Có thế nói, văn hóa là phạm trù lịch sử, là một hình thái ý thức xã hội có môi trường phát sinh, có điều kiện phát triển và biến đổi, được quyết định bởi đặc thù của nền kinh tế. Văn hóa truyền thống dân tộc Ê-đê được hình thành, phát triển trong cơ chế tự túc, tự cấp và sản xuất bằng kỹ thuật thủ công. Dưới sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cách thức sản xuất của người Ê-đê từng bước được cải tiến theo chiều hướng tăng cường giao lưu hội nhập giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa người Việt. Sự biến đổi các giá trị văn hóa của dân tộc Ê-đê chịu tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính phải kể đến là sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Điều này đã giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gián tiếp từng bước làm thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê ở huyện Krông Năng nói riêng và cả nước nói chung.
45 trang |
Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 13319 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Văn hóa truyền thống của người Ê-Đê ở huyện Krông Năng tỉnh Đăk Lăk, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
trang trí bằng hình trăng khuyết nhưng luôn có thêm hình hai bầu sữa mẹ trông rất phồn thực. Điểm đặc biệt là các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống.
Nét đặc sắc của ngôi nhà dài Ê-đê kiểu cổ truyền là tính mẫu hệ nổi lên rất rõ. Ngay từ chiếc cầu thang ván “đơn giản là một khúc gỗ có nhiều nấc, đặt dựa vào cửa hay sàn nhà.ở những nhà trung lưu gọi là “ê nhan pla đang”, là một tấm ván đưuọc đẽo cong để phần đầu uốn về phía trước, có khắc hai đầu núm vú (k’sâu). Thang được đặt ghếch lên chiếc sàn phía trước nhà, có nhà có khi đặt ba, bốn chiếc ở ba phía vì coi đó là biểu tượng cho sự giàu có, sung túc của gia đình, phía trên đôi núm vú có khi còn khắc hình trăng lưỡi liềm, có người cho là biểu tượng đôi sừng trâu, một mô tip giống các cửa sổ của người Thái đen”.
Mỗi nhà sàn dài của người Ê-đê thường có 2 cầu thang, cầu thang chính ở đầu nhà là dành cho khách và những người đàn ông và một cầu thang đặt ở cuối nhà thường là gần gian bếp dành cho đàn bà. Các bậc thang cũng có những quy ước riêng thường chỉ là số lẻ ví dụ như 5, 7, 9, vì người Ê-đê cho rằng nếu mình làm cầu thang mà đẽo các bậc thang là những số chẵn thì không tốt.
Cũng như các nhóm địa phương khác, nhà sàn dài người Ê-đê huyện Krông Năng có điểm riêng được chia làm ba phần: sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Sân sàn trước (dring gah) có một hoặc hai cầu thang, thường rộng rãi, là nơi phơi áo quần, nơi giã gạo mỗi sáng, nơi ngồi chơi hóng mát mỗi chiều. Sân sàn sau (dring ôk) chỉ có một cầu thang và dành riêng cho người trong gia đình nhỏ hơn, thường là nơi rửa ráy, nấu ăn. Từ sân sàn trước bước vào khoảng không gian quan trọng nhất là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của cả gia đình, cũng là nơi có thể chiêm ngưỡng những đồ quý giá và linh thiêng của người Ê-đê như trống, chiêng, ché rượu, các bộ sừng trâu, hươu nai... Nối tiếp ngăn khách là ngăn ở (ôk) được chia thành từng ngăn nhỏ cho các tiểu gia đình dọc lối đi suốt tới sân sàn sau. Đây là điểm nổi bật mà ít ngôi nhà nào của các dân tộc khác có được, bởi mọi sinh hoạt lễ nghi đều được diễn ra ở tại phòng khách này từ cưới xin, ma chay, cúng lễ. Mọi vật dụng trong nhà cũng đều được làm bằng những nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên. Những chiếc ghế dài được làm ra từ nguyên một cây gỗ trong rừng, chiếc trống đánh trong ngày hội được làm từ da voi. Hình thức trang trí ngôi nhà thường đơn điệu hơn, chiều dài ngôi nhà cũng ngắn hơn, nếu có chạm khắc thì đó cũng chỉ là những hình ảnh bình thường, dễ bắt gặp nhất là những hình ảnh về những con vật, những ô carô Cuối nhà là nơi đặt bếp lửa nguyên bản trước đây, bếp lửa của người Ê-đê thường được đặt trực tiếp trên sàn nhà. Người ta đóng một khung vuông bằng gỗ cao khoảng 10 cm, đổ đất nện, sau đó đốt lửa trên đó cả ngày với mục đích giữ lửa.
Mọi thứ từ vật bé nhất, đến lớn nhất đều được người Ê-đê làm ra từ mọi nguyên liệu sẵn có trên mảnh đất Krông Năng này. Ngôi nhà sàn dài của người Ê-đê huyện Krông Năng chính là biểu tượng cho sự gắn bó của con người với cộng đồng, với sông núi.
Hiện tại, cuộc sống hiện đại phần nào đã ảnh hưởng đến phong tục tập quán, bản sắc của người dân tộc thiểu số nói chung và người Ê-đê nhất là người Ê-đê ở huyện Krông Năng nói riêng. Mặt khác nguyên liệu gỗ, tre, nứa, tranh để làm nhà cũng không còn dễ kiếm như trước nữa nên những ngôi nhà thực sự dài (30m trở lên) ngày càng thêm vắng bóng. Tuy nhiên, do người Ê-đê huyện Krông Năng rất quý trọng những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc nên dù tiếp cận cuộc sống hiện đại, bên cạnh ngôi nhà mới theo kiểu nhà trệt của người Kinh, họ vẫn cố giữ lại đoạn trước của nếp nhà sàn ông cha để lại coi như là phòng khách. Cách làm này tuy có tạo ra sự đối chọi trong kiến trúc nhưng vẫn đáng hoan nghênh, bởi vì thế mà các ngôi nhà dài vẫn chiếm số lượng lớn trong các buôn làng của người Ê-đê dù là không còn dài như tiếng chuông chiêng ngân.
2.2. Văn hoá tinh thần
2.2.1 Nghi lễ - Tín ngưỡng cúng theo vòng đời người
2.2.1.1. Lễ cúng trước khi sinh nở
Đời sống văn hóa của người Ê-đê nói chung và Ê-đê ở huyện Krông Năng nói riêng luôn coi trọng việc duy trì và phát triển giống nòi của mình. Là tộc người có chế độ mẫu hệ thể hiện rõ nét, in đậm trong văn hóa truyền thống, vì vậy người phụ nữ Ê-đê được có những quyền đặc hữu trong đời sống, đặc biệt là lúc mang thai. Điều đó thể hiện ngay trong bữa ăn, khi người phụ nữ mang thai khoảng 3 tháng trở lên, người chồng và những người thân trong gia đình luôn dành những thức ăn ngon nhất và khuyên nhủ ăn nhiều hơn. Khi đó người Ê-đê tiến hành lễ cúng cầu mong sức khỏe cho người phụ nữ có thai. Lễ vật gồm một chén rượu một con gà, thầy cúng ngồi hướng mặt về phía đông, trước mặt thầy cúng là người phụ nữ có mang ngồi đặt chân lên lưỡi rìu sắt và tay cầm vòng đồng được buộc vào ché rượu.
Thầy cúng khấn, đại ý lời khấn như sau: “ Ơ yang, đây một ché rượu, một con gà. Cầu cho ami Ê sức khỏe dồi dào... cho nó đẻ được con trai, con gái cho nó được con cháu đầy đàn yên vui, cho nó mễm như cây môn, cứng như củ sả. Cứng từ mẹ đến con. Ban cho nó được nhiều điều tốt lành... Ngày mai, ngày mốt nó sẽ nằm lửa. Nó sẽ gần bếp. Đẻ được con gái cho nó chóng lớn. Sinh được con trai cho nó nhanh khôn ngoan” [10; tr429]. Sau khi khấn xong thầy cúng lấy bông thấm rượu có tiết gà bôi lên chân người phụ nữ có mang và lấy lá xoan quệt tiết chó thoa lên trán và quanh bụng người phụ nữ có mang để đuổi thần ác.
2.2.1.2. Lễ cúng sau sinh nở
* Lễ cúng đặt tên-thổi tai
Diện mạo văn hóa của mỗi vùng, mỗi dân tộc thường được biểu hiện một cách tập trung nhất, sinh động nhất ở các buổi lễ, mỗi khi có các lễ hội, buổi cúng lễ của người Ê-đê thì đó là nơi ta có thể nhìn thấy bản sắc văn hóa một cách sâu đậm. Bởi lẽ lúc đó là nơi hội tụ của trang phục đậm nét nhất, cồng ching được đánh rộn ràng nhất Tất cả đều được bộc lộ, đầy đủ và tự do để đặt tên cho một con người mới chào đời. Người Ê-đê quan niệm mỗi con người đều có linh hồn. Một đứa bé vừa ra đời, các linh hồn sẽ nhập vào đứa bé và cất tiếng khóc chào đời.
Lễ được thực hiện sau khi đứa trẻ ra đời từ 1 đến7. Lễ cúng đặt tên-thổi tai ngày gồm hai bước. Bước thứ nhất là cúng Yàng Bah Huê- thần che chở trẻ sơ sinh và con người. Tiếp theo là lễ thổi tai cho trẻ: Bà đỡ mồm nhai củ gừng, thổi khẽ hai bên tai tre và cầu thần Trời cho bé được khỏe mạnh, thông minh và có lỗ tai thính để tiếp thu những điều hay lẽ phải.
Người Ê-đê cho rằng: Trẻ sơ sinh chưa có linh hồn, nên lúc đặt tên cũng là lúc làm lễ nhập hồn cho trẻ. Mâm cúng gồm một ché rượu, một con gà, một quả cà cắm vào dùi sắt, một củ gừng, lá cây, trên lá có một giọt sương lớn. Họ quan niệm giọt sương là nơi ngự của tổ tiên và hồn này sẽ nhập vào đứa trẻ. Thầy cúng khấn các vị thần linh xin đặt tên cho đứa trẻ. Sau đó bà đỡ đặt các lễ vật trong cái thúng bên cạnh đứa bé và cầu nguyện để đặt tên. Bà đỡ sẽ gọi tên của những người đã khuất trong gia đình họ mẹ để chọn và đặt tên cho đứa bé, nếu đọc đến tên của một người nào đó mà đứa bé thè lưỡi liếm giọt sương thì chứng tỏ đã có sự đồng ý giữa linh hồn và đứa trẻ với cái tên đã đặt. Ở trước sân và dưới sàn nhà, người cha và người cậu đứng hai bên. Trong tay cầm những chiếc chày giã gạo hoặc cũng có thể là hạt thóc, hạt gạo ném qua ném lại và nói to những lời cầu chúc sức khỏe cho đứa trẻ và đuổi Yang ác, Yang xấu đi không được quấy nhiễu đứa trẻ. Khi đứa trẻ đã có tên, thầy cúng khấn tiếp:
“Ơ yang ! Nay ta đổ nước lên miệng ché. Mời các thần đến hưởng Các ngài là thần nuôi nấng, thần tạo hóa. Hãy ban cho Y Ki khôn lớn, khỏe mạnh. Cho nó nhanh mọc răng cửa. Cho nó nhanh mọc răng hàm. Cho nó nhanh đến tuổi trưởng thành. Ban cho nó giàu to. Ban cho nó nhà lớn. Ban cho nó khỏe mạnh. Lớn lên có buôn làng giàu đẹp” [10;tr432].
Sau đó, bà đở lấy chiếc vòng bạc đeo vào tay phải cho đứa bé cầu cho đứa bé giữ chiếc vòng bạc cho đến tuổi ông bà. Lễ cúng tên – thổi tai là một nghi lễ quan trọng trong hệ thống nghi lễ vòng đời người của đồng bào Ê-đê. Nó là niềm hy vọng của gia đình đứa trẻ về tương lai tốt đẹp của con mình.
2.2.1.3. Lễ cúng ở tuổi trưởng thành
Ở huyện Krông Năng bất cứ chàng trai Ê-đê nào bước vào độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi đều phải có lễ cúng trưởng thành kết hợp với lễ cúng sức khỏe. Lễ cúng này là nghi lễ vô cùng quan trọng không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người. Những nghi lễ sẽ được tổ chức vào thời điểm có đủ lễ vật. Nếu trong một đời người mà không thực hiện được các nghi lễ này thì bản thân người đó và cả dòng họ anh em, họ hàng người đó sẽ mắc nợ thần linh, dù người đó chết đi thì người thân gia đình vẫn phải cúng để tạ thần linh.
Lễ được tổ chức to hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nhưng theo thông lệ thì tất cả mọi người trong buôn sẽ cùng tới chia vui cùng với gia đình. Đối với con trai thì cúng 3 lần nghĩa là cúng rượu 3, rượu 5 và rượu 7, còn đối với con gái thường được dừng lại ở lễ cúng rượu 3.
Vào thời điểm này cha mẹ sẽ tổ chức một nghi lễ cầu cúng ông bà, tổ tiên, nhằm cầu mong cho đứa trẻ dồi dào sức khỏe, làm nương rẫy, gùi củi và dệt vải giỏi dang (chỉ người con gái). Lễ bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt của chàng trai ngoài bến nước của buôn. Từ sáng sớm, người được cúng lễ trưởng thành phải đi ra bến nước của buôn mình với trang phục truyền thống. Khi đến bến nước chàng trai (hoặc cô gái) rửa mặt trước sự chứng giám của trời đất và thần bến nước cùng sự hiện diện của bà con trong buôn. Khi đã gội đầu xong, chàng trai hứng nước đầy vào quả “bầu eo” mang về làm lễ cúng Yang. Việc làm này có ý nghĩa là tẩy chay, rửa sạch tội trong quá khứ.
Người Ê-đê ở huyện Krông Năng coi lễ cúng rượu 3 là lễ cúng trưởng thành, còn lễ cúng rượu 5 (năm lơ má) và rượu 7 (bảy lơ má) là lễ cúng sức khỏe gọi là “Yang-met awa”. Dưới đây chúng tôi xin trình bày toàn cảnh một buổi lễ cúng rượu 5 của Ma Ka (tức Y Dung ở Buôn Năng- xã Eaho).
Lễ vật gồm có 5 ché rượu, 1 con gà, 1 đầu heo, 1 phần trong bộ lòng của con heo thường là bong bóng heo được treo trên những cây nẹp ché rượu và 1 bình nước lã. Những người có mặt trong buổi lễ cúng là những người thân trong gia đình và tất cả bà con trong buôn cùng đến tham dự. Khi tiếng cồng chiêng vang lên là báo hiệu cho buổi lễ bắt đầu. Những ché rượu được đặt chính giữa nhà, có dây và kèo buộc chặt, cố định các ché lại với nhau, các ché rượu được đặt theo hình tam giác đứng, nghĩa là ché to nhất được đặt ở chính giữa các ché nhỏ hơn được đặt ở hai bên. Anh Y Dung trong trang phục truyền thống ngồi ở phía nam của ngôi nhà, ở hai bên anh Y Dung có hai người phụ nữ đứng rót rượu, bốc đồ ăn. Việc làm này thể hiện cho sự sung túc, cuộc sống thảnh thơi, nhàn hạ và đó cũng là lễ nghi trong tín ngưỡng của đồng bào. Thầy cúng ngồi hướng về phía đông, tay phải cầm ché rượu, tay trái cầm vòi và bắt đầu bài cúng. Xong bài cúng thứ nhất (kể về cuộc đời của người được cúng), rồi lấy 1 ly nước lã cho chủ nhà rót đầy lên 5 ché, thầy cúng tiếp tục múc 1 ly nước nữa đổ đều lên các ché và cúng bài thứ 2 (xin thần linh phù hộ, ban sức khỏe). Những người đánh cồng chiêng ngồi một hàng dài trên ghế Kpan. Âm vang của bài cúng cộng hưởng với âm thanh của cồng chiêng càng làm cho buổi lễ thêm phần rộn ràng, ấm cúng và tạo tình đoàn kết trong buôn. Dứt lời, thầy cúng lấy 5 còng đồng đeo cho anh Y Dung. Khi vào bữa tiệc những người thân trong gia đình được phép ăn trước, dùng tay bốc mỗi thứ một ít ăn theo vòng. Người Ê-đê huyện Krông Năng không có thói quen phụ nữ và đàn ông ngồi ăn chung mà được phân ra rất rõ rệt, những người thân trong gia đình và người lớn tuổi, người đánh cồng chiêng được ngồi ở gian khách (dring gah), còn những người phụ nữ thường ngồi ăn ở phía gian thứ hai (dring ôk) của ngôi nhà. Đầu tiên người cầm cần là thầy cúng cho người trong gia đình uống trước, sau đó người chủ nhà cầm cần cho tất cả những người trong buổi lễ. Và cứ thế họ ăn và uống rượu cần cùng nhảy múa, ca hát suốt buổi chiều hôm đó. Đến tối, chủ nhà chuẩn bị thêm 2 đến 5 ché nữa để phục vụ cho thanh niên trong làng, những người phụ giúp trong ngày hôm đó và cho cả những người đến sau cùng chung vui, buổi lễ thường kéo dài đến 2 giờ sáng. Xong xuôi ai về nhà nấy và lại tiếp tục một ngày mới với những công việc thường ngày.
Qua ngày hôm sau, chủ nhà chuẩn bị 3 ché nữa. Hôm nay anh Y Dung phải tháo vòng đồng ra, đồng thời đem lễ vật là 1 ché rượu với 1 con gà sang nhà vợ tiếp tục cúng, buổi lễ kéo dài đến khi mặt trời tắt hẳn. Với tục cúng vòng đời này thì việc cúng cho con trai lớn hơn cúng cho con gái, khi đến chừng khoảng 20-40 tuổi là cúng lớn nhất, người đồng bào gọi đây là lễ cúng 7 ché, lễ này được kéo dài đến 7 ngày, ngày thứ nhất là 7 ché, ngày thứ hai là năm ché, sang ngày thứ ba là 3 ché. Vào ngày này người cha, hay những người chủ gia đình mời hết bà con trong buôn, và mời bà con, anh em thân thuộc từ các buôn khác đến. Các con số như 3, 5 ,7 đó gần như là luật tục, nằm trong quy ước của người Ê-đê. Có thể nói lễ cúng vòng đời là lễ cúng lớn nhất kéo dài gần một tuần lễ trong không khí linh thiêng của đất trời huyện Krông Năng.
2.2.1.4. Lễ cưới
Người Ê-đê theo chế độ mẫu hệ, vì vậy trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người phụ nữ có quyền rất lớn. Một trong những quyền đó là quyền cưới chồng, con gái lấy họ mẹ và có vị trí đặc biệt trong gia đình. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Ê-đê có “nhiệm vụ” đi tìm bạn trăm năm qua các cuộc lễ lạt, hiếu hỷ, cúng viếng và đặc biệt trong các lễ hội mùa xuân. Sau mùa gặt bội thu mùa lễ hội trong các buôn làng tưng bừng. Đây là dịp các cô gái thực hiện công việc trọng đại của mình – tìm bạn trăm năm. Trong những cuộc giao duyên đó, nếu chàng trai lọt vào mắt xanh của cô gái thì về nhà thưa chuyện với cha mẹ để nhờ mai mối đến nhà trai đánh tiếng dạm hỏi.
Lễ cưới của người Ê-đê thường được tổ chức hàng năm sau mùa rẫy, khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 dương lịch năm sau. Quy mô lễ cưới của đồng bào Ê-đê không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trai, nhà gái mà thu hút sự tham gia của hai dòng họ và cả cộng đồng buôn làng. Lễ cưới của người Ê-đê được tiến hành theo các bước sau: Lễ hỏi chồng, lễ thỏa thuận, lễ rước, lễ cưới.
Có thể nói lễ cưới của người Ê-đê là một ngày hội lớn cộng đồng. Trong lễ cưới, phong tục tập quán, không gian lễ hội, trang phục, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật dân gian thể hiện khá phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Qua lễ cưới nhằm giáo dục cho mỗi thành viên trong cộng đồng lòng chung thủy, nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương buôn làng và yêu cuộc sống lao động. Đồng thời, nhắc nhở họ sống có trách nhiệm vì tương lai của gia đình, dòng họ và cộng đồng.
2.2.1.5. Lễ cúng sau khi chết
Khi trong nhà có người chết, người thân trong gia đình giết 1 con gà, 1 ché rượu đặt trên đầu người chết. Ngày xưa có thể giết bò hoặc heo để cúng người chết, những người trong buôn mang đến những ché rượu, cơm, gà coi như là chia sẻ nỗi buồn cho gia chủ và để làm cơm đãi khách. Họ không xem giờ hay ngày tốt mà thi thể thường được để trong nhà khoảng 2 ngày mới đi chôn. Nếu gia đình nào có điều kiện thì tiến hành lễ bỏ mả ngay sau khi người chết được 2 ngày. Trong lễ này có nghi thức là giải phóng cho con người sống, nghĩa là những người chồng hoặc vợ của người đã khuất chỉ được chải tóc, ăn mặc đẹp, vui chơi, kết hôn sau nghi lễ bỏ mả.
Người Ê-đê tiến hành tập tục chuê-nuê để nối kết vợ chồng cho những người góa trong lúc tiến hành lễ bỏ mả. Người thay thế người chồng hoặc người vợ người đã khuất sẽ do họ hàng phía người đã khuất chỉ định. Nếu người được lựa chọn đồng ý thì phải báo tin cho người đã khuất biết rằng vợ hoặc chồng đã có người chăm lo. Thông thường tục chuê-nuê của người Ê-đê huyện Krông Năng thường được thể hiện như sau: Nếu người vợ chết đi người chồng có thể lấy em gái hoặc chị gái của dòng họ đằng gái làm vợ, nếu không đồng ý thì phải dâng lễ vật vì đã không làm theo luật tục. Tùy theo người chết là nam hay nữ mà phần của cải được chia cho phù hợp và chôn ở nhà mồ. Nhà mồ của người Ê-đê huyện Krông Năng thường cách ngôi nhà cuối cùng trong buôn là khoảng trên 50m kể từ nóc nhà cuối cùng. Những vật dụng hằng ngày được bẻ gãy để chia cho người chết vì người Ê-đê tin rằng những đồ dùng ở dưới âm phủ sẽ dùng ngược với những thứ trên trần gian.
Trước khi tiến hành lễ bỏ mả, những người thân hoặc thanh niên trong buôn đẽo tượng nhà mồ theo cách truyền thống của dân tộc. Thông thường những nghệ nhân nghề mộc trong buôn sẽ đẽo 4 cây cột dựng 4 góc nhà mồ, điêu khắc cột klao dựng trước nhà mồ. Ngôi nhà mồ thông thường chia làm 3 phần chính, ở giữa là phần mộ để đặt quan tài người chết, 2 đầu nhà mồ được dựng sàn để cho người thân ngồi than khóc, mái nhà thường được lợp bằng mái tranh. Nghi thức chính của buổi lễ bỏ mả là lễ đâm trâu, hoặc heo và nhảy múa, đánh cồng ching và múa hát trong nhà mồ. Nhà giàu thì thịt nhiều bò heo và rượu cần, nhà nghèo thì cũng phải làm sao cho đủ thịt và rượu cho mọi người trong buôn đến chia buồn. Lễ vật như rượu ché, đồ tễ lễ luôn được đặt quay về phía đông.
Khi thịt các con vật tế lễ được nấu chín, gia chủ dùng lá chuối trải trên mặt đất chia ra từng mâm để những người dân trong buôn làng cùng ăn lần cuối với người chết. Những người trong buôn sẽ ngồi ở hai đầu nhà mồ để khóc lóc, kể về những chuyện đã qua trong cuộc sống, xong họ cúi đầu lặng lẽ đi về không quay đầu hay ngoái đầu lại vì họ sợ hồn ma sẽ tiếc nuối và đi theo họ về buôn. Một người đi sau cùng sẽ đập vỡ và đốt tất cả các vật dụng mà gia chủ đã chia cho người đã khuất. Từ đây nhà mồ sẽ bị bỏ hoang mục nát.
Trường hợp nếu người chết do tự sát hay do tai nạn thì không được xây nhà mồ, không tiến hành các nghi lễ như người chết bình thường mà quấn chiếu hoặc mua hòm và chôn trong ngày. Phần mộ của họ thường được đặt ở phía dưới của nghĩa địa không được đặt gần phần mộ của những người chết bình thường vì người Ê-đê cho rằng nếu họ không làm như vậy sẽ khiến người thân trong gia đình chết theo.
2.2.2. Nghi lễ - Lễ hội nông nghiệp
2.2.2.1. Lễ cúng rẫy
Lễ cúng rẫy là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Ê-đê nói chung và người Ê-đê huyện Krông Năng nói riêng . Hằng năm, mỗi khi bước vào mùa rẫy (từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch), các gia đình người Ê-đê thường tổ chức lễ phát rẫy và cúng rẫy. Lễ vật gồm một con gà trống choai còn sống, một ché rượu nhỏ. Khi đi đến rẫy họ đặt lễ vật xuống đất được lót bằng lá chuối và khấn:
“Ơ Yang Rẫy, Yang Rừng, Yang Núi, Yang Sông, Yang biển Đông, Yang biển Tây! Hôm nay gia đình tôi mang con gà, ché rượu cúng các yang, mong các yang giúp cho việc làm rẫy được thuận lợi, lúa được đầy kho, bắp được đầy bồ. ơ yang” [10;tr461].
Khấn xong chủ rẫy cắt tiết gà, lấy tiết hòa vào rượu đựng trong tô đồng vẩy xung quanh rẫy và dụng cụ làm rẫy. Do đặc thù ở huyện Krông Năng là chủ yếu trồng cây công nghiệp cho nên lễ nghi cúng rẫy cũng đơn giản so với những nơi khác .
2.2.2.2. Lễ cầu mưa và cúng bến nước
Lễ cầu mưa mang một ý nghĩa tâm linh, cầu mong cho thần linh, ông Trời, bà Trời và các thần lớn nhỏ mang mưa về, để cho buôn làng được mùa nương rẫy, lúa, bắp đầy chòi, cây cỏ xanh tươi, đàn trâu, đàn bò sinh sôi. Cầu mưa cho khí hậu trong lành, con người nhiều sức khỏe, mong cho cuộc sống luôn được ấm no, hạnh phúc.
Để làm lễ cầu mưa, dân làng chuẩn bị đồ lễ gồm 1 con trâu, nhưng thường là bò, 7 ché rượu cần. Sau đó các thầy cúng khấn thần linh để trồng cây gạo, cột trâu để giết làm đồ tế. Lễ cúng bắt đầu với đồ tế gồm 7 ché rượu, thịt, lòng bò đựng trong 7 chén, 7 tô rượu, 7 tô cơm đặt lên sàn. Các thầy cúng bắt đầu khấn mời ông Trời, bà Trời, các thần sông thần sấm, sét cùng về hưởng và đem hạt mưa về giúp cái nương, cái rẫy luôn xanh tươi, được mùa, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con. Chiêng, trống, cồng chiêng vang lên cùng với lời khấn lúc trầm lúc bổng của các thầy cúng như thúc giục, mời gọi thần linh về.
Để thực hiện nghi thức đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng, người Ê-đê huyện Krông Năng chọn ra những người đàn ông tài giỏi của buôn làng dựng cây nêu tránh súc vật chạy qua, cây nêu sẽ được chọn dựng ở vị trí cao ráo trước nhà sàn dài. Một số người khác sẽ phải đi lên đầu nguồn nước để kiểm tra, đảm bảo nguồn nước trong lành sẽ chảy về làng. Trước khi tiến hành nghi lễ, từ sáng sớm, già làng sẽ đánh những hồi chiêng dài báo cho buôn làng biết là sắp tổ chức lễ cúng bến nước. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, treo đồ vật trang trí.
Theo giải thích của bà H’Lum (83 tuổi, buôn Năng- Eaho- Krông Năng) thì lễ cúng có 3 phần. Phần thứ nhất là cúng tại bến nước để cầu cho thần nước mang lại sức khỏe cho buôn làng, tiếp đó là cúng tại hàng rào trước khi mang nước vào nhà và cuối cùng là cúng tại nhà của chủ bến nước. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở bến nước, người ta sẽ lấy nước vào các vật đựng nước, thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và gùi về nhà lấy phước. Trong khi đó, một đoàn người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ...
Kết thúc nghi lễ, cả buôn làng tập trung về nhà dài để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã. Những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu nhảy tưng bừng đưa mọi người xích gần nhau hơn, trong tiếng hát ca dưới mái nhà chung của dân tộc. Lễ cúng bến nước là nghi lễ chung của toàn buôn, sau lễ cúng chính, mỗi gia đình đều tổ chức cúng tại nhà.
CHƯƠNG 3
BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI Ê-ĐÊ Ở HUYỆN KRÔNG NĂNG, TỈNH ĐĂK LĂK
3.1. Biến đổi văn hoá truyền thống của người Ê đê ở huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk
3.1.1. Biến đổi văn hoá vật chất
Trong thập niên tám mươi của thế kỷ XX kinh tế - xã hội nước ta lúc đó bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nhằm thoát khỏi tình trạng trên, Đảng, nhà nước ta đã ban hành chính sách đổi mới: Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở khu vực Tây Nguyên, đã xây dựng một số vùng kinh tế mới cho đồng bào dân tộc; đưa người Kinh vào ở xen kẽ nhằm hướng dẫn đồng bào về phương thức canh tác, đồng thời đưa phương thức và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; mở mang trường học, các cơ sở y tế để nâng cao dân trí và sức khỏe cho đồng bào. Chính những điều trên đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nền văn hóa truyền thống của người Ê-đê ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào Ê-đê ở huyện Krông Năng nói riêng.
Trước kia, ở huyện Krông Năng môi trường tự nhiên rất phong phú và đa dạng người Ê-đê có thể tận dụng để ăn uống và giữ gìn sức khỏe, tạo ra các vật dụng hằng ngày. Nguồn thực phẩm chủ yếu từ săn bắt và chăn nuôi. Do đó, bữa ăn của họ khá đơn giản và đạm bạc. Mỗi khi có tiệc tùng hay lễ hội, bữa ăn có thêm các món ăn phong phú hơn, họ vừa ăn vừa uống rượu cần. Từ trẻ em đến cụ già, từ nam tới nữ đều biết uống rượu cần và coi đó là thú vui, thuốc lá là đồ hút cho cả nam lẫn nữ. Nhưng nay tiến bộ hơn, các bài thuốc hái từ cây, lá rừng ít người sử dụng, người ta đi khám bệnh xin thuốc, mua thuốc tại các trạm xá bệnh viện. Người ta ăn chín uống sôi, hợp vệ sinh, thức ăn mua từ chợ phong phú đạm bạc hơn, nhiều người có nhu cầu ăn ngon, uống nhiều thức uống ngon bổ, sử dụng nguồn nước sạch,v.v
Trang phục truyền thống chủ yếu chỉ còn ở người cao tuổi trong buôn. Thanh niên không mặc áo quần truyền thống, họ ưa chuộng quần jean, áo thun theo phong cách người Việt, bị “Việt hóa” họ chỉ mặc trang phục truyền thống trong các buổi lễ hội.
Trang phục phổ biến nhất của người Ê-đê xưa kia là nam đóng khố nữ mặc váy. Trong những ngày lễ hội hoặc đi chơi, phụ nữ thường mặc váy mảnh theo kiểu quấn quanh thân, có hoa văn ở cạp và gấu. Áo có thêu hoa văn ở vai, dọc theo nách, cổ tay và gấu áo. Trang sức của người Ê-đê khá phong phú. Đến tuổi trưởng thành, họ đều cưa những chiếc răng cửa. Trẻ em một hai tuổi đã phải xâu lỗ tai. Con trai, con gái đều đeo hoa tai và vòng đồng ở cổ tay. Con gái thường đeo hoa tai được tiện bằng ngà voi khá to, ngược lại con trai đeo những chiếc khuyên tròn bằng đồng ở cổ. Ngày nay, nhu cầu mặc đẹp thường theo kiểu lịch sự, hiện đại như người Việt, các trang sức cũng đã thay đổi nhiều, bằng vàng hoặc bằng đá quý
Khi đặt chân đến các buôn trên địa bàn huyện Krông Năng rất khó tìm được ngôi nhà sàn dài truyền thống bằng mái tranh, phên nứa mà thay vào đó là những nhà xây theo kiến trúc của người Việt. Đa phần các ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ thiên nhiên, các bậc thang được bê tông hóa, không còn biểu trưng cho chế độ mẫu hệ là cầu thang được trang hoàng bằng những bầu vú cách điệu, là những bậc được đẽo kỳ công đậm chất văn hóa. Nhà rông truyền thống đã không còn hiện hữu trong tâm trí bà con nữa mà thay vào đó là sự can thiệp của nhà nước là hàng loạt các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng.
Nghệ thuật tạo hình của người Ê-đê huyện Krông Năng khá độc đáo, thể hiện ở điêu khắc, chạm trổ, trang trí hoa văn trên vật dụng hằng ngày, nhà cửa, tượng nhà mồ phong phú, đa dạng có nhiều ý nghĩa biểu trưng cho cuộc sống. Nhưng nay, những yếu tố truyền thống độc đáo ấy không còn nữa mà văn hóa chạm trổ, điêu khắc, trang trí đều ảnh hưởng sâu sắc nét văn hóa hiện đại. Khi xã hội tiến bộ hơn người ta không còn nhu cầu làm nhà sàn dài mà là nhà xây cho sáng sủa, lịch sự, ngăn nắp hơn, các trang thiết bị dụng cụ sử dụng trong gia đình được mua về hợp với thời đại.
Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, người Ê-đê huyện Krông Năngvốn là gốc nông nghiệp nương rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nên cách sống của họ luôn luôn hòa hợp với thiên nhiên, có ý thức tôn trọng thiên nhiên, không dám ganh đua với thiên nhiên. Tuy nhiên, hiện nay trong ý thức của họ, thiên nhiên không còn thiêng liêng, không còn thần linh ngự trị, các sản vật từ thiên nhiên không còn đủ để cung cấp cho con người nên họ cũng sẵn sàng tham gia chặt phá rừng để làm lợi cho cá nhân.
Một số biểu hiện thay đổi khác, phổ biến hiện nay như người ta có nhu cầu cao về sự thay đổi trong kỹ thuật sản xuất để trồng cây lâu năm, đào bồn quanh gốc cà phê, cao su để bón phân tránh bị rửa trôi vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô. Họ có ý thức đầy đủ về sự thay đổi công cụ sản xuất: mọi khâu sản xuất trong trồng trọt đã có sự thay đổi: tưới tiêu, làm đất, vận chuyển, thu hoạch; từ các công cụ thô sơ (gậy chọc lỗ, xà gạc, rựa, gùi) sang công cụ cải tiến hiện đại hơn (cày, bừa, máy cày, máy phay đất).
Các loại sản phẩm lương thực sản xuất ra vừa tiêu dùng vừa để bán, đó là các loại sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, mía, bắp, rau và các cây ăn quả. Bên cạnh đó, còn có những thay đổi về cách thức tiếp nhận kỹ thuật. Những kỹ thuật bản địa trước đây chủ yếu được truyền miệng, học qua kinh nghiệm thực hành và tích lũy lâu đời, được lưu truyền trong cộng đồng người Ê-đê. Ngày nay, các kỹ thuật mới được tiếp nhận qua quan sát cách làm của người ở nơi khác chuyển đến, qua sách báo, đài truyền thanh, truyền hình, từ các cán bộ khuyến nông qua các lớp tập huấn, các hội thảo đầu về phương tiện canh tác-sản xuất.
3.1.2. Biến đổi văn hoá tinh thần
Điều kiện môi trường sống thay đổi sẽ kéo theo một số yếu tố văn hóa ứng xử với môi trường xã hội cũng thay đổi. Mặt khác, mặt trái của cơ chế thị trường cũng tạo ra nét văn hóa mới trong đời sống, trong ứng xử khác với văn hoá ứng xử mang tính cộng đồng trước đây. Sự thay đổi về quyền sở hữu đất đai, kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt lối sống định canh định cư và xen cư giữa các thành phần dân tộc là những điều kiện dẫn đến việc ngừng phát triển nhà sàn dài, một nét kiến trúc độc đáo trong văn hóa vật thể dân tộc.
Việc không phát triển nhà sàn dài kéo theo việc không phát triển các không gian văn hóa cộng đồng truyền thống, hạn chế môi trường dung dưỡng các giá trị văn hóa tinh thần khác như âm nhạc cồng ching và những đêm “kể khan” (trường ca). Trước đây, có những bản trường ca phải kể cả chục đêm. Ngày nay, ở các buôn được nghiên cứu không còn bất kỳ người nào có thể kể được trọn một đêm khan. Những ràng buộc cũ về tập tục dần dần thay đổi, không bị lệ thuộc vào các quy định văn hoá cũ. Ché, chiêng, nồi đồng, v.v bây giờ không còn là vật quy định mức độ giàu nghèo nữa mà bằng chính các vật dụng mới trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ, ti vi, xe máy...
Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin không còn thích hợp nữa đều bị loại bỏ, tiếp thu nét đẹp trong văn hóa ma chay, cưới xin theo tập tục mới ngày nay, v.vCác sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống được tổ chức lại trong các đội văn nghệ của xã. Chỉ khi nào chuẩn bị cho các cuộc hội diễn, các cuộc thi ở các cấp khác nhau, người ta mới luyện tập. Các hình thức hoạt động ở đây không hoàn toàn hướng đến cộng đồng. Âm nhạc cồng chiêng được Nhà nước đánh giá cao, khuyến khích, như đánh cồng chiêng trong những dịp lễ hội. Đặc biệt, nguồn suối, bến nước cũng góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ê-đê, nhưng ngày nay đang bị ảnh hưởng nặng nề và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Theo GS. TS. Trần Văn Bính “Do cuộc sống xen kẽ từ lâu đời giữa người Kinh với cộng đồng các tộc người nên trên đất nước ta đã sớm diễn ra sự giao lưu văn hóa giữa tộc người với người Kinh, và giữa các tộc người với nhau” [5; tr31].
3.1.3. Một số nhận xét về vấn đề biến đổi văn hoá truyền thống
3.1.3.1. Điểm tích cực và hạn chế của sự biến đổi văn hóa truyền thống của người Ê-đê
Văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống, được kết tinh qua nhiều thế hệ tạo thành những giá trị bền vững, ổn định. Vì thế, nó sẽ tác động qua lại trong quá trình trưởng thành và tồn tại của mọi dân tộc. Tuy nhiên những biến đổi về văn hóa truyền thống cũng có tính hai mặt của nó.
Trước tiên, những biến đổi về văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho người Ê-đê huyện Krông Năng xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sản xuất, thay vào đó họ đã tiếp thu các phương thức sản xuất và canh tác tiến bộ bằng cách đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất không những nâng cao được chất lượng sản phầm mà còn góp phần nâng cao cuộc sống của chính bà con.
Các công trình kiến trúc được cách điệu hóa để phù hợp với điều kiện tự nhiên và bền vững theo thời gian, điển hình như nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các thôn buôn đều được xây dựng một cách kiên cố. Các công trình được cách điệu theo nhà sàn dài của người Ê-đê, cách làm này mang tính bền lâu nhưng vẫn mang trong mình bản sắc văn hóa. Những thay đổi đó đã làm thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống người Ê-đê huyện Krông Năng lên đáng kể.
Mặt khác, song hành với những thay đổi tiến bộ thì cũng tồn tại những mặt trái, đó là sự mai một văn hóa. Hàng loạt các lễ hội và tập tục tốt đẹp bị loại bỏ, nhiều nhạc cụ dân tộc bị thất thoát cùng với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng giảm đi, trang phục dân tộc không còn đáng kể. Rõ ràng, văn hóa truyền thống cũng mang lại nhiều vấn đề nan giải trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những thay đổi trên đang từng ngày làm phai màu văn hóa người Ê-đê.
3.1.3.2. Nguyên nhân biến đổi văn hoá truyền thống
Như thế, một trong những nguyên nhân đã đến sự biến đổi văn hóa truyền thống của người Ê-đê tại huyện Krông Năng -tỉnh Đăk Lăk là sự đồng hóa văn hóa người Việt, làm đứt đoạn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này không có gì lạ bởi “đồng hóa tự nhiên là một quá trình tiếp xúc, giao lưu ảnh hưởng văn hóa tự nhiên trong các tộc người, thường là các dân tộc có dân số lớn, trình độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa cao hơn, thậm chí các tộc người nhỏ ấy có thể bị đồng hóa một phần hay hoàn toàn vào các tộc người lớn hơn”. [4; tr57].
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng hướng mục tiêu phát triển kinh tế ở vùng miền núi, đặc biệt là các vùng đặc biệt khó khăn. Từ những năm 1990 đến nay, chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng cơ sở được đồng loạt tiến hành trên hầu hết các địa bàn miền núi ở huyện Krông Năng. Các chương trình như 134 CP,135CPđã làm cơ sở hạ tầng thay đổi rất nhiều ở nông thôn miền núi nói chung trong đó có huyện Krông Năng. Sự thay đổi cơ sở hạ tầng và hàng loạt các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đã hình thành các đường giao thông, nước sạch..tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu, buôn bán giữa người dân trên cùng địa bàn cũng như với những người ở các địa phương khác.
Ngoài chính sách phát triển kinh - tế xã hội nói chung, việc nâng cao trình độ dân trí cũng góp phần thay đổi nhận thức của người dân để có thể tiếp nhận nhanh chóng các tri thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất cũng như việc tiếp nhận các nhân tố văn hóa mới. Các phương tiện truyền thông đại chúng như loa, đài, ti vi, báo... cũng tạo nên động lực lớn cho người dân ở đây học hỏi lẫn nhau, giao lưu giữa các thành viên trong và ngoài cộng đồng.
Việc người Ê-đê được dùng điện cũng đã tác động quan trọng về sự thay đổi đối với nhận thức, khả năng tiếp nhận cách thức lao động mới, sử dụng công cụ sản xuất phù hợp hơn và sử dụng các tiện nghi sinh hoạt hiện đại hơn. Thêm vào đó, Nhà nước tích cực triển khai các chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, có cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tận địa phương cũng dễ dàng làm thay đổi những tập quán sản xuất cũ lỗi thời, lạc hậu, năng suất thấp.
Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật là một trong những động lực chính của sự phát triển, bởi việc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống đã làm thay đổi dần tập quán canh tác cũng như các loại công cụ lao động mới. Con người ngày càng làm chủ được thiên nhiên, làm thay đổi tập quán sinh hoạt thường nhật, thay đổi cách làm nhà ở, đặc biệt là thay đổi về tập quán tín ngưỡng, lễ hội. Quan trọng hơn, chính người đồng bào cũng tự nhận thấy các tiến bộ này đã làm cho đời sống của họ ngày càng ổn định, nên đã tự giác tiếp nhận và nhân rộng ở cộng đồng. Sự thay đổi này theo hướng ngày càng hiện đại hóa, lược bỏ bớt những hủ tục lạc hậu, lễ nghi rườm rà, rút ngắn thời gian.
3.2. Các nhóm giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống của người Ê đê ở Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
3.2.1. Giải pháp về kinh tế - xã hội
Nhà nước và chính quyền địa phương cần có chính sách và cơ chế bảo đảm sự bình đẳng và có sự ưu tiên nhất định đối với người Ê-đê về phân bổ các nguồn lực phát triển, về tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở vùng có người Ê-đê sinh sống. Nâng cao nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, nhất là các chủ doanh nghiệp về việc tuyển dụng, sử dụng lao động người dân tộc thiểu số, nhất là người Ê-đê và coi đó là nguồn nhân lực tại chỗ rất quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
UBND cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về địa phương, về dân tộc bản địa (trong đó có Ê-đê) cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, các chủ doanh nghiệp ở tất cả các cấp và các lĩnh vực hoạt động để ý thức được và nhận diện được bản sắc văn hóa của từng dân tộc, để không có sự phân biệt về tiếng nói, màu da... Cần có chương trình trong một khoảng thời gian nhất định giải quyết dứt điểm tình trạng nghèo đói ở vùng các dân tộc người Êđê, đồng thời, hạn chế tối đa sự phân hóa giàu nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc thiểu số (trong đó có dân tộc Ê-đê) vừa hiểu sâu lịch sử và văn hóa Việt Nam, vừa hiểu sâu về lịch sử văn hóa dân tộc mình (thông qua các hoạt động giáo dục, văn hóa, thông tin, văn hoc nghệ thuật). Cán bộ văn hóa xã cần xây dựng và thực hiện các dự án về làng nghề thủ công truyền thống và làng nghề mới cùng với mạng lưới chợ để tạo việc làm và trao đổi buôn bán cho người Ê-đê. Nghề thủ công (dệt thổ cẩm, đan lát,) là nghề truyền thống của người Ê-đê, những sản phẩm của nghề này lại phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của xã hội hiện đại. Vì vậy, xây dựng những làng nghề và cả chợ không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo lập thói quen tiếp cận kinh tế thị trường cho người Ê-đê trong hội nhập.
Ở bất kỳ xã hội nào, dân tộc nào thì vấn đề giáo dục và phát triển nguồn nhân lực luôn được quan tâm và chỉ đạo đến từng người dân. Bởi lẽ, trình độ giáo dục có ảnh hưởng quyết định tới việc tiếp thu tri thức, ứng dụng vào đời sống và sản xuất. Nghiên cứu cho thấy, trình độ dân trí của đồng bào Ê-đê ở đây rất thấp, những người không biết chữ hoặc tái mù chữ sau khi được phổ cập chiếm một tỷ lệ rất cao, đặc biệt là phụ nữ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của đồng bào, từ đó cản trở việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống cũng như sự thay đổi nhận thức nhằm xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Việc đưa tiếng Ê-đê vào giảng dạy song song với tiếng phổ thông trong nhà trường là một giải pháp hữu hiệu được đông đảo đồng bào tiếp thu hưởng ứng.
Cần có các biện pháp hiệu quả hơn nhằm nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với phụ nữ Ê-đê. Cụ thể là tích cực vận động phổ cập giáo dục, các lớp xóa mù chữ. Cần có các chính sách hỗ trợ về nhiều mặt và tuyên truyền vận động cha mẹ cho con em mình được đến trường. Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách đưa người Ê-đê đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo giáo viên dân tộc Ê-đê và trở về công tác tại địa bàn.
Cần tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào, cụ thể ở đây là người Ê-đê. Cần phổ biến đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chính sách văn hóa. Đồng thời, loại trừ những hủ tục lạc hậu trong phong tục tập quán của người Ê-đê. Đặc biệt là đẩy mạnh phổ biến luật hôn nhân-gia đình, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn.
Phát triển kinh tế là một trong những điều kiện kiên quyết để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì kinh tế có vững thì mới có điều kiện để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, và có thể tổ chức được các lễ hội thường xuyên hơn để thu hút đồng bào quan tâm tham gia. Khi kinh tế ổn định và phát triển người Ê-đê sẽ quan tâm hơn đến vấn đề phát triển và bào tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
3.2.2. Giải pháp về nghi lễ - lễ hội
Trước hết Đảng, Nhà nước ta cần có chính sách cụ thể và kinh phí đáng cho việc khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có nghi lễ - lễ hội của đồng bào Ê-đê. Đồng thời nhanh chóng sưu tầm, phục hồi các nghi lễ - lễ hội Ê-đê, thường xuyên tổ chức giáo dục và khơi dậy niềm tự hào trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng, nhất là trong con em đồng bào dân tộc Ê-đê.
Lần lượt chọn lọc, xuất bản các tác phẩm văn hóa nghệ thuật dân gian Ê-đê, nhất là nghi lễ-lễ hội, phong tục, tập quán, truyện cổ dàn dựng các chương trình văn nghệ dân gian, ghi âm, ghi hình để phát sóng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục tổ chức ccs hoạt động văn hóa lớn như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, Liên hoan ca múa nhạc dân gian, Liên hoan văn hóa cồng chiêng – nhạc cụ dân tộc
Một vấn đề không thể thiếu đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, văn hóa, tôn giáo cho lực lượng cán bộ công chức ở vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo, nhất là cán bộ chuyên trách về công tác tôn giáo. Tăng cường quản lý nhà nước bằng luật pháp, đồng thời vận động quần chúng giáo dân gắn đạo với đời, tích cực góp phần vào sự nghiệp đổi mới bằng những hoạt động cụ thể thiết thực trong sản xuất, xây dựng đời sống mới để làm giàu cho mình và cho đất nước.
3.2.3. Giải pháp đặc thù về văn hóa
Chính quyền điạ phương cần có chương trình và phương thức thực hành văn hóa dân tộc, làm cho mỗi người Ê-đê tự ý thức được vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người mình. Các lễ hội, hội diễn, liên hoan, các cuộc thi, phong trào văn hóa-văn nghệ, thuộc văn hóa Ê-đê hãy để người Ê-đê thực hiện, tự thể hiện giá trị và sắc thái văn hóa của mình. Chỉ có như vậy, văn hóa người Ê-đê mới được bảo tồn, lưu truyền trong đời sống hiện thực của nó. Ở đây, cần tránh xu hướng “chạy theo thành tích” bao biện làm thay, “sân khấu hóa” các lễ hội.
Qua đó, hình thành các tổ chức quần chúng để bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy các giá trị văn hóa “ngoại sinh” : “Hội bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”, “Câu lạc bộ sáng tác và biểu diễn”, “Quỹ giải thưởng văn hóa Ê-đê” v.v Nòng cốt của những hội này là những nghệ nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, già làng, trưởng các buôn là người Ê-đê. Hội viên của các tổ chức này gồm tất cả các cá nhân và các tổ chức đơn vị, cơ quan, kể cả các doanh nghiệp yêu thích và tâm huyết với văn hóa Ê-đê.
Cần có những mô hình và kinh nghiệm đã có về xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, gia đình văn hóa, làng văn hóa, cần thiết kế mô hình mẫu về “Gia đình văn hóa Ê-đê”, “Buôn văn hóa Ê-đê” để thực hiện “Gia đình văn hóa Ê-đê”, “Làng văn hóa Ê-đê”. Chính môi trường văn hóa lành mạnh có tác động tích cực không chỉ đến hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhân cách của người Ê-đê, nhất là đối với lớp trẻ người Ê-đê. Hàng năm cần tổ chức các hội nghị, tọa đàm, hội thảo, liên hoan về văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh và với các dân tộc ngoài tỉnh. Đó là điều kiện và cơ hội để các dân tộc giao lưu văn hóa, văn nghệ. Trong đó, mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác. Đây là một trong những phương thức tốt nhất để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát huy giá trị văn hóa “ngoại sinh” của các dân tộc nói chung và dân tộc Êđê huyện Krông Năng nói riêng.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng ta thông qua, đã xác định các đặc trưng của mô hình xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đảng ta xác định nhiệm vụ trung tâm của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa là “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” “xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh””xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa” [24;tr 33]
Vì vậy, việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của đồng bào dân tộc Ê-đê huyện Krông Năng trong giai đoạn hiện nay là vấn đề thực tiễn-cấp bách và cần có những giải pháp thích hợp.
KẾT LUẬN
Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, sự tăng cường giao lưu kinh tế xã hội giữa các vùng miền, các dân tộc, người Ê-đê qua các thế hệ đã dần dần trải qua sự tiếp biến văn hóa và đã có một số nét đổi khác so với văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, với đặc thù về mặt địa lý và địa bàn cư trú biệt lập với các vùng và các dân tộc khác, người Ê-đê ở huyện Krông Năng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng riêng có của mình. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong các hoạt động sản xuất và đời sống đều gắn chặt với tín ngưỡng và lễ thức theo chu kỳ vòng đời con người và chu kỳ nông nghiệp.
Về tập quán sản xuất, nghề làm nương rẫy (đặc biệt là cao su và cà phê, sắn, ngô) và chăn nuôi đại gia súc vẫn là hoạt động kinh tế chủ đạo mang lại nguồn thu chính cho đồng bào Ê-đê. Song song với đó là việc duy trì các nghề thủ công truyền thống như thêu dệt thổ cẩm. Hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của người Ê-đê còn mang nặng tính tự cấp tự túc và phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, kỹ thuật canh tác và sản xuất chậm cải tiến, còn rất lạc hậu làm cho năng suất sản lượng nông nghiệp không cao. Tuy nhiên, quy mô và hình thức gia đình đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng dần mô hình gia đình mẫu hệ nhỏ.
Bên cạnh việc duy trì những đặc trưng văn hóa truyền thống, người Ê-đê huyện Krông Năng đã có những biến đổi nhất định. Sự biến đổi này theo chiều hướng đơn giản hóa, lược bỏ bớt các hủ tục lạc hậu, các thủ tục rườm rà, hao tốn thời gian và tiền bạc. Sự biến đổi diễn ra theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt, văn hóa Ê-đê tiếp thu những nét độc đáo của các nền văn hóa khác, đặc biệt là dân tộc Tày, Dao và Việt, bổ sung và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống. Mặt khác, loại bỏ những phong tục, tập quán, lỗi thời, lạc hậu. Điển hình như việc rút ngắn thời gian và chi phí cho tổ chức tang lễ, giảm nhẹ các lễ vật thách cưới, Biểu hiện của sự thay đổi tập quán sản xuất là sự ứng dụng các loại giống mới vào sản xuất như cây mận, ngô và từng bước áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến mang lại năng suất cao cho đồng bào. Tuy nhiên, sự biến đổi của văn hóa Ê-đê cũng đã có tạo nên biểu hiện của sự mất dần bản sắc truyền thống.
Có thế nói, văn hóa là phạm trù lịch sử, là một hình thái ý thức xã hội có môi trường phát sinh, có điều kiện phát triển và biến đổi, được quyết định bởi đặc thù của nền kinh tế. Văn hóa truyền thống dân tộc Ê-đê được hình thành, phát triển trong cơ chế tự túc, tự cấp và sản xuất bằng kỹ thuật thủ công. Dưới sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cách thức sản xuất của người Ê-đê từng bước được cải tiến theo chiều hướng tăng cường giao lưu hội nhập giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa người Việt. Sự biến đổi các giá trị văn hóa của dân tộc Ê-đê chịu tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính phải kể đến là sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Điều này đã giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gián tiếp từng bước làm thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê ở huyện Krông Năng nói riêng và cả nước nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Báo cáo tình hình thưc hiện nhiệm vụ phát triển KT, XH, ANQP năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ 2015 (Ủy Ban Nhân Dân huyện Krông Năng )
Trương Bi, Bùi Minh Vũ, Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các tôc người Ê-đê, M’nông. Nxb.Văn hóa dân tôc, Hà Nội, 2009.
Trần Ngọc Bình, Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, 2008.
Trần Văn Bính, Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb. Chính trị, Hà Nội, 2006.
Trần Văn Bính, Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2004.
Nông Hoàng Cư,“Mấy nhận xét về hôn nhân và gia đình của người Ê-đê”, Tạp chí Dân tộc học số 3, 1980.
Nguyễn Thành Chinh, “Luật tục Ê-đê, M’nông với việc xây dựng đời sống văn hóa buôn làng”, Tạp chí Văn học dân gian, số 1, 2000.
Phan Hữu Dật, “Dấu vết bào tộc của người Ê-đê”, Tạp chí Dân tộc học số 5, 2002.
Ngô Văn Doanh, Lễ hội bỏ mả ở Bắc Tây Nguyên, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.
Ngô Văn Doanh, Trương Bi, Nghi lễ - Lễ hội của người Chăm và người Ê-đê, Nxb văn háo dân tộc 2012.
Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi, Đại cương về các dân tộc Ê Đê, M’nông ở Đăk Lăk, Nxb. Khoa học xã hội,1982.
Bế Viết Đẳng, “Một số đặc điểm xã hội của các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên”, Tạp chí Dân tộc học số 1, 1984.
Nguyễn Thị Hòa, Nhà và sinh hoạt trong nhà của người Ê-đê ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ 1996.
Phạm Văn Hóa, Văn hóa vùng, vùng văn hóa, Giáo trình lưu hành nội bộ, khoa Ngữ Văn -Văn hóa học, Đại học Đà Lạt, 2011.
Vũ Ngọc Khánh, Sơ lược truyền thống văn hóa các dân tôc thiểu số ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1998.
Vũ Ngọc Khánh, Truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, 2006.
Vũ Quốc Khánh, Người Ê-đê ở Việt Nam, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội,2010.
Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1997.
Ngô Văn Lệ, Văn hóa tộc người truyền thống và biến đổi, Nxb. Đại học Quốc gia HCM, 2010.
Chu Thái Sơn, “Bàn về lịch sử tộc người và đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa cư dân Tây Nguyên”, Tạp chí Dân tộc học số 2, 1979.
Trương Thông Tuần, Khái quát dân tộc Ê-đê, Trường đại học Tây Nguyên.
Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999.
Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Luật tục Ê-đê, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
Văn kiện hội nghị lần thứ V ban chấp hành trung ương khóa VIII. Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.
Lê Trung Vũ, Lễ hội dân gian Ê-đê, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1995.
27.
28.
29. ười_Ê-đê
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH
(Một số hình ảnh văn hóa truyền thống người Ê-Đê ở huyện Krông Năng- Đăk Lăk)
Hình 1: Nhà văn hóa buôn WIÂO A
( Hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 2: Nhà sàn truyền thống người Ê-đê
(hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 3: Không gian trong nhà
(Hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 4: Không gian bếp
(hình ảnh do cá nhân tự chụp
Hình 5: Ghế Kpan
(hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 6: Nhạc cụ
( Hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 7: Trang phục nam nữ
( Hình ảnh do cá nhân tự chụp)
Hình 8: Nghề dệt vải
(Hình ảnh do cá nhân tự chụp)
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 2
2. Mục đích nghiên cứu 3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3
5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4
6. Đóng góp của để tài 5
7. Bố cục của đề tài 5
Chương 1: CƠ SỞ HÌNH THÀNH VĂN HÓA CỦA NGƯỜI Ê-ĐÊ Ở HUYỆN KRÔNG NĂNG, TỈNH ĐĂK LĂK 7
1.1. Điều kiện tự nhiên 7
1.1.1. Vị trí địa lý 7
1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên 8
1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội 9
1.3. Đặc trưng văn hóa người Ê-đê 11
1.3.1. Địa bàn cư trú 11
1.3.2. Tên gọi và thành phần tộc người 12
1.3.4. Truyền thống đoàn kết đấu tranh 13
Chương 2: VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI Ê-ĐÊ Ở HUYỆN KRÔNG NĂNG, TỈNH ĐĂK LĂK 15
2.1. Văn hoá vật chất 15
2.1.1. Ẩm thực 15
2.1.2. Trang phục 16
2.1.3. Nhà cửa 19
2.2. Văn hoá tinh thần 22
2.2.1 Nghi lễ - Tín ngưởng cúng theo vòng đời người 22
2.2.1.1. Lễ cúng trước khi sinh nở 22
2.2.1.2. Lễ cúng sau sinh nở 23
2.2.1.3. Lễ cúng ở tuổi trưởng thành 24
2.2.1.4. Lễ cưới 26
2.2.1.5. Lễ cúng sau khi chết 27
2.2.2. Nghi lễ - Lễ hội nông nghiệp 29
2.2.2.1. Lễ cúng rẫy 29
2.2.2.2. Lễ cầu mưa và cúng bến nước 29
Chương 3: BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI Ê-ĐÊ Ở HUYỆN KRÔNG NĂNG, TỈNH ĐĂK LĂK 31
3.1. Biến đổi văn hoá truyền thống của người Ê đê ở Huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk. 31
3.1.1. Biến đổi văn hoá vật chất 31
3.1.2. Biến đổi văn hoá tinh thần 33
3.1.3. Một số nhận xét về vấn đề biến đổi văn hoá truyền thống 35
3.1.3.1. Điểm tích cực và hạn chế của sự biến đổi văn hóa truyền thống của người Ê-đê: 35
3.1.3.2. Nguyên nhân biến đổi văn hoá truyền thống: 36
3.2. Các nhóm giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống của người Ê đê ở Krông Năng tỉnh Đắk Lắk 37
3.3.1. Giải pháp về kinh tế - xã hội 37
3.3.2. Giải pháp về nghi lễ – lễ hội 39
3.3.3. Giải pháp đặc thù về văn hoá 40
KẾT LUẬN 42
TÀI LIỆU THAM KHẢO 44
PHỤ LỤC 47
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- van_hoa_truyen_thong_cua_nguoi_e_de_o_huyen_krong_nang_tinh_dak_lak_8593.docx