Đường lối của Đảng

Nhìn lại hoạt động đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới, từ tư duy đến thực tiễn có thể rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa tiếp tục chỉ đạo công tác đối ngoại hiện nay như: - Phải giữ vững và kiên định lý tưởng, mục tiêu Độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là nguyên tắc cơ bản nhất để chỉ đạo hoạt động ngoại giao và ứng xử trong mọi cuộc đấu tranh, hợp tác của quan hệ quốc tế. - Hoạt động ngoại giao phải là sự kết hợp hài hoà giữa nội lực và ngoại lực. Điều đó xuất phát từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có tốt, tiếng mới vang xa”. Bởi vậy, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách và luật pháp, nền tảng kinh tế-xã hội có tích luỹ, hệ thống chính trị và nâng cao thu nhập quốc dân, có như vậy hoạt động ngoại giao mới có thể phát huy mạnh mẽ hơn nữa thành quả đã đạt được. - Hoạt động ngoại giao phải là hoạt động tổng hoà các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, các nhân tố cá nhân, tập thể và dân tộc, nhân dân, các mặt bên trong và bên ngoài, cơ bản và không cơ bản giữa Việt Nam với đối tác, khu vực và cộng đồng quốc tế. - Hoạt động ngoại giao trong tư duy và thực tiễn phải là sự kết hợp và giải quyết hài hoà lợi ích chân chính của nhân dân, dân tộc Việt Nam với nhân loại, thời đại, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế. Đó vừa là bài học cũng là một vấn đề rất quan trọng hiện nay trong xu thế “hợp tác và đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình”.

doc7 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4060 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đường lối của Đảng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hoạt động đối ngoại của Đảng – Từ tư duy đến thực tiễn trong thời kỳ đổi mới. 1. Đặt vấn đề Sau 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước khởi sắc mọi mặt, trong đó có sự đóng góp của mặt trận ngoại giao. Báo cáo Chính trị tại Đại hội X viết: “Hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân phát triển mạnh, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đã giải quyết được một số vấn đề về biên giới, vùng chồng lấn trên biển với một số quốc gia; chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn thế giới; tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế và khu vực tại Việt Nam”. Những kết quả từ quá trình thực tiễn hoá đổi mới tư duy đối ngoại nằm trong sự đổi mới toàn diện, đồng bộ các mặt, các lĩnh vực của đất nước đã đưa “Vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp”. Để thấy rõ hơn ý nghĩa lịch sử của những thành tựu hiện nay về mặt đối ngoại cần xem lại những khó khăn và trở ngại của ngoại giao Việt Nam trước đổi mới và những quyết sách ngoại giao đúng đắn, kịp thời của Đảng nhằm giải toả và khai thông những bế tắc trong quan hệ đối ngoại, để đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng đó, hội nhập và phát triển với các nước láng giềng, khu vực và cộng đồng quốc tế. 2. Những khó khăn của quan hệ đối ngoại trước đổi mới Sau tháng 4/1975, đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, nhân dân 2 miền Nam Bắc hoà chung niềm tin phấn khởi và khí thế cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từng bước đưa Việt Nam quá độ lên CNXH. Tuy còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả của 30 năm chiến tranh (1945 - 1975) và di sản của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, nhưng nước Việt Nam thống nhất đã tạo lập được vị thế và uy tín cao trên trường quốc tế thông qua các sự kiện: 1- Trở thành thành viên tích cực của Phong trào Không liên kết (1976); 2- Sau 5 lần nộp đơn bị Mỹ phủ quyết suốt từ năm 1948 - 1977, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã thành công khi chính thức gia nhập Liên hiệp quốc (20/9/1977) và nhiều tổ chức khác; 3- Thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với hàng loạt các quốc gia ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết và xây dựng đất nước, bình thường hoá quan hệ thời hậu chiến chưa tiến hành được bao lâu thì những khó khăn mới nảy sinh theo thời gian ngày càng trở nên nóng bỏng và bức xúc. Bối cảnh quốc tế cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 có những diễn biến rất quan trọng tác động đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Sau hơn 10 năm tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong ban lãnh đạo Trung Quốc thông qua “Cuộc đại cách mạng văn hoá vô sản” (1966 - 1976) đã kết thúc, thế hệ lãnh đạo thứ 2 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Đặng Tiểu Bình là tổng công trình sư đã quyết định mở cửa, cải cách kinh tế theo phương châm “dò đá qua sông”, xây dựng CNXH mang mầu sắc Trung Quốc bắt đầu từ Hội nghị TW3 (22/12/1978). Quan hệ quốc tế mà thực chất là quan hệ giữa tam giác Liên Xô - Hoa Kỳ - Trung Quốc đang có những bước chuyển biến theo hướng hoà dịu, tạo môi trường hoà bình để tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Các nước TBCN sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973 - 1977 đã có nhiều điều chỉnh trong chính sách quản lý nền kinh tế - chính trị trong nước, trên cơ sở phát triển và áp dụng những phát minh, thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã bắt đầu bộc lộ những khủng hoảng của đất nước, đời sống của nhân dân lao động đã có khó khăn, cơ chế quản lý và mô hình CNXH đã bộc lộ mâu thuẫn với sự phát triển thực tế. Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đống hoang tàn chiến tranh để trở thành cường quốc công nghiệp của Nhật Bản - đã trở thành sự thần kỳ Đông á. Sự liên kết và xích lại gần nhau hơn của các quốc gia Tây Âu trong Cộng đồng hợp tác kinh tế Châu Âu (EC). Sự vươn lên mạnh mẽ của các nước công nghiệp mới (Nies) - những con rồng ở khu vực Đông á như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan...cũng rất đáng để Việt Nam suy ngẫm về con đường phát triển. 2.1. Về khách quan: 1- Việt Nam đã phải đối mặt với lệnh cấm vận kinh tế, thù địch, chống phá và kiềm chế, phong toả tài sản của Việt Nam ở nước ngoài, không chấp nhận thừa kế ghế của Cộng hoà Miền Nam tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) - Mà Ngân hàng Quốc gia Cộng hoà Miền Nam là một sáng lập viên, Ngân hàng thế giới (WB) của Hoa Kỳ bắt đầu từ cuối năm 1975 kéo theo một loạt các đồng minh của họ cũng có những động thái đóng băng trở lại sau một thời kỳ ngắn phía Việt Nam nỗ lực, cố gắng hâm nóng lại quan hệ 1975 - 1977 thông qua các chuyến công du, thăm viếng, vận động của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao nhằm giúp các nước trong khu vực và quốc tế có cái nhìn tích cực về Việt Nam; 2- Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam đang là đồng minh chiến lược “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh” trong sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc, lại bước sang một thời kỳ đối đầu dẫn đến xung đột và căng thẳng suốt nửa cuối thập kỷ 70 sang cuối thập kỷ 80; 3- Quan hệ hậu chiến thời kỳ đầu 1975 - 1978 của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam á nhất là các nước asean từng bước được cải thiện theo hướng tích cực. Quan điểm của Việt Nam đặc biệt với Thái Lan và Philippin, 2 quốc gia có can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975, là sẵn sàng “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” với thái độ tích cực theo hướng hợp tác trên tinh thần làm bạn, vì lợi ích của các bên để lấy lại không khí hoà bình, ổn định ở khu vực. Tuy vậy, thái độ của các nước ASEAN là dè dặt, quan sát động thái chính sách và bước đi thực hiện của Việt Nam. Tiếc thay quan hệ Việt Nam - ASEAN đang ấm dần lên lại bị trở ngại và đóng lại sau những sự kiện nạn kiều dẫn tới xung đột với Trung Quốc và đưa quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ cách mạng và nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ đứng đầu gồm “Bộ ba đồ tể giết người” Polpot - Ieng Sary - Khieu Samphon đầu năm 1979. Trước dư luận và thông tin một chiều, không chính xác của Mỹ, các thế lực đế quốc và bành trướng, báo chí phương Tây, các nước ASEAN giống như những con bài Domino đẩy lui theo chiến lược của các nước lớn thù địch với cách mạng Việt Nam, quay lại có thái độ căng thẳng và hành động đối đầu với Việt Nam. 2.2. Về chủ quan: Những khó khăn trong nước cũng tác động đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Mỗi bước đi của chính sách đối nội lại có ảnh hưởng ít nhiều đến quan hệ đối ngoại của đất nước. 1- Sự chống phá của thổ phỉ, gián điệp mà kẻ thù để lại sau chiến tranh như Fulro (Front Unifie de Liberation des Races Oppriemees tức Mặt trận đoàn kết giải phóng các dân tộc bị áp bức) ở Tây Nguyên, các toán gián điệp, thổ phỉ ở phía Bắc và các phần tử lưu manh, phản động của chế độ cũ; 2- Chính sách đối ngoại của Đại hội IV - Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước - là củng cố quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước XHCN, Lào, Campuchia, sẵn sàng thiết lập và phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy vậy, với tâm trạng lạc quan thiếu tính toán và cẩn trọng, trên thực tế đường lối đó không thực hiện được do tổng hoà cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; 3- Tình cảnh khó khăn của đất nước do sự tàn phá của 30 năm chiến tranh và sự phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ từ bên ngoài ở cả 2 miền Nam Bắc. Thu nhập đầu người của Việt Nam bằng 1/4 của Thái Lan và bằng 1/30 của các nước tư bản phát triển. Việc Mỹ cắt viện trợ cho miền Nam đã gây ra một cuộc khủng hoảng trước mắt. Sau đó, việc cắt giảm đến cắt đứt hoàn toàn viện trợ của Trung Quốc (1977) và Việt Nam gia nhập và chấp nhận luật chơi của khối SEV (Khối tương trợ kinh tế XHCN) năm 1978 (Luật chơi có nghĩa là các nước XHCN sẽ tăng viện trợ cho Việt Nam hằng năm lên gấp rưỡi tức từ 1 tỷ rúp/đôla lên 1,5 tỷ rúp/đôla nhưng giá cả sẽ tăng từ giá hữu nghị lên ngang bằng giá thị trường từ 1 lên 3 lần) và dân số tăng quá nhanh đã đưa nền kinh tế Việt Nam mong manh vì nhập siêu, do đó nền kinh tế đó đòi hỏi phải được quản lý thận trọng nếu muốn làm cho nó trở lại lành mạnh; 4- Sự chống phá của các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài đã buộc Việt Nam phải có những chi tiêu đáng kể cho quân sự quốc phòng để tăng cường sức mạnh phòng thủ đất nước đã hạn chế ít nhiều đến nỗ lực tập trung nguồn lực (vốn) cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và đáp ứng những nhu cầu cấp bách về văn hoá và tinh thần cho nhân dân lao động. Những khó khăn thuộc về nhân tố chủ quan và yếu tố khách quan là những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện ở Việt Nam đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Sự khó khăn chung của đất nước cũng có ảnh hưởng và tác động đến chính sách và hoạt động ngoại giao của Việt Nam - 1 nền ngoại giao cách mạng đang đối mặt với những thử thách gay gắt trên một chặng đường phát triển mới. 3. Hoạt động đối ngoại đổi mới của Đảng - Từ tư duy đến thực tiễn 3.1. Trước tình hình đó, ngoài việc tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước XHCN, mặt trận đối ngoại được mở rộng với những hoạt động tích cực phát triển quan hệ với các nước dân tộc chủ nghĩa và không liên kết. Chỉ trong một thời gian ngắn sau chiến tranh, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 40 nước thuộc thế giới thứ 3. Quan hệ với các nước công nghiệp phát triển và các tổ chức quốc tế tiếp tục được mở rộng. Từ năm 1976 - 1986, Việt Nam đã tham gia 33 tổ chức và 19 điều ước quốc tế. Những chính sách và nỗ lực ngoại giao giai đoạn này đã góp phần làm thất bại âm mưu bao vây, cấm vận của các thế lực nước ngoài và giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật của đất nước. 3.2. Năm 1986, trước những khó khăn to lớn cả về trong nước và quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước toàn diện, mở ra một giai đoạn mới với đường lối và những chính sách ngoại giao mới của Việt Nam mà nhiệm vụ hàng đầu là tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng đối ngoại nhất quán là giương cao ngọn cờ hoà bình, ĐLDT và CNXH, giữ vững độc lập tự chủ, đẩy mạnh hợp tác hữu nghị, làm tròn nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Trong tư duy đối ngoại, bên cạnh tăng cường đoàn kết và quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô - Quan hệ vẫn được coi là “hòn đá tảng” trong những năm đầu đổi mới, quan hệ với các nước láng giềng và khu vực được chú trọng. Văn kiện ĐH VI viết: “Phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương” {1, 100}, đoàn kết và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đây là “quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em” Việt Nam - Lào - Campuchia {1, 100}. Đối với Trung Quốc, những động thái hoà dịu tích cực đã bắt đầu rõ nét: “Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu, nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ở Đông Nam á và trên thế giới”. Đặt đất nước trong mối quan hệ chung của khu vực, tư duy đối ngoại trong văn kiện Đại hội VI đã thể hiện thiện chí, mong muốn của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với việc tạo lập môi trường hoà bình ở Đông Nam á: “Chúng ta mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để giải quyết các vấn đề ở Đông Nam á, thiết lập quan hệ cùng tồn tại hoà bình, ổn định và hợp tác”. Nhìn tổng quát, tư duy trong hoạt động đối ngoại do Đại hội VI đề ra đã tập trung hướng ưu tiên đối ngoại cho việc tranh thủ mở rộng quan hệ với các nước nhất là trong khu vực Đông Nam á, tranh thủ cơ hội tháo gỡ căng thẳng, từng bước tạo lập môi trường hoà bình, ổn định để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát ra thế bị bao vây cô lập với bên ngoài. 3.3. Cụ thể hoá đường lối đổi mới ngoại giao của Đại hội VI, ngày 20/5/1988, BCT ra Nghị quyết 13 với tiêu đề “Giữ vững hoà bình, phát triển kinh tế”. Nghị quyết đã nhấn mạnh nhiệm vụ ngoại giao là phục vụ ổn định chính trị, ưu tiên phát triển kinh tế là hàng đầu, đồng thời bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết cũng đưa ra những chủ trương cụ thể về vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với ASEAN, mở rộng quan hệ với Nhật Bản và Tây âu, từng bước bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Nghị quyết 13 BCT là cơ sở để phát triển và nâng cao đường lối đối ngoại đổi mới thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ như ngày nay. Triển khai thực hiện tư duy đó, Việt Nam đã rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia trước thời hạn (1989), sau đó cùng các bên liên quan ký Hiệp định Paris về một giải pháp cho vấn đề Campuchia (1991), bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (1991) và từng bước cải thiện quan hệ với từng nước ASEAN và bản thân tổ chức này, gặp gỡ và đối thoại ở trung cao cấp với các đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ để giải toả lệnh bao vây cấm vận thông qua giải quyết hiệu quả vấn đề vướng mắc POW/MIA (POW: Prisoner of War - Tù nhân chiến tranh và MIA: Missing in Action - Mất tích). Trong 5 năm đầu đổi mới (1986 - 1990), ngoại giao Việt Nam chịu nhiều tác động từ những biến đổi của tình hình quốc tế. Cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) giữa hai cường quốc Xô - Mỹ, đồng thời là đại diện hai khối Đông - Tây diễn ra gần nửa thế kỷ chấm dứt (1947 - 1989), tạo ra cơ hội hội nhập và phát triển đối với thế giới thứ 3. Sự khủng hoảng do cải tổ, cải cách đã dẫn đến sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô những năm 1989 - 1991 đánh dấu chấm hết “trật tự 2 cực Ianta”. Sự vươn lên và trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế và khu vực kinh tế, của các nước đang phát triển, của các nước NIes (Công nghiệp mới). Thời cơ đan xen thách thức, vận hội hoà lẫn khó khăn, nhất là không còn chỗ dựa tinh thần và thị trường truyền thống, buộc Việt Nam phải có những kế sách và bước đi thận trọng trong tư duy và quan hệ đối ngoại. Trước những thách đố của lịch sử và những bước ngoặt trên chặng đường mới, Đảng vẫn kiên định mục tiêu ĐLDT & CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc chuẩn bị nghiêm túc, khẩn trương xây dựng đề cương từ Đại hội VI (1986) và chính thức thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” tại Đại hội VII (1991) đã thể hiện rõ điều đó của Đảng. 3.4. Trên cơ sở những thành tựu nói chung của 5 năm đổi mới, từ thực tiễn tình hình đất nước, khu vực và quốc tế, Đại hội VII của Đảng (6/1991) vẫn xác định nhiệm vụ đối ngoại bao trùm là: “Giữ vững hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. “Phát triển quan hệ hữu nghị với các nước Đông Nam á và châu á - Thái Bình Dương, phấn đấu cho một Đông Nam á hoà bình, hữư nghị và hợp tác. Mở rộng sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản và các nước phát triển khác. Thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ”. Đặc biệt, Đại hội VII tiến thêm một bước quan trọng về tư duy đối ngoại: “Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng: Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập phát triển”. 3.5. Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết (23/10/1991), vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới được thúc đẩy nhanh, mạnh hơn. Trên tinh thần “biến Đông Dương từ chiến trường thành chiến trường” của các nước ASEAN hoà nhập với quan điểm của Việt Nam là “lợi ích của Việt Nam gắn liền với lợi ích của khu vực”, sự cải thiện tích cực quan hệ Việt Nam - ASEAN đã tạo điều kiện cho Việt Nam ký hiệp ước Bali (1992) trở thành quan sát viên của tổ chức này. Cụ thể hoá Nghị quyết ĐH VII xác định công tác đối ngoại giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết TW3 khoá VII (29/6/1992) đã chủ trương “mở rộng, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật, cả về Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy những truyền thống và bản sắc tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc” Sau Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (1/1994), lĩnh vực đối ngoại đã có nhiều phát triển mới, nổi bật lên là 3 sự kiện quan trọng giữa năm 1995: 1- Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh bao vây, cấm vận kinh tế kéo dài 2 thập kỷ và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam (11/7/1995); 2- Ký hiệp định khung hợp tác với liên minh châu Âu EU (17/7/1995); 3- Được kết nạp và trở thành thành viên chính thức của ASEAN (28/7/1995). Với tư cách là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chức này trên mọi phương diện hợp tác và được dư luận các nước ĐNA và quốc tế đánh giá cao. Những sự kiện trong năm 1995 đã được nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu: “Cùng với việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ, ký hiệp định hợp tác với liên minh châu Âu và Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, lần đầu tiên kể từ khi giành được độc lập 50 năm trước đây, nước ta có quan hệ với tất cả các nước lớn và trung tâm kinh tế - chính trị lớn trên thế giới. Đây là kết quả, biểu hiện, đồng thời là sự khẳng định tính đúng đắn của chính sách ngoại giao rộng mở của chúng ta”. 3.6. Với những thành tựu đạt được sau 10 năm đổi mới (1986-1995), Đại hội VIII của Đảng (6/1996) đưa ra quyết sách đưa đất nước chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Đảng đã chỉ ra một vấn đề có tính chiến lược trong đường lối đối ngoại là tư duy: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Trên cơ sở đó “ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước ASEAN, không ngừng củng cố quan hệ với các nước bạn truyền thống, coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới”. Trong văn kiện Đại hội IX (4/2001), Đảng tuyên bố thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại ở tầm cao mới: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” {5, 119}. Đảng cũng nhấn mạnh định hướng đối ngoại xuyên suốt: “Coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước XHCN và các nước láng giềng. Nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác với các nước ASEAN, cùng xây dựng Đông Nam á thành một khu vực hoà bình, không có vũ khí hạt nhân, ổn định, hợp tác cùng phát triển”. Tổng kết 20 năm đổi mới và đề ra định hướng chính sách đối ngoại, Đại hội X của Đảng (4/2006) đã xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. 3.7. Với vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực và thế giới, sau 20 năm đổi mới, Việt Nam “đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử... Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp”. Hoạt động đối ngoại đổi mới - Từ tư duy đến thực tiễn - Độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, từ chỗ bị bao vậy, cấm vận, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu kinh tế - chính trị với khu vực và thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước thuộc tất cả các châu lục, quan hệ kinh tế thương mại với 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, quan hệ đầu tư với hơn 70 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn và các trung tâm kinh tế thế giới, là thành viên của hàng trăm tổ chức quốc tế, khu vực và tiểu vùng. Trong quá trình phát triển, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH đã lựa chọn, giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các nước XHCN, phát triển hợp tác nhiều mặt, phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với các nước láng giềng, Việt Nam chủ động thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết các vấn đề tồn tại và tranh chấp bằng thương lượng, góp phần tích cực trong việc lập lại hoà bình ở Campuchia, không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt toàn diện với Lào. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, phát triển quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới theo tinh thần 16 chữ vàng “láng giềng thân thiện, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Đối với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thể hiện vai trò năng động và trách nhiệm trong các hoạt động của tổ chức khu vực, góp phần tích cực đưa ASEAN thành ASEAN 10, nỗ lực từng bước thực hiện kế hoạch thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), đảm nhận lần lượt các chức vụ chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN, chủ tịch Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN là 3,873 tỷ USD và nhập khẩu 7,766 tỷ USD. Đặc biệt với tư cách nước thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/1998 và là sáng lập viên Diễn đàn hợp tác á - Âu (ASEM) vào tháng 3/1996, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, kiến nghị giành được sự ủng hộ và nhất trí cao của các nước thành viên. Theo số liệu năm 2004, Việt Nam xuất sang các nước thuộc ASEM 15,6 tỷ USD và nhập khẩu là 21,5 tỷ USD. Cũng năm đó, Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên APEC 18,88 tỷ USD và nhập khẩu từ các nước này 26,1 tỷ USD. Vai trò của Việt Nam tại Liên hiệp quốc (UN) và Phong trào Không liên kết không ngừng được nâng cao thông qua việc tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại, góp phần vào sự tiến bộ chung của loài người vì hoà bình, bảo vệ môi trường - sinh thái, hình thành một trật tự kinh tế thế giới hợp lý và công bằng hơn. Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ và tiến hành đàm phán về Hiệp định thương mại song phương từ 9/1996 đã dẫn đến sự kiện ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ vào 13/7/2001. Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, trong 5 năm gần đây, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã tăng lên trên 10 lần. Quy chế thương mại vĩnh viễn (PNTR) được Thượng viện Mỹ thông qua đối với Việt Nam sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập WTO đúng lộ trình và kế hoạch cam kết. 4. Những bài học kinh nghiệm từ hoạt động đối ngoại đổi mới của Đảng  Nhìn lại hoạt động đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới, từ tư duy đến thực tiễn có thể rút ra những kinh nghiệm có ý nghĩa tiếp tục chỉ đạo công tác đối ngoại hiện nay như: - Phải giữ vững và kiên định lý tưởng, mục tiêu Độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là nguyên tắc cơ bản nhất để chỉ đạo hoạt động ngoại giao và ứng xử trong mọi cuộc đấu tranh, hợp tác của quan hệ quốc tế. - Hoạt động ngoại giao phải là sự kết hợp hài hoà giữa nội lực và ngoại lực. Điều đó xuất phát từ chỉ dẫn của Hồ Chí Minh “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có tốt, tiếng mới vang xa”. Bởi vậy, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách và luật pháp, nền tảng kinh tế-xã hội có tích luỹ, hệ thống chính trị và nâng cao thu nhập quốc dân, có như vậy hoạt động ngoại giao mới có thể phát huy mạnh mẽ hơn nữa thành quả đã đạt được. - Hoạt động ngoại giao phải là hoạt động tổng hoà các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, các nhân tố cá nhân, tập thể và dân tộc, nhân dân, các mặt bên trong và bên ngoài, cơ bản và không cơ bản giữa Việt Nam với đối tác, khu vực và cộng đồng quốc tế. - Hoạt động ngoại giao trong tư duy và thực tiễn phải là sự kết hợp và giải quyết hài hoà lợi ích chân chính của nhân dân, dân tộc Việt Nam với nhân loại, thời đại, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế. Đó vừa là bài học cũng là một vấn đề rất quan trọng hiện nay trong xu thế “hợp tác và đấu tranh trong cùng tồn tại hoà bình”.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docĐường lối của Đảng.doc
Luận văn liên quan