Hình tượng thơ và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo

A-Phần mở đầu 1 I-Lý do chọn đề tài 1 II- Lịch sử đề tài 1 III-Phạm vi và phương pháp nghiên cứu 2 IV-Bố cục khóa luận 3 B-Phần nội dung 4 ChuơngI- Hình tượng thơ và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 I-Hình tượng thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 1-Khái niệm hình tượng thơ 4 2-Hình tượng thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 2.1-Hình tượng nhân vật trữ tình 5 2.2-Hình tượng thiên nhiên 9 II-Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 16 1-Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người 16 2-Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 16 2.1-Con người cô đơn 17 2.2-Con người đồng hiện quá khứ - hiện tại - tương lai 20 Chương II-Không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 24 I- Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 24 1-Khái niệm không gian nghệ thuật 24 2- Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 25 2.1-Không gian trần thế 25 2.2-Không gian vĩnh hằng 28 II-Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 32 1-Khái niệm thời gian nghệ thuật 32 2-Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 33 2.1-Thời gian trần thế 34 2.2-Thời gian vĩnh hằng 37 Chương III- Ngôn ngữ và giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 41 I-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo 41 1-Khái niêm ngôn ngữ thơ 41 2-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo 42 2.1-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ "hòa giải" giữa cái mới và cái cũ 42 2.2- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ đặc biệt giàu nhạc tính, đầy sự ngân rung khác người. 47 II- Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 50 1-Khái niệm giọng điệu tác phẩm văn học 50 2-Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 50 2.1-Giọng thơ suy tư, ngẫm ngợi 50 2.2-Giọng thơ tưng tửng, ngu ngơ 53 C-Phần kết luận 56 D-Tài liệu tham khảo 57 I-Lý do chọn đề tài Ngạn ngữ Irắc có một câu rất hay: "Nếu không xây được tác phẩm bạn hãy xây được một trái tim". Nhà văn, nhà thơ Việt Nam không những xây dựng được những tác phẩm hay mà đã xây dựng trong đó những trái tim - những trái tim thực sự - những trái tim nóng bỏng . Có một nhà thơ trên hành trình đến với những sáng tạo mới đã tâm sự: "Tôi không làm thơ theo cách của bạn, cũng như bạn đừng làm thơ theo cách của tôi. Nhưng dẫu sao đi nữa, nhà thơ - người sáng tạo phải dấn bước tới tương lai - dù chỉ là một tương lai ảo. Đôi lúc ảo tưởng lại đưa tới cho ta những sáng tạo mới". Anh đã để lại những ấn tượng sâu sắc với chúng tôi qua những lời bộc bạch này. Gặp Nguyễn Trọng Tạo - một gã có "bộ mặt bông đùa dễ thương" - người đã đem vào thơ "nổi hoài nhớ yên lành", đã diễn giải những từ khúc riêng tư và những đa đoan cháy bỏng của cuộc đời bỗng đâu gieo vào người đọc những tình cảm yêu mến lạ lùng .

doc59 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3788 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Hình tượng thơ và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trọng Tạo cũng có hau kiểu thời gian: *Thời gian trần thế *Thời gian vĩnh hằng 2.1-Thời gian trần thế 2.1.1- Thời gian trần thế trong thơ Nguyễn Trọng Tạo được khai thác từ nhiều điểm nhìn. Đây là thời gian hiện thực, thời gian đời sống nên thiên về tính chất hiện tại, cụ thể, cảm tính: rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi ai sau tôi ở vào thời sắp đến thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng đọc thơ tôi xin bạn chớ cau mày (Tản mạn thời tôi sống) "Thời gian qua đi" mà nhà thơ cảm nhận là thời gian thực, đó là thời gian của đời sống, một thời gian luôn vận động không ngừng, không bao giờ đứng đợi một ai: chỉ còn tượng mồ phủ đầy lá dại chỉ còn thời gian nắng mưa dầu dãi (Tượng mồ) "Thời gian nắng mưa dầu dãi" là một cách diễn đạt tuy khác với cách diễn đạt trước nhưng không ngoài ý miêu tả sự trôi đi của thời gian. Nguyễn Trọng Tạo như cảm thấy từng bước đi của nó và phảng phất một nổi buồn, một sự xót xa. Trước đây Xuân Diệu đã có một cách cảm thời gian rất khác người, đó là khi thời gian chưa tới hay đang tới mà ông đã có cảm giác tiếc nuối vì thời gian sẽ qua đi: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già (Vội vàng- Xuân Diệu) Và tôi cho rằng Nguyễn Trọng Tạo cũng tỏ ra không kém gì thi nhân ta xưa trong cách cảm thời gian: cầm lòng một mái thời gian một đàn lẻ một trang động tình (Cầm lòng) Không phải ngẫu nhiên thời gian trần thế thường trùng với thời gian trần thuật. Trần thuật là tường thuật, là trình bày những sự việc, hiện tượng đang xảy ra. Thời gian trần thuật cũng vậy. Đó là thời gian sự kiện. Thời gian sinh hoạt, gắn liền với hiện tại và thế hiện hiện tại. Cho nên có khi câu thơ chỉ ngầm ám chỉ thời gian nhưng dường như đang đi vào miêu tả cặn kẽ thời gian: ngày bóc tờ lịch gián vào đời tôi ngày bóc đời tôi gián vào đen đỏ (Thời gian ) Nguyễn Trọng Tạo đã lấy "cái tôi nội cảm" của mình làm thước đo, để chủ quan hóa thời gian. Sự hăm hở của nhà thơ bao gồm lòng nhiệt tình, yêu sống và nhận thức về sự hữu hạn của đời người nên mới có một cách nghĩ ngộ nghĩnh là "cắt tóc thời gian" và tự xem mình là "tội đồ" của thời gian: cắt tóc thời gian thời gian mọc ra dài ra. Cắt ngắn. Dài ra (Tội đồ của thời gian) Tuy nhiên cái hay, cái mới của Nguyễn Trọng Tạo không phải là cách cảm nhận thời gian trần thế để thể hiện những gì đang diễn ra mà muốn lưu giữ, nắm bắt lấy những khoảnh khắc đó, giữ lấy những "giọt thời gian" hay "hạt thời gian" quý giá của cuộc đời: từng giọt thời gian ngưng thành mai vàng tích tắc nhịp tim sao ta bàn hoàn ôi xuân đã sang sao người chẳng tới từng hạt thời gian gieo vàng mong đợi (Thời gian 2) Cái cảm giác muốn lưu giữ, nắm bắt thời gian cứ kéo dài ra mãi. Cảm nghĩ của nhà thơ chính là nguồn mạch cảm xúc từ rễ sâu bám vào lòng đất để cảm nhận thời gian là do "buồn vui" kết thành: thôi người ơi đừng khóc rụng rơi bông vàng buồn vui làm ngọc kết thành thời gian (Thời gian 2) Thời gian trần thế trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có khi là một khoảnh khắc tinh khôi và nguyên vẹn nhất: không giờ ngày đầu tiên tháng đầu tiên năm đầu tiên rùng rùng pháo nổ tôi ngạc nhiên tái sinh oa oa cây cỏ (Xứ đầu tiên) Có khi đó là khoảnh khắc của một bức tranh. Thời gian đong đưa làm cho bức tranh sống động hơn và mang theo hơi thở của đôi môi em cháy bỏng: tranh treo từ mồng tư sang mồng bảy đôi môi em cười thành hoa hồng cháy (Bức tranh giêng) Nhà thơ Trần Hoàng Phố đã từng có những khoảnh khắc lặng yên và duy nhất: Không gian - không năm tháng Không quá khứ - hiện tại - trước sau Chỉ có những khoảnh khắc lặng yên vô tận Khi anh cầm tay em (Mùa xuân trong mưa - Trần Hoàng Phố) Thì Nguyễn Trọng Tạo cũng có những khoảnh khắc dịu ngọt với nổi nhớ, nổi hoài niệm trong tình yêu: "giờ Thìn qua - giờ Ngọ qua - ta tích tắc nổi nhớ mong gặm nhấm - em thân yêu phiêu bạt phương nào?"( Thiên An) Thi sĩ nhiều khi không làm chủ được mình, không làm chủ được thời gian, cảm xúc của mình nên cảm giác mất mát là điều không tránh khỏi. Bởi thế chẳng đâu lại có người có ý nghĩ táo bạo như Nguyễn Trọng Tạo là đi "mua thời gian". Xuân Diệu thì muốn "tắt nắng đi", "buộc gió lại" còn Nguyễn Trọng Tạo thì: lên đèn mà chợ vẫn đông ta đi tìm mãi mà sao không thấy nàng thôi đành mua lại thời gian tìm về chốn cũ tặng nàng ngày xưa (Cuối năm ngẫu hứng chợ Chiều ) Nhà thơ đã đóng vai trò là một chủ thể để cảm nhận và thể hiện những gì đang xảy ra một cách cụ thể và chân thật nhất. Chúng ta nhận thấy rằng lúc nào Nguyễn Trọng Tạo cũng nhìn thời gian bằng nhiều cách, có khi là "mái thời gian", có khi là "hạt thời gian" hay "giọt thời gian"...Đó là những khám phá nghệ thuật độc đáo của anh với thời gian nghệ thuật trong thơ. 2.1.2- Phải nói một cách chính xác rằng thời gian trần thế trong thơ Nguyễn Trọng Tạo vận động liên hồi và phức tạp, diễn giải những mối quan hệ qua lại giữa con người và con người, con người và sự vật, không gian một cách tinh tường: thời gian quay tròn đĩa hát ly càfê mùa xuân mùa đông chua uống cạn (Đĩa hát bốn mùa) Thời gian trần thế trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có khi vận động đến bất ngờ, đến choáng ngợp. Đó là "cái chớp mắt nghìn năm trôi" hay: không phải Michael Jackson đêm tự mình lột da thay làn da ánh sáng thời gian bay khoảnh khắc nghìn năm (Ngày sáng thế) Những "khoảnh khắc nghìn năm" ấy là những khoảnh khắc trần thế hiếm có mà nhà thơ đã nắm bắt được. Thời gian là thời gian. Con người là con người. Nhưng thời gian và con người luôn có mối quan hệ qua lại. Con người làm chủ thời gian và thời gian cũng chi phối con người. Thời gian trần thế là người bạn đồng hành, là mặt đồng hiện của hiện thực đời sống. Trong đó con người ta mang theo cả nổi lo âu, mất mát hay khát khao lưu lại những khoảnh khắc đẹp, dù có khi chỉ là một "giọt thời gian". Anh chàng thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo say sưa kiếm tìm những "hạt thời gian" để cho thơ cái hồn, cái thần và bản ngã thật của con người. Anh cũng mang theo đó nỗi sầu cảm về cõi trần gian, không ngoại trừ nổi cô đơn, cô độc của một kẻ lưu lạc. Tận sâu trong tâm tưởng anh luôn tìm về cõi vĩnh hằng, bởi nơi đó Nguyễn Trọng Tạo thấy được những kí ức, những kỉ niệm đẹp đẽ. Thế nên cũng có thể nói thời gian vĩnh hằng là điểm tựa cho tâm hồn cô đơn của nhà thơ. 2.2-Thời gian vĩnh hằng Thời gian vĩnh hằng là thời gian có thể vận hành, chuyển động trong dòng chảy vô thủy vô chung của chính nó, có thể đó là tương lai, hay quá khứ, có thể đó là thực hay mộng, mênh mông, vô bờ. Đến đây chúng ta chợt nhớ lại những vần thơ hay về thời gian của Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngắt Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh (Màu thời gian- Đoàn Phú Tứ) Và với Nguyễn Trọng Tạo, chúng ta cũng đi tìm một "màu thời gian"-"màu thời gian" của riêng anh. 2.2.1- Cảm nhận đầu tiên về thời gian vĩnh hằng trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là nó cũng giống như không gian vĩnh hằng, đều không hướng đến một tâm điểm nào cụ thể, đều mông lung và mang tính phiếm chỉ: bốn lăm bậc thời gian dốc ngược tôi đã vượt qua em cách một sợi tơ tôi đã không qua được (Tin thì tin không tin thì thôi) Cái hư vô và phiếm chỉ ấy lại một lần nữa chính là tập trung thể hiện cái cô đơn thăm thẳm trong chủ thể trữ tình. Nên có thể xem thời gian vĩnh hằng trong thơ Nguyễn Trọng Tạo phần lớn là thời gian cô đơn: nay còn trẻ trung nay đà bạc tóc từng giọt thời gian ứa tràn khóe mắt (Thời gian 2) Nhiều khi cô đơn quá mà thời gian như lẫn lộn, mắc mớ vào nhau không gỡ ra được: không em anh sống lang thang hai lần ước chi em giận một tuần em xa vài tháng em gần ...cả năm (An ủi) Rồi có khi còn là sự mơ màng: cứ tưởng ấm rồi đất trời chuyển hạ nào ngờ ngày xa còn rét tháng ba (Người đang yêu) Một câu thơ tưởng như đùa, nhẹ nhàng mà lại chân thành và sâu lắng như tâm hồn của kẻ đang yêu. Không những thế anh còn cảm nhận thời gian như một ngôi đền. "Ngôi đền thời gian" vô hình mà lại gợi sự cô đơn man mác: ngôi đền thời gian làm sao che chở hoa biết vì ai đến thì hoa nở (Ru hoa) Ta thường thấy, thường gặp trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thời gian "đêm". Một thời gian dễ gợi lên sự mênh mông, xa vắng và trơ trọi như trong thơ Hồ Xuân Hương: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non (Tự tình 1- Hồ Xuân Hương) Còn với Nguyễn Trọng Tao thì: là khi tỉnh giấc trong đêm một mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn (Sônnê buồn) Có khi thời gian là đêm rợn ngợp, đêm rùng rợn, đêm dâng tràn cô đơn với ma quỷ: múa hát với ma đêm nay ăn uống với ma đêm nay ngủ với ma đêm nay ngày mai vĩnh viễn chia tay (Đêm cộng cảm) Có lúc thi sĩ thấy mình như chới với không điểm tựa trong thời gian, thấy tâm hồn vắng lặng, lẻ loi đến mức anh tưởng mình là kẻ lang thang: ta làm khách trọ thời gian con đường hè phố quán hàng bóng cây (Không đề cho Đỗ Toàn) Và có lúc đứng trước thời gian, nhà thơ có những ước muốn ngông cuồng: ta muốn đổi không gian cho người gần ta mãi ta muốn đổi thời gian cho bốn mùa hoa ấy (Hoa ơi ta yêu nàng) Ý tứ của Nguyễn Trọng Tạo gửi hết cả vào thơ. Anh ôm ấp cả những niềm đau, cả nỗi cô đơn khi xây dựng nên thời gian trong thơ. Không chỉ vậy, thời gian còn là con thuyền chở đầy bao cảm xúc, tâm sự khác của anh. 2.2.2- Với nỗi buồn hoài niệm luôn cố hữu trong tâm hồn, Nguyễn Trọng Tạo tìm đến thời gian vĩnh hằng như một sự giải thoát. Anh muốn đi tìm chút hơi ấm của thời gian, bởi chính nó có thể cho anh đi về quá khứ - hiện tại - tương lai một cách tự do, không dè dặt với bản ngã của mình. Nếu như thời gian trần thế thiên về cái hiện tai, thiên về cái cụ thể thì thời gian vĩnh hằng tìm về cõi nhớ - một cõi nhớ vận động từ hiện tại về quá khứ, đồng vọng trong kí ức của anh. rượu ngon nhấm với nói cười nghe thời gian tím một trời Phù Dung (Chiều rơi) Thời gian hoài niệm đã trở thành một phương tiện để nhà thơ tìm về với kí ức, tình yêu và nỗi nhớ xa xưa. Dòng thời gian bốn mùa trôi chảy vô tình. Nó như cơn xoáy, cứ xoáy tròn cuộc đời dần vào kí ức và thông báo cho con người sự mất mát, vơi cạn của cuộc đời mà không có cách nào dừng lại được. Vì thế nên Nguyễn Trọng Tạo mới thả linh hồn về quá khứ rồi sau đó mới hướng đến tương lai. Điều đó cũng nói lên rằng thời gian vĩnh hằng là thời gian của kỷ niệm - chỉ có những gì thuộc về tâm tưởng, tinh thần mới còn lại mãi mãi: thời gian rụng úa vai người ước chi mua được nụ cười còn nguyên (Cuối năm ngẫu hứng chợ Chiều) Nhận thấy mình bất lực nhìn thời gian qua đi, nhìn thời gian "rụng úa", Nguyễn Trọng Tạo thổi vào thơ nổi buồn bàng bạc màu vàng của mùa thu tàn phai: Đóa cúc vàng mùa thu em cho ta đã chết thời gian bay từng cánh mỏng vàng tươi Đã bảy tám năm nay ta gom nhặt nắng thời mong góp nắng thành hoa mà dã tràng xe cát (Biến khúc giao thừa) Nguyễn Trọng Tạo biết mình không thể thoát khỏi màn bụi vô tình của thời gian nên đôi lúc anh có những cảm nhận hết sức lạ lùng về cõi sống, nhiều khi đến mức vô lý giữa cái "hôm nay" và cái "hôm qua", giữa cõi âm và cõi dương: hôm qua gọi điện cho người chết hôm nay nhận thư người đã chết (Thôi thì) Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, ta dễ dàng bắt gặp ngay các tín hiệu của thời gian, những tín hiệu cho ta cảm thức về thời gian. Ngay nhan đề của nhiều bài thơ cũng cho ta thấy mối quan tâm sâu sắc của anh với thời gian như:" Đêm cổ điển", "Cỏ xanh đêm trước", "Đêm cộng cảm", "Thời gian 1", "Thời gian 2", "Chiều rơi", "Nếu ngày mai"...Nguyễn Trọng Tạo luôn day dứt với những điều đã qua, trăn trở với những điều sẽ tới, thế nên thời gian vĩnh hằng trong thơ anh đi về cõi mênh mông - không điểm dừng... Hoàng Cầm cho rằng: "Những cảm xúc tinh vi tế nhị đến thế chỉ những thi sĩ biết nắm giữ đươc từng phút giây sâu thẳm nhất trong tâm tư mới diễn tả được trọn vẹn những điều mong manh khó biểu hiện nhất".("Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo", Hoàng Cầm). Như vậy, rõ ràng Nguyễn Trọng Tạo đã là thi sĩ có và biết nắm giữ những giây phút thăng hoa, tinh vi nhất của cảm xúc, những phút giây sâu thẳm nhất trong tâm tư... Thời gian trần thế thiên về hiện tại. Thời gian vĩnh hằng lại nghiêng về qúa khứ, hoài niệm và cả những khát vọng tương lai. Trong cả cõi trần thế và cõi vĩnh hằng đều bao hàm cả không gian - thời gian và điều quan trọng là trong không - thời gian ấy, trần thế hay vĩnh hằng đều là điểm tựa để thi nhân nhìn lại bản ngã đích thực của mình. Có thể trong một khoảnh khắc nào đấy, thời gian trần thế nhường chỗ cho thời gian vĩnh hằng làm chủ, dẫn dắt linh hồn tác giả, nhưng cũng có khi thời gian trần thế đóng vai trò quan trọng chi phối mọi thứ xung quanh. Có thể nói thời gian nghệ thuật do mang tính chất tự do nên cách thể hiện cũng rất đa dạng. Nhưng dù đa dạng, phong phú như thế nào đi nữa thì ở một khía cạnh nào đó thời gian cũng luôn gắn với không gian. Nói cách khác, thời gian và không gian là hai yếu tố nghệ thuật hòa quyện gắn bó làm nên thành công cho thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo. Anh đã tạo nên một sức mạnh chiếm lĩnh không gian, thời gian bằng cái chủ quan tâm, nhiều khi lại bằng trực giác. Rất yểu điệu, mượt mà mà cũng rất tinh tường và nhạy cảm không kém ai..! Chương III Ngôn ngữ và giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo I-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo 1-Khái niệm ngôn ngữ thơ "Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. M.Gorki khẳng định: "ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn hoc". [7,185] So với những hình thái của hoạt động ngôn ngữ khác thì ngôn ngữ văn học mang đậm tính chất thẩm mỹ. "Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật". Điều đó tạo cho ngôn ngữ có tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và tính biểu cảm cao, góp phần thể hiện rõ phong cách , tài năng và sự sáng tạo của mỗi nhà văn, nhà thơ. Nhìn chung những thuộc tính này được biểu hiện qua từng thể loại văn học với các sắc thái và mật độ khác nhau. Đối với thơ, "ngôn ngữ đã tìm thấy trong thơ phương tiện tối ưu để lưu giữ truyền đạt thông tin về bảo vệ môi trường giao tế. Nhân loại biết đến từ đấy, ngoài ngôn ngữ giao tế ra còn một mã nghệ thuật nữa có khả năng lưu giữ an toàn và truyền đi không bị méo mó những tham số mà mã giao tế phải duy trì. Điều đó giải thích vì sao không có nền văn học nào không biết đến thơ, đồng thời cũng giải thích vì sao sinh tồn thơ ca thăng trầm không kém gì sinh tồn dân tộc".[1,268] Ngoài ra, Nguyễn Phan Cảnh còn nhấn mạnh "sức mạnh của cơ cấu lặp lại của kiến trúc song song chính là ở chỗ đã tạo ra sự lặp lại song song trong tư tưởng. Việc chức năng mỹ học chiếm ưu thế trong các thông báo thơ trong khi không loại trừ chức năng giao tế như thế đã làm cho thông báo thành ra đa nghĩa, có tính chất nước đôi thành ra nhập nhằng theo nghĩa tốt của từ này Và đấy là điều cốt tử của thơ".[1,60] Hữu Đạt qua tác phẩm "Ngôn ngữ thơ Việt Nam" khẳng định một số tính chất và đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ là: tính tương xứng, tính nhạc và đặc điểm phong cách của nhà thơ. Trong "Lý luận văn học", Phương Lựu lại tập trung hai vấn đề chính khi bàn đến ngôn ngữ thơ trữ tình là: ngôn ngữ bão hòa cảm xúc và ngôn ngữ giàu tính nhạc. Thật ra khi nói đến một ngôn ngữ nào, chúng ta cũng phải đề cập trên ba phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Riêng với thơ, với ngôn ngữ thơ, những điều ấy vẫn chưa đủ. Nếu nhìn nhận một cách tổng quan thông qua lời nhận định của các nhà nghiên cứu văn học về ngôn ngữ thơ ta có thể thấy "ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu hết sức cô đọng, hàm súc và đặc biệt gợi cảm" [1,186] 2-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo Sức hút trong việc sử dụng ngôn ngữ qua thơ Nguyễn Trọng Tạo thể hiện chủ yếu ở nét giản dị, chan hòa, lại rất mộc mạc, mới lạ và tính nhạc nổi bật. 2.1- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ "hòa giải" giữa cái mới và cái cũ 2.1.1- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ thơ chân thành, giản dị, giữ nguyên mức bão hòa của cảm xúc. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ Việt Nam đương đại, anh đã từng sống và đi nhiều nơi nên không thể phủ nhận rằng vốn sống của anh khá phong phú. Điều đó cũng dẫn đến khả năng sử dụng và phát huy ngôn ngữ một cách nhuần nhị và linh hoạt trong thơ anh. Thơ Nguyễn Trọng Tạo rất mới. Song anh là một nhà thơ cách tân thận trọng, khôn ngoan, biết sử dụng khéo léo những thành tựu thơ phương Tây lại không bao giờ đoạn tuyệt với thơ truyền thống Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ luôn có ý thức xây dựng một cách đúng đắn mối quan hê giữa thơ với đời, giữa người làm thơ và người đọc thơ. Cho nên có thể nói ngôn ngữ trong thơ nguyễn Trọng Tạo luôn là ngôn ngữ "hòa giải" các mối quan hệ đó. Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ đã phát huy một cách sâu sắc và toàn diện vào thơ cả tình cảm, hiểu biết, khả năng của các giác quan khiến thơ là tiếng nói của đời sống, biểu đạt những suy nghĩ tự nhiên của con người. Ngôn ngữ trong thơ anh là ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ của tiếng nói chân thực hàng ngày: có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi có con người sống mà như qua đời (Đồng dao cho người lớn) Cách nói của Nguyễn Trọng Tạo bình thường, giản dị và dung hòa với đời sống nhưng cũng đồng thời biết khai thác những tiềm năng ngôn ngữ thơ ở các cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp. Nguyễn Đăng Điệp đã từng nhận xét về cách sử dụng ngôn ngữ thơ của anh rằng: "là thi sĩ có ý thức đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo thấu hiểu một cách sâu sắc rằng sự sống của người viết phải nương thân vào chữ nghĩa. Nơi ấy hồn nằm trong xác, xác ngụ trong hồn, không còn cách nào khác,tư cách của nhà thơ chỉ có thể đo nắn bằng sự tỏa sáng của chữ nghĩa".("Nguyễn Trọng Tạo - chớp mắt với ngàn năm", Nguyễn Đăng Điệp, trích Việt Nam. net).Có lúc nhà thơ như thủ thỉ: một lần trao nhau rồi biền biệt em hươu sao ngoan hiền bên suối diêm sinh đừng trách chiến tranh trách anh vô tình bỏ em yếu mềm bị thương bên suối cạn (Hương Sơn) Nguyễn Trọng Tạo làm thơ không chỉ sau những cuộc vui tràn cung mây mà cơ bản nhất là anh làm thơ bằng chính vùng u uẩn nằm sâu trong "cõi Tâm" nên ngôn ngữ thơ anh có khi trầm mặc đến khó hiểu. Câu thơ mở ra một ấn tượng nhạt nhòa, như một lời đồng vọng, một tiếng gọi thầm: một thân cây một thân cây biết nói bằng tự cháy không thề nguyền không huyễn hoặc (Cây ánh sáng) Nhưng đằng sau cái trầm mặc khó hiểu ấy thật ra là những suy nghĩ dung dị, đời thường. Cái dung dị và đời thường của Nguyễn Trọng Tạo có khi thể hiện chính trong cách lựa chọn từ loại, đặc biệt là từ láy. Thơ Nguyễn Trọng Tạo mọi kiểu tràn ngập từ láy khác nhau, vừa gợi hình, gợi thanh, cũng đồng thời thể hiện tính chất nói ít gợi nhiều như trong thơ Đường: mướn niềm vui kẻ khác có gì như tham lam mướn nổi buồn kẻ khác có gì như nhàm nhàm (Tự vấn) Từ láy trong thơ Nguyễn Trọng Tạo như là hình thức "quen hóa" với người đọc: chúm chím môi hoa lim dim mắt lá cái ngủ à ơi màn trời buông thả áo xiêm lơi lả đường cong ảo mờ (Ru hoa) Phương Lựu cho rằng: "Ngôn ngữ thơ là sư kết tụ của chất thơ, kết tụ mối quan hệ thơ với đời sống được tích lũy từ lâu đời".[4,366] "Ngôn ngữ thơ không bao giờ là ngôn ngữ khách quan" vì "lời thơ trữ tình là lời đánh dấu sự tồn tại của những chủ thể trên cõi đời này" nên ngôn ngữ thơ của Nguyễn Trọng Tạo dung dị, đời thường, giản dị và "hiền" cũng là điều dễ hiểu. Đơn giản vì tôi cho rằng con người Nguyễn Trọng Tạo cũng không khác với cách thể hiện con người trong thơ anh là mấy. Tuy là người từng trải, đã từng là kẻ lưu lạc, song Nguyễn Trọng Tạo không hề cầu kỳ mà luôn "mã hóa" ngôn ngữ bằng trái tim và cảm nhận của một con người đời thường. Anh luôn cố gắng giữ nguyên hay bão hòa cảm xúc trong ngôn ngữ thơ của mình: có ai ngồi xuống chỗ chúng mình kia chàng trai ấy cùng với cô gái ây cô gái đẹp sao giống em đến vây? và chàng trai run rẩy giống anh sao? (Cỏ xanh đêm trước) Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo có thể nói đó là sự thể hiện bình thường không gọt giũa nhưng đem lại vẻ đẹp nội dung và thẩm mỹ lớn. Nguyễn Trọng Tạo không dè dặt trong sử dụng ngôn ngữ và thơ anh có độ "hàn gắn" cao với cuộc đời, đặc biệt đã thể hiện khát khao hòa hợp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Sự bình thường không giảm đi vẻ đẹp, vẻ gợi cảm của thơ. Thơ Nguyễn Trọng Tạo là sự phối hợp uyển chuyển giữa tâm tư, ngôn ngữ và đời sống. Hầu hết ngôn ngữ trong các bài thơ của anh đều bật ra từ đời sống nên không có hình thức vay mượn giả tạo hoặc tỏ ra điệu bộ quá thể. Nguyễn Trọng Tạo đã đi trên con đường nghệ thuật bằng tình yêu ấm áp nên trong cách sử dụng ngôn ngữ anh luôn chứng tỏ nó là một phần đời sống, và cũng chưa bao giờ anh muốn tách mình ra khỏi vẻ đẹp dung dị mà sâu sắc của ngôn ngữ Việt Nam. 2.1.2- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo đựợc xây dựng bằng nhiều chất liệu mới, là sự vận động thành công của quá trình cách tân thơ. Trong sáng tác thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã thực hiện các biện pháp "lạ hóa" phá vỡ quy tắc thông thường trong giới hạn của tư duy và chiều sâu ngôn ngữ. Nhiều khi hình ảnh và ý tưởng thơ bị nhòe vào nhau song lại tạo nên một vẻ đẹp kỳ lạ về ngôn từ, cấu tứ, nhịp điệu. Khi làm thơ, anh không chỉ gia công về mặt tư duy hay cách diễn đạt mà cả trong ngôn ngữ. Chính vì thế nên Mai Hương mới khẳng định Nguyễn Trọng Tạo là người có những "khả năng phát hiện thông minh và những tứ thơ lạ". [5,537] Không viết hoa đầu dòng là một "cá tính" thơ Nguyễn Trọng Tạo. Khảo sát tất cả các tập thơ của anh, chúng ta thấy không mấy bài mà anh lại viết hoa đầu dòng các câu thơ như lệ thông thường của ngữ pháp Việt Nam: ai đem mua bán vinh quang rẻ tiền anh mua giá đắt một mùa lãng quên (Đồng dao tặng bạn) Không hiểu tại sao Nguyễn Trọng Tạo thường không viết hoa đầu dòng các câu thơ của mình? Điều này hoàn toàn không đúng với ngữ pháp Tiếng Việt song trong nghệ thuật, trong dụng ý của thi nhân đều có thể hiểu và chấp nhận được. Nguyễn Trọng Tạo không có ý "chơi trội" mà dường như cách viết này giúp anh thể hiện liền mạch và tự do hơn những cảm xúc của mình. Cảm xúc tự do thì ngôn ngữ của tự nhiên hơn, và thơ cũng trở nên linh hoạt, năng động và sáng tạo hơn. xe rời Thành Tuyên qua miền gái đep còn vang lời chào dính hơn xôi nếp (Qua miền gái đẹp) Biết được điều này để thấy Nguyễn Trọng Tạo không cố ý dẫm lên quy tắc mà nghệ thuật là nghệ thuật, phong cách là phong cách, mấy ai giống nhau. Mặt khác, với Nguyễn Trọng Tạo, vần và nhịp không còn là mục đích tự thân mà đã hỗ trợ đắc lực cho ý tưởng và tứ thơ. Nguyễn Trọng Tạo cứ "nâng trên tay những âm thanh, nhịp điệu kết thành con chữ luôn luôn ngọ nguậy, chấp chới vỗ cánh chỉ dình bay lên mà bay xa, khoan thai chững chạc như chẳng có gì vội vã. Anh đã đi những bước chân vững chắc và đĩnh đạc của số mệnh lúc chậm lúc nhanh, lúc nhẹ nhàng, lúc nặng trĩu lướt trên số phận cuộc sống mỗi con người, tựu trung là những bước đi định sẵn rất ráo riết và quyết liệt". ("Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo", Hoàng Cầm): tạ từ. Ai tạ từ tôi chập chờn Tiên nữ nói cười xa xăm (Tạ từ) Nhà thơ chơi vần, tạo ấn tượng thính giác bằng cách đổi cấu trúc nhịp thơ 2-1-2-1 sang 2-2-2-2, nhịp điệu, tiết tấu cấu thơ dường như rất mới. Trong một đoạn khác, tác giả lại sử dụng thơ theo nhịp đứt khúc, tạo ấn tượng mới trong cấu trúc đoạn: không vẽ người đàn bà hồi xuân tôi vẽ mùa xuân vĩnh hằng trên toan trắng em ! bức tranh tình không năm tháng em ! mùa xuân chiếm hữu sắc màu tôi (Bức tranh tình) Ngoài ra, Nguyễn Trọng Tạo còn tạo bất ngờ và bung phá bằng cách dùng dấu chấm câu đột ngột giữa dòng thơ, tạo sự bất thường bằng hình thức xây dựng đoạn bậc thang, câu dài ngắn, ngắt nhịp khác nhau: rồi xa lắc. Bỏ một trời thương nhớ ơi mùa thu áo ấm đã măc chung rồi biền biệt. Hoa vàng như hơi thở mimôza. Giọt nắng. Có theo cùng?... (Mùa thu áo ấm) Những dấu chấm đột ngột ngắt câu không chỉ gây sự chú ý về hình thức mà còn nhằm nhấn mạnh một ý định, một tâm sự nào đó: chiều rơi.Vàng tóc.Vàng da vàng cây.Vàng đá.Vàng ta.Vàng người (Chiều rơi) Các từ "vàng" với cách viết hoa như đứng đầu một câu càng nhấn mạnh hơn sự héo úa và tàn tạ của một buổi chiều. Rõ ràng Nguyễn Trọng Tạo tỏ ra mạnh dạn trong sử dụng ngôn ngữ. Anh sẵn sàng đón nhận sự khen - chê song không thể phủ nhận sức sáng tạo không ngừng của anh và sự sáng tạo đó ít nhiều đã tránh cho thơ sự nhàm chán, nhất là trong tình trạng "lạm phát" thơ như hiện nay. Có một điểm chú ý khác nữa khi nói đến vấn đề ngôn ngữ với thơ Nguyễn Trọng Tạo đó là nghệ thuật điệp từ, điệp câu. Điệp là một thủ pháp nghệ thuật hay được sử dụng trong văn chương song dùng như thế nào cho hay, cho hợp với cảnh và tình trong mỗi bài mới thật là cái tài của mỗi người nghệ sĩ: cầm lòng thôi khỏi khóc cười có người nuôi nhớ bởi người nuôi quên cầm lòng rời bến xa thuyền thuyền xa bến hẹn sông hiền sóng ngoan (Cầm lòng) Với bốn câu thơ mà Nguyễn Trọng Tạo đã điệp đến năm từ "cầm lòng", "người", "bến", "thuyền" khiến cho đoạn thơ chập chùng, sóng sánh. Trong rất nhiều bài thơ khác, điệp là một hình thức được nhà thơ sử dụng thường xuyên. Như trong bài "Chân trời" tác giả lặp lại ba lần cấu trúc đoạn với câu mở đầu "tôi và em". Hay trong bài "Ngại xuân" tác giả bắt đầu bằng các câu thơ hầu như đều bằng từ "ngại" và toàn bài có đến mười ba từ "ngại" (trong tổng thể mười sáu câu thơ ). Hoặc như trong bài "Phố đỏ" lặp lại nhiều lần từ "có", "chợt nhớ" và cụm từ "tòa thiên nhiên"... Trong bài "Không dưng" tác giả viết: không dưng em khóc dưới cội me không dưng tôi dừng lại lắng nghe không dưng tiếng vạc kêu thảm thiết không dưng đang buồn vui ly biệt (Không dưng) Việc sử dụng hình thức điệp cú, điệp cấu trúc, điệp từ thường xuyên đã tạo sự chặt chẽ trong cấu tứ thơ, sự trùng phúc về giai điệu, sự "nhòe mờ nghệ thuật" giữa các chữ, đồng thời là sự bung phá tự nhiên trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Hơn thế nữa, cách diễn đạt của Nguyễn Trọng Tạo rất lạ, vừa gieo rắc vừa gợi mở trong lòng người những cảm hứng sáng tạo tinh tế: vẫn còn chếnh choáng chai mưa tôi tin là "rượu"em mua của trời (Làm đền ) Nhà thơ có cái ý nghĩ độc đáo: nước mưa là rượu của trời. Hình ảnh "chai mưa" và hành động em "mua" rượu của trời quả là một hình ảnh độc đáo. Đó là cách diễn đạt rất khác người, gây ấn tượng rất thú vị: thở dài tăcxi xe ôm rồ máy trở về trên chiếc xích lô văng lẻ pê-đan sao lại là em sao không là em khác (Bí ẩn La Joconde) Có khi một bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo chỉ có hai câu. Hai câu rất ngắn ngủi mà ẩn chứa bao điều. Những điều mà nếu càng nghĩ càng cảm thấy sâu sắc, cảm thấy được trái tim anh nóng bỏng như thế nào với thơ, với đời: sông Hương hóa rượu ta đến uống ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say (Huế 1) Bên cạnh đó là những bài thơ viết khá dài, khá tự do và bừa bộn. Anh viết như một sự giải thoát, mạch thơ cứ chạy dài theo cảm xúc, như bài: "Thơ gửi người không quen", "Điều bình thường lạ lẫm", "Số không", hay "Phố đỏ"...Nhiều khi cách diễn đạt của Nguyễn Trọng Tạo cũng đầy rắm rối song cũng đầy ý tưởng nghệ thuật: lách cách lách cách lách cách lách cách không chịu nổi à ơi không chịu nổi chuẩn mực lách cách lách cách cạch computer bị lỗi (Bài thơ bị lỗi ) Thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có nhiều cách tân về ngôn ngữ. Tôi xin tóm lại những ý đã diễn đạt trên đây bằng một nhận xét của Thụy Khê: "Anh làm mới thơ đôi khi bằng nhịp điệu khác thường trong thơ lục bát, bằng một sự đột xuất, một đảo ngữ chênh vênh hay một hư từ không đúng chỗ hoặc một hình ảnh không giống ai..." 2.2- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ đặc biệt giàu nhạc tính, đầy sự ngân rung khác người Sở dĩ người ta thường nhấn mạnh nhạc tính trong thơ là vì "ngôn ngữ của thơ ca giàu nhịp điệu, ngữ điệu, quãng cách và hòa âm so với văn xuôi".[2,201] "Âm thanh, nhịp điệu thêm hàm nghĩa cho từ ngữ gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói hết".[4,367] Ngoài tài năng thơ Nguyễn Trọng Tạo còn có nhiều tài năng khác về nghệ thuật, đặc biệt anh là một nhạc sĩ. Điều này ít nhiều hỗ trợ cho tính nhạc trong thơ anh thêm sâu sắc. Tính nhạc bao trùm, hòa quyện trong sáng tác thơ của Nguyễn Trọng Tạo: chia cho em một đời say một cây si với một cây bồ đề tôi còn đâu nữa đam mê trời chang chang nắng tôi về héo khô chia cho em một đời Thơ một lênh đênh một dại khờ một tôi (Chia) Đọc những câu thơ này ta có cảm giác như đang tiếp xúc với một bài tình ca buồn. Mỗi câu thơ như kéo dài ra thêm, các từ "một" được điệp đi điệp lại làm cho các câu thơ như chùng xuống mà lại "phối" với nhau rất sâu về ý nghĩa cũng như về nhịp. Cấu trúc của các câu thơ co giãn tự nhiên, "say - si", "đê - mê", "khổ - thơ - tôi" tạo nên âm hưởng dìu dặt trong lòng người đọc. Chất nhạc này là tổ hợp của ba yếu tố thanh điệu, vần điệu, nhịp điệu - một tổ chức ngọt ngào của tâm hồn. Nguyễn Trọng Tạo không yêu cầu quá cao trong hình thức về mặt âm vận để tạo nên tính nhạc nhưng chính tâm hồn đa mang, sầu cảm của anh đã đem lại nhạc tính cho ngôn từ. Thơ anh du dương, vang động đầy tính nhạc, đầy "chất xạ mê ly", đầy ảo thuật huyền bí và những rung động tinh vi: lá rừng rụng mấy mùa khô trong thơ qua mấy mùa mưa phập phồng chiến trường Tây chiến trường Đông gặp dòng sông nhớ dòng sông nhớ mình (Thơ tình người đứng tuổi) Câu, chữ lục bát cứ ngân nga, dập dìu khiến người đọc như không dứt ra được "giai điệu" của nó: da diết - thiết tha. Ngôn ngữ nhẹ nhàng, trầm lắng mà tự nhiên, thanh thoát tạo cho nhịp thơ sức lắng đọng và kết tinh trong trái tim của người đọc. Đúng như nhận định: ''Riêng Trọng Tạo, anh chỉ đi theo nhịp bước nghìn năm của dân tộc, nhịp song hành là chính, nhịp chẵn, hai - bốn và cả sáu - tám, cả chín - mười, rất nhiều câu thơ dầu số chữ lẻ vẫn luôn theo nhịp chẵn như vợ chồng, âm dương, như đôi chim liền cánh, hễ nghe kỹ từ phía trong hay phía ngoài cửa ngôn từ, nhất là ở những dấu lặng và khoảnh cách giữa hai câu, tôi vẫn thấy cái ung dung thư thái của nhịp chẵn, nhịp sáu - tám. Tôi nghĩ rằng anh cố tránh sự trúc trắc, sai nhịp trong cùng một câu, cái gồ ghề và cái gấp gáp của cuộc sống túi bụi thị trường mà tôi thường gặp ở một số tác giả mới cứ tự cho mình là "hiện đại" lắm, bất chấp một nguyên tắc lớn của thơ phương Đông là nhạc điệu trong thơ. Nhạc điệu trong thơ là cái người ta thường gọi là hồn thơ, không có nó, bài thơ chỉ là một đống xác chữ"(''Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo", Hoàng Cầm). Như vậy nhạc điệu trong thơ là "hồn thơ", Nguyễn Trọng Tạo đã nắm bắt được điều này và rất nhạy cảm trong vấn đề phát huy: anh đừng nhắc nữa mùa thu vàng phai màu áo tương tư một thời cầm tình trót để tình rơi mò kim đáy bể người ơi vui đừng bây giờ nước mắt người dưng bây giờ sấu rụng trong rừng hết chua (Tình rơi) Âm nhạc là một thủ pháp khiến người đọc dễ say với cái say thi sĩ vốn là một phần bản thể của Nguyễn Trọng Tạo. Anh - nhà thơ đã biết tựa vào âm nhạc để trình bày các ý tưởng, diễn giải mớ cảm xúc bòng bong, lộn xộn trong cuộc sống. Đây cũng chính là cách mà tác giả lắng nghe âm thanh đời sống: vào bao công viêc không tên tôi say như thể có em đến gần như là tôi đã một lần nói yêu em dọc mùa xuân hai người... (Thơ gửi người không quen) Nhận thấy thơ Nguyễn Trọng Tạo phiêu diêu cảm xúc, ma lực của âm nhạc và sự kỹ lưỡng nghiêng về phía trong của chữ nghĩa chính là sự giao hòa giữa yếu tố lãng mạn và trữ tình trong thơ anh. Một số bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo đã được chính tác giả, cùng một số nhạc sĩ như Phú Quang phổ nhạc. Ngoài yếu tố sự, hình, tình, thơ anh luôn đầy ắp nhạc, là điều kiện, là nguồn cảm hứng cho nhiều bài hát phổ nhạc cho thơ. Trong bài "Nhịp điệu Tây Nguyên" ta bắt gặp một nhịp điệu dữ dội. Ngược lại bài "Cỏ may trên sân thượng" lại cho ta nhịp điệu dịu dàng, tha thiết: cỏ may không hẹn mà xanh tim ta khâu vá cho lành nhớ thương ngang trời hoa cỏ đẫm sương lanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng (Cỏ may trên sân thượng) Nguyễn Trọng Tạo có lối thơ thiên về âm nhạc, dễ ru lòng người qua cách tạo vần lưng, vần chân, tạo điệp khúc. Yếu tố nhạc trong thơ anh đã tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, cũng như tạo nên sự chuyển động tình cảm một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng và tinh tế. Là một nhạc sĩ, đồng thời cũng là nhà thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã cố gắng phát huy sự phối hợp hai khả năng đó trong quá trình sáng tạo. Trên hành trình nghệ thuật mà Nguyễn Trọng Tạo đã đi ít nhiều tạo ra những thành công và hiệu quả. Đặc biệt anh đã xây dựng ở bạn đọc yêu thơ một trái tim biết yêu đời, biết ru mình, ru đời, ru dịu những mất mát, khổ đau. Nguyễn Trọng Tạo là người nghệ sĩ đã biết lắng nghe nhịp đập và âm vang của cuộc đời bằng trái tim tổng hợp của mọi giác quan. Có lẽ vì anh là một nhà thơ yêu thích Kinh Thi, thơ Đường nên phần ca từ rất được chú trọng và trau chuốt cẩn thận. Phải khẳng định lại rằng Nguyễn Trọng Tạo đã hoàn thiện một trong các chức năng, đặc tính ngôn ngữ thơ - đó là nhạc tính. II-Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 1- Khái niệm giọng điệu tác phẩm văn học "Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hình tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên dùng sắc điệu, tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm.Chẳng hạn trong thơ tình yêu của Thế Lữ, theo Hoài Thanh có giọng điệu "lẳng lơ" mà xa vời, thiếu tình "ấm áp" thể hiện ở cách gọi thiếu nữ là "cô em" do chưa đủ thân mật để gọi bằng "em"; giọng điệu ngọt ngào,êm ái trong "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng; giọng điệu suồng sã, đay nghiến trong Chí Phèo của Nam Cao; giọng điệu mỉa mai,châm biếm trong "Thuế máu" của Nguyễn Aí Quốc. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. Không nên lẫn lộn giọng điệu và ngữ điệu, là phương tiện biểu hiện của lời nói, thể hiện qua cách lên giọng, xuống giọng, nhấn mạnh nhịp điệu, chỗ ngừng... Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng và có điệu. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với cái giọng "trời phú" của mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị thường đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản, chủ đạo chứ không đơn điệu".[7,112 - 113] 2-Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo Tiêu biểu trong giọng thơ của Nguyễn Trọng Tạo có hai giọng: giọng suy tư, ngẫm ngợi và giọng tưng tửng, ngu ngơ Ngoài âm và nghĩa ra thơ còn có giọng. Giọng thơ ít nhiều thể hiện phong cách nghệ thuật của tác giả. Trong văn học Việt Nam ta thấy có vô vàn những giọng thơ khác nhau, ví dụ như giọng thơ châm biếm, đả kích của Tú Xương; giọng trữ tình Cách Mạng của Tố Hữu hay giọng u sầu, ảo não của Huy Cận...Hôm nay chúng ta băt gặp một giọng thơ mới, quen như từng gặp ở đâu đó mà lạ như chưa từng nghe. Nói riêng về giọng điệu thì Nguyễn Trọng Tạo cũng đã cố gắng hết mình để tạo nên một cái gì như mới mẻ hơn. 2.1- Giọng suy tư, ngẫm ngợi Chính tính chất âm nhạc trong ngôn ngữ đã tạo chất phiêu lãng trong giọng điệu thơ Nguyễn trọng Tạo. Và chất đời lại là điểm tựa cho giọng thơ suy tư ngẫm ngợi trong thơ anh. Phía sau giọng điệu này là chiều sâu cảm hứng nhân thế mà nhà thơ đã nhận, đã thu gom từ cuộc đời: con sáo sang sông mùa thu tuổi tác con người bội bạc chợt buồn chợt vui (Chợt) Có khi nhà thơ không định nói gì quan trọng mà lại hóa ra toàn những cái đau khổ, cái vui buồn nhân thế nên giọng thơ càng trở nên ngẫm ngợi và suy tư hơn. Có những bài thơ gợi lên nổi trầm lắng đến thăm thẳm. Dù đôi khi thi sĩ không cố tình gợi sự nặng nề nhưng rồi giọng thơ cứ như chùng xuống, nằng nặng đến khó tả: tình yêu như chuyến xe ngược chiều trên con đường vô định gương mặt em nhòa dần sau khung kính của lòng ta (Tình yêu qua) Hoàng Cầm nhận xét: ''ngôn từ và nhịp điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo cứ tâng tâng, tưng tửng thường khi lênh tênh tưởng như nhẹ nhõm lắm, cũng có lúc như hì hục tưởng như nặng nhọc lắm".("Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo",Hoàng Cầm) Giọng thơ suy tư, trữ tình góp phần thế hiện quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm về không gian, thời gian trong thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đặc biệt trong nhiều bài thơ, giọng thơ này chiếm ưu thế như: "Tản mạn thời tôi sống","Tái diễn", "Đêm cổ điển","Ngại xuân","Chân trời","Số không","Cỏ may sân thượng"...Trong "Tản mạn thời thôi sống" từ đầu đến cuối tác giả đều sử dụng giọng thơ này, rất phù hợp với nội dung và ý nghĩa của bài: có bao người ước cuộc sống bình thường như một thuở xa xôi mình đã có thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình (Tản mạn thời tôi sống) Nguyễn Trọng Tạo luôn ý thức được trách nhiệm của mình, đó là không được thờ ơ hay buông lơi trước cuộc sống riêng chung. Chính vì thế nên hành trình thơ của Nguyễn Trọng Tạo sau bao nhiêu năm là tiếng thơ sâu thẳm của một cõi hồn người, thành ra giọng suy tư ngẫm ngợi càng sâu lắng hơn: đêm lên tháp Eiffel nhìn Paris diễm lệ ly cà fê thoang gió lạnh tháng mười em thang máy dịu dàng như nước Pháp những nụ hôn xúc động ở trên trời (Tháp Eiffel) Tính chất cô đơn, khắc khoải hoài nhớ trong cuộc đời Nguyễn Trọng Tạo cũng là một yếu tố hỗ trợ cho chất giọng này. Anh ngất ngưỡng, say say - tỉnh tỉnh; có có - không không giữa quá khứ và hiện tại. Anh thường lắng lại để trăn trở, suy tư: tôi như người nửa tỉnh nửa say tôi như có, tôi như chẳng có tôi hiện tại hay tôi về quá khứ vầng mặt trời chợt lặn chợt mọc lên (Nếu ngày mai) Giọng suy tư, ngẫm ngợi trong thơ Nguyễn Trọng Tạo phần lớn luôn được giữ ở mức độ vừa phải, kể cả khi diễn tả những nổi "đau đời": trộm cắp đâm nhau dưới đèn mờ xích lô máu me cấp cứu tham nhũng nâng ly mừng thắng lớn ú ớ nói mơ người đói không nhà (Mộng du) Nhà thơ nói như vô tình, nóí như vu vơ, bâng quơ, nhưng thật ra điều đó càng tăng thêm sự xót xa, bất lực trước cuộc sống xô bờ. Cảm nhận về điều này, Mai Hương đã có nhận xét hết sức tinh tế: ''Trong vẻ thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dang ông nói được những điều lớn lao và sâu xa của cuộc sống thế sự. Và sau vẻ "thản nhiên" ấy của thơ là những ưu tư, trăn trở da diết của nhà thơ về cuộc đời với bao nhiêu câu hỏi mà "câu trả lời thật không dễ dàng chi".[5,537].Quả thật thơ Nguyễn Trọng Tạo có những điều bình thường không dễ nói ra, không dễ để diễn đạt cho trọn vẹn: Văn bây giờ chẳng còn ranh giới nữa Thơ mông lung sắp đặt lại chân từ Chữ Trinh sa cơ ở trọ thân Kiều Người mỉm cười người cau mày người khóc Bọn lấm bùn sắm comple đón khách Tài và tiền cũng bắt đầu bằng chữ tê (T) (Điều bình thường lạ lấm) Đời sống là đời sống. Con người là con người. Nghệ thuật là nghệ thuật. Nhưng đôi khi lại chẳng có ranh giới nào cụ thể. Mọi thứ đều mong manh và dễ biến đổi. Riêng Trọng Tạo thì thơ ngày càng chững chạc và sâu lắng hơn. Giọng thơ anh càng ngày càng suy tư hơn, thể hiện qua việc đặt nhan đề cho nhiều bài thơ với các từ như:''Nghiền ngẫm","Cộng cảm","Tự vấn","Chiêm cảm","Tạ từ"... Giọng suy tư ngẫm ngợi có lúc chuyển sang da diết, nhất là khi nói với "em", với tình yêu, hoài niệm: biển đầy vơi thương nhớ biển xanh ơi thân thể ai hồng hào pha ngọn sóng da thịt người chạm vào tôi nóng bỏng rồi có thể người quên còn tôi mãi giữ gìn (Hoa li vàng) Chất suy tư ở con người này đã ngấm cả vào thơ, như men rượu ngấm dần vào máu. Chúng ta đọc thơ anh - chàng thi sĩ của trần gian để thấu hiểu với cõi lòng anh, cảm nhận được những trăn trở và khát vọng của anh về tình yêu, nghệ thuật cũng như cuộc sống. Qua đó để thấy chất phong trần ở Nguyễn Trọng Tạo không chỉ thể hiện trên gương mặt đăm chiêu, thấm nổi buồn diệu vợi mà còn thể hiện qua giọng thơ suy tư, ngẫm ngợi cũng như trái tim anh đã chai sạn với nổi đau, nổi mất mát trong cuộc đời. Tất cả những gì anh để lại không là ảo ảnh mà là một "cõi sầu" một "cõi mộng" một "cõi say" - vĩnh viễn trong đời...! 2.2- Giọng thơ tưng tửng, ngu ngơ Nguyễn Trọng Tạo "tuyên ngôn","gây sự" với đám đông chủ yếu bằng giọng thơ tưng tửng. Tuy có phần không phổ biến bằng giọng thơ suy tư, ngẫm ngợi nhưng có thể thấy giọng tưng tửng, ngu ngơ cũng là giọng thơ dễ gặp trong thơ anh: có lúc ngai vàng nguy biến lạnh người nghe một tiếng mèo rên (Chiêm cảm ) Trong "Lời tựa" cho tập "Đồng dao cho người lớn" của Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: "cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước ngã ba ngã tư bât ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi, với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ thông minh lạ thường". mặt trời tôi vẽ không ngừng mặt trời đen. Cũng xin đừng trách tôi bức tranh chỉ có một mùa thôi đen như màu áo xui tôi nhớ nàng (Bức tranh đen) Nhiều khi chỉ một ý nghĩ mỉa mai, châm biếm xã hội xô bồ, ồn ào cũng khiến Nguyễn Trọng Tạo sử dụng giọng thơ này. Có chút gì đó giống như cách nói: "bà đầm ngoi đít vịt", "ông cử ngổng đầu rồng" của Tú Xương. Tuy cách mỉa mai của Trọng Tạo có phần nhẹ hơn và thiên về lối hiện đại: bia ngoại rượu tây anh uống tối ngày quanh năm suốt tháng vịt tần gà quay ăn đầy uống say sẵn bày nơi chốn nhà ta bốn lầu mời anh lầu bốn (Bá Kiến thời hiện đại) Người thi sĩ này thường có lối nói đùa đùa, giỡn giỡn, thật thật. Anh là tuýp người tài hoa đa mang lắm mối nên nhiều khi trong anh có sự nhập nhằng, sự nhập nhằng tạo sự tưng tửng. Song là sự tưng tửng có khi rất đáng yêu: anh nghèo anh giữ làm tin ai mua thì bán ai xin dễ vào (Ngôi sao buồn) Nguyễn Trọng Tạo rất đắm đuối với cuộc sống và con người, và nếm nhiều vị đắng cay, chua chát nhưng nhiều khi anh không khóc được đành bật cười. Những lúc như vậy thấy giọng anh rất hài hước, chuyển đổi cách nói rất dí dỏm: bây giờ yêu nghĩa là vèo xe cub xe đạp anh xẹp lốp cả tứ mùa (Bây giờ yêu) Bên cạnh một tính cách đằm thắm, lãng mạn, Nguyễn Trọng Tạo còn là một "tay giang hồ khí cốt"(chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Trong con người cũng như trong thơ anh luôn có cái ngông. Và chính cái ngông đó nhiều khi làm thơ tưng tửng hơn, tưng tửng vô cùng, tưng tửng đến bất cần: "tin thì tin không tin thì thôi", tưng tửng đến quậy phá: quẫy nát bóng người bóng hoa quẫy nát compter quẫy nát bức tường vỡ quẫy nát trời xanh (Bài thơ bị lỗi) Những cảm xúc vu vơ trong cuộc sống đời thường vào thơ cũng trở nên dễ thương, giọng thơ lúc này khó định dạng theo kiểu nào nhất định: ta trở về vợ con ngái ngủ tivi vẫn mở bào hát lạ quen con mèo ngóng chủ như là không tên (Vu vơ) Lại có khi giọng thơ ngu ngơ đến ngán ngẩm trước một ý nghĩ nào đó: đến khi chết vẫn nụ cười chữ nhật vẫn cúc kết vòng hoa vẫn rượu một lò bia một hãng cản cứng phở Bát Đàn phở Bát Đàn phở Bát Đàn không còn ai bắt tay bàn tay vẫn lắc (Nụ cười chữ nhật) Như vậy sự tưng tửng, ngu ngơ của giọng điệu đều xuất phát từ trạng thái tâm lý không bình thường. Có khi giọng tưng tửng thể hiện sự bơ vơ đến ngất ngưởng, cũng nhiều khi đó là sự bất lực đến điên dại nên tìm đến rượu, tìm đến bạn bè: sắn tiền vài lít chưa là bốc trắng tay mươi xị dễ đâu gàn vui chơi cũng lạ đông hơn họp vàng nát không chừng cốc đã tan (Bạn bè ở Huế ) Lắm lúc, một vần lạ, một nhịp khác thường cũng tạo nên giọng điệu tưng tửng. Sự tưng tửng này hoàn toàn không phải là hiện tượng "lên gân" mà nó phụ thuộc nhiều vào tình cảm, trạng thái tâm lý và ý định của chủ thể trữ tình. Nhà thơ tỏ vẻ lạnh lùng song thật ra lại đang chăm chú lắng nghe chính lòng mình: em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ cỏ uống mưa run rẩy cỏ đang thì mưa rào đến rồi đi (Cỏ và mưa) Thật ra trong truyện ngắn và tiểu thuyết thì giọng điệu nghệ thuật biểu hiện rõ và trực tiếp hơn. Chúng ta biết rằng giọng điệu của một số nhà văn trong văn học hiện thực phê phán 30-45 chủ yếu là giọng khách quan, lạnh lùng; trong văn học kháng chiến thì giọng tuyên truyền cổ động. Giọng thơ tưng tửng dạng như Nguyễn Trọng Tạo có nét tương đồng với giọng một số nhà văn mới như Nguyễn Thị Thu Huệ, Tạ Duy Anh, hay Nguyễn Huy Thiệp...nghĩa là giọng điệu rất cá tính, không phụ thuộc vào khuôn khổ và tùy cảm hứng. Giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, nhà thơ, là phương tiện biểu hiện của tác phẩm văn học mà nó còn là yếu tố thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm. Với Nguyễn Trọng Tạo thì anh đã thành công trong việc xây dựng giọng thơ cho riêng mình. Người đọc sẽ còn nhớ mãi đến một Cẩm Ly, một Tào Ngu Tử đã rong ruổi trên khắp các chặng đường nghệ thuật để tô điểm cho một mục đích duy nhất là làm đẹp cho cuộc đời. Nhớ chút trầm lắng, suy tư, nhớ chút giang hồ, ngông cuồng, cũng như nhớ những giây phút "điên điên" của anh. Không ai quên hình ảnh Trọng Tạo những chiều lang thang bên sông Hương để tìm cho thơ niềm cảm hứng Huế....Chàng thi sĩ đã chân thành biết chừng nào khi tâm sự "Mất nhiều hơn được hay được nhiều hơn mất, chẳng quan trọng gì lắm đối với một nhà thơ đang đi..."( Tiểu luận: "Đọc Vỉa Từ"- Nguyễn Trọng Tạo) C- Phần kết luận Thế giới nghệ thuật thơ thực chất là sự tinh túy trong hệ thống hình thức biểu hiện hệ thống nội dung của tác giả, tác phẩm. Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Trọng Tạo chính là sự kết tinh một cách hài hòa và cân đối giữa các yếu tố nghệ thuật. Anh đã đưa đến cho thơ những hình tượng đẹp đẽ, quan niệm chân thật về con người; những không gian - thời gian nghệ thuật ấn tượng; những độc đáo trong sử dụng ngôn ngữ và cách xây dựng giọng điệu phù hợp cho thơ. Thuộc típ người tài hoa, đa mang nhưng Nguyễn Trọng Tạo luôn yêu và dành nhiều thời gian cho thơ. Nguyễn Trọng Tạo đã đem đến cho thơ Việt Nam đương đại một tiếng nói rất mới nhưng vẫn mang đậm phong vị trữ tình của thơ Việt nói chung. Anh là nhà thơ hiện đại nhưng biết dùng cái hồn dân tộc để cảm nhận cuộc sống, để hòa nhập cái cũ và cái mới, để xây đắp nên những ấn tượng khó quên. Thơ anh đã gợi ra Cái Đẹp, Điều Lành và Sự Thật (chữ dùng của Hoàng Cầm). Tâm tư, tình cảm và khát vọng, ước mơ của con người mới đã hiện lên rõ nét qua những vần thơ cháy bỏng của Nguyễn Trọng Tạo. Dường như lúc nào anh cũng muốn đi đến tận cùng của tâm trạng và suy tư thời đại. Bằng những câu chữ của tấm lòng, sự từng trải cuộc đời và lòng tin yêu cuộc sống, Nguyễn Trọng Tạo đã để lại dư âm trong lòng bạn đọc về một tiếng thơ, hồn thơ: say đời - say tình - say mộng… Với phong cách thơ phóng túng nhưng trữ tình sâu lắng, Nguyễn Trọng Tạo đã làm phong phú thêm những trang thơ Việt Nam trong thời đại mới. Sự xô bồ, nỗi vui buồn nhân thế không ngăn được mạch thơ đương đại Việt Nam. Và trong dòng chảy mạnh mẽ ấy Nguyễn Trọng Tạo đã góp một tiếng nói riêng, một nhân sinh quan đầy cá tính về con người. Nguyễn Trọng Tạo đã cho đời những giọt nước mắt của tình yêu, của tấm lòng và cảm hứng nhân văn cao đẹp. "Chính những giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như hạt sương hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo của niềm tin ẩn giấu đằng sau bộ mặt đã phong trần, sự trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ: Nhưng tôi người cầm bút, than ôi Không thể không tin gì mà viết" (Tựa tập "Đồng dao cho người lớn", Hoàng Phủ Ngọc Tường)... D-Tài liệu tham khảo 1) Nguyễn Phan Cảnh , "Ngôn ngữ thơ", NXB VHTT, Hà Nội 2001 2) Hữu Đạt ,"Ngôn ngữ thơ Việt Nam", NXB KHXH, Hà Nội 2000 3) Nguyễn Thị Bích Hải "Thi pháp thơ Đường", NXB Thuận Hóa, Huế, 1995 4) Phương Lựu (chủ biên), "Lý luận văn học", NXB GD, Hà Nội 2002 5) Nguyễn Đăng Mạnh - Bùi Duy Tân - Nguyễn Như Ý (đồng chủ biên), "Từ điển tác giả, tác phẩm VHVN dùng cho nhà trường", NXB ĐHSP, Hà Nội 2006 6) Nguyễn Đăng Mạnh "Chân dung và phong cách", NXB VH, Hà Nội 2003 7) Nguyễn Khắc Phi (biên soạn), "Từ điển thuật ngữ văn học", NXB GD, Hà Nội 2002 8) Trần Đình Sử "Thi pháp thơ Tố Hữu", NXB VHTT, Hà Nội, 2001 9) Trần Đình Sử "Thi pháp Truyện Kiều", NXB GD, Hà Nội 2000 10) Nguyễn Trọng Tạo "Đồng dao cho người lớn", NXB VH, Hà Nội 1994 11) Nguyễn Trọng Tạo "Thơ trữ tình", NXB Đồng Nai, 2000 12) Nguyễn Trọng Tạo "Thơ với tuổi thơ", NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2003 MỤC LỤC A-Phần mở đầu 1 I-Lý do chọn đề tài 1 II- Lịch sử đề tài 1 III-Phạm vi và phương pháp nghiên cứu 2 IV-Bố cục khóa luận 3 B-Phần nội dung 4 ChuơngI- Hình tượng thơ và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 I-Hình tượng thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 1-Khái niệm hình tượng thơ 4 2-Hình tượng thơ Nguyễn Trọng Tạo 4 2.1-Hình tượng nhân vật trữ tình 5 2.2-Hình tượng thiên nhiên 9 II-Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 16 1-Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người 16 2-Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 16 2.1-Con người cô đơn 17 2.2-Con người đồng hiện quá khứ - hiện tại - tương lai 20 Chương II-Không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 24 I- Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 24 1-Khái niệm không gian nghệ thuật 24 2- Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 25 2.1-Không gian trần thế 25 2.2-Không gian vĩnh hằng 28 II-Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 32 1-Khái niệm thời gian nghệ thuật 32 2-Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trọng Tạo 33 2.1-Thời gian trần thế 34 2.2-Thời gian vĩnh hằng 37 Chương III- Ngôn ngữ và giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 41 I-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo 41 1-Khái niêm ngôn ngữ thơ 41 2-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo 42 2.1-Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ "hòa giải" giữa cái mới và cái cũ 42 2.2- Ngôn ngữ thơ Nguyễn Trọng Tạo là ngôn ngữ đặc biệt giàu nhạc tính, đầy sự ngân rung khác người. 47 II- Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 50 1-Khái niệm giọng điệu tác phẩm văn học 50 2-Giọng điệu thơ Nguyễn Trọng Tạo 50 2.1-Giọng thơ suy tư, ngẫm ngợi 50 2.2-Giọng thơ tưng tửng, ngu ngơ 53 C-Phần kết luận 56 D-Tài liệu tham khảo 57

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docHình tượng thơ và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Nguyễn Trọng Tạo.doc