Thực hiện đề tài này, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần được tiếp tục
nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Đó là: tìm hiểu từng nhóm biểu tượng, từng biểu tượng
cụ thể về nhiều mặt (nguồn gốc, cơ chế hình thành, nội dụng ý nghĩa, chức năng .);
tìm hiểu hệ thống biểu tượng ca dao ở từng địa phương; tìm hiểu những biểu tượng về
tình yêu lứa đôi, về người phụ nữ, người nông dân tìm hiểu sự vận động, phát triển
của biểu tượng ca dao trong các tác phẩm văn học viết hiện đại. Những công trình
này rất cần thiết trong việc khẳng định giá tri mỹ học của biểu tượng, nhấn mạnh bản
chất nghệ thuật của ca dao, bổ sung thêm những nét đẹp độc đáo cho thi pháp ca dao
và thi pháp văn học dân gian, tô đậm mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học
viết. Với một đối tượng nghiên cứu phức tạp như biểu tượng ca dao, phương pháp tiếpcận liên ngành cũng cần được chú trọng đặc biệt để nâng cao hiệu quả của các công trình.
316 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 6216 | Lượt tải: 8
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1810)
Cả ba bài đều được hình thành từ hạt nhân là biểu tượng rượu - nem, nhưng là ba
cấu tứ khác nhau:
a. Tình yêu một phía và ước mong được kết hôn như rượu - nem.
b. Lứa đôi yêu nhau nhưng mẹ già không cho phép đến với nhau như rượu -nem
mặn nồng.
c. Chàng trai chờ đợi người yêu như rượu chờ nem.
Và ba cách nói cũng khác nhau:
a. ... Có rượu mà nem để dành.
b. ... Ve rượu, gói nem mặn nồng.
c. Rượu nằm trong nhạo chờ nem ...
Mỗi bài ca dao triển khai công thức biểu tượng theo những hướng cụ thể khác
biệt. Cấu tứ ca dao luôn phong phú do hoàn cảnh, quan hệ, góc nhìn... ở các bài ca
luôn thay đổi trong từng thời điểm sáng tác, với từng người sáng tác.
UVí dụ 2U:
a. - Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? (TL I - tr.2029)
b. - Tiếc thay cái tấm lụa đào,
Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi
Trời kia có thấu chăng ười,
Lụa đào mà vá áo tơi sao đành. • (TL I - tr. 1915)
c. - Thân em như thước lụa điều,
Đã đông nơi chuộng, lại nhiều nơi thương. (TL I - tr.2031)
Cùng là biểu tượng tấm lụa dào, nhưng ba văn bản có ba kiểu cấu tứ khác nhau:
a. Người con gái đẹp trong hôn nhân như tấm lụa đào giữa chợ
b. Người con gái đẹp và cuộc hôn nhân không xứng hợp như tấm lụa đào vá vào
áo tơi.
c. Người con gái đẹp như tấm lụa đào được nhiều người mến chuộng.
Biểu tượng được đặt trong những mối quan hệ khác nhau ở từng văn bản:
a. Tấm lụa đào - chợ đời
b. Tấm lụa đào - áo tơi.
c. Tấm lụa đào - nơi mến chuộng.
Cấu tứ các bài ca dao rõ ràng không trùng lắp với nhau. Từ các văn bản loại này,
chúng ta còn có thể tìm hiểu được truyền thống và cách tân trong câu tứ của một bài
ca dao cụ thể.
Xét đến những bài ca dao dài, trong nhiều trường hợp, chúng tôi nhận thấy cấu
tứ của tác phẩm được xây dựng trên cơ sở phát triển những nét nghĩa của công thức
biểu tượng. Bài ca sau đây là một ví dụ tiêu biểu:
- Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu,
Trầu này têm những vôi Tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng,
Dù chẳng nên vợ nên chồng,
Xơi năm ba miếng kẻo lòng nhớ thương. (TL I - tr.2307)
Mở đầu là lời mời trầu mang ý nghĩa giao tiếp xã hội phổ biến. Tiếp đó, cô gái
trình bày về các thành phần của miếng trầu: trầu, vôi Tàu, cát cánh, quế cay..., ngỏ cho
chàng trai hiểu được đó là một miếng trầu rất quý được têm một cách công phu, chất
chứa bên trong tình cảm sâu nặng của người têm. Đến khi cô gái .hát: "Trầu này ăn
thật là say..." thi ý nghĩa của miếng trầu mời đã rõ ràng. Cái say có thực của miếng
trầu thường dễ khiến người ta liên tưởng đến cái say vương vất, vân mòng của đôi lứa
đang yêu. Cuối bài ca dao, lời mời trầu bình thường đã thực sự chuyển thành lời tỏ
bày tình yêu.
Như vậy, cấu tứ trầu cau đã được phát triển từ tứ thơ về một nét sinh hoạt của
đời sống văn hóa đến tứ thơ về một ước mơ hạnh phúc gia đình.
Một số bài khác cũng có cách phát triển cấu tứ tương tự:
- Một đàn cò trắng bay tung,
Bên nam bên nữ ta cùng hát lên
Hát lên một tiếng mà chơi,
Hát lên hai tiếng, xơi cơi trầu này.
Trầu đã có đây, cau đã có đây,
Nhân duyên chưa định, trầu này ai ăn?
Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm, anh ăn trầu nào?
Trầu này, trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu minh.
Trầu này, trầu tính, trầu tình,.
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu minh lấy ta.
Trầu này têm tối hôm qua,
Trầu cha, trầu mẹ, đem ra cho chàng.
Trầu này không phải trầu hàng,
Không bùa không thuốc, sao chàng không ăn?
Hay là chê khó, chê khăn
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu. (TL I - tr. 1387)
Đây là một bài mời trầu có kết cấu hoàn chỉnh, có phần mở đầu, phát triển, kết
thúc khá rõ ràng. Sau lời mở đầu mang tính chất giới thiệu về một sinh hoạt văn hóa,
văn nghệ dân gian, lời mời trầu bắt đầu chuyển sang nhịp điệu tâm tình:
- Trầu đã có đây, cau đã có đây,
Nhân duyên chưa định, trầu này ai ăn?
Miếng trầu được gắn kết với chuyện nhân duyên.
Rồi hàng loạt lời tường giải cho ý nghĩa của miếng trầu được hát lên, chỉ ra cái ý
nghĩa giao duyên sâu đậm: trầu túi, trầu khăn, trầu dải yếm, trầu quế, trầu hồi, trầu
loan, trầu phượng, trầu nhân, trầu nghĩa ... Toàn là những từ ngữ khơi gợi chuyện tình
duyên. Trong thực tế làm gi có trầu tôi, trầu minh, trầu tính, trầu tình? Và nếu là
miếng trầu giao tiếp bình thường thi trầu hàng hay không phải là trầu hàng có gi quan
trọng? Cuối bài, lời mời trầu được nhắc lại lần nữa:
Hay là chê khó chê khăn?
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu.
Lúc này, miếng trầu đã thực sự là hóa thân của những tình cảm mà cô gái muốn
trao gởi.
Thường là trong quá trình phát triển cấu tứ như vậy, các lớp nghĩa của ngôn từ
được bóc tách dần dần. Lúc đầu là nghĩa biểu vật, sau đó là nghĩa biểu tượng. Chỉ
trong phạm vi một bài ca dao, các ý nghĩa văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, tinh thần,
nghĩa biểu tượng đan xen vào nhau, hòa lẫn và thống nhất với nhau trong biểu tượng
miếng trầu.
Từ cách cấu tứ chuyển tiếp giữa miếng trầu giao tiếp xã hội và miếng trầu giao
duyên cá nhân, nhiều bài ca dao cổ truyền được hình thành và đã để lại cho người
thưởng thức những ấn tượng sâu sắc.
Một số ví dụ từ các biểu tượng khác trong ca dao:
- Công anh lên lừng đốn trúc,
Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
Lấy thép ra mài, uốn câu nhồi gọ
Đêm hôm lọ mọ, xe sợi chỉ săn
Buộc chặt vào cần, móc mồi thơm phức
Vội ra ngoài bực, lựa chỗ anh ngồi
Thả câu xuống rồi, miệng anh thầm vái
Đây cần câu nhân, cần câu ngãi
Đây cần câu phải, cần câu khôn
Vái ông Nguyệt Lão se sợi chỉ hồng
Đuổi con cá anh đạp đó, cho nó chạy dồn ăn câu.
- Con cá anh đẹp, nó đã có cặp
Dẫu anh thả hoài, chẳng gặp nó đâu
Anh về sửa lại lưỡi câu,
Tìm sang chốn khác, duyên hầu nên chăng? (TL I - tr.496)
Cấu tứ bài ca này được hình thành từ sự phát triển của biểu tượng cá và người
câu cá. Ở đây, biểu tượng đóng vai trò tổ chức văn bản, là cốt lõi của văn bản. Từ chỗ
chàng trai chuẩn bị cần câu, đi câu với lời khấn vái thành tâm mong cá ăn mồi đến khi
biết cá đã có cặp và lời đề nghị nên câu chốn khác ... là một sự phát triển, dẫn dắt ý tứ
lôgic, có tình có lý, hấp dẫn người tiếp nhận văn bản như một câu chuyện kể hoàn
chỉnh. Cá và người câu cá từ bình diện nghĩa biểu vật được chuyển sang nghĩa biểu
tượng (ở cuối bài) một cách khéo léo.
Biểu tượng khăn cũng đi vào ca dao với những hình thức diễn đạt tinh tế:
- Khăn em, em đang đội đầu,
Chàng mà giật lấy bỏ đầu bơ vơ
Mang khăn em về, chàng nhớ chàng thêu
Thêu sao cho được cây cau đôi buồng
Thêu sao cho được buồng hương,
Thêu sao cho được đôi đường chỉ xanh
Thêu sao cho được hoa chanh,
Thêu sao cho được trăm cành quế chi
Thêu sao cho được chữ quỳ
Thêu sao cho được bướm thì cành hoa.
Thêu sao cho được giăng già,
Thêu sao cho được trăm ba cành hồng
Khăn em mua ở tỉnh Đông,
Chạy tàu em xuống Hải Phòng mua kim
Chạy tàu xuống tỉnh Hưng Yên,
Mua con chỉ thắm kết duyên cùng chàng
Khăn em có bốn chữ vàng,
Chữ trung, chữ hiếu, chữ hoan, chữ húy.
Chàng mà giật lấy khăn đi
Rồi mai em lại có khi nên gần
Khăn em có chữ ái ân,
Chữ ái là vợ, chữ ân là chồng.
Khăn em chả đáng mấy đồng,
Có phải vợ chồng thì cho nhau xin
Muốn xin thì nói là xin
Sao chàng lại cứ giữ gìn khăn em? (TLIV - tr. 124,125)
Từ chỗ là một chiếc khăn đội đầu bình thường chuyển tiếp thành chiếc khăn kỷ
vật tình yêu (với những đặc điểm: khăn đẹp, khăn quý, khăn nghĩa tình...). Từ chỗ là
một đối tượng miêu tả trực tiếp trở thành một biểu tượng. Lớp nghĩa biểu vật và lớp
nghĩa biểu cảm như đan xen hòa lẫn vào nhau. Xuyên suốt bài ca là biểu tượng chiếc
khăn. Hình ảnh này đã quy định toàn bộ sự phát triển cấu tứ của tác phẩm.
Góp phần vào việc thiết kế văn bản, biểu tượng còn giữ vai trò là một trong các
yếu tố hợp thành cấu tứ. Trong một tác phẩm (ngắn hoặc dài), có thể xuất hiện một
hoặc nhiều biểu tượng. Mỗi biểu tượng đóng góp một phần giá trị của minh vào cấu tứ
chung. Giá trị của từng biểu tượng cũng có nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào
mối liên hệ của nó với cấu tứ của toàn bài. Bài Tát nước đầu đình là một ví dụ. Mượn
cớ để quên chiếc áo trên cành hoa sen, chàng trai từ chỗ xin lại áo tiến đến chỗ nhờ
khâu áo giùm, và cuối cùng hứa hẹn sẽ giúp cho cô gái tốt bụng kia thật nhiều thứ
trong ngày cưới của cô. Sao lại có chàng trai kỳ lạ đến thế! Khâu giúp một cái áo sứt
chỉ đường tà, công lênh có đáng là bao, mà chàng trả công nhiều vậy? Xôi vò, lợn béo,
rượu tăm, chiếu, chăn, trầm, tiền cheo, tiền cưới.... Và kết thúc bài ca dao là cả một
buồng cau. Chính buồng cau là cái tín hiệu khiến cô gái nhận ra người đến hỏi cưới
minh sẽ không ai khác hơn là chàng trai xin áo. Chàng trai đã không vô tư chút nào
khi đề nghị được giúp cô những sính lễ ấy. Trong cấu tứ: mất áo, nhờ khâu áo, hứa trả
công thì buồng cau là yếu tố cuối cùng nhưng cũng là yếu tố quan trọng biến bài ca
xin áo trở thành lời tỏ tình duyên dáng. Bởi lẽ trong ngày cưới, buồng cau là lễ vật bắt
buộc mà đàng trai phải mang sang đàng gái, chàng trai là ai mà có thể giúp được
buồng cau? Giúp như thế thì chàng rể nào còn mặt mũi bước sang nhà cô dâu, trừ khi
chàng trai xin áo là nhân vật chính trong đám cưới đó.
Bài ca là sự xâu chuỗi của nhiều chi tiết, trầu cau là một trong số đó. Biểu tượng
trầu cau nằm ở mắt xích cuối cùng trong hệ thống chi tiết của bài ca, nhưng đã có vị
trí quan trọng trong cấu tứ chung của toàn tác phẩm.
Biểu tượng cá chậu, chim lồng trong Trèo lên cây bưởi hái hoa... cũng là những
thành tố góp phần hình thành nên cấu tứ tác phẩm. Biểu tượng chim trong bài ca dao
sau đây có vai trò tương tự:
- Lên xe dầu phải xuống xe
Hai bên nam nữ đứng nghe tôi chào
Trước tôi chào cây lê, cây lựu
Sau tôi chào bạn cựu, bạn tân
Chào luôn tiếng nữa ngoài sân trong nhà
Chào rồi, hỏi thật chủ gia
Cặp chim đứng đó, chim nhà hay chim ai.
Chim nhà tôi xuống ná hạ tay
Chim đồng tôi lên ná, một hai bắn liền. (TL I - tr. 1274)
Cần chú ý thêm một hiện tượng nữa cũng rất đặc biệt, đó là có một số bài ca dao,
biểu tượng xuất hiện hàng loạt nối tiếp nhau, kề sát nhau, giúp cho câu tứ trở nên
sáng rõ, ấn tượng:
- Hôm nay lan huệ sánh bày,
Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời,
Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi,
Một mai cá nước, chim trời gặp nhau. (TL I - tr. 1115)
- Gặp đây hỏi khách má đào
Còn không hay đã nơi nào xứng cân?
Gặp đây hỏi khách Châu Trần,
Còn không hay đã Tấn Tần cùng- ai?
Gặp đây hỏi khách Chương Đài,
Còn không hay đã có ai vin cành?
Gặp đây hỏi khách xuân xanh,
Có nên thi nói cho tình được hay. (TL I - tr. 1606)
Sự sử dụng các biểu tượng liên tiếp nhau, phối hợp hài hoa giữa biểu tượng đơn
và đôi, có dụng ý nhấn mạnh vào nội dung chính của bài ca. Kết cấu tác phẩm như là
sự nối đuôi của các biểu tượng. Các nhân vật, sự việc, ý niệm đều được thể hiện thông
qua biểu tượng. Có khi cùng lúc nhiều biểu tượng thay thế cho nhau để biểu thị một
con người, một đôi lứa .... Sự tập hợp các biểu tượng như vậy đã góp phần mở rộng
không gian của bài ca dao, truyền cho nó những giá trị thẩm mỹ truyền thống và tô
đậm cấu tứ .
Qua các phần đã trình bày trên, có thể thấy được vai trò năng động của biểu
tượng trong cấu trúc văn bản ca dao. Bằng nhiều cách thức và mức độ khác nhau, các
biểu tượng đã thâm nhập vào cốt lõi chính của bài ca dao, trở thành những tế bào hạt
nhân hình thành nên tác phẩm. Sự chi phối của biểu tượng trong cấu trúc ca dao là
hiện tượng đáng quan tâm, cần được khảo sát tỉ mỉ hơn nữa. Ở trường hợp là những
yếu tố hợp thành cấu tứ, biểu tượng đã có đóng góp ít nhiều trong việc rút ngắn văn
bản, giúp cấu tứ được thể hiện một cách sáng tạo.
* * *
Tóm lại, cùng với vẻ đẹp riêng ở từng biểu tượng, tính đa nghĩa, cấu tạo đa dạng
và các biến thể của biểu tượng đã làm cho tổng thể ca dao trở nên hấp dẫn, sống động,
giàu sức biểu hiện, đồng thời, phủ nhận ý kiến sai lầm cho rằng công thức truyền
thống là khiếm khuyết thẩm mỹ, là dấu trừ về mặt thẩm mỹ của folklore. Sáng tác
theo công thức là kiểu sáng tác quen thuộc của dân gian, xuất phát từ những yêu cầu
của loại hình văn học truyền miệng. Các công thức đã mang lại giá trị phong phú cho
văn học dân gian, mà biểu tượng trong ca dao là một ví dụ thuyết phục.
Sự vận động của biểu tượng trong quá trình ứng tác ca dao đã dẫn đến việc hình
thành hàng loạt tác phẩm có cùng biểu tượng, tạo nên những nhóm, những chuỗi ca
dao mà tính hệ thống được thể hiện nổi bật. Thực tế này đã khẳng định sự cần thiết
của phương pháp nghiên cứu hệ thống đối với các văn bản ca dao. Sự hiểu biết chung
về hệ thống ca dao trầu cau sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng cho việc khảo sát một đơn vị
ca dao trầu cau cụ thể. Việc sử dụng phổ biến các biểu tượng trong ca dao cũng bộc lộ
rõ quan niệm về cái đẹp trong nghệ thuật của tác giả dân gian. Đó là cái đẹp trong sự
lặp lại, lặp lại những giá trị đã được chọn lọc và lặp lại một cách thông minh. Sử dụng
sáng tạo các khuôn mẫu có sẩn là thói quen thẩm mỹ, tài năng nghệ thuật của người
xưa (nếu như trong truyện dân gian, đó là sự lặp lại của các tip, mô-úp, thì ở đây là
các biểu tượng).
Qua chương này, ta còn có điều kiện để thấy được biểu tượng ca dao chính là
những, đơn vị tế bào phản ánh đầy đủ đặc trưng, bản chất thẩm mỹ của folklore. Biểu
tượng với giá trị về nhiều mặt như vậy xứng đáng được chúng ta khảo sát toàn diện
hơn nữa.
Sự tham gia tích cực của biểu tượng vào hệ thống thi pháp ca dao còn góp phần
tạo nên những khác biệt cơ bản giữa thi pháp ca dao và thi pháp thơ, giữa thi pháp văn
học dân gian và thi pháp văn học viết.
KẾT LUẬN
1. Biểu tượng trong ca dao là những biểu tượng nghệ thuật được xây dựng bằng
chất liệu ngôn từ. Đó là những từ ngữ chỉ hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng, được
một cộng đồng người nhất định cùng chấp nhận và sử dụng trong một thời gian lâu
dài. Những từ ngữ này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca dao với những nét nghĩa
biểu trưng tương đối ổn định.
Đặc điểm nổi bật ở biểu tượng là tính cộng đồng xã hội. Một hình ảnh là biểu
tượng ở cộng đồng này có thể không phải là biểu tượng ở cộng đồng khác, hoặc cùng
một biểu tượng nhưng ở các cộng đồng khác nhau chúng có những nét nghĩa khác
nhau. Vì vậy, nghiên cứu biểu tượng cần phải đặt chúng trong môi trường văn hóa, xã
hội, địa lý, lịch sử... của cộng đồng nơi mà chúng được hình thành thi mới hiểu thấu
đáo được những tầng ý nghĩa tiềm ẩn trong biểu tượng. Đồng thời, qua biểu tượng,
cũng có thể hiểu thêm nhiều về chính cộng đồng đó.
Biểu tượng ca dao mang tính cụ thể- khái quát, khiến cho sự diễn đạt trong văn
bản vừa mang tính hình tượng, vừa mang tính hàm súc, vừa sinh động, vừa sâu sắc.
Biểu tượng mang tính nhận thức đồng thời còn mang đậm tính biểu cảm. Sự gắn bó
khăng khít giữa hai yếu tố lý trí và tình cảm đó ở biểu tượng đòi hỏi người đọc phải
tiếp nhận chúng bằng toàn bộ tâm trí của minh.
Trong ca dao người Việt, các biểu tượng được sử dụng với tần số rất cao. Một
hệ thống các tín hiệu thẩm mỹ bằng ngôn ngữ đã được hình thành cùng với sự phát
triển của ca dao trong tiến trình lịch sử. Hệ thống này có những đặc điểm, tính chất,
nội dung, chức năng riêng biệt, cần được khảo sát ở nhiều bình diện. Tìm hiểu hệ
thống này sẽ đem lại những hiểu biết phong phú về bản chất thẩm mỹ của ca dao.
2. Ở góc độ ký hiệu học, biểu tượng ca dao chính là những siêu ký hiệu, bao gồm
cái biểu đạt (CBĐ') và cái được biểu đạt (CĐBĐ'), gắn kết với nhau bằng những mối
liên hệ nhất định. Mỗi biểu tượng là một hệ thống ký hiệu hàm nghĩa, hệ thống đôi, vì
vậy, ngôn ngữ ca dao trở nên cô đọng, nén chặt, giàu sức biểu hiện.
Ở góc độ tu từ học, biểu tượng ca dao chủ yếu được hình thành trên cơ sở các
mối quan hệ liên tưởng (liên tưởng tương đồng, liên tưởng lôgich khách quan về mối
quan hệ có thực xảy ra giữa hai đối tượng). Thông qua hình thức diễn đạt ở các văn
bản, có thể nhận thấy biểu tượng tồn tại ở ba dạng: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ. Ở mỗi
dạng thức, nghĩa của biểu tượng được bộc lộ ra theo những cách khác nhau. Sự phong
phú trong các dạng tồn tại đã góp phần tạo nên nét hấp dẫn, sống động cho biểu
tượng, cho văn bản ca dao, tạo điều kiện thuận lợi để dân gian có thể lựa chọn dạng
thức phù hợp nhất với việc thể hiện thế giới nội tâm trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Ở góc độ folklore học, biểu tượng ca dao là một loại yếu tố trùng lặp, một loại
mô - tip, công thức truyền thống. Đây là những đơn vị tế bào quan trọng, năng động
có khả năng thiết kế văn bản, đồng thời, phản ánh tập trang bản chất, đặc trưng, mỹ
học folklore trong ca dao. Công thức biểu tượng bao gồm ba cấp độ: nhóm biểu tượng,
biểu tượng, biến thể của biểu tượng, đáp ứng được nhu cầu biểu đạt tư tưởng, tình cảm
phong phú của dân gian.
Ở góc độ văn hóa học, hệ thống biểu tượng ca dao là một hiện tượng văn hóa.
Biểu tượng được sinh ra và nuôi dưỡng từ mảnh đất văn hóa cộng đồng, vì vậy, qua
văn hóa hiểu được biểu tượng, qua biểu tượng hiểu được văn hóa là một thực tế hiển
nhiên. Sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp thu lẫn nhau giữa các nền văn hóa cũng đọng lại trong
các biểu tượng. Biểu tượng còn có liên hệ mật thiết với trình độ nhận thức, tư duy của
con người. Sự tồn tại với tần suất cao của biểu tượng trong ca dao chứng tỏ năng lực
tượng trưng hóa đã trở thành phổ biến trong tầng lớp bình dân. Với vai trò là những
khuôn mẫu văn hóa cổ truyền, những hạt nhân di truyền, những đơn vị cơ bản của văn
hóa, biểu tượng ca dao đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn hóa dân tộc.
Biểu tượng còn thể hiện đặc trưng ngôn ngữ của thể loại. Ngôn ngữ ca dao phần
lớn là ngôn ngữ biểu tượng. Ngôn ngữ đặc thù này thể hiện một cách hiệu quả bản
chất trữ tình của thể loại, đồng thời, tạo nên một nét phong cách riêng -một sức hấp
dẫn riêng cho ca dao.
3. Các biểu tượng trong ca dao có nhiều nguồn gốc khác nhau. Có thể chia thành
ba nhóm: những biểu tượng xuất phát từ tín ngưỡng - nghi lễ và phong tục, tập quán
của người Việt, những biểu tượng xuất phát từ văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc,
những biểu tượng bắt nguồn từ sự quan sát trực tiếp các hiện tượng tự nhiên và đời
sống hàng ngày của nhân dân ta. Thực ra, việc phân chia này chỉ mang tính chất tương
đối mà thôi. Trong mỗi nhóm đã nêu, các biểu tượng cụ thể đều có một tầng nền lịch
sử - xã hội, một "cốt" văn hóa riêng. Đồng thời, một số biểu tượng có nguồn gốc khá
phức tạp, đó là sự đan xen của nhiều quan niệm, ảnh hưởng, truyền thống văn hóa
khác nhau (trầu cau, cây đa, rồng...). Phát hiện được các lớp lịch sử - văn hóa trong
một biểu tượng là vấn đề không dễ dàng. Vì vậy, việc tìm hiểu nguồn gốc biểu tượng
cần được tiến hành một cách thận trọng để tránh những nhận định chủ quan, sai lệch.
Ở cả ba nguồn gốc, việc quan sát thế giới khách quan đều đóng vai trò quan trọng
(trong khâu hình thành biểu tượng cũng như tiếp nhận các biểu tượng của văn học cổ
Trung Quốc ).
Một số biểu tượng có nguồn gốc từ các điển tích, điển cố Trung Quốc phản ánh
khá rõ nét quá trình giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Người Việt Nam đã sử dụng
các yếu tố văn hóa vay mượn đó một cách sáng tạo, đã dân tộc hóa, dân gian hóa,
biến những yếu tố văn hóa xa lạ từ bên ngoài trở thành những yếu tố thật sự gắn bó
với nền văn hóa Việt Nam, thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam.
Việc sử dụng điển cố trong ca dao có nhiều khác biệt so với văn chương bác học.
Ca dao sử dụng điển cố ít hơn, nhưng phần nhiều trong số đó đã trở thành biểu tượng.
Nhiều trường hợp cùng một điển cố nhưng văn chương bác học và văn chương bình
dân sử dụng với những nét nghĩa khác nhau. Xác định nguồn gốc của các điển cố -
biểu tượng, chỉ ra thực tế ngữ nghĩa mà hai bộ phận văn học cấp cho chúng là việc
làm cần thiết để khu biệt được nội dung của biểu tượng ca dao.
4. Biểu tượng tồn tại trong ca dao với số lượng lớn, phong phú, đa dạng. Trong
luận án này, chúng tôi đã tiến hành phân loại biểu tượng dựa trên tiêu chí cái biểu đạt,
xuất phát từ vai trò quan trọng của sự vật, hiện tượng thuộc thế giới khách quan trong
quá trình hình thành biểu tượng. Chúng tôi cũng đã miêu tả hệ thống biểu tượng ca
dao dựa vào các phạm trù ở cái biểu đạt làm cơ sở cho những liên tưởng thơ ca định
hình biểu tượng. Đó là các phạm trù về kích thước, khoảng cách, tính chất, trạng thái,
màu sắc, hương vị, chất liệu, đặc điểm và môi trường sinh trưởng, tập tính, giá trị sử
dụng, không gian xã hội và văn hóa, hoàn cảnh sống, chức năng... Từ việc miêu tả
này, có thể hiểu được biểu tượng trong cơ chế hình thành, trong chiều sâu bản chất,
đồng thời, đây cũng là phương thức thích hợp cho việc giới thiệu một số lượng lớn các
biểu tượng ca dao (286 biểu tượng).
Biểu tượng ca dao có thể chia thành ba hệ thống nhỏ: biểu tượng là các hiện
tượng tự nhiên và môi trường tự nhiên (hệ thống 1), biểu tượng là các vật thể nhân tạo
(hệ thống 2), biểu tượng là con người (hệ thống 3). Mỗi hệ thống có những đặc điểm
riêng nên cũng được dân gian chú ý khai thác ở những phạm trù tạo liên tưởng không
giống nhau. Vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với sự hình thành biểu tượng cũng
được thể hiện rõ qua số lượng biểu tượng ở hệ thống 1: 166/286 biểu tượng. Thế giới
vật thể nhân tạo cũng góp phần không nhỏ trong kho thi liệu dân gian này : 102/286
biểu tượng.
Biểu tượng trong ca dao người Việt vừa thể hiện tính địa phương, tính nghề
nghiệp độc đáo, vừa mang tính dân tộc, tính quốc tế sâu sắc. Khi nghiên cứu cần đặt
chúng trong nhiều mối tương quan để so sánh, đối chiếu nhằm có thể phát hiện được
trọn vẹn cái đẹp bản chất tồn tại trong từng biểu tượng. Thế giới biểu tượng với những
đặc trưng trên được tạo nên bởi thao tác lựa chọn, tư duy liên tưởng, năng lực sáng
tạo nghệ thuật của con người. Việc khảo sát biểu tượng không thể tách rời quá trình
tìm hiểu về những chủ thể đã sáng tạo ra chúng.
5. Xét về mặt cấu tạo, biểu tượng ca dao được chia làm hai loại : biểu tượng đơn
và biểu tượng đôi. Tùy vào mối liên hệ giữa các thành tố tạo thành biểu tượng đôi mà
chúng ta có biểu tượng đôi tương đồng hay biểu tượng đôi đối lập. Trong nhiều
trường hợp, biểu tượng đơn chính là cơ sở để từ đó hình thành các-biểu tượng đôi.
Các dạng cấu tạo này đã tạo nên sự phong phú cho biểu tượng ca dao ỏ từng văn bản
cụ thể.
Về mặt chức năng, biểu tượng có những tác động, chi phối trực tiếp đến các
thành tố thi pháp khác của ca dao như: ngôn ngữ, đề tài, chủ đề, kết cấu, cấu tứ, nhân
vật...
Ngôn ngữ ca dao mang đậm tính hàm súc phần lớn nhờ vào biểu tượng. Đặc biệt
với các biểu tượng được hình thành từ điển tích, điển cố, các lớp nghĩa tiềm ẩn trong
ngôn từ ca dao càng lớn. Sự lĩnh hội ý nghĩa của văn bản vi vậy tùy thuộc rất nhiều
vào tầm hiểu biết của người tiếp nhận.
Sự vận động của biểu tượng còn khiến cho ngôn ngữ thể loại này vừa mang tính
công thức, khuôn mẫu, vừa mang tính sáng tạo. Ca dao thường xuyên sử dụng các
biểu tượng như là những công thức ngôn ngữ thuộc nhiều mức độ : từ, ngữ, câu...
Đồng thời trong từng văn bản cụ thể, dân gian lại sử dụng một cách sáng tạo các công
thức đó (biểu hiện qua các biến thể). Đặc điểm này dẫn đèn sự kết hợp hài hòa giữa
yếu tố truyền thống và sáng tạo, đem lại vẻ đẹp riêng cho tác phẩm ca dao.
Biểu tượng còn góp phần triển khai và thể hiện độc đáo các đề tài, chủ đề. Hiện
tượng mỗi đề tài, chủ đề có một hệ thống biểu tượng riêng và các biểu tượng cùng
nhóm lại được "phân công" vào những đề tài khác nhau đều có nguyên nhân từ phía
người sử dụng biểu tượng: muốn thể hiện đề tài, chủ đề một cách tốt nhất, độc đáo
nhất, Việc xác định nghĩa của biểu tượng, vì vậy, cần gắn chặt với đề tài. Trong các
bài ca dao khác nhau thuộc cùng một đề tài, nghĩa của biểu tượng là ổn định, song
không phải hoàn toàn bất biến. Biểu tượng có thể mang nhiều nghĩa có liên hệ gần gũi
với nhau. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên tính đa nghĩa cho ngôn ngữ ca dao và sự
đặc sắc của các văn bản có cùng đề tài, cùng biểu tượng. Đề tài được thể hiện sống
động, sáng tạo nhờ vào quá trình phát sinh nghĩa mới ở biểu tượng.
Với kết cấu, cấu tứ ca dao, chúng tôi cũng tìm thấy sự chi phối của các biểu
tượng. Ở kết cấu song hành tâm lý, biểu tượng là những tế bào hạt nhân không thể
thiếu. Biểu tượng nằm trong bức tranh thứ nhất, tạo một bệ phóng cần thiết để bức
tranh thứ hai đến với người tiếp nhận một cách tự nhiên, thuyết phục hơn. Trong kết
cấu đối thoại, biểu tượng hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng, tổ chức văn bản (về hệ
thống nhân vật, đại từ nhân xưng, đề tài đối thoại...)- Biểu tượng còn có chức năng
thiết kế văn bản trong kết cấu "công thức truyền thống". Trong nhiều bài ca dao, từ
biểu tượng đã hình thành nên cấu tứ chính của tác phẩm, hoặc cũng có khi biểu tượng
giữ vai trò là một yếu tố hợp thành cấu tứ.
Nói tóm lại, các biểu tượng, bằng nhiều cách thức, ở nhiều mức độ, đã thâm
nhập vào cốt lõi chính của bài ca dao, góp phần tổ chức các yếu lố nội dung và hình
thức trong tác phẩm. Các công thức thực sự đã mang lại giá trị phong phú cho văn học
dân gian, mà biểu tượng trong ca dao là một bằng chứng thuyết phục.
6.Với bảng danh mục các biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người
Việt, chúng tôi đã giới thiệu 286 biểu tượng cùng với các nhóm, các biến thể của biểu
tượng. Đây là một thể nghiệm bước đầu trong loại công trình nghiên cứu này. VI vậy,
số lượng các biểu tượng, các nét nghĩa cơ bản của biểu tượng có thể còn cần phải điều
chỉnh, bổ sung thêm. Bảng thống kê tần số xuất hiện của sự vật, hiện tượng được dân
gian chọn làm biểu tượng nhằm bước đầu phác họa một bức tranh chung về thực tế sử
dụng biểu tượng trong ca dao. Các biểu tượng có tần suất cao được chúng tôi đặc biệt
chú ý và dành cho sự nghiên cứu thích đáng.
7.Trong thời đại ngày nay, toàn cầu đang rất quan tâm đến vấn đề hội nhập giữa
các nền văn hóa. Hội nhập, hòa nhập nhưng không hòa tan. Tìm đến với cái chung
nhưng không xóa bỏ bản sắc riêng trong nền văn hóa của mỗi dân tộc. Tìm về thế giới
biểu tượng ca dao là tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt
Nam. Hiện nay, khi mà quá trình sáng tác, diễn xướng ca dao ngày càng bị thu hẹp
dần, các biểu tượng cũng theo đó mà ít có dịp được "sống" thực sự. Sự tồn tại của biểu
tượng ca dao hiện tại chủ yếu là bằng ngôn từ viết trên các văn bản đã được ghi chép.
Trong tình hình đó, việc khảo sát và giới thiệu một cách có hệ thống các biểu tượng
nghệ thuật ca dao của luận án này có thể có những đóng góp thiết thực đối với sự
nghiệp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề cần được tiếp tục
nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Đó là: tìm hiểu từng nhóm biểu tượng, từng biểu tượng
cụ thể về nhiều mặt (nguồn gốc, cơ chế hình thành, nội dụng ý nghĩa, chức năng ...);
tìm hiểu hệ thống biểu tượng ca dao ở từng địa phương; tìm hiểu những biểu tượng về
tình yêu lứa đôi, về người phụ nữ, người nông dân tìm hiểu sự vận động, phát triển
của biểu tượng ca dao trong các tác phẩm văn học viết hiện đại... Những công trình
này rất cần thiết trong việc khẳng định giá tri mỹ học của biểu tượng, nhấn mạnh bản
chất nghệ thuật của ca dao, bổ sung thêm những nét đẹp độc đáo cho thi pháp ca dao
và thi pháp văn học dân gian, tô đậm mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học
viết. Với một đối tượng nghiên cứu phức tạp như biểu tượng ca dao, phương pháp tiếp
cận liên ngành cũng cần được chú trọng đặc biệt để nâng cao hiệu quả của các công
trình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trần Thị An (1990), "về một phương diện nghệ thuật của ca dao tình yêu", Tạp
chí Văn học, (6), tr.54-59.
2.Toan Ánh (1968), Làng xóm Việt Nam, Sài Gòn xuất bản.
3.Toan Ánh (1992), Tìm hiểu phong tục Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội.
4.Nhan Bảo, "Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt
Nam", Tạp chí Văn học, (9), tr.37-43.
5.Trương Duy Bích (1986), "Từ hình tượng con rồng nghĩ về sự tiếp nối giữa
truyền thống và hiện đại", Tạp chí Văn hóa dân gian, (1), tr.38-40.
6.Duy Bình (1983), Dạy văn, dạy cái hay cái đẹp, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7.Phan Kế Bính (1974), Việt Nam phong tục, Phong trào Văn hóa xuất bản, Sài
Gòn.
8.Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, NXB Đại học và Giáo dục chuyên
nghiệp, Hà Nội.
9.Nguyễn Phương Châm (2001), "Hoa hồng trong ca dao", Tạp chí Nguồn sáng
dân gian (1), tr.30-34.
10.Hà Châu (1974), "Tục ăn trầu và sinh hoạt tình thần của người Việt", Tạp chí
Dân tộc học, (2), tr.7-19.
11.Hà Châu (1984), "Về một số quan điểm thẩm mỹ dân gian Việt Nam", Tạp
chí Văn hóa dân gian, (1), tr.53-54.
12.Ngọc Châu (2000), "Triết lý trong huyền thoại",.Tạp chí Nguồn sáng (số
Xuân Canh Thìn), tr. 12-25.
13.Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao,Võ Văn Trực (1996), Kho tàng ca dao xứ
Nghệ, NXB Nghệ An.
14.Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa thông
tin, Hà Nội.
15.Mai Ngọc Chừ (1991) "Ngôn ngữ ca dao Việt Nam", Tạp chí Văn học, (2),
tr.24-28.
16. Nguyễn Ngọc Chương (1990), Trầu cau Việt điện thư, Sở Văn hóa thông tin
Hà Nam Ninh xuất bản.
17.Chu Xuân Diên (1981), "về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian", Tạp
chí Văn học, (5), tr. 19-26.
18.Chu Xuân Diên , Lương Văn Đang, Phương Trí (1993), Tục ngữ Việt Nam,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
19.Chu Xuân Diên (1995), Văn hóa dân gian và phương pháp nghiên cứu liên
ngành. Tủ sách Đại học Tổng hợp Tp.HCM xuất bản.
20.Chu Xuân Diên (1997), "Các thể loại trữ tình dân gian", Văn học dân gian
Việt Nam, tr.410-499.
21.Chu Xuân Diên (1997), "Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hóa
dân gian", Tạp chí Văn học, (9), tr.22-30.
22.Xuân Diệu (1967), "Các nhà thơ học tập những gì ở ca dao?", Tạp chí Văn
học, (1),tr.49-59.
23.Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện (1997), Phong tục các dân tộc Đông Nam
Á, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
24.Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1995), Từ điển thành ngữ và tục
ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa, Hà Nội.
25.Phan Huy Dũng (1991), "Hình thức lấp lửng của lời tỏ tình trong bài ca Xin
áo", Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr.53-54.
26.Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh, NXB Hà Nội.
27.Thành Duy (1982), Về tính dân tộc trong văn học, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội.
28.Triệu Dương, Phạm Hòa, Tảo Trang, Chu hà (1972), Ca dao, ngạn ngữ Hà
Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản.
29.Cao Huy Đỉnh (1966), "Lối đối đáp trong ca dao trữ tình", Tạp chí Văn học,
(9), tr.10-14.
30.Cao Huy Đỉnh (1974), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
31.Nguyễn Kim Đính (1985), "Một số vấn đề về thi pháp của nghệ thuật ngôn
từ", Tạp chí Văn học, (5, 6), tr. 102-112.
32.Kim Định (1967), Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam, Thanh Bình xuất
bản, Sài Gòn.
33.Kim Định (1971), Triết lý cái đình, Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn.
34.Kim Định (1973), Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nguồn Sáng xuất bản, Sài
Gòn.
35.Lê Quý Đôn (1973), Việt Nam bách khoa toàn thư- Vân Đài loại ngữ, NXB.
Miền Nam.
36.Trình Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc vụ khanh đặc
trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
37.Tạ Đức (1989), Tình yêu trai gái Việt xưa, NXB Thanh niên, Hà Nội.
38.Tạ Đức (1999), Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc, biểu tượng và ngôn
ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học Việt Nam xuất bản, Hà Nội.
39.Nguyễn Thị Đức (1998), Văn hóa trang phục từ truyền thống đến hiện đại,
NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
40.Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Bùi Mạnh Nhị, Trần Tấn Vĩnh (1984),
Ca dao- dân ca Nam bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
41.Nguyễn Thạch Giang, Lữ Huy Nguyên (1999), Từ ngữ điển cố văn học, NXB
Văn học, Hà Nội.
42.Ninh Viết Giao (1997), Câu đố Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
43.V.E. Guxev (1998), Mỹ học folklore, NXB Đà Nẵng.
44.Lê Bá Hán, Trần Đinh Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên (1997), Từ điển thuật
ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
45.Nguyễn Đức Hạnh (2001), "Một số biểu tượng thơ dân gian trong thơ Việt
Nam hiện đại", Tạp chí Văn học, (3), tr.71-78.
46.Vũ Tố Hảo (1986), "Tìm hiểu một số trường hợp dùng chữ Hán và điển tích
trong ca dao - dân ca", Tạp chí Văn hóa dân gian(2), tr. 13-18.
47.Nguyễn Văn Hậu (2000), "Biểu tượng như là "đơn vị cơ bản" của văn hóa",
Tạp chí Văn hóa và nghệ thuật, (7), tr.24-30.
48.G.W.Hegel (1996), Mỹ học - Những văn bản chọn lọc, NXB Khoa học xã
hội, TP.HCM.
49.G.W.Hegel (1999), Mỹ học , 2 tập, NXB Văn học , Hà Nội.
50.Lưu Hiệp (1997), Văn tâm điêu long, NXB Văn học, Hà Nội.
51.Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế Phong (1997), Ca dao - tục ngữ, NXB Văn nghệ
Tp.HCM.
52.Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên (1993), Ca dao - dân ca tình yêu, NXB Thành
phố Hồ Chí Minh.
53.Nguyễn Thị Cúc Hoa (1996), Bản sắc dân tộc trong thơ Nguyễn Bính, Luận
án thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh.
54.Nguyễn Thị Ngân Hoa (2001), "Biểu tượng chiếc áo trong đời sống tình thần
người Việt qua thơ ca", Tạp chí Ngôn ngữ, (8), tr. 15-21.
55.Nguyễn Thị Ngân Hoa (2001), "Biểu tượng đôi giày trong văn hoa và ngôn
ngữ thơ ca" Việt Nam, Tạp chí Ngôn ngữ, (15), tr. 52-59,
56.Nguyễn Xuân Hòa (1998), Ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ Trung Quốc đến tiểu
thuyết cổ Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế.
57.Kiều Thu Hoạch (2001), "So sánh tip truyện Trầu Cau ở Trung Quốc với tip
truyện cùng loại ở Việt Nam và Campuchia bàn về tục ăn trầu và văn hóa quyển trầu
cau Đông Nam Á", Tạp chí Văn học, (4), tr.33-40.
58.Nguyễn Trọng Hoàn (199), "Vẻ đẹp của bài ca dao sông nước", Tạp chí Văn
hóa dân gian, (2), tr.62.
59.Trần Hoàng và các tác giả khác (1988), Văn học dân gian Bình Trị Thiên : ca
dao - dân ca, NXB Thuận Hóa, Huế.
60.Đặng Trọng Hộ (1997), Hồn thơ Việt Nam trong thơ Nguyễn Bính, Luận án
thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
61.Đào Văn Hội (1961), Phong tục Miền Nam qua mấy vần ca dao, NXB Khai
Trí, Sài Gòn.
62.Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh (1986), Nguyễn Bính thơ,
NXB Văn học, Hà Nội.
63.Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (1996), Góp phần nâng cao chất lượng sưu
tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
64.Nguyễn Thúy Hồng (1997), "Việc sử dụng điển cố Hán học trong Chinh phụ
ngâm nguyên tác và bản dịch hiện hành", Tạp chí Văn học, (1), tr.44-47.
65.Vi Hồng (1992), "Dạy và học văn ỏ miền núi", Tạp chí Văn học, (2), tr.74-77.
66.Bùi Công Hùng (1983), Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca, NXB Khoa học
xã hội, HàNội. "
67.Bùi Công Hùng (1988), "Biểu tượng thơ ca", Tạp chí Văn học, (1), tr.69-74.
68.Nguyễn Văn Hùng (1990), "Thử phân tích một câu ca dao", Tạp chí Văn hóa
dân gian, (3), tr.28. .
69.Nguyễn Văn Hùng (1991), Hình tượng khăn, nón, áo trong ca dao - dân ca
Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM.
70.Nguyễn Văn Huyên (1995-1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
71.Jean Chévalier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế
giới, NXB Đà Nẵng.
72.V.N.K (1989), "Bác Hồ với trầu cau", Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr.32.
73.Đinh Gia Khánh chủ biên (1977), Điển cố văn học, NXB Khoa học xã hội,
Hà Nội.
74.Đinh Gia Khánh (1990), "Ngôi đình làng với mối quan hệ giữa Nho giáo và
văn hóa dân gian", Tạp chí Văn hóa dân gian, (4), tr.61-65.
75.Đinh Gia Khánh (1993), Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa
Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
76.Trúc Khê (1944), "Ba thể phú, tỉ, hứng trong ca dao Việt Nam", Tạp chí Tri
Tân, (147), tr. 14-15.
77.Khoa Ngữ văn Đại học cần Thơ (1997), Văn học dân gian đồng bằng sông
Cửu Long, NXB Giáo dục, TP.HCM.
78.M.B. Khraptrenkô (1985), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
79.Lê Minh Kiệp (1991), Con thuyền trong ca dao - dân ca Việt Nam, Luận văn
tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM.
80.Nguyễn Xuân Kính (1990), "Qua tục ngữ, ca dao tìm hiểu sự sành ăn khéo
mặc của người Thăng Long Hà Nội", Tạp chí Văn hóa dân gian, (2), tr.27-29.
81.Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
82.Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên(1995), Kho tàng ca dao
người Việt, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
83.Nguyễn Xuân Lạc (1990), "Suy nghĩ về cảm quan dân gian qua hình tượng
Bác Hồ", Tạp chí Văn hóa dân gian, (1), tr.23-29.
84.Nguyễn Xuân Lạc (1992), "Suy nghĩ về cách tiếp cận một bài ca dao", Tạp
chí Văn hóa dân gian, (4), tr. 11-17.
85.Nguyễn Xuân Lạc (1994), "Môtip nghệ thuật dân gian: Cái cầu trong ca dao",
Tạp chí Văn hóa dân gian, (2), tr.74-75.
86.Nguyễn Xuân Lạc (1998), Văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường,
NXB Giáo dục, TP.HỒ Chí Minh.
87.Nguyễn Thị Hương Lài (2000), Màu sắc địa phương trong ngôn ngữ ca dao -
dân ca Nam bộ, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
88.Mã Giang Lân, Nguyễn Đinh Bưu (1976), Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Ty Văn
hóa Hà Bắc xuất bản.
89.Mã Giang Lân (2000), "Chữ và nghĩa trong thơ" , Tạp chí Văn học, (4), tr.25-
30.
90.Nguyễn Lân (1989), Từ điển từ và ngữ Hán Việt, NXB Tp.Hồ Chí Minh.
91.Duy Lập (1985), "Thử vận dụng ký hiệu học vào việc phân tích một bài thơ
của Hồ Chủ tịch", Tạp chí Văn học, (3), tr.20-24.
92.I.s. Lisevich (1993), Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, Trần Đình Sử
dịch,Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM xuất bản.
93.Đoàn Anh Loan (2000), "Ảnh hưởng của quan niệm thâm mỹ cô phương
Đông trong việc sử dụng điển cố", Tạp chí Văn học, (3), tr.70-74.
94.Nguyễn Lộc (chủ biên) (1990), Văn học 10- tập I - Sách giáo viên, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
95.Nguyễn Lộc (1997), "Văn hóa Trung Hoa và ca dao - dân ca Việt Nam". Tạp
chí Văn học, (9), tr. 15-21.
96.Ưng Luận (1995-1996), Ca dao xứ Huế bình giải, Sở Văn hóa thông tin Thừa
Thiên - Huế xuất bản.
97.Phương Lựu (1999), Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây
hiện đại, NXB. Giáo dục.
98.Đặng Thai Mai (1994), Xã hội sử Trung Quốc, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội.
99.Long Điền Nguyễn Văn Minh (1999), Từ điển văn liệu, NXB Hà Nội.
100.Trần Văn Nam (1999), "Ý nghĩa biểu trưng của' hình tượng thiên nhiên
trong ca dao Nam Bộ", Tạp chí Văn hóa dân gian, (2), tr.72-75.
101.Trần Văn Nam (1999), "Ý nghĩa biểu trưng của từ chỉ địa danh trong ca dao
– dân ca Nam bộ", Tạp chí Văn hóa dân gian, (4), tr.65-70
102.Hà Quang Năng (2001), "Đặc trưng của phép ẩn dụ trong ca dao Việt Nam",
Tạp chí Ngôn ngữ, (15), tr. 8-16.
103.Tăng Kim Ngân (1984), "Qua tục ăn trầu và truyện Trầu cau của người Việt
bàn về mối quan hệ anh em, vợ chồng", Tạp chí Văn hóa dân gian, (1), tr.67-71.
104.Trần Công Nghị (1964), "Tình yêu qua miếng trầu", Tạp chí Phổ thông,
(129), tr.66-69.
105.Hữu Ngọc chủ biên (1995), Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Thế
giới, Hà Nội.
106.Nguyễn Văn Ngọc (1928), Tục ngữ phong dao, NXB Vĩnh Hưng Long.
107.Trần Đức Ngôn (1990), "Một số vấn đề lý luận'chung quanh việc nghiên cứu
văn bản văn học dân gian", Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr. 16-19.
108.Nguyễn Trần Hạnh Nguyên (1998), So sánh nghệ thuật trong ca dao - dân
ca trữ tình Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Sư phạm
Tp.HCM.
109.Trương Thị Nhàn (1991), "Giá trị biểu trưng nghệ thuật của một số vật thể
nhân tạo trong ca dao cổ truyền Việt Nam", Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr.46-52.
110.Trương Thị Nhàn (1992), "Tìm hiểu ngồn ngữ nghệ thuật ca dao qua một tín
hiệu thẩm mỹ", Tạp chí Văn hóa dân gian, (4), tr. 18-21.
111.Trương Thị Nhàn (1995), “Sự biểu đạt bằng ngôn ngữ các tín hiệu thẩm mỹ
không gian trong ca dao”, Luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
112.Phùng Quý Nhâm (1996), "Vấn đề bản sắc dân tộc trong văn học", Kỷ yếu
khoa học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, tr.175-183.
113.Phan Đăng Nhật (1981), Quá trình hình thành biểu tượng bọc thai chung,
Luận án Phó tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
114.Phan Đăng Nhật, Tô Đông Hải (1987), "Con thuyền trong ca dao Việt
Nam", Báo Văn nghệ, Hà Nội, (6), tr. 15.
115.Bùi Mạnh Nhị (1984), "Một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao - dân ca Nam
bộ", Tạp chí Ngôn ngữ, (1), tr.26-32.
116.Bùi Mạnh Nhị (1988), Phân tích tác phẩm văn học dân gian, Sở Giáo dục
An Giang xuất bản.
117.Bùi Mạnh Nhị (1998), "Thời gian nghệ thuật trong ca dao - dân ca trữ tình",
Tạp chí Văn học, (4), tr.30-36.
118.Bùi Mạnh Nhị, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp (1999), Văn học dân
gian - Những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh.
119.Nhiều tác giả (1985), Từ điển văn học, tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
120.Nhóm Lam Sơn (1963), Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa, NXB Văn học, Hà
Nội.
121.A.M. Nôvicôva (1983), Sáng tác thơ ca dân gian Ngư, NXB Đại học và
Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
122.Vũ Ngọc Phan (1976), Qua những trang văn, NXB Văn học, Hà Nội.
123.Vũ Ngọc Phan (1992), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Hội Nghiên cứu
và giảng dạy văn học Tp.HCM xuất bản.
124.Hoàng Phê (chủ biên) (1988), Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội.
125.Đông Phong (1998), về nguồn văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Mũi Cà
Mau.
126.Thuần Phong (1957), Ca dao giảng luận, NXB Á Châu, Sài Gòn.
127.Thuần Phong (1957), "Đất nước trong ca dao", Tạp chí Bách khoa, Sài Gòn,
(17), tr.34-35, (18), tr.36-41, (19), tr.40-48.
128.Thạch Phương, Ngô Quang Hiển (1994), Ca dao Nam Trung bộ, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội.
129.Lê Thị Hồ Quang (2001), "Mùa thu còn là một biểu tượng thời gian trong
con mắt Xuân Diệu", Tạp chí Ngôn ngữ, (15), tr.48-51.
130.Nguyên Tử Quang, (1993), Điển hay tích lạ, NXB Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh.
131.Lê Chí Quế (1990), "Các thể loại trữ tình dân gian", Văn học dân gian Việt
Nam của Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ biên soạn, tr.260-295.
132.Hoàng Sỹ Quý (1980), "Tục ăn trầu trên thế giới", Tạp chí Phương Đông,
Sài Gòn, (8 và 9), tr. 109- 121.
133.Hoàng Sỹ Quý (1980), "Về một số phong tục chung có ở các dân tộc miền
Đông Nam Á", Tạp chí Dân tộc học, (2), tr.77-80.
134.Vũ Tiến Quỳnh (1995), Ca dao - Tục ngữ, NXB Văn nghệ, Tp.Hồ Chí
Minh.
135.Rô-lăng Bác-tơ (1997), Trí tưởng tượng của tín hiệu, Tài liệu dịch và đánh
máy, Thư viện Khoa học xã hội, Hà Nội,
136.F;D.Saụssure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
137.Đặng Đức Siêu (1998), Ngữ liệu văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
138.Lê Văn Siêu (1993), Nếp sống tình cảm của người Việt Nam, NXB Mũi Cà
Mau.
139.Sở Văn hóa và thông tin Vĩnh phú (1986), Văn hóa dân gian vùng đất tổ.
140. Phạm Côn Sơn (1994), Cau trầu đầu chuyện, NXB Đồng Tháp.
141.Trần Đình Sử, Phương Lựu (1986 - 1987), Lý luận văn học, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
142.Trần Đình Sử (1993), "Những tìm tòi mới về thi pháp ca dao", Tạp chí Văn
hóa dân gian, (2), tr.43-45.
143.Trần Đình Sử (1993), Giáo trình thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm
Tp.HCM xuất bản.
144.Trần Đình Sử (1996), "Tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học", Tạp chí Văn học,
(1), tr.31-35.
145.Hà Công Tài (1988), "Biểu tượng trăng trong thơ ca dân gian", Tạp chí Văn
học, (5-6), tr.65-68.
146.Hà Công Tài (1991), "Hiện tượng ca dao trong lịch sử thơ ca tiếng Việt",
Tạp chí Văn học, (1), tr.30-33.
147.Hà Công Tài (1994), "Hình tượng ẩn dụ - một dạng thức độc đáo của hình
tượng thơ ca", Tạp chí Văn học, (4), tr.41-42.
148.Hà Công Tài (1997), "Cấu trúc ẩn dụ hóa trong thơ", Tạp chí Văn học, (5),
tr.44- 47.
149.Đỗ Văn Tân (1984), Ca dao Đồng Tháp Mười, Sở Văn hóa thông tin Đồng
Tháp xuất bản.
150.Vũ Mạnh Tần (1991), "Không - thời gian nghệ thuật trong một bài ca dao",
Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr.55-56.
151.Hoài Thanh (1970, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội.
152.Nhất Thanh (1970), Đất lề quê thói, Cơ sở ấn loát Đường Sáng, Sài Gòn.
153.Phan Xuân Thành (1990), "Tính biểu trưng của thành ngữ tiếng Việt", Tạp
chí Văn hóa dân gian, (3), tr.36-37.
154.Nguyễn Phương Thảo (1997), Văn hóa dân gian Nam bộ - Những phác
thảo, NXB Giáo dục, Hà Nội.
155.Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam (1990), Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt
Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
156.Trần Ngọc Thêm (1996), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Đại học Tổng hợp
Tp.HCM xuất bản.
157.Hồng Thiên (1959), "Tục trầu cau đối với người Việt Nam", Văn hóa
Nguyệt san, Sài Gòn, (38), tr.110-111.
158.Huệ Thiên (2000), "Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời", Kiến thức
ngày nay, (số Xuân Canh Thìn), tr.44-48.
159.Phan Thiều, Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Thanh Tùng (1983), Giảng dạy từ
ngữ ở trường phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.
160.Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (1990), Quan niệm về folklore, NXB Khoa học
xã hội, Hà Nội.
161.Nguyễn Đăng Thục (1961), Văn hóa Việt Nam với Đông Nam Á, Văn hóa Á
Châu xuất bản, Sài Gòn.
162.Nguyễn Đăng Thục (1964), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I, NXB Khai Trí,
Sài Gòn.
163.Nguyễn Bích Thúy (1998), "Thủ pháp tượng trưng, một trong những đặc
trưng thi pháp thơ tình R. Tagore", Kỷ yếu khoa học khoa Ngữ văn, Trường Đại học
Sư phạm Tp.HCM xuất bản, tr. 187-192.
164.Thư viện Viện Văn hóa dân gian, Chuyện hoang đường về cây mọc cạnh
nhau, Tài liệu dịch lưu trữ.
165.Lê Huy Tiêu (1993), Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội.
166.Trương Xuân Tiếu (1992), "Tìm hiểu định hướng thẩm mỹ trong một bài ca
dao", Tạp chí Văn hóa dân gian, (3), tr.76-78.
167.Tổ Văn học dân gian (Viện Văn học) (1964), Truyện cổ dân gian các dân
tộc Việt Nam, tập in, NXB Văn học, Hà Nội.
168.Đỗ Bình Trị (1991), Văn học dân gian Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
169.Đỗ Bình Trị (1995), Phân tích tác phẩm văn học dân gian, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
170.Đỗ Bình Trị (1997), Văn bản văn học dân gian và việc phân tích tác phẩm
văn học dân gian trong nhà trường phổ thông, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM
xuất bản.
171.Hà Bình Trị (1990), "Bài thơ "Tương tư" của Nguyễn Bính", Tạp chí Văn
hóa dân gian, (3), tr. 13-14.
172.Hoàng Trình (1973), "Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học", NXB Văn học,
Hà Nội.
173.Hoàng Trình (1986), Đối thoại văn học, NXB Hà Nội.
174.Hoàng Trình (1997), Từ ký hiệu học đến thi pháp học, NXB Đà Nẵng.
175.Hoàng Trình (1997), "Từ hỗn mang đến trật tự: Vai trò liên ngành của ký
hiệu học", Tạp chí Văn học, (I), tr.9-10.
176. Nguyễn Viết Trung (2000), "Gốc tích rồng Việt", Báo Tuổi trẻ, (số Xuân
Canh Thìn), tr.38.
177. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (1982), Giảng văn, tập I.
178.Cù Đình Tú (1983), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Đại
học và Trang học chuyên nghiệp, Hà Nội.
179.Nguyễn Quảng Tuân (2000), "Con rồng trong mỹ thuật Việt Nam", Kiến
thức ngày nay, (số Xuân Canh Thìn), tr.28-30.
180.Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Lạc (1993), Giảng văn văn học dân gian Việt
Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
181.Nguyễn Quốc Túy (1992), "Thử tìm hiểu ảnh hưởng của văn hóa dân gian
đối với thơ mới", Tạp chí Văn hóa dân gian, (4), tr.33-39.
182. Hoàng Tiến Tựu (1983), Mấy vấn đề về phương pháp giảng dạy nghiên cứu
văn học dân gian, NXB Giáo dục, Hà Nội.
183. Hoàng Tiến Tựu (1992), Bình giảng ca dao, NXB Giáo dục, Hà Nội.
184. Hoàng Tiến Tựu (1998), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà
Nội.
185.Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1980), Lịch sử văn học Việt Nam, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
186.Phan Thị Bích Vân (1997), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao dân ca trữ
tình cổ truyền Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp Đại học, Trường Đại học Sư Phạm
TP.HCM.
187.Chế Lan Viên (1984), "Hồn nhiên và công thức", Tạp chí Văn học, (1),
tr.94-103.
188.Lê Trí Viễn (1987), Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam, NXB Đại học và
Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
189.Lê Trí Viễn (1998), "Đôi nét về thẩm mỹ Việt Nam", Tạp chí Văn học, (4),
tr.5-13.
190.Viện Văn hóa dân gian (1989), Văn hóa dân gian - Những lĩnh vực nghiên
cứu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
191.Viện Văn hóa dân gian (1990), Văn hóa dân gian - Những phương pháp
nghiên cứu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
192.Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Đại
học Quốc gia, Hà Nội.
193.Nguyễn Khắc xương (1999), "Chợ phong tục trong văn hóa làng", Tạp chí
Nguồn Sáng, tr.23.
94.Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (1994), Từ điển giãi
thích thành ngữ gốc Hán, NXB Văn hóa, Hà Nội.
195.Phạm Thu Yến (1996), "Tính dân tộc và phép "đối ngẫu tâm lý" trong thơ ca
trữ tình dân gian", Tạp chí Văn học, (3), tr.57-59.
196.Phạm Thu Yến (1998), Những thế giới nghệ thuật ca dao, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
197.Phạm Thu Yến (1999), "Vấn đề nghiên cứu biểu tượng thơ ca dân gian",
Tạp chí Văn học, (4), tr.35-40
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO
TRUYỀN THONG NGƯỜI VIỆT
QUI CÁCH TRÌNH BÀY
Danh mục các biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt được
chúng tôi sắp xếp theo trật tự chữ cái của tiếng đầu trong tên gọi biểu tượng, đánh số
theo thứ tự từ đầu đến cuối. Để người đọc tiện theo dõi, chúng tôi cố gắng xếp các
biểu tượng cùng nhóm đi gần với nhau. Tất nhiên cũng có một số ít trường hợp không
thể làm như vậy do tên gọi của biểu tượng chi phối. Mỗi biểu tượng chúng tôi lựa
chọn hai hoặc ba ví dụ, qua đó, các biến thể cũng được thể hiện rõ. Thành lập bảng
danh mục này, chúng tôi chủ yếu giới thiệu với người đọc số lượng phong phú của các
nhóm biểu tượng, các biểu tượng, các biến thể cùng với các phạm trù, các mối quan hệ
được khai thác ở cái biểu đạt của biểu tượng. Phần nội dung ý nghĩa của biểu tượng
chúng tôi chỉ bước đầu phác họa, có thể chưa thật đầy đủ, chính xác vì điều kiện thời
gian có hạn.
Danh mục này chưa phải là toàn bộ hệ thống biểu tượng nghệ thuật trong ca dao
truyền thống người Việt mà chỉ mới bao gồm những biểu tượng tiêu biểu nhất. Do
phải bao quát một khối lượng tư liệu lớn nên có lẽ chúng tôi khó tránh khỏi những sai
sót. Rất mong được quý thầy cô, quý bạn đọc góp ý để bảng danh mục ngày càng
hoàn chỉnh hơn .
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bieu_tuong_nghe_thuat_trong_ca_dao_truyen_thong_nguoi_viet_5396.pdf