Khái niệm phế liệu và bản chất pháp lý của phế liệu
Vai trò của khái niệm phế liệu
Các tranh luận khoa học ở Việt Nam trong thời gian qua về hoạt động nhập khẩu phế liệu không đề cập tới tiêu chí để phân biệt phế liệu với các vật chất khác mà chỉ quan tâm tới giá trị kinh tế, những tác động tới môi trường của hoạt động nhập khẩu phế liệu và các quy định về kiểm soát hoạt động này. Các thuật ngữ có liên quan như phế liệu, phế thải, chất thải . không được phân tích, đánh giá dựa trên những tiêu chí mang tính pháp lý mà được sử dụng như những thuật ngữ thông thường, thuật ngữ xã hội học và mặc nhiên được công nhận trong lĩnh vực khoa học pháp lý [1]. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, xung quanh khái niệm phế liệu và các khái niệm có liên quan vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để trên phương diện lý luận cũng như luật thực định. Trong khi đó, một vật chất cụ thể nào đó được nhìn nhận là sản phẩm hay là phế liệu hoặc là chất thải có vai trò quyết định trong việc áp dụng những quy định khác nhau của pháp luật. Dưới giác độ môi trường, việc xem xét, đánh giá một vật chất là phế liệu hay là chất thải có ý nghĩa quyết định trong việc áp dụng các quy định khác nhau của pháp luật môi trường về hoạt động nhập khẩu, như về điều kiện nhập khẩu, kiểm soát hoạt động nhập khẩu và trách nhiệm pháp lý khi xuất hiện hành vi vi phạm. Trong điều kiện như vậy, việc làm rõ những tiêu chí cơ bản và bản chất pháp lý của khái niệm phế liệu có ý nghĩa quan trọng, là một nội dung trọng tâm cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường nói chung và pháp luật môi trường về hoạt động nhập khẩu phế liệu nói riêng.
2. Khái niệm phế liệu
5 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2711 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái niệm phế liệu và bản chất pháp lý của phế liệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁI NIỆM PHẾ LIỆU VÀ BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA PHẾ LIỆU
1. Vai trò của khái niệm phế liệuCác tranh luận khoa học ở Việt Nam trong thời gian qua về hoạt động nhập khẩu phế liệu không đề cập tới tiêu chí để phân biệt phế liệu với các vật chất khác mà chỉ quan tâm tới giá trị kinh tế, những tác động tới môi trường của hoạt động nhập khẩu phế liệu và các quy định về kiểm soát hoạt động này. Các thuật ngữ có liên quan như phế liệu, phế thải, chất thải... không được phân tích, đánh giá dựa trên những tiêu chí mang tính pháp lý mà được sử dụng như những thuật ngữ thông thường, thuật ngữ xã hội học và mặc nhiên được công nhận trong lĩnh vực khoa học pháp lý [1]. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, xung quanh khái niệm phế liệu và các khái niệm có liên quan vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để trên phương diện lý luận cũng như luật thực định. Trong khi đó, một vật chất cụ thể nào đó được nhìn nhận là sản phẩm hay là phế liệu hoặc là chất thải có vai trò quyết định trong việc áp dụng những quy định khác nhau của pháp luật. Dưới giác độ môi trường, việc xem xét, đánh giá một vật chất là phế liệu hay là chất thải có ý nghĩa quyết định trong việc áp dụng các quy định khác nhau của pháp luật môi trường về hoạt động nhập khẩu, như về điều kiện nhập khẩu, kiểm soát hoạt động nhập khẩu và trách nhiệm pháp lý khi xuất hiện hành vi vi phạm. Trong điều kiện như vậy, việc làm rõ những tiêu chí cơ bản và bản chất pháp lý của khái niệm phế liệu có ý nghĩa quan trọng, là một nội dung trọng tâm cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường nói chung và pháp luật môi trường về hoạt động nhập khẩu phế liệu nói riêng.2. Khái niệm phế liệuDưới giác độ ngữ nghĩa, phế liệu được hiểu là những nguyên liệu bị bỏ đi, không dùng đến nữa sau quá trình sử dụng. Theo cách hiểu này, phế liệu chỉ phát sinh trong quá trình sản xuất của con người.Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa "Phế liệu là vật bỏ đi từ những nguyên liệu đã qua chế biến" [2]. Theo cách hiểu này, tất cả những vật chất phát sinh sau quá trình sử dụng nguyên liệu bị chủ sở hữu bỏ đi đều trở thành phế liệu. Định nghĩa này đã không đưa ra tiêu chí để phân biệt phế liệu với chất thải - là “rác và các vật bỏ đi sau một quá trình sử dụng” [3]. Phế liệu theo cách hiểu này là một dạng chất thải.Trong lĩnh vực khoa học pháp lý, khái niệm phế liệu được định nghĩa lần đầu tiên tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 03/2004/QĐ-BTNMT ngày 02/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: "Phế liệu là sản phẩm, vật liệu được loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng nhưng đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất". Khái niệm phế liệu tiếp tục được Luật Bảo vệ môi trường 2005 (Luật BVMT 2005) định nghĩa tại khoản 13 Điều 3: "Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất". Mặc dù có sự khác biệt về việc sử dụng một số từ ngữ trong hai định nghĩa này nhưng giữa các định nghĩa này không có sự khác biệt về bản chất pháp lý.Theo các định nghĩa trên, vật chất sẽ trở thành phế liệu khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:Thứ nhất: Là sản phẩm hoặc vật liệu“Sản phẩm” là những thứ do lao động của con người tạo ra [4]. Các sản phẩm mà con người tạo ra có thể tồn tại dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể. Dưới giác độ luật môi trường thì đó chỉ có thể là những sản phẩm tồn tại dưới dạng vật thể thuộc thành phần môi trường. Do đó, những sản phẩm phi vật thể không thuộc khái niệm phế liệu.“Vật liệu” là những vật để làm cái gì đó [5]. Như vậy, vật liệu có thể là những vật chất từ tự nhiên hoặc đã qua chế biến để có thể sử dụng trong sản xuất.Thứ hai: Bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng "Bị loại ra" được hiểu là các sản phẩm hoặc vật liệu được đưa ra khỏi quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng. Đối với hoạt động tiêu dùng, được coi là “được loại ra” khi chủ sở hữu không đưa nó vào khai thác giá trị, công dụng của vật chất đó. Trong trường hợp sản xuất, hành vi “loại ra” cần có sự phân biệt giữa hành vi của người trực tiếp sản xuất (công nhân) với hành vi loại ra của chủ sở hữu hoặc người đại diện hợp pháp của chủ sở hữu. Chỉ được nhìn nhận là “được loại ra” khỏi quá trình sản xuất khi chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu chủ động từ bỏ ý định sử dụng sản phẩm hoặc vật liệu đó vào quá trình sản xuất và tiêu dùng. Điều này có nghĩa là một vật chất tồn tại dưới dạng phế liệu hay không phụ thuộc vào hành vi của chủ sở hữu (hoặc người đại diện hợp pháp) sản phẩm hoặc vật liệu đó. Hành vi từ bỏ của chủ sở hữu có thể được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động.Thứ ba: Được thu hồi dùng làm nguyên liệuSản phẩm hoặc vật liệu có trở thành phế liệu hay không phụ thuộc vào việc đánh giá trên thực tế đối với hành vi "từ bỏ ý định khai thác giá trị, công dụng" của chủ sở hữu và phải được xem xét một cách cụ thể đối với từng trường hợp, như thu hồi để bán dưới hình thức hàng hóa, để sử dụng làm nguyên liệu hoặc để xử lý. Ví dụ như những quần áo cũ mà chủ sở hữu không còn nhu cầu sử dụng, không có "ý định khai thác giá trị, công dụng" của nó nhưng chủ sở hữu ngay sau khi từ bỏ, bán cho người khác sử dụng với tư cách là hàng cũ (hàng secondhand) thì vật chất này là hàng hóa. Trong trường hợp chủ sở hữu "từ bỏ ý định khai thác giá trị, công dụng" của quần áo cũ nhưng sau đó lại đưa nó vào sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc bán cho người khác làm nguyên liệu thì nó trở thành phế liệu. Trong trường hợp chủ sở hữu "từ bỏ ý định khai thác giá trị, công dụng" của quần áo cũ nhưng không có ý định sử dụng nó với bất cứ mục đích gì thì nó có thể là chất thải phải xử lý. Khó có thể đưa ra những nguyên lý chung cho việc đánh giá mục đích thu hồi của chủ sở hữu. Trên thực tế, việc đánh giá mục đích thu hồi chỉ có thể thực hiện được trong những trường hợp cụ thể thông qua việc xem xét, đánh giá hành vi, biểu hiện của chủ sở hữu.3. Bản chất pháp lý của phế liệuCùng với khái niệm phế liệu, Luật BVMT 2005 đề cập tới khái niệm chất thải như là một khái niệm độc lập với khái niệm phế liệu.Luật môi trường Việt Nam đã đưa ra định nghĩa chất thải tại khoản 10 Điều 3 Luật BVMT 2005 như sau: "Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác".Theo định nghĩa này, vật chất sẽ trở thành chất thải khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau [6]:Thứ nhất, chất thải là vật chất, có thể tồn tại dưới những dạng như rắn, lỏng, khí hoặc các dạng khác. Những yếu tố phi vật chất không thể là chất thải. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những yếu tố cấu thành môi trường theo pháp luật môi trường.Thứ hai, vật chất bị chủ sở hữu thải ra trong các hoạt động của mình, cả trường hợp chủ động và bị động, sẽ trở thành chất thải.Thứ ba, vật chất sẽ tồn tại dưới dạng chất thải kể từ khi chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp thải ra cho tới khi con người đưa nó vào sử dụng trong một chu trình sản xuất hoặc chu trình sử dụng khác.Cách tiếp cận của Luật BVMT 2005, nếu đưa ra được những tiêu chí rõ ràng cho việc phân biệt chất thải với phế liệu, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và áp dụng các quy định trong hoạt động quản lý chất thải, phế liệu, trong đó có hoạt động nhập khẩu phế liệu. Từ những phân tích ở trên, khái niệm chất thải và khái niệm phế liệu được đề cập tại Luật BVMT 2005 có những sự khác biệt sau đây:Thứ nhất, các yếu tố có thể trở thành chất thải bao gồm các loại vật chất trong đó có sản phẩm và vật liệu, là yếu tố có thể trở thành phế liệu.Thứ hai, với trường hợp trở thành phế liệu, việc từ bỏ giá trị, công dụng của chủ sở hữu vật chất mang tính chủ động. Trong trường hợp chất thải, việc từ bỏ giá trị công dụng của chủ sở hữu vật chất bao gồm cả trường hợp chủ động và bị động.Thứ ba, khái niệm chất thải không đề cập tới mục đích sau quá trình thải ra và pháp luật coi thu hồi là một trong những nghĩa vụ của người sản sinh chất thải. Trong khi đó, mục đích "được thu hồi dùng làm nguyên liệu sản xuất" là một tiêu chí của khái niệm phế liệu. Tiêu chí "được thu hồi dùng làm nguyên liệu sản xuất" là tiêu chí mang tính định tính. Chúng ta khó có thể đánh giá được một chất thải cụ thể được thu hồi có thể "dùng làm nguyên liệu" cho một chu trình sản xuất nào đó, được thực hiện ở đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam hoặc trên thế giới hay không. Pháp luật quốc tế về môi trường và pháp luật các quốc gia không sử dụng tiêu chí này để xác lập khái niệm phế liệu và từ đó không phân biệt phế liệu với chất thải mà chỉ sử dụng khái niệm duy nhất: chất thải (tiếng Anh: waste, tiếng Đức: Abfall), kể cả trong trường hợp thu hồi để tái chế, tái sử dụng và trường hợp thu hồi để xử lý. Theo phụ lục I của Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hiểm qua biên giới và việc tiêu hủy chúng [7], hoạt động thu hồi để tái sử dụng cũng là một công việc tiêu hủy và vì vậy vật chất thải ra của các hoạt động khác nhau nhưng được thu hồi "dùng làm nguyên liệu" cũng là chất thải.Căn cứ vào khả năng sử dụng của chất thải, có thể phân loại chất thải thành hai loại: chất thải không còn giá trị sử dụng (chất thải cuối cùng) và chất thải còn khả năng sử dụng vào sản xuất (phế liệu).Từ đây có thể khẳng định rằng, nội hàm của khái niệm chất thải rộng hơn và bao trùm cả khái niệm phế liệu. Hay nói một cách khác, phế liệu là một dạng của chất thải./.=======================================CHÚ THÍCH[1] Tài liệu Hội thảo Mini về quản lý chất thải, Hội thảo về sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội, tháng 5/2004.[2] Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 776.[3] Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 144.[4] Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 845.[5] Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 1107.[6] Về khái niệm chất thải xem thêm: Nguyễn Văn Phương, Một số vấn đề về khái niệm chất thải, Tạp chí Luật học, số 10/2006, tr. 43[7] Về khái niệm chất thải trong Công ước Basel xem thêm: Nguyễn Văn Phương, Việt Nam với việc thực thi Công ước Basel về kiểm soát chất thải xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2006. Về khái niệm chất thải của Công hòa Liên bang Đức xem Nguyễn Văn Phương, Khái niệm chất thải và quy định về xuất nhập khẩu chất thải của Cộng hòa Liên bang Đức, Tạp chí Luật học, số 4/2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Khái niệm phế liệu và bản chất pháp lý của phế liệu.doc