ĐẶT VẤN ĐỀ
Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành bởi người và cơ quan có thẩm quyền theo những nguyên tắc luật định nhằm phát hiện, thu thập, đánh giá và củng cố chứng cứ, lập hồ sơ đề nghị truy tố kẻ phạm tội để Viện kiểm sát nhân dân có căn cứ trong việc quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can. Việc xét xử của Tòa án có được đảm bảo hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng điều tra và việc tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra.
Để thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau theo quy định của luật tố tụng hình sự bao gồm những hoạt động như: khởi tố bị can; hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đối chất và nhận dạng; khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản .
Hỏi cung là một hoạt động quan trọng trong quá trình điều tra nói chung. Nó mang những đặc thù riêng biệt về cách thức, thủ tục, trình tự tiến hành . Việc thực hiện tốt công tác hỏi cung có ý nghĩa lớn trong việc chứng minh vụ án hình sự.
19 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4679 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hỏi cung trong tố tụng hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành bởi người và cơ quan có thẩm quyền theo những nguyên tắc luật định nhằm phát hiện, thu thập, đánh giá và củng cố chứng cứ, lập hồ sơ đề nghị truy tố kẻ phạm tội để Viện kiểm sát nhân dân có căn cứ trong việc quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can. Việc xét xử của Tòa án có được đảm bảo hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng điều tra và việc tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra.
Để thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra có quyền tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau theo quy định của luật tố tụng hình sự bao gồm những hoạt động như: khởi tố bị can; hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đối chất và nhận dạng; khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản...
Hỏi cung là một hoạt động quan trọng trong quá trình điều tra nói chung. Nó mang những đặc thù riêng biệt về cách thức, thủ tục, trình tự tiến hành... Việc thực hiện tốt công tác hỏi cung có ý nghĩa lớn trong việc chứng minh vụ án hình sự.
I. Khái niệm và đặc điểm của hỏi cung trong tố tụng hình sự.
1. Khái niệm.
Như đã biết, tố tụng hình sự là cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Theo từ điển Luật học thì hỏi cung là hoạt động tố tụng do Điều tra viên tiến hành khi có quyết định khởi tố bị can để lấy lời khai của người này về các tình tiết của các hành vi phạm tội.
2. Đặc điểm của hỏi cung.
Hỏi cung là một hoạt động tố tụng nằm trong giai đoạn điều tra – một trong bảy giai đoạn tố tụng hình sự. Do vậy nó mang đặc trưng riêng về chủ thể tiến hành, cách thức, trình tự, mục đích tiến hành.
- Chủ thể có thẩm quyền hỏi cung là Điều tra viên - là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự( theo Điều 29 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 20/8/2004). khoản 1 Điều 131 Bộ luật TTHS 2003 chỉ rõ: “việc hỏi cung bị can phải do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can...”. Cũng tại khoản 3 Điều này có ghi: “trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể hỏi cung bị can...”. Tại thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ở khoản 14.1 có quy định rõ những trường hợp Kiểm sát viên có quyền hỏi cung bị can: “trong quá trình điều tra, khi có yêu cầu của Cơ quan điều tra hoặc qua kiểm sát việc hỏi cung phát hiện thấy bị can kêu oan, lời khai của bị can trước sau không thống nhất lúc nhận tội, lúc không nhận tội; bị can có khiếu nại về việc điều tra; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực của lời khai bị can; trường hợp vị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng thì Viện kiểm sát có thể trực tiếp gặp, hỏi cung bị can. Khi cần hỏi cung, Kiểm sát viên phải báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng và thông báo trước cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.”. Ngoài ra, trong Quy chế tạm thời về công tác thi hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra vụ án hình sự năm 2005 của VKSNDTC cũng có quy định: “những vụ án phức tạp hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia việc hỏi cung bị can cùng với Điều tra viên.”
- Đối tượng hỏi cung là bị can. Theo Điều 49 Bộ luật TTHS thì:“bị can là người đã bị khởi tố về hình sự”. Không ai có thể bị coi là bị can nếu không có quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền.
- Việc hỏi cung được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, nếu chưa có quyết định khởi tố bị can thì Kiểm sát viên không có quyền hỏi cung bị can.
- Mục đích của hỏi cung là lấy lời khai của bị can về các tình tiết của vụ án, hành vi phạm tội của bị can cùng đồng phạm( trong trường hợp phạm tội có tổ chức) hoặc các tin tức tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa với công tác điều tra để làm chứng cứ trong quá trình chứng minh vụ án hình sự.
II. Những nguyên tắc cần tuân thủ trong việc hỏi cung.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ của hoạt động hỏi cung bị can, đòi hỏi chủ thể tiến hành phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc của hoạt động hỏi cung bị can là những quy định chung của pháp luật cần phải thực hiện một cách triệt để để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đầy đủ của hoạt động hỏi cung.
Hoạt động hỏi cung phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại chương II - những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật TTHS, ngoài ra còn phải tuân theo Điều 5 (nguyên tắc hoạt động điều tra) của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 20/8/2004:
1. Hoạt động hỏi cung phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
- Khách quan: hoạt động xem xét, đánh giá sự vật hiện tượng phải căn cứ vào sự thực vốn có của sự vật hiện tượng đó, phải có nhận định trung thực, tránh định kiến chủ quan khi nhìn nhận chúng. Khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên cần có thái độ khách quan khi nhìn nhận tội phạm, người phạm tội hoặc các khía cạnh khác của vụ án. Thái độ khách quan cần phài được thể hiện ngay trong tư tưởng phương pháp cộng tác, trong việc phát hiện, thu thập, đánh giá chứng cứ,...
- Toàn diện: nguyên tắc này được thể hiện trong nội dung thực hiện và áp dụng chính xác các điều luật của Bộ luật TTHS, BLHS, các chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước. Trong hỏi cung cần thu thập đánh giá cả những chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can; nhân thân của họ, nhân thân của họ, nguyên nhân, điều kiện phạm tội để từ đó không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
- Đầy đủ: nguyên tắc này đòi hỏi sự tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc và các quy định cụ thể của Bộ luật TTHS nhằm làm sáng tỏ mọi tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, bởi lẽ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng
Công dân có quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe, mọi hành vi xâm phạm một cách trái phép sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trong việc hỏi cung bị can, nghiêm cấm việc áp dụng những biện pháp thu thập lời khai của bị can trái pháp luật như:
+ Mớm cung: là lối hỏi cung trong đó người hỏi cung bằng cách này hay cách khác để lộ cho bị can biết được nội dung sự việc cần hỏi để bị can khai theo, trong khi đó những sự việc đó chỉ là suy luận, phán đoán chủ quan của cán bộ hỏi cung chứ chưa có căn cứ khẳng định chính xác.
+ Bức cung: hành vi của Cán bộ hỏi cung đã sử dụng những thủ đoạn khác nhau như đe dọa, khống chế, thúc ép hoặc dùng lời lẽ ngụy biện để cưỡng ép bị can phải khai sai những điều mà họ biết. Cán bộ hỏi cung vi phạm thì tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử lý theo Điều 299 BLHS năm 1999
+ Dụ cung: là lối hỏi cung bằng lời lẽ hoặc hành động nhẹ nhàng, khôn khéo để dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn vô nguyên tắc để mua chuộc bị can khai theo ý chủ quan của Cán bộ hỏi cung.
+ Dùng nhục hình: làm bị can đau đớn về thể xác bằng cách đánh đập, tra tấn bị can, không cho ăn uống, bắt bị can đứng phơi nắng, cùm xích chân tay bị can... hoặc tác động vào tâm lí làm cho bị can không thể chịu nổi mà phải khai nhận hoặc khai báo theo ý chủ quan của Cán bộ hỏi cung. Người có thẩm quyền mà dùng nhục hình trong hỏi cung thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 298 BLHS.
2. Thận trọng, coi trọng chứng cứ, không dễ tin lời cung, lời khai của bị can phải được thẩm tra, xác minh đảm bảo tính chính xác, rõ ràng.
Nội dung của nguyên tắc này là phải làm thế nào để những hành vi phạm tội hoặc liên quan đến tội phạm của bị can phải được phản ánh đầy đủ, chính xác trong lời cung của họ, đồng thời phải phân tích đánh giá nội dung lời khai một cách khách quan, có cơ sở để chứng minh lời khai của bị can là đúng.
Lời khai của bị can giúp xác định được một phần hoặc toàn bộ sự thật khách quan của vụ án, âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm, cách thức tổ chức đồng phạm của tội phạm, mọi lời khai của bị can phải được kiểm tra xác minh kĩ lưỡng. Theo khoản 2 Điều 72 Bộ luật TTHS thì lời nhận tội của bị can chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Điều tra viên phải có trách nhiệm kiểm tra, thu thập, củng cố chứng cứ để đấu tranh với bị can, lời khai của bị can chỉ được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với các căn cứ khác đã thu thập được, Điều tra viên phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng có so sánh, không được xem xét phiến diện, như vậy sẽ rơi vào tình trạng nhận thức một chiều. Trong nhiều vụ án, bị can thường khai đổ vấy cho người khác do vậy dễ bị làm oan người vô tội mà bỏ lọt tội phạm.
Nguyên tắc này yêu cầu Điều tra viên phải có những phương pháp khoa học có nội dung, yêu cầu, kế hoạch thẩm tra, xác minh cụ thể, có sự phối hợp giữa các đơn vị các lực lượng nghiệp vụ, tuyệt đối không định kiến, không được có thái độ làm việc đại khái, vô trách nhiệm trong việc thẩm tra lời khai của bị can.
Điều tra viên có thể xác minh lời khai của bị can bằng nhiều cách, thông thường sự đánh giá sơ bộ về lời khai căn cứ vào trình độ hiểu biết sẵn có của cán bộ hỏi cung, quan trọng nhất là kiến thức về tội phạm. Kết hợp các biện pháp và chiến thuật hỏi cung, tác động tâm lí là một biện pháp rất quan trọng để thuyết phục bị can thành khẩn khai báo, có thể dùng các phương pháp thuyết phục, ám thị gián tiếp, tác động tình cảm... Điều tra viên khi sử dụng các biện pháp này cần phải có kiến thức vững vàng về các vấn đề đó, tránh rơi vào tình trạng dụ cung, mớm cung.
Trên đây là những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động hỏi cung bị can, những chủ thể có thẩm quyền, đặc biệt là Điều tra viên phải nắm vững các nguyên tắc này và vận dụng sáng tạo chúng để có được hiệu quả cao nhất trong quá trình hỏi cung.
III. Trình tự và thủ tục tiến hành hỏi cung.
Trình tự và thủ tục tiến hành hỏi cung bị can được quy định từ Điều 129 đến Điều 132 Bộ luật TTHS. Có thể phân quá trình hỏi cung bị can thành ba giai đoạn:
- Chuẩn bị hỏi cung
- Tiến hành hỏi cung
- Kết thúc hỏi cung
1. Giai đoạn chuẩn bị hỏi cung.
Trong giai đoạn này Điều tra viên tiến hành chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động hỏi cung được diễn ra thuận lợi. Việc chuẩn bị chu đáo là điều kiện cho Điều tra viên chủ động, linh hoạt sáng tạo lựa chọn và áp dụng những chiến thuật hỏi cung cho phù hợp với từng tình huống cụ thể để thu thập lời khai của bị can một cách đầy đủ, chính xác và thuận lợi, không bị rời vào thế bị động, lúng túng trước những đối tượng hỏi cung và diễn biến phức tạp của quá trình hỏi cung.
a, Nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan.
Hồ sơ vụ án và các tài liệu khác có liên quan bao gồm:
- Những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được từ những biện pháp điều tra như: biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét, biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, kết quả giám định.
- Những tài liệu khác có liên quan: trích lục tiền án, tiền sự, hồ sơ, tài liệu về những vụ án do bị can đã gây ra trước đó, những tài liệu thu được từ những biện pháp trinh sát, phản ánh mối quan hệ mang tính chất tội phạm của bị can những biểu hiện nghi vấn của bị can trước, trong và sau khi xảy ra vụ án
- Những tài liệu, chứng cứ thu thập được về những vụ án chưa được điều tra, khám phá mà Điều tra viên có cơ sở xác định bị can có liên quan.
Để làm rõ quá trình nghiên cứu, Điều tra viên cần tổng hợp, phân loại tài liệu, căn cứ theo ý nghĩa của từng lọai tài liệu, chứng cứ đối với việc hỏi cung, đồng thời cần đối chiếu, so sánh, tìm ra những mâu thuẫn nếu có.
Những tài liệu trên giúp cho Điều tra viên nắm được tất cả nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can và những đồng phạm khác ( nếu có) giúp cho việc xác định chính xác những vấn đề cần làm rõ trong khi hỏi cung, lựa chọn những tài liệu, căn cứ có thể và cần phải được sử dụng trong quá trình hỏi cung bị can.
b. Nghiên cứu nhân thân bị can.
Là việc nghiên cứu những đặc điểm riêng về mặt xã hội hoặc có ý nghĩa về mặt xã hội của bị can. Những đặc điểm nhân thân đó có thể là: tuổi, giới tính, nghề nghiệp, có án tích (tái phạm, tái phạm nguy hiểm...), trình độ văn hóa, hệ thống giá trị, thái độ... Những tài liệu về nhân thân, Điều tra viên có thể thu thập và nghiên cứu qua hồ sơ cán bộ, trích lục tiền án, tiền sự... của bị can
c. Lập kế hoạch hỏi cung.
Nội dung của việc lập kế hoạch hỏi cung bao gồm:
- Xác định vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung, căn cứ vào Điều 63 Bộ luật TTHS quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự thì những vấn đề đó bao gồm các tình tiết mà bị can biết liên quan đến vụ án, có thể là các tình tiết xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tình tiết về nhân thân người phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của bị can, tình tiết xác định tính chất, mức độ của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và những tin tức, tài liệu khác có ý nghĩa trong việc điều tra và phòng ngừa tội phạm.
- Dự kiến câu hỏi được đưa ra để bị can trả lời. Trên cơ sở nhiệm vụ của hoạt động điều tra, những vấn đề cần làm rõ trong quá trình hỏi cung và những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án và hành vi phạm tội của bị can trong bản kế hoạch hỏi cung, cần dự kiến câu hỏi và trình tự đưa ra để bị can trả lời.có thể dự kiến trước những câu trả lời của bị can để Điều tra viên chủ động trong quá trình hỏi cung.
- Dự kiến chiến thuật hỏi cung. Trên cơ sở những vần đề cần làm rõ trong việc hỏi cung, những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, đặc điểm nhân thân của bị can, thái độ khai báo của bị can, trong bản kế hoạch hỏi cung cần dự kiến chiến thuật hỏi cung trong từng tình huống có thể xảy ra như: bị can thành khẩn khai báo, bị can từ chối khai báo, khai gian... tùy vào từng trường hợp trong bản kế hoạch hỏi cung cần phải dự kiến những nội dung và phương pháp thuyết phục bị can, những thủ thuật sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh với thái độ ngoan cố không chịu khai báo của bị can và những biện pháp hỗ trợ khác cho việc hỏi cung như xây dựng đặc tính trại giam và tiến hành những biện pháp trinh sát khác, đặc biệt Điều tra viên cần dự tính thời điểm nào cần phải sử dụng tài liệu, chững cứ nào, chiến thuật hỏi cung như thế nào cho hợp lí và đạt được hiệu quả.
- Dự kiến thời gian và địa điểm tiến hành hỏi cung:
+ Địa điểm: khoản 1 Điều 131 Bộ luật TTHS quy định: “...có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.” Lựa chọn địa điểm hỏi cung tại trụ sở cơ quan Điều tra hoặc tại nơi ở của bị can, cũng có thể tại trại giam hoặc bệnh viện là tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Tuy nhiên, Điều tra viên cần cố gắng lựa chọn địa điểm thuận lợi cho việc hỏi cung nhưng không để cho bị can chạy trốn, hành hung Cán bộ hỏi cung. Địa điểm hỏi cung phải nghiêm trang, có đủ điều kiện để thiết lâp sự giao tiếp tâm lý giữa Điều tra viên và bị can, tập trung sự chú ý của bị can vào những vấn đề cần phải làm rõ, đảm bảo giữ bí mật cho hoạt động điều tra...
+ Thời gian: tại khoản 2 Điều 131 quy định: “không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.”. tiến hành hỏi cung bị can. Không được hỏi cung bị can vào ban đêm tức là từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, Điều tra viên không nên hỏi cung vào lúc bị can đang căng thẳng có xúc động mạnh.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc hỏi cung, Điều tra viên phải triệu tập bị can đến để hỏi cung. Điều 129 Bộ luật TTHS quy định cụ thể vấn đề này. Giấy triệu tập bị can được sử dụng để yêu cầu bị can đến Cơ quan điều tra để hỏi cung hoặc tham gia vào hoạt động điều tra khác. Nội dung của giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can, ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng. Giấy triệu tập bị can tại ngoại được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc để giao cho bị can. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can và chuyển phần giấy triệu tập có chữ ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can. Khi nhận giấy triệu tập bị can phải ký nhận, có ghi rõ ngày, giờ nhận, nếu bị can không ký nhận phải lập biên bản về việc đó và gửi cho Cơ quan điều tra. Nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đã thành niên trong gia đình. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập thông qua Ban giám thị trại tạm giam.
2. Giai đoạn tiến hành hỏi cung.
- Khi đã đến buồng hỏi cung, Điều tra viên tiến hành việc nhận dạng, kiểm tra căn cước của bị can nếu xét thấy cần thiết. Sau đó Điều tra viên tự giới thiệu về mình và tuyên bố cho bị can mục đích của việc hỏi cung. Điều 131 khoản 1 quy định: “trước khi hỏi cung, Điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Việc này phải được ghi vào biên bản.”
- Tiến hành hỏi cung: Điều tra viên có thể lần lượt hỏi bị can những câu hỏi đã được vạch ra trong kế hoạch hỏi cung hoặc cũng có thể yêu cầu bị can viết tự khai rồi sau đó mới theo kế hoạch hỏi cung.
Khi tiến hành hỏi cung, nếu có đủ căn cứ để xác nhận bị can có thái độ mong muốn khai báo sự thật hoặc trên thực tế đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình thì Điều tra viên có thể nêu ra các câu hỏi yêu cầu bị can viết tự khai.
Trong quá trình bị can viết tự khai không được đưa ra câu hỏi trừ trường hợp Điều tra viên thấy bị can khai lan man về những tình tiết không có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, khi đó Điều tra viên sẽ đề nghị bị can khai vào những tình tiết có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra. Điều tra viên cần ghi lại những gì cần phải chú ý với lời khai của bị can và những câu hỏi đặt ra cho bị can trả lời sau này.
-“Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.”( khoản 1 Điều 131 Bộ luật TTHS). Quy định này nhằm tránh sự thông cung giữa các bị can để khai báo sai sự thật. Vì vậy điều tra viên phải sắp xếp thời gian triệu tập bị can để hỏi cung riêng, nếu vụ án do nhiều Điều tra viên tiến hành và cần hỏi nhiều bị can cùng một thời điểm thì phải bố trí các địa điểm hỏi cung riêng để bị can không được tiếp xúc với nhau.
- Nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì khi tiến hành hỏi cung bắt buộc phải có người bào chữa của họ.Trong những trường hợp cần thiết khi hỏi cung bị can tại Cơ quan điều tra phải có mặt của người đại diện gia đình bị can. Nếu Điều tra viên đồng ý, họ được trình bày chứng cứ, đưa ra yêu cầu, khiếu nại..., Điều tra viên phải giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ trước khi tiến hành hỏi cung.
- Khi hỏi cung bị can là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số thì ngoài việc tuân thủ những quy định chung về hỏi cung bị can cần phải bắt buộc có người phiên dịch tham gia. Điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch và giải thích cho bị can biết họ có quyền thay đổi người phiên dịch.
3. Giai đoạn kết thúc hỏi cung.
Khi kết thúc hỏi cung, Điều tra viên cần hoàn chỉnh biên bản hỏi cung. Điều 132 Bộ luật TTHS quy định: “Biên bản hỏi cung bị can phải được lập theo quy định tại Điều 95 và Điều 125 của Bộ luật này”. Điều tra viên phải lập biên bản mỗi lần hỏi cung, biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Trong trường hợp người bào chữa dược hỏi cung bị can thì biên bản cũng phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và câu trả lời của bị can. Nếu Điều tra viên cố tình thêm bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 300 (tội làm sai lệch hồ sơ vụ án) của BLHS 1999.
Nếu hỏi cung gắn liền với sử dụng chứng cứ hoặc tiến hành hỏi cung theo hình thức hỏi và trả lời thì việc lập biên bản được tiến hành đồng thời với việc hỏi cung. Khi lập biên bản, Điều tra viên nghe lời khai sau đó đưa ra những câu hỏi để bị can làm rõ và ghi vào biên bản.
Biên bản hỏi cung không được tẩy xóa, sửa chữa, ghi thêm mà không được bị can xác nhận. Biên bản hỏi cung có thể được lập dưới dạng viết tay hoặc đánh máy.
Khoản 2 Điều 132 quy định: “nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.”. Điều tra viên có thể ghi âm lại lời khai của bị can trong một số trường hợp như:
- Khi sao chép lời khai của bị can đã gây ra những vụ án nghiêm trọng.
- Khi mô tả và sao chép lời khai của những người không có khả năng đến Tòa án do ở quá xa hoặc do hạn chế về tình trạng sức khỏe.
- Khi ghi lời khai của kẻ phạm tội ra tự thú, họ tự nguyện khai báo nên thường khai báo nhiều vấn đề, nhiều tình tiết, ghi âm trong trường hợp này nhằm nâng cao tính khẩn cấp của đối tượng tự thú...
Điều tra viên phải đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản thì bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó. Nếu hỏi cung bị can có người phiên dịch, người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì người phiên dịch và bị can ký vào từng trang của biên bản hỏi cung, người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can cùng ký vào biên bản hỏi cung.
Khi kết thúc hỏi cung bị can, việc nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và sử dụng kết quả hỏi cung là một hoạt động hết sức quan trọng, lời khai của bị can trong mọi trường hợp phải được nghiên cứu, kiểm tra thận trọng. Điều tra viên xác định để đánh giá độ xác thực của lời khai và xác định những tình tiết mà bị can đề cập cần được kiểm tra, xác minh. Việc tiến hành kiểm tra, xác minh lời khai phải được tiến hành kịp thời, khách quan và phải có kế hoạch cụ thể. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra lời khai.
IV. Những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn và hướng khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung.
1. Những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn của hoạt động hỏi cung.
- Bộ luật TTHS và pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự quy định cho Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra như khởi tố bị can, lấy lời khai, thu giữ, bảo quản tài liệu, vật chứng, trưng cầu giám định, kết thúc điều tra. Tuy nhiên, trên thực tế, để tiến hành điều tra toàn bộ vụ án sau đó hoàn thành hồ sơ chuyển cho Viện kiểm sát thì việc sử dụng các biện pháp trên không đủ để hoàn thành hồ sơ được mà cần phải áp dụng các biện pháp khác như hỏi cung bị can vì đây là một biện pháp cực kỳ quan trọng để cơ quan Hải quan tiến hành thu thập chứng cứ và tiến hành làm rõ vụ án.
- Một số trường hợp khi hỏi cung bị can, người tiến hành tố tụng đã không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho bị can, để bị can tiếp xúc với nhau dẫn đến tình trạng bị can không xác định đúng đắn trách nhiệm phải khai báo với Cơ quan tiến hành tố tụng, các bị can thông cung với nhau, che dấu hành vi phạm tội của nhau hoặc đổ vấy cho nhau.
- Biên bản hỏi cung là một nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình chứng minh (theo Điều 64 khoản 2), song nhiều biên bản hỏi cung ghi không đầy đủ những nội dung theo mẫu quy định, có nội dung ghi trong biên bản hỏi cung bị tẩy xóa, thiếu chữ ký xác nhận của bị can, có biên bản hỏi cung, bị can chỉ ký ở trang cuối, các trang khác lại không ký, do vậy biên bản hỏi cung không đảm bảo tính pháp lý, không đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ như tính khách quan, tính có liên quan và tính hợp pháp.
- Do định kiến có ấn tượng xấu với bị can, nhận thức của người tiến hành tố tụng mang tính chủ quan, cho rằng bị can là người đã bị khởi tố về hình sự thì đương nhiên là có tội nên hỏi cung chỉ chú trọng vào việc khai thác làm căn cứ buộc tội, ép bị can phải nhận tội, thậm chí có trường hợp còn không tiến hành hỏi cung bị can mà lại lấy kết quả của những biên bản hỏi cung trước, đó là trường hợp:
Ngày 13-11-2007, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ tư xét xử vụ án tham ô của Đặng Nam Trung - nguyên giám đốc Công ty IDC (thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia). Vụ án được khởi tố từ hơn năm năm trước nhưng vẫn luẩn quẩn trong vòng điều tra, truy tố, chưa xét xử sơ thẩm xong. Đến phiên tòa lần thứ tư bị hoãn để trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, kể từ khi khởi tố (tháng 7-2007) đến nay, Cơ quan điều tra không hề tiến hành điều tra, hỏi cung bị can mà sử dụng lại toàn bộ những bản cung trước đó để làm chứng cứ buộc tội Đặng Nam Trung. Bị cáo Trung bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình nhưng các luật sư không được có mặt khi hỏi cung bị can...
Qua việc tìm hiểu vụ án trên ta thấy có sự vi phạm thủ tục hỏi cung trong khi điều tra vụ án, bị can đã bị truy tố với khung phạt cao nhất là tử hình thì luật sư của họ bắt buộc phải có mặt khi tiến hành hỏi cung nhưng trong quá trình hỏi cung bị can lại không có mặt của luật sư. Cơ quan điều tra còn không tiến hành điều tra hỏi cung bị can mà lại sử dụng kết quả của những lần hỏi cung trước để làm chứng cứ cho vụ án. Như vậy là một việc làm vi phạm quy định của Bộ luật TTHS một cách nghiêm trọng.
- Về phương pháp: khi hỏi cung, Điều tra viên phải cảm hóa chính trị để giải quyết tư tường cho bị can, tức là lấy đường lối chính trị, lấy chân lý, lẽ phải để giáo dục, thuyết phục bị can, nhằm tạo ra những thay đổi về mặt tâm lý của bị can một cách tích cực để bị can khai báo thành khẩn. Nhưng trong thực tế, nhiều cán bộ hỏi cung đã không cảm hóa, giáo dục, thuyết phục, có trường hợp cán bộ hỏi cung đã dùng lý lẽ giảng giải cho bị can không đúng tinh thần, nội dung, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đã dẫn đến nhiều điều luật viện dẫn các biện pháp xử lý, dùng tác động của pháp luật để răn đe bị can... Do vậy đã làm cho bị can hoang mang, lo lắng, hoảng sợ... Từ đó bị can khai báo không đúng sự thật hoặc khai báo theo ý chí của người hỏi cung.
- Lại có những trường hợp trong quá trình tiến hành hỏi cung, Cán bộ điều tra sử dụng những biện pháp thu thập lời khai một cách trái pháp luật, tác động vào tâm lý, sức khỏe và thể chất của bị can như một số ví dụ sau:
+ Trên trang web www.laodong.com ngày 07-05-2007 có bài viết “thêm một học sinh bị “hỏi cung” có phản ánh trường hợp của Nguyễn Chí Tâm (sinh ngày 8.12.1991), học sinh lớp 10A8, trường THPT bán công Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, Tiền Giang) vì tò mò nên đã lấy chiếc máy ghi âm mà thầy Hiệu phó đặt lén (trái phép) trong lớp để theo dõi một số thầy cô giáo khác, vì sợ bị ngồi tù như lời thầy giáo dọa nên em đã không dám thú nhận mình cầm chiếc máy mà chỉ nói là biết có người lấy.
Chiều 7-4, một cán bộ CSĐT Công an huyện Châu Thành tên Nguyễn Thanh Phong đến trường gọi Tâm và học sinh Ngô Quốc Thống vào phòng hiệu trưởng, rồi đóng kín cửa lại. Theo lời Tâm tường trình, ông Phong đã dọa nạt, chửi thề và đánh vào mặt Tâm nhiều lần làm em ngã chúi xuống đất. Em bị chảy máu răng khá nhiều. Tâm sợ quá nên khai thật và lấy máy ghi âm trả lại ông Phong ngay chiều hôm đó.
+ Trên trang web www.lamchame.com có bài “Tra tấn lấy cung, 3 công an bị khởi tố”, cụ thể như sau: Cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Thế Tân, Huỳnh Thanh Sơn và Lê Quang Gia (công an xã Ea Toh, Krông Năng, Đăk Lăk) về tội cố ý gây thương tích. Hơn một năm trước, họ đã gây ra vụ tra tấn lấy cung, gây thương tích nghiêm trọng ngay tại trụ sở công an xã.
Đêm 27/8/2005, hai nhóm thanh niên gây gổ đánh nhau tại tại trung tâm xã Ea Toh. Các ông Huỳnh Thanh Sơn và Lê Quang Gia đến hiện trường, chỉ bắt được Trần Văn Vĩ bị thương nằm tại chỗ. Cho rằng Vĩ giả vờ, Sơn và Gia còng tay Vĩ đưa về trụ sở công an xã để hỏi cung. Suốt nhiều giờ liền, Sơn và Gia thay nhau đấm đá vào bụng và mặt Vĩ để lấy lời khai với sự chứng kiến ông Phạm Thế Tân, Trưởng công an xã. Vĩ gục xuống nền nhà và nôn liên tục, Sơn và Gia mới ngừng tay để ép ký vào bản lấy cung. Công an xốc nách Vĩ kéo ra lề đường (trước cổng trụ sở UBND xã) giữa lúc mưa tầm tã. Trong lúc Vĩ cố lết đến trạm xá gần đó, Sơn và Gia điện thoại báo với Công an huyện Krông Năng là “trong đêm tại xã Ea Toh xảy ra vụ tai nạn giao thông, cần có người vào ngay để xử lý”. Bác sĩ kết luận Vĩ bị tổn hại 81% sức khoẻ.
+ Trường hợp của em Huỳnh Thị Ngọc Trâm học sinh lớp 5 ở trường tiểu học An Hiệp 2 – xã An Hiệp – huyện Châu Thành, bị hoảng loạn đến mức không dám đến lớp sau khi bị thầy giáo bắt đem giao cho công an xã ép cung vì bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Trong nhật ký của mình Trâm vẽ cảnh thầy Xem hăm doạ: “Em mà không nói thì em biết, ra coi kìa nó nhốt phơi nắng cả chục đứa ngoài kia”. Hay trong cảnh bị công an ép cung, mặc dù em một mực kêu oan nhưng công an vẫn hăm doạ “Khai mau, nếu mày nói mày không lấy tao sẽ nhốt mày”.
Trên đây chỉ là ba trường hợp điển hình để chứng minh cho sự vi phạm nguyên tắc hỏi cung trong quá trình điều tra vụ án. Trong quá trình hỏi cung , Điều tra viên đều dùng các biện pháp lấy cung một cách trái pháp luật như mớm cung, bắt khai không đúng sự thật, nhục hình, ép cung. Ở trường hợp của em Trâm là ví dụ rõ nét nhất: việc hỏi cung hai em nhỏ mà không mời người giám hộ, không thông báo cho phụ huynh biết cũng đã là một vi phạm nghiêm trọng thủ tục hỏi cung đối với người chưa thành niên- bé gái 11 tuổi, nghiêm trọng hơn nữa là những người hỏi cung còn đưa ra những sự đe dọa tác động mạnh, ảnh hưởng lớn đến tâm lí của em Trâm làm cho em bị hoảng loạn đến nỗi phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị.
2. Nguyên nhân của những vướng mắc và tồn tại trong hoạt động hỏi cung.
- Bộ luật TTHS chưa dự liệu được hết các tình huống cụ thể trong thực tiễn.
- Trước hết là do trình độ lý luận chính trị, mức độ hiểu biết đường lối chính sách của Đảng, pháp luật, trình độ nghiệp vụ của một số bộ phận cán bộ Điều tra nói riêng và trong công tác tư pháp nói chung vẫn còn hạn chế
- Chưa làm tốt công tác chuẩn bị hỏi cung: trước khi hỏi cung bị can, cán bộ hỏi cung chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, không hiểu rõ đối tượng hỏi cung, chưa theo dõi nắm bắt được đầy đủ diễn biến tâm lý, thái độ của bị can, không đánh giá đúng bản chất con người bị can.
- Trong quá trình hỏi cung, Điều tra viên chưa thực hiện triệt để và nghiêm túc các nguyên tắc của hoạt động hỏi cung bị can dẫn đến một số hoạt động hỏi cung còn mang tính chất tùy tiện, trái pháp luật.
- Do chủ quan với kinh nghiệm công tác, xét hỏi, coi thường đối tượng, cán bộ hỏi cung thường không chuẩn bị trước đề cương xét hỏi, sử dụng phương pháp, chiến thuật hỏi cung không phù hợp với từng đối tượng bị can.
3. Hướng khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung.
- Cần sửa đổi, bổ sung quy định của luật về quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và Bộ luật TTHS cho phù hợp với thực tiễn.
- Tăng cường công tác giáo dục phẩm chất cách mạng và lựa chọn những cán bộ có năng lực, có đầy đủ những kiến thức cần thiết về nghiệp vụ điều tra, tâm lý điều tra tội phạm, có kinh nghiệm công tác để làm công tác hỏi cung bị can và thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hình sự.
- Sử dụng phương pháp, chiến thuật hỏi cung một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, phải lường trước các tình huống bất ngờ, phức tạp có thể xảy ra trong quá trình hỏi cung, đồng thời cũng dự liệu những biện pháp đề phòng.
- Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc lý lịch của bị can, đặc điểm tâm lý, tâm tư nguyện vọng của bị can, biết được những điểm yếu của bị can; trong trường hợp hỏi nhiều bị can trong một vụ án thì phải phân biệt và lựa chọn bị can nào hỏi trước, bị can nào hỏi sau để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Mặt khác Nhà nước và cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải quan tâm giải quyết các vấn đề cụ thể như:
- Các nội dung trong biên bản hỏi cung bị can cần được nghiên cứu có mẫu thống nhất với nhau, biên bản mẫu cấp đủ cho các đơn vị sử dụng, tránh trường hợp thiếu biên bản phải sử dụng biên bản khác thay thế (ví dụ biên bản lấy lời khai...)
- Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động hỏi cung bị can. Xây dựng và bố trí nơi hỏi cung hợp lí, không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài trong khi hỏi cung, góp phần nâng cao hiệu quả của việc hỏi cung.
- Đảm bảo các điều kiện an toàn trong quá trình hỏi cung bị can như: có đầy đủ lực lượng canh gác, dẫn giải bị can, tránh việc bị can bỏ trốn hoặc tấn công cán bộ hỏi cung.
KẾT LUẬN
Hoạt động hỏi cung trong tố tụng hình sự là một quá trình nằm trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, có nhiệm vụ chủ yếu là thu thập lời khai của bị can từ đó kiểm tra, đánh giá tính đúng đắn của những lời khai đó để làm chứng cứ phục vụ cho việc chứng minh vụ án hình sự.
Bên cạnh những kết quả thu được có ý nghĩa to lớn trong quá trình hỏi cung thì trên thực tế vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập nhất định như đã trình bày ở trên. Trên cơ sở nhận thức được điều đó, Cơ quan và cá nhân có thẩm quyền cần phát huy những yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động hỏi cung có hiệu quả đồng thời cần phải hạn chế và giảm thiểu những vấn đề, khía cạnh tiêu cực đang còn tồn tại trong thực tế để quá trình hỏi cung phát huy được hết sứ mệnh của nó là góp phần chứng minh vụ án hình sự.
MỤC LỤC
trang
ĐẶT VẤN ĐỀ...........................................................................................................1
I. Khái niệm và đặc điểm của hỏi cung trong tố tụng hình sự....................1
1. Khái niệm......................................................................................................1
2. Đặc điểm của hỏi cung..................................................................................2
II. Những nguyên tắc cần tuân thủ trong việc hỏi cung..............................3
1. Hoạt động hỏi cung phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách
quan, toàn diện và đầy đủ.................................................................................3
2. Thận trọng, coi trọng chứng cứ, không dễ tin lời cung, lời khai của bị
can phải được thẩm tra, xác minh đảm bảo tính chính xác, rõ ràng..................5
III. Trình tự và thủ tục tiến hành hỏi cung...................................................6
1. Giai đoạn chuẩn bị hỏi cung..........................................................................6
2. Giai đoạn tiến hành hỏi cung.........................................................................9
3. Giai đoạn kết thúc hỏi cung..........................................................................10
IV. Những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn và hướng khắc phục,
nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung.............................................................12
1. Những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn của hoạt động hỏi cung..............12
2. Nguyên nhân của những vướng mắc và tồn tại trong hoạt động hỏi cung....16
3. Hướng khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung..............................16
KẾT LUẬN................................................................................................................17
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Hỏi cung trong tố tụng hình sự.doc