Hợp đồng có nguy cơ phát sinh tư lợi trong 1 trường hợp cụ thể
TM1.T2 - 8. Công ty TNHH A do ông A là đại diện hợp pháp (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty); công ty TNHH 2A cũng do ông A là đại diện hợp pháp (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty).
Hỏi:
a. Việc ông A là đại diện hợp pháp của cả hai công ty như trên có vi phạm các quy định của pháp luật không?
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3348 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hợp đồng có nguy cơ phát sinh tư lợi trong 1 trường hợp cụ thể, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM
TM1.T2 - 8. Công ty TNHH A do ông A là đại diện hợp pháp (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty); công ty TNHH 2A cũng do ông A là đại diện hợp pháp (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty).
Hỏi:
a. Việc ông A là đại diện hợp pháp của cả hai công ty như trên có vi phạm các quy định của pháp luật không?
Trả lời: Việc ông A là đại diện hợp pháp của cả hai công ty như trên không vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Bởi vì:
Thứ nhất, Theo Khoản 4 Điều 15 NĐ 102/2010/NĐ-CP ban hành ngày 01/10/2010, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm 2010, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp 2005 quy định: “Nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) của một công ty có thể kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty khác, trừ trường hợp Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty cổ phần không được đồng thời làm Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty khác theo khoản 2 Điều 116 của Luật Doanh nghiệp.”
Tại khoản 2 Điều 116 quy định về “giám đốc hoặc tổng giám đốc” công ty cổ phần như sau: “…..Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.”
Thứ hai, Pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm việc một người là chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc của cả hai công ty TNHH khác nhau làm đại diện hợp pháp cho đồng thời cả hai công ty đó.
Như vậy, đối chiếu với trường hợp trên, pháp luật cho phép một người giữ cương vị là chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty cho hai công ty TNHH khác nhau; pháp luật không cấm người đó làm đại diện hợp pháp cho đồng thời cả hai công ty đó; tức là việc ông A là đại diện hợp pháp của cả hai công ty TNHH A và 2A là không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
b. Nếu ông A ủy quyền cho ông B (Phó giám đốc Công ty A) và ủy quyền cho ông C (Phó giám đốc công ty 2A) để hai ông này nhân danh hai công ty ký kết hợp đồng với nhau thì hợp đồng đó có giá trị pháp lý không?
Phân tích và trả lời như sau:
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên thì tại Điều 59 Luật doanh ngiệp 2005 quy định: “…
1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
a) Thành viên, người đại diện theo uỷ quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;…..”
Còn với công ty TNHH một thành viên, tại Điều 75 quy định: “…1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết:
a) Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;
b) Người đại diện theo uỷ quyền, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
c) Người có liên quan của những người quy định tại điểm b khoản này;
…”
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là B (phó giám đốc công ty A) và C (phó giám đốc công ty 2A) có phải là những người được pháp luật doanh nghiệp cho phép ký kết hợp đồng tự do trong phạm vi ủy quyền của ông A hay không? Có nghĩa rằng chúng ta sẽ đi xem xét xem hợp đồng mà ông A ủy quyền cho B và C ký kết có là hợp đồng mang tính chất tư lợi hay không?
Tại Khoản 17 Điều 4 quy định: “Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con;
b) Công ty con đối với công ty mẹ;
c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp;
d) Người quản lý doanh nghiệp;
đ) Vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
e) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;
g) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;
h) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.”
Như vậy, theo như quy định tại khoản 17 Điều 4 trên thì: người có liên quan là cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp: “c) người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp”, “d)Người quản lý doanh nghiệp”, cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người này. Mà với những quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành thì ông A là người có đủ tư cách, hay nói cách khác ông A thõa mãn điều kiện quy định tại điểm c và điểm d nêu trên. Do đó, B và C cũng thõa điều kiện quy định tại điểm e nêu trên (vì B và C là các cá nhân được ủy quyền đại diện ký kết hợp đồng thay ông A).
Như vậy, đến đây, chúng ta có thể khẳng định, B và C đều là những người có quan hệ trực tiếp với hai doanh nghiệp A và 2A, đều do ông A làm Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng thành viên. Vì vậy, hợp đồng mà B và C được ông A ủy quyền để ký kết với nhau sẽ có giá trị pháp lý nếu trước khi hợp đồng đó được ký kết đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:
Trước khi ủy quyền cho B, C ký kết hợp đồng với nhau, ông A đã tiến hành các thủ tục cần thiết quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật doanh nghiệp: “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải gửi đến các thành viên Hội đồng thành viên, đồng thời niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ không quy định thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết…”, hoặc Điều 75 nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải gửi cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; đồng thời, niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung giao dịch đó”, (lưu ý rằng: Hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 75 này chỉ được chấp thuận khi có đủ các điều kiện sau đây: “a) Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt; b) Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện; c) Chủ sở hữu công ty tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 65 của Luật này”
Sau khi thực hiện các thủ tục trên:
Nếu là công ty TNHH hai thành viên trở lên thì hợp đồng mà Ông A ủy quyền đại diện ký kết được hội đồng thành viên của công ty chấp thuận; theo đó: “hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.” (điểm d khoản 1 Điều 59 Luật doanh nghiệp). Nếu là công ty TNHH một thành viên thì hợp đồng phải “được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên công ty TNHH A xem xét quyết định theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết”, chấp thuận cho ông A.
Còn nếu không được những sự chấp thuận này thì theo quy định của pháp luật, hợp đồng ký kết giữa B và C không có giá trị pháp lý. Tức là sẽ bị áp dụng các quy định tại khoản 2 Điều 59: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết không đúng quy định tại khoản 1 Điều này. Người đại diện theo pháp luật của công ty, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó” hoặc khoản 3 Điều 75: “Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật nếu được giao kết không đúng quy định tại khoản 1 Điều này. Người đại diện theo pháp luật của công ty và các bên của hợp đồng phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.”
Những trường hợp ký kết hợp đồng như trường hợp của B và C trên đây, pháp luật có quy định chặt chẽ hơn như vậy cũng là dễ hiểu, bởi nếu để ký kết hợp đồng tự do theo ý chí của những chủ thể như ông A mà không có quy định ràng buộc của pháp luật thì trên thực tế sẽ xảy ra không ít trường hợp hợp đồng đươc ký kết là nhằm để thực hiện mục đích tư lợi cá nhân (hợp đồng có tính chất tư lợi) của những người đứng đầu công ty như ông A.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Hợp đồng có nguy cơ phát sinh tư lợi trong 1 trường hợp cụ thể.doc