Đoàn giỏi – những đặc trưng phong cách

Nếu với phương thức tổ chức tình tiết – sự kiện, văn xuôi Đoàn Giỏi hấp dẫn người đọc ở tốc độ nhanh, mạnh, ở những tình huống căng thẳng, bất ngờ và hồi hộp thì đến những biểu hiện của chất thơ trên trang viết, người đọc được hòa mình vào âm hưởng trữ tình của những câu hát dân gian, những trang văn sâu lắng của thế giới cảm xúc, được hòa mình vào thế giới tình cảm trong sáng, ngọt ngào của những con người dân quê Nam bộ chất phác, hồn hậu, giàu tình thương yêu và lòng nghĩa hiệp. Những năm tháng chiến tranh, chất thơ trong văn xuôi có thể nói là một thanh âm lạ. Lạ nhưng không xa rời với cuộc chiến vì vậy nó tan chảy trong sự vận động của văn học cách mạng.

pdf50 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3769 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đoàn giỏi – những đặc trưng phong cách, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cụ già ngồi ngủ lơ mơ. Bụi nước phun bay như tro phun nhẹ vào xuân Hà Nội” [8; 103]. Ông cũng trải lòng mình trên những trang văn chân thành, sâu sắc và bàng bạc giữa câu chuyện là cái tôi trữ tình với những suy tư, tự vấn “Tôi xa Cà Mau đã có hơn mười lăm mười sáu năm rồi. Sự hiểu biết của tôi về những con người trên vùng đất ấy hiện nay cũng không hơn gì sự hiểu biết của mọi người chưa có dịp về qua nơi đó. Nhưng ngắm nhìn từng chân dung và tính cách của họ trong Bức thư Cà Mau của Anh Đức và Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, tôi có cảm giác như gặp lại một người yêu cũ. Thấy khác xưa mà cũng chẳng khác xưa! Trong tiếng cười giọng nói, trong cách sống cách đánh giặc, ở nét mới hiện tại còn in rõ bóng dáng thân quen cũ ngày nào. Có phải điều đó ta vẫn thường quen gọi truyền thống đây chăng?” [8; 623]. Cuốn theo dòng tâm sự miên man ấy, chúng ta được đi sâu hơn vào thế giới tinh thần của nhà văn, hiểu hơn ân tình sâu nặng với quê hương xứ sở của tác giả. Quy luật của nỗi nhớ dường như luôn là sự tìm về. Nhớ Nam, Đoàn Giỏi bởi vậy cũng tìm về trong dòng hồi tưởng bất tận. Đồng Tháp Mười, còn mãi trong ký ức những huyền thoại về vùng đất, và còn mãi trong tâm hồn thơ trẻ ngày nào hình ảnh một Đồng Tháp miên viễn phía trời xa “Đứng trên những gò cát cao cuối làng tôi, trông về phía mặt trời lặn những buổi tối trời, chỉ thấy từng cụm mây trắng như bông loà nhòa lẫn lộn trên đầu sóng cỏ mờ mờ, xa tít. Lũ trẻ con thường đứng trên lưng trâu, ngóng cổ nhìn về phía chân trời chấp chới những đàn cò bay trong mây trắng, đố nhau: “Chỗ nào là chân trời?”. Không đứa nào chỉ được. Sắc trời nối nhau với sắc cỏ một màu xanh nhạt, mông lung” [49; 262]; một Đồng Tháp với lớp lớp những con người anh dũng, kiên trung “Quên sao được bàn tay cụ già tự cầm lửa đốt nhà mình đánh lạc hướng tiến của quân giặc sắp tràn vào xóm để bảo vệ các cơ quan khu bộ. Quên sao được những người chiến sĩ suốt mấy ngày đói lả, vừa đánh vừa mở đường máu vừa cõng trẻ con ra khỏi vòng vây trận Hàm Vồ” [264]. Quên sao được… Quên sao được, phép điệp ngữ cùng với phép điệp cú pháp trong hai câu văn vừa làm cho âm điệu đoạn văn nhịp nhàng, đăng đối, lại vừa tăng chiều kích của nỗi nhớ thẳm sâu trong tâm hồn tác giả. Chân thành trong tình cảm, tinh tế trong cảm nhận, sắc sảo trong miêu tả, chất thơ trong văn xuôi Đoàn Giỏi thêm đằm thắm, lắng đọng và cuốn hút hơn nhờ sự vận dụng sáng tạo và phát huy tối đa hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ như thế. Trong đó, so sánh, nhân hóa là hai phương thức chuyển ngữ xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của ông tạo những khúc đoạn mang âm hưởng trữ tình, lắng đọng “Sông Cửu Long chảy vào đất Nam bộ, dang hai cánh tay dài ôm ấp những bờ dừa trĩu quả, xanh bạt ngàn. Nước đặc ngầu phù sa cuồn cuộn đổ ra chín cửa, biến thành con rồng chín đầu nổi lên giữa những cánh đồng lúa mênh mông, đỏ ối. Những buổi trời êm ả, mặt nước phẳng lì trôi xuôi, soi bóng mây trắng bạc giăng ngang một chiều rộng hơn bốn cây số, nước triều êm ả lên xuống như con rồng nằm ngủ, thở nhịp nhàng. Nhưng khi đất trời nổi giận, chim nước hốt hoảng bay rối loạn, con rồng hiền lành ấy bỗng vụt chồm lên, gào thét ì ầm, cuồng phong ào ào bẻ gãy những cây bần to hai người ôm bên bờ, cuốn đi từng mảnh đất, lôi nhà cửa gia súc dìm dưới bọt sóng sôi sùng sục” [8; 255]. Mỗi từ một trạng thái, mỗi từ một đặc tính, con sông thật sự hiện ra như nó vốn có; hiền hòa mà cũng thật dữ dội. Thổi hồn vào cảnh vật, diễn tả nó bằng tất cả tình yêu và lòng ngưỡng phục, những con chữ trên trang viết chồm lên đầy sức sống. Bằng sự đan xen liên tiếp của các từ láy tượng thanh và tượng hình, câu văn Đoàn Giỏi vì vậy thêm uyển chuyển, mềm mại và thanh thoát. Trong tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa, khi tả cảnh, Hồ Biểu Chánh với vai trò là người “đi tiên phong và lập công đầu trong việc đưa tiểu thuyết mới từ tình trạng phôi thai tiến đến giai đoạn thành lập và thịnh hành” [57; 271] cũng đan xen khá nhiều từ láy “Đêm hôm vắng vẻ, mưa gió ồn ào, dựa mé bờ tiếng ễnh ương kêu uênh oang, trên mái nhà giọt nước mưa rớt lộp độp. Đêm nay là đêm rằm, mà trăng bị mây ám nên mịt mù cảnh vật, mùa này là mùa cây cỏ tươi tốt, mà bị giông mưa nên lá đổ nhành oằn” [56; 182]. Nhưng do câu văn còn mang tính chất biền ngẫu, vì vậy các từ ngữ được sử dụng mang tính đăng đối hơn là tính gợi hình. Bàn về chất thơ trong văn xuôi Đoàn Giỏi, có thể nói, liệt kê cũng là một trong những thủ pháp đáng chú ý và cần khai thác (Con gái cụ Hồ, Dòng máu Việt phải lưu thông, Ngọn tầm vông, Mùa thu Nga thăm một vài nơi kỉ niệm,…): “Không biết có quá lời chăng, chứ riêng tôi, tôi chưa thấy nơi nào có một sự hài hòa tuyệt duyệt giữa thiên nhiên và con người từ hình khối và đường nét kiến trúc , những ngôi nhà gỗ với quang cảnh rừng – núi – sông – hồ như ở Bạch Nga, từ những bài hát dân ca trữ tình với tiếng rừng thu xào xạc, tiếng sóng vịnh biển Ban-tích ngày đêm không ngớt xô bờ như ở Lát-vi-a; từ màu gốm men nâu nổi tiếng của chiếc cốc giải khát với sắc áo màu café (cà–phê) của cô hầu bàn chan hòa trong chiếc đèn lồng kiểu cổ, và tiếng nhạc dân gian ru trầm miên man trong mùi thơm dịu của món bít tết Ri-ga độc đáo trong ngôi quán nhỏ mang cái tên rất gợi là “Gió thổi lên đi” Trôi đi trong chất giọng trầm buồn, lắng đọng với những vương vấn tưởng chừng khôn nguôi” [8; 98]. Những vẻ đẹp rất Nga dần được vẽ ra theo lời kể của tác giả. Tất cả gói trong một câu văn, dài và dàn trải. Xâu chuỗi tất cả trong một, tác giả như muốn đi hết những xúc cảm đang xô đẩy, chồng chất lên nhau; như muốn giới thiệu với mọi người về một nước Nga như thế. Lần đầu đến trong mùa đông và sau mười năm, Đoàn Giỏi có dịp trở lại Nga trong mùa thu. Thu Nga thật đẹp, trữ tình và đầy thi vị. Còn trong lòng người là sự lặng im, lặng im để chiêm ngưỡng, để thưởng thức những điều thực nhất mà ngày xưa, tác giả chỉ được cảm thụ qua hàng loạt bức tranh của danh họa Levitan: “Nhiều lúc tôi đứng lặng im nhìn những mảng màu vàng điệp mỏng manh của cây li-ba lay động nhẹ trong hơi thu lạnh, nắng vàng nhè nhẹ sắc xanh, vẫn xa đôi chút gợn mây sáp lưng cừu. Bên cây vàng lá thu, khi di động những nét màu đỏ, màu xanh tươi của trang phục thiếu nữ, thu như bừng vui rộn rực, khi những chấm sáng, những điểm đen hặc các màu tối thẳm của trang phục lớp người có tuổi đi bên cây, thu như lắng xuống vẻ trầm tư” [8]. Những trang viết về thiên nhiên của ông luôn tạo được những rung động đặc biệt qua vẻ đẹp trong trẻo và tinh khiết. Những biến đổi tế vi của cảnh vật đều xuyên thấm qua ông, tâm hồn của một nhà văn và trái tim của một người họa sĩ. Am hiểu về hội họa, ông đã vận dụng rất thành công trong việc sử dụng nhiều bút pháp khác nhau để khắc họa thần thái của cảnh vật. Mùa thu Nga, thăm một vài nơi kỉ niệm, và vài nơi đó đều lưu lại trong ông, trong trang văn ông những rung động sâu sắc nhất: ngôi lều của Lenin bên hồ Radơlip miên man sóng vỗ, con tàu lấp lóa ngoài khơi xa trên bờ vịnh Phần Lan, Cổ thành Bơ-rêtx một chiều xám mây mù, cây bạch dương, nghĩa trang Pít Xcai-rôp, khu vườn lưu niệm Dan-ki-ku-ba giữa thủ đô Mincơ,… Truyền toàn bộ những xung động nội quan vào từng câu chữ, ngôn từ văn xuôi Đoàn Giỏi vì vậy giàu tình cảm, nhạc tính và hình ảnh. Chiếm số lượng khá ưu thế trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi là ký. Ký Đoàn Giỏi ra đời một mặt do yêu cầu sáng tác của thời cuộc (kịp thời thể hiện những phẩm chất anh hùng của nhân dân, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu), mặt khác ký Đoàn Giỏi còn được biết đến như là một trong những thể loại linh hoạt giúp ông (người sáng tác nói chung) có điều kiện bày tỏ trực tiếp những cảm xúc thẩm mỹ của mình trước khách thể trữ tình. Bởi vậy bằng cách bổ sung “những dữ kiện của nội tâm” (tưởng tượng, cảm xúc, xúc cảm, hoài niệm, suy nghiệm,…)” vào “những dữ kiện của thực tại”, chất thơ và chất thực được tác giả gắn kết một cách tự nhiên và khéo léo qua những con chữ. Đi theo hành trình suy tưởng của tác giả trong Dòng máu Việt phải lưu thông, yêu mến và tự hào thay sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên và con người mỗi vùng đất dọc Nam chí Bắc. Tất cả quyện hòa làm nên vẻ đẹp toàn bích của non nước Việt Nam: “Trời trong vắt, sau lưng tôi ngút ngàn đồng lúa Bạc Liêu, rừng dừa Bến Tre, vườn sầu riêng măng cụt Thủ Biên, rặng bưởi Biên Hòa. Trong bờ kia là núi Tràng (Trường) Sơn trùng điệp. Qua những chòm mây trắng như tơ nõn lưa thưa, sâu sau dáng núi, tôi thấy hiện lên đồi núi Tây Nguyên, rừng thông xanh mát, vườn rau thẳng tắp, những đàn bò sữa cúi đầu ăn cỏ trên các cánh đồng mênh mông. Đa Lạc (Đà Lạt), Gia Rinh, Lâm Viên xanh biếc vườn cà phê, vườn chè. Kia là Phan Thiết thơm lừng nước mắm, Nha Trang, Cam Ranh cát trắng gió lành. Những bàn tay đưa không ngớt, đánh dây dừa dưới bóng dừa Bình Định. Mùi đường phổi, đường phèn như phất qua trước mũi. Bóng người du kích Bình Trị Thiên hôm nào còn len lỏi dưới nhà xiêu cột cháy, trong vườn thanh trà, thanh yên ngọt lịm mỗi độ đầu thu. Trên mặt sóng vằng vặc ánh trăng kia là Huế trầm mặc bên sông Hương la đà cành trúc, trong vắt tiếng hò” [8; 229]. Dòng máu Việt phải lưu thông, Bắc Nam phải được quy về một mối, chỉ có thể, dải đất hình chữ S mới vẹn nguyên một sức sống trong trái tim bao người. Gửi đến một thông điệp về chính trị nhưng văn phong Dòng máu Việt phải lưu thông không hô hào, cứng nhắc. Trang văn êm đềm chảy xuôi theo những vọng về từ miền ký ức và những nghĩ suy trước thực tại. Nó đi vào lòng người thật nhẹ nhàng song đầy khắc khoải. Ngoài cái tôi trữ tình của tác giả thì chất thơ còn được đem đến từ những khoảnh khắc xao động trong tâm hồn của các nhân vật trong truyện (Dũng trong Cuộc truy tầm kho vũ khí, An trong Đất rừng phương Nam). Chiến tranh khốc liệt, chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng của con người nhưng không thể cướp đi những gì thuộc riêng về thế giới tinh thần mỗi người “Gió ban mai lành lạnh mang theo mùi hương ngát của một loài hoa lạ nào đằm vào khí trời trong suốt. Cho đến khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuyên qua cánh rừng, rọi vào những hạt sương long lanh đọng trên đầu ngọn cỏ làm cho sương rung rung buông xuống thì mùi hương sực nức kia cũng tan dần theo hơi ấm của mặt trời mỗi lúc một nhô cao” [49; 799]. Nắm bắt những bước đi của thời gian qua sự biến chuyển của sự vật bằng một trái tim nhạy cảm và một tâm hồn tinh tế. Những đoạn văn viết về thiên nhiên trong văn xuôi Đoàn Giỏi, không chỉ ở truyện mà cả ký luôn ánh lên vẻ đẹp lung linh và sức gợi đến nao lòng. Văn xuôi Đoàn Giỏi, bởi vậy bên cạnh cái hiện thực như nó đang là, thấm đẫm không khí thời đại, ta còn bắt gặp một hiện thực khác, khác với cái mà văn học thời kỳ này hãy là, đó chính là sự hiện hữu của hiện thực tâm hồn “Đường nét làn điệu văn tùy bút của Đoàn Giỏi vừa vạm vỡ vừa phóng khoáng vừa ngập tràn hơi thở của thơ và luôn ghi rõ dấu ấn một thời” (Anh Đức). 3.2.3 Những khúc đoạn trong trẻo và ngọt ngào của cuộc sống Không chỉ được chưng cất từ thơ, từ tình yêu và những rung động của tâm hồn trước cảnh đẹp thiên nhiên, chất thơ trong văn Đoàn Giỏi còn tỏa ra từ tình người, tình đời đầy ấm áp, yêu thương - giai điệu trong trẻo và ngọt lành nhất của cuộc sống. “Một lúc sau, một chiếc xe hơi lộng lẫy chạy ngang, có một phụ nữ y phục đoan trang, nhan sắc xinh tươi, ngồi một mình ở phía sau. Cô thấy đứa nhỏ nằm ngoẻo bên đường liền kêu sốp-phơ biểu ngừng xe. Cô bước xuống rờ đứa nhỏ, trán nóng hầm, mà tay chơn lạnh ngắt. Cô liền dạy sốp-phơ bồng đứa nhỏ lên xe và nói: “Tội nghiệp con nít đói rách đau ốm. Để chở nó về kiếm thuốc cho nó uống, rồi hỏi coi nó con nhà ai thì mình đưa nó về cho nó ăn Tết. Làm phước không mất đâu mà sợ” [58], Đoàn Giỏi đã chọn cho Kính trong Nhớ cố hương một kết cục tươi đẹp như thế. Sự đối lập giữa hai thế giới: một giàu sang, sung túc và một nghèo hèn, đói rách không tạo nên bức tường ngăn cản. Người phụ nữ vì vậy đã không thờ ơ đi qua Kính, ngược lại, với tất cả sự chân thành của tình thương, cô cúi xuống và nâng đỡ Kính. Sự trưởng thành về mặt nhận thức và tư tưởng về sau, nhất là trải qua quá trình công tác chính trị phục vụ kháng chiến khiến trang viết của ông già dặn hơn đồng thời mang tính hiện thực cao hơn. Đó có chăng cũng chính là sự thay đổi mà ông từng thừa nhận trong bài ký Đồng Tháp Mười “Tôi như con sâu cuộn mình trong tổ kén, như con ốc bó mình trong vỏ hẹp bò quanh quẩn trong vuông tre làng nhỏ bé. Cuộc đời tôi rồi sẽ như cây xoài, cây mít trồng ở góc sân, mọc lên chỗ đố, rụi tàn héo khô chết nguyên chỗ đó. Cách mạng tháng Tám đùng đùng nổi lên như một cơn bão lửa, đốt cháy những mạng nhện, gai gốc chung quanh mình tôi. Tôi đã xé vỡ tổ kén, mọc lên đôi cánh giữa sức trai mười tám, bay đi” [49; 263]. Bởi vậy, những sáng tác sau này của Đoàn Giỏi ít nhiều không còn mang hơi hướng của Nhớ cố hương nữa. Sự thi vị có chút gì đó mơ hồ của những viễn cảnh tươi đẹp ấy cũng được thay thế bằng những trang văn “đời” hơn, thực hơn, sinh động và gần gũi hơn. Lạc ba mẹ trong một lần chạy giặc để rồi xa mãi, với một đứa bé như An, cuộc sống ngoài kia không phải là một trò đùa. Bước đường phiêu lưu với An không trải đầy thảm đỏ nhưng cũng không quá nhiều trắc trở, gian nan. Trong đắng cay có ngọt ngào. Vị ngọt ấy chính là đôi cánh nâng đỡ An đi qua những tháng ngày lưu lạc cho đến khi An được đứng vào hàng ngũ cách mạng “Tao thấy mày sống hổm rày ở chợ này như con chó hoang. Tội quá! Về đây mà ở, tiếp giúp tao việc vặt trong quán. Mày sẽ tha hồ ăn, tha hồ uống… Nói chuyện công xá, hóa ra cháu ở đợ cho dì sao? Dì có một thân một mình. Dì coi cháu như con thôi. Mẹ con mà tính chuyện tiền bạc thì còn ra cái nghĩa gì!” [49; 17]. Dù rằng với dì Tư Béo, sống là phải có vay có trả, thiện căn trong bà không là một khối ngọc toàn bích nhưng tấm lòng hào hiệp, sự quan tâm (tự tay may cho An cái quần đùi) và nghĩa cử hào phóng (cho tiền cắt tóc) của bà với An là một thanh âm trong trẻo vang lên giữa dòng đời còn nhiều bụi bặm và chen lấn này. Với những nốt nhạc khác như lão Ba Ngù, đặc biệt là gia đình ông lão câu rắn, thanh âm đó như vang xa hơn và cũng dịu ngọt hơn “Con ở đây với tía má! Tía má nghèo lắm, chẳng có gì đâu. Nhưng con cứ tin rằng cuộc sống của con không đến nỗi như cuộc đời đau khổ của tía má ngày xưa” [49; 113]. Tuy là con nuôi nhưng trong thâm tâm ông Hai và bà Hai, An cũng như Cò vậy. Tất cả xuất phát từ một tình yêu thương chân thành, sâu sắc. Sự ấm nóng của tình người và những hạnh phúc đôi khi chỉ từ những điều rất nhỏ: - “Chèo một mạch hết con nước này thì đến thôi. Gắng lên, nghe An!... - Con còn chèo được mà. Chưa mỏi lắm đâu, tía ạ! Má nuôi tôi từ trong mui lom khom bước ra, bảo tôi: - Vào nghỉ tay đi. Để đó cho má! Và bà cầm lấy guốc chèo, đẩy tôi vào mui” [49; 205]. Như không có sự cưu mang của gia đình ông Hai, cuộc sống với An những ngày tiếp theo sau ngày quán rượu dì Tư Béo bị hai tên Việt gian vợ chồng Tư Mắm đốt trụi sẽ khó khăn và vất vả chừng nào. Một đứa trẻ dù có bản lĩnh đến đâu đi nữa thì gia đình với nó luôn là chỗ dựa vững chắc và bến bờ của những bình yên. Với người Nam bộ, sự cưu mang không đơn thuần chỉ là lòng trắc ẩn với những cảnh ngộ đáng thương mà hơn hết đó là sự tan chảy rất tự nhiên của tinh thần hiệp nghĩa đã thẩm thấu trong bản chất con người họ từ lúc nào. Tình cảm của nhân vật chị Bảy với bé Chung qua lời kể của tác giả trong tác phẩm Người tù chính trị năm tuổi càng làm đẹp hơn hình ảnh đồng bào miền Nam với những phẩm chất đáng quý ấy. Chất thơ giữa đời thực trong văn xuôi Đoàn Giỏi còn được biểu hiện qua hành động cùng giúp đỡ lẫn nhau ngay từ những ngày khởi đầu cuộc sống, cũng như cả về sau của cư dân nơi đây. Giữa người Việt, người Hoa, người Khmer hoàn toàn không có sự phân biệt về mặt dân tộc, càng không coi trọng đó là dân chính cư hay dân ngụ cư như người miền Bắc. Tính mở vì vậy trở thành đặc trưng trong lối sống của cộng đồng người miền Nam. Bởi thế mà hình ảnh lũy tre làng cũng không tồn tại trong tâm thức họ. Họ nhiệt thành chung lưng đấu cật, gây dựng cuộc đời mới “Bảy Phát về đây ở. Bà con trong xóm kẻ đốn người chằm lá, tiếp giúp người một tay kẻ một chân, mấy hôm đã dựng được cho chú một căn nhà” [49; 387], cùng nhau chống lại sự bóc lột của bọn cường hào ác bá, ách áp bức của bọn thực dân xấu xa. Xóm Kèo Nèo và những tình cảm với gia đình Bảy Phát (Cá bống mú), thằng Bé với vợ chồng anh Hai (ông Hai – Đất rừng phương Nam), sư thầy, ni cô Diệu Huỳnh, bác Tám Nghĩa,... với chị Tư Dương (Hoa hướng dương) là những ví dụ. Ngoài ra, qua nhân vật ông Hai và những người anh em trong phường săn cá sấu, nhân vật Tư U và Bảy Phát, nhân vật già Tâm và Tám Cốc,… tác giả đã thành công khi xây dựng tinh thần trượng nghĩa, khí khái của nhân dân và nâng nó lên thành nét tính cách “miền”. Giữa khốc liệt của hoàn cảnh, bên cạnh tình người cao đẹp, sự xuất hiện của tình yêu như những cơn mưa tươi mát làm cho bức tranh cuộc sống dịu đi và thêm phần thi vị. Bởi vậy, chất thơ trong trẻo trên những trang văn Đoàn Giỏi được góp một phần từ những khoảnh khắc ngọt ngào như thế “Nghe Kim Diêu bỗng nhiên xưng em, Đấu hồi hộp nóng bừng cả mặt, ngượng ngịu: - Vại cô nắn, chắc lắm. Tôi làm đổ mấy lần vẫn không vỡ! Hai đứa tẩn ngẩn đứng một hồi lâu không biết nói gì. Đấu nhìn xuống nước. Bóng Kim Diêu mắt tròn sáng rỡ, mấy cánh hoa bèo Nhật Bản tím tím cài lên tóc tóc rực rỡ trong nắng vàng lốm đốm. Đấu đứng nhích lại gần. Kim Diêu bỏ chạy về phía gốc cây, xách mấy con cua biển đem lại…” [49; 415]. Nếu yếu tố tự sự thiên về các vấn đề của đời sống thì yếu tố trữ tình thiên về cảm xúc, suy nghĩ. Văn xuôi Đoàn Giỏi nắm bắt cả hai thần thái đó. Kết hợp hài hòa, thể hiện sáng tạo, do đó hầu như trong tác phẩm nào của ông cũng có chất thơ, nhưng chất thơ đó sống được cùng chất thực và cả với thời cuộc nữa. Bắt lấy những biến động tế vi trong tâm hồn nhân vật và diễn tả những rung động ấy bằng một ngôn ngữ hồn hậu, bình dị song bao giờ chúng cũng mang sức lan tỏa và lay động kỳ lạ, cuốn người đọc vào hết phiến đoạn này đến phiến đoạn kia trên trang giấy. Như câu chuyện tình yêu của bác Trần Vũ và vợ và sau đó là đến An và Út Thảo. Rừng đêm mãi xào xạc. Rừng đêm dường như sẽ không bao giờ tĩnh, vì gió, vì những trăn trở, băn khoăn trong đầu người họa sĩ trẻ, vì ký ức xưa luôn dậy sóng và vọng về trong lòng ba An, và vì những xao xuyến đang dậy lên trong trái tim hai con người,… Những biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi Đoàn Giỏi có thể nói khá đa dạng. Sự có mặt của chất thơ là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên cảm quan nghệ thuật, cá tính nghệ sĩ và hiệu quả thẩm mỹ trong văn xuôi Đoàn Giỏi. Từ đó dần hình thành nên cái mà chúng ta gọi là phong cách. Cùng với chất thơ, việc xây dựng hệ thống biểu tượng trong văn xuôi cũng góp phần làm nên những khác biệt của nhà văn so với các sáng tác của các nhà văn Nam bộ. 3.3 Hệ thống biểu tượng trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi Biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Trong Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên), theo nghĩa hẹp, biểu tượng được hiểu “là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói… có quan hệ gần gũi với ẩn dụ và hoán dụ. Giống với hoán dụ, ẩn dụ, biểu tượng được hình thành trên cơ sở đối chiếu, so sánh các hiện tượng, đối tượng có những phương diện, khía cạnh, những đặc điểm gần gũi, tương đồng, nhằm làm nổi bật bản chất, tạo ra một ý niệm cụ thể, sáng tỏ về hình tượng hay đối tượng đó” [18; 24]. Biểu tượng là một hiện tượng lịch sử, do vậy mỗi thời kỳ văn học thường gắn với một hệ thống biểu tượng (có kế thừa và cách tân). Ví dụ hình ảnh của mái đình, giếng nước, cây đa, thuyền, bến trong ca dao xưa; tùng – cúc – trúc – mai trong văn học trung đại,… Trong văn học hiện đại, số lượng các biểu tượng khá phong phú. Ngoài những hình ảnh chung mang tính phổ biến, tùy thuộc vào thế giới quan, nhân sinh quan mỗi nhà văn, biểu tượng còn mang tính riêng, in đậm dấu ấn của tác giả trong quá trình sáng tạo. Hệ thống biểu tượng trong văn xuôi Đoàn Giỏi xuất phát từ cảm thức của con người Nam bộ với đời sống thực tại, vừa kế thừa truyền thống vừa có những cách tân đáng kể. Chúng được biểu hiện qua các bình diện dưới đây. 3.3.1 Hình ảnh con dao và ngọn tầm vông trong tâm thức người Nam bộ Tổng thể của cư dân Nam bộ là sự hợp thành của nhiều thành phần dân tộc khác nhau như Việt, Chăm, Khmer, Hoa cùng một số dân tộc bản địa. Trước vùng đất mới còn hoang hóa mà tất cả đều là “khách”, họ chung lưng đấu cật, giúp nhau khai khẩn đất đai thay vì giành giật và chiếm đoạt. Theo đó, nếu lịch sử hình thành của vùng đất phương Bắc gắn liền với nỏ thần Kim Quy, với thanh gươm Lê Lợi: Ai về Bắc ta đi với, Thăm lại non sông giống Lạc Rồng. Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. (Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ) thì lịch sử hình thành vùng đất phương Nam, những vũ khí ấy được thay thế bằng con dao (rựa). Công cụ lao động đó tuy đơn sơ nhưng với cư dân Nam bộ thuở trước, phương tiện này tỏ ra hữu hiệu. Vai trò tiên chinh, đồng thời quan trọng nhất của con dao rựa chính là ở công dụng chặt cây, dẫy bụi (bụi rậm). Có con dao trên tay, kết hợp với sức lao động của mình, con người coi như đã sở hữu một sức mạnh vạn năng “Sức mạnh là ở con dao rựa trong hai cánh tay họ” (Người và đất Cà Mau) [49; 625]. Nhờ đó, họ chinh phục được thiên nhiên hoang sơ “Vợ chồng chú Bảy Phát ra sức khai phá. Canh năm gà gáy, chú đã dắt con chó một mình xách rựa ra ruộng sậy. Đấu thì đi cắm cá hửng trời về nấu cơm hai mẹ con con lội ra tiếp làm đến xế” (Cá bống mú) [49; 389] và giành chiến thắng trước những thế lực hung bạo “cọp beo lền khền trong rừng, cá mập, cá sấu đầy dẫy dưới sông” [49; 625]. Con dao vì vậy trở thành hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh của người dân Nam bộ trong những nỗ lực sinh tồn với vùng đất còn khắc nghiệt này. Do đó nó trở thành vật bất ly thân “Con dao này lúc nào cũng dính trong tay tôi. Lưu lạc khắp xứ, trong những cơn thập tử nhất sinh, nó đã cứu tôi bao nhiêu lần thoát chết. Gia đình, vợ con còn có khi vì sinh kế, tôi phải tạm rời xa vài ba tháng, một đôi năm, chứ con dao này chưa hề xa tôi một chút nào” [49; 255]. Khi trao con dao của mình lại cho An, trong ngày An được gia nhập đội quân kháng chiến, trước sự chứng kiến của đồng chí ủy viên quân sự, thầy giáo Bảy cùng các đại biểu dân quân và đám đồng bào dự lễ, ông Hai đã phát biểu run run đầy xúc động như vậy. Bởi với ông, con dao là chứng nhân cho “tất cả dĩ vãng của một cuộc đời phiêu bạt”. Qua lưỡi thép sáng chói của con dao, những đắng cay, vất vả trong sự vật lộn luôn luôn với cái chết để tìm lấy miếng sống như hiện về nguyên vẹn. Giờ chúng ta mới thấu hết sự vui mừng của ông khi An đem trả lại cái túi da beo mà ông vô tình đánh rơi và ngỡ tưởng đã mất ở phần đầu của truyện “Ông cụ già ngước nhìn lên, sửng sốt. Hai mắt ông dán chặt vào chiếc túi vằn hoa trên tay tôi” [49; 98, 99]. Bắt đầu bằng một không khí khá trang nghiêm và kết thúc trong những tiếng vỗ tay và hoan hô bằng sự hưởng ứng của tất cả mọi người hiện diện lúc ấy, hành động của ông Hai thêm thiêng liêng và ý nghĩa. Trao kỷ vật của đời mình cho An, ông Hai gửi gắm ở con niềm tin, hy vọng “Con tôi được các đồng chí dẫn dắt đứng vào hàng ngũ, đó là điều hết sức vinh dự cho gia đình tôi. Vợ chồng tôi già rồi không theo kịp anh em bộ đội, anh em du kích để cầm súng giết giặc” [49; 255] và cả sức mạnh mà lần đầu cầm chặt cán dao trong tay, An cảm nhận được “tôi bỗng thấy người mình như cao lớn hẳn lên, dường như sức khỏe tăng lên vạn bội, tôi nghe mạch máu chảy râm ran trong những đầu ngón tay” [49; 51]. “Trong chỉnh thể “nhà văn” (các sáng tác của nhà văn)” (Trần Đình Sử), sự lặp đi lặp lại một cách thống nhất cách cảm nhận độc đáo về thế giới với “hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp” tạo nên nét riêng của phong cách. Đoàn Giỏi qua biểu tượng con dao (rựa) đã làm được điều ấy. Trong các sáng tác của tác giả, bên cạnh hình ảnh con dao, ngọn tầm vông cũng là một trong những vũ khí lợi hại của nhân dân Nam bộ trong đấu tranh “Ngày 23 tháng 9 năm 1945 đúng 5 giờ kém mười lăm phút, tiếng súng kháng chiến bắt đầu nổ ở Sài Gòn. Tầm vông, súng lửa, dao găm, cung tên giáo mác tất cả xông ra đương đầu cùng xe tăng, đại bác. Những người nông dân khởi nghĩa làng tôi năm 1940 bị bắt đày đi Côn Đảo đã trở về, xông lên hàng đầu chiến trận. Trong khói đạn mịt mù, đứa con miền Nam của Tổ quốc Việt Nam lăm lăm khúc gậy tầm vông, lưng mang nóp, chống giữ ruộng vườn từ thước đất” [49; 208]. Cùng với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Chiếc sào phơi [1](Lê Giang), ngọn tầm vông trở thành biểu tượng sống động cho tinh thần quyết chiến với kẻ thù “Ông già Tám đánh xe ngựa ở sát cạnh nhà tôi lúc nào cũng sẵn sàng một ngọn tầm vông, chỉ chờ dịp xông ra đâm chết lũ giặc” [49; 76]. Hình ảnh ngọn tầm vông trong văn xuôi Đoàn Giỏi có hai nghĩa: một là vũ khí, hai là ngọn của cây tầm vông. Do vậy, nó có sự mở rộng ở trường ngữ nghĩa phản ánh. Cây tầm vông cao vút, thẳng đứng, ngọn tầm vông luôn vươn lên mạnh mẽ thể hiện sức sống bền bỉ, cứng rắn của người phương Nam dù đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nào. “Bờ tầm vông, qua mấy mùa mưa nắng, đã lên xanh dày ngăn ngắt. Gió đùa lạo xạo tren ngọn nghe như những tiếng thì thầm, chờ đợi việc gì” [49; 208]. Tầm vông của Đoàn Giỏi trong Ngọn tầm vông cũng mang ý nghĩa giống như cây tre trong Tre của Nguyễn Duy vậy. 3.3.2 Sức sống người phương Nam qua cây đước, cây mắm Cùng với Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), Rừng mắm (Bình Nguyên Lộc), Ông lão vườn chim (Anh Đức), hình tượng con người Nam bộ nói chung, người dân đất Mũi nói riêng qua ba loại cây tiêu biểu của vùng (mắm, đước, tràm) cũng được tái hiện qua Đất rừng phương Nam, Cây đước Cà Mau, Rừng đêm xào xạc của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong đó cây đước nổi lên như một hình ảnh mang tính biểu tượng đậm nét nhất. Về mặt sinh vật học, đước là loại cây có rễ sâu và khỏe. Vì vậy dù sống trên vùng đất nhão, quanh năm ngập nước (rừng ngập mặn) nhưng nó vẫn luôn đứng vững và vươn lên xanh tốt “Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng ngược lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù ban mai” [49; 220]. Cảnh tượng vừa nên thơ vừa hùng vĩ ấy được Đoàn Giỏi ghi lại qua cảm nhận của nhân vật An trong Rừng đước Cà Mau (Đất rừng phương Nam). Cùng với câu chuyện của Tám Mun và Trần Vũ (Rừng đêm xào xạc) và đoạn trữ tình ngoại đề của người kể chuyện (tác giả) (Cây đước Cà Mau) với những đoạn văn miêu thuật khá gần nhau đã thể hiện được sức sống mạnh mẽ của cây đước. Đó đồng thời là sức sống mạnh mẽ của con người đất Mũi mà trong tâm thức dân gian “đã tồn tại… như một huyền thoại” (Sự tích cây đước) [30; 36] “Những cây đước cao vút rễ chi chít từ giữa thân trở xuống, như những cánh tay thò ra bám đất chiến đấu không ngừng trước kia và trong những năm kháng chiến, để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập dân chủ cho Tổ Quốc” [8; 22]. Huyền thoại đó cũng được Tố Hữu dệt nên qua những câu thơ chứa chan tình cảm trong bài thơ Bà má Hậu Giang (1941): “Tao già không sức cầm dao, Giết bay có các con tao trăm vùng. Con tao gan dạ, anh hùng, Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm” [41]. Ngoài ra hình ảnh những trái đước “trôi bập bềnh trên sóng, gặp đất lại mọc lên thành loài mới” cũng là hình ảnh của Nam bộ trong sự thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh sống. Sự có mặt của biện pháp tu từ so sánh, hoán dụ hay ẩn dụ trong câu văn Đoàn Giỏi vì vậy luôn tạo được chiều sâu liên tưởng thông qua hình tượng nghệ thuật được xây dựng. Bên cạnh đước, linh hồn và sức sống của đất rừng U Minh còn được Đoàn Giỏi gửi gắm qua hình ảnh cây mắm: “Quả như lời thiên hạ, xứ này: “Rừng từ dưới biển mọc lên”. Có thể nói cây mắm là cây tiên phong của rừng Cà Mau, có thể sánh như các bậc tiền bối, từ buổi ông cha mình mở đất về phương này được vậy. - Sao cháu đọc sách báo, thấy người ta nói cây đước là linh hồn của rừng Cà mau mà? - Cũng đúng. Bởi cây đước là chủ lực ở đây mà. Mặc dù mắm có trước, đước có sau, rồi sau nữa là mới tới tràm” [49; 330]. Hạt mắm lúc mới rụng xuống không nổi trên mặt nước như đước mà chìm ngay do đó, khả năng tái tạo tự nhiên thuộc về loại cây này. Mặt khác, những hạt đước được giữ lại bởi mắm, vì vậy nó có đủ thời gian để nó rụng xuống và nảy mầm. “Mắm đi trước, đước theo sau” là vậy. Bên cạnh đó, sức sống cây mắm khá dẻo dai và bền bỉ. Nó chịu được mọi sự phá hủy của địch để sau đó vẫn vươn lên tốt tươi “Đước, vẹt, giá, dà, tràm, chà là,dừa nước… tất cả mọi thứ cây rừng đều chết, nhưng còn một giống đương đầu, thằng Mỹ phải chịu thua… Lá héo, lá rụng rồi lá lại nảy mầm xanh tươi trở lại như không” [49; 331]. Văn Đoàn Giỏi thực là kho tư liệu sinh động về đời sống sinh vật của vùng đất Nam bộ. Vừa đem lại tính chân xác trong từng trang văn, vừa tạo sự hấp dẫn và thuyết phục với bạn đọc trong từng chi tiết miêu tả, vốn sống nhà văn đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của các tác phẩm. Cây đước, cây mắm không chỉ thể hiện được sức sống của người Nam bộ trong lao động và kháng chiến. Trong quá trình sinh tồn, mắm giữ chân đước và đước cũng giữ chân mắm không bị ngã (rễ mắm yếu). Nhờ sự hợp lực này mà dù chịu bao mưa bom đạn nổ, rừng xứ này vẫn không sao bị diệt được: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay càng vững thành đồng” (Tố Hữu). Như con người phương Nam, từ già đến trẻ, từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn tiếp bước nhau đi, anh dũng trên con đường đấu tranh còn nhiều gian khổ và chông gai (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Việt Chiến). Nhớ về phương Nam là nhớ về Tiền Giang với những chiến công hiển hách, nhớ về Tháp Mười với mênh mông sóng nước, là hồi tưởng về Cà Mau với rừng đước, rừng mắm bạt ngàn. Trái tim và khối óc của nhà văn Đoàn Giỏi lúc nào cũng đau đáu về quê nhà trong tình yêu, nỗi nhớ và niềm tự hào. 3.3.3 Chú chó - hình ảnh một người bạn trung thành Viết về loại nhân vật này, cũng gần như các nhà văn nước ta và thế giới qua một số tác phẩm nổi bật như Tiếng gọi nơi hoang dã, Nanh trắng (Jack London), Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Lão Hạc (Nam Cao), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Sao không về Vàng ơi? (Trần Đăng Khoa),… Đoàn Giỏi đã khắc họa hình ảnh con chó trong những đặc tính tốt đẹp nhất. Dưới lăng kính nhìn của nhà văn, các phẩm chất đó không đơn thuần chỉ là sự biểu hiện của bản năng loài. Vốn là lưu dân từ miền Trung vào Nam tìm kế sinh cơ, xa gia đình, bạn bè đã lâu lại sống giữa thiên nhiên hoang vắng và xa lạ (Núi cả non ngàn lấy bối cảnh xã hội Nam bộ những năm cuối thế kỷ XIX), nỗi cô đơn và cảm giác về sự trống trải với già Tâm là một điều tất yếu. Vì vậy, với ông sự hiện diện của con Đốm là một gắn bó không thể thiếu “Nó giục ông đi săn, nhắc nhở ông rằng nó đói, báo cho ông biết có người lạ đến gần… bao nhiêu hoạt động hằng ngày có ý nghĩa, trách nhiệm, giúp ông bớt cô đơn, bớt chán nản. Nó còn làm giảm bớt sự bồn chồn, lo lắng bằng cách xoắn xít, cọ sát vào người ông, làm thư giãn đầu óc và tạo cho ông cảm giác yên ổn” [49; 660]. Trong cuộc sống thường ngày, cũng như con Vàng – người bạn lắng nghe mọi tâm tư của lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, con Đốm với già Tâm cũng luôn là người bạn thân thiết trong mỗi lần chuyện trò. Bao nhiêu năm sống cùng nhau, mối thâm tình cố kết giữa người và vật đã tựa như “không gì phá vỡ nổi”. Sự tồn tại của ông cần có nó “Ông không thể sống một mình như những ngày chưa có nó, nhất là những lúc ốm đau” [49; 661] và nó cũng cần có ông. Bởi thế khi già Tâm bị cướp bắt đi, con Đốm đã lao vào chống cự quyết liệt. Dù bị đánh nhào xuống nước, nó vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục bơi theo ghe và trèo lên lăn xả vào ông. Rồi trong giây phút cận kề nguy hiểm với cái chết rình rập, đã không những không bỏ già Tâm để thoát thân, con chó ngược lại còn muốn “tìm cách đánh tháo” cho ông. Đốm với già Tâm thực sự là người bạn trung thành. Đến Chuyện rừng thuở ấy và Đất rừng phương Nam, chúng ta còn cảm phục hơn loài vật ấy ở sự thông minh của trí khôn và sự dũng cảm trong tinh thần chiến đấu. Chó là loài vật có khứu giác cực kỳ nhạy bén, vì vậy khả năng phát hiện mục tiêu hay những nguy hiểm trước mắt cao hơn con người rất nhiều. Giữa thiên nhiên hàng bao hiểm nguy và mối đe dọa khôn lường, việc có một người bạn đường trong mỗi bước đường chinh phục như con chó là điều cần thiết. Hành trình tìm kiếm Thị Lụa của Tám Mun (Chuyện rừng thuở ấy) sẽ vất vả và kéo dài hơn nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của con Đốm. Trong các con vật nuôi, chó được xem là loài vật có nhiều tình cảm với con người nhất và đồng thời cũng “hiểu” con người nhất. Có khi ở sự cảm nhận “nó rất nhạy với tâm trạng của chủ” [49; 659] và đôi khi ở những ám hiệu “mấy lần con Đốm lao ra trảng, nhưng nó còn ngó lên chờ lệnh chủ… Tám Mun không chờ coi nữa. Gã suỵt suỵt mấy tiếng. Con Đốm lao ra, sủa dữ dội cướp tinh thần kẻ địch” [49; 270, 271]. Con Luốc trong Đất rừng phương Nam có thể nói là sự kết tụ những thuộc tính đáng quý của hình tượng nhân vật này. Luốc theo chân gia đình ông Hai qua mỗi bước đường lưu lạc của cuộc sống, cùng An dõi theo tía nuôi trong nhiệm vụ bí mật (giết vợ Tư Mắm trả thù chú Võ Tòng) và luôn sát cánh bên An khi cậu tìm đường vào rừng đến với căn cứ kháng chiến “Cứ men theo dấu chân tía nuôi tôi, tôi vừa đi vừa dắt con Luốc chạy ộp oạp trên bờ đất sình lút ngang ống chân… Tôi lội ngay xuống rạch, ngược theo dòng nước gợn bùn vẩn đục ngầu từ trong rừng chảy ra, mải miết bươn ra. Con Luốc cứ kêu ư… ử… trong cổ, dường như muốn gọi tôi lên mà mãi không thấy tôi lên, nó bèn co giò phóng tùm xuống nước lội xộn xộn sát theo tôi” [49; 239]. Chó Luốc với gia đình tía nuôi An vừa là một người bạn vừa là một thành viên không thể thiếu. Nhân vật văn học là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng nhưng qua trang văn Đoàn Giỏi, con Luốc hay con Đốm hiện ra trong những chi tiết rất thực. Sự am hiểu những thuộc tính của nhân vật cũng như khả năng quan sát và miêu tả tinh tế đã đem lại sức sống cho hình tượng. Mỗi tác phẩm một nhân vật khác nhau nhưng tất cả đều thống nhất trong ý nghĩa của sự thể hiện. Đó cũng chính là ý nghĩa của hình tượng nhân vật con chó mà nhà văn xây dựng qua các sáng tác của mình. 3.4 Thế giới cổ tích và huyền thoại qua một vài tác phẩm Trong văn học hiện đại Việt Nam, cùng với một số ít tác giả như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Đoàn Giỏi là những người đã có công trong việc đem truyện cổ tích và huyền thoại vào các tác phẩm. Tuy chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc đời văn nghiệp của nhà văn (với ba truyện kể: Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Sự tích núi Trái Vải và Thiện Dần đánh cọp) nhưng chính mảng sáng tác này đã tạo nên dấu ấn cá nhân Đoàn Giỏi trong dòng chảy của văn học đương thời. Với văn học thành văn, sự ảnh hưởng và vay mượn các yếu tố của văn học truyền miệng được xem là một hiện tượng phổ biến, và là một tất yếu. Chúng “hiện hữu với vai trò to lớn và là chất liệu, là phương tiện tạo nguồn cho các sáng tác” [29; 43]. Thực tiễn đời sống văn chương thế giới qua các tên tuổi như Charles Perrault (1628-1703) của Pháp, A.X.Puskin (1799-1827) của Nga hay Andersen (1805-1875) của Đan Mạch,… đã minh chứng được điều đó. Ở Việt Nam, trong Bàn về truyện cổ tích của các nhà văn, Võ Quang Trọng cho rằng: giới nghiên cứu ngữ vănvà các nhà folklore cũng đã có nhiều cách gọi khác nhau về thể loại truyện này như truyện cổ tích mới, truyện cổ tích văn học, truyện cổ tích thành văn, truyện cổ tích của nhà văn,… Qua hai tác phẩm Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Sự tích núi Trái Vải dấu ấn văn học dân gian được thể hiện rõ nét. Lấy ý tưởng từ nguồn truyện và quan niệm dân gian, bằng sự sáng tạo, Đoàn Giỏi đã khéo léo viết nên những truyền thuyết, cổ tích đầy lôi cuốn và giàu ý nghĩa. Như M.Gorky khi nhận định về Puskin có nói “Ông đã điểm tô cả dân ca và truyện cổ tích bằng tài năng sáng ngời của mình, nhưng ông không làm biến đổi ý nghĩa và sức mạnh vĩnh hằng của nó” [29; 43]. Thế giới cổ tích trong Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn mở ra qua cách dẫn truyện quen thuộc của dân gian “Ngày xửa, ngày xưa, đã lâu lắm rồi… Ở ven rừng nọ có một cái hồ lớn, trong hồ có một con rùa to sống lâu năm, mình mẩy đóng đầy rêu. Và ở cách xa khu rừng vài dặm, có túp lều của một người thợ săn già” [49; 279]. Từ thế giới thực tại, nhà văn đưa độc giả trở về với thế giới xa xưa, vào một thời điểm nào đó không rõ và tại một không gian nào đó chưa xác định được. Những diễn tiến của câu chuyện bắt đầu khi chú nai bị sập bẫy của người thợ săn và nhờ rùa cứu giúp. Nhìn những sợi dây da đang quấn chặt vào chân bạn, rùa chỉ biết lắc đầu và thở dài. Tuy nhiên trước sự buồn rầu, thất vọng đến đáng thương của nai, rùa động lòng. Không có dao, không có răng song rùa vẫn quyết nghiến mớ dây bề bộn đó. Đến đây, ta như được gặp lại chú rùa kiên trì, chịu khó trong cuộc chạy đua với thỏ trong câu chuyện Thỏ và Rùa. Sự kiên nhẫn của rùa qua một đêm cũng như muối bỏ bể khi bây giờ “trời đã đâm ngang mây”. Thế là một nhân vật thứ ba nữa xuất hiện: chim gõ mõ. Chúng những kẻ yếu hợp sức nhau lại để chống lại kẻ mạnh là con người. Với biện pháp nhân hóa, thế giới loài vật của truyện hiện ra qua những thuộc tính rất con người. Chúng cũng có nghĩa có tình, cũng biết bảo vệ lẫn nhau “Tôi có thể trốn xuống hồ nhưng không đành bỏ bạn nai rơi vào tay lão thợ săn tàn ác. Bạn chim gõ mõ ơi, bạn có cách gì cứu anh nai hiền lành khốn khổ này không?” [49; 281]. Trong văn học dân gian, truyện cổ tích loài vật thường ít sự kiện dù mang tính hành động kịch cao. Tuy nhiên ở Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Đoàn Giỏi đã để cho các nhân vật trải qua khá nhiều biến cố, đặc biệt với hai nhân vật chính là người thợ săn và con rùa. Vì cứu bạn và vì chậm chạp, rùa bị người thợ săn bắt làm vật thay thế cho “miếng mồi” vừa mất. Không đành nhìn bạn vì mình mà bỏ mạng, lợi dụng lòng tham của ông, nai nhanh trí lừa ông lạc vào rừng sâu để quay ra cứu bạn. Câu chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu như rùa không cố chấp ở lại vùng hồ cạn khô “Chỗ này ta sinh ra, chỗ này ta lớn lên, bờ lau, hốc đá, kho lạch… tất cả đều là của ta. Ta đâu há dễ bỏ giang sơn này lại cho ai?” [49; 284] và người thợ săn không vì mối thù ngày xưa mà ở lại khu rừng để một ngày nọ họ vô tình chạm trán với nhau “lưỡi cuốc lớn bập phải lưng con rùa và hất nó lên như một cục đất to”. Nhưng người thợ săn thôi không bắt nó nữa. Cuộc gặp gỡ lần hai vì vậy không có sự hồi hộp của những trò trốn – tìm, thay vào đó là những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống mà cả hai nhân vật cùng thú nhận: “Tại đây ta sinh ra. Trong bùn này ta sống. Bùn ấy hủy diệt ta”, “Tất cả đều trở thành hư không! Biết thế sao trong thời gian ta sống, ta chỉ gây đau khổ cho khắp quanh ta và cho ngay chính bản thân ta, mà quên mất điều tối thượng của lẽ sống cao đẹp là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất thảy muôn loài!” [49; 285]. Gạn lọc những chất liệu của những truyện kể dân gian, Đoàn Giỏi đã điều chế các hình ảnh, các tình tiết, chi tiết một cách tài tình theo nhãn quan của một nhà văn hiện đại và nhất là với tâm thức của một người hiện đại. Bởi vậy, truyện ông ngoài lớp nghĩa truyền thống, còn tạo nên những ý nghĩa riêng, độc đáo. Đó là sự phê phán thói tự kỷ (khép kín, bằng lòng với thực tại, ngại thay đổi, kiểu “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”), tự kiêu và nhất là sự xâm phạm đến cuộc sống muôn loài (“Vì sao ông đến đây? Rình rập hai chúng tôi! Để mỗi mình ông sống?” [49; 285]) bên cạnh sự ca ngợi cái tâm hướng thiện của con người. Truyện vì thế còn được xếp vào thể loại truyện ngụ ngôn. Một trong những đặc trưng của truyện cổ tích loài vật là sự giải thích về thế giới. Qua Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Đoàn Giỏi đã mở ra một chiều kích nữa trong tổng thể quan niệm dân gian giữa sự vật và hiện tượng : “Trời sai Bụt xuống cho con rùa biến thành hòn đá, người thợ săn biến thành cây tùng, để khách lữ hành đường xa dặm thẳm mệt mỏi, có nơi ngồi, có bóng mát nghỉ chân, cho cả hai được thỏa nguyện lưu lại sự tốt lành trên cõi thế…” [49; 286]. Chẳng những vận dụng kho tàng văn học dân gian trong nước, Đoàn Giỏi còn mượn chuyện từ nước bạn Campuchia qua Sự tích núi Trái Vải. Khác với Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn, Sự tích núi Trái Vải được tác giả gia công thêm từ một cốt truyện sẵn có trong kho tàng truyện kể dân gian Campuchia (xem thêm Phụ lục). Trong truyền thuyết về núi Trái Vải của nhân dân xứ Cao Miên, ngoài tính xác định về không gian (Siem Raep), tương đối về thời gian (những năm người Hoa đua nhau sang buôn bán trên vùng đất của Chân Lạp – khoảng từ thế kỷ XIII trở đi) thì các nhân vật trong câu chuyện đều không tên. Ngược lại, trong truyện kể của Đoàn Giỏi, tất cả các yếu tố đều mang tính lịch sử, nhân vật theo đó cũng gắn liền với những tên tuổi nhất định, cụ thể là lão Sê-u-Ta Seng (Tchéou Ta Seng) gọi theo ta là Châu Đạt Thành, (theo tác giả) vốn là em ruột của Sê-u Ta Kouan [49; 297] – Châu Đạt Quan. Như một hình nhân quái dị, chân dung lão Châu Đạt Thành được Đoàn Giỏi khắc họa thật sinh động “Lão chủ thuyền buôn vải nhãn này vốn là một tay phù thủy, một dị nhân pháp thuật cao cường, người thấp lùn ti hí mắt lươn, thường mặc quần áo đen, đi giày đen, đội mũ đen, mồm ngậm chiếc ống điếu trúc dài đen nhánh. Tên lão là Sê-u-Ta Seng” [49; 297]. Màu đen là màu của bóng tối, đồng nghĩa với sự bủa vây của cái ác. Lão xuất hiện đúng với bản chất của một phù thủy mà ta thường bắt gặp trong các truyện dân gian khác, mụ phù thủy trong Nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn là ví dụ. Bằng việc vận dụng tư duy dân gian trong miêu tả nhân vật, thế giới người trong truyện dưới ngòi bút nhà văn vì vậy hiện ra trong sự phân cực thiện – ác rất rõ ràng. Câu chuyện do đó gần gũi hơn với tâm thức tiếp nhận của nhân dân. Đơn giản, trong sáng nhưng cũng không kém phần trau chuốt, tỉ mẩn, văn phong tác giả qua các sáng tác này thực sự đã thể hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn đầy thú vị giữa văn học dân gian và văn học viết. Ngoài ra, sự hấp dẫn đặc biệt của Sự tích núi Trái Vải còn được Đoàn Giỏi thể hiện qua thủ pháp xây dựng không gian huyền thoại “Những cánh chim xa đã bay về núi. Tất cả đã lên thuyền. Mặt trời đã tắt. Lão phù thủy bước lên mui thuyền, đầu xõa tóc, tay cầm chiếc điếu trúc dài họa phù chỉ về phương bắc, mặt ngửa lên cười ha hả. Tiếng gió gào bỗng nổi lên ghê rợn. Thuyền từ từ nhấc bổng lên không, lắc lư tròng trành giữa khoảng không, rồi vùn vụt lướt như bay trên đầu ngọn núi. Trên nền trời đen lấp lánh muôn ngàn vì sao xanh biếc, chiếc thuyền của lão phù thủy Sê-u-Ta Seng như một kình ngư quái dị, lặng lẽ giương vây quạt đuôi lao về hướng biển Đông” [49; 299]. Vừa ghê rợn vừa lung linh, không gian đó như cuốn lấy chúng ta trong sự say mê, thích thú. Trong truyện ngắn Rừng đêm xào xạc, không gian huyền thoại cũng được tìm thấy qua câu chuyện của Út Thảo về doi Ông Trừng và bầy rái cá. Với tính chất là truyện kể về nhân vật lịch sử nhưng trong Thiện Dần đánh cọp, ta vẫn thấy sự đan xen của những yếu tố ly kỳ “Một đêm, trời nổi mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng. Gần ngớt cơn mưa, bỗng nghe có tiếng rên ngoài gốc cây gừa (cây si) chỗ ngôi miếu hoang cạnh bờ sông” [49; 289]. Tuy truyện được lấy bối cảnh những năm cuối XIX, đầu XX nhưng phảng phất đâu đó trong câu văn màu sắc xa xưa của những tháng ngày nguyên thủy, như “… có cái vẻ phiêu diêu như câu chuyện hoang đường. Hoang đường ở trong cõi thực, trong cõi thực mà có hoang đường. Thuộc về trung cổ, lúc non nứơc đã văn minh, mà tưởng tượng như về thượng cổ” (Nguyễn Huy Tưởng) [29; 49]. Đặt trong sự so sánh với thế giới cổ tích và huyền thoại trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, thế giới cổ tích và huyền thoại của Đoàn Giỏi vừa có những nét chung vừa tồn tại những mặt rất riêng. Ở Tưởng, tư tưởng chủ đạo của mỗi truyện viết mới chủ yếu hướng “đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, con người” [29; 48] qua đó hun đúc lòng yêu mến dân tộc và lòng tự hào về những trang sử vẻ vang của nước nhà (tập trung ở đối tượng sáng tác là thiếu nhi) với Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Dương Vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Hai bàn tay chiến sĩ, Điện Biên Phủ của chúng em,... Ngoài ra những ước mơ ngọt lành, những khát vọng trong trẻo về cuộc sống cũng được ông chuyển tải qua những câu chuyện cổ tích xưa như Tìm mẹ, Thằng Quấy, Con cóc là cậu ông giời. Với Đoàn Giỏi, truyện của ông ngoài những hấp lực trên con chữ còn thể hiện được những triết lý sâu sắc về cuộc đời (“Trồng dưa được dưa, trồng mận được mận. Kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Đó là chuyện tất nhiên ở đời” [49; 301]), hay sự đồng cảm với bi kịch của người trí thức quê hương trong xã hội Nam bộ nhiễu nhương xưa (cả với người anh hùng không đất dụng võ – Thiện Dần): “Đây là bộ y phục thầy sắm ngày trước để về kinh ứng thí. Nhưng triều đình nhu nhược, cắt Nam kỳ nhượng cho Pháp, ngày càng lủi trước giặc, thầy xếp cất tận đáy rương, thi cử nữa làm gì? Ngoài Trung Bắc hào kiệt khắp nơi nổi dậy… Thầy trao cho con hôm nay… hãy tỏ rõ là một học trò xứng đáng của thầy!” [49; 289]. Là một người bạn trong cuộc sống, đồng thời là bậc đàn anh luôn sát cánh trong hoạt động văn nghệ, do vậy về khía cạnh nào đó văn Đoàn Giỏi chịu sự ảnh hưởng của văn Nguyễn Huy Tưởng. Vấn đề được phân tích trên đây là ví dụ. Biết học hỏi và biết làm mới mình bằng sự sáng tạo, văn xuôi nhà văn Nam bộ này bởi vậy luôn tạo được những ấn tượng riêng, độc đáo. *Tiểu kết Nếu với phương thức tổ chức tình tiết – sự kiện, văn xuôi Đoàn Giỏi hấp dẫn người đọc ở tốc độ nhanh, mạnh, ở những tình huống căng thẳng, bất ngờ và hồi hộp thì đến những biểu hiện của chất thơ trên trang viết, người đọc được hòa mình vào âm hưởng trữ tình của những câu hát dân gian, những trang văn sâu lắng của thế giới cảm xúc, được hòa mình vào thế giới tình cảm trong sáng, ngọt ngào của những con người dân quê Nam bộ chất phác, hồn hậu, giàu tình thương yêu và lòng nghĩa hiệp. Những năm tháng chiến tranh, chất thơ trong văn xuôi có thể nói là một thanh âm lạ. Lạ nhưng không xa rời với cuộc chiến vì vậy nó tan chảy trong sự vận động của văn học cách mạng. Được sống ở miền Bắc sau ngày hòa bình, so với các nhà văn Nam bộ ông có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong sáng tác văn học. Bởi vậy, trang văn Đoàn Giỏi có sự đa dạng hơn về nội dung phản ánh lẫn kỹ thuật thể hiện. Tiếp thu văn hóa truyền thống, học hỏi các cây bút đi trước, Đoàn Giỏi luôn có ý thức tự làm mới mình bằng chính năng lực của ngòi bút “… Trong con mắt tôi, với nhà văn Đoàn Giỏi, sự sáng tạo đồng nghĩa với một cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt” (Nguyễn Quang Sáng). Bởi vậy các tác phẩm của ông đã thật sự để lại những dấu ấn riêng và độc đáo trong lòng người đọc. Không chỉ với Đất rừng phương Nam, với Cây đước Cà Mau mà còn qua rất nhiều những sáng tác khác. Và từ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng cũng như những phương tiện biểu hiện nghệ thuật ấy đã dần tạo nên ở nhà văn cái mà ta gọi là phong cách. MỤC LỤC DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục tiêu và nhiệm vụ 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6. Đóng góp mới của đề tài 7. Kết cấu của đề tài CHƯƠNG 1. ĐOÀN GIỎI, CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP 1.1 Cuộc đời nhà văn Đoàn Giỏi 1.2 Sự nghiệp sáng tác 1.3 Văn xuôi Đoàn Giỏi, nhìn từ vốn sống và cảm hứng nghệ thuật 1.4 Đoàn Giỏi, dòng riêng giữa nguồn chung CHƯƠNG 2. CÁC PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ TRONG VĂN XUÔI ĐOÀN GIỎI 2.1 Không gian nghệ thuật 2.1.1 Không gian lịch sử 2.1.2 Không gian thách thức 2.1.3 Không gian chung sống 2.1.4 Không gian tâm tưởng 2.2 Cách thức tổ chức thời gian nghệ thuật 2.3 Thủ pháp xây dựng nhân vật 2.3.1 Từ ngoại hình đến tính cách 2.3.2 Hành động và những biểu hiện của nhân cách 2.3.3 Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật 2.4 Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Đoàn Giỏi 2.4.1 Ngôn ngữ đậm màu sắc địa phương 2.4.2 Sắc thái ngôn ngữ qua đối tượng phản ánh *Tiểu kết CHƯƠNG 3. ĐOÀN GIỎI – NHỮNG ĐẶC TRƯNG PHONG CÁCH 3.1 Văn xuôi Đoàn Giỏi nhìn từ phương diện kết cấu 3.2 Chất thơ trên trang viết 3.2.1 Thơ và chất thơ 3.2.2 Dòng chảy của cảm xúc 3.2.3 Những khúc đoạn trong trẻo và ngọt ngào của cuộc sống 3.3 Hệ thống biểu tượng trong các tác phẩm của Đoàn Giỏi 3.3.1 Hình ảnh con dao và ngọn tầm vông trong tâm thức người Nam bộ 3.3.2 Sức sống người phương Nam qua cây đước, cây mắm 3.4 Thế giới cổ tích và huyền thoại qua một vài tác phẩm *Tiểu kết KẾT LUẬN................................................................................................................. ............... 98 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC.................................................................................................................... ............... 106 [1] Chiếc sào phơi (Lê Giang): Lũ giặc đến làng ta/ Rồi cuộc sống gọi người đi chiến đấu/ Chiếc sào phơi làm vũ khí – tầm vông.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_10__402.pdf
Luận văn liên quan