Đề tài: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước
mục lục
phần a: lời nói đầu Trang
phần b: nội dung
i. Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức
1. Người có quyền khiếu nại QĐKL
2. Quyết định kỷ luật
3 Một số điều luật, Nghị định liên quan
ii. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại
1. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại
2. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại
iii. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức
iv. Thủ tục giải quyết khiếu nại quy định kỷ luật
1. Về thời hiệu khiếu nại
2. Về thụ lý việc khiếu nại
3. Về thời hạn giải quyết
4. Nội dung
phần c: kết luận
1. Kết luận
2. Kiến nghị
19 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4895 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mục lục
phần a:
lời nói đầu
Trang
phần b:
nội dung
i.
Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức
1.
Người có quyền khiếu nại QĐKL
2.
Quyết định kỷ luật
3
Một số điều luật, Nghị định liên quan
ii.
Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại
1.
Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại
2.
Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại
iii.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức
iv.
Thủ tục giải quyết khiếu nại quy định kỷ luật
1.
Về thời hiệu khiếu nại
2.
Về thụ lý việc khiếu nại
3.
Về thời hạn giải quyết
4.
Nội dung
phần c:
kết luận
1.
Kết luận
2.
Kiến nghị
phần a: lời nói đầu
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đó là việc mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Xuất phát từ bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây chính là tinh thần cơ bản của Hiến pháp cũng như toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta. Ngoài việc đưa ra những chế định có tính nguyên tắc bảo đảm cho bộ máy Nhà nước hoạt động thực sự vì lợi ích của nhân dân, Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác luôn nhấn mạnh các quyền và lợi ích chính đáng của công dân và các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Hiến pháp năm 1992 đã dành cả một chương quy định về các quyền cơ bản của công dân, bao gồm các quyền chính trị, văn hoá xã hội, quyền về nhân thân, về tài sản, quyền tự do kinh doanh… và đặc biệt là quyền khiếu nại, tố cáo.
Khiếu nại, tố cáo là biểu hiện cụ thể của nền dân chủ XHCN - một nền dân chủ đích thực mà ở đó công dân là chủ thể tối cao của Nhà nước trong đó tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đều cần phải được bảo đảm thực hiện, mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng đều bị dư luận xã hội lên án mà cao hơn là sự phản ứng của công dân, những người làm chủ thực sự của nền dân chủ đó. Sự phản ứng được thể hiện thông qua hành vi khiếu nại, tố cáo mà Nhà nước trao cho họ.
Trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước. Hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ đặt ra là cải cách hành chính Nhà nước mà trọng tâm là cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính Nhà nước. Một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính. Phong cách làm việc chậm đổi mới, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân sẽ bị bãi bỏ khỏi bộ máy hành chính.
Quyết định hành chính do các cơ quan hành chính hoặc người mang thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành buộc các đối tượng quản lý phải đơn phương chấp hành. Đây là mệnh lệnh mang tính quyền lực trong hệ thống quản lý Nhà nước từ cơ quan quản lý cấp trên xuống cơ quan cấp dưới, từ chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý. Tính mệnh lệnh, đơn phương của quyết định hành chính cùng những hạn chế, yếu kém của cán bộ công chức của nền hành chính đưa đến việc ban hành, thực thi các quyết định xâm hại đến quyền, tổ chức. Từ đó phát sinh khiếu nại, phản ứng của người bị hại đối với các quyết định hoặc hành vi trái pháp luật.
Chính vì vậy, tôi chọn đề tài tiểu luận là: “Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước”. Với trình độ, kiến thức và thực tiễn công tác còn hạn hẹp. Sau khi được các thầy, cô giáo trường Cán bộ Thanh tra trang bị có hệ thống kiến thức lý luận phần nghiệp vụ công tác thanh tra. Bản thân tôi cũng thấy cần làm rõ những quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước do khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, công chức là một loại khiếu nại đặc thù, mang tính chất nội bộ của cơ quan tổ chức có thẩm quyền.
phần b: nội dung
I. Khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
1. Người có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật.
Khoản 1 Điều 1 Luật khiếu nại, tố cáo quy định “Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, theo quy định của điều luật nêu trên thì cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: Phải là đối tượng chịu tác động trực tiếp của quyết định hành chính; phải có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm; phải tuân thủ những thủ tục, trình tự mà pháp luật quy định như: thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại, gửi đơn khiếu nại, đơn khiếu nại phải được gửi đến đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại…
2. Quyết định kỷ luật.
Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Như vậy, đặc trưng cơ bản của quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là:
- Quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
- Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
- Chỉ được áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đã được quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức.
Các yêu cầu cơ bản của việc ban hành quyết định kỷ luật.
- Trước hết chủ thể có quyền ban hành quyết định kỷ luật phải có thẩm quyền trong hoạt động chấp hành và điều hành, được trao một phạm vi quyền và nghĩa vụ nào đó trong việc thi hành nhiệm vụ, công vụ.
- Việc ban hành quyết định kỷ luật phải đúng thẩm quyền, không được vượt quá thẩm quyền mà pháp luật cho phép.
- Quyết định kỷ luật phải bảo đảm yêu cầu về tính hợp pháp của quyết định, các quy định trong quyết định kỷ luật không được vi phạm Hiến pháp, pháp luật…
- Quyết định kỷ luật phải có tính cụ thể, chỉ rõ từng vấn đề, xác định rõ đối tượng thực hiện, thời gian, hiệu lực thi hành của quyết định… Ngoài ra, ngôn ngữ được sử dụng trong quyết định phải rõ nghĩa, chính xác, dễ hiểu.
3. Một số điều luật Nghị định liên quan.
Theo quy định tại Điều 48 Luật khiếu nại, tố cáo thì: “Khiếu nại của cán bộ, công chức đối với quyết định kỷ luật áp dụng theo quy định của pháp luật thì được giải quyết theo quy định của Luật này.
Khiếu nại của cán bộ, công chức là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đối với quyết định kỷ luật áp dụng theo Điều lệ thì được giải quyết theo Điều lệ của tổ chức đó”.
Điều 27 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 của Chính phủ quy định: “Khiếu nại quyết định kỷ luật của thủ trưởng cơ quan nào ký ban hành thì thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết; trong trường hợp còn khiếu nại tiếp thì thủ trưởng cơ quan trực tiếp có trách nhiệm giải quyết”.
Như vậy, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, công chức cũng được áp dụng theo những quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
II. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.
1. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại.
Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì người khiếu nại có quyền.
Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại. Quyền khiếu nại là một quyền mà pháp luật quy định cho chủ thể khiếu nại có quyền tự mình thực hiện việc khiếu nại các quyết định kỷ luật khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, pháp luật cũng quy định người khiếu nại có thể thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện việc khiếu nại.
Người khiếu nại được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại biết được quá trình giải quyết vụ việc của mình, để họ có thể thực hiện tốt việc khiếu nại.
Người khiếu nại được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quy định này liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền lợi cho người khiếu nại và đây chính là mục đích của việc giải quyết khiếu nại. Mặt khác, bằng quy định này đã xác định việc khiếu nại của người khiếu nại là đúng, và như vậy những quyền lợi của người khiếu nại bị vi phạm cần được khắc phục, việc thực hiện quyết định kỷ luật đã gây thiệt hại cho người khiếu nại thì họ phải được bồi thường.
Người khiếu nại được khiếu nại tiếp hoặc vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính. Đây là quy định tạo ra khả năng lựa chọn cho người khiếu nại, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, thì họ có quyền chọn việc khiếu nại lên cơ quan cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính lên Tòa án hành chính.
Người khiếu nại được rút khiếu nại trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Quy định này liên quan đến quyền tự định đoạt của người khiếu nại, tạo ra khả năng cho người khiếu nại tự suy xét về việc khiếu nại của mình, sớm chấm dứt việc giải quyết khiếu nại khi họ tự cho rằng việc khiếu nại của mình là không đúng hoặc họ thấy không cần thiết phải khiếu nại nữa. Hiệu quả trên thực tế của quy định này là: giúp cho người khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiết kiệm được thời gian, sự việc khiếu nại được chấm dứt những “mâu thuẫn, tranh chấp” giữa người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại…”.
b. Nghĩa vụ của người khiếu nại.
Pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có những quyền khi thực hiện việc khiếu nại, tuy nhiên cùng với quyền khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Người khiếu nại có những nghĩa vụ sau:
- Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Việc pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có nghĩa vụ phải khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhằm bảo đảm cho việc khiếu nại phải đến đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tránh việc gửi đơn khiếu nại vượt cấp, gửi đơn khiếu nại tràn lan dẫn đến tình trạng khiếu nại không được giải quyết kịp thời, chuyển đi chuyển lại… gây tốn kém, lãng phí làm khó khăn cho người có thẩm quyền trong việc xử lý các khiếu nại.
- Người khiếu nại có nghĩa vụ trình bày trung thực diễn biến sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại; người khiếu nại chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp tài liệu, thông tin đó. Nghĩa vụ này xuyên suốt quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người khiếu nại. Bởi vì, chỉ bằng việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ xác đáng, trung thực thì đó chính là cơ sở, căn cứ để chứng minh việc khiếu nại của mình là đúng, quyền lợi của mình bị vi phạm. Mặt khác, trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại cung cấp và quá trình thu thập xác minh, kiểm tra các tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại cung cấp thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mới có thể ra những quyết định chính xác trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Người khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật phải được người khiếu nại nghiêm chỉnh chấp hành. Đây là một quy định pháp luật cần thiết, có ý nghĩa bắt buộc người khiếu nại phải chấp hành, bảo đảm tính pháp chế trong việc giải quyết khiếu nại. Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo thì quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành bao gồm:
- Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà trong thời gian do Luật quy định người khiếu nại đã không khiếu nại tiếp hoặc không khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần tiếp theo mà trong thời hạn do Luật định người khiếu nại không khiếu nại tiếp.
Ngoài ra, Luật khiếu nại, tố cáo cũng quy định: Người có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại nếu không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại.
a. Quyền của người bị khiếu nại.
Theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo người bị khiếu nại có những quyền sau:
- Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định kỷ luật bị khiếu nại. Đây là một trong những quyền quan trọng nhất của người bị khiếu nại.
- Người bị khiếu nại, được nhận quyết định giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại tiếp theo, đối với khiếu nại mà mình đã giải quyết nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại. Đây là quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho người bị khiếu nại, biết được quyết định của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo về vụ việc mà mình đã giải quyết, để đó thấy được những đúng, sai trong quyết định giải quyết khiếu nại của mình. Đây cũng chính là quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại được thuận lợi, tạo sự tôn trọng của người bị khiếu nại đối với các quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.
b. Nghĩa vụ của người bị khiếu nại.
- Người bị khiếu nại có nghĩa vụ tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật bị khiếu nại; thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình.
- Người bị khiếu nại có nghĩa vụ giải trình về quyết định kỷ luật, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu. Quy định về nghĩa vụ này của người bị khiếu nại hoàn toàn phù hợp với quy định quyền của người bị khiếu nại có quyền đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
- Người bị khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Quy định có ý nghĩa rất quan trọng mà người bị khiếu nại phải thực hiện, nó liên quan trực tiếp đến việc khôi phục và bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại. Bởi vì, người bị khiếu nại là người được pháp luật giao cho quyền quản lý, khi thực hiện quyền này nếu đã có quyết định kỷ luật được xác định là không đúng đắn, thì họ phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết đó. Mặt khác, việc chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại còn gắn với trách nhiệm giải quyết của người bị khiếu nại, điều đó có nghĩa là: nếu quyết định kỷ luật bị khiếu nại là sai trái thì bản thân người bị khiếu nại phải thay đổi (sửa đổi, huỷ bỏ quyết định bị khiếu nại hoặc phải ban hành quyết định mới phù hợp với quy định của pháp luật).
- Người bị khiếu nại có nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ này của người bị khiếu nại gắn bó chặt chẽ với nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại, bởi vì theo quy định của Luật thì khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, việc bồi thường thiệt hại (nếu có) phải được xác định rõ trong nội dung quyết định giải quyết khiếu nại như: mức bồi thường, trách nhiệm bồi thường, thời hạn phải bồi thường.
III. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 của Chính phủ thì:
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ký ban hành.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền.
a. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ký ban hành.
b. Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.
Điều 29 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền.
- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ký ban hành.
- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.
Điều 30 Nghị định số 67/1999/NĐ-CP quy định Bộ trưởng, trưởng ban Ban tổ chức- Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), có thẩm quyền:
- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ký ban hành.
- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Chính phủ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại, trừ khiếu nại đã có quyết định giải quyết của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là Bộ trưởng. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.
Đối với thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật của cán bộ, công chức của Thủ tướng Chính phủ, Điều 31 Nghị định 67/1999/NĐ-CP quy định: Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng, Trưởng Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại; trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữ Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thì Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc giải quyết hoặc ra quyết định giải quyết, các quyết định giải quyết khiếu nại nêu tại điều này là quyết định cuối cùng.
V. Thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật.
1. Về thời hiệu khiếu nại.
Điều 49 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật. Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
2. Về thụ lý việc khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người đã ra quyết định kỷ luật phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.
Luật khiếu nại, tố cáo quy định rõ: Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn; trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và có chữ ký của người khiếu nại.
Chú ý: Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết:
- Quyết định kỷ luật bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người đại diện không hợp pháp.
- Thời hiệu khiếu nại, thời hạn khiếu nại tiếp đã hết.
- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Tòa án.
3. Về thời hạn giải quyết.
Đối với thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu. Điều 52 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Đối với thời gian giải quyết tiếp theo. Điều 54 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo. Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo phải xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản; đối với vụ việc phức tạp, thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Quyết định này là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Điều 54 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo quy định: “Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.
Chú ý:
- Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, khi cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần đầu gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng dẫn giải quyết khiếu nại.
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản và phải gửi quyết định này cho người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan; khi cần thiết thì công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại đối với người khiếu nại, người bị khiếu nại.
4. Nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật của cán bộ, công chức.
Theo quy định tại Điều 53 Luật khiếu nại, tố cáo thì: Người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định.
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.
- Nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ;
- Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
- Giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định kỷ luật bị khiếu nại;
- Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có).
Quyết định giải quyết khiếu nại phải được gửi cho người khiếu nại và cơ quan, tổ chức hữu quan.
- Cán bộ, công chức khiếu nại quyết định kỷ luật buộc thôi việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì trong thời hạn quy định tại Điều 39 của Luật khiếu nại, tố cáo có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về tố tụng hành chính (Điều 55 Luật khiếu nại, tố cáo). Điều 39 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo quy định: “… Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
- Đối với công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng hoặc tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc, sau khi khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật đó thì trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
phần c: kết luận - kiến nghị
1. Kết luận.
Qua phân tích, trình bày trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước trên đã rút ra được một số vấn đề chính sau:
- Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật lên cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của quyết định kỷ luật.
- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là một hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ đụng chạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
+ Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
+ Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức phải có tính khả thi, kịp thời là điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển là điều kiện cho nhân tố mới xuất hiện đồng thời cũng là chế tài, là lực cản đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
+ Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức gắn liền với nhà lãnh đạo, Nhà quản lý điều hành. Nó là một kênh quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra thể hiện chức năng thiết yếu của công tác quản lý.
+ Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức phải đảm bảo tính dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch. Để cho quyết định kỷ luật không phải là triệt tiêu mà là động lực cho sự phát triển.
+ Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức phải mang tính tập thể (tránh sự tuỳ tiện do mỗi cá nhân quyết định), tính quần chúng.
2. Kiến nghị.
Để giải quyết khiếu nại quyết định kylou cán bộ đúng pháp luật góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Qua nghiên cứu và phân tích, tôi mạnh dạn có mức độ kiến nghị sau:
- Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
- Đề cao và thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, phải xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác này của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức có trách nhiệm.
- Tăng cường hoạt động thanh tra; bởi hoạt động thanh tra, kiểm tra là một nội dung của hoạt động quản lý. Thực hiện tốt chức năng thanh tra là một yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu quản lý.
- Nghiên cứu sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo. Để tách Luật khiếu nại, tố cáo thành hai luật: Luật tố cáo và Luật khiếu nại. Để luật khiếu nại, đặc biệt là khiếu nại hành chính phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và nhân dân để mọi người hiểu rõ chính sách, pháp luật biểu dương kịp thời những nhân tố điển hình tốt, phê phán những việc làm trái pháp luật. Góp phần xây dựng một bộ máy quản lý khoa học, tiên tiến.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước.doc