Qua những vấn đề tôi đã phân tích và làm rõ trên cho ta thấy vấn đề “Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu”, hiện đang là vấn đề không những được giới chuyên môn mà được cả xã hội quan tâm. Đây là vấn đề có ý nghĩa không những về mặt lý luận mà cả về mặt thực tiễn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đã vào WTO hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việc hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng vô hiệu là vấn đề rất thiết thực để pháp luật nước ta theo kịp với pháp luật thế giới và đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng phức tạp như hiện nay.
Như những vấn đề mà ở trên đã nêu, phân tích thì rõ ràng vấn đề quy phạm điều chỉnh trong lĩnh vực hợp đồng và xác định trách nhiệm pháp lý hiện nay so với thực tế cũng đang tồn tại quá nhiều bất cập. Nhiều loại hợp đồng phát sinh mà chế định hợp đông vô hiệu vẫn chưa bảo vệ được quyền lợi của người tham gia hợp đồng. Mặt khác quy định các yếu tố dẫn đến vô hiệu hợp đồng cũng cần được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Việc vận dụng xác định hợp đồng vô hiệu còn nhiều điểm sai, chưa thống nhất, quy định yếu tố vô hiệu hợp đồng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng vô hiệu là rất cần thiết.
21 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 8768 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý, thực tiễn áp dụng tại tòa án nhân dân huyện, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU.
1.Tính cấp thiết và mục đích của việc nghiên cứu đề tài.
Hợp đồng dân sự là một trong những phương thức hữu hiệu cho cá nhân, pháp nhân ,hộ gia đình, hợp tác xã, xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình nhằm thỏa mãn các nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng và trong sản xuất. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong giai đoạn hiện nay thì hợp đồng dân sự càng có ý nghĩa.
Xuất phát từ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của hợp đồng dân sự, pháp luật Việt Nam sớm đã có những quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Cụ thể đó là từ hợp đồng dân sự 1991, bộ luật dân sự 1995 đã có những quy định cụ thể điều chỉnh về hợp đồng dân sự, và cho đến nay bộ luật dân sự 2005 được sửa đổi bổ sung bộ luật dân sự 1995 thì hợp đồng dân sự được xem xét một cách đầy đủ, toàn diện hơn. Bộ luật dân sự 2005 được quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực ngày 1/1/2006 đã tạo ra hành lang pháp lý cho giao dịch dân sự, thể hiện một bước tiến cao hơn trong tư duy lập pháp, hành pháp, và tư pháp của nhà làm luật. Bộ luật dân sự 2005 đã quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ và tương đối hoàn thiện về việc xác lập, thực hiện, cũng như các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, tạo nên sự ổn định trong các quan hệ tài sản trong quá trình phát triển kinh tế_xã hội của đất nước, góp phần vào quá trình hội nhập khu vực và thế giới.
Hiện nay Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế xã hội, và việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật dân sự riêng phải hoàn thiện để đáp ứng các nhu cầu thực tế xảy ra. Hơn nữa các tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng ngày một gia tăng và mức độ ngày càng phức tạp thì đòi hỏi pháp luật về hợp đồng dân sự phải hoàn thiện đẻ giải quyết triệt để.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự tại tòa án nhân dân huyện Thanh Chương cho thấy các tranh chấp hợp đồng dân sự là do các bên không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy để giải quyết các tranh chấp đó một câu hỏi đặt ra là “liệu có tồn tại hợp đồng không? Và “hợp đồng có hiệu lực không?” để từ đó xác định quyền và nghĩa vụ các bên. Việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý khi hợp đồng dân sự vô hiệu vẫn là vấn đề phức tạp nhất của ngành tòa án. Có nhiều vụ án đã được xét xử nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc, nhiều quan điểm khác nhau gây nhiều tranh luận phức tạp. Chính vì những lý do trên mà em đã chọn đề tài “ Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý” nhằm góp phần làm sáng tỏ những quy định của bộ luật dân sự 2005 về yếu tố vô hiệu hợp đồng dân sự và hậu quả pháp lý khi hợp đồng vô hiệu cũng như thực tiễn áp dụng tại tòa án nhân dân huyện Thanh Chương_tỉnh Nghệ An để từ đó đưa ra mốt số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật.
2.Phạm vi và mục đích nghiên cứu.
Đề tài tập trung nghiên cứu những quy định của pháp luật dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu và thực tiễn xác định, xử lý hợp đồng dân sự vô hiệu.
3. Phương pháp nghiên cứu.
Đề tài lấy quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở và phương pháp luận để nghiên cứu đề tài. Ngoài ra phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh được sử dụng để làm rõ vấn đề.
4 Bố cục đề tài.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung được chia làm 2 chương.Chương 1:Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý theo phâp luật dân sự.Chương 2 :thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu tại tòa án nhân dân huyện Thanh Chương_Tỉnh Nghệ An và những kiến nghị nâng cao hiệu quả.
CHƯƠNG 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ
HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU VÀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ
Khái niệm hợp đồng vô hiệu
Điều 388 BLDS 2005 quy định khái niệm hợp đồng dân sự khái quát như sau : “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập và thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ xác định là sự thỏa thuận khi cam kết các bên thực sự phù hợp với mong muốn của họ. Nguyên tắc này tồn tại trong pháp luật hợp đồng của các nước. Hợp đồng xác lập do bi đe dọa lừa dối, nhầm lẫn,… là không phù hợp với mong muốn của các bên. Việc xác định các bên có mong muốn thực sự khi tham gia vào quan hệ hợp đồng trong thực tiễn hết sức khó khăn.
Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự là tự do, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Một hợp đồng được coi là có hiệu lực khi pháp lý khi đảm bảo các điều kiện được quy định tài Điều 122 BLDS. Điều kiện thứ nhất là người tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực hành vi dân sự.Thuật ngữ “ Người” ở đây được hiểu là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình và tổ hợp tác. Các chủ thể này phải có đủ tư cách chủ thể theo quy định của pháp luật dân sự. Điều kiện thứ hai là mục đích và nội dung của hợp đồng không vi pham điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp hợp đồng có mục đích và nội dung vi phạm quy định của pháp luật dân sự nói riêng, pháp luật nói chung hoặc trái đạo đức xã hội thì không được thừa nhận, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.Ví dụ mua bán tài sản pháp luật cấm( mua bán đất đai, ma túy), cho vay tiền để đánh bạc, đòi các khoản tiền do việc bán dâm, đánh bạc mang lại. Điều kiện thứ ba là Người tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện. Bản chất của quan hệ dân sự mang yếu tố ý chí, đó là sự thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia. Do vậy, muốn xác định được các chủ thể có tự nguyện hay không cần dựa vào sự thống nhất của hai yếu tố: ý chí và bày tỏ ý chí. Đây là hai mặt của một vấn đề có quan hệ khăng khít với nhau. Sự tự nguyện hoàn toàn đó chính là sự thống nhất ý chí bên trong và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài, chỉ khi biểu lộ ý chí ra bên ngoài phản ánh khách quan, trung thực những mong muốn bên trong của chủ thể mới coi là tự nguyện. Điều kiện về hình thức chỉ có hiệu lực khi pháp luật có qui định phải đảm bảo điều kiện hình thức.
Bên cạnh đó Điều 127 BLDS 2005 qui định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Như vậy hợp đồng vô hiệu là hợp đồng vi phạm các điều kiện được qui định tại điều 121 BLDS. Đó là các hợp đồng vi phạm các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Các loại hợp đồng vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Hợp đồng có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Hợp đồng này vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên tham gia vào hợp đồng có thể biết hoặc không biết mình đã tham gia vào hợp đồng trái pháp luật. tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu xung công quy nhà nước.
Trong trường hợp có thiệt hại mà các bên đều có lỗi, thì mỗi bên tự chịu phần thiệt hại của mình; nếu chỉ một bên có lỗi thì bên đó phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
Hợp đồng vô hiệu do vi phạm sự tự nguyện.
Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
Là hợp đồng nhằm che giấu một hợp đồng dân sự khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu hợp đồng đó tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực được qui định tại Đ121 BLDS trừ trường hợp hợp đồng đó không nhằm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên thì cũng vô hiệu. Chẳng hạn: hai bên xác lập hợp đông mua bán tài sản, nhưng thực chất là tặng cho (còn là hợp đồng giả cách) thì hợp đồng tặng cho vẫn có giá trị pháp lí hoặc trường hợp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Hai bên xác lập hợp đồng mua bán tài sản mà không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán tài sản (còn gọi là hợp đồng tưởng tượng). Như vậy giả tạo còn được hiểu là không có sự giả tạo và thống nhất ý chí giữa các bên nhằm làm phát sinh một quan hệ hợp đồng thực tế mà những hợp đồng này thường nhằm mục đích che giấu trốn tránh pháp luật
Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn
Là trường hợp các bên hình dung sai về chủ thể hoặc nội dung của giao dịch mà tham gia vào giao dịch mà gây thiệt hại cho mình hoặc bên kia. Do nhầm lẫn mà mất đi tính thỏa thuận không phải là mong muốn đạt tới. nhầm lẫn có thể dưới những dạng sau: nhầm lẫn về chủ thể, nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng so hình dung sai về chất lượng, nhầm lẫn về đối tượng giá cả (bên bán hiểu là đô la Mỹ, bên mua lại tưởng đô la Hồng Kong). Nguyên nhân của sự nhầm lẫn thường do các bên thiếu sự rõ ràng về các điều khoản của hợp đồng, hoặc do kém hiểu biết về đối tượng của giao dịch nhất là đối tượng liên quan đến kỹ thuật.
Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối đe dọa.
Lừa dối là do hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch. Do vậy, khác với nhầm lẫn thì lừa dối do thủ đoạn cố ý của một bên làm cho bên kia tin tưởng nên thúc đẩy xác lập giao dịch dân sự. Tuy nhiên việc xác định lừa dối trong thực tiễn hết sức khó khăn thông thường dựa vào các căn cứ sau: có sự giới thiệu và có sự sai lệch trong sự giới thiệu đó; người giới thiệu biết sự sai lệch nhưng bỏ qua sự thật; người nghe không biết sự sai lệch nên tin vào sự giới thiệu; có thiệt hại xảy ra của một bên do sự giới thiệu.
Đe dọa trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý có ý thức của một bên làm cho bên kia sợ hãi mà phải thực hiện hợp đồng nhằm tránh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích. Hợp đồng xác lập do bị đe dọa không phù hợp với lợi ích của bên bị đe dọa, nói cách khác thiếu sự thể hiện ý chí đích thực của các chủ thể tham gia. Các căn cứ để xác đinh hợp đồng có sự đe dọa bao gồm: có sự sợ hãi (về thể chất hoặc tinh thần); có hành vi cố ý đe dọa của một bên; sự đe dọa là bất hợp pháp
2.3. Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập thực hiện (Đ 130 BLDS).
Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì pháp luật qui định người đại diên theo pháp luật xác lập thực hiện hoặc phải có đồng ý của người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp pháp luật có qui định tham gia giao dịch dân sự có giá trị nhỏ). Nếu trong trường hợp trên mà giao dịch dân sự mà tham gia liên quan đến tài sản không có người đại diện theo pháp luật thì có thể vô hiệu
2.4. Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu (Đ133 BLDS 2005).
Trong tình trạng bị kích thích tinh thần như bị say rượu, bị mộng du… người này có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
2.5. Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ về hình thức.
Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức hợp đồng dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao hợp đồng trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hợp đồng vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
Theo Điều 137 Khoản 2 BLDS sự vô hiệu của hợp đồng dẫn đến hậu quả là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 BLDS 2005 bao gồm: “ Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Thứ nhất: Chấm dứt.
Theo Điều 137 BLDS, “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”. Về nguyên tắc BLDS năm 2005 và BLDS năm 1995 không có thay đổi về hậu quả của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu, bởi theo Điều 146 BLDS năm 1995, “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập”. Như vậy, khi giao dịch dân sự vô hiệu quyền và nghĩa vụ của mỗi bên không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Nếu hợp đồng mới xác lập chưa thực hiện thì các bên không thực hiện, còn trong trường hợp đang thực hiện thì không tiếp tục thực hiện nữa. Tuy nhiên, trong vụ việc đang nghiên cứu, hợp đồng đã được thực hiện. Do đó, cần phải hoàn trả lại tài sản đã nhận.
Thứ hai: Hoàn trả lại tài sản.
Vẫn theo Điều 137 BLDS, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Về nguyên tắc, BLDS năm 2005 và BLDS năm 1995 không có thay đổi. Bên nhận tài sản phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đã nhận.
Thứ ba: Khôi phục tình trạng ban đầu.
Theo BLDS, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Nhìn chung khái niệm “khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” là giống nhau. Nhưng phân tích kỹ thì đây là hai phạm trù khác nhau. Hoàn trả cho nhau những gì đã nhận chỉ là một hoàn cảnh của việc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Đôi khi hoàn trả cho nhau những gì đã nhận không đủ để khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong một số trường hợp, trước khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, một bên đã khai thác, xây dựng bổ sung trên tài sản có tranh chấp. Trong trường hợp này khôi phục lại tình trạng ban đầu như thế nào?
Khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, theo Điều 137 BLDS, “bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Đây không phải là điều mới của BLDS năm 2005 vì nguyên tắc này cũng đã tồn tại trong BLDS năm 1995. BLDS quy định vấn đề bồi thường thiệt hại trong phần “xong” này là không thuyết phục. Với cách quy định như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng vấn đề bồi thường chỉ có thể xuất hiện khi hợp đồng vô hiệu. Trong thực tế, vấn đề bồi thường thiệt hại hoàn toàn có thể được giải quyết trong khi đó hợp đồng không bị tuyên bố vô hiệu.
CHƯƠNG 2
THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN
THANH CHƯƠNG - TỈNH NGHỆ AN VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ.
2.1. Tình hình tranh chấp hợp đồng vô hiệu .
Hiện nay có nhiều hợp đồng được ký kết một cách phổ biến nhưng rủi ro lại không ít. Trong những năm gần đây tòa án nhân dân huyện Thanh Chương_ Nghệ An đã thụ lý nhiều tranh chấp về hợp đồng dân sự, có nhiều tranh chấp rất phức tạp, nhất là các tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. việc áp dụng các các quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu để xác định và xử lý hợp đồng vô hiệu trong thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu bổ sung nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao kết hợp đồng.
Từ năm 2005 đến 2010 Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương đã thụ lý và giải quyết 285 vụ tranh chấp dân sự, trong đó có 10 vụ tranh chấp liên quan đến yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, chủ yếu là do vi phạm về hình thức, do nhầm lẫn.... Tuy số lượng tranh chấp hợp đồng vô hiệu không nhiều nhưng thực tế áp dụng các quy định của pháp luật về xác định hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của nó rất phức tạp mà còn nhiều khó khăn.
2.2. Những vướng mắc trong việc xác định và xử lý hợp đồng vô hiệu.
Thực tiễn giải quyết tại tòa án thì vấn đề xác định hợp đồng vô hiệu và giải quyết các hậu quả khi hợp đồng vô hiệu không chỉ thuần túy chỉ căn cứ vào quy định của bộ luật dân sự, mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như là thời điểm xác lập hợp đồng, sự thỏa thuận của các bên và tình hình thực tế của việc thực hiện hợp đồng...Để hiểu rõ vấn đề này tôi xin đưa ra những trường hợp cụ thể .
Trường hợp thứ nhất: Liên quan đến viêc tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đât và yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu. Năm 1990 vợ chồng ông Đinh Hữu Thước, bà Nguyễn Thị Hợi có mua của hợp tác xã Thanh Văn một nhà máy xay và UBND xã Thanh Văn đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho vợ chồng ông Thước, bà Hợi tại địa điểm dặt máy xay đó với diện tích 400 m2. Sau khi mua nhà và nhận đất vợ chồng ông thước bà hợi đã phá nhà máy xay để xây lên đó một căn nhà ba gian. Năm 1991 vợ chồng ông Thước bà Hợi đã đã cho con trai của mình và dâu là Đinh Hữu Thành và Hồ Thị Dần ở để quản lý nhà và đất. Năm 1993 anh Đinh Hữu Thành chết, chị Hồ Thị Dần vẫn sinh sống trong ngôi nhà và trên mảnh vườn ấy. Vào tháng 3 năm 2003 ông Đinh Hữu Thước cũng qua đời, con chung của vợ chồng ông Thước và bà Hợi có hiện ba người con chung là Minh, Phúc, Hạnh.
Tháng 3 năm 2006 chị Dần đã tự ý đập phá ngôi nhà ba gian trước đây ông Thước bà Hợi đã xây dựng, cắt mảnh vườn nói trên chuyển nhượng cho Đinh Hữu Hùng trú tại xóm 3 xã Thanh Văn 200 m2. Trước khi chết ông Đinh Hữu Thước và Đinh Hữu Thành đều không để lại di chúc. Tháng 6 năm 2007 bà Hợi yêu cầu được thừa kế và lấy lại đất và nhà đó, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 200 m2 đất giữa bà Dần với ông Hùng.
Tại bản án 51/2007/DS-ST ngày 02/7/2007, Tòa án nhân dân( TAND) huyện Thanh Chương đã nhận xét :ngôi nhà ba gian và mảnh vườn với diện tích 400 m2 tọa lạc tại vị trí đặt máy xay đã thanh lý ở xã Thanh Văn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1990 là tài sản chung thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Thước và bà Hợi. Việc chị Dần tự ý đập phá và chuyển nhượng 200 m2 đất là vi phạm pháp luật. Về hình thức các bên lại thỏa thuận sang nhượng đất bằng giấy tay mà không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm điều 689 bộ luật dân sự và điều 127 luật đất đai. Từ đó kết luận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị Dần và anh Hùng là vô hiệu.
Bộ Luật dân sự 2005 quy địn hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, sự quản lý của nhà nước, lợi ích của các bên tham gia hợp đồng cũng như lợi ích của người khác, pháp luật quy định hợp đồng liên quan đến tài sản lớn phải được thể hiện dưới một dạng hình thức nhất định.
Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Và theo điều 450 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Những hợp đồng thường vi phạm về hình thức nhất hiện nay là hợp đồng mua bán bất động sản, chuyển giao quyền sử dụng đất.Theo điều 134, Bộ luật Dân sự 2005, “trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Theo Điều 137 Khoản 2 BLDS sự vô hiệu của hợp đồng dẫn đến hậu quả là không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 137 BLDS 2005 bao gồm: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” Quy định mang tính nguyên tắc của Điều 137 BLDS về mặt ngôn từ là rõ ràng nhưng việc các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu” không phải trong trường hợp nào cũng có thể thực hiện được bởi đối tượng của hợp đồng là tài sản không còn giữ được tình trạng như ban đầu hay đối tượng của hợp đồng là công việc (dịch vụ) đã được thực hiện hoặc đối tượng đã bị tiêu hủy thì cách giải quyết như thế nào? …nên việc qui định “các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” không phải là đơn giản. Trong trường hợp này hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Dần và anh Hùng là vô hiệu, chị Dần đã tự ý phá bỏ ngôi nhà ba gian nên việc hoàn trả ngôi nhà đó cho bà Thước là khó thực hiện.
Trường hợp thứ hai đó là hợp đồng vô hiệu do giả tạo.
Bà Lê Tố Uyên, kiện bà Trần Kim Anh.ra tòa để tranh chấp tiền đặt cọc mua bán nhà. Bà Uyên. cho rằng vào tháng 5-2005, bà Anh. Bán cho bà căn nhà ở xóm 6 xã Thanh Khê_Thanh Chương_Nghệ an. Bà Uyên đã đặt cọc gần 200 triệu đồng.
Sau khi giao tiền cọc bà Uyên phát hiện bà Anh đã bán căn nhà này cho người khác. Do đó, bà Uyên kiện yêu cầu bà Anh phải trả lại gần 200 triệu đồng tiền đặt cọc. Bà Anh bảo do bà vay tiền của người khác nhưng không trả được nên trước đó bà đã làm hợp đồng bán căn nhà của mình cho chủ nợ. Hợp đồng mua bán nhà này đã được công chứng vào tháng 11-2005. Sau đó, bà Uyên đồng ý đứng ra tranh chấp nhà để bà Anh không bị mất nhà. Vì thế tháng 12-2005, bà và bà Uyên làm một bản hợp đồng mua bán nhà nhưng ghi lùi ngày vào tháng 5-2005 để thể hiện bà Lan đã bán nhà cho bà Uyên trước khi bán cho chủ nợ.
Xử sơ thẩm vụ án vào tháng 5-2007, TAND Huyện Thanh Chương tuyên bố hợp đồng đặt cọc giữa bà Uyên và bà Anh vô hiệu. Cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà Uyên đòi bà Anh trả gần 200 triệu đồng tiền cọc. Hợp đồng trên giữa bà Uyên và bà Anh vô hiệu do là một hợp đồng hoàn toàn giả tạo. Tình hình thực tế hiện nay việc tranh chấp hợp đồng vô hiệu đang diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng và có không ít hợp đồng giả tạo .Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu”. Những hợp đồng giả tạo này thường là những hợp đồng che dấu để trốn thuế. Dạng của những hợp đồng này thường là che dấu giá trị thực sự của giao dịch mà thay vào đó một giá trị nhỏ hơn để trốn thuế. Hoặc là giao dịch giả tạo vì lý do trục lợi .Việc xác định hợp đồng giả tạo cũng không đơn giản. Những quy định hợp đồng vô hiệu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Yêu cầu đặt ra là phải có quy định chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người tham gia hợp đồng.
Trường hợp thứ ba: Liến quan đến xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự khi giao kết hợp đồng để tuyên hợp đồng vô hiệu.
Ông Cường là người sử dụng không có quyền định đoạt diện tích 288 m2 đất (do mẹ ông để lại nhưng việc chia di sản chưa được thực hiện). Ngày 20/01/2006 ông Cường và bà Xuân (vợ ông Cường) ký giấy chuyển nhượng cho anh Thắng( con riêng bà Xuân) diện tích đất trên. Ngày 13/6/2006, Tòa án huyện xử bà Xuân ly hôn với ông Cường. Sau đó, anh Hưng (con riêng ông Cường) đón ông Cường về nuôi dưỡng và phát hiện ông Cường có biểu hiện của người bị tâm thần nên đã yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Theo Điều 22 BLDS, “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình” thì được coi là “mất năng lực hành vi dân sự”. Tuy nhiên, khái niệm này còn khá trừu tượng. Khi nào một người được coi là “bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình”? Thiết nghĩ, việc một người mất năng lực hành vi dân sự không phụ thuộc vào tuổi của họ. Bởi lẽ một người cao tuổi hoàn toàn có thể có tinh thần minh mẫn trong khi đó một người trẻ lại có thể mất khả năng tư duy, nhận thức. Do đó, tuổi cao không là yếu tố đầy đủ để khẳng định một người mất năng lực hành vi dân sự.
Cũng tương tự, sự thay đổi theo hướng xấu của cơ thể cũng không đủ để khẳng định một người mất khả năng tư duy, nhận thức. Chẳng hạn, một người bị tai nạn gẫy chân, gẫy tay sau khi nằm viện hoàn toàn có thể minh mẫn, làm chủ được hành vi của mình. Trong thực tế hiện nay có không ít người lâm vào tình trạng trầm cảm nhưng điều đó cũng không đủ để chứng minh việc mất năng lực hành vi dân sự. Quay lại vụ việc đang nghiên cứu, ông Cường có thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hay không?
Đánh giá: Trong quá trình giải quyết các bên có đưa ra các giấy tờ, tài liệu và lời xác nhận của một số người làm chứng nhằm chứng minh ông Cường có bị tâm thần hay không. Tuy nhiên các giấy tờ và lời làm chứng về cơ bản đều thiếu khách quan, không dựa trên cơ sở khoa học mà chủ yếu xuất phát từ những cảm nhận chủ quan. Mặt khác, trong giấy trả nhận tiền đề ngày 20/09/2006 có chữ ký xác nhận của ông Hành là trưởng thôn. Nhưng giấy tờ này có sự sai lệch, thể hiện sự không trung thực. Ở đây, cần nói thêm là việc giao dịch có công chứng, chứng thực không loại trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Bởi lẽ, người đứng ra chứng thực, công chứng không là người đảm bảo tính hoàn thiện của sự ưng thuậnTheo Điều 22 BLDS, “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”. “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”. Như vậy, khi một người mất năng lực hành vi dân sự thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất hành vi năng lực dân sự và giao dịch dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Ở đây, BLDS chưa quy định rõ ràng về thời điểm bắt đầu mà giao dịch dân sự phải thực hiện qua người đại diện. Thời điểm này là thời điểm mất năng lực hành vi dân sự thực sự hay là thời điểm Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự? Câu trả lời là rất quan trọng vì nó kéo theo hệ quả pháp lý khác nhau.
2.3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.
2.3.1. Hoàn thiện pháp luật.
Pháp luật chỉ có thể tác dụng khi nó được áp dụng vào cuộc sống, và để pháp luật dễ đi vào cuộc sống thì các quy định của pháp luật phải chặt chẽ hơn.
Thứ nhất: ở điều 131 BLDS về hợp đồng vô hiệu Về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn. Đối với qui định về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn BLDS Việt Nam chưa nhấn mạnh vào mức độ nghiêm trọng của nhầm lẫn dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng (sự nhầm lẫn quan trọng tới mức một người bình thường trong cùng hoàn cảnh sẽ chỉ giao kết hợp đồng với những điều khoản khác hoặc không khi nào giao kết hợp đồng đó nếu biết được sự thực) nhằm tránh các trường hợp người bị nhầm lẫn cẩu thả nghiêm trọng trong xác lập hợp đồng. Nói cách khác qui định về nhầm lẫn trong Điều 131 BLDS 2005 chưa có cái nhìn mang tính chất khách quan về việc xem xét lỗi đối với các bên xác lập hợp đồng (bên nhầm lẫn và bên gây nhầm lẫn) dẫn tới hậu quả pháp lý có thể không công bằng đối với các bên. Mặt khác, theo Điều 131 BLDS qui định thì chỉ cần “một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch” thì giao dịch đó đã có thể bị xem xét tính có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung của hợp đồng dân sự gồm rất nhiều các điều khỏan khác nhau trong đó có những điều khỏan không mang tính chất quyết định đến việc các bên xác lập, thực hiện giao dịch vì thế nếu chỉ qui định chung chung như vậy thì điều luật này có thể được hiểu là nếu nhầm lẫn về bất cứ nội dung nào cũng có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Điều này đương nhiên là không bảo đảm cho các bên sự an toàn khi tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng cũng như thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển.
Vì thế Điều 131 BLDS đoạn 1 nên được sửa là “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu trừ trường hợp bên bị nhầm lẫn cẩu thả nghiêm trọng.
Thứ hai: Về hợp đồng vô hiệu do bị đe dọa Điều 132 BLDS qui định: “Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình”. So với Điều 142 BLDS 1995, Điều 132 BLDS 2005 đã cụ thể hóa “người thân thích” thành: “cha, mẹ, vợ, chồng, con” của người bị đe dọa. Việc sửa đổi này đã thu hẹp phạm vi người được bảo vệ do bị đe dọa. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp người bị đe dọa mặc dù không thuộc nhóm đối tượng trên, nhưng lại là người có vị trí đặc biệt quan trọng với người xác lập hợp đồng và vì vậy người xác lập hợp đồng đã buộc phải xác lập trái với mong muốn của mình. Hoặc người tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng mặc dù không có quan hệ gì với một người nhưng do lo sợ thiệt hại có thể xảy ra ngay lập tức cho người đó mà đã xác lập hợp đồng trái với mong muốn của mình. Nếu căn cứ vào ngôn từ của Điều 132 BLDS, trong cả hai trường hợp trên người đã xác lập hợp đồng trái với mong muốn của mình sẽ không có quyền yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu. Điều này dường như đi ngược lại với qui định của Điều 122 khỏan 1 điểm c BLDS 2005 “Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện” và hơn nữa với qui định này dường như đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta và nếu hành vi đe dọa này nghiêm trọng đến mức người bị đe dọa đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì việc người từ chối không xác lập hợp đồng dân sự liệu có bị xem là coi thường sinh mệnh của người khác và phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Theo chúng tôi, pháp luật chỉ nên qui định: “Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người khác”. .
Thứ ba: Đối với quy định “Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” ở khoản 2 điều 137 BLDS2005. So với Điều 142 BLDS 1995, Điều 132 BLDS 2005 đã bổ sung thêm trường hợp hành vi lừa dối đe dọa có thể do người thứ ba thực hiện. Đây là điểm tiến bộ đáng ghi nhận vì nó bảo vệ hiệu quả hơn chủ thể của hợp đồng trước hành vi cố ý dẫn dắt họ xác lập hợp đồng trái với ý muốn đích thực của mình. Tuy nhiên, BLDS chưa có điều khỏan nào bảo vệ quyền và lợi ích của người đã tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với người bị đe dọa hoặc bị lừa dối nhưng không biết và không buộc phải biết người tham gia xác lập, thực hiện giao dịch với mình là bị đe dọa, lừa dối. Quyền lợi của người này có thể được bảo vệ bởi qui định tại Điều 137 BLDS: “Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” nhưng cụm từ “Bên có lỗi” có thể gây ra sự hiểu nhầm là việc bồi thường thiệt hại chỉ do một trong các bên xác lập, thực hiện hợp đồng phải gánh chịu bởi người thứ ba không phải là một bên trong hợp đồng. Như vậy, khoản 2 điều 137 BLDS đoạn cuối nên được sửa là: “Người có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường” .
Thứ tư: Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu ở điều 136 BLDS. Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu từ điều 130 đến 134 là 2 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Tôi thiết nghĩ với thời hạn ngắn như vậy thì có nhiều trường hợp quyền và lợi ích của các bên tham gia hợp đồng dân sự và của người khác không được bảo đảm, vì có những trường hợp khi phát hiện được sự nhầm lẫn, do bị lừa dối ..thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu đã không còn. Vì thế cần tăng thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong các trường hợp này lên 5 năm sẽ phù hợp hơn.
2.3.2.Hướng dẫn thi hành luật.
Do việc áp dụng luật vào thực tế còn nhiều điểm chưa thống nhất.Cụ thể khi xem xét việc hợp đồng có vô hiệu haykhông và tránh những nhập nhằng giữa các cơ quan thi hành nên việc hướng dẫn thi hành luật là rất cần thiết . Cụ thể đó là hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức phải căn cứ vào trường hợp rõ ràng do pháp luật quy định, riêng những hợp đồng mà pháp luật quy định phải lập thành văn bản mà các các bên vẫn vi phạm thì hợp đồng đó phải bị tuyên là vô hiệu.
Hợp đồng bị xem vô hiệu do nhầm lẫn thì phải xác định lỗi thuộc về bên nào sau đó mới xem xét để áp dụng điều luật ở văn bản luật nao có giá trị cao hơn mà có quy định về vấn đề đó, cụ thể BLDS 2005.
PHẦN KẾT LUẬN
Qua những vấn đề tôi đã phân tích và làm rõ trên cho ta thấy vấn đề “Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu”, hiện đang là vấn đề không những được giới chuyên môn mà được cả xã hội quan tâm. Đây là vấn đề có ý nghĩa không những về mặt lý luận mà cả về mặt thực tiễn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đã vào WTO hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việc hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng vô hiệu là vấn đề rất thiết thực để pháp luật nước ta theo kịp với pháp luật thế giới và đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng phức tạp như hiện nay.
Như những vấn đề mà ở trên đã nêu, phân tích thì rõ ràng vấn đề quy phạm điều chỉnh trong lĩnh vực hợp đồng và xác định trách nhiệm pháp lý hiện nay so với thực tế cũng đang tồn tại quá nhiều bất cập. Nhiều loại hợp đồng phát sinh mà chế định hợp đông vô hiệu vẫn chưa bảo vệ được quyền lợi của người tham gia hợp đồng. Mặt khác quy định các yếu tố dẫn đến vô hiệu hợp đồng cũng cần được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Việc vận dụng xác định hợp đồng vô hiệu còn nhiều điểm sai, chưa thống nhất, quy định yếu tố vô hiệu hợp đồng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng vô hiệu là rất cần thiết.
Danh mục tài liệu tham khảo.
1. Bộ Luật dân sự 2005, BLDS 1995.
2. Chế định hợp đồng dân sự.
3. Nghị quyết 01,04 của hội đồng thẩm phán TANDTC.
4. Tạp chí tòa án.
5. Sổ kết quả các vụ việc dân sự từ 2005 đến 2010 của tòa án nhân dân huyện Thanh Chương_ tỉnh Nghệ An.
6. Bản án số 51/2007/DS-ST Của TAND huyện Thanh Chương.
7. Bản án số 38/2007/DS-ST của TAND huyện thanh chương.
8. Bản án số 57/2006/DS-ST của TAND huyện Thanh Chương.
9. TS. Đỗ Văn Đại, Đại học Paris13 cộng hòa pháp Tạp chí Khoa học Pháp lý.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý, thực tiễn áp dụng tại tòa án nhân dân huyện.doc