LỜI NÓI ĐẦU
Ngôn ngữ luôn luôn một trong những yếu tố quan trọng nhất trong xã hội. Con người giao tiếp với nhau qua mọi loại hình ngôn ngữ. Trải qua thời gian, không gian, rất nhiều loại ngôn ngữ ra đời. Một trong số đó là ngôn ngữ @, một hiện tượng ngôn ngữ mới hình thành nhưng đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong xã hội nhất là trong bộ phận giới trẻ nhờ sự xuất hiện của mạng internet kết nối toàn cầu. Trong thời gian gần đây, các sự kiện gây tranh cãi như “thành ngữ sành điệu bằng tranh” hay “từ điển ngôn ngữ chat” lại một lần nữa nhắc đến thực trạng tiếng Việt mất dần sự trong sáng. Nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ khó hiểu này đang làm mất dần vẻ đẹp của tiếng Việt và có phần lấn át trong tương lai không xa. Ngược lại, giới trẻ cho rằng ngôn ngữ này là ngôn ngữ của giới trẻ, là bản sắc của giới trẻ.
Bởi vậy, bài nghiên cứu này ra đời với mục đích cung cấp chính xác, cụ thể về loại hình ngôn ngữ này với góc nhìn khách quan nhất. Trong đó, bài viết cũng cung cấp thông tin khái quát về tình hình, kết quả quá trình sử dụng ngôn ngữ trẻ trung này. Qua đó, người nghiên cứu đưa ra một số giải pháp cải thiện thực trạng của ngôn ngữ @ hiện nay.
MỤC LỤC
1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN6
1.1 Lý do chọn đề tài 6
1.2 Câu hỏi nghiên cứu. 6
1.3 Mục tiêu nghiên cứu. 6
1.4 Ý nghĩa của nghiên cứu. 6
1.5 Phạm vi nghiên cứu. 6
1.6 Phương pháp nghiên cứu. 6
1.7 Bố cục bài nghiên cứu. 6
2 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN6
2.1 Khái niệm ngôn ngữ. 6
2.2 Khái niệm ngôn ngữ @ . 6
2.2.1 Phép cộng. 6
2.2.2 Phép trừ. 6
2.2.3 Phép thay thế. 6
2.2.4 Mã hóa. 6
2.3 Sự phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt 6
2.3.1 Tiếng Việt thời kỳ dựng nước. 6
2.3.2 Tiếng Việt thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. 6
2.3.3 Tiếng Việt thời kỳ độc lập tự chủ. 6
2.3.4 Tiếng Việt thời kỳ Pháp thuộc. 6
2.3.5 Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. 6
3 . CHƯƠNG 3: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU6
3.1 Nguyên nhân ra đời 6
3.2 Kết quả. 6
3.3 Giải pháp. 6
4 CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN6
5 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO6
22 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 22710 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giải pháp cho thực trạng hiện nay của ngôn ngữ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ NGOẠI GIAO
HỌC VIỆN NGOẠI GIAO
KHOA TIẾNG ANH
GIẢI PHÁP CHO THỰC TRẠNG HIỆN NAY CỦA
NGÔN NGỮ @
Người thực hiện: Đỗ Thu Hằng.
Lớp C3. Mã SV: TA35C 00138
Giáo viên: TS. Kiều Thị Thu Hương
BỘ NGOẠI GIAO
HỌC VIÊN NGOẠI GIAO
KHOA TIẾNG ANH
GIẢI PHÁP CHO THỰC TRẠNG HIỆN NAY CỦA
NGÔN NGỮ @
Hà Nội, tháng 12, 2011
LỜI NÓI ĐẦU
Ngôn ngữ luôn luôn một trong những yếu tố quan trọng nhất trong xã hội. Con người giao tiếp với nhau qua mọi loại hình ngôn ngữ. Trải qua thời gian, không gian, rất nhiều loại ngôn ngữ ra đời. Một trong số đó là ngôn ngữ @, một hiện tượng ngôn ngữ mới hình thành nhưng đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong xã hội nhất là trong bộ phận giới trẻ nhờ sự xuất hiện của mạng internet kết nối toàn cầu. Trong thời gian gần đây, các sự kiện gây tranh cãi như “thành ngữ sành điệu bằng tranh” hay “từ điển ngôn ngữ chat” lại một lần nữa nhắc đến thực trạng tiếng Việt mất dần sự trong sáng. Nhiều ý kiến cho rằng ngôn ngữ khó hiểu này đang làm mất dần vẻ đẹp của tiếng Việt và có phần lấn át trong tương lai không xa. Ngược lại, giới trẻ cho rằng ngôn ngữ này là ngôn ngữ của giới trẻ, là bản sắc của giới trẻ.
Bởi vậy, bài nghiên cứu này ra đời với mục đích cung cấp chính xác, cụ thể về loại hình ngôn ngữ này với góc nhìn khách quan nhất. Trong đó, bài viết cũng cung cấp thông tin khái quát về tình hình, kết quả quá trình sử dụng ngôn ngữ trẻ trung này. Qua đó, người nghiên cứu đưa ra một số giải pháp cải thiện thực trạng của ngôn ngữ @ hiện nay.
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN
Lý do chọn đề tài
Việt Nam đang dần hòa nhịp cùng với sự phát triển của thế giới. Bên cạnh sự hòa nhập về kinh tế thì sự giao thoa về ngôn ngữ là không thể tránh khỏi. Ngôn ngữ @ xuất hiện từ khi có sự bùng nổi của internet đồng thời với sự thay đổi của xã hội, từ khi đất nước đổi mới. Dòng thông tin ồ ạt tràn vào Việt Nam và giới trẻ là tầng lớp tiếp thu và thích ứng nhanh nhạy nhất. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ thuộc thế hệ sinh những năm 1980, 1990 và 2000 (còn được gọi là thế hệ 8X, 9X, 10X). Họ học tập, sáng tạo, áp dụng và tạo ra cái riêng để thể hiện mình. Hiện nay kiểu sử dụng ngôn ngữ @ là xuất hiện rộng khắp ở hầu hết các diễn đàn, nhật kí trực tuyến (blog), trang mạng xã hội và nhất là ở tán gẫu qua mạng hay tin nhắn điện thoại. Ngôn ngữ @ đang được sử dụng ngày càng rầm rộ trong giao tiếp, nó xa lạ với tiếng phổ thông, chẳng giống một ngôn ngữ nào bao gồm những ký hiệu phức tạp xen lẫn ngoại ngữ và biến tướng một cách sai chính tả. Mối nguy hại lớn là ngôn ngữ này đang lan nhanh vào nhà trường âm thầm nhưng mạnh mẽ, gây tác động tiêu cựu tới bộ phận lớp trẻ ngày nay. Tuy nhiên đây là một hiện tượng bình thường trong xã hội, nó là một quy luật tự nhiên. Bản thân người nghiên cứu đang sử dụng kiểu giao tiếp này để tiết kiệm thời gian mà vẫn truyền đạt đúng nội dung, cảm xúc và thể hiện nét đặc trưng của bản thân với người mình tiếp xúc. Có thể thấy, bên cạnh những hạn chế thì ngôn ngữ @ cũng mang lại nhiều lợi ích nên việc loại bỏ ngôn ngữ này là không nên và cũng không thể. Vậy tại sao chúng ta không dung hòa nó, biến nó thành công cụ hữu ích trong giao tiếp. Chính vì vậy, đề tài này ra đời với mục đích nghiên cứu ngôn ngữ @, giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn. Chắc hẳn trong quá trình nghiên cứu còn nhiều thiếu sót, mong thầy cô và các bạn góp ý để bài nghiên cứu hoàn thiện hơn.
Câu hỏi nghiên cứu
Ngôn ngữ @ tồn tại trong xã hội thường xuyên liên tục. Mặc dù , mọi người sử dụng nó như một điều tất yếu của cuộc sống thì quan tâm tới loại ngôn ngữ này, người nghiên cứu nhận thấy có những vấn đề sau:
Vì sao ngôn ngữ @ ra đời?
Liệu ngôn ngữ @ có thay thể tiếng Việt?
Liệu ngôn ngữ @ ra đời là nhu cầu đổi mới tiếng Việt?
Có nên chấp nhận ngôn ngữ @?
Mục tiêu nghiên cứu
Như tên đề tài đã nêu, mục tiêu nghiên cứu ở đây là tác động của ngôn ngữ @ tới tiếng Việt. Để thực hiện mục tiêu ấy, bài nghiên cứu sẽ giải quyết các vấn đề sau. Thứ nhất, bạn đọc sẽ nhận được hiểu biết chung về ngôn ngữ @. Thứ hai, thực trạng sử dụng loại hình ngôn ngữ này trong giới trẻ hiện nay ở Việt Nam và cuối cùng là giải pháp đối với ngôn ngữ @.
Ý nghĩa của nghiên cứu
Ngôn ngữ tuy là một trong những tài sản chung vô cùng quý báu của ông cha để lại, là bản sắc văn hóa riêng, là niềm tự hào của cả dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đề cao chủ trương phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong thực tế hiện nay, việc xuất hiện những hiện tướng biến thiên trong việc sử dụng ngôn ngữ khiến chúng ta, hơn bao giờ hết, phải thống nhất về quan điểm, sự đánh giá khả năng kiểm soát và khắc phục đối với những sự biến đổi trong ngôn ngữ, cụ thể là ngôn ngữ @.
Trong các bài bình luận, nhận xét và phân tích có tính chất cá nhân đã có từ trước đến nay, ngôn ngữ @ mới chỉ được tìm hiểu ở một vài khía cạnh thông qua những trường hợp cụ thể. Trong đề tài nghiên cứu này, tội tổng hợp lại những quy luật chuyển đổi căn bản của ngôn ngữ @ từ đó giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn về hiện tượng ngôn ngữ này.
Ngôn ngữ @ tuy là một hiện tượng không mới nhưng sự phổ biến và mức độ ảnh hưởng của nó đang ngày càng phát triển sâu rộng trong xã hội. Do đó, đi tìm hiểu và phân tích về những sự biến đổi của ngôn ngữ chat so với ngôn ngữ đúng chuẩn thông thường là cả một quá trình lâu dài. Bài nghiên cứu này hy vọng sẽ vừa cung cấp một cái nhìn tổng quan, khái quát về dạng ngôn ngữ này, vừa mong những kết quả sẽ trở thanh một cơ sở nền tảng tổng quan làm cứ liệu cho những đề tài nghiên cứu về sau. Ngoài ra, nghiên cứu này muốn gửi đến bạn được cái nhìn, cách nghĩ của giới trẻ thông qua yếu tổ ngôn ngữ để thấu hiểu phần nào tâm lý của giới trẻ và có phương cách hòa hợp các mối quan hệ xã hội.
Phạm vi nghiên cứu
Bởi ngôn ngữ @ là loài hình ngôn ngữ mới, các thông tin về ngôn ngữ @ được thu thập từ internet cụ thể là các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn và tin nhắn điện thoại. Hơn nữa, ngôn ngữ này mới xuất hiện nên người viết nghiên cứu trong thời gian những năm gần đây.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, người nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu. Đây là đề tài còn khá mới nên việc tham khảo ý kiến và tìm tài liệu còn khó khăn nhất là từ những tài liệu chính thống, được phát hành trên cả nước như sách hay các tạp chí khoa học. Vì thế, người nghiên cứu chủ yếu thu thập tài liệu từ thông tin đại chúng. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, các phương pháp phân loại tài liệu, phân tích và tổng hợp đều được sử dụng.
Bố cục bài nghiên cứu
Bài nghiên cứu này bao gồm các chương:
Chương 1 (Tổng quan) giới thiệu lý do chọn đề tài, mục tiêu, câu hỏi nghiên cứu, ý nghĩa, phạm vi cũng như phương pháp nghiên cứu.
Chương 2 (Cơ sở lý luận) cung cấp kiến thức cơ sở bao gồm các khái niệm ngôn ngữ, ngôn ngữ @ và sự phát triển loại hình ngôn ngữ @.
Chương 3 (Nội dung nghiên cứu) nêu lên thực trạng sử dụng ngôn ngữ @ hiện nay của lớp trẻ, phân tích nguồn gốc phát sinh cũng như những hạn chế và lợi ích ngôn ngữ này mang lại và cuối cùng đưa ra một số giải pháp.
Chương 4 (Kết luận) người nghiên cứu tổng kết, xem xét lại quá trình nghiên cứu và đưa ra một số khuyến nghị cho các nghiên cứu tiếp theo.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN
Khái niệm ngôn ngữ
Trước hết, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, không phải hiện tượng tự nhiên hay hiện tượng cá nhân. Trong cuốn Hệ tư tưởng Đức, Mác và Ăng-ghen đã viết “… Ngôn ngữ là ý thức thực tại, thực tiễn, ngôn ngữ cũng tồn tại cho cả những người khác nữa, như vậy là cũng tồn tài lần đầu tiên cho bản thân tôi nữa; và, cũng như ý thức, ngôn ngữ chỉ sinh ra do nhu cầu, do cần thiết phải giao dịch với người khác Mác, Ăngghen, Lenin bàn về ngôn ngữ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.8
”. Như vậy theo quan điểm của Mác, bản chất xã hội của ngôn ngữ thể hiện ở chỗ: nó phục vụ xã hội với tư cách là phương tiện giao tiếp; nó thể hiện ý thức xã hội; sự tồn tại và phát triển của ngôn ngữ gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Do đó, ngôn ngữ là hiện tượng tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan, không phục thuộc vào ý chí, nguyện vọng của mỗi cá nhân. Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ luôn luôn tiếp thu các yếu tố mới (từ mới, nghĩa mới) để phong phú, hoàn thiện thêm. Ngoài ra, ngôn ngữ còn là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Ngoài chức năng phục vụ xã hội, ngôn ngữ còn làm phương tiện giao tiếp giữa mọi người, làm phương tiện trao đổi ý kiến trong xã hội, làm phương tiện giúp con người hiểu biết lẫn nhau trên mọi lĩnh vực trong xã hội.
Thứ hai, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp trọng yếu nhất của con người. Chính ngôn ngữ mà con người có thể hiếu nhau trong quá trình sinh hoạt và lao động, mà người ta có thể diễn đạt và làm cho người khác hiểu được tư tưởng, tình cảm, trạng thái và nguyện vọng của mình. Hơn nữa ngôn ngữ còn là phương tiện giao tiếp vạn năng, vừa phục vụ số đông đảo các thành viên trong cộng đồng vừa giúp các thành viên trong cộng đồng có thể bộc lộ hết các nhu cầu giao tiếp. Trong tất cả các phương tiện mà con người sử dụng để giao tiếp thì ngôn ngữ là phương tiện duy nhất thoả mãn được tất cả các nhu cầu của con người. Sở dĩ ngôn ngữ trở thành một công cụ giao tiếp vạn năng của con người vì nó hành trình cùng con người, từ lúc con người xuất hiện cho đến tận ngày nay. Phương tiện giao tiếp ấy được bổ sung và hoàn thiện dần theo lịch sử tiến hoá của nhân loại, theo những trào lưu và xu hướng tiếp xúc văn hoá có từ cổ xưa đến tận ngày nay. Ngày nay, hầu như không còn ngôn ngữ nào là chưa có ảnh hưởng của nền văn hoá ngoại lai. Nói cách khác, tất cả các ngôn ngữ đang tồn tại hiện nay đều đã từng trải qua những quá trình tiếp xúc văn hoá với ngôn ngữ khác bên ngoài.
Thứ ba, ngôn ngữ là phương tiện của tư duy. Chức năng giao tiếp của ngôn ngữ gắn liền với chức năng thể hiện tư duy của nó bởi chức năng thể hiện tư duy của ngôn ngữ biểu hiện ở hai khía cạnh: ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, ngôn ngữ tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành tư tưởng. Theo Ăng ghen, năng lực tư duy trừu tượng của con người đã lớn lên cùng lao động. Nhưng tư duy không thể tồn tại trần trụi, thoát khỏi ngữ liệu, cho nên tư duy hình thành thì ngôn ngữ cũng ra đời. Qua thời gian, quá trình sống mà tư duy trừu tượng phát triển nên nội dung mà con người cần trao đổi với nhau ngày càng phong phú. Ngược lại, nhu cầu giao tiếp trao đổi với nhau càng phong phú đòi hỏi tư duy trừu tượng càng phát triển hơn.
Cuối cùng, ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt. Ngôn ngữ là sự hợp nhất của cái biểu hiện (vỏ âm thanh) và cái được biểu hiện (khái niệm về sự vật, hiện tượng được phản ánh, gọi tên). Hai mặt này không bao giờ tách nhau nhưng lại có quan hệ võ đoán với nhau. Mặt biểu hiện của ngôn ngữ mang tính hình tuyến. Ngay từ đầu, ngôn ngữ đã đồng thời là tín hiệu, mang bản chất tín hiệu. Chính bản chất tín hiệu của ngôn ngữ, với tất cả những đặc trưng riêng biệt và tính phức tạp trong hệ thống tổ chức của mình, là một nhân tố trung tâm bảo đảm nó trở thành phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người.
Tóm lại, ngôn ngữ được hiểu là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người. Ngôn ngữ cũng là phương tiện phát triểu tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác
Khái niệm ngôn ngữ @
Đã và đang có một thứ ngôn ngữ tồn tại trong giới trẻ hiện nay, với nhiều tên gọi khác nhau như: “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ tuổi teen”, “ngôn ngữ trẻ”, “ngôn ngữ thời @”,… Để hiểu ngôn ngữ @ là gì trước hết chúng ta tìm hiểu xem @ là gì. @(a còng) là một ký tự đặc biệt chuyên dùng để định nghĩa địa chỉ thư điện tử (email), xuất hiện trên bàn phím máy tính. Sau đó, @ được sử dụng như biểu tượng của thế giới mạng và những gì liên quan tới internet.
Không có một định nghĩa chính xác ngôn ngữ @ mà nôm na, ngôn ngữ @ là ngôn ngữ biến dạng khác nhôn ngữ chuẩn, được thay đổi từng chi tiết của các chữ cái tiếng Việt, qua sự kết hợp của rất nhiều loại ký hiệu khác nhau cũng như ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Ngôn ngữ @ thực chất là ngôn ngữ mạng, thường được giới trẻ sử dụng trong các cuộc trò chuyện trên mang, diễn đàn, blog.
Qua phân tích và tổng hợp thông tin, người nghiên cứu rút ra có 4 xu hướng biến đổi như sau:
Phép cộng
Giới trẻ sử dụng phép cộng bằng cách thêm vào trong từ những chữ cái để tạo ra âm mới. Ví dụ như từ vui nay được “viết” thành “vít”, hay “thôi” được viết là “thoai”, “dzìa” là “về”.
Ngoài ra các biểu tượng cảm xúc cũng là một dạng của xu hướng này được các bạn trẻ rất thích dùng, chẳng hạn J (vui), L (buồn), =.= (mệt mỏi), >!< (cau có), v.v.v
Tiếng Việt trong ngôn ngữ @ còn bị Tây hóa do các bạn trẻ thích sử dụng tiếng nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt nhưng k theo nguyên tắc ngữ pháp nào. Ví dụ: Maybe tối nay tớ sẽ go out, nếu cậu cũng ok thì nhớ phone lại cho mình nhé; tớ check mail rồi send cho cậu ngay. Hơn nữa còn một thể loại tiếng Anh dịch từ theo từ (word by word) đang được ưa chuộng như “no star where (không sao đâu), no table (miễn bàn), lemon question (chanh hỏi = chảnh), ugly tiger (xấu hổ), no have spend (không có chi), like is afternoon (thích thì chiều), v.v.v.
Phép trừ
Phép trừ là cách hiểu ngược lại của phép cộng, có xu hướng biến tướng thay đổi tiếng Việt kiểu như gần âm cùng nghĩa, chẳng hạn như: “biết” bị biến đổi thành “bít”, “buồn” biến thành “bùn”, “luôn” thành “lun”.
Phép thay thế
Đây là một phương pháp khá thông dụng, tuy không bằng hai phương pháp trên. Phép này có hai dạng: phép thay thế bộ phận là cách mà giới trẻ thay chữ này bằng chữ khác trong một từ như “bé” được viết là “pé”, “qua” – “wa”, “thôi” – “thui”. Phép thay thế toàn bộ là cách thay hẳn từ này bằng một từ khác, ví dụ như “không” hiện nay được dùng là “hem” hay “gì” được viết là “j”, v.v.v
Mã hóa
Mã hoá là kiểu viết với số ghép cạnh những con chữ. Ví dụ: các bạn trẻ hay viết "G92U" thay vì "Good night to you", hay "9wk" thay cho "nice weekends"...
Không dừng lại ở đó, với tâm lý luôn thích sự mới lạ, họ vừa cho ra đời một bảng chữ cái mới, qua sự kết hợp nhiều ký hiệu khác nhau để tạo nên một cách viết với hình tượng tương đối giống với bảng chữ cái tiếng Việt. Từ chỗ dùng nguyên - phụ âm để thay thế lẫn nhau đến việc dùng các ký hiệu (symbols) hoặc các ký tự đặc biệt (special characters) để thay cho nhiều nguyên - phụ âm, theo thời gian trở thành quy ước chung và được công nhận. Diễn đàn teenviet đã đưa ra một bảng ngôn ngữ bất quy tắc sau:
A = Cl B = 3 hoặc ß C = ( D = ]) E = F_ G = (¬
H = †| I = ] K = ]< L = ]_ M = /v\ N = ]\[
O = º P = ]º QU = v\/ R = Pv S = § T = †
U = µ V = v W = v\/ X = >< Y = ¥.
Sự phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt
Tiếng Việt thời kỳ dựng nước
Thời kỳ này, tiếng Việt chưa có thanh điệu, còn có hai âm tiết (một mờ, một rõ) còn đậm nét Nam Á, chưa phân hóa thành hai tiếng Việt và Mường.
Tiếng Việt thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
Giai đoạn này ứng vào quãng sau thế kỉ 1-2 sau Công nguyên và kéo dài đến thế kỉ 8-9, thậm chí có thể đến thế kỉ 10. Đây là giai đoạn tiếng Việt tiếp xúc với ngôn ngữ Hán nhiều nhất nên tiếng Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếng Hán về các mặt ngữ âm, từ vựng, và cả ngữ pháp, các thanh điệu tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, tiếng Việt và tiếng Mường bắt đầu phân hóa.
Tiếng Việt thời kỳ độc lập tự chủ
Các từ gốc Hán đã du nhập vào trong vốn từ của khối Việt-Mường chung một cách ồ ạt và tạo ra một lớp từ mà các nhà ngôn ngữ học gọi là từ Hán Việt. Như vậy, vào thời điểm này tiếng Việt phải được coi là một ngôn ngữ có hệ thống 6 thanh điệu. Tiếng Việt không còn phát triển cùng tiếng Mường như trước đây. Đồng thời, đã xuất hiện một lớp từ hoàn chỉnh trong vốn từ tiếng Việt, đó là lớp từ Hán Việt. Đồng thời, cũng có một bộ phận của lớp từ Hán Việt biến đổi theo khuynh hướng của những từ thuần Việt. Thời kỳ này một hệ thống chữ viết được xây dựng nhằm ghi lại tiếng Việt, đó là chữ Nôm. Ở giai đoạn này có thể khẳng định một điều là người Việt lần đầu tiên có chữ viết riêng của mình, đó là chữ Nôm. Sự xuất hiện của chữ Nôm là một hiện tượng văn hoá quan trọng trong lịch sử và bắt đầu từ đây, văn học viết bằng tiếng Việt có điều kiện phát triển và nhờ đó những thế kỉ về sau truyện Nôm khuyết danh của người Việt trở thành một trào lưu văn học sánh ngang cùng văn học viết bằng chữ Hán. Tiếng Việt thời kỳ này rất giống với tiếng Việt hiện đại, cặp âm tiết mờ và rõ đã biến mất, xuất hiện nhóm phụ âm đầu bl, ml, tl…
Tiếng Việt thời kỳ Pháp thuộc
Giai đoạn này ước chừng kéo dài từ cuối thế kỉ 15 (đầu thế kỉ 16) cho đến đầu thế kỉ 19. Đây là thời kì, về cơ bản, tiếng Việt đã hình thành nên các vùng phương ngữ như đã có như hiện nay theo hướng tiếng Việt từng bước tiến dần về phương Nam theo con đường phát triển của dân tộc. Giai đoạn này là giai đoạn bắt đầu có sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ châu Âu, mà trước hết là tiếng Tây Ban Nha, sau đó là tiếng Pháp và đến các ngôn ngữ châu Âu khác.
Dưới thời Pháp thuộc, ngôn ngữ hành chính, ngoại giao, giáo dục lúc này là tiếng Pháp nhưng tiếng Việt vẫn không ngừng tự khẳng định mình. Tiếng Việt ngày càng tỏ rõ tính năng động và tiềm năng phát triển dồi dào. Đồng thời, giai đoạn này cũng là một giai đoạn quan trọng của lịch sử phát triển tiếng Việt với 2 điểm đáng chú ý sau: Thứ nhất, tiếng Việt lại bắt đầu có một đợt tiếp xúc mới và đợt tiếp xúc này góp phần làm phong phú tiếng Việt ở cả khía cạnh từ vựng và đặc biệt là khía cạnh ngữ pháp. Và, tiếng Việt đã trở thành một ngôn ngữ mà chữ viết của nó theo hệ Latin chứ không phải chữ khối vuông hay chữ Sanskrit. Thứ hai, Tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ toàn dân đã vươn lên giữ vai trò là một ngôn ngữ văn học bác học, và thậm chí đã có thời kì nó giữ vai trò là ngôn ngữ hành chính của nhà nước. Đây cũng là thời kì mà văn học chữ Nôm phát triển mạnh nhất, trong một chừng mực nào đó nó còn phát triển hơn cả văn học chữ Hán.
Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay
Từ giai đoạn trung đại chuyển sang giai đoạn hiện đại, tiếng Việt phát triển theo xu hướng từng bước hoàn thiện mình để cung cấp một phương tiếp giao tiếp hoàn chỉnh cho toàn xã hội. Từ những năm cuối thế kỉ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20, do tiếp xúc với các ngôn ngữ châu Âu, ngữ pháp tiếng Việt trước đây đã có sự biến đổi. Sự phát triển ngoạn mục của tiếng Việt ở giai đoạn này là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, do được nhà nước công nhận như là một ngôn ngữ chính thức nên tiếng Việt đã trở thành một ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ văn hoá, ngôn ngữ toàn dân mà còn là ngôn ngữ chính thức của giáo dục và khoa học và sau đó là ngôn ngữ của chính trị. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, tiếng Việt đã thoả mãn sự phát triển của xã hội bằng việc cung cấp một cách đầy đủ các hệ thống thuật ngữ khoa học. Và, với dấu hiệu này, chúng ta có quyền nói rằng vào giai đoạn phát triển hiện đại, tiếng Việt đã hoàn thiện sự phát triển của mình.
Hiện nay, bước sang thế kỉ 20, với sự phát triển vũ bão của khoa học-công nghệ, việc sử dụng internet mở đường cho kết nối toàn cầu, các loại hình giao tiếp qua mạng trở nên phổ biến và kéo theo nó là ngôn ngữ @
. CHƯƠNG 3: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Nguyên nhân ra đời
Như đã phân tích trong phần khái niệm ngôn ngữ, ngôn ngữ được khẳng định là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Do đó, ngôn ngữ hình thành dựa trên những cơ sở xã hội nhất định và hoàn toàn tuân theo quy luật khách quan này. Ngôn ngữ @ cũng không là ngoại lệ. Ngôn ngữ thường xuyên biến động theo sự biến động của xã hội. Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu xã hội hay là chiếc "nhiệt kế" đặc biệt của xã hội Việt Nam, tiếng Việt đã và đang phản ánh mọi sự đổi thay của xã hội Việt Nam và theo đó, tiếng Việt cũng đang có những thay đổi dưới tác động của xã hội Việt Nam.
Từ khi đổi mới năm 1986 rồi internet vào Việt Nam năm 1998, đất nước đã phát triển một cách rõ rệt đồng nghĩa với việc giờ đây từ trẻ nhỏ tới người già đều có khả năng sở hữu một chiếc điện thoại di động. Không những thế, mỗi gia đình có ít nhất một chiếc máy vi tính kết nối mạng internet. Internet và điện thoại di động đang lan truyền toàn cầu, từ thành thị tới thôn quê, thậm chí cả vùng sâu ,vùng xa nữa, nơi nào không có Interrnet thì đã có sóng điện thoại di động. Theo đó, tiếng Việt có thêm một môi trường mới để giao tiếp và được sử dụng cùng với nhiều biến đổi. Vì vậy ,giới trẻ có thể kết nối với nhau mọi lúc , mọi nơi, và họ học hỏi, cập nhật ngôn ngữ cho nhau rất nhanh. Về tiếng Việt của cư dân mạng, khi xã hội tồn tại các nhóm xã hội, thì tương ứng với nó sẽ có "ngôn ngữ của xã hội đó" (ngôn ngữ học xã hội gọi là "phương ngữ xã hội"). Tiếng lóng ra đời cũng bởi lí do này. Sự xuất hiện cư dân mạng, thì cũng đồng thời xuất hiện ngôn ngữ của cư dân mạng. Ngoài ra, hiện tượng ngôn ngữ @ xuất hiện còn là do quy luật tiết kiệm. Do phải dùng tiếng Việt không dấu khi chat hoặc nhắn tin nếu điện thoại không hỗ trợ phần mềm tiếng Việt, do cùng một lúc trò chuyện với nhiều người trên mạng nên giới trẻ thường xuyên viết tắt để tiết kiệm thời gian, từ đó tạo ra các từ ngữ mới trong giao tiếp. Về tin nhắn trong điện thoại di động, số ký tự bị giới hạn nên để truyền đạt nhiều nội dung trong một tin, người nhắn tìm cách viết tắt tối đa. Bên cạnh đó, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các công ty nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam kinh doanh tạo nên ảnh hưởng chèn tiếng nước ngoài khi giao tiếp của các bạn trẻ. Một số ý kiến cho rằng, sự ra đời của ngôn ngữ @ thể hiện nhu cầu đổi mới tiếng Việt bởi xã hội ngày một phát triển hòa vào xu hướng toàn cầu hóa nên xảy ra sự va cham- giao thoa văn hóa trong đó có ngôn ngữ kéo theo đó là hàng loạt các sự vật, hiện tượng cần được gọi tên. Trên đây là các nguyên nhân khách quan, là quy luật tự nhiên nên không ai có thể phá vỡ nổi, không có đạo luật nghiêm nào có thể ngăn chặn, can thiêp được.
Còn về mặt chủ quan thì giới trẻ muốn tìm sự khác biệt, mới lạ. Họ muốn khẳng định mình trước người lớn, để người lớn phải tôn trọng hoặc không muốn người lớn biết nội dung trao đổi. Bên cạnh đó, ngày nay cái tôi trong mỗi bạn trẻ trở nên lớn hơn, họ muốn dùng ngôn ngữ @ để tạo nên đặc trưng của bản thân, trở nên cá tính hơn so với bạn bè. Tư duy cần phải tạo nên sự khác biệt đã ăn sâu vào giới trẻ hiện nay nên họ thả sức ngày càng tạo ra một ngôn ngữ không giống ngôn ngữ nào trên thế giới.
Kết quả
Hiện nay, ngôn ngữ @ là niềm say mê của giới trẻ. Họ đang ra sức sáng tạo không ngừng thứ ngôn ngữ trẻ này và càng ngày càng có nhiều biến thể mới mà những ai “lạc hậu” sẽ không thể theo kịp. Từ chỗ thu gọn, viết tắt đến mức tối thiểu, cho đến cố làm dài ngoằng một từ nào đó rồi viết hoa không theo quy luật, tất cả đều là ngôn ngữ @. Ngôn ngữ @ vừa có mặt tích cực đồng thời tồn tại mặt tiêu cực đối với con người và xã hội.
Xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến nhịp sống gấp gáp hay còn gọi đơn giản là sống nhanh. Nhịp “sống nhanh” phát sinh những vấn đề: ăn nhanh, ngủ nhanh, làm việc nhanh, suy nghĩ nhanh, nói nhanh … và một trong những vấn đề đáng lưu ý là viết cũng nhanh. Từ đó, ngôn ngữ @ ra đời, con người trao đổi được nhiều thông tin khi thời gian được tận dụng tới mức tối đa. Hơn nữa, đây là một loại hình ngôn ngữ trẻ trung, lôi cuốn, sinh động, không khô khan cứng nhắc, thể hiện cảm xúc khi giao tiếp qua các ký tự, biểu tượng ngỗ nghĩnh. Đối với các bạn trẻ, ngôn ngữ này là phương tiện trao đổi thông tin có tính bảo mật cao vì phụ huynh không hiểu.
Tuy nhiên, ngôn ngữ @ ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các bạn trẻ đang sử dụng. Khi mà lớp trẻ và cư dân mạng hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, tràn lan những từ lai ghép nhiều khi vô nghĩa và khó hiểu. Đáng lo hơn nữa khi ngôn ngữ ấy đã thâm nhập vào trong nhà trường, được học sinh dùng một cách thản nhiên ngay trong chính các bài viết của mình. Nhiều bạn học sinh chưa ý thức được rõ về loại ngôn ngữ này nên lam dụng nó ngoài môi trường tin nhắn và internet như giao tiếp hàng ngày với người lớn, làm bài tập, bài thi ở trường lớp. Một phụ huynh chia sẻ với báo Thanh Niên rằng con gái mình đang nói thứ ngôn ngữ khó hiểu như “He he he, ngon góa, măm măm. Có đồ en ngon gòi”. Hay như một trường hợp viết văn như sau : “Mỵ và A Phủ là một đôi thanh mai trúc mã, họ thực lòng thực dạ yêu nhau quên trời quên đất, mặc dù quá xá người cản trở nhưng họ cũng lấy được nhau bằng cách dắt tay nhau đi vô rừng”. Không những thế, ngôn ngữ mới này tạo cho các bạn học sinh thói quen lười suy nghĩ để tìm từ hay ý đẹp, không nhận biết được giá trị văn hóa của ngôn ngữ, miễn viết sao cho càng nhanh, lạ, sành điệu càng tốt. Với sự xuất hiện của các phương tiện giao tiếp trực tuyến, thế hệ trẻ hiện nay thường gửi tin nhắn thay vì nói chuyện trực tiếp, thậm chí ngay cả khi chúng ngồi gần nhau. Cách giao tiếp này vì thế ảnh hưởng tới việc sử dụng ngôn ngữ. Bằng việc thay đổi tiếng Việt chuẩn, ngôn ngữ @ khiến các bạn trẻ phát âm sai, méo mó dần dần sai viết sai chính tả và không biết cách viết đúng. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), dưới ảnh hưởng của “phương tiện giao tiếp” đơn giản tới mức hời hợt như thế, các em sẽ mất đi năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ. Tình trạng này lan rộng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Bắt chước là chuyện bình thường, nhưng nếu trẻ cứ bắt chước mà không được định hướng, chọn lọc sẽ trở thành thói quen khó điều chỉnh và về lâu dài tạo nên những vết trầm tích ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu cứ để trẻ chạy theo thói quen qua loa, đại khái khi sử dụng ngôn ngữ thì trong tư duy trong việc làm, sinh hoạt cũng dễ dàng trượt theo sự hời hợt, đơn giản ấy.
Giải pháp
Hiện nay trong dư luận dấy lên đề xuất cần xóa bỏ ngôn ngữ @ nhưng điều đó là không thể bởi ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, hiện tượng khách quan mà con người không chi phối được. Hơn nữa cũng do nhu cầu con người mà loại hình ngôn ngữ này sinh ra. Các thế hệ đi trước cần hiểu rằng không thể xóa bỏ ngôn ngữ này mà phải học cách chấp nhận nó và tuân theo quy luật vận động và phát triển của xã hội có những thứ sẽ được tiếp nhận và có những thứ sẽ bị đào thải. Trong đời sống xã hội hiện nay, một số người còn cho rằng nói tục là hay, để xả bực bội. Nên hiểu nói tục là một hiện tượng ngôn ngữ - xã hội và ngành ngôn ngữ học cũng cần phải quan tâm. Nếu khẳng định việc nói tục trong xã hội không bao giờ hết thì ngôn ngữ @ của giới trẻ cũng không bao giờ hết được. Tất nhiên, phải thấy rằng ngôn ngữ @ không phải tất cả là dở, và trong đó cũng chỉ có một số ít là tục thôi. Vậy nên các biện pháp hạn chế, dung hòa là cần thiết. Các bậc phụ huynh không nên áp đặt tuyệt đối giới trẻ vì đó là quyền tự do cá nhân.
TS. Tùng Lâm nhận xét: Trong 3 yếu tố tác động đến ngôn ngữ tuổi teen, yếu tố gia đình vẫn là quan trọng nhất. Bản thân gia đình cũng phải có ý thức rèn con cái từ lời nói đến hành vi. Bố mẹ cũng phải nêu gương cho con cái. Các bậc phụ huynh nên trò chuyện cùng con em mình như những người bạn để hiểu được tâm tư nguyện vọng của giới trẻ hiện nay, và đưa ra những lời khuyên một cách thiết thực nhất.
Việc sử dụng ngôn ngữ tùy tiện này ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Cụ thể theo ThS. Hà Trần Thùy Dương (giáo viên Trường Đại Học Huế) cho rằng “Việc quá lạm dụng vào ngôn ngữ chat khiến khả năng tư duy của giới trẻ bằng tiếng Việt ngày càng hạn chế vì các em không còn ý thức trau dồi vốn từ tiếng Việt sao cho phong phú, diễn đạt thật trôi chảy, chính xác nữa”. Giáo dục cho học sinh ngôn ngữ văn hóa là một trong những điều quan trọng mà nhà trường cần phải đẩy mạnh để chống sự thay đổi dị thường trong ngôn ngữ. Theo ThS. Trương Thị Luyện (giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam): “Trách nhiệm của nhà trường trong vấn đề giáo dục văn hóa ngôn ngữ cho học sinh vô cùng quan trọng. Điều này thể hiện rõ ở chương trình, nội dung giảng dạy. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh cho học sinh sa đà vào lối sử dụng kiểu ngôn ngữ khó hiểu như hiện tại thì nhà trường không chỉ đẩy mạnh phong trào nâng cao chất lượng dạy và học mà còn phải có những hoạt động mang tính đặc thù về ngôn ngữ nhằm khuyến khích học sinh tham gia, hình thành các em thói quen sử dụng ngôn ngữ lành mạnh, chuẩn mực”. Cần xây dựng phong trào giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt để học sinh hiểu và thực hiện theo. Việc giáo dục cần được bắt nguồn từ thực tế, những câu chuyện, tình huống thật xảy ra trong cuộc sống, làm sao để các em hiểu thế nào là con người văn minh, lịch lãm, về điều này thì giáo dục của chúng ta lại chưa làm được. Nhà trường và đoàn thanh niên cần định hướng cho học sinh - sinh viên hiểu những giá trị tốt đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhà trường phải chú ý rèn học sinh về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng chuẩn tiếng Việt, trong đó có viết đúng chính tả. TS. Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm: “Trước tiên, chúng ta phải giáo dục để các em hiểu rõ đâu là chuẩn mực ngôn ngữ, chứ không nên lầm lẫn khi biến phương tiện làm việc thành phương tiện giao tiếp. Lời nói lệch chuẩn có thể dẫn đến tư duy, hành vi lệch lạc. Vì thế, việc làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt cần phải được lên án”.
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, TS. Trần Thị Ngọc Lang (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) đề xuất ý kiến biên soạn thêm cho học sinh từng vùng miền hệ thống bài tập thích hợp để sửa lỗi chính tả mà học sinh vùng đó hay mắc. Sách giáo khoa hiện hành được soạn để dùng chung cho cả nước dẫn đến tình trạng bài tập chính tả vừa thừa vừa thiếu. Chẳng hạn, bài tập phân biệt l/n không cần thiết cho học sinh Nam bộ mà là lỗi chủ yếu của học sinh phía Bắc. Trong khi đó, bài tập phân biệt vần và dấu hỏi, ngã lại chưa đủ để giúp học sinh viết đúng chuẩn chính tả.
Nếu nhà trường là nhân tố cơ bản giúp các bạn trẻ định hướng, rèn luyện cách sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực thì xã hội lại là nhân tố ảnh hưởng đến sở thích sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ. “Trên các phương tiện truyền thông, ngành văn hóa thông tin cần xây dựng và cập nhật các quy định cần thiết về sử dụng ngôn ngữ, cả tiếng Việt và ngoại ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông Nguyễn Mạnh Cường (giáo viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) nói. Các tờ báo, đặc biệt là báo mạng, cần đi đầu trong việc đưa ra những từ, ngữ, câu… đúng chuẩn và trong sáng.
Mới đây, ngành giáo dục Hà Nội triển khai chương trình “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” xuống các trường học. TS. Mai Xuân Huy nêu: “Biện pháp để ngăn chặn loại ngôn ngữ này xâm nhập vào tiếng Việt là chúng ta cần khoanh vùng và quy định khu vực sử dụng của nó. Chẳng hạn, có thể cấm dùng ngôn ngữ “chat” trong phạm vi công cộng, trong các bài viết ở trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, đài, báo. Nó chỉ có thể được sử dụng trong giao tiếp giữa những người chuyện trò trong các chatroom trên internet. Muốn khắc phục được tình trạng này, gia đình và nhà trường phải kết hợp giáo dục, kiểm soát, nhưng quyết định hơn cả thì phải có một đạo luật cụ thể về tiếng Việt nằm trong Chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước”.
CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN
Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tư duy cũng như ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách con người. Một ngôn ngữ đa dạng, biểu cảm nhưng hàm xúc và logic là một tiêu chuẩn cần đặt ra cho những sáng tạo mới. Bất kể ngôn ngữ nào cũng đều trải qua quá trình biến đổi lâu dài để phát triển và hoàn thiện. Tiếng Việt của chúng ta cũng vậy. Nếu so sánh những từ chúng ta thường dùng ngày nay và các từ mà các thế hệ trước vẫn dùng, ta cũng thấy khác nhau nhiều. Có rất nhiều từ mới và nhiều từ không mới nhưng được dùng với nghĩa khác. Vì vậy, thế hệ 8X và 9X cũng đã phải vận dụng đầu óc, sự liên tưởng phong phú của mình thì mới nghĩ ra được sự thay thế. Người nghiên cứu cho rằng không nên phản đối chuyện tạo từ vựng cũng như du nhập các từ mới để làm phong phú thêm ngôn ngữ giao tiếp trên cộng đồng mạng. Cho nên không nên vội lo lắng, phiền lòng khi thấy giới trẻ ngày nay sử dụng quá nhiều những từ ngữ, cách biểu hiện ngôn ngữ mới, lạ tai, khó hiểu…
Tuy nhiên, cũng cần phải có sự kiểm soát nhất định và tăng cường các hình thức giáo dục để giới trẻ không quên rằng sản phẩm này đơn giản là một cuộc chơi và chỉ nên có ở thế giới ảo. Nó hoàn toàn vô nghĩa nếu dùng nó trong văn bản chính thống, trong giao tiếp, thông tin với những đối tượng khác (không phải là giới trẻ). Có như thế tiếng Việt mới không trở thành một tập hợp tùy tiện, thiếu cấu trúc, thiếu logic.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Dẫn luận Ngôn ngữ học, 2007, NXB. Giáo dục.
Mác, Ăngghen, Lenin bàn về ngôn ngữ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1962.
Ngôn ngữ thời @: chấp nhận đến đâu? Báo điện tử Dân trí
Bản chất và chức năng của ngôn ngữ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 8–20,
Các giai đoạn phát triển của tiếng Việt, theo ngonngu.net
Ngôn ngữ chat hay nhu cầu đổi mới tiếng Việt, Hoàng Sơn,
Báo động sự biến dạng của tiếng Việt, D.Bình và M.Tâm,
Giải mã ngôn ngữ @ của tuổi teen, Hồng Hạnh, báo Dân trí
Làm đẹp thêm dòng sông ngôn ngữ, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. TS. Đinh Văn Đức
Ngôn ngữ chat có trở thành ngôn ngữ chính thống của tiếng Việt, Thu Trang, Xã hội thông tin,
Đừng hốt hoảng với ngôn ngữ tuổi teen, Việt Phương, Dân trí,
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Giải pháp cho thực trạng hiện nay của ngôn ngữ @.docx