MỞ ĐẦU
1. Mục đích, ý nghĩa đề tài
Chữ Hán là thứ chữ viết gắn liền với dân tộc Việt Nam ta từ buổi đầu của nền độc lập. Với ý thức tự cường xây dựng một nhà nước vững mạnh và chống lại mọi âm mưu đồng hoá của các triều đại phong kiến phương bắc, ông cha ta đã sử dụng chữ Hán và đưa nó trở thành hệ thống chữ viết chính thức của mình trong suốt cả ngàn năm lịch sử. Ngày nay, với tinh thần xây dựng một nền văn hoá mới đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta không còn dùng đến chữ Hán nữa. Nhưng một nền văn hoá mới không có nghĩa là bỏ qua mọi giá trị tốt đẹp mà ông cha đã tạo dựng từ cả ngàn năm về trước mà phải giữ gìn và kế thừa những vốn quý đó. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm là một việc làm rất cần thiết.
Kho tàng tư liệu Hán Nôm trên đất nước ta hiện nay rất đa dạng và phong phú, từ những pho tư liệu khoa học-hành chính của các triều đại phong kiến cho đến những văn bản được ghi chép trên giấy tồn tại trong dân gian. Đặc biệt nhất phải kể đến mảng văn khắc được thể hiện trên các công trình kiến trúc văn hoá truyền thống. Bởi vốn tư liệu ở đây thể hiện rõ nét nhất về nguồn cội, về quê hương đất nước, về phong tục tập quán và đời sống văn hoá của con người. Vì vậy muốn hiểu rõ về những cái đó ta phải nắm được những giá trị nội dung mà người xưa đã gửi gắm. Những câu đối hay những bức hoành phi trên những đền chùa, miếu mạo không chỉ là những tâm tư tình cảm và tấm lòng của con người mà nó còn chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua thời gian cùng sự bào mòn của những yếu tố ngoại cảnh và cả sự thiếu quan tâm của con người thì vốn tư liệu này ngày càng bị mai một. Bởi vậy bên cạnh xây dựng một nền văn hoá mới phải có sự quan tâm bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá của dân tộc mà cha ông đã dày công tạo dựng. Đằng sau những câu chữ đó là cả tiếng lòng của tổ tiên từ ngàn xưa vọng tới, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn xa xưa của dân tộc và là nền tảng vững chắc để tiến tới tương lai. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy vốn di sản Hán Nôm là một trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mọi người. Đề tài "Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế" không chỉ hoàn thành một khoá luận của sinh viên trong những năm đại học mà còn mong muốn góp phần giữ gìn vốn di sản văn hoá của dân tộc, đóng góp một chút công sức của mình vào sự phát triển chung của xã hội và đất nước.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Hiện nay, hầu như ở địa phương nào trên phạm vi cả nước cũng có một lượng tư liệu Hán Nôm rất lớn cả về các văn bản chép tay cũng như mảng văn khắc. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có kho tàng di sản Hán Nôm phong phú và đa dạng bậc nhất. Ngoài các sách vở, tàng thư của triều đình phong kiến còn có mảng văn khắc được thể hiện trên các công trình đền đài, cung điện, lăng tẩm . và cả mảng văn khắc trên các công trình kiến trúc văn hoá trong dân gian. Trong những năm gần đây đã có nhiều nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát, sưu tầm và tuyển dịch nhưng do lượng nhiều người ít nên mới chỉ thực hiện được một phần nào đó ở những địa bàn lân cận. Xã Thuỷ Dương huyện Hương Thuỷ là một vùng đất có bề dày về lịch sử và văn hoá, nơi đây tồn tại một lượng văn khắc Hán Nôm dân gian rất lớn và đa dạng về chủng loại nhưng chưa được sưu tầm có hệ thống trên toàn bộ địa bàn xã, mà mới chỉ có những cuộc sưu tầm và tuyển dịch riêng về văn bia. Tấm văn bia "Lê Trọng, Văn, Đắc, Bá, Thúc, Quý tộc thủy tổ mộ bi kí" ở nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý, đã được nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh sưu tầm và tuyển dịch trong cuốn văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 2006. Còn mảng văn khắc phong phú còn lại chưa được ai thực hiện. Vì vậy với đề tài này chúng tôi đã khảo sát một cách hệ thống, cụ thể mảng văn khắc Hán Nôm trên toàn bộ địa bàn xã Thuỷ Dương và tìm hiểu những giá trị nội dung nghệ thuật chứa đựng trong đó.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài này, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đó là văn khắc Hán Nôm tức là các chữ Hán-Nôm được khắc, nề trên các chất liệu cứng như vữa xây, gỗ, đá, kim loại . Còn phạm vi nghiên cứu của đề tài là toàn bộ khu vực xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đây là đề tài phải trải qua điền dã thực tế mới có thể trực tiếp tiếp cận với nguồn tư liệu và tiến hành khảo sát, sưu tầm, phiên dịch. Sau khi thu thập toàn bộ nguồn tư liệu mới có thể tiến hành sắp xếp, phân loại, đồng thời tham khảo các cách làm của những người đi trước để có thể thực hiện đề tài một cách có hệ thống, cuối cùng là phiên âm và dịch nghĩa toàn bộ nguồn tư liệu. Để dễ dàng hơn trong cách hình dung hệ thống văn khắc trên tất cả các di tích, phần hoành phi, đại tự được đóng khung (kể cả lạc khoản); phần phiên âm được in nghiêng và phần dịch nghĩa được in thường. Phần câu đối chữ Nôm chúng tôi chỉ ghi lại phần phiên âm ra quốc ngữ. Tất cả đều được sắp xếp giống như thực tế, các hoành phi câu đối được xếp từ ngoài vào trong theo đúng như hệ thống kiến trúc. Những phần chữ bị hư và mất nét chúng tôi vẫn đưa vào và để thành dấu chấm hỏi.
5. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, đề tài có ba chương nội dung chính:
Chương 1. Một vài nét khái quát về xã Thuỷ Dương và hiện trạng văn khắc ở xã
1.1. Một vài nét khái quát về xã Thuỷ Dương
1.1.1. Vị trí địa lý và lịch sử xã Thuỷ Dương
1.1.2. Vài nét về kinh tế, văn hoá xã hội xã Thuỷ Dương
1.2. Hiện trạng văn khắc tại xã Thuỷ Dương
Chương 2. Sưu tầm và tuyển dịch văn khắc chữ Hán tại xã Thuỷ Dương
2.1. Văn khắc ở đình
2.2. Văn khắc ở chùa
2.3. Văn khắc ở miếu, lăng
2.4. Văn khắc ở nhà thờ
Chương 3. Giá trị nội dung và nghệ thuật văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương
3.1. Giá trị nội dung
3.2. Giá trị nghệ thuật
170 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3231 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng thượng cao cao cao tuyên tổ, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ phó thủ lĩnh Trần quý công, thụy là Lẫm Đôn phủ quân.
孝悌仰承堯舜道
敬誠啟迪禹湯謨
Hiếu đễ ngưỡng thừa Nghiêu Thuấn đạo;
Kính thành khải địch Vũ Thang mô.
Hiếu đễ ngẩng nối theo đạo Nghiêu Thuấn;
Thành kính dìu dắt theo mưu phép của Vũ Thang.
Chương 3
GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN KHẮC CHỮ HÁN TẠI XÃ THỦY DƯƠNG
Chữ Hán đã chính thức cáo chung ở Việt Nam ta hơn 60 năm và cho đến tận ngày nay, dường như không mấy người còn biết đến thứ chữ đã gắn liền với cả dân tộc suốt chặng đường ngàn năm lịch sử ấy. Dù sự ra đi của nó là điều chắc chắn phải xảy ra và phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chữ Hán hoàn toàn biến mất mà ngược lại, hình ảnh của nó lại xuất hiện khắp nơi nơi, từ chốn làng quê cho đến nơi đô thị. Ngày nay, chúng ta không còn dùng chữ Hán như một thứ chữ viết chính thức trong tất cả các văn bản khoa học nhưng chữ Hán vẫn là thứ chữ chính thức ở lĩnh vực tâm linh tín ngưỡng thể hiện trên các công trình kiến trúc văn hóa truyền thống. Nếu như ở phương tây, những bức vẽ của các danh họa nổi tiếng là phần không thể thiếu của nghệ thuật kiến trúc tôn giáo thì ở nước ta nói riêng và các nước thuộc vòng văn hóa Trung Hoa nói chung thì thứ không thể không nhắc tới đó chính là chữ Hán. Và nếu như ở những nơi tôn nghiêm trân trọng mà không có những bức hoành phi, những câu đối chữ Hán hẳn nơi đó đã mất đi vẻ đẹp kiến trúc và cái giá trị tinh thần lớn lao vậy. Bởi chữ Hán là thứ chữ mang hơi thở của truyền thống, mang cốt cách của hồn người, mang thông điệp của cổ nhân từ ngàn xưa vọng tới. Và khi nó đã được trang trí ở những nơi tôn nghiêm thì luôn chứa đựng những giá trị nội dung rất phong phú và đa dạng: Đó là sự thể hiện tình cảm của con người trước phong cảnh và cuộc sống nơi quê hương thôn xóm, ca tụng công đức của các bậc Thần Thánh, Phật pháp và ca ngợi công ơn của tổ tiên, đặc biệt hơn nữa đó là giáo dục đạo đức, lối sống cho hôm nay và mai sau. Không chỉ vậy, những giá trị của nó còn được thể hiện qua hình thức nghệ thuật như cách sử dụng câu từ, hình ảnh so sánh hay các điển tích điển cố, chứa đựng nhiều thú vị.
3.1. Giá trị nội dung
3.1.1. Ca ngợi phong cảnh cuộc sống quê hương
“Quê hương mỗi người như một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Đối với chúng ta, quê hương là nơi thân thiết và yêu mến nhất trong mỗi con người. Lòng yêu mến quê hương của riêng mình nói riêng và đất nước nói chung được thể hiện qua nhiều cách. Nhà văn Ilyaeren Bua đã từng nói: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị chua chát của trái lê mùa thu hay mùa thảo nguyên có hơi rượi mạnh…”. Thực vậy, lòng yêu quê hương đất nước vừa lớn lao nhưng cũng vừa giản dị và là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật. Có thể nói rằng, không nơi đâu trên đất nước ta mà khi đi đến lại không được nghe những câu thơ lời hát ca ngợi về miền quê đó. Bởi tình quê đã chan chứa và thấm đẫm trong tâm hồn và trái tim mỗi con người. Và ở bất cứ nơi đâu thì lòng tự hào về miền quê yêu dấu vẫn ngọt ngào đằm thắm, hình ảnh non nước quyện tình tạo nên một bức tranh mang đậm chất quê hương:
Sầm lĩnh nguy nguy sơn cẩm tú
Thanh tuyền cổn cổn thủy văn chương
Đụn Sầm nguy nga ấy là núi cẩm tú
Suối Thanh trong cuồn cuộn ấy là nước văn chương
(đình Thanh Thủy Thượng)
Hay:
Tây nam tam sơn sinh chúng lĩnh
Đông bắc tứ hải hóa long vân
Ba trái núi phía tây nam sinh ra ngàn ngọn núi khác
Bốn bể ở phía đông bắc hóa thành mây rồng
(Nhà thờ họ phan)
Hình ảnh non nước được ví von so sánh hiện ra trước mắt thật hùng vĩ, xanh tươi. Từng lớp lớp núi cao như những bức bình phong che chắn mọi ám khí, hun đúc nên khí vượng của đất trời. Những dòng nước trong xanh như những dòng sữa trong lành tưới mát cho thôn quê:
Sầm sơn chung tú khí
Thanh thủy tráng hồng cơ
Núi cao hun đúc nên khí vượng
Nước trong làm hùng vĩ nền móng lớn
(Nhà thờ họ Lê Viết)
Long thủy tả triều phân vạn phái
Tượng sơn hữu củng vĩnh thiên niên
Long Thủy chầu về phía trái phân thành muôn dòng nước
Núi Tượng chầu về phía phải vững ngàn năm
(Nhà thờ họ Ngô)
Sự kếp hợp giữa non và nước làm nên sự vững mạnh và hưng thịnh bền lâu. Bởi vậy ở mỗi nhà thờ ta rất hay bắt gặp những câu đối mang nội dung ngợi ca địa thế của quê hương cũng như tự hào về cái thế đất mà dòng họ mình đang ở:
Tiền đối cao sơn, thiên lý phong vân sinh cẩm sắc
Hậu y thanh thủy, nhất môn ca tụ vĩnh trường tồn
Phía trước thì đối diện núi cao, ngàn dặm gió mây sinh vẻ gấm
Sau thì dựa vào con nước trong, một nhà ca tụ mãi lâu dài
(Nhà thờ Nhà thờ họ Lê Diên)
Mỗi miền quê với hình ảnh và phong cảnh khác nhau nhưng đều có cái chung đó là non và nước. Theo quan niệm về phong thủy thì núi cao là biểu hiện của sự vững chãi lâu dài, là thế “tụ” tức hun đúc khí tinh anh của trời đất vạn vật; còn nước sâu là biểu tượng của sự lưu chảy vận động của tự nhiên, là thế “tán” tức thổi vào khí lành và xua đi khí độc. Đặc biệt hơn nữa nó chính là biểu tượng của nhân và trí như câu: “nhân nhạo thủy, trí nhạo sơn” trong sách Luận ngữ. Người xưa rất quan trọng điều này bởi cho rằng nó là sự kết hợp khí thiêng hun đúc nên nhân kiệt. Bởi vậy ta rất thường bắt gặp những câu đối mang nội dung ca ngợi vẻ xinh tươi tốt lành của non sông gắn liền những hình ảnh trí tuệ mà tạo hóa đã ban tặng:
Sầm lĩnh tam phong kình bút thế
Bình sơn nhất tự tác văn tinh
Ba ngọn núi Sầm cao nâng thế cây bút
Một ngọn núi Bình làm ra dáng ngôi sao văn
(nhà thờ họ Lê Bá Thúc Trọng Quý)
Hay:
Trụ lập đình tiền, bút thế sơn hà đái ấn
Biểu tiêu án ngoại, văn tinh nhật nguyệt không huyền
Cột đứng trước sân, như thế cái bút in xuống nước thành một dải
Biểu ở ngoài án, như ngôi sao văn học treo lơ lửng giữa mặt trăng mặt trời
(Nhà thờ họ Lê Viết)
Câu đối như một bức tranh vẽ nên một không gian rộng lớn và khoáng đạt với đầy đủ sắc màu và hình ảnh. Nổi bật hơn hết đó chính là những ngọn núi cao nhô lên như hình cây bút, rồi ngôi sao văn học… chúng đều là những biểu tượng của tri thức và truyền thống hiếu học trong mỗi dòng họ ở làng xã. Xưa kia truyền thống hiếu học rất được đề cao. Xóm làng nào cũng đều có lớp học, người đi học rất được coi trọng và họ là tầng lớp đứng đầu trong xã hội (Sĩ, Nông, Công, Cổ). Nhà nào dù nghèo cũng cố gắng gửi con cho thầy mong kiếm dăm ba chữ gọi là để viết được họ tên. Các cô gái thì “chẳng yêu ruộng cả ao liền, chỉ yêu cái bút cái nghiên anh đồ”. Tinh thần hiếu học như vậy chính xuất phát từ những con người xuất thân từ nơi thôn dã, muốn có cái chữ để sau này ra đời học hỏi về xây dựng quê hương thêm xinh tươi, giàu đẹp.
Hình ảnh quen thuộc thân thương nhất của miền quê đâu chỉ bó gọn lại ở hai hình ảnh non nước mà còn là những cánh đồng lúa xanh tươi, nức mùi hương ngát. Người dân Việt Nam ta vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước bởi vậy hình tượng cây lúa đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Người nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng, lam lũ vất vả quanh năm để làm nên được những cánh đồng lúa chín trĩu nặng hạt vàng, tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên, giản dị:
Tả giới điền hòa đa khoảnh tử
Hữu biên Sầm lĩnh tráng kì quan
Phía trái là ruộng lúa nhiều khoảnh đẹp
Bên phải là đụn Sầm làm tăng thêm vẻ đẹp
(Nhà thờ họ Nguyễn)
Hình ảnh thân thương quen thuộc đó tô điểm thêm cho sự chất phác mộc mạc của thôn quê. Một ngọn núi, một dòng sông hiền hòa bao quanh làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm tươi đẹp. Từng thửa ruộng đất đai màu mỡ, một cánh đồng cũng làm cho cảnh sắc thêm thắm tươi:
Diện án tú điền thùy mỹ sắc
Hậu hoàn cảnh địa tiến văn minh
Mặt dựa vào ruộng tốt rủ vẻ tươi đẹp
Sau vây đất đẹp đi lên với văn minh
(Nhà thờ họ Trần)
Quê hương Việt yên ả thanh bình, những hình ảnh gắn liền với nó đã trở nên quen thuộc trong mỗi chúng ta. Thật thú vị biết bao khi giữa không gian tĩnh lặng của buổi trưa hè lại được nghe tiếng chuông chùa ngân lên từ đâu đó. Hình ảnh ngôi chùa đơn sơ cũng là một hình ảnh chung cho miền quê Việt bởi chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là trung tâm tín ngưỡng và văn hóa chung cho cả cộng đồng, chứa đựng một nét đẹp đáng tự hào trong văn hóa dân tộc. Thế nên không ai phải ngạc nhiên khi nghe đến tên gọi “chùa làng”. Ngôi chùa cổ kính nằm dưới những tán cây cao tạo nên một không gian trầm lắng, tĩnh mịch, cùng với quang cảnh không gian rất đỗi hiền hòa tự nhiên:
Ngũ phong kim địa tùng lâm, cô đồng quang hàm không tức sắc
Đương cát sơn đầu bảo sát, quần loan thúy tỏa cổ do kim
Rừng rậm nơi đất vàng trên năm ngọn núi, lẻ loi ánh sáng ngậm không tức là sắc
Chùa báu đầu non là nơi đẹp, những ngọn núi biếc vây quanh từ xưa đến nay
(Chùa Diệu Viên)
“Cây đa, giếng nước, sân đình
Kể sao cho hết nghĩa tình quê hương”
Những hình ảnh quen thuộc thân thương đó đã không ít lần xuất hiện và trở thành ước lệ cho nghệ thuật. Mỗi khi nhắc đến, chúng ta lại liên tưởng đến một miền quê bình dị với cây đa, cây đề biểu hiện cho sự lâu dài và vững chắc của sức sống con người; với mái đình cổ kính rêu phong là biểu trưng cho văn hóa làng xã. Sự chen lẫn hòa quyện cái chung cái riêng tạo nên một vẻ đẹp nhiều màu sắc:
Đình ngoại phong quang tăng cảnh sắc
Môn trung nhật lệ đắc vinh hoa
Quang cảnh ngoài đình thêm cảnh sắc
Trong nhà rực rỡ được vinh hoa
(nhà thờ họ Lê Bá Thúc Trọng Quý)
Câu đối trên đặt hai hình ảnh biểu trưng cho sự gắn bó bền chặt của nếp sống làng xã ngày xưa: ngôi đình tượng trưng cho toàn bộ làng xã, là cái chung; ngôi nhà tượng trưng cho gia đình, là cái riêng. Hai hình ảnh không thể tách rời nhau bởi gia đình và dòng họ là những cá thể làm nên cộng đồng làng xã. Người Việt ta với truyền thống thương yêu đùm bọc, cùng chung cảnh tắt lửa tối đèn, một lòng đoàn kết, hòa thuận giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một truyền thống đạo đức quý báu phải luôn phát huy và giữ gìn cho muôn đời sau. Câu đối ở nhà thờ họ Phan cho chúng ta thấy được điều đáng quý đó:
Phan tộc di tôn vạn đại, y tồn danh kế thịnh
Tổ đường cảnh cẩm thiên niên, bằng xã đức lưu quang
Họ Phan truyền cho con cháu ngàn đời sau, dựa vào danh nối nhau mà được thịnh vượng
Nhà thờ cảnh tươi đẹp ngàn năm, dựa vào xã mà đức sáng lưu truyền mãi
Không chỉ là họ Phan mà tất cả các dòng họ, các gia đình trong cộng đồng đều “dựa vào xã để đức sáng lưu truyền mãi” và một dạ một lòng đoàn kết để xây dựng nên quê hương ngày càng giàu mạnh thanh bình:
Vận hội nhất tân, cục ngoại Âu phong Á vũ
Giang sơn y cựu, môn trung Thuấn nhật Nghiêu thiên
Vận hội mới mẻ, ngoài thế cuộc gió Âu mưa Á
Non sông như xưa, trong của nhà ngày Thuấn tháng Nghiêu
(Nhà thờ họ Lê Viết)
Tác giả dân gian đã dùng điển tích vua Nghiêu vua Thuấn, đó là hai ông vua sáng bên Tàu thời cổ đại đã xây dựng nên một thời đại và xã hội thanh bình bậc nhất trong lịch sử nhằm nói lên cái thịnh vượng yên bình đó trên chính đất nước quê hương mình. “Ngày Thuấn tháng Nghiêu” là mong mỏi, là mơ ước và là niềm vui sướng khi trên quê hương được thấy cảnh giàu đẹp văn minh, hết thảy nhân dân đều được hưởng phúc lành ngọt ấm:
Tuệ nhật chiếu trường không, thảo mộc sơn hà thành tú lệ
Từ phong xuy tịnh địa, Sĩ Nông Công Cổ cộng thanh lương
Mặt trời trí tuệ chiếu khắp không gian, cây cỏ nước non nên đẹp đẽ
Gió lành thổi đất tịnh, sĩ nông công thương đều hưởng mát lành
(Chùa Hoa Nghiêm)
Câu đối trên khắc ở tam quan chùa Hoa Nghiêm như nhắn nhủ về sự che chở và độ trì của hồn thiêng sông núi và của Phật pháp. Cảnh tượng hiền hòa yên vui trên quê hương ngày càng đổi mới, cảnh sắc đậm tình cùng với những con người chân quê lam lũ được thể hiện qua những câu chữ chứa đựng nhiều ý nghĩa càng làm cho tình yêu quê hương đất nước trong mỗi chúng ta ngày càng sâu xa, đằm thắm.
3.1.2. Ca tụng công đức của các bậc Thánh thần, Phật pháp và ca ngợi công ơn của Tổ tiên
Người phương đông nói chung và người Việt Nam nói riêng được xem là những con người của tâm linh, của bản thể đạo đức. Chính vì vậy mà tín ngưỡng thờ phụng thần linh là một nét văn hóa không thể không nhắc tới. Tục thờ cúng tổ tiên cũng như tín ngưỡng thờ Thần linh, Phật pháp đã chi phối đời sống tinh thần của người dân từ bao đời. Trong phần văn khắc chữ hán tại Thủy Dương phần nội dung ca ngợi công đức các bậc Thánh thần và Phật pháp cũng như ca ngợi công ơn của tổ tiên chiếm một số lượng lớn và rất có giá trị, chủ yếu là những câu đối tại đình làng và đền miếu.
Trong tâm thức mỗi con người chúng ta Thánh thần là những bậc cao minh uy quyền và tối cao nhất. Lúc đầu họ là những bậc khai hoá có công lao to lớn với dân với nước, là những người thật việc thật, được lịch sử ghi chép đầu đủ và rõ ràng. Sau khi mất đi họ được nhân dân phụng thờ và tôn làm thành hoàng. Hoặc cũng có những vị Thần Thánh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người, đó có thể là một cái cây thiêng, một tảng đá thiêng... Tên tuổi, công lao cũng như sự oai linh của họ gắn liền với non sông đất nước:
Vạn cổ huân danh thùy trúc bạch
Thiên thu nghĩa dũng tráng sơn hà
Muôn thuở công danh lưu sách sử
Ngàn thu nghĩa dũng tráng với non sông
(miếu thôn bốn)
Nhưng trên hết vẫn là sự linh thiêng hiển hiện, cứu vớt độ trì, che chở cho muôn dân:
Hộ quốc tí dân, trạch đồng hương thủy nhuận
Điều nguyên tán hóa, công đẳng chúng sơn cao
Bảo vệ nước che chở dân, ơn trạch thấm đẫm với hương thủy
Điều nguyên tạo hóa, công lao cao lớn với núi non
Công lao của họ thông qua sự linh thiêng đã được nhân dân thấy rõ và ghi nhận. Bởi vật mà họ được tôn xưng là bậc "Hộ quốc tí dân". Nơi đâu có sự hiển hiện của thánh thần nơi đó được an khang, ninh mật:
Cổ thụ miếu thần thường linh hiển
Hương thôn dân chúng vĩnh an khang
Miếu thần nơi cây cổ thụ thường hay linh hiển
Nhờ vậy mà dân chúng trong chòm xóm được mãi mãi an khang
(miếu thôn hai)
Câu đối trên được khắc tại miếu thôn hai, đó là một ngôi miếu nằm trên một khoảng đất bằng phẳng, sạch sẽ, miếu mạo uy nghiêm. Đặc biệt là miếu được dựng sát bên một cái cây cao lớn, từng chùm rễ to xum xuê toả rộng… Theo người dân ở đây thì cây này rất linh thiêng, thường hiển hiện và phù hộ cho dân ở thôn xóm. Do đó, xây miếu phụng thờ bên cây để tỏ lòng ghi nhớ ơn phù hộ. Thánh Thần với công lao hoá sinh phù trì cao cả còn đi vào từng dòng họ để ban phước lộc tốt lành, giúp cho mỗi dòng họ luôn hoà thuận và ngày càng thịnh vượng:
Chiếu ôn nhập dân quang hiển hách
Linh phù tộc nội bảo bình an
Chiếu ấm vào dân rạng ngời hiển hách
Linh phù trong họ bảo vệ bình an
(Nhà thờ họ phan)
Người Việt ta là những cư dân nông nghiệp lúa nước, cuộc sống mưu sinh phần lớn khó khăn bởi luôn phù thuộc vào thiên nhiên thời tiết. Chính vì thế mà con người luôn mong chờ sự che chở bởi một lực lượng Thánh Thần siêu nhiên, nơi mà họ có thể trông cậy để ban cho họ một tiết trời mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và cuộc đời no ấm. Tiềm thức dân tộc ta từ xa xưa đã sùng bái những đấng tối cao anh linh hiển hách để nương nhờ phúc ấm:
Tinh linh đắc tạo hóa, cao thanh trạc trạc dương dương, vạn cổ khẳng lưu chính khí
Anh tú đối Sầm sơn, hương thủy hoàng hoàng hách hách, thiên thu cộng bái thần hưu
Tinh linh được tạo hóa, cao trong mênh mông, muôn thuở lưu truyền chính khí
Anh tú đối diện với núi Sầm, hương thủy sáng trong mát mẻ, ngàn năm cùng bái lạy sự che chở của Thần
(đình thanh thủy thượng)
Là cư dân nông nghiệp nhưng dân tộc ta cũng rất tự hào về nền văn hiến ngàn năm của mình. Đó là một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc với văn học, với thơ ca (Thi thư), với những lối sống tốt đẹp đáng được phát huy và lưu truyền vạn thế cho con cháu mai sau. Bởi vậy, không chỉ tôn sùng những bậc Thánh Thần có công phù trì bảo hộ mà người Việt chúng ta còn rất tôn sùng và kính trọng bậc văn Thần Thánh triết có công giáo hoá đạo đức phong tục, đó chính là Đức Thánh Khổng Tử, người được phong là Văn Tuyên Vương và Vạn Thế Sư Biểu:
Thánh đạo thiên thu lưu Việt địa
Sư truyền vạn thế chiếu Nam thiên
Đạo của Thánh nhân ngàn năm lưu ở đất Việt
Bậc thầy của muôn đời sáng mãi ở trời Nam
(Đình Thanh Thủy Thượng)
Câu đối được khắc ở tiền đường nhà truyền thống của đình Thanh Thủy Thượng (Trước đây là Văn Thánh của làng) cho ta thấy được nếp sống tốt đẹp của người dân ở bản xã nói riêng và con người Việt Nam nói chung, đó là mến chuộng đạo đức, yêu thích văn học và tự hào về văn hoá. Người Việt đã bao đời theo đạo Nho, học hỏi và tiếp thu được nhiều cái hay cái đẹp ở đó mà gây dựng nên một nền văn hiến theo bản sắc riêng của mình. Đất nước ta nhờ đó mà nhân tài đời đời bối xuất, bao con người theo đó mà trở nên những bậc trượng phu khí tiết, trên thì kính trời thờ vua, dưới thì chăm lo cho dân, làm rạng rỡ cho nước nhà, không hổ thẹn là một nước văn minh văn hiến. Thánh đạo ở đây chính là cái đại đạo mà như Lê Thánh Tông, vị vua sáng xây dựng nên một thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc đã viết:
"Đế vương đại đạo cực tinh nghiên
Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên"
Bậc đế vương phải cực kì tinh thâm đại đạo
Dưới thì chăm lo cho dân trên thì kính trời
(Quân đạo thi)
Công lao của Thánh Khổng được mọi người ở mọi thời đại ghi nhận. Câu đối trên như muốn khẳng định sự tồn tại mãi mãi của Thánh đạo trên nước Việt và hình ảnh Đức Thánh Khổng sẽ sáng mãi ở trời Nam. Chúng ta được phong tục thuần hậu, vật tốt dân giàu tất cả đều nhờ sự che chở lớn lao của những bậc Thánh Thần đó:
Tục mỹ phong thuần y phúc chỉ
Nhân khang vật phụ lại Thần hưu
Phong thuần mỹ tục nương nền phúc
Dân giàu vật tốt nhờ sự che chở của Thần
(miếu thôn 2)
Lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc Thánh Thần độ trì phù hộ mãi in sâu trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt nói chung và bản xã nói riêng. Câu đối ở chùa Nam Sơn như lời khẳng định rõ ràng về niềm tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đó:
Thánh đức chiêu chương, vạn tải ân quang lưu Việt địa
Thần công quảng phổ, thiên thu phong hóa chiếu Nam thiên
Đức Thánh sáng tươi, ngàn năm ơn huệ lưu ở đất Việt
Công Thần trải khắp, muôn đời phong hóa chiếu trời Nam
Không chỉ được độ trì chở che bởi các đấng thần linh uy danh hiển hiện. Người dân Việt Nam ta từ xưa đã tin theo sự sáng soi của Phật pháp. Trên khắp đất nước ta đi đến đâu cũng thấy chùa chiền mọc lên ở đó. Xứ Thuận Hoá từ xưa đã là một trung tâm của Phật giáo lớn ở đàng trong cũng như của cả nước trong suốt mấy trăm năm. Những cư dân đàng ngoài ra đi mở cõi đã đem theo niềm tin Phật pháp vào xứ đàng trong, xem Phật pháp như là sự che chở cho con người trước khó khăn của cuộc sống và những khổ đau của cuộc đời:
Chân truyền diệu nghĩa, dẫn dụ mê đồ, phổ hóa quần sinh siêu bỉ ngạn
Viên thành đạo quả, tam giới vãng lai, khuyến tiến nhân gian văn nhất thặng
Chân truyền nghĩa diệu, dẫn dắt quần mê, hóa khắp quần sinh qua bờ bên kia
Đạo quả tròn đầy, ba giới qua lại, khuyến khích nhân gian nghe một thặng
(Chùa Hoa Nghiêm)
Đạo Phật với đạo quả tròn đầy đã giác ngộ, dẫn dắt con người đi qua những khổ đau, soi đường dẫn lối đến con đường sáng để con người đi đến với cõi thiện, trừ bỏ đi những thứ uế tạp:
Pháp vũ tẩy trừ môn ngoại uế
Từ phong dĩ khử lộ biên trần
Mưa pháp tẩy trừ ô uế ngoài cửa
Gió lành thổi sạch bụi bên đường
(chùa Đông Hải)
Cửa Phật vốn rộng lượng từ bi, tất cả mọi người có lòng thành tâm chuộng điều thiện và gét điều ác, thương yêu đùm bọc lẫn nhau đều đã thấu suốt được giáo lý nhà Phật. Bởi Phật không là cái gì cao siêu mà chính là cái tồn tại trong tâm con người. Như Tuệ Trung thượng sỹ đời Trần có quan điểm "Tức tâm tức Phật" nghĩa là Phật chính là tâm mà tâm cũng chính là Phật:
Nhân y pháp, pháp y nhân, đốn diệu tùy cơ văn diệu hiện
Phật tức tâm, tâm tức Phật, cổ kim bất dị hợp chân tông
Phật là tâm, tâm là Phật, xưa nay chẳng khác hợp với chân tông
Người và pháp nương tựa nhau, tinh diệu tuỳ cơ mà thấy diệu hiện ra
(Chùa Diệu Viên)
Bởi chính Phật tại tâm nên chỉ cần tấm lòng trong sạch, dứt bỏ đi những nhục dục tầm thường, răn mình từ trong cả ý nghĩ là có thể theo về với Phật:
Quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng, nhất tâm đính lễ
Tịnh kỳ thân, tịnh kỳ khẩu, tịnh kỳ ý, tam cung dục tu
Theo về với phật. theo về với pháp, theo về với tăng, một lòng thành lễ
Tịnh mình, tịnh miệng, tịnh ý, ba cung kính sửa chữa
(Chùa Nam Sơn)
Mục đích sau cùng của Phật pháp chính là cứu rỗi con người, cứu nhân độ thế thoát khỏi những khổ ải trầm luân. Cánh tay nhân ái từ bi của Phật luôn sẵn sàng độ trì cho tất cả chúng sinh. Cả những loài vật nhỏ bé cũng được hưởng lòng bác ái ấy:
Trì quảng phóng sinh ngư tự tại
Thụ thường kết quả điểu quy y
Ao rộng phóng sinh, cá tự tại
Cây thường kết quả chim về nương dựa
(Chùa Thanh Quang)
Một trong những nét đẹp của Phật giáo đó chính là tinh thần nhập thế. Đạo Phật không xa lánh cuộc đời, trái lại sống với đời, chủ trương đi vào lòng cuộc sống để xây dựng nên cuộc cuộc sống tốt đẹp. Bởi vậy mà đạo Phật chiếm được tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội. Các triều đại phong kiến ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam tuỳ từng lúc có những chính sách khác nhau đối với Phật giáo nhưng trên hết vẫn công nhận Phật giáo với đạo pháp và giáo lý của mình luôn là cái đức nghĩa để bình ổn thiên hạ. Và chính cái đạo nghĩa này của Phật giáo là nền tảng của sự thống nhất nhân tâm và thống nhất thiên hạ. Câu đối ở chùa Thanh Quang đã cho chúng ta thấy rõ:
Đạo pháp lân vãng, đại hội quân thần đồng nhất đức
Nghĩa phù Hán đỉnh, tịnh thu Ngô Ngụy quán tam phân
Đạo pháp xung quanh đều hội tới, vua tôi đại hội đều cùng một đức
Lấy nghĩa khuông phù vạc Hán, gộp thu Ngô Ngụy bình dẹp sự chia ba
(chùa Đông Hải)
Phật pháp với những triết lý và tư tưởng tốt đẹp của mình đem lại cho con người hạnh phúc và niềm vui chính trong cuộc đời còn có nhiều đau khổ. Đạo pháp với sự mầu nhiệm viên dung như xuyên suốt cả vũ trụ, bao trùm cả không gian thời gian:
Nhất không diệu lý thông thiên địa
Bán điểm chân như quán cổ kim
Một điều diệu lý thông suốt cả trời đấtNửa chút Chân Như xuyên suốt cả xưa nay
(Chùa Thanh Quang)
Phật giáo là tôn giáo gắn liền với dân tộc Việt Nam từ thuở bình minh dựng nước và giữ nước. Trải qua bao thăng trầm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử lâu dài ấy, Phật giáo là tôn giáo duy nhất chiếm được tình cảm của người dân nước Việt một cách nhất quán và liên tục. Người Việt chúng ta đến với Phật giáo đâu chỉ với sự mong muốn được giải thoát và tìm về với cõi niết bàn tịch diệt mà chúng ta đến với Phật giáo vì đây là tôn giáo phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hoá của dân tộc. Đạo pháp xuyên suốt bao trùm cả vũ trụ ấy luôn đồng hành cùng với chúng sinh và luôn được mọi tầng lớp nhân dân tôn sùng, gắn bó.
Dân tộc ta xưa nay vốn đề cao truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ quả trồng cây", luôn luôn biết ơn những bậc tiên tổ đã có công lao mở mang khai hoá cho dòng họ và quê hương. Mỗi câu mỗi chữ đều là tấm lòng biết ơn của bao thế hệ con cháu trước ơn nghĩa sinh thành và dựng xây sự nghiệp của ông cha:
Cây có cội, nước có nguồn muôn thuở chưa quên công sáng nghiệp
Người tìm tông, chim tìm tổ trăm năm vẫn nhớ nghĩa sinh thành
(Câu đối chữ Nôm- Nhà thờ họ Lê Diên)
Ơn nghĩa đó thật lớn lao cao cả. Bao thế hệ con cháu đều hết lòng bày tỏ và thể hiện niềm ngưỡng vọng của mình đối với cội nguồn dòng họ bằng hình ảnh sự vật quen thuộc:
Cá biết về nguồn thăm nghĩa cội
Chim dầu xa tổ nhớ ơn cây
(Câu đối chữ Nôm-nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý)
Con chim con cá là những con vật nhỏ bé nhưng vẫn biết cội nguồn gốc gác của mình và còn biết tỏ lòng "truy viễn" thì huống chi là đối với con người. Bao thế hệ cha ông đi trước đã khai đường dẫn lối, đổ mồ hôi nước mắt để xây dựng nên sự thịnh vượng cho dòng họ và làng xóm quê hương, kì tích đó nào đâu thể thờ ơ và coi nhẹ được mà càng phải ngửa trông bằng tấm lòng thành kính nhất:
Phong công thùy bất hủ
Vĩ tích ngưỡng di cao
Công lao to lớn rủ mãi không bao giờ hư nát
Kì tích lớn lao càng ngửa trông càng thấy cao
(Nhà thờ họ Phạm)
Công đức lớn lao ấy tựa như non cao bể rộng, trời đất vĩnh hằng, bởi vậy không chỉ có lòng thành tâm ngưỡng vọng mà còn là lòng hiếu kính mãi mãi lâu dài cùng với đất trời vạn vật:
Sơn cao hải khoát sinh thành đức
Địa cửu thiên trường hiếu kính tâm
Đức sinh thành như núi cao bể rộng
Lòng hiếu kính cùng với đất trời mãi mãi
(Nhà thờ họ Phạm)
Tổ tiên là thế hệ đi trước, gây dựng nên sự nghiệp rạng ngời. Kiến tạo nên tất cả những gì tốt lớn lao to đẹp nhất về sự nghiệp cũng như tình cảm tinh thần dành để lại cho con cháu mai sau:
Bản căn sắc thái ư hoa diệp
Tổ hiếu tinh thần tại tử tôn
Sức sống vẻ đẹp của gốc rễ thể hiện ở lá và hoa
Tinh thần của tổ tiên thể hiện ở con cháu
(Nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý)
Bởi vậy mà con cháu đời sau không chỉ biết cảm nhận công đức lớn lao ấy mà phải biết phát huy truyền thống dòng họ, tiếp tục dựng xây nên nhiều công nghiệp hiển hách hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của cha ông đã kì vọng:
Tiên tổ phương danh lưu quốc sử
Tử tôn tục học hiển gia phong
Tổ tiên thơm danh trong sử nước
Cháu con nối tiếp con đường học tập làm rạng rõ gia phong
(nhà thờ họ Nguyễn Diên)
Thế thế tuân thừa tôn tổ ứng
Sinh sinh tương kế tử tôn hiền
Đời đời tiếp nối theo việc làm của tổ tông
Đời đời con cháu hiền thảo nối tiếp nhau
(Nhà thờ họ Lê Viết)
Ơn nghĩa lớn lao đó, tinh thần hiếu nghĩa đó đã để lại phúc ấm cho con cháu nương nhờ và thừa hưởng. Không chỉ chính con cháu trong dòng tộc tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ trước công lao mà xóm làng, đất nước cũng sẽ mãi ghi nhớ công lao cao cả ấy:
Hiếu nghĩa nhiều đời, con cháu hưởng phúc
Khói hương muôn thuở, làng nước ghi công
(Câu đối chữ Nôm-nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý)
3.1.3. Giáo dục đạo đức lối sống
Dân tộc ta từ xưa đã chuộng nền đạo đức lễ nghĩa, chú trọng đến việc giáo dục và xây dựng nên một lối sống tốt đẹp để lưu truyền cho con cháu mai sau. Đây là một nét đẹp, một nghĩa cử rất cao cả và tự hào trong truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta. Phần văn khắc chữ Hán ở xã Thuỷ Dương chứa đựng rất nhiều giá trị trong nội dung này, chủ yếu là những bức hoành phi đại tự và các câu đối ở trong các nhà thờ dòng họ. Đằng sau những câu chữ đó là cả tiếng lòng của cha ông từ ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở chúng ta về cội nguồn xa xưa của dân tộc:
Mộc xuất thiên chi do hữu bản
Thủy lưu vạn phái tố tòng nguyên
Cây mọc ngàn cành do có gốc
Nước chảy đi muôn dòng bởi có nguồn
(Nhà thờ họ Nguyễn Diên)
Câu đối trên với những hình ảnh quen thuộc như lời khẳng định về dòng giống tiên rồng của dân tộc. Dù trải qua thời gian, hình thành nên nhiều dòng họ, hình thành nên nhiều địa phương với những nét văn hoá khác nhau nhưng phải luôn luôn ghi nhớ rằng nguồn gốc của mình vẫn là một, như cây có cội, như nước có nguồn. Để từ đó con người thương yêu nhau hơn, đoàn kết nhất trí vượt qua khó khăn gian khổ để làm nên những điều lớn lao:
Ý thuận nan hóa dị
Tâm hòa thiểu thành đa
Ý thuận, khó nên dễ
Tâm hòa, ít thành nhiều
(Nhờ thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý)
Thấm nhuần tư tưởng tốt đẹp của tam giáo, chắt lọc những điều hay lẽ phải làm giàu thêm cho truyền thống đạo đức lễ nghĩa. Ông cha ta đề cao chữ Hiếu, xem đó là bắt đầu của mọi đức tính tốt đẹp khác:
Phật môn hiếu vi bản
Nho đạo hiếu vi tiên
Cửa Phật hiếu là gốc
Đạo Nho hiếu là đầu
(Nhà thờ họ Lê Thúc, Bá, Trọng, Quý)
Lịch sử dân tộc ta rất chú ý đề cao phạm trù hiếu đễ bởi đây là phẩm chất đầu tiên phải có. Muốn trở thành người có nhân có đức ngoài xã hội thì trước hết trong gia đình phải là một người con hiếu thảo với cha mẹ, đễ kính với anh chị, làm cho gia đình được hoà thuận ấm êm:
Huynh hứa đệ cung, nhất gia hòa thuận
Phụ từ tử hiếu, vạn cổ nhân luân
Anh hòa em thuận êm ấm một nhà
Cha từ con hiếu là đạo người muôn thuở
(Nhà thờ họ Nguyễn)
Cận giả duyệt, viễn giả lai, mục hòa gia huấn
Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, lễ nghĩa môn phong
Người gần thì vui lòng, kẻ xa thì tới, hòa thuận với giáo huấn gia đình
Vào thì hiếu, ra thì đễ, lễ nghĩa gia phong
(Nhà thờ họ Lê Viết)
Không chỉ đề cao hiếu đễ, ông cha còn dạy dỗ nhắc nhở con cháu về những mối quan hệ rộng hơn trong xã hội:
Tam cương vi trọng đạo
Ngũ thường đạt nhân luân
Tam cương là đạo nặng
Ngũ thường ấy nhân luân
(Nhà thờ họ Ngô)
Tam cương là ba mối quan hệ lớn trong xã hội: vua tôi, cha con và vợ chồng và ngũ thường là năm đức thường của một con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây chính là những phạm trù cơ bản của Nho giáo nhằm xây dựng nên một con người có đức và một xã hội trật tự. Điều đó khẳng định việc trau dồi đức độ, xây dựng nếp sống tốt đẹp sẽ là một tấm gương sáng chói cả ngàn năm:
Thần trung tử hiếu thiên thu giám
Tổ đức tôn công vạn thế cơ
Tôi trung con hiếu là tấm gương soi ngàn năm
Công đức tổ tôn là cái nền muôn thuở
(Chùa Nam Sơn)
Mong muốn có một xã hội tốt đẹp với cha từ con hiếu nền nếp gia phong, với vua sáng tôi hiền cùng nhau xây dựng nên đất nước thái bình thịnh trị luôn là khát khao cháy bỏng từ xưa. Tất cả những gì tốt đẹp nhất mà con cháu ngày nay đạt được đều nhờ vào công đức của tổ tiên tích tụ từ bao đời. Bởi vậy những thế hệ đi sau phải luôn giữ gìn và phát huy những đức tính tốt đẹp mà tổ tiên đã nhắn nhủ:
Bách kế bất như nhân nghĩa thiện
Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền
Trăm kế chẳng bằng nhân nghĩa thiện
Ngàn vàng sao tỉ con cháu hiền
(Nhà thờ họ Phan)
Lời của tổ tiên ấy là cả tấm lòng từ ngàn xưa vọng lại, có ý nghĩa nêu cao tinh thần nhân nghĩa, chuộng lành bỏ dữ. Thế hệ đi sau phải tiếp tục tiếp nối những giá trị cao đẹp ấy:
Đức mỹ công cao, thế thế tương thừa minh hiếu nghĩa
Thượng hòa hạ mục, nhân nhân khắc thiệu thể tôn vinh
Đức đẹp công lớn, đời đời nối nhau làm sáng nghĩa hiếu
Trên hòa dưới thuận, người người tiếp nối vẻ tôn vinh
(Nhà thờ họ Nguyễn)
Từng câu từng chữ như cả một niềm hy vọng lớn lao mà ông cha gửi gắm từ ngàn xưa vọng tới. Và đây cũng chính là những tâm tư tình cảm mà thế hệ hôm nay tiếp tục gửi gắm đến cho con cháu trong tương lai sắp tới, một thông điệp mang dấu ấn thời gian của biết bao nhiêu thế hệ con người.
3..2. Giá trị nghệ thuật
3.2.1. Nghệ thuật trang trí
Nếu như đặc điểm của nền nghệ thuật trang trí ở các công trình tín ngưỡng tôn giáo phương tây là hội hoạ thì ở các nước thuộc vòng văn hoá Trung Hoa đó chính là chữ Hán. Do đặc điểm gắn liền trên các chất liệu cứng nên hình thức này được gọi là văn khắc. Chữ Hán với đặc điểm nổi bật là kết cấu ô vuông lại chứa đựng tính hình tượng và biểu thị ý nghĩa thông qua chính hình thể chữ. Bởi vậy chữ Hán mang thêm trong mình tính thẩm mỹ. Đặc biệt đây được xem là thứ chữ thánh hiền cao quý, chuyển tải cái đạo học sâu xa uyên bác nên chữ Hán là thứ chữ được coi là thứ văn tự chính thức không thể thay thế được trong nền văn hoá phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, dù có đi bất cứ nơi đâu trên khắp mọi miền của đất nước chúng ta đều thấy sự xuất hiện của chữ Hán trên những công trình kiến trúc truyền thống mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc. Văn khắc ở xã Thuỷ Dương cũng chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật mà đặc biệt là nghệ thuật trang trí.
Văn khắc chữ Hán chủ yếu là những câu đối và hoành phi được khắc gỗ hoặc nề trên các chất liệu cứng như gỗ, đồng, sắt hay xi măng. Đối với công trình kiến trúc văn hoá truyền thống, ngay khi đi đến tam quan ta đã thấy những bức hoành phi đại tự to được đặt ở chính giữa, phía dưới là đôi câu đối đặt dọc, ở hai bên cổng phụ cũng tương tự như vậy. Phía sau tam quan hoặc trụ biểu cũng đều được nề câu đối. Từ đầu, những bức hoành phi và câu đối đã làm nên vẻ trang nghiêm và thanh tịnh, tạo ra những ấn tượng sâu lắng cho người chiêm ngưỡng. Đi vào chính điện, nghệ thuật trang trí được thể hiện rõ nét hơn qua cách bài trí các hoành phi và các câu đối. Thông thường, ở mỗi công trình phần chính điện thường có ba gian hoặc năm gian, đầu mỗi gian đều treo các bức hoành phi. Gian giữa là bức hoành phi chính, ghi tên hoặc những mĩ tự với nội dung giới thiệu hoặc ca ngợi tổng quát cho toàn bộ. Trên mỗi bức đó còn có những dòng chữ nhỏ gọi là lạc khoản, dòng chữ này để phụ chú thêm gồm ngày tháng đề chữ, địa điểm đề chữ và người đề chữ. Chính những dòng chữ nhỏ này kết hợp với những chữ to làm cho bức hoành phi trở nên sinh động và đẹp mắt hơn, những dòng chữ to nhỏ hoà đều với nhau trong một tổng thể tạo nên tính thẩm mỹ rất cao, tạo trong lòng người xem một cảm giác lý thú. Bên dưới các hoành phi là cặp câu đối, bên cạnh những chữ Hán vẫn là những dòng chữ lạc khoản hoặc đôi khi được tạc thêm hình hoa lá uốn lượn trên mỗi góc làm tăng thêm tính cân đối, hài hoà cho cả câu đối. Hai bên gian giữa cũng có kết cấu tương tự như vậy. Đa số những hoành phi và câu đối được khắc chữ theo kiểu chữ chân nên rất rõ ràng, cân đối, làm toát lên được vẻ linh thiêng, trang trọng. Mặc dù là chữ khắc nhưng vẫn thể hiện rõ những nét đẹp cơ bản của chữ Hán, những nét móc, nét mác đều được thể hiện đúng như tính thực vốn có của nó. Theo phong cách truyền thống, hoành phi được viết từ phải sang trái và các câu đối cũng được đọc từ phải sang trái. Đây là một đặc điểm bài trí hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn và cá tính dân tộc, đem lại cho người thưởng thức một ấn tượng đặc biệt thú vị.
Ngoài phần hoành phi và câu đối còn có phần văn khắc trên bia đá và chuông đồng. Tại xã Thuỷ Dương chỉ có một tấm văn bia duy nhất tại nhà thờ họ Lê Bá Thúc Trọng Quý. Bia rất nhỏ khắc năm 2000, gồm 432 chữ được khắc theo lối chữ chân phương, ngôn ngữ hiện đại. Cả hai mặt bia đều được khắc chữ, mặt trước chữ Hán và mặt sau là bản dịch bằng chữ quốc ngữ. Nội dung chủ yếu giới thiệu và ca ngợi về ngài thuỷ tổ của dòng họ. Vì bia dựng thời hiện đại nên không có phần hoa văn cũng như các trang trí theo kiểu truyền thống. Chuông đồng tại xã Thuỷ Dương chiếm số lượng rất ít và nội dung đều giống như nhau là đều khắc bài minh chung và văn chung. Nghệ thuật trang trí cũng không có gì đặc sắc bởi các chuông đều được đúc ở giai đoạn sau này. Chính vì vậy phần văn chuông và văn bia tại xã Thuỷ Dương đều không nổi bật về giá trị nghệ thuật cả về trang trí lẫn văn học mà chỉ có phần câu đối mới thể hiện được rõ ràng và đầy đủ nhất.
3.2.2. Hình thức nghệ thuật của câu đối
Câu đối là một thể loại văn học rất đặc sắc và điển hình của văn học Trung Quốc nói riêng và ở những nước đồng văn với Trung Quốc nói chung. Câu đối được gọi là đối liên 對聯 , doanh liên楹聯 hoặc doanh thiếp 楹帖 nhưng tên gọi gốc của nó là đào phù 桃符. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hoá chữ Hán bởi người Trung Hoa cho rằng "nếu như văn thơ là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của chính tinh hoa đó”. Nó thuộc thể loại văn biền ngẫu gồm hai vế câu đối xứng với nhau nghiêm ngặt về từ ngữ, âm thanh, vần điệu và ý tứ; với ý nghĩa biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm trước hiện tượng hay sự vật sự việc nào đó trong đời sống xã hội; thể hiện cá tính và tài trí thông minh trong đối đáp. Câu đối tuy chỉ có hai vế với lượng chữ có hạn nhưng chừng ấy cũng đã đủ để thể hiện những quan điểm một cách đầy đủ và mang một ý nghĩa vô cùng rõ ràng sắc nét. Với những đặc điểm như vậy nên câu đối không chỉ giới hạn trong đất nước Trung Hoa mà ảnh hưởng của nó còn lan ra khắp các nước đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và được vận dụng rất nhuần nhuyễn, sáng tạo; trở thành một nét văn hoá không thể thiếu trong các dân tộc đó. Do đặc điểm cấu trúc ngôn ngữ nên ở ba nước đồng văn với Trung Quốc chỉ có Việt Nam là có thể dùng tiếng nói của dân tộc mình sáng tác câu đối còn Nhật Bản và Triều Tiên chỉ sáng tác được câu đối bằng chữ Hán.
Xét về nguyên tắc và hình thức câu đối thì một câu đối được xem là chỉnh đối cần phải đảm bảo chính xác về luật bằng trắc, ý nghĩa và từ loại. Một câu đối gồm hai câu đối xứng nhau, mỗi câu là một vế của câu đối đó. Nếu câu đối mà do một người sáng tác thì gọi là vế trên và vế dưới. Còn nếu do một người nghĩ ra một vế và để người khác làm vế kia đối lại thì gọi là vế ra và vế đối. Thông thường dù là câu song quan, cách cú hay hạc tất thì đều phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu đó là chữ cuối của vế trên là âm trắc và vế dưới là âm bằng. Tất cả các câu đối dù là câu dài ngắn thế nào đi nữa đều phải tuân theo nguyên tắc này mới được gọi là câu đối. Một câu đối chuẩn về chữ thôi chưa đủ mà phải hay về nghĩa. Bởi vậy nên khi sáng tác câu đối người ta rất chú ý đến việc sử dụng các biện pháp tu từ từ chương học để làm cho câu đối trở nên sinh động, bóng bẩy và mang hiệu quả nghệ thuật cao.
Câu đối tại xã Thủy Dương xét về thể loại thì đa số thuộc thể phú bao gồm: câu đối song quan, câu đối cách cú và câu đối gối hạc.
Câu đối song quan là những câu đối có từ năm đến chín chữ đặt thành một đoạn liền, đa số câu đối song quan có bảy chữ:
Cội phúc lớn muôn đời quả ngọt
T T T B B T T
Cành nhân bền vạn thuở hoa tươi
B B B T T B B
Câu đối ở tam quan nhà thờ họ Lê Bá Thúc Trọng Quý cho ta thấy rõ luật bằng trắc trong thể đối này. Chữ cuối của vế trên mang vần trắc thì chữ cuối của vế dưới phải mang vần bằng và mỗi chữ ở hai về phải đối với nhau về thanh. Luật bằng trắc của câu đối song quan cũng khá rộng, trong câu có thể là TTT-BB-TT và BBB-TT-BB, cũng có thể là TT-BBBB-T và BB-TTTT-B... Và một số chữ có thể không theo đúng luật bằng trắc nhưng vẫn được chấp nhận vì đã có quy định "nhất tam ngũ bất luận":
Cửa rộng thênh thang người qua lại (T)
Đường đi thẳng tắp khách ra vào (B)
Điều quan trọng là hai chữ cuối ở mỗi câu phải tuân theo luật bằng trắc một cách tuyệt đối. Cách ngắt nhịp của câu đối bảy chữ có nhiều kiểu khác nhau nhưng chủ yếu có hai cách chính:
Cách ngắt nhịp 2/2/3:
鑿丼耕田留地步
開彊率土拓天荒
Tạc tỉnh, canh điền, lưu địa bộ
Khai cương, suất thổ, thác thiên hoang
Cách ngắt nhịp 4/3:
先祖芳名流國史
子孫續學顯家風
Tiên tổ phương danh, lưu quốc sử
Tử tôn tục học hiển, gia phong
Ngoài câu đối bảy chữ còn có câu đối sáu chữ, loại câu sáu chữ chiếm số lượng ít nhất so với loại bảy chữ và năm chữ:
入則孝出則悌
和而至尊而光
Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ (T)
Hòa nhi chí, tôn nhi quang (B)
Câu đối sáu chữ vẫn tuân thủ luật bằng trắc ở mỗi chữ cả hai vế đều đối nhau, tuy nhiên có một số câu đối chữ cuối ở cả hai vế đều là vần bằng cả. Do đó câu đối kiểu này đã vi phạm luật bằng trắc:
入則平出則安
敬所尊愛所親
Vào thì bình, ra thì an (B)
Kính người tôn quý, yêu người thân (B)
Câu đối năm chữ cũng chiếm số lượng lớn:
意順難化易
心和少成多
Ý thuận nan hóa dị (T)
Tâm hòa thiểu thành đa (B)
佛門孝為本
儒道孝為先
Phật môn hiếu vi bản (T)
Nho đạo hiếu vi tiên (B)
Câu đối cách cú là những câu mà mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài. Cách ngắt câu cũng có nhiều cách và tuỳ theo đó mà đặt chữ theo luật bằng trắc. Vế trên, chữ cuối ở đoạn đầu là tiếng bằng và chữ cuối câu là tiếng trắc thì vế dưới ngược lại, chữ cuối ở đoạn đầu là tiếng trắc còn chữ cuối câu là tiếng bằng. Ngắt câu theo kiểu thượng tứ hạ lục:
柱立庭前筆勢山河帶印
表標案外文星日月空懸
Trụ lập đình tiền (B), bút thế sơn hà đái ấn (T)
Biểu tiêu án ngoại (T), văn tinh nhật nguyệt không huyền (B)
Ngắt câu theo kiểu thượng tứ hạ thất:
始祖功高魚峒岑山連五岳
開耕德重符牌清水合三廊
Thủy tổ công cao (B), Ngư động Sầm sơn liên ngũ nhạc (T)
Khai canh đức trọng (T), Phù Bài Thanh Thủy hợp tam thôn (B)
Ngắt câu theo kiểu thượng ngũ hạ lục:
東土遍莊嚴日放重新景色
海覺常燦爛雲開顯現祥光
Đông thổ biến trang nghiêm (B), nhật phóng trùng tân cảnh sắc (T)
Hải giác thường xán lạn (T), vân khai hiển hiện tường quang (B)
Ngắt câu theo kiểu thượng ngũ hạ thất:
符嶺昔開彊歷代飲河從一脈
青山今拓土經秋食果認同根
Phù lĩnh tích khai cương (B), lịch đại ẩm hà tòng nhất mạch (T)
Thanh san kim thác thổ (T), kinh thu thực quả nhận đồng căn (B)
Ngắt câu theo kiểu thượng lục hạ thất:
五峰金地叢林孤同光含空即色
當吉山頭寶剎群巒翠鎖古猶今
Ngũ phong kim địa tùng lâm (B), cô đồng quang hàm không tức sắc (T)
Đương cát sơn đầu bảo sát (T), quần loan thúy tỏa cổ do kim (B)
Câu đối cách cú còn có loại câu tám chữ chia làm hai đoạn có số chữ bằng nhau, vẫn tuân theo luật bằng trắc nhưng nếu thất luật vẫn được chấp nhận, chỉ cần cân chỉnh giữa vế trên và vế dưới:
祖肇孫培明德也遠
武承文顯德序其皇
Tổ triệu tôn bồi (B), minh đức dã viễn (T)
Vũ thừa văn hiển (T), đức tự kỳ hoàng (B)
尊功祖德千秋永照
子孝孫賢百世長流Tôn công tổ đức (T), thiên thu vĩnh chiếu (T)
Tử hiếu tôn hiền (B), bách thế trường lưu (B)
Câu đối hạc tất ý nói câu đối gấp khúc như đầu gối con chim hạc. Loại câu đối này không phổ biến bằng hai loại câu đối trên. Mỗi vế câu đối gồm ba đoạn trở lên, ngắn dài có thể khác nhau nhưng luật bằng trắc vẫn phải tuân thủ chặt chẽ. Vế trên ở những chữ cuối câu là vần gì thì vế dưới ở những chữ cuối câu phải là vần ngược lại:
Cây có cội, nước có nguồn, muôn thuở chưa quên công sáng nghiệp
T B T
Người tìm tông, chim tìm tổ, trăm năm vẫn nhớ nghĩa sinh thành
B T B
Hay: 精靈得造化高清濯濯洋洋萬古掯流正氣
英秀對岑山香水煌煌赫赫千秋共拜神庥
Tinh linh đắc tạo hóa (T), cao thanh trạc trạc dương dương (B), vạn cổ khẳng lưu chính khí (T)
Anh tú đối sầm sơn (B), hương thủy hoàng hoàng hách hách (T), thiên thu cộng bái thần hưu (B)
Như đã trình bày, một câu đối hay không chỉ cân chuẩn về thanh mà còn phải cân chuẩn về loại để câu đối thêm sắc sảo về ý nghĩa và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Về từ loại thì thực từ như những từ chỉ hiện tượng và bản chất như trời, đất, núi, sông... phải đối với thực tự; hư từ như vậy, chăng, ru, thì... phải đối với hư từ; danh từ phải đối với danh từ, tính từ phải đối với tính từ, động từ phải đối với tính từ, vế này dùng điển tích thì vế kia cũng phải có điển tích, vế này trích từ sách thì vế kia cũng phải trích từ sách... Đây mới chính là đặc điểm quan trọng làm nên tính điển hình của câu đối:
東海會蓮臺鷲嶺遍聞獅吼雨
西天開寶殿祇園超感雉鳴風
Đông hải hội liên đài, Thứu lĩnh biến văn sư hống vũ
Tây thiên khai bảo điện, Kỳ viên siêu cảm trĩ minh phong
Câu đối ở chùa Đông Hải cho ta thấy rõ sự đối nhau về từ về nghĩa, Đông hải đối với Tây thiên, liên đài đối với bảo điện, Thứu lĩnh đối với Kỳ viên... Rồi động từ văn đối với cảm, tính từ biến đối với siêu... Hay câu đối ở chùa Nam Sơn:
覺性圓明無我無人無壽者
真心清淨有悲有智有菩提
Giác tính viên minh, vô ngã vô nhân vô thọ giả
Chân tâm thanh tịnh, hữu bi hữu trí hữu bồ đề
Câu đối này từng chữ từng ý đối xứng với nhau rất cân chuẩn. "Giác tính" đối với "chân tâm", "viên minh" đối với 'thanh tịnh", rồi "vô" đối với "hữu". Đây chính là sự kết hợp đầy đủ và nhuần nhuyễn nhất về việc sử dụng các biện pháp tu từ trong câu văn. Do câu đối là loại văn cô đọng và súc tích nhưng chứa đựng một nội dung và ý nghĩa rộng lớn nên việc sử dụng tu từ cũng rất đa dạng và phong phú, đảm bảo sự chuẩn xác, cân xứng trong câu đối. Một trong những nét đặc sắc của câu đối (cũng như trong thơ) đó là việc dùng chữ được trích từ các sách kinh điển:
三綱為重道
五常達人倫
Tam cương vi trọng đạo
Ngũ thường đạt nhân luân
Tam cương và ngũ thường là những chữ được trích từ sách Nho học. Thông thường, trong một câu đối vế trên được trích từ sách nào đó thì vế dưới cũng phải trích ra từ một sách khác để có sự cân xứng về cấu trúc câu cũng như đa dạng về ý nghĩa. Các chữ được sử dụng kiểu này đa phần được lấy từ các thuật ngữ của Phật giáo, Nho giáo... Có khi trong một câu đối mà cả hai vế đều được trích từ một sách cũng được chấp nhận miễn là đảm bảo yêu cầu không mất cân xứng và trùng lặp. Hay việc sử dụng các hình ảnh ước lệ cũng là một biện pháp hết sức quen thuộc:
木出千枝由有本
水流萬派溯從源
Mộc xuất thiên chi do hữu bản
Thủy lưu vạn phái tố tòng nguyên
Trong các nhà thờ dòng họ ta thường thấy những câu đối có hình ảnh "mộc bản" và "thuỷ nguyên" để chỉ nguồn cội chung của cả dân tộc và "thiên chi", "vạn phái" chỉ sự phát triển lớn mạnh của mỗi dòng họ. Hay "cao sơn", "thuỷ thâm" chỉ công ơn của tiên tổ:
祖德尊功垂永遠
象山農水等高深
Tổ đức tôn công thùy vĩnh viễn
Tượng sơn Nông thủy đẳng cao thâm
Một biện pháp tu từ quan trọng đó là sử dụng điển tích điển cố làm cho câu đối trở nên giàu sắc thái biểu cảm và thêm phần ý nghĩa. Đây được xem là một biện pháp rất khó đòi hỏi người sáng tác câu đối phải có vốn kiến thức sâu rộng, phong phú cả về lịch sử cũng như văn học:
世局外歐風亞雨
家堂中舜日堯天
Thế cục ngoại Âu phong Á vũ
Gia đường trung Thuấn nhật Nghiêu thiên
Lấy tích vua Nghiêu vua Thuấn là hai ông vua sáng thời cổ bên Tàu xây dựng nên một xã hội thanh bình, thịnh vượng, con người yêu thương đùm bọc lẫn nhau để nói lên khát khao về một sự yên vui thuận hoà trong gia đình và sự giàu mạnh cho đất nước. Điển tích này là điển tích rất quen thuộc được các tác giả thời xưa hay mượn dùng để sáng tác văn chương.
Ngoài những biện pháp tu từ trên, trong câu đối người ta thường hay sắp đặt câu chữ ở đầu câu hay cuối câu để giới thiệu trực tiếp tên địa danh một cách rõ ràng, cùng với các từ ngữ có nghĩa tốt đẹp trong cả câu đối tạo nên sự ấn tượng ngay sau khi đọc:
東土遍莊嚴日放重新景色
海覺常燦爛雲開顯現祥光
Đông thổ biến trang nghiêm, nhật phóng trùng tân cảnh sắc
Hải giác thường xán lạn, vân khai hiển hiện tường quang
Hay như căp đối ở chùa Diệu Viên:
妙義如來廣含藏行深了悟能體了
圓修正玄戒定慧即凡心化作聖心
Diệu nghĩa Như Lai quảng hàm tàng, hành thâm liễu ngộ năng thể liễu
Viên tu chính huyền giới định tuệ, tức phàm tâm hóa tác Thánh tâm
Có thể đặt chữ ở đầu hoặc ở cuối, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp lệch đi chút ít vẫn được chấp nhận. Những câu đối kiểu này gọi là câu đối khoán thủ:
聖德昭彰萬載恩光留越地
神功廣普千秋風化照南天
Thánh đức chiêu chương, vạn tải ân quang lưu Việt địa
Thần công quảng phổ, thiên thu phong hóa chiếu Nam thiên
Đặc biệt hơn nữa là kiểu chơi chữ hay còn gọi là chiết tự, tức là ghép hay chia các chữ ra thành những chữ mới, vừa có ý nghĩa về câu vừa có sự thú vị về chữ. Những kiểu chiết tự này rất khó, đòi hỏi người sáng tác phải thông minh, nhanh nhạy và có óc sáng tạo:
木木林森源渤海
日日明晶月增光
Mộc mộc lâm sâm nguyên Bột hải
Nhật nhật minh tinh nguyệt tăng quang
Dù câu đối được sáng tác theo kiểu nào và sử dụng biện pháp tu từ nào đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng vẫn là chuyển tải những thông điệp mang ý nghĩa sâu xa mà người viết kí thác vào đó. Đối với nền văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta, không thể không nhắc tới câu đối. Dù ở thời gian nào không gian nào cũng đều có sự hiện diện của câu đối, nó là một nét đặc trưng của văn hoá làng xã Việt Nam. Câu đối ở xã Thuỷ Dương cũng chứa đựng nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật rất phong phú, thể hiện tài năng sáng tạo, sự thông minh nhanh nhạy và tinh thần mến chuộng văn chương. Qua đó, ta lại được thấy rõ nét hơn về đời sống tâm hồn và thế giới quan, nhân sinh quan của bản xã nói riêng và cả đất nước nói chung. Đây là những di sản rất có giá trị cần bảo tồn và phát huy hơn nữa nhằm giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc.
C. KẾT LUẬN
Xã Thủy Dương là một địa bàn trọng điểm về văn hóa cũng như về kinh tế-xã hội của huyện Hương Thủy nói riêng cũng như Thừa Thiên Huế nói chung. Nơi đây vẫn còn bảo lưu được một lượng di sản văn khắc rất lớn tồn tại trong dân gian. Mặc dù đã có nhiều cuộc điền dã và khảo sát nhưng vẫn chưa thu thập được một cách hệ thống các văn khắc Hán Nôm có trên địa bàn. Khảo sát văn khắc Hán Nôm ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho ta thấy tầm quan trọng của việc khẳng định giá trị lịch sử văn hóa.
Thông qua những tư liệu đã được thu thập giúp chúng ta mở rộng thêm tầm hiểu biết khi nghiên cứu và tìm hiểu về đời sống tinh thần, tình cảm của cha ông, thiên nhiên và con người vùng đất Thủy Dương. Với địa bàn khảo sát có nhiều quần thể di tích, hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn là cơ sở nghiên cứu và nhận định những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp. Những di sản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ấy không những là niềm tự hào của nhân dân bản xã mà còn là nền tảng góp phần xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp. Văn khắc chữ Hán vốn gắn liền với kiến trúc của di tích chính là cái thần trong mỗi di tích đó. Những câu đối hoành phi một mặt cho chúng ta thấy phong cách nghệ thuật xây dựng ngôn từ, một mặt thể hiện rõ tâm tư tình cảm của nhân dân đối với các đối tượng được nói đến. Câu đối tuy chỉ có hai vế với lượng chữ có hạn nhưng chừng ấy cũng đã đủ để thể hiện những quan điểm một cách đầy đủ và mang một ý nghĩa vô cùng rõ ràng sắc nét. Nó không những thể hiện niềm tôn kính đối với các bậc Thánh Thần, Phật pháp, tiền nhân mà hơn thế nữa còn là niềm tự hào về những thắng cảnh nơi quê hương, làng xóm. Ngoài ra, nó còn thể hiện tiếng lòng của tổ tiên nhắc nhở con cháu hiếu đễ trung tín, tiếp nối truyền thống quý báu của cha ông đã dày công tạo dựng. Có thể nói những câu đối, hoành phi tiêu biểu cho mảng văn khắc Hán Nôm dân gian ở Thủy Dương nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Những bức hoành phi chỉ với vài ba chữ Hán đã chứa đựng và thể hiện đầy đủ được phong tục, tập quán, tín ngưỡng... chứng tỏ phong tục tốt đẹp của người dân xứ Huế. Hầu hết những văn bản này được khắc trên những chất liệu bền vững như gỗ, đá, xi măng... với ước mong truyền đến muôn đời sau nhằm mục đích giáo hóa, khuyến khích hậu thế tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân.
Ngày nay, xã hội đang trên con đường phát triển và đổi mới theo khuynh hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy những nét văn hóa truyền thống ít nhiều bị mai một, trong những nét văn hóa truyền thống ấy có hệ thống văn khắc Hán Nôm. Bên cạnh việc xây dựng và phát triển kinh tế thì công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn khắc Hán Nôm là vấn đề bức thiết. Cho nên khi nghiên cứu tư liệu Hán Nôm nói chung và văn khắc Hán nôm nói riêng, ngoài việc sưu tầm, bảo lưu còn phải có những biện pháp cụ thể nhằm giữ gìn vốn di sản thiêng quý báu này. Đây không chỉ là trách nhiệm của giới nghiên cứu Hán Nôm mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Điều này sẽ giúp những giá trị truyền thống đó tồn tại bền vững lâu dài trên con đường hội nhập và phát triển
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
Quốc sử quán triều Nguyễn
3. Thiều Chửu (2004), Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Khảo sát văn khắc Hán Nôm tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.doc