Diễn đàn khu vực Asean - Arf

Diễn đàn khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) chính thức được thành lập năm 1994, là một diễn đàn nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh – chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa. Khẩu hiệu của ARF là "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á Thái Bình Dương". Qua 17 năm hoạt động và phát triển, ARF đã đạt được những hiệu quả hoạt động nhất định, có một vai trò to lớn trong lĩnh vực an ninh – chính trị của khu vực và đồng thời cũng bộc lộ những triển vọng phát triển mới trong tương lai.

doc4 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5272 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Diễn đàn khu vực Asean - Arf, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Diễn đàn khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) chính thức được thành lập năm 1994, là một diễn đàn nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh – chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa. Khẩu hiệu của ARF là "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á Thái Bình Dương". Qua 17 năm hoạt động và phát triển, ARF đã đạt được những hiệu quả hoạt động nhất định, có một vai trò to lớn trong lĩnh vực an ninh – chính trị của khu vực và đồng thời cũng bộc lộ những triển vọng phát triển mới trong tương lai. Thực tiễn hoạt động. From an initialTừ ban đầu gồm 18 thành viên, đến nay ARF đã mở rộng ra với 27 thành viên bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, 10 bên đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Liên hiệp châu Âu (EU), Ấn Độ, Nga cùng các nước Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Mông Cổ, Đông Timor, Papua New Guinea và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Có thể nói rằng ARF đã trở thành một diễn đàn có thể đưa ra các giải pháp rõ ràng và hiệu quả hơn cả đối với các vấn đề an ninh – chính trị của Châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù vẫn tồn tại một số vấn đề có hiệu lực chưa cao, nhưng ARF đã trở thành diễn đàn an ninh quốc tế quan trọng nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với ASEAN làm nòng cốt, được thành lập chủ yếu để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh chung, đồng thời tìm cách giải quyết các vấn đề trong khu vực. Các nội dung hợp tác của diễn đàn khu vực ARF bao gồm: các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs); các biện pháp ngoại giao phòng ngừa (PD) và xây dựng cơ chế giải quyết xung đột. Các biện pháp xây dựng lòng tin trước tiên được tiến hành trên cơ sở các kinh nghiệm của ASEAN trong việc xây dựng khu vực hoà bình, tự do và trung lập, khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân cũng như kinh nghiệm trong việc thiết lập các cơ chế tham vấn, tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua các chuyến thăm và trao đổi thường xuyên giữa đại diện cao cấp của các nước ASEAN, đồng thời khuyến khích các bên tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á theo nguyên tắc láng giềng thân thiện. Mục đích của việc thực hiện các biện pháp này là nhằm minh bạch hoá các chính sách về an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia thành viên, từ đó xây dựng lòng tin giữa các thành viên nhằm phát triển một khu vực ổn định, hoà bình, thịnh vượng. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm triển khai những biện pháp xây dựng cơ chế ngoại giao ngăn ngừa cũng như điều hoà các xung đột trong thực tế vẫn còn ở giai đoạn non trẻ. Hiện nay, ARF vẫn tập trung thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp đan xen giữa xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Trong thời kì trước vấn đề ngoại giao phòng ngừa vẫn còn gây nhiều tranh cãi và bị nhiều nước thành viên ARF như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ phản đối do lo ngại vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới tình hình ổn định của khu vực. Các thành viên ASEAN cũng khá dè dặt trong vấn đề này xuất phát từ lịch sử các nước trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nước phương Tây. Nhưng sau sự kiện khủng bố 11/9 năm 2001 thì việc hợp tác chống khủng bố đã trở thành một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của ARF. Đến nay, sau Hội nghị ARF lần thứ 18 năm 2011 tại thủ đô Bali của Idonesia, các thành viên của ARF đã thống nhất chuyển từ giai đoạn “xây dựng lòng tin” sang giai đoạn “ngoại giao phòng ngừa” với mức độ phù hợp với các thành viên. Còn đối với nội dung hợp tác thứ 3 của ARF là xây dựng cơ chế giải quyết xung đột, do vẫn còn tồn tại các bất đồng giữa các thành viên nên cho tới nay, nội dung giải quyết tranh chấp vẫn chưa được triển khai trên thực tế. Như vậy, trên thực tế ARF mới chỉ triển khai được 2 trong số 3 nội dung hợp tác chính đã được đặt ra. Điều này xuất phát từ lý do ARF bản chất là một diễn đàn khu vực, là nơi để các bên tham gia có thể nói lên tiếng nói của mình, bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề chung đang được quan tâm, chứ ARF hoàn toàn không phải là một cơ quan hay một tổ chức quốc tế. Chính vì thế việc đặt ra một chế tài hay một phương thức để có thể giải quyết các tranh chấp trên thực tế là rất khó để có thể thực hiện đối với ARF. Vai trò của ARF. ARF là một diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở Châu Á. Diễn đàn này đã bổ sung vào các cơ chế liên minh song phương và đối thoại khác nhau hiện có ở châu Á, củng cố thêm viễn cảnh hợp tác an ninh ở khu vực này. Diễn đàn ARF được xây dựng từ ý tưởng – rút ra từ chính kinh nghiệm của ASEAN - rằng một tiến trình đối thoại có thể tạo ra những biến chuyển tích cực trong quan hệ chính trị giữa các nước. Nó tạo ra một cơ chế hoạt động giúp các thành viên có thể thảo luận về các vấn đề an ninh hiện có trong khu vực và tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực. Trên thực tiễn, thông qua diễn đàn ARF, đã có các cuộc đối thoại với cấp độ, hiệu quả khác nhau về nhiều vấn đề bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực, như các tranh chấp trên biển Đông (vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa), vấn đề Campuchia – Thái Lan, vấn đề bán đảo Triều Tiên... Không những thế, thông qua ARF, cuối cùng ASEAN đã đưa Trung Quốc vào tiến trình của diễn đàn đa phương với các cuộc đối thoại tích cực, từ đó tạo ra cơ cấu quan trọng để Trung Quốc hòa nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với 27 thành viên hiện tại của ARF thì diễn đàn này đang quy tụ hầu hết các nước lớn và đóng vai trò quyết định quan trọng đến hòa bình thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga… Về mặt địa lý và dân số, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực cực kì rộng lớn, đa dạng về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, trình độ phát triển kinh tế và hệ thống chính trị; ở đây vẫn còn nhiều tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia khu vực chưa được giải quyết. ARF đã không lấy tiêu chuẩn hợp tác an ninh trong khuôn khổ CSCE ở Châu Âu làm khuôn mẫu cho mình mà phát triển theo một hướng hoàn toàn khác biệt, ARF đã đưa các quốc gia này cùng ngồi vào bàn hội nghị để thảo luận các vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh trong khu vực. Chính vì thế cho đến nay ARF là diễn đàn đầu tiên, duy nhất và lớn nhất về các vấn đề chính trị – an ninh khu vực. Thông qua sự hiện diện của mình, ARF không chỉ cung cấp cho các nước vừa và nhỏ công cụ giữ gìn an ninh khu vực mà còn tạo điều kiện cho các nước lớn như Mĩ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc đóng vai trò xây dựng đối với an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Bằng những hoạt động trao đổi thông tin, ARF đã xây dựng và nuôi dưỡng một hệ thống thông tin mở rộng về hợp tác an ninh giữa chính phủ và các quan chức quân sự, giữa chính phủ và lực lượng phi chính phủ. Điều này cũng là đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước thành viên ARF. Bên cạnh vai trò trong lĩnh vực hợp tác an ninh truyền thống, ARF còn có vai trò lớn trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Một trong những hoạt động được các thành viên ARF đặc biệt quan tâm là hợp tác chống khủng bố. Tại ARF-9 (từ ngày 17 – 19/9/2002), các quốc gia thành viên ARF đã quyết định thành lập Hội nghị giữa hai kì họp về chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (ISM on CT-TC) do Mĩ và Malaysia là đồng chủ tịch. Hội nghị hoan nghênh những đóng góp của các nước thành viên ARF vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và cam kết tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực và song phương trong cuộc đấu tranh chống khủng bố một cách toàn diện để làm cho khu vực này trở thành địa điểm an toàn. Đánh giá một cách toàn diện thì sự tồn tại của ARF mang ý nghĩa quyết định đối với nhiều vấn đề an ninh đa phương của ASEAN nói riêng và của các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Việc hình thành diễn đàn như vậy với sự tham gia của 27 nước, trong đó có các cường quốc Nga, Mĩ, Nhật, Trung Quốc, EU và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đã làm cho Đông Nam Á trở thành trung tâm trong hệ thống bảo đảm an ninh Đông Á và cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Triển vọng của ARF. Hiện nay ARF đang phải đối phó với khá nhiều thách thức. Thứ nhất là tính hiệu quả của Diễn đàn đang thách thức sự tồn tại và tương lai của ARF. Việc ARF thiếu một nước lớn “cầm trịch” và mang một dấu ấn đậm nét “phương cách ASEAN” đã và đang tạo những khác biệt về một loạt vấn đề giữa ASEAN và một số thành viên ngoài khu vực. Thứ hai là ARF vấp phải sự cạnh tranh của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong việc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực. Thứ ba là trong ASEAN đã xuất hiện sự khác biệt giữa các thành viên về tiến trình ARF và các vấn đề mang tính nguyên tắc của Hiệp hội (cũng được áp dụng cho cả ARF). Việc thiếu sự cố kết của ASEAN làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ARF (cả về tiến trình và chương trình nghị sự). Thứ tư là trước sự tăng cường chủ nghĩa đơn phương và sức mạnh của Mỹ, xu hướng của một số quốc gia khu vực vì lợi ích riêng của mình muốn tìm kiếm sự bảo hộ về an ninh của Mỹ thông qua những hiệp định an ninh song phương với nước này ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Trong trường hợp này, hợp tác an ninh đa phương, mà cụ thể ở đây là ARF sẽ giảm dần ý nghĩa và vai trò của mình. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố đang tiếp tục thúc đẩy ARF phát triển. Thứ nhất, ARF là diễn đang an ninh đa phương đầu tiên và duy nhất hiện nay ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thành công hay hạn chế của ARF có ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia và toàn khu vực, do vậy, tiếp tục thúc đẩy ARF vẫn là mong muốn của đa số các nước thành viên. Thứ hai là nhu cầu về đối thoại, hợp tác để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia, khu vực và thế giới vẫn là một trong những xu thế chủ đạo của thế giới đầu thế kỉ 21. Thứ ba, tuy có những đánh giá về hiệu quả của ARF đối với việc xử lý các vấn đề an ninh nổi lên của khu vực còn khác nhau, nhưng dư luận chung đều cho rằng ARF đã thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau ở khu vực, giữa các thành viên, góp phần đáng kể vào đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực, ngăn chặn việc bùng nổ và lây lan của các cuộc xung đột khu vực, và như vậy việc tiếp tục hợp tác trong ARF là rất cần thiết đối với các quốc gia thành viên. Và bằng chứng là trong suốt 10 năm qua không có những xung đột lớn xảy ra ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Ngoài ra, việc nhiều nước ngoài khu vực ASEAN vẫn tiếp tục bày tỏ nguyện vọng được tham gia ARF (như Pakixtan, Đông Timo, Bănglađét, Kagiăxtan…) cho thấy ARF vẫn còn hấp dẫn các quốc gia với tư cách là một diễn đàn an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ tư, diễn đàn ARF còn là nơi các nước thành viên gặp gỡ, trao đổi những vấn đề thuộc quan hệ song phương giữa họ với nhau. Rất nhiều vấn đề của quan hệ song phương đã được giải quyết bên lề hội nghị ARF hàng năm. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ARF cũng là có lợi cho việc phát triển các quan hệ cả song phương lẫn đa phương. Chính vì vậy, với mong muốn của ASEAN thì triển vọng trong tương lai dành cho ARF là ARF có thể tiếp tục phát triển với ASEAN tiếp tục đóng vai trò “lực lượng lãnh đạo”. Để làm được điều này, các nước ASEAN phải củng cố được sự tăng trưởng về kinh tế, ổn định được chính trị nội bộ, tăng cường sự liên kết của Hiệp hội về các mặt kinh tế, an ninh và văn hóa – xã hội. Nhưng ASEAN sẽ phải thỏa hiệp phần nào lập trường của mình về các vấn đề an ninh khu vực, cũng như về tiến trình phát triển của ARF với các nước thành viên khác ngoài khu vực ASEAN để giữ được sự hòa hợp và sự ủng hộ của các nước thành viên khác về vai trò của ASEAN trong diễn đàn. Tuy nhiên để làm được điều này thì ASEAN cần phải đạt được sự đồng nhất quan điểm ngay trong nội bộ về tiến độ tiến triển của ARF. Thứ hai ASEAN phải có khả năng dung hòa giữa lợi ích của ASEAN với lợi ích của các đối tác quan trọng trong ARF, xử lý khéo léo mối quan hệ với các nước lớn (nhất là Mỹ và Trung Quốc) và các thành viên khác; đưa ra được những chương trình nghị sự và hành động cụ thể có thể đáp ứng phần nào nguyện vọng của các thành viên và cuối cùng là các chương trình đó phải phản ánh được những diễn biến mới nhất hay những vấn đề an ninh mới nổi lên ở khu vực. ASEAN không nên chỉ dừng lại ở chỗ định ra chương trình nghị sự cho ARF mà còn phải đưa ra các chương trình hành động cụ thể để đạt được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của ARF. Do vậy ASEAN phải làm sao để diễn đàn ARF thể hiện sự quan tâm hơn đối với các vấn đề an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biết là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Biển Đông... Đây là yếu tố quan trọng để ASEAN khẳng định vai trò của mình trong các vấn đề an ninh rộng lớn hơn ở cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Á, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Đông Nam Á. KẾT LUẬN: Như vậy, qua 17 năm phát triển thì ARF đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng một vai trò to lớn trong lĩnh vực an ninh – chính trị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên để giữ được vai trò này, đảm bảo cho sự phát triển của ARF trong tương lai thì đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, đặc biệt là các thành viên trong ASEAN – được coi là đầu tàu của ARF, phải có đủ thời gian và năng lực, đôi khi là cả những quyết định dũng cảm khi có những vấn đề đặt ra liên quan đến quan điểm, lập trường của các nước khác nhau và liên quan đến nguyên tắc hoạt động của ASEAN.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDiễn đàn khu vực ASEAN - ARF.doc
Luận văn liên quan