Kiểu nhân vật cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

MỤC LỤC MỞ ĐẦU 2 1. Lý do chọn đề tài 2 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 4 4. Phương pháp nghiên cứu 5 5. Đóng góp của đề tài 5 6. Cấu trúc bài báo cáo khoa học 5 NỘI DUNG 7 PHẦN 1: NGUYỄN NGỌC TƯ VÀ QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI, NGHỆ THUẬT. 8 1.1 Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. 7 1.2 Nguyễn Ngọc Tư và quan niệm về con người, nghệ thuật. 9 PHẦN 2: KIỂU NHÂN VẬT CÔ ĐƠN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ 12 2.1 Cô đơn của người nghệ sĩ trên hành trình đi tìm cái đẹp 14 2.2 Cô đơn của con người giữa “biển người mênh mông” 19 PHẦN 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT. 27 3.1 Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật 27 3.2 Ngôn ngữ và giọng điệu 34 3.3. Miêu tả nhân vật gắn với các biểu tượng 38 KẾT LUẬN 40 DANH MỤC SÁCH THAM KHẢO 42

doc43 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6693 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Kiểu nhân vật cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mình lại cô đơn đến rã rời…” chính vì vậy, hơn ai hết cô hiểu được nỗi cô đơn, hiểu được sự nhạy cảm và tha thiết với cái Đẹp của người nghệ sĩ. Đọc Cuối mùa nhan sắc, Bởi thương yêu hay Làm má đâu có dễ…chúng ta thấy được trong tâm hồn những người nghệ sĩ ấy là sự hết mình vì nghệ thuật. Có một nét khá đặc biệt mà có lẽ trong các nghiên cứu trước đây về nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư mà cụ thể hơn nữa là nhân vật cô đơn dường như vẫn chưa có ai nói đến đó chính là nghề ca hát của người nghệ sĩ. Tại sao Nguyễn Ngọc Tư lại không chọn hình ảnh người nghệ sĩ trong một nghiệp khác mà lại là nghiệp ca hát? Cả Đào Hồng, ông Chín Vũ, Diệu, San…tất cả họ đều là những con người đi theo nghề ca hát, là làm kép…mang tiếng hát của mình để cống hiến cho khán giả bằng những màn diễn hay nhất. Muốn hiểu được điều này chúng ta cần phải tìm hiểu hai lí do. Thứ nhất, như chúng ta đã biết, nghệ thuật diễn xướng ca hát như chèo, tuồng, cải lương…là những loại hình nghệ thuật rất phổ biến và phát triển ở vùng Nam Bộ, đây là một nét đặc trưng mà chúng ta có thể nhận thấy rõ. Trong Cuối mùa nhan sắc có một chi tiết đã cho chúng ta thấy được điều này đó là : “ Bữa cúng đình, ông ( Chín Vũ) mời gánh hát Sài Gòn về hát chơi”. Rõ ràng nghệ thuật hát xướng là một món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Do đó, viết về ngành nghệ thuật này Nguyễn Ngọc Tư đồng thời một lần nữa thể hiện được chất Nam Bộ trong sáng tác của mình. Thứ hai, chúng ta phải chú ý đến tính chất của loại hình nghệ thuật diễn xướng này, những người nghệ sĩ họ ca hát, họ diễn những trích đoạn, những câu chuyện đã có kịch bản trước nhưng cái họ thể hiện được chính là sự nhập vai. Với tính chất của nghề nghiệp đã cho phép họ được thể hiện những cảm xúc của nhân vật một cách tự do, thoải mái. Cái tâm trạng của nhân vật nhiều khi được biểu đạt một cách chính xác đến tuyệt đối cũng chính là vì diễn viên mang cùng tâm trạng với nhân vật. Cuộc sống trong hiện tại của họ với cuộc sống nghệ thuật trong những vở diến nhiều khi lại không hề giống nhau, có lúc còn đối lập. Cuộc sống hiện thực của họ là những vất vả lo toan, là sự thiếu thốn về vật chất, là những mảnh vá trong tâm hồn…còn trên sân khấu nhiều khi họ được sắm những vai quyền cao chức trọng…Nguyễn Ngọc Tư đã đi sâu vào tâm trạng của người nghệ sĩ ca xướng, đối lập họ giữa cuộc đời trên sân khấu với cuộc đời thực của mình để làm nổi bật nỗi cô đơn, sự lạc lõng trong cuộc đời của họ. Cái Đẹp từ bao đời nay vẫn là đích hướng tới của người nghệ sĩ, chính vì thế đi tìm cái Đẹp là thử thách đặt ra cho mỗi người. Nhiều khi vì cái Đẹp mà người đời không thể lý giải được tại sao một chàng công tử Bạc Liêu- Ông Chín Vũ ( Cuối mùa nhan sắc) nhà giàu có khét tiếng lại từ bỏ “một cuộc sống no đủ, giàu sang mà không phải làm gì, cả nhà chiều chuộng” để bỏ nhà ra đi theo một gánh hát “ lụi hụi kéo màn, dựng cảnh, ăn cơm quán, ngủ sàn diễn”, hay một người mẹ đáng phải lên án như đào Hồng ( Cuối mùa nhan sắc) “vì mê hát…mà gửi con cho người ta, đến nước nó không thèm nhìn mình nữa” , như Diệu ( Làm má đâu có dễ ) xa lìa đứa con vẫn còn đỏ hỏn để diễn vai diễn mà mình đã chờ đợi từ lâu, lại có người không lấy chồng cho thỏa hiệp… Ở họ chúng ta nhận thấy một niềm khao khát được cống hiến, được gửi trọn cuộc đời của mình cho nghệ thuật. Ở họ chúng ta thấy khâm phục bởi những con người đi gần hết cuộc đời mà vẫn nhiệt tình mong muốn được cống hiến cho khán giả : “ Đào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lẫy roi sãy ngựa coi lạ hết biết…” hay đào Hồng ngay cả khi ốm nặng vẫn muốn hát, hát đến lịm tiếng đi. Nhiệt tình, khao khát thế nhưng chính họ lại bị rơi vào bi kịch của mình, đi tìm cái Đẹp nhiều khi họ đánh mất cuộc sống vốn tốt đẹp từ trước của mình, họ bỏ nhà, trở thành người đơn độc trên chính con đường mình chọn. “ Họ đem cái Đẹp đến giữa cõi đời dung tục, đặt sự mơ mộng giữa những toan tính lạnh lùng, muốn cho cuộc đời đầy tiếng hát và cuộc sống thì như trên sân khấu.”. Và họ thất bại, nhưng những nỗi niềm của họ thì không thể san sẻ cùng ai và vì thế họ rơi vào cảm giác cô đơn. Chúng ta đọc nỗi cô đơn của họ qua cảnh ngộ của từng con người. Vì muốn trở thành một người nghệ sĩ chân chính, muốn nổi danh bằng chính sự nghiệp của mình mà Diệu trong Làm má đâu có dễ đã sẵn sàng xa lìa đứa con vẫn còn đỏ hỏn của mình để mong đạt được đến đỉnh cao của nghệ thuật. Bởi vai Trưng Trắc mà chị đã mong đợi từ lâu, bởi chỉ khi được đóng những vai như vậy chị mới mau nổi tiếng : “ Đặt con xuống giường chị thấy cái miệng nhỏ xíu của nó mút mút. Rồi từ đó chị không dám nhìn thêm một lần nào nữa, sợ mãi mãi mình không thể nhấc chân đi. Mà chị thì không thể từ bỏ ước mơ của mình trở thành cô đào hát nổi tiếng. Làm sao có thể từ chối vai diễn đã chờ đợi nàng Trưng Trắc oai hùng trong tiếng trống Mê Linh”…Cũng vì yêu nghề, dâng trọn đời mình cho gánh hát cải lương nên San trong Bởi yêu thương dù rất thích hát cải lương, rất muốn trở thành người nghệ sĩ hát cải lương nhưng cô lại không dám đi hát. Không dám đi hát không phải vì không biết hát mà chỉ vì một lí do đơn giản nhưng lại hệ trọng đối với cô, vì cô đã từng làm tiếp viên ở quán bia, cô không muốn sau này mình mà nổi tiếng có người nhận ra mình trước đây đã từng làm ở quán bia thì có phải mình đã làm hoen ố đến nền nghệ thuật nước nhà. Không phải là người yêu nghệ thuật một cách chân chính, không phải là người biết tôn trọng nghệ thuật thì làm sao San lại có những suy nghĩ, lại sợ làm người ta “mất cảm tình với cải lương” như thế? Những người nghệ sĩ, họ không chỉ cô đơn trong bi kịch của cuộc đời về sự mơ tưởng đồng nhất cuộc sống nghệ thuật với cuộc sống thực mà họ còn là những người nghệ sĩ cô đơn trong tình duyên, những mối tình dang dở không trọn vẹn, những mối tình đơn phương thầm lặng… Đào Hồng vì say mê nghiệp ca hát mà bỏ nhà ra đi, cô quen và yêu Thường Khanh cũng ở ngay chính gánh hát này, hai người có với nhau một đứa con, rồi khi Thường Khanh bị bắt, đào Hồng ôm con bỏ trốn…bao nhiêu năm cách biệt mà đào Hồng vẫn không thể quên được hình bóng của người đàn ông ấy, người đàn ông đã bỏ rơi người tình và đứa con đẻ của mình mà không hay biết. Ông Chín Vũ có quan tâm đến mấy thì đào Hồng vẫn không thể đáp lại. Ngay cả khi đã già, bà vẫn giữ mãi chiếc gương cũ đã mờ mà ngày xưa Thường Khanh mua tặng mình: “ Anh tài khôn làm gì, tui đâu có cần gương mới…Mờ mờ tui mới thích…”. Suốt nửa đời người bà vẫn dành trọn tình cảm của mình cho người tình cũ, mặc dù nhà văn không viết về nỗi nhớ của bà với Thường Khanh nhưng người đọc vẫn nhận ra điều đó, nhận ra cả sự cô đơn trống vắng của bà. Cho đến khi gặp lại người tình năm xưa bà lại giấu cảm xúc thật của mình đằng sau những câu nói lạnh nhạt, đầy khách sáo, xa lạ. Càng thể hiện mình mạnh mẽ, càng giả mình sống tốt bao nhiêu thì bà càng chứng tỏ sự cô đơn, yếu bóng và nhỏ nhoi của mình bấy nhiêu…Đào Hồng bây giờ đã tàn tạ, đã héo hon đi nhiều so với trước, bà đã không còn là cô đào Hồng đẹp đến nỗi làm “đứng tim người ta” nữa rồi. Dường như trong nhân vật này chúng ta thấy được cả sự tiếc nuối cho mình vì một thời con gái , bây giờ nhan sắc đã tàn phải theo năm tháng, theo những gió sương, vất vả của cuộc đời… Nguyễn Ngọc Tư còn xoáy sâu vào sự cô đơn của người nghệ sĩ trong tình yêu đơn phương ở nhân vật ông Chín Vũ. Cũng chính vì cái vẻ đẹp làm đứng tim người ta mà ông đã thương đào Hồng ngay từ phút giây đầu tiên gặp mặt để rồi sau đó ông quyết định bỏ nhà theo gánh hát. Chàng công tử Bạc Liêu ấy nặng tình với đào Hồng ngay cả khi cô có con với người đàn ông khác, đặc biệt là người con trai ấy dám đứng ra nhận đứa con mà người con gái mà mình thương yêu có với một người đàn ông khác làm con mình để bảo toàn danh dự cho người kia và cũng chỉ để làm đào Hồng không phải lo lắng, không phải suy nghĩ nhiều. Thất lạc vì mười ngày bị giam mà cho đến nửa đời người ông mới tìm được đào Hồng, trong suốt thời gian ấy ông làm việc, nghe ngóng thông tin để mong gặp lại người xưa, được cùng người đó chia sẻ những vất vả lo toan của cuộc sống. Cho đến khi gặp lại rồi…ông Chín Vũ vẫn là người quan tâm đến đào Hồng nhiều nhất, ông tỏ ra là người rất tâm lý : mua son, mua gương cho đào Hồng…Thế nhưng, những gì ông nhận lại vẫn là sự đơn độc…ông hết mình cho tình yêu nhưng lại chẳng nhận lại gì cho mình. Cái kết…ông vẫn sống một mình…một mình trong sự cô đơn… Nhìn chung có thể thấy hình ảnh những người nghệ sĩ trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đều là những người có số phận buồn. Để tìm đến với cái Đẹp, cống hiến hết mình cho nghệ thuật mà họ đã ra đi, để lại sau lưng mình gia đình, người thân. Họ từ bỏ cuộc sống no đủ, sung túc để đến với cuộc sống vất vả, thiếu thốn, phiêu bạt cũng vì cái Đẹp, vì lí tưởng của bản thân. Người đi bán vé số, người gánh chè đi bán, người nằm liệt trên giường nhưng không có tiền để mua thuốc uống…thế nhưng họ vẫn tồn tại, tồn tại vì còn tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình, tiếp tục ngay cả khi cái chết cận kề…Người đọc xót xa bao nhiêu khi người mẹ có con mà không được làm mẹ, đứa con rứt ruột đẻ ra giờ đây gọi mình bằng chị…người có con thì không được hoặc không thể làm tròn bổn phận của người cha, người mẹ...để rồi có những lúc nào đó trong cuộc đời họ nghĩ lại và càng cảm thấy cô đơn hơn nữa. Cô đơn vì đơn độc, cô đơn vì những nỗi buồn của bản thân, sống bên cạnh người mình yêu mà không được yêu, nhớ người tình cũ, lúc gặp mặt mà không thể bày tỏ tình cảm…Nhưng tất cả…họ đều chấp nhận…chỉ với một lý do rất đơn giản…tất cả là cho nghệ thuật, cả đời gắn bó với nghệ thuật dù có phải hi sinh bất cứ thứ gì… “ Tôi đã nguyện với Tổ cả đời theo nghiệp hát…”. Trong nỗi buồn, nỗi cô đơn của những người nghệ sĩ trên hành trình đi tìm cái Đẹp ấy, ẩn giấu đằng sau mỗi số phận là niềm cảm thông, xót xa của nhà văn! 2.2 Cô đơn của con người giữa “biển người mênh mông” Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng ta không chỉ thấy được nỗi cô đơn của người nghệ sĩ trên hành trình kiếm tìm cái Đẹp mà chúng ta còn thấy có cả nỗi cô đơn của những con người nông dân bình thường, họ là những con người cô đơn giữa “ biển người mênh mông”. Con người sống trên đời có sự dung hợp, tổng hòa của các mối quan hệ, với con người và với cả đất trời. Và khi họ bị tách ra khỏi một trong những mối quan hệ ấy, họ sẽ mang trong mình cái cảm giác cô đơn. Cô đơn vì sống giữa mọi người mà chỉ thấy có một mình, cô đơn vì những bi kịch của cuộc đời, cô đơn còn vì sự khao khát được hòa nhập, được có một cuộc sống bình thường nhưng không thành. Viết về nỗi cô đơn của con người trong đời sống hiện đại Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện một cách tinh tế và nhạy bén trong những trang văn của mình. “ Là phụ nữ dễ nuôi cô đơn để viết” phải chăng vì thế mà đọc những trang văn của cô người đọc luôn bị ám ảnh bởi sự cô đơn của những con người sống giữa mọi người mà vẫn thấy cô độc. “ …Hình như…trong mắt ông già nầy có nước, mầy ơi!?” có lẽ đây là câu nói đọng lại đầu tiên trong tâm trí đọc giả khi đọc Cái nhìn khắc khoải; câu chuyện khiến chúng ta phải theo dõi đến tận trang cuối cùng để khám phá bức ảnh chân dung ấy, chân dung về một người đàn ông cô đơn trong sự chảy trôi của cuộc đời. Ông già sống bằng nghề nuôi vịt rong ruổi qua các cánh đồng. Một mình với lũ vịt…đến nỗi ông trở nên hiểu được cả tiếng loài vật, hiểu được những phản ứng, những cảm xúc, suy nghĩ của con Cộc. Vợ chết, con trai đi làm xa, cả cuộc đời ông gắn liền với lũ vịt, với những cánh đồng mênh mông, với gió và nước, cô đơn…lấy vịt làm bầu bạn, trò chuyện cho qua ngày tháng. Chúng ta thấy hiện lên cả một “ gia đình cô đơn” trong Cánh đồng bất tận, cũng với không gian sông nước ấy, cũng với đàn vịt và cánh đồng mênh mông ấy, ba con người ngày ngày gặm nhấm cuộc sống trong những nỗi cô đơn. Người cha trong bi kịch bị vợ phản bội đã làm sống dậy trong lòng mình cái cảm giác thù hận và quyết tâm đi trả thù phụ nữ bằng những lần ân ái rồi cuối cùng là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn khi bỏ rơi lại tất cả họ trong sự hụt hẫng và đáng thương. Còn Nương và Điền hai đứa trẻ phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm từ khi mẹ bỏ mình theo người đàn ông khác. Cũng từ đây, cả hai phải xa dời cuộc sống thôn xóm để theo cha lênh đênh trên những cánh đồng bất tận. Cũng từ đấy, hai chị em cảm nhận được sự đổi thay lớn lao ở cha mình, ông trở nên lạnh lùng, khô cằn, dửng dưng và làm mọi chuyện theo bản năng…Cái cô đơn của Nương và Điền còn là nỗi cô đơn của hai đứa trẻ phải sớm dời xa cái tuổi thơ mà lẽ ra chúng phải được tận hưởng. Thiếu vắng tình thương của mẹ, sống trong sự lạnh lùng của cha, hai đứa trẻ dẫu có trở nên lạnh nhạt với những con người khác thì ở chúng người đọc vẫn thấy được hai tâm hồn trẻ thơ trong sáng. Đôi khi cái thèm muốn, ao ước được sống trong tình yêu thương đến với Điền khi chợt nhớ tới mẹ qua những hành động của chị, hay nhìn những ông già trong những xóm mà mình đã đi qua, rồi những cảnh gia đình họ sum vầy, Điền thèm có mẹ, có ông nội. Với Nương vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của người mẹ mà cô chưa tự ý thức được một cách đầy đủ về đời sống sinh lý của mình. Cuộc sống cô đơn, buồn chán đi ngược lại với những gì mà những đứa trẻ khác ở lứa tuổi của Nương, của Điền có được. Nương nhớ và thèm muốn được đi học, với cha cô luôn mong ông kết thúc cuộc sống du mục bằng một tình yêu thực sự với một người đàn bà nào đó.; điều này cũng có nghĩa Nương ao ước một cuộc sống ổn định, một cuộc sống yên bình với cha, với em trai và với mẹ cho dù đó không phải là người đã sinh thành ra mình. Một cuộc sống bên những người hàng xóm thân tình, đươc vui chơi với bạn bè, được đi học như bao đứa trẻ khác. Cái mong muốn, cái khát khao ấy đơn giản biết chừng nào, vậy mà…nó vẫn không bao giờ trở thành hiện thực. Xót xa biết bao nhiêu khi trong cuộc sống đồng mục mà chúng phải trải qua ấy, cũng như ông già trong Cái nhìn khắc khoải hai đứa trẻ sống trong sự cô đơn, buồn chán đến nỗi chỉ biết làm bầu bạn với lũ vịt “ Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi – người). Chị em tôi học cách yêu thương đàn vịt ( hy vọng không bị đau như yêu thương một con người nào đó)”. Truyện Cánh đồng bất tận không chỉ đơn giản nói về cuộc sống của gia đình Nương mà truyện còn đề cập đến một vấn đề khác nữa đó là việc lên án sự thiếu trách nhiệm, quan tâm của những bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái của mình. Người lớn có quyền làm những gì mình thích thì tại sao trẻ con lại không? Người lớn chỉ biết làm cho nhau đau khổ để rồi kẻ hứng chịu cái tàn dư nặng nề của nó lại là những tâm hồn bé nhỏ ngây thơ…Nếu không phải vì mẹ ham cuộc sống sung sướng, được chiều chuộng; vì cha hận mẹ rồi trở nên câm lặng trong tình người, khô cằn, dửng dưng thì những đứa trẻ liệu có phải trải qua cuộc sống như vậy không? Liệu Điền có phải bỏ đi, đi tìm người phụ nữ tên Sương? Liệu Nương có lặp lại cái bi kịch trong cuộc đời mà chính cha mình đã làm với những người đàn bà khác để rồi chỉ biết câm lặng và chịu đựng? Rõ ràng tác phẩm còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho một số thế hệ gia đình Việt Nam hiện đại ngày nay khi mà các bậc phụ huynh chỉ biết làm giàu cho cuộc sống mà quên đi cảm giác của con cái mình. Đến với Gió lẻ và Khói trời lộng lẫy, lại một lần nữa bạn đọc được thấy sự cô đơn, thiếu vắng tình thương của những em bé vì bi kịch của gia đình mà nguồn gốc sâu xa cũng vì sự vô trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ. Những đứa trẻ là hình ảnh nổi bật và ám ảnh của Gió lẻ, những thân phận lạc loài, khổ đau khiến người đọc không khỏi xót xa, chạnh lòng. Khi vì nhìn thấy cảnh cha giết mẹ mà đứa bé bỏ nhà ra đi, rồi dần dần sống trong câm lặng, đứa bé dần lãng quên mất tiếng người… Ấu thơ tươi đẹp là hình ảnh của những đứa trẻ sống trong sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm của cảnh cha mẹ chia ly. Cậu bé trong truyện đã nói một câu như nhát dao đâm vào tim những bậc làm cha, làm mẹ: “Cha để lạc thì con mới lạc” và cuối cùng cậu bé đi lạc thật, đó là một lựa chọn. Người lớn, họ đã để lạc cậu từ lâu nhưng họ nào biết, họ không muốn biết hay là không dám biết? Họ quên mất cái nền tảng, cái giá trị của truyền thống gia đình, mái ấm gia đình mà chạy theo những cảm xúc của riêng mình và vô tình làm tổn thương đến những đứa trẻ. Ích kỷ là bản chất của con người nhưng đừng gieo thói xấu đó vào lòng trẻ nhỏ. Khói trời lộng lẫy có độ dài hơn 16.000 chữ. Đây là tác phẩm miên man đan xen giữa ký ức, thực tại và ước mơ của một cô gái đã mang đứa em trai nhỏ của mình bỏ trốn cuộc sống phố thị đến sống tại một xóm nghèo trên chiếc Cồn hoang vắng của sóng nước miền Tây. Trên xóm Cồn heo hút này, trong mắt mọi người, hai chị em bị lầm tưởng là hai mẹ con đang dắt díu, tha phương tìm đất sống. Giữa thiên nhiên hoang sơ, giữa những người có tâm sự u uẩn như: Ông Sáu già nung nấu nỗi căm hờn giết chết tình địch làm tan nát hạnh phúc gia đình mình, chị Thắm lỡ thì, anh chàng Thơ bị khùng... cậu bé trai tên Phiên lớn lên từng ngày trong sự cô đơn khi bị người chị, mà cậu gọi là mẹ, tước đoạt hồi ức về tuổi thơ. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc không chỉ thấy có những người nghệ sĩ cô đơn trong tình yêu mà đó cũng là bi kịch của những con người bình thường khác trong biển đời mênh mông. Đó là anh Hết vì nhà nghèo mà duyên tình không trọn vẹn với chị Hoài; từ sau lần mẹ chị Hoài đến gặp anh, anh Hết thay đổi hẳn, anh trở nên ham mê cờ tướng đến nỗi dân làng bảo chị Hoài lấy chồng cũng vì anh Hết mơ đánh cờ. Nhưng có ai hay, trong lòng anh vẫn nặng tình với chị “ Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về…”. Ngay cả khi gặp lại, thấy chị Hoài tàn tạ đi nhiều anh Hết vẫn quan tâm, hỏi han “ Hoài ơi, em hạnh phúc tôi mừng. Hoài cứ như vầy, chắc tôi bỏ xứ…”. Người yêu đi lấy chồng, anh ngày ngày sống với cha già trong nỗi cô đơn, lúc nào cũng nhớ mong người tình cũ. Hiu hiu gió bấc còn nói đến nỗi cô đơn của chị Hảo, một người sống trong sự chờ đợi, cô đơn. Chị thương anh Hết nhưng không nói ra bởi chị biết anh vẫn còn thương chị Hoài. Chị Hảo buồn, buồn cho nỗi cô đơn của anh Hết và cho cả chính mình “ Chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông…”. Đó còn là nỗi cô đơn của Bế, của người đàn ông bán thớt trong Có con thuyền đã buông bờ. Một người sống vất vả, cô đơn cùng đứa con gái nhỏ còn một người không lấy chồng…cũng trong nỗi cô đơn. Hay như Huệ trong Huệ lấy chồng lại giấu nỗi cô đơn của mình trong vẻ mặt vô tư; nhớ thương, mong muốn gặp người yêu cũ trước lúc về nhà chồng chỉ để nói rằng : “..hết thương Thi rồi,…quên anh, quên thiệt…”. Mối tình năm cũ đưa chúng ta trở về câu chuyện hiện tại trong quá khứ của dì Thấm, ông Mười – chồng dì và Năm Thọ - người tình xưa của Dì Thấm giờ đây đã nằm xuống vì bom đạn chiến tranh. Ông Mười vì thương vợ, không muốn vợ phải buồn vì mỗi khi nhắc đến quá khứ nên ông đã đốt hết những lá thư Năm Thọ gửi cho dì. Người ngoài bảo ông khó tính, ngang ngược nhưng không ai hiểu được tất cả những gì ông làm là đều vì tình yêu thương vợ mình. Cái cô đơn trong tình yêu nhiều khi là thế, nhìn người mình yêu thương phải buồn là lòng mình cũng buồn theo, rồi cảm giác cô đơn lại ập đến…Tứ Phương, Út Nhỏ trong Nhà cổ là hai tâm hồn cô đơn như thế…Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ dành nhiều trang viết về trẻ em mà cũng có không ít phần văn bản viết về người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ cô đơn trong tình yêu. Đó là Sương, là người đàn bà ở xóm Bàu Sen, là tất cả những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời của cha Nương trong Cánh đồng bất tận. Ở họ ta luôn thấy được những tâm hồn khao khát yêu thương, họ bất chấp tất cả, hi sinh cả bản thân mình có khi cả tình nghĩa vợ chồn, tình mẫu tử… “ Có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng, con. Có người vừa phũ phàng chia xong gia sản, có cô gái sắp về nhà chồng…” nhưng tất cả, cuối cùng đều bị bỏ rơi…. Mỗi một nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại mang một nỗi buồn, nỗi cô đơn khác nhau. Vĩnh trong Sầu trên đỉnh Puvan cô độc trên đỉnh cao và cô đơn vì chẳng có lấy nổi một mảnh tình ấm áp và khi anh lia bước chân cuối cùng cũng là lúc vực sâu đang chờ đón. Tình người là gì? Là mối quan hệ trao đổi tiền bạc rạch ròi? Tình yêu là gì? Là tiếng kêu thảng thốt từ cõi lòng của một ông cụ ngót 70 không thể đáp lại mối tình của cô gái 20? Một mối tình chưa thành hình đã vội xóa đi trong Của ngày đã mất. Có khi nhà văn lại đặt các nhân vật cô đơn bên cạnh nhau. Đó là nỗi cô đơn của cả tập thể con người ở cù lao Mút Cà Tha trong Thương quá rau răm luôn thèm khát những người cán bộ y tế đem sự sống về cho cả vùng. Nhưng sự mong đợi của họ cũng dần trở nên vô vọng khi tất cả nhân viên y tế về đây dù được tiếp đón nồng hậu nhưng cuối cùng họ vẫn ra đi, ra đi vì sự thiếu thốn, sự xa xôi, cách biệt của vùng này với thành phố và…vì buồn. Cải ơi là cả một xóm dài những cái bóng cô đơn. Đó là ông Năm Nhỏ cô đơn trong cả quãng đời đi tìm cô con gái bỏ nhà ra đi vì sợ bị ăn đòn vì tội làm mất trâu, đó là Thàn, chàng thanh niên sống cùng với ông trong cái xóm xa xôi, là Diễm Sương, một cô gái bị bỏ rơi từ nhỏ, phải làm điếm để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ở họ chúng ta thấy được nỗi cô đơn của một người cha trong suốt hơn mười năm, ông làm trong gánh hát để mong trước những giờ diễn được mượn cái micro nói vài câu “ Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con”, cũng vì muốn lên tivi để mong cho con nhìn thấy mình mà ông còn nghĩ ra cả chuyện trộm trâu để được lên truyền hình. Chàng trai Thàn trẻ tuổi vì chán ghét cảnh sống nhàm chán ở quê mà bỏ nhà ra đi để rồi cuối cùng giữa biển người mênh mông không biết đi đâu về đâu Thàn thấy mình cô đơn trong nỗi nhớ quê hương. Khát khao được trở về với gia đình, được sống cuộc sống yên ấm như ngày nào. Còn Diễm Sương, đứa trẻ bị bỏ rơi hai mươi mấy năm vẫn sống trong sự cô đơn, vắng bóng, trong cả nỗi oán hận những người đã sinh thành ra mình mà không cho mình tình thương…Nguyễn Ngọc Tư đã để cho cả ba nhân vật cô đơn gặp nhau, sống cạnh nhau; cái bi kịch của họ vì thế mà càng tăng lên để rồi cuối cùng cả ba vẫn sống trong sự đợi chờ khắc khoải, trong những nỗi cô đơn và niềm khao khát… Rõ ràng đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc luôn thấy một nỗi buồn, một nỗi cô đơn bao phủ. Các nhân vật của cô, cho đến cuối đời mình vẫn sống trong nỗi cô đơn ấy. Có người đợi chờ một cuộc sống mới trong ho vọng không bao giờ lụi tắt “ Ngã ba Sương nhiều đêm thổn thức trong tiếng Cải ơi!!!...”, có người lại dừng lại, tam biệt cuộc đời, tạm biệt nỗi cô đơn bằng cái chết…Có thể thấy “…Cô đơn luôn là một nỗi đau, là bi kịch tinh thần lớn nhất của con người. Nhưng đọc Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta cảm thấy rõ niềm cô đơn mà không thấy sự bi quan tuyệt vọng. Nhân vật của chị tự ý thức về sự cô đơn. Họ chấp nhận bởi họ tìm thấy trong nỗi đau ấy một lẽ sống. Và, từ trong nỗi đau ấy, họ vươn lên, làm người. Cô đơn trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư là động lực của cái Đẹp, cái Thiện.” PHẦN 3 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT Một tác phẩm được coi là thành công là một tác phẩm không chỉ có một nội dung sâu sắc, để lại dư vị khó phai trong lòng đọc giả mà đó còn phải là một tác phẩm thể hiện được tài năng nghệ thuật của nhà văn. Trong đó nghệ thuật xây dựng nhân vật là một yếu tố không thể thiếu bởi “… đấy là điều chủ yếu…” làm nên một nhà văn. Miêu tả con người, đó chính là công việc chủ yếu trong nhiệm vụ xây dựng nhân vật của nhà văn. Do vậy có thể nói, cũng giống như bao nhà văn khác, Nguyễn Ngọc Tư khi xây dựng nhân vật của mình cũng chính là cô đi miêu tả họ qua các đặc điểm về ngoại hình, tính cách, tâm lý…Nhưng cũng ở cô người đọc thấy được nét đặc sắc riêng ở chất Nam Bộ đặc quánh thể hiện qua ngôn ngữ, giọng điệu và đặc biệt là qua các biểu tượng nghệ thuật. 3.1 Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật Nhân vật là trung tâm, là linh hồn của tác phẩm, do đó xây dựng nhân vật nhà văn phải làm nổi bật được tâm lý của mỗi con người. Điều đó trước hết được thể hiện ở nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật. Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không quá đi sâu vào miêu tả ngoại hình nhân vật nhưng khi đã có những chi tiết miêu tả thì những sự phác họa ngoại hình ấy lại cực kỳ ấn tượng và để lại dư âm khó phải trong lòng độc giả như một sự ám ảnh. Đó là “ khuôn mặt teo héo sạm đen dưới những sợi tóc ngả màu trắng xóa, một thân hình gầy guộc, lưng đã chớm còng…” của một người cha lặn lội, vất vả ngược xuôi để tìm đứa con gái trong suốt hơn mười năm qua ( Cải ơi) hay là cái “ gầy nhom, lem luốc, hai xương vai bén ngót, nhô cao lên, môi nẻ ra, bong những cái vảy nhỏ…” của đứa bé lên chín trong Sầu trên đỉnh Puvan…Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc còn thấy sự xuất hiện nhiều của hình ảnh đôi mắt và kèm theo đó là những giọt nước mắt. Có lẽ vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nên qua hình ảnh ấy nhà văn đã cho người đọc thấy được cả một trời tâm trạng của nhân vật. “ Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu, nhoèn nhoẹt…” những giọt nước mắt xót xa hay đong đầy cả sự hối hận, bất lực của người cha khi phải chứng kiến cảnh đứa con gái của mình bị cưỡng bức mà không thể làm gì ( Cánh đồng bất tận), đó là những giọt nước mắt tưởng chừng như đọng lại vĩnh viễn không thoát ra được khỏi cái màng mắt trong cái nhìn khắc khoải của một ông già ( Cái nhìn khắc khoải), “ Có, một màn nước mỏng, trong văn vắt, rân rấn tràn từ khóe mắt, chỗ đó, hơi gợn đỏ…”. Bên cạnh nghệ thuật miêu tả ngoại hình, để làm nổi bật lên hình tượng nhân vật của mình, Nguyễn Ngọc Tư còn rất thành công trong việc tạo các tình huống truyện. Mỗi một tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là một câu chuyện và mỗi một câu chuyện lại có một tình huống truyện khác nhau. Trong Nhà cổ đó là một tình huống vô cùng éo le khi cả hai anh em Tứ Hải và Tứ Phương đều “ lặng lẽ thương” chị Thể, nhưng “ nhường qua nhường lại hoài mà không ai mở lời…”. Đặt ra tình huống này, Nguyễn Ngọc Tư đã để cho nhân vật mình tự nhận thức hoàn cảnh của mình và từ đó chọn con đường để giải quyết vấn đề. Cũng từ đó mà tính cách nhân vật được bộc lộ. Nhiều khi vì tình yêu mà nhiều người bất chấp tất cả, cả kể tình máu mủ, ruột thịt để cố gắng đạt được; nhưng Tứ Hải trong truyện ngắn này lại ngược lại. Ở anh người đọc thấy được tình cảm anh em gắn bó, sâu nặng, đặt lên trên cả tình yêu, trên hạnh phúc của đời mình. Bị vợ phản bội đó lại là tình huống có tính kịch được đặt ra đầu tiên cho người cha trong Cánh đồng bất tận. Cũng chính từ tình huống này mà sau đó người đọc thấy được cả một kiếp người rơi vào những bi kịch của cuộc đời, để rồi từ đó một loạt những tình huống truyện khác được nảy sinh : Nương và cả nhà cứu người đàn bà bị người ta đánh ghen, tình huống Nương bị cưỡng bức ngay trước mắt người cha của mình… Ấu thơ tươi đẹp lại là một truyện ngắn được tạo nên bởi tình huống người cha để lạc mất con, để rồi kéo theo sau đó là những tháng ngày sống cô đơn, thiếu tình thương của đứa trẻ. Người đọc còn thấy được bi kịch trong Duyên phận so le khi nhà văn để nhân vật trong một tình huống hết sức éo le khi duyên phận đã đặt kẻ được thuê để giết mình sau này lại là người mà mình thương yêu… Có thể thấy vai trò của tình huống truyện là hết sức quan trọng, nó như một chất men xúc tác, một thứ nước rủa ảnh để từ đó nhà văn tái hiện rõ hơn tính cách, bản chất của nhân vật. Qua đó phần nào khái quát được bức tranh tính cách của con người trong đời sống hiện đại. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật có thể nói nghệ thuật độc thoại là một nghệ thuật vô cùng đặc sắc và có hiệu quả cao trong việc thể hiện tính cách, tâm trạng nhân vật. Nguyễn Ngọc Tư cũng đã thể hiện khá thành công nghệ thuật này. Trong truyện ngắn của mình các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư tự tạo dựng cho mình một thế giới mà ở đó họ vật lộn với những suy nghĩ miên man phức tạp. Họ không muốn hay sợ phải đối diện với người khác, sợ bị người khác phát hiện ra suy nghĩ của bản thân. Thông thường nhân vật có những câu bâng quơ chẳng ró của ai, chỉ khiến người ta thấy được nỗi đau đớn, hụt hẫng cô đơn của nhân vật. “ Nhưng mà chờ tới chừng nào. Ai mà biết. Mùa này gió bấc hiu hiu lại về.” ( Hiu hiu gió bấc ). Nguyễn Ngọc Tư hay khép lại những câu hỏi, không phải của chị, không phải của nhân vật hay là của cả hai? “ Nhưng để làm gì ta?” ( Huệ lấy chồng), “ Biển người mênh mông vậy?” ( Biển người mênh mông ). Đặc biệt trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, nghệ thuật độc thoại nội tâm nhân vật được cô sử dụng rất có hiệu quả. Chẳng vậy mà tác phẩm đã được đọc giả đánh giá là một “ tiểu thuyết mini” và các nhân vật là những con người trên hành trình “ đi tìm thời gian đã mất”. Trong truyện mọi chuyện như bị xóa nhòa trong dòng kí ức miên man của nhân vật “ Tôi”. Nhà văn đã dùng dòng kí ức để nhìn nhận vê không- thời gian mà con người đang sống. Hai đứa trẻ sống cùng với cha trên chiếc thuyền nan, mất đi những thứ mà tuổi thơ chúng lẽ ra phải được hưởng. Sống trong câm lặng và chỉ bằng những hành động nhiều lúc Nương thèm muốn cái cảnh được gặp gỡ và nói chuyện với con người “ Sao nhớ con – người và thèm nói chuyện với con người” và để tạm quên đi nỗi cô đơn, buồn chán, nhân vật phải học cách làm bạn với lũ vịt, trò chuyện, tâm sự cùng với chúng. Có thể nói toàn bộ truyện ngắn Cánh đồng bất tận được kể lại qua dòng suy tưởng của nhân vật “Tôi”, từ đó người đọc không chỉ thấy được những sự kiện xảy ra xung quanh các nhân vật mà còn thấy được suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Tôi”. Đó là cái cảm giác cô đơn, buồn chán, khao khát, thèm muốn được sống một cuộc sống bình thường như bao con người khác. Miêu tả nhân vật qua các lời bình luận, bổ sung ngoại đề cũng là một điểm đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư. Tác dụng của lời bình luận, bổ sung ngoại đề thường là làm rõ thêm nội dung của phần văn bản đi liền trước nó, có khi là thể hiện những suy nghĩ, nhận xét của chính tác giả. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng ta thất xuất hiện rất nhiều những lời bình luận, bổ sung ngoại đề như thế. Có khi đó là nụ cười tủm tỉm của người kể chuyện với nhân vật “ Ông hay chê Phi với má, “ Cái thằng lừ đừ lừ đừ không biết giống ai” ( còn có thể giống ai?)”. (Biển người mênh mông). Hay “ Con nít ba tuổi đã biết quý nước, mắc lắm cũng chạy ra vườn đái vô chậu ớt, chậu hành ( báo hại cây rụi lá)”, “ Như đợi chờ chỉ có thế, chị gật đầu, mặt tở mở và rạng rỡ, gần như không suy nghĩ gì ( Má tôi cũng từng lựa chọn nhanh như thế sao? ) ( Cánh đồng bất tận). Cũng có khi nội dung mà cô đưa vào những dấu ngoặc đơn ấy là những nỗi niềm đau đớn, day dứt không nói nên lời của các nhân vật hoặc có khi của người viết “ Có lần, ông đậu xe kẹo ngoài chợ, thấy người ta đóng phim vụ lấn chiếm lòng lề đường, người hốt thúng mủng cá rau bỏ chạy, ông sướng rơn lăng xăng chạy tọt chỗ nầy ló mặt đằng kia, mấp máy câu “ Cải ơi” ( mà vô phim người ta đã xóa mất tiếng còn đâu ). “ Diễm Thương biết cí chạy qua không hay là bận khách, bận cười cợt ( mà lòng lão nặng nề ) biểu uống với em chút nữa đi anh.” ( Cải ơi ), “ Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng - loại ( và tôi là đồng – loại còn lại ), nhớ một cách trò chuyện(đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được tiếng tim mình ( điều nầy thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi ) và nhớ một người che chở ( công việc nầy đáng lẽ là của cha, má tôi ). Rõ ràng Nguyễn Ngọc Tư sử dụng dấu ngoặc đơn như một thủ pháp nghệ thuật một cách có ý thức. Và đôi khi chỉ cần một vài lời để trong ngoặc đơn như thế ta có thể hiểu thêm suy nghĩ và tâm lý của nhân vật. Có thể thấy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không miêu tả tâm lý nhân vật một cách dài dòng, không tốn nhiều trang văn bản để đi vào phân tích tâm lý nhân vật; rất cô đọng nhưng lại súc tích, thể hiện sâu sắc nội tâm nhân vật. Nguyễn Ngọc Tư không nói nhiều một cách trực tiếp đến tâm trạng nhân vật nhưng đọc truyện ngắn của cô người ta thấy rất rõ những suy tư, tình cảm, những nỗi trăn trở của nhân vật, ở đó là cả một trời tâm trạng. Nguyễn Ngọc Tư thể hiện tài năng ở việc phân tích tâm lý nhân vật một cách rất tinh tế và vô cùng phong phú. Mỗi một nhân vật trong truyện ngắn của cô lại mang một tâm trạng riêng, một nỗi niềm riêng và cách thể hiện cũng rất riêng. Đến với Cánh đồng bất tận, người đọc thấy rõ được điều đó. Thế giới nội tâm nhân vật vô cùng phong phú và Nguyễn Ngọc Tư bằng sự cảm nhận tinh tế của mình, bằng dòng máu Nam Bộ đã thể hiện rất thành công sự đa dạng ấy. Một người đàn ông bị vợ phản bội đã hun đúc trong mình một sự hận thù và trả thù bằng cách mang đến đau khổ, nỗi tuyệt vọng cho những người đàn bà khác. Ở nhân vật này, Nguyễn Ngọc Tư không hề dùng một từ nào để nói rằng ông hận vợ hay căm thù người vợ của mình như thế nào. Thế nhưng thông qua hành động, đặc biệt qua nét mặt, qua thái độ, cách xử sự của nhân vật này người đọc có thể nhận thấy rõ lòng hận thù tột độ của ông. Cũng vì lòng hận thù ấy mà chính ông đã đánh mất đi tuổi thơ của hai đứa con mình để rồi cuối cùng ông phải hối hận trong sự ngậm ngùi, xót xa, bất lực và cả sự nuối tiếc. Sâu sắc và thấm thía, ám ảnh và xót xa là những gì Nguyễn Ngọc Tư đem đến cho bạn đọc ở phần cuối truyện. Cô cũng rất thành công khi phân tích tâm lý nhân vật hai chị em Nương và Điền, bằng nghệ thuật sử dụng thời gian đan xem theo trình qui tắc hiện tại- quá khứ- hiện tại mọi ký ức và sự biến đổi của cuộc sống đều được nhìn qua lăng kính tâm hồn của nhân vật Nương. Nguyễn Ngọc Tư đã phân tích rất sát tâm lý của một cô gái ở tuổi dậy thì, từ những cái nhìn đầy khó hiểu với hành động của mẹ mình cho đến những ngày tháng cùng em theo cha lênh đênh trên những cánh đồng bất tận. Am hiểu tâm lý trẻ thơ, Nguyễn Ngọc Tư hiểu và đã thể hiện được những suy nghĩ, những tâm trạng của Nương và đặc biệt cô đã nói lên được khát vọng của một đứa trẻ ở tuổi mới lớn “ Hai nhớ trường học quá à…”, lời trẻ thơ như mũi dao đâm vào trái tim của những bậc làm cha, làm mẹ. Chỉ vì lòng hận thù, chỉ vì muốn quên đi nỗi tủi nhục mà người cha đã xóa mất đi tuổi thơ, đánh mất những quyền lợi căn bản nhất của một đứa trẻ. Nguyễn Ngọc Tư vô cùng nhạy bén và tinh tế khi miêu tả tâm lý nhân vật Nương bối rối trong những ngày hành kinh đầu tiên mà không có mẹ bên cạnh để giúp đỡ, rồi cả cái cảm giác khi bị người ta cưỡng ép…cô như đọc thấu được nỗi niềm của nhân vật “ Đầu tiên là sự xé toạc, và từ rách nát, đau đớn như lũ kiến cánh được giải thoát, chúng bò rân khắp cơ thể, tôi thấy mình đang chết…Rồi ký ức ùa về kinh hãi…”. Còn đối với Điền, cũng giống như Nương tuổi thơ đã sớm bắt Điền phải sống thiếu tình thương từ người mẹ của mình. Đến khi gặp Sương, Điền không biết cái tình cảm mà mình dành cho người phụ nữ này là tình yêu hay là tình cảm của người con dành cho người mẹ. Nguyễn Ngọc Tư đã để cho Điền bỏ đi tìm Sương, sự ra đi của Điền là một điều tất yếu. Điền ra đi để tìm câu giải đáp cho chình mính, không biết liệu Điền có tìm thấy người đàn bà ấy hay không nhưng người đọc vẫn luôn mắc trong lòng một câu hỏi mà không lời giải đáp Điền sẽ thế nào? Với một ngòi bút tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả, phân tích tâm lý của cả một gia đình “ cô đơn”. Nguyễn Ngọc Tư trong các sáng tác của mình thương viết nhiều về phụ nữ và trẻ em, có phải vì cô là một nhà văn nữ nên sự thấu hiểu ở cô với hai đối tượng này vô cùng sâu sắc? Nếu như ở người cha là những tháng ngày lạnh lùng, hận thù và trả thù, ở hai đứa trẻ là sự khao khát và ước mơ thì đến với nhân vật Sương, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ cho người đọc thấy được bản chất của một gái làng hoa mà ẩn sâu trong tâm hồn con người ấy cũng có một nỗi khao khát…khao khát về một tình yêu chân thành. “ Mấy cưng thương chị thiệt hả? Tội chưa…!??”, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả không nhiều nhưng lại thể hiện rất sâu sắc nỗi niềm của một người phụ nữ làm bao gia đình tan vỡ nhưng cũng khao khát một mái nhà yên ấm. Chân thành và hi vọng với người cha của hai đứa trẻ nhưng những gì mà Sương nhận lại vẫn là sự lạnh lùng, vô cảm đến nhẫn tâm của người đàn ông ấy…Miêu tả tâm trạng của nhân vật Sương, nhà văn muốn nhấn mạnh sự lương thiện, bản tính tốt đẹp trong mỗi con người. Dù họ có làm nghề gì thì vẫn là “ Nhân chi sơ, tính bản thiện” 3.2 Ngôn ngữ và giọng điệu Trong một tác phẩm thì ngôn ngữ và giọng điệu của nhân vật thể hiện sự tinh tế, nhạy bén của nhà văn trong việc tiếp cận và phản ánh đời sống hiện thực. Có thể nói ấn tượng đầu tiên và dễ thấy nhất trong ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chính là khả năng khai thác và vận dụng nhuần nhị và có hiệu quả vốn hệ thống từ địa phương Nam bộ để phản ánh và làm bật nổi những nét văn hóa về vùng đất và con người vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Trần Hữu Dũng trong bài viết “Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền Nam”, có nhận xét: “Nguyễn Ngọc Tư, ngòi bút trẻ ấy, rõ ràng đã tạo được một chỗ đứng khu biệt cho mình… Cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (một cách thích thú) là phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư”. Hay Nguyễn Văn trong “Giao thừa của Nguyễn Ngọc Tư”, cũng nhận định rằng: “Nguyễn Ngọc Tư có một lối viết văn tự nhiên, không màu mè, không gượng ép, không làm dáng như những người hay quen thói khoe chữ theo khuynh hướng gọi là “hiện đại” để tỏ ra mình “tinh tế”. Văn của Nguyễn Ngọc Tư dùng phương ngữ Nam bộ tối đa”. Trước hết, người đọc không khó để bắt gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư một hệ thống từ địa phương thể hiện cách xưng hô khi giao tiếp rất đặc trưng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống từ thể sắc thái biểu cảm của người nói đặt ở cuối những câu cảm hay câu nghi vấn. Đây cũng là lớp từ rất đặc trưng trong ngôn ngữ giao tiếp của người miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc dễ dàng nhận ra một hệ thống từ biến âm thể hiện rõ đặc trưng ngôn ngữ của người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long so với người dân ở các vùng miền khác như: ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), chỉ (chị ấy), biểu (bảo), bịnh (bệnh), sanh (sinh), gởi (gửi), kinh (kênh), ác nhơn (ác nhân),… Nhắc đến ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, ngoài đặc sản là chất giọng Nam Bộ, người đọc còn thấy được sự đặc sắc trong ngôn ngữ trần thuật trước hết làcủa người kể chuyện. Ngôn ngữ của người kể chuyện ở đây có khi là lời trần thuật gián tiếp, có khi là lời trần thuật trực tiếp, lại có khi là nửa gián tiếp, nửa trực tiếp. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật cũng là một cách mà thông qua đó suy nghĩ, tính cách nhân vật được bộc lộ. Điều này làm cho cách nhìn nhận về nhân vật của độc giả được khách quan hơn. Giọng điệu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định phong cách của một tác giả. Một nhà văn muốn có phong cách riêng nhất thiết phải có một “giọng điệu” riêng. Với Nguyễn Ngọc Tư người đọc thấy được ở cô một giọng buồn nhưng không chán chường, ủ dột. Có thể nói, ngay từ tập truyện đầu tay là Ngọn đèn không tắt, người đọc đã nhận ra cái giọng buồn này của cô. Cô buồn cho ông Hai Tương (Ngọn đèn không tắt) – ông già năm nào cũng đi kể chuyện lịch sử địa phương vì sợ thế hệ sau này không còn ai nhớ về các anh hùng đã ngã xuống vì quê hương xứ sở nhưng khi ông mất chẳng người nào nhớ; đồng thời chị cũng buồn vì sự hời hợt của những người “có trách nhiệm” về việc làm qua loa và hình thức của họ nhân dịp kỷ niệm ngày khởi nghĩa hàng năm của xã nhà: “Người ta gởi tới nhà Tư Lai một lá thơ. Thơ đề “kính gởi ông Hai Tương”. Cả nhà bối rối không ít. Ông Hai Tương đã ra người thiên cổ lâu rồi, thấy có người nhắc lại chồng, bà cụ Hai Tương nhớ quá, ứa nước mắt. Khui lá thơ ra thì ra là thơ mời nói chuyện khởi nghĩa.” Hay trong Nỗi buồn rất lạ người đọc cũng bắt gặp cái giọng buồn tênh của Nguyễn Ngọc Tư khi phải chứng kiến lối sống hờ hửng, “dửng dưng và tạnh quẽ với cuộc đời”… của lớp thanh niên trai trẻ trước những bất trắc của người khác:“Thôi buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ còn trai trẻ mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này.” Có thể thấy, xuyên suốt tập truyện này là giọng buồn “mênh mang, sâu rứt” như vậy. Và càng về sau cái giọng buồn “mênh mang, sâu rứt” ấy càng lan tỏa khắp các tập truyện khác của chị. Buồn vì cái nghèo vẫn không chịu buông tha những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên những cánh đồng bất tận: “Suốt những tháng năm sống tù đọng trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi biết lấy ai trong số đó? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cơm cháy của con, tiếng muổng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng? Hay tôi sẽ chọn một người chăn vịt, mê mỏi với những chuyến đi xa, sống cuộc sống hờ hửng tạm bợ, thấp thởm với rủi ro…?” (Cánh đồng bất tận). Và buồn vì những mặt trái của đô thị hóa nông thôn làm nảy sinh nhiều vấn nạn tiêu cực:“Mùa nắng quay trở lại, ngã ba Sương mọc thêm chừng chục quán nhậu nữa, muốn hay không cánh công an phòng chống tệ nạn xã hội cũng phải để ý cái chòm lu bu nầy. Phía báo đài đang dòm ngó. Một bữa, họ ập vào, quay phim chụp hình búa la xua. Đám tiếp viên che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm Thương là điềm nhiên trơ mắt ngó” (Cải ơi). Trong giọng điệu kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư người đọc còn thấy được ở cô giọng điềm nhiên, trầm tĩnh được thể hiện qua nhịp điệu kể chuyện rất từ tốn, chậm rải của nhân vật người kể chuyện. Mở đầu truyện ngắn Cải ơi, người đọc bắt gặp nhịp kể chậm rải, từ tốn của người kể dù đang thuật lại tình cảnh khó khăn bi đát của các nhân vật – một nhịp kể thể hiện sự tỉnh táo và điềm nhiên của tác giả trong quá trình phản ánh sự khốn khó của con người trong cuộc sống: “Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm Thương, nghe hay, mà khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản lạnh trơ, vui buồn không ra, đố ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre, nhìn hai người cười héo hắt. “Ăn bám mà kéo theo cả bầy”. Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ thương lắm.” (Cải ơi) Tương tự vậy, trong Gió lẻ, người đọc lại bắt gặp sự chậm rải và từ tốn quen thuộc của người kể thuật lại cái chết của mẹ nhân vật Mỹ Ái: “Hồi sáu tuổi, có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông cho con chó Lu Lu, không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em, hỏi mẹ, từng từ khít như máu rỉ qua kẻ răng, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?”. Mẹ em không trả lời, lẳng lặng vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ treo mình đung đưa trên xà nhà. Lưỡi trả lại cho cuộc đời, bởi người ta không chấp nhận sự vô dụng của nó, nói mà chẳng ai nghe.”. Rõ ràng với một chất giọng đậm chất Nam Bộ, với chút buồn nhưng không chán chường, điềm nhiên và trầm tĩnh, Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến một giọng điệu đặc trưng cho nhân vật của mình. Cũng thông qua giọng điệu, nhân vật của cô càng thể hiện đượctính cách và tâm trạng của mình. 3.3. Miêu tả nhân vật gắn với các biểu tượng Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc nhận thấy một điều rằng đi liền với cuộc sống của các nhân vật là những không gian địa lý, những biểu tượng đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đó là những cánh đồng bất tận, là những chiếc ghe lênh đênh trên sông nước, là những cơn gió trong cái lạnh làm tê cứng con người. Trước hết, ám ảnh bạn đọc là biểu tượng của những cánh đồng bất tận. Những cánh đồng mà chị em Nương đã đi qua, những cánh đồng không tên nhưng được hai chị em gọi tên bằng những kỉ niệm có ở những nơi đó. Đó là không gian chứa những miền ký ức của hai đứa trẻ từ khi mẹ chúng đi theo người đàn ông khác, cuộc sống gắn với đàn vịt và những cánh đồng. Cô đơn và buồn tẻ vì phải sống xa cách với mọi người…Đó cũng là những cánh đồng mà ông già trong Cái nhìn khắc khoải ngày ngày vẫn thong dong cùng với con Cộc và đàn vịt, cuộc sống cứ thế trôi đi trong cô đơn và buồn bã… Gắn liền với biểu tượng cánh đồng là biểu tượng của dòng sông và những chiếc ghe. Dòng sông vừa là dòng nhớ, là dòng nhớ về những miền ký ức đã trôi qua, là những kỷ niệm của mối tình xưa cũ ( Dòng nhớ, Mối tình năm cũ…), dòng sông cũng lại vừa là không gian cho những chiếc ghe trôi nổi…nơi cư trú của những người du mục… Cùng với biểu tượng cánh đồng, dòng sông và những chiếc ghe là biểu tượng gió. Gió trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Có khi đó là những ngọn gió “ chướng trở ngọn, trên những cánh đồng ủ ê tin buồn” ( Cánh đồng bất tận), hay là những cơn gió “ xào xạc” trên đỉnh núi mờ sương như để tiễn biệt một người khỏi thế gian ( Sầu trên đỉnh Puvan). Cũng có khi gió mang biểu tượng cho những sự thắc mắc, nghi ngờ “ Những ngày sau cơn bão, tôi thường một mình ra Đầm Sầu, tôi tự hỏi cơn gió nào đã hắt mẹ tôi khỏi xuồng, và nơi nào mẹ ngã xuống, nơi nào mẹ bị bão lấp vùi?” (Một chuyện hẹn hò). Gió còn là biểu tượng cho sự lãnh lẽo, cô độc của những con người trong mùa gió lẻ… Như vậy với sự xây dựng lên các biểu tượng về không gian Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa làm nổi bật lên tâm trạng cô đơn của nhân vật giữa vùng không gian rộng lớn. Trong cái mênh mông của đất trời, cái bất tận của những cánh đồng, cái lạnh lẽo của gió, của dòng sông, cái tù túng của những chiếc ghe…tất cả càng làm cho nỗi cô đơn của con người trở nên sâu sắc và đậm đặc hơn. KẾT LUẬN “ Mai sau thế sự có đổi thay tôi vẫn viết về mình, về quê mình đã sinh ra, nơi ấy tôi mới sống với khát vọng cháy bỏng về con tim mình.” (Nguyễn Ngọc Tư). Có thể nói với một trái tim tinh tế, nhạy bén của một người phụ nữ cùng với tài năng của một người nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Tư đã đem đến cho người đọc những cách nhìn mới mẻ về con người, về cuộc đời và về xã hội. Đọc các truyện ngắn của cô, từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác phẩm được viết gần đây nhất, người đọc vẫn luôn thấy một tâm trạng buồn, cô đơn vây quanh, ám ảnh lấy nhân vật từ đó ám ảnh đến bạn đọc. Văn chương của cô không mạnh mẽ, gay gắt mà nhẹ nhàng giản dị nhưng lại thấm thía và sâu sắc vô cùng. Ngòi bút của cô len lỏi vào từng khía cạnh cảm xúc của nhân vật khi buồn, khi vui, lúc hi vọng mong chờ, lúc thì hụt hẫng, thất vọng…Không nói ra một cách trực tiếp, không thể hiện một cách cầu kì hoa mĩ những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư được bộc lộ mình một cách khéo léo, đơn giản. Trong hơi thở của những chất liệu của quê hương Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên một không khí gần gũi, thân quen về một miền sông nước với những cánh đồng, những dòng sông và những chiếc ghe lênh đênh trên mặt nước…Chính sự khoáng đạt của không gian trong truyện, sự sâu sắc và tinh tế trong tính cách nhân vật đã gây sức hút lớn cho các nhà làm phim. Phải chăng vì thế mà Cánh đồng bất tận đã thu hút hàng trăm khán giả bởi những cảnh quay phim độc đáo…Khói trời lộng lẫy vừa mới công bố tháng 11 vừa qua đã nhận ngày hợp đồng ký kết của các nhà làm phim… Điều đó cho chúng ta nhận thấy một điều nữa ở Nguyễn Ngọc Tư, văn chương của cô không chỉ mang một nội dung sâu sắc, thể hiện một ngòi bút tinh tế nhạy bén…mà còn là những trang văn đậm chất điện ảnh. Với một tấm lòng chân thành, yêu quê hương của một người con Nam Bộ, bằng một trái tim nhạy cảm, tinh tế và một tài năng sáng tạo còn nhiều tiềm tàng, hi vọng trong thời gian sắp tới Nguyễn Ngọc Tư sẽ mang đến cho người đọc những tác phẩm hay nhất, mang lại cho bạn đọc nhiều ấn tượng nhất cũng giống như những gì Cánh đồng bất tận đã tạo ra trong hơn 4 năm vừa qua. Chúng tôi tin vào điều đó và mong chờ những thành công hơn nữa của cô trong một ngày không xa… DANH MỤC SÁCH THAM KHẢO I.Tác phẩm: 1. Nguyễn Ngọc Tư (2003), Biển người mênh mông, NXB Kim Đồng. 2. Nguyễn Ngọc Tư (2006), Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ. 3. Nguyễn Ngọc Tư (2009), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, NXB Trẻ. 4. Nguyễn Ngọc Tư (2010), Khói trời lộng lẫy, NXB Thời đại. II. Tài liệu khác: Phan Quý Bích : “ Sức lôi cuốn của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư”, Văn nghệ trẻ, số 64 ra ngày 12/11/2006. 2. Hà Minh Đức ( Chủ biên) (2003), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 3. Đào Duy Hiệp, “ Chất thơ trong Cánh đồng bất tận”, Văn nghệ số 32 ra ngày 12/08/2006. 4. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 5. Bùi Việt Thắng (2006), Truyện ngắn- lý thuyết và thực tiễn, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội. 6. Nguyễn Tý “ Ngày đầu năm đọc Cánh đồng bất tận với sức hút kỳ lạ”, Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, 07/02/2006. 7. Thảo Vy, “ Nỗi nhớ qua Cánh đồng bật tận”, Báo Tuổi Trẻ, ra ngày 25/11/2005. Khóa luận: 1. Khám phá nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Khóa luận tốt nghiệp Vũ Thị Thu Hà, Nghd TS. Đoàn Đức Phương, 2006 2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Khóa luận tốt nghiệp, Lương Thúy Hà, Nghd: PGS.TS. Trần Khánh Thành, 2009. 3. Biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ( Qua Cánh đồng bất tận và Gió lẻ và 9 câu chuyện khác), Khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Thị Huệ, Nghd Bùi Việt Thắng, 2009. 4. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Khóa luận tốt nghiệp, Phú Thùy Hương, Nghd PGS.TS. Hà Văn Đức, 2010. Website : viet- studies.info. 1. Nguyễn Trọng Bình Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nghệ thuật về con người. 2. Nguyễn Trọng Bình Giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.  3. Nguyễn Trọng Bình Đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. 4. Nguyễn Trọng Bình Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện nội dung tự sự . 5. Nguyễn Trọng Bình Những dạng tình huống thường gặp trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.  6. Nguyễn Trọng Bình Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hoá. 7. Trần Thị Dung Nghệ thuât xây dựng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư qua tập truyện Cánh Đồng Bất Tận 8. Trần Hữu Dũng  Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền nam. 9. Hoàng Thiên Nga Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh Đồng Bất Tận, Văn Nghệ 39, 24-9-2005. 10. Bùi Đức Hào Thử nhận định về Gió Lẻ sau hiện tượng Cánh Đồng Bất Tận trong hành trình văn học Nguyễn Ngọc Tư. 11. Nguyễn Thị Hoa Giọng điệu trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư qua tập truyện “Cánh đồng bất tận”. 12. Thụy Khuê Không gian sông nước trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. 13. Nguyên Ngọc Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư, Sài Gòn Tiếp Thị 1-2-2008. 14. Kiệt Tấn Cái rầu bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 15. Nguyễn Thanh Tú Bi kịch hóa trần thuật - Một phương thức tự sự (Trên cứ liệu "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư), Nghiên Cứu Văn Học 5/2008. 16. Đoàn Nhã Văn Nắng, gió, vịt, và đàn bà giữa những Cánh Đồng Bất Tận, Văn, Xuân Bính Tuất 2006. 17. Thảo Vy Nỗi đau trong Cánh Đồng Bất Tận, Văn Hoá Phật Giáo 11, 28-12-05.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docKiểu nhân vật cô đơn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.doc
Luận văn liên quan