Hình sự 1 học kỳ, đề số 6 - Đh luật Hà Nội
Bài tập số 6 : Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba phát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Câu hỏi:
1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm với tội giết người.
2. Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giaỉ thích rõ tại sao.
3. Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án.
4. Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giaỉ thích rõ tại sao.
5. Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giaỉ thích rõ tại sao.
6. Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra tại Hà Nội thì A có bị xử trí theo luật hình sự Việt Nam không? Giaỉ thích rõ tại sao.
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2642 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình sự 1 học kỳ, đề số 6 - Đh luật Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài tập số 6 : Vì ghen tuông, A có ý định giết B. A rủ B đi chơi, đến chỗ vắng, A rút dao đâm B ba phát. Tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa xác định A phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.
Câu hỏi:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm với tội giết người.
Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giaỉ thích rõ tại sao.
Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án.
Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra tại Hà Nội thì A có bị xử trí theo luật hình sự Việt Nam không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Bài làm.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm với tội giết người.
Việc phân loại tội phạm được phân biệt với nhau bởi cả dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và cả về mặt hậu quả pháp lí. Tính nguy hiểm cho xã hội là một căn cứ quan trọng để phân loại nhóm tội phạm, theo đó tội ít nghiêm trọng là tính gây nguy hại không lớn cho xã hội; ở tội nghiêm nghiêm trọng là tính gây nguy hiểm lớn cho xã hội; ở tội rất nghiêm trọng là tính gây nguy hại rất lớn cho xã hội; ở tội đặc biệt nghiêm trọng là tính gây nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ nguy hiểm cho xã hội đã được phân hóa như vậy cũng có bốn mức độ cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; trên 7 năm tù; đến 15 năm tù; tù chung thân hoặc tử hình.
Tội giết người được quy định cụ thể tại điều 93 BLHS năm 1999 sửa đổi 2009 :
“1.Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) giết nhiều người;
b) giết phụ nữ mà biết có thai;
c) ……
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tài khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”
Các nhóm tội phạm được định nghĩa tại khoản 3, Điều 8 : “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội và mức độ cao nhất của khung hình phạt đối với tội giết người quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 93, ta có thể thấy rằng:
Khoản 1 điều 93 thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình. Tính nguy hiểm gây ra cho xã hội là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến tính mạng của con người với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, không những xâm hại trực tiếp đến tính mạng con người mà còn phạm tội với mức nguy hiểm cao độ, động cơ đê hèn.
Khoản 2 điều 93 thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là mười lăm năm với mức độ nguy hiểm cho xã hội là rất nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp tới tính mạng con người nhưng ở mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Quy định tại khoản 3 điều 93 nêu trên là quy định về hình phạt bổ sung.
Tội của A trong tình huống thuộc khoản 2 nên là loại tội rất nghiêm trọng.
Hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội nào? Giaỉ thích rõ tại sao.
Hành vi của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Hành vi của A thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của phạm tội chưa đạt đã hoàn thành:
Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Trong tình huống này, A đã có động cơ giết B từ trước, đã lên kế hoạch, rủ B đi chơi đến một địa điểm vắng và đã rút dao đâm B ba nhát. Như vậy, hành vi rút dao đâm B ba nhát đã thỏa mãn hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm giết người( Điều 93 BLHS).
Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội không thực hiện được đến cùng ( về mặt pháp lí), nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, A đã dung dao đâm B với mục đích giết chết B nhưng hậu quả là B không chết. Như vậy, A đã thực hiện được hành vi khách quan ( đâm B 3 nhát) nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm ( B chết theo mục đích của A)
Dấu hiệu thứ ba: Người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do các lí do khác. Xét thấy trong trường hợp này, bản thân A vẫn mong muốn giết chết B, biểu hiện ở việc sau khi đâm B ba nhát thấy B nằm im, tưởng B đã chết nên A bỏ đi, việc B không chết là do đã được phát hiên và cấp cứu kịp thời. Việc này nằm ngoài mục đích của A.
Xét về thái độ tâm lí của người phạm tội đối với hành vi mà họ thực hiện: Việc A đâm B 3 nhát , tưởng rằng B không chết rồi bỏ đi, B không chết do được phát hiện và cấp cứu kịp thời là nằm ngoài ý muốn của A, A đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để giết B ( đâm B ba nhát ). Trong trường hợp này, A tin rằng hành vi của mình đã gây ra hậu quả là giết chết B mà A đã mong muốn.
Như vậy, căn cứ vào thái độ tâm lí của A đối với hành vi A đã thực hiện thì hành vi của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Hãy chỉ ra đối tượng tác động của tội phạm và công cụ phạm tội trong vụ án.
Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người, các đối tượng vật chất, hoạt động bình thường của chủ thể…A đã dùng dao đâm B ba nhát với ý định giết chết B, đây là hành vi tước đoạt tính mạng của B.Như vậy, trong trường hợp này, đối tượng tác động của tội phạm là con người, cụ thể là tính mạng con người( tính mạng của B).
Công cụ phạm tội trong vụ án có thể hiểu là công cụ trực tiếp giúp người phạm tội hoàn thành tội phạm. Trong trường hợp này, A có ý định giết chết B, công cụ A đã dùng để thực hiện tội phạm đó là con dao. Như vậy, công cụ phạm tội trong vụ án này là con dao A đã dùng để đâm B.
Giả sử A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết. B bị thương tích với tỉ lệ thương tật là 21%. A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Xét thấy trong tình huống đề bài đưa ra không nhắc đến A bao nhiêu tuổi cũng như không nhắc gì đến năng lực trách nhiệm hình sự của A. Vì luật Hình Sự Việt Nam chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội ít nghiêm trọng trong trường hợp người phạm tội đạt độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy ta có hai trường hợp:
A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “ cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 BLHS nếu khi phạm tội A đủ 16 tuổi trở lên ( Điều 12 BLHS) vì tội cố ý gây thương tích là tội ít nghiêm trọng; và A có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13 BLHS) ; hoặc A là người bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự ( trường hợp này được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 BLHS) .
A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “ cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 104 BLHS nếu khi phạm tội A dưới 14 tuổi ( Điều 12 BLHS) hoặc A là người không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 13 BLHS.
Cụ thể : Xét trường hợp A mới đâm B một nhát, thấy B bị thương, máu ra nhiều, A sợ quá bỏ đi không tiếp tục đâm B đến chết ta thấy:
Mục đích của A khi đâm B là giết chết B, nhưng khi đâm B được một nhát, thấy B bị thương , máu ra nhiều , A sợ quá bỏ đi mà không đâm B đến chết. Như vậy, hành vi của A trong trường hợp này thỏa mãn các dấu hiệu của “ tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”. Bởi lẽ, việc A chấm dứt không tiếp tục đâm B đến chết xảy ra ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành (người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm) A mới đâm B một nhát, thấy máu ra nhiều lên không đâm nữa. Mặt khác, việc A chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm là tự do A và hành động dứt khoát( bỏ đi, không tiếp tục đâm) A là hoàn toàn do động lực bên trong của A mà không có trở ngại khách quan gì ( như có người ngăn cản, hoặc có thể B trốn được…….). Việc từ bỏ ý chí giết B của A là tuyệt đối . Vì ngay lúc đó A có thể giết B nhưng A đã không làm thế mà bỏ đi, hành động này chứng tỏ ngay lúc đấy A đã không còn ý định giết B
Hành vi rút dao đâm B một nhát đã thỏa mãn hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm giết người( Điều 93 BLHS).
Tuy nhiên, trong sự thống nhất giữa mặt khách quan và chủ quan của hành vi phạm tội, hành vi đã thực hiện của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi như đã mất tính nguy hiểm của loại tội định thực hiện đó. Theo quy định của pháp luật, A sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người ( Điều 93 BLHS) nhưng A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích ( Điều 104 BLHS) vì hành vi A đã thực hiện ( đâm B một nhát trước khi dừng lại đã thỏa mãn dấu hiệu thuộc khoản 1 : “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%...” của Điều này).
Giả sử A đâm B ba nhát, tưởng rằng B đã chết, A bỏ đi nhưng do phát hiện và cấp cứu kịp thời, B đã được cứu sống. Tòa án áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS tuyên hình phạt đối với A là 13 năm tù thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A có đúng không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Như đã phân tích ở ý (2) của bài làm. Hành vi của A thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng; thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Như vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 52 BLHS và căn cứ vào khoản 2 Điều 93 BLHS thì hình phạt Tòa án quyết định đối với A( 13 năm tù ) là sai theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 93 BLHS quy định rất rõ: “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”. Với hành vi phạm tội của A thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, khoản 3 Điều 52 BLHS cũng quy định rõ ràng : “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Mặt khác căn cứ theo đề bài, A không có tình tiết tăng nặng trong trường hợp này. Như vậy, căn cứ theo các khoản 2 Điều 93, khoản 2 Điều 52 BLHS, hình phạt mà tòa có thể tuyên với A không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định có nghĩa là mức hình phạt không quá ba phần tư của mười lăm năm ( 11 năm 3 tháng).
Như vậy, việc tòa quyết định hình phạt đối với A là 13 năm tù là sai.
Giả sử A là người nước ngoài đang là nhân viên làm thuê cho một công ty liên doanh ở Hà Nội. Hành vi nói trên của A xảy ra tại Hà Nội thì A có bị xử trí theo luật hình sự Việt Nam không? Giaỉ thích rõ tại sao.
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Như vậy, người thực hiện hành vi tội phạm là bất cứ ai đủ điều kiện về chủ thể, họ có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam.
Theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, trừ người có thân phận ngoại giao được miễn trừ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 5 BLHS : “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”, còn lại chính sách xử lý về cơ bản không có sự phân biệt giữa người nước ngoài và người Việt Nam.
Trong trường hợp đề bài đưa ra, A là người nước ngoài, là nhân viên làm thuê bình thường cho một công ty liên doanh ở Hà Nội ,A không thuộc trường hợp được miễn trừ trách nhiệm ngoại giao ( thuộc khoản 2 Điều 5 BLHS) như vậy, A sẽ bị xử trí theo luật Hình sự Việt Nam như những người Việt Nam khác.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
Khoa luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hình sự (Phần chung), Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005.
BLHS của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1999.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2009.
Bachkhoatoanthu.gov.vn
Báo pháp luật.
Wikipedia.com
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Hình sự 1 Học kỳ, đề số 6 ĐH Luật HN.doc