Hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Giáo dục giáo pháp luật trong các nhà trường, đặc biệt trong các trường cao đẳng kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, góp phần đào tạo nhân lực, hình thành một cách vững chắc những thế hệ công dân - người lao động đáp ứng những yêu cầu của xã hội hiện tại và tương lai. Do đó, hơn 10 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ra những nghị quyết, chỉ thị trong đó khẳng định rằng để xây dựng và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân cần “Đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học, từ phổ thông đến đại học, trung học chuyên nghiệp và các trường của các đoàn thể nhân dân ”. Đòi hỏi này chỉ có thể được thực hiện tốt, đầy đủ khi đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật theo tinh thần Chỉ thị số 32 - CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư trung ương Đảng và Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ - “Chú trọng việc chuẩn hóa nội dung chương trình, tài liệu, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật chính khóa cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa bằng nhiều hình thức phong phú”. Với tinh thần ấy, các cơ quan chức năng đã phối hợp, từng bước tổ chức triển khai việc đưa giáo dục pháp luật vào các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, song song với đổi mới các chương trình, mục tiêu ở hệ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ các trường phổ thông có chương trình nội dung giáo dục pháp luật thống nhất trong toàn quốc, một môn học chính khóa - môn “Giáo dục công dân”. Còn trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề chưa xây dựng được chương trình chuẩn quốc gia về giáo dục pháp luật, lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, phương pháp cho phù hợp từng loại đối tượng. Việc đào tạo, sử dụng đội ngũ giáo viên giáo dục pháp luật trong các nhà trường còn bất cập. Công tác giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật chưa được chú trọng đúng mức, chưa ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này đã dẫn đến chất lượng giáo dục pháp luật trong các trường này chưa cao, tình trạng vi phạm pháp luật trong sinh viên vẫn xẩy ra, trình độ hiểu biết pháp luật của sinh viên thấp. Trong khi đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong điều kiện đổi mới và hội nhập đòi hỏi công tác giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật phải được tăng cường thường xuyên và chất lượng cao. Vì vậy việc hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật là một yêu cầu bức thiết hiện nay. Xuất phát từ nhận thức đó, tôi chọn đề tài “Hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay”. 2. Tình hình nghiên cứu Nội dung “giáo dục pháp luật” từ lâu đã được đề cập trong các tài liệu giảng dạy của các trường đại học trong các tài liệu: “giáo trình lý luận về Nhà nước và pháp luật” của Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, “Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật”, “Những vấn đề cơ bản về pháp luật” của Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật. Trong những phạm vi và mức độ khác, đã có một số công trình đề tài nghiên cứu khoa học đề cập vấn đề giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng như: “Các luận án phó tiến sỹ khoa học luật” ở nước ta hiện nay của Đinh Xuân Thảo; “Ý thức pháp luật và giáo dục pháp luật ở Việt Nam ” của Nguyễn Đình Lộc; Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới. (Đề tài khoa học cấp Bộ năm 1994 của Bộ Tư pháp); “Bàn về giáo dục pháp luật ” của Trần Ngọc Đường và Dương Thanh Mai (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995); “Giáo dục pháp luật cho học sinh trong nhà trường phổ thông ở nước ta hiện nay” của Lê Quý Đình. Nhìn chung, các công trình, bài viết nêu trên đã đề cập từng mặt, từng khía cạnh cả về lý luận và thực tiễn của giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tiếp tục nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống về cơ sở lý luận, bản chất, đặc trưng, nội dung, hình thức giáo dục pháp luật, nhất là sự đổi mới và xây dựng chương trình chuẩn giáo dục pháp luật trong cao đẳng kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước vẫn chưa được thực hiện. 3. Mục đích nhiệm vụ của luận văn Mục đích của luận văn là góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và nhu cầu thực tiễn hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường nói chung, góp phần hoàn thiện chương trình chuẩn giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật nói riêng ở Việt Nam hiện nay. Để thực hiện mục đích trên, luận văn có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây: - Phân tích làm rõ khái niệm và các tính chất đặc thù của chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam. - Đánh giá sơ bộ thực trạng về chương trình, nội dung giáo dục pháp luật hiện nay trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở nước ta. - Thử định chuẩn chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật. - Đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện và thực hiện chương trình chuẩn giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở nước ta hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn Luận văn nghiên cứu về chương trình giáo dục nói chung, chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật nói riêng, góp phần định hướng hoàn thiện chương trình chuẩn giáo dục pháp luật trong các trường đại học và cao đẳng ở nước ta. 5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn Luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng những quan niệm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc đề cao vai trò của pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền; đề cao nhân tố con người, đào tạo con người phát triển toàn diện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luận văn kết hợp các phương pháp nghiên cứu biện chứng duy vật, lịch sử, phân tích so sánh, tổng hợp với phương pháp điều tra xã hội học pháp luật, phương pháp thí điểm và phương pháp phân tích tổng hợp để chọn lọc, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm cũ và mới trong và ngoài nước. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn Luận văn góp phần nghiên cứu cơ sở lý luận hoàn thiện chương trình chuẩn giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở khái quát phân tích thực trạng về chương trình giáo dục pháp luật trong một số trường cao đẳng kỹ thuật, nhất là Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, phát hiện và phân tích những điểm chưa hợp lý hiện nay và đề xuất những biện pháp, phương hướng có thể vận dụng để tiến tới hoàn thiện chương trình tương đối chuẩn về giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng ở nước ta trong thời gian tới. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn có 3 chương, 9 tiết.

pdfChia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3120 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfHoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các trường cao đẳng kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay.pdf