Khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân - Bài tập cá nhân thương mại 1
ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay, đại diện cho thương nhân là hình thức hoạt động trung gian thương mại phổ biến nhất trên thế giới và được pháp luật của hầu hết các nước ghi nhận. Ở Việt Nam, các quy định về đại diện cho thương nhân đã được tập hợp tại Muc 1 Chương V Luật Thương mại, từ Điều 141 đến Điều 149. Với bài tập của mình, em xin đi vào tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân.
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 11088 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân - Bài tập cá nhân thương mại 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, đại diện cho thương nhân là hình thức hoạt động trung gian thương mại phổ biến nhất trên thế giới và được pháp luật của hầu hết các nước ghi nhận. Ở Việt Nam, các quy định về đại diện cho thương nhân đã được tập hợp tại Muc 1 Chương V Luật Thương mại, từ Điều 141 đến Điều 149. Với bài tập của mình, em xin đi vào tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Theo Điều 141 Luật Thương mại 2005 quy định: Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy quyền (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về đại diện.
Đại diện cho thương nhân là một loại đại diện theo ủy quyền quy định trong Bộ luật Dân sự nhưng có nhiều điểm đặc thù, như sau:
Thứ nhất, Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh giữa bên đại diện và bên giao đại diện và trong quan hệ này, cả hai bên đều phải là thương nhân. Bên giao đại diện là một thương nhân có quyền thực hiện những hoạt động thương mại nhất định (như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại) mà mình muốn ủy quyền. Bên đại diện cho thương nhân cũng phải là thương nhân thực hiện hoạt động đại diện một cách chuyên nghiệp, phải có đăng kí kinh doanh dịch vụ đại diện. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh trên lĩnh vực này cần đáp ứng những điều kiện luật định. Ví dụ: đại diện cho thương nhân trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thì cá nhân phải liên hệ với Cục Sở hữu công nghiệp để được hướng dẫn cấp thẻ Người đại diện Sở hữu công nghiệp trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu: là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp, không có vốn đầu tư nước ngoài, có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (được ghi nhận trong Điều lệ hoạt động và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), có ít nhất 02 thành viên chính thức chuyên nghiệp là Người đại diện sở hữu công nghiệp trong đó 01 người là Thủ trưởng của tồ chức hoặc được Thủ trưởng của Tổ chức uỷ quyền đại diện cho tổ chức đó. (Điều 26.2 Nghị định 06/2001/ND-CP ngày 01/02/2001 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ về quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp quy định Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp).
Thứ hai, bản chất của hoạt động đại diện cho thương nhân là bên giao đại diện ủy quyền cho bên đại diện thay mặt và nhân danh bên giao đại diện thực hiện một số giao dịch thương mại và bên đại diện sẽ được hưởng thù lao sau khi hoàn thành công việc được giao. Do đó, trong phạm vi ủy quyền bên đại diện được giao dịch với bên thứ 3 và mọi hành vi do bên đại diện thực hiện trực tiếp mang lai hậu quả pháp lí cho bên giao đại diện. Bên giao đại diện phải chịu mọi trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động đại diện cho thương nhân với các hoạt động trung gian thương mại khác.
Đồng thời, bên đại diện thương mại có tư cách pháp lí khác hẳn với các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân. Quan hệ giữa thương nhân và các văn phòng đại diện, chi nhánh của mình cũng là quan hệ đại diện theo ủy quyền nhưng chúng là đơn vị phụ thuộc của thương nhân, hoạt động theo sự phân cấp của thương nhân. Còn bên hoạt động đại diện cho thương nhân hoạt động hoàn toàn độc lập, tự do chứ không phải người lao động làm thuê hay một thành viên, một người của bên giao đại diện.
Thứ ba, hoạt động đại diện cho thương nhân quy định trong Luật Thương mại có mục đích sinh lời. Việc thiết lập quan hệ đại diện cho thương nhân là để đại diện thay mặt và nhân danh bên giao đại diện tìm kiếm, xác lập quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên thứ ba. Do vậy, quan hệ giữa bên đại diên và bên giao đại diện thể hiện sự ràng buộc chặt chẽ, quan hệ đại diện thường không thực hiện trong những thương vụ hợp tác nhanh chóng mà tồn tại trong quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên.
Thứ tư, nội dung của hoạt động đại diện cho thương nhân do các bên tham gia quan hệ thỏa thuận. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên đại diện được thực hiện mọt phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện. Hoạt động đại diện cho thương nhân bao gồm việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho thương nhân giao đại diện và được tiến hành trong suốt thời gian đại diện, không giới hạn vào một vụ việc cụ thể. Bên đại diện cho thương nhân có thể được giao tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, đàm phán, giao kết hợp đồng với bên thứ ba với danh nghĩa bên giao đại diện. Cùng một lúc bên đại diện có thể tiến hành hoạt động này cho nhiều thương nhân trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thứ năm, quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh trên cơ sở hợp đồng đại diện. Quan hệ đại diện cho thương nhân là một dạng riêng của quan hệ đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự, bởi vậy hợ đồng đại diện cho thương nhân là một dang đặc biệt của hợp đồng ủy quyền. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ:
Về tính đền bù, hợp đồng đại diện cho thương nhân luôn có tính đền bù, bên đại diện được hưởng thù lao về đại diện. Trong khi hợp đồng ủy quyền trong dân sự chỉ mang tính đền bù khi cá bên có thỏa thuận.
Về chủ thể, hợp đồng đại diện cho thương nhân được giao kết giữa các thương nhân với nhau. Còn hợp đồng ủy quyền trong dân sự, chủ thể giao kết có thể là bất kì ai đáp ứng đủ điều kiện về năng lực chủ thể được quy định trong Bộ luật dân sự.
Về hình thức, theo Điều 142 Luật Thương mại 2005, hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương (như: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu...). Còn hợp đồng ủy quyền quy định trong Bộ luật dân sự không nhất thiết phải thể hiện bằng văn bản.
Mặc dù Luật thương mại 2005 đã bỏ quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng đại diện cho thương nhân nhưng xuất phát từ bản chất của quan hệ đại diện cho thương nhân và hơn thế là để hạn chế tranh chấp xảy ra, khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận những điều khoản sau: phạm vi đại diện, thời hạn đại diện, mức thù lao trả cho các bên, thời điểm phát sinh quyền được hưởng thù lao cho việc đại diện, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ hơp đồng.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Qua việc tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân, trên cơ sở các quy định của Luật Thương mại cũng như đối chiếu so sánh hoạt động đại diện thương nhân với các hoạt động đại diện theo ủy quyền khác trong dân sự, ta thấy được những nét đặc trưng tiêu biểu của hoạt động này. Từ đó có thể lựa chọn hình thức trung gian thương mại có hiệu quả, phù hợp nhất với hoạt động thương mại.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nguyễn Viết Tý (chủ biên), Nxb. CAND, Hà Nội, 2006.
Bùi Ngọc Cường (chủ biên), Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb. Giáo dục, 2008.
Luật Thương mại 2005.
TS Nguyễn Thị Vân Anh, Các hình thức pháp lí chủ yếu của trung gian thương mại, tạp chí nghiên cứu lập pháp số 3, tháng 3 năm 2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Khái niệm và đặc điểm của hoạt động đại diện cho thương nhân - bài tập cá nhân thương mại 1.doc