MỞ ĐẦU
Chương I: MỞ ĐẦU
Trong cuộc thi “Hình trình văn hóa” có một câu hỏi dành cho khán giả truyền hình. Họ chỉ quay hình ảnh một người thanh niên đang đánh trống, trên mặt trống có hình tròn thái cực và hỏi đó là hình ảnh về đất nước nào? Đó chính là đất nước Hàn Quốc. Hàn Quốc của hôm nay không còn như một “đống tro tàn đổ nát” trong những năm 60 của thế kỷ 20 mà đã vươn mình trở thành một trong bốn “con rồng kinh tế châu Á”. Hàn Quốc của hôm nay: tự tin, năng động, tham vọng, đầy tính cạnh tranh, nỗ lực không chỉ để bắt kịp thời đại mà còn để hướng tới tương lai. Quả thật, ngày nay, khi nhắc tới Hàn Quốc người ta thường xuyên nhắc tới một “Korea Wave” – làn sóng Hàn Quốc. Có thể xem đây là một trào lưu đưa hình ảnh về một Hàn Quốc năng động về kinh tế, hấp dẫn về du lịch, giàu bản sắc về văn hóa ra toàn cầu. Và ngành điện ảnh nước này không nằm ngoài “cơn sốt văn hóa” đó. Những tên tuổi diễn viên, bộ phim Hàn được người ta nhắc tới thường xuyên trên báo chí, truyền hình và trong đời sống thường ngày. Tôi băn khoăn tự hỏi: Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc có gì mà hấp dẫn đến thế? Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi đi vào tìm hiểu về trào lưu này với một ý thức tiếp cận văn hóa.
Thực ra, đã có nhiều bài viết về ngành nghệ thuật thứ 7 của đất nước Hàn Quốc được in trên báo hay sách. Nhưng tôi thiết nghĩ đề tài điện ảnh không bao giờ là cũ cả. Hơn nữa đây lại là một trào lưu điện ảnh trong thế kỷ 21 nên nó mang tính thời sự cập nhật cao và có ý nghĩa thực tế. Được sự giúp đỡ của giảng viên – thạc sỹ Lê Thị Thu Giang, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài: Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ 21.
Để hoàn thành bản báo cáo khoa học này, tôi đã sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích những tài liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trên báo chí và mạng Internet.
Với mục đích tìm hiểu về làn sóng hâm mộ phim Hàn, tôi xin đi vào nghiên cứu trên phạm vi không gian là: mức độ ảnh hưởng của làn sóng này chủ yếu trong khu vực châu Á. Về phạm vi thời gian là: những năm đầu thế kỷ 21.
CHƯƠNG II: GIỚI THIỆU VỀ LÀN SÓNG HÀN QUỐC
2 . 1 Thế nào là làn sóng Hàn Quốc.
Làn sóng Hàn Quốc hay còn gọi là Hallyu, “Korea wave” hay “Dynamic Korea” là một hiện tượng văn hóa những năm đầu thế kỷ 21 nhằm quảng bá hình ảnh về một đất nước Hàn Quốc năng động. Nghĩa gốc của Hallyu là làn sóng mạnh. Cụm từ này đã thể hiện đúng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng Hàn Quốc tại các quốc gia trên thế giới. Có thể nói đã quét rộng khắp châu Á, sang cả Mỹ, Tây Âu, Bắc Phi. Và ta cần phải phân biệt “Làn sóng Hàn Quốc” ở đây không giống như những làn sóng mang tính nhất thời, đơn giản như làn sóng Hippy, làn sóng theo kiểu mốt thời trang v.v mà “làn sóng Hàn Quốc” là những đợt sóng mãnh liệt mang theo những nét đẹp của văn hóa Hàn Quốc ào ạt tràn vào bờ văn hóa của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nó không giống như những đợt thuỷ triều lên lại xuống, cũng không giống như con sóng nhỏ nhoi yếu ớt mà nó giống như những đợt sóng ồ ạt, tuôn trào bỗng nhiên ập đến, tác động một cách mạnh mẽ với tầm quy mô rộng lớn và một tốc độ như vũ bão. Quả thật sức lôi cuốn mãnh liệt của Hallyu đã xâm nhập vào từng người nhà của chúng ta.
2. 2. Sự phát triển của làn sóng Hàn Quốc.
Vào cuối thập niên 90, khi mà người xem truyền hình đã nhàm chán với những phim tình cảm sướt mướt của Singapo, những phim võ thuật cổ trang của Hồng Kông, thì những bộ phim truyền hình tình cảm nhẹ nhàng của Hàn Quốc xâm chiếm thị trường châu Á. Sau đó cơn bão trào lưu Hàn Quốc đã bắt đầu chinh phục không chỉ các nước châu Á mà còn vươn xa tới tận châu Âu và Mỹ La tinh.
Từ năm 1998 đến năm 2002 là thời kỳ “hoàng kim” của trào lưu này. Bằng những thành tựu đạt được, nó phủ định hoàn toàn những nghi ngờ của công chúng trước đó cho rằng đây chỉ là một cơn sốt nhất thời theo kiểu mốt thời trang như làn sóng Hippy chẳng hạn. Suy nghĩ đó thật sai lầm bởi trào lưu Hàn Quốc đã thực sự lấn sân ở hầu hết mọi quốc gia và trên mọi lĩnh vực: điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch, game online v.v Nó thực sự chứng minh cho chúng ta thấy một Hàn Quốc năng động và tràn đầy sức sống.
Ta có thể dễ dàng nhận ra trong cuộc sống hàng ngày, hình ảnh Hàn Quốc đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Ra đường, ta bắt gặp những thanh niên nam nữ tóc nhuộm highlight, ăn mặc sành điệu như những diễn viên Hàn Quốc, trang điểm bằng những mỹ phẩm Hàn Quốc và hý hoắy nhắn tin bằng chiếc điện thoại di động Samsung. Vào một quán Cafe, ta nghĩ mình sẽ được nghe một bản nhạc Việt Nam hay một bài hát đang “hot” trên MTV quốc tế, nhưng không, đó là một giai điệu quen thuộc mà ta từng nghe, à thì ra đó là bài hát trong bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Rồi lúc tán gẫu với bạn bè, chủ đề được bàn tới nhiều nhất là chuyện phim “Ngôi nhà hạnh phúc” đang trình chiếu. Và hãy thử quan sát đồ dùng của một gia đình hiện đại xem: chiếc tivi: LG, tủ lạnh LG, máy giặt LG, di động Samsung, dầu gội đầu Double Rich, mỹ phẩm Debon v.v Và hãy thử quay một góc nhỏ sinh hoạt xem: mẹ nấu ăn bằng bột ngọt Miwon, bố đang dựng chiếc xe Daehan, cô con gái út đang xem phim “Nàng Dae Jang Gum”, cậu con trai mải mê với trò game “Chuyện cổ tích” (Legend) – một trò chơi trên mạng của Hàn Quốc đang cực kỳ phổ biến. Phải có một sức lôi cuốn mạnh đến mức nào thì cơn sốt văn hóa Hàn mới lan tỏa rộng lớn đến như vậy, trong từng sinh hoạt, từng thiết bị gia đình, từng câu chuyện và nếp nghĩ. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của Hallyu. .
39 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5250 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ XXI, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nhắc đến Bae Yong Jun và đặt cho anh một cái tên trìu mến “Yonsama”. Yon là để ám chỉ tên của anh, Yong Jun, và “sama” có nghĩa là”người rất được kính trọng”. “Sama” là một từ hiếm khi được người dân Nhật sử dụng. Thậm chí báo chí Nhật còn không ngoa khi nói rằng: trong vòng một thế kỷ nay, tại Nhật Bản mới có một nhân vật “hoạt động văn hóa” có sức ảnh hưởng rộng như Bae. Trong những cuộc điều tra dư luận Nhật Bản: “Trong làn sóng của trào lưu Hàn Quốc bạn thích ngôi sao nào?” đã cho ta những kết quả: Bae Yong Jun 7463 phiếu, Lee Byung Hun 7386 phiếu, Won Bin 1368 phiếu v.v… Hay theo điều tra của một trang web Nhật Bản Ozmall về các ngôi sao điện ảnh châu Á được người dân Nhật yêu thích, Bae Yong Jun đứng ở vị trí số một, Song Yun A được khán giả chú ý qua bộ phim “Hotelier” đứng ở vị trí số hai. Trong tổng số 157 000 người bình bầu trực tuyến, Bae đã nhận được 64 333 phiếu bình chọn và Song Yun A được 35 555 phiếu, Lee Byung Hun được 31 508 phiếu đứng ở vị trí số ba. Không chỉ có thế, hiện tượng “Yonsama” lan truyền khắp nước Nhật. Bạn có thể tưởng tượng được không, năm 2004 trong 800 000 lượng du khách Nhật đến Hàn Quốc thì đa số du khách nữ khẳng định nguyên nhân là họ muốn gặp thần tượng Bae Yong Jun. Ngay cả bức tượng của Bae và Choi Ji Woo ở đảo Nami – nơi quay bộ phim “Bản tình ca mùa đông” – fan hâm mộ cũng tranh nhau chụp ảnh. Dấu ấn về vị trí của Bae còn thể hệ ở vinh dự được lưu dấu tay trên đất nước mặt trời mọc. Tại Nhật Bản có một trung tâm mua sắm tên là Minoo’s Plaza rất quen thuộc với những ai mê phim vì nó in dấu tới 70 dấu tay các ngôi sao lớn của điện ảnh Nhật. Trước đây mới chỉ duy nhất một ngôi sao nước ngoài được lưu dấu tay là Tom Cruise và người thứ hai có vinh dự này chính là Bae. Rõ ràng, dù “Tuyết tháng tư” do Bae thủ vai chính không gây được cơn sốt như mong đợi nhưng vị trí số một của anh chẳng hề lung lay một tí nào trong lòng fan hâm mộ Nhật Bản. Tính đến cuối năm 2004, khoản tiền thu lợi của Bae từ trào lưu Hàn Quốc và cơn sốt Yonsama lên đến gần 20 tỷ won, trong đó đĩa DVD phim “Bản tình ca mùa đông” đã được bốn lần tái bản. Bởi vậy nên thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã bày tỏ sự thèm muốn danh tiếng của Bae trong lòng cử tri, đồng thời cũng nói thêm rằng ông sẽ chạy đua để “Yonsama” trở thành “Junsama”. Không phải diễn viên nào cũng được sự sủng ái như vậy (theo tin tức từ trang www.bugs.co.kr)
Bên cạnh cơn sốt Yonsama, tại Nhật còn có các cơn sốt Byunsama (cơn sốt hâm mộ Lee Byung Hun), Dongsama (cơn sốt hâm mộ Jang Dong Gun), Sisama (cơn sốt hâm mộ Ryu Si Won)… Mỗi khi các sama đi lưu diễn tại Nhật, các fan đổ xô ra sân bay chào đón, tặng hoa, xin chữ ký hoặc xếp hàng từ sớm quyết mua bằng được một tấm vé xem biểu diễn. Tháng 4 – 2004, Bae Yong Jun tới Nhật bản đã có khoảng 5000 fan đổ ra sân bay làm tê liệt hoạt động. Đài BBC bình luận: “Fan hâm mộ đổ xô tới sân bay quốc tế Tokyo để chào đón anh sang thăm Nhật Bản. Sự đón tiếp này chỉ có thể so sánh với sự hâm mộ dành cho ngôi sao bóng đá Anh David Beckham”. Chính vì vậy mà lần lưu diễn của Lee Byung Hun và Choi Ji Woo tới Nhật đã được giữ bí mật để tránh lập lại sự cố này. Bất chấp những tin tức được giấu kín, vẫn có khoảng 1500 fan biết và ra sân bay Narita đón họ. Báo chí Nhật đồng loạt đăng những bài viết “Sân bay đã rơi vào tình trạng hỗn loạn”. Thế mới thấy được sức nóng của điện ảnh Hàn Quốc tới xứ sở hoa anh đào.
Với tài chiến lược, nhiều công ty của Nhật đã tìm cách thu lợi nhuận từ làn sóng Hàn Quốc. Theo Nhật báo Los Angeles Times (26 – 9 – 2005), nhiều công ty Nhật đang chuyển dần sang mời các ngôi sao Hàn Quốc đóng quảng cáo thay cho các diễn viên Hollywood. Bae được chọn là người mẫu cho Sony “niềm tự hào của Nhật Bản”.Chương trình quảng cáo đầu tiên anh tham gia cho một hãng sản xuất dược phẩm Nhật với thù lao 1 triệu won, lần này hãng Sony đã trả anh 1,3 triệu won. So Ji Sub thì quảng cáo cho thương hiệu điện tử Sharp của Nhật trị giá 1,25 triệu won. Lee Byung Hun - con cưng của thị trường Nhật - có hợp đồng quảng cáocho một công ty Nhật có tiếng tăm trên thế giới với mức thù lao ít nhất là 1 tỉ won. Có thể nói nhờ đó mà sự thu hút khán giả xem và mua hàng cũng tăng lên. Xu hướng ăn theo của thời trang cũng đưa lại một khoản hời lớn. Như những mặt hàng thời trang từ sau bộ phim “Bản tình ca mùa đông” được bán rất chạy từ quần áo, giày dép, khăn quàng cổ đến tóc giả. Mái tóc ngắn màu đen của nữ diễn viên Choi Ji Woo đóng và tóc màu nâu của nhân vật do Bae Yong Jun đóng được bán với giá mỗi bộ lên tới 12. 800 yên Nhật. Luồng gió nóng hâm mộ ngôi sao Hàn lên cao tới mức năm 2004 phụ nữ Nhật đua nhau tìm hiểu lấy chồng Hàn Quốc. Bởi những câu chuyện Hàn Quốc đã đi sâu vào tâm hồn người xem, họ thấy ở đó một hình mẫu lý tưởng của người đàn ông hiện đại.
+ Ở Trung Quốc
Độ nóng của làn sóng thần tượng Hàn Quốc ở Trung Quốc cũng không kém gì. Năm 1993 phim Hàn Quốc bước vào thị trường Trung Hoa nhưng đã vấp phải làn sóng xét đoán nghiêm khắc của giới truyền thông. Năm 1997 “Yêu là gì?” với 4,2 % công chúng truyền hình thích đã đạt nền móng cho quá trình bành trướng vào Trung Hoa. Năm 2002 được coi là thời kỳ hoàng kim của phim Hàn tại đất nước vốn đã có 1000 năm lịch sử điện ảnh. Bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc được trình chiếu tại Trung Quốc là “Tình yêu trong sáng”, bộ phim này cũng chính là tác nhân đầu tiên dấy lên trào lưu Hallyu ở Trung Quốc với tên tuổi của Chae Rim. Và cô được bầu là nữ diễn viên Hàn Quốc được khán giả nam giới yêu thích nhất. Sau “Tình yêu trong sáng” thì bộ phim thứ 2 gây được tiếng vang là “Trái tim mùa thu”. Chính bộ phim này đã đưa tên tuổi Won Bin đứng đầu danh sách diễn viên nhận được nhiều lời mời tham gia đóng phim nhất tại Trung Quốc. Diễn viên tạo được tiếng vang khá ấn tượng trong Korea Wave mà chúng ta không thể không nhắc tới, đó là Ahn Jae Wook. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim truyền hình “Ước mơ vươn tới một ngôi sao” Ahn đã tạo nên một làn sóng mến mộ không thể tưởng tượng được. Tất cả các ca khúc của anh đều được yêu thích tại Trung Quốc. Anh nổi tiếng tới mức nếu hỏi bất kỳ một người Trung Quốc nào về diễn viên Hàn Quốc mà họ biết thì cái tên đầu tiên được buột ra khỏi miệng là Ahn Jae Wook. Ahn được bình bầu là nam diễn viên được nữ giới Trung Quốc mến mộ nhất. Gần đây, anh còn tham gia đóng cùng các diễn viên Trung Quốc trong phim “Những người bạn chung cư”. Danh hiệu “Người đàn ông Hàn Quốc đẹp trai nhất” được khán giả Trung Quốc trao tặng cho nam diễn viên Jang Dong Gun khi họ xem “Friend” của Jang. Trong năm 2004 anh đã cộng tác cùng nữ diễn viên Hồng Kông Trương Bá Chi. Và danh hiệu cặp tình nhân diễn viên được khán giả Trung Quốc yêu thích nhất được dành tặng cho Bea Yong Jun và Choi Ji Woo trong bộ phim “Bản tình ca mùa đông”.
Trào lưu điện ảnh Hàn Quốc ở Trung Quốc đặc biệt dâng cao với sự thành công của bộ phim “Nàng Dae Jang Gum”. Không giống như phim cổ trang Trung Quốc và Hồng Kông thường mang tính võ thuật, phim cổ trang Hàn Quốc mang tính Hàn rất đặc trưng, nhẹ nhàng và sâu sắc, truyền thống và giàu bản sắc. Có lẽ chính vì mang một âm hưởng riêng và lạ như thế mà nhiều tờ báo đã nhận xét bộ phim là một thành công đột phá vào thị trường châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Tờ China Youth Daily còn nói rằng: “Mọi người dân Trung Quốc đều yêu thích Nàng Dae Jang Gum”. Hãy nhìn vào con số 3,1 tỉ won mà bộ phim này thu được từ việc bán bản quyền tại 17 quốc gia cũng đủ thấy sự đồ bộ của nó ra hải ngoại mạnh đến mức nào. Cho đến 16 - 10 - 2005 series phim này vẫn đứng đầu bảng xếp hạng truyền hình Trung Quốc, còn ở Hồng Kông tập cuối cùng đã trở thành chương trình truyền hình được theo dõi nhiều trong lịch sử. Các ngôi sao Hồng Kông như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa thì công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ “Nàng Dae Jang Guem”. Thêm vào đó, những dịch vụ triển khai từ thành công của bộ phim cũng thu được những lợi nhuận khổng lồ.
Nắm bắt được thị hiếu của người xem, các nhà sản xuất phim Trung Quốc đã mời các diễn viên Hàn Quốc sang hợp tác. Có thể kể ra đây những gương mặt Hàn Quốc đã xâm nhập vào quốc gia này như Kim Min với “Độc hành thị vệ”, “Triển bằng”, là Kim Hee Sun với “Kinh thiên truyền kỳ”; Chae Rim với “Biển tình mênh mông” và “Dương môn hổ tướng”, Kim So Yeon trong “Mỹ mộng hồ điệp”, “Đại thanh vi thượng”, “Thất kiếm hạ thiên sơn”. Kwon Sang Woo được đạo diễn nổi tiếng Viên Hòa Bình (Yuen Wo Ping) – người từng chỉ đạo võ thuật cho nhiều phim nổi tiếng như “Matrix”, “Ngọa hổ tàng long” mời tham gia bộ phim mới của ông “Golden Gate” cùng với đàn anh Châu Nhuận Phát. Đạo diễn Viên không giấu diếm mục tiêu sẽ lăng xê Kwon thành một ngôi sao nổi tiếng khắp châu Á. Được sự quan tâm của các nhà chuyên môn Trung Quốc không phải là điều mà ngành điện ảnh nước ngoài nào cũng làm được.
Bên cạnh đó điện ảnh Hàn Quốc còn được hâm mộ ở các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapo, Inđônêxia v.v… Chính điều này đã đưa hình ảnh đất nước Hàn Quốc lan tỏa khắp châu Á.
3.3. Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc tại thị trường Mỹ, châu Âu và các nước khác
Thị trường đầu tiên mà phim Hàn Quốc hướng tới là 13 triệu người châu Á, kế đến là những người dân Mỹ – vốn thích tìm cái mới trong những nền văn hóa khác. Mục tiêu, thách thức lớn nhất của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay chính là nước Mỹ – kinh đô điện ảnh thế giới. Làm thế nào mà một ngành điện ảnh mới chỉ cách đây chừng 20 năm nó như một đứa con rơi của thị trường điện ảnh châu Á mà nay đã chinh phục được Hollywood ngời sáng. Để được chấp nhận tại thị trường này là một thách thức đối với nhiều đạo diễn, diễn viên tại các nước, nhất là châu Á. Vậy mà Hàn Quốc, bằng con đường đi riêng của mình với những nét đặc trưng Korea đã xây dựng được một chỗ đứng trên mảnh đất khắc nhiệt này. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên trình chiếu, phim Hàn đã gặt hái thành công tại Bay Area, Los Angles, Honolulu, New York, Chicago, Washington DC và được phát sóng toàn quốc qua kênh truyền hình cáp AZN. Nó đã cuốn hút người xem ở mọi lứa tuổi, giới tính và dân tộc.
Nhiều bộ phim Hàn Quốc đang tìm mọi cách để thâm nhập vào Mỹ như “Friends”, “Little match girl”, “2009- Lost Memories” v.v… Nhiều đạo diễn người Hàn đang tìm kiếm những kế hoạch sản xuất phim ở Hollywood như đạo diễn Kang Je Gyu. Việc mời những ngôi sao nổi tiếng của Mỹ tham gia phim Hàn cũng là một trong những cách để giới thiệu phim Hàn sang Mỹ. Không chỉ giới báo chí châu Á mà cả báo chí Mỹ cũng đã có những nhận xét rất cao và những bình chọn cho diễn viên Hàn Quốc. Sau khi tạp chí Elle Girl của Mỹ bình chọn Won Bin là gương mặt đàn ông điển trai nhất của Hàn Quốc, Won Bin đã vinh dự là người duy nhất đại diện cho nam giới Hàn Quốc sánh vai với các tên tuổi như David Beckham, Jude Law, Orlando Bloom, Johnny Depp, v.v… trên trang Coolest Guy Celebrity. Sợi dây điện ảnh liên kết hai nước còn mang tính hai chiều, khi mà các đạo diễn Hollywood đã mua lại bản quyền của một số phim Hàn để sản xuất lại với làn diễn viên Mỹ như: “Cô nàng ngổ ngáo”, “Xin chào sư phụ”, “II Mare”, v.v… Không chỉ gây ảnh hưởng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan mà bộ phim “Nàng Dae Jang Kum” còn vươn ra thị trường Mỹ. Tại vịnh San Francisco có tới hơn 100 nghìn người dân theo dõi phim này mỗi ngày. Người dân Chicago gửi thư mời Lee Young Ae (Nữ diễn viên chính trong phim) sang thăm nước Mỹ. Một tờ báo Mỹ đã đăng: “Những người dân ở thành phố Chicago cứ đến tối thứ 7 là lại tập trung ở quán cafe và cùng nhau xem “Nàng Dae Jang Kum”. Không chỉ dừng lại ở làn sóng hâm mộ diễn viên, Bắc Mỹ còn đi sâu vào nghiên cứu ngành điện ảnh của đất nước Cao Ly. Đại học Havard và Hollywood thành lập các trung tâm tìm hiểu và nghiên cứu về sự phát triển của ngành nghệ thuật thứ 7 của Hàn Quốc.
Tại các nước châu Âu, phim Hàn cũng đạt được những thành công trong làn sóng đưa văn hóa Hàn giao lưu với thế giới. Bộ phim “Old boy” của đạo diễn Parle Chan Wook trở thành bộ phim được hâm mộ tại Anh. Theo Shweast, nhà sản xuất bộ phim này, đến 12 – 2004 bộ phim đã có doanh thu tại Anh vào khoảng 300 000 bảng (khoảng 600 triệu won) và trong số các bộ phim châu Á đã được trình chiếu tại Anh thì đây là bộ phim có doanh thu cao nhất. Tại Thổ Nhĩ Kì, nhân dịp tổng thống Roh Moo – huyn và đoàn ngoại trưởng cấp cao sang thăm, bộ phim “Một cho tất cả” đã được trình chiếu.
Ngay tại thị trường châu Phi, phim Hàn cũng đang được trình chiếu trong những nước nói tiếng Ả Rập, Ai Cập là nước đầu tiên phát sóng phim Hàn Quốc với bộ phim “Trái tim mùa thu” được phát trên kênh ERTU vào 9 – 2004. Tiếp đó là đất nước Quatar chiếu phim “Người quản lý khách sạn” trên kênh Chanel 2. Có thể nói điện ảnh Hàn Quốc đang “hái ra tiền” với công nghệ xuất khẩu ra hầu hết các nước trên thế giới. Cũng phải nói thêm rằng, thành công đáng kể của điện ảnh nước này đã bắc một nhịp cầu giao lưu, tìm hiểu và kết nối văn hóa dân tộc Hàn – một nền văn hóa phương Đông - với những nền văn hóa Tây Âu, Bắc Mỹ và châu Phi – những nền văn hóa mang nhiều đặc điểm khác biệt với bản sắc Đông phương.
3. 4. Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam
Giờ đây trên đất nước ta, đông đảo khán giả bị cuốn hút theo những bộ phim Hàn Quốc cũng là điều dễ hiểu. Trên các tờ báo Việt Nam, thông tin về ngành điện ảnh Hàn Quốc luôn có một vị trí đáng kể, từ những bài viết bình luận đánh giá của các nhà chuyên môn đến những tin tữc xung quanh tiểu sử, sự nghiệp, mốt thời trang chuyện đời tư của các diễn viên Hàn rồi cả chuyện hậu trường của những phim “sốt” trên truyền hình. Tỷ lệ chiếu phim Hàn Quốc trên mà ảnh Việt Nam đã tăng đáng kể cùng với sức tấn công của làn sóng Hallyu: sáng, trưa, tối; trên kênh VTV1 và VTV3; đó là chưa kể những kênh trên hệ kỹ thuật số. Cầm chiếc điều khiển trên tay, bạn bấm kênh VTV1 đang chiếu “Thời trang thập niên 70”, kênh Hà Nội là “Hoa Thuỷ Tinh”, kênh Hà Tây thì “Tình yêu và tham vọng”, VTV3 lại “Chuyện tình Harvard”.
“Tình yêu đó sẽ mãi mãi không quay trở lại…” bật đĩa Minh Quân lên nghe, nhạc điệu này quen quá, thì ra ở trong phim “Bản tình ca mùa đông”. Và còn rất nhiều bài hát trong phim Hàn đã được dịch sang lời Việt như “Giày thuỷ tinh”, “Mối tình đầu”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Chuyện tình nàng hề”… Đời sống âm nhạc của giới trẻ Việt Nam chịu tác động từ phim Hàn chính là minh chứng cho sức mạnh của “luồng gió nóng” hâm mộ phim Hàn tại nước ta. Các bài hát, các album được các fan mua với số lượng lớn. Nhưng do thị trường băng đĩa lậu vẫn ngập tràn nên còn nhiều vấn đề về bản quyền phim, ca nhạc chưa được giải quyết. Dẫu sao ta cũng phải thừa nhận thành công của phim ảnh xứ sở hoa Mukung thật là lớn.
Bên cạnh đó, phía Hàn Quốc còn trực tiếp mở một rạp chiếu phim Diamon Cinema riêng của Hàn Quốc tại Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cụm rạp liên kết giữa Fafilm Việt Nam và công ty liên doanh Good Fellas (Hàn Quốc). Tổng số vốn đầu tư hơn 1 triệu $ trong đó phía Fafilm chỉ chiếm 10 %. 90 % phim chiếu tại đây là phim của Hàn Quốc sản xuất, 10% còn lại dành cho phim nước ngoài. Sau 3 tháng hoạt động rạp luôn đứng đầu về lượng người xem trên khắp các rạp ở thành phố Hồ Chí Minh. Đơn giản bởi vì phim Hàn đã là một món ăn tinh thần hấp dẫn đối với công chúng.
Từ việc thích xem phim Hàn, khán giả cũng tiếp nhận luôn các giá trị khác như mốt, trang phục, đầu tóc, ngôn ngữ (học tiếng) và cả con người (lấy vợ, lấy chồng Hàn Quốc), hàng hóa, thăm quan du lịch… Mỗi khi một bộ phim Hàn được chiếu thì kiểu tóc, quần áo của diễn viên trong phim được áp dụng ngay, rát tức thời và phổ biến. Thử nhìn lại xã hội Việt Nam 10 năm trước, “ép tóc” là một khái niệm hi hữu thì đến nay 80% phụ nữ Việt Nam ép tóc. Thời trang trong phim Hàn Quốc thay đổi thì ở Việt Nam cũng thay đổi theo. Đã từng có thời kỳ rộ lên mốt tóc ép nâu đỏ, môi trầm thì nay khi bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” được chiếu là mốt áo lửng, guốc xuồng và tóc quăn. Cũng không còn kiểu trang điểm sắc sảo với gam màu lạnh như thời kỳ trước mà nay nhiều phụ nữ đã đổi sang trang điểm nhẹ nhàng, do sự ảnh hưởng của Lee Young Ae từ bộ phim “Nàng Dae Jang Kum”. Với sự hậu thuẫn của vẻ đẹp “lý tưởng” từ các diễn viên Hàn Quốc, các dịch vụ thời trang, chăm sóc sắc đẹp “lên ngôi”. Ao ước có được diện mạo giống như các diễn viên xinh đẹp, nhiều phụ nữ Việt Nam và cả Trung Quốc, Nhật Bản,… đã vào các viện Beauty Salon Hàn Quốc để chỉnh sủa ngoại hình. Thậm chí chưa ưng ý với những trung tâm trong nước, nhiều phụ nữ đã đi tour du lịch thẩm mỹ viện sang Hàn Quốc để mong có được một làn da mịn màng như Song Hye Kyo, mái tóc suôn mượt của Ju Ji Hyun, dáng vóc người mẫu của Lee Hyo Lee. Có lẽ chính vì vậy mà trong ý thức của nhiều người dân Việt Nam, vẻ đẹp Hàn Quốc trở thành hoàn hảo: họ muốn đẹp như kiểu Hàn Quốc, mặc như kiểu Hàn Quốc… Đó chính là một cuộc đổ bộ “văn hóa” một cách nhẹ nhàng vào thị trường nước ngoài của ngành điện ảnh Korea.
Mỹ phẩm Hàn Quốc thì chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các cửa hàng bán và giới thiệu mỹ phẩm Hàn Quốc tràn ngập các đường phố, từ những cửa hàng lớn với tư cách là nhà độc quyền Debon, Lacvert đến những gian hàng lưu niệm nhỏ bé cũng có rất nhiều các dầu gội đầu, kem, phấn, son… “Made in Korea”. Năm 2000, LG chiếm vị trí số 2 đối với các loại sản phẩm son phấn và vị trí số 3 đối với mặt hàng mỹ phẩm nói chung trên thị trường Việt Nam. Đến năm 2001 tổng công ty này đã chiếm thị phần lớn nhất trong số các hãng mỹ phẩm ở Việt Nam. Thành công này một phần là nhờ tác động của phim truyền hình Hàn Quốc, một phần là nhờ chiến dịch quảng cáo tiếp thị rất có hiệu quả của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng xứ Hàn.
Bên cạnh mỹ phẩm là thời trang, một thành công nữa của điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam. Các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Hàn Quốc như Deco, Wolsey, Lancy, Lee Kwang – hee tuy chưa được rầm rộ ở Việt Nam song ở một chừng mực nào đó, nó đã đánh trúng vào ý thức của thanh niên Việt: muốn để sành điệu như diễn viên Hàn. Các trang báo giới thiệu các mẫu mốt gắn liền với tên tuổi các diễn viên luôn chiếm được sự quan tâm của bạn đọc. Một số cửa hàng quần áo đã trang trí bằng hình ảnh diễn viên Hàn với nhiều bộ trang phục nhập khẩu từ Dongdaemun. Nhiều shop lấy tên từ những bộ phim Hàn hoặc các sản phẩm văn hóa khác từ Hàn Quốc như Yumi, Kim chi, Dae Jang Kum, Sye U v.v…. Gần đây, các cô gái trẻ Việt Nam còn muốn mình trong bộ quần áo hanbok vào ngày cưới. Rõ ràng ảnh hưởng của bộ phim “Nàng Dae Jang Kum” là không nhỏ. Trong một bài báo phỏng vấn một người chủ cửa hiệu cho thuê áo cưới, anh này đã thẳng thắn tâm sự: “Ngày càng nhiều người đến hỏi áo hanbok. Mặc dù mua một bộ hanbok rất đắt song vì nhiều người hỏi quá nên tôi cũng cần phải đầu tư”. Đi liền với thời trang là những kiểu tóc. Tại thành phố Hồ Chí Minh nhiều cửa hàng tóc kiểu Hàn Quốc mở ra và lúc nào cũng đông khách. Đi trên đường người ta sẽ thấy vô số những kiểu đầu giống WonBin, Bae Young Jun, Lee Byung Hun… Rồi những đồ “phụ kiện” khác như kẹp tóc, nơ, túi xách, kính, giày… cũng được quy theo mốt Hàn Quốc.
Nói về sự ảnh hưởng của phim Hàn đối với phim Việt, người ta nhận ngay ra một số bộ phim “Làm theo kiểu Hàn” hiện nay như: “39 độ yêu”, “Lửa tình”, “Những cô gái chân dài”, “Lẵng hoa tình yêu”. Đó còn là xu hướng nhiều diễn viên Việt Nam “bắt chước” ngoại hình của diễn viên Hàn, dù rằng nhìn vào ảnh là biết ngay Việt Nam chính gốc nhưng người ta vẫn cứ thích “học đòi”. Việc Minh Nhí, Minh Quân và một số diễn viên, ca sĩ khác đã từng đến các studio ảnh để mong có được những bức hình trông thật giống phim Hàn chẳng phải là như thế sao.
Có một lần tôi được nghe một câu chuyện giữa hai ông bà đã gần 60 tuổi: “Tại sao phim Hàn Quốc hay thế hả ông? Cái gì cũng đẹp, diễn viên đẹp, cảnh đẹp, nhà cửa, đường xá xe cộ của họ sao đẹp thế? Còn phim của ta thì chưa hay. Tôi chả bỏ buổi nào cả. Giá mà phim của ta cũng được như thế thì hay biết mấy? Ông có thích xem phim Hàn Quốc không?”. Nghe bà cụ nói, tôi bỗng thấy chạnh lòng khi nghĩ về phim Việt Nam. Hình như màn ảnh nhỏ Việt Nam chưa có được bộ phim truyền hình nào thật sự gây dấu ấn, tạo thành “cơn sốt”. Vẫn có những kịch bản có nội dung mới lạ đấy, song do cách làm việc thiếu hiệu quả nên phim làm ra không được khán giả đón nhận. Diễn viên cũng xinh đẹp, đạo diễn cũng tâm huyết lắm chứ nhưng sao bộ phim ra đời vẫn cứ èo uột. Chúng ta vẫn có nhiều biên kịch giỏi song tại sao phim lên sóng vẫn sượng ngắt, nội dung không thuyết phục, lời thoại xa cách đời sống thực. Nghe các nhân vật trong phim truyền hình Việt Nam nói mà tưởng họ đang đọc từ kịch bản. Đến bao giờ Việt Nam ta mới có một trào lưu văn hóa Việt lan tỏa khắp toàn cầu?
Chương IV: NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG CỦA LÀN SÓNG ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC
4. 1. Sự quan tâm của chính phủ
Để lý giải cho sự thành công của trào lưu này, trước hết phải nói tới vai trò của chính phủ Hàn Quốc với những chính sách thúc đẩy ngành điện ảnh nước này xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nó nằm trong hệ thống chính sách phát triển văn hóa, vì thế mà sự quan tâm của chính phủ với tư cách là một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công của trào lưu làn sóng Hàn Quốc cũng là đòn bẩy tạo nên chỗ đứng của ngành điện ảnh nước này.
Chiến lược “xuất khẩu văn hóa” được chính phủ đặt ra một cách đúng đắn. Tiêu biểu nhất là kế hoạch “Korea Plaza” do bộ trưởng Văn hóa và du lịch Chung Dong Chea trình lên tổng thống Roh Moo Hyun. Đây là một dự án đưa Hallyu thâm nhập sang các nước khác mà trước tiên là thị trường châu Á. Theo đó trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở các nước sẽ triển lãm và bày bán những sản phẩm của cơn sốt văn hóa Pop Hàn Quốc. Hay như cuộc họp về việc phát triển làn sóng Hàn Quốc do thủ tướng Lee Hae-chan khởi xướng vào 2 – 2005 cũng là một minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của chính phủ. Cuộc họp đã đưa ra được những kế hoạch xác đáng nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của văn hóa Hàn ra ngoài lục địa như: xây dựng các trường nghiên cứu về phát triển văn hóa, mở ngành công nghệ văn hóa CT (cultural technology), mở học viện công nghiệp văn hóa, tạo cơ sở dữ liệu online về những diễn viên Hàn Quốc, thành lập trung tâm thông tin Hallyu hoạt động dưới sự giám sát của tổ chức Hàn Quốc thuộc Hiệp hội giao lưu văn hóa Á châu (KOFACE). Không chỉ dừng ở đó, chính phủ còn đặc biệt quan tâm bằng việc tăng nguồn vốn đầu tư cho ngành công nghiệp giải trí nước này. Năm 1999 đầu tư 8,5 tỷ $ thì đến năm 2003 đã lên tới 43,5 tỷ $; tăng hơn 5 lần (theo trang web www.hanquocngaynay.com). Đây là một trong những bước xây dựng nên một Hallywood theo kiểu mẫu Hollywood dựa trên bản sắc dân tộc Hàn.
Chính phủ Hàn Quốc đã có những bước đi đúng đắn trong việc xúc tiến giao lưu văn hoá. Trong những chuyến thăm của các đoàn quan chức cao cấp từ phía chính phủ, phía Hàn quốc luôn khởi động những đàm phán về hợp tác kinh tế lẫn văn hoá. Theo trang “Chính trị” của trang web www.hanquocngaynay.com, Hàn Quốc sẽ xây dựng một trung tâm văn hoá Hàn quốc đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam. Những sự hợp tác về văn hoá như giao lưu văn hoá giữa thanh niên Hàn Quốc và các nước khác, những chuyến mang “cây nhà lá vườn” đi biễu diễn ở nước bạn, những học bổng về văn hoá cho sinh viên nước ngoài …là những hoạch định cụ thể mà chính phủ đang làm nhằm tăng cường hình ảnh Hàn Quốc ra các nước.
4. 2. Đầu tư kinh phí
Nguồn vốn làm phim của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc khá lớn, điều đó cũng là một trong những lý do để điện ảnh nước này đạt được những thước quay ấn tượng với khán giả. Khi trào lưu điện ảnh xứ Hàn vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, kinh phí làm phim càng được tăng lên, chỉ tính từ năm 2004 chi phí cho mỗi bộ phim đã tăng hơn trước tới 100 triệu won. Đây là một khoản đầu tư tốn kém nhưng những gì mà nó thu được thì chúng ta đã quá rõ, hơn vốn bỏ ra ban đầu rất nhiều lần. Bên cạnh việc quay trong phim trường của đài truyền hình hay ở các thắng cảnh nổi tiếng như đảo Cheju, sông Hàn, núi Seorakan… một số phim Hàn còn được đưa sang nước ngoài quay. Đó là một xu hướng nhằm tạo cảm giác mới lạ cho người xem, mặc dù nó phải bỏ một số vốn khá lớn. Điển hình là phim “Một cho tất cả”, “Chuyện tình Harvard” quay ở Mỹ, “Cô nàng đỏng đảnh” quay ở Úc, “Chuyện tình Pari” quay ở Pháp, “Chuyện xảy ra ở Bali” quay ở Inđônêxia, “Typhoon” quay ở Hồng Kông, Nga, Thái Lan. Có thể kể ra đây chuyện hậu trường về chi phí làm phim “Nàng Dae Jang Kum” mới thấy được rằng để hấp dẫn khán giả trước những món ăn hoàng cung, đoàn làm phim đã phải tốn kém như thế nào. Mỗi tập phim được đầu tư lên đến $100 000. Có những cảnh đặc biệt tốn kém như cảnh ẩm thực hoàng cung tiêu tốn đến $20 000. Bởi nhà sản xuất kỳ công tới mức mời các chuyên gia ẩm thực hàng đầu Hàn Quốc, mỗi người chỉ nấu 2 hay 3 món đặc sắc nhất mà cảnh này lại cần tới hàng trăm món. Trang phục trong phim cũng là một khoản khá lớn, lên đến 10 000 bộ, đến độ các diễn viên phải ghi tên vào trang phục để tránh nhầm lẫn sau mỗi cảnh quay. Có người nói rằng đó là do phim cổ trang nên cần nhiều diễn viên, tốn nhiều kinh phí là đúng. Nhưng hãy xem những phim về tình yêu thời hiện đại, chi phí cho phim “Taphoon” 1,5 tỷ won (cao hơn gấp 10 lần kinh phí phim “Friend” từng thu hút hơn 8 triệu khán giả vào năm 2001), “Bản tình ca mùa đông” lên tới 3 tỉ won, “Một cho tất cả” là 5 tỷ won, thì hãy thử nghĩ lại xem có phải do thể loại phim hay không. Những tưởng các nhà sản xuất muốn chơi trội nên chẳng tiếc làm mọi cách để phim gây được một nét mới lạ, độc đáo như phim “Ngôi nhà hạnh phúc” chẳng hạn. Khác với những bộ phim được dựng bối cảnh trong phim trường hoặc chọn những ngôi biệt thự có sẵn, đoàn làm phim “Ngôi nhà hạnh phúc” đã dựng một ngôi nhà hoàn toàn mới. Ngôi nhà hầu hết được làm bằng gỗ và kính với chi phí gần 1 triệu $. Và chỉ riêng trang phục cho hai diễn viên chính thôi cũng quá nhiều. Bi trong vai nam chính có đến 60 bộ quần áo mà hầu hết là hàng hiệu, Song Hye Kyo trong vai nữ chính tính sơ sơ cũng gần 80 bộ, thêm 20 bộ nữ trang gồm đồng hồ, hoa tai, dây chuyền… Nếu không có kinh phí, làm sao có thể tạo nên những cơn sốt thời trang, những tour du lịch thăm quan phim trường – vốn đem lại nguồn lợi nhuận gấp chục lần so với kinh phí.
Để tạo nên những thước phim đẹp không chỉ cần phong cảnh đẹp mà còn cần trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ. Đương cử bộ phim “Little Match Girl” của đạo diễn Jang Sun Woo không sử dụng camera cầm tay mà toàn bằng các loại máy chuyên dụng được mang từ Hồng Kông sang. Với 5,5 triệu $ đầu tư, đây là bộ phim Hàn Quốc đắt tiền nhất từ trước đến nay. Và để thu hút vốn, các nhà sản xuất còn quay thử một số đoạn phim lên mạng hay truyền hình để kêu gọi đầu tư.
Không thể nói rằng kinh phí chỉ là một vấn đề nhỏ, mà cần thấy được một thực tế: Những bộ phim gây tiếng vang lớn trên thế giới đều được đầu tư vốn lên đến những con số kinh ngạc. Học tập điện ảnh Hoa Kỳ, điện ảnh Korea đã tích cực đầu tư vào ngành công nghiệp giải trí thu hời này và đã được “giá trị thặng dư” xứng đáng.
4. 3. Tổ ê-kip làm phim hoàn hảo
Nói đến sự hoàn thành một bộ phim, phải nói đến những khâu cơ bản nhất như kịch bản, diễn viên, quay phim, v.v…. Xem một bộ phim Hàn Quốc người ta thấy toát lên sự ăn ý của ê-kíp này; sự nhập vai của diễn viên vào kịch bản, cái thần của nhà quay phim bắt trúng ý tưởng của nhà biên kịch…
4. 3. 1. Diễn viên
Làm nên thành công của phim Hàn là những tên tuổi diễn viên khả ái. Hầu hết việc tuyển chọn diễn viên ở Hàn rất khắt khe, trước hết phải là ngoại hình bắt mắt, sau đó mới đến diễn xuất. Chính vì vậy mà lớp diễn viên trẻ của Hàn Quốc ai cũng mang nét đẹp lý tưởng, từ ánh mắt đến dáng người, từ khoé môi đến làn da. Lợi thế đó góp phần không nhỏ đánh trúng vào thị hiếu người xem: vốn thích chiêm ngưỡng cái đẹp. Song nếu chỉ ngoại hình đẹp thì diễn viên Hàn sao có thể đứng vững trong lòng người hâm mộ. Bề ngoài chỉ là một yếu tố làm đòn bẩy cho thành công, cốt lõi nhất – cái trục chính của đòn bẩy – phải là diễn xuất. Xem phim Hàn, người ta như thấy diễn viên đang diễn tả chính cuộc đời của họ vậy. Họ vui, khóc, giận, thương với một tình cảm chân thực, điều mà lớp diễn viên trẻ Việt Nam phải học tập nhiều. Đặc biệt, họ luôn tìm kiếm cái mới với sự năng động của tuổi trẻ luôn muốn thử sức mình ở những vai diễn khác nhau, tránh việc gò mình vào một tuýp người đơn nhất. Người ta không chỉ thấy diễn viên Hàn đóng phim hiện đại rất hay mà còn thấy sự hóa thân tài tình trong những phim cổ trang - vốn đòi hỏi rất khe khắt. Diễn viên đóng phim cổ trang không chỉ cần ngoại hình đặc sắc, đẹp những nét đẹp cổ điển mà phải có vóc dáng cao sang, quyền quý cộng với diễn xuất sắc sảo và khả năng nói theo ngôn ngữ ngày xưa. Nhung dám đối mặt với thách thức, các diễn viên Hàn Quốc đã thử sức mình trong những thước phim cổ trang dài tập, đưa đến cho khán giả hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một So Ji Sub”nóng như lửa” và yêu cháy bỏng trong “Giày thuỷ tinh” lại cũng là một chàng tướng quân đẹp trai, dũng cảm, có trái tim chung tình trong “Thiên niên chí ái”. Một Kim Hyun Soo đầy nữ tính và bản lĩnh trong “Giày thuỷ tinh” khi bước vào “Trương Thuỷ Bình” lại là một Kim Hyun Soo táo bạo, sắc sảo và có những “bước tiến gợi cảm” mà từ trước đến nay luôn bị bản thân cô tránh né. Một Bae Young Joon lãng mạn, hào hoa trong những câu chuyện tình yêu đương đại, bỗng chốc hóa thân thành một thanh niên phong lưu thời Choson. Và làm sao ta có thể quên được một Lee Young Ae nhân ái, dịu dàng và rất bản lĩnh trong “Nàng Dae Jang Kum”. Còn rất nhiều những gương mặt nữa đã tạo nên một “kỳ tích” điện ảnh sáng lạn như ngày hôm nay.
4. 3. 2. Kịch bản
Một yếu tố nữa vô cùng quan trọng mang lại thành công của phim Hàn chính là kịch bản. Nếu không có một kịch bản tốt thì dù diễn viên mỹ miều, âm nhạc trang phục và cảnh quay hiện đại đến đâu cũng không thể làm nên một tác phẩm hay. Nếu gọi đạo diễn là “vua” thì ở Hàn Quốc, nhà biên kịch có một vai trò quan trọng chẳng thua kém đạo diễn, nên có thể gọi họ là “đại quan” trên phim trường. Theo thống kê năm 2004 vừa qua, các hãng truyền hình Hàn Quốc đã sản xuất hơn 18 000 tập phim. Tính trung bình mỗi phim 20 tập thì họ đưa ra thị trường đến 900 bộ phim. Quả là một con số khổng lồ mà ngay đến Trung Quốc, nơi có sản lượng lớn về phim truyền hình cũng phải giật mình thán phục. Để có đủ một lượng kịch bản dồi dào như vậy thì họ cần một lực lượng biên kịch hùng hậu. Hiện nay ở Hàn Quốc có trên 700 biên kịch chuyên nghiệp trong số 1700 hội viên của Hiệp hội tác giả và 3/4 là biên kịch nữ (theo báo “Điện ảnh kịch trường Việt Nam” số 293 năm 2004 trang 16). Nhìn qua những con số, điều chúng ta dễ nhận thấy là sản lượng phim dù đã rất lớn nhưng so với số lượng biên kịch thì vẫn còn thấp. Song điều chúng ta cần thấy là vai trò của nhà biên kịch rất lớn đối với một bộ phim.
Quy trình làm kịch bản của phim Hàn diễn ra rất quy củ và đó chính là một nguyên nhân cho ra đời những bộ phim ăn khách. Thông thường, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc phải mất hơn 2 năm thai nghén và vai trò của nhà biên kịch được thể hiện ngay từ lúc ban đầu. Có nghĩa là ban giám đốc hãng sẽ bàn bạc đề tài và ý đồ kịch bản với biên kịch; sau đó bộ ba đạo diễn – biên kịch – nhà sản xuất (giám đốc sản xuất) cùng lên kế hoạch kịch bản, chọn cảnh, chọn diễn viên….
Nói về nội dung phim Hàn, thử đặt câu hỏi so sánh, tại sao cũng chỉ là những chuyện tình xảy ra thường ngày, mà phim Hàn lại có sức hấp dẫn như vậy? Hãy nghe những lý do từ những người trong ngành đến những khán giả thường ngày, họ nói gì. “Phim Hàn Quốc có cốt truyện hay và diễn xuất tốt”, Frank Rittman, Phó chủ tịch Hiệp hội phim Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bình luận. Đạo diễn Trần Thế Dân nhận xét: “Phim điện ảnh Hàn Quốc đa dạng trong màu sắc và hình thức thể hiện. Mỗi vấn đề mà tác phẩm đề cập đều có sự “bạo liệt” trong cách giải quyết mâu thuẫn. Tính cách nhân vật cực kỳ mạnh mẽ”. Khán giả truyền hình tâm sự: “Lời thoại phim Hàn Quốc rất gần gũi với đời thường như lại có tính giáo dục cao, phim không lên gân cả về lời thoại cũng như diễn xuất. Tình tiết trong phim, cách xử lý cá tình huống thông minh, có tình có lý của các đạo diễn. Xem xong phim tôi đều cảm nhận được mọi chuyện trên phim đều như đã và đang xảy ra xung quanh cuộc sống của mình và rút ra được cho mình những bài học”. Một khán giả Trung Quốc nói: “Hồi hộp, lôi cuốn, cảm giác gần gũi giống như trong cùng một gia đình đã xóa tan cảm giác xa cách, kể cả với khán giả ngoại lai, dù thực tế văn hóa Trung Hoa và Hàn Quốc có khác nhau”(theo trang web www.vnn.net). Theo tôi nghĩ có thể tóm lại ở những đặc điểm sau đã đưa tới thành công của phim Hàn:
- Hư cấu từ những chi tiết thật trong cuộc sống
Bên cạnh một cốt truyện lôi cuốn với nhiều cao trào, dù vẫn có những điều phi lý, nhưng ở phim Hàn sự hư cấu bao giờ cũng bắt nguồn từ những chi tiết thật trong cuộc sống. Những vấn đề nổi cộm của xã hội được thể hiện khá chi tiết vừa chân thực vừa khéo léo, nhất là câu chuyện mang “tính nhân loại” của các bà lắm điều ganh tị, hơn thua giữa chốn thị trường trong mua bán, trong chức vụ, giữa các gia đình thông gia giàu nghèo, gắn liền với những ham muốn, những dục vọng, những thắng lợi cùng thất bại trong kinh doanh, trong làm ăn kinh tế xen lẫn những xung đột mâu thuẫn mang tính kịch sâu sắc. Và công chúng dường như “xem phim cảm thấy có mình ở trong”.
Điều đó là nhờ vào những nhà biên kịch Hàn Quốc vốn rất ý thức được một chân lý: Nghệ thuật muốn thăng hoa thì phải có gốc rễ từ hiện thực, giống như cánh diều dù có bay cao bay xa đến đâu nó vẫn cần phải có một sợi dây nối với mặt đất. Nhà biên kịch Go Bong Hwang cho biết: “Ngoài nội dung, yêu cầu hàng đầu đối với chúng tôi là lời thoại. Tuỳ theo ngữ cảnh mà chúng tôi viết lời thoại nhưng tính chân thực luôn được đặt lên trước tiên”. Trong kịch bản của những bộ phim cổ trang, tính chân thực cũng rất được coi trọng. Biên kịch Kim Young Hyun tâm sự: “Khi viết kịch bản “Nàng Dae Jang Kum”, tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm đọc những tư liệu liên quan đến thời đại Chosun để hiểu người xưa ăn nói ra sao và có những thói quen nào. Tôi đã cố gắng xây dựng lời thoại sao cho thật gần gũi, giống như thoại sân khấu và chỉ mong được người xem chấp nhận. Chính vì vậy mà khi xem, công chúng đã được tiếp cận với một nét văn hóa rất độc đáo trong cung đình ngày xưa mà không hề thấy bị chênh giữa lịch sử và phim ảnh(dẫn theo báo “Điện ảnh kịch trường Việt Nam” số 293 năm 2004 trang 17).
- Chất Hàn Quốc trong phim
Nắm bắt được thị hiếu người xem, phim Hàn có một lối đi riêng. Viết về tình yêu, các tình tiết trong phim thường chậm. Đó là một khoảng lắng giữa hai tâm hồn đang ngập tràn những suy tư và một bản nhạc trữ tình nhẹ nhàng cất lên như một điểm nhấn vào lòng khán giả, hay cái cách nói ngất lửng của những đoạn cao trào đầy nước mắt: “Em… xin… lỗi”. Đó là thời gian cho những diễn biến nội tâm phát triển, rất phù hợp với những người xem lớn tuổi. Còn giới trẻ được thu hút bởi hai thể loại phim hiện nay đang được ưa chuộng là phim găngxtơ và phim hài. Nói là găngxtơ nhưng nó không có những đoạn phim bạo lực như Mỹ mà nó là găngxtơ hài nên được người dân châu Á đón nhận rất nhiệt tình. Nhiều người không thích xem phim Mỹ, chẳng hạn bộ phim “Mike Hammer” bởi lẽ quá căng thẳng, nhiều cảnh bạo lực, bắn giết ly kỳ, đuổi bắt giật gân xen lẫn tình yêu nhộn nhạo, bừa bãi. Người ta thích xem phim Hàn hơn bởi xuất phát từ yêu cầu xem phim là phải được thoải mái, giải trí sau một ngày làm việc mệt nhoài. Có lẽ cũng đúng như thế, dù đứng ở góc độ nào, muốn công chúng tiếp nhận một món ăn tinh thần dù xa lạ hay gần gũi, trước hết cần tạo được niềm hưng phấn thực sự, không bị gò ép theo những chuẩn mực giáo điều định sẵn, không nhất thiết cứng nhắc là phim nào cũng phải là cỗ xe chở đầy đạo lý.
Tính triết lý trong phim Hàn đi vào lòng người thật nhẹ nhàng. Qua một câu nói “Tôi mang quốc kỳ Hàn Quốc trong tim, tôi tự hào và sẽ học tập vì nó, để không hổ thẹn là người Hàn Quốc” (trích trong phim “Chuyện tình Havard”) ta thấy một du học sinh không chỉ có quyết tâm học tập mà còn mang trong mình ý thức tự tôn dân tộc rất cao. Và cũng chỉ một câu nói: “Con hãy nhớ, con nấu ăn không chỉ nấu một món ăn, mà còn gửi gắm tình cảm của con đối với người thưởng thức món ăn đó”, ta thật khâm phục nghệ thuật ẩm thực của đất nước kimchi, trong ẩm thực bao hàm cả tấm tình con người.
- Khán giả quyết định số phận nhân vật
Theo tôi, đây là một yếu tố đặc biệt khiến phim Hàn có được những thành công hơn mong đợi và cũng tạo nên một nét riêng, một kinh nghiệm mà nền điện ảnh Việt Nam cần học tập.
Từ lâu rồi phim Hàn thực hiện hình thức làm phim cuốn chiếu, tức là vừa viết, vừa quay vừa phát sóng. Bởi vậy nhà biên kịch chỉ cần hoàn thành 1/3 kịch bản chi tiết là phim có thể bấm máy. Phần còn lại sẽ được viết nhanh hay chậm tuỳ theo tiến độ quay và quan trọng hơn là phụ thuộc vào phản ứng, ý kiến, yêu cầu của công chúng. Theo nhà biên kịch Oh Soo Yeon (tác giả “Lá thư tình”, “Kết hôn”) cho biết: “Làm phim là cho khán giả nên chúng tôi rất quan tâm đến ý kiến của họ. Đôi khi, tác giả chỉ là người tạo ra nhân vật, còn chính công chúng mới là người quyết định số phận của nhân vật”(dẫn theo báo “Điện ảnh kịch trường Việt Nam” số 293 năm 2004 trang 16). Với hình thức này, các nhà làm phim có thể kịp thời sửa đổi, thay đổi và điều chỉnh kịch bản sao cho phù hợp với yêu cầu của người xem.
Gần đầy, sự tham gia đóng góp ý kiến của khán giả ngày càng tăng. Nữ biên kịch Park Ji Huyn cho biết, sau khi 18 tập phim “Tình yêu trong sáng” phát sóng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người xem, thông qua trong web của bộ phim, công bố nói chung 2 tập cuối để khán giả đọc góp ý. Kết quả, là phải viết đến 3 đoạn kết thì người xem mới hài lòng. Bà tâm sự: “Lúc đầu tôi muốn trừng phạt nhân vật Young Mi do Kim So Yeon đóng vì cô ta đã gây ra rất nhều lỗi lầm. Song, cuối cùng tôi đành chiều khán giả, tạo ra một tai nạn giao thông để Young Mi chỉ mất nhớ, trở lại là một thiếu nữ thánh thiện – một con người khác” (dẫn theo báo “Điện ảnh kịch trường Việt Nam” số 293 năm 2004 trang 16). Cũng như vậy, hai nhà biên kịch Choi Wan Kyu và Song Eun Hye đã không thể bảo vệ ý đồ của mình khi muốn viết một cái kết bi kịch với các chết của nhân vật nữ chính Lee Soo In (do Kim Tae Hee đóng) trong phim “Chuyện tình ở Havard”. Vì đã quá chán ngán những cái chết bi thảm của các nhân vật chính trong các phim “Nấc thang lên thiên đường”, “Xin lỗi, anh yêu em”… nên khi biết nhân vật Lee Soo In mắc bệnh ung thư, khán giả đã ùn ùn đổ bộ lên mạng lên tiếng yêu cầu ban giám đốc SBS “Bằng mọi giá phải giữ lại mạng sống của Lee Soo In”. Thế là ở tập cuối, nhân vật này đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, sánh vai cùng Kim Hyung Woo (do Kim Rae Won đóng) bước vào thánh đường làm lễ cưới. Khán giả rất hài lòng với cái kết happyend này. Quả thật, yếu tố này đã giúp cho phim Hàn có được cách xử lý tình huống tích cực tránh được những phản ứng quay lưng lại từ phía khán giả.
4. 3. 3. Sự đóng góp từ đội ngũ hậu cần chuyên môn.
Đó là những nhà quay phim, thiết kế thời trang, tạo tiếng động… Họ là những con người đã góp phần không nhỏ cho thành công của một bộ phim. Bên cạnh đó là những nhân viên đại sứ quán, những tổ chức phi chính phủ đã quảng bá hình ảnh Hàn Quốc năng động và một trào lưu điện ảnh xứ sở kim chi ra các nước trên thế giới. Chính sự kết hợp những khâu làm phim với nhau, những ủng hộ về mặt kinh phí và hình thức “tiếp thị” đã tạo nên những mắt xích nối lại với nhau thành một vòng tròn hoàn hảo của một bộ phim.
4. 4. Hình thức quảng cáo cho phim
Đây là một khâu quan trọng giúp khuếch trương sự phát triển của những bộ phim Hàn. Tại thủ đô Seoul, biển quảng cáo phim nội treo la liệt trên các đường phố, với mật độ dày đặc và hình thức bắt mắt nhằm thu hút sự chú ý công chúng. Quảng cáo trên truyền hình trước khi phim trình chiếu cũng là một phương thức được áp dụng phổ biến. Hơn nữa, xuất phát từ mục tiêu xuất khẩu điện ảnh và việc nhận thức rào cản ngôn ngữ đã tạo động lực cho các kênh truyền hình Hàn Quốc xây dựng phụ đề anh ngữ cho phim Hàn. KBS là hãng đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu người xem 24/24 tiếng mỗi ngày với một lực lượng phiên dịch ra tiếng Anh nhằm phục vụ người xem trên toàn cầu. Thật là một sự nhạy bén và khôn ngoan của điện ảnh Hàn Quốc! Thêm vào đó các công ty hay các hãng phim truyền hinh Hàn Quốc còn xúc tiến việc Hallyu bằng những tài trợ tiền bản quyền phim khi xuất khẩu, hoặc miễn phí hoặc là với giá rẻ cho phía Việt Nam. Từ đó, họ xâm nhập vào thị trường giải trí nước ta với một mật độ chiếu phim Hàn rất cao trên truyền hình cùng cá thủ tục nhập khẩu thuận tiện mà cơ hội quảng cáo với giá cả hợp lý lại nhiều.
Chương V: HẠN CHẾ CỦA LÀN SÓNG ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC
Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc đã có được những thành công lớn là thế, song không phải là không có những hạn chế. Gần đây, những đợt sóng phản đối làn sóng Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước. Tại Trung Quốc, đã có những lời nhận xét không mấy thiện cảm từ phía một số đạo diễn về diễn viên Hàn Quốc sang đóng phim Trung Quốc. Có thể dẫn ra đây một dẫn chứng về lời nhận xét của Hồ Tuyết Dương - đạo diễn thực hện bộ phim “Chung cư những người tri thức” khi ông nói về Ahn Jae Wook: “Diễn viên Hàn Quốc đều là những con người “vĩ đại”. Bản thân tôi thấy không cần thiết phải bỏ một số tiền thật lớn để mời họ, vì Trung Quốc đâu thiếu diễn viên trẻ tài năng”(dẫn theo báo “Điện ảnh kịch trường” số 290 năm 2004 trang 35). Ông khẳng định rằng bộ phim sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nếu vai diễn của Ahn giao cho một diễn viên Trung Quốc đảm nhận. Một số đạo diễn khác đã thẳng thắn tuyên bố trước giới báo chí rằng họ không thích phim của mình có ngôi sao Hàn Quốc tham gia. Họ cho rằng chính sự thiếu hiểu ý trong quan hệ hợp tác đã làm giảm đi đáng kể hiệu quả diễn xuất.
Còn tại Nhật Bản, một tên tuổi nổi tiếng trong giới điện ảnh – Kitano Takesi - đã phát biểu trên truyền hình rằng: “Văn hóa Hàn Quốc thực ra chỉ là sự bắt chước theo Nhật Bản, vậy tại sao mọi người lại si mê nhiều ngôi sao của trào lưu Hàn Quốc đến vậy?”. Đó là những nhận xét của một số cá nhân, có thể không nên coi đó là suy nghĩ chung của cả một đất nước, song cần phải nhìn nhận lại thực tế. Đó là cái nhìn của những nhà chuyên môn và có phải điện ảnh Hàn Quốc đã tạo một cảm giác nhàm chán? Tôi đã đem câu hỏi này đi đến phỏng vấn một số người. Có người đã nói với tôi rằng: bây giờ họ không thích phim Hàn lắm như trước đây, vì lúc nào cũng thấy ung thư, rồi chết chóc, khóc lóc, cứ lặp đi lặp lại một kết truyện. Có người thì bảo rằng đó chỉ là một số hạn chế thôi, chứ nhìn chung họ vẫn thích xem phim Hàn. Vậy đấy, không một cái gì là trọn vẹn cả, ngành nghệ thuật thứ 7 nằm ngoài quy luật đó.
Trong phim Hàn vẫn còn những mặt không phù hợp với nếp sống xã hội Việt Nam. Đấy là cảnh thanh niên uống rượu rồi ẩu đả, thất tình sa vào rượu, con gái cũng say rượu rồi tự tử, cảnh ông chủ đánh đập công nhân, thầy giáo đánh học trò… Tất cả những hiện tượng ấy phần nào đều có thể hiểu được. Đó là những mặt mà hàng ngày báo chí vẫn phê phán gay gắt cho rằng phim Hàn không có nội dung gì, ngoài mục đích quảng cáo hàng hóa, nhất là mỹ phẩm không hơn không kém, khiến cho nam nữ thanh niên ta chạy đua theo mốt. Song cũng không vì thế mà ta có thể phủ nhận những mặt tích cực của phim Hàn.
Trong công nghệ xuất khẩu phim Hàn ra Mỹ và các nước châu Âu, châu Phi, mặc dù việc xuất khẩu phim ra nước ngoài ghi được mức kỷ lục lần này song để thâm nhập sâu hơn thì điện ảnh Hàn còn phải vượt qua nhiều thách thức. Hiện nay, chưa có nhiều phim Hàn giành giải cao qua các kỳ Liên hoan phim quốc tế dù những diễn viên của họ có thể được rất nhiều người nước ngoài hâm mộ.
Một hạn chế nữa mà tôi thấy trong trào lưu điện ảnh Hàn Quốc đó là tính chất hai chiều trong trao đổi giao lưu văn hóa hình như còn khá mờ nhạt, điển hình là ở Việt Nam. Hình ảnh Hàn Quốc trong mắt người dân Việt Nam nhiều đến thế, nhưng ở xứ sở kim chi, họ đã biết được bao nhiêu về một Việt Nam hôm nay đang khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, hội nhập toàn cầu. Vì vậy mà tôi thiết nghĩ, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự trao đổi điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung sang bên nước bạn.
Chương VI: BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Phim Việt Nam đã học tập được điều gì từ làn sóng điện ảnh Hàn Quốc? Ta có thể thấy được nguyên nhân thành công của cơn sốt phim Hàn trên khắp châu á và lan sang các khu vực khác không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ phía người dân, đó chính là sự kết hợp ở mặt vĩ mô và vi mô. Phim Việt Nam bây giờ vẫn còn nhiều điều lưu tâm. Kinh phí làm phim ít, trình độ kỹ thuật còn rất bất cập, chưa có được nhân vật của thời đại mình (hay còn gọi là nhân vật thời cuộc)… Có phải là nền điện ảnh Việt Nam chưa biết khai thác những tiềm năng vốn có? Bởi đã có một số bộ phim làm theo công nghệ cao vốn lớn nhưng không gây được tiếng vang nào ví dụ như “Lẵng hoa tình yêu” của đạo diễn Vinh Hương, “Tình yêu và truyền thuyết” của hãng phim á châu… Thực sự ngành điện ảnh Việt Nam vẫn chỉ như một đứa con rơi của điện ảnh châu á. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, nền điện ảnh Hàn Quốc đã thành công, vậy ta cần phải học từ nước bạn để có thể vươn mình lên và không biết chừng sẽ có một làn sóng điện ảnh Việt Nam trên toàn cầu. Để được như thế, theo ý kiến của tôi, điện ảnh nước ta cần:
- Một đội ngũ làm điện ảnh chuyên nghiệp là yếu tố cơ bản. Các nhà làm phim Việt Nam hiện nay không còn tuân theo những quy trình nghệ thuật và kỹ thuật như một nền điện ảnh chuyên nghiệp cần phải có. Vì vậy chúng ta cần xây dựng và chuyên môn hóa tất cả các khâu chuyên môn làm phim từ viết kịch bản, chỉ đạo trường quay, thiết kế mỹ thuật đến công tác tuyển chọn diễn viên phát hành phim… Điều đó cần có một công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế: Yếu lĩnh vực nào thì đi sâu nghiên cứu, bồi dưỡng lĩnh vực đó.
- Cần tạo một nét riêng, mới lạ mang bản sắc Việt Nam để thu hút người xem người ta đã thấy những phong cách làm việc “rất Hàn” những phong tục lối sống “rất Hàn”, những trang phục, khung cảnh “rất Hàn” trong những bộ phim Hàn. Điều đó không chỉ tạo một sức lôi cuốn mà còn rất có ý nghĩa trong việc lan truyền bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới. Vậy tại sao điện ảnh Việt Nam không tìm cho mình một con đường đi riêng rất nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam có thể trở thành hình tượng trên phim ảnh để mỗi khi xem một bộ phim xong, người ta thấy ngay “chất Việt” thấm đượm trong đó. Thực tế đã cho thấy, hiện nay trên thị trường đã có một số phim giải trí “chạy theo mốt” chúng có thể dễ dàng đạt doanh thu từ một tỷ đến hàng chục tỷ nhưng không để lại được dư âm lâu dài sau khi những hình ảnh cuối cùng khép lại. Vậy nên, điện ảnh Việt Nam trên con đường hội nhập phải có một bản lĩnh và lối đi riêng.
- Theo tôi, hiện nay công tác lý luận phê bình điện ảnh Việt Nam còn manh mún và công tác đào tạo bất cập so với nhu cầu thực tiễn, chính bởi vì ta chưa có một chiến lược lâu dài. Đó là chiến lược nghiên cứu thị hiếu khán giả và quảng bá các tác phẩm điện ảnh. Bởi lẽ công chúng hôm nay luôn có nhiều cái để xem phải làm sao bắt chúng được tâm lý của khán giá mới là điều quan trọng. Yếu tố quảng bá cũng được coi là que diêm khơi nguồn cho mức độ ảnh hưởng và quan tâm của người xem phim Hàn Quốc đã thành công một phần nhờ vào chính sách quảng bá đó.
- Một giải pháp nữa theo tôi cũng rất cần cho điện ảnh Việt Nam hôm nay. Đó là sự “bảo trợ” nền điện ảnh nước nhà trước sự xâm nhập của điện ảnh nước ngoài. Phim Hàn Quốc đã từng phải đưa ra luật định hạn chế phim Mỹ chiếu tại Hàn Quốc (chiến dịch Quata) và điều luật này đã giúp cho phim Hàn dành lại được vị trí trên thị trường giải trí trong nước trước sự lấn sân của Hollywood. Việt Nam bây giờ đang phải đối mặt với một lượng khá lớn phim nước ngoài tràn vào nước ta. Vì vậy chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế nước để có thể dành lấy tình cảm khán giả nội địa.
- Cuối cùng tôi nghĩ việc giao lưu điện ảnh nước nhà với các nền điện ảnh lớn trên thế giới khá hạn chế. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường trao đổi hợp tác hai bên cùng có lợi. Hàn Quốc đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước mình ra thế giới. Việt Nam cũng cần học tập Hàn Quốc để một ngày kia đâu đâu cũng biết tới Việt Nam không chỉ vì kinh tế mà cả về văn hóa nghệ thuật. Tôi thiết nghĩ điều đó cần có những giả pháp như:
- Chính phủ phải có một chính sách quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn cầu và trên mọi lĩnh vực
- Người dân phải tích cực hưởng ứng, thúc đẩy quá trình này bằng sự năng động của bản thân hòa với ý thức dân tộc.
- Tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế với các nước sẽ giúp chúng ta giới thiệu bản sắc dân tộc và học tập những cái hay, cái đẹp của các nước bạn.
- Việc lập những trang thông tin về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên toàn cầu cũng là một bước để biến ước mơ về “làn sóng Việt Nam trên thế giới” thành hiện thực.
Tôi nghĩ, Việt Nam cần hội nhập toàn cầu trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa để có một chỗ đứng vững chắc trên diễn đàn quốc tế. Nhưng hòa nhập không đồng nghĩa với hòa tan, chúng ta phải xây dựng một hình ảnh mang tính dân tộc. Điều đó Hàn Quốc đã làm và đã thành công.
Chương VII: KẾT LUẬN
Tương lai của trào lưu điện ảnh Hàn Quốc sẽ đi về đâu? Nó sẽ tiếp tục gặt hái những thành công trên đỉnh cao vinh quang hay sẽ lụi tàn vào dĩ vãng? Điều đó còn chờ đợi vào tương lai. Nhưng tôi tin chắc chắn một điều rằng chúng ta sẽ không bao giờ quên được thời đại “hoàng kim” này của ngành nghệ thuật thứ 7 xứ sở hoa Mukung. Vẫn còn đó những khen chê từ phía khán giả nhưng là để đóng góp cho điện ảnh Hàn Quốc phát huy những mặt mạnh và hạn chế, khắc phục những thiếu sót để ngày càng có chỗ đứng bền vững trong lòng người hâm mộ.
Trong phạm vi báo cáo nhỏ này, tôi chỉ xin trình bày một vài ý kiến, phân tích đánh giá của bản thân cũng như những ý kiến tư liệu thu thập được từ những bài báo thông qua mạng Internet về làn sóng điện ảnh Hàn Quốc của những năm đầu thế kỷ 21. Với vốn hiểu biết còn hạn hẹp, chắc rằng bài viết của tôi còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của thầy cô và bạn bè.
Tài liệu tham khảo
Báo “Điện ảnh ngày nay” số 69 năm 2000, số 79 năm 2001, số 197 năm 2004.
Báo “Điện ảnh kịch trường Việt Nam” số 293 năm 2004.
Báo “Điện ảnh kịch trường” số 290 năm 2001.
Trang web www.vnn.net.
Trang web www.hanquocngaynay.com
Trang web www.bugs.co.kr
Trang web www.solid07.net
Sách “Việt Nam - Hàn Quốc mối quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” Hà Nội, tháng 12 – 2005
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Làn sóng điện ảnh Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ XXI.doc