Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Danh ngôn Trung Quốc có câu: "Phụ nữ đỡ nửa bầu trời". Sự đúc kết đó đã nói lên vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu của người phụ nữ trong xã hội. Lẽ tất yếu, vai trò xã hội đòi hỏi vị trí xã hội tương ứng. Tuy nhiên, hàng ngàn năm nay, ở khắp nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn phải chịu những thiệt thòi về mặt vị trí xã hội so với nam giới. Điều đó đặc biệt thể hiện ở sự bất bình đẳng với phụ nữ trong việc hưởng thụ các quyền chính trị. Cuộc đấu tranh cho vị thế bình đẳng của phụ nữ so với nam giới xuất phát từ nghịch lý kể trên, bắt đầu từ buổi bình minh của chế độ phụ quyền. Phát triển từ thấp đến cao, từ tự phát đến tự giác, cho đến ngày nay, đấu tranh cho vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới, trong đó đặc biệt là quyền chính trị của phụ nữ, đã không còn là vấn đề riêng biệt của mỗi quốc gia, mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại và được thể chế hóa trong nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ chiếm 50,8% dân số và 48% lực lượng lao động xã hội. Phụ nữ nước ta trước đây đã có những đóng góp hết sức to lớn vào công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành và giữ gìn độc lập, xây dựng Tổ quốc. Trong sự nghiệp Đổi mới hiện nay, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn sát cánh cùng nam giới phấn đấu vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" và có những đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định xã hội cũng như những cống hiến xuất sắc trong việc chăm lo xây dựng gia đình, nuôi dưỡng các thế hệ công dân tương lai của đất nước. Không những vậy, nhiều phụ nữ còn mang lại những vinh quang lớn cho đất nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, thể thao. Nhận thức rõ vị trí và vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội nên ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập, các quyền của công dân nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận và khẳng định, trong đó có các quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ . Điều đó đã tạo điều kiện căn bản cho phụ nữ tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động kinh tế, xã hội và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều và hiệu quả hơn vào lĩnh vực chính trị; nhờ vậy, phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội và nhiều đại diện tham gia vào hệ thống chính trị, cũng như vào việc đề xuất, hoạch định, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xét chung trên toàn thế giới và khu vực, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao về mức độ bảo đảm quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ, thể hiện ở tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội ở mức tương đối cao. Mặc dù vậy, trên thực tế ở Việt Nam, quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ vẫn chưa được bảo đảm một cách tương xứng so với vai trò và khả năng của phụ nữ trong xã hội. Điều đó thể hiện ở chỗ vẫn còn khoảng cách lớn giữa tỷ lệ đại biểu nữ và nam trong các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) và số lượng hạn chế phụ nữ nắm giữ các vị trí then chốt có quyền ra quyết định trong các cơ quan của hệ thống chính trị (xem phụ lục 1 đến phụ lục 7). Đơn cử, mặc dù ở mức cao trên thế giới, song tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ khóa XI mới chỉ đạt 27,3%, tỷ lệ đại biểu nữ ở Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ (2004-2007) là 20,1% [17, tr. 3-5]. Rõ ràng, tỷ lệ đại biểu nữ hiện nay chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu là đại diện giới mình trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến việc giải quyết các quyền lợi chính đáng cho phụ nữ. Thực tế kể trên đặt ra nhu cầu cấp thiết phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên lĩnh vực chính trị, qua đó giúp phụ nữ tham gia và đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, cũng như bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan của Nhà nước ta, mà một trong những hướng tiếp cận cơ bản là hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật trên lĩnh vực này. Vì vậy, tác giả chọn đề tài: "Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay" làm đề tài luận văn thạc sĩ chuyên ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Trong những năm gần đây, đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu xoay quanh vấn đề quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam, tiếp cận từ nhiều khía cạnh như quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia vào quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội của phụ nữ . Tiêu biểu trong đó có thể kể như:"Quyền bầu cử và ứng cử của công dân trong chế độ ta" của Đàm Văn Hiếu (Tạp chí Luật học, số 3, 1975; "Công ước về việc loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ" của TS. Ngô Bá Thành (Tạp chí Luật học, số 2, 1982); "Phụ nữ: những ưu ái và thiệt thòi- nhìn từ góc độ xã hội, pháp lý" của TS. Hoàng Thị Kim Quế (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 9, 2003); "Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới (Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII)" của Hà Thị Khiết (Tạp chí Khoa học về phụ nữ, số 3, 2004); "Quyền chính trị của phụ nữ trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trong pháp luật Việt Nam" của TS. Nguyễn Văn Mạnh; "Công ước của Liên hợp quốc và pháp luật Việt Nam về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ" của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp. Riêng cuốn sách: "Vai trò của nữ cán bộ quản lý nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" của TS. Võ Thị Mai đề cập kỹ hơn, sâu hơn về một phần nội dung của đề tài đó là phụ nữ tham gia vào quản lý nhà nước. Tuy các bài viết, công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến một số nội dung liên quan đến đề tài luận văn, nhưng đều chưa nghiên cứu một cách hệ thống cơ sở lý luận cũng như các quy phạm pháp luật và những giải pháp cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ. Đề tài: "Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay" là công trình khoa học độc lập, không trùng lắp với các công trình nêu trên, nghiên cứu có hệ thống cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu những nội dung của đề tài, tác giả có kế thừa, tham khảo kết quả nghiên cứu ở các công trình khoa học nêu trên. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn - Mục đích của luận văn là đề xuất những phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của nước ta và các chuẩn mực quốc tế có liên quan mà Nhà nước ta đã cam kết thực hiện. - Để thực hiện được mục đích trên, luận văn cần giải quyết các nhiệm vụ sau: (1) Phân tích khái quát cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ để làm tiền đề đánh giá và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ. (2)Tập hợp và phân tích hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến việc bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam; (3) Trên cơ sở những nhiệm vụ (1) và (2), chỉ ra những thành tựu và hạn chế của pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam và đề xuất các phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như xu thế toàn cầu hóa hiện nay. 4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của luận văn Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề có phạm vi rộng, không chỉ liên quan đến pháp luật, mà còn gắn liền với nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, với khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, tác giả chỉ đi sâu nghiên cứu về hệ thống các quy phạm pháp luật liên quan đến việc bảo đảm các quyền chính trị cơ bản của phụ nữ ở Việt Nam, trong đó tập trung vào các quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội và quyền tham gia các tổ chức chính trị - xã hội. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn - Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng về nhận thức chính trị, về quyền chính trị của phụ nữ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. - Các phương pháp cụ thể mà tác giả sử dụng để nghiên cứu đề tài bao gồm phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, so sánh, thống kê . 6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn So sánh với các công trình khoa học khác trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vấn đề về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam, luận văn có một số đóng góp mới về khoa học như sau: - Về cách tiếp cận: Luận văn lần đầu tiên tiếp cận nghiên cứu về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam thông qua việc gắn các quy định pháp luật có liên quan với vấn đề bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong pháp luật quốc tế. - Về nội dung: Trên cơ sở so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn pháp lý có liên quan và các điều kiện tác động về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam, luận văn lần đầu tiên khái quát hóa, phân tích và đánh giá một cách có hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam cũng như việc thực hiện những quy định này trong thực tế . Luận văn cũng đề xuất các phương hướng và luận chứng những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, nhất là sự cần thiết phải ban hành Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam, trong đó có những quy định về sự bình đẳng trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ. 7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Với kết quả luận văn đạt được, tác giả hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam trong thời gian tới. Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy về vấn đề liên quan đến quyền chính trị của phụ nữ trong các trường đào tạo cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng của Đảng và Nhà nước. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 8 tiết.

pdf127 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4698 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mới... Cụ thể là những vấn đề sau: Thứ nhất, xây dựng và đào tạo đội ngũ nữ cán bộ quản lý phải gắn với chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước và việc sử dụng hợp lý và hiệu quả đội ngũ đó. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã bước đầu quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nữ cho phù hợp với những nhu cầu khắt khe của quá trình hội nhập. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển chọn, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do lãnh đạo các ban, ngành chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nữ cán bộ quản lý mà mới chỉ nặng về khai thác sự đóng góp của phụ nữ. Do đó, dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ nữ mất cân đối, thiếu tính đồng bộ so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và không đồng đều ở các cấp, ngành, khu vực nhất là trong hệ thống quản lý nhà nước. Thiếu tính đồng bộ và mất cân đối ở đây là ở chỗ, thực tế cho thấy, một số cán bộ nữ có năng lực thực sự, nhưng chưa được qua đào tạo cơ bản nên trong quá trình làm việc, đôi khi không bảo đảm hiệu quả công việc; trong khi đó, có một số nữ cán bộ năng lực rất hạn chế, nhưng lại được đào tạo đi đào tạo lại và cuối cùng cũng không 96 bảo đảm được hiệu quả công việc.Vì vậy, để làm tốt công tác đào tạo đội ngũ nữ cán bộ quản lý, Nhà nước ta cần tiến hành các biện pháp cụ thể sau: - Trước hết, cần quy hoạch tổng thể bằng cách xây dựng và đào tạo đội ngũ nữ cán bộ quản lý gắn với chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể là phải quy hoạch cán bộ nữ một cách tổng thể, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, làm sao bảo đảm tăng dần về số lượng cũng như chất lượng và có tỷ lệ hợp lý, tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nhất là những ngành có liên quan trực tiếp đến lợi ích của phụ nữ. Đồng thời, xây dựng một kế hoạch quốc gia lâu dài để đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý về các quy trình đào tạo: chính quy, không chính quy ở các nơi đào tạo cơ bản như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, hay trong hệ thống các trường chính trị tỉnh thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh... - Bên cạnh đó, cần thể chế hóa trách nhiệm tuyển dụng, sử dụng, đề bạt nữ cán bộ quản lý và thiết kế một quy trình theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình này ở mọi cấp. Và cùng với việc kiểm tra, theo dõi việc thực hiện, cần phải thường xuyên đánh giá, rà soát lại khả năng sử dụng đội ngũ cán bộ nữ hiện có xem hiệu quả công việc thế nào, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp nhằm bảo đảm chất lượng quản lý của đội ngũ nữ cán bộ quản lý. Thứ hai, khắc phục những bất cập trong một số chính sách "ưu tiên" đối với lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng về độ tuổi về hưu, tuổi đề bạt được quy định trong Bộ luật Lao động và một số văn bản quy định của Chính phủ Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55 và nam là 60 tuổi. Thực tế cho thấy, bản thân lao động nữ đang làm việc trong các cơ quan, khu vực khác nhau có rất nhiều ý kiến khác nhau về tuổi nghỉ hưu. Cụ thể là những người đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa làm việc trong các ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại thường mong muốn được về 97 nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới không chỉ là 5 năm mà là 10 năm. Đối với đội ngũ trí thức và lao động nữ trong khu vực hành chính sự nghiệp thì mong muốn độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bình đẳng như nhau. Rõ ràng, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sao cho phù hợp và thiết thực với họ là hết sức cần thiết; cần có sự linh hoạt từ 50 đến 60 tuổi tùy thuộc vào nguyện vọng, sức khỏe, điều kiện và đặc biệt là ngành nghề của họ. Cụ thể là: - Về nguyên tắc, độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ phải ngang nhau và phải tùy theo từng ngành nghề, năng lực, điều kiện sức khỏe chứ không nên quy định chỉ dựa vào giới tính. Vì vậy, tuổi nghỉ hưu của lao động nam theo pháp luật hiện hành là 60 tuổi thì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cũng phải là 60 tuổi. Sở dĩ cần sửa đổi quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là vì: thứ nhất, theo luật định cũng như trên thực tế, tuổi bắt đầu đi học và bắt đầu tham gia vào quá trình lao động của nữ và nam là ngang nhau. Vì vậy, không có lý do gì phụ nữ phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm; thứ hai, tuổi thọ bình quân của phụ nữ ở Việt Nam cao hơn nam giới; thứ ba, phụ nữ thường phát huy khả năng lao động của mình tốt nhất ở giai đoạn từ 35 tuổi trở ra, đặc biệt là phụ nữ làm công tác quản lý lãnh đạo. Lúc này, phụ nữ mới đáp ứng đầy đủ điều kiện bằng cấp cũng như năng lực chuyên môn cao, năng lực lãnh đạo quản lý. - Bên cạnh việc điều chỉnh tuổi về hưu chung như trên, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc quy định tuổi về hưu cho lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng theo nghề nghiệp và khu vực chứ không nên rập khuôn, máy móc theo một độ tuổi chuẩn chung. Chẳng hạn, đối với khu vực hành chính sự nghiệp, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý, nên để tuổi về hưu của phụ nữ như nam giới là 60 tuổi, trừ trường hợp phụ nữ có nguyện vọng nghỉ sớm hơn. Còn đối với các ngành nghề độc hại và nặng nhọc, kể cả trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn tùy theo điều kiện sức khỏe, năng lực và môi trường làm việc của phụ nữ. Đồng thời, cần 98 nghiên cứu bổ sung quy định ưu tiên cho lao động nữ với những lý do đặc biệt như sức khỏe yếu, lý do gia đình… nếu có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn tuổi chuẩn mà vẫn hưởng mức lương hưu đúng quy định. Còn đối với một số văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về quy định tuổi đề bạt các cán bộ cấp vụ cũng cần xem xét lại và điều chỉnh cho hợp lý. Theo văn bản "Tiêu chuẩn Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và các chức vụ tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ" quy định tuổi đề bạt các cán bộ cấp vụ không quá 45 tuổi cho cả nam và nữ. Như vậy, trong khoảng thời gian ngắn, phụ nữ phải phấn đấu rất nhiều mới mong được đề bạt vào các vị trí trọng yếu. Hiện nay, cán bộ nữ cấp vụ phần lớn là trên 50 tuổi, vượt quá độ tuổi quy định trong Văn bản trên. Vì vậy, theo tác giả luận văn, khi đề bạt cán bộ cấp vụ hoặc tương đương đối với nữ cán bộ nên để độ tuổi linh hoạt từ 40 đến 50. Việc áp dụng chính sách "mềm" này trong công tác cán bộ sẽ khuyến khích phụ nữ khi đã 45 tuổi phấn đấu thêm để đạt được những vị trí lãnh đạo cao hơn, tránh tình trạng yên phận ở vị trí hiện tại. Điều này rèn luyện tính năng động cho lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Vì vậy, việc áp dụng chính sách tuổi hưu và tuổi đề bạt linh hoạt sẽ đem lại hiệu quả có tính tích cực để đạt được mục tiêu nâng cao vai trò của nữ giới trong hoạt động quản lý. Thứ ba, Ban hành Luật Bình đẳng giới để bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trên mọi lĩnh vực, trong đó có nội dung bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng thông qua việc ban hành một số chính sách và pháp luật liên quan đến quyền chính trị của phụ nữ. Tuy nhiên, do 99 tính chất rộng lớn, phức tạp và những yêu cầu đặc biệt của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, có thể thấy rằng, khuôn khổ pháp lý hiện hành của nước ta liên quan đến vấn đề này vẫn chưa đủ để tạo ra những chuyển biến toàn diện và hiệu quả trong việc bảo đảm các quyền bình đẳng của phụ nữ trên thực tế. Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành trên lĩnh vực này ở nước ta chủ yếu mới chỉ dừng lại ở những quy định chung, đề cập đến vấn đề một cách khái quát, ở tầm vĩ mô; trong khi việc bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ, trong đại đa số hoàn cảnh, đòi hỏi phải có những quy định chi tiết. Hiện tại, hầu hết các đạo luật có liên quan đến vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ ở nước ta mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định các quyền công dân của phụ nữ, trong khi không hoặc đề cập không cụ thể đến cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó trong thực tế. Đơn cử, liên quan đến quyền bình đẳng về chính trị, Hiến pháp và các đạo luật có liên quan tuy đã khẳng định quyền bầu cử, ứng cử của phụ nữ (thậm chí cụ thể hơn là quy định về việc bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội), nhưng vẫn thiếu những quy định liên quan đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị - một vấn đề đóng vai trò là cơ sở giúp phụ nữ có thể nâng cao năng lực và tự tin phấn đấu đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo trong hệ thống chính trị của đất nước. Vì vậy, mặc dù các chính sách và quy định pháp luật về quyền bình đẳng trong lĩnh vực chính trị của phụ nữ ở nước ta hiện có nhiều nhưng tỷ lệ đại biểu nữ và cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý ở các cấp vẫn còn chưa cao, chưa mang tính ổn định, hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Hạn chế kể trên là do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ đại biểu nữ và cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý chưa cao đó là do sự tản mạn của các quy định có liên quan trong chính sách và pháp luật của Nhà nước ta góp phần dẫn đến hạn chế về thiếu những quy định cụ thể. Bởi vậy, việc pháp điển hóa các quy định về bình đẳng nam nữ trong một 100 đạo luật riêng là một hướng đi phù hợp và cần thiết. Việc ban hành đạo luật riêng về bình đẳng giới với ý nghĩa là một tập hợp các quy định pháp lý đề cập một cách chi tiết, đầy đủ các quyền mà phụ nữ được hưởng, cũng như về cơ chế tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện các quyền đó của phụ nữ. Điều này sẽ khắc phục được những hạn chế hiện tại trong vấn đề này ở nước ta. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Luật Bình đẳng giới và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Có thể nói, đây là một quan điểm hết sức tiến bộ và đánh dấu sự phát triển nhận thức đáng kể của Đảng và Nhà nước ta về sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nội dung Luật này không nằm ngoài chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, để Luật Bình đẳng giới có tính khả thi trong cuộc sống, theo quan điểm riêng của tác giả luận văn, Luật này cần thể hiện được những khía cạnh sau: Trước hết, cần làm rõ các từ ngữ: "Giới","bình đẳng giới", "cơ hội bình đẳng", "quyền bình đẳng", "phân biệt đối xử" và "biện pháp đặc biệt tạm thời" (nếu có) trong phần các điều khoản chung của Luật. Theo tác giả luận văn, có thể hiểu các cụm từ này như sau: - "Giới": Nói đến giới ở đây là nói đến mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực, kể cả quyền, nghĩa vụ, quan niệm và phong tục tập quán - "Quyền bình đẳng": Là sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cả nam và nữ theo luật định. - "Bình đẳng giới": Là địa vị bình đẳng về giới và bình đẳng về cơ hội để thực hiện quyền, cho phép nam nữ phát huy tiềm năng và khả năng tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa 101 - "Cơ hội bình đẳng": Là việc đạt được trên thực tế các điều kiện như nhau giữa nam và nữ để thực hiện các quyền của họ phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế. - "Phân biệt đối xử": Nội dung của khái niệm này có thể căn cứ theo Điều 1 của CEDAW mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, về mặt diễn đạt, cần thiết phải giải thích hoặc cụ thể hóa quy định trong điều khoản này (trong Luật hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện), bởi lẽ điều khoản này có nội dung rất rộng và diễn đạt khá trừu tượng. Điều quan trọng là phải chỉ ra được những tiêu chí để thực hiện trong thực tế, có thể vận dụng các tiêu chí đó để dễ dàng xác định được những vi phạm quyền bình đẳng nam nữ. - "Biện pháp đặc biệt tạm thời" (nếu có): Là một giải pháp tình thế trong những trường hợp mất cân đối về giới do những đặc thù về mặt sinh học hoặc những lý do khác nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng. Quy định về biện pháp đặc biệt tạm thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, do trong mối tương quan với đàn ông, phụ nữ (xét tổng quát) là đối tượng bị thiệt thòi hơn. Bởi vậy, tương tự như khái niệm "phân biệt đối xử", cũng cần thiết phải cụ thể hóa khái niệm này, chỉ ra những ứng dụng cụ thể, có thể ngay trong Luật hoặc trong văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, quy định về biện pháp tạm thời này chỉ được đặt ra khi có sự mất cân bằng về giới và nó sẽ chấm dứt khi tỷ lệ hai giới cân bằng nhau. Có thể thấy, tất cả các khái niệm trên đều liên quan đến cụm từ "bình đẳng". Do đó, cần làm rõ cụm từ này. Từ trước đến nay, có một số quan điểm cho rằng, "bình đẳng" là "bình quân". Vì vậy, một số đánh giá việc thực hiện quyền của phụ nữ còn thiếu chính xác. Từ những khái niệm trên, chúng ta có thể hiểu "bình đẳng" ở đây là bình đẳng về "cơ hội" chứ không phải là "bình quân" hay "cào bằng". Thêm vào đó, cần phải hiểu là trong một số bối cảnh, 102 sự đối xử khác biệt không hoàn toàn đồng nghĩa với bất bình đẳng hay phân biệt đối xử. Nói cách khác, sự bình đẳng thực chất là sự gắn kết hài hòa nguyên tắc bình đẳng về cơ hội cho tất cả với việc ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ cho những nhóm, cá nhân có vị thế hoặc xuất phát thấp hơn. Thứ hai, nên xem Luật Bình đẳng giới như là luật khung để tham chiếu với các luật khác, chứ không phải là luật quy định chi tiết tất cả các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ. Nếu Luật này là luật quy định chi tiết thì chắc hẳn sẽ không đầy đủ và rõ ràng được. Đồng thời, nếu quy định chi tiết thì sẽ trùng lắp với các quy định trong các luật khác liên quan đến phụ nữ. Chẳng hạn, đối với quy định tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, cần đưa vào Luật Bình đẳng giới vì vấn đề tuổi nghỉ hưu lâu nay đã được bàn luận và kiến nghị nhiều lần với Nhà nước nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Tuy nhiên, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc là "tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức nam giới, nữ giới như nhau" nhằm tránh sự chồng chéo với các quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động như trong Bộ luật Lao động. Ngoài ra, nội dung của Luật Bình đẳng giới phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản có liên quan của Luật quốc tế và không gây sự trùng lắp, chồng chéo với các chính sách, pháp luật khác của quốc gia liên quan đến vấn đề này. Thứ ba, trong Luật Bình đẳng giới, không nên quy định tỷ lệ phần trăm nữ tham gia các cơ quan dân cử. Bởi vì, một mặt, việc đặt ra tỷ lệ này vô hình chung đã tạo ra sự phân biệt giới ngay chính trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Mặt khác, việc quy định tỷ lệ này là trái với các quy định trong Hiến pháp và các luật có liên quan đến phụ nữ. Ngoài ra, việc đặt ra tỷ lệ này đã phần nào hạn chế tiềm năng của phụ nữ, đặc biệt là đối với những phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hay những đơn vị nhiều nữ. Chẳng hạn, đối với các cơ quan này, nếu đặt ra tỷ lệ nữ chỉ là 30%, trong khi đó, rất nhiều phụ nữ đáp ứng được các tiêu chuẩn của người lãnh 103 đạo và có khả năng trúng cử vào các vị trí trên, thì quy định này mặc nhiên đã hạn chế khả năng của phụ nữ, trong khi tiềm năng của họ rất dồi dào. Thứ tư, ngoài những điều khoản chung phù hợp với luật pháp quốc tế, cần có những điều khoản riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, để có những quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam, cần tham khảo và rút kinh nghiệm các luật tương tự liên quan đến việc bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ ở một số nước tiên tiến như Trung Quốc, Thụy Điển. Chẳng hạn, Luật bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ (năm 1992) của Trung Quốc có hẳn một chương riêng (chương 2) quy định về quyền chính trị của phụ nữ, bao gồm: quyền thực hiện các công việc nhà nước, quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa và giám sát các hoạt động xã hội; quyền bầu cử và ứng cử. Đặc biệt, trong lĩnh vực bầu cử và ứng cử, Điều 10 của Luật này quy định về việc tạo điều kiện để có "số đại biểu nữ thích hợp" và "từng bước nâng dần tỷ lệ đó" trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Đại hội đại biểu nhân dân ở địa phương (Hội đồng nhân dân). Tóm lại, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở phát huy hết tiềm năng to lớn của phụ nữ, thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta, việc ban hành Luật Bình đẳng giới với những quy định và cơ chế giám sát thực hiện cụ thể có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện tại ở nước ta, đạo luật này có thể coi là cơ sở quan trọng, có tính quyết định nhằm bảo đảm đạt được những tiến bộ mang tính chất bước ngoặt trong việc hưởng thụ các quyền bình đẳng của phụ nữ và của sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong thời gian tới. Đạo luật này cũng là một dẫn chứng sinh động cho thấy mục tiêu đấu tranh vì hạnh phúc con người của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cũng như chứng minh đường lối, chính sách tiến bộ của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm các quyền con người nói chung và các quyền của phụ nữ nói riêng. 104 3.2.4. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về tổ chức hoạt động của các đoàn thể, tổ chức của phụ nữ Như chúng ta đã biết, xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật là hai khâu của một quá trình phát triển. Bất kỳ một Nhà nước nào muốn giữ vững độc lập chủ quyền, ổn định tình hình chính trị nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cũng cần phải xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật đó. Quyền chính trị của phụ nữ chỉ có thể thực hiện tốt khi nó có cơ chế thực thi và giám sát đồng bộ việc thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Ở Việt Nam, các tổ chức liên quan trực tiếp và gián tiếp đến phụ nữ được coi là cơ quan giám sát và thực hiện quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị nói riêng. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng và hai cơ quan này còn được ngầm hiểu là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện quyền của phụ nữ. Để làm tốt được nhiệm vụ của mình, mỗi tổ chức, cơ quan thực hiện quyền của phụ nữ đều phải có chức năng, nhiệm vụ, cũng như các quy chế riêng liên quan đến quá trình thực hiện quyền của phụ nữ. Nhìn chung, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ và các quy chế của tổ chức mình. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan này chưa đồng bộ và toàn diện. Điều này dẫn đến hiệu quả của quá trình bảo đảm thực hiện quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần có những quy định cụ thể hơn, rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Để hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta cần tiến hành ngay những biện pháp sau: 105 Thứ nhất, tăng cường vai trò và quyền hạn cụ thể của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ Những năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, cũng như về tổ chức bộ máy, cán bộ để đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ trong thời kỳ đổi mới. Điều đó đã giúp cho Hội phụ nữ và Ủy ban luôn giữ vững được vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, khẳng định được vai trò là tổ chức, cơ quan đại diện tin cậy của phụ nữ Việt Nam. Như chúng ta đã biết, hai cơ quan này đã thường xuyên bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quan tâm tới nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, nên hoạt động của hai cơ quan này ngày càng thiết thực, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn. Để phát huy hơn nữa vai trò và vị trí của hai cơ quan này và khuyến khích sự tham gia tích cực của họ, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục tiến hành các biện pháp cụ thể sau: - Củng cố, bổ sung và hoàn thiện nhiệm vụ và quyền hạn sẵn có của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị nói riêng. Cụ thể là cần thúc đẩy vai trò của Hội phụ nữ trong việc giới thiệu nhân sự nữ, hỗ trợ cho các nữ ứng cử viên và có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quá trình bầu cử. - Các cấp Hội phụ nữ và Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cần tăng cường sự phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành chức năng, đoàn thể tổ chức tốt việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, chủ trương của công tác Hội và Ủy ban, 106 Công ước CEDAW cho phụ nữ, đặc biệt cho phụ nữ vùng núi, vùng sâu, vùng xa - Đảng và Nhà nước cần khuyến khích bằng cách hỗ trợ các nguồn lực cho các cơ quan này nhằm giúp họ thiết lập mạng lưới liên kết phụ nữ trong giới chính trị để chia sẻ kinh nghiệm và tạo sự phối hợp hoạt động chung không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. Mạng lưới này rất cần thiết, nó không chỉ giúp cho chị em phụ nữ trong hoạt động chuyên môn mà còn giúp việc hoàn thiện chính bản thân họ. Thứ hai, xây dựng cơ quan thực thi và giám sát việc thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ Thực thi quyền lực và thi hành pháp luật là những hoạt động luôn cần đến sự kiểm tra, giám sát đầy đủ và hữu hiệu trên tất cả mọi lĩnh vực, cụ thể là lĩnh vực chính trị. Đặc biệt, trong một Nhà nước pháp quyền, các hình thức thực hiện và cơ chế kiểm tra, giám sát phải thực sự được coi trọng và hoàn thiện ở mức cao nhất, bảo đảm quyền lực nhà nước luôn phục vụ nhân dân và đất nước, đồng thời, pháp luật luôn luôn được tôn trọng và bảo vệ. Từ trước đến nay, khi ban hành một văn bản pháp luật, chúng ta đã quy định cơ quan giám sát việc thực hiện luật đó (cơ quan luật định). Tuy nhiên, các quy định này chưa rõ ràng, cụ thể nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện, làm cho hiệu quả thực hiện chưa cao. Như trên đã phân tích, hiện nay, các cơ quan được coi là cơ quan thực thi và giám sát các luật liên quan đến phụ nữ là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Hai cơ quan này chưa có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, gây nên sự chồng chéo. Thực tế cho thấy, không có cơ quan nào có thể đảm nhiệm cùng một lúc hai nhiệm vụ vừa thực thi vừa giám sát, không phù hợp với công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Vì vậy, cần quy định lại cho rõ chức năng nhiệm vụ của hai cơ quan này. Theo tác giả 107 luận văn, nên chăng quy định chức năng thực thi Luật Bình đẳng giới cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Luật này. Như đã đề cập trong phần ban hành Luật Bình đẳng giới, để giám sát việc thực hiện Luật này, nên có một quy định riêng về việc thành lập một cơ quan thực thi và cơ quan giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Tuy nhiên, các cơ quan này không nhất thiết phải là một bộ máy hành chính cồng kềnh mà có thể đặt trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Để có một hệ thống các cơ quan thực thi và giám sát có hiệu quả, cần tham khảo các cơ chế giám sát của một số nước, chẳng hạn cơ chế giám sát ở Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển đã thiết lập những cơ chế bộ máy giám sát về bình đẳng giới. Các cơ chế này hoạt động rất có hiệu quả trong thực tiễn. Các cơ chế và bộ máy đó gồm: Bộ trưởng về Các Vấn đề Bình đẳng chịu trách nhiệm chung về các vấn đề bình đẳng; Quốc vụ khanh về các Vấn đề Bình đẳng Giới phụ trách nhóm công tác của Chính phủ về thúc đẩy và bảo đảm bình đẳng giới; Văn phòng Giám sát các Cơ hội Bình đẳng (Ombusman), một cơ chế giám sát độc lập về các cơ hội bình đẳng; Hội đồng về các Vấn đề Bình đẳng thuộc Chính phủ. Có thể thấy rõ, những cơ chế giám sát này đã bảo đảm cho phụ nữ Thụy Điển tham gia thực sự vào tất cả các hoạt động của đời sống chính trị xã hội. Ở Việt Nam, do có những đặc điểm riêng về kinh tế, xã hội và văn hóa nên muốn xây dựng hệ thống các cơ quan thực thi và giám sát tốt, cần chú ý các biện pháp sau: - Các cơ quan thực thi và giám sát này phải thực sự là cơ quan đầu mối, chỉ đạo trong việc phối hợp thực hiện với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở tất cả các cấp nhằm bảo đảm sao cho phụ nữ có mặt ở tất cả các giai đoạn như rà soát, xây dựng, giám sát, đánh giá việc thực hiện các 108 quyền của mình, kể cả quyền chính trị mà đã được quy định trong Luật Bình đẳng giới. - Cơ quan giám sát - Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phải thực sự trở thành cơ quan dân nguyện. Điều này có nghĩa là cơ quan này có quyền nhận đơn thư khiếu kiện liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, về việc thực hiện các quyền của phụ nữ và từ đó kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền, mà trực tiếp nhất là báo cáo lên Quốc hội, kể cả kiến nghị lên tòa án các cấp. - Các cán bộ của các cơ quan thực thi và cơ quan giám sát theo Luật Bình đẳng giới phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về luật, chính sách của Đảng để từ đó làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân về quyền chính trị của phụ nữ. - Mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương cần thành lập và phát huy khả năng của các hội liên hiệp phụ nữ và các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm thực thi và giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Và phải bảo đảm phụ nữ luôn là người đứng đầu ban đó và nhiệm vụ của ban này là tuyên truyền pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ; giám sát quá trình bầu cử, ứng cử, tuyển chọn và sử dụng cán bộ; đồng thời đánh giá các quá trình đó. - Cần bảo đảm sự cân bằng giới trong việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là cấp cơ sở. Muốn bảo đảm được quyền chính trị của phụ nữ, các cơ quan, bộ, ban ngành cần phối hợp chặt chẽ và có sự chỉ đạo chung của cơ quan giám sát. Và muốn thực sự phát huy hết khả năng của phụ nữ hay giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi mục tiêu của Cách mạng Việt Nam là đấu tranh cho quyền bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ. 109 3.2.5. Rà soát, sửa đổi pháp luật hiện hành bảo đảm phù hợp với Công ước CEDAW và các công ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia, ký kết, phê chuẩn Để việc hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan, theo tác giả luận văn: - Trước hết, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan tới nội dung các Công ước đã phê chuẩn nhằm đối chiếu, bổ sung và sửa đổi những quy định không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, cần tuyên truyền phổ biến tới nhân dân, đặc biệt là phụ nữ về nội dung các Công ước này, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật quốc tế, về ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong việc tham gia soạn thảo, đàm phán và ký kết các công ước quốc tế. - Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu để sớm phê chuẩn một số công ước liên quan đến phụ nữ như Công ước về Các quyền chính trị của phụ nữ (năm 1952). -Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về nghiên cứu pháp luật thông qua việc thường xuyên tổ chức các hội thảo khu vực và quốc tế nhằm tìm hiểu nội dung các công ước của Liên hợp quốc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc bảo đảm các quyền của phụ nữ, kể cả những công ước mà các quốc gia tham dự hội thảo chưa tham gia, ký kết và phê chuẩn. Các hội thảo này sẽ là những diễn đàn thích hợp giúp cho các quốc gia tham dự có điều kiện trao đổi kinh nghiệm áp dụng các công ước này trong hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, từ đó, một mặt, chỉ ra những điểm cần bổ sung cho công ước đề phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế; mặt khác, rút ra những bài học trong công tác nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả những công ước đó trong hoàn cảnh thực tiễn quốc gia mình. 3.3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ 110 Để không ngừng hoàn thiện việc thực thi chính sách, pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ, tác giả luận văn có một số kiến nghị sau: 1. Cần thiết phải đổi mới phương pháp, cách thức làm việc của các cơ quan nghiên cứu, ban hành chính sách và pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban hành văn bản pháp luật với các cơ quan thực hiện pháp luật, qua đó cơ quan ban hành văn bản pháp luật có thể nắm bắt được ý kiến đóng góp của đối tượng sẽ thi hành chính sách, của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, giảng dạy để từ đó mà cân nhắc các điều khoản cụ thể của văn bản luật cho phù hợp với thực tế. 2. Kịp thời rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật hiện hành, bổ sung các văn bản mới cần thiết nhằm khắc phục tình trạng chậm cụ thể hóa các điều khoản của các luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân và cả Luật Bình đẳng giới. Ngoài ra, cần có chế tài pháp lý nghiêm khắc đối với các cơ quan, công chức ra văn bản sai trái, vi phạm quyền của phụ nữ, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 3. Cần thiết phải ban hành ngay Luật Bình đẳng giới nhằm tạo ra một hệ thống pháp luật đồng bộ về quyền của phụ nữ nói chung và quyền chính trị của phụ nữ nói riêng, trong đó đáng lưu ý là việc thành lập một cơ quan luật định để giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong thực tiễn. 4. Các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu cần có những cuộc khảo sát điều tra nghiên cứu về mức độ hiểu biết của phụ nữ về quyền và nghĩa vụ của mình, nhu cầu, nguyện vọng của họ trong quá trình làm việc, kể cả những đề xuất của họ đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước. Trong quá trình điều tra, phụ nữ phải là người trực tiếp tham gia với tư cách là điều tra viên và người được phỏng vấn. Thông qua các cuộc điều tra này, các cơ 111 quan chức năng có thể cập nhật, sửa đổi các văn bản luật và điều chỉnh việc thực hiện pháp luật cho phù hợp. Quá trình này sẽ là cách thức tốt nhất để giúp cho phụ nữ có thể tiếp cận và áp dụng quyền và nghĩa vụ của mình đã được Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật. 5. Để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Công ước CEDAW, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác nhằm bảo đảm việc tuyên truyền đến được với tất cả phụ nữ, kể cả phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa thông qua các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể. KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 Ngày nay, trong quá trình khu vực hóa và quốc tế hóa, việc hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khách quan. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phải dần dần, từng bước và không dễ gì thực hiện ngay được, bởi trong xã hội vẫn còn những tư tưởng hẹp hòi, định kiến, trọng nam khinh nữ. Vì vậy, tác giả luận văn đề xuất một số phương hướng nhằm không ngừng hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ như sau: Một là, hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phải bảo đảm quyền bình đẳng, phát huy vai trò và khả năng của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hai là, hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phải đặt trong mối quan hệ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chung. Ba là, hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phải gắn với việc hoàn thiện cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật. Bốn là, hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ phải bảo đảm phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế có liên quan đến phụ nữ mà Nhà nước ta đã tham gia, ký kết, phê chuẩn. 112 Để thực hiện tốt các phương hướng đã đề ra, cần tiến hành một số các giải pháp cụ thể: 1. Rà soát và hệ thống hóa thường xuyên và có chất lượng các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến quyền chính trị của phụ nữ. 2. Tiếp tục quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về quyền chính trị của phụ nữ. 3. Sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, các chính sách bảo đảm quyền chính trị của phụ nữ. 4. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức, cơ quan của phụ nữ. 5. Rà soát, sửa đổi pháp luật hiện hành bảo đảm phù hợp với Công ước CEDAW và các công ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia, ký kết, phê chuẩn Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ cần giải quyết đồng bộ và thống nhất tất cả các giải pháp trên. Đồng thời, tác giả luận văn còn đưa ra một số kiến nghị nhằm không ngừng hoàn thiện việc thực thi chính sách và pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ trong thực tế. 113 KẾT LUẬN Lịch sử phát triển của xã hội loài người nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng minh vai trò vô cùng quan trọng của người phụ nữ. Trong bất kỳ cương vị và hoàn cảnh nào, phụ nữ luôn luôn tỏ rõ năng lực của mình. Thấy rõ được vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội, Đảng và Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Đây không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá đúng vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Do đó, việc lôi cuốn phụ nữ tham gia vào quá trình quản lý đất nước, quản lý xã hội là cần thiết và không thể thiếu được, là yêu cầu khách quan của xã hội văn minh và phát triển. Việc đề cử và trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ đang là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là nhu cầu tự thân của phụ nữ nhằm phát huy vai trò của giới trong phát triển kinh tế và còn mang lại lợi ích cho bản thân phụ nữ. Nói cách khác, sự tham gia của phụ nữ vào quản lý nhà nước và xã hội vừa mang lại lợi ích cho xã hội vừa nhằm giải phóng phụ nữ. Vì vậy, nghiên cứu đề tài: "Hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay" không nằm ngoài những mục đích trên. Luận văn trước hết khẳng định quan điểm "coi phụ nữ là công dân" trong quy định của Hiến pháp và vì vậy "đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Do đó, quan niệm pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ được xem xét từ khái niệm pháp luật về quyền chính trị nói chung và những quy định riêng về đặc điểm đặc thù của lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Xuất phát từ đặc điểm, vai trò của phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, đồng thời xuất phát từ thực tiễn pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ, luận văn đã đề xuất giải pháp sớm ban hành Luật 114 Bình đẳng giới cùng với việc thành lập hệ thống các cơ quan thực thi và giám sát được quy định trong Luật này. Việc ban hành Luật Bình đẳng giới không phải là sự "ưu tiên" hay "bất bình đẳng" mà là tạo cơ hội cần thiết nhằm giúp phụ nữ vừa thực hiện tốt chức năng quản lý, vừa thực hiện tốt thiên chức của mình. Trong quá trình thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ đã thể hiện một số ưu điểm nhất định, song vẫn còn những điểm chưa hợp lý chẳng hạn nhiều quy phạm pháp luật vẫn nằm trên văn bản mà chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trên thực tế, lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, vất vả và Đảng và Nhà nước ta chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của họ. Từ sự phân tích thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ, luận văn đã bước đầu đưa ra một số giải pháp cụ thể, vừa bổ sung sửa đổi một số quy phạm pháp luật không còn phù hợp, vừa đưa ra một số quy phạm mới và củng cố cơ chế thực hiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay. Tóm lại, hoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam là góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. 115 NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN Đà ĐƯỢC CÔNG BỐ 1. Hoàng Mai Hương (2005), "Quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được bảo đảm", Thông tin Công tác tư tưởng lý luận, (3), tr. 30-32. 2. Hoàng Mai Hương (2005), "Quy chế dân chủ ở cấp xã với việc đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của phụ nữ", Nhà nước và pháp luật, (6), tr. 18-20. 3. Hoàng Mai Hương (2005), "Ban hành Luật Bình đẳng giới để thúc đẩy và hiện thực hóa quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam", Lý luận chính trị, (9), tr. 68-72. 116 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Hồng Anh (1997), Chế độ bầu cử của một số nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng (1996), Phụ nữ, Giới và phát triển, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 3. Bộ Ngoại giao và Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2005), Báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 về tình hình thực hiện Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), (Dự thảo năm 2005), Hà Nội. 4. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) (1999), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7. Vũ Công Giao (2004), “Bình đẳng giới - cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại”, Tạp chí Cộng sản, (5), tr. 74-78. 8. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2001 (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 9. Học viện Hành chính Quốc gia (2001), Tài liệu Hội thảo Bác Hồ với phụ nữ và tăng cường năng lực quản lý của phụ nữ, Hà Nội. 10. Học viện Hành chính Quốc gia (2002), Tăng cường năng lực quản lý và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong công vụ, Hà Nội. 11. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1997), Tăng cường sự tham gia của phụ nữ ASEAN vào các vị trí ra quyết định, Hà Nội. 117 12. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2001), Quyền bình đẳng của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 13. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2002), Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 14. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2004), Báo cáo tham luận Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ nữ, Hà Nội. 15. Nguyễn Thị Kim Huệ (2003), Địa vị pháp lý của phụ nữ trong pháp luật phong kiến và pháp luật hiện nay ở Việt Nam, Luận văn cử nhân Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. 16. Phạm Khiêm Ích và Hoàng Văn Hảo (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội. 17. Hà Thị Khiết (2004), ”Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới (Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII)”, Khoa học về phụ nữ, (3), tr. 3- 6. 18. Nguyễn Linh Khiếu (2003), Nghiên cứu phụ nữ giới và gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 19. Dương Thị Ngọc Lan (2001), Hoàn thiện pháp luật về quyền lao động nữ ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 20. Võ Thị Hồng Loan và Đặng Ánh Tuyết (2005), “Bình đẳng nam nữ và thực hiện quyền bình đẳng nam nữ ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản, (5), tr. 39-42. 21. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 118 22. Võ Thị Mai (2003), Vai trò của nữ cán bộ quản lý nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 23. Dương Thanh Mai (2004), Công ước của Liên hợp quốc và pháp luật Việt Nam về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 24. Nguyễn Văn Mạnh (2000), “Quyền Chính trị của phụ nữ trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trong pháp luật Việt Nam”, Nhà nước và pháp luật, (3), tr. 3-11. 25. Hồ Chí Minh (1985), Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội. 26. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội. 27. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 28. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 29. Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ (1970), Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 30. Pháp luật vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (1996), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 31. Hoàng Thị Kim Quế (2003), “Phụ nữ: những ưu ái và thiệt thòi- nhìn từ góc độ xã hội, pháp lý”, Nghiên cứu lập pháp, (9), tr. 73-79. 32. Quỹ phát triển Liên hợp quốc về phụ nữ (UNIFEM) (2002), Báo cáo thành tựu tiến bộ phụ nữ thế giới 2002 33. Lê Minh Tâm (2003), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam- những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 34. Đỗ Thị Thạch (2003), ”Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở Việt nam hiện nay”, Lý luận chính trị, (8), tr. 69-73. 35. Cung Kim Tiến (2001), Từ điển Triết học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 36. Trung tâm Nghiên cứu khoa học về phụ nữ (1990), Bác Hồ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Hà Nội. 119 37. Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người (1998), Trích tác phẩm tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, Hà Nội. 38. Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người (2002), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)), Hà Nội. 39. Trường Đại học Luật Hà Nội (2002), Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 40. Từ điển Luật học (1999), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 41. Đào Trí Úc (2001), ”Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Nhà nước và pháp luật, (7), tr. 3-8. 42. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2002), Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2005, Nxb phụ nữ, Hà Nội. 43. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2002), Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, Hà Nội. 44. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (2004), Kỷ yếu Hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2003, Hà Nội. 45. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2002), Công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XI, Hà Nội. 46. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2002), Kỷ yếu Công tác mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI, nhiệm kỳ 2002 - 2007, Hà Nội. 47. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2003), Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2004-2009), Hà Nội. 120 48. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2004), Báo cáo tổng kết công tác mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2004-2009), Hà Nội. 49. Văn phòng Quốc hội (2003), Quyền của phụ nữ và trẻ em trong các văn bản pháp lý quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 50. Viện Thông tin Khoa học và Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người (1999), Vì quyền trẻ em và sự bình đẳng của phụ nữ, Hà Nội. TIẾNG ANH 51. Henry Kampbell Black (1990), Deluxe Black law dictionary, St. Paul, Minn. West publishing Co. 52. Inter- Parliamentary Union – The Convention on the Elimination of All forms of Discrimination against Women and its Optional Protocol – Handbook for Parliamentarians – 2003 WEBSITE 53. http:/www.wasd.k12.pa.us/district/curriculum/curriculum.htm. 121 PHỤ LỤC Phụ lục 1 Trình độ học vấn của lực lượng lao động nữ Năm 1996 Năm 1999 TT Trình độ Số lượng % TS chung Số lượng % TS chung 1 Giáo sư 28 3,5 32 4,3 2 Phó giáo sư 209 5,9 217 7,0 3 Tiến sĩ KH và tiến sĩ 1.054 12,1 2,106 14,9 4 Thạc sĩ 6.784 29.11 5 Đại học và Cao đẳng 342.000 28,8 586.374 40,7 6 Trung cấp chuyên nghiệp 212.000 21,6 780.660 51,0 7 Công nhân kỹ thuật 345.393 27,18 8 Tỷ lệ biết chữ (5 tuổi trở lên) 31.028.868 87,7 Nguồn: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002-2007), tháng 2 năm 2002. Phụ lục 2 Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tham gia khóa I – XI Thời gian Số lượng Tổng số đại biểu Quốc hội Tỷ lệ % Khóa I (1946-1960) 11 403 2,7 Khóa II (1960-1964) 53 453 11,7 Khóa III (1964- 1971) 66 453 14,6 Khóa IV (1971 – 1975) 125 420 29,8 Khóa V 137 420 29,8 Khóa VI (1976 – 1981) 132 492 26,8 Khóa VII (1981 – 1986) 108 496 21,7 Khóa VIII (1986 – 1992) 88 496 17,8 Khóa IX (1992 – 1997) 73 395 18,5 Khóa X (1997 – 2002) 118 450 26,2 Khóa XI (2002 – 2007 498 27,3 122 Nguồn: Văn phòng Quốc Hội năm 2002. Phụ lục 3 Phụ nữ trong Quốc hội Khóa VIII (1992- 1997) Khóa IX (1997- 2002) TT Chức danh Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Nữ Tỷ lệ %/Tổng số 1 Đại biểu Quốc hội 73 17,8 118 18,5 2 Phó Chủ tịch Quốc hội 0 0 1 25,0 3 Chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội 2 22,2 2 25,0 Nguồn: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX - nhiệm kỳ 2002-2007, tháng 2 năm 2002. Phụ lục 4 Phụ nữ tham gia trong các ban của Quốc hội khóa XI (2002 – 2007) TT Phụ nữ tham gia trong các ban Quốc hội Tỷ lệ % 1 Hội đồng dân tộc 43,6 2 Ủy ban ph¸p luËt 11,8 3 Ủy ban Khoa häc- C«ng nghÖ vµ M«i tr−êng 19,4 4 Ủy ban Kinh tÕ- Ng©n s¸ch 12,5 5 Ủy ban C¸c vÊn ®Ò x· héi 40,1 6 Ủy ban §èi ngo¹i 17,6 7 Ủy ban Quèc phßng vµ An Ninh 0 8 Ủy ban V¨n hãa Gi¸o dôc Thanh thiÕu niªn, Nhi ®ång 40,1 123 Phụ lục 5 Phụ nữ tham gia các cấp chính quyền 1. Ở Trung ương Khóa VIII (1992-1997) Khóa IX (1997-2002) TT Chức danh Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Nữ Tỷ lệ %/Tổng số 1 Phó chủ tịch nước 1 100 1 100 2 Bộ trưởng và tương đương 5 11,9 8 12,5 3 Thứ trưởng và tương đương 25 7,3 26 9,1 4 Vụ trưởng và tương đương 46 13,0 53 12,1 5 Vụ phó và tương đương 84 12,1 131 8,1 6 Tổng giám đốc 0 3,9 3 4,0 7 Phó Tổng giám đốc 0 4,0 11 4,0 2. Tỉnh, huyện, cơ sở Khóa VIII (1992-1997) Khóa IX (1997-2002) TT Chức danh Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Nữ Tỷ lệ %/Tổng số a CẤP TỈNH 1 HĐND * Đại biểu 633 20,4 773 22,3 * Chủ tịch 4 7,6 2 3,5 * Phó chủ tịch 1 1,9 2 3,5 2 UBND * Chủ tịch 1 1,6 3 3,3 * Phó chủ tịch 20 11,6 19 10,2 * ủy viên 32 6,4 43 12,6 3 Lãnh đạo khác * Giám đốc sở và tương đương 80 4,4 115 7,3 * PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG 250 8,5 260 9,9 * Trưởng phòng và tương đương 1.346 14,2 124 * PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG 1.996 23,6 B CẤP HUYỆN 4 HĐND * Đại biểu 3.112 18,4 3.804 20,1 * CHỦ TỊCH 12 3,6 21 3,8 * Phó chủ tịch 29 7,7 44 7,8 5 UBND * Chủ tịch 10 1,8 26 4,5 * Phó chủ tịch 56 8,5 79 7,1 * ủy viên 6 Lãnh đạo khác * TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG 1.603 11,7 * Phó trưởng phòng và tương đương 2.288 16,0 C CẤP CƠ SỞ 7 HĐND * Đại biểu 31.466 14,4 36.480 16,6 * Chủ tịch 87 1,5 * Phó chủ tịch 169 1,1 Nguồn: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002-2007), tháng 2 năm 2002. 125 Phụ lục 6 Phụ nữ tham gia công tác Đảng 1. Ở Trung ương: Tổng số nữ đảng viên tính đến tháng 11 năm 2000: 489.556 người, chiếm 19,4% so với tổng số đảng viên Khóa VIII (1996 – 2000) Khóa IX (2001 – 2005) TT Chức danh Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Nữ Tỷ lệ%/Tổng số 1 ủy viên Ban chấp hành 18 10,5 13 8,6 2 Bộ Chính trị 1 5,3 0 0 3 ban Bí thư 0 0 1 11,1 4 Ủy viªn ban kiÓm tra 2 22,2 2 22,2 Nguồn: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002-2007), tháng 2 năm 2002. 2. Tỉnh, huyện, cơ sở: Tỉnh Huyện Cơ sở TT Chức danh Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Nữ Tỷ lệ %/ Tổng số Nữ Tỷ lệ %/Tổng số Năm 1997 1 Ban chấp hành 280 11,3 1.956 11,7 8.253 9,6 2 Bí thư 4 7,5 13 2,6 262 0,8 3 Phó bí thư 0 0 22 3,9 171 3,1 4 Ban thường vụ 61 8,6 365 7,5 1068 3,4 5 Ban kiểm tra Đảng 20 13,4 106 10,4 396 5,1 Năm 2001 1 Ban chấp hành 319 11,3 2.512 12,8 11.134 11,9 2 Bí thư 1 1,6 22 3,7 297 0,9 3 Phó Bí thư 4 6,6 52 5,1 0 0 4 Ban thường vụ 55 7,3 0 0 1.265 3,7 5 Ban Kiểm tra Đảng 0 0 0 0 Nguồn: Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2002- 2007), tháng 2 năm 2002. 126 Phụ lục 7 Phụ nữ trong các cơ quan Tư pháp (Tòa án Nhân dân tối cao) năm 2001 Tòa án Nhân dân tối cao (Tổng số cán bộ nữ 173) Tỷ lệ % (40) Chánh án 0 Phó Chánh án 15,3 Thẩm phán 22,0 Chuyên viên, thẩm phán viên 40,5 Nguồn: Ban tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao. Phụ lục 8 Tỷ lệ phụ nữ ở những cương vị cao nhất trong Chính phủ một số nước châu Á Tên nước Tỷ lệ % Tên nước Tỷ lệ % Việt Nam 7 Trung Quốc 6 Lào 0 Cam-pu-chia 0 Myanmar 0 Thái Lan 0 Nguồn: Báo Thanh niên ngày 27/7/2000. 127 Phụ lục 9 Phụ nữ trong Quốc hội ở các nước châu Á - Thái Bình Dương Tên nước Tỷ lệ % Tên nước Tỷ lệ % Niu Di-lân 29,2 Phi-líp-pin 17,8 Việt Nam 27,3 Xin- ga- po 11,8 CHDC Đông Ti-mo 26,1 Ma-lai-xi-a 10,4 Ô- xtơ-rây-li-a 25,3 Thái Lan 9,2 CHDCND Lào 25,0 Cam-pu-chia 9,0 CHND Trung Hoa 21,8 In-đô-nê-xi-a 8,0 CHDCND Triều Tiên 20,1 Hàn Quốc 5,9 Nguồn: Tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới 2002. Phụ lục 10 Phụ nữ trong Quốc hội ở các nước Bắc Âu TT Tên nước Tỷ lệ % 1 Thụy Điển 40,0 2 Na-uy 39,4 3 Phần Lan 33,5 4 Đan Mạch 30,0 Nguồn: Ủy ban địa vị phụ nữ Liên hiệp quốc năm 1998.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfHoàn thiện pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.pdf
Luận văn liên quan