Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn

MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU: NỘI DUNG: I. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN: 1. Khái quát chung về giao kết HĐDS: 1.1. Khái niệm giao kết HĐDS: 1.2. Bản chất của giao kết HĐDS: 1.3. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự: 1.3.1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội: 1.3.2. Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng: 2. Trình tự giao kết HĐDS: 2.1. Đề nghị giao kết hợp đồng: 2.1.1. Khái niệm, hình thức, nội dung đề nghị giao kết HĐDS: 2.1.2. Thời điểm đề nghi giao kết HĐDS có hiệu lực: 2.1.3. Thay đổi, rút lại, hủy bỏ và sửa đổi đề nghị giao kết của HĐDS: 2.1.4. Chấm dứt đề nghi giao kết HĐDS: 2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: 2.2.1. Khái niệm, hình thức, nội dung chấp nhận đề nghị giao kết: 2.2.2. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS: 2.2.3. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết HĐDS: 2.2.4. Hậu quả pháp lý của sự chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS: 2.3. Địa điểm, thời điểm giao kết HĐDS: II. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN : III. KIẾN NGHỊ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HĐDS Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI: KẾT LUẬN:

doc23 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 9654 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU: NỘI DUNG: I. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN: 1. Khái quát chung về giao kết HĐDS: 1.1. Khái niệm giao kết HĐDS: 1.2. Bản chất của giao kết HĐDS: 1.3. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự: 1.3.1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội: 1.3.2. Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng: 2. Trình tự giao kết HĐDS: 2.1. Đề nghị giao kết hợp đồng: 2.1.1. Khái niệm, hình thức, nội dung đề nghị giao kết HĐDS: 2.1.2. Thời điểm đề nghi giao kết HĐDS có hiệu lực: 2.1.3. Thay đổi, rút lại, hủy bỏ và sửa đổi đề nghị giao kết của HĐDS: 2.1.4. Chấm dứt đề nghi giao kết HĐDS: 2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: 2.2.1. Khái niệm, hình thức, nội dung chấp nhận đề nghị giao kết: 2.2.2. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS: 2.2.3. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết HĐDS: 2.2.4. Hậu quả pháp lý của sự chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS: 2.3. Địa điểm, thời điểm giao kết HĐDS: II. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN : III. KIẾN NGHỊ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HĐDS Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI: KẾT LUẬN: LỜI MỞ ĐẦU: Giao kết HĐDS là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền và nghĩa vụ dân sự. Vậy, giao kết HĐDS được pháp luật quy định như thế nào? Trình tự giao kết HĐDS phải thực hiện như thế nào cho đúng với quy định của pháp luật? Vì muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về giao kết HĐDS nên em đã lựa chọn đề tái: “Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn” để nghiên cứu làm bài tập học kì của mình. NỘI DUNG: I. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN: 1. Khái quát chung về giao kết HĐDS: 1.1. Khái niệm giao kết HĐDS: Giao kết HĐDS có thể hiểu là quá trình bày tỏ, thống nhất ý chí giữa các bên theo hình thức, nội dung, nguyên tắc, trình tự nhất định được pháp luật thừa nhận nhằm xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự đối với nhau. 1.2. Bản chất của giao kết HĐDS: Bản chất của HĐDS là sự thỏa thuận, trong đó các bên thể hiện sự bày tỏ và thống nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định. Việc giao kết HĐDS cũng được xác lập trên cơ sở của sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên. Quá trình giao kết HĐDS diễn ra với hai yếu tố: sự bày tỏ ý chí (đề nghi giao kết) và sự chấp nhận ý chí (chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS), nhưng thực tế không phải là HĐDS nào cũng xác định được rõ ràng hai yếu tố này. Quá tình này có thể diễn ra nhanh chóng hay kéo dài, đơn giản hay phức tạp, diễn ra đồng thời hay tiến triển ở nhiều giai đoạn khác nhau… (phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ý chí các bên, vào nội dung, hình thức biểu hiện của hợp đồng…). Các bên có thể sử dụng phương thức giao kết trực tiếp (gặp nhau trao đổi, đàm phán, thương lượng, kí kết…) hoặc phương thức giao kết gián tiếp (thông qua công văn, đơn chào hàng, các phương tiện điện tử…) để thỏa thuận, thống nhất ý chí với toàn bộ nội dung của hợp đồng. HĐDS có nhiều loại nhưng kết quả cuối cùng của quá trình giao kết HĐDS nói chung đều là thể hiện sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự trong quan hệ hợp đồng đó (hình thành HĐDS). Do đó, bản chất của giao kết HĐDS là quá tình bày tỏ ý chí của các chủ thể tham gia hợp đồng nhằm thỏa thuận, thống nhất toàn bộ nội dung, hình thức HĐDS theo quy định của pháp luật. 1.3. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự: Theo quy định tại Điều 389 BLDS 2005, khi giao kết hợp đồng các chủ thể phải tuân theo các nguyên tắc sau: 1.3.1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội: Nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể thỏa mãn được các nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần, BLDS cho phép mọi chủ thể được quyền “tự do giao kết hợp đồng”. Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết bất kì một HĐDS nào, nếu họ muốn, mà không ai có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết những HĐDS đã được pháp luật quy định cụ thề cũng như những HĐDS khác dù rằng pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy, tự do của mỗi chủ thể “không trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Nằm trong mối liên hệ tương ứng giữa quyền và nghĩa vụ, mỗi một chủ thể vừa có quyền tự do “tự do giao kết hợp đồng” vừa có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội. Lợi ích của cộng đồng (được quy định bằng pháp luật) và đạo đức xã hội được coi là “sự giới hạn” ý chí tự do của mỗi một chủ thể trong việc giao kết HĐDS nói riêng cũng như đối với mọi hành vi nói chung của họ. 1.3.2. Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng: Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ dân sự. Quy luật giá trị đòi hỏi các bên khi thiết lập các quan hệ trao đổi phải bình đẳng với nhau. Không một ai được lấy lí do khác về thành phần xã hội, dân tộc, giới tính, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế … để làm biến dạng các quan hệ dân sự. Mặt khác, chỉ khi nào các bên bình đẳng với nhau về mọi phương diện trong giao kết hợp đồng, thì ý chí tự nguyện của các bên mới thật sự được bảo đảm. Vì vậy, theo nguyên tắc trên, những hợp đồng được giao kết thiếu bình đẳng và không có sự tự nguyện của các bên sẽ không được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, đánh giá một hợp đồng có phảo là ý chí tự nguyện hay không là một công việc tương đối phức tạp và khó khăn trong thực tế. HĐDS là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Vì thế, muốn xem xét các chủ thể có tự nguyện trong giao kết hợp đồng hay không, cần phải dựa vào sự thống nhất biện chứng giữa hai phạm trù: Ý chí và sự bày tỏ ý chí. Như chúng ta đã biết, ý chí là mong muốn chủ quan bên trong của mỗi một chủ thể. Nó phải được bày tỏ ra bên ngoài thông qua một hình thức nhất định. Ý chí và sự bày tỏ ý chí là hai mặt của một vấn đề, chúng luôn có quan hệ mật thiết, gắn bó khăng khít với nhau. Ý chí tự nguyện chính là sự thống nhất giữa ý muốn chủ quan bên trong và sự bày tỏ ý chí đó ra bên ngoài. Vì vậy, để xác định một HĐDS có tuân theo nguyên tắc tự nguyện hay không cần phải dựa vào sự thống nhất ý chí của người giao kết hợp đồng và sự thể hiện (bày tỏ) ý chí đó trong nội dung của hợp đồng mà người đó đã giao kết. Chỉ khi nào hợp đồng là hình thức phản ánh một cách khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của các bên giao kết, thì việc giao kết đó mới được coi là tự nguyện. Như vậy, tất cả các trường hợp được giao kết do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối hoặc đe dọa đều là nhứng hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết. Và vì thế, nó sẽ bị coi là vô hiệu (xem thêm Điều 131, Điều 132 BLDS). 2. Trình tự giao kết HĐDS: 2.1. Đề nghị giao kết hợp đồng: 2.1.1. Khái niệm, hình thức, nội dung đề nghị giao kết HĐDS: + Khái niệm: BLDS 2005 quy định: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể” (khoản 1 Điều 390). Như vậy, BLDS 2005 Việt Nam sử dụng thuật ngữ “đề nghị giao kết hợp đồng” mà không sử dụng thuật ngữ “chào hàng” hay “lời đề nghị” như pháp luật của các nước cũng như Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán quốc tế (Công ước Viên 1980). + Hình thức đề nghị giao kết HĐDS: BLDS 2005 có quy định về hình thức HĐDS (có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể), nhưng không có quy định cụ thể về hình thức của đề nghị giao kết HĐDS. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật có liên quan và thực tế cho thấy việc đề nghị giao kết HĐDS được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau và có thể thể hiện dưới bất kì hình thức nào. Bên đề nghị có thể trực tiếp (đối mặt) với bên được đề nghị để trao đổi, thỏa thuận hoặc có thể thông qua điện thoại, bằng việc chuyển công văn, giấy tờ qua đường bưu điện, thông qua phương tiện điện tử hoặc các phương tiện khác mà bên giao kết hợp đồng không có mặt tại cùng một địa điểm để kí kết hợp đồng (bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể…) để biểu lộ ý chí của mình muốn tham gia giao kết với chủ thể nhất định một HĐ DS. + Nội dung đề nghị giao kết HĐDS: Bên đề nghị giao kết HĐDS phải đưa ra nội dung đề nghi giao kết với những điều khoản của hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng để bên kia có thể hình dung ra được HĐDS sẽ được giao kết với nội dung như thế nào, có thể tham gia giao kết HĐDS đó được hay không ? BLDS 2005 chưa có quy định cụ thể nội dung của đề nghị giao kết HĐDS và Luật Thương mại năm 2005 cũng không quy định nội dung của “chào hàng là một đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa”. Thực tế cho thấy, đề nghị giao kết hợp đồng và một số hành vi như: lời mới làm chào hàng, báo giá, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ… rất khó phân biệt mà hậu quả pháp lý của đề nghị giao kết HĐDS có ý nghĩa rất quan trọng đối với bên đề nghị giao kết nên rất cần phải xác định nội dung của đề nghị giao kết HĐDS. Theo em, nội dung của đề nghị giao kết HĐDS cần có các yếu tố chính sau: Thứ nhất, đề nghị giao kết HĐDS phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị giao kết HĐDS. Ví dụ: Bên đề nghị giao kết phải thể hiện rõ nội dung mình muốn bán nhà ở (giao kết hợp đồng mua bán nhà nở) hoặc muốn cho thuê nhà ở (hợp đồng thuê nhà ở) với chủ thể khác… Thứ hai, đề nghị giao kết hợp đồng phải có các nội dung chủ yếu của loại HĐ DS mà các bên muốn xác lập: Đề nghị giao kết HĐDS do bên đề nghị chủ động đưa ra nội dung (chưa phải là HĐDS), nhưng hỏi phải thể hiện rõ những nội dung chủ yếu của HĐDS mà bên đề nghị dự kiến sẽ giao kết để các chủ thể khác biết được và tham gia giao kết hợp đồng (đề nghị giao kết hợp đồng chứa các nội dung của hợp đồng tương lai). Yêu cầu này có nghĩa là đề nghị giao kết HĐDS phải có đầy đủ nội dung chủ yếu của loại HĐDS để cho phép bên nhận được đề nghị biết được rằng, để giao kết hợp đồng chỉ cần họ thể hiện sự đồng ý của mình với đề nghị giao kết thì HĐDS được giao kết. Nội dung chủ yếu của HĐDS là những điều khoản mà không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng; Nếu không thỏa thuận được những điều khoản đó thì HĐDS không thể giao kết được. Tuy nhiên, BLDS 2005 hiện nay không quy định về nội dung “chủ yếu” của HĐDS mà chỉ quy định: Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phạt vi phạm hợp đồng; Các nội dung khác (Điều 402). Quy định này chỉ mang tính chất liệt kê các nội dung thường gặp trong hợp đồng chứ không phải quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng (Nội dung chủ yếu là những nội dung mà thiếu nó hợp đồng không thể được coi là giao kết). Ví dụ: Các quy định về thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện … nếu không có thỏa thuận thì cũng đã có quy định của pháp luật. Như vậy, việc xác định nội dung chủ yếu của HĐDS cũng như nội dung của đề nghị giao kết HĐDS trên thực tế cũng rất khó khăn và phức tạp. Thứ ba, đề nghị giao kết HĐDS phải hướng tới một hoặc một vài chủ thể khác đã được xác định cụ thể: Đây là một nội dung quan trọng giúp phân biệt đề nghị giao kết HĐDS với một số hành vi tương tự như: Lời mời làm chào hàng, báo giá, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ … Trong nội dung đề nghị giao kết HĐDS phải thể hiện rõ ý định của bên đề nghị giao kết với bên đã được xác định về việc giao kết một HĐDS cụ thể và phải được “gửi” cho bên được đề nghị biết về đề nghị giao kết; Bên đề nghị giao kết phải chịu sự ràng buộc về đề nghị này đối với bên đã được xác định cụ thể trong giao kết. Thứ tư, đề nghị giao kết HĐDS có thể xác định thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết: Nghiên cứu khoản 2 Điều 390 BLDS 2005 có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam có quy định về trường hợp đề nghị giao kết có nêu rõ thời hạn trả lời và như vậy cũng sẽ công nhận có trường hợp đề nghị giao kết không nêu rõ thời hạn trả lời trên thực tế. Tuy nhiên, BLDS 2005 không có quy định bắt buộc phải nêu rõ thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết trong đề nghị giao kết HĐDS, nhưng cũng không quy định cụ thể cách thức xác định thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS trong trường hợp đề nghị giao kết HĐDS không nêu rõ thời hạn trả lời chấp nhận giao kết và giá trị pháp lý của đề nghi giao kết này. Đây là vấn đề pháp sinh tranh chấp vvà rất khó giải quyết trên thực tế. 2.1.2. Thời điểm đề nghi giao kết HĐDS có hiệu lực: Việc xác định đề nghị giao kết HĐDS có hiệu lực là quan trọng vì đó là thời điểm mà bên nhận đề nghị giao kết có thể chấp nhận lời đề nghị, do vạy ràng buộc bên đưa ra đề nghị về hợp đồng sẽ quyết định giao kết. Theo pháp luật dân sự thì đề nghị giao kết HĐDS chỉ phát sinh hiẹu lực khi nó được thông báo (gửi) cho bên được đề nghị biết. BLDS 2005 bổ sung Điều 391 quy định về thời điểm đề nghị giao kết HĐDS có hiệu lực, cụ thể: “1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau: a) Do bên đề nghị ấn định; b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. ....” Như vậy, pháp luật dân sự Việt Nam quy định thời điểm đề nghị giao kết HĐDS có hiệu lực theo hướng để cho bên đề nghị giao kết chủ động ấn định thời điểm trong đề nghị giao kết HĐDS, nhưng đồng thời cũng quy định cách xác định thời điểm trong trường hợp bên đề nghị giao kết không ấn định thời điểm đề nghị giao kết HĐDS có hiệu lực (có hiệu lực từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị). Quy định này bảo đảm phù hợp với quan hệ HĐDS vốn rất đa dạng, phong phú trên thực tế. 2.1.3. Thay đổi, rút lại, hủy bỏ và sửa đổi đề nghị giao kết của HĐDS: BLDS 2005 quy định các trường hợp thay đổi, rút lại đề nghị giao kết HĐDS như sau: + Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao keét hợp đồng trong các trường hợp sau đây: Nếu bên được đề nghị được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nên rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới (Điều 392). + Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này tỏng đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận đước thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 393). + Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới (Điều 395). Bộ luật Dân sự không phân biệt nội dung điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị giao kết là nội dung chủ yếu hay không chủ yếu nên bất kì điều kiện hoặc sửa đổi nào từ phía bên được đề nghị giao kết hợp đồng đều được coi là đề nghị mới. 2.1.4. Chấm dứt đề nghi giao kết HĐDS: Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định khá cụ thể các trường hợp chấm dứt đề nghị giao kết HĐDS dựa trên sự thể hiện ý chí của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng, đề nghi giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: “1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận; 2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận; 3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; 4. Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực; 5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời”. 2.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: 2.2.1. Khái niệm, hình thức, nội dung chấp nhận đề nghị giao kết: + Khái niệm: BLDS 2005 có quy định: “Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị” (Điều 396). Như vậy, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng dân sự là sự trả lời đồng ý của bên được đề nghị giao kết hợp đồng với toàn bộ nội dung được nêu trong đề nghị giao kết của bên đề nghị giao kết HĐDS. + Hình thức chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS: Trên cơ sở thừa kế và phát triển các quy định tại khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991 và khoản 2 Điều 403 BLDS 1995, BLDS 2005 có quy định: “Hợp đồng dân sự cũng được xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”(khoản 2 Điều 404). Như vậy, “im lặng” cũng có thể được coi là hình thức chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS nếu các bên có thỏa thuận hoặc bên đề nghị giao kết có nêu rõ trong đề nghị giao kết HĐDS. + Nội dung chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS: BLDS 2005 không quy định về nội dung chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS, nhưng trên tinh thần nội dung Điều 396 quy định về chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, theo em, nội dung chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS thông thường phải đảm bảo hai yếu tố sau: Thứ nhất, đồng ý (chấp nhận) toàn bộ nội dung như đã nêu trong đề nghị giao kết HĐDS tức là chấp nhận đầy đủ và không thiếu nội dung nào. Thứ hai, không bổ sung thêm nội dung nào khac so với đề nghị giao kết HĐDS. Nội dung mà bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời không thỏa mãn hai yếu tố như đã nêu trên sẽ được coi là đã đưa ra đề nghị mới (trong trường hợp bên được đề nghị giao kết có sửa đổi, bổ sung, đồng ý một phần nội dung đề nghị giao kết hoặc có thể đồng ý việc giao kết hợp đồng nhưng không đồng ý với nội dung mà bên đề nghị giao kết đưa ra), hoặc không chấp nhận đề nghị giao ết HĐDS (trường hợp trả lời không đồng ý việc giao kết HĐDS với bên đề nghị giao kết). Do đó, trường hợp các bên có sự trao đổi qua lại, sửa đổi, bổ sung nội dung điều khoản đã nêu trong quá tình giao kết HĐDS sẽ có sự hoán vị từ bên được đề nghị giao kết hợp đồng thành bên đề nghị giao kết hợp đồng và ngược lại ... cho đến khi nào các bên thống nhất thỏa thuận được với nhau đồng ý toàn bộ nội dung của hợp đồng thì sẽ đi đến chính thức giao kết HĐDS. 2.2.2. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS: Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS được quy định tại Điều 397 BLDS 2005 như sau: “1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời ......”. Như vậy, BLDS 2005 đã quy định bổ sung quy định công nhận thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lí do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lí do khách quan. Đồng thời có quy định “Trong trường hợp việc trả lời được chuyển qua bưu điện, thì thời điểm trả lời là ngày gửi đi theo dấu của bưu điện” (khoản 3 Điều 397 BLDS 1995)... nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với giao lưu dân sự quốc tế. 2.2.3. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết HĐDS: Vấn đề rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng là một vấn đề mới được quy định tại Điều 400 BLDS 2005. Theo đó, bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị giao kết hợp đồng trong việc rút lại thông báo chấp nhận giao kết HĐDS, phù hợp với tính chất của quan hệ HĐDS. 2.2.4. Hậu quả pháp lý của sự chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS: BLDS 2005 quy định làm rõ hậu quả pháp lý của sự trả lời chấp nhận giao kết HĐDS trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự (Điều 398) và trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự (Điều 399). Theo đó, trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả mời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị. Quy định này là rất cần thiết nhằm bảo đảm giá trị của HĐDS đã được giao kết. Tuy nhiên, các quy định này chỉ hợp lý khi yếu tố nhân thân của các chủ thể không đóng vài trò quan trọng đối với việc thực hiện hợp đồng. Còn đối với các trường hợp đề nghị hay chấp nhận mang tính nhân thân (yếu tố nhân thân của người đề nghị hay người được đề nghị có vai trò quyết định đối với giao kết, ví dụ như giao kết hợp đồng với ca sĩ, họa sĩ... ) thì sẽ không hợp lý vì khi ấy đề nghị (chấp nhận) sẽ hết hiệu lực nếu như bên đề nghị (bên trả lời chấp nhận) chết. Do đó, BLDS 2005 cũng cần phải quy định cụ thể hơn về vấn đề này. 2.3. Địa điểm, thời điểm giao kết HĐDS: Trường hợp các bên giao kết HĐDS bằng phương thức trực tiếp thì địa điểm giao kết được xác định là nơi mà trực tiếp các bên đạt được thỏa thuận đồng ý toàn bộ nội dung hợp đồng và thời điểm giao kết HĐDS là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong toàn bộ nội dung hợp đồng hoặc là thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản. Trường hợp các bên giao kết HĐDS bằng phương thức gián tiếp thì việc xác định địa điểm giao kết và thời điểm giao kết HĐDS được Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể như sau: + Về địa điểm giao kết HĐDS, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng” (Điều 403). Đồng thời bổ sung quy định: “Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng” (Điều 771). + Về việc xác định thời điểm giao kết HĐDS, Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. 2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. 3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. 4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản’’. II. GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN : Pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là BLDS 2005 đã có quy định về giao kết HĐDS, tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế các chủ thể, nhất là các hợp đồng được cá nhân giao kết với nhau bằng lời nói thì thường thực hiện theo thói quen mà ít quan tâm đến quy định của pháp luật, chỉ khi nào việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn, trở ngại mới tìm hiểu xem pháp luật quy định vấn đề đó như thế nào. Báo cáo tổng kểt hàng năm của Ngành Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp từ năm 2006 đến hết năm 2009 (từ khi thực hiện BLDS 2005) có nêu số liệu về các vụ việc dân sự (bao gồm : các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) được thụ lý, giải quyết, nhưng không có số liệu đánh giá riêng về giải quyết tranh chấp HĐDS cũng như giao kết HĐDS. Qua tìm hiểu thực tế giải quyết các vụ việc tranh chấp về hợp đồng dân sự về các Tòa án cho thấy các bên chủ yếu tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; Còn tranh chấp trong quá trình giao kêt hợp đồng rất ít và nếu có thì các bên chủ yếu tranh chấp về khoản tiền đặt cọc để đảm bảo giao kết HĐ DS. Về giao kết HĐDS trong trường hợp một người có nhiều tư cách chủ thể: Giao kết HĐDS là quá trình bày tỏ, thống nhất ý chí giữa các bên với nhau để xác lập HĐ DS. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp một người lại mang nhiều tư cách chủ thế khác nhau, khi ấy họ có được giao kết HĐDS với chính họ hay không ? Để trả lời cho câu hỏi trên, xem xét ví dụ sau : Tháng 10/2009, ông Nguyễn Gia Hoàng, sinh năm 1971 và vợ là Trịnh Ngọc Yến, sinh năm 1980, thường trú tại phường Phan Bộ Châu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đến phòng công chứng làm thủ tục tặng cho con trai là Nguyễn Văn Hà, sinh năm 2005 (hiện đang ở cùng với bố mẹ) toàn bộ quyền sử dụng đất 35,6 mét vuông đất ở và tài sản gắn liền với đất là nhà ba tầng cùng vật kiến trúc khác tại phường Đông Hải, quận Lê Chân, Hải phòng (có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và là tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp này chủ thể giao kết hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sẽ như thế nào? Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không theo yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 465 BLDS 2005). Cháu Nguyễn Văn Hà mới 4 tuổi (chưa đủ 6 tuổi) không có năng lực hành vi dân sự nên trong hợp đồng tặng cho phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điêu21 BLDS 2005). Mà theo quy định tại Điều 141 BLDS 2005 và Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên (trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật). Như vậy, ông Nguyễn Gia Hoàng và vợ là Trịnh Ngọc Yến sẽ cùng đứng tên ở cả hai bên của hợp đồng với hai tư cách khác nhau để giao kết hợp đồng (là bên tặng cho tài sản và đại diện theo pháp luật của cháu Nguyễn Văn Hà là bên được tặng cho tài sản). Quan điểm thứ hai cho rằng : Ông Nguyễn Gia Hoàng và vợ là Trịnh Ngọc Yến không thể cùng đứng tên ở cả hai bên của hợp đồng với hai tư cách khác nhau để giao kết hợp đồng (là bên tặng cho tài sản và đại diện theo pháp luật của cháu Nguyễn Văn Hà là bên được tặng cho tài sản) vì như vậy là họ đã giao kết với chính họ thì không thể xác lập HĐDS được. Như vạy, cần phải có người đại diện khác, hoặc người giám hộ khác để giao kết hợp đồng này. Quan điểm thứ ba cho rằng : Riêng đối với hợp đồng mà chỉ mang lại lợi ích cho bên được đề nghị (như hợp đồng tặng cho tài sản) thì người khôgn đủ năng lực hành vi dân sự vẫn có thể tham gia giao kết với bên được tặng cho. Bởi lẽ theo hợp đồng này bên được tặng cho chỉ được hưởng tài sản chứ không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Em đồng ý với quan điểm thứ ba, bở lẽ trên thực tế, khi bố mẹ tặng cho con mình (dưới 6 tuổi) những tài sản là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cũng không cần phải có người đại diện khác, hoặc giám hộ khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể việc giao kết hợp đồng dân sự trong trường hợp mà một người có nhiều tư cách chủ thể để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tế. Ví dụ như trường hợp giám đốc doanh nghiệp trực tiếp kí kết hợp đồng thuê tài sản (máy móc, nhà làm trụ sở... ) mà tài sản đó là của chính cá nhân họ. Về hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng bằng văn bản : Pháp luật không quy định cụ thể về hình thức của đề nghi giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng dân sự. Khoản 4 Điều 404 BLDS 2005 có quy định : “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản”. Theo quy định này có thể hiểu là: Đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng với hình thức bằng văn bản bắt buộc phải có chữ ký của các bên được hay không? Trên thực tế, đối với những hợp đồng giao kết bằng văn bản thường phải có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của các bên ; Đối với chủ thể giao kết HĐDS là tổ chức, pháp nhân thì đề nghị giao kết, chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS thường có chữ kí, có đóng dấu. Theo quy định tại Điều 41 Luật Công chứng năm 2006 thì việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký; Hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; Hoặc công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng. Thực tế, khi giao kết HĐDS (trước khi thực hiện việc chứng nhận hợp đồng) nhiều công chứng viên thường yêu cầu chủ thể là cá nhân vừa ký vừa điểm chỉ (mặc dù họ không bị khuyết tật và biết ký) để bảo vệ quyền lợi của các bên. Như vậy, đề nghi giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng với hình thức văn bản có đầy đủ các nội dung của hợp đồng và nội dung của hợp đồng nhưng không có chữ ký, hoặc có chữ ký nhưng không đóng dấu đối với pháp nhân, hoặc không có chữ ký nhưng có điểm chỉ ... thì có giá trị pháp lý ràng buộc các bên hay không cũng cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể, hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh. Về thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS quy định chưa đảm bảo tính thống nhất: Chúng ta cùng xem xét vụ việc sau : Ngày 01/11/2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Hoàng, có trụ sở tại Phú Thọ, gửi đề nghị giao kết HĐDS cho Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phước Thịnh có trụ sở tại Vĩnh Phúc với nội dung : bán 100 tấn thép cây xây dựng, kích cỡ D8 – D22, chất lượng loại 1, xuât xứ lô hàng là Việt Nam; giá bán : 9.500.000 VNĐ/tấn (chưa bao gồm VAT), thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ; điều kiện giao hàng là giao hàng trên phương tiện của bên mua; nếu Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phước Thịnh đồng ý mua thì trả lời bằng văn bản trước ngày 15/11/2009. ngày 12/11/2009, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phước Thịnh chấp nhận đề nghị giao kết với nội dung nêu trên (theo dấu bưu điện), nhưng đến ngày 17/11/2009 Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Hoàng mới nhận được. Như vậy, trong trường hợp này chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS có được công nhận hay không ? Khoản 1 Điêu 397 BLDS 2005 có quy định: “1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời ......”. Như vậy, trả lời chấp nhận đề nghị của Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phước Thịnh được thực hiện trong thời gian đã nêu trong đề nghị giao kết nên có hiệu lực; Nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Hoàng lại nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết chậm 3 ngày nên được coi là một đề nghị mới của Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Phước Thịnh đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Hoàng. Đây là điểm quy định không thống nhất của khoản 1 Điều 397 BLDS 2005, khi đồng thời quy định việc trả lời chấp nhận có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đã được ấn định – tức là khi trả lời chấp nhận được gửi đi đã có hiệu lực lại vừa quy định bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì lời chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời – tức là trả lời chấp nhận đề nghị có hiệu lực và được công nhận khi bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời trong thời hạn ấn định. III. KIẾN NGHỊ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HĐDS Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI: Việc hoàn thiện pháp luật về giao kết HĐDS ở Việt Nam phải tạo ra bước chuyển biến căn bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh trong quá trình giao kết hợp đồng giữa các chủ thể theo hướng tạp thuận lợi và bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng. Trong phạm vi bài viết của mình, em xin nêu ra một số kiến nghị, đề ra phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao kết HĐDS ở Việt Nam trong thời gian tới như sau: 1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật quy định về giao kết HĐDS theo hướng Bộ luật Dân sự là đạo luật chung điều chỉnh vè giao kết hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động: Các quy định về HĐDS trong BLDS 2005 cần được sửa theo hướng dùng khái niệm “hợp đồng” để thay thế cho khái niệm “hợp đồng dân sự”, dùng thuật ngữ “giao kết hợp đồng” thay cho “giao kết hợp đồng dân sự” để áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng (dân sự, kinh doanh, thương mại, lao đông). Ngoài ra, các quy định chung trong BLDS mà cần có thêm các quy định có tính chất riêng về giao tiếp hợp đồng chỉ áp dụng cho loại hợp đồng cụ thể thì sẽ quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Lao động; Luật thương mại; Luật chứng khoán... Như vậy sẽ đảm bảo phù hợp với thực tế cũng như tính ổn định cao của pháp luật. 2. Quy định nguyên tắc giao kết HĐDS bảo đảm tính thống nhất và tránh trùng lặp: Theo em, việc giao kết HĐDS phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Phần thứ nhất “Những quy định chung của Bộ luật Dân sự, đồng thời tuân theo các nguyên tắc khác liên quan trực tiếp đến quá trình giao kết hợp đồng. Do đó, nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 389 BLDS 2005 có thể sửa đổi, bổ sung và quy định là: “Việc giao kết HĐDS phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 10, Điều 11 của Bộ luật này và nguyên tắc hợp tác, ngay thẳng”. Quy định trên vừa thể hiện được các nguyên tắc đã được quy định tại Điều 389 BLDS 2005 đồng thời bổ sung nguyên tắc: “tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp”, “tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, “tuân thủ pháp luật” mà các bên vẫn phải tuân theo khi giao kết HĐDS. Đặc biệt là giới hạn tự do giao kết hợp đồng “không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” cũng như được thay thể bởi giới hạn “không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội” bảo đảm sự chính xác và tính thống nhất trong Bộ luật Dân sự. 3. Quy định cụ thể hình thức, nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng để bảo đảm thuận tiện cho các bên trong quá trình giao kết hợp đồng: + Về hình thức đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Theo em, BLDS có thể quy định hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo hướng khái quát là: “Đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định này vừa đảm bảo rõ ràng, thuận tiện cho các bên trong quan hệ hợp đồng, vừa đảm bảo tính linh hoạt khi có các hình thức giao kết hợp đồng mới phát sinh trên thực tế. Bộ luật dân sự cũng cần quy định đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghi giao kết hợp đồng với hình thức văn bản bắt buộc phải có chữ kí hoặc điểm chỉ của chủ thể giao kết hợp đồng. Đối với chủ thể giao kết HĐDS là tổ chức, pháp nhân thì đề nghị giao kết, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có chữ kí của người có thẩm quyền và có đóng dấu của tổ chức, pháp nhân đó. +Về nội dung đề nghị giao kết hợp đồng: Theo em, nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng cần có ba yếu tố chính: (1) Đề nghị giao kết HĐDS phải thể hiện ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị giao kết hợp đồng; (2) Phải có các nội dung chủ yếu của loại hợp đồng mà các bên muốn xác lập; (3) Phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị giao kết với chủ thể khác đã được xác định cụ thể. Ngoài ra, nội dung đề nghi giao kết HĐDS có thể xác định rõ thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Bộ luật Dân sự cũng cần quy định cụ thể cách thức xác định thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết thì không được ấn định rõ trong đề nghị theo hướng: Đề nghị giao kết phải được chấp nhận trong khoảng thời gian hợp lý tùy từng trường hợp, có xem xét đến tốc độ truyền tin mà bên đề nghị dùng; Hoặc theo hướng quy định rõ số ngày (15 ngày hoặc 30 ngày) hoặc giao cho Tòa án xác định cụ thể khi giải quyết vụ việc tranh chấp. Bộ luật Dân sự cũng cần quy định cụ thể về nội dung đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp không xác định rõ nội dung của đề nghị giao kết trong trường hợp hứa thưởng và thi có giải, trong đó người công khai hứa thưởng, người tổ chức cuộc thi có giải không hướng tới chủ thể xác định cụ thể (hoặc trong các trường hợp tương tự) thì được coi là đề nghị giao kết hợp đồng đặc biệt hay đề nghị giao kết hợp đồng công cộng. +Về nội dung chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự là quy định chung nhất áp dụng được cho tất cả các loại hợp đồng trong đó có lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Do đó, cũng cần nghiên cứu và quy định rõ đối với trường hợp trả lời có sửa đổi, bổ sung nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nội dung trong đề nghị giao kết hợp đồng thì được coi là sự chấp nhận, trừ khi bên đề nghị giao kết không đồng ý. Theo em, trả lời đề nghị giao kết hợp đồng có sửa đổi, bổ sung nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các nội dung trong đề nghị giao kết hợp đồng như: Sửa đổi kết cấu điều khoản hợp đồng; Nêu rõ pháp luật áp dụng khi có tranh chấp... mà được bên đề nghị giao kết hợp đồng đồng ý thì có thể coi là chấp nhận đề nghị giao kết. Như vậy, sẽ phù hợp với quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại vốn rất năng động, linh hoạt và thông lệ quốc tế. 4. Bổ sung một số trường hợp làm chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng cho phù hợp với thực tế: Điều 394 BLDS 2005 quy định về các trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt. Tuy nhiên, trên thực tế có các trường hợp khác cũng có thể làm chấm dứt đề nghi giao kết hợp đồng như: Trường hợp một hoặc hai bên (Bên đề nghị và bên được đề nghị giao kết) chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị phá sản trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị; Đối tượng của HĐ DS dự kiến giao kết được nêu trong đề nghị giao kết không còn nữa do nguyên nhân bất khả kháng (Hợp đồng thuê nhà ở, nhưng nhà bị đổ dao bão...). Do đó, theo em, cần bổ sung các trường hợp này cho phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. 5. Cần bổ sung quy định nguyên tắc xác định địa điểm giao kết hợp đồng trước hết phải là nơi trực tiếp giao kết hợp đồng, sau đó mới đến các nơi khác: Theo em, Điều 403 BLDS 2005 cần quy định cụ thể là: “1. Địa điểm giao kết hợp đồng là nơi các bên trực tiếp giao kết hợp đồng; 2. Trường hợp không xác định được địa điểm giao kết hợp đồng theo khoản 1 Điều này thì địa điểm giao kết HĐDS do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết HĐDS là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.” Quy định như vậy sẽ đảm bảo xác định đúng địa điểm giao kết hợp đồng, đồng thời phù hợp với việc giao kết hợp đồng trên thực tế. 6. Quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng: Theo em, Bộ luật Dân sự cần bổ sung một điều quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên giao kết hợp đồng. Theo đó các bên có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời trong quá trình giao kết hợp đồng. Cũng cần có quy định bên đề nghị giao kết có nghĩa vụ thông báo không chậm trễ cho bên được đề nghị biết họ đã không nhận được trả lời chấp nhận đề nghị trong hạn nên đề nghị giao kết hợp đồng bị hủy bỏ; Quy định bên được đề nghị giao kết có nghĩa vụ thông báo kịp thời bằng phương tiện truyền tin nhanh nhất để bên đề nghị giao kết hợp đồng biết trước khi bên đề nghị giao kết nhận được văn bản chính thức theo đường bưu điện... KẾT LUẬN: Việc hoàn thiện pháp luật về giao kết HĐDS ở Việt Nam phải tạo ra bước chuyển biến căn bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh trong quá trình giao kết hợp đồng giữa các chủ thể theo hướng tạo thuận lợi và bảo đảm sự an toàn pháp lý cho các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng. Trong phạm vi bài viết của mình, em đã nêu ra một số kiến nghị, đề ra phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao kết HĐDS ở Việt Nam trong thời gian tới. Trên đây là toàn bộ ý kiến của em về đề tài: “Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn”, vì nhận thức còn hạn chế nên khi tiếp cận vấn đề không tránh khỏi những sái sót. Kính mong nhận được sự bổ sung, đánh giá của các thầy, cô giáo để bài viết của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT HĐDS: Hợp đồng dân sự. BLDS 1995: Bộ luật Dân sự năm 1995. BLDS 2005: Bộ luật Dân sự năm 2005. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình luật Dân sự Việt Nam 2, Nxb CAND, Hà Nội, 2009. Bộ luật Dân sự năm 2005. Vũ Đức Lịch, Luận án thạc sĩ luật học, Một số vấn đề cơ bản về giao kết HĐDS trong pháp luật Việt Nam, Hà Nội, 2010. Trần Kim Chi, Luận án thạc sĩ luật học, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn trong HĐDS, Hà Nội, 2005. Trang wed:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docGiao kết hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật hiện hành Một số vấn đề lí luận và thực tiễn.doc
Luận văn liên quan