Khóa luận Yếu tố tính dục trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX

Nội dung bao giờ cũng cần hài hòa với hình thức, nội dung mới mẻ, hiện đại cần một cái áo phong cách, ấn tượng. Xét cho cùng, yếu tố tính dục trong văn học trung đại là một chủ đề mới, tuy nó xuất hiện không nhiều nhưng các tác giả đều thể hiện nó trong một tâm thế nghiêm túc, có ý định rõ ràng, thậm chí Hồ Xuân Hương có cả một kho tác phẩm chứa yếu tố đó. Vậy thì các tác giả lại cần phải đặc biệt lưu tâm đến yếu tố nghệ thuật, làm sao để nó không vi phạm khuôn khổ của văn chương trung đại vì các nhà văn, nhà thơ hầu hết là trí thức phong kiến. Các phương tiện để triển khai nội dung này thường xuyên được sử dụng như: nghệ thuật khai thác đặc tính ngôn từ, các biện pháp ngữ nghĩa đặc trưng như điển tích điển cố, ước lệ, tượng trưng , các hình thức xây dựng không gian, thời gian, tất cả đã làm bật lên được vấn đề tính dục một cách khéo léo nhất. Như vậy, bằng nhãn quan của thời đại cùng tấm lòng hướng về cuộc sống, về xã hội, các tác giả trung đại đã không ngần ngại thay đổi, để giờ đây mỗi lần nhắc đến văn học thế kỉ XVIII – XIX, ta lại cảm thấy tự hào vì một giai đoạn văn học là minh chứng hùng hồn cho câu nói “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” (Leptonxtoi)

pdf107 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 4158 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Yếu tố tính dục trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ăng con người thì các nhà thơ trung đại đã rất dụng công trong việc sử dụng từ ngữ, vừa đem lại cho trang thơ của họ những dấu ấn đẹp đẽ, vừa chuyển tải những thông điệp ý nghĩa về nhân sinh, về quyền sống con người Từ đa nghĩa trở thành công cụ đắc lực cho các tác giả thể hiện vấn đề tính dục một cách đầy sáng tạo, từ đó làm giàu thêm vốn từ cho tiếng Việt. Khi nói về những hoạt động tính giao, như trên đã phân tích, các tác giả không miêu tả trực tiếp mà khơi gợi nó qua một loạt động từ, tính từ và những kết hợp từ tạo hình ảnh, cảm giác sống động: - Vui vầy bể ái nguồn ân, Mưa tuôn lĩnh sớ, mây vần ngàn hương (Nữ tú tài) - Xem trong âu yếm có chiều lả lơi (Truyện Kiều - Nguyễn Du) - Tưng bừng màn gấm mở chìa khóa xuân (Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu – Đoàn Thị Điểm (?)) 74 - Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều) - Con cò mấp máy suốt đêm thâu (Dệt cửi - Hồ Xuân Hương) - Ong non ngứa nọc châm hoa rữa (Mắng học trò dốt - Hồ Xuân Hương) “Ý hết mà lời dừng, ấy là lời rất mừng trong thiên hạ. Nhưng lời dừng mà ý chưa hết lại càng hay tuyệt” (Lê Qúy Đôn). Tính đa nghĩa sẽ tạo nên sự phong phú, “ý tại ngôn ngoại” cho tác phẩm. Một hình ảnh có thể được cảm nhận theo nhiều góc độ khác nhau không giới hạn sức sáng tạo của người đọc sẽ là một hình ảnh có sức sống lâu bền. Ta có thể bắt gặp nơi những sáng tác của các tác giả trong giai đoạn này như Nguyễn Bá Lân hay Hồ Xuân Hương khi đề cập đến yếu tố sinh thực khí đều dùng những từ ngữ có thể hiểu theo nước đôi, không quy định một nét nghĩa nào cụ thể mà được mở rộng tối đa vùng ngữ nghĩa. Một số biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương có tác dụng dẫn dắt người đọc liên tưởng đến yếu tố sinh thực khí như: con cò, cái suốt, cọc, lỗ trôn, và trong phú Nôm, tác giả Nguyễn Bá Lân cũng rất sáng tạo khi mượn hình tượng của ngã ba sông gợi lên “cái ấy”, “chuyện ấy”: Ba góc bờ tre văng vẳng, huyệt kim quy chênh hẻm đá gồng ghềnh. Một chòm bãi cỏ phơi phơi, hang anh vũ thấu lòng sông huếch hoác. (Ngã Ba Hạc phú – Nguyễn Bá Lân) Sự kết hợp các điển cố “vua Bàn Cổ”, “họ Hữu Ngu”, “vua Tống”, “trời Nghiêu”, “ông Lã”, “Chử Đồng Tử” cùng các động từ, tính từ “vén quần”, “vỗ bụng”, “cắm néo”, “quỳ gối”, “lắc cày xuôi”, “dang nách”, “khom lưng”, “chèo dếch ngược” ở những vị trí vô tình mà Th.S Đàm Anh Thư trong bài viết “Văn học Việt Nam: Hành trình tìm kiếm “nhân sinh chi khoái lạc” và sự trỗi dậy của khát vọng sống trong phú nôm thời trung đại” gọi là “oái ăm” lại hữu ý đã tạo nên ở người đọc sự liên tưởng về cảnh ái ân. Thử phân tích bài thơ Hang Cắc Cớ của Hồ Xuân Hương, người đọc sẽ hiểu được thế nào là tính đa nghĩa được gợi ra từ những tác phẩm mang đậm yếu tố tính dục: 75 Trời đất sinh ra đá một chòm Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn Luồng gió thông reo vỗ phập phòm Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm Con đường vô ngạn tối om om Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm!” Ở bài thơ trên Hồ Xuân Hương đã dùng những từ ngữ gợi sự liên tưởng ở người đọc như: “một chòm, nứt ra đôi mảnh, kẽ hầm rêu mốc, giọt nước hữu tình, hớ hênh” cùng với các từ láy như “hỏm hòm hom, lõm bõm, om om” nhất là việc sử dụng tử vận “om”. Thông qua những từ ngữ giàu sức liên tưởng này chúng ta sẽ phải nghĩ đến một hình ảnh khác. “Thế giới thực (nghĩa thứ nhất) của hang động cũng đầy ắp sức sống mà thế giới ảo (nghĩa thứ hai) cũng làm cho người ta rạo rực, háo hức đi tìm một bến bờ hạnh phúc” [50, 22]. Từ việc miêu tả hang Cắc Cớ nữ sĩ làm cho người đọc không thể không liên tưởng đến một bộ phận trên cơ thể con người. Ấy là bộ phận kín đáo trên cơ thể người phụ nữ. 3.2. Thủ pháp nghệ thuật 3.2.1. Sử dụng điển tích, điển cố “Điển tích là từ hay nhóm từ được lấy ra từ những câu chuyện trong kinh, sử, truyện, các sách ngoại thư về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những quan niệm trong cuộc sống. Điển cố là từ hay nhóm từ mượn ý, lời từ câu thơ hoặc bài thơ của người trước, hay được trích từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao có tích chuyện được lưu truyền hoặc đã nổi tiếng.” [21,19]. Điển cố tạo hình ảnh sinh động cho câu văn, tránh sự khô khan trần trụi, gợi mở kích thích sự liên tưởng. Dùng điển cố còn tạo sự thanh nhã, tinh tế, uyên bác, quý phái cho lời văn, lời thơ. Lúc tác giả gặp những điều khó nói khi bộc lộ ý tưởng, hoặc không tiện nói ra, 76 hoặc nếu nói trực tiếp sẽ khiến lời thơ rơi vào thô tục, họ thường mượn điển cố, điển tích như một trợ thủ đắc lực cho việc diễn tả ý tưởng của mình. Điển cố, điển tích “mây mưa” xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nói về cảnh ái ân, có thể kể đến như: - Mưa tuôn lĩnh sớ, mây vần ngàn hương (Nữ tú tài) - Chốn phòng không như giục mây mưa (Cung oán ngâm) - Làm chi mà vội tìm tòi mây mưa! (Phạm Công Cúc Hoa) - Mây mưa đánh đổ đá vàng (Truyện Kiều) - Mộng hồn say giấc mây mưa (Truyện Từ Thức) - Dương đài đầy sẵn mưa mây (Hoa tiên) - “Mây mưa” được trích ra từ câu chuyện sau: Trong bài tựa Cao đường phú, Tống Ngọc nói tiên vương nước Sở ngày xưa đến chơi Cao Đường, giữa ban ngày nhưng vì mệt nên nhà vua ngủ thiếp đi. Trong mộng vua thấy một người con gái đẹp, tự xưng là thần nữ núi Vu Sơn đến xin nhà vua cho theo hầu chăn gối. Lúc từ biệt người con gái nói nàng ở phía Nam núi Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới chân núi Dương Đài. Người đời sau nhân câu chuyện này, dùng hai chữ mây mưa (vân vũ) để chỉ sự ái ân của trai gái. Liên quan đến điển tích mây mưa là hàng loạt các điển tích, được sử dụng linh hoạt như: Cao Đường, Tống Ngọc, đỉnh Giáp non Thần, Vu nữ, Đá Vu Sơn, Vu Giáp, Vu Phong, mưa Sở mây Tần, mộng Tương Vương, Triêu Vân, Thần Nữ, Giấc Cao Đường, Giấc Đài Dương, mộ vũ triêu vân, chúa Sở vui vầy giấc tiên, Tương Quân (vua Tương Vương) Ngoài ra, ta còn thấy xuất hiện nhiều điển tích, điển cố khác như: Gác Lâm Xuân (Tòa gác do Trần Hậu Chủ cho xây dựng ở vườn Thượng Uyển để vui chơi với cung nữ), vườn Tây Uyển (Vườn do Tùy Dưỡng Đế lập ra ở phía Tây kinh đô Lạc Dương để vui chơi với cung tần mỹ nữ), liễu ép hoa nài (Ép nài bọn đàn bà con gái, tức là ép buộc điều dâm dục), lá gió cành chim (Chỉ cảnh gái lầu xanh tấp 77 nập đưa đón khách làng chơi. Nàng Tiết Đào đời Đường thuở nhỏ làm thơ có câu: Chi nghênh nam bắc điểu; Diệp tống vãng lai phong/ Cành đón chim nam bắc, lá đưa gió lại qua. Người cha xem thơ biết rằng số phận con về sau không ra gì), trên bộc trong dâu (chỉ thói tà dâm của trai gái. Lễ ký: Tang gian Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm giã/ Trong ruộng dâu, trên bãi sông Bộc là tiếng nhạc mất nước), Những điển tích, điển cố này có khi là địa danh, có khi là tên người, có khi là cảnh vật, nhưng đều có mục đích là làm nổi bật lên chuyện phòng the kín đáo mà vô cùng thanh tao, không gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Tuy nhiên, chính vì điển tích điển cố mượn từ trong tích truyện của kinh sách cũ, thơ ca cũ cho nên người đọc nếu không thực sự am hiểu và quan tâm thì sẽ rất khó thấy được cái hay, cái đẹp của văn bản. 3.2.2. Biện pháp tu từ Các biện pháp tu từ là một hình thức nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc tạo ngữ nghĩa cho sáng tác văn học. Thông qua các biện pháp tu từ, người đọc nhận thức thế giới xung quanh qua một lăng kính khác đầy giá trị biểu cảm và sức hấp dẫn cao. Do đó, người đọc dễ dàng cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của những hình tượng nghệ thuật. Qua đó cũng khám phá được những nét đặc biệt nổi bật trong phong cách sáng tác của một tác giả, một thời đại thậm chí một dân tộc. Vấn đề tính dục không phải là vấn đề có thể dễ dàng bộc lộ trực tiếp. Nếu trong thơ văn hiện đại có cái nhìn thoáng hơn của một xã hội tự do, dân chủ, các nhà văn nhà thơ được nói lên những vấn đề đó một cách thẳng thắn thì trong thơ ca trung đại, với những hạn chế về mặt tư tưởng do hoàn cảnh khách quan, hầu hết các nhà thơ đều phải thể hiện nó qua một chuỗi những biện pháp tu từ mà phổ biến là các biện pháp so sánh, ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, nhân hóa Hệ thống thi pháp đặc trưng của văn học trung đại mang tính quy phạm cao nên việc sử dụng thi liệu là những điển tích, điển cố, những từ ngữ ước lệ thường xuyên xảy ra. Nếu so sánh với thơ Hồ Xuân Hương trong dòng văn học chữ Nôm cùng thời kì, hiện tượng này hầu như không xuất hiện. Nhưng nhìn chung, các tác giả giai đoạn này đều thường sử dụng phương thức biểu đạt vấn đề bằng con đường vòng, hay nói cách khác họ dẫn dắt vấn đề vô cùng khéo léo bằng lớp ngôn ngữ 78 giàu hình ảnh và sự kết hợp từ ngữ độc đáo, để hướng người đọc vào con đường khai phá ngữ nghĩa. Đôi lúc sẽ rất khó để nhận ra điều cốt lõi mà người viết đề cập nếu không hiểu được những thi liệu trong tác phẩm của họ. Đơn cử như tác phẩm Cung oán ngâm khúc, tác phẩm nói về nỗi lòng của người cung nữ bị ruồng rẫy trong cung cấm có một đoạn nàng hồi tưởng về phút giây ngập tràn yêu đương giữa nàng và nhà vua: Vườn Tây uyển khúc trùng thanh dạ Gác Lâm xuân điệu ngả Đình hoa. Thừa ân một giấc canh tà, Tờ mờ nét ngọc, lập lòa vẻ son. Nếu người đọc không hiểu được điển cố Tây uyển, Lâm xuân thì sẽ không hình dung ra được dụng ý sáng tác của tác giả. Hay trong một số tác phẩm của Hồ Xuân Hương như Đá Ông Chồng Bà Chồng, nếu chỉ nhìn và cảm nhận trên bề mặt ngữ nghĩa, vô tình ta sẽ bỏ mất đi lớp nghĩa tiềm ẩn độc đáo được Hồ Xuân Hương giãi bày trong tác phẩm, đó là cái tình, cái khát khao của một nhà thơ luôn đề cao người phụ nữ và hạnh phúc lứa đôi trần thế. Khác với điển tích điển cố chất liệu lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa, so sánh hay ẩn dụ, hoán dụ thường lấy những hiện tượng đời sống để làm rõ những hiện tượng xã hội, hay phẩm chất của con người. Trong văn chương, so sánh là phương thức tạo hình, phương thức gợi cảm, ẩn dụ thể hiện hình ảnh cụ thể, tránh được cách nói khô khan, đồng thời gia tăng sức mạnh biểu cảm của ngôn từ. Trước hết chúng ta thử tìm hiểu biện pháp so sánh, ẩn dụ có giá trị như thế nào trong việc thể hiện vấn đề tính dục: “Giá trị của ẩn dụ không chỉ một ở một hình tượng và biểu cảm mà còn ở phát hiện bề sâu, bề xa của sự vật theo cách nhìn của tác giả. Sự đổi mới tên gọi hàm chứa một nội dung biểu đạt và sức sáng tạo nghệ thuật. Nghiên cứu ẩn dụ của một tác giả, ta có thể đi sâu vào phong cách tác giả, vào “vũ trụ thơ ca” của tác giả đó” [17, 203]. 79 Nguyễn Tuân trong bài Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương, cũng có ý kiến: “Thế giới quan, nhân sinh quan của Xuân Hương là một nhỡn quan nõn nường, bất cứ cái gì, bất kể lúc nào và ở đâu, vẫn vang ngân chỉ nõn nường” [41,170]. Khi Hồ Xuân Hương trực tiếp miêu tả sự “trần truồng” của cô thiếu nữ ngủ ngày lúc ấy bà cũng hướng về những hình tượng phong cách trữ tình, những bức tranh thiên nhiên với hình ảnh của “đôi gò Bồng đảo” và “một lạch Đào Nguyên”. Đây là hai hình ảnh ẩn dụ gợi cho người ta liên tưởng đến những bộ phận kín đáo trên cơ thể người thiếu nữ. Hồ Xuân Hương “đã thình lình cột ngay vào đấy đúng quả tang nhìn trộm, trong tư thế đáng ê mặt cả bên ngoài lẫn bên trong” của bọn quân tử [49,217]. Trong một số bài thơ vịnh cảnh của nữ sĩ, người đọc dễ dàng nhận ra sự đa dạng, phong phú về nội dung và đề tài của chúng. Hang động được bà nhắc đến ở tần số dày đặc nhưng không bị trùng lắp và mỗi bài đều có dấu ấn riêng. Tuy nhiên, nếu chú ý kĩ hơn, người đọc có thể thấy được sự tương đồng trong những bài thơ ấy nằm ở tầng sâu chữ nghĩa, ở tầng sâu ý tứ. - Ở trong hang núi còn hơi hẹp Ra khỏi đầu non đã rộng thùng (Kẽm Trống) - Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm Con đường vô ngạn tối om om (Hang Cắc Cớ) - Giọt nước hữu tình rơi thánh thót Con thuyền vô trạo cúi lom khom (Động Hương Tích) - Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp Lách khe nước rỉ mó lam nham (Hang Thanh Hóa) Hang động trong thơ nữ sĩ thực sự đã đánh thức mọi giác quan người đọc bởi sức cuốn hút, hấp dẫn không chỉ đến từ sự hoang sơ, lạ lẫm của nó mà còn ở việc dẫn dắt người đọc vào những miền liên tưởng thú vị. Các động từ “sờ, mó”, các tính từ “rậm rạp, lam nham” tạo cảm giác mạnh, kéo liên tưởng con người về một cái gì đó rất cụ thể và tưởng chừng xúc giác có thể phát hiện được. Phải là một con người có con mắt yêu đời, chứa chan tình yêu cuộc sống nên những vật vô tri vô 80 giác mới trở nên có hồn và có tình như vậy. Bằng chứng là “giọt nước” trong thơ bà là “giọt nước hữu tình”, rơi theo chủ ý của người sáng tác “rơi lõm bõm”, “rơi thánh thót”. Hai hình ảnh “Con đường vô ngạn tối om om” và “Con thuyền vô trạo cúi lom khom” như dẫn dắt mạch liên tưởng đi theo con đường quen thuộc mà người đọc từng bắt gặp trong thơ Hồ Xuân Hương. Như vậy, cảnh được vẽ lên là cảnh thực, nhưng bằng những nét bút trau chuốt, uốn nắn đã làm bật lên được những đường viền sống động, tô điểm thêm cho cảnh và đồng thời đem đến những ẩn ý thú vị. Không dừng lại ở các bài thơ vịnh cảnh, khi khảo sát những bài vịnh vật, người đọc cũng không khỏi ngỡ ngàng vì những hình ảnh giàu sức liên tưởng dẫn dắt người đọc nghĩ đến yếu tố sinh thực khí của nữ giới. Chẳng hạn ở chùm thơ Vịnh quạt một mặt cái quạt được mô tả cùng với những đặc tính của nó, mặt khác thông qua hình ảnh cái quạt nữ sĩ còn ám chỉ đến cái khác. Cái quạt của nữ sĩ có những đặc tính hết sức lạ lùng: Chành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa (Cái quạt I) Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc Rộng hẹp dường nào cắm một cây (Cái quạt II) Các từ “mười bảy hay là mười tám, một lỗ xâu xâu, cắm một cây, chành ra, khép lại, da thịt, thiếu – thừa, mỏng – dầy, rộng – hẹp” phải chăng chỉ đơn thuần để miêu tả cái quạt? Tác giả mô tả cái quạt càng tường tận bao nhiêu thì càng nổi bật cái được ẩn giấu bấy nhiêu. Xuân Hương miêu tả các chi tiết một cách dồn dập nhằm mục đích cuối cùng là tập trung gợi tả, ngợi ca bộ phận kín đáo trên cơ thể người phụ nữ. Song làm nên nét độc đáo ấn tượng của cái quạt chính là công dụng của nó, cái quạt lạ lùng có thể phất vào mặt anh hùng, che đội lên đầu quân tử: Mát mặt anh hùng khi tắt gió Che đầu quân tử lúc sa mưa 81 Và cái quạt này thỏa mãn “người trong trướng”: Nâng niu ướm hỏi người trong trướng Phì phạch trong lòng đã sướng chưa? Động từ “phì phạch” dùng để mô tả âm thanh kết hợp với câu hỏi tu từ đã tạo cho câu thơ một giọng điệu mỉa mai, khinh miệt đối với “người trong trướng”. Đó là bọn quyền cao chức trọng, vua chúa quan lại có bản chất dâm ô, giả dối và ham hưởng thụ. Còn bọn anh hùng, quân tử thì bị nhà thơ vạch rõ chân tướng của kẻ ham sắc dục nhưng lúc nào cũng giả dối, hách dịch, tỏ ra chê bai, khinh rẻ nguồn vui đó. Tiếng cười bật ra ở đây khi người đọc bắt gặp cái quạt với đặc tính lạ lùng lại đựơc đặt lên trên bộ phận cao quý (đầu, mặt) của những con người cao quý. Một phụ nữ sống trong xã hội phong kiến với những lễ giáo khắt khe như thế mà dám sáng tác những vần thơ đả kích như vậy thì quả là một người phụ nữ giàu bản lĩnh và vai trò của bọn vua chúa, quan lại, hiền nhân, quân tử chẳng còn một chút giá trị nào nữa. Tóm lại, dù là thơ vịnh cảnh hay vịnh vật, Hồ Xuân Hương cũng gợi sự liên tưởng nơi nguời đọc một bộ phận kín đáo trên cơ thể con người hoặc những hoạt động tính giao. Như nhà nghiên cứu Niculin đã từng nhận định: “Thân thể con người đã trở về như một nhân vật trong thơ bà” [32,627]. Cảnh được bà vẽ như nét thực vốn có của nó, vật được bà miêu tả một cách tỉ mỉ, độc đáo nhưng đằng sau những nét vẽ, những điều miêu tả lại là một hình ảnh tục. Chính phương thức ẩn dụ làm cho thơ Xuân Hương vừa tục lại vừa thanh. Cũng vậy, khi đến với bài thơ Đá ông Chồng bà Chồng, Hồ Xuân Hương miêu tả hòn đá mà gợi cho người đọc liên tưởng đến “chuyện khác”. Vị trí trên của “tầng” và vị trí dưới của “thớt” giữa hai tảng đá làm chúng ta liên tưởng đến tư thế của hai người đang thực hiện hoạt động tính giao, đây là hoạt động khởi đầu nguyên thủy của con người. “Phơ đầu bạc” có thể hiểu là đã già, “đượm má hồng” nghĩa là còn trẻ, còn đang tràn đầy sức sống. Vậy ở đây “ông chồng bà chồng” là “chồng già – vợ trẻ” – chúng ta nghĩ ngay đến tình cảnh trớ trêu của nữ sĩ là vợ trẻ của chồng già. Nhà thơ Xuân Diệu đã bình luận rất hay về hai câu thơ này “Và một thi sĩ, một nhà điêu khắc truyền cả hơi sống, cả tình yêu vào đá, đến nỗi đá cũng ửng hồng lên như có máu chạy, đá cứng lắm, nặng lắm mà nó chẳng nằm như đá, 82 nó giãi ra, nó cọ mãi, nó già giặn tình xuân!” [32,316]. Qua việc miêu tả hòn đá, tác giả gợi cho người đọc liên tưởng đến hoạt động tính giao, từ đó thể hiện ước mơ, khát vọng của nữ sĩ về một tình yêu nồng nàn, gắn bó thủy chung. Và Hồ Xuân Hương còn nhiều bài thơ gợi cho ta liên tưởng đến hoat động tính giao khác như bài: Tát nước, Đánh trống, Đấm chuông, Nếu nói đến nghệ thuật ẩn dụ có tác dụng làm nổi bật những hoạt động bản năng của con người, có lẽ không thể không kể đến Truyện Kiều. Những bức tranh ân ái chốn lầu xanh được ông miêu tả bằng những ngôn ngữ tinh tế, không gợn chút vẩn đục. Khi miêu tả cảnh Thúy Kiều thất thân với Mã Giám Sinh, những câu thơ dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du trở nên thanh nhã biết bao, đồng thời cũng gợi lên được nỗi đau của Thúy Kiều và sự trơ trẽn của kẻ vô học, hám sắc: Tiếc thay một đóa trà mi Con ong đã tỏ đường đi lối về! Một cơn mưa gió nặng nề Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương Đêm xuân một giấc mơ màng Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ “Cơn mưa gió”, “đóa trà mi” là những từ ngữ ẩn dụ không chỉ có tác dụng miêu tả mà còn làm dấy lên ở người đọc nỗi xót xa cho thân phận vàng ngọc của Thúy Kiều đã bị tước đoạt tàn nhẫn bởi một kẻ sỗ sàng, xem nàng là một món hàng để đổi chác. Hay khi Tú Bà dạy Kiều cách đối đãi với khách làng chơi, ta không thấy hiện lên trong ngôn ngữ sự thô thiển đến tục tĩu như những lời văn trong bản Kim Vân Kiều truyện mà Nguyễn Du chỉ bằng một câu bát đủ khái quát hết tất cả những ngón nghề của gái lầu xanh: Này con thuộc lấy làm lòng Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề 83 Trên tờ báo Nam Phong số 112 tháng 12 năm 1926, Rơnê Crayxắc đã khẳng định: “Từ đầu đến cuối Truyện Kiều đều một giọng nghiêm trang như thế cả. Thế mà có kẻ cho là sách hối dâm, thì một là dốt nát không biết, hai là giả dối nói xằng vậy” [31,562]. Không thể phủ nhận Truyện Kiều có chứa yếu tố tình dục, những cuộc vui trai gái chốn thanh lâu không ít lần được ông khắc họa trong tác phẩm. Song hiểu và ngẫm nghĩ thật kĩ lưỡng, Nguyễn Du không dùng ngôn ngữ khiếm nhã mà dùng những câu từ đầy sức gợi tả, khiến người đọc không thể không nghĩ đến cảnh ấy nhưng cũng không thấy ngượng ngùng, ái ngại. Lí giải cho việc xuất hiện của những chi tiết dục tính, Trần Đình Sử cho điều đó là hợp lí vì nó “là một đặc điểm của thân phận, thân thể nhân vật” và nó góp phần để diễn tả cảnh lầu xanh cho chân thực. Chính cách Nguyễn Du tiếp cận vấn đề bằng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ xứng đáng đưa ông lên tầm vóc lớn lao, một bậc thầy về ngôn ngữ. Trong thơ ca, ẩn dụ là một biện pháp nghệ thuật được khai thác ở mức độ cao. Nhưng nhắc đến văn học trung đại mà chỉ nói đến ẩn dụ thôi chưa đủ, nét đặc trưng của văn học trung đại chính là ở hệ thống ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng của nó. Với những vấn đề tế nhị như tính dục, ngôn ngữ ước lệ tượng trưng càng được phát huy. Nó vừa tạo cho thơ ca một vẻ đẹp uyên bác, lý tưởng, thẩm mỹ vừa cách điệu hóa những chi tiết vốn là vùng đất cấm của văn chương trung đại. Tính chất ước lệ thường được tạo ra bằng việc vận dụng các điển tích, điển cố kết hợp với việc vận dụng những công thức sáng tác, ví dụ khi miêu tả cuộc sống ẩn sĩ thì phải gắn với “ngư tiều canh mục”, phẩm chất tài hoa thì phải “cầm kỳ thi hoạ”, “phong hoa tuyết nguyệt” Cũng như thế khi muốn nói về cuộc hoan lạc của đôi nam nữ, ngoài việc sử dụng những điển cố, điển tích như đã nêu, các tác giả còn mượn thiên nhiên, nhân hóa thiên nhiên để nói lên hình ảnh của con người. Vì vậy, bức tranh con người giấu mình sau bức tranh thiên nhiên mơn mởn, rạo rực: bóng dương lồng bóng đồ mi, cá nước vui vầy, nguyệt lồng hoa, hoa nguyệt trùng trùng, bướm lả ong lơi, lá gió cành chim, mưa Sở mây Tần trở nên sinh động, đầy màu sắc mà vẫn kín đáo không vượt khỏi tính quy phạm truyền thống. Các biện pháp tu từ kể trên góp phần thúc đẩy việc tìm hiểu các tác phẩm văn học ở khía cạnh hình thức, nhất là con đường tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm ở cấp độ từ ngữ. Qua đó người đọc dễ dàng đi sâu vào vẻ đẹp, tinh thần mới mẻ, tiến bộ trong những tác phẩm này. 84 3.3. Không gian nghệ thuật Theo Trần Đình Sử trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, không gian trong thơ ca trung đại thường được nhắc đến là “không gian nhàn tản, thoát tục”, “không gian hoang dại tiêu điều biến dịch”, “không gian luân lạc trong thơ Nguyễn Du và các tác giả khác”, “không gian trần tục hóa trong thơ Hồ Xuân Hương” và “không gian thế tục hóa”. Mỗi không gian có một đặc điểm nhận dạng riêng và xuất hiện tùy theo dụng ý của tác giả. Trần Đình Sử cũng gọi không gian trần tục hóa trong thơ Hồ Xuân Hương bằng tên gọi khác mang tính ước lệ là “không gian buồng khuê”. Bởi vì tất cả những sự vật sự việc trong tác phẩm chỉ khi được đặt trong chốn khuê phòng thì mới thấy hết được ý nghĩa hàm ẩn của nó. Thế nhưng không gian ấy không chỉ xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương như một đặc thù trong sáng tác mà còn hiện hữu trong những tác phẩm về tình yêu lứa đôi của văn học thế kỉ XVIII – XIX. 3.3.1. Không gian thiên nhiên Thiên nhiên trong cảm quan của con người thời trung đại có vị trí đặc biệt danh dự. Nếu trong văn học phương Tây, thiên nhiên là đối tượng để chinh phục thì trong văn học phương Đông, thiên nhiên là đối tượng để giao hòa. Thiên nhiên biểu hiện cảm quan vũ trụ, mỹ cảm và tư tưởng triết học phương Đông. Thiên nhiên không tách rời khỏi con người như một khách thể trong văn chương mà nó được gán những phẩm chất, thuộc tính của con người. Vì vậy qua thiên nhiên, con người thể hiện rõ hơn cá tính của mình, bộc lộ những quan niệm sống, triết lý sống vô hình. Và cũng trong không gian thiên nhiên, con người được tận hưởng tối đa xúc cảm, nó tạo chất xúc tác cho những hoạt động ái ân, nó khơi gợi cảm xúc và đôi khi nó chính là duyên cớ cho những cái “hớ hênh” của người con gái trong thơ Hồ Xuân Hương. Thiên nhiên làm nền cho những cảm xúc thăng hoa của tình yêu. Vấn đề này dường như trở nên thanh cao hơn, đẹp đẽ hơn khi đặt nó trong không gian của trời đất, của trăng gió, núi mây Và con người xuất hiện trong không gian ấy cũng trở nên lãng mạn, tình tứ, bí ẩn thôi thúc sự khám phá, cộng hưởng: Đệm hồng thúy thơm tho mùi xạ Bóng bội hoàn lấp lóa trăng thanh 85 Mây mưa mấy giọt chung tình Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn (Cung oán ngâm khúc) Những cảm xúc tính dục được đánh thức trong sự giao hòa với thiên nhiên, thiên nhiên trở nên mật thiết với con người. Thiên nhiên là một phần của cảm xúc ái ân, tác động đến nhân vật và cảm xúc của họ. Nguyễn Du dùng cảnh để tả tình, thường biến cảnh sắc thiên nhiên thành điểm chất chứa sự nồng thắm của tình yêu: Hải đường mơn mởn cành tơ Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng (Truyện Kiều) Thúy Kiều chính là hoa hải đường vào mùa xuân càng tươi trẻ, càng “mơn mởn” khi được tưới gội trong mưa xuân nồng đượm. “Câu thơ này tả tình rất đẹp, () gợi lên một thứ tình cảm yêu đương say đắm, () sự êm ái của tình yêu bỗng tràn dâng cao mãi và nồng nàn không dứt”. [21,126] Hay nhớ lại khoảnh khắc ban đầu khi Kim – Kiều gặp gỡ, đính ước, Nguyễn Du đã vẽ nên một khung cảnh thề nguyền lãng mạn: Xắn tay mở khóa động đào Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai Mặt nhìn mặt, càng thêm tươi Bên lời vạn phúc, bên lời hàn huyên “Tối hôm ấy là một đêm trăng. Cái đêm hôm ấy trong vườn nhà sao mà ăm ắp khí xuân, từ bóng trăng đến giọt sương, đến cành cây, sao mà cái gì cũng lai láng tình xuân cũng rạo rực nỗi niềm. Lòng người cũng không kém lai láng rạo rực” [45,171]. Đêm trăng thanh dường như chắp cánh cho tình yêu Kim – Kiều nảy nở: Sóng tình dường đã xiêu xiêu Xem trong âu yếm có chiều lả lơi Hình ảnh thiên nhiên còn được tái hiện trong những khoảnh khắc ân ái có tác dụng như một không gian nội tâm. Trong Chinh phụ ngâm, “người chinh phụ mạnh 86 dạn bộc lộ tấm lòng rạo rực của mình trong những đêm trường lạnh lùng đơn chiếc dưới cảnh vật khêu gợi” [45,52]: Lá màn lay ngọn gió xuyên Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm, Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông. Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng, Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau. Bút pháp tả cảnh ngụ tình được vận dụng độc đáo, khung cảnh não nùng quyến rũ trong một đêm trăng lộng lẫy đã nói lên nỗi niềm khát khao thầm kín mà thiết tha của người chinh phụ. Không gian thiên nhiên ấy chính là không gian kí ức, không gian trong hoài niệm hạnh phúc đầy đẹp đẽ khác xa với cảnh “mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u” hiu hắt và lạnh lẽo. Thiên nhiên không chỉ ảnh hưởng và tác động đến khoảnh khắc ân ái của con người mà còn làm nền cho sự xuất hiện của những vẻ đẹp bản thể nhất của người phụ nữ. Trong không gian ấy, mọi thứ như trở về nguyên sơ, trở thành những hình ảnh đẹp nhất, nhân bản nhất và không vướng một chút phàm tục. Hồ Xuân Hương đã vẽ nên bức tranh thiếu nữ - một bức tranh khỏa thân truyền thần sinh động được tô điểm dưới làn gió nhẹ của buổi chiều mùa hè đã làm xao lòng bao bậc quân tử: Mùa hè hây hẩy gió nồm đông, Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. Lược trúc chải cài trên mái tóc, Yếm đào trễ xuống dưới nương long. (Thiếu nữ – Hồ Xuân Hương) Hồ Xuân Hương khéo mượn cơn gió nồm hây hẩy để lộ toàn bộ sự ngọc ngà của người thiếu nữ. “Người thiếu nữ ở đây chỉ nằm chơi mà hóa ra ngủ thật bởi do lỗi của thiên nhiên” [32,402]. Hơn nữa, thân thể nàng được thần tiên hóa qua hai hình ảnh rất đẹp là “gò Bồng Đảo” và “lạch Đào Nguyên”. Gò Bồng Đảo là núi 87 trên Đảo Bồng Lai, nơi tiên ở, ý nói cảnh đẹp, cảnh tiên. Thành ngữ có câu: Đẹp như tiên Non Bồng. Lạch Đào Nguyên là suối Hoa Đào. Có người đi men theo suối này tới được một nơi có cảnh vui tươi, êm ấm, về sau được hiểu rộng ra là cảnh tiên. Rõ ràng, nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp nhục cảm của con người trở nên trong sạch và tinh khiết lạ thường. Nàng Kiều của Nguyễn Du đã được ông ưu ái như vậy khi trong bức tranh khỏa thân của Kiều, ông đặt hình thể của nàng trong sự đối xứng hài hòa với trướng đào tẩm hương, với nước ướp hoa lan, với “tòa thiên nhiên” “dày dày” tuyệt đẹp của tạo hóa: Buồng the phải buổi thong dong Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên Để tăng thêm phần gợi cảm trong khi khắc họa bức tượng hoàn mỹ ấy, Nguyễn Du còn tạo một không khí lãng mạn, khêu gợi qua mùi thơm của nước tẩm hoa lan, qua màu hồng của bức màn the mờ ảo. Tất cả tạo thành sự tuyệt mỹ về cái đẹp thể chất của người phụ nữ mà các tác giả khác trước hay đồng thời với Nguyễn Du không ai vượt qua được. Hay khi miêu tả vẻ đẹp mang đậm yếu tố tính dục của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều cũng đặt cảnh ấy trong không gian thiên nhiên đầy gợi tình, khêu gợi cảm xúc rạo rực và đánh thức mọi giác quan của người đọc. Vẻ đẹp của người cung nữ hòa trong trời đất vừa kín đáo, vừa e ấp nhưng lại vừa trần trụi: Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió Áo vũ kia lấp ló trong trăng Như vậy, hình tượng thiên nhiên trong một số tác phẩm có yếu tố tính dục là không gian được cảm nhận trong cảm xúc nhục dục của con người. Không gian ở đây cũng như con người và là công cụ thể hiện những cảm xúc đa tầng trong bản thân con người. 3.3.2. Không gian buồng khuê 88 Bên cạnh không gian thiên nhiên thì kiểu không gian buồng khuê cũng xuất hiện khá dày đặc trong văn học. Như phần đầu giới thiệu chúng tôi có đề cập, một trong những không gian trong văn học trung đại đáng lưu ý là không gian trần tục hóa trong thơ Hồ Xuân Hương. Bên cạnh không gian buồng khuê xuất hiện gián tiếp lẫn trực tiếp trong thơ nữ sĩ còn có những bức tranh khuê phòng của đôi lứa được miêu tả sinh động trong rất nhiều những tác phẩm cùng thời. Buồng khuê được xem là biểu tượng của sự giao hoan, của cảnh ái ân vợ chồng: Hai tình vẹn vẻ hòa hai, Động phòng cũng đượm, chương đài cũng êm (Tống Trân – Cúc Hoa) Nàng rằng: “Ngày đẹp hoa phòng Thơ đào gặp trận gió giông thế nào?” (Truyện Song Tinh – Nguyễn Hữu Hào) Không gian buồng khuê xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong những phút thăng hoa của tình yêu hoặc trong nỗi nhớ da diết của người vợ/ người yêu gửi đến đấng lang quân/ người trong mộng của mình. Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục, Chốn phòng không như giục mây mưa Giấc chiêm bao những đêm xưa Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày. (Cung oán ngâm khúc) Giống với không gian thiên nhiên, không gian buồng khuê cũng có chức năng khơi dậy cảm xúc của con người, và trong trường hợp này, chốn khuê phòng nơi người cung nữ bị giam hãm tuổi xuân đã gọi dậy trong nàng những khát khao mạnh mẽ về hạnh phúc. Nhưng sự mong đợi đó là hoài công, vô ích vì “chúa xuân” chỉ là kẻ “chơi cho hoa rữa nhụy dần lại thôi”. Suốt cả một khúc ngâm là không gian bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Cuộc sống chốn thâm cung của người 89 cung nữ chẳng khác chi với cảnh đoạ đày, hành hạ về thể xác và tinh thần, nàng trở nên bẽ bàng, tủi nhục, cay đắng và dần ý thức về “con người thừa” của mình. Trong Truyện Kiều, không gian buồng khuê cũng được gợi nhắc, đó là không gian chốn lầu xanh, nơi diễn ra những cuộc tình sớm nở tối tàn, chóng vánh, thoảng trôi. Dập dìu lá gió cành chim Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh Gắn với không gian buồng khuê là sự xuất hiện của những vật dụng quen thuộc như: chiếu chăn, màn rèm, giường gối, Chăn, màn, gối là những vật dụng liên quan đến giấc ngủ và không gian ái ân. Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà, Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong (Cung oán ngâm khúc) Các hình ảnh về chăn, màn, gối khơi gợi con người nhớ nhung, khao khát được gần gũi, cận kề. Vì thế khi tình yêu “mỗi năm một nhạt”, chăn vốn đắp cho thân thể khỏi giá lạnh trở nên vô duyên, lỏng lẻo, trống trải vì không làm ấm được tâm hồn lạnh giá. Kẻo em vò võ môn phòng, Lẻ loi gối phượng, lạnh lùng chăn loan (Hoàng Trừu) Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu Gối loan tuyết đóng , chăn cù giá đông (Cung oán ngâm khúc) Gối kê đầu từ một vật vô tri trở thành nơi giãi bày tâm tư, xúc cảm, gối như nhắc lại quá khứ uyên ương sum họp kề vai, sát đầu bên nhau: Trên gác phượng, dưới lầu oanh, 90 Gối du tiên hãy rành rành song song. (Cung oán ngâm khúc) Trướng loan nghiêng ngửa gối loan Thắm duyên thần nữ, phỉ nguyền tướng quân (Nữ tú tài) Màn chiếu cũng nhuốm nỗi cô đơn vì con người sống trong quạnh quẽ: Đêm năm canh lạnh lẽo màn lê. Ngày sáu khắc dầm dề chiếu nguyệt (Mã Phụng – Xuân Hương) Không gian khuê phòng nếu như trong quan niệm của phong kiến chỉ là nơi ăn chốn ở của người con gái, nơi giam giữ, hạn định con người trong không gian chật hẹp, thiếu tự do thì giờ đây, trong sự trỗi dậy của ý thức cá nhân, không gian khuê phòng là nơi vang lên biết bao cảm xúc tính dục, vang lên những khát khao đòi hỏi được yêu thương, được tỏ bày, được chia sẻ của người phụ nữ. Nơi đó chứng kiến biết bao cuộc truy hoan êm đềm của lứa đôi, cũng chứng kiến biết bao nỗi khổ tâm vì đơn độc, lẻ bóng trong mối duyên tình mà người phụ nữ đeo mang, ám ảnh. 3.4. Thời gian nghệ thuật Trong văn học trung đại, thời gian biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau: có thời gian vũ trụ bất biến, có thời gian chảy trôi liên tục theo dòng chảy của lịch sử, có thời gian tàn tạ phôi pha trong cảm thức của người đương thời ở một xã hội đảo điên Nhìn chung, thời gian trong văn học trung đại vận động không phải nhất nhất theo quan niệm thời gian chảy trôi không ngừng mà dòng thời gian ấy có khi cũng chịu sự tác động của tâm lí con người. “Yếu tố cảm thụ cá nhân đã làm cho thời gian trong thơ đa dạng và biến đổi rõ nét” [34,250]. Khi khảo sát những tác phẩm mang yếu tố tính dục, chúng tôi nhận thấy rằng, thời gian có tác động rất lớn đến sự hình thành khơi dậy những xúc cảm bản năng con người và chính xúc cảm con người lại làm khung thời gian bất tuân theo quy luật tự nhiên của nó. Vì vậy, việc phân tích giá trị và ý nghĩa của thời gian thể 91 hiện yếu tố tính dục như một hình tượng nghệ thuật sinh động, gợi cảm cũng quan trọng không kém việc tìm ra những khuôn hình không gian thể hiện vấn đề trên. 3.4.1. Thời gian vật lí – ban đêm Trần Đình Sử cho rằng: “Thời gian nghệ thuật trong văn học không giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian, mà là một hình tượng thời gian sinh động gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật để phản ánh hiện thực, tổ chức tác phẩm”(...). “Ý thức về thời gian là ý thức về sự tồn tại của con người, phát hiện thời gian giúp người ta nhận thức sâu hơn về cuộc sống”. Với ý nghĩa đó, qua thời gian ban đêm trong một số tác phẩm có yếu tố tính dục, chúng ta sẽ hiểu hơn những hình ảnh và tâm sự của con người đầy ấn tượng, đầy khắc khoải được gửi gắm. Thời gian buổi đêm được khắc họa có cả trực tiếp và gián tiếp (qua giấc mộng, qua ánh trăng,): Mộng hồn say giấc mây mưa, Đá Vu Sơn tạc tiếng dư Cao đường. Mấy thu chăn chiếu hồ sàng, Bụi Chiêu Quân lấy gối chàng Ngưu sinh. (Truyện Từ Thức) Thời gian buổi đêm là thời gian con người quay trở về bản chất thuần nguyên nhất, sống thật với chính mình nhất và vì vậy, họ dễ say đắm trong những lạc thú trần gian nhất. Mỗi khi nói về đêm, nhất là trong cách dùng từ “đêm xuân” (Truyện Kiều) hay “yêu đêm” (thơ Hồ Xuân Hương), người đọc dễ dàng liên tưởng đến những hoạt động tính dục của con người. Những bức tranh lai láng tình yêu được miêu tả trong một bức màn nhung bao phủ của đêm: “Đêm qua chừng mấy giờ khuya Tưng bừng màn gấm mở chìa khóa xuân” (Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu) “Cái đêm hôm ấy hôm gì Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng” (Cung oán ngâm khúc) 92 “Loan phượng gối chung, ai dẫn mối, Đêm nay chẳng biết cái đêm gì?” (Việt Nam kỳ phùng sự lục – Khuyết danh) Đêm mọi vật chìm vào giấc ngủ, không gian tĩnh lặng dễ khơi gợi trong lòng người những bâng khuâng, hồi tưởng. Đó cũng là khoảng thời gian con người có dịp lắng lại để nghe trái tim mình thổn thức, để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời và về chính bản thân mình. Chắc hẳn người đọc không thể không nhớ bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương, một bài thơ đi vào trái tim của bao thế hệ với niềm cảm thương vô hạn cho người phụ nữ truân chuyên, lỡ làng. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn Trơ cái hồng nhan với nước non Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây đá mấy hòn Tâm sự kín đáo của Xuân Hương dường như tuôn trải ra trong một không gian, thời gian dễ khiến con người mủi lòng và đơn độc. Những tiếng cười giòn giã trong thơ nữ sĩ giờ đây dường như nhường chỗ cho tâm trạng bùi ngùi, xót xa cho thân phận. Con người càng ý thức bản thân bao nhiêu thì lại càng rơi vào tình cảnh éo le, ngang trái bấy nhiêu. Thời gian vào đêm khuya thanh tĩnh còn khơi dậy nỗi nhớ, sự xúc động trong lòng người về nỗi buồn trong thực tại. Hay nói cách khác, đêm khuya là thời gian để con người hồi nhớ lại những kỉ niệm êm đềm giờ đã đi vào quá vãng. Vì vậy, thời gian ban đêm là sự dằng dặc, mênh mông trong hồi ức của con người, cụ thể là người chinh phụ và người cung nữ, khi chồng đang ở nơi biên ải và khi nhà vua đã không còn sủng ái nàng. Đêm đã trở thành người bạn để họ gửi trọn tâm tình, gửi trọn những suy tư không biết giãi bày cùng ai: Trong cung quế âm thầm chiếc bóng Đêm năm canh trông ngóng lần lần Khoảnh làm chi bấy chúa xuân 93 Chơi cho hoa rữa nhụy dần lại thôi (Cung oán ngâm khúc) Khi tiếp xúc với những tác phẩm có yếu tố tính dục, khoảng thời gian buổi đêm không chỉ giúp người đọc dễ nhận biết được chi tiết có trong tác phẩm, mà nó còn gia tăng cảm xúc cho nhân vật lẫn người thưởng thức. Đặt mình vào không gian, thời gian đó, người đọc sẽ cảm thụ được cảm xúc nồng nàn và đau đáu của nhân vật trong hạnh phúc và cả trong khổ đau. 3.4.2. Thời gian tâm lí Trong bất kì tác phẩm văn học nào, do được xây dựng bằng ngôn ngữ nghệ thuật nên thời gian trong tác phẩm dễ dàng biến đổi linh hoạt. Thời gian có thể trôi nhanh hay chậm, yên ả, đều đều hay thay đổi đột ngột, gấp gáp, đầy biến động. Thời gian có thể được trần thuật cùng chiều với thời gian tự nhiên, nhưng cũng có thể đi ngược từ hiện tại trở về quá khứ bằng hồi tưởng. Các lớp thời gian có khi đan bện, xoắn xít với nhau. Cũng có lúc giữa quá khứ và hiện tại, tương lai có mối liên hệ thời gian, cùng đồng hiện trong một thời điểm. Nói chung, có nhiều cách để biểu thị thời gian, đặc quyền của một tác phẩm văn học đó là tái hiện thời gian theo chủ ý của người sáng tác, để biểu thị những mục tiêu cụ thể nào đó. Tương tự như vậy, thời gian trong những sáng tác nhuốm màu tính dục là thứ thời gian tâm lí, nghĩa là nó chuyển động tùy thuộc trạng thái tâm hồn và cuộc sống đặc thù của nhân vật. Thời gian vào đêm có lẽ là thời gian lâu nhất, đằng đẵng nhất của người cung nữ. Buổi đêm được Nguyễn Gia Thiều lặp đi lặp lại cùng một hành động duy nhất là ngóng đợi, trông mong được đoái hoài Cảm xúc buồn bã, cay đắng cũng theo đó mà trải dài: “Đêm năm canh trông ngóng lần lần” “Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền” “Đêm năm canh lần nương vách quế” Lăng kính phản ảnh thời gian là lăng kính của một con người khát khao được hạnh phúc, vì vậy với họ, những chuỗi ngày đau khổ là những chuỗi ngày “thiên thu”. Như chàng Kim tương tư Kiều cũng cảm nhận “một ngày” tựa như “ba thu”. Hay 94 như người chinh phụ khi vắng bóng chồng cũng nhận thấy: “Khắc giờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa”. Tiểu kết: Viết về vấn đề tính dục hay thậm chí chỉ chêm xen một số yếu tố tính dục vào cũng đã là vấn đề khó với người cầm bút, nhất là đối với các tác giả thuộc văn học trung đại. Bởi lẽ văn học trung đại chịu ảnh hưởng bởi những quy tắc, luật lệ sáng tác nghiêm ngặt, hơn nữa đây là chuyện phòng the, viết làm sao để tránh rơi vào thô tục, là những vấn đề nan giải và dẫn đến một số hạn chế trong việc thể hiện vấn đề này sao cho trọn vẹn nhất. Thế nhưng, bằng tài năng và sự nhạy bén trong nghệ thuật cầm bút, các tác giả như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, đã thể hiện trên trang sách vấn đề này một cách thẩm mỹ khiến người đọc vô cùng đồng cảm lẫn khâm phục tài năng của họ. Các nhà thơ không chỉ là người dám cất lên tiếng thơ mới lạ góp phần xây dựng sự phong phú cho văn học mà qua đó còn cất lên tiếng lòng, tiếng nói cảm thông đầy nhân văn cho những con người nhỏ bé, chịu sự chèn ép trong xã hội cũ. 95 KẾT LUẬN Vấn đề tính dục trong khoa học nghiên cứu hiện nay không còn là một vấn đề mới mẻ, đã có nhiều công trình nghiên cứu từ rất lâu đời ở nước ngoài cũng như trong nước về vấn đề này. Thế nhưng, nghiên cứu một cách chính thức, chuyên nghiệp và có hệ thống về yếu tố tính dục trong văn học thế kỉ XVIII – XIX thì có lẽ chưa có một công trình nào như vậy. Chọn đề tài này, chúng tôi cũng vô cùng trăn trở khi thử mình ở một con đường mới. Thế nhưng cũng chính nhờ đó mà chúng tôi khám phá nhiều điều mới mẻ, những điều có giá trị cho công việc nghiên cứu và học tập sau này. Văn học trung đại trong tiềm thức của mỗi người là nền văn học mang tính quy phạm, mẫu mực từ nội dung đến hình thức sáng tác. Xuất hiện một tác phẩm có hơi hướng tình yêu trai gái vốn đã là sự thách thức đến khuôn mẫu chuẩn mực đó, huống hồ cả một giai đoạn, người ta thay nhau đề cao cái tôi, cái bên trong và tất cả những gì thuộc về cá nhân con người, tưởng chừng đã động đến nền tảng Nho gia và sẽ bị cấm đoán, “hành quyết”. Lạ lùng thay, đến tận bây giờ, người ta vẫn ca ngợi nó như một dấu son chói lọi, như một chìa khóa mở cửa cho con người đến vùng trời tự do trong một xã hội điêu tàn, nhiễu nhương, loạn lạc. Và khung trời ấy có những gì? Đó là những nhà thơ, nhà văn đi tìm lại cho con người quyền được sống thật với những khát khao bên trong mình, khao khát được yêu, được hòa quyện cả thể xác lẫn tâm hồn. Con người trong một vùng trời mới sẽ được thẳng thắn bày tỏ tiếng nói tính dục trong tận đáy sâu của lòng mình, được hát lên những khúc nhạc tình ân ái mà không sợ gièm pha, chế giễu. Con người ấy cũng sẽ được “hưởng lạc”, hưởng những thú vui trần tục, tự nhiên không cần che giấu dưới lớp áo đạo đức đã suy tàn của chế độ. Và hơn hết, người phụ nữ sẽ lại được tôn vinh, ngợi ca như những gì họ xứng đáng được nhận sau một thời gian dài bị khinh rẻ, xem thường. Người phụ nữ sẽ là biểu tượng hội tụ vẻ đẹp của nhân gian, vẻ đẹp sắc nước hương trời đến từ ngoại hình và tâm hồn, là biểu tượng của hạnh phúc, tuổi trẻ, tình yêu, của những gì đẹp nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho thế giới. Và khung trời ấy, không chỉ trong tưởng tượng mà đã được hiện thực hóa trong văn học thế kỉ XVIII – XIX một cách ồ ạt nhưng không yếu ớt, trái lại rất mạnh mẽ và kéo dài suốt hai thế kỉ cũng như đã khơi nguồn cho những thế kỉ tiếp theo, với sự lên ngôi của yếu tố tính dục trong văn học. Rõ ràng, khi mang đến 96 những nội dung có chứa yếu tố tính dục, các tác giả đã thành công trong việc truyền tải được những vấn đề tế nhị mà không bị thô kệch, quá đà, và đặc biệt hơn nữa, họ đã mang đến những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn: ca ngợi con người ở khía cạnh người nhất, đó là yếu tố bản năng và dục vọng. Đồng thời thông qua đó, họ còn gián tiếp phản kháng lại xã hội đương thời bằng những đòn quyết liệt để mang đến một xã hội mới tốt đẹp hơn, hoặc chí ít cũng giải phóng con người khỏi lễ nghĩa giáo điều cứng nhắc. Nội dung bao giờ cũng cần hài hòa với hình thức, nội dung mới mẻ, hiện đại cần một cái áo phong cách, ấn tượng. Xét cho cùng, yếu tố tính dục trong văn học trung đại là một chủ đề mới, tuy nó xuất hiện không nhiều nhưng các tác giả đều thể hiện nó trong một tâm thế nghiêm túc, có ý định rõ ràng, thậm chí Hồ Xuân Hương có cả một kho tác phẩm chứa yếu tố đó. Vậy thì các tác giả lại cần phải đặc biệt lưu tâm đến yếu tố nghệ thuật, làm sao để nó không vi phạm khuôn khổ của văn chương trung đại vì các nhà văn, nhà thơ hầu hết là trí thức phong kiến. Các phương tiện để triển khai nội dung này thường xuyên được sử dụng như: nghệ thuật khai thác đặc tính ngôn từ, các biện pháp ngữ nghĩa đặc trưng như điển tích điển cố, ước lệ, tượng trưng, các hình thức xây dựng không gian, thời gian, tất cả đã làm bật lên được vấn đề tính dục một cách khéo léo nhất. Như vậy, bằng nhãn quan của thời đại cùng tấm lòng hướng về cuộc sống, về xã hội, các tác giả trung đại đã không ngần ngại thay đổi, để giờ đây mỗi lần nhắc đến văn học thế kỉ XVIII – XIX, ta lại cảm thấy tự hào vì một giai đoạn văn học là minh chứng hùng hồn cho câu nói “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” (Leptonxtoi) 97 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Hoài Anh lược truyện và chú thích (19--?), Vô danh thị, Nữ tú tài, NXB Tân Phong. 2. Đào Duy Anh biên soạn; Hãn Mạn Tử hiệu đính (2010), Hán Việt Từ điển, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 3. Phạm Ngọc Ánh (2013), Luận văn Thạc sĩ Văn học Cảm hứng về tình yêu lứa đôi trong truyện thơ Nôm, PGS.TS Lê Thu Yến hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. 4. Nguyễn Thị Ngọc Châu (2010), Luận văn Thạc sĩ Văn học Vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh, PGS.TS Lê Thu Yến hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. 5. Phong Châu – Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, chú thích (2002), Phú Việt Nam cổ và kim, NXB Văn hóa – Thông tin. 6. Trương Văn Chi, Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích (2008), Thánh Tông di thảo – Việt Nam kỳ phùng sự lục – Điểu thám kỳ án, NXB Văn học. 7. Nguyễn Huệ Chi (1991), Mấy vấn đề đặt ra từ hội thảo khoa học về Nguyễn Gia Thiều và Cung oán ngâm khúc, Tạp chí văn học (số 3), tr56-60. 8. Trương Chính biên soạn và giới thiệu (1983), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, Hà Nội. 9. Đặng Trần Côn, Chinh phụ ngâm khúc, NXB Văn học, 2015. 10. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải (1986), NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội. 11. Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, Bản dịch của Trúc Khê (1988), NXB Văn nghệ, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM. 12. Nguyễn Thạch Giang – Lữ Huy Nguyên (1999), Từ ngữ điển cố văn học, NXB Văn học. 13. Nguyễn Thạch Giang (chủ biên) (2004), Tinh tuyển Văn học Việt Nam (tập 5 – quyển 1): Văn học thế kỷ XVIII, NXB Khoa học xã hội. 14. Nguyễn Thạch Giang (chủ biên) (2004), Tinh tuyển Văn học Việt Nam (tập 5 – quyển 2): Văn học thế kỷ XVIII, NXB Khoa học xã hội. 15. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. 98 16. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích (1984), NXB Văn nghệ, TPHCM. 17. Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 18. Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, biên dịch, giới thiệu (1984), Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 19. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2013), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. 20. Phan Huy Lê và những người khác (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III), NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. 21. Đoàn Ánh Loan (2000), Luận án Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố trong truyện thơ và ngâm khúc giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, PGS Nguyễn Lộc (hướng dẫn), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. 22. Nguyễn Lộc (1982), Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, Hà Nội. 23. Nguyễn Lộc (1992), Văn học Việt Nam: Nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX (tập 1), NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. 24. Nguyễn Lộc (chủ biên) (1993), Tổng tập Văn học Việt Nam (9A), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 25. Phương Lựu (chủ biên) (2002), Lí luận văn học, NXB Giáo dục. 26. Nguyễn Viết Ngoạn (2003), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn Vấn đề con người cá nhân và cá tính sáng tạo trong sáng tác văn chương Nguyễn Công Trứ, PGS Nguyễn Lộc & PGS.TS Huỳnh Như Phương hướng dẫn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. 27. Phan Ngọc (2007), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh niên. 28. Vương Trí Nhàn (2001), Những kiếp hoa dại: Tập chân dung và phiếm luận văn học, NXB Hội Nhà văn. 29. Bùi Ngọc Oánh (2006), Tâm lí học giới tính và giáo dục giới tính, NXB Giáo dục, Hà Nội. 30. Hoàng Phê (chủ biên) (2010), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội. 99 31. Hoài Phương tuyển chọn (2008), Truyện Kiều – Những lời bình, NXB Văn hóa – thông tin, Hà Nội. 32. Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) (2007), Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục. 33. Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Giáo dục. 34. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 35. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 36. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục. 37. Trần Nho Thìn giới thiệu và tuyển chọn (2007), Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục. 38. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục. 39. Đàm Anh Thư (2013), Hành trình tìm kiếm “nhân sinh chi khoái lạc” và sự trỗi dậy của khát vọng sống trong phú Nôm thời trung đại, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1, tr.74-84 40. Nguyễn Trác, Nguyễn Đăng Châu (1959), Cung oán ngâm khúc khảo đính và giới thiệu, NXB Văn hóa, Hà Nội. 41. Nguyễn Tuân, Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập III, NXB Văn học, 1994. 42. Đông Vân (Sưu tầm và biên soạn) (2005), Kho tàng báu truyền câu đố dân gian, NXB Văn hóa dân tộc. 43. Lê Trí Viễn – Phan Côn – Đặng Thanh Lê – Phạm Văn Luận – Lê Hoài Nam (1978), Lịch sử văn học Việt Nam (tập III), NXB Giáo dục. 44. Lê Trí Viễn (chủ biên) (1987), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, Sở Giáo dục Nghĩa Bình. 45. Lê Trí Viễn [và những người khác] (1962), Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục. 46. Bùi Văn Vượng (chủ biên) (2000), Kho tàng Truyện Nôm khuyết danh (tập 1), NXB Văn học. 47. Bùi Văn Vượng (chủ biên) (2000), Kho tàng Truyện Nôm khuyết danh (tập 2), NXB Văn học. 100 48. Ô Tum Mătthê Xôm, Truyện Tum Tiêu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987. 49. Lê Thu Yến (chủ biên) (2003), Văn học Việt Nam – Văn học trung đại – Những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục. 50. Lê Thu Yến (1998), Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. TÀI LIỆU NƯỚC NGOÀI 51. Bryon Strong (ET AL), Human Sexuality, Diversity in Contemporary America, McGraw-Hill Higher Education, Boston, 2005. TÀI LIỆU TRÊN INTERNET 1. Sex trong Truyện Kiều – Trần Đình Sử: https://trandinhsu.wordpress.com/2016/01/10/sex-trong-truyen-kieu/ 2. Phụ nữ và tình dục trong Ngàn lẻ một đêm – Lê Thị Ngọc Điệp tay-nam-a/2719-le-thi-ngoc-diep-phu-nu-va-tinh-duc-trong-ngan-le-mot- dem.html 3. Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – Trần Đình Sử https://trandinhsu.wordpress.com/2013/10/10/con-nguoi-ca-nhan-trong-van- hoc-viet-nam-the-ki-xviii/ 101

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfyeu_to_tinh_duc_trong_van_hoc_viet_nam_the_ki_xviii_xix_322.pdf