Mục lục Phần I: Khái quát lịch sử ra đời và sự phát triển của Gia Định Báo.
1. Lịch sử ra đời của Gia Định Báo.
1.1 Nguyên nhân ra đời
1.2 Lịch sử ra đời Gia Định Báo.
1.3 Ngày phát hành số báo đầu tiên.
1.4 Gia Định Báo tồn tại trong bao lâu?.
2. Tiến trình phát triển của Gia Định Báo.
Phần II: Cơ cấu tổ chức của Gia Định Báo.
1. Bộ máy quản lý của Gia Định Báo.
2. Chủ bút và cộng tác của Gia Định Báo.
2.1 Sơ lược tiểu sử một số cá nhân tiêu biểu của Gia Định Báo.
Phần III: Nội dung, hình thức và đặc điểm ngôn ngữ của Gia Định Báo.
1.Nội dung của Gia Định Báo.
2. Hình thức trình bày của Gia Định Báo.
3. Đặc điểm ngôn ngữ của Gia Định Báo.
Phần IV: Ý nghĩa của Gia Định Báo.
1. Đóng vai trò tiên phong trong tiến trình phát triển báo chí Việt Nam
2. Đóng góp một mảng mới vào nội dung của báo chí trong khu vực.
3. Đóng vai trò to lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ.
4. Gia Định Báo là cơ sở để nghiên cứu lịch sử Việt Nam
Phần phụ lục:
Thứ vụ - một chuyên mục giá trị của Gia Định Báo (nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hà)
Giá trị của Gia Định Báo.
Tin tức chiến sự trên Gia Định Báo (Nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương)
Tài liệu tham khảo.
24 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 7642 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Lịch sử ra đời và sự phát triển của Gia Định Báo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chánh tổng tài Gia Định Báo, đồng thời có thể xác định là từ sau năm 1873, hai ông vẫn còn đảm trách phần dịch các văn kiện hành chánh trên tờ báo này, nhưng không với tư cách là Chánh tổng tài. Giả thuyết Trương Minh Ký làm Chánh tổng tài từ năm 1881 đến 1897 của học giả Bằng Giang là tương đối hợp lý hơn, vì trong thời gian này, người ta thấy ông xuất hiện hầu như trên mỗi số Gia Định Báo, bài viết của ông phong phú và vào những năm 1890, chính ông đã diễn âm và đăng trên Gia Định Báo nhiều tác phẩm văn hoc dân gian ít người được biết đến.
Điều đáng ngạc nhiên là về bộ máy quản lý của tờ Gia Định Báo không thấy tài liệu nào đề cập đến hai nhân vật có tên Nguyễn Văn Giàu và Diệp Văn Cương cả. Những đây chính là hai người phụ trách cuối cùng của tờ báo này. Cũng trên giai phẩm Bách Khoa số 416 kể trên, có trình bày một phần nghị định ngay 20/9/1908 của Thống đốc Nam Kỳ Outrey đăng trên Tập san hành chánh Nam Kỳ, trang 2864, với nội dung tạm dịch như sau: “…ông Diệp Văn Cương, thông ngôn hạng nhất ngạch châu Âu được giao trách nhiệm biên tập tờ Gia Định Báo kể từ ngày 21/5/1908, thay thế ông Nguyễn Văn Giàu được giao nhiệm vụ khác. Với cương vị này, đương sự sẽ được lãnh phụ cấp 250 đồng (piastre) dự liệu định ngày 27.12.1901”
Ông Diệp Văn Cương thì hầu như ai cũng biết tiếng, là người chủ trương tờ Phan Yên Báo những năm 1898-1899, là một thông ngôn giỏi trong chính quyền thuộc địa, đồng thời là chồng người cô ruột của vua Thành Thái. Riêng ông Nguyễn Văn Giàu thì gần như xa lạ với giới nghiên cứu.
Với những dữ liệu kể trên thì những người quản lý tờ Gia Định Báo là:
+ Ernest Potteaux từ 4.1865 đến 9.1869
+ Trương Vĩnh Ký từ 9.1869 đến 1872
+ J.Bonet từ 1872 đến 1881
+ Trương Minh Ký từ 1881 đến 1897
+ Nguyễn Văn Giàu từ 1897 đến 1908
+ Diệp Văn Cương từ 1908 đến 1909
2. Chủ bút và cộng tác của Gia Định Báo
Những cá nhân viết cho Gia Định Báo chủ yếu là những người quản lý tờ báo này như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Giàu, Diệp Văn Cương, J.Bonet, E. Potteaux. Ngoài ra còn có các nhân vật khác như Vũ Thành Đức, Lê Văn Thể, Trần Đại Học, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Pô-luýt Lương, Pô-luýt Tôi, Cutte Panjas, Séguin…
2.1 Sơ lược tiểu sử một số cá nhân tiêu biểu của Gia Định Báo
2.1.1 Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký (sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 – mất ngày 1 tháng 9 năm 1898) khi mới sinh có tên là Trương Chánh Ký, tự Sĩ Tải, theo đạo Công giáo nên có tên thánh: Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn và là nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, được ghi trong Bách khoa Tự điển Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ 19. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật.
Trương Vĩnh Ký thiết tha với nền văn học Quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí Quốc ngữ Việt Nam. Ông sáng lập, là tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo), cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Tên ông từng được đặt tên cho trường Trung học Pétrus Ký nay là Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tiểu sử
Trương Vĩnh Ký sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Ông là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Năm ông 3 tuổi, thân phụ ông được triều đình cử đi sứ sang Cao Miên rồi mất ở bên ấy.
Nhờ mẹ tần tảo, lên 5 tuổi Trương Vĩnh Ký được đi học chữ Hán tại Cái Mơn. Năm 9 tuổi, ông được Linh mục Tám đem về nuôi, vì nhớ ơn ông Thi (cha của Pétrus Ký) đã hết lòng che giấu ông lúc nhà Nguyễn cấm đạo Công giáo gắt gao. Ông Tám mất, hai nhà truyền giáo người Pháp (thường gọi là Cố Hòa, Cố Long) thấy Pétrus Ký vừa thông minh vừa chăm học, nên đem về trường dòng ở Cái Nhum dạy chữ Latinh. Năm 1848, Cố Long đưa Pétrus Ký sang học tại Chủng viện Pinhalu ở Phnom Penh (Cao Miên).
Năm 1851, trường này chọn 3 học sinh xuất sắc, trong số đó có Pétrus Ký, để cấp học bổng đi du học tại Chủng viện Giáo Hoàng ở Penang thuộc (Malaysia). Đây là một trường chuyên đào tạo các tu sĩ cho vùng Viễn Đông...
Năm 21 tuổi (1858), Trương Vĩnh Ký đang học đến nửa năm thứ 6 (chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp để chịu chức Linh mục) thì phải vội về nước vì mẹ ông qua đời. Lúc Pétrus Ký trở về quê hương Cái Mơn, cũng là lúc thực dân Pháp đem quân sang xâm chiếm Việt Nam (Đà Nẵng bị tấn công ngày 1 tháng 9 năm 1858). Vì thế, việc cấm đạo công giáo cũng diễn ra gay gắt hơn.
Cộng tác với Pháp
Không du học nữa, và cũng không thể ở quê nhà, Trương Vĩnh Ký chạy lên Sài Gòn vào tá túc nhà vị Giám mục người Pháp Lefèbre, và được ông này giới thiệu làm thông ngôn cho Jauréguiberry vào ngày 20 tháng 12 năm 1860. Năm 1861 Pétrus Ký thành hôn với bà Vương Thị Thọ (con gái ông Vương Ngươn, hương chủ làng Nhơn Giang (Chợ Quán) do Linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang mối mai và dời về cư ngụ ở Chợ Quán, Sài Gòn.
Ngày 8 tháng 5 năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn (Collège des Interprètes), ông được nhận vào dạy.
Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản xin Trương Vĩnh Ký đi theo làm thông ngôn. Sang Pháp, Pétrus Ký cùng phái đoàn nhà Nguyễn được triều kiến Hoàng đế Napoléon III, gặp nhiều nhân vật tên tuổi thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Ngoài ra, ông còn được sang thăm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và được yết kiến Giáo hoàng tại Rôma. Về nước, năm 1865, Trương Vĩnh Ký viết cho tờ Gia Định báo (tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên) do ông Ernest Potteaux làm quản nhiệm.
Năm 1866, ông thay thế Linh mục Croc làm Hiệu trưởng Trường Thông ngôn. Ngày 15 tháng 9 năm 1869, ông được Thủy sư đô đốc Pháp là Ohier bổ nhiệm làm chủ bút tờ Gia Định báo và tờ An Nam chính trị và xã hội. Ngày 1 tháng 1 năm 1871, Trường Sư phạm (École normale) được thành lập, Pétrus Ký được cử làm Hiệu trưởng.
Ngày 1 tháng 4 năm 1871, Pétrus Ký được Pháp phong hạng nhất huyện (hàm), được cử làm thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn. Năm 1873, Pétrus Ký được giao nhiệm vụ điều hành trường Tham biện Hậu Bổ (Collège des administrateurs stagiaires), dạy Việt và Hán văn và cũng bắt đầu viết sách.
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperré cử ông ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Năm 1877, ông là hội viên duy nhất và đầu tiên người Nam, được cử làm ủy viên hội đồng cai trị Sài Gòn.
Năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong hàm Viện sĩ (Officier d'Académie).
Năm 1886, Paul Bert (nghị sĩ, hội viên Hàn lâm, bác học gia sinh vật học) được cử sang Đông Dương làm khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vốn là bạn từ trước, nên Paul Bert mời Trương Vĩnh Ký ra Huế giúp việc. Đến Huế, Pétrus Ký được vua Đồng Khánh cho lãnh chức trong Cơ mật viện Tham tá, sung Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ. Ngày 11 tháng 11 năm đó, Paul Bert bất ngờ bị bệnh chết, Trương Vĩnh Ký bị nhóm thực dân không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi; và bản thân Pétrus Ký sau đó cũng bị triều đình Huế nghi kỵ và trù dập nên ông lấy cớ đau phổi xin từ chức về lại Sài Gòn dạy học tại trường Hậu Bổ, trường Thông ngôn và viết sách...
Cuối đời
Mặc dù đã trở về đời sống của một viên chức, nhưng Trương Vĩnh Ký vẫn bị người khác phe tìm cách hạ bậc lương và làm khó dễ việc vào ngạch giáo sư sinh ngữ Đông Phương của ông. Rồi năm 1888, trường Thông ngôn đóng cửa, Pétrus Ký gần như thất nghiệp.
Và khi trước, lúc còn được ưu ái, những sách của Trương Vĩnh Ký đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in, để phân phối cho học sinh. Nhưng từ khi bị hất hủi, lui về ẩn dật ở Chợ Quán, ông phải bỏ tiền riêng ra in ấn và tự phát hành. Sách ế ẩm khiến Pétrus Ký phải mắc nhiều nợ.
Năm 1887, sau khi đi công tác ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương, ông nghỉ hưu. Năm 1888, ông xuất bản tạp chí tư nhân Thông Loại Khóa Trình (Miscellanées) được 18 số (1888-1889). Sống trong hoàn cảnh buồn bã, túng quẩn, bệnh hoạn luôn, Pétrus Ký qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 1898.
Mộ phần và nhà ở khi xưa của ông (nay là nơi thờ phụng ông), hiện nằm nơi góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng thuộc Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.
Chức vụ, huân huy chương
Không những Trương Vĩnh Ký là một nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ mà ông còn là một học giả rất nổi tiếng. Trong quá trình hoạt động, ông đã được nhận các chức việc và huân huy chương:
- Nhận huy chương Dũng sĩ cứu thế của Tòa thánh La Mã ngày 1 tháng 10 năm 1863.
- Năm 1871, được cử làm hội viên Hội Nhân Văn và Khoa học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội nhân chủng học, Hội Giáo dục Á châu.
- Năm 1874, được phong giáo sư ngôn ngữ Á Đông, vì Pétrus Ký đã thông hiểu 27 sinh ngữ trên thế giới.
- Trong cuộc bầu chọn “ Toàn Cầu Bác Học Danh Gia” vào năm 1874, Pétrus Ký đã được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 “ Thế giới Thập Bát Văn Hào”.[4].
- Nhận huy chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha ngày 27 tháng 6 năm 1886.
- Trở thành hội viên Hội chuyên khảo về Văn hóa Á Châu ngày 15 tháng 2 năm 1876.
- Trở thành hội viên Hội chuyên học địa dư ở Paris ngày 7 tháng 7 năm 1878.
- Nhận huy chương Hàn Lâm Viện đệ nhị đẳng của Pháp ngày 17 tháng 5 năm 1883.
- Nhận Tứ đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam triều ngày 17 tháng 5 năm 1886.
- Nhận Bắc Đẩu Bội Tinh đệ ngũ đẳng của Pháp ngày 4 tháng 8 năm 1886.
- Nhận Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Pháp ngày 3 tháng 6 năm 1887
- Nhận Hàn Lâm Viện đệ nhất đẳng của Hoàng gia Cam Bốt.
- Vua Đồng Khánh ban cho ông chức Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ.
- Vua Khải Định ban hàm Lễ Bộ Tham Tri.
- Vua Bảo Đại ban hàm Lễ Bộ Thượng Thư.
- Trước đây, tên của ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng hòa đặt cho một ngôi trường trung học lớn ở Sài Gòn. Sau năm 1975, trường này được đổi tên là trường trung học Lê Hồng Phong.
Một số tác phẩm
Ông có rất nhiều tác phẩm (118 tác phẩm hoặc 121 tác phẩm), lược kê một số như:
-Truyện đời xưa
-Abrégé de grammaire annamite (Tóm lược ngữ pháp An Nam)
-Kim Vân Kiều (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên)
-Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine
- Cours de langue annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam)
- Voyage au Tonkin en 1876 (Đông Kinh du ký)
- Guide de la conversation annamite (Hướng dẫn đàm thoại An Nam)
- Phép lịch sự An Nam (Les convenances et les civilités annamites)
- Lục súc tranh công
....
2.1.2 Huỳnh Tịnh Của
Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) hay còn gọi là Paulus Của ("Paulus" ở đây đọc là "Phao-lô"), hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ.
Tiểu sử
Thời trẻ, Huỳnh Tịnh Của đi du học tại một trường công giáo ở Penang, Malaysia. Sớm tiếp thu tư duy nghiên cứu khoa học phương Tây, ông tinh thông cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm 1861, Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, làm Giám đốc ty phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn. Ngoài công việc của một viên chức chính phủ, ông còn lưu tâm giành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh báo trong một thời gian ngắn.
Mặc dù tinh thông cả Pháp văn lẫn Hán văn, tuyệt đại đa số các tác phẩm của ông được viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời bấy giờ vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Huỳnh Tịnh Của từng đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một bản điều trần cho vua Tự Đức, yêu cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được chấp nhận.
Tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa phương Tây, Huỳnh Tịnh Của cùng chia sẻ một quan niệm với Trương Vĩnh Ký, theo đó, xã hội Việt Nam có khả năng và cần vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật phương Tây về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế và chính trị, để canh tân, nhưng vẫn giữ gìn, đào sâu và phát triển văn hóa phương Đông cổ truyền để duy trì bản chất và bảo tồn độc lập.
Ông là một trong số ít người "Tây học" đầu tiên trước tác bằng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật phương Tây, nhưng vẫn không quên phổ biến văn hóa phương Đông cổ truyền. Sau và cùng với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của là người có công xây đắp rất nhiều cho nền văn chương quốc ngữ trong những bước đầu, nhất là ở Nam Kỳ.
Ông mất năm Đinh Mùi (1907), thọ 73 tuổi, an táng tại Bà Rịa.
Tác phẩm
Huỳnh Tịnh Của sáng tác cả thảy khoảng 17 tác phẩm. Có thể xếp chúng thành hai loại: loại biên khảo và loại phiên âm.
Loại biên khảo có nội dung phổ biến kiến thức hoặc sưu tầm phóng tác các tác phẩm đời trước, bao gồm:
1. Chuyện giải buồn, 2 tập, 112 truyện (in năm 1880 và 1885);
2. Maximes et proverbes (1882);
3. Gia lễ (1886);
4. Bác học sơ giai (1887);
5. Quan chế (1888);
6. Ðại Nam quấc âm tự vị, 2 cuốn (1895 và 1896);
7. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897);
8. Câu hát góp (1904);
9. Ca trù thể cách (1907).
Loại phiên âm, chuyển sang quốc ngữ những chuyện nôm xưa của các tác gia đời trước, bao gồm:
1. Quan âm diễn ca (in năm 1903);
2. Trần Sanh diễn ca (1905);
3. Chiêu Quân cống Hồ truyện (1906);
4. Bạch Viên Tôn Các truyện (1906);
5. Văn Doanh diễn ca (1906);
6. Thoại Khanh, Châu Tuấn truyện (1906);
7. Thơ mẹ dạy con (1907);
8. Tống Tử Vưu truyện (1907).
Đa số các sách trên đều đã thất truyền, chỉ còn tìm lại được ba cuốn là Ðại Nam quốc âm tự vị, Chuyện giải buồn và Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn.
2.1.3. Trương Minh Ký
Trương Minh Ký (sinh ngày 23 tháng 10 năm 1855, mất 11 tháng 8 năm 1900),biệt hiệu Thế Tải là học trò của Trương Vĩnh Ký. Ông thông Hán và giỏi Pháp văn, làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh Ký trên tờ Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách dạy Pháp văn.
Sự nghiệp
Ông hành văn cũng bình dân, mộc mạc như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, chuyên dịch chữ Hán ra quốc ngữ và sử dụng văn vần nhiều hơn văn xuôi.
Ông có được trao tặng:
- Huy chương Hàn Lâm Viện Pháp quốc (Officier d'académie) - Kim Khánh bội tinh của Nam triều và Hoàng gia Campuchia.
Ông mất vào ngày 11-08-1900, mộ ông được chôn cất trong nghĩa trang gia đình, nơi Trương Gia Từ nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Gò Vấp, Gia Định ( Gần Tổng Y Viện Công Hòa).
Tác phẩm
- Phong thần bá áp khảo
- Ấu học khải phong
- Trị gia cách ngôn
- Cổ văn chơn bửu
- Pháp học tân lương (Cours gradué de Langue-Francaise) 1895
- Recueil de Brochures sur l"histoire de la littérature Annamite, relié 1891
2.1.4. Diệp Văn Cương
Diệp Văn Cương (? - 1929), hiệu Thọ Sơn, bút hiệu Yên Sa, Cuồng Sĩ; là nhà báo, nhà giáo ở đầu thế kỷ 20. Ông được Vương Hồng Sển xem là nhân vật đại diện nhóm trí thức.
Thân thế và sự nghiệp
Diệp Văn Cương sinh tại Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Năm sinh của ông không rõ. Nhiều nhà nghiên cứu ghi năm sinh ông khác nhau như R. B. Smith ghi 1876, Nguyên Thăng ghi 1862, Lê Nguyễn thì ước đoán khoảng thập niên 1860.
Thuở nhỏ, nhà nghèo nhưng hiếu học, ông được chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ cho đi học tại trường Giám mục d'Adran. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp trung học, ông được chính quyền thực dân cấp học bổng du học ở Alger vào đầu thập niên 1880 và đỗ tú tài ở Pháp cùng với Nguyễn Trọng Quản (1865–1911).
Làm thầy vua
Thành tài về nước, Diệp Văn Cương được chính quyền thuộc địa cho theo quốc tịch Pháp và đi dạy tại Trường Chasseloup Laubat (tục danh là "Trường Bổn quốc"). Trong thời gian này, ông về cư ngụ tại gia trang riêng ở làng An Nhơn, quận Gò Vấp, hạt Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).
Tháng 4 năm 1886, Paul Bert được cử sang làm Tổng công sứ Trung - Bắc Kỳ. Ông được mời ra Huế làm thông ngôn cho tòa Khâm sứ Huế. Cuối năm đó, ông được cử làm thầy dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh thay cho Trương Vĩnh Ký. Khoảng tháng 5 năm 1887, triều đình Huế mở trường dạy tiếng Pháp, gọi là Sở Hành Nhơn, ông được cử làm Chưởng giáo (Hiệu trưởng), hàm Kiểm thảo. Ông lập gia đình với Công nữ Thiện Niệm, con của Thoại Thái vương Hồng Y, em vua Dục Đức và là cô ruột của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân.
Giúp Bửu Lân lên ngôi
Vua Ðồng Khánh mất, Cơ mật viện không dám chọn vua mới nên phải sang Tòa khâm sứ để hỏi ý kiến. Diệp Văn Cương đang làm việc tại đây (chức vụ Bí thư kiêm thông dịch viên cho Tòa Khâm) lãnh trách nhiệm thông dịch. Tương truyền, ông đã giúp cháu ruột của vợ là Hoàng tử Bửu Lân nối ngôi vua.
Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả (trang 39) chép:
Cơ mật viện hỏi: "Hiện nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, theo ý của quí Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?". Diệp Văn Cương dịch câu trên thành: "Nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, lưỡng tôn cung và Cơ mật viện đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, không biết ý kiến của quí Khâm sứ như thế nào?"
Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: "Nếu lưỡng cung và Cơ mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành". Câu này Diệp Văn Cương lại dịch là: "Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả".
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi đặt niên hiệu là Thành Thái. Khi đó, vị hoàng tử này mới 10 tuổi.
Làm Chủ nhiệm Phan Yên báo
Sau khi Thành Thái lên ngôi, ông trở lại Sài Gòn, làm Đầu Phòng phiên dịch cho Soái phủ Nam Kỳ. Vợ ông là bà Thiện Niệm vẫn ở lại Huế. Năm 1894, bà sinh một người con trai, đặt tên là Diệp Văn Kỳ.
Khoảng cuối thập niên 1890, ông bước vào nghề báo, cộng tác với Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Nhựt trình Nam Kỳ, và làm chủ nhiệm tờ Phan Yên báo. Các tài liệu ghi năm ra đời và năm đình bản của Phan Yên báo không giống nhau. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam thì đây là tờ báo tiếng Việt thứ hai sau Gia Định báo, ra đời 1898, do Diệp Văn Cương sáng lập và làm chủ nhiệm, xuất bản được 7 - 8 số thì bị nhà cầm quyền Pháp đình bản vì đăng nhiều bài phê phán chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là loạt bài "Đòn cân Archimede" ký tên Cuồng Sĩ.
Hoạt động chính trị ở Nam Kỳ
Phan Yên báo bị đóng cửa, ông không nản chí trong việc tham gia hoạt động chính trị. Ông ra tranh cử và trúng cử chức Ủy viên trong Hội đồng Quản hạt tỉnh Bến Tre, rồi sau đó là Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de la Cochinchine).
Theo Lê Nguyễn, ông cùng 5 nghị viên bản xứ trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ thường xuyên dùng quyền phủ quyết công khai để bảo vệ quyền lợi cho dân thuộc địa. Điển hình như kiến nghị phản đối một số thừa sai dòng tu Công giáo chiếm đất và yêu cầu nhà cầm quyền đưa ra các biện pháp luật lệ bảo vệ đất đai của dân chúng năm 1907.
Năm 1908, ông được bổ nhiệm làm biên tập tờ Gia Định báo, thay thế ông Nguyễn Văn Giàu, theo nghị định ngày 20 tháng 9 năm 1908 của Thống đốc Nam Kỳ Louis Alphonse Bonhoure.
Năm 1910, ông giúp đỡ một người bạn đồng liêu cũ ở Huế là Nguyễn Sinh Sắc vào sinh sống ở Nam Kỳ.
Khi gần tuổi hưu, ông đến dạy Sử học và Việt văn trường Chasseloup Laubat như trước.
Ông mất năm Kỷ Tỵ (1929).
Tác phẩm
Tác phẩm của Diệp Văn Cương có:
- Syllabaire quốc ngữ (sách vần quốc ngữ) (1919)
- Recueil de morale annamite (1917)
- Báo Phong Hóa (dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ).
Ngoài ra theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, ông còn có quyển Việt Nam luân lý tập thành. Cũng theo từ điển này, thì đây là quyển sách giáo khoa luân lý đầu tiên ở Việt Nam.
+ Như trên đã viết, những bài viết trên Gia Định Báo rất ít khi đề tên tác giả, do đó không thể thống kê chính xác được số lượng người đã viết, biên tập cho tờ báo này. Ngoài ra, nhiều tác giả chỉ biết tên mà tiểu sử không được biết đến nên không thể đề cập trong mục này.
Phần III: Nội dung, hình thức và đặc điểm ngôn ngữ của Gia Định Báo
Nội dung của Gia Định Báo
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: Công vụ và Tạp vụ. Phần Công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần Tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa - xã hội... Sau khi Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa.
Nhìn chung, cấu trúc của Gia Định Báo chia làm 4 phần chính:
Đó là các phần: Công vụ; Ngoài công vụ; Thứ vụ; Quảng cáo
+ Công vụ - Tin dây thép
Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân.
Ví dụ:
“Quan Khâm mạng kinh cho các quan làm đầu về việc cai trị cùng các quan làm đầu phẩn sở hay giấy hòa ước cùng nhà nước Annam, quan Bộ Langsa là Patenôtre ký tồn tại Huế rối là ngày mồng 6 Juin. Thế cho quan Khâm mạng công xuất Le Géneral Bouet” (Gia Định Báo số 2 năm 22, ngày thứ bảy, 23 janvier 1886)
- Trường thông ngôn: Bài vở học trong trường thông ngôn định ra như sau này:
- Người Tây – Tiếng Annam
Năm đầu: Cắt nghĩa chuyện đời xưa, văn Lục Vân Tiên
Năm thứ hai: Cắt nghĩa Kim Vân Kiều, tuồng tập ca ngâm, thème, làm bài tiếng Annam...
Ngoài ra còn có các mục như:
- Chương trình giáo dục phổ thông: học sử Việt Nam, địa lý Việt Nam, kho học, thi cử
- Tổ chức hành chính công vụ
- Gọi thầu: Điện nước, ống cống, làm cầu, làm chợ, xe điện, tàu hỏa, tàu thủy
- Làm mới địa bạ (sổ đỏ)
- Luật mở hàng quán (Com-non Com)
- Quy hoạch, phát triển thành phố
- Hiệp ước quốc tế nhân danh Việt Nam
+ Phần ngoài công vụ
Bao gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa xã hội...ngoài ra còn đăng tải các tin tức chiến sự.
Ví dụ: “Các đạo binh Lang-sa đã vào mà lấy đặng Sơn Tây rồi...ngày 16 dé embre, sau khi thơ tôi đã gởi đi lần sau hết ấy
Ngày 14, các tàu neo tại trông một chỗ ngã sông, xa thành chừng 1000 thước, mà khởi sự bắn trái phá lên thành...”(Gia Định Báo ngày 12-11-1884)
+ Phần thứ vụ
Đây là một chuyên mục mang những thông tin mềm, phụ vục giải trí và giáo dục (giới thiệu chi tiết trong phần phụ lục, mục: Thứ vụ - một chuyên mục giá trị của Gia Định Báo)
+Phần rao vặt và quảng cáo
Phần này phục vụ người dân, chính quyền khi có nhu cầu.
Ví dụ:
+ “Đến ngày mồng 1 janvier 1884, tiệm cầm đồ tại Chợ lớn sẽ dời qua đường Paris, số 12, 14, 16, 20. Tiệm cũ thì đóng cửa, công việc cũng y như trước.
Về việc người ta nói những đồ cầm trong tiệm cũ, đến mồng 1 janvier tới sẽ phát mãi, thì là không thiệt bởi vì tiệm mới sẽ lấy hết” (Gia Định Báo ngày 5-1-1884)
Số báo ngày 20-9-1885 có đăng Lời đa tạ của Đức Giám Mục Sài Gòn như sau:
“Tại hạt Chợ lớn có một người bá hộ tên là Hà Minh Châu đã giao trong tay Đức giám mục Samôsát hai ngàn đồng bạc, có ý làm phước giúp mất người bổn đạo Bình Định mắc phải tồi tàn khốn nạn.
Có một điều này đáng cho ai nấy làm lạ, càng đáng tặng khen, là vì kẻ đã làm ơn rộng hậu thế ấy chẳng phải là người giữ đạo Thiên Chúa, song là người ngoại giáo, mà đã lấy lòng đại độ, giữ câu ai nhơn như kỷ, thấy kẻ lầm than cơ khát, thì chạnh lòng ra tay thương giúp.
Hẳn thật là những bổn đạo Bình Định ngày nay chả dám quên ơn rất trọng làm vậy, song sẽ nhớ cầu khẩn cùng đấng chí tôn xuống ơn chan chưa giúp kẻ đã tư trợ mình trong cơn eo hẹp
Isidore Ev. De Samosate”
2. Hình thức trình bày của Gia Định Báo
Thời gian đầu, tờ Gia Định Báo chỉ in có 4 trang, khổ giấy 32x25. Trên đầu trang nhất là chữ Gia Định Báo bằng chữ Hán. Bên dưới ghi: “Tờ báo này mỗi tháng tây cứ ngày rằm in ra một lần, ai muốn mua phải trả 6 góc tư”
Thời gian không lâu, Gia Định Báo xuất bản mỗi tháng 2 lần. Thời gian tiếp sau đó phát hành mỗi tuần một lần vào thứ 3.
Về cách trình bày, ta thấy các bài báo in xen kẽ nhau, bằng những cột dài, không có ngắt đoạn cũng như sang trang hay cột, điều này có thể do kỹ thuật layout thời bấy giờ còn thô sơ, lạc hậu. Thời gian 15 năm đầu, ngoài các phần Công vụ, các bài còn lại đăng ở phần Thứ vụ, thời gian sau tờ báo có 4 phần rõ ràng: Công vụ, Ngoài công vụ, Thứ vụ và Quảng cáo. Năm 1893, cách chia trên không còn tồn tại nữa, Gia Định Báo lúc này có 3 phần Công vụ, Tạp vụ và Quảng cáo.
Năm 1898, Gia Định Báo có hai phần Công vụ và Thứ vụ. Nhưng trong phần mục lục báo năm 1909 lại ghi 4 phần: Công vụ, Cấp bằng, Thuyên bổ, Thứ vụ và Lời rao.
Như vậy, đến khoảng năm 1880, các phần Ngoài công vụ và Quảng cáo lại tách khỏi Thứ vụ và phần Thứ vụ trở thành một chuyên mục riêng biệt.
Gia Định Báo được coi là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta, mặc dù việc trình bày các nội dung trên báo chưa được khoa học, do những nguyên nhân khách quan, nhưng điều này cũng không thể làm giảm những giá trị mà tờ báo này đã mang lại.
Trang nhất của Gia Định Báo
3. Đặc điểm ngôn ngữ của Gia Định Báo
Không xét đến ngôn ngữ của phần Công vụ
+ Những đặc điểm về từ ngữ
Đặc điểm ngôn ngữ của Gia Định Báo, không xét đến những lỗi chính tả hay gặp liên quan đến những hiện tượng phát âm của người Nam Bộ như những lỗi về thanh điệu, phụ âm đầu và cuối...
Đặc thù báo chí phát hành tại Nam Bộ nên sử dụng nhiều phương ngữ, những biến thể phát âm và từ địa phương.
Những biến thể phát âm thường gặp nhất là: ai – ơi: thái quá/thới quá; an - ôn: Nhật Bổn; ật - ựt : nhật trình/nhựt trình; iê – ơ: hiệp/hợp; inh – anh: sinh/sanh; ưi – ơi: gửi/gởi; ương – anh: đường/đàng...
Những từ địa phương thường gặp là: quạu – cáu, tức giận; xem - coi; nói táp láp – nói lảm nhảm; ngó – nhìn...
Những từ và cách nói nay ít dùng: thấp trí, vãi đơn kiện, bay thấy sự hiệp giụm với nhau - mạnh vậy chăng – bay thấy sự hợp tác với nhau mạnh như vậy đó...
+ Về thuật ngữ: Vì hệ thống thuật ngữ chưa phát triển nên xảy ra ba xu hướng sau:
+ Để nguyên dạng nước ngoài: nước alcalines; đất kaolin ấy là một giống ngũ kim kêu là feldspath phân ra; savon
+ Dùng từ thông thường, từ Hán Việt, từ dùng pha cả từ thuần Việt với từ Hán Việt để tạo các thuật ngữ mới, nhưng một số thuật ngữ chưa chuẩn: “Mạch nước nóng, nước ngũ kim cùng nước phấn đá (nước ngũ kim là nước khoáng)” nước thán khí –nước chứa khí CO2
+ Dùng thuật ngữ Hán Việt nhưng đôi khi chưa thích hợp, ví dụ : Nước lên quá khí hậu thường, kêu là nước nóng...
Về tên riêng: Hoặc dùng theo âm Hán hoặc để nguyên dạng, ví dụ: nước Saxe, thành Sèvres, xứ Limoger, báo Hồng mao...
Về từ vựng, có khá nhiều từ khác biệt so với cách dùng ngày nay như: chống chịu vây – kháng cự; làm nhơn dung – mở lòng khoan dung; bẻ từ cây gãy ráo – bẻ từng cây gãy ráo; dầu hết thì ba anh em gỡ xong việc – cuối cùng thì ba anh em cũng gỡ xong việc...
Nhiều từ vay mượn từ tiếng Pháp còn lộn xộn, lúc thì dịch ra tiếng Việt, lúc thì để nguyên ngữ. Thậm chí, ngay trong một bài, có từ dùng theo cả hai cách. Chẳng hạn, “Cây chêne với cây cây sậy. Cây chêne bữa kia nói với cỏ roseau rằng...”. Từ roseau có nghĩa là cây sậy.
Trước đây dùng nhiều từ đơn tiết. Những từ mà ngày nay là nhiều âm tiết thì trước đây là đơn tiết. Ví dụ: “anh em ở tử tế rất lạ - anh em ăn ở tử tế rất lạ thường”; ba anh em rẻ nhau – ba anh em chia rẽ nhau; bó giáo ấy còn nguyên hiện – bó giáo ấy còn nguyên hiện trường...
+ Những đặc điểm về ngữ pháp
Liên từ và giới từ
Trong tiểu loại ngụ ngôn, người ta kể lại câu chuyện một cách tự nhiên, theo đúng cách người nói của người Việt, mỗi sự kiện là một câu đơn phân cách với sự việc khác bằng dấu phẩy mà không cần dùng liên từ: Trật tự giống như thứ tự sự việc mà đã xảy ra. Ngày nay đôi khi không nói như vậy nữa. Ví dụ: có mạch nước vọt lên cho tới ba bốn mươi thước cao – có mạch nước vọt lên cao tới ba bốn mươi thước.
Cách dùng liên từ và giới từ thường chưa được phân biệt rạch ròi, có nhiều từ lẫn lộn và dư thừa, đặc biệt là dùng lộn xộn các liên từ thì, và, mà
+ Ảnh hưởng của tiếng Pháp
Tiếng Pháp có ảnh hưởng khá nhiều đến ngữ pháp tiếng Việt, về từ ngữ, khi dịch một danh từ, dấu vết của các quán từ xác định “le; la” còn để lại khá rõ, thường dịch kèm theo “con, cây, cái, đứa”. Ví dụ: Con chồn với con bò (Le Renard et la Cicogne)
Nhiều dấu vết từ ngữ và cách diễn đạt trong tiếng Pháp còn để lại trong cách viết, nhất là cách dùng liên từ, giới từ và trợ từ. Ví dụ: Gió chi cho ngươi cũng là dông tố, gió nào cho ta cũng như không (Tout vuos est aqualion, tuot me semble zéphyr). Rõ ràng cấu trúc “tout vous...tout me”(tất cả những gì đối với ngươi...đối với ta) đã dẫn tới cách dùng từ cho để dịch.
Tuy được viết cách đây hơn 100 năm và tuy có những nhược điểm nhất định trong cách diễn đạt, nhất là trong cách dùng các hư từ, nhưng có thể kết luận chung là:
+ Về cơ bản, ngôn ngữ trong Gia Định Báo gọn gàng, sáng sủa, giản dị và rất gần với tiếng Việt hiện đại.
+ Nhiều yếu tố tiếng Pháp, từ ngữ và cách diễn đạt đã ảnh hưởng tới ngôn ngữ của Gia Định Báo. Tờ báo này là một đầu nối quan trọng giúp tiếng Việt tiếp xúc nhanh với tiếng Pháp và người Việt tiếp xúc với văn hóa Pháp.
+ Gia Định Báo góp phần to lớn trong phát triển tiếng Việt
Phần IV: Ý nghĩa của Gia Định Báo
1. Đóng vai trò tiên phong trong tiến trình phát triển báo chí Việt Nam
Gia Định Báo là tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản, nó đã đánh dấu bước khởi đầu cho nền báo chí Việt Nam. Và thực sự nó đã hoàn thành khá xuất sắc bước khởi đầu đó. Sau khi đặt dưới sự lãnh đạo của Trương Vĩnh Ký, thì ngoài chuyên mục công vụ đã có thêm những chuyên mục khác, đăng tải nhiều thể loại manh nha của thể loại báo chí hiện đại. Nghiên cứu Gia Định Báo chúng ta có thể thấy một số phong cách ngôn ngữ hiện đại như phong cách hành chính, phong cách chính luận, phong cách nghệ thuật, phong cách thông tấn báo chí.
2. Đóng góp một mảng mới vào nội dung của báo chí trong khu vực
Theo nghiên cứu của giáo sư John A.Lent (ĐH Temple, Mỹ), nội dung của những tờ báo đầu tiên của các nước Đông Nam Á chủ yếu xoay quanh các thông tin từ chính quốc hoặc từ những cường quốc trên thế giới, thông tin phục vụ tầng lớp thực dân tại địa phương, hoặc phục vụ mục tiêu truyền đạo và hầu như không quan tâm đến những sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân bản xứ. Nhận định này mang tính khái quát, phản ánh xu hướng thông tin phổ biến nhất của báo chí khu vực trong giai đoạn thuộc địa, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài trường hợp đặc biệt. Đó là Gia Định Báo, tờ báo này đã đóng góp một nội dung khác để tạo nên sự đa dạng, theo như thư của Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ G.Roze gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp: “Tờ báo này(tức Gia Định Báo) nhằm phổ biến cho dân bản xứ các tin tức đang cho họ lưu ý và cho họ những vấn đề mới có liên quan đên văn hóa và những tiến bộ canh nông...”
Đây là một đặc điểm khá đặc biệt của Gia Định Báo so với những tờ báo khác trong khu vực. Trong số các số báo Gia Định Báo từ 1882 đều đăng tải mục thứ vụ, chủ yếu là những bài viết đối nhân xử thế, những kiến thức khoa học phổ thông và văn chương. Việc phổ biến kiến thức ít nhiều thể hiện trên mặt báo có thể cho thấy 2 điều:
- Tình trạng lạc hậu trước những tiến bộ khoa học trên thế giới của nhân dân ta thời kỳ này-đây là hậu quả của chính sách khép kín của chế độ phong kiến.
- Gia Định Báo, mặc dù với tính chất là công báo của giai cấp cai trị nhưng đã thực hiện phần nào nhiệm vụ giáo dục của báo chí, đem kiến thức đến cho bộ phận dân chúng biết chữ.
Như vậy có thể nói, Gia Định Báo đã góp vào nội dung của báo chí khu vực thời kỳ này những “hương vị” riêng.
3. Đóng vai trò to lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ
Mặc dù buổi đầu của Gia Định Báo chủ yếu là công cụ cai trị của thực dân Pháp, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó trong việc phát triển văn viết và chữ viết của đất nước. theo tác giả Bùi Đức Tịnh, Gia Định Báo – với vai trò là một tờ công báo của chính quyền cai trị - có hai mục tiêu được xác định ngay từ khi mới ra đời, đó là:
+ Phổ biến các văn kiện trong dân chúng
+ Truyền bá thứ chữ viết dùng mẫu tự Latin để ghi âm thanh của tiếng Việt (chữ Quốc ngữ)
Thư của Thống đốc chí huy trưởng Nam Kỳ G. Roze gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp có đoạn: “…Như vậy tờ báo này xuất bản mỗi tháng một lần sẽ là một sự hữu ích không thể chối cãi được và nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu số quan lại hiểu biết mà thôi” Tất nhiên dụng ý mà nhà cầm quyền khi cho phát hành tờ báo Quốc ngữ này vẫn nhằm mục đích “chinh phục tinh thần của dân chúng thuộc địa bằng nền văn minh Tây Âu”. Nhưng dù sao, thực dân Pháp đã thấy rõ tầm quan trọng của việc phổ biến thông tin bằng ngôn ngữ bản xứ. Chi tiết này cũng cho thấy một đặc điểm quan trọng của báo chí là nó chỉ phát huy tác dụng khi được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Pháp đô hộ nước ta, tiếng Pháp là tất yếu được đề cao, nhưng khi dân bản xứ đa số không biết tiếng Pháp, không đọc được chữ Pháp thì việc xuất bản báo chí tiếng Pháp không thể đem lại hiệu quả cao cho việc cai trị. Chỉ có báo chí Quốc ngữ- thứ báo mà “học sinh khá ở các làng mạc” đã có thể đọc dược và đọc cho cha mẹ chúng nghe mới có thể thực hiện được vai trò chính trị của nó như nhà cầm quyền mong muốn.
Việc phổ biến chữ Quốc ngữ càng được đẩy mạnh hơn trong gian đoạn Trương Vĩnh Ký là Tổng tài Gia Định Báo. Theo Huỳnh Văn Tòng, dưới sự điều hành của Trương Vĩnh Ký, tờ báo còn đảm đương thêm những nhiệm vụ:
+ Cổ động cho một lối học mới
+ Phát triển chữ Quốc ngữ
+ Khuyến khích dân chúng học chữ Quốc ngữ
Những điều này minh chứng cho thành tựu của tờ báo này làm được, đó là góp phần phổ biến và nâng cao chữ Quốc ngữ. Đây là một ý nghĩa quan trọng của Gia Định Báo trong tiến trình phát triển tiếng Việt.
4. Gia Định Báo là cơ sở để nghiên cứu lịch sử Việt Nam
Tìm hiểu và nghiên cứu Gia Định Báo với tư cách là một hiện tượng văn hóa, văn học và ngôn ngữ bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên. Theo hướng này rõ ràng Gia Định Báo chính là nguồn cứ liệu vô cùng phong phú và đáng tin cậy để chúng ta tái hiện bối cảnh lịch sử, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền, tình hình kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ của người dân Việt Nam cuối thế kỷ 19. Những số Gia Định Báo còn sưu tập được là những căn cứ mà dựa vào đó chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về những vấn đề trong lịch sử.
Phần phụ lục:
Thứ vụ - một chuyên mục giá trị của Gia Định Báo (nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hà)
Ngoài phần Công vụ, Gia Định Báo còn có những thông tin mềm, đáp ưng nhu cầu của độc giả. Phần Thứ vụ là một phần riêng biệt tồn tại trong 13 năm (1880-1893). Đây là phần không xuất hiện thường xuyên trên Gia Định Báo.
Về nội dung, trong cuốn Lịch sử báo chí, Lê Thái Bằng cho rằng Thứ vụ “ gồm các bài về khoa học như: vệ sinh, vạn vật, hóa học, vật lý hoặc những cải tiếng xã hội cùng những bản dịc phóng tác thị văn ngoại quốc và chữ Quốc ngữ” Hầu hết các tác giả nghiên cứu đều khẳng định Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký là những cây bút chủ chốt phụ trách chuyên mục này. Ngoài ra còn có thể kể thêm Tôn Thọ Tường, Võ Thành Đức và một số cây bút người Pháp.
Thông thường và phổ biến nhất, chuyên mục Thứ vụ được bố trí ở trang áp cuối của Gia Định Báo, liền sau phần Công vụ.
Có khoảng 5% số báo hoàn toàn vắng phần Thứ vụ. Mặc dù có nhiều dạng bài, thể loại, nội dung, nhưng bài vở trên chuyên mục Thứ vụ có thể chia thành 2 loại chủ yếu: Bài có tính chất khoa học và bài có tính chất văn chương.
+ Loại bài có tính chất khoa học
Bao gồm các bài giới thiệu thông tin, kiến thức phổ thông, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe có nội dung gần gũi thân thiết đối với con người, giúp họ hiểu biết đúng đắn về thế giới tự nhiên cũng như về bản thân. Từ đó học có ý thức xây dựng cho mình cuộc sống chủ động, tự tin, sáng tao. Phần lớn bài viết này được dịch và biên soạn lại từ các sách giáo khoa về kỹ thuật, y học, địa lý, sinh học, vật lý, hóa học của Pháp. Còn lại là những bài sưu tầm, trích dịch từ báo chí phương Tây và Trung Quốc. Tất nhiên cũng có những bài viết từ những quan sát, thực nghiệm tại Việt Nam như: Về nghề đặt rượu trong địa hạt Nam Kỳ của Cazatis (Số 31, 2/1888), những bài mang tính tổng hợp kiến thức Đông, Tây, như bài Về loại ngọc.
Loạt bài khoa học thường thức này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có ít nhất 7 lĩnh vực sau:
+ Y tế, sức khỏe: Chuyện ăn ở sao cho mạnh khỏe của Quan chánh lương y nhà thương Chợ Quán Dr. Abblard (trên số từ 11 đến 25/12/1882); Phép sống lâu (số 12/8/1882); Phép trị bịnh trong khi khẩn cấp (số 16/9/1882); Cứu người chết đuối (số 3/11/1883); Nói về gân và tật bại (số 5/5/1882).
+ Các phương tiện kỹ thuật: Địa bàn (số 5/8/1882); Hàn thử châm, Phong vũ châm (số 19/5/1883); Khí cầu (số 28/4/1883)…
+ Các hiện tượng tự nhiên: Sao chỗi (số 30/9/1882); Sấm sét (số 28/10/1882); Nhật thực, nguyệt thực (số 18/11/1882)…
+ Các loài sinh vật: Nói về cào cào, châu châu (số 14/2/1882); Đà điểu (số 1/8/1883); Chim ưng (số 11/8/1883)…
+ Sản xuất kinh tế: Đồ sành (số 13/1/1882); Nói về Savon (số 25/11/1882); Trà (số 3/8/1884); Thịt tại Paris (số 25/11/1882)…
+ Kỹ năng, mẹo vặt: Làm gốm (số 8/11/1884); Phép dưỡng sanh (số 28/3/1885); Mạ vàng, mạ bạc (số 2/6/1882); Về sự giữ cây trái, xương thịt cho khỏi thối mục (số 19/7/1884)…
+ Sinh hoạt văn hóa: Gái lịch trong đời (số 7/10/1882); Chuyện đải tôi mọi bên Vân Nam (số 22/4/1882)..
Bên cạnh những bài riêng lẻ, còn có dạng loạt bài nghiên cứu chuyên sâu về một sự vật hoặc hiện tượng cụ thể. Ví dụ loạt bài Luận về cầm thú đăng liên tục trên 12 số (từ 1/9/1883 đến 24/11/1883)…
Dưới các bài viết có tính chất khoa học thường ít đề tên tác giả. Có lẽ đây là mục chung do nhiều người phụ trách. Trong thời điểm đất nước ta lạc hâu và đại biểu của giới trí thức thì rất nhiều người bảo thủ lạc hậu, trong bối cảnh như vậy rõ ràng những bài trên chuyên mục Thứ vụ đã cung cấp được một hệ thống kiến thức căn bản và toàn diện về khoa học tự nhiên, kỹ thuật rất hữu ích. Theo đó chắc chắn tư duy, nhận thức, lý luận cũng được cải thiện, uy tín của chữ Quốc ngữ cũng được nâng cao.
+ Loạt bài có tính chất văng chương
So với loại bài có tính chất khoa học, loại bài có tính chất văn chương xuất hiện sớm hơn và tồn tại lâu hơn trên chuyên mục Thứ vụ. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, ngay từ những số đầu tiên, Gia Định Báo đã đăng trên phần tạp vụ nhiều tác phẩm của Việt Nam và Trung Quốc do Trương Vĩnh Ký dịch, hoặc phiên âm.
Loạt bài có tính chất văn chương gồm 3 loại nhỏ sau:
+ Tác phẩm dịch từ tiếng Pháp. Loại này chiếm tỉ lệ cáo nhất, có thể hơn 90% loại bài có tính chất văn chương, chủ yếu là các truyện ngụ ngôn của La Fontaine, như Con chồn với trái nho (số 7/11/1882); Con ve với con kiến (số 16/6/1883)…
Bên cạnh đó cũng có khá nhiều truyện ngụ ngôn dân gian có nguồn gốc từ Trung Quốc, A Rập và Việt Nam.
Số còn lại là những dịch phẩm từ tiểu thuyết của Pháp như Francinet (đăng từ số 3/10/1885 đến số 22/12/1885)
+ Tác phẩm phóng tác từ những cuốn truyện của Pháp. Chẳng hạn như truyện Rich et Pauvre (Giàu và nghèo) được Trương Minh Ký diễn Quốc ngữ thành Phú bần truyện dài 700 câu lục bát…
+ Tác phẩm sáng tác. Loại này chiếm tỉ lệ thấp nhất, thường là các bài ngợi khen, thù tạc hoặc những rao giảng đạo đức bằng thơ. Ví dụ bài Khuyên đừng đánh bạc của Võ Thành Đức (số 42/1897) hoặc bài của Phan Công Thành khen ngợi Trương Minh Ký đã diễn Quốc ngữ thành công Phú bần truyện sau đây:
“Thầy noi đạo chánh lắm công phu
Trương sách tờ thơ ngợi tiếng nhu
Minh kính mười phân soi bởi tỏ
Ký bàn chín chữ chạm nào lu
Diễn bằng Quốc ngữ lời gom tóm
Chuyện giải Phan sa nghĩa rộng mù
Giàu có vẫn tầng công tử thiện
Nghèo trong lầu hạn dễ ai ru”
Phần lớn các bài có tính chất văn chương đều thuộc loại tác phẩm tự sự nhưng được trình bày ở cả hai hình thức văn xuôi và văn vần. Loạt bài viết có tính chất văng chương trên Gia Định Báo có tác dụng kép. Một mặt nó giúp thư giãn, giải trí, mặt khác qua những câu chuyện đó người đọc tự rút ra những bài học đạo đức, triết lý nhân sinh.. mang tính giáo dục đạo đức. Qua những tác phẩm văn chương trên Gia Định Báo người đọc có dịp làm quen với văn học phương Tây, từ đó hình thành nên ý thức và khát vọng đổi mới văn chương nước nhà.
Thứ vụ có tiền thân là Tạp vụ, Tạp trở, là một chuyên mục có vị trí khiên tốn trên Gia Định Báo. Nhưng những bài viết trên chuyên mục này đã mang lại những giá trị thông tin, đạo đức đáp ứng được nhu cầu của độc giả đương thời. Đây cũng là nơi manh nha các đề tài, thể loại báo chí và văn chương hiện đại.
Giá trị của Gia Định Báo
Theo nghiên cứu của giáo sư John A. Lent (DH Temple – Mỹ), nội dung của những tờ báo đầu tiên của các nước Đông Nam Á chủ yếu xoay quan các thông tin từ chính quốc hoặc từ những cường quốc trên thế giới, thông tin phục vụ tầng lớp thực dân tại đại phương, hoặc phục vụ mục tiêu truyền đạo và hầu như không quan tâm đến những sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân bản xứ.
Nhận định này mang tính khái quát, phản ánh xu hướng thông tin phổ biến nhất của báo chí khu vực trong giai đoạn thuộc địa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài trường hợp đặc biệt trong đó có Gia Định Báo. Gia Định Báo đã đóng góp một nội dung khác tạo nên sự đa dạng, theo như thư của Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ G. Roze gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp: “Tờ báo này (tức Gia Định Báo) nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ các ti tức đáng cho họ lưu ý và cho họ những vấn đề mới có liên quan đến văn hóa và những tiến bộ về canh nông...”
Đây cũng là một điểm khá đặc biệt của Gia Định Báo so với những tờ báo khác trong khu vực. Trong các số Gia Định Báo từ 1882-1885 đều có mục Thứ vụ, chủ yếu đăng tải những bài học đối nhân xử thế thông qua các truyện ngụ ngôn và những kiến thức khoa học phổ thông. Việc phổ biến kiến thức ít nhiều được thể hiện trên mặt báo có thể cho thấy hai điều:
+ Tình trạng lạc hậu trước những bước tiến khoa học trên thế giới của dân ta thời kỳ nyà là hậu quả của chính sách khép kín của chế độ phong kiến.
+ Gia Định Báo, mặc dù với tính chất công báo của thực dânn nhưng đã thực hiện phần nào nhiệm vụ giáo dục của báo chí, đem kiến thức đến cho một bộ phân dân chúng biết chữ.
Đặc biệt kho Trương Vĩnh Ký làm chủ bút, Gia Định Báo phong phú hơn với những bài nghiên cứu lịch sử, thơ, truyện...Như vậy, có thể nói Gia Định Báo đã góp vào nội dung chung của báo chí khu vực thời kỳ này những hương vị riêng.
Tin tức chiến sự trên Gia Định Báo (Nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương)
Pháp xâm lược Việt Nam bằng chiến tranh, dẫu ban đầu có lấy cớ bảo vệ đạo Gia Tô. Cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược kéo dài gần trăm năm. Trên cái nên của cuộc chiến tranh ấy, tất cả mọi thứ mang tính hiện đại ra đời, cái hiện đại gắn liền với tiếng súng. Đó là điều đáng suy nghĩ, cái hiện đại nhất bấy giờ là báo chí. Có lẽ vì thế tờ báo tiếng Việt đầu tiên là Gia Định Báo có một tầm vóc đặc biệt quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa, có một vai trò đặc biệt trong cái sứ mạng xâm lược của Pháp. Khảo sát tin tức chiến sự trên Gia Định Báo sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn vai trò của công báo của Gia Định Báo và ý đồ của Pháp trong cục diện chung tại Việt Nam bấy giờ. Trong bài khảo sát, tác giả chọn năm 1884, đây là năm hiệp ước Patenotre ra đời.
Cho đến năm 1884, Gia Định Báo thực sự trở thành tờ tuần báo phát hành mỗi tuần một lần. Trong 52 số báo của năm 1884, có 9 số đăng tải tin tức chiến sự hoặc liên quan đến tin tức chiến sự.
Mục 1. Số 2, ngày 12/1/1884, trang 17, 18: Tường thuật chuyện Pháp đánh chiếm Sơn Tây.
Bài tường thuật được viết dưới hình thức một bức thư gửi từ Hải Phòng, ngày 25/12/1883, trong thư trích đăng nội dung bài báo trên tờ Hồng Kông Daily press với dòng tựa: “Này là nhựt trình Hồng Kông Daily press kể chuyện lấy Sơn Tây ra thế nào”
Mục 2. Số 11 ngày 15/3/1884, Tinh dây thép ngắn, không rõ tác giả, đăng trong mục Công vụ, thông báo “Bắc Ninh lấy rồi”
Mục 3. Số 16 ngày 19/4/1884: Hình thức bức thư gửi từ Sài Gòn ngày 20/4/1884 thông báo về việc “Binh ở Bắc Kỳ”: Lấy đồn Phú Lâm của Lưu Vĩnh Phúc, dẹp đồn Đông Yên của Hoàng Kế Viêm, và ca ngợi qua đề đốc Millot. Bức thư này đăng tải trong mục ngoài công vụ, không rõ tác giả.
Mục 4. Số 21 ngày 24/5/1884: Mục công vụ đăng lại hai tin dây thép gửi cho Khâm mạng Nam Kỳ là Charles Thompson.
Một của “quan năm tàu chiến” Fourier từ Thiên Tân ngày 13/5/1884 báo rằng giao ước đã ký ngày 11/5/1884 giữa Pháp với Trung Quốc về việc Trung Quốc rút khỏi Bắc Kỳ.
Một của quan Thượng thư Bộ Thủy gửi từ Paris ngày 14/5/1884 thông báo về việc giao ước Thiên Tân, ghi rõ ba nội dung của giao ước cùng với chuyện không thay đổi việc điều ông Patenotre
Mục 5. Số 24 ngày 14/6/1884: Mục công vụ đặt tin dây thép của Bouet(vì Khâm mạng Nam Kỳ công tác) thông báo việc ký kết hòa ước Patenotre tại Huế ngày 6/6 không ghi nội dung ký kết.
Mục 6. Số 35 ngày 30/8/1884: Mục công vụ đăng hai tin dây thép gửi Khâm mạng Sài Gòn:
Một của Bộ Thủy, không ghi ngày, thông báo chấm dứt việc bang giao với Trung Quốc và cho biết quan nguyên soái Courbet được phép đánh Trung Quốc.
Một của Courbet gửi từ Hồng Kông, ngày 26/8/1884 thông báo về việc đánh Trung Quốc ngày 23/8/1884.
Mục 7. Số 42, ngày 18/10/1884: Mục công vụ đăng hai tin dây thép gửi cho Khâm mạng Sài Gòn là Charles Thompson. Cuối mỗi tin đều ghi tên của Charles Thompson, phần đầu có lời ghi chú của tờ báo về người gửi và người nhận.
Một của nguyên soái Courbet gửi từ Phước Châu ngày 4/10/1884 thông báo về việc “đánh chiếm Kêlung” lấy hai đồn phía tây hòn Saint Clément ngày 1,2/10/1884 đánh cửa Tam sui, ngày 2/10/1884 thông báo ngày 4/8/1884 sẽ đánh các đồn phía đông.
Một của “Thông binh ở Bắc Kỳ” là brière gửi từ Hà Nội ngày 9/10/1884 thông báo về việc đánh thắng binh Trung Quốc ở phía đông bắc, đuổi luôn qua xứ Lochnam. Đề đốc Négrier bị thường, đồng thời khẳng định rằng nếu Négrier bị thương không đi được thì Briere sẽ từ Hà Nội mà đi đốc sức quan binh.
Mục 8. Số 43 ngày 25/10/1884: Mục công vụ đăng bốn tin:
Tin dây thép của Đề đốc Brière gửi từ Dapean ngày 16/10/1884 thông báo việc đánh đuổi binh Trung Quốc tại đồn phía trên Lochnam.
Tin dây thép của Khâm mạng Nam Kỳ là Charles Thompson gửi ngày 18/10/1884 (có thể từ Cao Mên) đến “Tổng thống các đạo binh ở Đông Dương ở tại Phước Châu là Vice-Amiral Courbet và ông Đề đốc Brière, Tổng thống binh thủy binh bộ tại Bắc Kỳ, ở tại Hà Nội” để khánh hạ cho ông đề đốc Négrier.
Tin dây thép của Đề đốc Brière, ngày 21/10/1884 tại Hà Nội gửi Khâm mạng Sài Gòn đang công xuất tại Cao Mên, cảm ở về “lòng khánh hạ”
Thông báo của Khâm mạng Nam Kỳ đề ngày 14/10/1884 về việc Đề đốc Millot về nước, Đề đốc Brière thay, Lemaire được cử làm Đại Khâm sứ tại Huế, và về quyền hạn, tên gọi các quan hệ giấy tờ, công văn của Brière và Lemaire.
Mục 9. Số 44 ngày 1/11/1884: Mục công văn đăng tin dây thép của Cuorbet tại Kêlung ngày 23/10/1884 gửi Khâm mạng Sài Gòn cảm ơn lời chúc mừng của Hội đồng Quản hạt.
Mục 10. Số 51 ngày 20/12/1884: Mục công văn đăng tải biên bản của “Hội đồng Quản hạt nhóm theo lên” ngày 10/12/1884, có bài nói chuyện tổng kết cuối năm của Khâm mạng Sài Gòn. Về việc binh, việc an ninh, Khâm mạng Sài Gòn cho rằng: “Nội trong năm nay trong cả hạt đều được bình yên, dầu có nhưng việc bên Trung Quốc xui giục, nhưng vậy trong hạt cũng được thái bình
Từ khi lấy đất Nam Kỳ này, tôi dám chắc trước mặt các ông, mới được thạnh lợi chăc chắn là trong năm 1884 mà thôi”.
Tác giả tiến hành so sánh các tin tức chiện sự nêu trên của Gia Định Báo ghi theo từng mục như đã trình bày. Tác giả đã tổng kết:
Trước hết Gia Định Báo không hề đăng tải các tin tức liên quan đến triều đình Huế như thái độ, cách đối phó của triều đình Huế như thái độ, cách đối phó của triều đình Huế trước những biến động của lịch sử. Ngay cả tin tức liên quan đến việc truyền ngôi cũng không được đăng tải. Bởi vì Gia Định Báo là một bộ phận khác không nằm trong cơ chế dân tộc (ít nhất là về phương diện chính trị). Nó phục vụ cho mục đích khác, cho một ông chủ khác mà việc đăng tải tin tức liên quan đến triều đình Huế, dẫu là tin tức bất lực của triều đình này, cũng dễ gợi lên xúc cảm dân tộc, bất lợi cho Pháp.
Thứ 2, Gia Định Báo không đăng tải tin tức quân Pháp bại trận, nghĩa là tin tức bất lợi cho uy tín của quân Pháp.
Thứ 3, Gia Định Báo đăng tải các bức điện thù tạc giữa quan chức quân đội và hành chính của Pháp liên quan đến tin tức chiến sự. Đó là những bức điện chúc mừng, cảm ơn. Tất cả nhưng bức điện như thế đều tạo cho người đọc một ấn tượng về một tầng lớp lãnh đạo người Pháp cao cả, lịch sự, mạnh mẽ, và vì thế làm nảy sinh trong họ cảm giác ngưỡng mộ, an tâm và tin tưởng.
Thứ 4, phần lớn các tin tức liên quan đến chiến sự đều được đẳng trong Mục công vụ trừ hai số báo 2 và 16. Trong hai số báo này tin tức chiến sự được đăng tải dưới hình thức thư từ. Hình thức này vừa thể hiện tính chất chhính thức của nhà nước và vừa khẳng định vai trò lãnh đạo của Thống đốc Nam Kỳ.
Thứ 5, về số lượng, chỉ 10/52 số báo đăng tải tin tức chiến sự năm 1884. Tỷ lệ này cho thấy Gia Định Báo không quan tâm đến tin tức chiên sự hay một cách khác chính quyền thực dân Pháp không chủ trương đưa tin tức chiến sự lên báo tiếng Việt. Điều đó không có nghĩa là chính quyền thực dân không quan tâm đến chiến tranh mà vì bây giờ chưa có phóng viên chiến trường hơn nữa đây lại là tờ công báo và quan trọng hơn, chính quyền thực dân Pháp muốn tạo ấn tượng về một đời sống,, một tình hình chung yên ổn dù là giả tạo. Do đó toàn bộ tin tức đều hướng tới điều hòa, ổn định tình hình chung, nghĩa là hướng tới mục tiêu xây dựng một nhà nước thực dân lâu dài tại Việt Nam.
Dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận những đống góp của Gia Định Báo với tư cách là một tờ báo, một tờ công báo bằng tiếng Việt đầu tiên đối với nhiều lĩnh vực như dịch thuật, ngôn ngữ, văn học, báo chí...Những điều này đã mang lại giá trị lâu dài cho Gia Định Báo- tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta.
Tài liệu tham khảo
Bài tiểu luận sử dụng các tài liệu sau
Gia Định Báo – Tờ báo Việt ngữ đầu tiên (Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chính Minh)
Lịch sử báo chí Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh (Nguyễn Công Khanh, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh)
Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy 1865 đến 1930 (Xb 1973. Huỳnh Văn Tòng)
Lịch sử báo chí Việt nam 1865-1945 (Xb 2000, Đỗ Quang Hưng)
Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 (Xb 1992, Bằng Giang)
Mục lục báo chí Việt Nam trong 100 năm 1865-1965 (Lê Ngọc Trụ)
Thư tịch báo chí Việt Nam (Xb 1998, Tô Huy Rứa chủ biên)
Website: nghebao.com; vietnamiournalism.com; sachxua.net và một số trang web khác.
Mục lục
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Lịch sử ra đời và sự phát triển của Gia Định Báo.doc