Hình tượng nhân dân và người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo

Mục lục a. Phần mở đầu I. Lý do chọn đề tài II. Lịch sử vấn đề III. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu 1. Phạm vi nghiên cứu 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1.Phương pháp nghiên cứu phân tích tác phẩm. 2.2.Phương pháp so sánh. 2.3 Phương pháp hệ thống. IV. Cấu trúc của luận văn B. Phần nội dung Chương i : Khái quát về xu hướng sáng tạo của các nhà thơ trẻ nói chung, thanh thảo nói riêng trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. I. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và sự phát triển của phong trào thơ trẻ. II. Xu hướng sáng tạo hình tượng thơ Thanh thảo Chương II : Hình tượng nhân dân trong thơ Thanh Thảo I. Nhân dân - Những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ trong lịch sử dân tộc. 1. Nhân dân những tập thể vô danh nhưng tiết nghĩa anh hùng. 2. Nhân dân những anh hùng hào kiệt chứng nhân lịch sử II. Nhân dân trong cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt - Những con người kiên trung bám đất, giữ làng. III. Triết luận và những hình tuợng tượng trưng ý nghĩa về nhân dân – Cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Chương III: Hình tượng người chiến sĩ và mối quan hệ độc đáo giữa hình tượng nhân dân và chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo I. Người chiến sĩ - Vẻ đẹp tâm hồn lắng sâu trong bình dị đời thường. 1. Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị đời thường. 2. Đời sống nội tâm phong phú, sinh động và giàu cá tính II. Người chiến sĩ - Vẻ đẹp tự ý thức về thế hệ mình. III. Người chiến sĩ - Vẻ đẹp tự ý thức về Tổ quốc, nhân dân và mối quan hệ độc đáo giữa hình tượng nhân dân và chiến sĩ. 1.Tự ý thức về Tổ quốc và nhân dân 2. Mối quan hệ độc đáo giữa hình tượng nhân dân và người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo. C. Phần kết luận D. Danh mục tài liệu tham khảo

doc112 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 7962 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Hình tượng nhân dân và người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, phức tạp, sống động của cuộc sống đời thường trong chiến tranh mà vẫn làm toả sáng hình ảnh người chiến sĩ. Người lính được nhìn nhận trong những hình thái bình thưòng nhất của sự sống. Từ chuyện anh chiến sĩ gặp cây xấu hổ bên đường hành quân, chuyện anh chiến sĩ mải mê lắng nghe tiếng chim kể chuyện trên đồi chốt, chuyện bầu trời vuông qua một mái tăng ở các nhà thơ lớp trước đến Thanh Thảo là chuyện các anh lính trẻ tắm trần, hồn nhiên giữa những giờ nghỉ dọc đường hành quân…tất cả đều thành thơ. Ba mươi phút nữa hành quân được cởi trần cùng sóng bạc được cười vang nằm lăn trên cát ấm được ngụp hết mình lòng sông đẫm được bè bạn với đá, với trời xanh với rừng đựoc nín thở hồi hộp cùng chú bói cá được là con trai không phải giữ gìn Cánh tay trần khoát lên vai sóng. (Những người đi tới biển) Đó là những giây phút hiếm hoi trên đường ra trận, những giây phút hồn nhiên giãi bày lan toả trong tâm hồn người chiến sĩ . Mọi đói rét, khổ đau, bệnh tật dường như tan biến. Thanh Thảo đã tìm chất liệu thơ từ những điều tưởng chừng rất bình thường của đời sống. Chính sự gắn bó, lăn lộn với đời sống gian khổ của người chiến sĩ đã giúp nhà thơ thấm thía hơn bao giờ hết những giờ nghỉ ngắn ngủi trên đường ra mặt trận, hồn nhiên thanh thản và rất nhân bản.…Thơ Thanh Thảo có chiều sâu là vì vậy chăng? Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân khá quan trọng là ở chỗ bao giờ anh cũng muốn vượt qua những hiện tượng bên ngoài để tìm đến cái bản chất đích thực, cốt lõi của sự vật. ở đây, chính là cách hành xử của những người lính: bình thản, tự tin trước khi vào trận đánh 2. Đời sống nội tâm phong phú, sinh động và giàu cá tính Hình ảnh người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo không chỉ là những người bình tĩnh lạc quan, trẻ trung và rất đỗi yêu đời trong hoàn cảnh gian khổ, ác liệt mà còn là những con người có đời sống nội tâm phong phú. Đời sống nội tâm ấy được thể hiện qua những tình cảm với quê hương , với người mẹ và những người thân thiết ở hậu phương, qua những quan niệm về tình yêu và hạnh phúc. Có thể nói, bằng chính máu thịt của tâm hồn mình, Thanh Thảo đã dựng lên một cách cụ thể và sinh động bức chân dung tinh thần của những người chiến sĩ trẻ cầm súng. Chiến tranh luôn là bạn đồng hành của những bi kịch nhưng chiến tranh cũng là sự thử thách bản lĩnh của con người. Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, người chiến sĩ giải phóng có dịp bộc lộ rõ tính cách của chính mình. Như một quy luật của tâm lí, càng trong hoàn cảnh ác liệt nhất con người càng có nhu cầu được sẻ chia với những người thân yêu trong cuộc đời mình. Thơ chống Mĩ nói chung và thơ Thanh Thảo nói riêng đều cố gắng đi sâu thể hiện những tình cảm riêng tư của người lính. Trong tâm hồn các anh, luôn có một khoảng trời xanh vòi vọi, lung linh gương mặt ngườii thương. Người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, tập trung nhất của quê hương. Những người lính trong thơ Lâm Thị Mĩ Dạ luôn nhớ về mẹ, nghĩ về mẹ với lòng biết ơn vô hạn: Từ buổi ra đi nay con hiểu ra rồi Qua giá buốt mới thấy mùa xuân đẹp Mẹ đã vỗ cho con thành người lính hôm nay Thương mẹ tảo tần khuya sớm, người lính mong muốn được một ngày trở về thăm mẹ, giúp mẹ. Đó là mơ ước thật giản dị của anh lính trẻ trong thơ Nguyễn Đức Mậu : Mong về phép được ăn bát cơm mẹ xới Giúp mẹ lợp đầy mái cọ che mưa Với người lính, mẹ là ngọn nguồn của tất cả, là tình yêu vô biên, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Thanh Thảo viết về mẹ nhiều lần , mỗi lần đều có mang một chút khám phá riêng và lần nào cũng với nỗi nhớ thương da diết. Trong cuộc hành quân dài vất vả, anh thường nghĩ đến buổi chia tay giữa hai mẹ con mà nỗi bịn rịn toả lan đến cả bờ tre mái rạ : Khi con thưa với mẹ Mưa bay mờ đồng ta Ngày mai con đi Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ … ( Những người đi tới biển) Giữa chiến trường khét lẹt khói bom, trong một đêm không ngủ, người lính Thanh Thảo cứ thao thức mãi về mẹ. Giữa lòng đêm bỗng xao xác gió rừng Con nằm nghe mà nôn nao nhớ mẹ Nỗi nhớ từ đỉnh Trường sơn Chưa bao giờ mênh mang như thế Từ nỗi nhớ sâu thẳm với những lo lắng đời thường mà chỉ khi ở giữa chiến trường người chiến sĩ mới hiểu. Con xin lại bắt đầu từ mẹ Từ cơn ho của mẹ một mình trong đêm khuya khoắt Từ dáng ngủ của mẹ vất vả Làm sao con hiểu hết Mẹ đã hát ca dao Mẹ giặt áo bên cầu Hồn nhiên gió bay dải yếm ( Những người đi tới biển) Biết bao nhớ thương về mẹ đã chất chứa trong những dòng chữ ấy. Người chiến sĩ đã nghĩ về mẹ trong niềm tự hào sung sướng nghẹn ngào được làm con mẹ. Mẹ chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Chính mẹ đẻ ra anh hùng và truyền thuyết Từ túp lều lợp lá lợp tranh Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm Bàn chân thô quanh năm bùn lấm. (Những người đi tới biển ) Chính mẹ đã dạy cho người chiến sĩ phải uống nước nhớ nguồn, phải biết đến tình yêu thương và lòng căm thù cái ác: Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ Dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn Thương từ cái kiến con ong Tím ruột bầm gan thù bọn ác. "Trải qua bao năm tháng chiến đấu, giờ đây trong ngày chiến thắng nhìn lại anh muốn bắt đầu từ mẹ như trở về với ngọn nguồn của tương lai, hạnh phúc, của thắng lợi vinh quang" [II.40]. Phải là người thấu hiểu được sâu sắc bao nhiêu nỗi đắng cay vất vả trong cuộc đời mẹ, trân trọng biết ơn bao nhiêu chịu đựng, hi sinh đằng đẵng và lớn lao của người mẹ, nhà thơ mới viết được những câu thơ ám ảnh mang chân lý như thế này. Phải thương lắm mới đi làm cách mạng Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin Nhưng phải thương đến tận cùng đớn đau mới làm người mẹ. Người mẹ riêng của từng chiến sĩ, của chính tác giả đã hoà làm một, trở thành người mẹ chung với sức mạnh và sức sáng tạo vô tận. Người lính đã nhận thức được một điều lớn lao - Mẹ chính là hình ảnh của dân tộc, qua vất vả đắng cay đứng dậy làm người. Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người Là đứng theo dáng mẹ “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”. Sau nhiều đoạn thơ rải rác về mẹ với những nét cụ thể, sinh động, đoạn thơ trên như một bản đúc kết, như một bài ca thiết tha về mẹ. Trong thơ và trường ca của Thanh Thảo, những câu thấm thía nhất, xúc động nhất là những câu thơ về mẹ. Mọi ý nghĩ, mọi tình cảm của nhà thơ hầu như đều xuất phát từ mẹ và cuối cùng bao giờ cũng hướng về điểm sáng chói nhất là mẹ và từ đó toả ra tất cả. Với Thanh Thảo, điều này chẳng có gì lạ vì người mẹ đồng thời là mẹ nhân dân, mẹ Tổ quốc. Không chỉ nghĩ về mẹ, trong trái tim người lính tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy qua bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể tàn phá nổi. Tình yêu của người lính bao giờ cũng gắn liền với nỗi nhớ thương nhớ đến cháy lòng: Trong trường ca Những người đi tới biển Thanh Thảo cũng dành khá nhiều câu thơ để viết về nỗi nhớ: Anh nhớ em quân thù không thể biết Anh nhớ em… Phảng phất đâu đây nhịp đập của một trái tim đang cuồng nhiệt, say sưa men tình ái, nhưng lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ tuyệt đích của nhà thơ Xuân Diệu. Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm Anh nhớ em Em hỡi, anh nhớ em. Chỉ khác một điều, chàng trai lại là người lính trẻ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đang sống nơi bom đạn khốc liệt, nơi giấc mơ trộn lẫn bụi của những đoàn xe ra trận, nơi vũ khí điện tử của quân thù đang rình mò sự sống. Nỗi nhớ của anh như không có giới hạn cuối cùng. Trường Sơn có bao nhiêu cây xanh Chót vót trên kia thắm một vòm lá đỏ Nỗi nhớ anh dâng lên tới đó. Ôi mái nhà cành sấu xoà ngang Cơn mưa Những đường phố miên man như ý nghĩ ánh mắt em buổi chiều bên sông ấy… Nỗi nhớ vượt qua thời gian, vượt qua không gian dâng cao chót vót. Chính tình yêu của em đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn và có lẽ nó đã giúp không ít người lính đứng vững trước những thử thách khốc liệt của cuộc chiến tranh, giúp họ sống đẹp sống xứng đáng với con đường họ đã chọn . Dõi theo từng bước anh đi Tình yêu em hóa thành cây lá đỏ Suốt bốn mùa cháy hoài ngọn lửa... …. Ôi sao Hôm thương nhớ gửi về xa Ngọn lửa em cháy suốt đời nguyên vẹn Qua những tháng năm dài đi kháng chiến Phút giây nào chẳng mang bóng em theo. (Những người đi tới biển) Trước vẻ đẹp trong tình yêu của những con nguời trẻ tuổi ấy, có lẽ không ai không cảm thấy niềm xúc động. Ta hiểu vì sao, những vần thơ này của Thanh Thảo đã được chép truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh . Với người lính, hạnh phúc cá nhân được đặt trong tình yêu Tổ quốc. Họ thấm thía hơn bao giờ hết hạnh phúc là đấu tranh (Các Mác). Anh nhớ Cả những điều nhỏ nhoi bình lặng nhất Của hai ta cũng soi vào đất nước Bằng ngọn lửa riêng bền bỉ suốt đời. (Những người đi tới biển) Trong những cái bình thường, tự nhiên riêng tư ta mới thấy hết vẻ đẹp đa dạng của người lính. Cái bình thường đã được đẩy lên đến mức quan niệm. ở người lính có trái tim nóng bỏng, nhạy cảm trong tình yêu cá nhân nhưng trái tim ấy cũng biết hoà nhịp đập yêu thương với tình yêu Tổ quốc. Đó chính là sự thống nhất riêng chung, là sự hoà hợp làm một với lòng yêu nước, lòng yêu nhân dân, lòng yêu con người. Không phải ngẫu nhiên trong bài thơ Thử nói về hạnh phúc,Thanh Thảo không ngừng trở đi trở lại câu hỏi: Hạnh phúc nào cho tôi Hạnh phúc nào cho anh Hạnh phúc nào cho chúng ta Hạnh phúc nào cho đất nước Những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được. Những người lính trẻ đã trả lời những câu hỏi ấy bằng chính lòng dũng cảm, sự thuỷ chung và sự hy sinh cao cả. Quan niệm về hạnh phúc của họ chính là điều mà kẻ thù không thể hiểu nổi, không thể chiến thắng nổi vì đó chính là: Nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước Thử lòng ta chung thuỷ vô tư Nơi vỡ vụn dưới chân bao mảng đêm hèn nhát Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người. (Thử nói về hạnh phúc) Với người lính, hạnh phúc là cách tự lựa chọn con đường đi theo tiếng gọi của tiền tuyến nghĩa là cách lựa chọn của nhiều người, của nhiều thế hệ. Hạnh phúc của tình yêu là được cùng nhau có mặt nơi trận tuyến tiêu diệt kẻ thù cùng chia sẻ với nhân dân gánh nặng hi sinh dù: Nhiều khi cực quá khóc oà Nhiều lúc tức mình chửi quâng quơ Phanh ngực áo mở trần bản chất Nhưng trong tâm hồn, họ nhất định không bao giờ bỏ cuộc. Họ hiểu hạnh phúc bằng mọi giác quan, bằng chén cơm ăn mắm ruốc, bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc và bằng chính những nấm mộ dọc theo đường hành quân. Máu đỏ thật không ồn ào - Máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo. Thấm thía về chiến tranh và những khoảng cách có thật, người lính vẫn tự tin vào hạnh phúc. Giữa chúng mình nỗi nhớ nhau chưa đủ thành hạnh phúc Cái khoảng cách bao giờ cũng thực Nhưng anh tin em sẽ đợi anh về Dù biết đây là những tháng năm dài nhất. (Thử nói về hạnh phúc) Trong một lần tự bạch, Thanh Thảo kể rằng nhà thơ đã sáng tác lời thơ này trong một cánh rừng chiến khu vào những ngày cuối xuân 1972, khi cuộc chiến đang vào hồi gay go nhất. Vì vậy, đây không chỉ là lời thơ tình thông thường, vượt qua ngoài những tình cảm riêng tư, nó đã trở thành quan niệm về hạnh phúc, là lý tưởng sống, là thế giới quan của thế hệ những người lính cầm vũ khí chiến đấu vì hạnh phúc chung của dân tộc. Vì thế lòng tin tưởng của người con gái quê nhà đối với người lính ra trận càng sâu sắc bao nhiêu thì niềm tin đất nước sẽ thống nhất, hạnh phúc cá nhân hoà trong hạnh phúc đất nước càng lớn lên bấy nhiêu. Chính tình yêu và niềm tin ấy đã an ủi, chia sẻ được với người chiến sĩ, giúp họ đứng vững trước những thử thách khốc liệt của cuộc chiến, sống đẹp, xứng đáng với một thời đại bi tráng và hào hùng đã sản sinh ra họ - một thế hệ mang theo những phẩm chất, những hoài bão không dễ gì đat tới, không dễ gì lặp lại. Hiểu được giá trị của hạnh phúc, vì vậy trên mỗi chặng đường hành quân vất vả, người lính thường khao khát, nâng niu những điều thật giản dị của quê hương. Gối kể mãi một vùng đồi vĩnh phú Lá cọ xoè da Gối mét xanh Phong nhớ con sông Châu lành Đường thèm một bát canh hoa lý và hơn một lần họ: Thèm củ mì nướng vàng, thèm giấc ngủ Thèm một ấm trà bè bạn thức bên nhau. Xa nhà đã bao năm, một ngày kia bắt gặp cây lá cơm nếp trên đường hành quân, vậy là kí ức trở về, người chiến sĩ "thèm bát xôi mùa gặt" đến cháy lòng. Ôi mùi vị quê hương Con làm sao quên được Mẹ già và đất nước Chia đều nỗi nhớ thương (Gặp lá cơm nếp) Bát canh hoa thiên lý, mùi xôi nếp mới thêm lừng... đó chỉ là những món ăn bình dị nhất trong cuộc đời con người nhưng đã trở thành món ăn tinh thần của rất nhiều chàng trai trẻ trong những ngày tháng gian khổ trở đi trở lại trong tâm trí họ như một vùng ký ức thân thương về quê hương, về mẹ. Trong đáy sâu tâm hồn người lính, quê hương chính là điểm tựa vững chắc tiếp sức cho họ bước vào những trận đánh mới. Xin hãy đặt những niềm vui nho nhỏ này vào thời ấy để nhìn nhận bình giá mới thấy được mức độ chân thực trong việc phản ánh tâm trạng phản ánh hiện thực của các nhà thơ thời chiến. Dường như con người giai đoạn lịch sử này tuy sống trong thực tại đầy gian khổ nhưng tâm hồn lại tràn đầy niềm lạc quan. Họ tự hào về lịch sử, nặng tình với quê hương, đất nước, quyết tâm hướng tới tương lai. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn khiến con người có thể vượt lên tất cả mọi thử thách, tạo nên những chiến công phi thường. Chân dung người chiến sĩ giải phóng đã được Thanh Thảo thể hiện thành công. Hình tượng người lính trong thơ anh có sự kế tiếp truyền thống của hình tượng anh hùng lý tưởng mang màu sắc sử thi trước đó. Nghĩa là được nhìn nhận ở những phẩm chất tốt đẹp, lạc quan yêu đời say mê lý tưởng. Tuy nhiên, sáng tạo mới mẻ của Thanh Thảo về người chiến sĩ lại tập trung ở chỗ Thanh Thảo xây dựng được diện mạo bức chân dung tinh thần của những người lính cùng thế hệ trong vô vàn các mối quan hệ với tổ quốc, nhân dân bằng giọng thơ sâu sắc, đầy trải nghiệm. II. Người chiến sĩ - vẻ đẹp tự ý thức về thế hệ mình. Trong thơ Thanh Thảo, người chiến sĩ không chỉ hiện lên qua về bề ngoài mộc mạc, giản dị. Nhà thơ tập trung khai thác vẻ đẹp tinh thần của người lính. Đó là vẻ đẹp của sự tự nhận thức trước Tổ quốc, nhân dân. Vẻ đẹp ấy được thể hiện qua cách nhìn của một cái tôi trữ tình, cái tôi phát ngôn cho những suy nghĩ lựa chọn của chính tác giả trong những năm tháng gian lao. Đồng thời, cái tôi ấy cũng có ý thức nhân danh một lớp người, một thế hệ để nói lên những cảm nghĩ, những băn khoăn về những vấn đề lớn lao thiết thực của đời sống, của đất nước, của thế hệ mình. Thuộc lớp người phần lớn được sinh ra sau cách mạng, được trau dồi tri thức văn hóa trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa. Thanh Thảo đã từ cánh cửa nhà trường đi thẳng tới chiến trường, cầm súng chiến đấu. Sáp mặt với thực tế chiến tranh, nhà thơ ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của thế hệ mình: Tổ quốc Một lần nữa xin hát tên Người Lửa đã cháy trước đoàn quân Nam tiến Giặc cuồng điên gây hấn và chúng tôi ba lô lên vai (Những ngọn sóng mặt trời) Chúng tôi đi không tiếc đời mình. (nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc) nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? (Những người đi tới biển) Anh đã đưa ra một tuyên ngôn rất riêng của những người lính trẻ rồi quả quyết bằng giọng thơ sâu lắng, không ồn ào, hoa Mĩ. Bài hát của chúng tôi Là bài ca ống cóng …. Tháng năm sẽ dần phai bao bài ca duyên dáng nhưng tôi biết từ đây như khắc vào đá tảng như vạch vào thân cây bài ca của hôm nay thô sơ và hực sáng … mang lẽ đời đơn giản nói được tới ngày mai (Bài ca ống cóng) Khát vọng muốn trả lời những câu hỏi lớn của thời đại, khám phá bản chất con người và cuộc sống của các nhà thơ đã đặt ra một yêu cầu cấp bách cho thơ. Hơn lúc nào hết trong thơ cần chất trí tuệ. Nếu thiếu nó, thơ sẽ thiếu đi sức sống, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của cuộc chiến đấu. Chiều sâu của những hình tượng là sự thể hiện chiều sâu của nhận thức, nghiền ngẫm, là sự phát hiện và khám phá ra những mối liên hệ bên trong. Những bài thơ thuần tuý cảm xúc ít xuất hiện trong thế hệ thơ trẻ thứ ba. Cảm xúc trong thơ trẻ ngày càng rõ ràng và sâu sắc trên cơ sở đó họ đã khái quát đúng về cuộc sống đất nước, con người trong những năm tháng lịch sử. Trong xu hướng chung ấy thơ Thanh Thảo cũng cất lên tiếng nói trí tuệ mang sắc thái riêng của thế hệ mình. Thanh Thảo là một trong những nhà thơ thể hiện sâu sắc vẻ đẹp trí tuệ của người lính. ở những bài thơ thành công khi viết về thế hệ của những người trẻ tuổi, thơ Thanh Thảo không hề bồng bột mà thường lắng đọng những suy tư với sắc thái riêng, tạo nên vẻ đẹp độc đáo.Đó không phải là nỗi suy tư buồn thảng thốt lo âu khi tuổi trẻ không vĩnh hằng cùng cuộc đời Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất, lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,, không cho dài tuổi trẻ của nhân gian (Vội vàng - Xuân Diệu). Đó là chất suy tư được nảy sinh từ hiện thực đời sống của đất nước trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là từ hiện thực gian khổ, ác liệt của đời sống chiến trường thông qua sự trải nghiệm sâu sắc của cái tôi thế hệ trong Thanh Thảo. Với chất trí tuệ này, chân dung tinh thần của thế hệ trẻ cầm súng hiện lên như những con người đầy tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, đất nước. Vì vậy, tư thế trữ tình chủ yếu của người lính là suy ngẫm, tự bạch, tự phân tích, tự biểu hiện, độc thoại, đầy khoẻ khoắn, giàu tin tưởng. Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của người trong cuộc, người lính hướng vào khám phá phát hiện thế hệ mình đồng thời khám phá về tổ quốc, nhân dân. Nhìn dấu chân trên trảng cỏ, dấu chân của biết bao người đi trước in lên nhau, anh nghĩ về cuộc hành quân phía trước. Ai đi gần - Ai đi xa - Những gì gửi lại chỉ là dấu chân - Vùi trong trảng cỏ thời gian..Vẫn âm thầm vẫn trải mút tầm mắt ta - Vẫn đằm hơi ấm thiết tha - Cho người sau biết đường ra chiến trường. Dấu chân của lớp lớp chiến sĩ qua rừng cỏ tranh, cỏ voi dài mút tầm mắt của vùng khu Bốn, khu Năm thực ra đã bị xoá mờ qua không gian và thời gian nhưng vẫn còn lại mãi trong lòng người đi sau. Thời gian với một sức phá hoại vô hình muốn chôn vùi mọi vật trong quên lãng nhưng ý chí của con người đã vượt lên với một sức bền bỉ bất diệt. Câu thơ mở rộng tầm khái quát khỏi khuôn khổ cụ thể của bài thơ, đem lại những ý nghĩa mới. Thời gian như cỏ vượt lên Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua Lối mòn ấy là con đường bao lớp người đã đi, dân tộc đã đi, là lối dẫn ra chiến trường... Thiết tha bao nhiêu là lời nhắn nhủ qua dấu chân ấy. Qua tấm áo bạc màu đã rách, những người lính ý thức được sự khốc liệt tàn bạo và tính chất bất thường của chiến tranh: Những năm Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách Những năm Chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời. (Những người đi tới biển) Đặt cuộc đời đang ở độ thanh xuân của những lớp tuổi 20, 30 bên cạnh cuộc đời chiếc áo bạc màu, ngắn nhanh rồi rách ta càng thấm thía hơn nỗi đau của chiến tranh và thấm thía hơn ý thức trách nhiệm cao cả của người lính trước vận mệnh lịch sử của dân tộc. Vượt lên trên gian khổ, người lính "vẫn ý thức và ngày càng ý thức nhất là trên vấn đề nóng bỏng trước mắt: trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, thái độ đụng đầu quyết liệt sống còn với kẻ thù, chỗ đứng và lối sống của mình" [II.24]. Chúng tôi không muốn chết vì hư danh Không thể chết vì tiền bạc Chúng tôi xa lạ với những tín tưởng điên cuồng Những liều thân vô ích. (Một người lính nói về thế hệ mình) Những câu thơ trên thấm đượm tâm trạng thể hiện một cái nhìn sâu sắc hiện thực phức tạp của tâm hồn song vẫn giữ được niềm tin trong sáng, lạc quan của lí tưởng và sự trải nghiệm cùng những suy nghĩ đầy trách nhiệm trước sự dấn thân chọn lựa của nhân vật trữ tình. Chiến tranh đã dội vào thơ Thanh Thảo màu sắc và âm điệu khác. Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỉ niệm Không dựa dẫm những hào quang có sẵn Lòng vô tư như gió chướng trong lành Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh. Qua những lời tuyên thệ của nhân vật trữ tình này, người đọc nhận thấy rằng đóng góp của thơ Thanh Thảo không nằm ở chỗ đưa vào thơ chất chính luận, nâng thơ lên tầm khái quát mà ở chỗ tầm khái quát, chất chính luận ấy được đúc kết thông qua tâm trạng sinh động của một lớp người với mọi suy nghĩ, cảm xúc, vui buồn. Để ca ngợi phẩm chất của người lính, các nhà thơ trẻ có cách thể hiện riêng. Thanh Thảo đã không ngần ngại sử dụng hình ảnh ngọn lửa. Hình ảnh lửa mang tính biểu trưng ẩn dụ cao đã được nhà thơ quan tâm và thể hiện bằng cái nhìn khái quát, khả năng trừu tượng hóa và cảm hứng trữ tình mạnh mẽ. Đó là ngọn lửa lý tưởng sáng ngời của một thế hệ: Thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình Soi sáng đường đi tới. Cũng có khi, ngọn lửa lại chính là lửa trái tim của những người lính trẻ, sẵn sàng đối đầu với gian khổ, hy sinh. Ngọn lửa chịu sình là lửa thực Đã bùng lên Dám cháy tận sức mình Qua nắng lửa mưa bom, những người lính đựơc tôi luyện trưởng thành và khẳng định bản lĩnh của mình như những hạt gạo sàng qua bom đạn vẫn giữ được tinh chất. Những hạt gạo trên sàng Sàng qua lửa qua bom Qua đắng cay còn nguyên chất gạo (Một người lính nói về thế hệ mình) Nhà thơ đã rọi vào hình ảnh lửa những ánh sáng tư tưởng, bắt chi tiết, hình ảnh thực nói lên ý nghĩa sâu xa của nó. Đây chính là hình ảnh biểu tượng "thô sơ mà hực sáng", mang chiều sâu suy nghĩ và chất triết luận lấp lánh khi người lính viết về thế hệ mình .Điều đó càng chứng tỏ trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ, sự tưởng tượng một cách sáng tạo đã là động lực của quá trình xây dựng hình tượng và các cách biểu trưng làm cho hình tượng càng cụ thể và giầu ý nghĩa. Có thể nói chính chiều sâu của trí tuệ đã giúp người lính nhận thức được chân giá của những mất mát hi sinh. Những gì vỡ ra giờ rắn lại rồi Bạn ngã ở nơi cần ngã xuống Một đời ấy cho yêu thương và ước vọng Phút cuối cùng cũng trần trụi thế thôi (Nguồn sáng) Cùng với lời tuyên thệ sắt đá Đất nước thấm sâu đến tận cùng xương thịt - Chỉ riêng Người chúng tôi dám chết đã dẫn đến sự trình bày thẳng thắn những mất mát hi sinh không hề né tránh. Người lính "mạnh dạn nói đến niềm vui, nỗi buồn, gian khổ và cả chiến công" [II.29]. Cái đau xót trầm xuống, nén lại cũng là lẽ tự nhiên. Nó chan chứa tình đồng đội gắn bó. Đó cũng là sự cứng cỏi chấp nhận. Các nhà thơ trẻ cùng thời với Thanh Thảo đã tìm những cách nói khác nhau để nói về sự hy sinh to lớn của những người lính. Nguyễn Đức Mậu nói tới hiện thực bi thương sau một trận đánh: Rồi hôm ấy mười căn hầm sập Người nuôi quân thành người giữ chốt Mười nắm cơm thừa Mười khẩu súng Một mình anh (Trường ca sư đoàn) Phan Xuân Hạt lại viết về cái chết của mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc: Đội hình mười cô mộ đứng thẳng hàng Đem đêm mười ngọn đèn không tắt Thơ chống Mĩ ghi lại sự hi sinh của người chiến sĩ không giống nhau nhưng đều gặp nhau ở chỗ những nhà thơ áo lính ấy đều ý thức được ý nghĩa cao cả của sự hy sinh. Cái ý nghĩa lớn lao ấy của người ngã xuống đôí với cuộc sống hôm nay phải chăng là: Chết hy sinh cho tổ quốc Hùng đi Máu thắm đỏ lời ca bay vào đất Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu) Thanh Thảo không hề né tránh sự thật. Trong cuộc hành quân vĩ đại, nhiều bạn anh đã ngã xuống trên những cánh rừng Trường Sơn đại ngàn. Đó là sự thật sắc lạnh Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thuỷ Còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng (Những người đi tới biển) Thanh Thảo đã nhắc đến những đồng đội hy sinh của mình thật xúc động. Cũng có thể xem đó là những tấm bia thơ ghi công những con người đã hiến cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của đất nước: Ngày dân tộc tụ về đường số 1 Lòng không nguôi thương những cánh rừng này Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây. (Những người đi tới biển) Giữa ngày 30/4, giữa thành phố Sài Gòn xanh biếc nắng và gió, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi thương nhớ những đồng đội đã không còn về đây họp mặt được cùng với nhân dân, đất nước. Bây giờ họ ở đâu? Buổi sáng ngày 30/4 Những ai không còn đến được Buổi sáng 15/5 trên quảng trường xanh biếc Sài Gòn chuyển rào rào muôn đợt lá me non Ngày ta toàn thắng Đâu những người tôi thân thiết tận tâm can Xin nâng chén rượu nhỏ này trong như nước mắt nóng bừng như tiếng hát gửi thương nhớ về các anh tôi. Vượt lên trên tất cả, nhà thơ muốn khẳng định qua những mất mát hi sinh, những vấn đề có ý nghĩa nhân bản: lẽ sống, tình yêu hạnh phúc, khẳng định cái được, cái mất. Nói về hy sinh, nhưng Thanh Thảo không hề bi luỵ. Nhà thơ hướng về sự bất tử. Với Thanh Thảo, những người lính đã ngã xuống là để cho đồng đội sống. Điều này đồng nghĩa với hạnh phúc, chết chẳng qua là đã hiến trọn đời mình cho Tổ quốc như một lẽ giản đơn. Những người lính đã vĩnh viễn nằm lại ở Trường Sơn sẽ vẫn dõi theo bước đi của dân tộc. Các anh dõi nhìn theo hướng chúng tôi Miền nam - cuối con đường gian khổ Tai các anh chừng vẫn nghe súng nổ Và trọn tấm lòng đã về đó từ lâu. (Các anh nằm giữa Trường Sơn) Có lẽ, chính nhận thức sâu sắc của thế hệ đã giúp người lính có thể vững vàng đối chấp với mọi gian khổ, tổn thất lớn lao như thế. Nhà thơ tâm niệm nguyện đi tiếp con đường của người đã khuất. ý nghĩa về phần xương máu của đồng đội là làm nên ngày gặp lại với người yêu được nhà thơ diễn đạt thật cảm động: Và em ơi ngày sum họp ngày mai giữa chúng mình Còn tên những bạn bè ngã xuống Những người hay mơ mộng tha thiết yêu và muốn làm được chút gì Cho em cho anh Cho đất nước (Thử nói về hạnh phúc) Với tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ và trường ca Những người đi tới biển, Thanh Thảo đã nhân danh một lớp người tuổi hai mươi dựng lên bức chân dung tinh thần rất riêng của thế hệ mình. Đó là thế hệ những chàng trai không sống bằng kỉ niệm, dù là những kỉ niệm đẹp, không sống dựa dẫm vào những hào quang có sẵn của cha ông mà luôn muốn khẳng định mình ở phía trước, thích khám phá. Điều này, thiết nghĩ với họ cũng là một quan niệm về hạnh phúc. Những suy nghĩ của nhà thơ nhân danh thế hệ mình tưởng như đã thuộc về quá khứ, về một thời đã qua. Nhưng có lẽ chỉ thuộc về quá khứ những gì vô ích với con người, những gì trượt qua số phận con người không để lại dấu vết. III. Người chiến sĩ - Vẻ đẹp tự ý thức về Tổ quốc, nhân dân và mối quan hệ độc đáo giữa hình tượng nhân dân và chiến sĩ. 1.Tự ý thức về Tổ quốc và nhân dân Từ sự trưởng thành trong suy nghĩ về thế hệ, sáp mặt với thực tế chiến trường, sự nhận thức về đất nước của những người lính trẻ đã có sự thay đổi về chất. Không còn là sự nhận thức có tính chất sách vở trong thơ, nhận thức của người lính về Tổ quốc có độ chín của suy tư và sự dày dạn của tri thức về hiện thực. Tổ quốc thân thương không chỉ là những địa danh cương vực, là cách cắt nghĩa kiểu khái niệm. Đất là nơi em đến trường Nước là nơi em tắm Đất nước là nơi ta hò hẹn Đất nước là nơi em đánh rơi chiến khăn trong nỗi nhớ thầm (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm) Đất nước trong thơ Hoàng Nhuận Cầm gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí mọi người ở vẻ đẹp đầy chất hội hoạ của nó. Đây đất nước sương bay Đà Lạt Sóng gầm gừ tít tắp biển Nha Trang Con ngựa thồ nửa vầng trăng Cao Lạng Bụi đầu ghềnh cuối thác lối anh qua. Trong tâm hồn người lính trong thơ Thanh Thảo,Tổ quốc mang hình đồng đội úp thìa ngủ đất , mang hình khuỷu tay cho họ gối đầu, mang hình võng dù, võng bạt. Thân thương, kỳ diệu hơn cả những giấc mơ. Tổ quốc ở trong tôi Hơn những giấc mơ kỳ diệu nhất Nếu phút nào tôi ở ngoài Tổ quốc Đó là điều bất hạnh của đời tôi. (Những người đi tới biển) Chưa khi nào, Tổ quốc lại giản dị gần gũi và thân quen như miếng cơm ăn, nước uống hàng ngày đến thế. Đất nước ngấm vào ta đơn sơ Như Tháp Mười không điểm trang đầy im lặng trên tất cả tình yêu, tình yêu này đi thẳng đến mỗi đời ta bất chấp những ngôn từ (Những mảng sáng khác nhau) Như nước uống cơm ăn Tổ quốc Hơn nước uống cơm ăn Tổ quốc (Những ngọn sóng Mặt trời) Có thể nói, với người chiến sĩ, Tổ quốc không còn là khái niệm trừu tượng nữa mà là những gì cụ thể, chân xác nhất. Tổ quốc là một nhịp tim khác thường của những chàng trai 18 tuổi, là một làn mây mỏng đến bâng khuâng, là mùi mồ hôi thật thà của lính. Đôi khi Tổ quốc lại dễ thương như một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội trong phút giải lao vội vàng trên đường hành quân, là một bát canh nấu bằng rau rừng. Chỉ những người đã từng hi sinh xương máu mới có thể nhìn đất nước mình cụ thể, thân thương đến thế. Nghĩ về Tổ quốc, người lính trẻ bồi hồi xúc động, biết ơn những gì bình dị nhất đã nuôi dưỡng đời mình. Tôi thương quá những gì đã nuôi nấng đời tôi Bờ suối ngọn nguồn con tôm con tép Bát canh tàu bay tiếng bầy chim két Một chút trăng thu, trái bắp đầu mùa Những cây rừng mọc thẳng dây leo Nấm mối thơm lành sau cơn mưa buổi tối (Những người đi tới biển) Những câu thơ ngỡ như bâng quơ, như thừa thãi, không ăn nhập gì với nhau kể những chi tiết sống động của hiện thực vậy mà nói được nhiều điều sâu lắng, vừa da diết yêu thương, vừa ngọt ngào đằm thắm. Không chỉ dừng lại ở đó, người chiến sĩ còn biết ơn cả những con người anh hùng mà giản dị đã giúp họ hình dung rõ hơn gương mặt Tổ quốc. Tôi thương quá những gì cho tôi hình dung Tổ quốc Sau tất cả những lớn lao ngoài mặt trận Mở liếp cửa kia là gặp thật những con người Da ta chạm tới niềm vui, nỗi khổ. (Những người đi tới biển) Đây chính là con đường nhập thân của Thanh Thảo để hiểu Tổ quốc. Thái độ tích cực ở đây là người lính dã tự thân vận động, phát hiện được ý nghĩa đích thực của những khái niệm đã từng theo thế hệ trẻ đi suốt cuộc chiến tranh: Tổ quốc, nhân dân. Người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo không chỉ ý thức về Tổ quốc mà hơn bao giờ hết, họ còn nhận ra vai trò to lớn cũng như sức mạnh kỳ diệu của nhân dân. Nhận thức về đất nước luôn gắn liền với nhận thức về nhân dân, đó cũng là nét nổi bật trong chủ nghĩa yêu nước của thơ thời kỳ này. Cuộc kháng chiến chống Mĩ một lần nữa thể hiện sức mạnh vô tận, phẩm chất tuyệt vời và những hi sinh vô cùng to lớn của nhân dân. Tiếp nối dòng văn học chống Mĩ, trong trường ca của mình, Thanh Thảo nhận thức và cảm thụ về lịch sử, về nhân dân cả chiều rộng lẫn bề sâu. Người lính đã có những rung cảm trữ tình, lắng đọng về nhân dân trong tác phẩm Những ngọn sóng mặt trời. Họ muốn cắt nghĩa vai trò to lớn của nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh bởi vì những trang lịch sử hào hùng của dân tộc là những trang sử viết bằng máu, mồ hôi của nhân dân. Và cứ thế nhân dân thường ít nói Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi Hơn cả những ngôi sao có đôi giữa trời. (Những người đi tới biển) Có được nhận thức về nhân dân sâu sắc như thế này, tuổi trẻ đã phải trả giá bằng những năm tháng lăn lội ở Trường Sơn, hoà mình với hàng triệu triệu người rất vất vả, gian lao. Nhân dân chính là những người vô danh, hữu danh đã lặng lẽ đóng góp cho đất nước. Chính nhân dân đã tạo dựng nên đất nước này, là người "khai sơn phá thạch" đã đặt tên và ghi dấu cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông làm nên gương mặt địa hình. Nói như Nguyễn Khoa Điềm ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy - Những cuộc đời đã hóa núi sông ta. (Đất nước). Qua sự hy sinh thầm lặng của những con người vô danh ấy ta thấy được sự cao đẹp của những thế hệ nối tiếp nhau làm nên bản trường ca giải phóng dân tộc. Từng dòng thơ của trường ca Những ngọn sóng mặt trời đều thấm sâu những cảm xúc chân thực. Cảm nhận được sự vĩ đại từ nhân dân, người chiến sĩ trẻ xúc động thốt lên: Mãi mãi sống còn hỡi nhân dân tôi Người mãnh liệt hơn cả ngàn truyền thuyết Dẫu ai được ngàn lần tái sinh cũng không sao hiểu hết Tấm lưng trần kia mang nặng những gì? (Những người đi tới biển) Sức sống của nhân dân cũng là sức trường tồn bất tử, bất tận của đất, của sông. Đất nằm im như chết Có bao giờ đất chết đâu anh …. Dân tộc tôi khi đứng lên làm người Trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước Chảy âm thầm chảy dọc thời giạn. ... Mang lịch sử qua trăm nghìn thử thách Dân tộc này còn tiềm ẩn những dòng sông. ý thức sâu sắc về sức mạnh nhân dân, người lính trẻ trong thơ Thanh Thảo đã có sự tương đồng trong ý nghĩa với người chiến sĩ trong thơ Hữu Thỉnh: Suối cứ thế âm thâm nuôi biển lớn Cứ âm thầm chảy xiết với thời gian (Đường tới thành phố) và họ cũng chung cảm xúc về nhân dân cùng người lính trong thơ Bằng Việt: Sống cảm động suốt đời, đất nước chiến trường ơi Mỗi gương mặt tôi quen một lần nhìn thương mãi Mỗi gương mặt bình thường, sau nghìn lần sống chết Dọi ánh sáng vào tôi cùng những khoảng trời cao. (Những gương mặt - những khoảng trời ) Hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa khái quát khi các tác giả viết về nhân dân như trên đã đem đến tác dụng thanh lọc tâm hồn như Arittốt thường nói. 2. Mối quan hệ độc đáo giữa hình tượng nhân dân và người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo. Hiểu về sức mạnh của nhân dân như thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở phát hiện này như những người khác thì chưa đủ. Thanh Thảo với tâm hồn thơ giàu suy nghĩ, thích khám phá bao giờ cũng vượt qua những hiện tượng bên ngoài để tìm đến cái cốt lõi của sự vật. Với anh nhân dân có vai trò to lớn đối với mỗi cá nhân. "Mối quan hệ giữa cá nhân và nhân dân không chỉ là vấn đề đạo đức, ân tình, ơn nghĩa mà còn là vấn đề quy luật tồn tại" [II.35]. Trong nền văn học dân tộc ta, khuynh hướng chủ đạo của thơ Việt Nam từ năm 1955 đến 1975 là tập trung thể hiện những vấn đề sự kiện có ý nghĩa lịch sử và tính cách toàn dân tộc. Vấn đề riêng tư của cá nhân bị lu mờ đi trước những vấn đề chung của đất nước. Con người được tập trung nhìn nhận chủ yếu ở phương diện cống hiến và lý tưởng. Khuynh hướng này đã tạo nên những hình ảnh nhân dân và tổ quốc có sức khái quát cao, những mô típ quen thuộc :Tình yêu đẹp nhất là tình yêu quê hương đất nước, cuộc sống của con người có ý nghĩa nhất khi hoà mình vào trong dòng thác của nhân dân. Tất cả những điều đó được các nhà thơ viết bằng cảm hứng sôi nổi mang ý nghĩa khẳng định, ca ngợi, tự hào. Chế Lan Viên từng khát khao hoà nhập với nhân dân, từ bỏ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui và nhận ra nhân dân chính là chiếc nôi nuôi nấng con người với biết bao thương mến. Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa Như trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên) Với năng lực suy nghĩ dồi dào, khả năng tưởng tượng phong phú, đặc biệt là sở thích dùng những hình ảnh thơ đẹp, trau chuốt và cách sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh quen thuộc, Chế Lan Viên đã cụ thể hóa vai trò của nhân dân với cá nhân. Không xa rời với khuynh hướng thơ ca chung của dân tộc trong giai đoạn ác liệt, Thanh Thảo cũng nói về mối quan hệ có tính chất qui luật ấy bằng giọng thơ thâm trầm, bình dị nhưng cũng không kém chất trí tuệ.Con người không thể tách khỏi nhân dân, chỉ khi nào sống cùng nhân dân thì con người mới có thể sống yên ổn như mầm cây thở chìm trong đất. Nhà thơ tìm về với nhân dân như tìm về cội nguồn sự sống, cội nguồn của sức mạnh, như giọt nước trở về với biển khơi, như trái tim gió nồm tìm đến với trái tim lá cỏ. Khi con đến với lòng con chân thật để trong lành đôi mắt trong lành gương mặt như luống khoai con khát trận mưa mùa như giọt nước con thèm hoà tận biển như cánh rừng gió lên và gió lặng những tảng đá ven bờ sóng đập mãi ngàn năm (Những người đi tới biển) Nhà thơ nhận ra mình quá nhỏ bé trong biển nhân dân rộng lớn: Biển ơi Người mê hoặc tôi bằng ngọn sóng thiếu nữ những đường cong chói sáng tự xoá bỏ mình và lập tức tái sinh, gào lên khúc ca hoang dại đứng trước người tôi chỉ là đứa trẻ mỉm cười dút dát như e sợ ngọn sóng kia vùi dập... (Những ngọn sóng Mặt trời) Đó cũng chính là sự cô đơn của con người khi chưa ý thức được mình. Nhân dân đã đem đến ánh sáng và phù sa để bồi đắp cho tâm hồn con người, để con người cá nhân nhận ra cuộc sống của mình có ích. Khi tôi hoà nhập cùng người khi đó tôi thành hạt muối nhỏ nhoi đọng mặt trời tan trong nước đi lại dễ dàng giữa hai bờ sống chết lấp lánh lặng im ca hát mặn mòi Tuy nhiên, con đường trở về với nhân dân không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Phải trải qua một chặng đường dài mà mỗi khúc quanh không phải ai cũng dễ dàng hiểu hết và vượt qua được. Đi mãi suốt đời mà không sao hiểu hết Sau mỗi khúc quanh lại gặp con đường Đến với đồng bào, đồng chí anh em đến với lòng mình mới mẻ đâu phải qua giấc ngủ dài ta thoát vòng nô lệ kiểu con ngài hoá bướm Còn tự do rót xuống ta như phần thưởng của trời Không phải ngẫu nhiên Thanh Thảo lại đặt tên cho trường ca của mình nhan đề Những người đi tới biển Thanh Thảo đã kể lại cuộc hành trình của lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính suốt từ năm 1971 đến 30/4/1975. Đó là cuộc hành trình từ rừng ra biển, từ vất cả hy sinh đến chiến thắng và cũng là hành trình lịch sử của các anh lính trẻ để trở về với nhân dân, nguyện đi tới cùng nhân dân quyết tâm đem máu xương của mình để bảo vệ Tổ quốc. Họ không thụ động mà chủ động hướng tới tương lai. Ta đâu phải kẻ há miệng chờ sung nhưng con đường đến trái chín Chưa bao giờ đơn giản. Nhận thức được hành trình về với nhân dân không đơn giản, một chiều về tới biển đâu phải là yên nghỉ , thế hệ trẻ (trong đó có tác giả) vẫn tiếp tục hành trình của mình sát cánh cùng nhân dân: Sau ba mươi lăm năm chúng ta còn đi mùa tiếp mùa mừng vui khắc nghiệt xin nhớ lại biết ơn những bước khởi đầu Có thể nói, mỗi lần viết về nhân dân, nhân vật trữ tình trong thơ Thanh Thảo dường như được soi mình vào nhân dân, nhìn ra cái vô cùng lớn lao của nhân dân. Họ chính là cái giúp nhà thơ hình dung ra tổ quốc. Nhân dân lớn ở những điều kỳ vĩ, ở sức mạnh vô song. Nhân vật trữ tình của Thanh Thảo xác nhận điều ấy bằng kinh nghiệm riêng của anh và cũng bằng kinh nghiệm riêng, anh thích nhìn họ ở những nét cụ thể gần gũi, bình dị. Những định nghĩa cao xa xin dành cho ngưòi khác tôi chỉ cảm thấy phía sau gương mặt địa hình phía sau mỗi người tôi thương Còn ngọn lửa lung linh sống động. (Những ngưòi đi tới biển) Có thể nói, Thanh Thảo đã khắc hoạ thành công chân dung tinh thần của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. bên cạnh Phạm Tiến Duật phong phú độc đáo, Nguyễn Duy chắt lọc, trầm ngâm, Hoàng Nhuận Cầm trong sáng tươi tắn mang nhiều phong vị cuộc sống, Nguyễn Đức Mậu bề bộn, ngổn ngang đang cố gắng lắng lại để chắt lọc, Hữu Thỉnh suy tư sâu sắc thì Thanh Thảo lại phóng khoáng và trí tuệ. Chính điều này cắt nghĩa cho sự khác nhau về gương mặt người lính trong thơ. Trước Thanh Thảo, thơ ca thường viết về người lính bằng giọng ngợi ca trân trọng, hào hùng sử thi. Tố Hữu từng viết: Lịch sử hôn anh chàng chân đất Sống hiên ngang bất khuất trên đời Như Thạch Sanh của thế kỷ 20 Bằng con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa, Chế Lan Viên trân trọng gọi người lính là "Thần chiến thắng". Đến trường ca Những người đi tới biển bằng giọng thơ suy tư trầm lắng trăn trở, đầy chiêm nghiệm, vẫn lấy trữ tình làm âm điệu chủ yếu, người lính hiện lên có một đời sống nội tâm phong phú đặc biệt là sự trưởng thành trong ý thức về thế hệ, về Tổ quốc. Nhà thơ đã khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ giải phóng trong vô vàn các mối quan hệ riêng - chung, cá nhân - tập thể, đời tư - công đồng, được - mất. Họ nói đến trách nhiệm trước lịch sử không bằng giọng giáo huấn mà như lời tâm tình thủ thỉ. Đó là sự nhận thức sâu sắc của cả một thế hệ đã biến mệnh lệnh của lịch sử thành mệnh lệnh của trái tim. Tô đậm nét vô danh, bình dị, hình tượng người chiến sĩ trong thơ Thanh Thảo vẫn tiếp nối những sáng tạo về người lính thời chống Pháp, và thời kỳ đầu của thơ trẻ chống Mĩ. Họ mang lý tưởng cao cả, hành động anh hùng, tâm hồn trong sáng, tha thiết trong tình yêu, cao cả trong tình đồng đội, trong tình quân dân thắm thiết. Khía cạnh lý tưởng vẫn được hình dung ở ý chí, nghị lực hưng mặt nhận thức đã được đẩy đến độ sâu sắc, cá tính hóa cao hơn. Họ chính là những người con trên hành trình gian khổ để trở về với biển - nhân dân - rộng lớn. Nét bình thường, vô danh và sự tự khẳng định, tự ý thức, sự tuyên ngôn của những người lính trẻ ở thơ Thanh thảo không có sự đối chọi , ngược lại, đó là những nét hoà hợp, thống nhất. Nó làm nên một mô típ cấu tứ khá tiêu biểu cho các bài thơ Thanh Thảo. Chiếc bòng con đựng những gì mà đi cuốí đất mà đi cùng trời mang bao khát vọng con người dấu chân nho nhỏ không lời không tên thời gian như cỏ vượt lên lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua… (Dấu chân qua trảng cỏ) Lấy thực tế chiến tranh làm nền tảng, Thanh Thảo đi sâu vào khám phá đời sống tâm hồn người lính từ đó khắc hoạ gương mặt cả thế hệ cầm súng. "Cái hay của Thanh Thảo vừa lạ vừa quen. Lạ vì lối nhìn, lối suy nghĩ có tính chất phát hiện cùng cách diễn tả độc đáo của anh không giống ai. Nhưng lại quen vì cảm nghĩ của anh phù hợp với cảm nghĩ của ta, dường như anh nói hộ ta nhiều điều sâu kín trong tâm tư mà ta không có tài nói lên được. Có được ưu điểm này vì anh đã đi đến tận cùng lòng mình, trí mình. Mặt khác lại nắm vững cốt lõi của vận động, của hiện thực mình miêu tả... Vì vậy Thanh Thảo chứa đựng một chiều sâu đáng kể có khả năng gợi nghĩ và đập mạnh vào tâm trí người đọc" [II.40]. Điều đặc biệt hơn cả là trong hành trình tìm về với biển nhân dân rộng lớn, theo chiều dài của thời gian, nhà thơ không chỉ chiêm nghiệm được những tầm cao của nhân dân mà còn thấy được vị trí của thế hệ mình trong tiến trình gian khổ ấy. Càng khám phá sâu sắc về nhân dân, nhà thơ càng hiểu và thấm thía được trách nhiệm của thế hệ trẻ trước lịch sử. Đó là kết quả tất yếu, là sự thống nhất riêng chung cao độ. Chân dung tập thể nhân dân và chân dung từng chiến sĩ; chân dung thế hệ và chân dung chính mình - không có gì khác nhau trong các dạng thức đó. Và từ chân dung thế hệ mình (những người lính trẻ) đến chân dung nhân dân cũng là một khoảng rất ngắn, rất gần. C. Phần kết luận Với những tập thơ và trường ca mang đậm dấu vết cá nhân không lặp lại bất kỳ ai, Thanh Thảo đã tạo cho mình một vóc dáng riêng trong làng thơ trẻ chống Mĩ. Nếu phải kể đến một số tác giả có sở trường trong sáng tác dài hơn thế chắc chắn người ta sẽ nhắc tới Thanh Thảo. Với tài năng và tâm huyết của mình, Thanh Thảo đã góp phần làm phong phú và đa dạng nền thơ ca dân tộc. 1. Bằng sự chứng kiến, trải nghiệm của một nhà thơ áo lính, trong các tác phẩm (viết về đề tài chiến tranh) của mình,Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng nhân dân và người chiến sĩ, từ đó làm nổi bật được chân dung của thế hệ trẻ cầm súng trong cuộc chiến đấu chống Mĩ trường kỳ và truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Anh đã khái quát được chân dung tinh thần của một thế hệ xuất hiện vào cuối cuộc chiến bằng hiện thực tâm trạng sâu sắc. Thơ anh không chỉ vẽ chân dung tinh thần qua những quan niệm, những nhận thức, khái niệm. Trong thực tế máu lửa ác liệt, nhận thức là qua hành động, quan niệm bộc lộ trên lối sống, trên những ứng xử cụ thể. Xích lại gần sự thực trần trụi, thơ Thanh Thảo đồng thời khắc hoạ cả diện mạo cụ thể của người lính cùng thế hệ. 2. Xuất phát từ nhu cầu tổng kết, nhận diện lại lịch sử, theo chiều dài thời gian, Thanh Thảo đã xây dựng hình tượng nhân dân anh hùng. Từ đó nhà thơ cắt nghĩa, lý giải cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhân dân chính là những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ, là những ngọn sóng mặt trời chưa phút nào lặng im, là tập thể những con người vô danh mà tiết nghĩa anh hùng. Họ là những nghĩa sĩ Cần Giuộc, những du kích Ba Tơ, là những vị chỉ huy tối cao của các cuộc khởi nghĩa vì độc lập nước nhà. Họ đã sống trong những giai đoạn lịch sử "khổ nhục mà vĩ đại" lặng lẽ hi sinh làm "ván cầu" cho lịch sử đi lên. Nhân dân còn là những con người đã đang ngày đêm bám trụ giữ làng, không quản ngại mưa bom bão đạn và âm mưu chia cắt của kẻ thù, giành giật với địch từng tấc đất làm nên "gương mặt địa hình". Họ chính là sự tiếp bước thế hệ cha anh lật tiếp những trang sử vàng của dân tộc. Họ đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù giặc, yêu nước đã được thắp lên từ những nghĩa sĩ xa xưa. Nhân dân chính là những người mang sức mạnh diệu kỳ của sóng, của gió rừng, của đất bền bỉ, dẻo dai mà không ai có thể hiểu hết. Hạnh phúc của nhà thơ và thế hệ mình là hạnh phúc được hoà mình vào đời sống rộng lớn của nhân dân, như giọt nước thèm hoà vào biển cả, như mầm cây thở chìm trong đất mẹ... 3. Trong các bài thơ của tập Dấu chân qua trảng cỏ và trường ca Những người đi tới biển Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ với vẻ đẹp thô sơ mà hực sáng. Đó là thế hệ của những con người xoay trần đánh Mĩ mộc mạc, giản dị. Có thể nói Thanh Thảo đã tìm được khá nhiều cung bậc, nhiều sắc thái để tô đậm nét vô danh, bình thưuờng ở những người lính cùng thế hệ nhưng nét vô danh bình thường này được nhấn mạnh nhiều lần đến thế như báo trước một thầm thì gì nữa, một thứ tuyên ngôn… Hình ảnh người lính trong thơ Thanh Thảo không chỉ là những con người bình dị mộc mạc.ẩn bên trong họ là vẻ đẹp của cuộc sống nội tâm sâu sắc, giầu cá tính. ở họ có sự toả sáng của lý tưởng hy sinh vì đất nước, có tình đồng đội thiết tha, sâu lắng, có tình yêu quê hương mãnh liệt và hơn hết là có khát vọng được giãi bày trước tổ quốc và nhân dân, ý thức trưởng thành của cả thế hệ mình. Họ chính là những người con trên hành trình từ gian khổ hi sinh đi đến chiến thắng, từ chân trời của một người tìm đến chân trời của tất cả, khát khao trở về với biển - nhân dân rộng lớn. Đó cũng chính là con đường nhập cuộc để hiểu nhân dân đến tận cùng xương thịt của nhà thơ Thanh Thảo. 4. Hướng tìm tòi đổi mới của ngòi bút Thanh Thảo không chỉ dừng ở chỗ nhà thơ nhìn nhận nhân dân trong chiều dài lịch sử mà còn ở chỗ nhà thơ Thanh Thảo ý thức được mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa người chiến sĩ và nhân dân. Những người chiến sĩ ấy là một thế hệ mới, cùng thế hệ tác giả. Họ không ở ngoài nhân dân mà vốn ở trong nhân dân. “Nhưng nếu chỉ là chuyện con ốc nằm trong vỏ ốc thì đã không có sự tự ý thức và họ đã không là họ với tư cách một thế hệ” [ I.2]. Đi tới biển ở đây là hành động tự ý thức, hành động lịch sử của cả một thế hệ: Đem máu xương bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Người lính hoà mình trong cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc, của nhân dân, soi mình vào đó và trưởng thành và hiểu sâu sắc sức mạnh tiềm ẩn trong nhân dân. Hạnh phúc của cá nhân sẽ trở thành có ý nghĩa khi đặt vào hạnh phúc của dân tộc, đất nước. Tính triết luận đậm đà, giọng điệu trầm tư sâu lắng, các tác phẩm của Thanh Thảo đã làm nổi bật những cảm nhận sâu xa, hàm súc về lịch sử, nhân dân, đất nước, làm nên giọng trầm riêng cho thơ Thanh Thảo. D. Danh mục tài liệu tham khảo I. Sách tham khảo Vũ Tuấn Anh - Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945 - 1975, NXB KHXH, 1997. Lại Nguyên Ân - Văn học và phê bình, NXB TP Mới, 1/1984. Hà Minh Đức - Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB GD, 1998 Lê Bá Hán (chủ biên)-Từ điển thuật ngữ văn học - NXB Giáo dục, 1992. Nguyễn Thuỵ Kha - Lời quê góp nhặt- NXB Hội nhà văn, 1999. Nguyễn Văn Long – Văn học Việt Nam trong thời đại mới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003. Nguyễn Đức Mậu -Trường ca sư đoàn- NXB Văn học Hà Nội, 1980. PTS. Lê Thành Nghị - Mấy suy nghĩ về văn học nghệ thuật đề tài chiến tranh cách mạng- (Văn học và cuộc sống - NXB Lao động, 1996). Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam 1945- 1975, NXB Giáo Dục, 1998. Nhiều tác giả- Mười năm văn học chống Mĩ- NXB Giải phóng, 1972. NXB Quân đội nhân dân - Tuyển tập nửa thế kỷ thơ về người lính, 1995. Nhiều tác giả _ Một thời đại mới trong văn học,NXB Văn học, H.1982. Nguyễn Đức Quyền - Những vẻ đẹp thơ- NXB, Hội văn học nghệ thuật Nghĩa Bình, 1980. Vũ Văn Sĩ - Thơ Việt Nam hiện đại - NXB Lao động, 2002. Trần Đăng Suyền – Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo,NXB Văn học, Hà Nội, 2004. Nguyễn Trọng Tạo - Văn chương cảm và luận, , NXB Thông tin, 1998. Thanh Thảo -Trường ca "Những người đi tới biển"- NXB Văn học Hà Nội, 1987. Thanh Thảo- Khối vuông Rubic - NXB Tác phẩm mới, 1985. Thanh Thảo -Trường ca "Những ngọn sóng mặt trời"- Hội văn học nghệ thuật Nghĩa Bình, 1982. Thanh Thảo – “Dấu chân qua trảng cỏ”- NXB Tác phẩm mới, 1978. Thanh Thảo – Ngón thứ sáu của bàn tay, NXB Đà nẵng, 1995. Hà Công Tài – ẩn dụ và thơ ca, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999 Nguyễn Bá Thành -Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, II. Báo và tạp chí Vũ Tuấn Anh - Thơ với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc - Tạp chí văn học số 5/75, T62. Lại Nguyên Ân - Bàn góp về trường ca- Văn nghệ quân đội số 1, 1981. Nguyễn Đăng Điệp - Thơ chống Mĩ thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật thơ- Phụ bản Báo Văn nghệ số 23, tháng 5/2005. Tế Hanh, Từ "Những người đi tới biển" đến "Đường tới thành phố" Báo văn nghệ số 58/1979. Trần Mạnh Hảo- Có một thời đại mới trong thơ ca- Văn nghệ số 33, 34/1994. Bùi Công Hùng- Hình tượng thơ - Tạp chí văn học số 4/1981. Mai Hương- Nghĩ về đóng góp của thơ trẻ trong thơ chống Mĩ, Tạp chí văn học số 1/1981, T92. Mã Giang Lân - Nhìn lại thơ 30 năm chiến tranh - Tạp chí văn học số 2/1992. Nguyễn Văn Long - Hướng đi của một số nhà thơ trẻ - Báo văn nghệ số 539/1974. Nguyễn Văn Long - Thơ tuổi 20- Báo văn nghệ số 559 - năm 1974. Vũ Quần Phương - Đọc thơ của một số cây bút trẻ quân đội mới xuất hiện gần đây - Văn nghệ quân đội số 8/1982. Trần Đăng Suyền - Sử Hồng- Tư tưởng nhân dân trong "Những ngọn sóng mặt trời"- Báo văn nghệ, tháng 6, 1983. Trần Đăng Suyền -Về một đặc điểm của thơ Việt Nam từ 1955 – 1975 - Tạp chí văn học số 9/1995. Bích Thu - Thanh thảo một gương mặt tiêu biểu sau 1975 - Tạp chí văn học số 5, số 6, 1985. Vương Trọng- Về mấy đặc điểm của trường ca - Văn nghệ quân đội số 11/1980. Thanh Thảo - Biển đã trong tôi - Báo văn nghệ số 17, 1995. Thiếu Mai - Thanh Thảo thơ và trường ca - Tạp chí văn học số 2/1980. Thanh Thảo - Trường Sơn những chớp sáng ký ức - Báo văn nghệ số 17+18/2005. Một số đóng góp của dòng thơ quân đội vào nền thơ Việt Nam, Vũ Quần Phương, Tạp chí văn học số 6/1979. Chế Lan Viên - Thơ Thanh Thảo - Tạp chí tác phẩm mới số 36, tháng 4/1974. Trần Ngọc Vương - Về thể loại trường ca và tính chất của nó - , Văn nghệ số 2/1981. III. Luận án Thạc sỹ Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội Đào Thị Bình - Trường ca của những nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mĩ - 1999. Trần Thị Thu Hường - Trường ca của Thanh Thảo - 2002. Nguyễn Thị Thu Hương - Một số trường ca tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước - 2002. Hà Thị Hoà - Sự tự thức nhận và thể hiện của thế hệ trẻ trong thời kỳ chống Mĩ -1988. Những đóng góp của thơ trẻ thời kỳ chống Mĩ cứu nước, 1997. Mục lục

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc17653 M.doc
  • pdf17653 M.pdf
Luận văn liên quan