Gia định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ

Gia Định tam gia đã tạo sức ảnh hưởng của mình không chỉ ở khu vực Nam Bộ mà còn với khu vực Bắc Bộ. Huỳnh Ngọc Uẩn (một thành viên trong Gia Định Sơn hội) đề xướng thơ đề hoạ cảnh Thăng Long ba mươi vần được các sĩ phu Bắc Hà hưởng ứng, chính là kiểu vịnh hoạ theo thể thức của Tao đàn Chiêu Anh các và Gia Định tam gia (trước đây Huỳnh Ngọc Uẩn đã từng hoạ ba mươi vần với Trịnh Hoài Đức trên đường đi sứ) Thể thơ liên hoàn mà Trịnh Hoài Đức sử dụng trong sáng tác thơ Nôm của mình đã được những nhà thơ sau ở Nam Bộ tiếp tục thừa kế như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường. Việc các nhà thơ danh tiếng ở Bắc Hà phê bình thơ, viết tựa bạt cho thơ của Gia Định tam gia cũng cho thấy văn học Hán Nôm Nam Bộ tuy mang những đặc điểm, tính chất của địa phương nhưng đã bắt đầu hội nhập vào mạch nguồn văn học Hán Nôm chung của toàn dân tộc.

pdf42 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2618 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Gia định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định. Do đó, chúng tôi không đi vào các thể loại biên khảo về địa chí, bài văn, bài minh của Tam gia trong công trình này. Ngoài ra, riêng với Trịnh Hoài Đức, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, mặc dù không thấy khắc in trong các thi tập của ông, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu thông qua các bản phiên âm do Lê Quang Chiểu, Nguyễn Văn Sâm, Cao Tự Thanh, Hoài Anh công bố trong công trình của họ. 3.2. Song song với việc nghiên cứu thơ Tam gia ở phương diện nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật, chúng tôi còn phải đặt thơ của Tam gia trong bối cảnh văn học Hán Nôm ở Nam Bộ trong giai đoạn này để thấy được những đặc điểm chung và riêng của chúng để từ đó thể xác định giá trị cũng như những đóng góp của Tam gia đối với nền văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. 3.3. Văn học Hán Nôm Nam Bộ, chính là nói nền văn học viết bằng chữ Hán Nôm thuộc khu vực từ Biên Hoà Đồng Nai trở vào Nam, mà trung tâm chính của nó là Sài Gòn – Gia Định. Bởi Nam Bộ là vùng đất mới so với các vùng khác trong nước ta, do đó nền văn học Hán Nôm tại đây vừa mang tính chất kế thừa những thành tựu cũ của nền văn học Hán Nôm của cả nước nhưng cũng vừa mang tính chất mới mẻ non trẻ do những tác động từ lịch sử kinh tế xã hội tại địa bàn. Xem xét thơ Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Gia Định để thấy sự giao thoa thơ của các ông với thơ đương thời cũng như những giai đoạn sau và trước đó, để đi đến việc xác lập những đóng góp của Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Công tác văn bản học: Tiếp nhận thành quả của những công trình nghiên cứu trước đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát, chỉnh lý văn bản thơ Tam gia hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Đối với tác phẩm Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định vì chỉ có một truyền bản duy nhất nên công tác xử lý văn bản không có gì đáng nói; nhưng với Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức bởi có nhiều bản khác nhau, nên chúng tôi dựa vào bản khắc in có ký hiệu A.780 làm bản trục, đồng thời tham chiếu với bản chép tay ký hiệu A.3139 và bản khắc in mang ký hiệu A.1392 để bổ sung, sắp xếp và tái hiện lại diện mạo của thi tập Gia Định tam gia thi của ba tác giả, bản khắc in năm 1822. Đồng thời, chúng tôi vận dụng phương pháp phiên dịch tiến hành dịch thuật thơ Gia Định tam gia và công bố văn bản trong phần Phụ lục của luận án để làm tư liệu trích dẫn, nghiên cứu trong luận án. 4.2. Xuất phát từ yêu cầu mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp tiểu sử, phương pháp thực chứng lịch sử, phương pháp giải thích học: cùng được vận dụng để tìm hiểu tác phẩm thông qua tiểu sử tác giả và ngược lại, đồng thời muốn hiểu đúng tác phẩm không thể không bắt đầu từ những sự kiện lịch sử, cũng như việc nắm rõ ngữ nghĩa ngôn ngữ bởi thơ Gia Định tam gia được viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, để tránh cứng nhắc giáo điều chúng tôi còn vận dụng phương pháp trực giác để có những đánh giá sinh động về đối tượng. Ngoài ra chúng tôi còn vận dụng các phương pháp và thao tác khác như phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, hệ thống để đưa ra những nhận định có giá trị và ý nghĩa khi nghiên cứu về Gia Định tam gia trong toàn cảnh nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. 5. Đóng góp của luận án 5.1. Về mặt tư liệu: Chúng tôi đã xử lý và phiên dịch hầu như hoàn chỉnh tư liệu thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm. Những bài tự, bạt trong các tập thơ Tam gia, đến cả những lời bình của Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình thơ Lê Quang Định cũng được dịch đầy đủ, góp thêm một nguồn tư liệu quý cho mảng thơ, lý luận phê bình văn học trung đại của nước nhà. 5.2. Từ công tác xử lý văn bản thơ, chúng tôi tiến hành làm rõ và xác định lại năm sinh năm mất của các tác giả Gia Định tam gia, thông qua nhiều nguồn tư liệu, khắc phục được những thiếu sót, những băn khoăn về năm sinh năm mất của Tam gia trong các công trình cũng như các bài viết trước đây. Từ đó, chúng tôi biên soạn niên biểu Gia Định tam gia làm cơ sở cho những nghiên cứu khác về sau. 5.3. Luận án nghiên cứu chủ yếu về thơ Gia Định tam gia ở phương diện nội dung và nghệ thuật, đồng thời đặt nó trong bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ đương thời để thấy những giá trị và đóng góp về nội dung và nghệ thuật thơ của các tác giả đối với văn học Hán Nôm Nam Bộ. 5.4. Từ những kết quả thu được khi nghiên cứu thơ Gia Định tam gia trong công trình này, chúng tôi tiến tới dịch hoàn chỉnh, giới thiệu và công bố toàn bộ thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống nhằm cung cấp cho độc giả những tư liệu khả tín. 6. Bố cục luận án Không kể phần Dẫn nhập, Kết luận, luận án được chia thành 3 chương: Chương 1: Gia Định tam gia, tác giả và tác phẩm Chương 2: Đặc điểm nội dung trong thơ Gia Định tam gia Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật trong thơ Gia Định tam gia Ở mỗi chương chúng tôi có tiểu kết và từ những trình bày trong từng chương về Gia Định tam gia, chúng tôi tiến hành nhận xét đánh giá đóng góp của các ông trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. Ngoài ra, phần Phụ lục gồm: - Niên biểu Gia Định tam gia (soạn) - Các bài tự bạt trong ba tập thơ của Gia Định tam gia (dịch) - Trích thơ Gia Định tam gia (dịch) - Vài hình ảnh tư liệu có liên quan đến Gia Định tam gia CHƯƠNG 1 GIA ĐỊNH TAM GIA TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM 1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN CUỐI THẾ KỶ 19 1.1.1. Bối cảnh thời đại Nửa cuối thế kỷ 17, cùng với việc tiếp tục mở rộng đất đai về phía Nam, công tác di dân người Việt đến vùng đất mới, đồng thời cho phép những di dân người Hoa Nam trú ngụ và khai phá vùng đất này của các chúa Nguyễn khiến nơi đây từng bước hình thành nên trung tâm kinh tế văn hoá của cả khu vực Nam Bộ. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nổ ra, quy tụ được một lực lượng tham gia khởi nghĩa khá đông đảo. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã từng bước đi đến việc xoá bỏ tình hình thống trị của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, nhưng sau khi Quang Trung mất, Quang Toản kế ngôi, nội bộ triều Nguyễn Tây Sơn bắt đầu lủng củng, suy yếu. Trong khi đó, Nguyễn Ánh với hậu phương là vùng đất Nam Bộ dần dần đánh chiếm lại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thuận Hoá, sau đó tiến ra Bắc, thống nhất lãnh thổ, lập ra triều Nguyễn vào năm 1802. Trong suốt thời gian triều Nguyễn cai trị, đáng chú ý nhất là: Sự kiện binh biến của Lê Văn Khôi tại thành Gia Định (1833-1835), và sự kiện xâm lược của thực dân Pháp (1858). Trong bối cảnh nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh đã chọn con đường tham gia vào chính quyền Nguyễn Ánh và trở thành những nhân vật khá quan trọng trong chính quyền này. Từ năm 1788, các ông được cử vào làm Hàn lâm viện, rồi giúp Nguyễn Ánh trong việc khuyến nông để cung cấp quân lương, sau đó còn tham gia công tác quân sự và sau này các ông nhận nhiệm vụ đi sứ bang giao với Trung Quốc, Chân Lạp. 1.1.2. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Nam Bộ Đội ngũ trí thức trên vùng Nam Bộ, khoảng nửa cuối thế kỷ 18, đặc biệt là ở Gia Định đã khá phát triển mặc dầu không thể so sánh với các vùng khác nhưng cũng đã có những tác giả, tác phẩm tiêu biểu như nhóm thơ Chiêu Anh Các ở Hà Tiên do Mạc Thiên Tích đứng đầu (thành lập vào năm 1736) với Hà Tiên thập cảnh vịnh, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc… Võ Trường Toản với Hoài cổ phú, Đặng Đức Thuật với bài sớ Thập sách và Quy sơn thập vịnh (tác phẩm này hiện vẫn chưa tìm thấy), Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Nguyễn Hương và nhiều nhà thơ gốc người Minh Hương như Hối Sơn Huỳnh Ngọc Uẩn, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng, Phục Sơn Vương Kế Sinh, Nhân Sơn (em họ của Trịnh Hoài Đức)… Sau Gia Định tam gia, có Trương Hảo Hiệp (1795 – 1851) với tác phẩm Mộng Mai đình thi thảo, Phan Thanh Giản (1796 - 1867) với Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo, Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1883) với một số bài thơ Nôm, Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) với Kim Thạch kỳ duyên cùng một số sáng tác thơ văn Hán Nôm, Nguyễn Hữu Huân (1816-1875) với thơ chữ Hán và chữ Nôm, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) với Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, và một số thơ, văn tế…, Trần Thiện Chánh (1822-1874) với Trừng Giang thi văn tập, Nam hành thi thảo và Bắc chinh thi thảo, Nguyễn Thông (1827- 1884) với Ngoạ du sào thi văn tập, Kỳ Xuyên thi văn sao, Kỳ Xuyên công độc…, Phan Văn Trị (1830-1910) với nhiều bài thơ Nôm vịnh vật, đặc biệt là cuộc bút chiến giữa ông với Tôn Thọ Tường mang nội dung đả kích bọn bán nước đồng thời bày tỏ ý chí và tinh thần yêu nước của ông, Học Lạc (1842- 1905) và Nhiêu Tâm (?-?), hai nhà thơ trào phúng nổi tiếng trong văn học Hán Nôm ở Nam Bộ... Về đại thể có thể thấy tình hình văn học Hán Nôm ở Nam Bộ có mấy nét sau: Lực lượng sáng tác văn học Hán Nôm ở Nam Bộ rất đa dạng từ thành phần xuất thân đến thành phần dân tộc. Nội dung thơ ca của văn học Hán Nôm Gia Định từ cuối thế kỷ 18 cho đến những năm cuối thế kỷ 19 có những chuyển biến: từ việc ca ngợi những con người quân tử với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Nho gia, ngợi ca cảnh đẹp quê hương, miêu tả cảnh sinh hoạt lao động của nhân dân trên miền đất mới vừa khai hoang khai khẩn, bày tỏ tình cảm yêu nước, yêu quê hương qua niềm trung quân… ở giai đoạn đầu, đến dòng thơ yêu nước, thương dân, đả kích phúng thích những kẻ phản bội lại dân tộc và quê hương, những quan niệm về đạo đức, lý tưởng nhà Nho, lòng trung quân, ái quốc được các nhà nho nhìn nhận và khẳng định lại hơi khác so với trước. Nhưng có thể nói các nhà nho ở Nam Bộ thời kỳ sau đã kế thừa tinh thần trung nghĩa của người mà họ xem như bậc thầy ở Nam Bộ là Võ Trường Toản và những nhà nho thế hệ đầu như Tam gia. Trên phương diện hình thức nghệ thuật, sáng tác thơ không còn khuôn khổ trong phạm vi thơ Đường luật như Gia Định tam gia, mà ở giai đoạn sau, các tác giả đã bắt đầu dùng nhiều thể loại để sáng tác như thơ, truyện ký, truyện thơ, văn tế, thơ bút chiến liên hoàn… khắc phục được tình trạng mất cân xứng giữa các thể loại. Dễ thấy, ở giai đoạn đầu sáng tác bằng chữ Hán chiếm đa số nhưng dần dần sau đó sáng tác bằng thơ Nôm và tiếp theo là quốc ngữ phát triển theo sự suy tàn của chữ Hán Nôm. 1.2. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA Trong mục này, chúng tôi đã căn cứ vào những ghi chép trong các bộ sử như Liệt truyện, Thực lục đồng thời qua thơ và những ghi chép của Trịnh Hoài Đức để dựng lại tiểu sử và hành trạng của các ông khá đầy đủ trong bối cảnh lịch sử đương thời. 1.3. VĂN BẢN TÁC PHẨM THƠ CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA 1.3.1. Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức Hiện thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ các bản in và chép tay thơ của Trịnh Hoài Đức như sau: Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.780, bản khắc in, bên trong có ba bài tự, bạt của Nguyễn Địch Cát, Ngô Thì Vị, Cao Huy Diệu, nhưng không có Tự tự. Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.3139, bản chép tay, có đủ các bài tự, bạt, nhưng cũng không có Tự tự. Có lẽ được chép theo bản A.780. Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, bản khắc in. Tờ bìa giống hệt với bản có ký hiệu A.780, bên trong có bài Tự tự ở đầu. Thứ tự các tập thơ bị đảo lộn, ngoài ra còn thấy trang bìa của tập thơ Thập Anh đường thi tập được khắc in là Thập Anh thi tập và trang bìa của Gia Định tam gia thi được khắc theo lối chữ khải, chân phương. Tiếp theo là mục lục ba tập thơ của ba tác giả. Sau phần mục lục là các bài tự bạt như bản A.780 và Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức (riêng bài này được khắc theo lối chữ lệ). Như vậy về thơ, hiện nay, Trịnh Hoài Đức chỉ có tập Cấn Trai thi tập mà thôi. Còn về tác phẩm Gia Định tam gia thi tập, khắc in năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chính là Cấn Trai thi tập đã khắc in trước đây vào năm Gia Long thứ 18 (1819) được in lại chung với tập thơ Thập Anh thi tập (tức Thập Anh đường thi tập) của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định, có lời tựa chung Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức, nên không thể kể đấy là một tác phẩm mới riêng biệt được, để tránh việc hiểu nhầm thơ của Trịnh Hoài Đức in trong Gia Định tam gia thi tập là một tác phẩm hoàn toàn khác với Cấn Trai thi tập. 1.3.2. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh Thập Anh thi tập (hay Thập Anh đường thi tập) của Ngô Nhân Tĩnh được Trịnh Hoài Đức cho khắc in lần đầu tiên vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chung với tập Cấn Trai thi tập của ông và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định với tên gọi chung là Gia Định tam gia thi. Toàn bộ văn bản thơ chữ Hán Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định lại được đóng chung thành quyển riêng, ký hiệu A.779bis, lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh gồm 187 bài thơ và 3 bài tựa. Tuy nhiên, văn bản chụp lại Thập Anh thi tập mà chúng tôi có được từ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, hiện chỉ còn 182 bài (có một số bài bị thiếu khuyết mất chữ, nên không thể dịch được, đành chịu tồn nghi, chờ dịp thẩm sát thêm). 1.3.3. Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định được ông sáng tác chủ yếu trong thời gian đi sứ Trung Quốc. Trịnh Hoài Đức cho khắc in cùng với thơ ông và Ngô Nhân Tĩnh, gọi chung là Gia Định tam gia thi vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Như trên đã trình bày, văn bản tập thơ Hoa Nguyên thi thảo của ông (bản chúng tôi có) được ghép chung với Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, ký hiệu A.779bis, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ. Nếu không kể bài tựa khắc in chung trong Gia Định tam gia của Trịnh Hoài Đức thì từ mục lục khắc in Gia Định tam gia thi tập, tập Hoa Nguyên thi thảo có 77 bài. Theo chúng tôi thống kê, Hoa Nguyên thi thảo (A.799bis) của Lê Quang Định, hiện còn 75 bài, thiếu mất 2 bài so với mục lục khắc in thời ấy. Trong đó, nhiều bài thơ được Ngô Thì Vị và Nguyễn Du điểm bình. Lễ Khê Ngô Thì Vị điểm bình 32 bài, Tố Như Nguyễn Du điểm bình 33 bài. Số lượng bài thơ mà Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình trùng nhau là 16 bài. Số cột trong mỗi tờ có 9 cột, mỗi cột 20 chữ như Cấn Trai thi tập và Thập Anh thi tập. 1.4. VẤN ĐỀ PHIÊN DỊCH, GIỚI THIỆU THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Thơ Gia Định tam gia, như trong phần lịch sử vấn đề chúng tôi đã trình bày trên, đã được từng bước giới thiệu đến với bạn đọc. Đáng chú ý là Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh, được xuất bản năm 2005 nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai. Về thơ Trịnh Hoài Đức, trong công trình Gia Định tam gia, Hoài Anh đã dịch được 167 bài trong tổng số 327 bài thơ chữ Hán, đồng thời phiên âm 18 bài thơ Nôm; thơ Ngô Nhân Tĩnh 94 bài trong tổng số 182 hiện còn (187 bài theo mục lục); thơ Lê Quang Định 62 bài trong tổng số 75 hiện còn (77 bài theo mục lục). Tuy nhiên, khuyết điểm của công trình này là còn quá nhiều sai sót trong phiên âm, dịch nghĩa, nên việc tiếp nhận tác phẩm chưa thật tốt, có nhiều bài hiểu sai lệch nguyên tác, hệ quả kéo theo là có một số nhận định về tác giả thiếu chính xác. 1.5. QUAN NIỆM VỀ VĂN CHƯƠNG Khi tìm hiểu về quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, chúng tôi tiến hành tìm hiểu trực tiếp trên những phát biểu mang tính chất lý luận được thể hiện trong thơ, trong các bài tựa bạt, đồng thời thông qua thực tiễn sáng tác của họ. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận thấy, quan niệm văn chương của Gia Định tam gia, thể hiện ở những điểm sau: 1) Thơ là phương tiện để ghi lại hiện thực, bộc lộ cảm xúc, bày tỏ tư tưởng của tác giả đối với những cảnh vật, sự việc mà mình đã trải; 2) Thơ là thú chơi tao nhã nhưng lại là hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và công phu; 3) Thơ còn là phương tiện để lưu truyền hành trạng, sự nghiệp, tâm chí của mình, gửi cho con cháu và hậu thế. TIỂU KẾT Trong bối cảnh thời đại nhiều biến động từ giữa thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, văn học Hán Nôm Nam Bộ cũng theo đó thay đổi để từ đó hoà nhập vào dòng chung của dân tộc. Gia Định tam gia là những tác giả mang tính chất bản lề, vừa thừa kế những thành tựu thơ ca trực tiếp của Đàng Trong, vừa khơi nguồn cho dòng mạch văn học Hán Nôm Nam Bộ. Cùng với việc tái hiện diện mạo văn học Hán Nôm Nam Bộ, chúng tôi đi vào khảo sát tiểu sử tác giả và tác phẩm thơ Gia Định tam gia, đưa ra những chứng cứ và số liệu khả tín. Những quan niệm về văn chương của Gia Định tam gia mà chúng tôi đã trình bày trên tuy không mới nhưng không rơi vào khuôn sáo và cứng nhắc. Đối với các ông, thơ không phải là thứ tách riêng với cuộc đời mà nó gắn liền với hơi thở cuộc sống, gắn liền với phong cách phóng khoáng và tư tưởng thực dụng của con người Nam Bộ. CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Trong chương này chúng tôi tìm hiểu những nội dung vừa mang tính chất chung vừa mang những đặc điểm riêng của từng tác giả nhằm hiểu một cách toàn diện con người và thơ của Gia Định tam gia. 2.1. TÌNH CẢM TRUNG QUÂN ÁI QUỐC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC Đặc điểm nổi bật trong thơ Gia Định tam gia đó là tình cảm trung quân, yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Trung quân ở đây chính là trung với chúa Nguyễn, với triều Nguyễn bởi các ông trực tiếp chịu sự đãi ngộ của Nguyễn Gia Long, xa hơn cụ tổ các ông chịu ơn của chúa Nguyễn. Yêu nước ở đây lại gắn liền với lòng trung quân và tình yêu quê hương, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ. Do đó, các ông nói nhiều về ơn tri ngộ, về lòng trung, về những nỗi dằn vặt khi lưu trệ trên đường đi sứ, về những nỗi nhớ quê hương, gia đình, bè bạn… Với nhân sĩ Thanh triều, các ông tự hào về văn hiến, văn hoá của dân tộc, ấn chứng và giao lưu văn học qua những bài thơ đề tặng… Hàng loạt những bài thơ vịnh cảnh, vịnh nhân vật lịch sử Trung Quốc lại thể hiện tinh thần dân tộc của các ông. Với Lê Quang Định tình yêu quê hương đất nước hẳn không cần bàn cãi, nhưng Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh, tuy gốc người Minh hương, họ vẫn xem đất nước Việt Nam là quốc thổ, quê hương của mình, là mảnh đất tâm hồn đã nuôi dưỡng, vun bồi cuộc đời các ông. 2.2. PHONG THÁI NHÀN DẬT VÀ HƯỞNG LẠC Chịu ảnh hưởng tư tưởng tích cực nhập thế trị chính của Nho gia, Gia Định tam gia rõ ràng là những nhà Nho nhập thế tích cực. Các ông xuất thân từ quan văn, nhưng cũng trải qua nhiều chức vụ, làm nhiều việc, đóng góp lớn cho triều Nguyễn trong buổi đầu giành chính quyền từ triều Tây Sơn. Từ Hàn lâm viện, các ông có thời gian giữ chức khuyến nông, sau lại giữ nhiều chức vụ trong các bộ của triều đình, tham gia chính trị, kể cả quân sự. Nhưng cần nói rằng, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh trước khi ra làm quan với Nguyễn Gia Long, các ông từng là con của những nhà kinh doanh cự phách ở Đồng Nai, là những người tham gia việc buôn bán trong thời chiến loạn. Do đó, bản thân các ông mang tính chất của con người thị dân. Vì vậy, bên cạnh tư tưởng nhập thế trị chính tích cực của Nho gia, ta thấy các ông vẫn có những tư tưởng phi Nho. Nét tư tưởng phi Nho này đã xuất hiện trong tư tưởng của Gia Định tam gia, góp phần làm nên tính đa dạng trong thơ ca và chất phóng khoáng tài tử trong phong cách của các ông. Nét tư tưởng phi Nho này trước hết thể hiện ở tư tưởng “cư Nho mộ Thích” và tư tưởng hưởng nhàn của Lão Trang. Vì vậy, các ông nhìn cuộc đời đầy biến đổi và vô thường, từ đó, khát khao được tiêu khiển, được hưởng nhàn… Nhưng những khát vọng đó chưa được thực hiện vì các ông luôn nặng tình với đất nước, luôn ý thức về trách nhiệm, bổn phận của một nhà nho, một bầy tôi đối với vua với nước. Chính vì thế, thơ Gia Định tam gia hoàn toàn không phải là những giáo điều Nho giáo, mà là cái nhìn lồng ghép đa thanh đa bậc về con người và thế giới. 2.3. TRỊNH HOÀI ĐỨC, NGƯỜI NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI NAM BỘ Nối tiếp mạch văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên ở vùng cực Nam của Tổ quốc do nhóm Tao đàn Chiêu Anh Các mà Mạc Thiên Tích dẫn đầu, các tác giả trong Gia Định tam gia, đặc biệt là Trịnh Hoài Đức đã làm một bộ sưu tập về thắng cảnh của vùng đất Gia Định. Tuy nhiên, với ông, thiên nhiên hoàn toàn không biệt lập với sinh hoạt của con người mà nó đồng thời tái hiện cùng với những sinh hoạt của người dân. Từ hai tập thơ Cấn Trai Thoái thực truy biên và Cấn Trai Khả dĩ tập, hình ảnh quê hương Nam Bộ hiện lên với tất cả sự mới mẻ và đầy nhựa sống của một vùng đất vừa trải qua một thời khai hoang khai khẩn với tinh thần khá lạc quan. Nếu không phải là người nặng tình yêu quý quê hương Nam Bộ chắc không thể làm được những bài thơ về miền Nam một cách say sưa như thế. 2.4. NGÔ NHÂN TĨNH, TÍNH CÁCH ĐẠM BẠC CAO THƯỢNG VÀ TÂM SỰ MỘT NHO THẦN Nhân Tĩnh là người tính tình giản dị, trong sáng, tự nhiên, như lời của Nguyễn Địch Cát nói trong bài đề tựa tập thơ Thập Anh thi tập. Ngô Nhân Tĩnh bày tỏ sở thích của mình, mỗi sở thích của ông đều là những thú thanh tao, chứng tỏ, thi nhân có một tâm hồn cao thượng và một tính cách trong sạch (Thuyết tình ái). Trên đường đi sứ lần thứ hai (1802- 1804), ông cùng Trịnh Hoài Đức hoạ vận làm thơ 30 bài. Mỗi bài đều mang phong cách của người nghệ sĩ nhưng lại trĩu nặng tâm sự: nỗi xa xứ nhớ quê, niềm ưu ái của một nho thần phụng mệnh đi sứ, nỗi ưu hoài giữa đất trời kim cổ… Ngô Nhân Tĩnh hay nói đến dưỡng tính chân, dưỡng sự vụng về, và cũng thường nói đến vong cơ, vô ngã, ông ngợi ca cuộc sống an nhàn thoát tục… kiểu Lão Trang. Một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng, một tấm lòng nhà nho mẫn thế ưu dân hẳn không phải là người “ăn của riêng” như có kẻ đã vu cho ông trong lần đi sứ Chân Lạp. Thế nhưng, tâm hồn ấy, vẫn không thể yên bình để đi vào cõi xa. Một tâm sự khó giãi bày lồng trong nỗi niềm ưu ái của một Nho thần hết lòng phục vụ quốc quân, xã tắc. 2.5. LÊ QUANG ĐỊNH, CON NGƯỜI TÀI HOA VÀ NHỮNG SUY TƯ VỀ CUỘC ĐỜI Trong Gia Định tam gia, sáng tác thơ của Lê Quang Định còn lại ít nhất. Tập thơ Hoa Nguyên thi thảo chủ yếu được làm trong thời gian ông nhận nhiệm vụ đi sứ Trung Quốc. Nhưng chất nghệ sĩ của một nhà nho tài hoa vừa giỏi thơ ca vừa hay hội hoạ bộc lộ khá rõ trong thơ. Nét tài hoa của nhà Nho Lê Quang Định trước tiên bộc lộ qua việc đề thơ lên tranh, lên quạt tặng cho các nhân sĩ Thanh triều. Chùm thơ ông viết trên sông Tiêu Tương càng bộc lộ nét nghệ sĩ của ông. Mỗi bài là một tâm tình, mỗi tâm tình ông lại chọn một kiểu thức giải khuây. Cảnh vào thơ, thơ thành hoạ, có hồn và sống động. Đó cũng là nét đặc sắc trong thơ của Lê Quang Định. Mặc dầu nói nhiều về cảnh sắc thiên nhiên, nhưng thơ Lê Quang Định hoàn toàn không phải những phong hoa tuyết nguyệt sáo rỗng mà đều xuất phát từ cuộc sống, từ những hình ảnh sinh hoạt đời thường chân thật, tự nhiên. Trên đường đi sứ, Lê Quang Định lại có dịp khẳng định thêm những giá trị đạo đức qua hàng loạt thơ vịnh sử, vịnh vật. Có những bài thơ làm khi dạo chơi cảnh chùa mang ý thiền, nhưng dường như Lê Quang Định vẫn chưa đến với đạo một cách thật sự. Giữa thi nhân và đạo vẫn còn một khoảng cách lớn: những trăn trở của một nhà nho. Thế nên ông suy tư nhiều đến những nhân vật trung trinh với vua với nước, suy ngẫm nhiều đến lẽ tồn vong trong cuộc đời và xen lẫn là những suy tư chân thành về ơn dưỡng dục của cha mẹ và phận làm trai, làm con. Lê Quang Định là người viết về cha mẹ nhiều hơn hai người bạn của ông. Nét tài hoa ở Lê Quang Định dường như vẫn không thoát ra khỏi bản chất nhà nho quân tử. Nếu so với người bạn của ông, Lê Quang Định không đạt đến phong thái tài tử phóng khoáng như Trịnh Hoài Đức, lại không đến mức thâm trầm nhiều u uất như Ngô Nhân Tĩnh. Ông là sự hoà điệu của hai người bạn ông: tài hoa nhã nhặn và ôn hoà. TIỂU KẾT NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NỘI DUNG CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Những đóng góp của Gia Định tam gia về mặt nội dung, nổi bật ở cảm hứng tự hào, yêu mến quê hương, đất nước, về con người cần lao, những người đã kiến tạo nên đời sống mới trên mảnh đất hoang sơ tràn ngập lau lách này. Với nội dung này, thơ của Gia Định tam gia nối tiếp mạch nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ở Nam Bộ, đồng thời nối tiếp dòng chung của dân tộc từ thơ ca thời Lý, Trần. Ý thức về bổn phận của một nhà Nho, về đạo đức, tinh thần trách nhiệm đối với vua với Tổ quốc được thể hiện trong sáng tác của Gia Định tam gia sẽ được thấy trong sáng tác của những nhà Nho yêu nước ở giai đoạn sau như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông,Trần Thiện Chánh,… Trong Gia Định tam gia, con người trách nhiệm, phận vị, hay có thể nói con người cộng đồng thể hiện khá nổi bật. Thơ của các ông vì thế có những nét tương đồng với thơ của các nhà nho như Nguyễn Trãi. Bởi trong hoàn cảnh lịch sử, tuy khác nhau về tính chất của cuộc chiến tranh, nhưng có cùng ý thức khuông phò chủ công từ những ngày đầu của cuộc chiến và những ngày đầu xây dựng một chính quyền quân chủ phong kiến, nên trong thơ của Gia Định tam gia rất nhiều nỗi băn khoăn về lòng trung quân, về ơn tri ngộ, về lý tưởng cứu đời… mà các ông đành gác lại chuyện nhàn ẩn rong chơi nơi sông hồ. Thơ Gia Định tam gia góp thêm tiếng nói ca ngợi cảnh đẹp quê hương bên cạnh nội dung chủ đạo thể hiện bày tỏ lòng trung quân gắn liền với những nỗi niềm tâm sự riêng và chung. Một Trịnh Hoài Đức hào sảng mà tha thiết nặng tình với quê hương Nam Bộ qua hàng loạt sáng tác ngợi ca cảnh đẹp và đời sống đang lên ở Nam Bộ; một Ngô Nhân Tĩnh chất chứa nhiều tâm sự, ưu tư trong tính cách thâm trầm đạm bạc và một Lê Quang Định đau đáu về trách nhiệm bầy tôi, về phận làm trai, làm con qua những dòng thơ tài hoa. CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA 3.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI 3.1.1. Thể loại So với Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định, thì Trịnh Hoài Đức dùng nhiều thể thơ để sáng tác hơn. Nếu xét 327 bài thơ chữ Hán trong Cấn Trai thi tập được Trịnh Hoài Đức sáng tác theo thể ngũ ngôn tuyệt cú (20 bài, chiếm 6.1%), ngũ ngôn luật (27 bài, chiếm 8.2%), thất ngôn tuyệt cú (13 bài, chiếm 4%), lục ngôn tuyệt cú (8 bài, chiếm 2.4%), ngũ ngôn cổ phong (1 bài, chiếm 0.3%) và chiếm đa số là thể thất ngôn luật (258 bài, chiếm 79%), với Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (có 7 bài thơ sáng tác theo thể ngũ ngôn luật trong tổng số 77 bài, chiếm 9.1%; 9 bài thất ngôn tuyệt cú, chiếm 11.7%; và 61 bài thất ngôn luật, chiếm 79,2%) và Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh (có 44 bài ngũ ngôn luật, chiếm 23.5%; 27 bài thất ngôn tuyệt cú, chiếm 14.5% và 116 bài thất ngôn luật, chiếm 62%). Ta thấy cả ba tác giả đều dùng thể thất ngôn luật nhiều hơn các thể khác, hơn nữa lại chọn thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng để sáng tác. Điều này cho phép khẳng định, sự khuôn mẫu quy phạm của thơ thất ngôn bát cú Đường luật hợp với phong cách của Tam gia. 3.1.1.1. Thể thơ Đường luật Về thể thơ Đường luật, trong thơ Gia Định tam gia chủ yếu được làm theo thể thất ngôn bát cú, thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tuyệt cú… như chúng tôi đã thống kê ở trên, riêng Trịnh Hoài Đức còn có thêm thể lục ngôn tuyệt cú và các thể khác. Điều này cho thấy, phong cách thơ Gia Định tam gia khá ổn định, nghiêm chỉnh và mang tính điển nhã. 3.1.1.2. Thể liên hoàn thất ngôn bát cú Ngoài thể thơ lục ngôn tứ tuyệt, Trịnh Hoài Đức sáng tác 20 bài thơ Nôm liên hoàn thất ngôn bát cú, tức là lấy hai, ba chữ cuối của bài này làm chữ mở đầu cho bài thơ tiếp theo. Trịnh Hoài Đức không viết bằng chữ Hán mà viết bằng chữ Nôm cũng là một kiểu thử nghiệm và kế thừa của riêng tác giả (bởi ông gốc người Minh Hương). Thể thơ này sau đó cũng thấy Nguyễn Đình Chiểu sử dụng khi ông làm thơ điếu Phan Tòng, người anh hùng tham gia phong trào chống Pháp (Điếu Phan Tòng), Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu cũng dùng thể thơ này để bút chiến với Tôn Thọ Tường... Phải chăng là sự tiếp nối một cách chơi thơ xưa đồng thời lại là một thể thức chơi thơ kiểu tài tử của những nhà thơ Nam Bộ? 3.1.1.3. Thể ngũ ngôn cổ phong Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh chỉ sáng tác theo các thể thơ luật, riêng Trịnh Hoài Đức còn sáng tác theo thể ngũ ngôn cổ phong. Tuy số lượng không nhiều nhưng từ đó cho thấy khả năng làm chủ nhiều thể loại trong sáng tác thơ của Trịnh Hoài Đức so với hai người bạn của ông. 3.1.1.4. Lối chơi thơ theo kiểu “hạn vận”, “bộ vận”, “thứ vận”, “nguyên vận” và “đề vịnh liên hoàn” Trong thơ Gia Định tam gia, có nhiều bài thơ làm theo vần (kiểu vịnh hoạ thơ người khác), có khi là kiểu “hạn vận” (dùng một bộ vần hoặc vài chữ trong bộ vần nào đó để làm thơ), có khi là “thứ vận”, “bộ vận”, “nguyên vận” (thứ vận, bộ vận hay nguyên vận: kiểu làm thơ dùng vần thơ của người khác, dựa theo vần mà hoạ, đúng theo thứ tự các vần trong bài xướng) đặc biệt là lối thơ đề vịnh liên hoàn… Tính chất thù tạc xướng hoạ thơ này có thể nói bắt nguồn ảnh hưởng nhiều từ việc thành lập các thi xã và trở thành một nét riêng của văn học Hán Nôm Nam Bộ thời bấy giờ. Đồng thời còn cho thấy tính chất tài tử trong phong cách thơ của Gia Định tam gia nói riêng và của Nam Bộ nói chung. 3.1.2. Ngôn ngữ thơ Sáng tác của Gia Định tam gia chủ yếu vẫn là chữ Hán, chỉ riêng Trịnh Hoài Đức là người sáng tác thơ bằng cả hai ngôn ngữ là chữ Hán và chữ Nôm. Do đó ở đây không thể không nói đến ngôn ngữ chữ Hán và chữ Nôm. 3.1.2.1. Ngôn ngữ thơ chữ Hán Từ đại thể cho thấy, ngôn ngữ thơ Gia Định tam gia có ba kiểu chính là: lớp từ ngữ mang tính ước lệ, tượng trưng; lớp từ ngữ diễn đạt sự vật trực tiếp, giản dị nhưng lại tạo ra nhiều hình ảnh khá sinh động diễn tả được cảnh tình của quê hương Nam Bộ; những từ ngữ mang yếu tố ngữ pháp hiện đại và sự kết hợp từ ngữ khá mới mẻ theo thể thức riêng theo tình cảm và suy nghĩ của người Việt. Có thể nói đó là kết quả của kiểu thức hội tụ văn hoá ở Nam Bộ, đặc biệt là của những người Minh hương như Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh, bởi đối với họ, chữ Hán với tư cách vừa là một cổ ngữ vừa là một sinh ngữ. 3.1.2.1.1. Ngôn ngữ mang tính ước lệ, tượng trưng Ngôn ngữ mang tính ước lệ, tượng trưng là đặc điểm thường thấy trong thơ chữ Hán thời trung đại. Trong thơ Gia Định tam gia, lớp từ ngữ này xuất hiện khá nhiều thể hiện ở hai loại: Một là lớp từ mang nội dung chính trị, tư tưởng, đạo đức Nho giáo như: quân thần, trung hiếu, quân tử, trung thần, nhân, trí, tự tại… Hai là lớp từ mang tính ước lệ tượng trưng nghệ thuật như: cúc, mai, lan, trúc, tùng, vân, nguyệt, sơn, thuỷ… Ngoài ra, hệ thống điển cố, thi liệu Hán học được sử dụng trong thơ Gia Định tam gia cũng tạo nên lớp từ ngữ đầy tính ước lệ, tượng trưng. 3.1.2.1.2. Ngôn ngữ diễn đạt sự vật trực tiếp Viết nhiều về thiên nhiên, về cuộc sống của người dân vốn rất đa dạng và phong phú, ngôn ngữ thơ của Gia Định tam gia trong chừng mực nào đó cũng mang nhiều hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Bên cạnh lớp từ ngữ mang nhiều yếu tố ước lệ tượng trưng, để có thể trong một số chữ nhất định (theo những quy luật của thể thơ Đường luật) mà vẫn nói được nhiều tầng ý nghĩa nhằm biểu đạt tư tưởng tình cảm, các tác giả Gia Định tam gia vẫn có những cố gắng vận dụng linh hoạt lớp từ ngữ diễn đạt sự vật trực tiếp, tạo nên sự sống động và tươi tắn cho thơ. Thơ Trịnh Hoài Đức đầy hình ảnh và âm thanh, tràn ngập những hoạt động của thiên nhiên và con người; thơ của Ngô Nhân Tĩnh tuy cũng giàu hình ảnh, tuy có chút phóng dật nhưng lại thâm trầm; thơ của Lê Quang Định hài hoà giữa tình và cảnh, giữa thi và hoạ đặc biệt là những bài thơ tả cảnh của ông. 3.1.2.1.3. Ngôn ngữ mang tính bạch thoại Khảo sát trong thơ của Gia Định tam gia, chúng tôi thấy, dù chưa nhiều nhưng cũng đã xuất hiện những từ ngữ bạch thoại như “dã” thay cho “diệc”, “đô” thay cho “giai”, và đặc biệt là “thúc” thay cho “bãi” hoặc “tận”, chữ “na” “ná” (đó, ấy, nào) thay cho “đương” “hà”… Những từ ngữ mang yếu tố tiếng Hán hiện đại này cho thấy xu hướng chung của thơ chữ Hán của người Việt khi tiếp thu thơ ca cổ điển đã có từ thời Lý – Trần, đồng thời đối với Gia Định tam gia, nó còn là sự tiếp thu thơ Đường và ảnh hưởng của văn hoá người Hoa từ những cuộc di dân đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 18. Sự xuất hiện những từ mang ngữ pháp hiện đại cho phép khẳng định thơ chữ Hán của Gia Định tam gia mang yếu tố thời đại, hoàn toàn không phải là những con chữ sơ cứng, đã chết (tử ngữ) trong quá khứ, bởi đối với họ, chữ Hán vừa là cổ ngữ vừa là một sinh ngữ. 3.1.2.2. Ngôn ngữ thơ chữ Nôm Kế thừa truyền thống sáng tác thơ bằng chữ Nôm đã có ở Nam Bộ từ thơ của Đào Duy Từ, của Nguyễn Hữu Hào, của Võ Trường Toản, của Tao đàn Chiêu Anh Các, Trịnh Hoài Đức cũng sáng tác thơ bằng chữ Nôm. Lớp từ thuần Việt được tác giả sử dụng trong thơ Nôm với tỷ lệ cao, mang lại cho người đọc cảm giác gần gũi dễ hiểu. Bên cạnh đó, Trịnh Hoài Đức cũng có ý thức dịch những từ ngữ Hán, điển cố, điển tích ra tiếng Việt để sử dụng trong sáng tác thơ Nôm của ông. Đồng thời, trong thơ Nôm Trịnh Hoài Đức chúng ta thấy khá nhiều những từ ngữ mang sắc thái địa phương Nam Bộ. Đây là minh chứng cho thấy sức sống của tiếng Việt cũng như văn hoá Việt đối với những người gốc Hoa sinh sống tại vùng đất Nam Bộ, Việt Nam như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh nói riêng và những nhà thơ Minh Hương nói chung. 3.1.2.3. Thủ pháp sử dụng điển cố Qua khảo sát điển cố điển tích trong thơ Gia Định tam gia, chúng tôi thấy về nguồn gốc các điển cố, các tác giả đã sử dụng từ nhiều nguồn như Kinh, Sử, Tử, Tập, đồng thời được các tác giả dùng khá linh hoạt, khi thì dùng chính điển, khi thì chỉ gọi tên, khi chỉ gợi việc, khi dùng tên riêng, địa danh… để khơi gợi người đọc tìm hiểu và cảm nhận. 3.1.2.3.1. Cách dùng điển cố theo kiểu “ám dụng” và “phản dụng”, “tân dụng”, “tá dụng” Nếu cách dụng điển kiểu “ám dụng” khiến người đọc cảm thấy thơ tự nhiên, thì cách “tân dụng” “phản dụng” hay “tá dụng” khiến ý thơ được nâng thêm một tầng. Vì vậy, tuy dụng điển khá nhiều, nhưng thơ của Gia Định tam gia vẫn có những ý tứ mới mẻ, linh hoạt. 3.1.2.3.2. Cách dùng điển theo kiểu “đối dụng” Dùng điển theo kiểu đối dụng tức là dùng điển cố để tạo phép đối ngẫu. Với cách dùng này, điển cố thường xuất hiện ở hai cặp luận và thực trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Trong Cấn Trai thi tập, chúng tôi thấy, có những bài thơ Trịnh Hoài Đức sử dụng đến 4, 5 điển cố. Việc dùng điển nhiều trong một bài rất ít thấy trong thơ của Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh. Cách đối dụng thường nằm ở vị trí hai câu thực, và hai câu luận mục đích làm tăng tính tự sự và suy ngẫm của tác phẩm. Kiểu đối dụng này mặc dù hiệu quả không bằng lối tá dụng, phản dụng hay tân dụng nhưng nhờ cách đối dụng điển cố, ý thơ được hàm súc và sâu sắc hơn. 3.1.2.4. Hình ảnh thơ Chịu ảnh hưởng nghệ thuật thơ trung đại, trong thơ của Gia Định tam gia nhiều hình ảnh tuy mang tính ước lệ nghệ thuật nhưng khắc hoạ được tình cảm và cảnh vật ở Nam Bộ và ở những nơi các tác giả đã đi qua. Bên cạnh những hình ảnh thanh tao như hoa sen, hoa mai, cội tùng, thanh kiếm… còn có những hình ảnh dân dã như tôm càng xanh, cá rô, cá vàng, chiếc kính mắt, cây ráy tai,… vẫn tượng trưng cho con người quân tử với phẩm chất tốt đẹp, sự tu dưỡng thâm hậu, tấm lòng chân thành, son sắt… Ngoài ra ta còn thấy những hình ảnh như con thuyền, cánh buồm, mái chèo… trong thơ Gia Định tam gia mang biểu tượng của sự xông pha, sự xê dịch, và lưu lạc… Ánh trăng, ngoài ý nghĩa chỉ thời gian, hay chỉ sự tiêu trưởng của vũ trụ, nó còn là biểu tượng cho sự thuần khiết, hay có khi là hình ảnh bè bạn, quê hương… Thông thường những hình ảnh dân dã thường chỉ xuất hiện trong thơ chữ Nôm mà ít đi vào thơ chữ Hán. Điều này cho thấy, một mặt Trịnh Hoài Đức là người rất gắn bó, yêu quý cuộc sống người dân Nam Bộ, mặt khác cho thấy ông có ý thức nhã hoá những vật bình thường này, cung cấp cho nó những nội hàm tư tưởng bác học theo quan điểm thẩm mỹ của một nhà nho thời thịnh. Chỗ này sẽ khác với thơ của những nhà thơ trong giai đoạn nước mất nhà tan ở sau như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Học Lạc, Nhiêu Tâm… 3.2. GIỌNG ĐIỆU VÀ PHONG CÁCH Có thể nói phong cách và giọng điệu thơ của Gia Định tam gia được hình thành không chỉ bởi những yếu tố nghệ thuật nội tại của thơ ca, mà không thể không tính đến những yếu tố khách quan từ xã hội, từ văn hoá kinh tế chính trị thời bấy giờ đã góp phần làm nên chất giọng và phong cách thơ của các ông. 3.2.1. Trịnh Hoài Đức – trang nhã và hào sảng Nhận xét về thơ Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Địch Cát có nói: “Lời nói là tiếng của lòng, mà thơ là anh hoa của lời nói nhưng có tiết tấu mà thôi. Làm thơ chẳng qua mấy điều cách, khí, tự cú, điển cố. Thường nhân cách trội thì thơ nhiều trang nhã; khí trội thì thơ hùng hồn; câu chữ trội thì thơ đẹp đẽ tú lệ; điển cố trội thì thơ phong phú”. Trong bốn điều mà Nguyễn Địch Cát nêu thì thơ Trịnh Hoài Đức đã có đến ba: nhân cách, khí, điển cố. Do vậy thơ của Trịnh Hoài Đức vừa trang nhã, hùng hồn và phong phú. Đọc thơ Trịnh Hoài Đức, âm vang chủ đạo trong thơ là giọng điệu hào sảng, trang nhã. Giọng điệu hào sảng này có được bởi tác giả có một niềm tin khá vững chắc về cuộc đời, cũng như cách hành xử trong cuộc sống thường nhật và trong quan trường. 3.2.2. Ngô Nhân Tĩnh – thâm trầm và chiêm nghiệm Nếu giọng điệu chủ đạo của Trịnh Hoài Đức là hào sảng, hùng hồn, thì giọng điệu trong thơ của Ngô Nhân Tĩnh là giọng điệu tâm tình, vừa phóng dật thâm trầm lại vừa có chất chiêm nghiệm suy tư. Khi viết lời tựa cho tập thơ của Ngô Nhân Tĩnh, Bùi Dương Lịch cảm nhận: “Cái tình trung quân ái quốc phát lộ vào thơ, theo cảm xúc mà phát ra, câu chữ ý tình đều thấu đáo mà thơ thường phóng dật vô cùng…”. Với tính cách đạm bạc, phong thái nhàn dật, cũng như tấm lòng ông dành cho quê hương đất nước, cho bè bạn sâu đậm và nồng hậu, khiến thơ ông mang chất giọng tâm tình, chiêm nghiệm và thâm trầm. Chất phóng dật trong thơ Ngô Nhân Tĩnh vừa khác với Trịnh Hoài Đức và kiểu thâm trầm cũng không giống với nét suy tư của người bạn ông Lê Quang Định, có lẽ vì thế mà thơ của Ngô Nhân Tĩnh được đánh giá rất cao bởi các nhân sĩ Bắc Hà. 3.2.3. Lê Quang Định – khoan thai và đôn hậu Lê Lương Thận khi nhận xét về thơ Lê Quang Định có viết: “Nay đọc thơ ông, ung dung thong thả, suốt tập đều lấy ý ôn, nhu, đôn, hậu bày tỏ vào trong lời ca ngâm than thở, không cần chạm trổ câu chữ mà khí thơ tự đầy tràn, thật có thể kế thừa tiền nhân để làm rạng rỡ quốc thể”. Quả thật, thơ của Lê Quang Định có cái thong dong, nhàn nhã của một nhà nho tính tình cẩn thận nhưng lại mang tố chất tài tử. Cái vẻ khoan thai ung dung, cẩn thận từ bản tính con người của tác giả đã truyền hơi vào thơ, biến thành giọng điệu thơ khoan thai hoà nhã. Lê Quang Định là chánh sứ phái đoàn thỉnh phong đầu tiên khi Gia Long thống nhất đất nước, do đó không thể không nói đến tâm thái sảng khoái, ung dung của một sứ thần Việt Nam đối với các nhân sĩ Thanh triều. Tâm thái đã thanh nhàn thì thơ đâu thể xúc bách, nên chi lời lẽ vào thơ cũng tự tại khoan thai. TIỂU KẾT NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA Nhìn chung thơ của Gia Định tam gia dù hạn chế về đề tài và thể loại, nhưng Gia Định tam gia đã có những kế thừa và phát huy thêm những khai phá của tiền nhân. Những đề tài thường nhật, hình ảnh dân dã đi vào thơ chữ Hán của ba nhà thơ đất Gia Định, đặc biệt là Trịnh Hoài Đức tự nhiên như ở thơ Nôm của Nguyễn Trãi, thơ Nôm của Tao đàn thời Hồng Đức, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Thơ thời Gia Định tam gia vẫn mang chút tính chất giáo hoá theo kiểu Nho gia, nên ôn nhu đôn hậu; còn thơ giai đoạn sau, đặc biệt là khi những người cầm bút một khi ý thức được thơ, ngọn bút cũng là vũ khí chiến đấu sắc bén, công kích những thói hư tật xấu, nhưng kẻ xu nịnh, thì tự nhiên thơ ca cũng mang tính chiến đấu. Trong thơ Nôm của Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Hữu Huân… ta sẽ bắt gặp nhiều bài mang đề tài viết về những sự vật dân dã đời thường này, nhiều khi có vẻ như dung tục (Phan Văn Trị với thơ Con muỗi, Cái cối xay, Con cua, Hột lúa… ; Huỳnh Mẫn Đạt với Chó già, Đĩ già đi tu… ) Việc dùng các thể thơ Đường luật trong sáng tác, một mặt cho thấy sở trường của các ông về các thể thơ Đường luật, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự hạn chế trong cách chọn thể thơ để biểu đạt tư tưởng tình cảm. Ngoài ra, thể thất ngôn bát cú liên hoàn, trước đây rất ít người sử dụng, đã xuất hiện trong sáng tác của Trịnh Hoài Đức và mở đầu cho những bài thơ theo thể này ở giai đoạn sau. Về ngôn ngữ, các ông vẫn sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Hán, tuy nhiên được dùng khá linh hoạt, đó là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại, giữa ngôn ngữ ước lệ với ngôn ngữ đời thường, cùng với việc sử dụng điển cố điển tích và những thi liệu Hán học, khiến cho thơ của các ông có những hình ảnh, kiến giải khá đặc biệt. Việc dùng ngôn ngữ Nôm để sáng tác thơ, đối với Trịnh Hoài Đức cũng là một vấn đề mang ý nghĩa lớn, nó như sự truyền thừa và phát triển từ tiền nhân, đồng thời làm nhịp cầu cho những nhà thơ Nam Bộ ở giai đoạn sau phát huy tính linh hoạt, khả năng diễn đạt của tiếng Việt trong sáng tác. Với giọng điệu chủ đạo của mỗi tác giả: Trịnh Hoài Đức với giọng hào sảng, Ngô Nhân Tĩnh với giọng thâm trầm, Lê Quang Định với giọng khoan thai… sẽ góp tiếng nói của họ vào dàn hợp xướng của thơ ca dân tộc. Nhìn chung, phong cách nghệ thuật thơ Gia Định tam gia trong buổi đầu của văn học Hán Nôm Nam Bộ mang phong cách ổn định, nghiêm chỉnh, trang nhã dù đang viết về những đề tài rất đời thường trong cuộc sống; cái nhìn nhã hoá những sự vật hiện tượng trong đời sống với ngôn ngữ vừa bác học vừa giản dị trang nhã; phong cách ca ngâm hoạ vịnh bắt nguồn từ nghệ thuật diễn xướng dân gian rất phổ biến trong đời sống ở Nam Bộ; chú ý đến việc ghi lại hiện thực sinh động bằng thơ, do đó mang tính chất tự sự rõ nét đan xen trong chất trữ tình. KẾT LUẬN 1. Về công bố văn bản tác phẩm thơ của Gia Định tam gia, chúng tôi nhận thấy công tác văn bản là yếu tố quan trọng đầu tiên để tìm hiểu tư tưởng tình cảm của Gia Định tam gia, do đó đã cố gắng khảo sát và dịch thuật gần như toàn bộ thơ, tự bạt, lời bình trong các tập thơ của Gia Định tam gia nhằm bổ sung và cung cấp cho người đọc nguồn tư liệu khá đầy đủ và chính xác. 2. Trong chương 2, luận án đi vào khảo sát từ những vấn đề chung như: quan niệm về văn chương, tư tưởng trung quân yêu nước gắn liền với lòng tự hào dân tộc, phong thái nhàn dật và hưởng lạc của Gia Định tam gia đến những nét riêng biệt ở từng tác giả như tình yêu mến và gắn bó quê hương Nam Bộ của Trịnh Hoài Đức, tâm hồn và tâm sự của Ngô Nhân Tĩnh, sự tài hoa và suy tư về đời người của Lê Quang Định đã được chúng tôi phân tích và lý giải, cho thấy sự kế thừa văn chương Hán Nôm ở Nam Bộ ở giai đoạn trước và khơi dẫn nguồn mạch văn chương Hán Nôm Nam Bộ ở giai đoạn sau để cùng hoà nguồn vào dòng chảy chung cả nước. 3. Chương 3 đi vào tìm hiểu các phương diện nghệ thuật trong thơ của Gia Định tam gia, như vấn đề về thể loại, ngôn ngữ, cách sử dụng điển cố điển tích… đồng thời trong quá trình tìm hiểu thơ của Gia Định tam gia, chúng tôi thử xác định giọng điệu của từng tác giả để hướng đến việc tìm hiểu phong cách của mỗi nhà thơ. Với mảng đề tài khá hẹp, chủ yếu về thiên nhiên, vịnh vật, vịnh sử và thể loại ít phong phú chủ yếu là thể Đường luật, cùng lối làm thơ theo kiểu vịnh hoạ dài hơi, một lối chơi thơ trước đó ít thấy xuất hiện ở những nơi khác như Đàng Ngoài, nhưng lại là kiểu chơi khá đặc thù của những nhà nho Nam Bộ. Về ngôn ngữ thơ đáng chú ý là sự kết hợp từ ngữ khá sáng tạo theo nếp nghĩ dân tộc, đồng thời đã thấy ít đi những sáo ngữ. Trịnh Hoài Đức còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác thơ. Điều này sẽ không lạ đối với trường hợp như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Du… nhưng lại rất lạ đối với Trịnh Hoài Đức vì ông là người Minh Hương mang tinh thần dân tộc Việt khá đậm. Việc sử dụng các biện pháp tu từ, điển cố điển tích như phương tiện nghệ thuật cũng xuất hiện khá thường xuyên trong thơ Gia Định tam gia. Tuy nhiên cách dùng điển của các ông hoàn toàn không hiểm quái, lạm dụng, điều đó cho thấy phong cách phóng khoáng của văn hoá Nam Bộ và văn hoá của người Hoa Nam ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác của các ông. Mặc dầu được người đương thời gọi là Gia Định tam gia nhưng mỗi nhà thơ bên cạnh những điểm chung vẫn có những nét riêng. Thơ Trịnh Hoài Đức tràn đầy âm vang tiết điệu tự hào; thơ Lê Quang Định mang giọng điệu ôn nhu, nhã nhặn; còn Ngô Nhân Tĩnh lại mang giọng điệu thâm trầm, chiêm nghiệm. Hẳn nhiên ngoài giọng chủ đạo ấy vẫn có những giọng điệu khác đan xen hoà lẫn làm nên chất đa dạng trong thơ của các ông. Nhưng chính giọng điệu chủ đạo trong thơ đã làm nên phong cách thơ của mỗi tác giả. 4. Xét trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, thơ Gia Định tam gia vừa kế thừa tinh hoa của thơ ca cổ ở phương diện đề tài, thể loại, vừa kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ở phương diện nội dung phản ánh, đặc biệt là tình cảm yêu quê hương, đất nước, tình cảm chân thành với gia đình, bè bạn… Có thể nói, trong nền văn học Nam Bộ, Gia Định tam gia là những người có đóng góp lớn cho văn hoá, văn học Nam Bộ. Các ông là lớp người sau hội Tao đàn Chiêu Anh Các, nhưng trước nhóm Bạch Mai thi xã – thành lập nên nhóm thơ Gia Định Sơn hội (Bình Dương thi xã). Việc thành lập thi xã vừa là kiểu thức chơi thơ đặc thù của khu vực Nam Bộ, vừa là một kiểu trau dồi ấn chứng thơ ca với nhau. Nếu xét trong tiến trình của văn học Hán Nôm Nam Bộ thì bản thân nó cũng đã đóng góp trong việc hình thành đội ngũ trí thức miền Nam. Những nội dung tư tưởng tình cảm trung quân ái quốc được thể hiện trong thơ Gia Định tam gia, sẽ có sự biến chuyển đối với lớp nhà Nho trong giai đoạn tiếp theo ở Nam Bộ khi triều đình nhà Nguyễn bắt đầu có những chính sách, hành động ngược lại với nguyện vọng của nhân dân. Gia Định tam gia đã tạo sức ảnh hưởng của mình không chỉ ở khu vực Nam Bộ mà còn với khu vực Bắc Bộ. Huỳnh Ngọc Uẩn (một thành viên trong Gia Định Sơn hội) đề xướng thơ đề hoạ cảnh Thăng Long ba mươi vần được các sĩ phu Bắc Hà hưởng ứng, chính là kiểu vịnh hoạ theo thể thức của Tao đàn Chiêu Anh các và Gia Định tam gia (trước đây Huỳnh Ngọc Uẩn đã từng hoạ ba mươi vần với Trịnh Hoài Đức trên đường đi sứ)… Thể thơ liên hoàn mà Trịnh Hoài Đức sử dụng trong sáng tác thơ Nôm của mình đã được những nhà thơ sau ở Nam Bộ tiếp tục thừa kế như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường... Việc các nhà thơ danh tiếng ở Bắc Hà phê bình thơ, viết tựa bạt cho thơ của Gia Định tam gia cũng cho thấy văn học Hán Nôm Nam Bộ tuy mang những đặc điểm, tính chất của địa phương nhưng đã bắt đầu hội nhập vào mạch nguồn văn học Hán Nôm chung của toàn dân tộc. Trên tinh thần đó, vị trí của Gia Định tam gia trong việc xây dựng nền văn học văn hoá của dân tộc cần được nhìn nhận và đánh giá lại. Các ông là những nhà thơ lớn tiêu biểu của nền văn học Hán Nôm Nam Bộ, là những người vừa thừa tiếp truyền thống của dân tộc vừa khơi nguồn cho văn mạch ở miền Nam. Các ông xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các nhà thơ lớn của dân tộc bởi những đóng góp trên phương diện văn hoá nghệ thuật và cả phương diện địa dư lịch sử. 5. Đối với vùng đất Nam Bộ, những đóng góp của Gia Định tam gia, ngoài phương diện địa dư phải kể đến phương diện văn chương. Các ông là những nhà thơ lớn của vùng đất Nam Bộ nhưng đến nay vẫn chưa nghiên cứu thoả đáng. Với tinh thần đó, chúng tôi mong rằng, sau luận án này sẽ có thêm những hội thảo khoa học về văn học Hán Nôm Nam Bộ, về Gia Định tam gia, và xuất bản công trình giới thiệu toàn bộ thơ Gia Định tam gia, đồng thời có thể tiến tới việc hoàn thành bộ tuyển tập văn học Hán Nôm Nam Bộ với quy mô rộng lớn; ngoài ra có thể giảng dạy thơ ca Gia Định tam gia trong chuyên đề về văn học Hán Nôm Nam Bộ cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành văn học. Hy vọng từ nay khi nói đến văn học Hán Nôm Nam Bộ, Gia Định tam gia sẽ được nhắc đến như những tác giả tiêu biểu của một vùng văn học cùng với những nhà thơ Nam Bộ khác như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông… DANH MỤC BÀI VIẾT ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Lê Quang Trường (2008), “Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức”, Thông báo Hán Nôm học 2007, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, tr.835-859. 2. Lê Quang Trường (2009), “Giới thiệu ba bài tựa trong Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Nghiên cứu Hán Nôm và Văn hoá Việt Nam, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV. 3. Lê Quang Trường (2009), “Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự của một Nho thần, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6(448), ISSN 1859-2856, tr.57-73. 4. Lê Quang Trường (2010), “Khảo sát tình hình tư liệu văn bản và quá trình nghiên cứu về Gia Định tam gia thi”, in trong Bình luận văn học niên giám 2009, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, tr.239-269. 5. Lê Quang Trường (2011), “Quan niệm văn chương của Gia Định tam gia”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận Văn học, niên giám 2010, ISSN 1859-3208, tr.126-136. 6. Lê Quang Trường (2011), “Giới thiệu bài Tựa tập “Gia Định tam gia thi” và diện mạo bản khắc tập thơ, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (106), ISSN 8066-8639, tr.73-82. 7. Lê Quang Trường (2011), “Trịnh Hoài Đức và tâm sự nho thần triều Nguyễn trên đường đi sứ Trung Quốc”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam và Trung Quốc: những quan hệ văn hoá văn học trong lịch sử, ĐH KHXH&NV-TP.HCM và ĐH Hồ Nam Trung Quốc tổ chức tại TP.HCM, tr. 307-314.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_11__7236.pdf
Luận văn liên quan