ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỉ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lí của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”. b. Tố cáo Tố cáo là một quyền chính trị cơ bản của công dân nên chế định này ngày càng được quy định đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ đối với người tố cáo và cả người bị tố cáo. Mục đích của tố cáo là vạch rõ những sai trái của cơ quan Nhà nước, tổ chức và của cán bộ, công chức Nhà nước. Từ đó, công dân đòi hỏi Nhà nước phải áp dụng biện pháp giáo dục, trừng trị hợp lí, kịp thời, thậm chí cả những biện pháp nghiêm khắc góp phần loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm hại lợi ích xã hội, lợi ích cá nhân và để những người bị tố cáo sửa chữa khuyết điểm của mình. Tố cáo là việc công dân, theo thủ tục do Luật khiếu nại, tố cáo quy định, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Theo khái niệm pháp lí này, mặc dù tố cáo và khiếu nại thường được quy định trong cùng một điều luật hay trong cùng một văn bản, nhưng chúng ta thấy rõ tố cáo có những điểm riêng biệt rất khác với khiếu nại về cả nội dung và cách thức giải quyết. Về chủ thể, theo quy định ở Điều 2 và Điều 101 Luật khiếu nại, tố cáo thì chủ thể của khiếu nại là cơ quan Nhà nước, tổ chức, công dân, cá nhân và tổ chức nước ngoài trong khi chủ thể của tố cáo chỉ là cá nhân tức là công dân và người nước ngoài. Về đối tượng, đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đối tượng của tố cáo là những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Về mục đích, mục đích của người khiếu nại là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, còn mục đích của người tố cáo là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và công dân nói chung. Về trách nhiệm pháp lí, người khiếu nại không phải chịu trách nhiệm khi khiếu nại không có căn cứ pháp lí, còn người tố cáo phải chịu trách nhiệm pháp lí khi cố tình tố cáo sai sự thật. Khiếu nại, tố cáo còn khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phương thức giải quyết. 2. Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là một hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với hoạt động chấp hành và điều hành. Khi thực hiện hoạt động hoạt động chấp hành và điều hành, các cơ quan hành chính nhà nước ban hành các quyết định quản lí, thực hiện các hành vi hành chính. Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005, 2006) đã quy định khái niệm “giải quyết khiếu nại” và “giải quyết tố cáo”. Theo đó, “Giải quyết khiếu nại là việc xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết của người giải quyết khiếu nại” (Khoản 13 Điều 2). Như vậy, giải quyết khiếu nại gồm ba giai đoạn: xác minh tình tiết, nội dung vụ việc khiếu nại; kết luận về tính đúng sai, cơ sở pháp lí của nội dung khiếu nại, của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; ra quyết định giải quyết khiếu nại. “Giải quyết tố cáo là việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo” (Khoản 14 Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 và năm 2006)). Giải quyết tố cáo cũng bao gồm ba giai đoạn: kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo; kết luận về tính đúng đắn, khách quan của nội dung tố cáo; xử lí hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo và giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và đặc trưng hoạt động quản lí hành chính nhà nước, có thể đưa ra khái niệm giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước như sau: Giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước là hoạt động kiểm tra, xác minh, kết luận về tính hợp pháp và tính hợp lí của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước là việc kiểm tra, xác minh, kết luận về tính hợp pháp của hành vi bị tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước để có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Ta thấy, hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo là hoạt động bảo đảm pháp chế và kỉ luật trong quản lí hành chính Nhà nước, bảo vệ lợi ích Nhà nước, xã hội, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Do đó, hoạt động này phải được tiến hành trên cơ sở pháp luật và phải tuân thủ, chấp hành, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật khác có liên quan. III. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước 1. Khiếu nại, tố cáo là “cơ hội” để các cơ quan quản lí hành chính xem xét lại hoạt động quản lí đã được tiến hành trước đó của mình, từ đó mà các cơ quan Nhà nước có thể kịp thời phát hiện ra những vi phạm pháp luật cũng như những thiếu sót trong quá trình quản lí hành chính Nhà nước Không phải trong mọi trường hợp cơ quan, người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đều cố tình vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Nếu người quản lí không thu thập đầy đủ thông tin, không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành hoặc do chủ quan mà đã ban hành quyết định hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, những thiếu sót này nếu được phát hiện ra một cách nhanh chóng thông qua việc giải quyết khiếu nại thì việc tổ chức khắc phục những thiếu sót này cũng hoàn toàn đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Kết quả là, cả người khiếu nại, người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và những phiền toái khác có thể nảy sinh khi việc giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định khiếu nại hành chính bị chuyển qua chuyển lại giữa nhiều cơ quan khác nhau. Mặt khác, thông qua việc giải quyết khiếu nại của cá nhân, tổ chức, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không chỉ kiểm tra xem xét lại một hoạt động quản lí hành chính cụ thể đã được thực hiện (hoạt động quản lí bị khiếu nại), mà còn kiểm tra xem xét toàn bộ hoạt động của cán bộ, công chức hoặc một lĩnh vực quản lí thuộc thẩm quyền của cơ quan mình, nhờ đó kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, bất cập nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Gần đây, dư luận đang xôn xao vụ việc một em bé 14 tuổi ở Cà Mau bị hành hạ một cách dã man như thời Trung cổ trong 2 năm trời, tỉ lệ thương tật là 67%. Nếu như không có sự tố giác của người dân quanh đó thì chắc hẳn vụ việc này chưa được đưa ra ánh sáng. Như vậy, thông qua việc tố cáo của người dân, các cơ quan hành chính phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật và đưa ra hướng giải quyết đối với vụ việc liên quan đến hành vi đó. Trước vụ việc này, câu hỏi đặt ra là “Tại sao người dân ở đó không tố cáo hành vi này sớm hơn?” và “Nếu như công tác bán địa bàn, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương này (Đầm Dơi, Cà Mau) được tiến hành thường xuyên hơn thì có phải những vụ việc đau lòng như thế này sẽ không xảy ra không?”. Câu hỏi này dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Cà Mau xem xét, giải quyết. Thông qua khiếu nại, tố cáo của công dân mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật như tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ… được làm sáng tỏ, góp phần làm cho bộ máy nhà nước thêm trong sạch, củng cố lòng tin của nhân dân lao động đối với Đảng và Nhà nước ta. Một trong những nhân tố quan trọng để làm chuyển biến tích cực tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó duy trì, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa là các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện khá tốt công tác xử lí vi phạm không chỉ đối với những cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm ở các cơ quan hành chính nhà nước cấp cơ sở, mà còn cả đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh. Nhìn chung, các cơ quan hành chính nhà nước đã phát hiện kịp thời, có biện pháp và xử lí đối với những vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo. Đây là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo Báo cáo số 54/TTNN ngày 27/1/2001 của Thanh tra Nhà nước về kết quả hoạt động của các Đoàn Công tác liên ngành của Trung ương, các Đoàn Công tác liên ngành đã kiểm tra, đôn đốc, cùng các địa phương giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài ở 21 tỉnh, thành phố. Với tinh thần dân chủ, công khai, thẳng thắn và sát thực tế, các đoàn đã tiếp, đối thoại với hàng ngàn lượt công dân khiếu kiện, đã nhận trên 11.000 đơn thư khiếu kiện của công dân gửi đến các đoàn, đã trực tiếp kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố và trên 60 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh; kiểm tra, xem xét, kết luận để giải quyết hoặc chỉ đạo các tỉnh, thành phố giải quyết 172 vụ việc phức tạp, đông người, tồn đọng kéo dài thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các vụ việc dân khiếu nại đúng, các Đoàn Công tác đã kết luận, xử lí tại chỗ, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giải quyết, khôi phục quyền lợi chính đáng cho công dân theo quy định của pháp luật; một số vụ việc có đúng có sai, một số vụ khiếu kiện không có căn cứ pháp luật. Bước đầu đã kiến nghị xử lí một số cán bộ ở các địa phương có sai phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Quần chúng nhân dân ở các địa phương đều hoan nghênh và rất quan tâm kết quả hoạt động của các Đoàn Công tác. 2. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định, là công cụ để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp trong những trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo thì: - Người có quyền khiếu nại, tố cáo: + Đối với khiếu nại: những công dân, tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại do hành vi hoặc quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính gây ra có quyền khiếu nại; + Đối với tố cáo: mọi công dân khi phát hiện thấy việc làm trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiêt hại hoặc đe dọa gây thiệt hai lợi ích của Nhà nước, cơ quan, cá nhân thì đều có quyền tố cáo. - Mục đích: + Mục đích của khiếu nại: là nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của chính người khiếu nại đã bị xâm hại; + Mục đích của tố cáo: là nhằm phát hiện, ngăn chặn các việc làm trái pháp luật xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. - Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo: + Đối với khiếu nại: Trước hết, người đứng đầu cơ quan hành chính phải giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi của chính mình và của cán bộ, công chức do mình quản lí. Việc quy định này tạo điều kiện cho cơ quan, công chức hành chính có cơ hội xem xét, khắc phục kịp thời hậu quả do sai sót trong quá trình tổ chức, thi hành pháp luật; từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại; + Đối với tố cáo: Nếu tố cáo hành vi phạm tội hình sự thì các cơ quan tố tụng (điều tra, kiểm sát, tòa án) giải quyết. Nếu tố cáo hành vi thuộc chức năng quản lí của cơ quan nào thì cơ quan đó giải quyết, nếu người đứng đầu cơ quan bị tố cáo thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết. - Kết quả của hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo: + Đối với khiếu nại: Giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm hành vi bị khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người khiếu nại theo nguyên tắc “người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự” (Điều 74 Hiến pháp năm 1992); + Đối với tố cáo: xác định trách nhiệm của người có hành vi trái pháp luật, xử lí theo thẩm quyền (xử lí hành chính hoặc hình sự) hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lí. Như vậy, việc pháp luật quy định cho công dân có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền là phương thức quan trọng để nhân dân giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước, để Nhà nước thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 3. Khiếu nại, tố cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác Ở Việt Nam, pháp luật khiếu nại, tố cáo đã được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện cả về nội dung và hình thức và dường như nó đã thật sự trở thành công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm. - Về hình thức, các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được hình thành từ thấp đến cao: từ hình thức văn bản là sắc lệnh, nghị định đến pháp lệnh và cao nhất là Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành và các luật chuyên ngành khác. Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp theo hướng tăng cường các bảo đảm pháp lý để quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được thực thi trên thực tế. - Về nội dung, các chế định, các quy phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo ngày càng hoàn thiện, đầy đủ hơn, từ những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo đến những quy định về tiếp dân, quản lí nhà nước về công tác khiếu nại, tố cáo, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lí vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo v.v… + Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Việc quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo xuất phát từ cơ sở sau: Cơ sở đầu tiên là, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo được phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành, quản lí hành chính Nhà nước, thực hiện quyền hành pháp. Do đó, các cơ quan hành chính Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh do chính hoạt động quản lí của mình gây ra. Hơn nữa, việc giao trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan hành chính Nhà nước là để tạo “cơ hội” cho các cơ quan hành chính Nhà nước tự xem xét lại hoạt động của mình, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lí để nâng cao hiệu quả quản lí Nhà nước. Cơ sở tiếp theo là, các cơ quan hành chính Nhà nước có đầy đủ năng lực, trách nhiệm, điều kiện để giải quyết những vấn đề do chính hoạt động quản lí của mình gây ra. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, kết luận phán quyết về phương diện pháp lý quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, hành vi bị tố cáo. Trong quá trình thực hiện các hoạt động đó, các cơ quan hành chính Nhà nước phải căn cứ vào pháp luật, xem xét tính hợp lý, cân nhắc tình hình thực tiễn nơi xảy ra vụ việc và yêu cầu quản lí nhà nước để giải quyết. Như vậy, thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính được quy định ngày càng hợp lý, phù hợp với phương hướng cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại được Luật quy định cho người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất. Quy định này phù hợp chế độ thủ trưởng trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Một khiếu nại hành chính về nguyên tắc được xem xét giải quyết qua hai cấp: lần đầu là Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, lần thứ hai là Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp của người giải quyết lần đầu. Pháp luật quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là nhằm tạo điều kiện và cơ hội để người bị khiếu nại tự xem xét lại quyết định, hành vi của mình, kịp thời sửa chữa những sai lầm khi khiếu nại là đúng. Cấp giải quyết khiếu nại tiếp theo là Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp của người giải quyết lần đầu; quy định này phù hợp với phương thức tổ chức đặc thù của nền hành chính là theo thứ bậc, hoạt động liên tục, thông suốt để quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn nữa, quy định như vậy nhằm xác định và tăng cường trách nhiệm của cấp trên trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới. Nếu khiếu nại đã được hai cấp của cơ quan hành chính nhà nước giải quyết mà người khiếu nại không nhất trí thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân. Pháp luật quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho hai cấp của cơ quan hành chính nhà nước một mặt xác định trách nhiệm cho các cơ quan hành chính trước hết phải có trách nhiệm giải quyết những khiếu nại phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước, mặt khác để giảm tải số lượng vụ việc khiếu nại đến Tòa án nhân dân. Hơn nữa đặc thù của phương thức giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước là xem xét cả tính hợp pháp và tính hợp lí của đối tượng bị khiếu nại, đồng thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính. Với phương thức này nhiều vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm ngay từ ở cơ quan hành chính nhà nước và cũng là một nguyên nhân lý giải tại sao công dân ít khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, mặc dù phương thức giải quyết của Tòa án có những ưu điểm nhất định. + Phương thức giải quyết khiếu nại: Pháp luật khiếu nại, tố cáo đã quy định phương thức giải quyết ngày càng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại của mình. Trước hết thể hiện ở quyền của người khiếu nại: người khiếu nại có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại và đặc biệt có thể nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền tiếp cận thông tin, tài liệu, hồ sơ giải quyết khiếu nại, được biết những chứng cứ mà cơ quan có thẩm quyền dùng làm căn cứ để giải quyết khiếu nại, được quyền khởi quyền vụ án hành chính tại Tòa án ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước v.v… Đây là những tiến bộ, ưu điểm quan trọng của pháp luật khiếu nại, tố cáo trong việc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Luật Khiếu nại, tố cáo đã quy định việc gặp gỡ, đối thoại là trình tự bắt buộc trong quá trình người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính được coi như là hình thức “tranh tụng”, có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và chất lượng giải quyết khiếu nại và là một biện pháp tăng cường tính công khai, dân chủ trong giải quyết khiếu nại hành chính. Vấn đề hòa giải ở cơ sở là một quy định mới, tiến bộ trong Luật Khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết triệt để, dứt điểm những tranh chấp, khiếu nại ngay từ khi mới phát sinh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở. Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở không những không làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, mà còn giải tỏa đươc những mâu thuẫn trong nôi bộ nhân dân, góp phần ổn định trật tự xã hội. + Giải quyết tố cáo: Pháp luật khiếu nại, tố cáo đã có khá đầy đủ các chế định, quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tố cáo của công dân như: nguyên tắc phân loại tố cáo, phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và người bị tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. + Xử lý vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo: Pháp luật khiếu nại, tố cáo đã quy định việc xử lí vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong thực tế. Luật Khiếu nại, tố cáo đã quy định cụ thể những hành vi vi phạm của từng chủ thể tham gia quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo (người khiếu nại, tố cáo; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ tiếp công dân, người có trách nhiệm chấp hành quyêt định giải quyết khiếu nại, tố cáo) và những chế tài có thể áp dụng đối với những người vi phạm. Giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo: Pháp luật khiếu nại, tố cáo đã quy định cơ chế giám sát việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo, nhằm bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Pháp luật đã quy định cụ thể thẩm quyền, đối tượng, phương thức, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và giám sát của nhân dân đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước. 4. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm hại Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ cao. Từ năm 1999-2005, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 1.161.766 đơn thư, trong đó có 784.402 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đã giải quyết được 646.131 vụ việc, đạt tỉ lệ 82,4%; trong đó khiếu nại là 684.131 vụ việc, đã giải quyết được 573.928 vụ việc đạt tỷ lệ 83,8%; tố cáo là 99,467 vụ việc, đã giải quyết được 72.203 vụ việc đạt tỷ lệ 72,6%. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi cho Nhà nước 165.299,5 triệu đồng, 6.887,2 ha đất, 10.372,4 tấn lương thực; trả lại cho tập thể và công dân 186.659, 3 triệu đồng, 4.979,2 ha đất, 26.577,3 tấn lương thực; kỉ luật hành chính 8.664 người, chuyển cơ quan Điều tra xử lí bằng biện pháp hình sự 188 vụ, 380 người. Như vậy, chính nhờ hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo mà cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện ra những vi phạm pháp luật cũng như những thiếu sót trong quá trình quản lí hành chính Nhà nước, từ đó khôi phục những quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị xâm hại. Đánh giá tổng quát tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tổ chức thi hành và thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo từ khi có Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998) cho đến nay cho thấy: Tình hình khiếu nại, tố cáo tuy diễn biến phức tạp, nhưng các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được số lượng lớn những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Do đó, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, nhiều “điểm nóng”, nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, gay gắt, kéo dài, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, trên phạm vi toàn quốc số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giảm 12,5% và số người trực tiếp đi khiếu nại tố cáo vượt cấp đã giảm 5%. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước cũng có những chuyển biến mạnh mẽ, mà rõ nhất trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính được đảm bảo, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước. C. Kết thúc vấn đề Như chúng ta đều thấy, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, do vậy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có những chuyển biến tích cực. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền hiến định vì vậy việc ngày càng hoàn thiện quyền này là yêu cầu tất yếu khách quan. Trong quản lí hành chính nhà nước, công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo không những họ thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tham gia thiết thực vào quản lí nhà nước, quản lí xã hội mà thông qua đó còn là một bảo đảm cho pháp luật được thực thi trong thực tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội và điều kiện để công dân phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, tăng cường ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng Nhà nước, quản lí Nhà nước và bảo đảm pháp chế, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Danh mục tài liệu tham khảo: 1. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb Công An Nhân Dân (Hà Nội – 2009); 2. TS.Trần Văn Sơn, Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nxb Tư pháp (Hà Nội – 2007); 3. Các quy định về khiếu nại, tố cáo của công dân, Nxb Chính trị quốc gia (Hà Nội – 1998); 4. Hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo, Nxb Lao Động (Hà Nội – 2000); 5. Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo và xử lí kỉ luật, Nxb Thống kê (Hà Nội – 2006); 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo (Hà Nội – 2000); 7. Luật khiếu nại, tố cáo và những văn bản hướng dẫn thực hiện, Nxb Lao Động (Hà Nội – 2007); 8. TS.Hoàng Ngọc Giao, Cơ chế giải quyết khiếu nại – Thực trạng và giải pháp, Nxb Công an nhân dân; 9. Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nxb Công An Nhân Dân (Hà Nội – 2009); 10. Giáo trình Luật hành chính và Tài phán hành chính Việt Nam, Nxb Giáo dục (Hà Nội – 2006); 11. Internet: www.bktaynguyen.com, “Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với cuộc đấu tranh chống tham nhũng” (Ngô Đăng Huynh) .

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBài tập lớn hành chính.doc
Luận văn liên quan